Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 2 - GIẢI THÍCH CÔNG ĐỨC TỊNH ĐỘ
23/12/2019 | Lượt xem: 2509
Dịch giảng: TT.Thích Thông Phương
CHÁNH VĂN:
Ngày kế, Vi Thích sử sắm sửa đại hội trai cúng dường Sư. Trai xong, Thích sử thỉnh Sư thăng tòa, ông cùng với quan liêu, tín chúng thành kính lễ bái, thưa hỏi:
- Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết pháp thật không thể nghĩ bàn. Nay có chút nghi, mong Ngài đại từ bi giải thích cho.
Sư bảo:
- Có nghi hãy hỏi, tôi sẽ nói cho nghe.
Vi Công thưa:
- Pháp do Hòa thượng nói có phải là tông chỉ của Đại sư Đạt-ma chăng?
Sư đáp:
- Phải.
Ông thưa:
- Đệ tử nghe Ngài Đạt-ma khi mới đến giáo hóa vua Lương Võ Đế, vua hỏi: “Trẫm một đời cất chùa, độ Tăng, bố thí, sắm trai, cúng dường, có công đức gì?”. Ngài Đạt-ma đáp: “Thật không công đức”. Đệ tử chưa thông suốt lý này, mong Hòa thượng nói cho.
Sư bảo:
- Thật không công đức, chớ nghi ngờ lời của bậc Tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, chẳng biết chánh pháp. Cất chùa, độ Tăng, bố thí, sắm trai gọi là cầu phước, chẳng thể đem phước cho là công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, chẳng ở tu phước.
Sư lại nói:
- Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Bên trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài thực hành lễ kính là đức. Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Chẳng lìa tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức Pháp thân, chỉ nương theo đây làm, đó là công đức chân thật. Nếu người tu công đức, tâm chẳng khinh ai, thường sống cung kính hết thảy. Tâm thường khinh người, chẳng đoạn dứt ngô ngã, tức tự không công. Tự tánh hư dối chẳng thật, tức tự không đức. Vì ngô ngã tự đại thì thường khinh tất cả.
Này thiện tri thức! Niệm niệm không gián đoạn là công, tâm thực hành bình đẳng là đức. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.
Này thiện tri thức! Công đức cần thấy trong tự tánh, chẳng phải từ bố thí cúng dường mà cầu. Do đó, công đức và phước đức riêng khác. Võ Đế chẳng biết lý thật, chẳng phải Tổ sư ta có lỗi.
Thích sử hỏi thêm:
- Đệ tử thường thấy tăng, tục niệm Phật A Di Đà, nguyện sanh Tây phương, xin Hòa thượng nói rõ có được sanh cõi kia chăng? Mong Ngài phá nghi cho.
Sư bảo:
- Sử quân hãy khéo lắng nghe, Huệ Năng sẽ nói cho. Thế Tôn ở trong thành Xá-vệ nói Tây phương để dẫn hóa, kinh văn rõ ràng, cách đây chẳng xa. Nếu luận về tướng để nói thì số dặm có mười muôn tám ngàn. Tức mười điều ác, tám điều tà trong thân, đó là nói xa. Nói xa là vì người hạ căn, nói gần là vì bậc thượng trí. Người thì có hai hạng, pháp không có hai thứ. Mê ngộ có khác mà thấy có chậm mau. Người mê niệm Phật cầu sanh về cõi kia, người ngộ thì tự tịnh tâm mình. Do đó Phật nói: “Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh”.
Này Sử quân! Người phương Đông chỉ tâm thanh tịnh tức không có tội. Còn tuy người phương Tây mà tâm chẳng tịnh cũng có tội. Người phương Đông tạo tội niệm Phật cầu sanh phương Tây, người phương Tây tạo tội niệm Phật cầu sanh cõi nào? Người phàm ngu chẳng rõ tự tánh, chẳng biết Tịnh độ trong thân, nguyện Đông nguyện Tây, người ngộ thì ở đâu cũng một thứ. Do đó Phật nói: “Tùy ở chỗ nào cũng hằng an vui”.
Sử quân tâm địa chỉ không điều bất thiện thì Tây phương cách đây chẳng xa. Nếu ôm lòng bất thiện thì niệm Phật vãng sanh cũng khó đến.
Nay khuyên thiện tri thức, trước trừ mười điều ác tức đi được mười muôn. Sau trừ tám điều tà, bèn qua tám ngàn. Niệm niệm thấy tánh, thường thực hành ngay thẳng thì đến như khảy tay liền thấy Đức Di Đà.
Sử quân chỉ thực hành mười điều thiện, đâu cần nguyện vãng sanh. Chẳng đoạn tâm mười điều ác, Phật nào đến đón! Nếu ngộ đốn pháp vô sanh, thì thấy cõi Tây phương chỉ trong sát-na. Chẳng ngộ mà niệm Phật cầu sanh thì đường xa, thế nào đến được! Huệ Năng sẽ vì mọi người dời cõi Tây phương đến đây trong khoảng sát-na liền thấy ngay trước mắt, mọi người muốn thấy chăng?
Mọi người đều đảnh lễ, thưa:
- Nếu ngay đây liền thấy, đâu cần nguyện vãng sanh. Mong Hòa thượng từ bi hiện cõi Tây phương khiến cho khắp đều thấy được.
Sư bảo:
- Đại chúng! Người đời, sắc thân chính mình là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua, vua ở trên đất tâm. Tánh ở thì vua còn, tánh đi thì vua không. Tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật nhằm trong tánh mà làm, chớ hướng ngoài thân mà cầu. Tự tánh mê tức chúng sanh. Tự tánh giác tức Phật. Từ bi là Quán Âm, hỷ xả là Thế Chí, hay thanh tịnh (năng tịnh) là Thích Ca, ngay thẳng (bình trực) là Di Đà. Nhân ngã là Tu-di, tâm tà là nước biển, phiền não là sóng mòi, độc hại là rồng dữ, hư dối là quỷ thần, trần lao là cá rùa, tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh.
Này thiện tri thức! Thường thực hành mười điều thiện, liền được đến thiên đường. Trừ nhân ngã thì Tu-di lật. Bỏ tâm tà thì nước biển cạn. Phiền não không thì sóng mòi dứt. Độc hại hết thì cá rồng bặt. Trên đất tự tâm, giác tánh Như Lai phóng đại quang minh, bên ngoài chiếu soi sáu cửa thanh tịnh, hay phá tan sáu cõi trời Dục. Tự tánh chiếu soi bên trong thì ba độc liền trừ, những tội địa ngục v.v... một lúc tiêu dứt. Trong ngoài sáng suốt, chẳng khác Tây phương. Chẳng tu theo trên đây, thế nào đến được cõi kia!
Đại chúng nghe Sư nói, rõ ràng thấy tánh, thảy đều lễ bái, đồng khen:
- Lành thay!
Và nói to:
- Nguyện khắp pháp giới chúng sanh người nghe đồng thời ngộ hiểu!
