Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 04- CHỈ DẠY TỌA THIỀN

29/12/2019 | Lượt xem: 2407

Dịch giảng: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Sư dạy chúng:

- Này thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn này không ngăn, không ngại. Bên ngoài đối tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng dấy lên gọi là Tọa, bên trong thấy tự tánh chẳng động gọi là Thiền.

 

Này thiện tri thức! Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là Thiền, trong chẳng loạn là Định. Nếu ngoài dính tướng, trong tâm liền loạn. Nếu ngoài lìa tướng, tâm ắt chẳng loạn. Bản tánh vốn tự tịnh, tự định, chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ nhớ cảnh liền loạn. Nếu thấy các cảnh, tâm chẳng loạn, đó là chân định. 

Này thiện tri thức! Ngoài lìa tướng là Thiền, trong chẳng loạn là Định. Ngoài thiền, trong định đó là thiền định. Kinh Tịnh Danh nói: “Liền đó hoát nhiên trở lại được bản tâm”. Trong kinh Bồ Tát Giới nói: “Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh”.

Này thiện tri thức! Ở trong mỗi niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo.

Nhưng môn tọa thiền này vốn chẳng dính mắc tâm, cũng chẳng dính mắc tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói dính mắc tâm thì tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không chỗ để dính mắc. Nếu nói dính mắc tịnh thì tánh người sẵn tịnh, do vọng niệm nên che lấp chân như. Chỉ không vọng tuởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm dính tịnh, lại sanh cái tịnh vọng. Vọng không có chỗ nơi, dính mắc đó là vọng. Tịnh không có hình tướng, lại lập ra tướng tịnh nói là công phu. Người khởi cái thấy này, tự làm ngăn ngại bản tánh của mình, lại bị cái tịnh trói. 

Này thiện tri thức! Nếu người tu chẳng động, chỉ khi thấy tất cả người, mà chẳng thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người, chính đó là tự tánh chẳng động.

Này thiện tri thức! Người mê dù thân chẳng động mà mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người thì trái ngược với đạo. Nếu dính mắc tâm, dính mắc tịnh, là ngăn ngại đạo.

 

 

 

 

 

 

GIẢNG: 

Sư dạy chúng:

- Này thiện tri thức! Sao gọi là tọa thiền? Trong pháp môn này không ngăn, không ngại. Bên ngoài đối tất cả cảnh giới thiện ác, tâm niệm chẳng dấy lên gọi là Tọa, bên trong thấy tự tánh chẳng động gọi là Thiền.

Lục Tổ dạy tọa thiền không phải cố chấp trên hình tướng ngồi. “Bên ngoài đối tất cả cảnh giới thiện ác mà tâm niệm chẳng dấy lên gọi là Tọa”. Không phải ngồi yên gọi là tọa, bởi có khi thân ngồi yên nhưng tâm không yên thì cũng chưa phải thật là tọa, thân ngồi nhưng tâm đi đâu, thành ra chưa đúng nghĩa ngồi. Lục Tổ dạy ngay nơi tâm niệm đối với tất cả cảnh giới thiện ác bên ngoài chẳng dấy khởi, chẳng duyên theo, chính ngay đó mới đúng nghĩa là ngồi yên tại chỗ. Còn thân ngồi mà tâm đi ra ngoài cảnh, duyên theo cảnh thì không phải thật ngồi.

“Bên trong thấy tự tánh chẳng động gọi là Thiền”. Nghĩa là đối bên trong, thấy rõ được tự tánh chẳng động của mình, không chìm trong mê mờ. Như vậy ngoài chẳng bị cảnh làm loạn, trong chẳng bị tâm làm mê, vậy là trong ngoài đều an lành, sáng suốt. Tọa thiền đúng như vậy mới chuyển được mê lầm thành chánh giác. Còn không biết, chấp vào ngồi yên rồi mê mê tuy thấy thân yên nhưng tâm mờ hoặc tâm loạn.

Này thiện tri thức! Sao gọi là thiền định? Ngoài lìa tướng là Thiền, trong chẳng loạn là Định. Nếu ngoài dính tướng, trong tâm liền loạn. Nếu ngoài lìa tướng, tâm ắt chẳng loạn. Bản tánh vốn tự tịnh, tự định, chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ nhớ cảnh liền loạn. Nếu thấy các cảnh, tâm chẳng loạn, đó là chân định. 

