Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 08 - ĐƯỜNG TRIỀU CHIẾU THỈNH
21/02/2020 | Lượt xem: 1989
Dịch giảng: HT.Thích Thông Phương
CHÁNH VĂN:
Ngày rằm tháng giêng, năm thứ hai niên hiệu Thần Long (706), Tắc Thiên và Trung Tông ra chiếu mời:
- Trẫm thỉnh hai Sư An và Tú vào trong cung cúng dường. Khi muôn việc rảnh rỗi, thường nghiên cứu Nhất thừa, hai Sư khiêm nhường rằng: “Ở phương Nam có Thiền sư Năng, thầm nhận được Đại sư Nhẫn trao y pháp, truyền tâm ấn Phật, có thể thỉnh Sư ấy đến hỏi”. Nay sai Nội thị Tiết Giản đem chiếu đến đón thỉnh, mong Sư từ bi chóng lên kinh.
Sư dâng biểu từ chối vì bệnh, nguyện trọn ở núi rừng.
Tiết Giản thưa:
- Bậc thiền đức ở kinh thành đều nói rằng, muốn được hội đạo, ắt phải tọa thiền tập định. Nếu chẳng nhân thiền định mà được giải thoát là chưa có. Chưa biết chỗ Sư nói pháp thế nào?
Sư bảo:
- Đạo do tâm ngộ, há ở nơi ngồi! Kinh nói nếu nói Như Lai hoặc ngồi, hoặc nằm đó là đi theo đường tà. Vì sao? Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không sanh không diệt, đó là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp rỗng lặng, đó là Như Lai thanh tịnh tọa. Rốt ráo không có chứng, huống nữa là ngồi ư?
Tiết Giản thưa:
- Đệ tử về kinh, chúa thượng ắt hỏi, mong thầy từ bi chỉ dạy tâm yếu để tâu lại cho hai cung và những bậc học đạo ở kinh thành. Ví như một ngọn đèn mồi cho trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều sáng, sáng mãi không cùng tận.
Sư bảo:
- Đạo không có tối-sáng, sáng-tối là nghĩa thay nhau, sáng sáng mãi không cùng tận cũng là có tận, đối đãi nhau mà lập tên. Vì vậy kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không có so sánh, vì không đối đãi nhau”.
Tiết Giản thưa:
- Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não. Người tu đạo giả sử chẳng dùng trí tuệ soi phá phiền não, thì sanh tử từ vô thủy y cứ vào đâu mà được ra khỏi?
Sư bảo:
- Phiền não tức Bồ-đề, không hai không khác. Nếu dùng trí tuệ soi phá phiền não, đây là cái thấy của hàng Nhị thừa, thuộc căn cơ dê, nai... Bậc đại căn thượng trí thảy chẳng như thế.
Tiết Giản thưa:
- Thế nào là kiến giải của Đại thừa?
Tổ bảo:
- Minh và vô minh, phàm phu thấy hai, người trí rõ suốt tánh nó không hai, tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh thì ở phàm ngu chẳng bớt, ở Hiền Thánh chẳng thêm, ở phiền não chẳng loạn, ở thiền định chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở khoảng giữa và trong ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng dời đổi, gọi đó là Đạo.
Tiết Giản thưa:
- Thầy nói chẳng sanh chẳng diệt đâu khác với ngoại đạo?
Sư bảo:
- Chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo nói là đem cái diệt dừng cái sanh, lấy sanh mà hiển diệt, diệt vẫn chẳng diệt, sanh lại nói chẳng sanh. Còn tôi nói chẳng sanh chẳng diệt là, xưa tự chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt, do đó chẳng đồng ngoại đạo. Nếu ông muốn biết tâm yếu, chỉ tất cả thiện ác đều chớ nghĩ lường, tự nhiên chứng nhập tâm thể thanh tịnh, trong sáng thường lặng lẽ, diệu dụng hằng sa.
