Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương II: Tu đạo (tt3)

09/10/2021 | Lượt xem: 1713

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

V. CHỈ PHÁP VIÊN TU

1. Phóng quang hiện điềm lành

 

Khi ấy đức Thế Tôn nơi tòa sư tử, từ năm vóc của ngài đồng phóng hào quang báu, xa rọi đến trên đảnh chư Như Lai mười phương nhiều như số vi trần và trên đảnh các vị Pháp vương tử, các vị Bồ-tát. Chư Phật kia cũng từ năm vóc đồng phóng hào quang báu, từ các cõi nước như vi trần kia rọi đến trên đảnh Phật cùng rọi trên đảnh những vị đại Bồ-tát và A-la-hán trong chúng hội. Rừng cây, ao hồ đều diễn nói pháp. Hào quang xen lẫn nhau như lưới tơ báu. Các đại chúng nơi đây được điều chưa từng có, tất cả đều được Kim cang tam-muội.

Liền khi đó trời mưa hoa sen trăm báu, màu xanh vàng đỏ trắng xen lẫn nhau, hư không mười phương thành sắc bảy báu. Thế giới Ta-bà này: đất liền, núi sông đều đồng thời chẳng hiện, chỉ thấy có các cõi nước mười phương như số vi trần hợp thành một thế giới. Những tiếng ca hát chúc tụng tự nhiên cất lên.

Từ đầu kinh tới đây, Phật đã phóng quang:

- Lần thứ nhất ở cửa mặt, tức giữa hai chân mày, tượng trưng cho trí tuệ, khi ngài sắp chỉ tánh thấy.

- Lần thứ hai từ chữ Vạn trên ngực, tượng trưng cho Như Lai tạng tâm, soi rọi khắp cả chư Phật, chỉ cho tâm thể trùm khắp.

- Lần thứ ba, chư Phật mười phương phóng quang từ đảnh đầu, đồng nói: sáu căn là gốc sanh tử, cũng là gốc Bồ-đề.

- Lần thứ tư, Phật phóng quang từ năm vóc (đầu, hai tay và hai chân), tức phóng quang toàn bộ. Trước kia là phóng quang bộ phận: ở cửa mặt, hoặc ở ngực, trên đảnh; còn đây là phóng quang toàn bộ, tức sắp nói pháp viên thông. Hào quang của chư Phật bên này phóng qua, bên kia phóng lại xen lẫn nhau như lưới tơ báu sáng rỡ, là điều mà đại chúng chưa từng thấy, và mọi người đều được chánh định cứng chắc như kim cương.

Từ trời, mưa rơi các hoa sen đủ màu, khắp mười phương đều là hình sắc bảy báu. Những lời ca, tán tụng trong trẻo tự nhiên phát ra vang rền, không phải do dụng công sức. Thật là một cảnh tượng huy hoàng! Cảnh tượng đó cho thấy khi đến chỗ viên thông rồi, không còn chướng ngại nhau, đồng một trí tuệ không khác. Chỗ cứu cánh của sự tu hành kế đây sẽ được chọn lựa, cũng là chỗ mà chư Phật chư Bồ-tát mười phương đồng đi, đồng đến. Cho nên ở sau mới nói đây là "đường vào cửa Niết-bàn".

Hào quang chỉ rọi trên đảnh chư Phật Bồ-tát và A-la-hán mà không rọi hết cả chúng hội, vì hàng phàm phu sáu căn chưa viên thông, chưa hỗ dụng, chưa trở về tánh chân. Thế giới Ta-bà không còn hiện nữa, thấy mười phương thế giới như số vi trần hợp thành một thế giới, nghĩa là tới chỗ tột cùng, không còn những tướng riêng biệt, tất cả đồng một thể. Pháp sắp nói ở đây là pháp viên thông nhất trong hai mươi lăm vị tu chứng. Viên là tròn, thông là suốt, viên thông là tròn suốt, không riêng biệt, cho nên chỉ còn thấy một thế giới.

2. Bồ-tát Văn-thù chọn căn viên thông

Khi ấy đức Như Lai bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi Pháp vương tử rằng:

- Nay ông xem trong hai mươi lăm vị vô học thuộc hàng Bồ-tát và A-la-hán, mỗi người trình bày phương tiện ban đầu đưa đến thành đạo, đều nói tu tập pháp chân thật viên thông. Những phương tiện tu hành kia trước sau khác nhau, thật không có hơn kém. Nay ta muốn khiến A-nan được khai ngộ, trong hai mươi lăm hạnh phúc đó, hạnh nào sẽ thích hợp với căn cơ kia? Cùng với sau khi ta diệt độ, chúng sanh ở thế giới này muốn vào Bồ-tát thừa cầu đạo Vô thượng, dùng cửa phương tiện nào được dễ thành tựu?

Đức Phật ủy thác cho Bồ-tát Văn-thù chọn lựa trong hai mươi lăm pháp tu của chư Bồ-tát và A-la-hán đã trình bày ở trước, coi pháp nào, phương tiện nào tu dễ thành tựu, chứng quả, thích hợp với căn cơ ngài A-nan và cũng hợp căn cơ chúng sanh sau này, khi Phật đã diệt độ, muốn được vào Bồ-tát thừa, cầu đạo Vô thượng.

Ở phần mở đầu quyển kinh, ngài Văn-thù đã xuất hiện, đem thần chú đến cứu ngài A-nan mắc nạn Ma-đăng-già. Lần thứ hai ở đoạn: Văn-thù là Văn-thù chứ không phải thật là Văn-thù hay không Văn-thù (phần Chỉ ra tánh thấy không hai). Lần thứ ba này Bồ-tát Văn-thù xuất hiện để chọn lựa căn viên thông. Ngài Văn-thù tượng trưng cho trí căn bản. Chính trí căn bản cứu chúng ta ra khỏi biển ái. Cũng chỉ có trí căn bản mới có thể gạn lọc, chọn lựa đúng, giúp chúng ta dễ giác ngộ, trở về chỗ chân thật.

Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi vâng lời chỉ dạy từ bi của Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, nương oai thần của Phật, nói kệ đáp lại:

Chúng ta thấy sự khiêm nhường của các vị Bồ-tát đối với Phật. Khi Phật bảo ngài Văn-thù chọn lựa căn viên thông, đáng lý tự ý ngài chọn, nhưng lại nói nương oai thần của Phật, nói bài kệ đáp lại, nghĩa là các vị có làm việc gì đều là nương sức của chư Phật. Cũng như chư tăng ni khi đi giảng dạy thường nói: Nhờ sự giáo hóa của Thầy nên chúng tôi mới hiểu biết được đạo lý. Nếu tự cao ngạo mạn vỗ ngực xưng tên "tôi thông minh, tôi thông thái, tôi tự thấy biết" thì thiếu tư cách của người tu hành, rất trái với đạo lý đã được hấp thụ đã được giáo huấn.

Bài kệ dưới đây tóm tắt từ thủy tới chung, từ khi đức Phật nói về nguyên do sanh ra thế giới chúng sanh cho đến lựa chọn sáu căn viên thông.

