KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 2)
04/06/2017 | Lượt xem: 3982
HT.Thích Phước Tú giảng tại Chùa Giác Thiên
Giờ chúng ta đi vào văn kinh của từng đoạn.
Đoạn 1:
Quán Tự Tại Bồ Tát
Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời
Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG
Độ nhứt thiết khổ ách.
Dịch:
Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi thấm nhuần Bát Nhã Ba La Mật Đa
Soi thấy Năm Uẩn đều KHÔNG
Qua được tất cả ách khổ.
Chúng ta nhớ kinh này là thể văn kệ, nên lưu ý không phải viết theo thể văn xuôi, mà viết theo văn kệ có từng câu.
Trước hết, ở đây nêu lên một nhân vật là Bồ Tát Quán Tự Tại, khi Ngài hành thâm pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa tức là thực hành một cách nhuần nhuyễn, coi như là thuộc làu về pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa thì ngài soi thấy Năm Uẩn đều KHÔNG và qua được tất cả khổ nạn.
BỒ TÁT: Là tiếng rút gọn của cụm từ Bồ Đề Tát Đỏa, mà nguyên ngữ Phạn là Bodhisattva. Bồ Tát có nghĩa là Hữu tình giác hay Giác hữu tình. Ở đây là loài Hữu tình có sự giác ngộ và giác ngộ cái gì? – Giác ngộ pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.
“Giác” theo nghĩa Việt Nam gọi là “Hay ra” hay “Biết ra”. Tiếng Hán gọi là Giác hay Ngộ.
Giác là hay ra một sự thật đã sẵn. Như chúng ta có Trí Huệ Bát Nhã mà chúng ta không biết, giờ hay ra cái Trí Huệ Bát Nhã – cái Năng Lực Sống 24/24 giờ đó gọi là chúng ta giác ngộ. Người giác ngộ được cái Trí Huệ Bát Nhã đó, giác ngộ được cái Tâm cái Tánh rồi đem sự giác ngộ, sự hiểu biết của mình để giúp người khác cũng được giác ngộ gọi là Giác hữu tình.
Như vậy một Bồ Tát phải đủ hai điều là Tự giác và Giác tha. Giống như một người dốt mà bây giờ biết chữ, rồi đem cái biết chữ này dạy cho người dốt khác cũng được biết chữ, thì việc làm được cả hai mặt lợi ích cho mình và người đó là việc làm của một Bồ Tát. Một Bồ Tát là người có năng lực sống đặc biệt, có sự chịu đựng và sự dũng mãnh vì theo chữ Sattva… là nói lên về sức sống mãnh liệt dũng kiện ở trong cuộc đời, tức là đi vào cuộc đời, để cứu khổ chúng sanh mà không ngại gian lao, không từ khó nhọc.
Nhớ rằng một Bồ Tát khi giác ngộ được gọi là Trí và đem sự giác ngộ đó để giáo hóa để độ chúng sanh gọi là Hạnh. Như vậy một Bồ Tát phải đủ hai thứ Trí và Hạnh. Nhiều khi chúng ta hiểu lầm về từ ngữ Bồ Tát rồi chúng ta sử dụng lầm về hành vi của Bồ Tát. Cho người cơm áo gạo tiền rất nhiều nhưng chưa có Trí Bát Nhã Ba La Mật Đa thì vẫn chưa gọi là Bồ Tát thực thụ. Chỉ có lòng Bồ Tát mà chưa có Trí Bồ Tát thì chưa chính thức là Bồ Tát.
Bồ Tát phải có Trí dẫn đầu rồi mới khởi công hạnh độ chúng sanh. Đừng lầm cho mình là Bồ Tát khi thấy mình có lòng dạ tốt với người, dựa vào sự hiểu biết như vậy coi chừng trở thành “tác oai tác quái” là một sự tác tệ. Giống như một bác sĩ nhãn khoa muốn mổ mắt cho người thì phải tốt nghiệp trường nhãn khoa, còn không có chuyên môn là làm mù mắt người, là hại người. Đó là phá hoại chứ không tốt gì hết. Phải từ năng lực Trí Huệ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa ứng dụng vào đời để cứu khổ chúng sanh, chứ không phải giác ngộ những chuyện thông thường trong cuộc sống. Có lòng tốt không chưa đủ mà phải có Trí Huệ tốt nữa, nên muốn làm Bồ Tát thì chúng ta phải đào luyện mình cho đầy đủ tiêu chuẩn, còn chưa đủ tiêu chuẩn mà làm Bồ Tát thì nguy hiểm cho mình và người lắm. Phải cẩn thận! Vị Bồ Tát ở đây có tên là Quán Tự Tại.
QUÁN TỰ TẠI: Tên này được dịch từ tiếng Phạn là: AVALOKITÉVARA. Đây là tân dịch (đời Đường), cựu dịch là Quán Thế Âm.
Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại cũng là một người. Nhưng với nghĩa Trí, tiêu biểu cho Trí thì dịch là Quán Tự Tại. Tiêu biểu cho Hạnh (Từ Bi) thì dịch là Quán Thế Âm. Đó cũng là tùy theo dấu nhấn trước hoặc sau của chữ (tiếp đầu ngữ hay tiếp vĩ ngữ). Vị Bồ Tát này người Việt Nam ta thường gọi là: Bồ Tát Quan Âm.
Quán Tự Tại là người có cái nhìn thật giải thoát, không còn bị cái gì cản trở che ngăn nữa. Đó là cái nhìn xuyên thấu Năm Uẩn, thấy rõ Tánh thật của Năm Uẩn đều là KHÔNG. Thấy rõ như vậy nên qua được tất cả khổ do Ngũ Uẩn gây nên. Đó là cái nhìn tự tại.
Đây là một vị Bồ Tát lớn là Bồ Tát Ma ha tát, là Bồ Tát thâm niên đã thể hội pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa. Ngài đã hành thâm Bát Nhã tức là Ngài thực hành pháp Bát Nhã này rất là sâu xa.
Hành thâm tức là thực hành pháp tu một cách nhuần nhuyễn, như trong một ngày một đêm 24 giờ đồng hồ thì Bồ Tát phải thực hiện 24/24 đó gọi là hành thâm, chứ không có nghĩa là hành sâu. Hành sâu hay hành cạn chúng ta không quan tâm, cỡ nào gọi là sâu, cỡ nào gọi là cạn? - Ở đây gọi là hành thâm thì phải suốt 24/24 giờ, tức là cả ngày đêm đều không rời pháp Bát Nhã. Đây là một công phu rất là khó khăn, như chúng ta ngồi thiền một đến hai tiếng đồng hồ cũng giỏi lắm rồi, nhưng so với 24 tiếng đồng hồ thì chưa thấm vào đâu. Nên muốn thực hành pháp Bát Nhã 24/24 giờ không phải là chuyện dễ, một đời này chưa hẳn là thực hành được mà phải nhiều đời nhiều kiếp. Chúng ta phải ngộ pháp Bát Nhã rồi sống bằng pháp Bát Nhã, thì mới có năng lực có thể sống 24/24 giờ, còn chúng ta chưa ngộ pháp Bát Nhã mà muốn sống cho thanh tịnh suốt 24/24 giờ thì không bao giờ được.
Ở đây nói là khi Bồ Tát thực hành một cách nhuần nhuyễn về pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa thì Ngài “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG”. Chiếu kiến tức là soi thấy Năm Uẩn đều là KHÔNG, là Rỗng thì qua tất cả nạn khổ trong cuộc sống này. Giờ chúng ta nói qua về Ngũ Uẩn.
NGŨ UẨN: Là Năm Uẩn. Uẩn có nghĩa là nhóm hợp lại, kết hợp lại. Năm món nhóm hợp lại làm thành đời sống thân người, thân sinh vật. (Ngũ Uẩn còn gọi là Ngũ Ấm hay Ngũ Cái)
Năm món là: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Sắc: Thân xác thịt, phần vật chất thuần túy, vật chất thô, cân đo được. Nặng bao nhiêu ký, cao bao nhiêu mét. Đây là phần do Đất, Nước, Gió, Lửa hợp thành gọi là Tứ đại. Chất cứng: xương, thịt, gân, lông, tóc, móng là đất. Chất lỏng: nước miếng, nước tiểu, máu là nước. Hơi thở ra vào là gió. Nhiệt độ, hơi ấm, năng lượng là lửa.
Chúng ta nên xác định Sắc ở bài kinh này là Tứ đại, là một phần của Năm Uẩn, chỉ cho thân xác thịt của mình thôi chứ không phải cảnh sắc. Phải lưu ý.
Thọ: Cảm giác, phần vật chất tinh vi, thuộc hệ thần kinh.
Ngày xưa, người ta không hiểu Thọ này là phần vật chất tinh vi mà cho Thọ thuộc về tinh thần. Bây giờ khoa học đã khám phá ra, Thọ hay cảm giác nó là vật chất tinh vi, là hệ thần kinh và được hình thành bởi vô số tế bào, mắt thường không thể thấy mà phải nhìn bằng kính hiển vi.
(Khi nào chữ Thọ đứng riêng một mình mới có thể là tinh thần. Thọ đó có Thọ khổ, Thọ vui, Thọ không khổ không vui.)
Tưởng: Tư tưởng, nghĩ ngợi, tưởng tượng, thuộc phần sinh hoạt tinh thần cơ bản. Để có nghĩ ngợi thì phải có khởi niệm, có khởi ý trong lòng.
Hành: Sự vận chuyển lan man trong tâm ý. Sự chuyển Niệm thành dòng tư tưởng, thành ý nghĩ.
Có chỗ cho rằng Hành là hành động thì không phải. Chúng ta có ý nghĩ và ý nghĩ không đứng yên, từ cái niệm này nó chuyển sang cái niệm khác để thành một dòng tư tưởng gọi là Hành uẩn. Đây như sự chuyển vận của cuồn phim.
