Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 03 - ĐỊNH HUỆ MỘT THỂ
26/12/2019 | Lượt xem: 2364
Dịch giảng: TT.Thích Thông Phương
CHÁNH VĂN:
Sư dạy chúng:
- Này thiện tri thức! Pháp môn của ta đây, lấy định huệ làm gốc, đại chúng chớ mê mờ nói định huệ riêng khác. Định huệ một thể, chẳng phải là hai. Định là thể của huệ, huệ là dụng của định; ngay khi huệ thì định ở trong huệ, ngay khi định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa này tức là định huệ đồng học.
Những người học đạo chớ nói trước định rồi phát huệ, trước huệ rồi phát định mỗi thứ riêng khác, khởi cái thấy này thì pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong tâm chẳng lành, thì luống có định huệ mà định huệ chẳng đồng đều. Nếu tâm và miệng đều lành, trong ngoài một thứ thì định huệ tức đồng đều. Tự ngộ mà tu hành, chẳng ở tranh cãi. Nếu tranh cãi trước sau, tức đồng với người mê, chẳng đoạn dứt lòng hơn thua, càng thêm ngã pháp, chẳng lìa bốn tướng.
Này thiện tri thức! Nhất hạnh tam-muội là, đối tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm, thường thực hành một tâm ngay thẳng. Như kinh Tịnh Danh nói: “Tâm ngay thẳng là đạo tràng, tâm ngay thẳng là tịnh độ”, chớ có tâm thực hành cong vạy mà miệng cứ nói thẳng. Miệng nói Nhất hạnh tam-muội mà chẳng thực hành tâm ngay thẳng. Song thực hành tâm ngay thẳng thì đối tất cả pháp chớ có chấp trước. Người mê dính mắc tướng của pháp, chấp Nhất hạnh tam-muội, liền nói ngồi bất động, tâm vọng chẳng khởi, tức là Nhất hạnh tam-muội. Khởi cái hiểu này tức đồng với vô tình, lại là nhân duyên chướng đạo.
Này thiện tri thức! Đạo cần phải trôi chảy, cớ sao lại ngưng trệ? Tâm chẳng trụ nơi pháp, đạo liền trôi chảy. Nếu tâm trụ pháp gọi là tự trói. Nếu nói ngồi bất động là phải, thế nhưng ngài Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng lại bị ông Duy-ma-cật quở trách!
Này thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi “khán tâm quán tịnh” chẳng động, chẳng khởi, từ đó đặt thành công phu. Người mê chẳng hiểu liền chấp thành điên đảo. Người như trên đây rất đông, dạy nhau như thế, nên biết là lầm to.
Này thiện tri thức! Định Huệ giống như những gì? Giống như ngọn đèn và ánh sáng. Có ngọn đèn tức có ánh sáng, không ngọn đèn tức tối. Ngọn đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của ngọn đèn. Tên tuy có hai, thể vốn là một. Pháp Định Huệ này cũng lại như thế.
Này thiện tri thức! Chánh giáo xưa nay không có đốn tiệm, chỉ tánh người có bén lụt. Người mê dần dần khế hợp, người ngộ thì chóng tu. Tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh, tức không có sai khác. Do đó lập cái tên giả “đốn tiệm”.
Này thiện tri thức! Pháp môn của ta đây, từ trước đến nay, trước lập “Vô niệm” làm tông, “Vô tướng” làm thể, “Vô trụ” làm gốc. Vô tướng là nơi tướng mà lìa tướng. Vô niệm là nơi niệm mà không niệm. Vô trụ là bản tánh của người đối với việc thiện ác, tốt xấu của thế gian, cho đến oán thân, lúc nói năng, động chạm, tranh đua v.v... đều đưa vào KHÔNG, chẳng nghĩ đáp hại lại, trong mỗi niệm chẳng nghĩ nhớ cảnh trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm tiếp nối nhau không gián đoạn, gọi là trói buộc. Ở trên các pháp, niệm niệm chẳng dừng trụ tức không trói. Đây là lấy Vô Trụ làm Gốc.
Này thiện tri thức! Ngoài lìa tất cả tướng, gọi là vô tướng. Hay lìa nơi tướng tức pháp thể thanh tịnh. Đây là lấy Vô Tướng làm Thể.
Này thiện tri thức! Ở trên các cảnh mà tâm chẳng nhiễm là vô niệm. Ở trên niệm của chính mình mà thường lìa các cảnh, chẳng ở trên cảnh sanh tâm. Nếu chỉ trăm vật chẳng nghĩ, trừ sạch hết niệm, một niệm dứt bặt liền chết, thọ sanh vào chỗ khác, đó là lầm to. Người học đạo hãy nhớ kỹ! Nếu chẳng biết ý của pháp, tự mình lầm còn được, lại khuyên người khác, tự mình mê chẳng thấy, lại chê bai kinh Phật. Do đó lập Vô Niệm làm Tông.
Này thiện tri thức! Thế nào là lập Vô Niệm làm Tông? Chỉ vì miệng nói thấy tánh, người mê ở trên cảnh có niệm, trên niệm liền khởi tà kiến, tất cả trần lao vọng tưởng từ đây mà sanh. Tự tánh vốn không có một pháp có thể được, nếu có chỗ được, vọng nói họa phước, tức là trần lao tà kiến, nên pháp môn này lập Vô Niệm làm Tông.
Này thiện tri thức! Vô, là vô việc gì? Niệm, là niệm vật gì? Vô là không có hai tướng, không các tâm trần lao. Niệm là niệm bản tánh chân như. Chân như là thể của niệm. Niệm là dụng của chân như. Tự tánh chân như khởi niệm, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi hay niệm. Chân như có tánh do đó khởi niệm. Nếu không có chân như thì mắt tai, sắc thanh ngay đó liền hoại.
Này thiện tri thức! Tự tánh chân như khởi niệm, tuy có sáu căn thấy nghe cảm biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, thì chân tánh thường tự tại. Nên kinh nói: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp, đối nghĩa đệ nhất vẫn chẳng động”.
GIẢNG:
Sư dạy chúng:
- Này thiện tri thức! Pháp môn của ta đây, lấy định huệ làm gốc, đại chúng chớ mê mờ nói định huệ riêng khác. Định huệ một thể, chẳng phải là hai. Định là thể của huệ, huệ là dụng của định; ngay khi huệ thì định ở trong huệ, ngay khi định thì huệ ở trong định. Nếu biết nghĩa này tức là định huệ đồng học.
