Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo.(tt1)

30/12/2020 | Lượt xem: 1926

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng

CHƯƠNG I: KIẾN ĐẠO (tt1)

II. CHỈ RA TÁNH THẤY

Khi ấy A-nan ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, chệch áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, chắp tay cung kính bạch Phật rằng:

- Con là em út của Phật, nhờ Phật thương xót, nay tuy được xuất gia, vẫn còn ỷ lại lòng thương yêu của Phật. Do đó chỉ học nhiều mà chưa được vô lậu, không thể chiết phục thần chú Sa-tỳ-la, bị chú làm lay chuyển, phải sa vào nhà dâm, chính là do không biết được mé chân thật để đến. Cúi mong Thế Tôn mở lòng đại từ thương xót, chỉ dạy cho chúng con con đường thiền định (xa-ma-tha), khiến những người không có lòng tin (xiển-đề) trừ bỏ được các tà kiến.

Anan thưa thỉnh xong, gieo năm vóc xuống đất, cùng với đại chúng đều khát ngưỡng trông chờ được nghe lời chỉ dạy của Phật.

Ngài A-nan qua bảy chỗ chấp tâm đều sai, mới đảnh lễ Phật tha thiết cầu xin chỉ dạy. Ngài thưa, do ỷ lại vào lòng thương xót của Phật, nên tuy đã xuất gia, chỉ một bề học rộng mà không lo tu. Vì vậy chưa được vô lậu, tức là chưa chứng A-la-hán, nên bị thần chú của ngoại đạo làm mê hoặc, dẫn tới nhà dâm. Ngài cầu Phật thương xót chỉ dạy cho con đường thiền định để tiến tới chỗ giác ngộ chân thật. Không riêng ngài A-nan, mà cả chúng cũng mong chờ được nghe lời Phật dạy.

Khi ấy đức Thế Tôn từ cửa mặt phóng ra các thứ hào quang. Các hào quang ấy sáng rỡ như trăm ngàn mặt trời, soi khắp các cõi Phật, có sáu thứ chấn động. Như thế các cõi nước ở mười phương nhiều như số vi trần đồng thời hiện ra. Do oai thần của Phật khiến các thế giới hợp thành một thế giới. Trong thế giới ấy có tất cả các vị đại Bồ-tát, đều ở tại nước mình chắp tay chờ nghe Phật dạy.

Đoạn này vừa sự vừa lý:

- Về sự: Trước khi muốn chỉ chỗ tu hành thiết yếu, đức Phật phóng quang để cho mọi người thấy các cõi nước Phật khác. Đây là nương thần lực của Phật, hội chúng thấy được lẽ chân, chứ chưa phải tự mình thấy.

- Về lý: Cửa mặt là khoảng giữa hai chân mày, tượng trưng cho trí tuệ. Trí tuệ của Phật và trí tuệ của chư Phật khắp mười phương đều đồng một thể, bởi đồng thể nên hợp các thế giới lại thành một thế giới.

Phật dùng trí tuệ chỉ cho mọi người thấy được lẽ chân thật. Không chỉ riêng hàng Thanh văn hiện có trong hội, mà cả những vị Bồ-tát trong các cõi nước kia, cũng như chúng ta hiện nay, đều trông chờ được nghe lời Phật dạy.

Phật bảo A-nan: - Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, theo các thứ điên đảo, tự nhiên tạo giống nghiệp như chùm ác-xoa. Những người tu hành không thể thành được Vô thượng Bồ-đề, mà chỉ thành Thanh văn, Duyên giác và thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma, đều do không biết hai thứ căn bản, tu tập sai lầm. Họ giống như nấu cát mà muốn thành cơm ngon, dù trải qua số kiếp như vi trần, trọn không thể được.

Ác-xoa là tên một thứ trái ở Ấn Độ, Trung Hoa dịch là Diên quán châu. Ba trái chung một cuốn nên gọi là chùm ác-xoa, khi trái này rụng xuống đất tự nhiên tụ lại một chỗ. Đây dụ cho ba thứ: hoặc, nghiệp và khổ chẳng rời nhau. Nghiệp của chúng sanh huân tập từ thuở nào, kết thành chùm nghiệp, chịu khổ, không thể chia rời được. Đến đây đức Phật chỉ ra lý do tại sao người tu hành không đạt được cứu cánh, có khi lại còn sai lầm.

Đức Phật nêu lên tai họa lớn lao của chúng ta bị luân hồi vô lượng kiếp đến giờ, gốc từ không biết hai thứ căn bản, tu tập sai lầm. Bởi không biết hai thứ căn bản để tu, nên dù nỗ lực công phu nhưng không chứng được Phật quả. Cao lắm là chứng quả Thanh văn Duyên giác, còn không thì thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương hoặc quyến thuộc của ma. Cũng như hiện nay, có nhiều người tu thích được ai dựa hoặc được bậc nào đó về để phù hộ cho, vì vậy trở thành quyến thuộc của ma.

Người tu do không biết được hai thứ căn bản nên tu hành sai lầm, không thể có kết quả tốt. Giống như nấu cát mà muốn thành cơm ngon. Những người này tu hành, dù trải qua thời gian bao lâu cũng không thể nào thành Phật. Kế đây Phật sẽ chỉ ra hai cội gốc căn bản đó.

Thế nào là hai thứ căn bản? Này A-nan, một là cội gốc sanh tử từ vô thủy, chính hiện nay ông cùng các chúng sanh, dùng tâm phan duyên cho là tự tánh. Hay là Bồ-đề Niết-bàn từ vô thuỷ, vốn là bản thể thanh tịnh, chính nay là thức tinh nguyên minh của ông, hay sanh ra các duyên, nhưng khi theo duyên thì bỏ quên nó. Do các chúng sanh bỏ quên bản minh này, nên tuy trọn ngày dùng nó mà không tự biết, luống vào trong các nẻo.

Cội gốc căn bản thứ nhất là dùng tâm phan duyên cho là tự tánh. Tâm phan duyên là tâm dính mắc, chạy đuổi theo sáu trần. Chúng ta lâu nay nhận tâm phan duyên này làm tâm tánh của mình. Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần, mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi... liền vin theo đó để phân biệt đẹp xấu, đánh giá thế này thế kia, rồi chấp nê sanh ra yêu ghét... cho đó là tâm mình. Vì vậy trôi lăn trong sanh tử muôn đời muôn kiếp.

Cội gốc căn bản thứ hai là thể thanh tịnh Bồ-đề Niết-bàn sẵn có từ vô thủy đến nay, chính là thức tinh nguyên minh hiện có nơi mỗi người. Thức tinh là cái tinh ba của thức, nguyên minh là vốn sáng suốt. Thức tinh nguyên minh là thể tánh tịnh minh hay sanh ra các duyên, nhưng khi theo duyên thì lại bỏ sót nó. Bởi quên mất bản tánh yên lặng trong sáng thường hằng này, nên dù trọn ngày sống với nó mà không tự biết, phải đi trong sanh tử luân hồi. Cũng như gương soi phản chiếu vô số hình ảnh, nhưng khi chúng ta nhìn vào gương thấy các hình ảnh thì không còn nhớ mặt gương nữa. Hình ảnh đâu rời mặt gương mà có, song khi nhớ hình ảnh thì quên mặt gương. Quên gọi là bỏ sót. Cái hằng hữu bên mình mà chúng ta không nhớ, hằng sống với nó mà không biết. Đây là chỗ rất hệ trọng.

Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, theo kinh Lăng-già có chia ra ba lượng:

1. Hiện lượng là cái thấy ngay phút giây ban đầu.

2. Tỷ lượng là khởi so sánh phân biệt.

3. Phi lượng là ý nghĩ sai lầm, không đúng lẽ thật.

Khi mắt nhìn thấy các vật như quạt, đèn v.v... chưa dấy khởi phân biệt mà vẫn thấy biết rõ ràng, đó là hiện lượng. Nhưng ít khi chúng ta dừng ngang đó, mà thấy thì liền đánh giá quạt này đẹp hay xấu, chừng bao nhiêu tiền... gọi là tỷ lượng. Không dừng ở cái thấy ban đầu nữa, mà so sánh phân biệt rồi sanh chấp trước sai lầm, dẫn đến phiền não điên đảo, đó là phi lượng.

Như vậy, ngay nơi sáu căn của chúng ta đủ ba thứ: hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng. Thức tinh nguyên minh tương ưng với hiện lượng. Trong nhà thiền thường nói "hằng thấy, hằng nghe mà không khởi phân biệt", tức là không khởi tỷ lượng và phi lượng. Sống với hiện lượng là sống trong thể thanh tịnh Bồ-đề Niết-bàn vốn sẵn có từ vô thủy đến giờ, chứ không phải nay tu mới có. Nhưng do chúng sanh bỏ quên bản minh này, nên chịu oan uổng đi trong các đường.