Sư bảo:
- Này thiện tri thức! Nếu muốn tu hành thì ở nhà cũng được, chẳng do ở chùa. Ở nhà mà hay thực hành, như người phương Đông tâm thiện. Ở chùa mà chẳng tu, như người phương Tây có tâm ác. Chỉ tâm thanh tịnh, chính là tự tánh Tây phương.
Vi Công lại hỏi thêm:
- Ở nhà tu hành thế nào, mong Ngài chỉ dạy cho!
Sư bảo:
- Tôi sẽ vì đại chúng làm bài kệ Vô Tướng, chỉ nương theo bài tụng này tu hành, là luôn luôn đồng ở một chỗ với tôi không khác. Nếu chẳng tu theo đây, thì cạo tóc xuất gia có ích gì với đạo!
Tụng rằng:
Tâm bằng đâu cần giữ giới,
Hạnh thẳng nào phải tu thiền.
Ân thì hiếu dưỡng cha mẹ,
Nghĩa thì trên dưới thương nhau.
Nhượng thì trên dưới hòa thuận,
Nhẫn thì mọi ác không ồn.
Nếu hay dùi cây ra lửa,
Bùn lầy quyết mọc sen hồng.
Đắng miệng chính là thuốc hay,
Trái tai hẳn đó lời thẳng.
Sửa lỗi ắt sanh trí tuệ,
Giữ xấu trong tâm chẳng hiền.
Hằng ngày thường hành lợi ích,
Thành đạo chẳng do thí tiền.
Bồ-đề chỉ nhằm tâm tìm,
Đâu nhọc hướng ngoại cầu huyền.
Nghe nói nương đây tu hành,
Thiên đường chỉ ngay trước mắt.
Sư lại nói:
- Này thiện tri thức! Hết thảy cần nương bài kệ tu hành, thấy được tự tánh, liền thành Phật đạo. Pháp chẳng đợi nhau, mọi người hãy giải tán, tôi trở về Tào Khê, nếu ai có nghi ngờ hãy đến đó thưa hỏi.
Bấy giờ, Thích sử, quan liêu, thiện nam, tín nữ trong hội đều được tỏ ngộ, tin nhận vâng làm.
GIẢNG:
Ngày kế, Vi Thích sử sắm sửa đại hội trai cúng dường Sư. Trai xong, Thích sử thỉnh Sư thăng tòa, ông cùng với quan liêu, tín chúng thành kính lễ bái, thưa hỏi:
- Đệ tử nghe Hòa thượng thuyết pháp thật không thể nghĩ bàn. Nay có chút nghi, mong Ngài đại từ bi giải thích cho.
Sư bảo:
- Có nghi hãy hỏi, tôi sẽ nói cho nghe.
Vi Công thưa:
- Pháp do Hòa thượng nói có phải là tông chỉ của Đại sư Đạt-ma chăng?
Sư đáp:
- Phải.
Ông thưa:
- Đệ tử nghe Ngài Đạt-ma khi mới đến giáo hóa vua Lương Võ Đế, vua hỏi: “Trẫm một đời cất chùa, độ Tăng, bố thí, sắm trai, cúng dường, có công đức gì?”. Ngài Đạt-ma đáp: “Thật không công đức”. Đệ tử chưa thông suốt lý này, mong Hòa thượng nói cho.
Qua ngày kế, Vi Thích sử lại thỉnh Lục Tổ cúng dường, sau khi thọ trai xong, ông thưa hỏi thêm về những điều còn nghi lâu nay. Việc ông nghi liên quan đến Tổ Bồ-đề Đạt-ma nên trước khi hỏi, ông thưa: “Pháp do Hòa Thượng nói có phải là tông chỉ của Đại sư Đạt-ma chăng?” Bởi nếu pháp của Lục Tổ dạy không thuộc về Tông chỉ của Ngài Đạt-ma thì đâu dính dáng gì. Sau khi Lục Tổ xác nhận: “Phải!”, ông mới thưa hỏi về việc vua Lương Võ Đế hỏi Tổ Đạt-ma.
Lương Võ Đế là ông vua Phật tử, rất mộ đạo. Vua từng giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã, đăng tòa thuyết pháp giống như vị tăng. Gặp Tổ Bồ-đề Đạt-ma, vua hỏi những việc mình đã làm như cất chùa, độ Tăng, bố thí, sắm trai cúng dường, những việc làm đó có công đức gì? Vua nghĩ làm vậy có công đức lớn, không ngờ Tổ Bồ-đề Đạt-ma đáp: “Thật không công đức”. Vua nghe vậy không hiểu được.
Vi Thích sử cũng thắc mắc ý nghĩa đó, nếu chúng ta không học kỹ thì cũng nghi như thế.
Sư bảo:
- Thật không công đức, chớ nghi ngờ lời của bậc Tiên Thánh. Võ Đế tâm tà, chẳng biết chánh pháp. Cất chùa, độ Tăng, bố thí, sắm trai gọi là cầu phước, chẳng thể đem phước cho là công đức. Công đức là ở trong Pháp thân, chẳng ở tu phước.
Lục Tổ dạy rõ, theo cái nhìn của Tổ Bồ-đề Đạt-ma thì những việc làm của vua Lương Võ Đế thuộc về những việc làm phước đức bên ngoài, chưa thể nói là công đức. Đức mà phải có công, không thuộc về việc làm bên ngoài, việc làm hữu vi, phước hữu lậu. Nếu chấp vào đó thì cũng ở trong cái sanh diệt, có phước đời sau hưởng phước, hết phước là rớt xuống lại, chưa phải thật công đức. Công đức cần phải thấy trở lại trong Pháp thân, không phải trên hình tướng tu phước bên ngoài, tức phải tu tập trong nội tâm. Đây không phải bác bỏ những việc làm đó, mà Tổ phá chấp cho vua Lương để vua tiến sâu thêm vào đạo.
Sư lại nói:
- Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Niệm niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Bên trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài thực hành lễ kính là đức. Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức. Chẳng lìa tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức. Nếu tìm công đức pháp thân, chỉ nương theo đây làm, đó là công đức chân thật. Nếu người tu công đức, tâm chẳng khinh ai, thường sống cung kính hết thảy. Tâm thường khinh người, chẳng đoạn dứt ngô ngã, tức tự không công. Tự tánh hư dối chẳng thật, tức tự không đức. Vì ngô ngã tự đại thì thường khinh tất cả.
Này thiện tri thức! Niệm niệm không gián đoạn là công, tâm thực hành bình đẳng là đức. Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức.
Này thiện tri thức! Công đức cần thấy trong tự tánh, chẳng phải từ bố thí cúng dường mà cầu. Do đó, công đức và phước đức riêng khác. Võ Đế chẳng biết lý thật, chẳng phải Tổ sư ta có lỗi.
Lục Tổ nói rõ: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức”. Công đức phải thực hành trong tự tâm mới được. Công này không phải tạo tác bên ngoài mà phải Soi Lại Chính Mình. Đức này không phải thấy bên ngoài mà phải thấy ngay nơi tâm bình đẳng, lìa phân biệt đây-kia, không nghiêng lệch. Công đức hiển bày nơi tự tánh, đâu thể tìm ở hình thức bên ngoài.
