Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Lời tựa, Giải đề kinh
25/02/2018 | Lượt xem: 3690
Tác giả: Thích Thông Phương
Dịch giả: Thích Phước Hảo
LỜI TỰA
Kinh Thủ Lăng Nghiêm Giảng ký này do chúng tôi giảng cho chư Tăng tại Thiền viện Trúc Lâm, rồi được Quý Sư Cô hợp tác với Phật tử ghi chép lại, xong gửi về chúng tôi chỉnh sửa; sau đó một số Tăng Ni và Phật tử phát tâm ấn hành để làm lợi ích rộng rãi đến nhiều người. Nhân duyên hội tụ đầy đủ, Bộ Lăng Nghiêm Giảng ký này được hình thành và đến tay người đọc.
Tuy nhiên, nghĩa lý kinh Lăng Nghiêm rất sâu, rất rộng, rất nhiệm mầu, vượt ngoài thức tình suy nghĩ hay ngôn ngữ luận bàn, vậy làm sao có thể giảng, có thể ghi chép được?Song nếu một bề im lặng mãi thì ai biết được đây?
Do đó, Đức Phật cũng từ chỗ không thể nói mà phương tiện nói. Và nay đây cũng từ chỗ khó nói mà phương tiện giảng nói, từ chỗ không thể ghi chép mà phương tiện ghi chép. Những mong người đọc khéo hiểu được, đây chỉ là phương tiện, mà phải đạt ý sâu ngoài lời thì cũng không đến nỗi uổng phí vô ích.
Ôi, chân tâm sáng suốt nhiệm mầu ai ai cũng sẵn đủ, nhưng vì sao phải làm chúng sanh vô minh, sống trong vòng hư vọng lưu chuyển không thể dừng ấy? Chỉ vì một niệm bất giác ban đầu, quên mất cái sẵn chân thật sáng suốt nhiệm mầu ấy mà vọng khởi thành sai biệt có nhiều thứ, đến nỗi che khuất cả cội nguồn chân thật xưa nay ấy!
Thanh tịnh bản nhiên bỗng sanh núi sông, quả đất!
Như Diễn-nhã-đạt-đa từ chỗ không cuồng mà phát cuồng bỏ chạy. Cái đầu vẫn sẵn đó, mà bảo là mất đầu rồi đi tìm đầu?!
Có ai thấy chăng cái cuồng của chính mình đó?
Không cuồng tại sao vẫn làm chúng sanh điên đảo đây?
Thật cuồng, thì còn ai có biết để chạy tìm?
Mong sao mỗi người ngay đây thức tỉnh trở lại xem!
Mới hay, Ân Phật quá lớn lao không thể nghĩ bàn! Dù tán nhỏ thân này như vi trần mà phụng thờ Phật trong vô số kiếp cũng khó đáp đền!
Một chút công đức này có thấm là bao!
Tuy nhiên, một chút ánh sáng soi đường cho nhau trong đêm tối vô minh sao bảo là không cần thiết?
Cuối cùng, nguyện đem công đức này, hồi hướng chia đều cho tất cả chúng sanh trong pháp giới đều được thấm nhuần lợi ích không phân chia xa gần, đây kia ngăn cách.
Này nhé!
Nguồn tâm chân thật sẵn đây rồi,
Sao phải khởi thêm cái chiếu soi?
Giác minh, minh giác lầm ngay đó !
Hỡi ai ! Có thấy, Thấy chăng, ôi!
Thấy chăng, ôi!
Đáng tiếc cho kìa, một kiếp người!
Thiền viện Trúc Lâm
Mùa Xuân Đinh Dậu 2017
Thích Thông Phương
GIẢI ĐỀ KINH
I. TÊN KINH
Kinh Lăng Nghiêm nói đủ là Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm. Có khi nói tóm tắt là Lăng Nghiêm hay Thủ Lăng Nghiêm. Nhưng phần sau, khi Bồ tát Văn Thù hỏi về tên kinh thì Phật nói kinh này có 05 tên:
1. Đại Phật Đảnh Tát Đát Đa Bát Đát Ra Vô Thượng Bảo Ấn Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn.
2. Cứu Hộ Thân Nhân Độ Thoát A Nan Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ Kheo Ni Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải.
3.Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa.
4. Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú.