Kinh Lăng-nghiêm là một quyển kinh nói về thiền. Nhà thiền thường nói: "Cây gậy là cây gậy, hoa hồng là hoa hồng", không thêm gì nữa. Đó là nhìn sự vật với hiện lượng. Thể của tâm là biết, nếu ngay khi thấy nghe, chúng ta không chạy theo bóng dáng sáu trần, đây chính là kiến tinh nguyên minh hay thức tinh nguyên minh. Sống trở lại cái sáng ban đầu đó, tức là Bồ-đề Niết-bàn. Nếu cứ bỏ quên bản minh chạy theo các duyên thì sẽ trôi đi trong sanh tử vào các cõi.

Đức Phật chỉ dạy hai điều căn bản rất rõ ràng, chúng ta đừng lầm tâm duyên theo ngoại cảnh cho đó là tâm thật của mình, mà phải biết nó là gốc của sanh tử luân hồi. Tất cả chúng ta đang bị tâm phan duyên này chi phối, làm sao lìa được nó thì mới có thể giải thoát. Nhưng nếu lìa nó mà không biết cái thật thì cũng không có căn bản. Nên phải biết gốc Bồ-đề Niết-bàn là bản thể thanh tịnh, đó chính là tâm hiện lượng sẵn có. Biết rõ gốc ngọn như vậy, tu mới không bị lầm lẫn, không rơi vào các đường tà, thẳng đến giác ngộ giải thoát.

Đến đây người nghe có thể hiểu được về lý thuyết, nhưng trên thực tế chưa có gì cụ thể để chứng minh, nên kế tiếp Phật dùng hình ảnh để minh chứng.

- Này A-nan! Nay ông muốn biết con đường thiền định, mong ra khỏi sanh tử, ta lại hỏi ông.

Liền khi đó, Như Lai đưa cánh tay sắc vàng, co năm ngón lại, hỏi A-nan rằng: - Nay ông thấy chăng?

A-nan thưa: - Thấy.

Phật hỏi: - Ông thấy cái gì?

A-nan thưa: - Con thấy Như Lai đưa cánh tay lên, co năm ngón làm thành nắm tay sáng rỡ, chiếu rọi vào tâm mắt con.

Phật bảo: - Ông lấy cái gì để thấy?

A-nan thưa:

- Con cùng đại chúng đều dùng con mắt thấy.

Phật bảo: A-nan! Nay ông trả lời ta rằng Như Lai co năm ngón lại thành nắm tay sáng rỡ, chiếu vào tâm mắt ông. Mắt ông có thể thấy, vậy lấy gì làm tâm để biết được nắm tay sáng rỡ của ta?

Đây là hình ảnh Phật nêu lên cụ thể ngài A-nan xác định cái gì là tâm. Phật muốn gạn lại: khi A-nan thấy nắm tay của Phật, ngài phân biệt nó là nắm tay sáng rỡ, vậy nếu cái thấy đó là mắt thì lấy gì làm tâm?

A-nan thưa: - Hôm nay đức Như Lai gạn hỏi tâm ở chỗ nào, con dùng tâm suy xét cùng tột để tìm kiếm, cái hay suy xét đó con cho là tâm của con.

Phật bảo: - Dốt! A-nan! Cái này không phải là tâm của ông.

A-nan hoảng sợ, rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy chắp tay bạch Phật:

- Cái ấy không phải là tâm con, vậy nên gọi là gì?

Phật bảo A-nan: - Đây là tướng tưởng hư dối của tiền trần, ông lầm cho là chân tánh. Do ông từ vô thủy đến đời nay nhận giặc làm con, bỏ mất tánh nguyên thường của ông, nên phải bị luân chuyển.

Ngài A-nan cho cái hay suy nghĩ là tâm, cũng như chúng ta thường nói tâm tôi bận suy nghĩ điều này, lo tính việc kia. Đức Phật quở rầy để chỉ thẳng cho thấy chỗ sai lầm. Cái suy nghĩ ấy không phải là tâm chân thật, đó chỉ là tướng vọng tưởng duyên theo bóng dáng sáu trần, che mất chân tánh chúng ta, vậy mà lâu nay lầm chấp cho nó là tâm của mình.

Thế nào là tướng tưởng duyên theo bóng dáng sáu trần? Ví dụ khi chúng ta đi ra đường thấy tai nạn xe cộ, tối lại ngồi thiền những hình ảnh ấy hiện ra, nghĩ tới cảnh đó mình sợ. Rõ ràng tâm nghĩ nhớ đó chỉ là vọng tưởng duyên theo bóng dáng của tiền trần, chứ đâu phải tâm thật của mình. Do thấy những cảnh trên đường, ngồi nhớ lại rồi duyên theo phân biệt. Cái duyên theo đó chỉ là hình bóng hư dối, vậy mà từ vô thủy đến giờ lầm nhận nó là thật, chẳng khác nào nhận giặc làm con, quên mất bản lai thường trụ, nên bị luân hồi mãi mãi.

Đoạn trước Phật vừa dạy vừa an ủi nên ngài A-nan vẫn còn lầm chấp, đến đây bị Phật quở mạnh ngài mới giật mình hoảng hốt. Đức Phật chỉ thẳng cho ngài A-nan biết, đó chỉ là vọng tưởng duyên theo bóng dáng sáu trần, nếu theo nó sẽ tiếp tục đi mãi trong luân hồi. Muốn hết luân hồi, phải biết đó là giặc chứ không phải là con. Tất cả chúng ta có người nào chẳng nhận giặc làm con không? Đó là chỗ mê lầm ngàn đời ngàn kiếp. Vì nhận lầm bóng dáng tiền trần làm tâm, nên chúng ta bị đau khổ dài dài, trôi lăn mãi trong luân hồi tới bây giờ cũng chưa ra khỏi sanh tử.

Gốc của sanh tử luân hồi mà chúng ta lại chấp nhận nó là mình, có đáng thương không? Vì vậy cần phải tập buông bỏ, tức là không theo giặc thì không bị nó dẫn đi trong sanh tử nữa. Như chiếc bè mục ở bờ biển, một số trẻ em leo lên bè mục ấy bơi ra biển chơi. Chúng ta thấy vậy thương lo lắng nhắc nhở, để các em biết bè đó đã bị hư mục, nếu ra xa sẽ bị sóng nhồi làm rã bè chết chìm. Cũng vậy, khi nhận biết vọng tưởng duyên theo bóng dáng sáu trần là gốc của luân hồi sanh tử, làm sao không thương những người còn ngu mê lầm chấp được. Đây gọi là khởi đại bi tâm.

Vì vậy, có nhiều vị tuy biết mình chưa đến nơi, muốn ẩn tu cho yên ổn, nhưng khi nhớ lại những người xung quanh còn đang mê lầm, không thể ngồi yên mà tu riêng được. Do thấy rõ sự mê lầm của mọi người nên lòng thương xót tràn đầy. Nếu thấy ai đói mình thương, còn người no thì không thương, đó chưa phải là từ bi. Từ bi là thương hết tất cả chúng sanh đang ở trong mê lầm không có ngày ra mà không tự biết, đây mới thật là tâm từ bi của Bồ-tát.

Bồ-tát Địa Tạng phát nguyện, chừng nào chúng sanh không còn trong địa ngục thì ngài mới hết bổn phận. Hiểu được chỗ này, chúng ta thấy lời dạy của ngài không phải vô lý. Bởi vì thấy chúng sanh đáng thương quá, đâu thể ngồi yên bỏ mặc. Cũng như chúng ta thấy đám trẻ nhỏ leo lên bè mục, làm sao không tìm cách bơi ra cứu chúng, đâu nỡ nhìn chúng chết chìm ngoài biển.

Chúng ta thử kiểm lại, trên nhân gian có mấy người biết vọng tưởng không phải là tâm chân thật của mình? Chính trong chúng đây, có người còn chưa tin chắc, huống là những người chưa từng nghe giảng kinh thì làm sao biết được.

A-nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Con là em cưng của Phật, vì tâm yêu mến Phật nên con xuất gia. Tâm con đâu riêng cúng dường Như Lai, cho đến trải khắp cõi nước hằng sa, phụng sự chư Phật và thiện tri thức, phát tâm đại dũng mãnh, làm tất cả các pháp sự khó làm, đều dùng cái tâm này. Dầu cho con có hủy báng chánh pháp, hằng lui sụt căn lành cũng nhân tâm này. Nếu Phật phát minh đó không phải là tâm, vậy là con không có tâm, đồng như cây như đất. Vì ngoài hiểu biết này, đâu còn gì nữa! Tại sao đức Như Lai bảo đây không phải là tâm? Con thật là kinh sợ, và cả đại chúng này thảy đều nghi ngờ. Cúi xin Như Lai rủ lòng đại bi chỉ dạy cho người chưa ngộ.

