Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương I: Kiến đạo
29/12/2020 | Lượt xem: 1749
A-nan bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, yêu thích như thế là do dùng tâm và mắt của con. Do con mắt xem thấy tướng tốt của Như Lai, rồi tâm sanh yêu thích nên con phát tâm nguyện thoát sanh tử.
Phật yêu cầu A-nan xác định do đâu mà sanh yêu thích. Ngài trả lời chân thật và đơn giản, từ mắt thấy rồi tâm dấy lên yêu thích.
Phật bảo A-nan:
Như lời ông nói, sự yêu thích đó thật là do nơi tâm và mắt. Nếu không biết tâm và mắt ở chỗ nào thì không thể hàng phục được trần lao. Ví như một vị quốc vương bị giặc xâm lấn bèn cử binh đi dẹp trừ, thì đoàn binh ấy cần phải biết chỗ giặc ở. Khiến ông bị lưu chuyển là lỗi của tâm và mắt. Nay ta hỏi ông, tâm và mắt ấy hiện giờ ở chỗ nào?
Phật vừa nói lý vừa đưa ví dụ hết sức cụ thể. A-nan nói lý do ưa thích là từ tâm và mắt, vậy thì phải biết rõ tâm và mắt ở chỗ nào. Nếu không biết thì không thể nào hàng phục nó được. Như ông vua bị giặc xâm lấn bờ cõi, nếu không biết giặc đang đóng ở đâu, đi hướng nào thì làm sao cử binh đi đánh dẹp?
1. Chấp tâm ở trong thân
A-nan bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, tất cả mười loại chúng sanh khác nhau trong thế gian, đồng cho là thức tâm ở trong thân. Dù con xem thấy con mắt đẹp như hoa sen xanh của Như Lai, cũng ở trên mặt Phật. Nay con xem con mắt thô phù do bốn trần hợp lại này, cũng chỉ ở trên mặt con. Như thế thì thức tâm thật ở trong thân con.
Ngài A-nan xác định tâm ở trong thân, con mắt ở trên mặt. Điều này chẳng phải chỉ riêng ngài, mà mười loại chúng sanh trong thế gian cũng đều do thức tâm ở trong thân, còn con mắt dù đẹp như hoa sen xanh của Phật hay con mắt thô phù do tứ đại kết hợp cũng ở trên mặt mọi người. Chỗ lầm của ngài A-nan chính là chỗ lầm của tất cả chúng ta, giả sử được hỏi chúng ta cũng sẽ nói như thế thôi.
Phật bảo A-nan:
- Nay ông hiện ngồi trong giảng đường của Như Lai, xem thấy rừng cây Kỳ-đà hiện ở chỗ nào?
- Bạch Thế Tôn, giảng đường lầu các rộng lớn thanh tịnh này, ở trong vườn của ông Cấp Cô Độc, còn rừng cây Kỳ-đà, thật ở ngoài giảng đường.
- A-nan, nay ông ở trong giảng đường, trước thấy cái gì?
Lối lý luận của Phật rất đặc biệt, hết sức chi tiết và cụ thể. Phật không bẻ ngay vấn đề mà đưa ví dụ trước.
Đầu tiên Phật hỏi A-nan: Vì lý do gì xuất gia? Ngài cho biết, do thấy tướng tốt của Phật mà xuất gia. Lại hỏi: Lấy cái gì thấy và ưa thích? Ngài đáp do mắt thấy rồi tâm ưa thích. Từ đó Phật liền chỉ cho thấy, con mắt và tâm ưa thích ấy chính là lỗi làm cho trầm luân.
Trước khi vào lý luận, đức Phật muốn A-nan xác nhận tâm và con mắt ở đâu. Ngài xác nhận tâm ở trong thân, mắt ở trên mặt. Phật không giải thích cũng không nói đúng sai, mà đưa ra ví dụ rồi hỏi để ngài A-nan trả lời.
- Bạch Thế Tôn, con ở trong giảng đường, trước thấy Như Lai, kế thấy đại chúng, rồi nhìn ra ngoài mới trông thấy vườn rừng.
Vậy là ngài đi vào cái bẫy của Phật rồi. Đức Phật hỏi thêm:
- A-nan, ông xem thấy vườn rừng là nhân cái gì mà có thấy?
- Bạch Thế Tôn, giảng đường lớn này, các cửa mở rộng, cho nên con ở trong giảng đường này thấy được ngoài xa.
Rõ ràng, ngồi trong nhà trước thấy người trong nhà, kế đó nhờ cửa mở mới thấy phía ngoài.
