KINH TÂM BÁT NHÃ giảng giải (Phần 7)

15/07/2017 | Lượt xem: 3685

HT.Thích Phước Tú dịch và giảng

Đoạn 6:

Tam thế chư Phật

Y Bát Nhã Ba La Mật Đa

Cố đắc A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề

Dịch:

Các vị Phật trong ba đời

 Y vào Bát Nhã Ba La Mật Đa

Nên được A nậu đa la tam miệu tam Bồ đề

Đoạn này dẫn chứng để thấy pháp Bát Nhã thật là hay, mầu diệu cao sâu, y đây đạt đến cứu cánh Niết Bàn. Các Phật quá khứ, hiện tại, vị lai thành Phật cũng do từ pháp này.

Chúng ta muốn thành Phật cũng phải nương vào pháp này để được thành Phật. Ngoài cái pháp này ra không có pháp nào để thành Phật nữa, phải hiểu như vậy mà tạo nhân tu cho mình một cách chính xác để rồi chúng ta cũng được thành Phật.

Như Lục Tổ Huệ Năng khi bỏ búa rìu để tới Hoàng Mai. Ngũ Tổ hỏi:

- Ngươi đến đây để cầu cái gì?

Ngài đáp:

   - Con đến đây chỉ cầu làm Phật thôi.

Ngài có nhân tu là muốn cầu thành Phật, nhưng sau đó Ngài tu cái pháp gì? Ngài nghe kinh Kim Cang, ngộ kinh Kim Cang tức là Ngài giác ngộ về pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa và do ngộ về pháp Bát Nhã mà Ngài thực hiện được hoài bão thành Phật của mình.

Đó là một vị Tổ rõ ràng để cho thấy rằng, muốn thành Phật thì phải tu pháp môn Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Cho nên, đây là pháp mà các vị Tổ đã tu. Gọi là Tổ của Thiền tông là phải ngộ và hành pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa này; rồi các Thiền sư ở Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản …cũng đều tu về cái pháp này.

Nên cửa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa, đó là cửa Thiền. Đó là con đường vào đạo Thiền nên gọi là cửa KHÔNG. “Cửa Phật là cửa KHÔNG” tức là cửa Bát Nhã; nên suốt bài Bát Nhã này là một chữ KHÔNG to tướng. Thành ra, trì kinh Bát Nhã đó là trì một chữ KHÔNG.

Tới đây chúng ta đã thấy rõ năng lực của Tánh KHÔNG, mới thấy rằng nghĩa KHÔNG là “hổng có” thì rất là phụ thuộc, không dính gì đến bài kinh Bát Nhã này.

Ở đây, Bồ Tát từ chỗ ngộ Tánh KHÔNG mà qua được tất cả nạn khổ của 5 Uẩn, qua được tất cả những sợ hãi chướng ngại giữa cuộc đời này và ngộ Tánh KHÔNG thì được cứu cánh Niết Bàn.

Ngộ Tánh KHÔNG mà sống thì được thành Phật. Nên chữ KHÔNG ở đây, rõ ràng không phải là “hổng có”.

Như vậy, chúng ta học đúng về chữ KHÔNG Bát Nhã, chứ không phải đúng theo ý mình và từ đầu đến đây thì coi như là kết thúc được rồi.

Đoạn 7:

 

Cố tri Bát Nhã Ba La Mật Đa

Thị đại thần chú

Thị đại minh chú

Thị vô thượng chú

Thị vô đẳng đẳng chú

Năng trừ nhứt thiết khổ

Chơn thật bất hư

Cố thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa chú

     Tức thuyết chú viết:

              Yết đế yết đế

              Ba la yết đế

              Ba la tăng yết đế

                Bồ đề tát bà ha.

