KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 6)

05/07/2017 | Lượt xem: 4452

HT.Thích Phước Tú dịch và giảng

Đoạn 5:

          Dĩ vô sở đắc

         Cố Bồ đề tát đoả

         Y Bát Nhã Ba La Mật Đa

         Cố tâm vô quái ngại

         Vô quái ngại, cố vô hữu khủng bố

         Viễn ly điên đảo mộng tưởng

                       Cứu cánh Niết Bàn.

 

Dịch:

Do “hổng có chỗ được”

Nên bậc Bồ đề tát đoả

Y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa

Lòng hông có quái ngại

Do hông có quái ngại

Nên hông có sự sợ hãi

Xa rời mộng tưởng điên đảo

Đến Niết bàn rốt ráo.

“Dĩ vô sở đắc” tức là do “không có chỗ được”, mà chúng ta thường gọi là “vô sở đắc”; tức là không có gì để được hết. Trong Tánh KHÔNG hoàn toàn rỗng lặng, không có cái gì để gọi là được.

Do đó có chỗ nói về 3 tiêu chuẩn của Đại thừa là Không – Vô tướng – Vô tác. Nó là rỗng sáng không trống, không có tướng mạo gì hết, không có gì làm nên, không có gì tạo ra. Đây gọi là tam pháp ấn của Đại thừa, người tu theo Đại thừa phải hiểu ra 3 điều này.

Nếu chúng ta thấy có “sở đắc” tức là mình có “tác” là có làm ra, có tạo nên, là có tu thế này, tu thế kia.

Chúng ta nhớ kinh Kim Cang, Đức Phật hỏi: “Bồ tát có trang nghiêm cõi Phật không?” thì ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng: “Bồ Tát không có trang nghiêm cõi Phật” tức là Bồ Tát không có làm đẹp cõi Phật, Bồ Tát không có tu. Cái tu mà nói không tu đó là: “Tu vô tu, tu; chứng vô chứng, chứng”.

Tu mà không có tu, Kim Cang gọi là Vô Sở Trụ. Ở Bát Nhã này gọi là Vô Sở Đắc; vì Thể Tánh vốn rỗng rang không không như vậy, nên không có gì để tu, không có gì để được hết.

Khi chúng ta nói được là được cái ngoài mình phải không? Như nói rằng: “Tôi được quyển sách, cây viết”; thì quyển sách, cây viết là cái ngoài mình nên mới gọi là được. Còn khi mình chụp lấy chính mình và nói rằng: “Tôi được tôi rồi”. Nói vậy được không? – Là thật tôi thì không có được.

Gọi là có “sở đắc” tức là được những cái ngoài mình. Mà chúng ta tu là nhằm để được cái gì? – Được đó là được chính mình, nên nói được là một cách nói thôi.

Chúng ta vốn có một cái mình chân thật mà hồi nào đến giờ chúng ta không biết, cứ mãi lo chạy theo duyên đời mà quên mất mình. Giờ không chạy theo trần cảnh nữa, để cái mình chân thật hiển lộ thì gọi là được, nhưng thật thì không có được gì hết. Giống như khi ngủ nằm chiêm bao thấy người ta bắt nhốt và đem chém đầu, thấy mình tan xác. Đến khi tỉnh mộng mới hay ra mình không có mất đâu hết. Như vậy mình giải thoát hết về những việc trong giấc mộng.

Nên khi ngủ thấy ác mộng mà niệm Phật, niệm chú không hết thì chỉ cần thức dậy là xong. Cũng vậy, chúng ta đang ở trong mê, sống theo những bóng ảnh chập chờn, mộng mị theo Ngũ Uẩn và khi mình tỉnh ra, mình giác tức là những cái bóng Ngũ Uẩn chập chờn tan đi, chỉ còn là một Tánh KHÔNG mà thôi. Và như vậy chúng ta sẽ không còn bị cái Ngũ Uẩn làm cho sợ hãi khổ sở nữa.

Trong mê thấy nào nhặt nào thưa

Tỉnh ra rồi bặt từng ly từng mảy.

(Huyền Giác)

Chỉ cần tỉnh ra thì tất cả những chuyện dây dưa từ Ngũ Uẩn sẽ tan biến; chỉ còn Tánh KHÔNG bằn bặt thôi. Không có gì để được hết, là Vô Sở Đắc.

