KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 4)
16/06/2017 | Lượt xem: 3692
HT.Thích Phước Tú giảng
Đoạn 3:
Xá Lợi Tử!
Thị chư pháp KHÔNG tướng
Bất sanh – Bất diệt
Bất cấu – Bất tịnh
Bất tăng – Bất giảm
Dịch:
Xá Lợi này!
Cái KHÔNG của các món đây:
Chẳng sanh – Chẳng diệt
Chẳng dơ – Chẳng sạch
Chẳng thêm – Chẳng bớt
Nói về văn tự thì chữ “chư pháp” ở đây có nghĩa là các cái, các thứ, các món. Các món Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Do đoạn trên đã nói về Ngũ Uẩn, nói về Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức rồi. Đến đây không muốn lặp lại, vì vậy dùng chữ “chư pháp” để thay cho Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức.
Nên đừng bao giờ hiểu “chư pháp” này là muôn sự muôn vật, để cho thấy sự bao la rộng rãi là hay. Phải hiểu đúng, hiểu chính xác. Giống như người nổi tiếng là thiện xạ, là người đó bắn trúng đích chứ không phải bắn xa, bắn cao. Phải lưu ý.
Và chữ “tướng” có khi chúng ta cũng quan trọng nó quá mà không dám dịch ra tiếng Việt là “cái”. Như vậy “không tướng” là “cái KHÔNG” thôi, đơn giản và dễ hiểu. Đây là đoạn lý giải để làm tỏ rõ hơn về cái KHÔNG.
Xá Lợi này!
Cái KHÔNG của các món đây
Cái KHÔNG của các món Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức đây. Tức là nêu lên đặc tính của cái KHÔNG. Đây là chỗ mà nhiều dịch giả đã ngại, không dám dịch rồi giảng cao xa trở thành khó hiểu.
Cái KHÔNG này đặc tính ra làm sao? – Cái KHÔNG này có đặc tính là:
Bất sanh – Bất diệt
Bất cấu – Bất tịnh
Bất tăng – Bất giảm
Chữ “Bất” này xác định về đặc tính của chữ KHÔNG. Chữ “Bất” này cũng có nghĩa là “không”. Nhưng vì tôn trọng chữ KHÔNG ở đoạn trên, nên chúng ta dịch chữ “Bất” là “chẳng”.
Chẳng sanh – Chẳng diệt
Chẳng dơ – Chẳng sạch
Chẳng thêm – Chẳng bớt
Nêu lên về đặc tính của cái KHÔNG và đặc tính này được nhìn thấy ở ngay trong tâm của chúng ta.
Cái KHÔNG này hông sanh hông diệt và nó có trước khi chúng ta sanh, có trước khi trời đất có. Tánh KHÔNG hông có sinh ra, nên hông có diệt đi.
Giống như hư không. Hư không hông có sinh ra nên hông có diệt, hông có mất đi.
Khi chúng ta ra đời thì cái thân, cái Ngũ Uẩn này có sinh ra. Và thân xác này sinh ra rồi thì nó mang tính chất của Tánh KHÔNG. Nên thân xác này được sống còn là do Tánh KHÔNG. Đây là điều phải lưu ý. Nếu hông có Tánh KHÔNG, hông có cái TÂM thì hông làm sao chúng ta có cuộc sống được hết.
Khoa học chưa tạo ra được con người, dù rằng đã có thụ tinh nhân tạo. Nhưng đó cũng chỉ là tạo môi trường thích hợp, để một thần thức nào đó trong không gian có cùng tần số và nó hút lẫn nhau. Nếu môi trường thích hợp với thần thức thì gọi là đậu thai.
Như vậy, khoa học chỉ có khả năng làm nên cái môi trường. Giống như người cha người mẹ cũng chỉ tạo được môi trường, còn cái giống người là ở chỗ khác. Nên khoa học không thể tạo được con người, mà còn có một năng lực khác. Đó là Tâm, là Tánh KHÔNG, là một năng lực vô hình.
Nếu nói vật chất tạo nên con người thì khoa học có thể tạo nên con người có cùng một tính nết như nhau. Nhưng con người có giống y với nhau không? – Không. Dù là cùng một cha một mẹ nhưng tính ý và hình dáng không như nhau; cùng một bác sĩ thụ tinh trong ống nghiệm mà hình dáng và tánh tình khác nhau là tại sao? – Tại vì nó còn tùy thuộc vào nghiệp thức của đương sự nữa. Cái nghiệp thức không ai giống ai, nên mặt mũi tánh tình cũng không giống nhau, thì đó là từ ở trong cái Tâm mà có ra.