Khi ấy đức Thế Tôn ở trong đại chúng duỗi cánh tay sắc vàng xoa đầu A-nan, bảo A-nan và đại chúng rằng:
- Có pháp tam-ma-đề tên là Đại Phật đảnh Thủ-lăng-nghiêm vương đầy đủ muôn hạnh. Các đức Như Lai mười phương, từ một cửa đó vượt lên con đường diệu trang nghiêm. Nay ông hãy lắng nghe cho kỹ.
A-nan đảnh lễ, kính nghe lời Phật dạy.
Đức Phật rất tâm lý, đưa ra ví dụ rồi đặt câu hỏi từ từ cho ngài A-nan trả lời. Nhưng ngang đây đối đáp chưa dứt khoát, tại sao Phật dừng lại xoa đầu A-nan? Phật thấy ngài đáp sai nếu bẻ liền e giật mình, nên Phật an ủi trước, xoa đầu hứa hẹn chỉ dạy rồi mới bắt đầu phá chấp.
Phật bảo A-nan: - Như ông đã nói, thân ông ở trong giảng đường, nhờ cửa mở rộng nhìn xa thấy được vườn rừng. Lại có chúng sanh ở trong giảng đường này, không thấy Như Lai mà thấy ngoài giảng đường chăng?
A-nan đáp:
- Bạch Thế Tôn, ở trong giảng đường mà không thấy Như Lai, lại thấy rừng suối thì không có lý.
- A-nan, ông cũng vậy. Tâm linh của ông sáng tỏ tất cả, nếu hiện tiền tâm sáng suốt rõ ràng thật ở trong thân ông, khi ấy trước nên rõ biết trong thân. Thế có chúng sanh nào, trước thấy trong thân rồi sau mới thấy vật ở ngoài chăng? Dù không thể thấy được tim, gan, tỳ, vị, cũng phải thấy móng tay ra, tóc dài, gân chuyển, mạch động, thật nên biết rõ, tại sao lại không biết? Nếu không biết ở trong thì làm sao biết ở ngoài. Thế nên phải biết, ông nói tâm hay hiểu biết ở trong thân, điều đó không có lý.
Chúng ta hiện nay có người nào thấy được tim gan tỳ vị... của mình không? Nếu không thấy vật bên trong thì những thứ ở ngoài như móng tay ra, tóc dài,... mình phải biết, nhưng cũng không ai có thể biết được. Bên trong không biết, ở ngoài cũng không biết, lại biết tận ngoài xa, điều đó có lý không? Do đó đức Phật bác: tâm hiểu biết nằm trong thân là vô lý.
Lý luận của đức Phật quá chặt chẽ. Chúng ta học kinh Lăng-nghiêm chẳng những học đạo lý để tu hành mà còn học cách lý luận hết sức khít khao của Phật, chứ không phải thường, khéo đưa từ những việc nhỏ dồn dần vô chỗ không còn lối thoát, để chỉ cho thấy điều sai lầm của chúng ta.
Tới đây, ngài A-nan biết rõ từ trước đến nay chấp tâm ở trong thân là sai. Nhưng nếu tâm ở không ở trong thì chắc chắn phải ở ngoài rồi, nghĩ vậy nên kế đây ngài A-nan trả lời một cách khẳng định.
2. Chấp tâm ở ngoài thân
A-nan cúi đầu lễ Phật, bạch rằng:
- Con nghe lời Như Lai dạy như thế, ngộ biết rằng tâm con thật ở ngoài thân. Vì sao? Ví như ngọn đèn sáng thắp ở trong nhà, đèn ấy trước phải chiếu soi trong nhà, rồi sau từ các cửa mới chiếu ra ngoài sân. Tất cả chúng sanh không thấy ở trong thân, mà riêng thấy ngoài thân, cũng như ngọn đèn sáng để ở ngoài nhà, không thể cho trong nhà được. Nghĩa này ắt rõ ràng, không thể lầm lẫn, đúng với nghĩa rốt ráo Phật nói, không hư dối chăng?
Ngài A-nan dùng ví dụ ngọn đèn để xác định chỗ ngài hiểu là đúng với lý Phật nói, không nghi ngờ. Vì không ở trong tức là ở ngoài, điều này nghe như hợp lý.
Phật Bảo A-nan: Các thầy Tỳ-kheo này, vừa rồi theo ta đến thành Thất-la-phiệt thứ lớp khất thực, ăn xong trở về rừng Kỳ-đà, ta cũng đã thọ trai. Ông xem các thầy Tỳ-kheo, khi một người ăn, những người khác có no không?