Định này gọi là định chân thật, thấy cảnh mà tâm không loạn, gọi là đối cảnh vô tâm. Đối với cảnh bên ngoài nhưng lìa tướng, không dính nơi tướng, không duyên theo tướng tức không bị tướng làm mê; rồi đối với trong tâm lại chẳng loạn, ấy là thiền định hiện tiền. Sở dĩ tâm loạn là vì hướng ra ngoài, dính theo tướng. Lục Tổ dạy rõ: “Chỉ vì thấy cảnh rồi nghĩ nhớ cảnh liền loạn”. Thấy cảnh rồi nghĩ nhớ đến cảnh là dính tướng nên tâm loạn, tức tâm sanh theo cảnh mà quên mất chính mình, do đó “vọng” thành ra loạn động, che mờ bản tánh chân thật. Nhưng bản tánh vốn là tự tịnh, tự định, chúng ta không cần làm cho tịnh, cho định. Chỗ này người tu hay mắc kẹt, thường tu để làm cho định, mà bản tánh đã tự định, tự tịnh, chúng ta lại làm cho định nữa nên thành loạn động, gọi là sanh tâm tịnh thì thành động, đó là tâm tạo tác mà tạo tác là còn sanh diệt.

Hiểu kỹ như vậy tuy tâm bị các “vọng loạn” che mờ nhưng vẫn không mất đi bản tánh tự tịnh, tự định, cái che mờ chỉ là “vọng” không thật. Nếu khéo soi trở lại, thôi nhớ theo các cảnh, không duyên theo cảnh thì tâm chẳng loạn, tự hợp trở về với bản tánh tự tịnh, tự định, đó mới gọi là chân định, không phải chúng ta làm cho nó thành tịnh, thành định.

Cái định do chúng ta làm thành định, tức người tu tập có công phu mạnh mẽ, dùng công phu làm cho yên định, như thế cũng có được phần yên định nhưng đó là yên định tạm thời, khi công phu hết thì động trở lại, định đó không vững, không bền. Tự tánh định là tự tịnh, tự định, chúng ta chỉ trừ cái mê lầm, tâm không duyên theo, không sanh những hư vọng là hợp trở về bản tánh tự tịnh, tự định. Định này dù là đi đứng, qua lại cũng vẫn định, trong động vẫn định, đó là nghĩa định mà Lục Tổ dạy.

Này thiện tri thức! Ngoài lìa tướng là Thiền, trong chẳng loạn là Định. Ngoài thiền, trong định đó là thiền định. Kinh Tịnh Danh nói: “Liền đó hoát nhiên trở lại được bản tâm”. Trong kinh Bồ Tát Giới nói: “Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh”. 

Thiền định ở đây không có đề mục, đối trước cảnh nhưng tâm không sanh, không dính theo tướng thì tâm tự chẳng loạn, ngay đó là định, không phải bỏ động về tịnh. Đây dẫn kinh Tịnh Danh (tức kinh Duy Ma Cật): “Liền đó hoát nhiên trở lại được bản tâm”. Hoát nhiên là bỗng ngay đó rỗng rang liền hợp trở về với bản tâm. Kinh Bồ Tát Giới nói: “Bản tánh của ta vốn tự thanh tịnh”. Tự mình khế hợp trở lại với bản tâm, nhận ra bản tánh vốn tự thanh tịnh không phải thêm cái mới, không phải làm ra. Hiểu như vậy để không lầm, không phải là chúng ta làm cho thanh tịnh mà bản tánh là tự thanh tịnh. Hoát nhiên trở lại cái sẵn có. Hoát nhiên ở đây là không phải tốn thời gian để làm thành, cũng không có tướng định cho chúng ta chấp. Có tướng định cho chúng ta chấp là cái định có tướng, thì thuộc về tạo tác, không bền.

Này thiện tri thức! Ở trong mỗi niệm tự thấy bản tánh thanh tịnh, tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo. 

Đây, Tu là ngay trong mỗi tâm niệm, tự thấy nơi bản tánh thanh tịnh của chính mình chứ không đâu xa. Thành Phật đạo cũng ở ngay trong tâm, không phải cầu bên ngoài. Tức là ngay trong mỗi niệm hiện tiền luôn tự thấy bản tánh thanh tịnh, thấy bản tánh thanh tịnh thì không bị niệm làm mê, bởi bản tánh thanh tịnh lúc nào cũng sẵn thanh tịnh, không lúc nào không thanh tịnh. Ngay nơi mỗi niệm soi trở lại không dính theo tướng, tự thấy rõ ràng trong đó sẵn đủ thanh tịnh như vậy. Đó là chỗ tự tu, tự hành, tự thành Phật đạo, không phải ai tu dùm cho chúng ta, cũng không phải ai thành cho chúng ta, cũng không phải hướng bên ngoài tìm cầu. Mỗi niệm mỗi niệm, tự mình phải tu rồi tự mình thấy.