Như bấy lâu nay chúng ta khen rằng, cơ thể con người quá ư tuyệt diệu. Không biết tạo vật nào đã chế tạo ra con người, nhất là về hệ thần kinh thật là siêu việt. Khoa học không làm nổi, thì những điều đó ai làm. Không biết thì cho là Ngọc Hoàng Thượng Đế, nhưng Ngọc Hoàng Thượng Đế ai làm ra?
Cái chuyện làm nên đó phải từ cái Tâm. Từ năng lực Tánh KHÔNG tạo nên những điều kỳ diệu, kỳ bí mà chúng ta không hay không biết. Nói vậy để thấy rằng chúng ta không có tài năng gì bao nhiêu. Và cái việc sống chết của mình, chính mình cũng không định đoạt được, mà năng lực đó là năng lực Tâm, là năng lực Tánh KHÔNG. Nó hông sinh ra nhưng lại bảo bọc mình. Cái Tâm của mình rất tốt, nó sử dụng cái thân Ngũ Uẩn của mình, nên luôn bảo vệ mình.
Chính năng lực Tánh KHÔNG này vốn là “bất sanh bất diệt”. Và khi con người phải già, bệnh, chết thì năng lực đó cũng vượt ngoài cái già, bệnh, chết. Vì Tánh KHÔNG hông chết, nên mới có chuyện gọi là luân hồi, đầu thai.
Chuyện sanh, già, bệnh, chết là chuyện của thân xác, là chuyện của Niệm, chứ không phải là của Tánh KHÔNG. Từ cái Niệm làm thành những tướng già, bệnh, chết ở trên thân xác. Nhưng trong suốt thời gian sống đó, thì Tánh KHÔNG vẫn lồng lộng là Tánh KHÔNG. Tánh KHÔNG hông bị sanh, già, bệnh, chết làm ảnh hưởng.
Giống như những hình ảnh trên ti vi vậy. Những hình ảnh thì có nhòa, có mất đi. Đó là chuyện của hình ảnh, hông có dính gì tới màn hình cả.
Nên chúng ta thấy các Thiền sư là những người không biết sợ chết là gì. Hay như có một Phật tử Nhật, sau một thời gian học Thiền rồi thì được bạn bè hỏi:
- Sau thời gian học Thiền anh được gì?
Anh đáp:
- Tôi thấy không được gì, chỉ có điều tôi không còn sợ chết nữa.
Tại sao không còn sợ chết nữa. Vì anh ta thấy được Tánh KHÔNG. Hay ra được Tánh KHÔNG thì không còn sợ chết nữa, sống chết coi như trò đùa. Như ở đây là Bồ Tát Quán Tự Tại. Ngài ngộ Tánh KHÔNG nên qua được tất cả khổ nạn. Trong đó có cái nạn già, bệnh, chết Ngài cũng qua được hết.
Tánh KHÔNG là một năng lực rất là đặc biệt, phi thường vô cùng. Thành ra người ngộ được chỗ này thì tự thấy rằng, tuổi thọ của mình là vô lượng.
Thế nên, Đức Phật A Di Đà có tên là Vô Lượng Thọ là một con người vô lượng tuổi, không có tuổi. Rồi có người cũng ngộ được năng lực này, nên người hỏi rằng:
- Ngài bao nhiêu tuổi?
Ngài trả lời:
- Tuổi tôi bằng tuổi Phật A Di Đà.
Tức là cũng Vô Lượng Thọ. Như vậy, khi ngộ được chỗ này rồi thì sống chết là lẽ thường nhiên thôi.
Chết là dối chết sinh dối sinh
Sống chết bức nhau hề ta vẫn như thường.
(Tuệ Trung Thượng Sĩ)
Chết không sợ thì sống cũng không có gì để sợ. Còn chúng ta sợ đủ điều, sợ về kinh tế, sợ về thiên nhiên, sợ già, bệnh, chết, vì thấy rằng chết là mất hết. Nếu thấy ra được nguồn năng lực bất sanh bất tử ở nơi mình thì chúng ta không còn sợ chết. Không còn sợ chết thì chúng ta không còn hốt hoảng ở trong cuộc sống. Cuộc sống như thế nào, đó là chuyện của cuộc sống, không dính gì đến ta hết.