“Niệm niệm không ngưng trệ, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng gọi là công đức”. Tức niệm niệm đều thông suốt, không dính mắc, mà thường sáng tỏ, nhận thấy rõ ràng bản tánh không mê mờ, không lầm lẫn, từ đó mới có cái chân thật diệu dụng, làm tất cả mà tự tại giải thoát, không dính mắc. Công đức như thế mới thật là công đức vượt thoát khỏi thế gian, đáng tín ngưỡng, gọi là công đức chân thật.
“Bên trong tâm khiêm hạ là công, bên ngoài thực thành lễ kính là đức”. Công đức này cũng không lìa tự tâm mà riêng có. “Tự tánh dựng lập muôn pháp là công, tâm thể lìa niệm là đức”. Tức không theo niệm sinh diệt, công đức này cũng phải thấy ở nơi tự tánh. “Chẳng lìa tự tánh là công, ứng dụng không nhiễm là đức”. Công đức này giúp ta sáng tỏ, tự tánh được hiển bày.
“Nếu tìm công đức Pháp thân, chỉ nương theo đây mà làm, đó là công đức chân thật”. Đây gọi là công đức Pháp thân. Phước hữu vi hay phước hữu lậu thuộc về phước sanh diệt, không thể sánh kịp được với công đức này.
“Nếu người tu công đức, tâm chẳng khinh ai, thường sống cung kính hết thảy. Tâm thường khinh người, chẳng đoạn dứt ngô ngã tức tự không công, tự tánh hư dối chẳng thật tức tự công đức, vì ngô ngã tự đại thì thường khinh tất cả”. Nếu tâm khinh người thì sanh cái ngã. Làm lành mà sanh ngã thì tự làm mất công, cũng bỏ mất đức, che mờ tự tánh sáng suốt không hiển bày được, người tu công đức chân thật phải tránh.
Thí dụ, bố thí cúng dường nhiều rồi chấp vào đó, thấy người kia làm không bằng ta thì khinh, đó là sanh tâm ngô ngã làm che mờ tự tánh sáng suốt. Lục Tổ dạy kỹ để chúng ta làm lành mà không chấp. Nếu bố thí cúng dường mà không chấp vào đó, luôn vun bồi, hướng về tự tánh hay hướng về Phật đạo, thì những việc làm đó chuyển thành công đức. Làm nhưng không chấp chứ không phải bảo đừng làm.
“Niệm niệm không gián đoạn là công, tâm thực hành ngay thật là đức; Tự tu tánh là công, tự tu thân là đức”. Tức tu tập, không để niệm xen hở mà tạp niệm xen vào, tâm luôn thực hành ngay thẳng, chân thật, sẽ hiển bày đức tốt ở nơi tâm chúng ta. Công đức chân thật là phải soi lại nơi tự tánh của chính mình để thấy. Ngài nói rõ: “Công đức cần thấy trong tự tánh, chẳng phải từ bố thí cúng dường mà cầu. Do đó công đức và phước đức riêng khác”.
Ngài nói để ngăn ngừa người chấp vào việc lành, biết vậy thì việc làm của chúng ta càng tăng trưởng phước đức, có thể chuyển phước đức thành công đức. Tức là làm những việc đó, biết soi trở về tự tánh để phát huy công đức sáng tỏ nơi chính mình khiến lợi ích không thể nghĩ bàn.
Thích sử hỏi thêm:
- Đệ tử thường thấy tăng, tục niệm Phật A Di Đà, nguyện sanh Tây phương, xin Hòa thượng nói rõ có được sanh cõi kia chăng? Mong Ngài phá nghi cho.
Sư bảo:
- Sử quân hãy khéo lắng nghe, Huệ Năng sẽ nói cho. Thế Tôn ở trong thành Xá-vệ nói Tây phương để dẫn hóa, kinh văn rõ ràng, cách đây chẳng xa. Nếu luận về tướng để nói thì số dặm có mười muôn tám ngàn. Tức mười điều ác, tám điều tà trong thân, đó là nói xa. Nói xa là vì người hạ căn, nói gần là vì bậc thượng trí. Người thì có hai hạng, pháp không có hai thứ. Mê ngộ có khác mà thấy có chậm mau. Người mê niệm Phật cầu sanh về cõi kia, người ngộ thì tự tịnh tâm mình. Do đó Phật nói: “Tùy tâm mình tịnh tức cõi Phật tịnh”.
Này Sử quân! Người phương Đông chỉ tâm thanh tịnh tức không có tội. Còn tuy người phương Tây mà tâm chẳng tịnh cũng có tội. Người phương Đông tạo tội niệm Phật cầu sanh phương Tây, người phương Tây tạo tội niệm Phật cầu sanh cõi nào? Người phàm ngu chẳng rõ tự tánh, chẳng biết Tịnh độ trong thân, nguyện Đông nguyện Tây, người ngộ thì ở đâu cũng một thứ. Do đó Phật nói: “Tùy ở chỗ nào cũng hằng an vui”.
Thích sử nghi về niệm Phật cầu xin về Tây phương Tịnh độ. Lục Tổ chỉ rõ về lý thật ở ngay tự tâm giúp người có trí bén sẽ thấy trở lại ngay nơi chính mình, “tâm tịnh thì cõi Phật tịnh” đây là lý Tịnh độ. Một bề cầu bên ngoài, bỏ quên không lo tịnh tâm của chính mình là sự thiếu sót lớn. Ví như người chấp niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, miệng niệm nhưng tâm không tịnh thì khó có kết quả. Căn bản của Phật dạy cốt là để gạn lọc tự tâm, niệm Phật cũng để gạn lọc tự tâm, để tâm không nghĩ lăng xăng, không để tạp niệm xen vào.
“Người mê niệm Phật cầu sanh về cõi kia, người ngộ tự tịnh tâm mình”. Tâm tịnh thấy gì cũng thanh tịnh, thấy chỗ nào cũng thanh tịnh. “Người phương Đông chỉ tâm thanh tịnh tức không có tội, còn người phương Tây mà tâm chẳng tịnh cũng có tội”. Chúng ta học, không nên chấp vào lời đó rồi chê bai người niệm Phật về Tây phương cũng là lầm. Chấp theo lời mà bài bác kia-đây thì chính mình cũng thành bệnh. Tức mượn lời Lục Tổ rồi bài bác cũng có tội. Như vậy tâm ta cũng không tịnh. Đây chỉ là lời phá chấp, bởi đã là nơi Tịnh độ phương Tây thì làm sao có tội! Tâm tịnh mới ở cõi tịnh, làm sao có tội! Học đạo phải đạt ý quên lời, ý Lục Tổ là nhắm thẳng vào người hiện tại, ngay đây cần phải tịnh tâm mới là trọng yếu, nếu tịnh tâm rồi thì cầu Tịnh độ cũng dễ được, nếu đạt được lý Thiền thì ngay đây sáng tự tâm lại càng hay. Thế nên, tâm tịnh thì chỗ nào cũng hằng an vui, tâm không tịnh thì cầu đây cầu kia đều bất an.
Sử quân tâm địa chỉ không điều bất thiện thì Tây phương cách đây chẳng xa. Nếu ôm lòng bất thiện thì niệm Phật vãng sanh cũng khó đến.