Biển giác tánh lặng tròn,

Tròn lặng, giác vốn mầu.

Nguyên minh, chiếu sanh sở,

Sở lập, tánh chiếu mất.

Từ ban đầu, thể gốc của tất cả chúng sanh là tánh giác thênh thang như biển, lóng lặng tròn sáng. Các thiền sư muốn diễn bày chân tánh thường vẽ một vòng tròn là do ý này. Bởi lóng lặng tròn sáng nên tánh giác vốn nhiệm mầu.

Rồi từ cái sáng đó chiếu soi lại tánh giác, sanh ra có năng chiếu và sở chiếu. Một khi sở đã lập thì tánh chiếu mất đi. Đây là mầm lưu chuyển trong tam giới. Như chúng ta nghe Phật nói mình có tánh giác có chân tâm. Vậy tánh giác, chân tâm hiện giờ ở đâu? Vừa khởi nghĩ tìm tánh giác, chân tâm thì tánh giác, chân tâm đã thành cái bị tìm, còn tâm mình thánh cái hay tìm. Như vậy tánh giác biến thành sở mất rồi, mà đã biến thành sở thì tánh sáng không hiện, nên nói sở lập thì tánh chiếu mất. Đó là diễn tả buổi ban đầu, từ tánh giác trùm khắp, do vọng khởi chiếu soi lại nó nên tánh giác bị ẩn, bị mờ đi. Nếu không tìm thì vọng tưởng không dấy, chân tâm hiện tiền.

Mê vọng có hư không,

Nương không lập thế giới.

Do quên tánh giác nên mê vọng mà có hư không, rồi nương nơi hư không mới sanh ra thế giới. Như vậy hư không có sau tánh giác, do mê vọng mà có, còn tánh giác là thể trùm khắp. Hư không chỉ là một phần nhỏ xíu ở trong tánh giác. 

Tưởng lặng thành cõi nước,

Hiểu biết là chúng sanh.

Những cái tưởng lặng xuống, cô đọng kết tụ lại thành ra cõi nước; còn tri giác, tức hiểu biết thì làm chúng sanh.

Hư không sanh trong giác

Như bọt nổi trong biển.

Cõi hữu lậu vi trần

Đều nương không mà sanh.

Trước nói về tánh giác, kế đó là hư không, kế là thế giới, rồi chúng sanh. Bây giờ mới so sánh lại: Hư không sanh ở trong tánh đại giác, giống như một hòn bọt ngoài biển, huống là các cõi nước hữu lậu như số vi trần từ hư không mà ra. Ví dụ như thân thể mình sánh với đất nước Việt Nam thì cân lượng chỉ như hạt bụi. Nếu đem thân so với bao nhiêu cõi nước trong hư không, chứ đừng nói là so với hư không thì thân này không có nghĩa lý gì hết. Mà hư không ở trong tánh giác chỉ như là một hòn bọt thôi. Như vậy tánh giác rộng lớn cỡ nào?

Vậy mà chúng ta đành bỏ quên, không chịu sống với cái to lớn dường ấy, lại nhận cái nhỏ bé dường này, để rồi tiếc từng cái nhà, từng mảnh đất, tiếc từng cái nhỏ tí ti... Bởi vậy, nên con ông trưởng giả khi trở về nhà, kêu hốt phân thì chịu, chứ không dám nghĩ mình là con trưởng giả. Vì điều đó quá sức tưởng tượng.

Do đó Phật dạy phải gỡ được cái dính khắn của sáu căn mới thể nhập tánh giác. Tánh giác thênh thang, không phải đồng như hư không mà là trùm cả hư không. Hư không ở trong tánh giác chỉ như hòn bọt trên biển. Thật là quá sức tưởng tượng! Chúng ta sẵn có cái thênh thang không thể nghĩ lường mà lại bỏ quên, đi nhận một chút xíu sanh diệt lăng xăng, xẹt lên rồi mất như dòng điện, không có gì thật, cho là tâm mình. Từ đó mà giành hơn thua, nói phải quấy, tranh chấp lẫn nhau nên đi mãi trong lục đạo, vui ít mà khổ nhiều. Thật là đáng thương!

Như vậy hư không, thế giới, cõi nước, chúng sanh gốc vốn từ mê vọng mà ra, chẳng khác nào một giấc chiêm bao! Chiêm bao là do ngủ mê thất có người có cảnh đủ thứ, đến khi thức giấc thì cảnh chiêm bao không còn. Các cảnh hiện có của chúng ta đây cũng từ gốc mê. Hai cái mê này không khác gì nhau. Do đó người nào thâm ngộ được lý này thì biết rõ thân này cảnh này, hư không thế giới đều là một chuỗi mê vọng mà thành, chứ không có gì thật. Nên nói: một người trở về nguồn chân thì cả đại địa không còn tấc đất.

Bọt tan, hư không mất,

Huống lại là ba cõi.

Hòn bọt dụ cho hư không, tánh giác dụ cho biển cả, hư không đối với tánh giác như hòn bọt trong biển cả. Nói bọt tan tức là hư không chẳng còn. Hư không còn là không huống chi bao nhiêu cõi nước ở trong hòn bọt hư không đó! Ba cõi Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới đều không có nghĩa lý gì.

Về nguồn, tánh không hai,

Phương tiện có nhiều cửa.

Nay chúng ta trở về cái gốc ban đầu thì tánh vốn không hai, nhưng phương tiện tu hành có nhiều cửa.

Tánh thánh đâu chẳng thông,

Thuận nghịch đều phương tiện.

Đối với các vị thánh thì cửa nào cũng thông, nhưng nói thuận hay nghịch, cửa này tiện hơn cửa kia, đều là phương tiện.

Sơ tâm vào chánh định

Nhanh chậm không giống nhau.

Các vị thánh tu pháp nào cũng vào chánh định được, nhưng người mới tu muốn vào chánh định thì nhanh chậm không đồng, nên phải chọn pháp phù hợp. Do đó tùy theo công đức các căn mà chọn lựa. Căn nào đầy đủ công đức thì tu mau, căn nào kém thiếu thì chậm.

a. Lựa ra những căn không viên thông

Sáu trần:

Sắc tưởng kết thành trần,

Tinh thuần không thể thấu.

Làm sao không rõ suốt

Tu hành được viên thông?

Sắc do tưởng kết lại mà thành trần. Vì là trần nên phần thuần túy sáng suốt không thể thấu triệt được. Không thấu triệt, không sáng thì làm sao mà được viên thông! Đây là pháp tu về sắc trần của ngài Ưu-ba-ni-sa-đà. Bồ-tát Văn-thù không chọn vì không viên thông.

Âm thanh lẫn ngôn ngữ,

Chỉ nương tên, câu, vị.

Một chẳng gồm tất cả

Sao tu được viên thông?

Đây nói về thanh trần. Âm thanh cùng lời nói, nương tên gọi, câu lời mà kết thành. Mỗi câu riêng, mỗi lời riêng, nên một không thể gồm tất cả, thì làm sao được viên thông?