5. Quán Đảnh Chương Cú Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm.
Có chỗ ghi thêm, kinh này còn có tên là Trung Ấn Độ Na Lan Đà Đại Đạo Tràng, từ trong bộ Quán Đảnh chép ra.
II. CÁCH LẬP ĐỀ
Về cách lập đề trong các kinh, xưa nay giải thích có bảy cách:
1. Có khi lấy riêng người để lập đề kinh như Phật thuyết A Di Đà. Phật là Đức Phật, A Di Đà là Phật A Di Đà, là tên người.
2.Có kinh lấy pháp làm đề kinh như kinh Đại Bát Niết Bàn. Đại Bát Niết Bàn là pháp.
3. Có kinh lấy dụ để làm đề kinh như kinh Bảo Tích, chứa nhóm các báu.
4.Có kinh lấy pháp và dụ làm đề kinh như kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là dụ.
5.Có kinh lấy người và pháp làm đề kinh như kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã. Thắng Thiên Vương là người, Bát Nhã là pháp.
6. Có kinh lấy người và dụ làm đề kinh như kinh Như Lai Sư Tử Hống. Như Lai là người, Sư Tử Hống là dụ.
7. Có kinh gồm chung người, pháp, dụ như kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm. Đại Phương Quảng là pháp, Phật là người, Hoa Nghiêm là dụ. Đó là bảy cách lập đề.
Như vậy Kinh Thủ Lăng Nghiêm này, nếu chỉ nói gọn Thủ Lăng Nghiêm thì chỉ là pháp. Nói đủ Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa thì đầy đủ người, dụ, pháp. Như Lai là người, Đại Phật Đảnh là dụ, Tu Chứng Liễu Nghĩa là pháp. Trong Lăng Nghiêm Chỉ Chưởng thì lấy nghĩa đối nhau để giải đề kinh mới đưa ra năm thứ:
1. Pháp và dụ đối nhau. Như chữ Đại là pháp, còn Phật Đảnh là dụ.
2.Thể và dụng đối nhau. Đại Phật Đảnh chỉ cho thể, Như Lai Mật Nhân là dụng.
3. Tánh và tu đối nhau. Như Lai Mật Nhân thuộc về tánh, còn Tu Chứng Liễu Nghĩa thuộc về tu.
4. Nhân và quả đối nhau. Vạn Hạnh thuộc về nhân, Lăng Nghiêm là quả.
5. Thông và biệt đối nhau. Chữ Kinh là thông đề chung hết, các kinh đề gọi chung là kinh. Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm là biệt, là đề riêng của kinh này.
Đó là nói qua đề kinh và những cách lập đề
III. GIẢI THÍCH TÊN KINH " ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHÂN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM"
1. Đại Phật Đảnh:
Chữ "Đại Phật Đảnh" chỉ cho cái đảnh tướng của Phật to lớn. Nhưng chữ "Đại" ở đây không phải nghĩa lớn nhỏ thông thường đối đãi. Mà chữ"Đại" ở đây muốn chỉ cái nghĩa vượt ngoài tướng đối đãi của thế gian, không có gì có thể so sánh phân biệt được. Do đó tạm gọi là"Đại". Như vậy chỗ "Đại" này cần phải thấu hiểu ngoài lời, chứ không phải phân tích trên chữ nghĩa.
Lục Tổ giải nghĩa Ma-ha-bát-nhã trong Pháp Bảo Đàn thì chữ "Đại" cũng vượt ngoài nghĩa lớn nhỏ. Phải thấy được nghĩa đó mới thấu được chữ Đại ở đây.
"Phật đảnh" chỉ cho nhục kế, là một trong 32 tướng tốt ở trên đầu của Đức Phật. Đó là tướng đảnh đầu, là chỗ cao vót, chúng sanh không thể thấy đến được. Cho nên gọi là"vô kiến đảnh tướng". Thế nào là"đảnh tướng" mà không thể thấy đến được? Theo nghĩa bình thường thì đảnh đầu bằng da, bằng thịt, không lẽ kinh lại nói đến cái đó! Nếu hiểu như vậy thì làm sao thấy được Kinh Lăng Nghiêm. Đó là điểm cần phải hiểu sâu thêm.