Thức: Sự phân biệt để có hiểu biết. Đây là đời sống tinh thần cao cấp. Vừa hiểu biết ngay trong tâm tưởng, ý nghĩ lại vừa hiểu biết cả ngoại cảnh, qua sự cảm nhận của 6 giác quan (6 căn). Niệm phân biệt để có là cái này, cái kia là tốt là xấu, là thương, là ghét… có ra Tham Sân…
Năm món này hợp lại để thành ra sinh hoạt của con người, của sinh vật. Năm món này gồm cả xác thịt và tinh thần, tạo thành tấm thân sống động, là thân sống. (Thân chết không gọi là 5 uẩn, chỉ có một Sắc uẩn mà thôi).
Nhưng năm món này lại là thành trì ngăn che làm con người, chúng sanh bị u tối, bị mê mờ. Do mê lầm mà sanh ra nhiều tội lỗi và rước lấy khổ đau. Thế nên năm món này có tên là Ngũ Ấm. (Ấm là ngăn che). Ngũ Ấm là năm món ngăn che.
Ngũ Uẩn thì diễn lên hình thức (5 món hợp lại).
Ngũ Ấm thì diễn lên cái nghĩa chính để có khổ (5 món ngăn che). Với hai từ này ta có thể gom lại để hiểu thì trọn vẹn hơn.
Năm món: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này kết hợp lại để thành ra tấm thân có sinh hoạt. Nhưng chính năm món này là tường vách, thành lũy, màn tối ngăn che khiến có mắt như mù, mà thấy lầm, làm sai, thành có điều ác tạo nên tội lỗi mà phải chịu đau khổ.
Thế nên khi nói đến tấm thân Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm, cũng là nói lên sự đau khổ cho con người, cho chúng sanh thôi. Còn bám chấp 5 món, chưa thấy đúng về chúng thì còn đau khổ. (Đối với thân Phật không gọi là Uẩn, Ấm)
Đối với năm món này mà thấy mỗi món đều là thiệt, là ta, là mình thì là khổ thôi (vì thấy lầm). Hay đối với tất cả 5 món mà thấy gom lại là mình, là thật mình. Thân xác ta và tinh thần ta (tâm ý) đều là thiệt, là ta, là thật ta là thấy lầm). Đó là không biết rằng: Thân ta nào phải là ta, tinh thần (tâm ý) nào phải là mình.
Thấy lầm về năm món này thì đây là Vô minh vậy. Từ Vô minh mà dấy Nghiệp thì vô số điều ác (Tham – Sân – Si v.v…) dấy sinh làm khổ mình khổ người, khổ sinh linh biết bao cùng.
Khổ với mình vì mình là khổ chính, vì năm món này, nếu chấp bám thì nó cứ lẫy lừng mãi. Nó như lửa bốc lên đốt cháy mình, khổ biết nhường nào, khổ như ở trong nhà lửa. Vì thế nên có tên gọi là: Ngũ Ấm xí thạnh khổ (cái khổ vì 5 Ấm hừng hực đốt cháy).
Chúng ta khổ là vì có năm món này chứ không phải do tại trời, quỉ thần, không phải tại tuổi tác, ngày sanh tháng đẻ, sao xấu làm cho mình khổ mà tất cả những cái khổ đều do mình chấp vào cái thân Năm Ấm này, đó là cái chung nhất và nó không mang tính tôn giáo gì hết. Hễ người nào có chấp năm thứ này là nhất định có khổ dù là đạo Phật hay không đạo Phật.
Như chúng ta chấp vào Sắc uẩn, lo cho tấm thân của mình, là phải lo ăn, lo uống, lo mặc, lo sinh hoạt, nên chúng ta phải tranh sống tranh chết để lo cho tấm thân của mình là đã khổ nhừ chưa?
“Có thân nên khổ vì thân”. Người xưa đã nói như vậy và bây giờ chúng ta cũng thấy như vậy.
Chấp vào thân nên có khổ, rồi ở trên thân chấp vào cái Thọ, tức là chấp vào những cảm giác, phục vụ cho những cảm giác của mình ở nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Để phục vụ cho những cảm giác đó chúng ta phải cực trần thân, phải dang thân ra để tạo lấy những điều kiện phục vụ tốt nhất cho những bộ phận đó. Phục vụ cho cái Thọ, từ đó mà nó tạo nên vấn đề kinh tế và từ kinh tế làm cho người ta rất là vất vả khổ sở. Người ta nói rằng “vạn sự chỉ ư kinh tế” thật ra kinh tế tiền bạc cũng nhằm phục vụ cho các giác quan của mình, phục vụ từ đủ cho tới dư thừa cho nên mới khổ dữ dội như vậy.
Rồi phục vụ cho những ý nghĩ, ý tưởng của mình. Người ta nói “dám nghĩ dám làm” thì sẽ làm được và sẽ thành công trên mọi mặt, nhưng chính cái nghĩ đó làm cho chúng ta nhức đầu, làm cho chúng ta bất an, làm cho chúng ta vất vả, mà khi tâm mình bất an thì có gì xảy ra? – Tâm bất an là có khổ xảy ra và cái khổ đó bây giờ người ta ghi nhận được ở máy đo tension, máy đo nhịp tim. Khi tâm mình bất an thì tension lên, bị nhồi máu cơ tim…đó là cái khổ một cách cụ thể và rõ ràng có thể ghi nhận được chứ không phải chỉ có nói mà thôi. Nên sinh hoạt thân và tâm của mình bất ổn thì đó là cái sinh hoạt đau khổ.
Nếu chúng ta sống bằng Năm Uẩn hay Năm Ấm thì nhất định chúng ta có khổ thôi và cái thân Năm Ấm của mình người xưa nói đó là cái nhà lửa. Giống như cái lò gạch vậy nó làm cho chúng ta không yên, cộng thêm sự hành hạ của sanh già bệnh chết thì thật là không dễ chịu chút nào. Thân xác và tinh thần trở nên quằn quại thì quả là khổ khổ và từ cái khổ khổ đó, đi đến cái hoại khổ, trở thành tử vong.
Như vậy, chúng ta thấy rõ cái gốc khổ của mình là do chấp vào tấm thân Năm Uẩn. Có tấm thân này mới bị người khác hành hạ đánh đập làm cho mình khổ rồi những con vật như cọp beo, rắn rít, muỗi mòng cũng làm mình khổ. Ma quỉ, thần thánh đến thiên nhiên, giông bão, thời tiết …cũng làm cho mình khổ. Có tất cả những cái khổ là do đâu? Do chúng ta chấp vào tấm thân Năm Uẩn mà thôi.
Cái gốc khổ là vì chấp vào Năm Uẩn này, mà chúng ta lại đi theo những chuyện giải khổ bằng cách cúng sao cúng hạn, xem ngày bói toán… thì như vậy có đúng không? Đó là mê tín hoang đường.
Nhà Phật không có dạy những điều đó, chỉ dạy mình làm sao “Chiếu kiến Ngũ Uẩn” thấy rõ Ngũ Uẩn này là không thật. Chỗ đó mới là quan trọng và khi chúng ta giải quyết được thân Ngũ Uẩn này, thấy nó là không thật thì chúng ta mới có thể qua được tất cả những khổ nạn. Từ cái chuẩn này chúng ta hiểu, mới thấy Đức Phật chỉ dạy mình làm sao có Trí Huệ, chứ Đức Phật không dạy mình ngu si. Nếu mình cứ chấp vào những điều mê tín hoang đường, đó là mình không có Trí Huệ, là mình ở bờ bên này tức là ở bờ khổ đau mà không sang được bờ bên kia.
Trong khi chùa nào cũng tụng kinh Bát Nhã hết, nhưng lại ít có chùa thực hành pháp Bát Nhã, không chịu thực hành pháp Trí Huệ, chỉ đi theo đường lối của thế gian, của những cái mê tín hoang đường thì thật là đáng tiếc.
Cho nên chúng ta cần phải hiểu cho thấu đáo về nguồn gốc của cái khổ. Do chấp vào thân Ngũ Uẩn mà trở thành có Năm Ấm, trở thành sự ngăn che, để rồi chúng ta mất hết sự sáng suốt, hành động trong sự tối tăm, từ đó tạo nên nghiệp bất thiện và từ nghiệp bất thiện làm chúng ta đau khổ, đó là cái chính xác nhất. Hiểu về điều này để trừ đi những cái mê tín hoang đường ở trong cuộc sống và làm trong sạch hóa về Phật pháp.
Với năm món Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này, dính mắc vào một món nào cũng có sự khổ đau xảy ra. Như vậy chúng ta phải tu làm sao để thấy rõ về năm món này, sự thật như thế nào phải thấy rõ như thế ấy mới là có Trí Huệ, giả phải thấy là giả, thấy rõ ràng đúng sự thật là có Trí Huệ. Chúng ta tu theo Đạo Phật là để có Trí Huệ vì Đạo Phật được mệnh danh là đạo của Trí Huệ chứ không phải đạo của si mê.
Từ chỗ chấp về Năm Uẩn này mới có sinh ra 10 điều ác là Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Thân kiến, Biên kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Tà kiến…và 10 điều ác đó là 10 nguyên nhân để sinh nên đau khổ. Ai có 10 điều ác thì nhất định có đau khổ.
Với năm món này nếu chấp bám vào thì nó lẫy lừng mãi nên gọi là Ngũ Ấm xí thạnh khổ, khổ vì Năm Ấm hừng hực đốt cháy. Như vậy rõ ràng Năm Ấm là nhà lửa. Chúng ta đành ở trong nhà lửa mà lo chơi lo vui, lo tranh giành thế này, thế nọ thì hết sức là tội nghiệp cho chúng ta.
Ngũ Uẩn, Ngũ Ấm quả thật là nhà lửa, là chốn khổ, sớm hay ra để bước ra. Hãy như Bồ Tát Quán Tự Tại thì mới mong thoát được.