Học theo tinh thần Lục Tổ, thấy rõ ý nghĩa viên mãn, không nghiêng lệch. Chúng ta thường học nhân định sanh huệ, vậy là định có trước huệ có sau, thành chia hai. Hoặc có người nghiêng về tu định, hoặc có người nghiêng về tu huệ, hay người nghiêng về tu chỉ, người nghiêng về tu quán. Tôn chỉ Lục Tổ chỉ dạy là định huệ đồng thời, gọi là định huệ một thể, không phân chia kia-đây, trước-sau, không nghiêng lệch một bên. “Định là thể của huệ, huệ là dụng của định”. Nếu có “thể” không có “dụng” là thể chết, còn “dụng” không có “thể” là dụng rỗng.
Thế nên, tu tập phải có đủ định huệ song song, định có huệ thì định sáng tỏ, huệ có định thì huệ vững chắc. Như đèn sáng để trong nhà, không có gió thổi nên luôn tỏ sáng, còn đèn sáng để bên ngoài gió thổi chập chờn thì không sáng tỏ. Có “thể” có “dụng” đầy đủ là khế hợp với ý Tổ. Chúng ta tu hành phải nhớ định luôn kết hợp với huệ thì không sợ sai lạc. Đây là chỗ người tu thiền phải nắm vững dù tu theo Nguyên thủy, Đại thừa hay Thiền Tông.
Người tu theo Nguyên thủy nếu nghiêng về bên định thiếu huệ, tức tu chỉ thiếu quán cũng dễ bị lệch lạc. Tu được định, an lạc, vui sướng quá rồi say sưa trong đó thì không tiến lên được. Cũng vậy, tu theo Đại thừa hay Thiền Tông ngay cả khi tu công án hay tu thoại đầu cũng không thể nghiêng một bên. Nếu nghiêng bên định, tham mà không còn biết câu thoại đầu là vào hang quỷ, thế nên phải có huệ.
Thiền sư Thần Hội nối pháp của Lục Tổ. Có vị Pháp sư Triết đến hỏi Thiền sư Thần Hội:
- Thế nào là nghĩa định huệ đồng thời?
Thiền sư Thần Hội đáp:
- Niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh định. Vì hay thấy niệm không khởi, rỗng suốt không có gì, tức gọi là chánh huệ. Nếu được vậy, ngay khi định gọi là thể của huệ, ngay khi có huệ tức là dụng của định. Ngay lúc có định không khác huệ, ngay khi có huệ không khác định. Ngay lúc định tức là huệ, ngay khi huệ tức là định. Ngay lúc định không có định, ngay lúc huệ không có huệ. Vì cớ sao? Vì tánh tự như, đó gọi là định huệ đồng thời.
“Niệm chẳng khởi, rỗng suốt không có gì” tức tất cả không dính, như “Xưa nay không một vật”. Không khởi, không dính, không theo duyên, đó là định. Vì hay thấy được niệm không khởi, rỗng suốt, không dính, đó là chánh huệ. Không khởi niệm, rỗng suốt, nhưng thấy được tức có huệ, nếu rỗng suốt mà mờ mờ là thiếu huệ. Tiến bước nữa là không còn phân biệt đây-kia, đó là ý nghĩa của định huệ song hành, không nghiêng lệch.
Những người học đạo chớ nói trước định rồi phát huệ, trước huệ rồi phát định mỗi thứ riêng khác, khởi cái thấy này thì pháp có hai tướng. Miệng nói lời lành mà trong tâm chẳng lành, thì luống có định huệ mà định huệ chẳng đồng đều. Nếu tâm và miệng đều lành, trong ngoài một thứ thì định huệ tức đồng đều. Tự ngộ mà tu hành, chẳng ở tranh cãi. Nếu tranh cãi trước sau, tức đồng với người mê, chẳng đoạn dứt lòng hơn thua, càng thêm ngã pháp, chẳng lìa bốn tướng.
Thấy định huệ có trước sau thành có hai tướng, pháp có hai tướng thì dễ mắc kẹt, nghiêng lệch. Miệng nói lời lành mà trong tâm chẳng lành tức hai tướng, chia hai, có chia hai mới có tranh cãi kia-đây. Như người nói trước định sau phát huệ, người nói trước huệ sau định, vì có hai nên có cãi nhau, cãi nhau liền mất không thấy định huệ. Miệng nói định huệ mà trong tâm không có định huệ là xa chánh đạo không phải thật nghĩa. “Miệng nói lời lành mà tâm chẳng lành” Tức còn trong nhân ngã hơn thua. Ngài nói: “Càng thêm ngã pháp, chẳng lìa bốn tướng”. Bốn tướng là ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả, tuy nói bốn tướng nhưng chung lại chỉ là ngã tướng, tức kẹt vào cái ngã.
Cốt yếu là phải tự ngộ mà tu hành chẳng ở nơi tranh cãi, tranh cãi mãi thì không tu đến đâu, không thấy định huệ, chỉ thấy phiền não hơn thua. Người thật tâm tu hành phải cẩn thận chỗ này.
Này thiện tri thức! Nhất hạnh tam-muội là, đối tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm, thường thực hành một tâm ngay thẳng. Như kinh Tịnh Danh nói: “Tâm ngay thẳng là đạo tràng, tâm ngay thẳng là tịnh độ”, chớ có tâm thực hành cong vạy mà miệng cứ nói thẳng. Miệng nói Nhất hạnh tam-muội mà chẳng thực hành tâm ngay thẳng. Song thực hành tâm ngay thẳng thì đối tất cả pháp chớ có chấp trước. Người mê dính mắc tướng của pháp, chấp Nhất hạnh tam-muội, liền nói ngồi bất động, tâm vọng chẳng khởi, tức là Nhất hạnh tam-muội. Khởi cái hiểu này tức đồng với vô tình, lại là nhân duyên chướng đạo.
Đây nói rộng về nghĩa Nhất hạnh tam-muội, tức chánh định chỉ chuyên một hạnh, không phân chia xen tạp. Chúng ta có nhiều hạnh, đi khác, ngồi khác. Thật nhất hạnh này thì đi đứng nằm ngồi chuyên nhất, không chia thành kia-đây chớ không phải chỉ nói ở trên miệng mà được. Dù đi đứng ngồi nằm nhưng luôn thực hành với một tâm ngay thẳng, tuy có bốn oai nghi thay đổi nhưng chỉ một tâm ngay thẳng đó là nhất hạnh. Còn ngồi im lìm không động, Tổ nói chưa phải nhất hạnh.
Quan trọng là phải thực hành một tâm ngay thẳng, gọi là trực tâm, không phải ở chỗ miệng nói, luận bàn. Như kinh Tịnh Danh tức kinh Duy Ma Cật nói: “Tâm ngay thẳng là đạo tràng”. Người thực hành tâm ngay thẳng chính là chỗ chứng đạo, không phải nhọc nhằn chạy qua Bồ Đề Đạo Tràng. Thành đạo là thành ngay chỗ đó, tu hành như thế thì phiền não không có chỗ sanh khởi.