Nên tu là để được cái không được. Nếu chúng ta thấy có được là bị rơi vào trong Ngũ Uẩn, bị kẹt trong Ngũ Uẩn. Giống như Tề Thiên Đại Thánh thấy mình đã nhảy qua khỏi bàn tay Phật Tổ và tới được chân trời rồi; chính cái thấy được đó mà Tôn Đại Thánh phải chịu hậu quả bị úp trong Ngũ Hành Sơn. Người tu đúng pháp là không có gì để được hết. Thấy có được là bị tai họa.

Do vì mình không từ Tánh KHÔNG, không từ chỗ Vô Sở Trụ mà tu. Chúng ta tu ở trên cái Ý Thức; tu trên cái vọng thức nên còn có chất tham, lòng tham. Vì vậy mình cảm thấy có được cái này cái nọ và khi cảm thấy có được, đó là mình còn kẹt trong vọng thức, kẹt trong Ngũ Uẩn.

Giống như chúng ta thấy giữa Tôn Hành Giả và Bát Giái; trong những đoạn thử thách về Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy thì Tôn Hành Giả không bị vướng cái nào hết, vì Tôn Hành Giả từ ngộ Tánh KHÔNG mà hành đạo. Còn Bát Giái cái nào cũng vướng hết, cái nào cũng muốn được hết; đó là do vì Bát Giái tu bằng Ý Thức, tức là bằng ý niệm mà tu, cho nên còn có chất tham; tu thì tu, đi Tây phương thì đi mà tham thì vẫn tham. Thành ra hai nhân tu khác nhau một cách rõ ràng.

Nhất là với người mới tu thì rất chuộng về cái Ý Thức, tin tưởng về Ý Thức; vì trong Ý Thức đó nó cho mình mùi vị, cho mình cái nếm trải của chất tham. Có Danh, có Lợi, có Tình nên mình thấy thú vị và mình tin tưởng về Ý Thức lắm. Cho nên giai đoạn đầu Đường Tăng rất nghe lời của Bát Giái mà xua đuổi Tôn Ngộ Không, không tin tưởng Tôn Ngộ Không, dù Tôn Ngộ Không tài năng có thừa, đủ sức để bảo vệ Đường Tăng.

Chúng ta chịu nghe những tiếng nói rủ rỉ thì thầm của Ý Thức hơn là tin vào cái Trí lặng lẽ của mình; dù rằng cái Trí đó không có xúi mình đắm nhiễm ở trên Danh Lợi Tình, nhưng mình không tin; giống như Đường Tăng vậy.

Sau những lần thất bại thê thảm, Đường Tăng mới có kinh nghiệm và không còn tin Bát Giái nữa, mà tin Tôn Hành Giả hơn. Tin Tôn Hành Giả rồi thì đường đi của Đường Tăng trở nên nhẹ nhàng hơn và Đường Tăng còn khiến Tôn Hành Giả đánh đòn Bát Giái, phạt Bát Giái. Tức là khi đó năng lực Tánh KHÔNG có sức mạnh, có giá trị nên trừng trị lại cái Ý Thức, không để vướng vào Danh, Lợi, Tình.

Chúng ta bằng ý niệm mà tu thì loay hoay rồi cũng bị vướng trong Danh, Lợi, Tình; người nặng người nhẹ thôi vì bằng tâm Ý Thức mà tu. Giống như người đi đường bộ thì nhất định phải qua 9 suối 10 đèo; phải qua cầu, qua đò thì phải vướng thôi. Không như người đi trên đường hàng không, không phải vướng 9 suối 10 đèo gì cả. Người tu từ ngộ Tánh KHÔNG đó là người đi trên đường hàng không.

Nhiều người không hiểu cho rằng người tu Thiền là phải trải qua 50 Ngũ Ấm ma, là sự biến hóa từ nơi 5 Uẩn hay 5 Ấm thành ra 50 chặng đường khó. Nhưng cái khó đó là do người tu Thiền phá Ngũ Ấm ma; tức là từ cơ sở Ngũ Ấm mà phá lại Ngũ Ấm, từ nơi Ngũ Uẩn mà phá lại Ngũ Uẩn. Giống như đi trên đường bộ thì có bao nhiêu cầu đèo, sông suối đều phải trải qua hết.