A-nan thưa: - Bạch Thế Tôn, không. Vì sao? Vì các thầy Tỳ-kheo này, tuy chứng A-la-hán, nhưng thân mạng chẳng đồng, làm sao một người ăn mà khiến những người khác no.
Phật bảo A-nan:
- Nếu tâm hay biết rõ ràng của ông thật ở ngoài thân, tức thân và tâm riêng biệt không liên can gì với nhau, ắt điều gì tâm biết thì thân không thể hay, khi biết ở nơi thân thì tâm không thể rõ. Nay ta đưa cánh tay đâu-la-miên lên cho ông xem, khi mắt ông thấy, tâm có phân biệt chăng?
- A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, có vậy.
Phật bảo A-nan:
- Nếu thân tâm cùng biết thì tại sao ông nói ở ngoài thân? Thế nên biết, ông nói tâm hay hiểu biết ở ngoài thân, điều đó không có lý.
Đức Phật rất khéo, vừa lý luận vừa thực tế. Ngài đưa ví dụ các thầy Tỳ-kheo đi khất thực, rồi hỏi: Khi một người ăn, những người khác có no không? Chúng ta nghe Phật hỏi dường như lạc đề, đưa ví dụ không dính dáng vào đâu, làm sao một người ăn mà những người khác no được! Đây là Phật muốn chỉ cho ngài A-nan hiểu lý không tương quan; mỗi người riêng biệt không liên hệ gì nhau thì người này ăn, người kia không thể no được.
Kế đến Phật đi thẳng vào vấn đề. Nếu tâm hay hiểu biết thật ở ngoài thì khi thân biết, tâm không biết; cái gì tâm biết thì thân không hay vì thân và tâm không liên can nhau. Nhưng khi Phật đưa tay lên, mắt A-nan vừa thấy thì tâm liền biết, tức thân và tâm có tương quan, vậy tại sao lại nói tâm ở ngoài thân như ngọn đèn ở ngoài cái nhà? Lý này cũng bị Phật bác.
3. Chấp tâm núp trong con mắt
A-nan bạch Phật rằng:
- Bạch Thế Tôn, như lời Phật dạy. Vì không thấy bên trong nên chẳng phải ở trong thân; vì thân tâm cùng biết, không hề lìa nhau, nên chẳng phải ở ngoài thân. Nay con suy nghĩ, biết nó ở một chỗ.
Phật hỏi: - Nay ở chỗ nào?
A-nan thưa: - Tâm rõ biết này, đã không biết ở trong mà hay thấy ở ngoài, theo như con nghĩ ắt là núp trong con mắt. Ví như có người mang mắt kính, tuy có vật úp lên mà không bị chướng ngại. Con mắt kia vừa thấy liền theo đó phân biệt. Tâm hay hiểu biết của con, không thấy bên trong vì nó ở nơi con mắt, nhưng lại thấy bên ngoài rõ ràng không bị ngăn ngại vì tâm lý trong con mắt.
Ngài A-nan rất thông minh, nghĩ ra lý lẽ tâm núp sau con mắt . Vì tâm núp sau con mắt nên không thấy ở trong mà vẫn thấy bên ngoài rõ ràng. Như người mang kính, tuy hai mắt có kính úp ở ngoài nhưng vừa thấy cảnh liền theo đó phân biệt không bị trở ngại. Ở đây Phật không bẻ lý mà ngài bể ngay ví dụ.
Phật bảo A-nan: - Như lời ông nói, tâm núp trong con mắt, giống như người mang kính. Vậy người kia, chính khi cái kính úp trên con mắt, thấy được núi sông thì có thấy cái kính chăng?
- Bạch Thế Tôn, có thấy. Người ấy chính khi mang kính thật thấy được kính.
Phật bảo A-nan:
- Tâm ông nếu giống như người mang kính thì chính khi thấy núi sông sao không thấy được con mắt? Nếu tâm thấy con mắt thì con mắt đồng với cảnh bên ngoài, chẳng thành nghĩa mắt vừa thấy tâm liền phân biệt. Còn nếu tâm không thể thấy con mắt thì sao lại nói tâm hay biết này núp trong con mắt như người mang kính? Thế nên phải biết, ông nói tâm hay hiểu biết núp ở trong con mắt như người mang kính, điều đó không có lý.
