Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - Chương III: Khai thị về mật giáo

24/10/2021 | Lượt xem: 2028

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

CHƯƠNG III: KHAI THỊ VỀ MẬT GIÁO

Này A-nan, nay ông hỏi pháp nhiếp tâm, ta trước đã nói người muốn vào chánh định, tu học diệu môn, cầu đạo Bồ-tát, đầu tiên cần phải giữ bốn thứ luật nghi này trong sạch như băng tuyết, tự không thể sanh tất cả cành là. Ba nghiệp của tâm, bốn nghiệp của miệng, hẳn không có nhân để sanh.

 

Nếu bốn giới căn bản giữ trong sạch rồi thì những phần nhỏ phụ thuộc cũng theo đó mà sạch. Vì vậy mà nói không sanh cành lá.

Tâm có ba nghiệp là tham, sân, si. Miệng có bốn nghiệp là nói dối, nói thêu dệt, nói hai lưỡi, nói hung dữ. Những phần này gốc từ bốn giới đầu. Bốn giới đầu giữ trong sạch thì những giới sau không có cớ để phát khởi.

Này A-nan, bốn việc như thế nếu không thiếu sót, tâm còn không duyên nơi sắc hương vị xúc, thì tất cả ma sự làm sao phát sanh.

Sở dĩ tu hành bị ma sự ngăn trở, gốc vì không giữ giới trong sạch. Kế nữa là vì đuổi theo thanh sắc bên ngoài, nên ma sự dễ dấy khởi. Thông thường nói tới ma sự, người ta tưởng đâu có ma đến hù nhát. Thật ra ma là những việc làm chướng ngại sự tu học của mình. Ví dụ như chúng ta đang học kinh Đại Bát-nhã, chợt có việc gì buộc phải đi đâu đó, trong thời gian đi, chúng ta không được học, đó cũng gọi là ma sự. Ý nghĩa ma sự rất rộng.

Nếu người có các tập khí đời trước không thể diệt trừ, ông dạy người ấy nhất tâm tụng Vô thượng thần chú Phật Đảnh Quang Minh Ma-ha Tát-đát-đa Bát-đát-la của ta. Đây là tâm chú từ Vô kiến đảnh tướng của Như Lai, cũng là tâm Phật vô vi, từ đảnh mà phát sáng, ngồi trên hoa sen báu nói ra.

Như phần trước tôi đã nói sơ, vì kinh Lăng-nghiêm này phối hợp Thiền và Mật, nên tới đây đức Phật chuyển từ tu Thiền ứng dụng thêm Mật. Người nào nghiệp chướng sâu dày tụng thêm thần chú.

Vả lại, đời trước ông cùng Ma-đăng-già có nhân duyên nhiều kiếp, tập khí ân ái chẳng phải một đời hay một kiếp. Ta một phen tuyên dương thần chú này thì Ma-đăng-già thoát hẳn tâm ái, thành quả A-la-hán. Ma-đăng-già là dâm nữ, không có tâm tu hành, nhờ sức thần chú thầm giúp mà chóng chứng quả vô học. Vậy thì các ông hàng Thanh văn ở trong hội, cầu tối thượng thừa quyết định thành Phật, ví như người tung bụi theo gió xuôi, có gì khó khăn?

Ma-đăng-già là người không quyết chí tu hành, nhưng nhờ sức thần chú gia hộ nên dứt được tâm ái, chứng quả vô học, huống là các vị đã ở trong hàng Thanh văn cầu tối thượng thừa, quyết định thành Phật thì làm sao thua kém được.

Nếu ở đời mạt pháp có người muốn ngồi đạo tràng tu tập, trước phải giữ cấm giới của Tỳ-kheo cho thanh tịnh. Cần phải lựa chọn một vị Sa-môn giới đức thanh tịnh đệ nhất để làm thầy mình. Nếu người kia không gặp được một vị tăng thật thanh tịnh thì giới luật nghi của người ấy ắt không thành tựu. Sau khi giới đã thành, mặc y mới sạch sẽ, đốt hương, ở chỗ yên lặng tụng thần chú từ tâm Phật nói ra, một trăm lẻ tám biến. Sau đó mới kiết giới, dựng lập đạo tràng cầu Vô thượng Như Lai hiện đang ở các cõi nước mười phương phóng ánh sáng đại bi đến rọi trên đảnh đầu mình.

Này A-nan, những Tỳ-kheo hoặc Tỳ-kheo-ni, cư sĩ thí chủ thanh tịnh trong đời mạt pháp như thế, tâm đã diệt tham dâm, giữ giới Phật được thanh tịnh, ở trong đạo tràng phát hạnh nguyện Bồ-tát. Ra vào, tắm gội, sáu thời hành đạo như thế, không ngủ nghỉ, trải qua hai mươi mốt ngày. Ta tự hiện thân đến trước người kia, xoa đảnh an ủi, khiến người đó được khai ngộ.