Dù Phật đã chỉ dạy nhưng A-nan vẫn còn thấy cái hay suy nghĩ là tâm mình, ngài đưa ra hai trường hợp:

- Ngài xuất gia do tâm thương mến Phật. Khi xuất gia rồi, cúng dường chư Phật, phụng thờ thiện tri thức, nghĩ lành, làm việc lành v.v... đều dùng cái tâm suy nghĩ này.

- Giả sử ngài nghĩ điều ác, làm việc xấu cũng là tâm này.

Nghĩ thiện nghĩ ác đều từ tâm này, bây giờ Phật nói đó không phải là tâm, vậy là mình chẳng có tâm, đồng như cây đất sao? Lìa hiểu biết ấy không còn gì nữa, vậy lấy gì mà tu? Tại sao Phật lại nói như thế, chính chỗ này làm ngài A-nan hoảng hốt.

Lâu nay chúng ta thường cho rằng cái hay suy nghĩ làm thiện làm ác là tâm mình. Nên khi không suy nghĩ, không tính toán gì thì tưởng như mình không có tâm, do đó lầm lẫn trên đường tu. Vì vậy đây không chỉ là chỗ lầm của ngài A-nan, mà cũng chính là chỗ sai lầm của tất cả chúng ta.

Đoạn trước, đức Phật đã chỉ rất rõ ý nghĩa hai thứ căn bản sanh tử và Bồ-đề Niết-bàn, nhưng ngài A-nan vẫn không biết. Cũng có thể ngài vì muốn làm lợi ích chúng sanh đời sau, nên thị hiện chưa hiểu để nài nỉ Phật chỉ dạy thật kỹ thật rõ cho người sau dễ hiểu mà ứng dụng tu tập.

Bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy cho A-nan và đại chúng, muốn khiến cho tâm vào vô sanh pháp nhẫn, nên ở trên tòa sư tử xoa đầu A-nan mà bảo rằng:

- Như Lai thường nói, các pháp sanh ra chỉ do tâm hiện; tất cả nhân quả, thế giới, vi trần cũng nhân tâm mà thành thể. Này A-nan! Như tất cả những thứ có trong các thế giới, cho đến lá cây, cọng cỏ, sợi dây, cái gút, tìm căn nguyên của nó đều có thể tánh; dù cho hư không cũng có tên, có tướng, huống là tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu, là tánh của tất cả tâm mà không có tự thể sao? Nếu ông chấp chặt cái hay biết suy xét phân biệt, quyết cho là tâm ông, tâm này lẽ ra khi lìa tất cả các sự nghiệp trần cảnh: sắc, hương, vị, xúc v.v... riêng có toàn tánh.

Phật xoa đầu an ủi A-nan rồi mới chỉ dạy, vì biết rằng đây là chỗ khó hiểu, khó thấu đáo.

Đức Phật chỉ cho thấy rõ, tất cả sự vật trên thế gian này, truy nguyên đều có nguồn gốc, huống chi là tánh thanh tịnh của mình. Nếu chấp chặt vào cái hiểu biết phân biệt đối với ngoại cảnh cho đó là tâm thì tâm này khi rời tiền trần phải có tự tánh riêng biệt. Nếu rời sáu trần chẳng còn thì không thật là tâm. Đây là chỗ cần phải lưu ý.

Chúng sanh do chấp những thứ không thật làm mình nên đi mãi trong luân hồi. Nay muốn được Vô sanh pháp nhẫn, phải biết cái gì lìa ngoài sáu trần mà vẫn thường hằng. Nếu nhận được tánh phân biệt sẵn có thì nơi sáu trần mặc tình đi lại, không hề dính dáng. Đây là Phật đại từ đại bi phương tiện chỉ thẳng, muốn cho chúng sanh dứt sạch nghi lầm. Như vậy mới thấy Phật với Tổ chẳng hai, kinh và thiền không khác.

Như nay ông lắng nghe ta nói pháp, đó là nhân nơi tiếng mà có phân biệt. Dù dứt tất cả thấy nghe hiểu biết, giữ cái thầm lặng bên trong cũng vẫn là việc phân biệt bóng dáng pháp trần.

Năm trần trước do năm căn tiếp xúc mà có nhận biết, còn pháp trần là đối tượng của ý thức. Khi ý thức hơi yên, tuy không chạy ra ngoài nhưng bên trong vẫn còn lăng xăng, phân biệt những bóng dáng của pháp trần. Chỗ u nhàn mờ mờ lặng lặng đó, mình tưởng là tới nơi, chứ sự thật đây vẫn là việc phân biệt bóng dáng pháp trần.

Ta không bảo ông chấp là chẳng phải tâm. Nhưng đối với tâm này, ông phải chín chắn suy xét. Nếu lìa tiền trần mà có tánh phân biệt mới thật là tâm ông; còn nếu lìa tiền trần, tánh phân biệt không có tự thể, đây ắt là việc phân biệt bóng dáng tiền trần.

Đoạn này rất hệ trọng. Không phải Phật bác hiểu biết chẳng phải là tâm, vì biết chính là tâm, nhưng Phật dạy phải suy nghĩ chín chắn. Lâu nay chúng ta luôn chấp suy nghĩ là tâm, nên khi nghe Phật nói suy nghĩ không phải là tâm chân thật của mình, liền hoảng hốt cho như vậy là không có tâm, do đó rơi vào bệnh chấp không.

Đức Phật muốn chỉ cho thấy thật rõ, nếu sự phân biệt do các căn tiếp xúc trần cảnh mới có thì nó thuộc về bóng của trần, là tướng sanh diệt. Chạy theo bóng dáng sáu trần tức là tâm sanh diệt. Nếu phân biệt rời sáu trần riêng có, đó mới thật là tâm. Ví dụ lúc chúng ta thấy cảnh vật hoặc nghe ai nói mới khởi phân biệt, phân biệt đó do duyên mới có, nên thuộc về sanh diệt. Khi sắc trần, thanh trần... không có, mà vẫn biết rõ ràng sáng suốt, đây mới thật là tâm mình.

Thiền sư Huyền Giác đến tham kiến Lục Tổ. Sau khi được Tổ ấn chứng, ngài xin trở về liền. Lục Tổ bảo: Trở về chóng vậy? Huyền Giác thưa: Vốn tự không động, há có mau ư? Lục Tổ bảo: Ai biết chẳng động? Huyền Giác thưa: Nhân giả tự sanh phân biệt. Tổ bảo: Ngươi được ý vô sanh rất sâu. Ngài liền hỏi lại: Vô sanh há có ý sao? Tổ bảo: Nếu không ý thì ai biết phân biệt? Huyền Giác thưa: Phân biệt cũng không phải ý. Tổ khen: Lành thay!

Khi chúng ta thấy người hay vật rồi khởi niệm phân biệt thế này thế kia, đây là A là B, tánh tình ra sao thế nào v.v... từng niệm sanh diệt, suy nghĩ đó thuộc về ý thức phân biệt. Nếu nhìn thấy tất cả, đèn ra đèn, bàn ra bàn, người ra người... cái gì ra cái ấy mà không thêm một niệm nào, thấy biết rõ ràng nhưng không động, đây cũng là phân biệt mà không phải ý.

Nghe nói phân biệt cũng không phải ý, chúng ta thấy khó hiểu quá. Nay tôi tạm dùng ví dụ, như người hay vật hiện bóng trong gương, trắng hiện ra trắng, đen hiện ra đen, cao hiện thấy cao, thấp hiện thấy thấp. Phân biệt hình bóng rõ ràng nhưng gương không hề động.

Kinh và thiền nói không khác nhau. Trong kinh đức Phật chỉ cho thấy, nếu thật là tâm mình thì không đợi có sáu trần mới phân biệt. Lâu nay chúng ta cứ lầm tưởng có suy xét, phê phán đẹp xấu... mới gọi là phân biệt, mà không biết đó là phân biệt của ý thức. Thấy biết phân biệt sẵn có này luôn hiện hữu, dù có trần cảnh hay không. Như con mắt vẫn hằng thấy, không đợi có sắc rồi khởi phân biệt đẹp xấu mới thấy. Hoặc khi nhìn lên trời, có mây hay không mây chúng ta vẫn thấy biết rõ ràng, chứ không phải có mây mới thấy, không mây nói không thấy. Phật chỉ dạy rất rõ, nếu ngay đây sáng được tức đã nhận ra tâm chân thật bất sanh bất diệt nơi mình.

