Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 06- TÓM THU BỐN KHOA BẢY ĐẠI VỀ NHƯ LAI TẠNG - D. THU MƯỜI TÁM GIỚI

15/05/2018 | Lượt xem: 3215

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

D. THU MƯỜI TÁM GIỚI

Mười tám giới tức là căn, trần, thức. Chữ giới có nghĩa là chủng tộc cũng là nhân. Thí dụ như nhãn căn, sắc trần, rồi sanh ra nhãn thức giới; rồi nhĩ căn, thanh trần, sanh nhĩ thức giới v.v…, mỗi thứ có giới hạn, không xen tạp lẫn lộn với nhau. Giống như là chủng tộc, mỗi mỗi có giới hạn riêng. Đây là Phật vì người chấp cả tâm và sắc, nên tâm-sắc đều khai.

 

Do nhãn căn tiếp xúc với sắc trần, người mê chấp thật có nhãn thức; rồi do nhĩ căn đối với thanh trần, lại chấp thật có nhĩ thức. Phật chỉ ra chúng không có thật thể, chẳng lẽ một người lại có đến sáu cái tâm: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Người mê chấp thật có sáu thức. Ở đây thu tất cả về Như Lai Tạng tánh để phá cái lầm chấp trong đó.

* Thu Ba Giới: Nhãn Căn, Sắc Trần và Nhãn Thức

CHÁNH VĂN:

Lại nữa, A-nan! Thế nào là mười tám giới vốn là Như Lai Tạng Diệu Chân Như Tánh?

A-nan! Như ông đã rõ, nhãn căn và sắc trần làm duyên sanh ra nhãn thức, thức này nhân nhãn căn sanh, lấy nhãn căn làm giới, hay nhân nơi sắc trần sanh, lấy sắc trần làm giới?

A-nan! Nếu nhân nơi nhãn căn sanh ra mà không có sắc trần và hư không thì không thể phân biệt được, dẫu cho có cái thức của ông thì đem dùng vào việc gì? Cái thấy của ông ngoài những sắc xanh, vàng, đỏ, trắng thì không thể hiển hiện, vậy do đâu mà lập giới?

Nếu nhân nơi sắc trần sanh ra, thì khi chỉ có hư không, không có sắc thì thức của ông đáng lẽ phải mất, làm sao hiểu biết tánh hư không? Nếu khi sắc trần biến đổi, ông cũng biết sắc tướng biến đổi mà cái thức của ông thì không biến đổi, vậy do đâu mà lập giới? Nếu theo sắc trần mà biến đổi thì tướng giới không thành được. Nếu không biến đổi thì thường hằng, cái thức đã do sắc trần sanh ra lẽ ra không thể biết hư không ở đâu?

Nếu gồm hai thứ nhãn căn và sắc trần hợp lại sanh ra, hợp thì chính giữa phải ly, ly thì hai bên lại hợp, thể tánh xen lộn làm sao thành lập giới được?

Thế nên phải biết, nhãn căn và sắc trần làm duyên sanh ra nhãn thức giới, ba xứ đều không thì nhãn căn, sắc trần và nhãn thức giới cả ba vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây phá về nhãn căn đối với sắc trần làm duyên sanh ra nhãn thức, trong đó thực sự có giới làm nhân sanh ra nó hay không? Lấy căn làm giới hay lấy sắc trần làm giới từ đó nó sanh ra?

- Trường hợp thức này do nhãn căn sanh ra mà không có sắc trần và hư không thì cái thức này sanh để làm gì? Sở dĩ có thức là để nó phân biệt sắc trần, giờ không có sắc trần, hư không thì nó sanh ra cũng không dùng được.

Lại nữa, cái thấy nếu rời ngoài các thứ sắc như là xanh, vàng, đỏ, trắng thì nó cũng không thành lập được giới; tức là ngoài sắc trần, ngoài sắc xanh, vàng, đỏ, trắng và hư không thì cái thấy này cũng không thành lập được. Vì thấy là thấy cái gì? Nếu không có những cái sắc và hư không, cái thấy không biểu hiện được, không chỗ biểu hiện làm sao lập thành giới? Cho nên ở đây, nếu chấp nhãn thức nhân nơi nhãn căn sanh ra, là không thể được.

