Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt1)

27/07/2021 | Lượt xem: 1775

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

IV. HỎI ĐẠI CHÚNG VỀ VIÊN THÔNG

A-nan và đại chúng nhờ Phật chỉ bày, tuệ giác được viên thông không còn gì nghi hoặc, đồng thời chắp tay đảnh lễ sát hai chân Phật và bạch Phật rằng:

 

- Ngày nay chúng con thân tâm rỗng suốt, vui mừng được điều vô ngại. Tuy ngộ biết nghĩa một và sáu đều mất, nhưng vẫn chưa thấu suốt được bản căn viên thông. Bạch Thế Tôn, bọn chúng con trôi giạt bơ vơ từ nhiều kiếp, tâm nghĩ do đâu mà được dự vào dòng dõi nhà Phật, như đứa bé mất sữa chợt gặp mẹ hiền! Nếu nhân cơ hội này mà được thành đạo, chỗ được nghe những lời dạy sâu kín lại đồng với bản ngộ, thì cùng với người lúc chưa nghe cũng không có sai khác. Cúi mong đấng Đại bi thương bọn chúng con, ban cho pháp trang nghiêm bí mật, thành tựu lời chỉ bày rốt sau của Như Lai.

Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất, lui ẩn nơi chỗ vi diệu sâu kín, chờ mong được Phật thầm truyền.

Ngài A-nan và đại chúng chưa rõ nên dùng căn gốc nào được viên thông để tu cho thích hợp, nên đoạn này A-nan muốn nhờ Phật chỉ ra căn nào thuộc về viên thông. Ngài vừa than thở mà cũng vừa vui mừng. Đã trôi giạt lang thang nhiều đời, nay không biết do duyên cớ gì được làm đệ tử Phật, như đứa bé mất sữa được gặp mẹ hiền, thật là mừng vui vô kể. Khi ở trong hội này được nhân duyên gặp Phật, nghe Phật nói pháp mà thấu suốt lẽ đạo, nơi những lời nói sâu mầu của Phật ngài nhận ra, đồng với chỗ ngộ gốc chân thường bất sanh bất diệt ắt cùng với người chưa nghe không có gì sai biệt.

Ngài A-nan thấy Phật lấy chiếc khăn cột sáu gút rồi lại dạy cách mở sáu gút ấy. Chiếc khăn trước không có sáu gút, Phật cột sáu gút nay mở rồi cũng trở lại chiếc khăn như ban đầu. Như vậy khăn có cột có mở cũng đồng như khăn không cột không mở. Người ngộ gốc chân thường cũng đồng như chưa ngộ, bởi vì người chưa nghe pháp cũng vẫn có tâm thể đó. Thế nên ngài A-nan xin Phật thương xót chỉ dạy cho pháp bí mật trang nghiêm, để thành tựu được lời dạy rốt sau của Phật.

Trọng tâm ở đây là câu hỏi: Làm sao thấu suốt được trong sáu căn, cái nào viên thông nhất để tu tập.

Khi ấy đức Thế Tôn bảo khắp các vị đại Bồ-tát và các vị vô lậu đại A-la-hán ở trong chúng rằng:

- Các ông là hàng Bồ-tát và A-la-hán sanh trong pháp của ta, được thành tựu vô học. Nay ta hỏi các ông, lúc ban đầu phát âm, các ông ngộ trong mười tám giới, cái nào là viên thông? Từ phương tiện gì được vào chánh định?

Phật bảo các vị Bồ-tát và A-la-hán trình chỗ sở ngộ ban đầu của các ngài, xem trong mười tám giới: sáu căn, sáu trần và sáu thức, chọn ra căn nào thích hợp.

1. Viên thông về thanh trần

Ông Kiều-trần-na trong nhóm năm vị Tỳ-kheo liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con nơi Lộc Uyển và Kê Viên được gặp đức Như Lai khi mới thành đạo, chúng con nhân nghe pháp âm của Phật, ngộ được pháp Tứ đế. Phật hỏi trong hàng Tỳ-kheo thì con được gọi là nhận hiểu trước tiên, Như Lai mới ấn chứng cho con tên là A-nhã-đa (Giải đệ nhất). Do diệu âm sâu kín tròn đủ, con từ nơi âm thanh mà được quả A-la-hán. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, âm thanh là trên hết.

Ngài Kiều-trần-na do nghe pháp âm của Phật mà ngộ đạo, nên cho âm thanh là trên hết. Trong mười tám giới, âm thanh thuộc thanh trần.

2. Viên thông về sắc trần

Ông Ưu-ba-ni-sa-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con cũng được gặp Phật khi mới thành đạo. Con quán tướng bất tịnh, sanh lòng rất nhàm chán muốn xa lìa, ngộ được tánh các sắc; do từ quán bất tịnh, tướng xương trắng, vi trần, đều trở về hư không, sắc và không không hai, thành được đạo vô học. Như Lai ấn chứng cho con tên là Ni-sa-đà. Do trần sắc đã hết thì diệu sắc sâu kín tròn đủ. Con từ sắc tướng mà được quả A-la-hán. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con thì nhân nơi sắc trần là trên hết.

Quán bất tịnh là quán thân này gồm ba mươi sáu phần: tóc, lông, móng, răng, da v.v... cái nào cũng ô uế bất tịnh. Hoặc dùng Cửu tưởng quán: thân chết sình trương, máu mủ hôi thối, dòi bọ đục khoét v.v... Quán cho đến khi thấy rởn người thì chuyển qua quán xương trắng: lấy một phần trong cơ thể, như sống mũi, xương đầu... tưởng xẻ ra, quán từ lúc màu ngà ngà, đến trong, rồi phát hào quang... Quán xương trắng xong thì quán tất cả thành tro bụi... Từ quán bất tịnh, xương trắng, bụi nhỏ, rốt cuộc trở thành không. Lúc đó, sắc và không không hai, rốt cuộc trở thành A-la-hán. Đó là nơi sắc trần cũng có thể ngộ đạo, không phải ngoài những thứ ấy mà tìm được đạo.

3. Viên thông về hương trần

Đồng tử Hương Nghiêm liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con nghe đức Như Lai dạy con phải quán sát kỹ các tướng hữu vi. Khi ấy con từ giã Phật, đêm về ngồi yên ở phòng thanh trai, thấy các thầy Tỳ-kheo đốt hương trầm thủy, mùi hương lặng lẽ bay vào trong mũi con. Con quán mùi hương này không phải từ cây, không phải từ hư không, không phải từ khói cũng không phải từ lửa, đi không dính mắc chỗ nào, đến cũng không từ đâu. Do đây mà ý niệm được tiêu sạch, phát minh tánh vô lậu. Như Lai ấn chứng cho con hiệu là Hương Nghiêm. Trần khí (hương trần) đã tiêu diệt, diệu hương sâu kín tròn đủ. Con do mùi hương trang nghiêm được chứng A-la-hán. Phật hỏi về viên thông thì như chỗ chứng của con, lấy mùi hương để trang nghiêm là trên hết.