Nên hiểu được năng lực này rồi thì mình không còn quan trọng về tấm thân Ngũ Uẩn nữa. Đây là điều chúng ta phải nhớ. Tu mà nặng về tấm thân Ngũ Uẩn thì tu không giải thoát nổi. Vì vậy phải nhẹ hững về tấm thân của mình, mới có thể giác ngộ và giải thoát được.
Người không sợ hãi về cái sống và cái chết thì mới bình an mà hành Đạo. Chứ gọi là tu mà đụng cái là “ý chết” thì không được. Phải thấy rõ mình là “con người bất tử” nên không có gì quan trọng về tấm thân. Nếu lỡ phải chết thì như thay một chiếc áo vậy thôi, không có gì để nói.
Sống như đắp chăn đông
Tử như cởi áo hạ.
Hay ra Tánh KHÔNG rồi thì các Ngài ung dung để mà sống, ung dung để mà chết. Không sợ cái sống cũng không ngán cái chết.
Như vậy Tánh KHÔNG là rỗng rang không trống hoàn toàn. Hông có gì trong đó hết, hông có những cặp đối đãi.
Thường chúng ta luôn sống bằng những cặp đối đãi và sống bằng những cái đối đãi thì lòng mình không yên. Như chúng ta chấp vào “sạch” thì thấy “dơ” mình chịu không nổi. Chấp vào cái “thiện” nên thấy cái “ác” chịu không nổi và sống bằng những cái chấp như vậy nên chúng ta có khổ đau.
Như chúng ta chấp vào cái sạch. Ai làm sạch mình chịu, ai làm dơ thì mình rầy, mình không ưa. Tuy rằng cái sạch, cái dơ này không có trong Tánh KHÔNG. Nhưng trong việc sống thì nên có hay không nên có? – Thật ra cũng không nên có. Vì khi thấy sạch, thấy dơ mà mình có sự đối xử thương hay ghét, buồn hay vui. Đó là do nơi mình có khởi niệm, khởi ý.
Có khởi niệm, khởi ý là đã trái với Tánh KHÔNG. Trở nên một người khó khăn, một người rắc rối trong cuộc sống và người ta sẽ không thích mình. Mà người tu thì có nên là một người rắc rối không?
Người tu phải là người thông cảm, dễ dãi với tất cả cuộc sống. Mình tu là phải sống một đời sống bình đẳng giữa sanh và diệt, giữa cấu và tịnh, giữa tăng và giảm. Phải quân bình chứ không nên lệch bên đây hay lệch bên kia. Lệch bên đây bên kia là trở thành con người rắc rối, không phù hợp với đời sống tu hành. Đó là người chưa biết Đạo, là người chưa hiểu ra về Tánh KHÔNG.
Tánh KHÔNG là một đời sống “không hai”. Không bên đây không bên kia, nên người hành đạo phải ly khai hết với những cặp đối đãi. Nếu mình sống có hai là lỗi với Tánh KHÔNG.
Mà chúng ta sống ở trên đời này là bị cái có hai nhiều hay ít? Từ sáng đến tối coi lại là chúng ta sống vì cái có hai hết phải không?
Ở đây chỉ nêu lên 3 cặp tiêu biểu thôi. Chúng ta phải hiểu còn vô số. Bây giờ, chúng ta nên đặt thêm những cặp có hai để mình biết mà giải quyết. Khi mà đời sống phải không nên có hai.
Như là không nam không nữ. Sống mà có chấp nam chấp nữ là kẹt. Sống mà có tăng có tục là có hai, là kẹt. Sống mà có đây có kia, có mới có cũ là có hai, là kẹt…Điều này chính chúng ta phải viết ra để mà mình học, mình tu. Mỗi người phải tự biên ra cho mình. Mình hay chấp về cặp nào đó, thì biên ra để nhắc mình “Bất”. Bất này bất kia, bất hết…
Phải biết chuẩn bị cho mình, đừng dính bên đây bên kia. Đừng dính hai bên. Hãy giữ gìn điều này.
Chúng ta nói chuyện Phật pháp nghe hay, nghe lưu loát. Nhưng mình nói dính bên đây bên kia và sống cũng dính bên đây bên kia, thì coi như chưa vào cửa được. Và người như vậy là còn phiền não hay không phiền não? – Còn bị những cặp đối đãi này nó quay mình là nhất định còn phiền não thôi.