Tiết Giản được Sư chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, lễ bái từ giã trở về triều, dâng biểu tâu lại lời Sư. Ngày mùng 3 tháng 9 năm ấy có chiếu khen ngợi Sư: “Sư từ chối bởi già bệnh mà vì trẫm tu đạo, là phước điền cho cả nước. Sư giống như Ngài Tịnh Danh mượn cớ bệnh ở thành Tỳ-da để xiển dương Đại thừa, truyền tâm của chư Phật, bàn pháp chẳng hai. Tiết Giản nhắc lại lời Sư truyền dạy về tri kiến Như Lai, trẫm đã chứa nhiều phước lành, từng gieo trồng căn lành từ đời trước mới gặp Sư ra đời, chóng ngộ Thượng thừa, thật cảm mang ơn của Sư, kính lễ không thôi. Đồng thời kính dâng chiếc ma-nạp cà-sa và bát thủy tinh, ra lệnh cho Thích sử Thiều Châu sửa lại ngôi chùa và ban cho nơi Sư ở trước kia là Quốc Ân Tự”.
GIẢNG:
Ngày rằm tháng giêng, năm thứ hai niên hiệu Thần Long (706), Tắc Thiên và Trung Tông ra chiếu mời:
- Trẫm thỉnh hai Sư An và Tú vào trong cung cúng dường. Khi muôn việc rảnh rỗi, thường nghiên cứu Nhất thừa, hai Sư khiêm nhường rằng: “Ở phương Nam có Thiền sư Năng, thầm nhận được Đại sư Nhẫn trao y pháp, truyền tâm ấn Phật, có thể thỉnh Sư ấy đến hỏi”. Nay sai Nội thị Tiết Giản đem chiếu đến đón thỉnh, mong Sư từ bi chóng lên kinh.
Sư dâng biểu từ chối vì bệnh, nguyện trọn ở núi rừng.
Võ Tắc Thiên và vua Đường Trung Tông ra chiếu thỉnh Lục Tổ về kinh đô nhưng Lục Tổ cáo bệnh từ chối. Trong lời chiếu thỉnh có mấy điểm cần lưu ý.
Lúc này hai Thiền sư Huệ An và Thiền sư Thần Tú được mời vào trong cung rất được kính trọng. Việc triều đình, việc nước của vua rất nhiều, thỉnh thoảng rảnh rỗi lại nghiên cứu Phật pháp, gọi là nghiên cứu Nhất thừa, cho thấy rằng vua cũng có tâm học đạo. Khi vua thưa hỏi về Phật pháp Nhất thừa, hai vị Thiền sư khiêm tốn chỉ đến Lục Tổ Huệ Năng ở phương Nam.
Thiền sư Thần Tú nhận là Ngũ Tổ trao y pháp cho Lục Tổ Huệ Năng chứ không tự xưng mình là Tổ thứ sáu. Khi Ngài Thần Hội định lại Tông chỉ truyền thừa chính thống nơi Lục Tổ Huệ Năng để đối lại với môn đồ Bắc tông của Ngài Thần Tú, Ngài Thần Hội dẫn việc này, nói rằng chính thầy các ông cũng đã nhận điều đó. Cho thấy, Ngài Thần Tú chưa từng tự xưng mình là Tổ thứ sáu mà chỉ do môn đồ sau này dựng lập nên.
Điểm thứ ba là khi được vua thỉnh mời về kinh đô, theo nhiều người thấy hãnh diện, nhưng Tổ cáo bệnh khiêm tốn từ chối.
Trong tư liệu của Cựu Đường Thư nói về vị tăng Thần Tú có ghi rộng rãi hơn: Thần Tú từng tâu với Tắc Thiên thỉnh Huệ Năng đến kinh đô, Huệ Năng cố từ chối, Thần Tú lại viết thư mời lần nữa (cho thấy Ngài Thần Tú không có tâm đối nghịch). Huệ Năng bảo với sứ giả: “Tôi hình dáng thấp xấu, người phương Bắc trông thấy e rằng chẳng kính pháp của tôi, lại Tiên sư cho tôi có duyên ở trong miền Nam cho nên cũng không thể trái lại”. Lục Tổ sanh ở vùng biên giới, thân tướng thấp xấu, sợ người nhìn xem không kính trọng pháp, Ngài mượn cớ đó từ chối khéo.
Tiết Giản thưa:
- Bậc thiền đức ở kinh thành đều nói rằng, muốn được hội đạo, ắt phải tọa thiền tập định. Nếu chẳng nhân thiền định mà được giải thoát là chưa có. Chưa biết chỗ Sư nói pháp thế nào?