Trần thì chẳng thường trụ, khi nó biến mất, tâm này đồng với lông rùa sừng thỏ thì pháp thân ông đồng với đoạn diệt, vậy lấy gì để tu chứng vô sanh pháp nhẫn?

Trần thuộc về sanh diệt nên không thường trụ. Nếu chấp bóng dáng duyên theo trần là tâm thì giống như cho lông rùa sừng thỏ là thật có. Như vậy pháp thân cũng đồng với đoạn diệt.

Ngay nơi mỗi chúng ta đều có pháp thân. Pháp thân đó rời tiền trần vẫn có phân biệt, lúc nào cũng hiện hữu, là chân tâm của chính mình. Nếu rời tiền trần, tánh phân biệt mất đi thì pháp thân đồng với đoạn diệt, lấy gì để tu chứng vô sanh pháp nhẫn? Vô sanh pháp nhẫn là thấu rõ lý không sanh không diệt của các pháp, trong tất cả cảnh đều an trụ tâm như như bất động. Như vậy, pháp thân không phải gì lạ, không phải khó nhận, tất cả chúng ta người nào cũng đều sẵn có mà quên.

Như gương phản chiếu các hình tượng bên ngoài. Khi nhìn vào gương, chúng ta thường để ý hình bóng mà không nhớ tới mặt gương, chỉ khi nào không có hình bóng mình mới thấy mặt gương. Dù hiện trăm ngàn hình bóng, mặt gương cũng chưa từng vắng. Do cứ duyên theo những hình bóng nên quên mất mặt gương mà thôi. Cũng vậy, có bóng dáng sáu trần là chúng ta lệ thuộc vào đó mà quên chỗ chân thật của mình, chừng nào bóng dáng sáu trần lặng rồi, mặt thật xưa nay mới hiện.

Khi ấy, A-nan cùng đại chúng lặng thinh, tự mất.

Nghe tới đây tại sao ngài A-nan và đại chúng lặng thinh, tự mất? Bởi lâu nay chấp cái hay suy nghĩ là tâm, bây giờ nghe Phật nói đó chẳng phải tâm, biết mà chưa nhận được nên làm thinh. Tuy chưa nhận ra, nhưng những lầm chấp trước kia đến đây không còn nữa, nên nói tự mất.

Phật bảo A-nan:

- Tất cả những người tu học trong thế gian, hiện tiền tuy được cửu thứ đệ định mà không được lậu tận thành A-la-hán, đều do chấp vọng tưởng sanh tử này, lầm cho là chân thật. Thế nên, nay ông tuy học rộng nghe nhiều mà không thành thánh quả.

Cửu thứ đệ định là chín thứ lớp định, gồm có:

1- Sơ thiền

2- Nhị thiền

3- Tam thiền

4- Tứ thiền

5- Không vô biên xứ

6- Thức vô biên xứ

7- Vô sở hữu xứ

8- Phi tưởng phi phi tưởng xứ

9- Diệt thọ tưởng định

A-nan nghe rồi lại buồn khóc, năm vóc gieo xuống đất, quỳ gối chấp tay bạch Phật rằng:

- Từ khi con theo Phật phát tâm xuất gia, chỉ ỷ lại oai thần của Phật, thường tự suy nghĩ con không cần phải tu hành nhọc nhằn, cho rằng Như Lai sẽ ban cho con tam-muội. Chẳng biết thâm tâm vốn không thể thay nhau, bỏ mất bản tâm của con, nên tuy thân xuất gia mà tâm không vào đạo, ví như người cùng tử bỏ cha trốn đi lang thang. Ngày nay mới biết, tuy được học rộng nếu không tu hành thì cùng người không học giống nhau, như người nói ăn trọn chẳng no.

A-nan than thở rất cảm động, ngài nghĩ rằng mình là em của Phật, hiện tại lo hầu Phật là đủ rồi, Phật thương sau này sẽ cho ngài chánh định, đâu cần tu hành. Bấy giờ nghe Phật nói thân tâm còn không thể thay thế nhau, huống là người khác làm sao ban cho mình được, ngài mất đi tâm ỷ lại ngày trước.

Ngài A-nan không những là em mà còn là thị giả của Phật, vậy mà Phật không cứu được. Chúng ta cách Phật hơn hai nghìn rưỡi năm, việc gì cũng cầu Phật cứu thì vô lý. Cứ một bề ỷ lại vào Phật là điều hết sức sai lầm. A-nan đến chỗ này mới thấy mình thân tuy xuất gia mà tâm chưa vào đạo, tức chưa thể nhập vô sanh pháp nhẫn, như cùng tử bỏ cha mà đi. Chúng ta cũng vậy, cha mẹ là trưởng giả giàu có mà mình bỏ đi làm cùng tử, ăn mày rách rưới. Nếu cha mẹ không đủ cơm ăn mình bỏ đi lập nghiệp thì không có lỗi gì, đằng này cha mẹ giàu có hơn người mà lại bỏ đi lang thang chịu cảnh nghèo đói, quả thật đáng thương!

Cha mẹ là gì? Là kho báu nhà mình. Chúng ta có sẵn kho báu mà không biết, bỏ đi không khai thác để phải chịu nghèo đói. Trọn ngày theo đuổi bóng dáng của tiền trần, nắm bắt những thứ giả dối tạm bợ hư ảo, để rồi một mai nó hoại mình cũng hoại theo. Hoại xong lại tiếp tục nắm bắt cái khác, cứ vậy mà lang thang trong các nẻo luân hồi dài dài đời này kiếp nọ, còn của báu bất sanh bất diệt thì lại bỏ quên.

Ngài A-nan nghe Phật nói mới biết, nếu không chịu tu hành thì tuy học rộng nghe nhiều cũng như người không học. Bởi hiểu mà không tu thì đâu đưa đến kết quả, giống như người nói ăn trọn chẳng thể no. Giả sử có người thuộc tên nhiều món ăn nào là chả giò, bánh tráng, bánh hỏi... toàn thức ăn ngon. Người đó kể từ sáng tới trưa mà không ăn thì bụng có no không? Không thể no được. Cũng vậy, chúng ta hiểu đạo nhưng không ứng dụng tu thì không thể cứu được nghiệp của mình, có tu mới chuyển được nghiệp.

Một số người ỷ lại vào học rộng biết nhiều, mở miệng ra nói Bồ-đề, Niết-bàn, chân như, Phật tánh... nhưng chỉ nói trên danh từ chứ thật sự chưa biết Bồ-đề, chưa nhận ra chân như là gì, chẳng khác nào người suốt ngày nói ăn mà bụng vẫn đói. Lâu nay chúng ta quen quan niệm phải học thật nhiều, không ngờ trong sự tu hành thì ngược lại, dám bỏ hết sở học, vọng tưởng không sanh mới thật là học đạo.

Bạch Thế Tôn! Ngày nay chúng con bị hai chướng trói buộc, do vì không biết được tâm tánh lặng lẽ thường trụ. Cúi mong Như Lai thương xót kẻ cùng khổ, phát khởi tâm nhiệm mầu sáng suốt mở con mắt đạo cho chúng con.

Hai chướng là phiền não chướng và sở tri chướng. Do hai chướng này trói buộc nên không biết được tâm tánh thường hằng vắng lặng của mình.

Liền khi ấy, từ chữ Vạn trên ngực đức Như Lai, phóng ra một đạo hào quang báu. Hào quang ấy sáng rỡ, có trăm ngàn màu sắc, một lúc soi khắp các thế giới chư Phật mười phương nhiều như số vi trần. Hào quang chiếu khắp trên đảnh chư Như Lai ở các cõi Phật trong mười phương rồi trở lại soi đến A-nan và đại chúng. Phật bảo A-nan rằng:

- Nay ta vì ông dựng lập pháp tràng lớn, cũng khiến cho tất cả chúng sanh trong mười phương được tâm tánh trong sáng sâu kín nhiệm mầu, được con mắt đạo thanh tịnh.

Đoạn trước đức Phật phóng quang ở cửa mặt, tượng trưng cho trí tuệ Phật. Đến đây Phật phóng quang từ chữ Vạn trên ngực, tượng trưng cho Như Lai tàng tâm, soi rọi khắp cả chư Phật. Tất cả chư Phật đều cùng một tâm này, ngài A-nan và đại chúng cũng cùng tâm này. Hào quang chiếu khắp trên đầu chư Phật, trở lại soi trên đầu A-nan và đại chúng, để nói lên rằng tất cả mọi người đều sẵn có Như Lai tàng tâm chứ không phải riêng Phật mới có.