Chúng ta phải lưu ý về điều này, vì nghiệp chướng của mình cũng phải nói là lâu đời lâu kiếp. Nên về cái chấp bên đây, dính bên kia là chuyện mình phải có thôi. Có và mình phải giải quyết.
Tôi hỏi quí vị:
- Một chiếc xe thế nào gọi là chiếc xe chạy?
- Một chiếc xe gọi là chạy, là chiếc xe đó nó lướt qua bỏ lại hai lề mặt trái. Trước mặt giữ khoảng không trống, hông bị vật cản và bỏ lại hai lề phải trái. Như vậy gọi là chiếc xe chạy, đúng không?
Cũng vậy, mình tu gọi là giải thoát, là mình phải hướng mắt tới cõi Chơn Không, phăng vào cõi Chơn Không và bỏ đi hai lề phải trái. Bỏ lề bên này và lề bên kia, được vậy mới là con người giải thoát.
Các vị có thể bằng cách lái xe mà nhắc nhở mình tu giải thoát. Tu giải thoát là vậy, luôn luôn giữ khoảng không trống ở trước mắt và bỏ đi hai lề phải trái. Chạy xe mà mình để mất khoảng không trống trước mặt là gây tai nạn. Khi lách xe thì cũng phải giữ khoảng không trống, để mất khoảng không trống là nguy hiểm. Như vậy các vị biết tu chưa, mình phải làm tài xế cho chính mình. Phải giữ khoảng không trống trước mặt và bỏ đi hai lề phải trái. Cứ vậy mà mình lao tới, chạy như vậy sẽ an toàn, sẽ tới nơi.
Đó là chúng ta biết tu theo pháp Bát Nhã ở đoạn chữ “Bất”. Chúng ta không tu như vậy thì không có sự giải thoát. Còn chấp bên đây, chấp bên kia thì ở chùa cũng chưa giải thoát, ở trong thất cũng không giải thoát.
Nếu mình không chấp bên đây bên kia thì ở đâu cũng là chỗ giải thoát. Ở gia đình cũng giải thoát được, ở cơ quan xí nghiệp cũng giải thoát được. Ở chùa, ở nhà bếp, ở đâu cũng giải thoát đươc. Đừng có dính vào bên đây bên kia. Nhớ điều đó là quan trọng.
Người tu giỏi hay tu dỡ là phải xác định ở chỗ trình độ giải thoát khỏi các cặp đối đãi, chứ không phải xác định ở tuổi hạ cao, thâm niên…Chúng ta có trình độ giải thoát khỏi các cặp đối đãi tốt là chúng ta tu cao.
Phải nhớ rằng tánh tật sống có hai là tánh tật thuận vòng luân hồi. Mình muốn ra khỏi vòng luân hồi là phải ly khai về đời sống có hai. Nhất định là phải như vậy.
Khi chúng ta không có dính bên đây, không có dính bên kia thì cái Niệm của mình thế nào? Có Niệm không? – Không có. Niệm tan hết. Còn khi mình dính bên đây bên kia, thì nhất định có niệm dấy khởi. Niệm dấy khởi đó là ở bờ bên này, không qua được bờ bên kia. Đó là chỗ rất quan trọng.
Là con cháu nhà Thiền phải nhớ đây là điều cốt yếu nhất để chúng ta vào Đạo. Người đời cũng vì hông “Bất” được mà rối lên đủ thứ chuyện. Từ gia đình đến xã hội, đều từ cái chỗ dính “có hai” mà làm ra đủ thứ chuyện. Đó là chỗ để chúng ta nghiệm ra, thấy rõ rồi thì phải biết đặt mình vào vị trí là “Bất”. Cố gắng mà sống cho được chữ “Bất” trong bài Bát Nhã này.
Tánh KHÔNG hông có những cặp đối đãi. Nên ngài Huệ Năng nói: “Bổn lai vô nhất vật”. Trong đó xưa nay vốn không có một vật, không có một cặp đối đãi nào. Nên chỗ không đối đãi là cửa để vào Đạo. Cửa Đạo là cửa “không hai”mà chữ Hán gọi là “bất nhị”. Bất nhị pháp môn là pháp môn không chấp bên đây, không chấp bên kia, không chấp một thứ nào hết.