Hương do hợp mới biết

Lúc lìa vốn chẳng có

Chỗ hay biết không thường, 

Làm sao được viên thông?

Về hương trần, do chỗ hợp mà biết, vì mùi phải liên hệ, tiếp xúc với lỗ mũi mới biết mùi thơm hôi. Nếu lìa thì không có cái biết của mũi. Do không có cái biết thường xuyên thì làm sao được viên thông?

Tánh vị không có sẵn,

Cần nếm mới có vị,

Cảm giác không hằng nhất,

Làm sao được viên thông?

Về vị trần, tánh vị không phải sẵn có, khi có vị tới lưỡi thì mới biết ngon dở. Cảm giác không thường hằng, duy nhất, cho nên không phải là viên thông.

Xúc do chỗ chạm biết

Không chạm không rõ xúc.

Tánh hợp lìa chẳng định

Làm sao được viên thông?

Về xúc trần, có xúc chạm mới biết, ví dụ như tay mình tiếp xúc chạm với lửa mới biết là nóng, chạm với nước đá mới biết là lạnh. Như vậy đợi có sở xúc, do chỗ xúc chạm mới biết cảm giác. Hợp hay lìa, tánh không nhất định, thì làm sao được viên thông?

Pháp gọi là nội trần,

Nương trần ắt có sở, 

Năng sở không dung khắp, 

Làm sao được viên thông?

Pháp trần gọi là nội trần, vì những hình bóng do mắt tai mũi lưỡi thân, duyên vào còn lưu lại trong tâm thức, mỗi khi nhớ lại thì cảnh đó hiện ra. Cảnh đó là bóng của tiền trần còn lưu lại trong tâm, là sở, tức đối tượng để vọng tưởng duyên theo. Như vậy sở (bóng dáng sáu trần) là bị biết, còn năng là hay biết, tức ý. Ý hay biết pháp trần. Hai thứ năng và sở này không dung nhau khắp thì làm sao mà được viên thông?

Năm căn:

Cái thấy tuy rỗng suốt,

Thấy trước chẳng thấy sau,

Bốn phía thiếu một nửa

Làm sao được viên thông?

Cái thấy này chỉ cho nhãn căn. Tuy nó rỗng suốt nhưng chỉ thấy phía trước mà không thấy phía sau; ngó bên này thì chỉ nhìn được nửa bên này, ngó bên kia cũng vậy, nên nói thiếu phân nửa. Vì vậy mà căn mắt không được viên thông.

Mũi thở ra vào thông, 

Hiện tiền không khoảng giữa,

Tách rời không dung nhập,

Làm sao được viên thông?

Đến tỹ căn, hơi thở ra vào thông suốt nhưng hiện tiền không có khoảng giữa. Lẽ ra có ba chặng: chặng ra, chặng vào, chặng giữa, nhưng chúng ta chỉ thấy chặng ra chặng vào, không thấy chặng giữa. Hít vô rồi dừng lại, thở ra, cái khoảng giữa đó không được thông. Hơi thở ra hơi thở vào riêng biệt, tách rời nhau, không lẫn vào nhau, thì làm sao mà được viên thông?

Lưỡi không vị, không duyên,

Nhân vị sanh rõ biết,

Vị mất, cái biết không,

Làm sao được viên thông?

Về căn lưỡi, nếu không có vị để vào thì không có duyên để biết. Nhân nơi vị mới sanh rõ biết. Nếu vị mất thì cái biết về vị không có. Như lưỡi mình lúc không nếm thì đâu có biết vị. Vậy làm sao mà được viên thông.

Thân cùng sở xúc đồng,

Đều chẳng biết thông suốt,

Chừng hạn, không thầm hợp,

Làm sao được viên thông?

Thân căn cùng với đối tượng xúc chạm là giống nhau, đều không thể quán viên giác, tức không biết tròn suốt, vì khi có chạm mới có cảm xúc, không chạm thì không cảm xúc. Do đó, cảm xúc có chừng hạn chứ không thầm hợp với nhau. Ví dụ, như chân mình đạp gai thì có cảm giác ở chân, hoặc tay mình bị phỏng thì có cảm giác nơi tay. Cái xúc chạm, cảm giác có chừng ngằn, có nơi chốn chứ không thầm hợp tất cả. Vậy nên không phải là viên thông.

Ý căn xen loạn tưởng,

Dừng lặng trọn chẳng thấy.

Tưởng niệm không giải thoát,

Làm sao được viên thông?

Ý căn lẫn lộn với suy nghĩ loạn tưởng. Khi ý dấy lên lăng xăng, chúng ta nói ý tôi nghĩ thế này, ý tôi nghĩ thế kia, nhưng khi lặng xuống hết thì trọn không thấy có ý. Còn tưởng niệm thuộc sanh diệt, không phải là giải thoát, vậy nên chẳng phải viên thông.

Sáu thức:

Nhãn thức lẫn ba hòa, 

Tìm gốc không có tướng,

Tự thể không nhất định,

Làm sao được viên thông?

Ba cái hòa hợp là căn, trần và thức. Ngoài có sắc trần, trong có căn là con mắt, thức nương đó mà khởi. Thức do hòa hợp mới có nên không thật. Gạn tìm nguồn gốc thì không có tướng, vì hòa hợp làm sao thành tướng riêng được. Tự thể trước đã không nhất định, làm sao được viên thông?

Tâm nghe suốt mười phương

Sanh từ sức nguyện lớn,

Sợ tâm không thể vào,

Làm sao được viên thông?

Tâm nghe chỉ cho nhĩ thức, rỗng khắp mười phương. Ngài Phổ Hiền tu về tâm nghe, trong mười phương nếu có người nào tu hạnh này, ngài đều đến để ủng hộ. Pháp này người phàm tu không nổi, nên nói phải từ nhân đại nguyện mới được. Người sơ tâm không thể vào, làm sao được viên thông?

Tưởng mũi, phương tiện tạm,

Chỉ để nhiếp tâm trụ.

Trụ thành tâm sở trụ

Làm sao được viên thông?

Đây nói về tỹ thức. Ngài Tôn-đà-la Nan-đà quán chót mũi trắng, chỉ là phương tiện tạm để nhiếp tâm an trụ. Nếu có trụ thì thành ra tâm sở trụ. Như khi quán chót mũi trắng, dùng nó để trụ tâm, liền có năng trụ và sở trụ. Vậy làm sao được viên thông?

Thuyết pháp dùng lời tiếng,

Trước người được khai ngộ.

Câu chữ chẳng vô lậu,

Làm sao được viên thông?

Do thiệt thức mới phát được lời lẽ hay, là phương tiện ban đầu để cho người khai ngộ, thành tựu. Khai ngộ tiên thành giả là muốn khai ngộ cho người thì lời và tiếng đi trước để thành tựu. Nhờ nghe thuyết pháp họ mới hiểu đạo và tu, văn rồi mới tư, tu. Đó là phương tiện ban đầu để được ngộ đạo. Nhưng danh cú, câu lời không phải là vô lậu, thì làm sao được viên thông?