Ngài “quán chiếu” như thế nào mà được “tự tại”? Đây là vấn đề chính.
Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG
Độ nhứt thiết khổ ách.
CHỮ KHÔNG
“Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG” là “Soi thấy Năm Uẩn đều KHÔNG”.
Bây giờ chúng ta nói về từ ngữ KHÔNG, là một chữ rất là quan trọng mà thường chúng ta đã hiểu không đúng, viết không đúng.
Chúng ta cứ ngỡ rằng chữ KHÔNG này viết “không” thường thôi là đủ rồi, nhưng các vị nhớ cho viết “không” thường là sai.
Kinh Bát Nhã chữ KHÔNG là chữ quan trọng nhất. Coi như cả bài kinh Bát Nhã chỉ là một chữ KHÔNG thôi, mà chúng ta hiểu lầm chữ KHÔNG này coi như là chúng ta phá sản về bài kinh Bát Nhã.
Người Việt Nam ta nói cửa chùa là cửa không, thì chữ không này phải viết như thế nào? Chữ hoa hay chữ thường? – Dĩ nhiên là phải viết hoa: Cửa KHÔNG (chữ KHÔNG này hông thể viết chữ “không” thường)
KHÔNG
KHÔNG: có nghĩa rỗng, rỗng không. Đây là một danh từ (không phải là tĩnh từ) và là danh từ riêng, chỉ riêng cho một cõi, một cảnh giới đặc biệt ở ngay nơi lòng. Một cảnh giới Tâm linh siêu việt nhất. KHÔNG là Tánh của TÂM. Vì vậy chữ Không ở đây phải được viết hoa in: KHÔNG.
Chữ KHÔNG theo tiếng Anh là Emptiness (không phải No hay Not). Theo tiếng Pháp là Le vide (không phải non, ne…pas). Theo tiếng Việt là Rỗng (chẳng phải là hông, hổng).
KHÔNG là Tánh, là cái hông thay hông đổi. Vậy mà chúng ta thường hay lầm “Tánh tôi là hay Sân” hay “Tánh tôi là hay Tham”. Chúng ta thường cho rằng Tánh mình hông có thay đổi, gặp tham thì tham, gặp sân thì sân. Nhưng thật sự cái tánh hay Tham, hay Sân đó vẫn thay đổi chứ hông phải hông thay đổi.
Như thuở con nít mình hay tham ăn, nhưng lớn đi tu biết đạo lý rồi thì hông tham ăn nữa, nó có thay đổi thì đó là cái nết. Tánh đó là “tánh nết” còn cái Tánh thật sự của mình là cái hông thay hông đổi. Khi chưa đi tu cũng vậy, đi tu rồi cũng vậy, nhỏ cũng vậy già cũng vậy. Khi sống và khi chết cũng hông thay đổi thì mới gọi là Tánh.
Giống như tấm gương khi nó lành hay bể, khi bỏ dưới đất hay quăng đâu đó, thì cái trong suốt cũng hông mất, hông thay đổi, đó mới gọi là Tánh của gương.
KHÔNG là nghĩa của TÂM Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. TÂM đó Tánh đó, ở người và thánh hông khác, khi là phàm phu chai và khi thành Phật, thành Tổ thì cũng vậy hông thay đổi. TÂM đó gọi là Bổn TÂM, Tánh đó gọi là Bổn Tánh.
Nhớ rằng, TÂM Bản thể là Tâm hông thay hông đổi. Còn tâm hiện tượng thì có thay đổi lúc vầy lúc khác và trong tâm hiện tượng có Tham Sân Si các cái để sanh ra phiền não. Tâm hiện tượng dẫn mình đi trong luân hồi lục đạo, còn TÂM Bản thể là cái TÂM nhất như. TÂM này hông bị luân hồi trong lục đạo. Nên đây là một cái TÂM rất là đặc biệt và KHÔNG này đã xác định cho cõi TÂM là rỗng sáng, trùm chứa, bất động, hông bao giờ thay đổi, nên được gọi là Tánh – TÁNH KHÔNG.
Nhiều người đã lầm về chữ KHÔNG này rất nhiều. Cho KHÔNG là không có, hổng có một cái gì đó hay là không không, một thứ không ngơ không ngớt. Nó không phải là thứ không không, không phải là 20 thứ không mà Vĩnh Gia Huyền Giác đã nói: “Hai chục cửa không nguyên chẳng chấp”. Đây phải là cái Chơn Không, là cái KHÔNG chơn thật đó.
Những người tu theo đạo Phật và đi vào Bát Nhã rất dễ lầm về chữ KHÔNG. Nhất là những người tu Thiền mà không có cơ sở vững vàng thì rất dễ lầm về chữ KHÔNG, nên bị người ta nói rằng người tu Thiền hay chấp vào không. Nhưng thật sự người không biết tu Thiền mới chấp vào cái không, còn người tu Thiền chánh tông thì họ hiểu rất đúng về nghĩa KHÔNG, về Chơn Không.
Do vì hiểu hông đúng nên mới trở thành chấp “không”. Cho KHÔNG là không ngơ không ngớt, là không có cái gì hết rồi sống tùy ý, thích sao thì sống vậy. Không có thiên đường cũng không có địa ngục, không có trời cũng không có Phật, cái gì cũng “không” hết. Hiểu như vậy sống như vậy, nên vô tình làm nên tội lỗi, họ sống như vậy là sống bằng Thức uẩn mà họ hông hay, họ đang dính mắc vào Ngũ Uẩn mà họ hông biết.
Nên cái KHÔNG này cần phải hiểu cho chính xác và đừng bao giờ nói là “hổng có”. Như hư không là có hay hông có? – Phải nói là có và là cái có thật nhất trong thế gian này. Nhưng trong hư không thì không có gì trong đó hết vì nó vốn là Rỗng. KHÔNG này nó cũng có nghĩa như hư không vậy.
KHÔNG ở đây nói cho rõ là cảnh giới vắng lặng bằn bặt suốt soi ngay nơi Tâm và Tâm này là Tâm Bản Thể nơi lòng người, lòng chúng sanh hữu tình. Đây được gọi là cảnh giới Chơn Không. Một thứ cảnh giới dứt bặt cảnh giới, không gì là cảnh là cõi, chỉ là rỗng là KHÔNG.
KHÔNG này là cái thật nhất. Chỉ có TÁNH KHÔNG này là thật thôi, ngoài ra trên đời này chẳng có gì là thật cả. Như cái thân mình thấy là thật, mình rờ được nhưng kỳ thật nó là giả, là cái rất mong manh. Ngay cả những suy nghĩ tính toán, tư tưởng cũng đều không thật, nó chỉ là những bóng ảnh trong đầu, là giả có như bóng trong gương, trăng đáy nước, mây trên trời thôi. Tất cả rồi cũng tan biến hông có gì thật hết.
Trong khi cái KHÔNG này có nơi mình 24/24 giờ, dù mình có vọng tưởng đầy đầu đi nữa thì cái KHÔNG này cũng hông bao giờ mất. Nên những người điên, đầu óc của họ lu bu rối bời, nhưng khi họ hết điên rồi thì họ vẫn phục hồi như thường, vì cái KHÔNG này hông mất ở người điên. Điên là chuyện của tâm ý, của thần kinh chứ không phải của TÂM thể.
Nếu nói về sự tương quan giữa Tánh KHÔNG và thân Ngũ Uẩn, thì thân Ngũ Uẩn có mất, có chết đi, nhưng Tánh KHÔNG thì không mất. Tánh KHÔNG hông mất, nên mới có chuyện đầu thai lại để thành ra một con người khác hay thành ra Trời, Atula, Ngạ quỷ, Súc sanh. Đó là do năng lực Tánh KHÔNG không mất, nhưng vì chúng ta tạo Nghiệp và tùy theo Nghiệp đã tạo, mà sanh lại cái thân Ngũ Uẩn khác và như vậy tạo nên luân hồi.
Giống như hư không không mất, nên đám mây hình con chó tan, biến ra hình ông tiên, mây hình ông tiên biến ra hình con rồng, rồi trở thành hình con chó. Như vậy, mây luân hồi không phải vì có mây, mà vì có hư không không mất. Do có cái hông mất, nên mới có sự luân hồi theo đó. Khi hiểu được điều này thì chúng ta mới xác định luân hồi là sự thật, chứ hông phải là một sự tưởng tượng.
Luân hồi là sự thật vì có Tánh KHÔNG hông mất, vì có cái TÂM thể hông bao giờ mất.
Nhưng rất tiếc chúng ta không ngộ được TÂM thể, hông ngộ được Tánh KHÔNG, lại sống bằng sự vọng động của ý thức tạo thành Nghiệp, tức là mình còn lẩn quẩn trong cái Ngũ Uẩn. Và từ cái chấp vào Ngũ Uẩn mà không thấy Tánh KHÔNG nên mới thành ra sự luân hồi. Vì vậy, đừng cho Đạo Phật nói luân hồi là hù nhát con người mà luân hồi là sự thật.
Tánh KHÔNG là một năng lực rất là kỳ diệu ở ngay trong cuộc sống của chúng ta, mà chúng ta lại hông biết gì đến.
Cái KHÔNG này thật là vậy, nhưng là rỗng, vì rỗng nên hông có cái gì trong đó cả, hông có 5 Uẩn, nên 5 Uẩn trở thành hông. Cái KHÔNG này trong đó hông có văn tự, chữ nghĩa, ngôn ngữ, lời lẽ. Cả chữ KHÔNG, tiếng KHÔNG cũng hông có trong đó, cho đến bài kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa cũng không có trong chân trời này.
Nghĩa KHÔNG như vậy nên với nghĩa là “hông có”, “hổng có” rất là phụ thuộc, là “thứ” chứ hông phải là chính.
Tuy KHÔNG, rỗng mà có khả năng dung chứa vô bờ, bao hàm cả vạn vật, cả đất trời. Vì thế được gọi là Ma ha, là Đại, là to lớn v.v…(Do rỗng mà chứa được nhiều).