Vì vậy, chúng ta thấy các Thiền sư khai thị cho đệ tử là luôn đặt vào thế có hai để đệ tử giải quyết. Đệ tử không chấp vào cái có hai mới là được đậu.
Như ngài Nam Tuyền chém mèo là do đệ tử không giải quyết được chuyện không hai. Ngài Tùng Thẩm về, nghe kể lại Ngài liền lột dép đặt lên đầu. Lấy cái dơ đặt lên cái sạch, đó là “bất cấu – bất tịnh” là vào được pháp KHÔNG.
Hay có một vị thiền sư khai thị cho đệ tử. Khi thị giả bưng dĩa trái cây đến ngài bảo: “buông” thị giả buông một tay.
Vị Thầy lại bảo: “buông”
Chú thị giả buông một tay nữa, dĩa trái cây rớt. Thị giả còn đang ngỡ ngàng tức là còn dính chút xíu đó nữa. Ngài bảo: “buông”. Thị giả giựt mình bừng ngộ tức là không còn dính chỗ nào hết.
Nói về trường hợp ngộ của Mỹ Hầu Vương. Việt Nam mình cũng có câu truyện rất lý thú. Truyện kể, khi Mỹ Hầu Vương vào động của tiên trưởng Tu Bồ Đề. Tiên trưởng dạy phép bằng cách bảo Mỹ Hầu Vương đem đổ ống nhổ trầu. Ông bảo: “Không được đổ ở trên trời cũng không được đổ ở dưới đất, đổ đâu đó thì đổ”. Nghĩ tới nghĩ lui, Mỹ Hầu Vương uống hết ống nhổ cổ trầu. Nhưng không ngờ, sau khi uống hết thì Mỹ Hầu Vương được 72 phép thần thông. Tuy nói tào lao chơi nhưng đó chính là đạo lý “bất nhị”.
“Không dính trời không dính đất” là vào được pháp không hai. Vào được Tánh KHÔNG tức là vào được pháp Bát Nhã.
Nên sự khai thị của Thiền sư là để cho mình không dính bên này bên kia. Như ở chùa đây, chúng ta muốn vào được chánh điện thì phải không dính ông Thiện và ông Ác ở hai bên. “Thiện Ác không dính” đó là tông chỉ của Huệ Năng: “Khi không nghĩ Thiện không nghĩ Ác, cái gì là mặt mũi xưa nay của ông?”. Nhân câu nói này mà ngài Huệ Minh hội được chỗ không Thiện không Ác. Vì thế, ngài Huệ Năng nói: “Phật pháp là pháp không hai”.
Với người tu thì cái gì thể hiện pháp không hai? – Là cái đầu trọc này, một cái đầu không nam không nữ. Vì vậy, người tu nào mà còn nặng mình là nam, là nữ thì tu không tốt.
Đã xuất gia rồi thì không nam không nữ gì cả. Tu lâu năm mà còn tự hào mình là Tăng hay tự khinh mình là Ni là chưa được. Phải tu làm sao về cái giới tính nam nữ không còn đặt ra nữa, đó mới là chỗ thành tựu được công hạnh của mình. Xóa giới tính là cơ hội để thể hội Tánh KHÔNG. Vì Tánh KHÔNG là Tánh bình đẳng, là Tánh không có giai cấp, không có đối đãi.
Vì vậy, chúng ta muốn thể hội Phật pháp thì nhất định phải bỏ cái tâm có hai, khó bỏ cũng phải bỏ. Càng tu lâu chừng nào thì càng phải giã từ cái pháp có hai một cách đắc lực chừng nấy. Phải lìa đi cái pháp có hai. Nên đoạn chữ Bất này là đoạn rất rõ ràng, là cơ hội cho chúng ta vào Đạo một cách tốt nhất.
Chúng ta đi thẳng là đi từ chữ “KHÔNG” để đạt được chữ “Bất”. Nhưng đã tu chữ “KHÔNG” hông nổi thì phải gắng tu chữ “Bất”. Đây là cửa để vào Tánh KHÔNG. Từ giờ, chúng ta hãy sống theo kiểu chữ “Bất” là không dính bên đây, không dính bên kia.
Cái gì cũng “Bất” hết được không? Người nào siêng tu như vậy thì có ngày sẽ ngộ được Tánh KHÔNG. Còn người cứ chấp hoài bên đây, bên kia thì tu hoài cũng “ngố” thôi.