Sư bảo:
- Đạo do tâm ngộ, há ở nơi ngồi! Kinh nói nếu nói Như Lai hoặc ngồi, hoặc nằm đó là đi theo đường tà. Vì sao? Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, không sanh không diệt, đó là Như Lai thanh tịnh thiền. Các pháp rỗng lặng, đó là Như Lai thanh tịnh tọa. Rốt ráo không có chứng, huống nữa là ngồi ư?
Ông Tiết Giản dẫn những vị Thiền đức ở kinh thành chỉ dạy theo thứ lớp, muốn hội đạo thì phải tọa thiền tập định, chú trọng vào tọa thiền tập định thành ra tách rời định với huệ. Lục Tổ chỉ dạy, đạo chủ yếu nơi tâm chứ không phải ở nơi ngồi, ngồi chỉ là phương tiện. Người học đạo thường mắc kẹt nơi ngồi, cho rằng ngồi thiền để ngộ đạo, đó là lấy phương tiện làm cứu cánh. Tổ dạy là cần sáng tỏ nơi tâm, nhận rõ tánh thật không sanh không diệt, thấu suốt các pháp là rỗng không, đó mới là thiền tọa chân thật. “Rốt ráo không chứng, huống nữa là ngồi ư”. Không cho thấy có sở đắc. Kia là lấy chỗ có hình thức rồi mắc kẹt nơi sở đắc, đây ngộ thẳng vào tự tâm chứ không mắc kẹt vào hình tướng bên ngoài.
Tiết Giản thưa:
- Đệ tử về kinh, chúa thượng ắt hỏi, mong thầy từ bi chỉ dạy tâm yếu để tâu lại cho hai cung và những bậc học đạo ở kinh thành. Ví như một ngọn đèn mồi cho trăm ngàn ngọn đèn, chỗ tối đều sáng, sáng mãi không cùng tận.
Sư bảo:
- Đạo không có tối-sáng, sáng-tối là nghĩa thay nhau, sáng sáng mãi không cùng tận cũng là có tận, đối đãi nhau mà lập tên. Vì vậy kinh Tịnh Danh nói: “Pháp không có so sánh, vì không đối đãi nhau”.
Lục Tổ khai thị nghĩa chân thật vượt ngoài sáng-tối. Ngài chỉ thẳng: “Đạo không có tối-sáng, sáng-tối là nghĩa thay nhau, sáng sáng mãi không cùng tận cũng là có tận, đối đãi nhau mà lập tên”. Đó là chỗ chúng ta phải hiểu cho thấu đáo, đôi khi lại mắc kẹt trên chữ nghĩa. Bởi nghĩa sáng và tối là tương đối với nhau, sáng là thay cho tối, tối là thay cho sáng, sáng-tối thay nhau nên dù nói sáng mãi không cùng tận nhưng cũng có lúc phải tận. Sáng thay tối, thay đến lúc nào không còn thay thì thành tối, bởi đó là nghĩa đối đãi. Người thường mắc kẹt trên chữ nghĩa, nghe nói sáng mãi không cùng tận thì tưởng thật có. Chỗ rốt ráo là vượt ngoài so sánh phân biệt, không thuộc trong đối đãi, đó là chỗ Lục Tổ muốn khai thị.
Tiết Giản thưa:
- Sáng dụ cho trí tuệ, tối dụ cho phiền não. Người tu đạo giả sử chẳng dùng trí tuệ soi phá phiền não, thì sanh tử từ vô thủy y cứ vào đâu mà được ra khỏi?
Ông Tiết Giản chưa hiểu, vẫn còn theo cái hiểu tương đối. Hiểu theo thông thường là dùng sáng để phá tối, cũng như dùng trí tuệ phá phiền não, nhưng đó là cái lầm. Lầm ở chỗ cho phiền não là thật đối lại với trí tuệ, tách rời phiền não và trí tuệ thành hai, nên dùng trí tuệ phá phiền não. Nhưng nếu phiền não là thật thì làm sao phá?
Sư bảo:
- Phiền não tức Bồ-đề, không hai không khác. Nếu dùng trí tuệ soi phá phiền não, đây là cái thấy của hàng Nhị thừa, thuộc căn cơ dê, nai... Bậc đại căn thượng trí thảy chẳng như thế.