Mùi hương thuộc về sáu trần nên nói là trần khí. Đồng tử thường là chỉ cho trẻ con khoảng mười hai mười ba tuổi, nhưng đồng tử ở đây là chỉ cho Bồ-tát mới giác ngộ ít phần, chưa được tròn đủ. Đứng về mặt giác ngộ thì Phật là bậc giác ngộ viên mãn, còn Bồ-tát chỉ mới có phần giác. Giác ngộ viên mãn dụ như ông già, phần giác ví như đứa trẻ.

Sao gọi là lấy mùi hương để trang nghiêm? Bởi vì khi ngửi thấy mùi hương, ngài liền dùng trí tuệ quán: Mùi hương này không phải từ cây, không phải từ hư không, không phải từ khói, không phải từ lửa, đi không có mục tiêu, đến cũng không có chỗ nơi. Như vậy, mùi hương này không thật, không nơi chốn, không cố định. Quán như vậy rồi liền tiêu hết những vọng tưởng, phát minh được tánh vô lậu.

Người xưa ngửi mùi hương cũng tu được, còn chúng ta không biết dùng trí tuệ quán chiếu là hư dối không thật, trái lại cứ tìm kiếm phân biệt. Căn bệnh đó làm chúng ta khó ngộ đạo, chỉ tăng thêm vọng tưởng, ở trong vọng thức chứ không đi đến vô lậu.

4. Viên thông về vị trần

Hai vị Pháp vương tử là Dược Vương và Dược Thượng, cùng với năm trăm vi Phạm thiên ở trong hội, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, bạch Phật rằng:

- Chúng con từ kiếp vô thủy làm lương y ở thế gian, trong miệng thường nếm vàng, đá, cỏ cây ở thế giới Ta-bà này, danh số có tới mười muôn tám ngàn (108.000) vị. Như thế thảy đều biết các vị đắng, chua, mặn, lạt, ngọt, cay v.v... cùng với các thứ vị câu sanh hòa hợp, biến đổi là lạnh, là nóng, có độc, không độc, con đều biết rõ cả.

Câu sanh là bản chất của nó sẵn như vậy. Ví dụ huỳnh liên bản chất có vị đắng, gừng bản chất là cay. Hòa hợp nghĩa là vị này vị kia hòa hợp lại thành một vị khác. Biến dị là đổi thay, trước chưa có vị sau khi pha chế rồi vị đó mới thành.

Chúng con vâng theo lời dạy của Như Lai, rõ biết tánh của vị chẳng phải không, chẳng 

phải có, chẳng phải tức nơi thân tâm, chẳng phải lìa thân tâm. 

Vị chẳng phải không, vì nếm biết rõ ràng làm sao nói không được. Chẳng phải có, vì vị đắng chua... đợi để vào lưỡi mới biết, còn riêng nó không tự biết đắng chua. Chẳng phải tức thân tâm, vì nếu nó ở thân tâm thì thân tâm tự ra vị, đâu đợi phải có cây cỏ. Chẳng phải lìa thân tâm, vì nếu lìa thân tâm thì ai biết đắng, ai biết ngọt. Các thứ vị đều là duyên hợp hư dối, không có tự thể, không phải từ cái này, không phải từ cái kia. Do biết rõ ràng vị không thật có nên được khai ngộ.

Do phân biệt nhân của vị trần, từ đây mà được khai ngộ, nhờ Phật Như Lai ấn chứng cho anh em chúng con danh hiệu Bồ-tát Dược Vương và Dược Thượng, nay trong hội này làm Pháp vương tử. Chúng con nhân nơi vị mà được giác ngộ sáng suốt, tiến lên bậc Bồ-tát. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, nhân vị trần là hơn cả.

Trong thời quá khứ, hai vị Bồ-tát này do nhân duyên cúng dường thuốc cho chúng tăng và tất cả mọi người, nên được hiệu là Dược Vương và Dược Thượng. Bây giờ Phật lại lấy hiệu ấy mà gọi tên hai ngài.

Pháp vương tử là con của đấng Pháp vương. Do các ngài chuyên môn về vị, nên trong chỗ tu chứng vị trần là trên hết. Như vậy, tu hành tùy theo thói quen, tùy theo sở tập. Người nào tập quen cái gì, tu theo đó thì mau ngộ đạo, không phải cố định ai cũng tu giống như nhau.

5. Viên thông về xúc trần

Bạt-đà-bà-la cùng đồng bạn là mười sáu vị khai sĩ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng: 

- Trước kia ở chỗ đức Phật Oai Âm Vương, chúng con do nghe pháp mà xuất gia. Vào giờ tắm của chúng tăng, con theo thường lệ vào nhà tắm, chợt ngộ được nhân của nước không phải rửa bụi cũng không phải rửa thân, trong khoảng giữa đó an nhiên, được không có gì. Do chỗ tu tập xưa không quên, cho đến ngày nay theo Phật xuất gia được quả vô học. Đức Phật ấy gọi con là Bạt-đà-bà-la, do diệu xúc phát sáng, được ở trong hàng Phật tử. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, nhân xúc trần là hơn cả.

Chúng ta thường nói nước là để rửa, nhưng nước là nước, không phải để rửa bụi, cũng chẳng để rửa thân. Vì bụi dính nơi thân nên lấy nước dội lên, rồi nước trôi đi cuốn theo bụi, chứ nước không phải dành để rửa bụi. Chỉ do quan niệm của mọi người, cứ nghĩ cái gì cũng để cho mình dùng, nước để uống, để tắm, để rửa... Tùy chỗ sử dụng của mỗi người mà thấy có những công dụng ấy. Đây là quan niệm chủ quan điên đảo của con người. Sự thật nước chỉ là nước, chứ nước không để cho mình làm gì. Thể của nước là lặng lẽ.

Lại nữa, đất nước gió lửa gọi là tứ đại, tứ đại thuộc về trần. Nước thuộc tứ đại, tức cũng là trần. Chẳng lẽ lấy bụi rửa bụi? Nhưng tại sao chúng ta phải tắm? Chẳng qua là vì trong chỗ đối đãi tạm dùng vậy thôi, chứ trên lẽ thật thì nước không phải để rửa cũng không phải để tắm. Nước là nước chứ nó không để làm cái gì. Khi quán như vậy, ở trong khoảng giữa đó tâm an nhiên lặng lẽ, được chỗ không có gì là thật.

Như vậy, khi tắm các ngài cũng quán tưởng, thấy được đạo ngay trong khi tắm. Thấy lẽ thật của các pháp gọi là ngộ đạo, rõ được các pháp thế gian đều do tâm mê vọng hư dối của chúng sanh biến hiện. Thể của các pháp vốn tịch nhiên lặng lẽ, không có cái dụng gì riêng cho ai.