Nếu chỉ hiểu Ma ha là Rỗng, là lớn thôi thì chưa phải, chưa đủ. Nhỏ thì nhỏ tự mảy may cỡ đầu mũi kim, lớn thì lớn cả thế gian này, nên nghĩa Ma ha là nghĩa trùm chứa. Nó diệu mầu như vậy chứ hông phải chỉ có kích thước to lớn mà thôi và nghĩa Ma ha này rộng lớn đến độ không có ranh giới, hông có giới hạn.
Ông Ngô Thừa Ân đã rất hiểu về chữ KHÔNG này khi ông đặt tên nhân vật Tôn Ngộ “Không”. Từ một con khỉ đá Mỹ Hầu Vương, được tiên trưởng Tu Bồ Đề khai thị và đặt tên cho là Ngộ Không.
Tiên trưởng Tu Bồ Đề là ai? – Là đệ tử Phật là người giỏi nhất về Tánh KHÔNG (kinh Kim Cang). Nên nhân vật Tu Bồ Đề tạo thành đó là Tôn Ngộ Không và khi đã dạy Đạo cho Tôn Ngộ Không rồi thì dặn Tôn Ngộ Không rằng: “Cấm ngươi hông được nói là đệ tử của ta”.
Như vậy, Tu Bồ Đề tức là nguồn mạch của Tánh KHÔNG, vốn hông có tên họ tuổi tác, hông hình dung tướng mạo. Đó là chỗ tạo nên Ngộ Không, chỗ đó hông là ai hết, nên người có hỏi: “Sư phụ là ai thì chớ có nói, nói là bị trời tru đất diệt”. Ngộ Không, ngộ rồi thì có một năng lực rất là phi phàm, quậy trời quậy đất, xuống địa phủ xóa sổ sinh tử, lên trời đánh các tướng trời chạy tét, Thượng Đế phải chui xuống gầm bàn trốn. Diêm Vương, Thượng Đế hông làm gì được Ngộ Không hết.
Như vậy khi đã Ngộ “Không” rồi là vượt ngoài càn khôn, vượt ngoài sinh tử. Nhưng nếu thấy tài năng và cái KHÔNG của mình có giới hạn, cho mình đã đạt tới cảnh giới tối đa rồi, như Tôn Ngộ Không cho rằng mình đã nhảy ra khỏi bàn tay của Phật Tổ Như Lai thì sẽ bị tai họa, bị Ngũ Hành Sơn đè. Thành ra, thấy có giới hạn là còn kẹt trong Ngũ Hành Sơn.
Ngũ Hành Sơn tức là tấm thân Ngũ Uẩn, cho nên khi chúng ta hiểu cái KHÔNG chưa chính xác thì còn kẹt trong tấm thân Năm Uẩn, mà hễ còn kẹt trong Ngũ Uẩn thì còn đau khổ. Như Tôn Ngộ Không phải “ăn hòn sắt nóng và uống nước đồng sôi” rất là khốn khổ. Đến khi Tôn Ngộ Không chịu qui y Tam Bảo thì Bồ Tát mới cứu cho và hẹn ngày gặp Đường Tăng để đi Tây Phương thỉnh kinh.
Chúng ta nhớ ai cũng có Tánh KHÔNG, nhưng khi Tánh KHÔNG đó chưa biết qui y thì nó quậy trời quậy đất chịu không nổi, như con khỉ Tề Thiên Đại Thánh vậy. Nhưng khi qui y Tam Bảo gọi là được giác ngộ, thì nó vùng dậy nổ tung Ngũ Hành Sơn tức là phá đi về Ngũ Uẩn. Đó là giai đoạn giác ngộ thật sự và người giác ngộ được gọi là Hành Giả, nên sau đó Tôn Ngộ Không được Đường Tăng đổi tên cho là Tôn Hành Giả.
Hành Giả là người hành Đạo chân chính, tuy nhiên chất khỉ vẫn còn, cái tham tâm nóng nảy vẫn còn, nên phải niềng vòng Kim Cô, đến khi tu hành thành chánh quả thì vòng Kim Cô đó tự giải.
Ngô Thừa Ân đã rất hiểu về Tánh KHÔNG, nên chúng ta có thể dựa vào đó để hiểu thêm về chữ KHÔNG trong Bát Nhã này. Hiểu đúng hiểu chính xác thì rất hay, nhưng hiểu sai lệch thì cũng rất là phiền và điều hiểu lệch này từ xưa tới nay cũng rất nhiều. Nhất là những người tu Thiền không có căn bản thường hay hiểu lệch về chữ KHÔNG này và cũng trở thành kẻ quậy phá kinh khủng giống như Tề Thiên vậy, nên cũng làm cho người đời, người đạo mệt với kẻ như thế và như vậy nó vẫn có hậu quả và hậu quả là vẫn còn bị kẹt trong Ngũ Hành Sơn, kẹt trong thân Năm Uẩn, vẫn còn phải chịu khổ đau. Nên phải hiểu cho thật là đúng đắn về nghĩa chữ KHÔNG này.
Do đó KHÔNG có thể nói là nghĩa của Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa. Vì thế, KHÔNG này có thể dùng chữ “Hư không” để thí dụ.
Tánh KHÔNG, giống như Tánh hư không, và mênh mông trùm chứa như hư không, cùng là nguồn nảy sanh ra muôn loài vật, là Nền cho muôn giống loại nảy nở.
KHÔNG là TÁNH là NỀN. Tánh là chữ Nho, chữ Việt Nam có thể gọi là Nền. Tánh là Nền giống như nền trời là nơi sinh ra gió, mây và các hiện tượng trong không gian này. Đất là nền cho các thứ nảy sinh trên đó, thân mình là nền sinh ra các thứ lông tóc.
Tánh là Nền. Hiểu một cách nôm na như vậy để chúng ta dễ thông cảm hơn về nghĩa chữ Tánh. Tánh là Nền và nếu không có Tánh KHÔNG thì chúng ta không có suy nghĩ được, do vì có Tánh KHÔNG chúng ta mới có đời sống tư tưởng và khi có đời sống tư tưởng thì tiếc thay chúng ta lại quên khuấy Tánh KHÔNG đi.
Giống như trong hư không này, chúng ta làm được chuyện gì thì cũng là do có hư không. Các nhà bác học chế ra được máy bay, phi thuyền là do có hư không, nhưng chúng ta cứ cho mình là tài giỏi mà quên khuấy hư không thì đó là một sự nhầm lẫn.
Tánh KHÔNG, nó là nền của tất cả những sinh hoạt trong đời sống này, mà chúng ta không hay không biết, nên đó là cái lỗi lớn. Đừng nói là chúng ta tài, chúng ta giỏi nếu không có Tánh KHÔNG. Chúng ta thành ra được con người cũng là do có Tánh KHÔNG.
Từ năng lực Tánh KHÔNG này tạo nên con người của chúng ta và như vậy chúng ta có trong Tánh KHÔNG, chứ không phải Tánh KHÔNG có trong con người chúng ta. Tánh KHÔNG như là tạo vật để tạo nên hình hài chúng ta. Tạo vật làm nên con người thì tạo vật đó là Tánh KHÔNG là Bổn TÂM của mình chứ không phải cái gì khác.
KHÔNG là Tánh, là Tự Tánh mà ngài Huệ Năng hay dùng để diễn tả, gọi chung là Tự Tánh KHÔNG
KHÔNG là Ma ha Bát Nhã Ba la mật đa.Và KHÔNG là Diệu PHÁP. Là Tánh THỰC của muôn ngàn tư tưởng, muôn ngàn ý niệm, của 5 Uẩn. Là Nền của tất cả. Đây là chỗ rất là tinh tế phải hiểu cho thấu đáo.
Khi chúng ta hiểu về Tánh KHÔNG như vậy, mới thấy rõ rằng Tánh KHÔNG hoàn toàn không có nghĩa là “hổng có”. Cho KHÔNG ở Bát Nhã này là “hổng có” là hoàn toàn sai lầm. Có người cho cái KHÔNG này có nghĩa là “không cố định”, đó cũng là hiểu chưa đúng về Tánh KHÔNG. KHÔNG là cái thật nhất, nó hông phải khi vầy khi khác, khi có khi không, mà nó có suốt 24/24 giờ nên hông thể nói là không cố định. Giống như hư không có suốt 24/24 giờ, từ ngàn năm này đến ngàn năm khác, không bao giờ vắng mặt, nên mới có các hiện tượng diễn ra trong hư không để tạo nên những sinh hoạt trong vũ trụ.
Dựa vào thí dụ hư không để chúng ta sáng tỏ hơn về Tánh KHÔNG ở nơi mình, mới thấy rằng Tánh KHÔNG là một thứ đạo lý rất là sâu mầu. Nếu chúng ta chưa đủ trình độ thì cũng rất khó hiểu, nên đạo lý Tánh KHÔNG này là đạo lý dành cho những người có căn tánh bậc thượng và từ Tánh KHÔNG này phát triển ghi nhận được, thì trở thành bộ mặt mới của Phật giáo gọi là Phật giáo Đại thừa.
Đây là cơ sở để tạo nên Phật giáo Đại thừa. Vì vậy, khi hiểu về Tánh KHÔNG, về Bát Nhã rồi, chúng ta đọc vào kinh sách Đại thừa sẽ không còn khó khăn nữa và đọc vào Thiền, không còn thấy Thiền là hóc búa vì Thiền cũng dựa trên Tánh KHÔNG mà thành lập, cho nên Tánh KHÔNG này rất là quan trọng.