- Còn nói nhãn thức nhân nơi sắc trần sanh ra, khi chỉ có hư không, không có sắc thì cái thức này thành diệt không biết được hư không.

Giả sử cho sắc trần biến đổi nhưng thức không biến đổi, mà lại biết được sắc tướng biến đổi, như thế là nó cô lập riêng nên cũng không xác định được giới.

Hoặc cho thức cùng biến đổi theo sắc trần thì không thể lập được giới, vì đã cùng biến đổi theo nhau.

Hoặc cho nó không biến đổi thì nó thường hằng, mà nó thường hằng thì nó do sắc trần sanh ra, là nó cùng loại với sắc trần nên cũng không biết được hư không.

Nếu nói về hòa hợp, gồm cả hai thứ là nhãn căn và sắc trần hợp lại sanh ra nhãn thức, lại có vấn đề: Khi hợp thì chính giữa phải ly, ly tức là một nửa hợp với con mắt có biết, một nửa hợp với sắc không biết, thành thể tánh xen tạp. Nghĩa là trường hợp thức ở giữa tách rời căn và trần, vậy nó phải mang một nửa là nhãn căn có biết, một nửa là sắc trần không biết, khi nó hợp lại thành lộn xộn, thể tánh bị xen tạp không thành lập được giới.

Rõ ràng, nhãn thức giới không có thật thể, chỉ là nhân duyên hòa hợp giả lập gọi là vọng sanh, không thực có sanh, không có tự ngã.

Cho nên khi nó sanh thì không theo nó sanh, ngay đó liền ngộ trở lại vốn nguyên là một thể giác, không có thêm tự ngã của nhãn thức, vì nếu có thêm tự ngã sẽ giống như trong mình lại có thêm cái ngã nữa, đó là lầm. Như vậy, nhãn thức đã không thật sanh thì còn nói gì là nhân duyên, tự nhiên, chỉ là hý luận.

Sở dĩ vọng tưởng sanh được là vì thấy thật có căn, thật có trần và thật có thức. Đây quán kỹ để không lầm, thì vọng tưởng không có chỗ bám để sanh. Sanh mà không có chỗ nào bám tức là vô sanh, ngay đó liền thấu suốt được nghĩa vô sanh.

 

* Thu Ba Giới: Nhĩ Căn, Thanh Trần và Nhĩ Thức 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Như ông đã rõ, nhĩ căn và thanh trần làm duyên sanh ra nhĩ thức. Thức đó nhân nơi nhĩ căn mà sanh, lấy nhĩ căn làm giới, hay nhân thanh trần mà sanh, lấy thanh trần làm giới?

A-nan! Nếu nhân nơi nhĩ căn sanh mà không có hai tướng động-tịnh hiện tiền thì cái biết của nhĩ căn chẳng thành. Đã chẳng biết gì, thì cái biết còn không thành, huống nữa cái thức phân biệt đâu có hình trạng.

Nếu cho lỗ tai nghe, vì không có hai tướng động-tịnh nên cái nghe không thành, làm sao lấy hình sắc tạp loạn của lỗ tai xúc chạm với trần mà gọi là thức giới, và nhĩ thức giới lại do đâu mà lập?

Nếu nhân nơi thanh trần mà sanh, thì nhĩ thức nhân thanh trần mà có, ắt không quan hệ gì đến cái nghe. Đã không nghe, thì cũng không biết các tướng thanh trần ở đâu. Lại nhĩ thức do thanh trần sanh, dẫu cho thanh trần nhân cái nghe mà có tướng thì cái nghe lẽ ra phải nghe được nhĩ thức. Nếu không nghe được thì không phải là giới. Nếu nghe được thì nhĩ thức cũng đồng như thanh trần và nhĩ thức đã bị nghe, thì cái gì biết nghe cái thức? Còn nếu không biết thì đồng như cỏ cây.

Không lẽ thanh trần và cái nghe xen lộn thành ra cái giới ở giữa. Cái giới không có vị trí chính giữa thì tướng nội căn và ngoại trần lại do đâu mà thành lập?

Thế nên phải biết nhĩ căn, thanh trần làm duyên sanh ra nhĩ thức giới, ba xứ đều không thì nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức giới cả ba vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Phật dạy nhĩ căn và thanh trần làm duyên sanh ra nhĩ thức, đó là theo sự hiểu thông thường. Giờ đặt trường hợp, thức đó nhân nhĩ căn (lỗ tai) sanh, hay nhân nơi thanh trần sanh ra, có vậy mới thành lập được giới của nó.