Từ trước đức Phật đã khai ngộ cho ngài A-nan đạt được lý đạo, thấy được con đường trở về. Kế đến ngài chỉ bốn nghĩa quyết định, là những trợ duyên để trở về đạo Bồ-đề không bị chướng ngại. Đến đây Phật nói về sức gia trì hay là sự thầm gia bị của chư Phật chư Bồ-tát trong mật chú, khiến người tu chóng dứt trừ nghiệp chướng nhiều đời. Nhưng trước khi trì chú, dựng lập đạo tràng, tất cả phải giữ giới thanh tịnh và chọn những vị thầy giới hạnh thanh tịnh làm mô phạm, làm chỗ tựa cho mình, rồi sau mới y theo phương pháp lập đàn trì chú.

Chúng ta thấy phần sau này đức Phật không còn nói đến nữa mà chỉ hẳn về sự, để giúp đỡ những người bị chướng duyên trong sự tu hành.

I. PHÉP TẮC LẬP ĐẠO TRÀNG

A-nan bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn, con nhờ lời từ bi dạy bảo vô thượng của đức Như Lai mà tâm đã khai ngộ, tự biết con đường tu chứng thành quả vô học. Song những người tu hành trong đời mạt pháp, muốn kiến lập đạo tràng phải kiết giới thế nào để phù hợp với quy tắc thanh tịnh của chư Phật Thế Tôn?

Phật bảo A-nan:

- Nếu ở trong đời mạt pháp, người muốn lập đạo tràng trước phải tìm con bạch ngưu có sức mạnh ở núi Tuyết. Con trâu trắng này ăn cỏ thơm ngon tươi tốt ở trong núi Tuyết và chỉ uống nước trong ở núi Tuyết, nên phân nó rất mịn nhuyễn. Lấy phân bạch ngưu hòa hợp với hương chiên-đàn để quét trên mặt đất. Nếu không phải bạch ngưu ở núi Tuyết thì phân nó hôi nhơ không thể tô quét trên đất được.

Phải riêng ở nơi đồng bằng, đào bỏ các lớp đất trên mặt, lấy thứ đất màu vàng từ năm thước trở xuống. Rồi lấy mười thứ hương là chiên-đàn, trầm thủy, tô hợp, huân lục, uất kim, bạch giao, thanh mộc, linh lăng, cam tùng và kê thiệt nghiền nhỏ làm bột, trộn với đất ấy thành bùn, dùng để tô lên mặt đất nơi đạo tràng, mỗi bề một trượng sáu, thành cái đàn bát giác.

Phần dựng lập đạo tràng này thuộc về Mật tông, nên có những hình ảnh hơi lạ. Dựng lập đạo tràng, trước hết phải lên núi Tuyết lấy phân của bạch ngưu tức con trâu trắng, để tô đất đàn tràng. Con trâu này nó ăn thuần những cỏ thơm và uống thuần là nước suối trong trên núi Tuyết, theo ngài Đơn Hà giảng là tượng trưng cho pháp thân. Pháp thân đó được nuôi bằng chân trí và chân lý, cỏ thơm dụ cho chân trí và nước trong dụ cho chân lý. Người tu hành muốn ngộ được pháp thân phải có đủ hai điều đó. Khi hai điều đó đủ rồi thì đạo tràng mới được thành công. Đó là trường hợp thứ nhất.

Trường hợp thứ hai, nếu không tìm được phân của con trâu trắng trên núi Tuyết thì không được lấy các phân khác đem thoa phết đạo tràng, sẽ hôi thối không thể chịu được. Lúc ấy phải đến chỗ đất bằng, đào đất xuyên qua ít nhất là năm thước (gần 1,6m), lấy lớp đất có màu vàng về nhồi với hương chiên-đàn, trầm thủy... mười thứ hương chung lại để tô phết đạo tràng. Việc này theo ngài Đơn Hà, để chỉ cho ngay thân ngũ uẩn này, nếu quán chiếu được thấu suốt, qua được các trở ngại thì có thể hợp với mười sáu độ mà tu hành, như vậy là phù hợp.

Chính giữa đàn tràng nên đặt một hoa sen làm bằng vàng, bạc, đồng, gỗ. Giữa hoa sen để cái bát, trong bát trước đựng đầy nước mù sương tháng tám và trong nước ấy tùy ý cắm hoa lá hiện có. Rồi lấy tám mặt gương tròn, mỗi cái để mỗi góc, chung quanh hoa sen và bát hoa. Bên ngoài những gương ấy đặt mười sáu hoa sen và giữa các hoa sen để thêm mười sáu lư hương cho trang nghiêm. Trong lư hương đốt thuần hương trầm thủy, không cho thấy lửa.

Lấy sữa bạch ngưu đựng trong mười sáu cái bình, dùng sữa làm bánh nướng với các thứ đường cát, bánh rán, bột sữa, hương tô hợp, mật gừng, bơ tốt, mật tốt, mỗi thứ mười sáu chén đặt vòng quanh ở ngoài hoa sen để cúng dường chư Phật và chư vị đại Bồ-tát. Mỗi khi dùng cơm hoặc lúc giữa đêm lấy nửa thăng mật và ba cáp bơ, trước đàn để riêng một lò lửa nhỏ, dùng hương đâu-lâu-bà nấu lấy nước thơm rửa sạch than, rồi đốt than đỏ hừng và rót mật, bơ vào trong lò đốt đến hết khói để cúng dường chư Phật Bồ-tát.