Với trí tuệ Lục Tổ thấu suốt phiền não tức Bồ-đề, vốn không có hai thể riêng khác nhau. Nghĩa là mê Bồ-đề thì “vọng” khởi phiền não, nếu ngộ phiền não vốn không thật, tánh tức là Bồ-đề không có gì để phá, chính vì vậy mới sạch hết dấu vết của phiền não. Thế nên không phải ngoài phiền não riêng có Bồ-đề. Đem Bồ-đề phá phiền não là còn trong cái thấy lấy bỏ hai bên, chưa phải cái thấy chân thật, tức còn cái thấy sanh diệt, thuộc cái thấy hàng Nhị thừa tiệm tu đối trị.
Tiết Giản thưa:
- Thế nào là kiến giải của Đại thừa?
Tổ bảo:
- Minh và vô minh, phàm phu thấy hai, người trí rõ suốt tánh nó không hai, tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh thì ở phàm ngu chẳng bớt, ở Hiền Thánh chẳng thêm, ở phiền não chẳng loạn, ở thiền định chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở khoảng giữa và trong ngoài, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ chẳng dời đổi, gọi đó là Đạo.
Tiết Giản vẫn chưa hiểu rõ nên hỏi thêm về kiến giải của Đại thừa. Lục Tổ chỉ rõ, thấy suốt tánh không hai là chỗ thấy của Đại thừa. Phàm phu thấy theo tình phân biệt, nên thấy minh và vô minh là hai cái riêng biệt, ngoài minh có vô minh, hay ngoài vô minh có minh, cả hai đều thật có, rồi đem minh phá vô minh thành ra có tạo tác, tạo tác thì có sanh diệt, đó là từ cái lầm này sang cái lầm kia.
Tổ dạy, rõ suốt tánh của vô minh tức là minh chứ không phải ngoài vô minh có minh. Ví như tánh của sóng là nước, không phải ngoài sóng riêng có nước. Không phải có thêm minh đối lập với vô minh, vậy thì vô minh không có thật tánh, không có tánh riêng. Minh cũng không có tánh riêng, tức là đều không có hai tánh, chính tánh không hai đó mới là thật tánh. Đây cũng là ngôn ngữ phương tiện, tuy nói thật tánh nhưng không đồng theo nghĩa tánh của phàm phu chấp hay tánh của nhà lý luận. Nghe nói thật tánh liền tưởng có cái tánh để bám cũng mê, có tánh tức có ngã. Tánh đây tức “tánh vô tánh”, đó là chỗ khó hiểu đối với trí phân tích. Trí phân tích hoặc có hoặc không, còn tánh vô tánh là không phải có cũng không phải không, đây là chỗ của bậc trí chứng nghiệm, chỗ tự chứng rõ ràng của bậc đại trí, không phải của các nhà lý luận. Bởi là tánh không tánh nên không thuộc tướng đối đãi sanh diệt, người ngộ đạo là ngộ đến như thế, và thấy đến như thế là vào được cửa Tổ, chưa vậy là còn ở ngoài cửa Tổ.
Tiết Giản thưa:
- Thầy nói chẳng sanh chẳng diệt đâu khác với ngoại đạo?
Sư bảo:
- Chẳng sanh chẳng diệt của ngoại đạo nói là đem cái diệt dừng cái sanh, lấy sanh mà hiển diệt, diệt vẫn chẳng diệt, sanh lại nói chẳng sanh. Còn tôi nói chẳng sanh chẳng diệt là, xưa tự chẳng sanh, nay cũng chẳng diệt, do đó chẳng đồng ngoại đạo. Nếu ông muốn biết tâm yếu, chỉ tất cả thiện ác đều chớ nghĩ lường, tự nhiên chứng nhập tâm thể thanh tịnh, trong sáng thường lặng lẽ, diệu dụng hằng sa.
Tiết Giản hiểu theo tình phân biệt trên chữ nghĩa nên nghi nghĩa chẳng sinh chẳng diệt này giống như ngoại đạo, tức hiểu thành tánh đối đãi “chẳng sanh chẳng diệt” đối với “sanh, diệt”, diệt cái sanh diệt thành chẳng sanh chẳng diệt. Lục Tổ chỉ rõ ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt không phải tự thể vốn chẳng sanh chẳng diệt, mà chẳng sanh chẳng diệt thuộc trong tạo tác, đem cái diệt diệt cái sanh, đem cái sanh hiển cái diệt. Đã tạo tác cũng thuộc sanh diệt, mà nói chẳng sanh diệt là tưởng tượng chứ không có thật nghĩa. Chỗ Tổ nói là xưa tự chẳng sanh nay cũng chẳng diệt, tức ngay trong sanh diệt mà chưa từng sanh diệt, không phải dừng sanh diệt mà được không sanh diệt. Thấu suốt sanh diệt vốn không có thật tánh, không có gì lấy bỏ trong đó, không phải đem cái này dẹp cái kia.