Ngài A-nan dùng ví dụ người mang kính. Kính dụ cho con mắt, con mắt dụ cho tâm. Phật bẻ ngay ví dụ này. Người mang kính khi thấy ngoại cảnh cũng phải thấy cái kính. Nếu tâm núp trong con mắt thì khi thấy cảnh bên ngoài, lẽ ra phải thấy con mắt. Tâm thấy con mắt, tức con mắt là đối tượng ở ngoài tâm, ắt không thể cùng biết một lúc, không thể vừa thấy liền phân biệt. Nếu tâm núp sau con mắt thì phải thấy được mắt, như người mang kính phải thấy cái kính. Tâm không thấy được con mắt, tức lý tâm nước sao không mắt không thành.
Ngài A-nan chấp tâm ở trong, ở ngoài và ở giữa, ba chỗ này đều đã bị Phật bác. Chúng ta thấy những lý luận trong đây thật khúc chiết và khít khao. Đức Phật không những đưa ra ví dụ mà còn dẫn chứng lập luận cụ thể, chứ không phải chỉ nói suông.
4. Chấp thấy tối gọi là thấy trong
A-nan bạch Phật: - Bạch Thế Tôn, nay con lại khởi suy nghĩ thế này: Nơi thân chúng sanh, có tạng phủ ở trong, khiếu huyệt ở ngoài. Có tạng phủ thì tối, có khiếu huyệt thì sáng. Nay con đói trước Phật, mở mắt thấy sáng gọi là thấy ngoài, nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong nghĩa này thế nào?
Đến chỗ này ngài A-nan hơi dè dặt, không dám xác quyết như trước nữa. Ngài nghĩ tạng phủ, gan ruột bao tử v.v... ở trong, giống như đồ đạc để trong tủ bị che đậy nên tối, còn khiếu huyệt, mắt tai mũi v.v... thông ra ngoài nên sáng. Ngài không nhất định tâm ở chỗ nào, nếu khi mở mắt thấy sáng rồi đó là thấy ngoài, còn nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong.
Phật bảo A-nan: - Chính khi ông nhắm mắt thấy tối thì cảnh tối này là đối trước mắt hay không đối trước mắt? Nếu đối trước mắt thì tối ở trước mắt, làm sao mà thành ở trong thân. Nếu thành ở trong thân thì khi ở trong nhà tối, không có mặt trời, mặt trăng hoặc đèn, mọi thứ trong nhà tối này đều là tạng phủ của ông. Còn nếu tối không đối trước mắt thì làm sao mà thành thấy?
Phật hỏi A-nan: Chính khi ông nhắm mắt thấy tối thì cảnh tối này là đối trước mắt hay không đối trước mắt? Như bao kính để trên bàn này, lúc chúng ta nhìn thấy bao kính thì bao kính là đối trước mắt hay không đối? Đối thì thấy, còn không đối thì không thấy. Nếu tối đối với con mắt nó phải ở phía trước con mắt, trước mắt tức là ở ngoài, thì làm sao nói nhắm mắt là thấy trong thân được.
Nếu như thấy tối là thấy ở trong thì khi ở trong nhà tối không có mặt trời, mặt trăng và đèn, chẳng lẽ các vật trong nhà tối này đều là tạng phủ của mình hết sao? Như vậy đối ngoài và đối trong, cả hai đều sai.
Phật lại đưa ra trường hợp: Còn nếu tối không đối trước mắt thì làm sao mà thành thấy? Cái gì không đối trước mắt có thể thấy được không? Không đối thì không thể thấy.
Dù loại bỏ lối thấy ra bên ngoài, mà cho rằng con mắt hướng vào trong, khi nhắm mắt thấy tối gọi là thấy trong thân, thì lúc mở mắt thấy sáng sao không thấy được mặt? Nếu chẳng thấy được mặt thì nghĩa đối vào trong chẳng thành. Nếu thấy được mặt thì tâm rõ biết này cùng với con mắt của ông đều ở ngoài hư không, làm sao mà thành ở trong thân được. Nếu tâm và mắt ở ngoài hư không thì tự nó chẳng phải là thể của ông. Vậy lẽ ra hiện nay Như Lai thấy mặt ông cũng là thân ông sao?
Giả sử tâm xoay ngược trở vô, nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân, thì khi mở mắt, vì nó đang xoay ngược vào, nên lẽ ra phải thấy cái mặt. Nhưng chẳng có ai thấy được mặt mình, tức nghĩa này không đúng.
Nếu tâm xoay ngược trở vô, nhắm mắt thấy tối là thấy trong thân thì khi mở mắt lẽ ra phải thấy cái mặt. Nhưng chẳng ai thấy được mặt mình, cho nên nghĩa này không đúng.
