Kinh Lăng Nghiêm giảng giải - PHẦN LƯU THÔNG VÀ TÓM KẾT

22/08/2022 | Lượt xem: 1838

HT.Thích Thanh Từ dịch và giảng giải

PHẦN LƯU THÔNG

Này Anan, nếu lại có người đem bảy báu đầy dẫy hư không khắp cả mười phương dâng cúng lên chư Phật nhiều như số vi trần, thừa sự cúng dường tâm không sao nhãng

Thừa sự là vâng làm. Đây nêu hai hành động: một là công quả, hai là cúng dường. Tâm vô hư độ là tâm không chểnh mảng, có bao nhiêu chư Phật đều cúng dường, thừa sự, không xao lãng, không để sót một vị nào.

Ý ông nghĩ sao? Người ấy do nhân duyên cúng Phật, được phước nhiều chăng?

A-nan đáp rằng:

- Hư không không tận, trân bảo không cùng. Xưa có một người cúng Phật bảy tiền, khi bỏ thân mạng còn được làm Chuyển luân thánh vương; huống là hiện nay đem trân bảo đầy cả hư không, cúng dường khắp các cõi Phật. Nếu suy nghĩ cùng kiếp còn không thể thấu, phước ấy làm sao lại có ngằn mé.

Phật bảo A-nan:

- Chư Phật Như Lai nói lời không hư dối. Nếu lại có người, thân làm đủ bốn trọng tội, mười Ba-la-di, chỉ trong chớp mắt hoặc trong hơi thở liền trải qua những địa ngục A-tỳ của phương này phương khác, cho đến cùng tận các địa ngục Vô gián trong mười phương thảy đều trải qua. Nếu người đó hay dùng một niệm, đem pháp môn này ở trong đời mạt pháp chỉ dạy cho người chưa học, tội chướng người đó liền được tiêu diệt, biến nhân đau khổ phải chịu ở địa ngục thành quả cõi nước an lạc. Người đó được phước vượt hơn người cúng thí trước gấp trăm lần, ngàn muôn ức lần, như thế cho đến tính toán ví dụ cũng không thể nào nói hết được.

Đó là Phật so sánh để thấy phước vô lậu bố thí pháp hơn hẳn phước hữu lậu bố thí tài. Người xuất gia gọi là bần tăng bần ni, tiền của đâu mà bố thí, thì chỉ còn một việc là bố thí pháp. Nếu Pháp mà còn không chịu bố thí thì nghèo suốt kiếp. Sở dĩ có câu "của vua thua của Phật" cũng là nhờ bố thí Pháp. Nếu không bố thí pháp được cho nhiều người thì bố thí cho một hai người, gặp duyên đâu dạy đó, để bù lại những chỗ thiếu của mình.

Này A-nan, nếu có chúng sanh hay tụng kinh này, hay trì chú này, như ta đã nói rộng ra, thì cùng kiếp cũng không hết phước đức ấy. Y theo lời ta dạy, như lời dạy mà tu hành, thẳng đến thành đạo Bồ-đề, không còn bị các ma nghiệp.

Phật nói kinh này rồi, Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, tất cả trời, người, a-tu-la trong thế gian, và những vị Bồ-tát, Nhị thừa, thánh tiên đồng tử ở các phương khác, cùng những đại lực quỷ thần mới phát tâm đều rất hoan hỷ, làm lễ mà lui.

Đến đây kết thúc bộ Kinh Lăng-nghiêm.


PHẦN TÓM KẾT

Tôi tạm tóm kết lại cho quý vị lãnh hội được rõ ràng hơn, thấy được phương hướng tu hành đức Phật đã dạy. Kinh Lăng-nghiêm này tuy không nói về các phần Khai, Thị, Ngộ, Nhập như kinh Pháp Hoa, nhưng chúng ta có thể lấy đó để làm tổng đề, giải thích tổng quát về bộ kinh.

1. Trong kinh này, đoạn nào nói về Khai?

Phần Khai là từ chỗ mở đầu, đức Phật hỏi ngài A-nan nhân gì mà phát tâm xuất gia. Ngài A-nan trả lời: "Nhân thấy thân tướng đẹp đẽ quý báu của Phật mà phát tâm xuất gia." Như vậy, có mắt thấy và có tâm, nhưng mắt không quan trọng, quan trọng là tâm. Tuy nhiên, người ta thường không biết tâm là gì, tâm ra sao, ở đâu.