Đoạn này có một điều nghi. Chư tăng không ăn chiều, tại sao giữa đêm lại làm đồ cúng Phật và Bồ-tát? Theo nhận định của ngài Đơn Hà thì Phật Bồ-tát hay những người đã ngộ được tâm, thì thấy muôn năm cũng như một niệm, một niệm cũng như muôn năm không khác, cho nên không thấy ngày đêm tối sáng sai biệt. Vậy nên lúc nào các ngài cũng có thể tùy nguyện mà cúng dường chư Phật được.

Bốn phía bên ngoài treo phan và hoa khắp cả, trong nhà đàn tràng, nơi bốn vách trưng bày hình tượng của Như Lai mười phương và chư Bồ-tát. Chính giữa đàn đặt tượng Phật Lô-xá-na, Phật Thích-ca, Phật Di-lặc, Phật A-súc, Phật Di-đà và hình tượng đại biến hóa của đức Quán Thế Âm; hai bên trái phải đàn lại để thêm các vị Kim cang Tạng Bồ-tát; những tượng Đế-thích, Phạm vương, Ô-sô-sắt-ma, Lam-địa-ca, Quân-trà-lợi, Tỳ-cu-tri và Tứ thiên vương, Tần-na, Dạ-ca v.v... an trí ở hai bên cửa. Lại lấy tám tấm gương treo úp trên hư không, mặt gương này đối chiếu với tám gương trước đã đặt trong đàn, làm cho các hình ảnh lớp lớp lồng nhau.

Nói về phần lập đàn, theo quan niệm của ngài Đơn Hà thì đây chỉ là một phương tiện cho chúng ta thấy được pháp thân hay ngộ được chân tâm, chứ không có gì khác. Phương tiện đó thể hiện qua những hình thức tượng trưng, người ngoài không hiểu nên cho là huyền bí, thật ra chỉ là hình thức tượng trưng thôi.

Trong bảy ngày đầu, chí thành đảnh lễ danh hiệu Như Lai mười phương, chư vị đại Bồ-tát và A-la-hán. Thường trong sáu thời đi quanh đàn tụng chú, chí tâm hành đạo, mỗi thời thường tụng một trăm lẻ tám biến. Trong bảy ngày tuần thứ hai, một bề chuyên tâm phát nguyện Bồ-tát, tâm không gián đoạn, trong luật nghi, ta trước đã có dạy phát nguyện. Trong bảy ngày tuần thứ ba, cả mười hai thời một bề trì chú Bát-đát-ra của Phật, đến ngày thứ bảy thì Như Lai mười phương đồng thời xuất hiện trong chỗ ánh sáng các mặt gương giao xen, được Phật xoa đảnh. Liền ở nơi đạo tràng đó tu pháp chánh định, có thể khiến cho người tu học như vậy trong đời mạt pháp, thân tâm được sáng suốt trong sạch như ngọc lưu ly.

A-nan, nếu vị giới sư truyền giới cho Tỳ-kheo này, hay trong mười vị Tỳ-kheo đồng hội, trong ấy có một người giới hạnh không được thanh tịnh, đạo tràng như thế phần nhiều không được thành tựu.

Đây nói về chuyện tu trì được chứng.

Khi vào đàn tràng, bảy ngày đầu phải lạy sám hối để tiêu nghiệp chướng đời quá khứ, hiện tại. Bảy ngày tuần thứ hai thì chuyên phát nguyện Bồ-tát, qua đến bày ngày tuần thứ ba mới chuyên trì tâm chú. Như vậy, sự tu hành trước phải tiêu các nghiệp, kế đó phát tâm nguyện cho rộng lớn, sau mới thực hành tâm chú, tức chuyên vào trong chánh định. Nếu người nào tu hành được như vậy thì trong hai mươi mốt ngày có thể thấy chư Phật hiện trong ánh sáng các gương đan xen, xoa đảnh. Những vị nào trong các lễ đàn đó không được những vị thầy thanh tịnh chứng minh cho thì khó mà thành công. Đó là nói về những công dụng trong thời gian tu hành.

Từ hai mươi mốt ngày về sau, ngồi nghiêm trang, an cư trải qua một trăm ngày, nếu người lợi căn không rời khỏi chỗ ngồi, liền được quả Tu-đà-hoàn. Dù thân tâm người ấy chưa thành tựu quả thánh, nhưng đã quyết định tự biết sẽ thành Phật, không sai.

Ông hỏi phương pháp kiến lập đạo tràng là như vậy.

Phật dạy thêm, nếu trong hai mươi mốt ngày mà chưa thể ngộ được, thì người nào ngồi yên tu khoảng một trăm ngày, nếu có lợi căn sẽ chứng quả Tu-đà-hoàn, tương lai quyết định thành Phật không lầm. Người nào chưa chứng thì đối với sự tu hành cũng được tinh tấn.

Đó là đức Phật nói sơ qua phương pháp lập đạo tràng.

