Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược về Sự tích Lục Tổ Huệ Năng
18/12/2019 | Lượt xem: 2416
Dịch giảng: TT.Thích Thông Phương
SƠ LƯỢC VỀ SỰ TÍCH LỤC TỔ HUỆ NĂNG
(Theo phần ngoại ký về duyên khởi)
Sư tên Huệ Năng, cha là Lư Hành Thao, mẹ họ Lý, sanh ra Sư vào đời Đường niên hiệu Trinh Quán thứ 12 (năm 638, thế kỷ VII), nhằm giờ Tý ngày mùng 8 tháng 2. Lúc ấy hào quang sáng chiếu thẳng lên bầu trời, mùi hương lạ đầy nhà. Sáng hôm sau có hai vị tăng lạ đến xin gặp người cha của Sư và nói với người cha:
- Đứa bé vừa sanh đêm qua, chính vì đặt tên nên mới đến đây. Xin hãy đặt tên là Huệ Năng.
Người cha hỏi:
- Sao gọi là Huệ Năng?
Hai vị tăng đáp:
- Huệ là đem pháp ban cho chúng sanh, Năng là hay làm việc Phật, nên gọi là Huệ Năng.
Nói xong, hai vị tăng liền đi ra cửa.
Sư không uống sữa mẹ, ban đêm được thần nhân đem cam lồ rót cho. Năm 20 tuổi, nghe kinh được ngộ đạo, qua Hoàng Mai cầu ấn khả. Ngũ Tổ gặp thầm nhận, trao y pháp khiến nối tiếp Tổ vị làm Tổ thứ sáu, bấy giờ là niên hiệu Long Sóc năm đầu đời Đường (năm 661).
Sau đó Sư trở về Nam ẩn náu 16 năm (có chỗ ghi 15 năm). Đến ngày mùng 8 tháng giêng năm đầu của niên hiệu Nghi Phụng (năm 676), gặp Pháp sư Ấn Tông gạn hỏi bàn về những nghĩa lý sâu xa, Ấn Tông khế ngộ ý chỉ của Sư. Ngày rằm tháng giêng, Ấn Tông họp cả bốn chúng làm lễ cạo tóc xuất gia cho Sư.
Đến ngày mùng 8 tháng 2 lại nhóm họp các bậc danh đức để truyền trao giới Cụ túc, Luật sư Trí Quang ở Tây Kinh làm Thầy truyền giới (tức làm Hòa thượng truyền giới), Luật sư Tuệ Tĩnh ở Tô Châu làm Yết-ma, Luật sư Thông Ứng ở Kinh Châu làm Giáo thọ, Luật sư Kỳ-đa-la ở Trung Thiên Trúc làm Thầy thuyết giới, Luật sư Mật-đa ở Tây Trúc làm Chứng giới.
Sư đến đây mới cạo tóc, thọ giới, rồi chỉ bày yếu chỉ của pháp cho bốn chúng gọi là pháp riêng truyền (pháp Thiền Tông gọi là pháp riêng truyền, truyền ngoài kinh điển, chữ nghĩa, tức là tâm truyền tâm).
Mùa xuân năm kế, Sư từ giã chúng về chùa Bảo Lâm. Khi đó Pháp sư Ấn Tông cùng với những hàng tăng tục hơn cả ngàn người đồng đưa tiễn Sư đi thẳng về Tào Khê. Lúc đó có Luật sư Thông Ứng ở Kinh Châu cùng với mấy trăm người tu học đồng đi theo về nương ở với Sư.
Sự ra đời của Lục Tổ có những điềm lạ khác thường. Ngài quả là nhục thân Bồ-tát, bậc Bồ-tát tái lai. Không biết chữ mà làm Tổ! Đây là trường hợp hy hữu, giờ không dễ tìm được người như vậy.
Trong thời gian 16 năm ẩn náu với nhóm thợ săn, Ngài ăn rau bên thịt, tức luộc rau trong nồi thịt. Đến khi ra chùa Pháp Tánh gặp lúc Pháp sư Ấn Tông giảng kinh Đại Niết Bàn, Tổ nghe hai vị tăng bàn luận về phướn động, gió động mới vì giải nói, nhân đó Pháp sư Ấn Tông gạn hỏi về nghĩa lý sâu xa, khế ngộ ý chỉ của Sư, rồi họp cả bốn chúng làm lễ cạo tóc xuất gia cho Sư. Như vậy khi Tổ được truyền y bát là còn cư sĩ, đó là sự đặc biệt. Sau đó Pháp sư Ấn Tông nhóm họp các bậc danh đức để truyền trao giới Cụ túc. Đến đây Ngài mới được thọ giới Cụ túc, chính thức trở thành bậc Tỳ-kheo xuất gia.