Nay khuyên thiện tri thức, trước trừ mười điều ác tức đi được mười muôn. Sau trừ tám điều tà, bèn qua tám ngàn. Niệm niệm thấy tánh, thường thực hành ngay thẳng thì đến như khảy tay liền thấy Đức Di Đà.
Sử quân chỉ thực hành mười điều thiện, đâu cần nguyện vãng sanh. Chẳng đoạn tâm mười điều ác, Phật nào đến đón! Nếu ngộ đốn pháp vô sanh, thì thấy cõi Tây phương chỉ trong sát-na. Chẳng ngộ mà niệm Phật cầu sanh thì đường xa, thế nào đến được! Huệ Năng sẽ vì mọi người dời cõi Tây phương đến đây trong khoảng sát-na liền thấy ngay trước mắt, mọi người muốn thấy chăng?
Mọi người đều đảnh lễ, thưa:
- Nếu ngay đây liền thấy, đâu cần nguyện vãng sanh. Mong Hòa thượng từ bi hiện cõi Tây phương khiến cho khắp đều thấy được.
Lục Tổ chỉ rõ thêm, tâm địa không có những điều bất thiện tức là thanh tịnh, thì Tây phương cách không xa. Ngược lại, ôm lòng bất thiện tức tâm không thanh tịnh, niệm Phật vãng sanh cũng khó đến được, do miệng niệm mà tâm không tịnh, miệng hành mà tâm không hành. Tu hành thực tế cần phải ngay đây trừ mười điều ác tám điều tà, niệm niệm thường thấy tánh không mê, thường thực hành ngay thẳng, chẳng hư dối, cong vạy thì khảy tay liền thấy Đức Di Đà. Di Đà ngay nơi tự tánh, Cực Lạc ngay nơi đây, đó là lý Tịnh độ. Mười điều ác là ngược lại mười điều thiện (Thập thiện), tám điều tà ngược lại với tám điều chánh (Bát chánh đạo), là tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định. Lục Tổ chỉ thẳng, nếu ngộ đốn pháp vô sanh tức ngay một niệm vô sanh thấy cõi Tây phương nơi tự tâm, rất gần. Ngược lại, chẳng ngộ mà cầu bên ngoài thì thấy xa xôi.
Kế Lục Tổ dùng phương tiện để sách tấn, khích lệ mọi người nên hỏi có muốn Ngài dời cõi Tây phương tới đây không. Ngay đây thấy Tây phương thì quá hay! Mọi người đều hoan hỷ, đảnh lễ, mong Tổ hiện cõi Tây phương cho được thấy.
Sư bảo:
- Đại chúng! Người đời, sắc thân chính mình là thành, mắt tai mũi lưỡi là cửa. Ngoài có năm cửa, trong có cửa ý. Tâm là đất, tánh là vua, vua ở trên đất tâm. Tánh ở thì vua còn, tánh đi thì vua không. Tánh ở thì thân tâm còn, tánh đi thì thân tâm hoại. Phật nhằm trong tánh mà làm, chớ hướng ngoài thân mà cầu. Tự tánh mê tức chúng sanh. Tự tánh giác tức Phật. Từ bi là Quán Âm, hỷ xả là Thế Chí, hay thanh tịnh (năng tịnh) là Thích Ca, ngay thẳng (bình trực) là Di Đà. Nhân ngã là Tu-di, tâm tà là nước biển, phiền não là sóng mòi, độc hại là rồng dữ, hư dối là quỷ thần, trần lao là cá rùa, tham sân là địa ngục, ngu si là súc sanh.
Này thiện tri thức! Thường thực hành mười điều thiện, liền được đến thiên đường. Trừ nhân ngã thì Tu-di lật. Bỏ tâm tà thì nước biển cạn. Phiền não không thì sóng mòi dứt. Độc hại hết thì cá rồng bặt. Trên đất tự tâm, giác tánh Như Lai phóng đại quang minh, bên ngoài chiếu soi sáu cửa thanh tịnh, hay phá tan sáu cõi trời Dục. Tự tánh chiếu soi bên trong thì ba độc liền trừ, những tội địa ngục v.v... một lúc tiêu dứt. Trong ngoài sáng suốt, chẳng khác Tây phương. Chẳng tu theo trên đây, thế nào đến được cõi kia!
Đây là chỉ thẳng lý thật ở ngay nơi chính mình, sắc thân này là thành, năm căn là cửa ngoài, ý căn là cửa trong, tâm là đất, tánh là vua, như vậy tánh ở trên đất tâm. Cho nên, chúng ta thấy tánh ngay nơi tâm, không phải thấy bên ngoài. Tánh ở thì vua còn nhưng tánh đi là vua cũng không, ngay đây tánh đi thì thân tâm hoại. Người sống không có tự tánh thành người chết, hoặc còn sống nhưng sống cũng như chết, đa số người đời sống cũng như chết, sống không có chủ. Cần phải thấy tánh trở lại ngay nơi đất tâm để sống, đó là sống có chủ, thấy Phật, Phật ngay nơi tự tâm chính mình.
Muốn thấy tánh phải từ đâu thấy? Phải qua sáu cửa thành, là qua cửa sáu căn, từ nơi sáu căn mà vào chứ không ở đâu xa. Phật ở ngay tánh mà làm, chớ hướng ra ngoài cầu, đó là cầu xa xôi. Thành Phật là do giác ngộ trở lại tự tâm hay tánh giác, bởi Phật là giác, tự tánh giác mới chính là Phật. Tổ nói rất thực tế, gần gũi: “Tự tánh mê tức chúng sanh, tự tánh giác tức Phật”. Mọi người đều có thể thấy được ngay chính mình có đủ, khéo vậy thì đổi mê thành giác. Ngược lại, có mà không biết thì đổi giác thành mê.
“Từ bi là Quan Âm, hỷ xả là Thế Chí, hay thanh tịnh là Thích Ca, ngay thẳng là Di Đà”. Phật, Bồ-tát nơi tự tâm đầy đủ. Ngược lại, trong tự tâm mà khởi nghĩ nhân ngã thì không thấy Phật, không thấy Quan Âm, Thế Chí, mà thấy núi Tu-di cao ngất, chướng ngại, che mờ nên không thấy cõi Phật. Khởi tâm tà thành nước biển mênh mông, cũng che khắp. Khởi phiền não thì sóng mòi nổi dậy nhận chìm, khi phiền não đâu thấy cõi Phật. Khởi độc hại thành rồng dữ, người người đều sợ, không dám gần. Khởi hư dối thành quỷ thần, mê hoặc người. Khởi trần lao thành cá rùa, làm đục mờ che tự tánh. Khởi tâm tham sân thành địa ngục, nhốt kín trong đó. Khởi ngu si thành súc sanh, không còn thấy sáng suốt. Tu hành là khéo chuyển trở lại, thực hành mười điều lành liền đến được thiên đường an nhàn, trừ tâm nhân ngã thì núi Tu-di liền lật đổ, bỏ tâm tà thì nước biển khô cạn, phiền não sạch thì sống mòi không còn nổi sóng, trừ độc hại thì cá rồng mất dấu, như vậy thì không còn che ngăn, hết chướng ngại.