II. TUYÊN THUYẾT THẦN CHÚ

A-nan đảnh lễ nơi chân Phật, bạch đức Phật rằng:

- Từ khi xuất gia, con ỷ lại lòng thương yêu của Phật, chỉ lo học nhiều nêu chưa chứng được pháp vô vi, mới gặp tà thuật của Phạm Thiên kia bắt giữ. Tâm con tuy sáng suốt mà sức chẳng tự do, nhờ gặp ngài Văn-thù khiến con được giải thoát. Tuy con thầm nhờ sức thần chú Phật đảnh của Như Lai, nhưng chính mình chưa được nghe. Cúi mong Phật mở lòng đại từ nói lại thần chú ấy, để cứu giúp những người tu hành trong hội này và ở đời mạt pháp tương lai, những người còn trong luân hồi, nhờ mật âm của Phật mà thân ý được giải thoát.

Lúc ấy tất cả đại chúng trong hội thảy đều làm lễ, chờ nghe những câu chú bí mật của Như Lai.

Khi ấy từ trên nhục kế của đức Thế Tôn phóng ra hào quang trăm báu, trong hào quang hiện ra hoa sen báu ngàn cánh, có hóa thân đức Như Lai ngồi trong hoa sen báu, trên đảnh phóng ra mười đạo hào quang trăm báu, mỗi mỗi hào quang đều hiện ra những vị Kim Cang Mật Tích, bằng mười số cát sông Hằng, bưng núi cầm chày đầy khắp cõi hư không. Đại chúng ngước lên xem, vừa mừng vừa sợ, cầu xin Phật thương xót che chở, một lòng lắng nghe, đức Như Lai phóng quang nơi vô kiến đảnh tướng của Phật, tuyên nói thần chú:

Đây là đoạn kệ mỗi đêm các chùa thường tụng: Nhĩ thời Thế Tôn, tùng nhục kế trung, dõng bá bảo quang, quang trung dõng xuất…

Vô kiến đảnh tướng của Phật tượng trưng cho Pháp thân Phật. Đức Hóa Phật từ đó phóng quang. Điều đó có ý nghĩa từ pháp thân hiện ra hóa thân, rồi từ hóa thân mới phóng hào quang và nói chú. Như vậy thần chú đó từ nơi hóa thân mà có, chứ không phải nơi pháp thân có. Chúng ta học kinh Lăng-nghiêm từ trước cho đến đoạn này, đức Phật chỉ cho chúng ta rõ được pháp thân, thể nhập pháp thân. Từ đây về sau là phần của hóa thân. Từ hóa thân của Như Lai nói ra thần chú, y nơi đó tu hành tất nhiên sẽ có diệu dụng.

III. LỢI ÍCH CỦA TÂM CHÚ

A-nan, những câu nhiệm mầu, những kệ bí mật "Tất-đát-đa bát-đát-ra" của hóa thân nơi hào quang trên đảnh Phật đó, sanh ra tất cả chư Phật mười phương. Như Lai mười phương nhân chú tâm này được thành Vô thượng chánh biến tri giác. Như Lai mười phương trì chú tâm này trừ dẹp các ma, chế phục các ngoại đạo. Như Lai mười phương nhờ chú tâm này ngồi hoa sen báu ứng hiện trong cõi nước như số vi trần. Như Lai mười phương trì chú tâm này ở trong các cõi nước như số vi trần chuyển đại pháp luân. Như Lai mười phương trì chú tâm này hay ở trong mười phương xoa đảnh thọ ký, tự mình chưa thành quả vị cũng có thể nơi mười phương nhờ Phật thọ ký.

Như Lai mười phương nương chú tâm này có thể ở trong mười phương cứu vớt các khổ như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đui điếc câm ngọng; các khổ về oán hờn mà gặp gỡ, khổ yêu thích phải chia lìa, khổ cầu mong không được toại nguyện, khổ năm ấm hưng thịnh, những tai nạn lớn nhỏ đồng thời giải thoát. Nạn giặc cướp, nạn binh, nạn vua, nạn tù giam, nạn gió, lửa, nước, cho đến đói khát nghèo thiếu, liền được tiêu tan.

Như Lai mười phương tùy theo chú tâm này có thể ở trong mười phương phụng sự thiện tri thức, trong bốn oai nghi cúng dường đều như ý, ở trong pháp hội hằng sa Như Lai được suy tôn làm đại pháp vương tử. Như Lai mười phương thực hành chú tâm này hay ở trong mười phương nhiếp thọ các thân nhân, khiến cho hàng Tiểu thừa nghe tạng bí mật không sanh kinh sợ. Như Lai mười phương tụng chú tâm này, thành đạo Vô thượng giác, ngồi dưới cây Bồ-đề, vào đại Niết-bàn. Như Lai mười phương truyền chú tâm này, sau khi diệt độ rồi, phó chúc pháp sự của Phật, được trụ trì rốt ráo, giới luật nghiêm tịnh, tất cả đều được trong sạch.

Nếu ta nói chú "Phật đảnh quang tụ bát-đát-ra" này, từ sáng đến tối, các tiếng nối nhau, trong đó những chữ những câu cũng không trùng lặp, trải qua hằng sa kiếp trọn không thể hết. Chú này cũng gọi là Như Lai Đảnh. Các ông là hàng hữu học chưa hết luân hồi, phát tâm chí thành cầu chứng quả A-la-hán, nếu không trì chú tâm này, khi ngồi đạo tràng khiến cho thân tâm xa rời các ma sự, thì không thể được.