Như có ai hỏi: Tại sao thầy đi tu? Trả lời: Do vì tôi thấy đạo đức là cao quý nên phát tâm đi tu. Nhưng nếu hỏi tiếp: Tâm đó là cái gì? Thì sẽ lúng túng ngay. Như vậy, khi nghe ngài A-nan nói phát tâm đi tu, Phật liền gạn: Tâm ở chỗ nào? Mục đích Phật gạn là để xem ngài A-nan chấp cái gì làm tâm. Bởi vậy qua bảy lần ngài A-nan trả lời, bảy chỗ chấp tâm đều bị Phật bác.

Thông thường, khai có nghĩa là mở. Nếu có cửa thì mở, nhưng nếu vách tường bít thì sao? Phải đập! Đập cho bể mới trống được. Lâu nay ngài A-nan chấp tâm có chỗ nơi, nên mới đáp ở trong, ở ngoài, nói ở chỗ này chỗ kia. Phật biết cho nên ngài phá dẹp, không cho còn một chỗ chấp nào hết.

Đó là chặng thứ nhất, đập tan lầm chấp. Nhưng Phật vẫn biết ngài A-nan chưa hết chấp, nên sau cùng Phật hỏi: "Ông lấy cái gì làm tâm?" Ngài A-nan thưa: "Cái hay suy nghĩ là tâm con." Phật quở: "Đó không phải là tâm ông."

Ngài A-nan hoảng hốt, kể lể: "Tâm con đâu riêng cúng dường Như Lai, cho đến trải khắp cõi nước hằng sa phụng sự chư Phật và thiện tri thức, phát tâm đại dõng mãnh làm tất cả các pháp sự khó làm, đều dùng cái tâm này. Dầu cho con có huỷ báng chánh pháp, hằng lui sụt căn lành cũng nhân cái tâm này. Nếu Phật phát minh đó không phải là tâm, vậy là con không có tâm, đồng như cây như đất, vì ngoài cái hiểu biết này đâu còn gì nữa!"

Phật kết thúc: "Ta không bảo ông chấp là không phải tâm. Nhưng đối với tâm này, ông phải chín chắn suy xét. Nếu lìa tiền trần mà có tánh phân biệt mới thật là tâm ông. Còn nếu lìa tiền trần, tánh phân biệt không có tự thể, đây ắt chỉ là sự phân biệt bóng dáng tiền trần."

Đến đó là kết thúc phần Khai, nghĩa là dẹp không còn chỗ chấp.

2. Bước qua phần Thị

Thị là gì? Là chỉ. Phần Thị cũng chia làm hai:

a. Một là chỉ tâm chân, nhưng không phải là chân thật cứu cánh, chỉ mới gần với tâm chân thật cứu cánh. Đó là tánh thấy.

Trước tiên Phật dùng phương tiện đưa bàn tay xòe nắm. Phật hỏi A-nan: "Nay ông thấy gì?"

A-nan thưa: "Con thấy bàn tay trăm báu của Như Lai ở trong chúng xòe ra rồi nắm lại."

Phật bảo A-nan: "Ông thấy tay ta ở trong chúng xòe nắm, đó là tay ta có xòe nắm hay cái thấy của ông có xòe nắm?"

A-nan thưa: "Tay báu của đức Thế Tôn ở trong chúng xòe nắm. Con thấy tay Như Lai tự xòe nắm, chứ không phải tánh thấy của con có xòe có nắm."

Rồi từ lòng bàn tay Phật phóng ra một đạo hào quang báu đến bên phải A-nan, A-nan liền xoay đầu qua phải nhìn. Phật lại phóng một đạo hào quang đến bên trái A-nan, A-nan lại xoay đầu qua trái nhìn. Phật hỏi A-nan: "Đầu ông hôm nay cớ sao dao động?"

A-nan thưa: "Con thấy Như Lai phóng hào quang báu nhiệm mầu đến bên phải bên trái con, nên con nhìn sang trái sang phải, khiến đầu tự dao động."