Giữ giới chỉ buộc thân,

Không thân chẳng chỗ buộc,

Vốn chẳng khắp tất cả,

Làm sao được viên thông?

Trì giới chỉ là phương tiện thúc liễm thân. Nếu không có thân thì không có chỗ thúc liễm, nghĩa là nếu thấy thân không thật thì còn gì thúc liễm. Vốn không phải khắp tất cả, làm sao được viên thông?

Thần thông, nhân đời trước,

Dính gì pháp phân biệt.

Niệm duyên chẳng lìa vật

Làm sao được viên thông?

Thần thông đây chỉ cho ngài Mục-kiền-liên thần thông đệ nhất. Đó vốn là nhân đời trước, không quan hệ gì pháp thân phân biệt. Do ý thức, niệm tưởng duyên ngoại cảnh, chú tâm duyên vào cảnh đó nên nó không lìa vật, thì làm sao được viên thông?

Bảy đại:

Nếu quán tánh của đất,

Cứng ngại không thông suốt,

Hữu vi chẳng tánh thánh

Làm sao được viên thông?

Nếu quán tánh của đất, thì đất là cứng chắc, ngăn ngại, không thông suốt. Đất là tướng bị sanh diệt nên thuộc về hữu vi, không phải tánh thánh, thì làm sao được viên thông?

Nếu quán tánh của nước,

Tưởng niệm không chân thật,

Như như chẳng giác quán,

Làm sao được viên thông?

Dùng nước để quán là do tưởng niệm, tưởng niệm thì không phải chân thật. Vì chỗ như như chân thật đó không có tưởng, không có quán, không phải do giác quán mà được, vậy làm sao được viên thông?

Nếu quán tánh của lửa,

Chán có, chẳng thật lìa,

Cách không hợp sơ tâm,

Làm sao được viên thông?

Ngài Ô-sô-sắt-ma quán lửa mà được thần quang bên trong ngưng đọng, hóa tâm đa dâm thành lửa trí tuệ. Đây là từ chác các pháp hữu vi hữu lậu mà được lìa. Chán cái này mong cầu cái kia, cũng chưa phải chân thật xa lìa, không phải là phương tiện của người mới tu, làm sao được viên thông?

Nếu quán tánh của gió,

Động tịch là đối đãi,

Chẳng phải Vô thượng giác

Làm sao được viên thông?

Nếu quán về tánh gió là do có động có dừng, chẳng phải là không đối đãi. Do có đối đãi nên không phải Vô thượng giác, thì làm sao được viên thông?

Nếu quán tánh của không,

Mờ tối không có giác,

Không giác, khác Bồ-đề, 

Làm sao được viên thông?

Hư không vốn mờ tối, vô tri vô giác. Không giác tức trái với Bồ-đề, làm sao được viên thông?

Nếu quán tánh của thức,

Quán thức chẳng thường trụ,

Còn tâm là hư vọng

Làm sao được viên thông?

Nếu quán về thức thì thức không phải thường trụ. Còn tâm, còn quán cũng là hư vọng. Đã hư vọng không thật thì làm sao được viên thông?

Các hạnh là vô thường

Tánh niệm vốn sanh diệt

Nhân quả nay cảm ứng

Làm sao được viên thông?

Đây là hạnh niệm Phật của Bồ-tát Đại Thế Chí. Niệm vốn là sanh diệt, như niệm Nam-mô A-di-đà Phật, vừa có chữ Nam thì tới chữ Mô, chữ A... vừa có chữ này sanh thì chữ kia diệt, nên nó thuộc về sanh diệt, mà sanh diệt thì vô thường. Nhân là chỉ cho người niệm, quả chỉ cho Phật độ; hoặc nhân chỉ cho sự phát tâm tu hành của mình, quả là Phật nhớ lại mình. Nhân quả có cảm ứng qua lại như nói mẹ nhớ con, con nhớ mẹ, chúng ta nhớ Phật, Phật nhớ chúng ta. Có Phật có mình là còn đối đãi, vì vậy không được viên thông.

Nay con bạch Thế Tôn

Phật xuất hiện Ta-bà,

Chân giáo thể phương này,

Thanh tịnh nơi tiếng, nghe.

Muốn vào được chánh định,

Thật do nơi nghe vào.

Bồ-tát Văn-thù nói hết phần của hai mươi bốn vị thánh rồi, trước khi nói tới vị thứ hai mươi lăm là Bồ-tát Quán Thế Âm. Ngài bạch Phật trước, Phật ra đời ở thế giới Ta-bà, giáo thể chân thật ở cõi này thanh tịnh từ cái nghe và tiếng. Tại sao? Dù chúng ta không tu phản văn tự tánh đi nữa, nếu muốn học đạo hiểu đạo thì cũng phải từ Văn Tư Tu, chính là phương tiện tu của Bồ-tát Quán Thế Âm. Muốn tu thì trước phải nghe, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ rồi mới tu hành. Sở dĩ tu được thanh tịnh là trước nhờ nghe. Muốn vào chánh định thì phải từ nghe mà vào.

Có những thế giới dùng hào quang làm Phật sự, có thế giới dùng việc ăn cơm làm Phật sự. Còn thế giới này là do giảng kinh thuyết pháp làm Phật sự, cho nên người nhập đạo là từ nghe mà vào đạo, từ nghe mà quên tiếng, trở về nguồn.

Lìa khổ được giải thoát,

Hay thay! Quán Thế Âm,

Trong hằng sa số kiếp

Vào cõi Phật vi trần,

Được sức đại tự tại,

Vô úy thí chúng sanh.

Đó là tán thán Bồ-tát Quán Thế Âm có thần lực tự tại lớn, bố thí vô úy cho chúng sanh.

Diệu âm, Quán thế âm,

Phạm âm, Hải triều âm,

Cứu đời thảy an ổn,

Xuất thế, được thường trụ.

Diệu âm là tiếng nhiệm mầu. Quán thế âm là xem xét các tiếng của thế gian. Phạm âm là tiếng trong sạch. Hải triều âm là tiếng vang lên như sóng biển. Đối với người đời thì Bồ-tát cứu giúp cho họ được an ổn, còn với người tu giải thoát thì đưa họ tới chỗ thường trụ bất sanh bất diệt. Đó là tán thán hạnh tu của ngài Quán Thế Âm. Đây là cửa phương tiện thích hợp với cõi đời này, hạnh tu của đức Quán Thế Âm làm lợi ích cho cả thế gian và xuất thế gian.