Trái lại, tâm cong vạy mà miệng nói ngay thẳng là tự dối ta, liền có phiền não. Miệng nói Nhất hạnh tam-muội mà tâm không ngay thẳng thì không thấy Nhất hạnh tam-muội mà thấy đủ thứ lăng xăng. Tâm và miệng trái nhau có chia cắt đây-kia, thành ra pháp có hai tướng, không những chỉ có hai tướng mà thành vô số tướng, tức tham sân si v.v... đủ thứ sanh, đó là tạp hạnh chứ không còn nhất hạnh.
Song tu tập tâm ngay thẳng chớ chấp trước trên tướng. Có người nghe nói nhất hạnh tức là một hạnh không hai, nghĩ là phải ngồi im lìm bất động, đè không cho vọng khởi gọi là nhất hạnh. Lục Tổ gọi đó là chấp tướng, không hiểu được ý nghĩa thật. Tổ dạy, trong mọi hành động, tâm ngay thẳng không kia-đây, không duyên theo cảnh thì không thay đổi, không cong vạy, không có hai tướng, tuy có đi đứng ngồi nằm nhưng vẫn là nhất hạnh.
Thế nên bài tụng Vô Tướng, Lục Tổ nói: “Hạnh thẳng nào phải tu thiền” Hạnh thẳng tức ngay đó là thiền rồi! Người nghe đôi khi bắt chước rồi nói: “Tôi hạnh thẳng nên khỏi tu thiền”, nhưng là hạnh thẳng ngoài miệng, miệng nói thẳng mà trong tâm cong vạy thì chưa phải. Lại, “Người mê dính mắc tướng của pháp, chấp Nhất hạnh tam-muội liền nói ngồi bất động, tâm vọng chẳng khởi tức là Nhất hạnh tam-muội. Khởi cái hiểu này tức đồng với vô tình, lại là nhân duyên chướng đạo”, tức là tu để trở thành như cây đá ngồi im lìm bất động, không biết gì là lầm! Còn đây là biết tất cả, đi đứng ngồi nằm đều biết nhưng tâm không dính mắc, vẫn thẳng ngay, vẫn định, vậy là chánh định ngay trong động mới là chân thật nhất hạnh. Cho nên, chỉ “một hạnh chánh định” nếu thực hành đúng đắn là đủ giác ngộ thành Phật không phải thường.
Này thiện tri thức! Đạo cần phải trôi chảy, cớ sao lại ngưng trệ? Tâm chẳng trụ nơi pháp, đạo liền trôi chảy. Nếu tâm trụ pháp gọi là tự trói. Nếu nói ngồi bất động là phải, thế nhưng ngài Xá-lợi-phất ngồi yên trong rừng lại bị ông Duy-ma-cật quở trách!
Tổ dạy: “Đạo cần phải trôi chảy, cớ sao lại ngưng trệ?”. Đúng nghĩa đạo là phải trôi chảy. Chúng ta tu hành muốn tâm khế hợp với đạo thì không được để tâm ngưng trệ. Nếu để tâm ngưng trệ là trái đạo vì ngưng trệ tức là dính, ngưng trệ chỗ nào là dính chỗ đó, không trôi chảy. Trôi chảy thì không dính tất cả, tức là đạo. Người học đạo thường phân tích chữ nghĩa là đạo thế này thế kia mà không thấy đạo, bởi đã ngưng trệ trên chữ nghĩa. Đây cũng tức là tâm vô trụ. Chính tâm vô trụ đó đi qua tất cả, không dừng ở một pháp nào, là thông suốt không có gì chướng ngại.
Tâm vừa có chỗ trụ liền có ngại thành tự trói, mất đạo. Ví như khi nhìn bình hoa, nếu trụ ngay bình hoa đó thì tâm cột ngay bình hoa, không thấy gì khác. Nếu nhìn bình hoa rồi đi qua, được vậy thì thấy đủ tất cả, tâm sáng suốt tự tại. Hiểu kỹ, thực hành, được vậy thì đi đâu, ở đâu, nghe gì cũng thông suốt bởi nó trôi chảy, không ngưng trệ chỗ nào, luôn luôn thấy đạo hiện tiền. Ngay trong cuộc sống hàng ngày, thấy nghe hiểu biết tất cả đối với sáu trần đều thông suốt, không ngưng trệ ở một trần nào là đạo hiện tiền, không cần nhọc nhằn phân tích trong bộ kinh này, bộ kinh kia.
Có vị tăng hỏi Thiền sư Duy Khoan:
- Thế nào là đạo?
Thiền sư Duy Khoan đáp:
- Núi rất tốt.
Tăng thưa:
- Con hỏi đạo, sao thầy lại nói núi tốt.
Thiền sư Duy Khoan bảo:
- Ông chỉ biết núi tốt thì đâu từng đạt đạo.
Thiền sư khéo léo đánh thức khai thị cho vị tăng, nhưng vị tăng này theo chữ nghĩa nên ngưng trệ, không thấy được đạo. Nghe nói núi tốt thì hiểu núi tốt, tức là ngưng trệ, không trôi chảy thành không thấy đạo. Nếu tâm vô trụ khi nghe nói núi nhưng tâm không trụ nơi núi, không theo chỗ hiểu núi đó, mà thông suốt qua lời nói thì đạo hiện tiền. Cho nên, tâm trôi chảy thì đạo hiện tiền, còn có ngưng trệ tức có trụ liền chướng ngại.
Lại dẫn trong kinh Duy Ma Cật, Tôn giả Xá-lợi-phất ngồi yên ở trong rừng nhưng bị Ngài Duy-ma-cật quở.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Ông hãy đi đến thăm bệnh ông Duy-ma-cật.
Ngài Xá-lợi-phất bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn! Con không kham đến thăm bệnh ông ấy. Vì cớ sao? Con nhớ thuở xưa, từng ở trong rừng ngồi yên dưới cội cây, khi ấy ông Duy-ma-cật đến bảo con: “Thưa ngài Xá-lợi-phất, không hẳn ngồi thế ấy là ngồi yên định. Phàm ngồi yên định thì ở ba cõi mà không hiện thân ý, ấy là ngồi yên định. Không khởi Diệt tận định mà hiện các oai nghi, ấy là ngồi yên định. Chẳng bỏ đạo pháp mà hiện việc phàm phu, ấy là ngồi yên định. Tâm chẳng trụ trong cũng chẳng trụ ngoài, ấy là ngồi yên định. Đối các kiến chấp không động mà tu Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, ấy là ngồi yên định. Chẳng đoạn phiền não mà vào Niết-bàn, ấy là ngồi yên định. Nếu hay ngồi như thế Phật sẽ ấn chứng cho”.