Vì vậy, chữ “Bất” này là chữ rất quan trọng. Chúng ta tu là phải “Bất” hết tất cả, đừng chấp vào cái gì hết. Đây cũng là một lối để chúng ta đi vào Tánh KHÔNG.
Đạo lý nhà Thiền thể hiện về chữ “Bất” này một cách trọn vẹn. Tiêu biểu nhất là Tam Tổ Tăng Xán qua bài Tín Tâm Minh.
Ở đây nói:
Trong cái KHÔNG của các pháp đây
Nhớ rằng dùng chữ “cái” để cho dễ hiểu thôi chứ trong KHÔNG hông có “cái” vì là “bất sinh – bất diệt, bất cấu – bất tịnh, bất tăng – bất giảm…” Có nghĩa là trong KHÔNG hông có chuyện sanh và diệt, sanh và tử. Chúng ta thấy có sanh có diệt, có sống có chết, có già có bệnh…thì đó là chuyện của Ngũ Uẩn.
Nên với một người tu đã giác ngộ Tánh KHÔNG. Chúng ta nhìn trên hình thức sanh già bệnh chết, rồi phán định trình độ tu hành của họ, thì coi chừng chúng ta nhầm lẫn. Như người bị tai biến chẳng hạn, thấy họ nằm đó bất động, rồi mình vội đánh giá: “Tu hành gì mà bị tai biến, tu sao mà không làm chủ được sắc thân”. Chúng ta đừng đánh giá như vậy mà sai lầm và có khi trở nên tội lỗi. Vì với một người tu hành chân chính là họ sống bằng Tánh KHÔNG, chứ không phải sống ở trên thân Ngũ Uẩn, càng không sống ở trên thân Sắc Uẩn.
Nếu chúng ta xét trình độ người tu dựa trên Sắc Uẩn thì coi chừng mình lầm. Thứ nhất đó là một bậc chân tu mà chúng ta không biết, thứ hai là rất dễ bị người lừa. Họ không phải là chân tu gì hết, nhưng họ sắp xếp một cái chết rất là tự tại. Trước khi chết họ ngồi kiết già đàng hoàng, dặn dò đệ tử. Để kệ lại rồi bình thản đi vào cái chết và như vậy đệ tử sẽ phục lăn thôi. Nhưng sự thật là họ có một sự sắp xếp, họ ngậm viên thạch tín chẳng hạn. Khi nói kệ xong, họ cắn viên thạch tín bể ra là chết liền tại chỗ. Như vậy là họ chết có thủ đoạn, hy sinh thân xác để gạt thiên hạ. Chúng ta đừng lầm.
Trong nhà Thiền có ngài Chỉ Y Đạo Giả. Bình thường Ngài mặc áo giấy và thường đi chu du trong thiên hạ. Một hôm, về chùa gặp gỡ các huynh đệ dưới một tàng cây. Ngài nói:
- Các huynh đệ ở lại. Tôi đi à!
Thế là Ngài tịch. Như vậy rất giỏi phải không? Nhưng các huynh đệ chưa chịu, trách rằng:
- Huynh chỉ giỏi đi mà không giỏi ở.
Nghĩa là huynh giỏi chết mà không giỏi sống. Ngài Chỉ Y mở mắt ra và hỏi:
- Các huynh đệ còn cần gì ở tôi nữa.
Khi đó huynh đệ mới gật đầu và chấp nhận cho Ngài chết. Như vậy là Ngài chết được sống được. Nếu là người chết bằng cách tự vận thì có sống lại được không? - Không. Được vậy gọi là có “cái dụng sanh tử”. Đó mới là thứ thiệt.
Hay như Bàng Long Uẩn sắp xếp vào buổi trưa sẽ chết. Dọn sẳn tọa cụ, bồ đoàn rồi nói với cô Linh Chiếu:
- Trưa nay cha tịch, con ra xem ngoài trời đứng bóng chưa?
Cô chạy ra coi và trở vô nói:
- Trời chưa đứng bóng.
Ông ra xem thì cô leo lên nệm bồ đoàn ngồi tịch. Ông vào thấy vậy liền nói:
- Con gái ta linh lợi quá. Thôi được chết thì chôn.
Ông kêu bà Long Uẩn đi cho thằng Hai đang cuốc đất ngoài đồng hay. Bà ra bảo:
- Hai à! Con Ba nó đi rồi.