Tổ dạy chỗ tâm yếu: “Tất cả thiện ác đều chớ có nghĩ lường”, tức không khởi niệm kia-đây, ngay đó tự khế hợp với tâm thể thanh tịnh, không phải tạo tác thêm gì nữa. Trong đó là “trong sáng mà thường lặng lẽ”, đủ cả hai nghĩa tịch và chiếu, không phải làm cho lặng lẽ. Chúng ta làm cho lặng lẽ tức cũng thuộc sanh diệt. Trong đó “đầy đủ hằng sa diệu dụng” chứ không phải lặng lẽ không biết gì, đừng sợ lặng lẽ thành không ngơ. Nhiều người không hiểu, nghĩ rằng khi vọng tưởng lặng rồi không còn gì, không biết rằng trong đó đầy đủ hằng sa diệu dụng, tức biết khắp không sót gì cả. Tuy biết khắp tất cả mà vẫn thường lặng lẽ thì đâu có mê, ngộ được tâm yếu này thì ngay sanh diệt mà lìa sanh diệt, đó gọi là Đốn giáo. Còn đem cái này dừng cái kia thành ra Tiệm. Cũng không phải lầm theo ngôn ngữ mà phân biệt kia-đây là lầm ý Tổ.
Tiết Giản được Sư chỉ dạy, hoát nhiên đại ngộ, lễ bái từ giã trở về triều, dâng biểu tâu lại lời Sư. Ngày mùng 3 tháng 9 năm ấy có chiếu khen ngợi Sư: “Sư từ chối bởi già bệnh mà vì trẫm tu đạo, là phước điền cho cả nước. Sư giống như Ngài Tịnh Danh mượn cớ bệnh ở thành Tỳ-da để xiển dương Đại thừa, truyền tâm của chư Phật, bàn pháp chẳng hai. Tiết Giản nhắc lại lời Sư truyền dạy về tri kiến Như Lai, trẫm đã chứa nhiều phước lành, từng gieo trồng căn lành từ đời trước mới gặp Sư ra đời, chóng ngộ Thượng thừa, thật cảm mang ơn của Sư, kính lễ không thôi. Đồng thời kính dâng chiếc ma-nạp cà-sa và bát thủy tinh, ra lệnh cho Thích sử Thiều Châu sửa lại ngôi chùa và ban cho nơi Sư ở trước kia là Quốc Ân Tự”.
Ông Tiết Giản nghe đến đây được sáng tỏ, trở về triều tâu lại với vua. Vua Trung Tông có chiếu tán thán Lục Tổ đồng thời cúng dường chiếc ma-nạp ca-sa, tức chiếc ca-sa sản xuất ở Cao Ly bằng loại vải quý và bát thủy tinh, lại ra lệnh sửa lại ngôi chùa ở Tân Châu gọi là Quốc Ân Tự, là quê nhà của Lục Tổ ngày xưa, khi tịch Lục Tổ cũng về đây tịch.
***
Các bài mới
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 07 - NAM ĐỐN BẮC TIỆM - 05/02/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 06 THAM THỈNH CƠ DUYÊN - 26/01/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 05 TRUYỀN HƯƠNG SÁM HỐI - 09/01/2020
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 04- CHỈ DẠY TỌA THIỀN - 29/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 03 - ĐỊNH HUỆ MỘT THỂ - 26/12/2019
Các bài đã đăng
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 2 - GIẢI THÍCH CÔNG ĐỨC TỊNH ĐỘ - 23/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 01 - NGỘ PHÁP TRUYỀN Y - 19/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược về Sự tích Lục Tổ Huệ Năng - 18/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược Kinh Pháp Bảo Đàn và phần lưu truyền - 16/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ sáu: Huyết mạch luận - 16/12/2019
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88995
- Online: 13