Ngài Bạt-đà-bà-la đã xuất gia từ thời đức Phật Oai Âm Vương là vị Phật đầu tiên ở thế giới này. Trải qua không biết bao nhiêu đức Phật rồi, nay mới gặp Phật Thích-ca được quả vô học. Tuy rất lâu xa nhưng nhân đời trước không mất, chỗ tu tập đời trước không quên. Do vậy ngày nay chúng ta tu hành, dù không thể thành Phật liền cũng phải dài lâu, nhưng xưa tu hạnh gì thì nay cứ tiếp nối, trải qua bao nhiêu đời kiếp cũng không quên. Đi một bước là gần một bước. Cứ vậy mà bước tiếp tục, càng tiếp tục càng gần. Tuy lâu xa nhưng có ngày sẽ tới không nghi ngờ.

6. Viên thông về pháp trần

Ma-ha Ca-diếp và Tỳ-kheo-ni Tử Kim Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Ở kiếp xa xưa trong thế giới này có đức Phật ra đời tên là Nguyệt Đăng, chúng con được thân cận nghe pháp, tu học. Sau khi Phật diệt độ, chúng con cúng dường xá-lợi, đốt đèn sáng liên tục, dùng vàng tía sáng bóng để tô thếp hình tượng Phật. Từ đó đến nay đời nào sanh ra thân thể cũng thường sáng ngời viên mãn như vàng tía. Tỳ-kheo-ni Tử Kim Quang này là quyến thuộc của con, đồng thời phát tâm.

Con quán sát sáu trần ở thế gian đều biến đổi, chỉ dùng không tịch tu mà được diệt tận, thân tâm mới có thể vượt trăm ngàn kiếp như là khảy móng tay. Con do quán pháp không mà thành A-la-hán. Thế Tôn bảo con là người tu hạnh đầu-đà bậc nhất, diệu pháp khai sáng tiêu diệt các lậu. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, nhân pháp trần là hơn cả.

Ngài Ca-diếp là vị Tổ ban đầu của Thiền tông. Ngài quán về pháp trần thấy không thật, hư dối, do đây tâm được thanh tịnh. Pháp trần là bóng của năm trần còn rơi rớt lại trong tâm thức, nó là tướng biến hoại, là không, rỗng lặng. Sau khi quán pháp trần được không rồi thì thành bậc A-la-hán. Pháp trần là nhân hữu lậu, do khéo tu mà diệt hết. Vì vậy ngài nói nhân nơi pháp trần là hơn cả.

Nhân tu của ngài Ca-diếp có liên hệ với chỗ tu của chúng ta. Thay vì gọi pháp trần, chúng ta gọi là vọng tưởng. Vọng tưởng là hư dối, do chạy theo bóng của năm trần mà có. Hiện nay chúng ta tu ý căn, dẹp hết những pháp trần lăng xăng, tức cũng nương theo hướng của ngài Ca-diếp.

7. Viên thông về nhãn căn

A-na-luật-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Khi con mới xuất gia thường thích ngủ nghỉ, Như Lai quở con là loài súc sanh. Con nghe Phật quở khóc lóc tự trách, suốt bảy ngày không ngủ, mù cả hai mắt.

Một hôm Phật đang thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo nghe, thấy ngài A-na-luật-đà ngủ gục. Phật bảo:

- A-na-luật, Thầy sợ phép vua và sợ giặc cướp mà tu hành chăng?

- Thưa không, bạch Thế Tôn.

- Vì sao Thầy xuất gia học đạo?

- Con chán ngán sanh lão bệnh tử, sầu lo khổ não nên muốn bỏ nó, vì thể xuất gia học đạo.

Phật bảo:

- Thầy là con nhà quý tộc, có lòng tin kiên cố, xuất gia học đạo. Hôm nay đích thân ta thuyết pháp, tại sao Thầy ngủ gục giống như con sò, con hến?

Tôn giả A-na-luật liền từ chỗ ngồi đứng dậy bày vai bên phải, quỳ xuống chắp tay bạch Phật:

- Từ nay về sau, dù thân hình tan nát, con trọn không ở trước Như Lai ngủ gục.

Tôn giả A-na-luật suốt bảy ngày không ngủ, mắt bị hư, Phật bảo:

- Người chuyên cần tinh tấn thì cùng trạo cử tương ưng, còn nếu giải đãi lại cùng kiết sử tương ưng. Nay Thầy nên hành vừa chừng ở giữa.

A-na-luật bạch Phật:

- Khi trước con đã ở trước Như Lai phát thệ, nay không thể làm trái bản nguyện mình.

Phật cho mời thầy thuốc nổi tiếng ở nước Ma-kiệt-đà là ngự y Kỳ-bà đến trị liệu cho Tôn giả. Kỳ-bà thưa:

- Nếu thầy A-na-luật chịu ngủ một chút, con sẽ trị mắt được.

Phật khuyên tôn giả A-na-luật nên ngủ một chút thì trị mới lành bệnh, nhưng Tôn giả cương quyết không ngủ nên mắt bị mù luôn.

Đây là một hình ảnh về sự cương quyết của một người học đạo. Ban đầu ngài cũng không hơn gì chúng ta, khi nghe pháp có lúc cũng ngồi lim dim, cũng ngủ. Tuy nhiên, một lần ngài bị rầy thì từ đó về sau nhất định không tái phạm, chết cũng không phạm, chấp nhận bị mù chứ không đổi lời hứa. Đó là từ dở mà chuyển thành hay. Còn chúng ta ngày nay cũng dở mà ít chịu chuyển nên cứ dở hoài. Chúng ta phạm lỗi, được nhắc nhở rồi ít ngày lại phạm nữa, là vì mình không tôn trọng lời hứa, thiếu cương quyết, thiếu nghị lực để thực hiện điều mình hứa, đó là cái dở. Ai cũng có dở, nhưng nếu biết chuyển thì thành hay. Câu chuyện này là một kinh nghiệm lớn, cho chúng ta thấy người học đạo phải có ý chí như vậy.

Đức Thế Tôn dạy con tu chánh định Kim cang nhạo kiến chiếu minh. Con không do con mắt mà xem thấy mười phương, rỗng suốt tinh tường, như xem trái cây ở trong lòng bàn tay.

Nhạo kiến chiếu minh là ưa thấy sáng, đây không phải là thấy sáng ở con mắt mà thấy sáng từ trong tâm. Khi ngài A-na-luật đắc đạo rồi, tuy không có mắt sáng mà ngài nhìn khắp cả tam thiên đại thiên thế giới rõ ràng, rỗng suốt như xem trái cây ở trong lòng bàn tay. Như vậy là thấy bằng tâm, thấy trùm khắp.