"Đại Phật Đảnh" đây muốn chỉ cho Đại định Thủ Lăng Nghiêm sẽ nói ở sau.Tức là chỗ tâm chúng sanh không thể nhìn thấu đến được, hay tâm phân biệt không thể phân biệt đến được, mới gọi là không thể thấy đến, là vô kiến. Tạm mượn đảnh tướng của Phật làm ví dụ. Nhân dụ mà người lanh lợi thầm nhận được ý ngoài lời chứ không chấp vào dụ đó.
Chỗ này trong nhà thiền, khi Ngài Đơn Hà đến gặp Quốc sư Huệ Trung thì nhằm lúc Quốc sư đang ngủ. Ngài Đơn Hà mới hỏi ông thị giả Đam Nguyên:
- Quốc sư có nhà không?
Đam Nguyên đáp:
- Ở nhà thì có ở nhưng không tiếp khách.
Vì ngủ thì đâu có tiếp khách, cũng để chỉ ngay chỗ này không có chủ khách đối đãi. Tức là một câu hai ý.
Ngài Đơn Hà hiểu được, khen:
- Thật sâu xa thay!
Chỗ không có chủ khách đối đãi thì đúng là thật sâu xa, chỗ đó không dễ gì thấy đến được, hiểu được bằng thức tình.
Đam Nguyên nói:
- Mắt Phật cũng nhìn chẳng thấy.
Nếu thấy được thì thành có đối tượng, có chủ có khách.
Chỗ Quốc sư ngủ là chỗ bặt đối đãi chủ khách. Cũng để chỉ chỗ sâu kín bặt cả đối tượng, không kia đây, không có chỗ cho người ngoài dòm thấy được. Ngài Đơn Hà cảm thông là thật sâu xa khó nghĩ bàn. Ngài"Đam Nguyên" nói kỹ hơn:"Mắt Phật nhìn cũng không thấy được chỗ đó". Ai thấy được chỗ đó thì thẩm hiểu được nghĩa Đại Phật Đảnh.
Có vị tăng hỏi Tổ Bá Trượng:
- Vì sao thân Bồ tát vô biên mà không thấy được đảnh tướng của Như Lai?
Thân vô biên tức là thân không có bờ mé vậy đó mà không thấy được đảnh tướng Như Lai là sao?
Tổ Bát Trượng đáp:
- Vì khởi cái thấy hữu biên - vô biên nên không thấy được đảnh tướng của Như Lai.
Khởi cái thấy hữu biên - vô biên tức rơi vào có, không hai bên. Chính cái thấy hai bên đó nên không thấy được đảnh tướng của Như Lai.
- Còn nếu như ngay đây trọn không có hết thảy cái thấy hữu - vô ( tức có - không), cũng không phải là không có cái thấy thì chính đó là thấy đảnh tướng.
Muốn thấy đảnh tướng Như Lai phải thấy vượt qua hai tròng con mắt này, vượt ngoài cả lớn cả nhỏ, đối đãi. Tức là thấy hết-còn-chỗ-để-thấy mới thật thấy. Chỉ ba chữ "Đại-Phật-Đảnh" mà thấu suốt là mở con mắt sáng cho mình rồi, không phải chỉ ở trên chữ nghĩa. Nếu chỉ giải thích trên chữ nghĩa thôi thì không có gì đặc biệt. Nhưng đi sâu vào mới thấy có nghĩa sâu trong đó.
2. Như Lai Mật Nhân:
Tức là cái nhân sâu kín của Như Lai. Kinh này là cái nhân sâu kín của Như Lai. Vậy, đó là cái nhân gì mà gọi là cái nhân sâu kín của Như Lai? Nhân sâu kín của Như Lai chỉ cho Tự tánh định Thủ Lăng Nghiêm sẽ nói ở sau. Tự tánh định là chỗ sống của Như Lai nghĩa là Như Lai thường sống ở trong đây chưa từng tạm rời. Nếu rời chỗ này là đi vào sanh diệt, hết còn là Như Lai. Thành Phật là thành ở trong đó. Nhưng nó lại vượt qua cái tâm hiểu biết phân biệt đối đãi, hay là vượt qua cái thấy phàm Thánh. Nói nó sâu kín, tức là khó thấy, chỉ người chứng mới biết, chứ không phải dùng tâm suy xét mà biết được.