Bạch Thế Tôn! Khi ấy con nghe những lời nói này, lặng thinh mà thôi, không thể nào đáp được. Cho nên con không kham đến thăm bệnh ông ấy.
Ở trong ba cõi mà không hiện thân ý trong ba cõi, đó chính là yên định. Không khởi Diệt tận định mà hiện các oai nghi, hay dù hiện các oai nghi nhưng không rời Diệt tận định, tức không rời khỏi định, có đi lại nhưng vẫn định, đó mới là yên, không phải chỉ một bề ngồi. Quan trọng là tâm không dính mắc tất cả, ngay trong động mà không dính mới thật yên định. Khi thân ngồi yên thì tâm cũng yên theo, nhưng khi đi ra lại động trở lại, đó là không thật yên định.
Tâm đi qua tất cả, không dính một cái gì mới là chỗ đạo thường trôi chảy.
Hòa thượng dạy: “Mắt thấy sắc là chân tâm, tai nghe tiếng là chân tâm, thân biết xúc chạm là chân tâm, mũi biết ngửi mùi là chân tâm, lưỡi biết nếm vị là chân tâm, ý biết pháp là chân tâm”. Thấy nghe hiểu biết, đi qua tất cả nhưng luôn nhớ không rời khỏi chân tâm tức là trôi chảy. Thấy nghe hiểu biết mà trôi chảy, không dính một trần nào thì chân tâm hiện tiền, đây gọi là đạo hiện tiền.
Ý nghĩa tu hành nếu hiểu rồi sẽ thông suốt không nghi ngờ. Chúng ta tu là tập cho tâm đi qua mọi thứ, không dừng, không trụ, không ngưng trệ một pháp hay một chỗ nào thì đạo hiện tiền, sáng tỏ, không mê. Vừa ngưng trệ chỗ nào, trụ trong đó, ngay đó liền mê. Nắm vững yếu chỉ đó là biết tu hành, không còn sợ lạc.
Này thiện tri thức! Lại có người dạy ngồi “khán tâm quán tịnh” chẳng động, chẳng khởi, từ đó đặt thành công phu. Người mê chẳng hiểu liền chấp thành điên đảo. Người như trên đây rất đông, dạy nhau như thế, nên biết là lầm to.
Đường lối của Lục Tổ dạy không chấp nhận ngồi khán tâm quán tịnh. “Khán tâm quán tịnh” tức ngồi xem xét tâm niệm cho dừng trụ chẳng động, lấy chỗ tịnh làm công phu, đó cũng là phương tiện theo thứ lớp, còn ở trong động-tịnh, bỏ động về tịnh. Lục Tổ muốn khai thị chỉ thẳng tự tánh chân thật là bản tánh sẵn tịnh nên đường lối của Tổ gọi là Đốn giáo.
Lại, khán tâm tức đem tâm biến thành đối tượng cho ta khán. Quán tịnh tức đem tịnh làm chỗ trụ để hướng đến chỗ chẳng động chẳng khởi, lấy đó làm công phu liền kẹt vào đó. Đem tịnh làm chỗ trụ, thì tịnh đó cũng thuộc về cảnh. Người tu không khéo dễ mắc kẹt, nhất là người mới tu, bởi tâm động quá nên khi ngồi ai cũng muốn tịnh. Nhưng tịnh do bỏ động về tịnh thì tịnh đó là cái bị quán, thuộc về cảnh tịnh, đối tượng tịnh, chưa phải tự tánh tịnh, khi hết sức định liền động trở lại. Thế nên, nếu lấy đó làm chỗ công phu, rồi bám trụ vào đó sẽ bị chướng ngại.
Vì thế, Lục Tổ chỉ thẳng con đường tiến lên. Tổ nói rằng không rõ biết bản tánh hay bản tâm vốn là tịnh, lại khởi lên tâm quán tịnh liền thành động, trái với bản tâm thanh tịnh. Chấp theo đó thành điên đảo, trái với lý rốt ráo chân thật, không khéo rơi vào thiền chết giống như cây khô. Đây là ngăn ngừa để người tu không lầm trong đó.
Này thiện tri thức! Định Huệ giống như những gì? Giống như ngọn đèn và ánh sáng. Có ngọn đèn tức có ánh sáng, không ngọn đèn tức tối. Ngọn đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của ngọn đèn. Tên tuy có hai, thể vốn là một. Pháp Định Huệ này cũng lại như thế.
Lục Tổ dùng ngọn đèn và ánh sáng làm thí dụ cho nghĩa định huệ không hai. Có ngọn đèn tức có ánh sáng, không ngọn đèn thì tối, ngọn đèn và ánh sáng không thể tách rời thành hai thứ riêng biệt. Nếu tách riêng ngọn đèn và ánh sáng, có ngọn đèn mà không có ánh sáng thì không còn là ngọn đèn, hoặc tách ánh sáng ra khỏi ngọn đèn cũng không thành ánh sáng được. Ngọn đèn là thể của ánh sáng, ánh sáng là dụng của ngọn đèn, nếu tách ra thì thành có thể không dụng, hoặc có dụng không thể.
Cũng vậy, định là thể của huệ, huệ là dụng của định. Nếu tách định huệ thành hai là có thể không có dụng, hoặc có dụng không có thể. Nhưng người hay lầm chỗ đó, nói định trước huệ sau, huệ trước định sau tức là tách định huệ thành hai, là thể riêng dụng riêng.
Định Huệ gọi là “hai trong một”, tuy tên là hai nhưng đồng một thể. Thấu suốt được nghĩa “hai trong một” này mới thấy tột được nghĩa định huệ. Vì người thường sống quen theo tình phân biệt nên luôn phân tích định huệ thành ra dễ mắc kẹt. Lục Tổ phá chấp cho, để người thấy trở lại chỗ gốc chân thật khiến công phu của chúng ta sẽ tiến đều.
Này thiện tri thức! Chánh giáo xưa nay không có đốn tiệm, chỉ tánh người có bén lụt. Người mê dần dần khế hợp, người ngộ thì chóng tu. Tự biết bản tâm, tự thấy bản tánh, tức không có sai khác. Do đó lập cái tên giả “đốn-tiệm”.