Như ngài Cưu Ma La Thập, trước đó Ngài học về pháp Tiểu thừa. Sau đó, khi thọ Đại giới được hướng dẫn về pháp Đại thừa, Ngài liễu ngộ về Tánh KHÔNG. Khi ngộ về Tánh KHÔNG thì Phật pháp của Ngài phát triển một cách vượt bực, có những tai nạn trong đời Ngài cũng thông qua một cách dễ dàng. Giống như năng lực của Tôn Hành Giả khi đi theo Đường Tăng vậy, nó phát huy một cách tối đa, nên không có cái hang ma động quỷ nào mà không vượt thoát được, dù rất là gian nan khổ cực, đó là năng lực của Tánh KHÔNG.
Và các vị gọi là đại sư hay các bậc cao Tăng thạc đức, những vị gọi là Thánh Tăng cũng là từ nơi ngộ về Tánh KHÔNG này, mà làm thay đổi toàn bộ về thân phận con người.
Nên muốn giác ngộ giải thoát là phải giác ngộ từ nơi Trí Huệ Bát Nhã mà hóa giải Ngũ Uẩn. Bằng sự giác ngộ Tánh KHÔNG để có cái nhìn thông thoáng, không còn bị vướng kẹt Ngũ Uẩn, thì đó là cái nhìn Tự Tại gọi là Quán Tự Tại.
NGHĨA TỰ TẠI
Tự Tại là không chướng ngại, nghĩa là tự do tại chỗ, ở ngay trong thân Ngũ Uẩn mà vẫn được tự tại tự do.
Nên nghĩa tự tại và tự do khác nhau rất nhiều. Tự do là phải ra khỏi điều mình không muốn. Như là phải ra khỏi nhà tù, phải ra khỏi tấm thân Năm Uẩn thì mới gọi là được tự do. Còn Tự Tại là ở ngay trong nhà tù, ngay trong thân Ngũ Uẩn mà vẫn thấy là tự do. Nên nghĩa Tự Tại cao hơn nghĩa tự do nhiều lắm.
Thành ra, chúng ta không phải hủy hoại tấm thân này mà vẫn được Tự Tại. Tự Tại ngay trong tấm thân này thì đó là nghĩa Quán Tự Tại.
Đây là chỗ rất là hệ trọng, chúng ta cần phải hiểu cho chính xác để mình có thể hóa giải về những cái chấp kẹt trong Ngũ Uẩn, giải thoát khỏi cái khổ trong sinh tử.
Thấy rõ cái khổ là do vì kẹt vào Ngũ Uẩn. Giải quyết được tấm thân Ngũ Uẩn thì mới hết khổ, như Tôn Ngộ Không vùng lên cho Ngũ Hành Sơn tan đi thì mới thật sự được giải thoát. Chúng ta phải có cái nhìn thấu thoát như vậy, vì đây là đạo lý rất là cao sâu. Sau đây chúng ta sẽ bàn rõ về Ngũ Uẩn và Tánh KHÔNG.
SỰ TƯƠNG QUAN GIỮA
NGŨ UẨN VÀ TÁNH KHÔNG
Quán Tự Tại Bồ Tát
Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời
Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG
Độ nhứt thiết khổ ách.
Dịch là:
Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi thấm nhuần Bát Nhã Ba La Mật Đa
Soi thấy Năm Uẩn đều KHÔNG
Qua được tất cả ách khổ
Bồ Tát Quán Tự Tại soi thấy Ngũ Uẩn đều KHÔNG khi gọi là hành thâm Bát Nhã. Chữ “soi thấy” này chính là “quán chiếu” Năm Uẩn đều KHÔNG.
Chúng ta nhớ từ Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm đó là từ chỉ cho chúng sinh phàm phu. Khi một chúng sinh mê thì chúng sinh đó có đủ 5 Uẩn, còn với Phật và Bồ Tát thì không gọi là thân 5 Uẩn. Vậy khi thành Phật, Đức Phật còn có thân 5 Uẩn không?
Ngũ Uẩn hay Ngũ Ấm đó là năm sự ngăn che làm chúng ta si mê không có Trí Huệ, trở nên khổ đau. Thành Phật là đã xé đi bức màn 5 Ấm, có Trí Huệ rồi thì xem như 5 Ấm không còn nữa. Nếu nói còn thì chỉ còn Sắc Uẩn thôi, với Thọ, Tưởng, Hành, Thức phải nói là không còn nữa (nói đúng hơn thì cả cái Sắc tức là tấm thân Tứ đại cũng không phải là cái của Phật, nên cũng không còn, nhưng ở trên hình thức thì thấy còn vì Đức Phật cũng phải dùng thân Tứ đại để đi lại sinh hoạt độ sanh)
Ở đây, gọi là “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG” nghĩa là Bồ Tát Quán Tự Tại khi thực hành một cách nhuần nhuyễn về Trí Huệ Bát Nhã, tức là sống được bằng Trí Huệ Bát Nhã 24/24 giờ thì Bồ Tát rõ ràng cái thân 5 Uẩn đều KHÔNG.
Năm Uẩn đều KHÔNG tức là 5 Uẩn hổng có, 5 Uẩn bằng không phải không? Nói về triết học thì con số 0 là con số rất là độc đáo, là con số của người Ấn Độ tìm ra. Số 0 này kết hợp với số 1, 2, 3…sẽ thành ra toán học, số học. Nếu cho rằng Năm Uẩn là hổng có là điều chưa đúng. Chúng ta có thể ký hiệu chữ KHÔNG này bằng 0 nhưng đừng bao giờ hiểu chữ KHÔNG này là hổng có. Vì sao? – Vì câu văn ở đây không được đầy đủ lắm nên khiến cho người ta hiểu lầm rất nhiều.
Nói rằng “soi thấy Năm Uẩn đều KHÔNG” là “soi thấy Năm Uẩn đều hổng có” nhưng tấm thân 5 Uẩn của mình sờ sờ như thế này thì làm sao mà nói là “hổng có” được.
Khi gặp tai nạn chúng ta lẩm nhẩm: “Ngũ Uẩn giai không” “Ngũ Uẩn giai không” là “Ngũ Uẩn hổng có” “Ngũ Uẩn hổng có”. Lẩm nhẩm thì lẩm nhẩm mà Ngũ Uẩn có hay không có? – Khi niệm thì đó là Tưởng, Hành, Thức. Cái miệng lép nhép đó là Sắc, Thọ. Như vậy là có đủ hết Năm Uẩn nên không qua được khổ nạn.
Chúng ta nhớ Tổ Bát Nhã Đa La đã niệm Bát Nhã như thế nào? Đi dự đám trong cung vua, trong khi các vị tăng đều tụng kinh thì Ngài im lặng. Nên một hôm, vua Hương Chí hỏi:
- Tôi thấy các thầy đều tụng kinh. Tại sao Tôn giả không tụng kinh?
Ngài đáp:
- Tôi hơi thở ra chẳng tiếp các duyên, hít vào chẳng ở trong ấm giới, thường tụng thứ kinh này trăm ngàn muôn ức quyển.
Như vậy cái trì Bát Nhã của ngài có giống như mình không? Có tụng đọc như mình không? – Không. “Tôi hơi thở ra chẳng tiếp các duyên, hít vào chẳng ở trong ấm giới”. Đó là ngài đang sử dụng công phu Thật tướng Bát Nhã. Có trì như vậy mới thật sự là KHÔNG, mới qua được tất cả khổ nạn.
Nên hiểu chữ KHÔNG này là “hổng có” thì không bao giờ hổng có được. Trong khi 5 Uẩn, nhất là với cái Sắc này là một khối vật chất có thể đem cân đo, khảo sát được thì làm sao nói là “hổng có”.
Chúng ta nhớ chữ KHÔNG này là Rỗng, chứ hông phải là “hổng có”. Vì câu văn này quá cô đọng khiến chúng ta hiểu sai, nó thiếu một ẩn ngữ.
Ở đây, chúng ta đã xác định là thể văn kệ, nên ẩn ngữ đó là chữ Tánh, một chữ trong nhà Thiền thường hay dùng.
Chiếu kiến Tánh Ngũ Uẩn giai KHÔNG
Cái Tánh của 5 Uẩn mới là KHÔNG, là Rỗng chứ không phải 5 Uẩn. Và để rõ hơn nữa là:
Chiếu kiến Tánh Ngũ Uẩn giai Tánh KHÔNG
Nghĩa là:
Soi thấy Tánh 5 Uẩn đều là Tánh KHÔNG
Tánh là Nền. Cái nền của nó mới là Rỗng. Như tôi nói nền của năm chữ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là nền bảng xanh thì rất dễ hiểu phải không? Còn tôi nói Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là xanh thì tắt quá không ai hiểu. Nền bảng đó gọi là Tánh, chính thể nền đó mới là Rỗng chứ không phải Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là Rỗng.
Thành ra Ngũ Uẩn gọi là KHÔNG là khi cái Tánh của nó là KHÔNG, chứ hông phải cái tướng của nó là không. Đây là chỗ rất quan trọng.
Khi Bồ Tát đã hành thâm Bát Nhã, tức là suốt 24 giờ đều sống bằng cái thật Tánh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Từ chỗ vắng lặng không hình tướng đó mà nhìn tới Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức thì không có nhìn trên hình tướng nữa, mà nhìn trên cái nền của nó, thấy rõ cái thể nền của nó vốn là Tánh KHÔNG.
Khi thấy rõ Tánh KHÔNG thì Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là những cái hông thật có. Nên nghĩa “hổng có” là nghĩa của hệ luận chứ không phải nghĩa chính.
Giống như chữ Ngũ Uẩn được viết trên mặt kiếng của chiếc xe hơi. Do vì kiếng đóng bụi, nên bằng ngón tay viết đến đâu thì chữ hiện đến đó. Nhưng nền của kiếng là trong suốt, nên thật Tánh của hai chữ Ngũ Uẩn rõ ràng là trong suốt, mỗi nét của chữ đều mang tính trong suốt của gương và khi lau sạch bụi thì chữ Ngũ Uẩn hổng có. Gọi “hổng có” là vậy vì cái Tánh thật của nó vốn là Rỗng.