Cái nhân sâu kín này ở đâu mà gọi là sâu kín ? Nếu cái nhân sâu kín chỉ có ở nơi Như Lai thì mình không đến được, vì cái đó chỉ có ở Như Lai thôi. Sự thật, nhân này ở ngay trong mỗi chúng sanh mà chúng sanh lại không biết nên mới gọi là chúng sanh. Do không biết nên gọi là sâu kín. Nếu chúng sanh tự biết được cái nhân sâu kín này thì chuyển chúng sanh tiến lên thành Phật, trở về với Chánh giác.
Khi Thượng tọa Minh đuổi theo Lục Tổ, được Lục Tổ khai thị cho tỏ ngộ. Ông hỏi Lục Tổ;
- Ngoài lời mật và ý mật này còn có ý mật nào nữa không?
Mật cũng là sâu kín.
Lục Tổ bảo:
- Đã nói với ông rồi thì hết mật. Bây giờ ông hãy tự soi trở lại thì cái mật chính là ở nơi ông..
Khi chưa hiểu, mình cứ nghĩ có cái mật gì đó ở nơi người hay ở nơi Phật, nơi Tổ mà các Ngài không nói hết cho mình hiểu. Khi hiểu rõ rồi liền sáng tỏ ra cái mật ở đó chính là ở nơi mình chứ không đâu hết. Vì mình tự mê, nó mới thành mật, nếu khéo soi trở lại, sáng tỏ được thì hết mật, là bật mí. Rõ ràng vậy thôi.
Trong lời trực chỉ kinh Lăng Nghiêm có nói rằng:”Tất cả chúng sanh hiện nay tự tánh vốn thanh tịnh, nhưng đều chẳng tự thấy. Cái bất giác của phàm phu là cái vắng lặng tròn đủ của bậc đại thánh".
Tức nói rõ tự tánh của tất cả chúng sanh hiện nay vốn sẵn thanh tịnh, nhưng đều chẳng tự thấy được nên mới làm chúng sanh. Và chính cái bất giác của phàm phu là cái tròn đủ của bậc đại Thánh. Nếu sáng tỏ được chỗ bất giác này là chuyển thành Thánh, trở về với tánh giác. Người sáng suốt khéo nghiệm kỹ lời này để phát minh ra cái mật nhân mới gọi là thật thấu được Kinh Lăng Nghiêm chứ không phải học trên chữ nghĩa.
3. Tu Chứng Liễu Nghĩa:
Tức là chỗ tu chứng nghĩa rốt ráo."Liễu nghĩa" là nghĩa rốt ráo, trọn vẹn không còn thừa sót gì nữa, đối lại với bất liễu nghĩa. Nói "tu chứng", lại nói "liễu nghĩa" thì biết đây là chỗ thực hành rất sâu xa, không thể có cái nhìn cạn cợt hay vội vàng được. Tu chứng đến chỗ liễu nghĩa là tu chứng mà còn thấy có chỗ tu chứng thì chưa thành liễu nghĩa.
Như vậy, liễu nghĩa hay nghĩa rốt ráo của tu chứng này là gì? Đó chính là Tự tánh định Thủ Lăng Nghiêm. Đây là chỗ vượt qua mọi địa vị, thứ lớp sai biệt. Rốt ráo tu mà không có gì để tu, chứng mà không có gì để chứng. Tức là sống trở lại với tự tánh thanh tịnh sẵn có tự bao giờ thôi, chứ không phải được thêm cái gì nữa. Nghĩa là quên hết tất cả niệm sở đắc mới là tu liễu nghĩa. Đây là chỗ gốc để trở về của tất cả chúng sanh. Về đây mới là về tận gốc, trở về đây rồi thì sẽ gặp mười phương chư Phật không còn sai biệt. Đó mới là nghĩa rốt ráo, liễu nghĩa.
Khi Ngài Hoài Nhượng đến Lục Tổ thì Lục Tổ gạn hỏi:
- Vật gì thế ấy đến?
Ngay đó Sư không đáp được. Trải qua tám năm nghiền ngẫm tham cứu mới thấy được câu đáp, sáng tỏ được chỗ này, Sư bèn đến thưa cùng Tổ:
- Nói giống một vật tức chẳng trúng.
Hỏi vật gì đến, nếu mình nghĩ có vật gì đến tức là mắc kẹt rồi . Nói giống một vật cũng không trúng, tức là không còn có cái gì để so sánh, hết chỗ để suy nghĩ.
Lục Tổ hỏi:
- Như vậy thì có tu có chứng không?