Liền ở trên đất tự tâm, giác tánh Như Lai phóng ánh sáng rực rỡ soi khắp, không phải tìm đâu xa. Soi khắp là chiếu qua sáu cửa, thấy nghe giác biết, khi tâm đã thanh tịnh sáng suốt thì chiếu ra tất cả đều sáng tỏ, nên thấy sáu trần không còn ngăn ngại, không còn nhiễm. Các bậc Thánh cũng dùng sáu căn, thấy nghe hiểu biết mà sáng suốt tự tại. Chúng ta cũng dùng sáu căn này nhưng thấy đâu dính đó nên ngại.
Tổ nói: “hay phá tan sáu cõi trời Dục”. Cõi Dục không thể làm nhiễm, rồi tự tánh chiếu soi bên trong thì ba độc liền trừ sạch, ba độc không còn thì những tội địa ngục v.v… cũng tiêu dứt, vậy là chuyển mê vọng thành giác ngộ chân thật. Trong ngoài sáng suốt, tỏ rõ thì thanh bình an lạc, ngay đây là Tây phương Cực Lạc.
Lục Tổ dời cõi Tây phương đến ngay trước mắt là như thế! Đó là chuyển Ta-bà thành Tịnh độ. Chúng ta chứng nghiệm được rõ ràng ngay trong đời này. Đây cũng là ý ngăn ngừa những người không chịu tu mà chỉ lo cầu đây cầu kia, trái với con đường Phật dạy. Phải nhớ tu nơi tự tâm, thanh tịnh nơi tự tâm là trọng yếu.
Ông Bàng Uẩn là cư sĩ tại gia mà ngộ đạo, giống như Lục Tổ nói người Đông phương mà có Phật. Ông có bài kệ nhắc mọi người:
Thế gian việc tối thượng,
Chỉ có tu hành hơn.
Nếu ngộ lý vô sanh,
Ba cõi tự tiêu mất.
Uẩn không Diệu Đức hiện,
Vô niệm đấy Thanh Lương.
Đây tức cõi Di Đà,
Chỗ nào tìm Tây phương.
Việc tối thượng của thế gian chỉ có tu hành là hơn hết. Ngay đây, người ngộ được lý vô sanh thì ba cõi liền mất, tức vượt qua ba cõi, giải thoát.
Diệu Đức hiện tức Bồ-tát Văn-thù hiện. Nếu thấu suốt năm uẩn đều Không thì Đại trí Văn-thù hiện. Thanh Lương ở Ngũ Đài Sơn. Vô niệm thì ngay đó là cõi Thanh Lương, không cần phải tìm đến Ngũ Đài Sơn.
Ngay đây đã thấy cõi Di Đà thì còn cầu Tây phương ở đâu nữa! Đó là ông Bàng Uẩn nhắc nhở mọi người nhớ soi lại chính mình, tu kỹ là như vậy.
Đại chúng nghe Sư nói, rõ ràng thấy tánh, thảy đều lễ bái, đồng khen:
- Lành thay!
Và nói to:
- Nguyện khắp pháp giới chúng sanh người nghe đồng thời ngộ hiểu!
Đại chúng nghe Lục Tổ dạy đến đây, tất cả đều sáng tỏ được ý nghĩa tu hành chân thật nơi tự tâm, nên nói: “rõ ràng thấy tánh”. Thấy công đức đầy đủ nơi tự tánh, không phải tìm cầu bên ngoài. Tất cả đồng vui mừng khen ngợi “Lành thay!” Bởi nghe những điều trước giờ chưa nghe. Những người này ở vùng Lĩnh Nam Quảng Châu, là vùng biên địa xa xôi, ít được nghe những điều hy hữu như vậy, giờ được nghe Lục Tổ giải thích giản dị mà sáng tỏ nên mọi người thấy rất hoan hỷ, và nguyện cho khắp cả chúng sanh, người nghe được đồng ngộ. Như vậy là mở tâm rộng lớn để quên bớt đi cái ngã nhỏ hẹp.
Chúng ta ở đây, mỗi vị cũng nên mở lòng rộng lớn để nghe, sẵn sàng đón nhận chân lý giác ngộ sáng suốt nơi tự tánh thì ngay đây liền thấy Lục Tổ cũng đang nói với chính mình, học kinh là học như vậy. Nếu chúng ta nghĩ Lục Tổ chỉ nói với những người đương thời của Ngài, không dính dáng đến chúng ta thì học cũng như không.
Sư bảo:
- Này thiện tri thức! Nếu muốn tu hành thì ở nhà cũng được, chẳng do ở chùa. Ở nhà mà hay thực hành, như người phương Đông tâm thiện. Ở chùa mà chẳng tu, như người phương Tây có tâm ác. Chỉ tâm thanh tịnh, chính là tự tánh Tây phương.
Lục Tổ dạy Vi Thích sử và những vị còn tại gia, nên Ngài dạy tại gia tu cũng được, không phải chỉ ở chùa, quan trọng là tịnh tâm, gạn lọc nơi tự tâm. Đây cũng là ngăn ngừa người chấp ở chùa mà không lo tu.
Tu hành chân thật không phải ở hình thức bên ngoài, ngay nơi tự tâm biết gạn lọc tu tập mới là trọng yếu. “Chỉ tâm thanh tịnh chính là tự tánh Tây phương”. Đó là chỗ Phật, Tổ muốn chỉ. Chúng ta không chuyển hóa tự tâm mà chỉ cầu bên ngoài thì trái với nghĩa chân thật, cầu cũng khó được.
Vi Công lại hỏi thêm:
- Ở nhà tu hành thế nào, mong Ngài chỉ dạy cho!
Sư bảo:
- Tôi sẽ vì đại chúng làm bài kệ Vô Tướng, chỉ nương theo bài tụng này tu hành, là luôn luôn đồng ở một chỗ với tôi không khác. Nếu chẳng tu theo đây, thì cạo tóc xuất gia có ích gì với đạo!
Bởi Lục Tổ nói ở nhà tu cũng được nên Vi Thích Sử hỏi ở nhà tu hành thế nào? Lục Tổ dạy bài tụng Vô tướng. Vô tướng tức không chấp trên hình tướng nên ở nhà tu cũng được.
Tụng rằng:
Tâm bằng đâu cần giữ giới,
Hạnh thẳng nào phải tu thiền.
Tâm bằng, hạnh thẳng thì không cần giữ giới, tu thiền, nghe thấy khỏe không? Nhưng không khỏe. Được tâm bằng, hạnh thẳng không phải dễ! Bởi giới là hàng rào ngăn ngừa tội lỗi, sai quấy, nếu tâm bằng phẳng an lành, không sanh lỗi lầm vậy giới để ngừa gì? Nên tâm bằng thì không cần giữ giới, nhưng phải tâm bằng, còn tâm chúng ta quá gập ghềnh mà không giữ giới là nguy hiểm.