Một hôm ngài ngồi vá chiếc y rách, không thấy đường xỏ kim, ngài nghĩ: "Chư A-la-hán đắc đạo trong thế gian hãy xâu kim giúp tôi." Bấy giờ Phật dùng thiên nhĩ nghe được, đi tới nói:

- Thầy đưa kim đây ta xâu cho.

A-na-luật bạch Phật:

- Vừa rồi con gọi các vị muốn cầu phước ở thế gian xâu kim cho con.

- Người cầu phước ở thế gian không ai hơn ta.

- Thân Như Lai là thân chân pháp, lại còn muốn cầu pháp nào nữa? Như lai đã qua khỏi biển sanh tử, lại thoát khỏi ái trước, nay còn cố cầu làm phước.

Phật bảo:

- Đúng vậy, A-na-luật, đúng như lời Thầy nói.

Qua câu chuyện, chúng ta mới thấy chỗ mình không biết kiệm phước. Đức Phật phước đức vô lượng vô biên vẫn còn bòn mót từng chút phước xỏ kim, chúng ta thiếu phước mà còn xài phí, để đồ đạc hư hao là hủy hoại phước đức của mình. Của Tăng chúng làm ra là của chung, của Phật tử cúng là của đàn-na thí chủ, chúng ta phải ráng cẩn thận dè dặt đừng phí phạm mà tổn đức. Bởi vậy người tu phải luôn tỉnh táo sáng suốt, cần mẫn, tiết kiệm.

Như Lai ấn chứng cho con thành A-la-hán. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, xoay cái thấy trở về nguồn gốc, đây là đệ nhất.

Không phải thấy ra ngoài mà xoay trở về tánh thấy trạm viên, đó là bậc nhất.

8. Viên thông về tỹ căn

Châu-lợi-bàn-đặc-ca liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Do con thiếu sự trì tụng, không có tánh đa văn, lúc đầu con gặp Phật, nghe pháp xuất gia, cố ghi nhớ một câu kệ của Như Lai, mà trong một trăm ngày nhớ được câu trước thì quên câu sau, nhớ sau thì quên trước, Phật thương con ngu tối mới dạy con an cư điều hòa hơi thở ra vào. Khi ấy con quán hơi thở vi tế, cùng tột sanh trụ dị diệt biến đổi trong từng sát-na, tâm con rỗng suốt được đại vô ngại, cho đến sạch hết các lậu, thành A-la-hán. Dưới tòa của Phật được ấn chứng thành bậc vô học. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, xoay hơi thở trở về không, đây là trên hết.

Ngài Châu-lợi-bàn-đặc-ca còn chậm lụt hơn mình, một câu kệ học hoài không thuộc. Phật dạy ngài quán hơi thở ra vào, khi mới sanh khởi, dừng trụ, biến đổi, đến khi lặng mất, từng sát-na đều thấy rõ ràng, lâu ngày bỗng dưng tâm sáng ra, được đại vô ngại.

Như vậy không chỉ người thông minh mới tu được, người dù chậm lụt ngu tối bao nhiêu, nếu khéo tu khéo quán cũng có thể tiến lên đạt được đạo quả. Những người đời trước có duyên học tập nhiều thì đời này thông minh nhớ lâu, ai đời trước học hỏi sơ sài thì nay học chậm mà mau quên, nhưng vẫn có thể tu bằng phương tiện khác. Quan trọng là ý chí và sự bền bỉ tu hành rồi cũng tới chỗ giác ngộ.

Người tu cần đủ niềm tin, tu một pháp tức thông tất cả pháp. Người không có niềm tin dù tu cả ngàn pháp cũng không thành tựu được pháp nào. Cho nên khi tin nhận được một pháp môn nào, cứ như vậy mà tiến, đừng sợ mình tối dốt hoặc thua sút người khác. Chú tâm tu hoài sẽ ngộ đạo, được lậu tận A-la-hán.

Chuyện ở đây khác trong kinh Tăng Nhất A-hàm. Kinh nói ngài tối dốt, anh của ngài là Đại Bàn-đặc bảo:

- Nếu em không thể tu được thì trở về làm cư sĩ.

Ngài nghe lời này xong, đến ngoài cửa tinh xá Kỳ-hoàn khóc ròng. Đức Phật thấy hỏi, ngài nói bị anh đuổi không cho tu nữa nên buồn khóc. Phật bảo ngài chớ lo sợ, rồi nắm tay dẫn đến tịnh thất, dạy cầm chổi quét. Tôn giả Châu-lợi-bàn-đặc nhớ chữ "quét" lại quên chữ "chổi", nhớ chữ "chổi" lại quên chữ "quét". Trải qua mấy ngày, ngài sực nghĩ Phật dạy mình quét là quét những bụi bặm phiền não sâu xa trong tâm mình. Tôn giả lại nghĩ: "Buộc kết là dơ, trí tuệ là trừ. Nay ta có thể lấy chổi trí tuệ quét trói buộc này." Ngài tiếp tục quán sát cho đến khi chứng được trí giải thoát, thành A-la-hán.

9. Viên thông về thiệt căn

Kiều-phạm-bát-đề từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con mắc khẩu nghiệp từ kiếp quá khứ, do khinh chê chế giễu các vị Sa-môn nên nhiều đời sanh ra bị bệnh lưỡi giống lưỡi trâu. Như Lai chỉ dạy con pháp môn tâm địa "một vị trong sạch". Con diệt được thức tâm, vào chánh định, quán cái biết vị không phải thân thể, không phải vật, liền đó được vượt khỏi các lậu của thế gian. Trong thì giải thoát thân tâm, ngoài thì vượt khỏi thế giới, xa lìa ba cõi, như chim ra khỏi lồng. Xa lìa cấu nhiễm, tiêu diệt hết các trần, được pháp nhãn thanh tịnh, thành A-la-hán. Chính Như Lai ấn chứng cho con được đạo vô học. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, xoay các vị trở về tánh biết, đây là bậc nhất vậy.

Ngài Kiều-phạm-bát-đề quán biết các vị không phải thân cũng không phải là vật. Nếu vị từ thân ra thì lưỡi tự biết ngon, đâu cần phải có đồ ăn ngon để vào. Nếu vị có từ vật thì vật tự biết ngon, đợi gì cái lưỡi nếm. Do đó vị không cố định, không có thật. Ngài liền đó siêu việt các lậu ở thế gian. Như vậy từ một phương tiện này hoặc một phương tiện khác, nếu khéo tu đều được ngộ đạo.