Sư thưa:
- Tu chứng thì chẳng không, nhưng nhiễm ô chẳng thể được.
Lục Tổ bảo:
- Chính cái chỗ chẳng nhiễm ô này là chỗ hộ niệm của chư Phật, ông như vậy, ta cũng như vậy.
"Tu chứng tức chẳng không" là không phải cứ để tự nhiên đó mà được. Cũng có tu chứng nhưng "nhiễm ô chẳng thể được" là không thấy có tu chứng. Tức là nó sẵn thanh tịnh vậy thôi. Cho nên Lục Tổ mới bảo:"Chính cái chỗ chẳng nhiễm ô đó là chỗ hộ niệm của Chư Phật, ông như vậy, ta cũng như vậy, không khác".Thấy đến đó là thấy đến chỗ rốt ráo tu chứng không còn sai biệt, chứ không phải dừng ở trên chỗ công phu tạo tác. Thường, mình thấy có tu có chứng, đó là công phu tạo tác; còn ở đây tu chứng là phải đến chỗ không còn tạo tác mới rốt ráo, mới là liễu nghĩa. Học Kinh Lăng Nghiêm phải học thấu đến chỗ đó.
4. Chư Bồ Tát Vạn Hạnh:
Tức là muôn hạnh của các Bồ-tát. Vậy thì Kinh Lăng Nghiêm này đầy đủ muôn hạnh của Bồ-tát. Nhưng nếu chỉ dành cho Bồ-tát thôi thì mình không có phần hay sao?Phải thấu được nghĩa này. Ở đây, Phật muốn nhắc chúng ta làm tất cả mà buông tất cả để sống trở về với tự tánh định Thủ Lăng Nghiêm.
Rõ được chỗ này rồi sẽ thấy Kinh Lăng Nghiêm luôn luôn có mặt với mình ở khắp nơi, chỗ nào cũng thấy Kinh Lăng Nghiêm hết chứ không phải chỉ là quyển kinh để trên bàn hay mấy trang sách. Học như vậy mới thấy được ý vị, và càng học mình càng muốn học, càng thích học. Nếu học trên chữ nghĩa thì đọc tới đọc lui hoài thấy chán. Hiểu vậy thì Kinh Lăng Nghiêm này Phật nói cho chúng sanh, cũng có mình trong đó, mình cũng có phần trong đó chứ không phải chỉ dành cho Bồ-tát thôi. Đừng nghe nói là"chư Bồ-tát vạn hạnh" rồi nghĩ mình không có phần. Đó là thiếu sót, học Kinh Lăng Nghiêm như vậy thì học mà không biết làm gì hết.
5. Thủ Lăng Nghiêm:
Đây là tên cuối, tóm tắt chung. Thường gọi tắt là Thủ Lăng Nghiêm. Thủ Lăng Nghiêm dịch nghĩa là rốt ráo, kiên cố. Chữ rốt ráo còn gọi là cứu cánh tức là hoàn toàn viên mãn. Kiên cố là bền chắc, không có gì làm hư hoại được.Đây là tên của một thứ đại định hoàn toàn bền chắc không có gì làm hư hoại được. Sống trong đại định này thì không có gì làm lay chuyển được, phá sanh tử. Nhưng định gì kiên cố như vậy? Đó là"Tự tánh thanh tịnh định". Tự tánh thanh tịnh là cái định kiên cố, vững chắc không có gì làm hư hoại được. Người đã sống trong định này thì tự tại với các pháp. Như vậy, nghĩa Đại Phật Đảnh, nghĩa Như Lai Mật Nhân, nghĩa Tu Chứng Liễu Nghĩa, cũng như nghĩa Chư Bồ Tát vạn hạnh đều gồm hết trong cái Tự tánh định Thủ Lăng Nghiêm này.