A-nan, nếu các thế giới có những chúng sanh tùy cõi nước mình sanh ra, có các thứ lớp như vỏ cây, hoa, lá cây bối, giấy trắng, bạch diệp, dùng để biên chép chú này, đựng trong túi thơm. Nếu người ấy tối tăm, chưa thể nhớ tụng được, thì hoặc đeo trên thân hoặc viết trong nhà ở, phải biết người ấy trọn đời tất cả các thứ độc không thể hại được.

A-nan, nay ta vì ông tuyên lại chú này để cứu giúp thế gian được vô úy và thành tựu trí tuệ xuất thế gian cho chúng sanh.

Nếu sau khi ta diệt độ, chúng sanh đời mạt pháp, có người hay tự mình tụng hoặc dạy người khác tụng chú này, phải biết những chúng sanh trì tụng chú như vậy, lửa không thể đốt cháy, nước không thể nhận chìm, các thứ độc hại lớn độc hại nhỏ đều không thể hại được. Như thế cho đến các chú ác dữ của thiên long quỷ thần, tinh kỳ ma mỵ đều không thể nhập.

Nếu tâm người ấy được chánh thọ thì tất cả bùa chú trù yếm, trùng độc thuốc độc, kim độc ngân độc và độc khí muôn vật như cỏ cây, sâu, rắn khi vào miệng người đó đều thành vị cam lộ. Tất cả ác tinh và các quỷ thần có lòng dữ hại người, đối với người ấy cũng không thể khởi tâm ác được. Tần-na, Dạ-ca, các quỷ vương dữ cùng quyến thuộc của chúng đều nhận lãnh ơn sâu, thường giữ gìn ủng hộ.

A-nan, nên biết chú này thường có tám muôn bốn ngàn na-do-tha ngàn muôn ức hằng hà sa chủng tộc Kim Cang Tạng Vương Bồ-tát. Mỗi mỗi đều có những chúng Kim Cang làm quyến thuộc, ngày đêm theo hầu. Giả sử có chúng sanh tâm còn tán loạn chưa vào được chánh định, mà tâm ghi nhớ miệng trì tụng chú này, thì các Kim Cang Tạng Vương Bồ-tát đó dùng tâm tịnh thầm tấn phát thần thức họ, người ấy liền khi đó tâm nhớ lại được tám muôn bốn ngàn hằng hà sa kiếp, rõ biết cùng khắp không nghi lầm.

Từ kiếp thứ nhất cho đến thân cuối cùng, đời đời người ấy không sanh trong loài dược-xoa, la-sát và phú-đơn-na, ca-tra-phú-đơn-na, cưu-bàn-trà, tỳ-xá-già v.v... và các loại ngạ quỷ có hình, không hình, có tưởng, không tưởng, những chỗ dữ như thế. Thiện nam tử này hoặc tụng hoặc đọc, hoặc viết hoặc chép, hoặc đeo hoặc giữ, hoặc dùng nhiều cách cúng dường chú này, thì kiếp kiếp không sanh vào những nơi bần cùng hạ tiện, chỗ không an ổn.

Các chúng sanh này dẫu tự thân không tạo phước nghiệp, mà Như Lai mười phương có các công đức thảy đều cho họ hết. Do đó họ được ở trong những kiếp hằng hà sa a-tăng-kỳ không thể nói hết, thường cùng với chư Phật đồng sanh một chỗ, vô lượng công đức nhóm lại như trái ác-xoa, đồng chỗ huân tu, vĩnh viễn không phân tán. Vậy nên có thể khiến người phá giới mà giới căn được thanh tịnh, người chưa được giới khiến cho được giới, người chưa tinh tấn khiến cho được tinh tấn, người không trí tuệ khiến được trí tuệ, người không thanh tịnh khiến mau được thanh tịnh, người không trì trai giới tự thành có trai giới.

A-nan, thiện nam tử ấy khi trì chú này, giả sử lúc chưa trì có phạm cấm giới, từ khi trì chú về sau, các tội phá giới không luận nhẹ hay nặng, nhất thời đều tiêu diệt. Dù đã từng uống rượu, ăn năm thứ cay hôi, các thứ không sạch, tất cả chư Phật Bồ-tat, Kim Cang, thiên tiên, quỷ thần, không cho là có lỗi. Dù mặc y phục rách nát không sạch, thì mỗi việc đi hay đứng thảy đều đồng thanh tịnh. Dù không lập đàn, không vào đạo tràng, cũng không hành đạo, công đức không khác. Nếu tạo những tội trọng ngũ nghịch vô gián và tội "tứ khí", "bát khí" của Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, tụng chú này rồi, cũng như gió mạnh thổi tan đống cát, những nghiệp nặng như vậy đều được diệt trừ, không còn sót một mảy may.

A-nan, nếu có chúng sanh từ vô lượng vô số kiếp đến nay có tất cả các tội chướng hoặc nặng hoặc nhẹ, từ đời trước đến giờ chưa kịp sám hối, nếu hay đọc tụng biên chép chú này, đeo trên thân hoặc để nơi chỗ ở như trang trại, vườn nhà, quán xá... thì những nghiệp chứa nhóm từ trước, cũng như nước nóng làm tan băng tuyết, không bao lâu đều được ngộ vô sanh pháp nhẫn.