10. Viên thông về thân căn

Tất-lăng-già-bà-ta liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Khi con mới phát tâm theo Phật vào đạo, thường nghe Như Lai nói các việc không vui ở thế gian. Lúc con đi khất thực trong thành, tâm suy nghĩ về pháp môn Phật dạy, bất chợt giữa đường bị gai độc đâm vào chân, toàn thân đau nhức. Con nghĩ về pháp môn Phật dạy, bất chợt giữa đường bị gai độc đâm vào chân, toàn thân đau nhức. Con nghĩ có cái biết, biết được cái rất đau này. Tuy biết được cảm giác đau nhức, nhưng tâm biết thanh tịnh không đau mà biết được đau. Con lại suy nghĩ, như thế một thân đâu thể lại có hai cái biết. Nhiếp niệm chưa bao lâu, thân tâm con bỗng nhiên rỗng không. Trong khoảng hai mươi mốt ngày, các lậu đều dứt sạch thành A-la-hán. Chính Phật ấn ký cho con thành bậc vô học. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, thuần một tánh biết thì quên thân, đây là bậc nhất vậy.

Ngài Tất-lăng-già-bà-ta nhân đạp gai đau nhức mà ngộ đạo. Ngày nay chúng ta nhức răng hay đạp gai có ngộ không? Khi chúng ta đau quá thì rên la, kêu người nhổ răng hoặc lấy gai ra giùm v.v... chứ không dùng trí quán. Ngài Tất-lăng-già-bà-ta khi đạp gai đau liền khởi quán: mình có cái biết biết được cảm giác đau. Như vậy thành ra có hai cái biết: cảm giác đau đó là của thân, còn biết được cảm giác đau đó là tâm thanh tịnh. Nếu chúng ta sống với cái biết được cảm giác đau đó thì thanh tịnh, bằng không mình sẽ rên la. Như vậy hiện nay chúng ta đang sống với cái nào?

Thiền sư Đức Sơn có bệnh, Tăng hỏi: Lại có cái chẳng bệnh chăng? Sư đáp: Có. Tăng hỏi: Thế nào là cái chẳng bệnh: Sư bảo: Ôi da! Ôi da!

Như vậy cái biết được cảm giác bệnh, cái đó không bệnh; cũng như cái biết được cảm giác đau, cái đó không đau. Vậy khi đang đau, chúng ta sống với cái biết được cái đau tức là sống với cái không đau, tự nhiên ra khỏi đau khổ.

Như thế giả sử có những bệnh chướng của thân thì coi như trò chơi, không có gì quan trọng. Đó là cảm giác đau của tứ đại, còn mình thật thì không đau. Ngược lại nếu thấy cái đau là mình, có gì hơi chạm đến thân thì không chịu nổi. Chính do không coi cái đau là mình, mà bệnh gì rồi cũng qua. Biết thân giả hợp thì không thấy gì quan trọng. Trở về tánh giác chân thật thì quên thân. Nếu gan dạ chúng ta chuyển được nghiệp, yếu đuối quá thì nghiệp chuyển mình.

Mỗi vị đều có một công hạnh riêng, tùy theo cảnh duyên, lợi dụng cảnh duyên đó để tu, để quán chiếu thì trí tuệ phát sáng. Do trí tuệ phát sáng nên được giác ngộ, thoát khỏi mê lầm, ra khỏi trầm luân trong tam giới.

11. Viên thông về ý căn

Tu-bồ-đề liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Từ nhiều kiếp đến nay, tâm con được vô ngại, tự nhớ thọ sanh nhiều như số cát sông Hằng. Khi còn trong thai mẹ, con liền biết được lý không tịch. Như thế cho đến mười phương đều thành rỗng không, cũng khiến cho chúng sanh chứng được tánh không. Nhờ Như Lai chỉ dạy con phát minh tánh giác là chân không, tánh không tròn sáng, được quả A-la-hán, chóng vào biển Không Bảo Minh của Như Lai, thấy biết đồng như Phật. Phật ấn chứng cho con thành bậc vô học, về tánh rỗng không giải thoát, con là bậc nhất vậy. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, các tướng đều vào Không, năng không và sở không đều hết, xoay các pháp trần trở về Không, đó là trên hết.

Lúc ngài Tu-bồ-đề còn ở trong thai mẹ đã thâm nhập lý không, biết được các pháp là không nên khi sanh ra trong nhà tự nhiên trống rỗng. Đây là nói về căn ý, ý duyên với pháp trần, biết được các pháp không nên ý cũng không.

12. Viên thông về nhãn thức 

Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Từ nhiều kiếp đến nay, tâm thấy (nhãn thức) của con thanh tịnh. Tuy con thọ sanh nhiều đời như số cát sông Hằng như vậy, nhưng đối với tất cả sự biến hóa của thế gian hay xuất thế gian, một phen thấy liền được thông suốt không chướng ngại. Ở giữa đường con gặp anh em Ca-diếp-ba, cùng đi theo nghe họ tuyên nói về lý nhân duyên, con ngộ được tâm không bờ mé. Con theo Phật xuất gia, kiến giác tròn sáng, được đại vô úy, thành A-la-hán, làm trưởng tử của Phật, từ miệng Phật sanh, do pháp Phật hóa sanh. Phật hỏi về viên thông, như chỗ chứng của con, do tâm thấy phát sáng, sáng cùng tột tri kiến, đây là bậc nhất vậy.

Phật tử là con Phật. Đây là con trong chánh pháp, khác với con ngoài đời. Nhân nghe pháp từ miệng Phật nói mà hiểu đạo tu hành, được sanh trong chánh pháp nên gọi là con Phật, do từ miệng Phật sanh, từ pháp của Phật mà hóa sanh.

Nhiều người thắc mắc tại sao trong đạo có nhiều vị lớn tuổi hơn Thầy mà vẫn xưng con với Thầy. Như ngài Xá-lợi-phất lớn tuổi hơn Phật, lại nói là trưởng tử của Phật. Cũng như bây giờ, tăng ni do nghe quý thầy dạy rồi làm đệ tử xuất gia cũng gọi là con. Đây là con trong chánh pháp. Vì từ lời nói của Thầy mà mình ngộ hiểu, nhờ Thầy chỉ dạy dẫn đường mà mình sáng phần nào, được khai mở trí tuệ. Trí tuệ người học mới được khai mở là nhỏ, còn trì tuệ của người thầy dạy mình là lớn, trí tuệ nhỏ đối với trí tuệ lớn xem như là con, là mới sanh.

13. Viên thông về nhĩ thức

Bồ-tát Phổ Hiền liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con đã từng làm Pháo vương tử của các đức Như Lai nhiều như số cát sông Hằng. Như Lai mười phương dạy những đệ tử có căn cơ Bồ-tát, tu hạnh Phổ Hiền, do tên con mà lập hạnh. Bạch Thế Tôn! Con dùng tâm nghe (nhĩ thức) phân biệt những thấy biết của chúng sanh. Nếu ở phương khác, cách ngoài thế giới như cát sông Hằng, có một chúng sanh trong tâm phát minh hạnh Phổ Hiền, khi ấy con liền cỡi voi sáu ngà, phân thân thành trăm ngàn, đến chỗ người kia. Dù người kia nghiệp chướng sâu dày chưa thể thấy được con, cong cũng thầm xoa đảnh, ủng hộ an ủi họ, khiến cho họ thành tựu được hạnh Phổ Hiền. Phật hỏi về viên thông, con nói về bản nhân của con, do tâm nghe mà được phát minh, phân biệt tự tại, đây là bậc nhất vậy.