Đoạn trên khen ngợi Bồ-tát Quán Thế Âm, mà nói về ngài Quán Thế Âm tức là nói về ai? Quán Thế Âm nghĩa là xem xét các tiếng của thế gian. Tai hằng nghe tiếng thế gian, để xoay trở lại tánh viên trạm, như vậy chính mình có phải là Quán Thế Âm hay không? Học theo phương pháp của ngài Quán Thế Âm là xoay cái nghe trở về tự tánh, tức là nơi căn tai thể nhập chân tánh thường trụ, phát sanh diệu dụng. Đó là hết khổ, gọi là được Bồ-tát Quán Thế Âm cứu độ.

b. Nhĩ căn viên thông nhất

Nay con bạch Như Lai,

Như Quán Âm đã nói:

Ví như người chỗ vắng,

Mười phương đồng đánh trống,

Mười chỗ đồng thời nghe,

Đây viên thông chân thật.

Ví dụ chúng ta ở đây mà mười phía trên dưới chung quanh người ta đều đánh trống, cùng một lúc chỗ nào cũng nghe. Vì vậy, gọi là viên thông chân thật. Như vậy, xác nhận lời của Bồ-tát Quán Thế Âm nói lúc ban đầu, để thấy rằng chỉ có nhĩ căn là viên thông.

Kế đây Bồ-tát Văn-thù tạm so sánh lại với các pháp tu trước.

Mắt bị ngăn chẳng thấy,

Miệng, mũi cũng như thế.

Thân do hợp mới biết,

Tâm lăng xăng không mối.

Con mắt không thể thấy phía ngoài vật che ngăn. Ví dụ, phía trước chúng ta có che một tấm màn, mình không thấy gì bên ngoài tấm màn. Rồi miệng, mũi cũng thế, cũng bị những chướng ngại. Thân thì có hiệp mới biết, còn tâm niệm lăng xăng không có mối manh. Như vậy năm căn này đều bị giới hạn, không viên thông.

Cách vách vẫn nghe tiếng,

Xa gần đều nghe được,

Năm căn không thể bằng,

Đây viên thông chân thật.

So sánh với các căn kia thì nhĩ căn có thể nghe được âm vang ngoài tấm vách và chỗ xa chỗ gần cũng đều nghe, năm căn kia không thể bằng được. Như vậy nhĩ căn là viên thông chân thật.

Âm thanh có động tịnh, 

Trong nghe thành có không,

Không tiếng gọi không nghe,

Chẳng phải không tánh nghe.

Tiếng thì có động và tịnh, nên trong cái nghe thành ra có và không. Khi có tiếng động thì có nghe gọi là có, khi không có tiếng động thì không nghe gọi là không. Không có tiếng, nghe không có tiếng chứ chẳng phải không nghe. Tiếng có sanh có diệt, sanh là động, diệt là tịnh, còn cái nghe không có động không có tịnh. Tánh nghe trùm cả động và tịnh, hằng hữu không sanh không diệt.

Không tiếng đã không diệt,

Có tiếng cũng chẳng sanh.

Sanh diệt thảy trọn lìa,

Đây hẳn thường chân thật.

Khi không có tiếng thì tánh nghe cũng không mất. Khi có tiếng cũng không phải tánh nghe mới sanh. Tánh nghe hoàn toàn lìa cả hai sanh và diệt, nó thường trụ, nên nói tánh nghe thường chân thật.

Dù là trong mộng tưởng,

Không chẳng nghĩ mà không,

Giác quán ngoài suy nghĩ, 

Thân tâm không bì kịp.

Trong lúc chúng ta ngủ mơ mộng tưởng, chẳng phải vì lúc ấy không làm gì, không nghĩ gì mà không tánh nghe. Như đoạn trước nói, dù trong mộng tánh nghe vẫn không mất. Giác quán, tức cái biết, chỉ cho tánh nghe, vượt ngoài sự suy nghĩ. Thân tâm không thể bì kịp nó.

Đây là phương tiện ngài Văn-thù chọn lựa. Đứng về mặt phương tiện thì nói nhĩ căn là viên thông, nên chọn nhĩ căn mà tu. Nhưng sự thật, tu thiền chân chánh thì sáu căn đều phải nhiếp phục. Sáu căn đều nhiếp phục là sao? Ví dụ, đang ngồi chợt nghe tiếng ca hát hoặc tiếng nói chuyện xa xa, chúng ta đừng lệ thuộc vào tiếng, mà chỉ lắng lặng, không để nó lôi cuốn. Đang ngồi mà ngửi mùi hương lạ, tâm phóng theo mùi hương cũng liền phải tu. Hoặc khi thấy dáng người mình ưa thích đi qua, vừa sanh tâm thì cũng phải liền đó tu. Khi năm căn bên ngoài không hoạt động, chúng ta tu nơi ý căn đang duyên với pháp trần.

Nếu nghĩ chỉ tu ở tai thôi, đến khi mắt thấy cảnh gì là lạ, cảnh đó cứ vương theo mình hoài, nếu cư lấy căn tai để tu thì làm sao điều phục! Cho nên sáu căn đều phải nhiếp phục.

Chúng ta thường bị ám ảnh bởi ngôn ngữ. Bồ-tát Văn-thù chọn nhĩ căn làm phương tiện là vì chúng sanh cõi Ta-bà đa số nhân tai nghe pháp mà ngộ đạo. Khi đức Phật còn tại thế, ngài cũng giảng kinh thuyết pháp, năm vị Tỳ-kheo đầu tiên ngộ đạo cũng là nhờ nghe Phật giảng dạy. Đây là nhân đầu tiên, cũng là gốc của sự tu hành, do đó chọn nhĩ căn là viên thông. Tuy nhiên cả sáu căn đều sẵn đủ tánh trạm viên, tức là tánh giác thường hằng. Người tu thiền không chỉ riêng hướng vào nhĩ căn, mà vận dụng hết các căn để trở về tánh viên trạm của nó, nhất là ý căn. Đó là đồng thời trở về nguồn. Nơi sáu căn biết trở về nguồn tức là biết tu. Tuy nhiên, sáu căn cũng là sáu đứa giặc, hễ không có duyên thì nó tạm yên, đến khi có duyên nó dẫn giặc vào nhà. Do đó, không chỉ riêng phản văn - xoay trở lại cái nghe - đối với tai tiếng, mà khi mắt thấy hình sắc, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị... cũng đều phải xoay trở lại tánh biết.

Nay cõi Ta-bà này,

Dùng tiếng luận bàn rõ,

Chúng sanh quên gốc nghe

Theo tiếng nên lưu chuyển.

Ngày nay, ở thế giới Ta-bà này, chúng ta dùng âm thanh để bàn luận, nhờ đó mà rõ được các lý lẽ. Chúng sanh sở dĩ lưu chuyển là do quên gốc nghe mà chạy theo thanh trần ở bên ngoài. Trần cảnh là tướng sanh diệt, tiếng thì có động có tịnh, động là sanh, tịnh là diệt, còn tánh nghe là hằng hữu. Thế nhưng chúng ta lại chạy theo động tịnh mà quên tánh nghe. Chạy theo động tịnh là theo sanh diệt nên phải trầm luân.

A-nan dù nhớ giỏi,

Không khỏi mắc tà niệm

Đâu chẳng theo chỗ chìm,

Xoay dòng được không vọng.