Lại nữa A-nan, như có người nữ chưa sanh con trai, con gái, muốn cầu mang thai, nếu hay chí tâm nhớ niệm hoặc đeo chú "Tất-đát-đa bát-đát-la" này trên thân, liền sanh những con trai, con gái có phước đức trí tuệ; người cầu sống lâu thì được sống lâu, muốn cầu quả báo mau viên mãn thì được mau viên mãn, thân mạng, dung mạo, sức lực cũng lại như thế. Sau khi mạng chung, tùy nguyện vãng sanh trong quốc độ mười phương, chắc chắn không sanh nơi biên địa hạ tiện, huống nữa là các loài tạp hình.

A-nan, nếu các quốc độ như các châu huyện làng xóm có những nạn đói khát dịch lệ, hoặc lại bị nạn giặc cướp đao binh đấu tranh, cùng tất cả những chỗ có ách nạn khác, nên viết thần chú này để nơi bốn cửa thành và các tháp, hoặc trên các lá phướn, để cho chúng sanh đang ở trong cõi nước đó kính thờ chú này, lễ bái cung kính nhất tâm cúng dường. Lại khiến trong nhân dân mỗi người đều đeo chú trên thân, hoặc mỗi người đều để nơi nhà ở, thì tất cả những tai ách thảy đều tiêu diệt.

A-nan, chúng sanh trong cõi nước, tùy chỗ nào có thần chú này thì thiên long hoan hỷ, mưa gió thuận thời tiết, ngũ cốc trúng mùa, dân chúng đều an vui. Lại chú này cũng hay trần giữ tất cả ác tinh, nó tùy nơi biến ra những điều kỳ lạ, khiến tai chướng không khởi lên; người không bị chết yểu, gông cùm xiềng xích không dính vào thân được, ngày đêm ngủ yên, được thường không có mộng dữ.

A-nan, cõi Ta-bà này có tám vạn bốn ngàn tai biến ác tinh, hai mươi tám đại ác tinh làm thương thủ, lại có tám đại ác tinh làm chủ, khi hiện ra trong đời với nhiều hình dạng, có thể gây ra cho chúng sanh các thứ tai họa khác lạ. Nếu chỗ nào có thần chú này thì tất cả đều tiêu diệt. Lấy mười hai do-tuần làm vòng kiết giới, các điềm tai biến hung dữ hẳn không thể vào được.

Đoạn này nói diệu dụng của thần chú. Nếu căn cứ trên văn tự mà giải thích, thì có ai tu mà không tụng chú Lăng-nghiêm? Người nào cũng thờ thần chú này mà được giải thoát, mười phương chư Phật do thần chú này mà ngộ đạo, truyền đạo làm lợi ích chúng sanh... Tất cả những người tu, nghiệp nặng hay nghiệp nhẹ cũng đều do trì chú này được tiêu hết nghiệp, như cát bị trận giông to thổi bay tan. Lại cũng nói thêm: Nếu biên chép, làm cái túi để đeo bên mình, sẽ tránh được tai họa... Do đó có người đi lính ra trận lại đeo thần chú Lăng-nghiêm nơi cổ, nghĩ rằng như vậy sẽ được an toàn.

Chúng ta nghĩ thế nào về việc này? Học kinh nếu không khéo sẽ trở thành mê tín. Mê tín là do chúng ta chạy theo chữ nghĩa. Ở đây Phật nói rõ "tụng chú tâm này...", nên nhớ rõ là chú tâm, tức tâm là thần chú. Cũng như trong kinh Bát-nhã nói: Bát-nhã là đại thần chú, là đại minh chú... có nghĩa Bát-nhã là thần chú, cũng như đây nói tâm là thần chú. Tuy rằng đức Phật có nói thần chú bằng chữ Phạn như trên, nhưng sự thật chúng ta phải hiểu là nhờ thần chú đó chúng ta trở về được tâm thanh tịnh và ngộ được chân tâm.

Khi sống trở về với chân tâm được rồi, bao nhiêu tội chướng đều tiêu hết. Bởi vì đức Phật nói đồng nghiệp hay biệt nghiệp đều là vọng kiến, đó là nói chung, còn nói riêng thì có thiện nghiệp, ác nghiệp... cũng từ vọng kiến mà ra. Nay chúng ta từ bỏ tất cả vọng kiến trở về chân tâm, thử hỏi còn nghiệp nào lôi mình nổi?

Kinh nói rằng, nếu chúng ta đeo thần chú này trên mình, không có gì có thể làm hại được, có nghĩa là trong mọi hành động, mọi nơi chốn, chúng ta đều hướng về chân tâm tức chú tâm này, thì bao nhiêu tai nạn cũng đều tiêu. Cũng như kinh Bát-nhã nói nếu dùng trí Bát-nhã mà quán chiếu thì bao nhiêu khổ ách qua hết, nên gọi đó là đại thần chú, đại minh chú, vô thượng chú…

Vậy thần chú diệu dụng nhất là chú tâm, tức là tâm mình. Do những lời Phật nói ra mà trở về với tâm mình, nên gọi đó là chú tâm. Ai trở về được như vậy thì diệu dụng vô ngần, còn nếu chỉ tin theo sự huyền bí, như đeo chú trên thân, thì có khi qua được nạn, có khi vẫn bị nạn. Lúc đó lại nói Phật hết linh. Đó là tại mình tin tưởng theo lối thần linh, hiểu theo chữ nghĩa thì sẽ rơi vào mê tín.