Giới đàn mà Lục Tổ thọ được sấm ký từ trước.
Ngài Tam Tạng Cầu-na-bạt-đà-la, người Trung Thiên Trúc qua Trung Hoa vào triều Lưu Tống (triều Lưu Tống do Lưu Dụ thành lập, tồn tại khoảng 420-479, trước Triều Tống sau này). Ngài Cầu-na-bạt-đà-la tại đây dựng lập giới đàn này và dựng bia ghi sấm ký: “Sau này sẽ có vị nhục thân Bồ-tát thọ giới tại đây.”
Một sấm ký khác:
Năm đầu niên hiệu Thiên Giám đời Lương, tức vua Lương Võ Đế (năm 502), Ngài Tam Tạng Trí Dược từ nước Tây Trúc đi thuyền vượt biển đến đây, mang theo một cây Bồ-đề trồng bên cạnh giới đàn, khắc lời dự ký: “170 năm sau có nhục thân Bồ-tát ở dưới cây này diễn bày pháp thượng thừa độ vô lượng chúng, là vị pháp chủ chân truyền tâm ấn Phật.”
Như vậy rõ ràng Lục Tổ không phải người thường, đây cũng là ý nghĩa để phát xuất kinh Pháp Bảo Đàn sau này. Lâu nay chúng ta nghe Pháp Bảo Đàn Kinh đôi khi không biết vì sao gọi như thế. Pháp Bảo Đàn Kinh, là từ nơi Giới đàn này diễn bày pháp bảo.
Lục Tổ ở Giới đàn này cạo tóc, thọ giới, diễn bày pháp truyền tâm, đúng với lời sấm ký trước kia. Từ thời Ngài Tam Tạng Trí Dược là đầu năm Thiên Giám (năm 502), đến khi Lục Tổ thọ giới đàn này là đầu năm Nghi Phụng (năm 676), cách nhau khoảng 174 năm, Ngài Trí Dược dự ghi 170 năm, là gần tương xứng, hợp với lời huyền ký trước.
Tổ từ chùa Pháp Tánh về chùa Bảo Lâm ở Tào Khê (ngày nay là chùa Nam Hoa), Luật sư Thông Ứng ở bên Luật, do cảm kích Lục Tổ nên cùng với mấy trăm người đồng học theo về nương ở với Lục Tổ.
Khi Lục Tổ về đến chùa Bảo Lâm Tào Khê, xem thấy phòng nhà ở đây chật hẹp không đủ chứa chúng, Ngài muốn mở rộng thêm nên đến gặp một người giàu trong làng tên Trần Á Tiên, Tổ nói:
- Lão Tăng đến thí chủ mong cho một tọa cụ đất có được chăng?
Trần Á Tiên hỏi:
- Tọa cụ của Hòa thượng rộng bao nhiêu?
Lục Tổ đưa tọa cụ ra, Trần Á Tiên thấy tọa cụ chỉ rộng vài tấc nên đồng ý cho đất.
Nhưng khi Lục Tổ trải tọa cụ ra thì trùm cả Tào Khê, có bốn vị Thiên Vương hiện thân ngồi trấn bốn phương (do sự tích này, ngày nay ở chùa Nam Hoa có ngọn núi gọi là ngọn Thiên Vương). Trần Á Tiên biết Lục Tổ là bậc đạo đức rất lớn nên cảm phục nói:
- Đã biết pháp lực của Hòa thượng rộng lớn, nhưng mộ phần của cao tổ tôi đều nằm trong đất này, ngày khác nếu có tạo tháp mong hãy giữ lại cho, ngoài ra tôi xin nguyện xả hết để mãi làm tự viện.
Ông nói thêm:
- Song đất này chính là đất sanh long bạch tượng lai mạch, chỉ có thể bình thiên mà không thể bình địa.
Về sau, khi xây dựng chùa đều làm đúng lời ông.
Bình thiên không bình địa nghĩa là bình trên trời không bình dưới đất. Khi xây cất thì ở chỗ cao nên làm thấp xuống, chỗ thấp nên nâng cao lên, chứ không san bằng hoặc đào khoét núi đá làm tổn thương những mạch núi.
Thường Sư hay đi dạo chơi trong khu vực vườn chùa, những nơi nào thấy cảnh trí non nước tốt đẹp liền dừng lại nghỉ ngơi. Những nơi Lục Tổ dừng lại sau làm thành mười ba nơi Lan Nhã, thuộc về chùa (nay gọi là Hoa Quả Viện).
Nguyên nơi đạo tràng Bảo Lâm, khi trước do Ngài Tam Tạng Trí Dược ở nước Tây Thiên Trúc, từ Nam Hải đi qua cửa Tào Khê, lấy tay vốc nước uống, cảm thấy thơm ngọt lạ thường, bèn bảo những môn đồ đi theo rằng:
- Nước này không khác gì nước ở Tây Thiên, ở trên nguồn suối này hẳn là có nơi thắng địa đáng là nơi tu hành.