1. Tánh thấy biết chính là tâm

- Này A-nan, trước ông trả lời với ta là thấy nắm tay sáng rỡ. Vậy nắm tay sáng rỡ này nhân đâu mà có? Vì sao mà thành nắm tay? Ông dùng cái gì mà thấy?

Đoạn trước Phật đưa nắm tay lên, A-nan nói nắm tay của Phật sáng rỡ, nên ở đây đức Phật nhắc lại để hỏi.

A-nan thưa: - Do toàn thân Phật như vàng Diêm-phù-đàn, sáng rỡ như hòn núi báu, từ trong sạch sanh ra, nên có hào quang chiếu sáng. Con thật dùng mắt xem thấy năm ngón tay của Phật co nắm lại để chỉ cho người, nên có tướng nắm tay.

Phật bảo A-nan: - Hôm nay Như Lai thật bảo ông, những người có trí cần do ví dụ mà được khai ngộ. Này A-nan! Ví như nắm tay của ta, nếu không có bàn tay thì không thành nắm tay, nếu không có con mắt của ông thì không thành cái thấy của ông. Lấy con mắt của ông so với nắm tay ta, nghĩa lý đó có đồng chăng?

Nếu Phật hỏi chúng ta, chúng ta cũng thấy điều này hợp lý. Do có bàn tay mới có nắm tay, cũng như do có con mắt nên mới có thấy. Phật khéo dùng ví dụ để ngài A-nan thừa nhận, sau đó mới chỉ dạy.

Đây là những chỗ phát minh rất lý thú, mà người học nhiều khi không khéo thấy. Ngày xưa học đến đoạn này tôi rơi nước mắt, vì thấy thật lạ thường, ở đời không bao giờ được nghe những điều này. Người đời trăm người như một, ai cũng nói do có mắt mình mới thấy. Nhưng ở đây Phật chỉ ra một điều đặc biệt khiến chúng ta phải giật mình.

A-nan thưa: - Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Không có con mắt của con thì không thành cái thấy của con. Đem con mắt của con so với nắm tay của Phật, nghĩa ấy đồng nhau.

Phật bảo A-nan: - Ông nói đồng nhau, nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Như người không bàn tay thì hẳn là không có nắm tay. Còn người không có con mắt kia, chẳng phải hoàn toàn không thấy?

Chúng ta luôn nghĩ rằng bởi có bàn tay nên có nắm tay, có con mắt mới thấy. Nhưng Phật quở, không có con mắt chẳng phải là không thấy. Điều này ngược lại với tất cả những gì lâu nay mình hiểu. Đâu có ai nói người mù thấy, nhưng ở đây Phật bảo người không có con mắt kia chẳng phải hoàn toàn không thấy, chúng ta làm sao hiểu được?

Phật nói người mù không phải hoàn toàn không thấy, đây có phải là một phát minh trọng đại không? Nếu nhận ra được cái thấy của người mù thì quả là điều hy hữu, mà cũng rất ngược ngạo với thế gian, vì thế gian cho rằng người mù không thấy. Nói người mù vẫn thấy, không phải Phật ngụy biện để điều ngược ngạo đó trở thành hữu lý cho chúng ta tin, mà chính là Phật chỉ rõ sự lầm lẫn từ ngàn xưa. Chúng ta thường mắc kẹt vào những hình thức vật chất, cho đó là nguyên nhân của sự hiểu biết, là cơ quan để hiểu biết. Nên khi cơ quan có hình tướng đó hư, chúng ta đinh ninh nó không còn biết nữa, mà không ngờ cái biết đó không bao giờ mất.

Như ngọn đèn điện này, khi có điện nó sáng, đến lúc bóng đèn bị hư nó tắt. Tắt đó là hiện tượng hết hay còn? Điện vẫn còn. Đèn không sáng là do bóng đèn hư chứ không phải không có điện. Chúng ta nói bóng đèn sáng chứ không nói tới điện, đó là chỉ thấy bên ngoài chứ không thấy được tế nhị bên trong. Cũng vậy, con mắt là cơ quan để thấy, nhưng biết được những hình ảnh ở ngoài là nhờ cái bên trong, không phải con mắt. Chúng ta nói con mắt thấy là kẹt trong vật chất, là hiểu lầm. Tất cả mọi người đều hiểu lầm như vậy.

Chính vì kẹt trong vật chất, nên chúng ta luôn bị vật chuyển. Nếu nhận ra được cái biết của mình không bao giờ mất, chúng ta sẽ rõ tâm là chủ tất cả vật, không phải vật là chủ của tâm. Đây là chỗ tối quan trọng. Chúng ta phải đem hết tâm tư nhận ra lẽ thật này, để có được niềm tin vượt ngoài tầm thường của thế gian.

Bởi tại sao? Ông thử ra đường hỏi những người mù: "Anh thấy cái gì?" Những người mù kia ắt sẽ đáp với ông: "Nay trước mắt tôi chỉ thấy tối đen, không thấy gì khác." Lấy nghĩa này quán xét thì tiền trần tự tối, chứ cái thấy nào có thiếu kém.

Người mù nói trước mắt chỉ thấy tối đen. Như vậy thấy tối đen đó là do cảnh ở trước tối chứ cái thấy đâu có mất. Nói không thấy là không thấy sáng bên ngoài nhưng vẫn thấy tối ở trong. Người mù nói thấy tối đen, chứng minh là người mù vẫn thấy, bởi có thấy nên mới nói thấy tối đen. Ngài A-nan không bằng lòng, vặn lại.

A-nan thưa: - Những người mù trước mắt chỉ thấy tối đen thì làm sao mà thành thấy?

Phật bảo A-nan: - Những người mù không mắt chỉ thấy tối đen, cùng với người có mắt sáng ở trong nhà tối, hai cái tối ấy khác nhau hay không khác?

- Bạch Thế Tôn! Đúng vậy, người mắt sáng ở trong nhà tối, cùng với những người mù, đem hai cái tối so với nhau không hề có khác.

Người mù thấy tối đen quờ quạng, người mắt sáng vô nhà tối đen cũng quờ quạng. Hai việc giống hệt nhau. Người mù thấy tối, người không mù cũng thấy tối, cái thấy tối này không khác.

- A-nan! Nếu người mù thấy phía trước hoàn toàn tối đen, chợt được sáng mắt, đối với tiền trần lại thấy được những thứ hình sắc, gọi là mắt thấy. Vậy thì người mắt sáng ở trong nhà tối kia, thấy trước mắt toàn tối đen, chợt được đèn sáng, đối với tiền trần cũng thấy các thứ hình sắc, lẽ ra nên gọi là đèn thấy.

Phật đưa ví dụ rất hay! Nếu người mù có thuốc trị mắt được lành thì thấy cảnh trước mắt rõ ràng, gọi là mắt thấy. Vậy người mắt sáng ở trong nhà tối, lúc đốt đèn lên thấy cảnh vật ở trước mắt cũng nên gọi là đèn thấy. Nhưng đèn có thấy không? Không ai nói đèn thấy hết. Phật đưa ra ví dụ cụ thể rồi kết thúc.

Nếu là đèn thấy thì đèn hay có thấy, tự không gọi là đèn. Lại nữa, nếu đèn thấy thì đâu có quan hệ đến việc của ông? Thế nên phải biết, đèn hay hiển bày các hình sắc, còn thấy là mắt chứ không phải đèn. Mắt hay hiển sắc, như vậy tánh thấy là tâm chứ chẳng phải mắt.

Rõ ràng như thế. Đèn chỉ làm sáng tỏ các vật, còn thấy là mắt chẳng phải đèn. Cũng vậy, con mắt là cơ quan để những hình sắc bên ngoài phải ánh vào, còn biết phân biệt được những hình ảnh đó chính là tâm không phải mắt.

Như ngọn đèn điện này, khi có điện thì sáng, nếu bóng đèn bị hư thì tắt, như vậy đèn tối là do bóng bị hư, chứ không phải không có điện. Nhờ có điện nên bóng đèn mới sáng, vậy mà lâu nay chúng ta chỉ thấy bóng đèn sáng mà không nhớ tới điện. Đó là chỉ thấy bên ngoài, không thấy cái tế nhị bên trong. Cũng vậy, con mắt là cơ quan để thấy, nhưng biết được những hình ảnh ở ngoài là nhờ cái bên trong chứ không phải con mắt. Nói con mắt thấy là lầm.

Chúng ta thường tưởng thấy là mắt, nên khi con mắt bị hư, hình sắc bên ngoài không rọi vào được, gọi là không thấy. Cũng như bóng đèn hư nên không phát sáng, sự thật điện không hề mất. Đèn chỉ là công cụ để điện phát ra chứ không phải đèn là điện.