Nhưng với người tu Thiền chánh tông là Thiền Kiến Tánh; một phen tu là ngộ được Tánh KHÔNG, họ giống như người đi trên đường hàng không vậy. Họ khởi sự từ nơi Tánh KHÔNG mà tu, nên Ngũ Ấm đâu có biến hóa thành 50 Ngũ Ấm ma.

Chỉ có người tu Thiền không thấy Tánh, chưa thấy Tánh; tu thiền diệt niệm, diệt tưởng thì người đó mới trải qua 50 Ngũ Ấm ma. Giống như Đường Tăng phải trải qua hết 80 nạn, 80 hang ma động quỷ; nhưng với Tôn Ngộ Không thì sao? – Nhảy một cái vèo là qua tới Tây phương, không có vướng một cái nạn nào hết.

Người tu Thiền kiến Tánh là người tu Vô Sở Đắc, do Vô Sở Đắc mà bậc Bồ Đề Tát Đỏa là bậc Bồ Tát y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa; nương vào Trí Huệ Siêu Việt là Trí Huệ Tánh KHÔNG đến bờ kia, mà lòng không có quái ngại, không có gì sợ hãi. Giống như người đi trên máy bay thì không có gì sợ hãi, không có gì phải quái ngại, không còn thấy có chướng ngại cái này, cái nọ.

Còn với người tu Thiền theo lối nguyên thủy, tu theo lối diệt niệm thì hầu như tất cả sinh hoạt giữa đời này đều là chướng ngại đối với việc tu của họ; họ ngại khi phải đối diện với người khác phái, ngại về ăn uống, ngại đủ thứ chuyện. Không như người tu Thiền kiến Tánh, khi ngộ Tánh rồi họ rất là ung dung tự tại, không có chướng ngại gì hết. Như Trần Thánh Tông nói:

Chữ thập đầu đường mặc ruỗi dong

Ở ngã tư là chỗ người ta chần chừ không biết quẹo đường nào, nhưng với người tu Thiền kiến Tánh như người đã thông thạo đường rồi thì không có do dự, tức là họ có một lối ứng xử rất nhịp nhàng với cuộc sống. Họ thấy rõ đâu cũng là TÂM, đâu cũng là Tánh họ; nên không thấy gì là chướng ngại, là khó giải quyết cho chính họ hết.

Giống như Tuệ Trung Thượng Sĩ lên bàn ăn có đồ mặn và đồ chay thì ông cứ ăn một cách bình thường, cả đồ mặn và đồ chay. Em gái ông thấy vậy mới nói:

- Tại sao anh là người tu mà ăn như vậy?

Ngài đáp:

       - Phật là Phật, anh là anh. Anh không muốn làm Phật mà Phật cũng không muốn làm anh.  

Nên chay mặn không là vấn đề, không là chướng ngại. Đó là một sự thể hiện để cho thấy một người tu kiến Tánh rồi thì thịt cá hay rau củ; tất cả cũng là Tâm  mình nên không có cái ngại, cái kỵ gì.

Người tu khi ngộ Tánh thì lòng không có quái ngại nên không có sự sợ hãi. Trong khi chúng ta rất dễ sợ hãi, sợ đủ điều, sợ sanh già bệnh chết vì thấy sanh già bệnh chết là vấn đề. Còn với người lòng không quái ngại, họ đối với sanh già bệnh chết không là vấn đề; nên sống cũng được, bệnh cũng được, chết cũng được, thế nào cũng được. Vì cái sống thực của họ không phải là thân Ngũ Uẩn, không phải là tấm thân Tứ đại mà là Tánh KHÔNG, cho nên họ không có gì để sợ hãi.

Người còn nặng chấp về thân Ngũ Uẩn thì nhất định người đó còn sợ hãi. Các vị nghiệm lại chính mình coi có phải vậy không? Cho nên rồi tiếng “ý chết” hay “suýt chết” chúng ta thường hay nói lắm; chuyện gì chút xíu mình cũng nói “ý chết”. Chúng ta sợ và nó đã thể hiện ra một cách rõ ràng trong cuộc sống hàng ngày của mình.