Khi chúng ta quán chiếu một cách rõ ràng, soi thấy Tánh thật của Năm Uẩn này đều rỗng hết, nên không còn dính mắc trên Năm Uẩn nữa, vì vậy qua được tất cả khổ nạn. Đây là chỗ rất quan trọng gọi là Quán chiếu Bát Nhã.
Thông thường, chúng ta nhìn bằng con mắt phàm tục, bằng con mắt si mê nên thấy Năm Uẩn này là thật và dính mắc vào Năm Uẩn mà có ra biết bao thứ khổ. “Nhất thiết khổ ách” là có rất nhiều thứ khổ, vô số cái khổ nhưng dựa vào Tứ Đế thì có 8 khổ.
Sanh, Già, Bệnh, Chết là 4 cái khổ cơ bản nhất.
Ái biệt ly khổ là cái khổ vì thương nhau mà phải xa nhau. Nhưng sự thật có thương là khổ, gần nhau cũng khổ vì “gần nhau lắm cắn nhau đau”.
Oán tắng hội khổ là cái khổ vì ghét nhau mà phải gặp nhau, thật ra không gặp nhau mà có ghét thì vẫn khổ.
Cầu bất đắc khổ là cái khổ vì cầu không được, nhưng sự thật chúng ta thấy cầu được cũng khổ. Nên vấn đề không phải là được hay không được, mà vấn đề là cầu. Có tham cầu thì nhất định có khổ. Vì vậy, những người xuất gia rồi mà tâm tham cầu chưa sạch thì vẫn khổ, dù tham cầu để thành Phật thành Tổ cũng khổ như thường.
Ngũ Ấm xí thạnh khổ là cái khổ vì có thân Năm Ấm này.
“Độ nhất thiết khổ ách” là qua tất cả khổ nạn. Đó là khi chúng ta thấy đúng như thật về cái Ngũ Uẩn, quán chiếu thấy rõ Tánh thật của Ngũ Uẩn vốn là Tánh KHÔNG.
Giống như khi xem tivi, thấy những hình ảnh trên tivi và chúng ta hoặc cười hoặc khóc theo họ. Nhưng khi quán xét lại thấy rõ tánh thật, cái nền của những hình người đó là trong suốt, thì mình có khóc và cười theo không? – Không. Như vậy là chúng ta qua được tất cả khổ nạn trên những hình ảnh vui buồn đó, không còn bất an đối với những hình người đó nữa. Dựa vào ví dụ này để chúng ta hiểu về Ngũ Uẩn giai KHÔNG một cách dễ dàng hơn.
Thật ra chúng ta có thân Ngũ Uẩn này, có nói năng đi lại là vì chúng ta có cái nền là Tánh KHÔNG. Sự hoạt động nói năng giống như những hình ảnh trên màn tivi mà thôi, không có gì là thật, đó là Nghiệp. Và khi cúp điện như là khi chúng ta chết, lúc đó mới thấy Ngũ Uẩn thật sự là tan biến. Nhưng có điều không tan biến như những hình ảnh trên màn hình, mà nó vẫn còn vất vưởng về cái Tưởng, Hành, Thức với một dạng Ngũ Uẩn khác, với cái Sắc cái Thọ khác. Nên có khi nó như sương, như khói, chứ không giống con người của mình như thế này và sự cảm nhận cũng khác hơn.
Hình thức tuy khác nhưng cũng còn là Ngũ Uẩn, nên có những người khổ quá họ tự vận. Họ tưởng tự vận là giải được khổ, nhưng tự vận chỉ làm cho cái thân (Sắc) và cái Thọ này chết thôi. Tưởng, Hành, Thức vẫn còn và nó hình thành cái Sắc, Thọ ở một hình thức khác. Thành ma thành quỷ không siêu sanh được và như vậy là vẫn còn đau khổ.
Nên chúng ta nhớ đau khổ cỡ nào cũng phải chịu để trả nợ, trả Nghiệp. Tự vận thì không xóa nợ được, mình chạy trốn ở đâu đó thì vẫn là người mang nợ, mà còn mang nợ thì không có yên. Vì vậy, đừng nghĩ đến chuyện quyên sinh, mà phải gắng sống và càng phải học hỏi Phật pháp, quán chiếu Phật pháp thêm nữa. Khi thấy rõ Tánh thật của Ngũ Uẩn là KHÔNG thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề khổ.
Phải nhớ mình vẫn còn có con đường để giải quyết, khi mình là đệ tử Phật thì pháp môn quán chiếu Bát Nhã này thật là hay. Chúng ta hãy chịu khó quán xét từng món một:
- Sắc: Với cái sắc thân này nó có phải là một khối vật chất đặc sệt không? ( tôi chỉ nói sắc và không tương đối). Như trong cái sắc này, da thì có nhiều lỗ chân lông, thịt có nhiều thớ tức là có cái không lẫn trong đó.
- Thọ : Là hệ thần kinh, sự kết nối của hàng tỉ tế bào và trong sự kết nối đó có những khoảng cách dù là rất nhỏ. Như vậy, trong cái Thọ cũng có cái không.
- Tưởng: Cái tưởng nghĩ của mình cũng cần phải có cái không. Người ta nghiên cứu bộ não của chúng ta chỉ cần một giây không có oxy, thì nó sẽ ngưng hoạt động gây choáng váng và sẽ không sinh ra hơi thở, tức là không có tư tưởng được, như vậy nó vẫn liên hệ với cái không.
- Hành: Nếu không có cái không thì sẽ không có sự chuyển vận lang man, để chuyển từ niệm này sang niệm khác.
- Thức: Khi trong đầu không có đủ oxy thì thức không hoạt động được. Như vậy, chúng ta thấy rõ cái không tương đối ảnh hưởng rất nhiều đến Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức và trên Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức cái nào cũng mang chất không ở trong đó hết, nó không rời cái không mà hoạt động. Khi cái không tắt nghẽn thì tất cả đều tắt lịm hết.
Ở đây thể Tánh KHÔNG là cái không tuyệt đối, nên nó lại là quan trọng hơn nữa. Cái KHÔNG tuyệt đối này hông có bị tắc nghẽn như cái không tương đối. Nhưng nếu cái không tương đối mà tắc nghẽn thì cái KHÔNG tuyệt đối này cũng ngưng gia trì cho Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức và Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức sẽ bị tê liệt hoàn toàn.
Nên khi quán chiếu về tấm thân này một cách kỹ lưỡng, chúng ta mới thấy rằng ngoài tứ đại còn có không đại, kiến đại, thức đại (tất cả là 7 đại). Nhưng cái KHÔNG ở Bát Nhã này hông phải là cái không của thất đại. Cái KHÔNG này hông nằm trong cái đại nào hết.
Giống như hư không. Trong hư không hông có đất, nước, gió, lửa và những chất khí như oxy, hydro…Tất cả những chất khí có ở giữa này là những món có trong hư không nhưng nó hông phải là hư không. Phải xác định rõ điều này. Hư không hông phải là chất khí nên có những vùng hông có không khí, máy bay bay đến đó bị sụp xuống, bị lộn nhào trong vùng đó gọi là vùng chân không. Hư không hông phải là những chất khí nên vùng chân không đó vẫn là hư không. Rõ về hư không để chúng ta hiểu cái KHÔNG ở Bát Nhã.
Cái KHÔNG này giống như mặt bảng, nó trùm khắp hết và trong mặt bảng này xuất hiện những chữ Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức tức là những cái có trong Tánh KHÔNG, có nhưng không thật. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là những chữ trên mặt bảng và nó có bị mất đi, nhưng nền bảng là cái bất diệt không bao giờ mất vì là Tánh, là cái không thay đổi.
Sự tương quan giữa Ngũ Uẩn và Tánh KHÔNG là như vậy. Những chữ viết là cái có hạn lượng, là cái nhỏ bé, còn tấm bảng là cái mênh mông. Nên nói về thể lượng thì Ngũ Uẩn là cái nhỏ bé, còn Tánh KHÔNG là mênh mông, trùm khắp.
Như cái Ngũ Uẩn của tôi, quí vị thấy được rõ ràng có bao nhiêu kí lô đây. Nhưng cái thấy của tôi nó giáp hết bầu trời và ở nơi các vị cũng vậy. Các vị có thể thấy cả bầu trời thì cái gì làm cho các vị thấy? Nếu không có Tánh KHÔNG thì các vị có thấy được không? – Vì Tánh KHÔNG là Ma ha nên nó thấy cả bầu trời và thấy cả cái nhỏ xíu bằng lỗ kim.
Vì thế kinh Hoa Nghiêm nói rằng: “Một là tất cả, tất cả là một”. Đó là cái lý Bát Nhã, từ một lỗ kim nhỏ tíu mà nhìn vào thì thấy cả bầu trời mênh mông.
Nên:
Một = Tất cả
Tất cả = Một
Vì sao? – Vì nó đều bằng Tánh KHÔNG. Hai đẳng thức cùng bằng một thứ, thì hai đẳng thức đó bằng nhau.
Vì vậy, nếu không hiểu Tánh KHÔNG thì chúng ta không hiểu được, tại sao nhỏ bằng lớn, lớn bằng nhỏ. Tại sao lớn bằng nhỏ được? - Vì lớn nhỏ đều bằng Tánh KHÔNG.
Nhỏ = Tánh KHÔNG
Lớn = Tánh KHÔNG
Như vậy:
Nhỏ = Lớn
Nên không hiểu về đạo lý Tánh KHÔNG thì chúng ta đi vào chân trời Hoa Nghiêm rất là khó hiểu. Và chữ Ma ha trong bài Bát Nhã này không có nghĩa lớn thôi, mà phải hiểu với nghĩa trùm khắp. Lớn nhỏ gì cũng được gọi là Ma ha.