Người mắt hư thì cái biết của mắt sẽ thông qua những chỗ khác, như lỗ tai, bàn tay v.v... Mất một cơ quan thì các cơ quan còn lại sẽ hoạt động mạnh hơn. Như chúng ta từng tiếp xúc với ai thì sau thấy mặt mới nhớ, còn người mù không cần thấy chỉ nghe tiếng là biết liền. Bàn tay của họ cũng rất nhạy. Những năm tôi giảng ở Vũng Liêm, có thầy trụ trì mù hai mắt từ thuở nhỏ, đánh cờ rất giỏi. Sắp cờ xong, thầy rờ các con cờ rồi bắt đầu đi nước cờ, ít ai thắng được thầy. Như vậy, khi một cơ quan bị hư, cái biết không phải mất.

Tất cả chúng ta đều có cái thấy hằng hữu, tối hay sáng đều thấy, có mắt cũng thấy, không mắt vẫn thấy. Gọi người mù vì mắt bị hư, chứ không phải không có cái biết thấy. Hiểu vậy rồi mới biết, ngay nơi sáu căn tâm trùm khắp. Sáu căn chỉ là cơ quan, qua đó tâm hiển phát.

Khi thấy khi nghe đều có biết, thế thì tại sao nói "tôi suy nghĩ, tôi mới biết"? Suy nghĩ là cái biết sanh diệt, biến động. Ngay nơi mắt tai mình luôn có cái biết hiện hữu, vừa thấy liền biết, vừa nghe liền biết. Như thiền sư nói cây gậy là cây gậy... Cây gậy biết là cây gậy, hoa hồng biết là hoa hồng. Thấy biết này không thêm suy nghĩ nên không thuộc tướng sanh diệt.

Kinh Lăng-nghiêm gọi sáu cơ quan là lục hòa hợp, phát xuất từ nhất tinh minh. Sáu cơ quan chỉ là chỗ làm duyên hội tụ của ngoại cảnh và nội tâm chứ không phải là gốc của cái biết. Thấy biết chính là tự tâm, nương gá vào sáu cơ quan vật chất mà hiển phát. Nếu cái thấy là vật chất thì người chết, phần vật chất chưa mất, tại sao không thấy? Do chỗ lầm chấp này nên không nhận ra mình còn có cái sâu kín lạ thường ở trong.

Đức Phật muốn chỉ thẳng cái biết không bao giờ mất mà lâu nay lại bỏ quên. Nếu từ sáu căn này mà nhận ra được, đó là phát minh điều thế gian chưa bao giờ biết. Dù mắt, tai, mũi... bị hư hoại thì cái biết của sáu căn cũng không mất. Cho đến khi người ta tắt thở, các cơ quan vật chất này tan rã, cái biết cũng không mất. Đây là điều trọng yếu mà chúng ta cần phải nhận ra.

A-nan cùng với đại chúng tuy được nghe lời này, miệng đã lặng thinh mà tâm chưa khai ngộ, vẫn mong Như Lai dùng từ âm chỉ dạy, nên chắp tay lắng lòng trông chờ Phật thương xót dạy bảo.

Chỗ này chúng ta giống ngài A-nan, nghe Phật nói rõ ràng như vậy, miệng không còn gì để cãi nữa nhưng tâm vẫn chưa khai ngộ.

2. Tánh thấy không động

Khi ấy, Thế Tôn duỗi cánh tay đâu-la-miên sáng rỡ, xòe năm ngón ra bảo A-nan và đại chúng:

- Lúc ta mới thành đạo ở trong vườn Lộc Dã, vì năm vị Tỳ-kheo A-nhã-đa v.v... và bốn chúng các ông, nói rằng tất cả chúng sanh không thành Bồ-đề và A-la-hán, đều do khách trần phiền não làm mê lầm. Chính khi đó, các ông nhân đâu được khai ngộ mà ngày nay thành thánh quả?

Khi ấy Kiều-trần-na đứng dậy bạch Phật:

- Nay con là Trưởng lão, ở trong đại chúng riêng được tên là Giải, nhân ngộ hai chữ khách trần mà thành đạo quả.

Kiều-trần-na thường được gọi là A-nhã Kiều-trần-như. A-nhã dịch là Giải. Hội thuyết pháp đầu tiên Phật nói cho năm anh em Kiều-trần-như nghe. Khi Phật nói Tứ đế xong, ngài Kiều-trần-như là người hiểu trước nhất, nên được Phật khen là Giải đệ nhất.

Bạch Thế Tôn! Ví như khách đi đường dừng nghỉ ở quán trọ, hoặc để ngủ hoặc để ăn, việc ăn ngủ xong rồi, sửa soạn hành trang lên đường không ở lại nữa. Nếu thật là người chủ thì họ không đi đâu. Như vậy con suy nghĩ: không dừng trụ gọi là khách, còn trụ gọi là người chủ. Do không dừng trụ nên có nghĩa khách.

Lại khi trời mưa mới tạnh, mặt trời lên cao trong trẻo, ánh sáng soi vào các kẽ hở hiện rõ các tướng bụi trần trong hư không. Tính chất của bụi trần thì dao động còn hư không lặng yên. Như thế con suy nghĩ: Lặng yên gọi là hư không, dao động gọi là bụi trần. Do dao động nên có nghĩa trần.

Đức Phật thật khéo léo, trước khi muốn chỉ dạy một điều gì, ngài thường đưa ra những hình ảnh cụ thể, hoặc nêu lời người khác nói để minh chứng. Ở đây Phật mượn lời ngài Kiều-trần-như giải thích nghĩa khách trần. Cái gì có đến đi là khách, dao động là trần, thuộc về tạm bợ hư giả. Còn an trụ là chủ, tịch tĩnh là hư không thì thường còn. Như vậy khi nói khách là hàm ý có chủ trong đó, khi nói trần là hàm ý có hư không. Trần thì dao động, hư không lặng lẽ; khách có đến đi, còn chủ thường ở. Hai nghĩa động tịnh rõ ràng.

Phật bảo: - Đúng thế!

Liền đó, Như Lai ở trong đại chúng co năm ngón tay, nắm lại rồi lại xòe, xòe rồi lại nắm. Ngài hỏi A-nan: - Nay ông thấy gì?

A-nan thưa: - Con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai ở trong chúng xòe ra rồi nắm lại.

Phật bảo A-nan: - Ông thấy tay ta ở trong chúng xòe nắm, đó là tay ta có xòe có nắm hay cái thấy của ông có xòe có nắm?

A-nan thưa: - Tay báu của đức Thế Tôn ở trong chúng xòe nắm. Con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chứ không phải tánh thấy của con có xòe có nắm.

Phật hỏi: - Cái nào động, cái nào tịnh?

A-nan thưa: - Tay Phật không dừng, tánh thấy của con còn không tịnh thì đâu có gì là động.

Phật bảo: - Đúng thế!

Ở đây đức Phật chỉ cho biết cái bất sanh bất diệt ở ngay nơi mình, không phải ý nghĩa tầm thường. Tuy nhiên ít người đọc kinh Lăng-nghiêm thấy được chỗ quan trọng này. Trước Phật có nói cái gì động là khách là trần, thuộc về sanh diệt, còn tánh thấy không động tức không sanh diệt. Vậy mà chúng ta lại bỏ quên cái không sanh diệt, chạy theo sanh diệt!

Bấy giờ từ trong lòng bàn tay của đức Như Lai phóng ra một đạo hào quang báu đến bên phải A-nan, A-nan liền xoay đầu qua phải nhìn. Phật lại phóng một đạo hào quang đến bên trái A-nan, A-nan lại xoay đầu qua trái nhìn. Phật hỏi A-nan:

- Đầu ông hôm nay cớ sao dao động?

A-nan thưa:

- Con thấy Như Lai phóng hào quang báu nhiệm mầu đến bên phải bên trái con, nên con nhìn sang trái sang phải, khiến đầu tự dao động.

A-nan! Ông nhìn hào quang Phật, đầu xoay qua phải qua trái. Vậy đầu của ông động hay cái thấy động?

- Bạch Thế Tôn! Đầu con tự dao động chứ tánh thấy của con còn không có dừng, nói gì là dao động.

Phật bảo: - Đúng thế!

Đây có hai trường hợp:

Trường hợp thứ nhất, tay của Phật, chỉ cho trần cảnh. Tay Phật xòe nắm là động, còn cái thấy của ngài A-nan không động.

Trường hợp thứ hai, đầu ngài A-nan, chỉ cho thân. Đầu ngài A-nan xoay qua xoay lại là động, còn cái thấy không hề dao động.