Đức Phật lặp lại rất nhiều lần về chữ "chú tâm". Thông thường thần chú là chỉ cho diệu dụng của câu chú, còn ở đây Phật chỉ rõ thần chú là chú tâm. Chú tâm này từ tâm của đức Phật phát ra, cũng như từ tâm của chúng ta mà trở về. Đó là diệu dụng lớn nhất và cao nhất của thần chú.

Vậy nên Như Lai tuyên dạy chú này, vì để bảo hộ hàng Sơ học tu hành đời vị lai được vào chánh định, thân tâm thư thái, được rất an ổn, lại không bị tất cả các ma, quỷ thần và những oan khiên đời trước, nghiệp cũ nợ xưa từ vô thủy đến nay khuấy phá. Ông và các người hữu học trong chúng cùng các người tu hành đời vị lai, y lời ta dạy mà lập đàn tràng đúng như pháp trì giới, gặp được tăng thanh tịnh làm giới chủ truyền thọ, hộ trì chú tâm này không sanh lòng nghi hối. Những thiện nam tử ấy chính nơi thân cha mẹ sanh ra đây, mà không được tâm thông thì Như Lai mười phương hóa ra nói dối.

Đến đây đức Phật kết luận về diệu dụng của thần chú.

Có những người nữ muốn sanh con trai hoặc con gái, tụng hoặc đeo thần chú này thì sẽ được sanh con trai hoặc con gái như ý. Phần này giống hệt như phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa. Nếu người học kinh không dung thông được thì càng học càng rối. Vì khi tụng Phổ Môn, thấy niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm là bậc nhất, đến lúc học kinh Lăng-nghiêm lại thấy trì chú là bậc nhất... Học pháp gì cũng thấy nói là bậc nhất, rốt cuộc không biết mình nên tu pháp nào. Nhiều pháp đều là bậc nhất, thì biết đâu mới là bậc nhất và pháp duy nhất nào mình phải hành?

Chúng ta phải hiểu rõ, khi đức Phật nói ra một pháp nào ngài phải tán thán pháp đó. Nhưng pháp nào Phật nói cũng đều hướng về tâm. Bởi chỉ về tâm nên khi ngộ mỗi pháp, mỗi pháp đều trở về tâm. Đó là chuyển được pháp, hay dung thông được pháp.

Còn nếu nặng về hình thức văn tự tức lệ thuộc vào pháp. Đã lệ thuộc vào pháp thì trở thành mê tín, rối loạn. Trái lại, nếu mỗi pháp đều hướng về tâm thì pháp nào cũng là tâm. Tham thiền cũng là tâm, trì chú cũng là tâm, niệm Phật cũng là tâm, niệm danh hiệu Bồ-tát cũng là tâm... Mỗi mỗi đều hướng về tâm thì dung thông được tất cả. Như vậy, chỉ tâm là trên hết chứ không có pháp nào trên.

Hiểu được vậy, sống được vậy thì chúng ta học kinh Phật dù ngàn bộ cũng trở về tâm mà thôi. Đó là chuyển được kinh. Nếu không khéo, thấy Phật dạy thần chú này diệu dụng vô cùng vô biên, nên viết dán đầy nhà hoặc đeo trên mình, như vậy là đã bị kinh chuyển. Lúc đó chúng ta trở thành mê tín do nặng về chữ nghĩa mà không hiểu được ý hướng. Phải luôn nhớ đức Phật nói chú tức là chú tâm, đó là chỗ thật quan trọng. Bao nhiêu nghiệp chướng của mình, nếu trở về chú tâm, tất thảy đều qua. Hoặc dạy người trở về chú tâm của họ thì các nạn cũng đều qua. Cho nên nói "qua hết tai nạn" dù là nạn gì, nếu người đó nhớ tụng chú tâm đều tiêu hết.

Sự thật như ở nước Việt Nam, các chùa mỗi khuya công phu đều có tụng thần chú Lăng-nghiêm, nhưng có những giai đoạn đất nước chiến tranh, vẫn có những chùa bị giội bom tan nát. Sao những vị thần Kim Cang Mật Tích không đẩy máy bay ra xa chỗ khác, đừng để giội bom xuống chùa? Hoặc quý vị tu ở chùa, khuya nào cũng tụng Lăng-nghiêm mà những điềm chiêm bao dữ thỉnh thoảng cũng có. Như vậy những lời trong kinh nói không đúng hay sao?

Cho nên chúng ta học Phật đừng nên lệ thuộc vào ngôn ngữ, mà phải hiểu lý để dung hội, thì dù Phật nói sự hay lý cũng đều thuộc về tâm. Nếu hiểu được điều đó rồi thì sự tu không bị chướng, dù học kinh nào cũng không bị chướng. Nếu không, học kinh này thấy nói chú hay, học kinh khác thấy nói pháp khác hay rồi cứ theo, rốt cuộc thành rối loạn, không biết cái nào là hay hơn.