Chúng ta thấy cây gậy Như Ý Kim Cô bảng của Tôn Hành Giả không? Khi lớn thì “biến biến” chống cả trời cũng được. Còn nhỏ thì “biến biến” thành cây kim nhỏ nhét lỗ tai. Đó là ý nghĩa Ma ha được cụ thể như thế. Vì nó là năng lực siêu việt nên lớn cũng được, mà nhỏ cũng được. Tánh KHÔNG là như vậy, là Ma ha, là trùm chứa hết tất cả. Nên cái thân Ngũ Uẩn của mình chỉ là một món nhỏ xíu trong Tánh KHÔNG mà thôi.
Có câu nói rằng: “Sắc KHÔNG chung ở một nhà” thì lối nói đó đúng hay sai? Như đã nói Ngũ Uẩn chỉ là một món trong chân trời Tánh KHÔNG và nó là cái có còn có mất, mà Tánh KHÔNG là cái thường còn. Nói “một nhà” thì phải còn cùng còn, mất cùng mất. Đàng này, cái còn cái mất thì sao gọi là cùng nhà được.
Và để thấy thật Tánh của Ngũ Uẩn này là Tánh KHÔNG một cách rõ ràng hơn. Như khi chúng ta ngủ say thì coi như tấm thân Ngũ Uẩn không có, ai khiêng bỏ xuống sàng cũng không biết, ngủ tuốt luôn, coi như không có Tưởng, Hành, Thức. Như vậy, ngay đó thân Ngũ Uẩn này như là mất, không là gì hết. Nhưng lúc đó nó vẫn đang biết ngủ và khi ngủ no rồi thì nó biết thức. Khi lạnh nó biết kéo mền đắp, khi nực nó biết tung mền ra, thì đó là cái khả năng Hay Biết mà không phải do Tưởng, Hành, Thức. Khả năng Hay Biết đó không phải do niệm sanh, không phải do Tưởng, Hành, Thức mà có.
Đó là một năng lực gần như là vô tri. Không có Tưởng, Hành, Thức nhưng nó vẫn Hay Biết, thì cái gì làm cho nó Hay Biết vậy? – Đó là năng lực phát động từ Tánh KHÔNG. Các vị nhớ, lúc đó Tánh KHÔNG đang có mặt, vì nó có mặt 24/24 giờ. Còn năng lực Tưởng, Hành, Thức chỉ có mặt vài tiếng đồng hồ trong ngày thôi. Ngay cả cái thân này nó có 24/24 nhưng nhiều lúc chúng ta cũng quên khuấy đi phải không? Trong khi đó, năng lực Tánh KHÔNG vẫn có mặt suốt 24/24 và năng lực này gần như là vô tri không biết. Nhưng nó biết kéo mền đắp khi lạnh, kéo gối khi lệch, ngủ no rồi thì biết thức dậy.
Nên mới nói rằng: “Bát Nhã vô tri vô sở bất tri” tức là “Bát Nhã không biết hông gì chẳng biết”. Thông thường, chúng ta hay biết là do niệm, do Tưởng, Hành, Thức. Nhưng chúng ta còn có một khả năng hay biết tuyệt vời nữa, đó là khả năng hay biết từ Tánh KHÔNG. Nó biết nhập thai, nó biết vào thai.
Tuy nó như là vô tri không có niệm biết, nhưng nó vẫn Hay Biết như thường và cái khả năng này có với mình trong một ngày nhiều không? – Rất nhiều. Như nãy giờ, các vị không có suy nghĩ để nghe, để thấy mà vẫn nghe, vẫn thấy phải không? Suy nghĩ để hiểu thì có, còn suy nghĩ để mà nghe thì không. Như vậy, cái thấy cái nghe đó không có suy nghĩ, mà nó vẫn rõ ràng. Nên cái khả năng đó có suốt 24/24 giờ. Rồi như chúng ta đang ngồi nãy giờ, mình không có suy nghĩ để ngồi mà vẫn biết ngồi thì đó là khả năng của Tánh KHÔNG. Còn khả năng của Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức khi Tưởng, Hành, Thức vận động thì có suy nghĩ và cái suy nghĩ của Tưởng, Hành, Thức gọi là Niệm.
Cái Niệm là cái rất là rắc rối. Tại sao? – Vì niệm là chất keo dán dính Căn Trần. Tức là khi có niệm thì đó là keo dán cái Sắc này (tức là Căn) với Trần. Căn Trần dính nhau thì chuyện rắc rối phiền lụy khổ đau sẽ xảy ra.
Cụ thể như trong cuộc sống này, người nam là Căn, người nữ là Trần hay người nữ là Căn và người nam là Trần. Mà hai Căn Trần đó dính nhau thì có chuyện lu bu xảy ra phải không? Để cho Căn Trần dính nhau đó là tác động từ Niệm, mà Niệm là cái nảy sinh từ Tưởng, Hành, Thức. Cho nên, chúng ta sinh hoạt trong Tưởng, Hành, Thức là nó sanh Niệm và Niệm tạo rắc rối từ nội tâm tới ngoại cảnh.
Có 6 Căn và 6 Trần, cái trần bên trong gọi là Pháp trần, nó là những bóng dáng trong đầu. Và khi niệm dán dính với ngoại cảnh bên ngoài, thì nó gây rắc rối chịu đời không thấu. Tất cả sự khổ đau của người đời là vậy.
Người giác ngộ Tánh KHÔNG thì hóa giải được Ngũ Uẩn. Họ không sống bằng Ngũ Uẩn nữa, cho nên cái niệm này cũng được hóa giải. Không sanh niệm nữa thì chất keo cũng được gỡ đi. Và như vậy Căn Trần không dính mắc liền đó giải thoát. Ngay đó có bao nhiêu cái khổ đau đều được giải quyết, qua tất cả khổ nạn.
Chúng ta cứ thử trong một giây phút không có một niệm, một khởi ý nào hết, thì lúc đó Ngũ Uẩn coi như là hông có. Nên nhà Thiền dạy mình tu là phải Vô Niệm. Vô Niệm là cách hay nhất để khế hội về Tánh KHÔNG.
Khế hội được Tánh KHÔNG thì chúng ta vô hiệu hóa Ngũ Uẩn một cách dễ dàng. Mà vô hiệu hóa Ngũ Uẩn rồi, thì tất cả những khổ nạn đều qua và lúc đó chúng ta thấy rằng Ngũ Uẩn quả là hông thật có.
Nên người giác ngộ đang khi sống vẫn thấy Ngũ Uẩn này là không thật có, vì rõ ràng được Tánh KHÔNG. Còn người hủy diệt cái thân này thì vẫn có như thường.
Nên đây là điều không phải đợi chết mới được giải thoát mà giải thoát ngay khi sống. Đang khi sống sờ sờ đây, mà chúng ta thấy được Tánh KHÔNG là thật và cái Ngũ Uẩn là giả, thì đó là lúc chúng ta rõ ràng mỗi Uẩn đều mang Tánh KHÔNG. Nên Uẩn nào cũng đều hông thật có.
Như chữ Sắc này mang Tánh bảng nên Sắc này hông thật có, chữ Thọ, Tưởng, Hành, Thức mang Tánh bảng nên cũng hông thật có.
Thấy được cái nền, thấy được Tánh thật của Ngũ Uẩn là Rỗng, là KHÔNG. Quán chiếu như vậy gọi là Quán Tự Tại. Soi rọi một cách tự tại, thân này chưa chết mà vẫn được giải thoát.
Như vậy để thấy rằng nghĩa “tự tại” là “tự do tại chỗ”.Ở trong tù ngục mà vẫn thấy là giải thoát an vui, chứ không phải ra khỏi nhà tù hay đợi chết đi, bỏ xác thân rồi mới gọi là tự do. Nên nghĩa tự do vẫn còn hạn chế, mà nghĩa tự tại mới là giải thoát một cách trọn vẹn.
Vì vậy, chúng ta tu đừng có đòi hỏi phải có kiểu tự do như người xã hội. Bỏ cái ràng buộc này để đi tìm cái tự do thì sẽ bị cái ràng buộc khác thôi. Mà ngay trong cái thân này, chúng ta vô hiệu hóa về Ngũ Uẩn, rõ ràng Tánh KHÔNG thì đó là chúng ta tự tại.
Như chúng ta đã làm con người rồi. Muốn không làm người nữa để được tự do thì phải làm sao? Hay như là người nữ rồi, giờ muốn làm người nam thì giải quyết bằng cách nào? Dầu giải phẫu được đi nữa, nhưng kết quả có 100% không? – Không bao giờ được. Nên đó cũng là chuyện vô ích, mà trong thân phận người nữ chúng ta hãy an nhiên là người nữ. Chỉ cần “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG” thì thân người nữ trở thành như vô nghĩa. Hay mình là người nam thì cứ an phận là người nam, vô hiệu hóa về Ngũ Uẩn nam đi thì cũng không bị thân nam ảnh hưởng. Giải thoát khỏi thân phận người nam mà không phải tốn 60.000 đola để giải phẫu. (Ở Thái Lan, để giải phẫu đổi dạng từ người Nam trở thành người Nữ phải tốn 60.000 USD)
Ngộ Tánh KHÔNG và vô hiệu hóa Ngũ Uẩn là giải quyết được vấn đề. Và khi đó mình có một cái nhìn gọi là Quán Tự Tại. Khi có cái nhìn Quán Tự Tại thì sẽ không còn bị ảnh hưởng về thân phận là nam là nữ, là Tăng là Ni nữa. Đó là được giải thoát.
Như vậy là chúng ta trung thành với cái đầu tròn của mình. Một cái đầu giải thoát, một cái đầu không nam không nữ, không tóc dài không tóc ngắn. Đó là ý nghĩa thật sâu xa, mà nhiều khi chúng ta không hiểu thấu. Chính chỗ chúng ta huân quán để rõ ràng Ngũ Uẩn giai KHÔNG mà được như vậy.