 Chúng ta còn coi thân Ngũ Uẩn này là mình, là trọng thì đều có sợ hãi, không ai là không sợ hãi. Mạnh như Sở Bá Vương Hạng Võ, một tay cử đỉnh để thị uy quần hùng, nhưng hỏi ông có sợ không? – Sợ. Sợ thua thiên hạ cho nên mới gắng cử đỉnh, đó là cái sợ đầu tiên của ông. Sau đó, ông lãnh đạo hùng binh của nước Sở, coi như lên ngôi Sở Bá Vương; đúng là lúc đó ông không biết sợ ai, nể ai. Nhưng rồi bị Hán Bái Công, Hàn Tín đánh cho những trận tơi bời, trận đánh ở núi Vụ Quang bị đánh tan nát chỉ còn một mình một ngựa bỏ chạy. Ông sợ nên mới bỏ chạy, chạy tới bờ sông thì có tên thuyền trưởng muốn đưa ông qua sông. Đó là dòng sông Ô Giang, dòng sông mà người vợ của ông đã tự vận chết. Ông nhớ lại chuyện đó và thấy rằng mình bây giờ thật là cô đơn, cô lẽ trên cuộc đời; vì vậy ông không muốn qua sông nữa và xuôi tay cho quân của Hàn Tín cắt đầu. Đó là ông sợ sống, sợ sống mà cô đơn, cô độc không có người yêu thương ở bên mình; không có sự nghiệp đế vương, không có ba quân tướng sĩ, sợ và sợ…

Rồi, như Hitle là người gây nên đệ nhị thế chiến; ông cũng quậy thiên hạ giết người kinh khủng, nhưng rồi cuối cùng bị thua trận ở Thái Bình Dương và bại trận ở trên đất Nga. Tổng tham mưu quyết định đầu hàng và tất cả tướng lãnh đều phải tự sát; ông cũng đồng ý nhưng đến chừng phải tự sát thì ông không dám tự bắn mình, mà phải nhờ người khác bắn ông khi ông từ cầu thang đi xuống. Ông làm hùm, làm hổ nhưng cuối cùng cũng là một thứ chết nhát.

Cho nên cái sợ hãi ở ai cũng có; người sợ kiểu này người sợ kiểu khác. Có những người sống ô nhục họ chịu không nổi, nên họ mổ bụng để mà chết thì đó cũng là một thứ sợ hãi thôi.

Nhưng với bậc Bồ Tát khi tu bằng pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa; các Ngài “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG độ nhất thiết khổ ách” vì thế không còn gì quái ngại, không còn gì để sợ hãi nữa. Do đó, các vị “viễn ly điên đảo mộng tưởng cứu cánh Niết Bàn”; các Ngài xa lìa điên đảo mộng tưởng để đạt được Niết Bàn rốt ráo, tức là khi sống bằng Trí Huệ Bát Nhã rồi thì hoàn toàn xa lìa tất cả mộng tưởng điên đảo.

Còn chúng ta sống bằng mộng tưởng điên đảo; nên Đức Phật nói: “Chúng sinh điên đảo” thì cũng phải lắm, điên đảo là ngược ngạo. Bồ Tát sống bằng cái thật, còn mình thì sống bằng cái giả. Lấy giả làm thật, đó gọi là điên đảo. Giống như Tuệ Trung nói:

Trâm vàng mụ sói treo làm móc

Gương báu lão mù lấy đậy ly

Trâu há thèm nghe đàn ngọc thố

Voi đâu thèm biết tiếng mani.

Trâm vàng là thứ quí báu, nhưng nhằm mẹ sói đầu ngu dốt, lấy làm đinh, làm móc để treo nùi giẻ. Còn gương báu, ngày xưa chỉ có vua chúa mới có, thì lão mù tưởng là cái dĩa, dùng để đậy ly thôi. Đó là thứ sống ngược ngạo. Tiếng ngọc sáo là tiếng vi diệu, nhưng con trâu đâu thèm nghe. Rồi, con voi của nhà vua được trang sức bằng ngọc mani rất đẹp, rất quí nhưng nó không biết gì hết.