- Con Ba nó đi rồi hả má. Thôi con cũng đi.
Nói xong chống cuốc xuống và tịch luôn. Bà về báo cho ông hay. Ông bảo:
- Thiệt là mấy đứa con này dám đi trước tía nó.
Như vậy là ông đình lại cái chết và làm lễ chôn cất cho con. Một tuần sau trong ngày làm thất, sau khi nói chuyện với bạn bè, ông nằm trên bắp vế của người bạn và chào:
- Các huynh đệ tôi đi đây!
Thế là ông tịch. Như vậy ông dời được cái chết của mình lại 7 ngày.
Ở Việt Nam có Tuệ Trung Thượng Sĩ là thầy của vua Trần Nhân Tông. Khi thấy ông tịch rồi, vợ con thê thiếp xúm nhau khóc rống lên. Ông mở mắt ra và rầy:
- Sống chết là lẽ thường, đâu nên buồn thảm luyến tiếc làm não loạn chân tánh ta.
Rầy xong, Ngài bảo lấy nước súc miệng, súc miệng xong Ngài tịch. Đó là những người tịch đúng với cái chết của một người giác ngộ gọi là có “Sanh tử dụng”. Vì thế ở trên sắc thân mà chúng ta đánh giá thì không chính xác.
Ở đây phải thấy rõ thế nào là Trí Huệ? Thế nào là si mê? Trí Huệ là thấy rõ cái KHÔNG vốn là hông sinh diệt. Còn người thấy trên sinh diệt, trên sinh tử, thấy thân này có sinh ra và chết đi đó là người si mê.
Người tu theo Đạo Phật là phải xả thân Ngũ Uẩn để thể nhập Pháp thân, hay thể nhập Tánh KHÔNG. Người tu chân chính không có củng cố cái thân, không có kéo dài tuổi thọ của Ngũ Uẩn.
Khác với ngoại đạo không hiểu được Tánh KHÔNG nên thấy Ngũ Uẩn là thật, là quan trọng. Vì vậy họ tu để củng cố thân, kéo dài tuổi thọ. Tu theo các phép tiên như luyện tinh hóa khí, luyện khí hóa thần, luyện thần hoàn hư để thân không đau bệnh. Không hiểu rồi chúng ta cho tu vậy là hay, là cao siêu. Nhưng đó là chấp về cái thân rất là nặng nề.
Còn những vị Tăng, có khi thấy các vị đau rề rề, rồi mình đánh giá người đó tu thấp. Nhưng nếu người đó đã ngộ Tánh KHÔNG thì cái thân đau yếu đó không có nghĩa gì hết. Nó giống như là chiếc áo rách vậy thôi, vá được thì vá, vá không được thì bỏ, không có gì quan trọng hết. Cần phải xác định rõ về chỗ này, để chúng ta tu cho chính xác vì nhiều người đã sai lầm về điều này.
Đạo Phật không có quan trọng về tấm thân. Như Đức Phật của chúng ta Ngài vẫn già, vẫn bệnh. Và khi bệnh Đức Phật cũng rên: “Ôi giờ Niết Bàn sắp đến toàn thân ta đau nhức quá”. Nếu không hiểu Phật pháp một cách đúng đắn thì chúng ta sẽ đánh giá: “Giáo chủ vì mà dở, trước khi chết còn rên”. Không thấy được Phật rên là muốn nói lên rằng: “Có sắc thân Tứ đại này thì có già bệnh chết. Ngay thân của ta cũng thế vì nó là đồ giả nên đừng có đắm luyến”.
Nhớ rằng Phật không phải là tấm thân 32 tướng mà Phật là thân Kim Cang bất hoại, là cái vô tướng. Nên đừng nhìn trên thân xác thịt mà cho đó là Phật. Những người giác ngộ họ không có sống bằng thân Ngũ Uẩn. Thân có sanh có diệt đó là thân của nghiệp chướng. Thấy thân có cấu có tịnh, đó là cái nhìn của si mê. Vì trong Tánh KHÔNG vốn “bất cấu – bất tịnh”.