IV. CHƯ THẦN HỘ PHÁP PHÁT NGUYỆN BẢO HỘ

Phật dạy lời ấy rồi, trong hội có vô lượng trăm ngàn Kim Cang đồng thời đứng trước Phật chắp tay đảnh lễ, bạch Phật rằng:

- Như lời Phật dạy, chúng con sẽ thành tâm bảo hộ người tu đạo Bồ-đề như vậy.

Lúc bấy giờ trời Phạm vương và trời Đế-thích, Tứ đại thiên vương cũng đối trước Phật đồng thời đứng trước Phật chắp tay đảnh lễ, bạch Phật rằng:

- Xét có người lành tu học như vậy, chúng con sẽ hết lòng chí thành bảo hộ, khiến cho họ một đời tu hành được như nguyện.

Lại có vô lượng đại tướng dược-xoa, các vua la-sát, vua phú-đơn-na, vua cưu-bàn-trà, vua tỳ-xá-già, các đại ủy vương, như Tần-na, Dạ-ca và các quỷ soái cũng đối trước Phật chắp tay đảnh lễ, bạch Phật:

- Chúng con cũng thệ nguyện hộ trì người ấy, khiến cho tâm Bồ-đề mau được viên mãn.

Lại có vô lượng thiên tử nhật nguyệt, thần gió thần mưa, thần mây thần sấm, thần điện chớp và các tuần quan coi về mùa màng, trong năm, các tinh tú cùng quyến thuộc v.v... cũng ở trong hội đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Chúng con cũng nguyện bảo hộ người tu hành ấy an lập đạo tràng, được không sợ hãi.

Lại có vô lượng thần núi, thần biển, tất cả tinh kỳ đất đai muôn vật, thủy lục không hành, với phong thần vương và chư thiên Vô sắc giới ở trước đức Như Lai đồng thời cúi đầu, bạch Phật rằng:

- Chúng con cũng nguyện bảo hộ người tu hành ấy được thành tựu Bồ-đề, vĩnh viễn không có ma sự.

Lúc bấy giờ tám vạn bốn ngàn na-do-tha ngàn muôn ức hằng hà sa Kim Cang Tạng Vương Bồ-tát ở trong đại hội liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, bạch Phật rằng:

- Bạch đức Thế Tôn, như bọn chúng con, công đức tu hành đã thành đạo Bồ-đề từ lâu mà không giữ lấy Biết-bàn, thường theo chú này để cứu hộ người chân chánh tu hành pháp chánh định trong đời mạt pháp.

Bạch Thế Tôn, những người tu tâm cầu vào chánh định như thế, nếu ở trong đạo tràng hay những lúc đi kinh hành, cho đến tâm tán loạn dạo chơi nơi xóm làng, chúng con và đồ chúng sẽ thường đi theo để bảo vệ người ấy. Dẫu cho Ma vương, Đại Tự Tại thiên muốn có cơ hội khuấy phá trọn không thể được. Các quỷ thần nhỏ tránh xa người lành ấy ngoài mười do-tuần, trừ khi họ phát tâm thích người tu thiền. Bạch đức Thế Tôn, những ác quỷ hoặc các quyến thuộc ma như thế, muốn đến xâm phạm và nhiễu hại người lành ấy, chúng con dùng chày báu đập nát đầu chúng như bụi nhỏ, thường khiến cho người tu hành ấy được như nguyện.

Đoạn này nói tất cả chư thiên, quỷ thần... đều ủng hộ thần chú này. Khi chúng ta tu hành trở về bản thể chân tâm, xoay các cảnh trở về mình, mình làm chủ, thì tất cả những thứ bên ngoài đều trở thành những điều trợ giúp cho mình. Trái lại, nếu phóng tâm theo ngoại cảnh thì tất cả cảnh bên ngoài trở thành ngoại ma lôi kéo làm cho mình dễ hư hỏng, trầm luân. Như khi ái nhiễm theo lục trần hay ngũ dục, là lúc ma vương đang lôi dẫn.

Đó chính là ý nghĩa của việc tất cả chư thần chư thiên điều hộ trì chú tâm, hộ trì những người gìn giữ chú tâm. Nghĩa là khi đã trở về được tâm mình, tất nhiên ngoại cảnh cũng từ đó mà tốt, tức là trợ giúp mình, nên nói tất cả đều hộ trì.

Như tôi thường nói, con người khi chánh báo xấu thì tất cả những y báo cũng theo đó mà xấu, còn chánh báo tốt thì những y báo cũng theo đó tốt. Nghĩa là, khi mình tán tâm chạy theo ngoại cảnh, tức chánh báo xấu, thì ngoại cảnh biến thành ma chướng. Trái lại, khi chúng ta xoay tâm trở về nơi tánh viên trạm, đó là chánh báo tốt, tất nhiên y báo bên ngoài cũng trở thành tốt, cho nên được long thiên hộ pháp... tất cả đều hộ trì cho người trì chú tâm vậy.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05550
  • Online: 28