Đó là diễn tả tình trạng điên đảo của con người, có cái quí mà không hay không biết, có cái Tâm Phật mà không biết không hay. Bỏ Tâm Phật mà sống bằng tâm chúng sanh, sống bằng tâm có Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi…Sống bằng tâm có phiền não khổ đau thì chịu hơn, đó là sự điên đảo của chúng ta.

Còn Bồ Tát khi biết ra về Tánh KHÔNG thì các Ngài viễn ly điên đảo mộng tưởng, xa lìa về những sự điên đảo như thế. Khi tỉnh rồi thì bao nhiêu giấc mộng đẹp hay xấu đều trở thành vô nghĩa hết. Những niệm tưởng trong lúc ngủ gọi là mộng tưởng và lúc thức thì gọi là vọng tưởng. Chúng ta sống bằng vọng tưởng đó là chúng ta sống bằng mộng, sống bằng cái giả.

Bồ Tát xa lìa hẳn về những cái tâm điên đảo mộng tưởng và như vậy đầu của các Ngài là một cái đầu rỗng không. Một cái đầu bằn bặt không có Tham Sân Si, không có 10 tập nhân, nên không có niềm đau nỗi khổ; trong khi đó cái đầu của chúng ta đầy tập nhân hết.

Chúng ta có cái đầu trống vắng nhưng chúng ta không chịu, có những lúc đầu của mình trong veo chúng ta lại cảm thấy buồn, cảm thấy cô đơn cô độc; rồi mình mới bày chuyện đi chơi, đi coi hát, xem tivi sách báo để khỏa lấp đi về khoảng trống vắng cô đơn đó. Chúng ta có mà không biết thừa nhận, giống như mình say cái bóng trong gương, chấp cái bóng trong gương chứ không chịu nhận cái thân là mình.

Như anh chàng Diễn Nhã Đạt Đa trong kinh Lăng Nghiêm đã diễn tả, một sáng xem gương rồi say mê đầu mặt mình trong gương; khi quay gương thấy mất cái đầu, lúc đó mới phát khùng lên chạy đi kiếm mình.

 - Bớ làng xóm ơi, tôi mất đầu rồi, tôi mất đầu rồi.

Gặp người hiểu biết người ta mới nói:

         - Đầu mất sao biết la vậy? Đầu ở trên cổ ông chứ đâu mà la.

Lúc đó mới nhận ra cái đầu chưa từng mất, cái mê của người đời là vậy. Đó là sự điên đảo của mình, do sống bằng những cái tâm vọng động; là cái tai họa mà không biết, cứ cho mình là hay. Càng vận động tính toán nhiều chừng nào càng làm cho chúng ta nhức đầu nhiều chừng nấy; nó làm u não, ung thư não ảnh hưởng tới cơ thể, tới đời sống của mình rất nhiều. Trong khi, các Bồ Tát hiểu ra Tánh KHÔNG thì các Ngài không có vận dụng tế bào chất xám nữa; không sống bằng tế bào chất xám nên xa lìa điên đảo mộng tưởng, đạt cứu cánh Niết Bàn. Tức là đến được Niết Bàn cao tột là Niết Bàn Phật hay Vô Dư Niết Bàn, là cõi không niềm đau nỗi khổ, hoàn toàn an vui, an vui trọn vẹn.

Có người cho rằng xa lìa điên đảo mộng tưởng rồi phải xa lìa luôn cái Niết Bàn rốt ráo nữa. Niết Bàn rốt ráo cũng không vướng vào nữa, thì như vậy mới thật sự là Vô Sở Đắc. Giảng vậy đúng không? - Ý thì cũng có đúng, nhưng đối với câu văn chỗ này thì không thể hiểu như vậy.

Như khi tu mà chúng ta cảm thấy rằng: “Mình có chứng được quả Niết Bàn rốt ráo”. Tự cảm thấy mình có chứng, như vậy là còn có Sở Đắc nên không được. Thấy có chứng là hư chuyện.

Giống như khi ngủ ngon, mà mình nói với mình rằng: “Ồ! Mình ngủ ngon quá!”. Nói vậy được không? – Nếu thật sự là ngủ ngon thì không có nói gì hết, cứ im lặng mà ngủ thôi.

Còn như tôi nói với các vị về chú nhỏ đó:

 - Các vị xem! Chú nhỏ ngủ thật là ngon.