Đây là chê ngài A-nan, dù cho có nhớ giỏi cũng không khỏi rơi vào những suy nghĩ tà, đâu chẳng phải theo chỗ trầm luân! Nếu cứ ghi nhớ những thứ bên ngoài, thì suy nghĩ đó cũng là tà thôi, cũng bị chìm đắm. Dù nghĩ thiện cũng là nghĩ tà, vì còn nằm trong cái động, sanh diệt. Vậy nghĩ thế nào mới gọi là chánh? Trở về tánh viên trạm trong lặng tròn khắp nơi mình mới là chánh. Tức xoay trở về dòng chân thật của tánh nghe, chừng đó mới hết vọng tưởng.

A-nan! Ông lắng nghe,

Tôi nương oai lực Phật

Tuyên nói Kim cang vương

Như huyễn chẳng nghĩ bàn

Chân tam-muội, Phật mẫu.

Đây là chánh định chân thật, mẹ của chư Phật. Tại sao gọi chánh định này là mẹ chư Phật, lớn hơn Phật quá vậy? Bởi vì muốn thành Phật thì từ đó mà ra. Từ đó là từ đâu? Từ trở về dòng của tánh nghe. Chư Phật đều do trở về tánh nghe, không chạy theo các tướng sanh diệt của sáu trần mà được thành Phật, nên gọi là mẹ của chư Phật.

Ông nghe môn bí mật

Chư Phật như vi trần,

Trước không trừ dục lậu

Chứa nghe thành lỗi lầm.

Dù có nghe được tất cả pháp môn bí mật của chư Phật nhiều như số vi trần, mà trước không dẹp trừ các dục lậu, thì tích chứa cái nghe chỉ thành ra lỗi lầm. Dục lậu là tâm sanh diệt, chúng sanh ta dù nghe thuộc bao nhiêu kinh sách, mà tâm sanh diệt không trù thì càng nghe càng thêm lỗi lầm.

Dùng nghe nhớ lời Phật,

Sao không nghe tánh nghe?

Dùng cái nghe ghi nhớ pháp môn bí mật của bao nhiêu đức Phật mười phương, đâu bằng tự nghe lại tánh nghe. Như vậy, thuộc kinh nhiều tốt hơn hay là trở về tánh nghe mình tốt hơn? Trở về nghe lại tánh nghe hay hơn. Nghe lại bằng cách nào? Lắng nghe nó, phải không? Tánh nghe có tiếng không mà lắng? Như vậy nghe lại là nhớ lại tánh nghe của mình, gọi đó là văn văn, vương tử là phản vănỞ đây ngài Văn-thù chỉ rõ, dù có nhớ giỏi bao nhiêu lời chư Phật dạy, không bằng tu trở lại tánh nghe của mình, nhập vào dòng đó rồi mới thoát ly được vọng tưởng.

Ngồi nghe kinh hai giờ và ngồi thiền tỉnh táo không vọng hai giờ, giá trị có khác nhau không? Dù nghe vô lượng pháp môn của chư Phật cũng là nghe cái bên ngoài, tức thuộc sanh diệt. Còn ngồi thiền thấy như không làm gì, không lợi ích cho ai, nhưng nghe lại tánh nghe của mình, thể nhập được rồi tức là vô sanh.

Nếu ngồi thiền trong một giờ mà tâm loạn động liên miên, chỉ được chừng ba phút lặng lẽ không một niệm sanh diệt nào, tuy chỉ ba phút trong một giờ ngồi thiền, nhưng đó là ba phút vô sanh. Trái lại, ngồi nghe giảng kinh hay tụng kinh liên miên hết niệm này đến niệm kia. Chỉ khi ngồi thiền chúng ta mới thấy rõ các tâm niệm thô và tế. Chừng nào không còn niệm thô niệm tế, thật là yên lặng, lúc đó mới thấy vô sanh.

Có người ngồi thiền thấy vọng tưởng lăng xăng liên tục, tưởng đâu khi làm việc không có vọng, ngồi thiền mới có. Sự thật là khi làm việc quá lăng xăng, những vọng tưởng nho nhỏ liên tục mình khó thấy. Do không thấy nên tưởng như không có. Trái lại khi chúng ta ngồi thì yên lắng hơn, nên những dấy động trong tâm đều thấy rõ. Cũng như ban ngày tiếng xe chạy ầm ầm nên mình không nghe những tiếng côn trùng, tiếng đồng hồ... Đến nửa đêm yên tịnh, tiếng đồng hồ tích tắc, tiếng thằn lằn chắt lưỡi, dế gáy... thảy đều nghe rõ. Ban ngày những tiếng ấy chẳng phải không có, chỉ vì quá ồn nên không thể nghe. Cho nên ngồi yên lặng lẽ mới biết tâm mình động nhiều hay ít, từ đó mới chế ngự, điều phục, dần dần sẽ thanh tịnh. Nếu không tự điều phục thì không bao giờ được thanh tịnh. Không có đức Phật Thích-ca tự nhiên và cũng không có đức Phật Di-lặc trời sanh. Tất cả đều do dụng công huân tu mới được.

Tu là trở về tự tánh chân thật. Khi ngồi thiền hoặc làm việc gì mà tâm không chạy theo sáu trần chính là trở về tự tánh. Nên nói "một niệm hiện tiền", nghĩa là đang ở ngay đây, chỉ cần không theo ngoại cảnh thì tự tánh hiển lộ; chẳng phải là xoay vào tìm tự tánh trong tim trong phổi... Tự tánh vốn không ở trong không ở ngoài không ở chặng giữa, làm gì có trong tim phổi. Nghe các tiếng bên ngoài, khen cũng mặc chê cũng mặc, đều không dính mắc, không nhân nơi tiếng mà động tâm, đó là trở về nghe lại tánh nghe.

Nghe chẳng tự nhiên sanh,

Nhân tiếng có danh tự.

Xoay nghe thoát được tiếng,

Hay thoát, gọi tên gì?

Một căn đã về nguồn,

Sáu căn thành giải thoát.

Tánh nghe là hằng như vậy, không phải tự nhiên sanh. Do âm thanh bên ngoài mới thành tên này tên nọ. Xoay cái nghe trở về tự tánh, liền thoát được, không còn lệ thuộc vào tiếng bên ngoài nữa. Cái hay thoát được thanh trần, nay muốn gọi đó là gì? Cái đó không có danh tự. Nó là thể tánh chân thật của mình chứ không phải danh tự bên ngoài. Nếu lúc nào cũng nhớ tánh nghe, thành tựu được vậy rồi thì tâm thênh thang, không còn dính mắc gì. Cho nên nói một căn đã trở về nguồn thì sáu căn đều được giải thoát.

Thấy nghe, bệnh mắt huyễn,

Ba cõi như không hoa.

Thấy, nghe, hiểu, biết của chúng ta từ sáu căn mà phát lộ, cộng thêm vọng thức phân biệt. Do bị vọng thức chi phối, những thấy nghe hiểu biết thông thường theo phàm tình của sáu căn này, giống như bị bệnh nhặm mắt thấy hoa đốm huyễn hóa. Ba cõi này không thật cũng giống như hoa đốm trong hư không.