Nên nhớ, đốn-tiệm cũng là tên giả nhưng người hay mắc kẹt trong đó. Do phân biệt quen nên theo tên rồi chấp thành thật có. Từ đó có tôi tu đốn anh tu tiệm, anh dở hơn tôi, thành ngăn ngại. Lục Tổ nói, đó chỉ là cái tên phương tiện giả lập. Bởi căn tánh của mỗi người không đồng nhau, có người bén nhạy, có người chậm lụt, nếu dạy như nhau sẽ không thích hợp. Người chậm lụt chưa đủ khả năng đi nhanh thì dạy đi từ từ, người bén nhạy có khả năng đi nhanh thì dạy cho đi nhanh. Do căn cơ người có sai biệt nên phương tiện nói pháp có đốn tiệm để thích hợp với từng căn tánh. Nhưng nếu người nhận rõ bản tâm, bản tánh ngay chính mình thì thể đó vốn không hai, không có đốn-tiệm. Người đốn, người tiệm khi nhận ra thì không hai, sao lại chia ra thành ngăn cách! Không vì cái tên đốn-tiệm mà chia thành đây-kia rồi chướng ngại với nhau. Pháp không có chướng ngại, do tâm ta chia đây-kia thành chướng ngại.
Trọng yếu là tự nhận ra bản tâm bản tánh chính mình, không nên mắc kẹt trên cái tên đốn-tiệm. Nhận ra bản tâm bản tánh chính mình là vượt qua tên đốn-tiệm. Khi ấy, nói đốn-tiệm đó chỉ là trò chơi chữ, tỏ ngộ tâm tánh rồi là ở bên kia của những trò chơi chữ đó. Đây là chỗ Lục Tổ muốn chỉ dạy, cũng là chỗ hành giả cần phải thấu triệt, thấu triệt đó mới thấu được đến lý rốt ráo chân thật, còn mắc kẹt trên đốn tiệm là còn trên phương tiện.
Này thiện tri thức! Pháp môn của ta đây, từ trước đến nay, trước lập “Vô niệm” làm tông, “Vô tướng” làm thể, “Vô trụ” làm gốc. Vô tướng là nơi tướng mà lìa tướng. Vô niệm là nơi niệm mà không niệm. Vô trụ là bản tánh của người đối với việc thiện ác, tốt xấu của thế gian, cho đến oán thân, lúc nói năng, động chạm, tranh đua v.v... đều đưa vào KHÔNG, chẳng nghĩ đáp hại lại, trong mỗi niệm chẳng nghĩ nhớ cảnh trước. Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm tiếp nối nhau không gián đoạn, gọi là trói buộc. Ở trên các pháp, niệm niệm chẳng dừng trụ tức không trói. Đây là lấy Vô Trụ làm Gốc.
Đây là tôn chỉ Tam Vô của Lục Tổ. “Vô tướng là nơi tướng mà lìa tướng”. Thông thường nghe nói vô tướng là hiểu không có tướng rồi phá bỏ tướng, diệt các tướng thành vô, đó không phải là ý của Lục Tổ dạy. Tổ dạy “Vô” nghĩa là ở ngay tướng mà lìa tướng, không mắc kẹt nơi có-không. Cũng vậy, “Vô niệm là nơi niệm mà không niệm”. Ngay nơi niệm mà không niệm chứ không phải diệt niệm thành không niệm. Bởi nếu diệt niệm thành vô thì đã sanh niệm khác để diệt niệm này, niệm này diệt thì niệm khác sanh. Không khéo lại mắc kẹt theo nghĩa đoạn diệt dứt hết niệm là nghiêng một bên.
“Vô trụ làm gốc”, là nói thẳng vào bản tánh của người xưa nay vốn là rỗng không, không dính với các niệm thiện ác, tốt xấu, oán thân, hơn thua, yêu ghét v.v... Bản tánh vốn tự không, không phải chúng ta làm thành không. Chính chúng ta không chịu ở trong cái Không đó mà lại gây rắc rối, khởi vọng tưởng. Mọi sai biệt rắc rối đều do tưởng, mà tưởng thì không có thật, cho nên khi giác ngộ liền hết tưởng, trở về bản tánh vốn tự thanh tịnh rỗng không, không phải phá cho thành không.
Không trụ vào tất cả thì tâm hợp trở về gốc. Có trụ thì có dính mắc, không trụ tức đi qua tất cả mà không dừng lại một pháp nào, vậy đâu có vấn đề gì! Chúng ta có vấn đề là vì dừng trụ tức dính mắc, thấy cảnh trụ ngay cảnh rồi phân biệt, dính cảnh tức bị chướng ngại. Rồi lại đổ lỗi do cảnh làm ngại, và muốn phá bỏ cảnh, nhưng phá bỏ cảnh này lại dính cảnh kia, bởi cái tâm trụ chưa “vô”. Nếu tâm không trụ thì đi qua tất cả, dù cảnh trước mắt nhưng tâm vẫn an nhàn rỗng rang, không phải phá bỏ thành rỗng, người tu phải hiểu kỹ, không khéo bị lầm.
Lục Tổ nói: “Trong mỗi niệm chẳng nghĩ nhớ cảnh trước”. Tức không dính với cảnh trước, liền được rỗng rang thanh tịnh, đó là trở về gốc của tất cả. Lấy đây làm gốc sẽ thông suốt tất cả pháp đều vô ngại. Trái lại, “Nếu niệm trước, niệm nay, niệm sau, niệm niệm tiếp nối nhau không gián đoạn”. Tức có trụ có dính, tâm luôn nghĩ nhớ đến cảnh, đến duyên, nên luôn luôn tương tục sanh diệt theo duyên, thành trói buộc, ngăn ngại.
Nếu, “Ở trên các pháp, niệm niệm chẳng dừng trụ tức không trói”. Tức mỗi niệm mỗi niệm đi qua tất cả, không có dừng trụ pháp nào thì không có pháp nào trói, không trói tức giải thoát. Giải thoát này mới thực tế, là tâm giải thoát đi qua tất cả cảnh. Chúng ta cầu giải thoát thế này thế kia nhưng tâm dính cảnh mãi thì không thể có giải thoát. Nghĩ giải thoát ở cảnh giới nào đó, cầu lên cảnh giới đó để giải thoát, nhưng còn có cảnh giới thì còn có trói vào cảnh giới đó. Chỉ tâm không dính, không trụ vào cảnh giới nào tức là giải thoát, đó là “tâm giải thoát”.
Giải thoát này ở bên kia những ngôn ngữ luận bàn, bên kia những trò chơi chữ. Bởi luận bàn không đến được, Tinh thần Vô trụ này rất trọng yếu. Như trong kinh Kim Cang, Đức Phật đã dạy pháp an tâm cũng là Vô trụ, không có chỗ trụ mà sanh tâm kia. Không trụ sắc, không trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, không trụ vào tất cả, đó chính an tâm.