 

 

Dịch:

     Thế nên biết Bát Nhã Ba La Mật Đa

     Là chú đại thần, là chú đại minh

     Là chú vô thượng, là chú vô đẳng đẳng

     Hay trừ tất cả các khổ

     Là sự chân thật chẳng luống dối

     Thế nên nói là:

“Chú Bát Nhã Ba La Mật Đa”

          Lời chú rằng:

          Yết đế yết đế

          Ba la yết đế

          Ba la tăng yết đế

          Bồ đề tát bà ha

Vì năng lực của Bát Nhã hay diệu như vậy, nó đưa người tới thành Phật. Nên pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa này là một thứ đại thần chú, một thứ đại minh chú, một thứ vô thượng chú, một thứ vô đẳng đẳng chú. Là một thần chú cao siêu nhất, không có thần chú nào hơn pháp Bát Nhã này; vì ngày xưa người ta cho rằng thần chú là cái hay nhất, giỏi nhất. Nhưng bài kinh này, cái pháp này là một thứ pháp hay hơn tất cả những thần chú.

      “Thị vô đẳng đẳng chú” tức là không có một thần chú nào mà qua được cái pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Khen ngợi pháp Bát Nhã này là một pháp hết sức tuyệt vời, thần chú dù có hay cách mấy cũng không bằng được cái pháp Bát Nhã này.

      Thế nên, về Kim Cang thừa của Tây Tạng là một thừa tu về thần chú, về mật tông, thì cuối cùng các vị cũng phải tu qua pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Chỗ cao siêu của Kim Cang thừa vẫn là pháp Bát Nhã Ba La Mật Đa, như đức Đạt Lai Lạt Ma hiện giờ Ngài cũng rất tâm đắc về bài kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa này. Chúng ta muốn hiểu thêm, thì tìm các bài giảng của Ngài để tham khảo.

Ở đây, nói rằng thần chú nào dù có hay cách mấy, cũng không qua được pháp Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa này và cuối cùng cho rằng đây là sự chân thật chẳng luống dối. Nên nói Bát Nhã Ba La Mật Đa là một thần chú và thần chú đó có câu chú rằng:

Yết đế yết đế

          Ba la yết đế

          Ba la tăng yết đế

          Bồ đề tát bà ha.

Về câu thần chú thì chúng ta không có dịch và không có bàn. Nên phần này coi như là kết thúc về bài kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa.

Như vậy, hôm nay chúng ta đã đủ duyên bàn xong về bài kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa. Các vị nghe qua rồi ngẫm nghĩ để thấy ra được cái hay của bài kinh này và cần nhất là phải nhận cho ra về Tánh KHÔNG ở tại nơi thân Ngũ Uẩn của mình.

Nhận ra được Tánh KHÔNG rồi, thì thân 5 Uẩn này sẽ trở thành vô hiệu hóa và nó trở thành như là một rô bô thông minh, để cho chúng ta sử dụng trong cuộc đời này thôi; chứ nó không còn là ông bà ông vải của mình nữa. Các vị nhớ nó chỉ là một rô bô thông minh, nhờ nó mà chúng ta có thể liên lạc với cuộc sống, để có thể hoằng hóa chúng sinh một cách tốt hơn. Rồi khi rô bô làm việc hết công sức của nó thì sao? – Rô bô bị cúp điện hết hoạt động, rô bô chết đi nhưng năng lực điều khiển rô bô, năng lực đó có mất không? Năng lực đó vẫn còn, nên có thể chế tạo một rô bô khác. Vì vậy, không có gì phải lo ngại khi một rô bô hư hay là tan xác. Hư cái này thì làm ra cái khác, dễ dàng thôi khi chuyên gia vẫn còn.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Năng Lực Sống của mình và cái thân Ngũ Uẩn này liên hệ với nhau giống như vậy đó. Nên khi chúng ta phải bệnh, phải già, phải chết mà mình hiểu ra được chuyện này thì không có gì phải lo sợ hết.                                                 

Vì vậy, người có Trí Huệ là người sống bằng năng lực Tánh KHÔNG để hóa giải về tấm thân Ngũ Uẩn. Còn người si mê là không biết gì hết về Tánh KHÔNG, họ chỉ một bề chấp vào thân Ngũ Uẩn để làm ta, làm mình mà sống; cho nên khổ đau đầy ắp và luân hồi không có ngày ngừng nghỉ, đau khổ vô cùng. Biết vậy thì chúng ta liệu mà sống.

Buổi học tới đây là kết thúc. Chúc các vị lần hồi sẽ biết ra về năng lực Tánh KHÔNG ở nơi chính mình.

NAM MÔ PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI.

 

Chuyên đề

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88751
  • Online: 39