Nếu nhân nơi nhĩ căn sanh thì đâu cần hai tướng động-tịnh của thanh trần, nhưng nếu nhĩ căn không có hai tướng động-tịnh của thanh trần hiện tiền thì cái biết của nhĩ căn không thành nghe; không có thanh trần động-tịnh, vậy nó nghe là nghe cái gì? Cái biết của nhĩ căn còn không thành, huống nữa là thức phân biệt. Đó là phá nhĩ thức từ nhĩ căn sanh.

Nói rộng ra, nếu cho rằng lỗ tai nghe nhưng vì không có hai tướng động-tịnh thì cái nghe không thành, vậy lúc đó giống như lỗ tai thịt, mà lỗ tai thịt là thứ vô tri làm sao gọi là thức giới được? Cho nên nếu cho nhĩ thức nhân nơi lỗ tai sanh thì không được.

Nếu cho nhĩ thức từ nơi thanh trần sanh, ắt không quan hệ gì đến cái nghe, chỉ có tiếng là đủ. Nhưng nếu không có cái nghe thì cũng không biết được thanh trần ở đâu để thành lập giới.

Giả sử ông cho rằng nhĩ thức từ thanh trần sanh ra mà thanh trần phải nhân cái nghe mới thành được tướng của thanh trần. Như vậy, khi nghe thanh trần cũng là nghe luôn nhĩ thức, bởi nhĩ thức từ thanh trần sanh, thì nhĩ thức thành ra cái bị nghe rồi.

Còn nếu nó chẳng nghe được nhĩ thức, vậy thanh trần đâu phải là nghĩa giới để sanh ra nhĩ thức. Nếu nó nghe được nhĩ thức thì nhĩ thức lại đồng với thanh trần tức thuộc về cái bị nghe, nếu thức thuộc về cái bị nghe, thì lấy cái gì mà biết nghe được nó?

Nếu không có biết, tức là nó cũng đồng với cây cỏ.

Nếu ông lại cho rằng căn và trần hợp lại sanh ra nhĩ thức giới thì nó thành ra xen lẫn lộn xộn, không xác định được đâu là giới. Căn có biết, trần không biết hợp lại thành ra nửa biết nửa không biết, lộn xộn vậy làm sao lập ra cái giới được?

Cho nên, Phật nói nhân nhĩ căn duyên với thanh trần sanh ra nhĩ thức giới là nó vốn không có thật thể, không thật sanh, vậy không nên lầm chấp vào đó.

 

* Thu Ba Giới: Tỷ Căn, Hương Trần và Tỷ Thức 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Lại như ông đã rõ tỷ căn và hương trần làm duyên sanh ra tỷ thức. Thức này là nhân nơi tỷ căn sanh, lấy tỷ căn làm giới, hay nhân hương trần sanh, lấy hương trần làm giới?

A-nan! Nếu nhân nơi tỷ căn sanh ra thì trong tâm ông lấy cái gì làm tỷ căn? Lấy cái hình thịt như tướng hai móng tay hay lấy cái tánh biết ngửi dao động làm tỷ căn?

Nếu lấy hình tướng mũi thịt, thì chất thịt là thân căn và cái biết của thân căn là cảm xúc. Đã gọi là thân căn, thì chẳng phải tỷ căn, đã gọi là cảm xúc thì đó là xúc trần. Còn không có gì gọi là tỷ căn, do đâu mà lập thành giới?

Nếu lấy cái biết ngửi mùi làm tỷ căn, thì trong tâm ông lấy cái gì làm cái biết ngửi? Nếu lấy cái lỗ mũi hình thịt làm cái biết, thì cái biết của lỗ mũi hình thịt là xúc trần, chứ chẳng phải tỷ căn.

Nếu lấy hư không làm cái biết ngửi, hư không ắt tự biết, xác thịt của ông lẽ ra chẳng biết. Như thế đáng lẽ hư không là ông, còn thân ông nếu chẳng biết thì ông A-nan ngày nay đáng lẽ không còn nữa.

Nếu lấy hương trần làm cái biết ngửi, cái biết ngửi đã thuộc hương trần, thì đâu có dính gì đến ông?