Không trụ thì không có cảnh nào làm loạn tâm, ngay đó an tâm chứ gì! Thế nên gọi Vô trụ tức an trụ, trụ tức là bất an. Thế gian trụ là đứng yên, là an định nhưng ở đây ngược lại, không trụ mới là an. Không trụ vào tất cả tức là an trụ, chúng ta nắm vững yếu chỉ này để tu hành, làm tất cả những việc phước thiện, Phật sự đều thông suốt. Làm tất cả phước đức mà không trụ vào phước đức mới là chân thật phước đức. Làm Phật sự hay tu hành, giữ giới cũng vậy, giữ giới mà trụ vào giữ giới là mắc kẹt, cũng là dính, thiền định mà trụ vào thiền định cũng dính, cũng có ngại. Không trụ, đó mới thật giải thoát, thật an trụ. Chúng ta ứng dụng Vô trụ vào tất cả việc làm, thì làm tất cả đều giải thoát, không sanh vấn đề. Trái lại, vừa có trụ là sanh vấn đề, nên nói lấy Vô trụ làm gốc.
Này thiện tri thức! Ngoài lìa tất cả tướng, gọi là Vô tướng. Hay lìa nơi tướng tức pháp thể thanh tịnh. Đây là lấy Vô Tướng làm Thể.
Người thế gian thì “thể” phải có “tướng”. Tổ dạy lấy “vô tướng” làm “thể”, không phải lấy tướng này tướng kia làm thể. Vô tướng đây, là đối tất cả tướng mà lìa tướng, không dính mắc nơi tướng, tức thể thường thanh tịnh. Chúng ta chấp tướng là có dính có nhiễm, còn lìa tướng thì không dính không nhiễm, không có gì che mờ, tức thanh tịnh, lấy đó làm thể thì bảo đảm không có lo buồn, phiền não. Đây không phải phá hoại các tướng, mà chính ngay nơi thấy nghe tất cả tướng nhưng tâm lìa tất cả tướng, không dính nơi tướng thì thể thanh tịnh lộ bày, không có gì dối gạt được, đó mới là thể chân thật, không có gì trộn lẫn vào đó. Người khéo tu, lấy đó làm thể mới là chỗ chân thật nương tựa. Bởi có tướng tất nhiên sẽ biến hoại vì thuộc vô thường. Lìa tướng thì lấy gì để biến hoại, đó mới là thể thật.
Này thiện tri thức! Ở trên các cảnh mà tâm chẳng nhiễm là Vô niệm. Ở trên niệm của chính mình mà thường lìa các cảnh, chẳng ở trên cảnh sanh tâm. Nếu chỉ trăm vật chẳng nghĩ, trừ sạch hết niệm, một niệm dứt bặt liền chết, thọ sanh vào chỗ khác, đó là lầm to. Người học đạo hãy nhớ kỹ! Nếu chẳng biết ý của pháp, tự mình lầm còn được, lại khuyên người khác, tự mình mê chẳng thấy, lại chê bai kinh Phật. Do đó lập Vô Niệm làm Tông.
Tông là yếu chỉ, then chốt tu hành. Người nghe nói Vô niệm nghĩ phải dứt tất cả niệm không còn gì, nên khi ngồi thiền thường đè niệm không cho khởi, giống như cây khô, không còn biết gì, nhiều người lầm chỗ đó. Cho nên phải hiểu thế nào là Vô niệm đúng nghĩa, đúng ý Tổ. Đây là điểm quan trọng, người học phải hiểu thật kỹ.
Lục Tổ chỉ rõ ở trên cảnh mà tâm chẳng nhiễm là vô niệm, cũng như trên niệm mà tâm thường lìa cảnh, không dính nơi cảnh là vô niệm. Không phải chúng ta trốn bỏ cảnh, chạy trốn nơi đâu cho khỏi cảnh? Trên núi cũng còn cảnh, cho đến nhắm mắt cũng còn, không có cảnh trước mắt nhưng còn trong tư tưởng, vậy trốn đâu cho khỏi? Chỉ ngay nơi cảnh mà lìa cảnh, tức tâm không dính cảnh, ngay nơi niệm mà lìa niệm, tránh ở trên cảnh sanh tâm. Thấy cảnh nhưng tâm lìa cảnh thì không có vấn đề gì, đó là ý nghĩa vô niệm.
Thế nên, Vô niệm không phải phá cảnh, không còn biết gì, mà chính ngay nơi cảnh, thấy rõ các cảnh nhưng tâm không nhiễm, không ở trên đó sanh tâm, thấy cảnh mà tâm không có xen vào. Người thường có bệnh xen vào cảnh thành rắc rối. Đôi khi không đáng, không phải việc của ta mà cũng xen vào. Tu hành là ngay chỗ đó, đừng xen vào, thấy cảnh là cảnh thôi, không xen vào thì không có chuyện gì. Gốc của bệnh là từ đâu? Từ cái “tôi”. Vì muốn “có cái tôi” này chen vào, không thì chịu không được. Khi xen vào thành động niệm, động niệm thì mất mình theo cảnh, bị cảnh chuyển.
Tôn chỉ tu hành đơn giản là cảnh trả về cho cảnh, tâm tự nó là tâm. Vậy là làm chủ trở lại chính mình, không nô lệ theo cảnh. Tâm không sanh, không khởi niệm thì cảnh có cũng như không, không làm gì được. Vậy nên không cần phải phá bỏ cảnh mà vẫn tự tại, như như. Cũng không phải diệt hết niệm, không cho biết gì. Biết tất cả nhưng đừng xen vào, tâm tự nó ở ngay vị trí của nó, đừng đổi vị trí.
Chúng ta thường sợ niệm nên muốn diệt niệm, sợ niệm sanh, bởi không hiểu thấu được bản chất thật của niệm. Niệm từ đâu khởi? Thường nói niệm từ cảnh khởi, nhưng thật sự niệm từ Tâm khởi, ngoài Tâm không có niệm khởi. Niệm đã từ Tâm khởi nên khi tan cũng trở về Tâm. Dù trăm ngàn niệm niệm khởi cũng không ra khỏi ngoài Tâm, giống như sóng và nước. Sóng từ nước biển khởi lên rồi cũng tan trở về nước biển, không có tự thể riêng của nó, trăm ngàn lượn sóng nhưng không có lượn sóng nào đi ra khỏi nước biển, ra ngoài nước biển thì không còn là sóng. Niệm cũng vậy, ra khỏi Tâm thì không còn là niệm. Thấu rõ chỗ này không phải tách nó ra thành hai. Bởi chúng ta mê nên tách ra thành hai, có ta, có niệm, ta khởi niệm, ta muốn dừng niệm.