Động là trần, là khách. Không động là hư không, là chủ. Động thì phiền não, tạm bợ. Không động tức chân thật, thường hằng.

Như vậy ngang đây Phật đã chỉ thẳng tánh thấy nơi mỗi chúng ta. Tánh thấy này không động, không bị phiền não che đậy.

Khi ấy đức Như Lai bảo khắp đại chúng:

- Nếu lại có chúng sanh cho cái dao động gọi là trần, cho không dừng trụ gọi là khách. Các ông xem đầu của A-nan tự dao động, còn cái thấy không động. Lại nữa, các ông xem tay ta tự xòe nắm, còn cái thấy không có co mở. Tại sao nay các ông lại lấy cái động làm thân, lấy động làm cảnh? Từ đầu đến cuối niệm niệm sanh diệt, quên mất chân tánh, làm việc điên đảo; đã bỏ mất tâm tánh chân thật, còn nhận vật làm mình, luân hồi trong ấy tự chịu sự lưu chuyển.

Đoạn này đức Phật mượn hình ảnh khách và trần để chỉ ra cái gì động là tạm bợ, không động là chân thật. Ngài lại dùng bàn tay xòe nắm để chỉ bàn tay dao động, còn cái thấy được bàn tay không hề dao động. Kế đến Phật phóng hào quang bên trái bên phải, ngài A-nan xoay đầu nhìn qua lại, để chỉ cho thấy thân là tướng dao động tức tạm bợ, còn cái thấy không động tức thường trụ.

Chúng ta thường chấp thân làm ngã, cảnh là ngã sở, rồi lo bám giữ thân cảnh ấy. Thân và cảnh đều thuộc khách trần sanh diệt, còn tánh thấy không sanh diệt chúng ta lại bỏ quên không chịu nhận. Chúng ta mải đuổi bắt trần cảnh bên ngoài để bồi đắp cho thân, nhưng cuối cùng nó cũng hoại diệt. Hai thứ này diệt, vọng tưởng duyên theo bóng dáng tiền trần cũng diệt, như vậy cả ba thứ này rõ ràng đều thuộc về sanh diệt.

Hiện nay chúng ta sống không ngoài trần cảnh, sắc thân và vọng tưởng duyên theo trần cảnh, cho đó là quan trọng. Tưởng rằng ngoài ba thứ này không còn gì để sống, nên cứ một bề đắm đuối theo chúng, vì vậy việc tu hành chẳng thể thành tựu đạo quả. Những thứ sanh diệt mà cứ lo giữ, chẳng phải mê lầm là gì, cho nên Phật quở: Tại sao các ông lại lấy cái động làm thân, lấy động làm cảnh?

Cảnh và thân vô thường biến hoại lại nhận là thật, nếu thật thì đâu có vô thường. Từ trước đến nay nhận lầm như vậy nên cứ theo niệm niệm sanh diệt mà mất đi chân tánh. Niệm niệm sanh diệt là những vọng tâm duyên theo thân cảnh dao động, chạy theo động bỏ quên chân tánh yên tịnh sẵn có nơi mình, làm những việc điên đảo. Lấy giả làm thật, lấy động làm tịnh, đó là điên đảo. Tâm tánh chân thật lại không chịu nhận nên bỏ sót. Thân tứ đại đất nước gió lửa là vật vô thường biến hoại lại nhận làm thân mình, nên ở trong luân hồi tự chịu luân chuyển.

Do chúng ta lấy tâm cảnh vọng động làm thân tâm mình, nên bị lưu chuyển quay cuồng, đi trong luân hồi đời đời kiếp kiếp không dừng, mất thân này liền chụp thân khác không kể tốt xấu. Chính khi nhận được chỗ này, chúng ta mới thấy bao nhiêu đời kiếp mình đã sống theo dao động sanh diệt, mà không nhận ra cái chân thật bất động ngay nơi mình. Nếu biết trở lại tâm chân thật thường hằng không dao động, tức là sống với pháp thân bất sanh bất diệt của chính mình thì thoát khỏi luân hồi.

Như vậy đoạn này đức Phật đã chỉ rất rõ ràng cụ thể. Phật chỉ thẳng tánh thấy, vì dễ biết dễ nhận, để chúng ta rõ được ngay nơi mình có cái không hề sanh diệt, không bị luân hồi, dao động. Còn tất cả cảnh, thân và ý thức đều là tướng động. Nếu không chạy theo cảnh theo thân, không bị ý thức lôi cuốn thì chúng ta sống được với cái thật nơi chính mình.

Kinh Lăng-nghiêm đối với nhà thiền rất gần gũi. Các vị thiền sư luôn bảo thấy cứ thấy, nghe cứ nghe, ngửi cứ ngửi, nếm cứ nếm... đừng thêm ý thức phân biệt. Như gương, Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán. Gương hiện tất cả hình bóng, trắng ra trắng, đen ra đen, hình thế nào bóng thế ấy, trung thực không lẫn lộn, không có sai biệt. Tuy hiện ra không sai biệt nhưng mỗi thứ rõ ràng sai biệt. Phân biệt rành rẽ mà không có niệm phân biệt. Đó là chỗ chân thật.

Nếu chúng ta đợi có niệm mới phân biệt thì hết chân thật, vì có niệm tức là có động. Dùng niệm động để chạy theo cảnh thì thân và cảnh đều động. Ngược lại không theo động nhưng vẫn thấy nghe sáng suốt rõ ràng chứ không mù tối. Nếu ngay đó trực nhận tánh pháp giới thường trụ không lay động, vẫn hiển nhiên trong bình thường nhật dụng của chúng ta thì không phải tìm đâu xa nữa.

Chính ý này làm sáng tỏ tinh thần thiền và kinh không hai. Nhiều khi chúng ta đọc qua loa, không nhận biết thấu suốt rồi coi thường. Biết được rồi mới thấy thật thân thiết. Từ những ví dụ hết sức đơn giản và thực tế cụ thể, đức Phật đã khéo léo chỉ ra nơi cảnh, thân và tâm, cái nào sanh diệt cái nào không sanh diệt.

3. Tánh thấy không hoại diệt

Khi ấy A-nan và đại chúng nghe Phật chỉ dạy, thân tâm thư thái nhẹ nhàng, nghĩ mình từ vô thủy đến nay bỏ mất bản tâm, lầm nhận sự phân biệt bóng dáng duyên trần, ngày nay được khai ngộ, như đứa bé mất sữa bỗng gặp mẹ hiền. Chắp tay lễ Phật, mong nghe Như Lai chỉ bày ở nơi thân tâm, cái nào là chân, vọng, hư, thật; hiện tiền phát minh hai tánh sanh diệt và chẳng sanh diệt.

Khi ấy vua Ba-tư-nặc đứng dậy bạch Phật:

Xưa khi con chưa được gặp và nghe Phật chỉ dạy, thấy Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi Tử đều nói thân này sau khi chết sẽ đoạn diệt gọi là Niết-bàn. Con tuy được gặp Phật, nay vẫn còn hồ nghi, làm sao để sáng tỏ chứng biết tánh không sanh diệt nơi tâm này. Nay trong đại chúng đây, những người còn hữu lậu thảy đều mong được nghe.

Đến đây câu chuyện được chuyển qua vua Ba-tư-nặc. Nhà vua nghi ngờ câu nói của các ngoại đạo cho rằng thân này sau khi chết sẽ đoạn diệt gọi là Niết-bàn. Vậy làm sao để chứng biết thân này chết rồi không phải mất hết?

Phật bảo: - Đại vương, thân ông hiện đang sống, nay ta lại hỏi ông. Thân thịt của ông đây là đồng với kim cương thường trụ không hoại hay là biến hoại? 

- Bạch Thế Tôn, thân con hiện nay đây rốt cuộc cũng thay đổi và hoại diệt.

Phật bảo: - Đại vương, ông chưa từng chết làm sao biết nó sẽ chết?

- Bạch Thế Tôn, thân vô thường biến hoại của con đây tuy chưa từng chết, nhưng con xem hiện tiền niệm niệm đổi dời mãi không dừng, như lửa tàn thành tro, dần dần tiêu mất. Vì hoại diệt không dừng nên con biết chắc chắn thân này sẽ diệt mất.

Chúng ta cũng nhận biết mình sẽ chết, qua hai việc: một là thấy những người trước đã chết nên biết mình sẽ chết. Đó là nhìn bên ngoài để nghiệm lại bản thân. Hai là nhìn lại thân mình đổi thay luôn luôn, nên biết nó sẽ đi tới chỗ hoại diệt.

Phật bảo: - Đúng thế, Đại vương! Nay ông tuổi đã già yếu, diện mạo có giống như khi còn trẻ không?