Nếu cho rằng, người tu tốt phải có tấm thân thanh tịnh sạch sẽ. Còn người tu mà tấm thân nhơ nhớp thì cho người đó tu chưa tới đâu. Như vậy là chúng ta lầm không? Giống như Tế Điên và Quảng Lượng. Quảng Lượng có vẻ trau chuốt sạch sẽ nhưng Quảng Lượng có phải là thánh tăng không? Nên chúng ta đừng nhìn trên cái thân xác thịt là cấu hay tịnh, dơ hay sạch mà đánh giá tu cao tu thấp, đó là sai lầm. Cái nhìn của Trí Huệ thì “bất cấu - bất tịnh”, là một cái nhìn thanh tịnh bình đẳng.
Rồi “Bất tăng – Bất giảm”. Với cái thân Ngũ Uẩn của mình có khi mập, khi ốm thì đừng cho tu mà mập mạp phốp pháp đó là tu giỏi, còn tu mà ốm tong teo đó là tu dở. Cái thân mập mạp chưa phải là tốt mà coi chừng là bệnh, còn thân ốm chưa phải là xấu.
Người xưa nói: “Mạo tụy cốt cương nhân bất thức” Nghĩa là: “Dáng bệnh xương gầy người chẳng biết”. Những người tu khổ hạnh thuộc loại dáng bệnh xương gầy, đó là những người tu rất giỏi. Nên đừng nhìn trên cái mập ốm mà đánh giá, đó cũng là chuyện của thân tướng, của si mê.
Đừng ở trên những cặp đối đãi mà đánh giá người tu. Cũng như đừng nhìn trên thân tướng là nam là nữ, là Tăng là Ni, rồi cho rằng Tăng tu mới giỏi, còn Ni tu dở. Đó là cái nhìn sai lầm. Cái nhìn của Nghiệp, của sự vẩn đục mới có nam có nữ. Hãy kiểm lại xem trong một ngày 24 tiếng đồng hồ, chúng ta có mấy tiếng đồng hồ để nhớ mình là nam là nữ, rất ít phải không? Nhất là người xuất gia rờ cái đầu trọc có cảm thấy mình là nam, là nữ gì không?
Khi tâm thanh tịnh không sinh niệm thì không thấy mình là nam, là nữ và cái thấy không nam không nữ, đó mới là cái thấy đúng sự thật. Cái thấy là nam, là nữ là giả. Nên người ta nổi hứng muốn biến mình từ nam thành nữ, hay từ nữ thành nam thì họ đi giải phẫu và giá của nó bây giờ là 60.000 đola. Người ta làm được chuyện đó, vì nó là giả nên có thể thay đổi được.
Chúng ta là người tu và có học Bát Nhã rồi thì phải bằng cái nhìn “không hai”. Là một cái nhìn thật sự là bình đẳng. Khi tu mà thấy có nam, có nữ là chúng ta rớt liền không vào được Tánh KHÔNG. Phải lưu ý điều đó.
Tánh KHÔNG là bất sanh – bất diệt, bất cấu – bất tịnh, bất tăng – bất giảm…lìa hết những cặp có hai. Là một cái thấy bình đẳng trọn vẹn. Đó là cái thấy Trí Huệ.
Nên phải nói rằng Trí Huệ là một đời sống bình đẳng trọn vẹn. Và từ Trí Huệ mà thể hiện Từ Bi, thì Từ Bi đó là một thứ tình thương bình đẳng. Tình thương đó không phải vì vừa ý mình mà mình thương. Một tình thương bình đẳng thì không nam không nữ, không tăng không tục. Vì nó xuất phát từ Trí Huệ bình đẳng.
Đây là chỗ nhiều người đã lầm vì không hiểu đặc tính của Trí Huệ là bình đẳng. Do đó, khi thể hiện Từ Bi không được bình đẳng. Ai vừa bụng mình thì mình thương.
Tình thương mà có vừa bụng hay không vừa bụng thì đó không phải là Từ Bi.
Trí Huệ Tánh KHÔNG là sức sống bình đẳng không hai.
Các bài mới
- KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 3) - 12/06/2017
- KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 2) - 04/06/2017
- KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 1) - 31/05/2017
- Mở cánh cửa không - 17/06/2016
- Kinh Tâm - 29/06/2015
Các bài đã đăng
- Tâm Kinh Bát Nhã qua cái nhìn của Nhà Thiền - 20/06/2015
- Tánh không duyên khởi, chơn không diện hữu - 02/06/2015
- Sự tương quan giữa Bát nhã và Thiền tông - 01/06/2015
- Tánh không và chơn không - 31/05/2015
- Chữ Không trong Kinh Bát Nhã - 27/05/2015
Chuyên đề
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05055
- Online: 17