Dù cho thấy được mặt, đây là giả sử thôi chứ không bao giờ có, nếu thấy được mặt tức là con mắt đang ở ngoài thân nhìn ngược trở vào, vậy thì tâm liễu tri này cùng với con mắt đều ở ngoài hư không, mà ở ngoài hư không thì nó đâu phải là của mình. Còn nếu ở ngoài thì chẳng lẽ khi Phật thấy mặt A-nan cũng thành thân của A-nan hay sao? Vậy ai thấy được mặt mình cũng thành thân mình hết rồi.
Con mắt ông đã biết thì thân nên chẳng biết. Nếu không chắc rằng thân và con mắt đều biết thì phải có hai cái biết, vậy một thân ông sẽ thành hai ông Phật. Thế nên phải biết, ông nói thấy tối gọi là thấy ở trong thân, điều đó không có lý.
Phật lại nêu trường hợp khác. Nếu con mắt thấy được mặt, tức là nó ở ngoài thân. Vậy khi con mắt biết, thân ắt chẳng biết, vì hai cái rời nhau. Rời nhau mà cùng biết, thành ra có hai cái biết. Vậy khi thành Phật, một thân sẽ thành hai ông Phật hay sao?
Đoạn này cho thấy ngài A-nan đang hiểu sai và Phật cố tình bác những chỗ chấp đó. Phật làm vậy với mục đích gì? Trong sự tu hành nếu muốn tiến tu vững chắc, muốn được giác ngộ thì trước hết phải phá những kiến chấp sai lầm. Kiến chấp còn, sự tu không bao giờ tiến và không mong gì giác ngộ. Cho nên trước khi chỉ ra tâm chân thật, đức Phật phải phá sạch những chỗ chấp sai lầm. Khi những kiến chấp sai lầm được phá hết, lúc ấy mới nhận ra được cái chân thật.
5. Chấp tâm tùy chỗ hợp mà có
A-nan thưa: - Con thường nghe Phật chỉ dạy bốn chúng: "Do tâm sanh nên các thứ pháp sanh, do pháp sanh nên các thứ tâm sanh." Nay con suy nghĩ, tức cái thể suy nghĩ này thật là tâm tánh của con. Tùy nơi chỗ hợp mà tâm theo đó có, chứ không phải ở trong, ngoài và chặng giữa.
Bởi nghe Phật dạy tâm sanh thì các pháp sanh, ngài A-nan liền cho suy nghĩ là tâm, tùy nó hiện chỗ nào tâm liền theo đó mà sanh. Như chúng ta nghĩ đến chợ vũng Tàu thì tâm liền ở chợ vũng Tàu, nghĩ chợ Sài Gòn tâm theo ở chợ Sài Gòn. Hễ nghĩ đến chỗ nào thì tâm liền ở chỗ đó, không có nhất định. Nên nói không phải ở trong, không phải ở ngoài, cũng không ở chặng giữa.
Phật bảo A-nan:
- Nay ông nói do pháp sanh nên các thứ tâm sanh, tùy chỗ nào hợp, tâm theo đó mà có. Tâm ấy không có tự thể thì không có chỗ hợp. Nếu không có tự thể mà có thể hợp được, như giới thứ mười chín nhân trần thứ bảy mà hợp, nghĩa ấy không đúng.
Giới chỉ có mười tám giới, trần chỉ có sáu trần. Như vậy nói giới thứ mười chín và trần thứ bảy, tức chỉ có tên mà không có thể, không tự thể thì làm sao hợp! Phàm nói hợp là cái này hợp với cái kia, như chúng ta lấy cát, xi-măng, nước trộn lại thành hồ xây tường. Cát, xi-măng và nước mỗi thứ có tự thể riêng, hòa hợp lại thành hồ. Nay ngài A-nan nói tâm tùy chỗ hợp, vậy tâm đó là có tự thể hay không tự thể? Không tự thể tức không hòa hợp được, còn có tự thể thì sao?
Nếu tâm có tự thể, như ông lấy tay tự gãi trên thân, chỗ tâm ông biết là ở trong ra hay từ ngoài vào? Nếu ở trong ra, phải thấy trong thân. Còn nếu từ bên ngoài đến, trước phải thấy cái mặt.
Khi chúng ta gãi thân, cảm giác biết đó là từ trong thân ra hay ngoài hư không chạy vào? Nếu tâm có tự thể thì phải có nơi chốn xuất phát. Ví dụ khi đi đường gặp người quen, chúng ta hỏi: "Anh ở đâu mà đi đây?" Người đó đáp: "Tôi ở trong chùa ra", hoặc là "Tôi từ trên vườn về". Cũng vậy, khi chúng ta gãi, cái biết ngứa đó ở đâu ra? Nếu nó ở trong thân ra, tức trước phải thấy tim gan v.v... Còn ở ngoài vào thì trước phải thấy mặt, rồi sau đó mới có cảm giác ở chỗ mình gãi. Vậy là nghĩa ở trong ra hay ngoài vào đều không đúng.