Hạnh Phổ Hiền là lấy tên của Bồ-tát Phổ Hiền mà đặt. Đối với những người còn nghiệp chướng sâu dày, không thể trực tiếp thấy Bồ-tát được thì ngài có thể thầm xoa đầu an ủi ấn chứng cho họ.

14. Viên thông về tỹ thức

Tôn-đà-la-nan-đà liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Khi con mới xuất gia theo Phật vào đạo, tuy giữ đủ giới luật, nhưng khi tu chánh định tâm con thường tán loạn chưa được vô lậu. Thế Tôn dạy con và Câu-hy-la quán chót mũi trắng. Ban đầu con quán sát kỹ, trải qua hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở trong mũi ra vào như khói. Thân tâm bên trong sáng suốt, soi khắp cả thế giới, trong sạch rỗng không giống như lưu ly.

Đây là những chặng tu quán tướng trắng chót mũi. Ngài Tôn-đà-la-nan-đà quán suốt hai mươi mốt ngày, thấy hơi thở vô ra tinh tế như làn khói, tâm ngài rỗng sáng thấu suốt như lưu ly. Lúc này tâm đã vào định.

Tướng khói dần tiêu mất, hơi thở ở mũi thành màu trắng. Tâm con khai ngộ, các lậu hết sạch. Các hơi thở ra vào hóa thành hào quang, sáng soi khắp cả thế giới mười phương, được quả A-la-hán. Thế Tôn ấn ký cho con sẽ được quả Bồ-đề. Phật hỏi về viên thông, con do tiêu dung được hơi thở, dừng lặng lâu được phát sáng, sáng suốt tròn đầy, diệt hết các lậu, đây là bậc nhất vậy.

Đây tới chặng thứ hai, hơi thở hóa thành màu trắng, dứt hết các lậu. Rồi dần dần thấy hơi thở như hào quang sáng chiếu khắp, chứng quả A-la-hán.

15. Viên thông về thiệt thức

Phú-lâu-na-di-đa-la-ni Tử liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Từ nhiều kiếp đến nay, con có biện tài vô ngại, tuyên nói về lý khổ, không, thấu suốt được thật tướng. Như thế cho đến pháp môn bí mật của Như Lai nhiều như số cát sông Hằng, con ở trong chúng khéo léo chỉ bày, được không chút sợ sệt. Thế Tôn biết con có đại biện tài, nên đem âm thanh pháp luân dạy con tuyên dương. Con ở trước Phật, giúp Phật chuyển pháp luân, nhân phát tiếng sư tử rống mà thành A-la-hán. Thế Tôn ấn chứng cho con là thuyết pháp hơn cả. Phật hỏi về viên thông, con dùng pháp âm để hàng phục ma oán, tiêu diệt các lậu, đây là đệ nhất vậy.

Trong thời Phật còn tại thế, ngài Phú-lâu-na thường trợ giúp Phật trong việc giáo hóa. Những khi đức Phật giảng tóm tắt quá, đại chúng thường thưa hỏi ngài để được giải thích rộng thêm. Sau khi ngài hoặc ngài Xá-lợi-phất triển khai thành một bài giảng cho chúng, được Phật ấn chứng là đúng, thì bài kinh đó được lưu truyền như chính lời Phật dạy.

Như vậy, thuyết pháp cũng được đắc đạo. Nhưng ở đây thuyết pháp có hai mặt, hàng phục ma oán ở ngoài và hàng phục ma oán bên trong. Trong ngoài đều hàng phục hết mới đắc đạo. Bởi vậy nên nói tiêu hết các lậu mới thành A-la-hán. 

16. Viên thông về thân thức

Ưu-ba-ly liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Chính con theo Phật vượt thành xuất gia. Chính con xem thấy Như Lai sáu năm siêng tu khổ hạnh. Chính con thấy Như Lai hàng phục ma quân, chế phục các ngoại đạo, giải quyết khỏi các lậu tham dục ở thế gian. Con nhờ Phật dạy răn, như thế cho đến ba ngàn oai nghi tám muôn tế hạnh, tánh nghiệp giá nghiệp thảy đều thanh tịnh.

Theo kinh điển Pa-li, ngài Ưu-ba-ly là thợ hớt tóc cho Phật khi ngài đang là thái tử, còn theo Phật vượt thành xuất gia là Xa-nặc.

Trong năm giới, tánh nghiệp là sát sanh, trộm cướp, tà dâm và nói dối. Khi được sanh ra, con người đã mang sẵn những tánh chất đó rồi, nên gọi là tánh nghiệp. Như tánh thích sát hại, thấy chim thì muốn bắn, thấy con vật gì cũng muốn lấy đá chọi, đó là tánh ác đã sẵn.

Giá nghiệp là nghiệp sáu này mới tạo. Giống như uống rượu. Con nít ba bốn tuổi không biết ghiền rượu, uống rượu là do mình mới tập. Cho nên Phật cấm không cho tạo, gọi là giá, nghĩa là ngăn lại.

Thân tâm được tịch diệt, thành quả A-la-hán. Con là người kỷ cương ở trong chúng của Như Lai. Chính Như Lai ấn chứng cho tâm con, về trì giới tu thân, con là trên hết trong chúng. Phật hỏi về viên thông, con do giữ thân, thân được tự tại, kế đó giữ tâm, tâm được thông suốt. Về sau, tất cả thân tâm đều thông suốt, đây là bậc nhất.

Ngài Ưu-ba-ly ban đầu giữ thân thanh tịnh, kế xoay về giữ tâm, tâm được không động, sáng suốt mới chứng quả A-la-hán. Nếu chỉ biết giữ giới ở thân mà không xoay về giữ tâm thì cũng khó chứng quả.

17. Viên thông về ý thức.

Đại Mục-kiền-liên liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Lúc ban đầu, con đang đi khất thực ngoài đường bỗng gặp ba anh em ông Ca-diếp-ba là Ưu-lâu-tần-loa, Già-gia và Na-đề tuyên nói nghĩa nhân duyên sâu xa của Như Lai. Con chóng phát tâm, được rất thông suốt. Như Lai ban cho con chiếc y ca-sa để đắp vào thân, râu tóc tự rụng. Con dạo đi mười phương được không chướng ngại, thần thông phát sáng, trong chúng con được suy tôn là bậc nhất, thành quả A-la-hán. Đâu chỉ có Thế Tôn, mà Như Lai mười phương đều khen thần lực của con, tròn sáng thanh tịnh, được tự tại không sợ sệt. Phật hỏi về viên thông, con do xoay tâm về chỗ yên lặng, tâm phát ra sáng suốt, như là lóng dòng nước đục, lâu ngày thành trong sáng, đây là bậc nhất.