Ngài lần theo dòng suối đi lên đến tận nguồn, nhìn khắp bốn phía thấy núi non xoay quanh, ngọn này liền với ngọn kia, Ngài khen:
- Không khác gì núi Bảo Lâm ở Tây Thiên.
Ngài xuống gặp dân chúng ở thôn Tào Hầu, nói rằng:
- Hãy nên dựng một ngôi chùa ở núi này, 170 năm sau sẽ có Vô Thượng Pháp Bảo chuyển hóa ở nơi đây, người được đạo như rừng nên lấy tên là Bảo Lâm (rừng báu).
Quan Mục Thiều Châu thuở ấy là Hầu Kính Trung đem lời của Ngài Trí Dược soạn biểu tâu lên vua (tức vua Lương Võ Đế, được gọi là vua Phật vì rất ủng hộ Phật pháp, cũng thường giảng kinh. Trong tư liệu ghi “có lần vua giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã được trời mưa hoa, mưa cam lồ”). Vua thuận theo lời xin, ban cho hiệu là Bảo Lâm, thành ngôi chùa Phật. Việc ấy khởi đầu từ năm Thiên Giám thứ ba triều Lương (năm 504).
Trước chánh điện chùa có cái đầm lớn, có con rồng ẩn hiện quấy động cây rừng. Một hôm con rồng này hiện hình rất lớn làm sóng dậy ầm ầm, mây mù che mờ mịt, làm đồ chúng rất sợ. Lục Tổ quở to:
- Ngươi chỉ giỏi hiện thân lớn mà chẳng hay hiện thân nhỏ, nếu là rồng thần thì phải hay biến hóa, từ nhỏ hiện lớn được, từ lớn cũng hiện nhỏ được.
Ngài nói xong, rồng lặn mất, thoắt hiện thân nhỏ lại nhảy ra trước mặt đầm. Lục Tổ mở cái bát ra thách nó:
- Ngươi có dám vào trong bát của Lão Tăng này không?
Nó liền hăm hở bơi tới trước bát, Lục Tổ lấy cái bát úp lại, con rồng chẳng cựa quậy gì được nữa. Lục Tổ cầm bát trở về chùa, vì rồng nói pháp. Rồng lột xác đi để lại bộ xương dài bảy tấc (tấc Tàu), đầu, đuôi, sừng, chân đều đủ cả, vẫn để ở chùa, đến thời Nguyên bị thất lạc vì chiến tranh. Về sau, Lục Tổ cho đem đất đá lấp cái đầm đó.
Cuộc đời của Lục Tổ Huệ Năng có những điểm đặc biệt vượt hơn những người thường. Dù rằng Ngài còn trẻ, ở nhà quê, là cư sĩ, lại không biết chữ, mà được truyền y bát làm Tổ cả một dòng Thiền lớn. Cho nên nhiều người không chấp nhận. Trong tư liệu ghi lại, ngay những hàng đệ tử môn đồ của Ngài Thần Tú cũng chê, nói: “Tổ sư miền Nam không biết chữ có gì là quý!”, nhưng Ngài Thần Tú nói: “Vị ấy được trí vô sư, lại được chính Ngũ Tổ truyền y bát, chuyện đó không phải tầm thường”. Ngài Thần Tú hiểu được nhưng đệ tử của Ngài không chấp nhận được.
Cũng vì vậy, khi Lục Tổ tịch đã để lại nhục thân cho mọi người đầy đủ niềm tin. Nhục thân của Ngài đến nay vẫn còn, nếu không thì có lẽ ngày nay cũng còn nhiều người xuyên tạc.
Đó là nói qua về nhân duyên của Lục Tổ từ khi ra đời cho đến khi về ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê.
***
Các bài mới
- Kinh Pháp Bảo Đàn - Tào Khê Nguyên Bản giảng ký: Sơ lược Kinh Pháp Bảo Đàn và phần lưu truyền - 16/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ sáu: Huyết mạch luận - 16/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ năm: Ngộ tánh luận - 15/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ tư: Pháp môn an tâm - 09/12/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ ba: Nhị chủng nhập - 21/11/2019
Các bài đã đăng
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ hai: Phá tướng luận - 09/11/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Cửa thứ nhất: Tâm kinh tụng - 04/11/2019
- Sáu cửa vào động thiếu thất - Giới thiệu - 04/11/2019
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Mười THỎNG TAY VÀO CHỢ - 17/02/2019
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Chín TRỞ VỀ NGUỒN CỘI - 17/02/2019
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05178
- Online: 15