Vì chúng ta mê, không thấy thấu suốt được nên bị vọng khởi dẫn đi thành bị chuyển. Sự thật, nếu hiểu thấu đáo, tuy mỗi niệm có vọng khởi nhưng cũng không đi ra khỏi bản tánh xưa nay, không làm mất cái chân thật, bởi nó chỉ là vọng. Giống như biển dậy sóng nhưng không có lượn sóng nào đi ra khỏi mặt biển. Bao nhiêu vọng niệm của chúng ta cũng vậy, dù bao nhiêu vọng niệm nhưng cũng không đi ra khỏi bản tánh xưa nay. Tại sao chúng ta lại nhớ theo vọng niệm mà quên mất bản tánh xưa nay, đó là chỗ điên đảo lầm mê. Nếu nhớ trở lại bản tánh thì tất cả vọng niệm đâu thành vấn đề gì. Sóng từ biển khởi lên rồi cũng tan trở lại biển. Cũng vậy, vọng niệm từ bản tánh xưa nay do mê nên vọng khởi, rồi cũng tan trở về trong bản tánh chứ không đi đâu. Thế nên nói tu là dứt vọng, trừ vọng chỉ là một lối nói, thật sự thì không trừ bỏ đi đâu. Tức là vọng khởi không đi ra ngoài bản tánh, khi ngộ rồi vọng đó tan trở về bản tánh, vậy thôi. Đây chính là giáo lý sâu xa mà Lục Tổ muốn khai thị cho người học.

Chúng ta học phải nhớ kỹ giáo lý này không ở trong ngôn ngữ bên ngoài, không ở trong trò chơi chữ, đừng đem trò chơi chữ mà lý luận trong đây. Phải khéo tự tu, tự hành rồi mới tự thành Phật đạo. Đây là tạm dùng ngôn ngữ để giúp chúng ta thấy trở lại đừng mắc kẹt trên ngôn ngữ.

Nhưng môn tọa thiền này vốn chẳng dính mắc tâm, cũng chẳng dính mắc tịnh, cũng chẳng phải chẳng động. Nếu nói dính mắc tâm thì tâm vốn là vọng, biết tâm như huyễn nên không chỗ để dính mắc. Nếu nói dính mắc tịnh thì tánh người sẵn tịnh, do vọng niệm nên che lấp chân như. Chỉ không vọng tuởng thì tánh tự thanh tịnh. Khởi tâm dính tịnh, lại sanh cái tịnh vọng. Vọng không có chỗ nơi, dính mắc đó là vọng. Tịnh không có hình tướng, lại lập ra tướng tịnh nói là công phu. Người khởi cái thấy này, tự làm ngăn ngại bản tánh của mình, lại bị cái tịnh trói.

Chỗ này nhiều người tu mắc kẹt. Bình thường sống trong động nên khi ngồi tu thì muốn được yên tịnh, đó là bị cái tịnh trói. Tức là không hiểu được bản tánh vốn thanh tịnh lại muốn làm cho được tịnh. Môn tọa thiền của Lục Tổ dạy vốn không dính mắc tâm, cũng không dính mắc tịnh, cũng không phải một bề bỏ cái động. Chữ “vốn” có ý nghĩa là không có cái thật tánh để dính mắc. Đã không có thật tánh để dính mắc thì tại sao chúng ta lại phải dính mắc rồi phải trừ thành ra lẩn quẩn. Nên nói: “Nếu nói dính mắc tâm, thì tâm đó vốn là vọng”. Mà vọng thì dính mắc cái gì! Cho nên: “Biết tâm như huyễn nên không chỗ để dính mắc”. Đó chỉ là “tưởng”, tưởng lầm rồi thành như bị dính chứ sự thật không có gì để dính. Chúng ta thường nghĩ tưởng rằng khi còn mê thì tâm bị dính mắc tức chấp tâm là thật, thấy tâm là thật nên thấy thật dính mắc, rồi nghĩ là thật trừ bỏ, cái nào cũng thật. Mà nếu thật thì làm sao trừ! Không làm sao trừ được, đã là thật thì dẹp chỗ này sẽ đến chỗ khác. Thật sự đó là vọng nên khi ngộ rồi thì tan hết. Đó là tự mình làm ngăn ngại mình mà không hay. Do đó, Lục Tổ chỉ rõ cái tâm mà ông cho là dính mắc vốn là vọng, do mê mà vọng khởi, là vọng khởi nên không có cái thật thể gì để có thể nắm bắt. Làm sao nắm bắt được tâm vọng đó? Gọi là tâm vọng thì không làm sao nắm bắt được, chỉ ngộ nó là xong. Cũng như người vật trong ti vi, có chỗ nào để dính mắc! Chỉ do chúng ta tưởng lầm, trừ cái tưởng lầm là xong. Nếu cố trừ người vật trong ti vi thì càng mê!