Thần thông của ngài Đại Mục-kiền-liên là do thiền định mà được, nên ngài nói do xoay tâm trở về chỗ yên lặng mà tâm phát sáng. Như vậy do ý thức yên định, phát ra được ánh sáng, thành diệu dụng, gọi đó là thần thông. 

18. Viên thông về hỏa đại

Ô-sô-sắt-ma đối trước đức Như Lai chắp tay đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con thường nhớ trước kia nhiều kiếp lâu xa, tánh nhiều tham dục. Có đức Phật ra đời hiệu là Không Vương, nói người nhiều dâm dục sẽ thành đống lửa lớn, dạy con quán khắp thân, các hơi lạnh nóng nơi trăm vóc tứ chi. Nhờ quán vậy, thần quang bên trong ngưng đọng, hóa tâm đa dâm là Hỏa Đầu. Con do sức Hỏa quang tam-muội mà thành A-la-hán, trong tâm phát đại nguyện khi chư Phật thành đạo, con sẽ thân cận làm lực sĩ để hàng phục ma oán. Phật hỏi về viên thông, con do quán kỹ các cảm xúc hơi ấm nơi thân tâm, lưu thông không chướng ngại, các lậu đã tiêu hết, sanh ra ngọn lửa trí tuệ quý báu lớn, lên bậc Vô thượng giác, đây là bậc nhất vậy.

Tâm da dâm như đống lửa mạnh, nếu khéo quán trở lại nơi thân, để cho thần quang lóng đứng, thì tâm nhiều dâm dục đó thành lửa trí tuệ. Do khéo quán mà các lậu hết, sanh ra ngọn lửa trí tuệ sánh lớn thành bậc giác ngộ. Như vậy tất cả xấu dở nếu khéo tu biết chuyển đều có thể từ xấu thành hay tốt. Con người thường chỉ chấp nơi xấu tốt, chạy theo lấy bỏ, không biết khéo chuyển, lóng gạn nước đục để thành nước trong.

Phật pháp không rời thế gian. Hiểu rõ và khéo chuyển thì tất cả pháp đều là Phật pháp. Không biết chuyển, dù suốt năm này tháng nọ đi tìm Phật pháp cũng không thể gặp. Cho nên người xưa không sợ những xấu dở, chỉ sợ không biết tu. Con người do duyên nghiệp nhiều đời, hoặc nặng về bệnh này, hoặc nặng về bệnh nọ. Nếu biết tu thì bệnh chướng chuyển thành giác ngộ, phiền não thành Bồ-đề.

19. Viên thông về địa đại

Bồ-tát Trì Địa liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con nhớ thuở xưa khi đức Như Lai Phổ Quang ra đời, con là Tỳ-kheo, thường ở nơi tất cả những con đường quan yếu, bến đò và những chỗ đất hiểm trở eo hẹp, có các việc trở ngại, làm tổn hại ngựa xe, con đều đắp cho bằng phẳng, hoặc là bắc cầu, hoặc gánh đất cát.

Ở những con đường quan trọng, mọi người qua lại nhiều, nếu bị lở hay lầy lội v.v... thì Bồ-tát Trì Địa đổ thêm đất, sửa sang cho bằng phẳng. Nơi những bến đò nếu bị gập ghềnh thì ngài sửa sang cho an toàn dễ đi. Chỗ đất đai hiểm yếu trở ngại, như những chỗ bị đá lăn, ngăn trở đường sá, ngài đều dọn dẹp cho xe ngựa tới lui được yên ổn.

Như thế siêng năng khổ nhọc, trải qua vô lượng đức Phật ra đời. Hoặc có chúng sanh ở chỗ chợ búa cần người khuân vác đồ vật, trước tiên con vì họ mang vác đến nơi, để đồ vật xuống liền đi, không lấy tiền thù lao. Khi đức Phật Tỳ-xá-phù ra đời, người đời phần nhiều bị đói kém, con gánh vác giùm, chẳng kể xa gần chỉ lấy một tiền. Hoặc có xe, trâu bị mắc lầy, con dùng thần lực đẩy bánh xe lên, cho thoát khổ não.

Vị Đại vương trong nước thời đó thiết trai cúng dường Phật, khi ấy con làm đường bằng phẳng chờ Phật đi qua. Đức Phật Tỳ-xá-phù xoa đảnh đầu con, bảo rằng: "Phải bình đất tâm thì tất cả đất trong thể giới đều bình." Tâm con liền được khai mở, thấy vi trần nơi thân cùng với vi trần tạo thành thế giới đều bình đẳng không sai biệt. Tự tánh vi trần không xúc chạm nhau, cho đến đao binh cũng không thể xúc chạm. Con nơi pháp tánh ngộ được vô sanh nhẫn thành A-la-hán, ngày nay hồi tâm vào vị Bồ-tát.

Đức Phật Tỳ-xá-phù dạy Bồ-tát Trì Địa quan trọng là đất tâm, đất tâm bằng phẳng thì đất trên thế giới tự nhiên bằng phẳng. Tâm ngài khai mở, thấy đất bên ngoài và đất trong thân không khác. Giả sử chúng ta ra vườn hái rau trái vào ăn, rau trái đó chính do rễ cây hút các dưỡng chất từ đất nuôi sống. Tuy chúng ta không trực tiếp ăn đất, nhưng gián tiếp ăn những thứ rau trái có từ đất, đem tất cả những thứ ấy vào thân, bồi đắp cho thân. Rồi cũng chính nơi thân mình cho ra những thứ bồi lại cho đất, cứ thế đảo đi lộn lại. Vậy mà chúng ta vẫn thấy đất nơi mình là quý, còn đất bên ngoài không sạch, nên khi thân mình dính một chút đất, vội phủi lia phủi lịa hoặc kiếm nước rửa, không ngờ mình cũng là đất. Đất mà lại chê đất!

Khi tâm ngài đã được khai mở, giả sử có người cầm dao bén đâm ngài cũng không thể làm hại được. Vì ngài đã thấy được các trần là bình đẳng, tự tánh vi trần không xúc chạm nhau. Ngài chứng A-la-hán, rồi hỏi tâm về Bồ-tát thừa nên gọi Bồ-tát.

Khi nghe chư Phật nói về tri kiến Phật trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, con sáng tỏ chứng ngộ trước tiên, nên làm thượng thủ. Phật hỏi về viên thông, con do quán sát kỹ hai thứ vi trần nơi căn thân và thế giới đều bình đẳng không sai biệt, vốn là Như Lai tạng; do hư vọng mà phát sanh ra trần, trần tiêu hết thì trí tuệ tròn đủ, thành tựu đạo Vô thượng, đây là bậc nhất vậy.

Như vậy do quán đất mà ngài ngộ đạo. Quán đất là quán các vi trần của thân và thế giới bình đẳng không sai biệt, là Như Lai tạng, do đó mà thấy đạo. 