Vậy học Kinh Lăng Nghiêm mình phải tìm thấy Kinh Lăng Nghiêm ở đâu? Tìm ở trong những trang kinh, ở trong những con chữ để giải thích, phân tích thế này, thế nọ, có phải không? Hay là ở trong năm hội chú? Học như vậy gọi là học văn tự. Muốn thấy được Kinh Lăng Nghiêm phải tìm trở lại ngay trong tự tánh của chính mình. Đó mới là chỗ quan trọng. Tức là trong cái chân tâm sẵn có, trong cái mật nhân mà mình sống hàng ngày lại bỏ quên đó, tìm trong đó mới thấy Kinh Lăng Nghiêm thật, là Kinh Lăng Nghiêm sống có sức kiên cố không gì phá hoại được. Sức sống đó giải thoát tất cả mọi sự trói buộc, phá tan tất cả mọi mê lầm. Và nếu đã thấu tỏ được trong đây rồi thì an nhàn, không còn phải sợ ai bài bác, chê bai thật giả nữa.
Do học Kinh Lăng Nghiêm trên văn tự, chữ nghĩa nên có nhiều học giả nói kinh Lăng Nghiêm này không phải Phật nói, kinh Lăng Nghiêm là ngụy tạo. Nghe vậy, mình phản ứng như thế nào? Do dự hay nghi ngờ thành ra mất niềm tin. Còn nếu học thấu được kinh Lăng Nghiêm như thế thì mặc tình ai nói gì thì nói, không còn chỗ để cho ai bài báng, hay chê bai thật giả gì được nữa. Vì chữ nghĩa đâu đến được trong ấy mà bài báng. Tâm phàm này cũng không thấy được đến trong ấy thì làm sao mà chê?
Như vậy mới thấy ngay đề kinh đã mở ra một ánh sáng rất lớn, cũng như mở con mắt thiền cho mình. Và như vậy, mình mới thấy kinh Lăng Nghiêm rất khế hợp với nhà thiền. Vì vậy học thiền rồi học qua kinh Lăng Nghiêm dễ cảm thông và dễ đi sâu vào. Chỉ học một đề kinh thôi đã thấy đủ nghĩa lý sâu trong đó rồi. Đây có bài kệ tóm tắt đề kinh này:
Lớn thay, Phật đảnh khó thấy tìm!
Đấy chính mật nhân Thủ Lăng Nghiêm.
Thật giả tâm kia thôi quét sạch,
Hoàn toàn kiên cố sẵn đây liền.
Sẵn đây liền!
Nghĩa này trọn vẹn chứng không thêm.
Đó là tóm tắt đề kinh, cũng đầy đủ ý nghĩa. "Lớn thay Phật đảnh khó thấy tìm" tức là Phật đảnh rất lớn, vượt ngoài cái thấy, cái suy nghĩ phân biệt bình thường nên gọi là khó thấy tìm, gọi là Vô kiến đảnh tướng. Chỗ đó cũng chính là "mật nhân Thủ Lăng Nghiêm", tức nhân sâu kín của Như Lai. Và đó cũng chính là đại định kiên cố, rốt ráo, bền chắc, chứ không phải trong chỗ phân tích trên chữ nghĩa. Nếu đạt đến chỗ đó rồi thì"thật giả tâm kia thôi quét sạch", tức là buông hết tâm phân biệt thật giả. Sạch hết tâm kia thì cái "hoàn toàn kiên cố sẵn ngay đây" thôi. Tức là tự tánh định Thủ Lăng Nghiêm liền hiện tiền. Đó là liễu nghĩa, nghĩa rốt ráo trọn vẹn, tu chứng mà cũng không cò gì khác trong đó hết.
Các bài mới
- Kinh Viên Giác ( Phần 8) - CHƯƠNG VII: BỒ-TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI THƯA HỎI - 13/07/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 7) - CHƯƠNG VI: BỒ-TÁT THANH TỊNH TUỆ THƯA HỎI - 17/05/2016
- Kinh Viên Giác (Phần 6) - Chương V : BỒ-TÁT DI-LẶC THƯA HỎI - 21/04/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 5) - CHƯƠNG IV: BỒ-TÁT KIM CANG TẠNG THƯA HỎI - 31/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 4) - CHƯƠNG III: BỒ-TÁT PHỔ NHÃN THƯA HỎI - 18/03/2016
Các bài đã đăng
- Kinh Viên giác(Phần 3): CHƯƠNG II: BỒ-TÁT PHỔ HIỀN THƯA HỎI - 08/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 2): CHƯƠNG I: BỒ-TÁT VĂN-THÙ-SƯ-LỢI THƯA HỎI - 26/02/2016
- Kinh Viên Giác giảng giải - Phần 1 - 14/02/2016
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 11 - 12/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 10 - 11/03/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 90186
- Online: 12