Tôi nói vậy thì không có lỗi gì hết. Nên ở chỗ này phải phân ngôi để mà hiểu. Người ngôi thứ nhất nói với người ngôi thứ hai về ngôi thứ ba thì đâu có lỗi gì.

Ở đây, Đức Phật nói với ngài Xá Lợi Phất về các vị Bồ Tát; khi tu pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa rồi, thì các vị đó xa lìa tất cả điên đảo mộng tưởng và các vị đó được Niết Bàn rốt ráo. Nên đoạn này không có gì là Vô Sở Đắc hết. Nếu giảng mà không có phân ngôi, đi tuốt luốt luôn, tưởng là hay nhưng không đúng với bản văn. Phải lưu ý.

Với các Bồ Tát “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai KHÔNG” nên xa lìa tất cả điên đảo mộng tưởng, đạt được Niết Bàn rốt ráo. Còn chúng ta chưa được trình độ ngộ Tánh KHÔNG, chúng ta tu như thế nào về đoạn này?

Nhân vào chỗ nói là: “Viễn ly điên đảo mộng tưởng” thì bây giờ chúng ta hãy tập sống đời viễn ly. Hãy tập sống đời xa lìa những cái mộng tưởng, những cái điên đảo của mình đi.

Chúng ta đang điên đảo cái gì, đang mộng tưởng cái gì thì nên dừng lại cái điên đảo, cái mộng tưởng đó. Chúng ta đang điên đảo về Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy mình nên dừng lại những cái điên đảo đó; đang mộng tưởng về sắc nam, sắc nữ thì dừng lại đừng mộng tưởng về sắc nam, sắc nữ nữa.

Chúng ta phải tu hạnh viễn ly. Từ chỗ tu hạnh viễn ly này, nó sẽ giúp mình thôi đi cái tâm điên đảo, cái tâm mộng tưởng. Đây cũng là một lối để mình có thể vào được Tánh KHÔNG. Chúng ta đi thẳng không được thì mình đi quanh vậy.

Gọi là tu mà không chịu viễn ly gì cả thì tu được không? Muốn hết khổ đau mà không viễn ly thì không giải quyết được gì hết.

Nếu chúng ta thuộc trình độ bậc thượng thì mình đi thẳng từ nơi Tánh KHÔNG mà vô quái ngại, mà vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng đạt được Niết Bàn rốt ráo, đạt được cảnh giới Phật. Còn mình là hạng hạ căn thì chúng ta nên tập sống đời viễn ly.

Bây giờ phải tập sống viễn ly ở trên 6 Căn của mình. Mắt phải viễn ly với cảnh sắc, tai viễn ly với âm thanh, mũi viễn ly với mùi, lưỡi viễn ly với vị, thân viễn ly với sự xúc chạm, ý viễn ly với những cái bóng ảnh ở trong đầu.

Phải tập đời sống viễn ly như vậy thì may ra chúng ta mới gần gũi được với cái hạnh của người tu; còn mình đầu tròn áo vuông mà không chịu tu hạnh viễn ly thì không biết gọi là người gì? Chúng ta phải ý thức chuyện này.

Đã phát tâm tu rồi thì phải tập sống đời viễn ly, mà muốn viễn ly được thì phải có sự gan dạ, phải có sự hy sinh. Phải rất nhiều cố gắng bởi vì sự hy sinh nào cũng có sự đau đớn trong đó.

Giống như người đầy mụt cóc mà mình muốn cắt bỏ các mụt cóc đó thì phải chịu đau một chút, phải gan dạ thì mới trở nên đẹp đẽ.

Vì vậy người tu phải là người gan dạ chứ không thể là người nhút nhát.

 Sự rứt bỏ nào cũng có cái giá của nó, nên mình phải trả cái giá đó vmình phải cố gắng tinh tấn siêng năng lên.

Ở đây, không nói tới những người tu hạ căn, nhưng chúng ta cũng mượn vào chỗ này để tìm một lối cho người hạ căn có thể bước vào.

Hãy viễn ly! Hãy xả bỏ mộng tưởng, xa lìa điên đảo. Có viễn ly mới hy vọng đạt ngộ Tánh KHÔNG mà qua tất cả nạn khổ.

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 27375
  • Online: 36