Cũng vậy, nói dính mắc tịnh chỉ là một lối nói, không khéo lại lầm. Bản tánh vốn sẵn là tịnh còn có cái tịnh nào nữa để dính. Do vọng niệm che lấp chân như, che mất cái thật rồi tưởng là không tịnh, lại muốn lập thêm cái tịnh để tu, tức là lập thêm cái tịnh nữa cho mình dính. Đó là điên đảo, đã sẵn tịnh rồi mà không chịu tịnh, lập thêm cái tịnh nữa để dính. Nếu không vọng tưởng thì tánh tự thanh tịnh, đâu còn cái tịnh nào nữa để dính, cho nên chỉ quên vọng tưởng là xong. Khởi thêm một cái tịnh để dính gọi đó là tịnh vọng, đã là vọng thì có gì là ngại, là chướng mà lại mắc kẹt trong đó, đó là chỗ chúng ta cần sáng tỏ. Khởi thêm cái thấy tịnh là mê, là tự mình làm ngại mình, tự mình bị cái tịnh trói khiến quên mất bản tánh thanh tịnh, quên mất cái sẵn. Cái thanh tịnh của bản tánh không có hình tướng gì để dính mắc. Đây là chỗ người tu hành phải cẩn thận, đừng thấy tướng tịnh rồi mê theo tướng tịnh đó mà lầm.

Ví như khi ngồi thiền, thấy chán những tướng động loạn, muốn dừng cho được yên tịnh trở lại, tịnh này là do dừng cái động kia, tức là tịnh đối với động mà có, đó gọi là tướng tịnh, tức tịnh thuộc về đối tượng để chúng ta nhận biết, chưa phải bản tánh thanh tịnh của chính mình. Nói kỹ hơn thì tịnh đó thuộc về trần chứ chưa phải cái thật, “động thuộc về sanh trần, tịnh thuộc về diệt trần”. Còn tự tánh tịnh thì dù cho trong động mà vẫn tịnh, gọi là thường tịnh.

Hãy nhớ kỹ, tướng tịnh mà mình thấy được là tướng bị thấy, không phải bản tánh tịnh. Huống nữa là còn lập ra tướng tịnh làm thành công phu của mình, rồi bám vào đó cho là có sở đắc thì càng bị kẹt, bị trói. Thế nên, Lục Tổ nói: “Tịnh không có hình tướng, lại lập ra cái tướng tịnh nói là công phu. Người khởi cái thấy này tự làm ngăn ngại bản tánh của mình, lại bị cái tịnh trói”.

Này thiện tri thức! Nếu người tu chẳng động, chỉ khi thấy tất cả người, mà chẳng thấy việc phải quấy, tốt xấu, lỗi lầm của người, chính đó là tự tánh chẳng động.

Tu chẳng động đúng ý nghĩa là phải như Lục Tổ dạy, tức là tâm vẫn ở nơi vị trí của nó, không khởi động ra ngoài mà thành mất mình. Thấy việc phải quấy, tốt xấu của người rồi khởi tâm phân biệt khen chê, tự sanh phiền não che mờ tâm tánh, đó là động rồi, là mất tâm mà không hay. Tu hành dù thân chẳng động mà mở miệng là nói chuyện tốt xấu của người là trái, thân không động mà tâm động rồi, đó là chỗ phải cẩn thận!

Này thiện tri thức! Người mê dù thân chẳng động mà mở miệng liền nói việc phải quấy, hay dở, tốt xấu của người thì trái ngược với đạo. Nếu dính mắc tâm, dính mắc tịnh, là ngăn ngại đạo.

Lục Tổ dạy có dính mắc là có ngăn ngại, phải tâm thông suốt không trụ vào cảnh giới nào thì không có ngăn ngại, suốt qua cả động tịnh lúc nào cũng sáng tỏ. Thân ngồi yên nhưng tâm vẫn sanh thì không thấy thiền. Ngồi thiền mà không thấy thiền thì sao? Đó là chỗ phải học kỹ, hiểu rõ để tiến tu đúng pháp không sai lầm.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88998
  • Online: 24