Hiểu được chỗ niệm không rời tâm thì thấy tu hành rất lý thú. Cũng như vọng tưởng là những bóng dáng của các trần tướng, ẩn hiện trong tâm, không thật có, như bóng trong gương, dù hàng nghìn, hàng triệu bóng trong gương, nhưng không có bóng nào đi ra ngoài gương thành cái bóng riêng, thể riêng. Muốn diệt bóng thì diệt làm sao? Chỉ biết nó là bóng, không lầm với mặt gương, chúng ta nhớ mặt gương, không nên nhớ bóng, đó là chỗ tu hành. Nếu chỉ nhớ bóng, quên mặt gương là mê.
Thấu được chỗ này thì không thể tách rời thành hai mà thành thật có sanh, thật có diệt rồi muốn trừ nó, đó là chỗ vi tế, khó thấy. Thấy rõ chỗ đó thì giải tỏa được lầm mê. Lục Tổ dạy: “Người học đạo hãy nhớ kỹ, nếu chẳng biết ý của pháp, tự mình lầm còn được, lại khuyên người khác, tự mình mê chẳng thấy lại chê bai kinh Phật”. Ngài lập Vô niệm làm tông là để cho chúng ta nắm rõ được yếu chỉ tu hành, khỏi phải mình lầm rồi làm lầm cho người nữa.
Này thiện tri thức! Thế nào là lập Vô Niệm làm Tông? Chỉ vì miệng nói thấy tánh, người mê ở trên cảnh có niệm, trên niệm liền khởi tà kiến, tất cả trần lao vọng tưởng từ đây mà sanh. Tự tánh vốn không có một pháp có thể được, nếu có chỗ được, vọng nói họa phước, tức là trần lao tà kiến, nên pháp môn này lập Vô Niệm làm Tông.
Tổ ngăn ngừa người nói trên miệng mà không làm. Miệng nói thấy tánh mà trong tâm thường mê, ở trên cảnh khởi niệm, trên niệm khởi tà kiến nên đi lệch ra ngoài, từ đó kéo theo bao nhiêu thứ trần lao vọng tưởng khởi theo, thành che mờ cả chân tánh xưa nay, không còn biết đâu là thật. Sống như thế là sống trong hư vọng, theo niệm khởi, quên mất chính mình, xa rời cội gốc chân thật. Nhưng cội gốc chân thật ở đâu? Cũng ngay đó. Niệm khởi cũng từ tâm khởi, tức không rời khỏi tâm, cội gốc chân thật cũng ở ngay đó. Chân thật là thể của niệm, nhưng niệm khởi theo cảnh rồi nhớ theo cảnh mà quên mất chính nó thành mê. Nếu quên cảnh nhớ trở lại là đốn ngộ. Bởi tự tánh vốn không một vật, không một pháp có thể tồn tại trong đó thì có chỗ nào để được, để khởi, khởi đó chỉ là vọng khởi. Người vừa thấy có “được” thì vọng có các thứ, tức che mờ chân thật, đó là lỗi có niệm.
Do đó Tổ lập Vô niệm làm tông để nhắc người tu phải tỉnh biết trở lại để không lầm theo các niệm khởi, hay các thứ vọng sanh rồi quên mất gốc vô sanh. Gốc vô sanh nhưng chúng ta hiện đang sống theo cái vọng sanh, lại quá quan trọng nó nên không dám bỏ. Bởi đã sống với cái vọng sanh lâu quá thành quen, làm bạn với nó nhiều đời, giờ xem nó cũng như ta. Tu hành là phải nhờ ánh sáng chánh pháp soi lại để nó lạ dần, mà làm quen trở lại với chính mình. Chính mình mà giờ phải làm quen trở lại, thấy đau đớn không? Nhưng tu là phải vậy.
Có học Phật, có tu tập mới thấy được những lầm mê lâu nay của chúng ta. Người học nhiều kinh điển, học về vô minh, mê lầm, nói vô minh là thế này thế kia, nhưng không ngờ vô minh, mê lầm ở ngay trước mặt lại không hay biết. Chúng ta phải thấy trở lại chỗ này, ngay chỗ vọng sanh, rõ trở lại gốc vô sanh của nó, đừng theo nó vọng sanh mãi.
Này thiện tri thức! Vô, là vô việc gì? Niệm, là niệm vật gì? Vô là không có hai tướng, không các tâm trần lao. Niệm là niệm bản tánh chân như. Chân như là thể của niệm. Niệm là dụng của chân như. Tự tánh chân như khởi niệm, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi hay niệm. Chân như có tánh do đó khởi niệm. Nếu không có chân như thì mắt tai, sắc thanh ngay đó liền hoại.
Lục Tổ dạy: “Vô là không có hai tướng, không có các tâm trần lao; Niệm là niệm bản tánh chân như. Chân như là thể của niệm, niệm là dụng của chân như”. Vậy thì làm sao diệt niệm? Chân như là thể của niệm, diệt niệm là diệt chân như! Chân như và niệm như nước và sóng, không thể diệt. Quan trọng là phải thấy đúng như thật bản tánh của nó để không lầm. Nhưng chỗ này người học phải khéo nghiệm kỹ, nghe theo chữ nghĩa thì dễ lầm. Niệm bản tánh chân như là niệm như thế nào? Có người nói lấy chân như làm chỗ để niệm. Niệm như thế là mất chân như, bởi lấy chân như làm thành đối tượng cho chúng ta niệm.
Học thiền khác với học trường lớp, phải đạt ý quên lời, không phải chỉ theo chữ nghĩa mà giải. Tổ dạy “vô” là không có hai tướng, tức không theo tướng phân biệt đối đãi, không theo các duyên. Niệm là niệm bản tánh chân như, là không quên bản tánh của chính nó, tức là niệm không tách rời bản thể chân như nên gọi là niệm chân như, không phải đem chân như ra để niệm. Nhớ kỹ, thể của niệm là chân như nên nó không tách rời chân như, ngay đó chúng ta thầm nhớ lại, thầm khế hợp chính bản thể của nó, không phải đem niệm tách ra khỏi chân như để niệm. Ví như sóng khởi lên từ biển, khi tan thì trở về biển, không tách rời biển riêng có sóng. Niệm không tách rời chân như cũng như vậy.
“Tự tánh chân như khởi niệm, chẳng phải mắt tai mũi lưỡi hay khởi niệm, chân như có tánh do đó khởi niệm”. Chỗ này phải hiểu kỹ, chân như khởi niệm thì sao? Khởi niệm là sanh diệt, chân như khởi niệm thì chân như thành sanh diệt hay sao? Chỗ này cũng không thể hiểu trên chữ nghĩa.