Nghe lại, bệnh mắt trừ,

Trần tiêu, giác viên tịnh.

Bệnh của con mắt này vừa là dụ vừa là pháp. Chạy theo thanh trần hay sắc trần, cũng giống như người bệnh mắt nhìn thấy hoa đốm nhưng không có thật. Nếu xoay cái nghe lại thì bệnh mắt hết, không còn thấy hoa đốm trong hư không. Các trần đã tiêu hết thì tánh giác hoàn toàn tròn sạch tức là viên mãn thanh tịnh.

Sạch tột, sáng thông suốt,

Tịch chiếu trùm hư không.

Khi hoàn toàn trong sạch thì ánh sáng thông suốt, lặng lẽ mà hằng sáng suốt chiếu soi, trùm khắp cả hư không. 

Trở lại xem thế gian

Giống như việc trong mộng.

Khi được giác ngộ thanh tịnh rồi, nhìn lại thế gian thấy giống như việc trong mộng, không có gì quan trọng hết.

Ma-đăng-già trong mộng,

Ai giữ được thân ông?

Như vậy, Ma-đăng-già cũng là người ở trong giấc mộng thôi, làm sao giữ được thân ngài A-nan được. Khi trở về được tánh giác, nhìn lại thế gian như mộng. Thế gian còn như mộng huống nữa Ma-đăng-già! Ma-đăng-già chỉ là người huyễn mộng. Đã là người huyễn mộng làm sao mà bắt được ông!

Do thấy các pháp là thật nên có cái này chướng cái kia. Nếu thấy tất cả là mộng ảo thì còn cái gì hại được cái gì. Đây là lời ngài Văn-thù chỉ cho chúng ta thấy tường tận sự tu hành.

Huyễn sư giỏi ở đời

Huyễn tạo ra nam nữ.

Tuy thấy các căn động,

Cốt do một máy giật.

Như ông thầy huyễn giỏi khéo làm ra người nam người nữ, tuy thấy các bộ phận cử động, nhưng cốt tại máy giật sợi dây. Hồi xưa tổ chức những trò vui chơi, người ta làm những hình nộm có sợi dây, khi nào muốn hình nộm múa may thì người ta giật sợi dây đó. Như vậy cử động múa may là do sự điều khiển sợi dây mà ra chứ không có gì thật hết.

Máy dừng, về yên lặng,

Các huyễn thành không tánh.

Khi ngộ rồi thấy rõ các pháp thế gian là huyễn hóa, như các vật huyễn sư biến ra đều không thật. Các huyễn dứt rồi, lặng rồi, rốt cuộc không còn gì là thật.

Con người cũng là một cái huyễn, khi tắt nút trở thành vô dụng. Lúc ấy còn nói gì nam nữ. Vậy mà khi các bộ phận còn hoạt động thì phân biệt phải quấy đủ thứ. Một khi tắt máy, mọi việc trở thành không, không còn gì. Tuy nói thân mình là quan trọng, nhưng khi lỗ mũi không còn hơi thở ra vào thì tất cả đều hết, Cũng như cái máy khi hết nổ là chấm dứt!

Vậy cái gì là mình? Cái gì là quý? Cái gì đẹp? Tất cả chỉ là trò mộng ảo, không có gì thật. Còn hơi thở thì còn nói hơn nói thua, trọng mình khinh người, tính phải tính quấy... Đến khi hơi thở khì khịt trong lỗ mũi không còn thì mọi việc đều buông hết, tất cả là không.

Sáu căn cũng như thế,

Vốn nương một tinh minh

Phân thành sáu hòa hợp,

Một thôi dứt trở về

Sáu dụng không thành lập.

Một tinh minh chỉ có thể giác tròn đầy trùm cả hư không. Hư không sanh trong biển đại giác như hòn bọt. Từ một thể hoàn toàn sáng suốt đó, lại bị dính khắn ở sáu căn mắt tai mũi lưỡi... trở thành sáu hòa hợp. Sáu hòa hợp này cũng là thật, không sanh không diệt, nhưng nó chỉ là mỗi bộ phận nhỏ của một tinh minh thôi. Nếu trong sáu hòa hợp, một căn thôi dứt được, không còn dính mắc với trần, trở về chỗ chân thật của nó thì sáu dụng ngay đó không còn riêng biệt nữa. Bây giờ sở dĩ thấy khác với nghe, ngửi khác với nếm v.v... là vì sáu căn của mình còn bị niêm ở sáu chỗ. Nếu một căn gỡ được cái dính khắn đó rồi thì các căn kia cũng đồng thời trở thành viên dung hay viên thông, không còn chướng ngại nhau. Vì vậy mà không còn cái dụng riêng của sáu chỗ.

Như vậy, chỗ này Phật dạy tu gỡ cái dính khắn của sáu căn để trở về một tinh minh. Nếu còn thấy sáu dụng riêng, dù là thấy tánh thật của nó cũng chưa đúng, mà phải trở về thể chân thật. Nên nói, trở về được một thể chân thật rồi thì sáu dụng không thành nữa.

Trần cấu liền đó tiêu,

Thành tròn sáng sạch mầu,

Còn trần còn hữu học

Sáng tột là Như Lai.

Nếu trở về được một căn rồi, sáu dụng đều thông suốt. Ngay đó các trần cấu đều tiêu hết, thành tựu thể tròn sáng trong sạch nhiệm mầu. Nếu còn một chút trần nào tức còn trong vòng hữu học, vì còn trần là còn tu, còn tu thì còn học. Nếu sáng đã tột thì đó là Phật chứ không gì khác.

Như vậy chúng ta thấy rõ, còn là phàm hay vào hàng thánh tùy theo trần cấu còn hay hết. Nếu còn trần cấu thì còn phải tu hành, hết trần cấu thì đó là thánh, là sáng.

Đại chúng và A-nan,

Xoay ngược lại máy nghe

Nghe lại tự tánh nghe,

Tánh thành, đạo Vô thượng.

Viên thông thật như vậy.

Đây là ngài dạy: Phải khéo xoay ngược lại cái nghe trở về nghe lại tánh nghe của mình. Tánh nghe mà thành tựu rồi, tức đi vào dòng thanh tịnh của tánh nghe, thì đó là đạo Vô thượng chứ không gì khác. Viên thông thật là như thế.

Có người nghe nói xoay lại, tưởng đâu thay vì nghe ra ngoài, nay nghe ngược vô trong. Đó là lầm! Xoay lại nghĩa là trước đây chúng ta chạy theo ngoại trần, nay dừng lại không chạy theo ngoại trần mà nhớ tánh nghe của mình. Bởi vì chạy theo trần là phóng ra ngoài, nhớ lại tánh nghe của mình là trở về trong. Nên gọi là phản vănnghe trở lại tánh nghe của mình.

Đường vào của Niết-bàn

Của chư Phật vi trần.