A-nan thưa:
- Thấy là con mắt, còn tâm thì biết chẳng phải là mắt mà gọi là thấy thì không đúng nghĩa.
Phật bảo: - Nếu con mắt thấy, khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy chăng? Vậy những người đã chết con mắt vẫn còn, lẽ ra đều thấy vật. Nếu thấy vật, làm sao gọi là người chết?
Bởi trước Phật nói, tâm biết đó nếu từ bên ngoài vào, trước phải thấy cái mặt, như vậy là tâm thấy. Ngài A-nan không chịu lẽ này, mà khẳng định rằng thấy là con mắt, còn tâm thì biết.
Chúng ta chắc cũng nghĩ như vậy. Nhưng ở đây Phật quở: Khi ông ở trong nhà, cái cửa có thể thấy không? Như người đứng trong nhà, cửa mở nhìn ra thấy cây cảnh bên ngoài, vậy là người thấy hay cái cửa thấy? Người đứng trong nhà dụ cho tâm, cửa dụ con mắt. Con mắt mở ra, tâm nương đó mà biết và phân biệt cảnh. Thấy biết là tâm, còn con mắt là do tứ đại hợp lại. Nếu lầm cho con mắt thấy, tức rơi vào lỗi chấp tứ đại là cái biết. Vả lại, nếu cho rằng con mắt thấy thì người chết vẫn còn con mắt, lẽ ra phải thấy vật, mà còn thấy vật thì sao gọi là chết!
Này A-nan! Lại tâm hay hiểu biết của ông, nếu có tự thể, là một thể hay nhiều thể? Nay tâm ở tại thân ông, là khắp cả thân hay không khắp thân? Nếu là một thể, thì khi ông dùng tay gãi một chi, cả tứ chi đều cảm giác. Nếu đều cảm giác, thì chỗ gãi lại không nhất định tại đâu. Còn nếu gãi mà biết chỗ nơi, thì nghĩa một thể của ông không thành. Nếu có nhiều thể, thành ra nhiều người, thể nào là của ông?
Đến đây, Phật bác lý tâm là một thể hay nhiều thể. Nếu một thể, khi động chỗ này thì tất cả chỗ khác cũng phải biết. Như khi gãi tay, tức cả tứ chi đều có cảm giác. Nếu tất cả chỗ đều có cảm giác thì chỗ gãi không nhất định. Nhưng hiện nay vừa động chỗ nào liền biết chỗ đó, như vậy nói một thể không thành. Còn nhiều thể tức là nhiều người, nhiều tâm, vậy tâm nào là của ông?
Nếu tâm ở khắp thân thì đồng với trước không biết chỗ gãi. Nếu không khắp thì chính khi ông xúc chạm trên đầu, đồng thời chạm dưới chân, nếu đầu có cảm giác, lẽ ra chân không biết, mà nay ông không phải vậy. Thế nên biết, tùy chỗ nào hợp, tâm theo đó mà có, điều đó không có lý.
Tâm ở khắp thân, cũng như lý lẽ một thể vừa nói ở trên, động một chỗ là biết chung hết nên không rõ vừa động chỗ nào. Còn nếu không khắp thân, tại sao cùng lúc chạm trên đầu và dưới chân, hai chỗ đều biết.
Không có tự thể thì không thể thành nghĩa hợp, có tự thể thì bị kẹt ở chỗ một hay nhiều đều không được. Vậy chấp tâm tùy chỗ hợp mà có là không hợp lý.
6. Chấp tâm ở khoảng giữa
A-nan bạch Phật: - Bạch Thế Tôn! Con cũng nghe Phật cùng ngài Văn-thù và các vị Pháp vương tử v.v... khi bàn về thật tướng, Thế Tôn cũng nói: Tâm không ở trong, cũng không ở ngoài. Như con suy nghĩ, ở trong thì không thể thấy gì, còn ở ngoài thì thân, tâm không cùng biết. Vì tâm không biết ở trong, nên nghĩa ở trong không thành. Vì thân tâm cùng biết, nên nói tâm ở ngoài là không đúng. Nay thân và tâm cùng biết, lại không thấy được bên trong, vậy là tâm chắc ở khoảng giữa.