Phật bảo: "A-nan! Ông nhìn hào quang Phật, đầu xoay qua phải qua trái. Vậy đầu của ông động hay cái thấy động?"

A-nan: "Bạch Thế Tôn! Đầu con tự dao động chứ tánh thấy của con còn không có dừng, nói gì là dao động."

Tay Phật động là chỉ cho cảnh, cảnh động tức là sanh diệt, cái thấy không sanh diệt. Đầu của ngài A-nan lắc chứ cái thấy không có lắc; lắc là động, cái không lắc là không động. Như vậy thân là động, là sanh diệt, cái thấy đâu có sanh diệt. Vậy là Phật đã chỉ rõ cảnh là sanh diệt, thân là sanh diệt, còn cái thấy không sanh diệt.

Đến đây, để đổi không khí, vua Ba-tư-nặc đứng dậy hỏi: "Xưa khi con chưa được gặp và nghe Phật chỉ dạy, thấy Ca-chiên-diên, Tỳ-la-chi-tử đều nói thân này sau khi chết sẽ đoạn diệt, gọi là Niết-bàn. Con tuy được gặp Phật, nay vẫn còn hồ nghi, làm sao để sáng tỏ, chứng biết tánh không sanh diệt nơi tâm này."

Phật bảo: "Đại vương, thân ông hiện đang sống, nay ta lại hỏi ông: Thân thịt của ông đây là đồng với kim cương thường trụ không hoại, hay là biến hoại?"

Vua đáp: "Bạch Thế Tôn, thân con hiện nay đây rốt cuộc cũng thay đổi và hoại diệt."

Phật bảo: "Đại vương, ông chưa từng chết, làm sao biết nó sẽ chết?"

Vua thưa: "Bạch Thế Tôn, thân vô thường biến hoại của con đây tuy chưa từng chết, nhưng con xem hiện tiền niệm niệm đổi dời mãi không dừng, như lửa tàn thành tro dần dần tiêu mất. Vì hoại diệt không dừng, nên con biết chắc chắn thân này sẽ diệt mất."

... Phật bảo: "Nay ta chỉ cho ông tánh không sanh diệt. Này Đại vương, lúc ông bao nhiêu tuổi thì thấy nước sông Hằng?"

Vua thưa: "Khi con được ba tuổi, mẹ con dẫn đến yết kiến thần Kỳ-bà thiên, đi qua dòng sông này. Khi ấy, con được thấy nước sông Hằng."

Phật bảo: "Này Đại vương, như lời ông nói, khi hai mươi tuổi thì già hơn lúc mười tuổi, cho đến sáu mươi tuổi, năm tháng ngày giờ, niệm niệm dời đổi. Vậy khi ba tuổi ông xem thấy sông Hằng, đến mười ba tuổi thấy nước sông này thế nào?"

Vua thưa: "Như khi ba tuổi, rõ ràng không khác. Cho đến hiện nay con sáu mươi hai tuổi cũng thấy không có khác."

Như vậy, cái thân đổi thay từng giây từng phút từng giờ, từng ngày từng tháng từng năm, nhưng cái thấy không hề đổi thay. Như vậy nơi thân này, cái gì là sanh diệt? Cái gì không sanh diệt? Rõ ràng hình thể vật chất sanh diệt, chứ cái thấy không hề sanh diệt. Đây là lần thứ hai chỉ cái thấy không sanh diệt. Cho tới những đoạn Phật chỉ ra người mù cũng vẫn thấy, đều nhắm thẳng vào tánh thấy, để cho ngài A-nan biết ngay nơi thân này có cái không sanh diệt.