Hạnh thẳng mới không phải tu thiền, còn hạnh sống hư vọng trái với chân thì phải tu thiền để điều hòa trở lại. Nếu tâm ngay thẳng chân thật, không tạo nghiệp, thiền để làm gì? Tu thiền, giữ giới là phương tiện để đối trị, là thuốc trị bệnh, có bệnh cần phải dùng thuốc để trị, không bệnh thuốc cũng thôi. Tâm chúng ta có bệnh nên dùng thuốc giới, thuốc thiền để trị. Nếu tâm chúng ta hết bệnh thì giới-thiền cũng thôi. Nhưng phải thật là tâm không bệnh. Lục Tổ nói để ngăn ngừa chấp pháp, không bệnh mà uống thuốc mãi thì thành bệnh.
Điều Ngự Giác Hoàng thuật lại việc Ngài từng hỏi Thượng sĩ Tuệ Trung:
- Chỉ như người gìn giữ giới hạnh trong sạch không một chút xao lãng, lại thế nào?
Thượng sĩ Tuệ Trung cười mà không đáp. Ngài lại thỉnh cầu, Thượng sĩ nói hai bài kệ:
Giữ giới cùng nhẫn nhục,
Chuốc tội chẳng chuốc phước.
Muốn biết không tội phước,
Chẳng giữ giới, nhẫn nhục.
***
Như người leo lên cây,
Trong an tự cầu nguy.
Như người không leo cây,
Trăng gió có làm gì!
Nói xong, Thượng sĩ lại nói:
- Nhưng chớ bảo cho những người không ra gì biết!
Chúng ta mới nghe thì thấy Thượng sĩ Tuệ Trung nói như ngược với giáo pháp. Ngài nói: “Giữ giới, nhẫn nhục là chuốc tội không chuốc phước; muốn biết không tội-phước thì chẳng cần giữ giới, nhẫn nhục”. Nếu nghe theo chữ nghĩa sẽ khó chấp nhận, nhưng hiểu thấu được ý thì nghĩa rất sáng tỏ. Bởi tâm chúng ta còn có tạo tội nên phải giữ giới để tránh, ngăn ngừa. Cũng vậy, tâm chúng ta còn có nóng giận nên tu nhẫn nhục để trừ nó. Còn người đã vượt qua khỏi ý niệm tội-phước đối đãi thì chẳng có giới để giữ, cũng chẳng có nhẫn để chịu, không bệnh đâu cần dùng thuốc.
“Như người leo lên cây, trong an tự cầu nguy”. Người đứng dưới đất an ổn không chịu, lại leo lên cây cao để gió thổi nguy hiểm rồi cầu cứu. Cũng như tạo tội rồi phải cầu giữ giới, phải lo tránh tội. Nếu sống trở lại với tâm thể chân thật xưa nay chưa từng ô nhiễm, thành người vô sự, như người đứng dưới đất thì tự an ổn.
Chỗ này người không ra gì nghe sẽ sống buông lung, rồi mượn lời này để che tội lỗi của mình, nói lý suông mà tâm không thực hành, không giữ giới, nhẫn nhục, nên Thượng sĩ dặn kỹ: “Chớ bảo cho những người không ra gì biết”. Đó là sự khéo léo của Thượng sĩ, cũng nói lên ý nghĩa “tâm bằng” không cần giữ giới, “hạnh thẳng” khỏi phải tu thiền.
Ân thì hiếu dưỡng cha mẹ,
Nghĩa thì trên dưới thương nhau.
Nhượng thì trên dưới hòa thuận,
Nhẫn thì mọi ác không ồn.
Lục Tổ dạy sống thực tế, tu ngay trong thế tục, hiếu dưỡng cha mẹ là biết ân. Trên dưới thương nhau không trái bỏ nhau thì thuận với nghĩa. Trên dưới sống hòa thuận nhau, không chống trái nhau là nghĩa nhượng. Tránh mọi điều ác, không để cho quấy rối, bất an thành nghĩa nhẫn. Sống ngay trong thế tục mà biết ân, nghĩa, nhượng, nhẫn, chính đó là tu hành, là chuyển hóa tự tâm.
Nếu hay dùi cây ra lửa,
Bùn lầy quyết mọc sen hồng.
Nghĩa là ngay trong tâm khéo chuyên cần tu tập, sáng tỏ được đạo lý giác ngộ, phiền não sẽ chuyển thành Bồ-đề, không phải tìm Bồ-đề ở đâu xa. Như lửa có từ nơi cây, khéo dùi cây sẽ có lửa. Tức ngay trong chúng sanh có Phật, ngay phiền não có Bồ-đề, ngay nơi bùn lầy thế gian mà có giải thoát.
Đắng miệng chính là thuốc hay,
Trái tai hẳn đó lời thẳng.
Thuốc hay thì đắng miệng, muốn uống thuốc hay đừng sợ đắng miệng, muốn nghe những lời chân thật phải dám nghe những lời trái tai. Nếu thích nghe những lời thuận tai thì dễ bị người gạt mà không hay. Ví như chúng ta không giỏi mà người khen giỏi, theo đó liền bị gạt, lời đó thuận tai nhưng không thật. Người chân thành học đạo phải dám nghe những lời nói thẳng tức trái tai mới nghe được chân lý.
Cũng như mọi người đều quý thân này, nhưng Đức Phật chê là đồ nhơ nhớp, đồ bỏ, có phải trái tai không? Chúng ta ra chợ nói thế sẽ bị đánh đuổi ngay. Nhưng đó là lời chân lý. Người thường thích nghe những gì hợp với ý ta, thuận với tai ta, tức là nghe theo sở thích của ta, trái sở thích của ta thì không nghe, vậy là không nghe được những lời chân lý. Bởi chỗ thích của chúng ta là bản ngã vô minh. Nghe như thế dễ nghe theo những lời a dua, lời xu nịnh, làm sao nghe được những lời chân thật sáng suốt. Như chúng ta học đạo mà muốn thầy phải nói thuận theo ta thì học được gì? Thầy nói những gì chúng ta chưa hiểu, chưa biết, nói điều trái với những suy nghĩ sai lầm bấy lâu của chúng ta, vậy mới học được những điều chưa từng nghe.
Ngài Tuyết Đường khi dạy chúng, từng bảo:
- Tử Tâm (Hòa thượng Tử Tâm) trụ trì chùa Vân Nham. Trong chốn trượng đường, tính Ngài hay nóng giận chửi mắng. Các hàng nột tử (Thiền tăng) vì thế đều nhìn về phía trời xa thẳm mà lần lượt ra đi. Thị giả Phương nói: “Ôi! Bậc thiện tri thức, thực hành đạo của Phật Tổ, làm hiệu lệnh cho nhân thiên nên phải coi người học như con đỏ. Nay Ngài lại chẳng rủ lòng lo lắng thương hại ban bố ân huệ, nuôi nấng vỗ về, dùng lời dạy bảo trung hòa, tại sao lại coi họ như cừu thù, thấy thì mắng nhiếc, đâu có phải là chỗ dụng tâm của bậc thiện tri thức vậy ư?”. Tử Tâm liền cầm chiếc gậy đương chống đuổi Thị giả Phương và nói: “Chỗ thấy nghe hiểu biết của ông như thế, ngày kia tất sẽ xu nịnh, sùng chuộng kẻ thế vị, ton hót kẻ hào quyền, bán rẻ cả Phật pháp, lừa dối đám ngu hèn. Vì ta không nỡ thấy những việc như thế, nên ta nặng lời kích động để họ gắng chí, nào có ý gì khác đâu. Ta chỉ muốn cho họ biết hổ thẹn để sửa lỗi, ghi tạc vào tâm khảm đừng quên, mong một ngày kia trở nên người tốt vậy”.