Phật bảo:
- Ông nói tâm ở khoảng giữa, chỗ giữa đó ắt không lẫn lộn, chẳng phải không có chỗ nơi. Nay ông nghĩ khoảng giữa đó, ở tại chỗ nào? Là ở cảnh hay tại thân? Nếu tại thân thì nó ở một bên chứ không phải là giữa, nếu ở giữa thân thì đồng với ở trong thân rồi. Nếu nó ở tại cảnh, có chỗ nêu ra hay không có chỗ nêu? Nếu không có chỗ nêu ra thì đồng với không có; còn nếu có chỗ nêu, chỗ đó ắt không nhất định. Vì sao? Như người lấy cây nêu đặt làm điểm giữa, người đứng bên đông nhìn thấy nó ở phía bên tây, đứng phương nam nhìn thì nó ở phía bắc. Việc chỉ ra hướng nêu đã lẫn lộn, thì tâm cũng rối loạn.
Đến đây ngài A-nan cho rằng tâm ở chặng giữa. Vì không thấy ở trong tức không phải ở trong, lại thân tâm cùng biết nên không phải ở ngoài, vậy là tâm chắc ở khoảng giữa. Nhưng khoảng giữa là chỗ nào? Ngực ở phía trước, lưng ở phía sau, trước hay sau cũng là một bên. Nếu ở ruột gan thì đồng ở trong, lý ở trong trước đã phá. Như vậy nói chặng giữa là không hợp lý.
Nếu ở tại cảnh, phải có chỗ tiêu biểu, có chỗ để nêu ra, vậy là chỗ nào? Không nêu ra được là đồng với không, nêu được lại không có chỗ nhất định. Ví dụ trong chúng đang ngồi đây, có người đứng dậy ra làm nêu ở giữa. Người ngồi góc bên đông nhìn thì thấy người làm nêu ở phía tây, người góc nam nhìn sẽ thấy người làm nêu ở phía bắc. Chỗ giữa đó không cố định, chỉ tùy theo chỗ nhìn của mỗi người. Việc chỉ ra hướng nêu đã lẫn lộn thì tâm cũng rối loạn theo. Như vậy nói khoảng giữa là ở trong thân hay tại cảnh đều không được.
A-nan thưa: - Con nói khoảng giữa đó, không phải hai thứ này. Như Thế Tôn nói: Con mắt đối với sắc làm duyên, sanh ra nhãn thức. Mắt có phân biệt, còn sắc trần không biết, thức sanh trong khoảng ấy, ắt là chỗ của tâm.
Phật bảo: - Tâm ông nếu ở giữa căn và trần, thì thể của tâm này gồm cả hai thứ hay chẳng gồm hai? Nếu gồm cả hai thì vật (sắc trần) và thể (nhãn căn) lộn xộn: vật thì không biết, thể thì biết, thành ra hai cái đối lập nhau, làm sao có khoảng giữa? Gồm cả hai bên không thành, vì chẳng phải biết cũng chẳng phải không biết, tức là không có thể tánh, lấy gì làm tướng giữa? Thế nên biết, tâm ở chặng giữa là không có lý vậy.
Đoạn này Phật bác bỏ chỗ chấp tâm ở chặng giữa của A-nan. Bởi theo ý ngài A-nan, giữa đây là giữa sắc trần và nhãn căn. Khi căn trần tiếp xúc thì có thức sanh ra, như vậy thức sanh ra ở giữa căn và trần.
Phật bẻ lại, nếu thức sanh ra ở giữa căn và trần, vậy thì tâm gồm cả căn và trần hay không gồm? Nếu gồm cả hai thì vật - thể lộn xộn. Vì vật là cảnh, là sắc trần; thể chỉ cho người, cho con mắt. Năm căn thì biết, còn trần không biết. Nếu nói gồm cả hai, vậy một bên biết một bên không biết, hai bên trái hẳn nhau làm sao có cái giữa? Nếu không gồm cả hai, tức chẳng phải căn biết cũng chẳng phải trần vô tri thì nó không có thể tánh, vậy khoảng giữa lấy gì làm tướng?
7. Chấp tất cả không dính mắc gọi là tâm
A-nan bạch Phật rằng: - Bạch Thế Tôn, trước đây con thấy Phật cùng với bốn vị đại đệ tử là Đại Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề, Phú-lâu-na và Xá-lợi-phất đồng chuyển pháp luân, thường nói: Tâm tánh hiểu biết phân biệt đã không ở trong cũng không ở ngoài, không ở chặng giữa, đều không ở đâu cả, tất cả không dính mắc gọi đó là tâm. Vậy cái không dính mắc của con, gọi đó là tâm chăng?