Nghe nói chân như có tánh, chúng ta hiểu chân như có tự ngã giống một vật có thể nắm bắt được, đó là lầm. Đây muốn chỉ chân như không phải thứ rỗng suông trên chữ nghĩa, không phải như lông rùa sừng thỏ, có tên mà không có thật, không thể chứng biết được. Chân như, nếu tu hành thật sự thì có thể chứng biết được rõ ràng không nghi ngờ, từ đó có đầy diệu dụng. Niệm chỉ là tướng vọng khởi, không có thực thể riêng, không có dụng riêng, nó lấy chân như làm thể nên không rời khỏi chân như.
Hiểu như thế thì có thể có dụng đầy đủ, không nghiêng lệch một bên. Người thường sống nghiêng bên niệm, quên mất chân như, tức nghiêng bên dụng mà không có thể. Người tu hành sáng đạo thì làm gì cũng từ nơi tự tánh chân như mà hiện khởi, không rời khỏi tự tánh chân như, thấy nghe mà không rời khỏi tự tánh chân như thì không có mê. Chúng ta thấy nghe mà rời khỏi tự tánh chân như, chỉ nhớ đến cảnh nên mê, đó là có dụng không có thể. Sống có dụng có thể đầy đủ rõ ràng là thấy nghe luôn luôn sáng tỏ, tự tánh chân như luôn hiện tiền không chỗ nào thiếu, vậy thì không có chỗ nào mê. Tuy thấy nghe mà lìa cảnh, vì có tự tánh chân như trong đó. Chúng ta không có nên chỉ nhớ cảnh, tách rời tự tánh chân như, đi theo cảnh. Nói tách rời cũng chỉ là tạm nói chứ không thật tách, nếu tách được là chết rồi, Tổ nói: “Nếu không có chân như thì mắt tai, sắc thanh ngay đó liền hoại”. Chúng ta phải hiểu thật kỹ, thật thấu đáo chỗ đó.
Nếu nghe nói chân như khởi niệm rồi hiểu chân như cũng có động niệm, hiểu vậy là lầm. Chính chỗ này là ý sâu xa, ngầm chỉ “niệm không có thật thể” riêng của nó. Niệm từ chân như mà khởi thì nó không có thực thể, không rời chân như riêng có. Cũng như sóng từ nước, không có tự thể riêng của sóng. Người khéo tu ngay đó ngộ trở lại thì thể chân như đầy đủ không thiếu, không lầm theo niệm, chỉ như trở bàn tay, tinh thần Đốn ngộ là chỗ đó. Nói mê nói ngộ, chúng ta tưởng có hai, nhưng sự thật không phải vậy. Mê là mê cái ngộ, ngộ là ngộ cái mê. Nói cách khác, mê là mê cái giác, giác là giác cái mê. Thể giác mà không giác được thì mê, giác lại thì hết mê, không có gì khác. Người lầm theo tên, tưởng có hai, do đó bỏ mê cầu ngộ hoặc bỏ mê tìm giác, nên tìm mãi cũng không thấy giác. Ý nghĩa chân thật là như vậy.
Này thiện tri thức! Tự tánh chân như khởi niệm, tuy có sáu căn thấy nghe cảm biết mà chẳng nhiễm muôn cảnh, thì chân tánh thường tự tại. Nên kinh nói: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp, đối nghĩa đệ nhất vẫn chẳng động”.
Nếu người thật sống được trong tự tánh chân như, từ đó ứng dụng ra thì thấy nghe cảm biết đều thành diệu dụng. Tức từ tự tánh chân như ứng dụng ra thì cái gì cũng thành diệu dụng, cái gì cũng sáng ngời, vẫn thấy nghe nhưng không mê, không nhiễm. Chúng ta cũng từ tánh chân như khởi nhưng lại không thành diệu mà thành vọng, nên thấy nghe thì mê, chỉ sai khác chỗ đó. Nếu tự tánh chân như ứng dụng ra đều thành diệu dụng, thì đối với tất cả muôn cảnh, thấy nghe đều tự tại sáng ngời.
Câu “Tự tánh chân như khởi niệm”, vậy thì niệm là diệu dụng của chân như, tức tự tánh dụng, không có mê. Thế thì niệm cũng không thành niệm, tùy theo thế tục mà gọi niệm cho người dễ hiểu. Đừng nghe nói niệm rồi hiểu theo thế tục. Nhiều người nghe như thế, nói các bậc Hiền Thánh cũng khởi niệm như chúng ta, đó là lầm. Phải hiểu ý, tùy theo ngôn ngữ thế tục nên tạm gọi niệm để gợi ý cho người thầm cảm thông trở lại. Tức là không phá hoại các pháp, mà hiển bày thật tướng các pháp, vẫn thấy nghe nhưng không mê.
Tổ dẫn kinh Duy Ma Cật: “Hay khéo phân biệt tướng các pháp, mà nơi nghĩa đệ nhất vẫn chẳng động”. Phân biệt tướng các pháp mà vẫn không rời khỏi nghĩa đệ nhất, tức không rời khỏi tự tánh chân như, vậy lúc nào chân như cũng luôn hiện tiền. Như vậy, Vô niệm không phải hoàn toàn diệt hết niệm, cũng không phải sanh khởi theo niệm, mà lúc nào tâm cũng thường sáng ngời không mê, không có cái gì gạt được, đó mới đúng nghĩa Vô niệm.
Vô niệm làm tông, tức tông chỉ tu hành là chỗ đó. Hiểu rõ được chỗ này, tu hành theo thì con đường giải thoát sanh tử ngay nơi ta. Khi còn niệm là còn sanh tử, vô niệm thì không có chỗ cho sanh tử bám. Yếu chỉ tu hành rõ ràng sáng sủa không có gì phải nghi ngờ.
***
Các bài mới
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 2 - GIẢI THÍCH CÔNG ĐỨC TỊNH ĐỘ - 23/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 01 - NGỘ PHÁP TRUYỀN Y - 19/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược về Sự tích Lục Tổ Huệ Năng - 18/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược Kinh Pháp Bảo Đàn và phần lưu truyền - 16/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ sáu: Huyết mạch luận - 16/12/2019
Các bài đã đăng
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ năm: Ngộ tánh luận - 15/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ tư: Pháp môn an tâm - 09/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ ba: Nhị chủng nhập - 21/11/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ hai: Phá tướng luận - 09/11/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ nhất: Tâm kinh tụng - 04/11/2019
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23413
- Online: 39