Ngài Tử Tâm hay nóng giận, mắng chửi mọi người. Thị giả Phương không hiểu ý, thấy vậy chịu không nổi, nói rằng: “Người thiện tri thức phải thương người học, Ngài chỉ mắng nhiếc mà không chỉ dạy thì không có từ bi”. Ngài Tử Tâm ngay đó cảnh tỉnh cho ông biết, nếu ông theo chỗ thấy nghe hiểu biết như vậy, chắc ngày kia sẽ theo chiều xu nịnh, ton hót, tức muốn ai cũng nói theo ý ta, chìu theo ý ta thì làm sao trừ được những lỗi lầm. Nên Ngài nói: “Vì ta không nỡ thấy những việc như thế, nên ta nặng lời kích động để họ gắng chí, nào có ý gì khác đâu. Ta chỉ muốn cho họ biết hổ thẹn để sửa lỗi, ghi tạc vào tâm khảm đừng quên, mong một ngày kia trở nên người tốt vậy”. Nói mạnh như thế để họ gắng chí, tiến lên, quở để cho họ sửa lỗi chứ không phải ghét họ.
Đây là các Ngài thực hành theo Bồ-tát nghịch hạnh. Chúng ta học đạo, có khi gặp Bồ-tát thuận hạnh, cũng có khi gặp Bồ-tát nghịch hạnh, khéo biết để tiến lên, không phải lúc nào cũng muốn thuận, đến khi gặp nghịch thì không chịu nổi. Khi chúng ta có lỗi, phải dám nghe, dám nhận lời chỉ thẳng để sửa, vậy mới tiến được, chính đó là tu nên ở tại gia cũng tu được.
Sửa lỗi ắt sanh trí tuệ,
Giữ xấu trong tâm chẳng hiền.
Học đạo tu hành, quan trọng phải là người biết nghe lời nói thẳng, dám nhận lỗi lầm của mình để sửa đổi mới có thể tiến lên, sống được với trí tuệ. Người có lỗi không biết nhận để sửa thì không sanh trí tuệ, là che mờ, u mê.
Tổ dạy rõ, nếu cố chấp ôm giữ điều xấu, không chịu nhận lỗi để sửa thì càng chìm trong cái xấu, không thể thành bậc Hiền bậc Thánh, không sanh trí tuệ. “Sửa lỗi mới sanh trí tuệ, giữ xấu trong tâm chẳng phải người hiền”. Người tu hành không nên sợ nhận lỗi là xấu, nhiều người hiểu lầm việc này, nghĩ chúng ta nhận lỗi là chúng ta xấu dở, do đó tránh không dám nhận. Sự thật nhận lỗi là điều tốt, điều cao thượng chứ không xấu.
Chúng ta đều còn phàm phu, còn mê lầm, chưa người nào thành Thánh tất nhiên đều còn có lỗi, điều đó không tránh khỏi. Nhưng biết nhận lỗi để sửa sẽ tiến lên thành bậc Hiền, bậc Thánh, chính đó là tu. Đây là bài học thực tế để ứng dụng vào cuộc sống hàng ngày, chớ nên xem thường, cũng đừng nghĩ như thường tình của thế gian, cho rằng nhận lỗi là xấu dở. Phải nhớ kỹ, nhận lỗi là cao thượng, là bước tiến lên, người yếu hèn không dám nhận lỗi.
Hằng ngày thường hành lợi ích,
Thành đạo chẳng do thí tiền.
Ngài nhắc chúng ta phải thường làm lợi ích cho người để làm gì? Nhằm tập quên tâm vị kỷ, tâm hẹp hòi. Làm lợi ích cho người tức là lợi tha, tất nhiên quên tâm hẹp hòi, tâm vì mình chỉ nghĩ đến ta, không biết đến người khiến chặn đứng con đường tiến đạo. Buông tâm nhỏ hẹp, siêng làm lợi ích cho người là con đường an vui thiết thực.
Thực hành tốt điều này thì không bao giờ có bệnh trầm cảm, đó cũng là thuốc để trị bệnh trầm cảm. Sở dĩ có bệnh trầm cảm là do nghĩ đến ta quá nhiều, nghiêng về ta quá nhiều. Chuyển lại, lo làm lợi ích cho người, nghĩ đến lợi ích người thì làm sao có trầm cảm! Cho nên, trong Phật pháp cũng có thuốc trị nhưng vì người không uống.
Như câu chuyện Cô Gái Xấu Xí. Có cô gái được sinh ra mang hình tướng xấu xí, mọi người đều chê. Cô buồn tủi nên nhảy xuống sông tự vẫn. Khi đó, có vị thầy tu vừa đi đến, thấy vậy liền hô to cho mọi người đến cứu cô. Sau khi được cứu, chẳng những cô không cám ơn mà còn trách vị thầy, cô nói:
- Tôi muốn chết, thầy còn cứu làm chi cho tôi khổ thêm.
Vị thầy từ tốn, dùng phương tiện khéo léo để an ủi cô, hỏi thăm vì sao cô phải khổ, phải tự vẫn. Cô kể lại việc từ khi mới sanh ra đã phải mang thân hình xấu xí, đi đến đâu mọi người cũng chê. Cô sống như thế không có niềm vui nên muốn chết. Vị thầy khéo léo khuyên bảo:
- Cô nên nhớ rằng, người sống trên đời đều có hai sinh mệnh: Một sinh mệnh luôn nghĩ về ta, hướng về ta, tất cả đều vì ta, sinh mệnh đó của cô vừa nhảy xuống sông chết rồi. Giờ đây, tôi cứu cô là sinh mệnh thứ hai, luôn nhớ đến người khác, nghĩ đến người khác, làm lợi ích cho người khác, sinh mệnh này đang sống với cô đây. Cô hãy cố gắng sống với sinh mệnh này, chớ nên nhớ sinh mệnh kia nữa.
Cô nghe xong thấy lòng cởi mở nên trở về nhà. Từ đó, cô thực hành lời thầy dạy, sống với sinh mệnh thường làm lợi ích cho mọi người, sẵn lòng giúp đỡ mọi người. Vậy nên, cô ngày càng được nhiều người thương mến. Mọi người khen cô có hạnh giúp người với tâm rộng rãi. Thời gian sau, cô thấy không còn buồn chán nữa, lúc nào cũng vui tươi. Lâu dần, thân hình cô cũng đổi dáng, bớt xấu, mọi người gọi cô là “Hạnh Thiện”. Về sau cô có gia đình, sống tốt đẹp.