Phật bảo A-nan:
- Ông nói tâm tánh hiểu biết phân biệt đó, đều không có chỗ nơi, các vật tượng trên thế gian, như các loài ở trong hư không, thủy, lục, phi hành, gọi là tất cả. Vậy ông không dính mắc đó, là có hay là không? Nếu không thì đồng với lông rùa, sừng thỏ, làm sao nói không dính mắc? Nếu có "không dính mắc" thì không thể gọi là không. Không tướng là không, còn không phải không tức có tướng, mà có tướng thì có chỗ nơi, làm sao gọi là không dính mắc? Thế nên phải biết, tất cả không dính mắc, gọi là tâm hiểu biết của ông thì không đúng vậy.
Đoạn này ngài A-nan dẫn lời Phật cùng các vị đệ tử lớn của Phật thuyết pháp, cũng bị Phật bác. Người thấy rồi nói thì đúng, còn không thấy mà bắt chước người khác nói theo, đúng cũng biến thành sai.
Tất cả các vật tượng trên thế gian, như loài ở hư không, ở trong nước, ở trên đất và những loài biết bay... Cái nào có tên cũng đều có hình tướng, sự vật. Vậy tâm không chấp, không dính mắc đó, là có hay là không? Nếu không thì đồng như lông rùa sừng thỏ, đâu có gì mà nói là không chấp. Còn nếu có cái không dính mắc tức có tướng, có tướng là có chấp, làm sao nói không?
Đến đây là kết thúc phần thất xứ trưng tâm, tức bảy chỗ hỏi về tâm. Ngài A-nan thông minh nói tới bảy chỗ, mà rốt cuộc chỗ nào cũng sai.
Tại sao đức Phật cứ gạn hỏi mãi như vậy? Bởi vì trước khi muốn chỉ tâm thể chân thực, Phật phải hỏi để biết những chỗ chấp sai lầm của A-nan, cũng như của tất cả chúng ta. Những gì hư dối mà tưởng lầm là thật, Phật bác hết. Cuối cùng ngài A-nan đuối lý, giật mình thấy rõ đã chấp lầm. Lúc ấy Phật mới chỉ ra cái thật.
Như vậy phá chỗ thấy sai là cốt chỉ ra cái đúng, chỗ sai nếu không dẹp phá thì không làm sao chỉ chỗ đúng được. Cũng như có người chuyên buôn bán đồ quý, thấy người trong nhà muốn đi mua một món đồ, sợ mua lầm nên phải giải thích đối chiếu, chỉ ra cho thấy đồ nào giả đồ nào thật. Nếu không biết phân biệt đồ giả thì thứ nào cũng tưởng là thật. Khi đã biết đồ giả rồi, đưa cái thật ra họ mới nhận được.
A-nan chấp những suy nghĩ hiểu biết cho là tâm, bị Phật gạn hỏi chỗ nơi của tâm suy nghĩ, ngài chỉ chỗ nào cũng bị Phật bác. Tại sao? Vì những thứ có tướng, như bàn ghế... mới có chỗ nơi, còn hư không không tướng đâu thể chỉ chỗ nơi. Tâm tánh không hình tướng, ngài A-nan lại tưởng có tướng, nên cứ nói ở chỗ này chỗ kia, càng nói càng sai. Dù lanh lợi như ngài A-nan, nhưng do không thật thấy nên trả lời hoài cũng không đúng.
Lâu nay chúng ta quen chấp tâm vọng tưởng suy nghĩ phân biệt là tâm thể của mình, cho nên đức Phật mới bác bỏ tất cả, cho thấy những suy nghĩ đó là tướng hư giả, chứ không phải tâm chân thật vốn không tướng mạo, không chỗ nơi.
Các bài mới
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Phần tựa và Phần Chánh Tông - 24/12/2020
- Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Lược thảo - 15/12/2020
- Kinh Pháp Hoa - Phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát Phổ Môn dịch giảng - 08/06/2019
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: TÓM TẮT Ý CHÍNH KINH LĂNG NGHIÊM - 15/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 03 - LƯU THÔNG - 15/10/2018
Các bài đã đăng
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 26 - PHÂN BIỆT CÁC ẤM MA - 14/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 25 - KHAI THỊ CHỖ HƯ VỌNG CỦA BẢY LOÀI - 14/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 24 - CÁC CÕI TRỜI SAI KHÁC - 13/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 23 - CHỈ RA MƯỜI TẬP NHÂN, SÁU ĐƯỜNG GIAO BÁO - 04/10/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 22 KHAI THỊ PHẦN TRONG, PHẦN NGOÀI CỦA CHÚNG SANH - 24/09/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89292
- Online: 47