Đó là giai đoạn đầu Phật muốn chỉ nơi sáu căn của chúng ta có cái chân thật. Cái chân thật đó, Phật ví dụ như mặt trăng thứ hai, không phải bóng trăng dưới nước, cũng không phải mặt trăng thật. Mặt trăng thứ hai kế cận mặt trăng thật. Do dụi mắt thấy lòe ra nên có mặt trăng thứ hai. Nếu con mắt hết lòe thì sẽ thấy mặt trăng thật ngay đó. Như vậy để rõ tánh thấy, tánh nghe tuy là chân thật, nhưng chưa phải là chân thật rốt ráo.

b. Tới chặng Phật chỉ lần hai. Sau khi ngài A-nan nhận biết mình có tánh thấy bất sanh bất diệt rồi, Phật liền chuyển qua ngũ ấm, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, thất đại, đều từ Như Lai tạng lưu xuất. Đến đây Phật không còn chỉ cái tạm ở tai ở mắt nữa, mà chỉ thẳng thể cứu cảnh là từ Như Lai tạng lưu xuất. Nhận được thể cứu cánh đó rồi mới thấy thân này, cảnh này, kể cả hư không là hư dối tạm bợ, không có nghĩa lý gì hết. Bởi vậy khi qua thất đại rồi, ngài A-nan bừng ngộ.

3. Bước qua phần Ngộ

Ngài A-nan trình bày chỗ ngộ của mình. Khi nhận ra được pháp thân trùm khắp, thấy hư không trong mười phương như xem chiếc lá trong bàn tay. Nhìn lại thân do cha mẹ sanh giống như một hạt bụi ở trong hư không, hoặc còn hoặc mất, chẳng khác hòn bọt nổi trên mặt biển không có gì quan trọng. Khi ngộ rồi, ngài A-nan khởi tâm tán thán Tam bảo và phát nguyện cứu độ chúng sanh, diệt trừ các hoặc vi tế.

4. Sau khi Ngộ là tới Nhập

Trước khi Nhập, ngài A-nan trình bày: "Nay con vẫn như người khách lang thang, chợt được vua tặng cho ngôi nhà đẹp. Tuy được nhà lớn đẹp, cốt yếu là nhân cửa nào vào."

a. Thấy nhà, được làm chủ cái nhà mà không biết làm sao vào, đó là chuẩn bị cho Nhập. Đức Phật liền chỉ cho cách vào, nhưng trước tiên đức Phật muốn cho thấy được cái cửa thuận hợp với ngài A-nan, nên dùng phương tiện đánh chuông để chỉ tánh nghe.

Như Lai bảo La-hầu-la đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan rằng: "Nay ông có nghe chăng?"

A-nan và đại chúng đều thưa: "Con có nghe."

Chuông dứt không còn tiếng, Phật lại hỏi rằng: "Nay ông có nghe chăng?"

A-nan và đại chúng đều thưa: "Không nghe."

Khi ấy, La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông, Phật lại hỏi: "Nay ông có nghe chăng?"

A-nan và đại chúng thưa: "Đều nghe."

Phật bảo A-nan: "Thế nào là ông có nghe? Thế nào là ông chẳng nghe?"

A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: "Tiếng chuông nếu đánh lên thì con nghe, đánh lâu tiếng chuông hết, âm hưởng đều dứt thì gọi là không nghe."

Như Lai bảo La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông, hỏi A-nan: "Hiện giờ có tiếng chăng?"

A-nan và đại chúng đều thưa: "Có tiếng."

Giây lâu tiếng dứt, Phật lại hỏi: "Hiện giờ có tiếng chăng?"

A-nan và đại chúng thưa: "Không tiếng."

Lát sau, La-hầu-la lại đánh một tiếng chuông, Phật lại hỏi: "Hiện giờ có tiếng chăng?"

A-nan và đại chúng đều thưa: "Có tiếng."

Phật hỏi A-nan: "Ông cho thế nào là có tiếng, thế nào là không tiếng?"

A-nan và đại chúng đều bạch Phật rằng: "Tiếng chuông nếu đánh lên thì gọi là có tiếng, đánh lâu tiếng hết, âm hưởng đều dứt thì gọi là không tiếng."

Phật bảo A-nan và cả đại chúng: "Nay tại sao các ông nói rối loạn như vậy?"

A-nan và đại chúng đồng thời bạch Phật: "Nay vì sao Thế Tôn bảo chúng con nói rối loạn?"

Phật bảo: "Ta hỏi ông về nghe thì ông đáp rằng nghe. Lại hỏi ông về tiếng thì ông đáp là tiếng. Chỉ nghe với tiếng mà ông trả lời không nhất định. Như vậy làm sao chẳng gọi là rối loạn?"