Cửa phương tiện này không riêng cho một ai, chư Phật nhiều như số vi trần cũng từ con đường này mà vào cửa Niết-bàn, chứ không có con đường nào khác.

Chư Như Lai quá khứ

Từ cửa này thành tựu.

Chư Bồ-tát hiện tại

Nay đều vào viên minh.

Người tu học vị lai

Phải y pháp như thế.

Tôi cũng trong ấy chứng,

Không chỉ Quán Thế Âm.

Chư Phật quá khứ, chư Bồ-tát hiện tại, những người tu học vị lai đều từ cửa này mà được thành tựu. Bồ-tát Văn-thù xác chứng là ngài cũng từ đó mà chứng, chứ không riêng gì Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhưng ngài Văn-thù có tu phản văn tự tánh không, mà nói từ đò chứng? Thật ra trong các căn, căn nào nếu xoay lại như vậy thì đều chứng được, nên các ngài tuy tu có khác nhưng cũng trở về đó.

Thật như Phật Thế Tôn

Hỏi con các phương tiện,

Để cứu người mạt pháp

Cầu ra khỏi thế gian,

Thành tựu tâm Niết-bàn,

Quán Thế Âm bậc nhất.

Đức Thế Tôn dạy con tìm các phương tiện để cứu độ những người trong đời mạt pháp, cầu ra khỏi cõi thế gian này, những người tu thành tựu tâm Niết-bàn, thì pháp tu của Quán Thế Âm là cửa vào hơn hết.

Còn các phương tiện khác

Đều nhờ oai thần Phật.

Ngay sự, bỏ trần lao,

Chẳng phải thường tu học.

Sâu cạn đồng nói pháp.

Chỉ cửa này là chính. Ngoài môn này ra, những phương tiện khác đều do oai thần của Phật tạo ra. Ngay nơi sự việc mà xả bỏ trần lao, như ngài Tất-lăng-già-bà-ta đi giữa đường bị gai độc đâm vào chân, toàn thân đau nhức, ngay đó quán chiếu liền sạch lậu hoặc, thành A-la-hán. Đó chẳng phải là pháp tu học lâu dài. Trong khi Phật dạy pháp tu có sâu có cạn khác nhau, nhưng phương tiện của Quán Thế Âm là tối thắng.

Đảnh lễ Như Lai tạng

Vô lậu chẳng nghĩ bàn,

Nguyện gia bị đời sau

Nơi môn này không lầm.

Phương tiện dễ thành tựu

Đem chỉ dạy A-nan,

Người trầm luân mạt kiếp

Chỉ dùng căn này tu,

Viên thông hơn tất cả,

Tâm chân thật như thế.

Như vậy ngài Văn-thù nghe lời Phật dạy, trong hai mươi lăm vị thánh, ngài chọn Bồ-tát Quán Thế Âm tu về phản văn tự tánh, tức là trở lại tánh nghe của mình. Tánh nghe là sẵn có, không phải đợi có tiếng mới nghe. Nó không do tiếng mà sanh, không do tiếng mà diệt. Cái không sanh không diệt đó là thể đưa mình tới Niết-bàn. Bất cứ ai tiến vào cửa đó đều có thể đi tới Niết-bàn. Do vậy mà Bồ-tát Văn-thù chọn nhĩ căn là viên thông. Chẳng những ngài A-nan mà chúng sanh đời mạt pháp cũng nương phương tiện đó tu được.

Khi ấy A-nan và đại chúng thân tâm sáng tỏ, nhận được sự chỉ bày rõ ràng, xem Đại Niết-bàn và Bồ-đề của Phật cũng giống như người có việc đi xa chưa trở về được, nhưng đã biết rõ con đường về nhà rồi. Khắp cả đại chúng, thiên long bát bộ, hàng Nhị thừa hữu học và tất cả những người mới phát tâm Bồ-tát, số lượng bằng mười số cát sông Hằng đều được bản tâm, xa lìa trần cấu được pháp nhãn thanh tịnh.

Ngài A-nan và đại chúng nghe Phật và ngài Văn-thù chọn lựa, chỉ dạy căn viên thông rồi, các ngài giống như kẻ đi xa lạc đường không biết lối về, bây giờ được chỉ rõ con đường về nhà, tuy chưa về tới nhưng thấy rõ con đường đó không còn nghi ngờ nữa, nên gọi là được pháp nhãn thanh tịnh.

Ví dụ như kẻ đi rừng lạc đường, loanh quanh lẩn quẩn trong rừng tìm lối ra để về nhà, mà không biết lối nào nên khổ sở điêu đứng. Bất chợt có ai đó biết đường chỉ cho lối về. Người lạc đường mừng vô kể, biết được lối đi về không còn nghi ngờ nữa. Nhưng lúc đó tới nhà chưa? Biết lối về chưa phải là kẻ tới nhà. Nhớ vậy! Cho nên bây giờ tu, giả sử có ai đó bất chợt phát minh được tâm địa, thấy nó, biết nó có, chẳng qua cũng là kẻ thấy đường về chứ chưa phải đã tới nhà. Do vậy phải dùng nhiều công sức tu hành nữa mới có ngày về đến nhà.

Tuy nhiên, thấy đường là đã mừng vì khỏi bị lạc, không còn bị đau khổ như lúc trước nữa và có hy vọng một ngày nào đó sẽ về tới nơi. Đó là chỗ ngài A-nan và đại chúng trong hội gọi là được con mắt pháp trong sạch. Chúng ta thấy những cảnh vật trước mắt, đó là mắt thịt, còn ngộ bằng trí tuệ, hiểu được chánh pháp rõ ràng gọi là mắt pháp thanh tịnh.

Thấy đường về tức là hiểu một cách đúng đắn không còn ngờ vực nghi ngờ gì nữa, nhưng chưa đi được bao nhiêu. Mới thấy rõ đường về là đã được pháp nhãn tịnh. Khi nghe nói pháp nhãn tịnh, chúng ta tưởng như cái gì cao lắm nhưng không phải, chính là thấy được đường về không còn nghi, đối với sự tu hành sáng tỏ không có gì che mờ nữa.

Bây giờ quý vị nghe Phật dạy, nghe Bồ-tát giải thích, chọn lựa rồi, đã biết con đường về nhà mình không còn ngờ vực, chỉ còn có mỗi việc là phải đi. Đi thì mới tới, chứ chỉ biết rồi hài lòng ngồi đó vui chơi thì dù mười năm hai mươi năm cũng không thể tới nhà.

Tánh Tỳ-kheo-ni nghe nói bài kệ rồi, liền được quả A-la-hán. Chúng sanh vô lượng đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

Tánh Tỳ-kheo-ni là bà Ma-đăng-già. 

Nghe xong bài kệ chọn lựa các căn của ngài Văn-thù rồi, những vị lớn trong hội chúng thì thấy rõ được con đường về, còn những người thấp nhất cũng phát tâm Bồ-đề, thảy đều được kết quả tốt.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 89030
  • Online: 33