Chúng ta nhớ quán ở đây để thấy Tánh Ngũ Uẩn đều là Tánh KHÔNG. Thêm chữ Tánh vào đây sẽ thấy rất là rõ ràng, còn không chúng ta dễ hiểu lầm và hiểu lầm rồi thì không giải quyết được vấn đề. Do thấu được Tánh KHÔNG của Ngũ Uẩn mà qua được nạn khổ.
Như ngài Huyền Trang ở chính sử đã cho thấy. Trên bước đường đi cầu pháp ở Ấn Độ, thì những tình huống nguy hiểm cho tính mạng Ngài đều trì niệm TÂM kinh và do trì niệm TÂM kinh mà được tai qua nạn khỏi. Trong huyền sử là chuyện Tây Du Ký, ngài Đường Tăng cũng do trì niệm TÂM kinh mà được tai qua nạn khỏi. Và năng lực của TÂM kinh đó được cụ thể qua sự vũ lộng thần uy của cây thiết bảng trong tay Tôn Hành Giả. Năng lực của Bát Nhã đã chuyển động một cách long trời lở đất như vậy, nên không có hang ma đông quỷ nào mà không qua được.
Rồi như ngài Cưu Ma La Thập, Ngài đã sớm thể hội Tánh KHÔNG (20 tuổi) nên khi phải lâm vào những tình trạng hết sức bi đát, bị mang tiếng xấu, bị ô nhục, bị người khinh bỉ…Nhưng Ngài hóa giải thân phận của mình, hóa giải sự dính mắc trên Ngũ Uẩn. Sống bằng Tánh KHÔNG nên Ngài qua hết những nạn khổ đó. Sau Ngài đến Trung hoa và để lại cho đời một kho tàng kinh điển hết sức quí báu.
Đó là từ chỗ thể hội được Tánh KHÔNG, một năng lực rất là vô biên. Cho nên, chúng ta phải ý thức rõ ràng, phải có sự quán chiếu để thấy rõ Sắc thân này là không thật. Khi chúng ta thấy thật là do có niệm dính vào sắc thân. Giờ gỡ cái niệm đi, không còn thấy cái thân là thật nữa. Như vậy là chúng ta giải thoát khỏi cái Sắc.
Rồi chúng ta dính vào Thọ là cũng do niệm, gỡ cái niệm đi thì cái Thọ sẽ không còn nữa nên giải thoát khỏi Thọ. Với Tưởng cũng do niệm mà thành. Chúng ta gỡ cái niệm đi thì Tưởng sẽ không thành. Còn Hành là cái chuyển vận, ở trên sự chuyển vận nên thấy không đúng sự thật. Giống như đi thuyền trên sông, thuyền đi mà thấy bờ dời, thấy cây chạy đó là một sự sai lầm. Ở trên dòng hành thức chúng ta luôn thấy sai lầm để đưa tới kết quả là cái Thức phân biệt nên kết quả phân biệt cũng là sai lầm. Những cái sai lầm đó là do có niệm dính vào. Bây giờ gỡ cái niệm thì giải thoát khỏi cái Hành, cái Thức. Vì vậy, nhà Thiền dạy phải Vô Niệm, đó là công phu huân quán. (Vô Niệm là vì Tự Tánh vốn KHÔNG, nên rỗng rang trong sáng, hông có Niệm nào. Từ đó mà vô hiệu hóa Niệm, chứ không phải do diệt Niệm mà hông có Niệm)
Điều chính yếu ở đây là phải làm sao thấy rõ Tánh thật của Năm Uẩn thì hóa giải Năm Uẩn mới là nhanh lẹ. Còn chúng ta chỉ biết gỡ từng niệm thì rất là chậm. Phải thấy ngay thể nền của niệm. Như thấy rõ thể nền của chữ Ngũ Uẩn là tấm bảng.
Khi thấy ra Tánh KHÔNG rồi thì rõ ràng Ngũ Uẩn không thật. Mà tất cả khổ đau đều dựa trên Ngũ Uẩn, bây giờ không còn Ngũ Uẩn nữa thì làm gì có khổ đau.
Nên khi ngộ Tánh KHÔNG là lúc Tôn Ngộ Không vùng dậy làm cho Ngũ Hành Sơn tan biến và sau đó lực dụng của Tôn Hành Giả hết sức là đặc biệt. Gặp tai nạn có lúc Tôn Hành Giả dùn mình biến mất, có lúc thì đưa đầu cho đánh, bị quăng vào chảo dầu cũng không sao thì đó là một lối tự tại. Đối mặt để chịu đựng, để hóa giải đó là điều thật là hay gọi là Quán Tự Tại.
Và khi chúng ta có cái nhìn tự tại như vậy. Cái thân không còn dính kẹt trên Ngũ Uẩn nữa thì đối với cảnh giới xung quanh này thế nào?
Căn đã không thì Trần cũng không, Căn Trần đều không, đó là lúc chúng ta làm việc Bồ Tát. Cho nên khi đó Bồ Tát Quán Tự Tại trở thành Bồ Tát Quan Thế Âm để lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sinh trong ba cõi mà hiện đến để cứu độ. Đó là cái chiều hiện hạnh tức là thể hiện cái hạnh của một vị Bồ Tát.
Từ chỗ này chúng ta hiểu được nguồn gốc tu hành của Bồ Tát Quan Thế Âm là từ nơi “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG” mà có được năng lực để cứu độ chúng sinh.
Như vậy, bây giờ chúng ta có cần phải niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm nữa không? Khi biết cái tu của Bồ Tát Quan Thế Âm là từ nơi quán pháp Bát Nhã, thì chúng ta có thể tu ngay cái pháp của Bồ Tát Quan Thế Âm tu không?
Bồ Tát có cái thân Ngũ Uẩn, mình cũng có cái thân Ngũ Uẩn, Bồ Tát có cái Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, chúng ta cũng có cái Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Cho nên Bồ Tát tu được thì mình tu được và lúc nào muốn niệm danh hiệu Bồ Tát Quan Thế Âm thì chúng ta cứ tu thẳng vào pháp Bát Nhã. Đó là chúng ta đã tạo nên một năng lực Trí Huệ vô song và mọi điều đau khổ ở nơi mình sẽ được giải quyết.
Bồ Tát Quan Thế Âm là người tu cái pháp Thật tướng Bát Nhã. Như vậy Bồ Tát Quan Thế Âm là Nam hay Nữ?
Thân Nam, thân Nữ là thân của nghiệp chướng mà thành. Bây giờ Bồ Tát đã vô hiệu hóa về thân Ngũ Uẩn, đã chiếu kiến Tánh thật của Ngũ Uẩn này là giai KHÔNG, hông còn sống bằng thân xác nữa thì nói gì là Nam, là Nữ. Cho nên đã là Bồ Tát, Đại Bồ Tát thì không Nam, không Nữ gì hết. Chính cái thân không Nam, không Nữ đó là thân của Bồ Tát. Mà mình gọi Bồ Tát là bà, là mẹ Quan Thế Âm thì có đúng không? Biến Ngài thành người Nữ là mình có tôn kính Ngài không? Nên chỉ gọi là Bồ Tát Quan Thế Âm thôi. Nếu có nói Nam hay Nữ, thì đó chỉ là tướng thị hiện mà thôi. Đó là tướng phương tiện diễn tuồng. Đây là điều khi hiểu rõ rồi chúng ta phải biết vậy.
Điều này được thể hiện ở Quan Âm Thị Kính. Thị Kính khi tu là Kỉnh Tâm và bị vu oan là chủ bào thai của Thị Mầu, bị làng nọc ra đánh thì Kỉnh Tâm rất là bình thản, không thố lộ thân phận mình là gái. Đánh thì đánh, an nhiên mà chịu. Vì ngay đó Kỉnh Tâm đã không coi cái thân Ngũ Uẩn là mình, mà vẫn lo kính trọng cái TÂM.
Cái TÂM ở đây chính là Tánh KHÔNG. Từ đây, để thấy Bồ Tát không phải là Nam, là Nữ gì hết. Do đó Kỉnh Tâm thành Phật Quan Âm.
Khi chúng ta tu được vậy thì mình cũng là một người không Nam không Nữ. Giống như cái đầu trọc của mình, không tóc dài, không tóc ngắn. Như vậy là chúng ta thật sự có giải thoát. Giải thoát ngay trong hiện đời, chứ không phải đợi sau khi chết mới có giải thoát.
Đây là đoạn kinh hết sức quan trọng. Chỗ này mà chúng ta quán chiếu đúng, thì từ cái Quán chiếu Bát Nhã, chúng ta sẽ bước vào Thật tướng Bát Nhã luôn. Như khi Bồ Tát Quán Tự Tại hành thâm Bát Nhã, thì Ngài thâm nhập được Thật tướng Bát Nhã và qua được tất cả khổ nạn.
Mong là mỗi người chúng ta sớm thức ngộ được chỗ này để hóa giải về thân phận của một kiếp người vốn nhiều rắc rối, khổ đau.
Được như thế này, trước khi chúng ta từ giã cõi đời thì thật là khỏe. Lúc đó, chúng ta sẽ đi như hỏa tiễn, vù một cái là vượt khỏi khí quyển, vượt khỏi trái đất vào bản thể vũ trụ thênh thang.
Các Thiền sư thuộc dòng Thiền Đạt Ma, Huệ Năng đã tu đúng theo đường lối này, nên các Ngài được tự tại giải thoát trong sinh tử.
Các bài mới
- KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 1) - 31/05/2017
- Mở cánh cửa không - 17/06/2016
- Kinh Tâm - 29/06/2015
- Tâm Kinh Bát Nhã qua cái nhìn của Nhà Thiền - 20/06/2015
- Tánh không duyên khởi, chơn không diện hữu - 02/06/2015
Các bài đã đăng
- Sự tương quan giữa Bát nhã và Thiền tông - 01/06/2015
- Tánh không và chơn không - 31/05/2015
- Chữ Không trong Kinh Bát Nhã - 27/05/2015
- Yếu chỉ tâm kinh - 05/05/2011
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 04863
- Online: 43