Thường nghĩ đến việc giúp người nên quên ta lúc nào không hay, giúp người vui nên ta cũng vui, thành ra không còn trầm cảm. Đó là một bài học kinh nghiệm.
Còn thành đạo vốn ở nơi tâm, không phải ở hình thức bên ngoài, không phải do thí tiền, bởi thí tiền chỉ là xả của cải bên ngoài. Xả bên ngoài còn dễ, xả trong tâm là rất khó. Thành đạo là thành ở trong tâm, thế nên phải xả trong tâm mới thành được.
Nếu trong tâm không xả, tuy thí nhưng vẫn còn dính, đôi khi xả rồi vẫn còn tiếc, thế nên thí tiền vẫn còn sanh phiền não. Xả trong tâm mới thật sự hết phiền não, mới thành đạo được. Thế nhưng không phải bảo chỉ làm bên trong không làm bên ngoài, tu tập là phải dung thông cả ngoài lẫn trong mới viên mãn.
Bồ-đề chỉ nhằm tâm tìm,
Đâu nhọc hướng ngoại cầu huyền.
Bồ-đề phải tìm trong tâm, không thể hướng bên ngoài mà cầu. Hướng bên ngoài cầu, dù những nghĩa lý sâu xa mấy cũng chưa phải thật. Người mê không biết, hướng ra ngoài tâm tìm Bồ-đề càng tìm càng mê, không thấy được Bồ-đề. Bởi Bồ-đề là giác, tâm mới giác, ngoài tâm đi tìm giác thì không thể giác.
Ngoài tâm tìm nếu có giác thì đó là giác trong sách vở, trong chữ nghĩa. Nhưng giác đó làm sao chống lại với phiền não, sinh tử! Gặp phiền não, sinh tử là chịu thua. Người sáng suốt chân chánh phải phản tỉnh trở lại nơi tự tâm mới có Bồ-đề chân thật. Chính Đức Phật cũng từng nhọc nhằn đi tìm đạo từ vị thầy này đến vị thầy khác, học với các vị thầy lỗi lạc hiện thời vẫn thấy chưa đúng với chỗ mong cầu của Ngài. Cuối cùng, Ngài phải từ giã hết, đến dưới cội cây Tất-bát-la ngồi thiền định, tâm sáng lên mới thành đạo Vô thượng Bồ-đề. Thế nên đổi tên cây Tất-bát-la thành cây Bồ-đề. Rõ ràng Bồ-đề ngay trong tâm, không ở bên ngoài.
Cổ đức có bài kệ:
Tâm ta tâm Phật vốn không hai,
Nhiều kiếp nổi chìm bởi tại mê.
Bồ-đề tiếng Phạn, Đường gọi giác,
Tâm tịch mà tri ấy Bồ-đề.
Âm:
Ngã tâm bổn dữ Phật tâm tề,
Khoáng kiếp phiêu trầm chỉ vị mê.
Bồ-đề Phạn ngữ, Đường ngôn giác,
Tâm tịch nhi tri thị Bồ-đề.
Tâm ta tâm Phật vốn không có hai, nhưng người vì mê nên thấy chia ra thành cách biệt. Bồ-đề là dịch âm tiếng Phạn, Đường tức chữ Hán dịch là giác, cái gì giác? Ngay tâm lặng lẽ mà biết rõ ràng chính là Bồ-đề.
Như vua Trần Thái Tông lên núi gặp Quốc sư Phù Vân xin xuất gia tu hành. Quốc sư Phù Vân khuyên vua về triều cũng tu được. Ngài khai thị cho vua: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong tâm bệ hạ, nếu tâm bệ hạ lặng lẽ mà biết sáng suốt chính đó là Phật”.
Đây là yếu chỉ tu hành, tâm tịch mà tri, hay tri mà tịch. Tri là biết tất cả, không bỏ sót cái gì. Tịch là lặng lẽ tức lìa tất cả. “Biết tất cả mà lìa tất cả” chính là Bồ-đề. Chúng ta thì tri mà lăng xăng, vọng động, cho nên không phải Bồ-đề mà thành vọng tưởng, thức tình, biết cái gì dính cái đó, mất tịch. Khi tu, có lúc tịch nhưng thiếu tri, lặng lẽ nhưng thiếu sáng suốt, thiếu rõ biết nên thấy mờ mờ. Sống bên ngoài động nhiều, khi vào tu thì muốn yên, muốn nhập định, nhưng khi lặng lại thiếu tri thành ra lặng mà mê chìm ở bên tịch, gọi là si định, định mà không có trí tuệ. Biết rõ chỗ này thì tu hành không sai lệch.
Thế nên, không phải nhọc nhằn hướng ra bên ngoài chạy tìm những nghĩa lý sâu xa, nghĩa lý mầu nhiệm gì khác, ngay nơi mình đã đủ tất cả. Nhưng người không thấy được điều đó, thích những sự mầu nhiệm cao xa ở bên ngoài, chạy ra ngoài tìm nhọc nhằn mà không thấy được lý thật.
Nghe nói nương đây tu hành,
Thiên đường chỉ ngay trước mắt.
Lục Tổ tóm kết lại, người học phải khéo biết nghe và thực hành, đó là yếu chỉ hơn hết. Nghe, nương theo đó thực hành tu tập nơi tâm thì thấy thiên đường trước mắt, không phải tìm đâu xa. Nói nhiều mà không tu thì không thể đến. Nên có câu: “Diêm Vương chẳng sợ người nói nhiều”. Nói hay đến mấy, Diêm Vương cũng không sợ, khi chết gặp Diêm Vương cũng không còn nhớ mà nói.
Sư lại nói:
- Này thiện tri thức! Hết thảy cần nương bài kệ tu hành, thấy được tự tánh, liền thành Phật đạo. Pháp chẳng đợi nhau, mọi người hãy giải tán, tôi trở về Tào Khê, nếu ai có nghi ngờ hãy đến đó thưa hỏi.
Bấy giờ, Thích sử, quan liêu, thiện nam, tín nữ trong hội đều được tỏ ngộ, tin nhận vâng làm.
Lục Tổ dạy hãy nương theo đó thực sự tu hành, đừng chỉ nói trên miệng, thì thấy tánh thành Phật đạo không xa. Ngài nói rõ pháp ngay nơi chính mình, không phải trông đợi nơi nào khác, soi lại nơi tự tâm của chính mình thì thấy đủ trong đó. Đây là lời chân thật, chỉ thẳng của Lục Tổ. Sau đó Lục Tổ đi về Tào Khê, chùa Nam Hoa.
***
Các bài mới
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Phẩm 01 - NGỘ PHÁP TRUYỀN Y - 19/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược về Sự tích Lục Tổ Huệ Năng - 18/12/2019
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược Kinh Pháp Bảo Đàn và phần lưu truyền - 16/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ sáu: Huyết mạch luận - 16/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ năm: Ngộ tánh luận - 15/12/2019
Các bài đã đăng
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ tư: Pháp môn an tâm - 09/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ ba: Nhị chủng nhập - 21/11/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ hai: Phá tướng luận - 09/11/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ nhất: Tâm kinh tụng - 04/11/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Giới thiệu - 04/11/2019
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05151
- Online: 69