20. Viên thông về thủy đại

Đồng tử Nguyệt Quang liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Con nhớ nhiều kiếp xa xưa như số cát sông Hằng có đức Phật ra đời hiệu là Thủy Thiên, dạy các Bồ-tát tu tập quán về nước để vào chánh định. Quán tánh nước ở trong thân không lấn đoạt nhau. Ban đầu từ nước mũi nước miếng, như thế tất cả các thứ tân dịch, tinh huyết, đại tiểu tiện, xoay vần trong thân đồng là một tánh nước. Thấy nước trong thân cùng với nước trong các biển Hương Hải, nơi cõi Phù Tràng Vương ở ngoài thế giới, đều bình đẳng không có sai biệt.

Lối quán này có chỗ đặc biệt. Bồ-tát không quán nước ở ngoài mà quán nước ở ngay trong thân mình. Nghĩa là quán sát trong thân từ nước miếng nước mũi đến mồ hôi máu mủ... những chất ướt đều thuộc về nước, đồng một thể tánh trong mát, chứ không có tướng sai biệt như máu là đỏ, nước miếng là trắng... Kế đó quán nước ngoài biển cả, thể tánh cũng đồng như ở trong thân. Đó là giai đoạn thứ nhất về quán nước.

Khi ấy con mới thành tựu pháp quán này, chỉ thấy được nước mà chưa được không thân. Con đang làm Tỳ-kheo, ngồi thiền trong thất, có đứa đệ tử ngó qua cửa sổ nhìn vào thất, thấy khắp cả thất chỉ toàn nước trong, trọn không thấy gì khác. Nó nhỏ dại không biết, lấy hòn gạch ném vào trong nước nghe tiếng bõm, ngó qua rồi bỏ đi. Sau khi con xuất định, chợt thấy đau tim, như ngài Xá-lợi-phất bị quỷ Vi Hại đánh.

Một lần nọ ngài Xá-lợi-phất ngồi thiền nơi chỗ trống với cái đầu vừa cạo. Có con quỷ Vi Hại đi ngang, đánh trên đầu ngài một cái. Lúc ấy ngài đang nhập định. Ngài Mục-kiền-liên ngồi thiền gần đó trông thấy giật mình, vì cái đánh của quỷ có sức làm bể hai trái núi. Vậy mà sau khi ngài Xá-lợi-phất xả thiền, ngài Mục-kiền-liên hỏi thăm, ngài nói chỉ nghe hơi ê đầu.

Con tự suy nghĩ, nay mình đã được đạo A-la-hán, đã lâu xa lìa duyên bệnh, tại sao ngày nay chợt sanh ra đau tim, không lẽ bị thối thất chăng? Khi ấy, chú đệ tử nhỏ liền đến gặp con thuật lại việc như trên. Con liền bảo rằng: Nếu sau ngươi lại thấy nước thì mở cửa vào, lấy hòn gạch trong nước ra. Chú đệ tử nhỏ vâng lời. Sau đó khi con nhập định, lại thấy nước và hòn gạch rõ ràng, chú đệ tử liền mở cửa vào lấy hòn gạch ra. Sau khi xuất định, thân con trở lại như cũ.

Theo pháp quán thông thường thì chỉ người đang quán thấy nước, nhưng khi sức quán mạnh thì người đang quán tưởng cái gì, người ngoài cũng thấy cái ấy. Khi ngài Nguyệt Quang quán nước thì cả thất thấy đầy nước. Nước này ở đâu lại đây? Rồi khi ngài xuất định nước không còn nữa, vậy nước đi đâu? Rõ ràng tất cả từ tưởng mà ra.

Trước đây chúng ta đã học về tưởng uẩn, khi nghe nói me chua, tâm tưởng đến me thì nước miếng trong miệng tươm ra. Ở đây khi tưởng nước trong thân đầy khắp thì đất, lửa, gió mất, chỉ còn thuần là nước, nước tràn đầy cả thất. Đây là được định. Vậy mà vẫn chưa quên thân, nên chú đệ tử ném hòn gạch vào, khi xuất định ngài bị đau tim. Phải qua một thời gian lâu sau nữa mới được quên thân, thấu rõ tánh nước là chân không, tánh không là nước thật (tánh thủy chân không, tánh không chân thủy).

Ngài Nguyệt Quang tu pháp quán nước đến mức ấy vẫn chưa quên thân, vậy mà ngày nay có người tu, quán thấy một chút gì, đã nói tôi được đạo rồi, rất là sai lầm! Đó là lạm xưng, chưa tới mà tưởng mình đã tới, nói là Phật Bồ-tát, vỗ ngực xưng tên... toàn là tưởng tượng chứ chưa tới đâu cả. So với các ngài, trong triệu phần chúng ta chưa được một, tự xưng này kia là tai họa. Người đời không biết vì họ không học, chúng ta có học rồi mới thấy công phu tu phải rất lâu dài.

Con được gặp vô lượng đức Phật, như thế cho đến đức Phật Sơn Hải Tự Tại Thông Vương, mới được quên thân, cùng với nước của các biển Hương Thủy ở thế giới mười phương, tánh hợp với chân không không hai không khác. Nay ở nơi Như Lai được tên là Đồng Chân, dự vào hội Bồ-tát. Phật hỏi về viên thông, con do quán tánh nước một vị lưu thông, được vô sanh nhẫn viên mãn đạo Bồ-đề, đây là bậc nhất vậy.

Hợp với thể tánh chân không tức là Như Lai tạng. Đến đây Đồng tử Nguyệt Quang mới thành Bồ-tát, viên mãn đạo Bồ-đề. Chúng ta thấy các vị A-la-hán và Bồ-tát đều nói: "Con nhở thuở xưa, trải qua số kiếp như cát sông Hằng..." Mới biết các ngài tu rất nhiều đời mới viên mãn công hạnh. Bởi vậy mỗi người phước duyên không đồng, kẻ mỏng người dày, kẻ sâu người cạn nên hiện đời có người học ít mà biết nhiều, kẻ học nhiều mà quên hết. Đó đều do duyên đời trước mình tạo mỏng hay dày mà có sai biệt. Tuy nhiên, chỗ tu tập không hề quên mất, bao nhiêu đời vẫn tiếp tục công phu của mình cho đến ngày viên mãn.

Các vị tu Nguyên thủy cũng có lối tu quán nước. Lấy một bát nước trong vừa đầy, để trong thất hay một nơi kín đáo yên tịnh. Ngồi an ổn chú tâm vào bất cứ danh từ nào chỉ "nước", cho đến khi tướng nước hiện ra như quạt lớn bằng pha lê, như mặt gương tròn lớn giữa hư không, tức là được định. Đây là quán nước ở ngoài, khác với Bồ-tát quán nước ở trong thân mình, cùng với nước ở các biển mười phương đồng một thể chân không, mới được đạo Bồ-tát.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89018
  • Online: 46