- Bạch Thế Tôn, ngày xưa con còn bé da dẻ tươi nhuần. Đến tuổi trưởng thành thì khí huyết đầy đủ. Ngày nay tuổi già ép ngặt thành ra suy yếu, hình sắt khô gầy, tinh thần mờ tối, tóc bạc da nhăn, sự chết không còn bao lâu nữa, làm sao có thể sánh được với lúc còn sung thạnh.

Phật bảo: - Đại vương, hình dung của ông đâu có già liền?

Vua thưa: - Bạch Thế Tôn, sự biến hóa thầm dời đổi, con thật không biết, nóng lạnh đổi thay, dần đến như thế này. Vì sao? Lúc con hai mươi tuổi, tuy gọi là thiếu niên nhưng dung mạo đã già hơn khi mười tuổi. Khi ba mươi tuổi lại già hơn lúc hai mươi. Đến nay sáu mươi hai tuổi, xem lại khi năm mươi tuổi rõ ràng lúc đó cường tráng hơn.

Bạch Thế Tôn, con thấy nó thầm đổi dời. Tuy cái già này thay đổi trong khoảng hạn kỳ là mười năm, nhưng nếu bảo con suy nghĩ chín chắn, chẳng những đó biến đổi trong một kỷ hai kỷ mà thật là thay đổi từng năm. Không những đổi dời từng năm mà còn biến hóa từng tháng. Đâu những biến hóa từng tháng, lại hay thay đổi từng ngày. Nghĩ cùng xét kỹ thì nó thay đổi trong từng sát-na, trong khoảng mỗi niệm không hề dừng trụ. Nên biết thân con trọn theo sự biến đổi hoại diệt.

Ba-tư-nặc là một vị vua ngồi trên ngai vàng, mà khi nhìn lại bản thân ông thấy sự biến chuyển thật là tế nhị. Ban đầu ông đặt từng khoảng thời gian là mười năm rồi từng tháng, từng ngày, từng giờ, cho tới từng mỗi niệm.

Chúng ta có thấy thân này già giống như vua Ba-tư-nặc nói không? Niệm trước qua niệm sau tới, thân già hơn một chút. Chúng ta đang xê dịch về già bệnh, đang bị biến đổi tiến dần dần đến chỗ chết. Như kim đồng hồ từng tích tắc dời đi, hiện tại thấy ba giờ thì biết lát nữa là bốn giờ. Từng ngày từng tháng từng năm, từng sát-na sanh diệt. Vậy mà cứ thấy mình còn trẻ hoài nên mãi vui chơi không nhớ già chết.

Ví dụ chúng ta đi bộ từ đây về Thành phố, đi được một cây số thấy gần đích một chút, đi hai cây số thấy gần hơn chút nữa. Sự thật thời gian đến đích không phải đợi tính bằng cây số, mà từng bước mỗi bước mỗi gần hơn. Chúng ta cũng vậy, không phải chờ tới đầu bạc da nhăn mới nói là chết, năm mới thời gian trôi qua đã gần cái chết một chút rồi. Chúng ta đang già chết từng phút từng giây, sự sống bị già chết bức bách dồn đuổi không dừng, nhưng việc tu hành thì cứ chần chờ, đòi nghỉ ngơi, hẹn mai hẹn mốt.

Phật bảo: - Đại vương, ông thấy sự biến hóa đổi dời không dừng, nên ngộ biết thân ông phải hoại diệt. Cũng chính khi đang diệt đó, ông biết trong thân có cái chẳng diệt không?

Đức Phật muốn chỉ rõ ra, trong biến hoại có cái không biến hoại, trong sanh tử có cái không sanh tử.

Vua Ba-tư-nặc chấp tay bạch Phật:

- Con thật không biết.

Phật bảo: - Nay ta chỉ cho ông tánh không sanh diệt. Này Đại vương, lúc ông bao nhiêu tuổi thì thấy nước sông Hằng?

Vua thưa: - Khi con được ba tuổi, mẹ con dẫn đến yết kiến thần Kỳ-bà thiên, đi qua dòng sông này. Khi ấy con được thấy nước sông Hằng.

Phật bảo: - Này Đại vương, như lời ông nói, khi hai mươi tuổi thì già hơn lúc mười tuổi, cho đến sáu mươi tuổi, năm tháng ngày giờ, niệm niệm dời đổi. Vậy khi ba tuổi ông xem thấy sông Hằng, đến mười ba tuổi thấy nước sông này thế nào?

Vua thưa: - Như khi ba tuổi, rõ ràng không khác. Cho đến hiện nay con sáu mươi hai tuổi cũng thấy không có khác.

Phật hỏi cái thấy chứ không phải hỏi nước sông Hằng. Nước sông Hằng chảy đến chảy đi không dừng, không dừng tức là đổi khác, nhưng cái thấy nước sông Hằng thuở ba tuổi và cái thấy lúc sáu mươi hai tuổi không hề đổi khác.

Phật bảo:

- Nay ông tự cảm thương tóc bạc da nhăn, mặt ông thì nhất định phải nhăn hơn khi còn trẻ. Vậy hiện nay ông thấy sông Hằng so với khi còn bé thấy sông Hằng, cái thấy đó có trẻ có già chăng?

Vua thưa:

- Bạch Thế Tôn, không.

Phật bảo: - Này Đại vương, mặt ông tuy nhăn mà tánh thấy này chưa từng nhăn. Cái gì nhăn thì biến đổi, cái không nhăn thì không biến đổi. Cái biến đổi thì phải chịu hoại diệt, còn cái không biến đổi kia vốn không sanh diệt, làm sao trong đó lại chịu sanh tử của ông, mà ông còn dẫn những lời của chúng Mạt-già-lê kia, nói thân này sau khi chết hoàn toàn tiêu diệt?

Vua nghe lời này, tin biết sau khi bỏ thân này sẽ sanh thân khác, cùng với đại chúng vui mừng nhảy nhót được điều chưa từng có.

Tại sao nhà vua mà cũng nhảy nhót? Như người sáu bảy mươi tuổi nghèo đói thiếu ăn thiếu mặc, bất ngờ được trúng độc đắc, họ sẽ vỗ tay nhảy nhót reo mừng. Mừng vì mình được việc chưa từng có, hơn cả mơ ước. Vua Ba-tư-nặc cũng vậy, nghĩ chết rồi là hết, chợt nghe Phật chỉ thân này có cái không hoại diệt, không phải chết rồi hoàn toàn đoạn diệt. Nghe được điều này vua quá đỗi vui mừng.

Trước đức Phật đã chỉ cho ngài A-nan thấy thân và cảnh là động, động tức hoại diệt, tánh thấy không động, không động thì không hoại diệt. Đến đây đức Phật chỉ cho vua Ba-tư-nặc rõ thân là vô thường biến hoại, còn tánh thấy trước sau không đổi thay. Không đổi thay thì không vô thường, không vô thường làm sao biến hoại. Nên biết, ngay nơi thân vô thường biến hoại có cái chưa từng biến hoại. Nhận được chỗ này, vua Ba-tư-nặc vui mừng vô kể vì được điều chưa từng có.

Tất cả chúng ta đều có tánh không sanh diệt ấy, nếu nhận được thì thân này có hoại trăm lần cũng không lo sợ. Như đi du lịch đến nhà trọ nghỉ, sáng ra nghe nói nhà trọ đó sắp sập; chúng ta lại đi đến tỉnh khác ghé nhà trọ nghỉ, rồi cũng nghe nói nhà trọ ấy đã xiêu... Giả sử ghé mười nhà trọ mà sáng ra nghe nhà nào cũng hư hoại, có buồn không? Nhà trọ hư đâu dính dáng gì mình. Thân này cũng như nhà trọ, nên nói "gá thân mộng". Chỉ nương gá tạm chứ nó đâu phải là mình. Biết rõ thân là chỗ nương gá tạm thì khi sắp chết đâu có gì buồn khóc.

Người đời thường cho ý thức là tâm mình, mà không biết tuy ý thức suy nghĩ được nhiều việc, nhưng nó không thường trụ, dời đổi luôn luôn. Ngoại đạo thì nhận ý thức là hồn, đâu biết khi không có thân, ý thức không còn nhân duyên phát khởi. Nếu chúng ta nương theo ý thức thay đổi sanh diệt để tu hành thì kết quả cũng chỉ là sanh diệt mà thôi. Nhận rõ nơi mình có tánh không sanh diệt là điều trọng yếu đối với người học Phật. Sống được với tánh không sanh diệt mới chứng được đạo quả thường trụ của chư Phật. 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89286
  • Online: 44