Chỉ nghe với tiếng mà không phân biệt được. Nghe thì thuộc về mình, còn tiếng thuộc về thanh trần ở bên ngoài. Không phân biệt được cái nào là mình, cái nào là bên ngoài, ấy là chỗ rối loạn. Đó là hướng Phật chỉ cho ngài A-nan chuẩn bị Nhập, để xác nhận một lần nữa cho thấy tánh nghe này từ thủy chí chung không bao giờ vắng, dù có tiếng hay không tiếng nó vẫn luôn hằng hữu, không phải đợi có tiếng mới có.

Ngài A-nan lại hỏi Phật: "Hiện nay thân tâm con thế nào là gút? Từ chỗ nào gọi là mở?" Khi ấy chư Phật mười phương đồng thời nói lên ý nghĩa sáu căn là gốc Bồ-đề, sáu căn là gốc sanh tử. Kế đó Phật bảo các vị Bồ-tát và A-la-hán trình bày chỗ ngộ của mình, để chọn lựa một căn nào thích ứng với người ở thế giới Ta-bà này để nương đó mà nhập.

Qua phần trình bày của hai mươi lăm vị thánh, ngài Văn-thù chọn nhĩ căn, tức pháp tu của Bồ-tát Quán Âm là viên thông hơn cả. Đó là chỉ chỗ Nhập. Chặng thứ nhất là nhập bằng nhĩ căn.

b. Tới chặng thứ hai của Nhập, theo tinh thần kinh Lăng-nghiêm vừa Thiền vừa Mật, Phật chỉ cho lập đàn, trì chú.

c. Qua chặng thứ ba của Nhập, ngài A-nan hỏi về thứ lớp tiến tu của chư Bồ-tát, Phật chỉ dạy: Muốn tiến tu thì phương tiện đầu tiên là phải giữ giới. Trong giữ giới Phật nhấn mạnh dâm, sát và đạo. Đó là ba cái cội gốc, nếu muốn tu để giải thoát mà ba thứ đó không dẹp thì chỉ thành quỷ thần.

Kế đó Phật chỉ tiến sâu vào từng ấm, qua từng ấm có những ma chướng. Biết rõ ma chướng để vượt qua mỗi ấm. Cuối cùng đến thức ấm, thân tâm và cảnh đều sáng như lưu ly. Qua được thức ấm mới tiến lên Đẳng giác, Diệu giác. Đó là chặng Nhập cuối cùng.

Qua mấy phần Khai, Thị, Ngộ, Nhập, chúng ta có thể nắm được chủ yếu của bộ kinh. Trọng tâm bộ kinh này buộc chúng ta phải biết rõ hai thứ căn bản: căn bản phiền não và căn bản Bồ-đề Niết-bàn. Muốn biết căn bản Bồ-đề Niết-bàn thì phải lựa nhân khế hợp với quả. Phải nên xét kỹ nhân phát tâm ban đầu với quả địa giác ngộ là đồng hay khác. Lựa nhân vô sanh mà tu thì mới được quả vô sanh. Nếu chỗ tu nhân dùng tâm sanh diệt làm gốc tu hành mà cầu Phật thừa chẳng sanh chẳng diệt thì không hợp lý. Do đó chỗ tu của kinh Lăng-nghiêm là phải lấy nhân vô sanh của sáu căn để làm chỗ tựa, rồi từ đó mà tiến thẳng vào thì mới tới được chỗ cứu cánh chân thật.

Chúng ta học kinh Lăng-nghiêm phải nắm vững phương hướng tu có lợi ích lớn cho mình. Nếu học suông để cho biết chữ biết nghĩa, hoặc để trả lời khi có người hỏi, thì không lợi ích gì. Chúng ta phải biết cái hướng tu của kinh Lăng-nghiêm dạy là phải làm sao đạt đến chỗ bất sanh bất diệt. Muốn tiến tới chỗ bất sanh bất diệt, tức là Niết-bàn, thì phải lựa nhân bất sanh bất diệt mà tu. Những kinh khác ít nói tới điểm này, ở đây chỉ rất rõ.


 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05394
  • Online: 32