Nếu mùi thơm, mùi hôi sanh nơi tỷ căn của ông, thì hai thứ mùi thơm và mùi hôi kia, chẳng phải sanh nơi cây y-lan và cây chiên-đàn.

Nếu hai thứ đó chẳng đến, thì ông tự ngửi cái mũi của ông là thơm hay là hôi, nếu hôi thì chẳng phải là thơm, còn thơm thì chẳng phải hôi.

Nếu với mùi thơm, mùi hôi cả hai đều ngửi biết được thì một người ông lẽ ra phải có hai tỷ căn, như thế đứng trước Tôi hỏi đạo phải có hai ông A-nan, vậy cái nào là thể của ông?

Nếu có một tỷ căn, thì mùi thơm, mùi hôi không hai, vậy hôi đã là thơm, thơm lại thành hôi, không có hai tánh, thì do đâu mà thành lập giới?

Nếu nhân nơi hương trần sanh, thì tỷ thức nhân hương trần mà có, như con mắt có cái thấy, nhưng chẳng ai thấy được con mắt, vì tỷ thức nhân nơi hương trần mà có thì đáng lẽ chẳng biết được hương trần.

Nếu biết được hương trần, thì chẳng phải do hương trần sanh, nếu chẳng biết được hương trần thì chẳng phải là tỷ thức.

Hương trần mà chẳng phải biết có thì cái giới của hương trần không thể thành lập. Tỷ thức nếu chẳng biết được hương trần thì “nhân giới” của nó chẳng phải do hương trần mà kiến lập.

Đã không có khoảng giữa, trong ngoài không thành lập, thì cái tánh ngửi kia rốt ráo đều giả dối.

Thế nên phải biết, tỷ căn, hương trần làm duyên sanh ra tỷ thức giới, ba xứ đều không thì tỷ căn, hương trần, và tỷ thức giới cả ba vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây là thu tỷ thức giới. Tức cái biết nơi lỗ mũi duyên với hương trần sanh ra tỷ thức, nhưng đây đặt trường hợp cái thức đó nhân nơi tỷ căn sanh, lấy tỷ căn làm giới, hay là nhân nơi hương trần sanh, lấy hương trần làm giới?

Thứ nhất, nếu tỷ thức nhân nơi tỷ căn sanh thì lấy cái gì làm tỷ căn cho nó sanh?

Nếu lấy hai lỗ mũi bằng thịt này làm nhân sanh ra tỷ thức, thì hình chất này là thịt, là thuộc về thân căn, cái biết của thân căn thì thuộc về cảm xúc, như vậy đâu có dính gì với tỷ căn. Vậy tỷ căn đã không thành thì làm sao sanh tỷ thức được?

Xưa, trong Luận chia căn có phù trần và thắng nghĩa. Phù trần thuộc về căn thịt, còn thắng nghĩa sâu hơn, gọi là biết ngửi mùi. Trên phá về Phù trần căn, tiếp đến cái biết ngửi mùi là thuộc về Thắng nghĩa căn. Nếu lấy cái biết ngửi làm tỷ căn, thì hoặc lấy lỗ mũi hình thịt làm cái biết ngửi, hoặc lấy hư không làm cái biết ngửi, hoặc lấy hương trần làm cái biết ngửi, xét kỹ đều không thể được:

- Nếu nhận cái lỗ mũi hình thịt thì nó thuộc về xúc trần rồi đâu phải tỷ căn.

- Nếu ông lấy hư không làm cái biết ngửi, vậy hư không đã thành biết thì cái xác thịt của ông lẽ ra không biết, như thế đáng lẽ hư không thành ra ông, còn thân ông là không phải ông, vậy thì ông A-nan ngày nay đáng lẽ không còn nữa.

- Nếu lại cho hương trần làm cái biết ngửi, thì cái biết ngửi đã thuộc về hương trần, mà cái hương trần tự biết ngửi thì đâu cần tới ông.

Đến đây, chuyển qua phá cái chấp cho mùi thơm, mùi hôi sanh ra từ tỷ căn. Như vậy hai thứ mùi thơm, mùi hôi đã sanh nơi tỷ căn của ông, thì nó không phải sanh nơi cây y-lan và cây chiên-đàn, mà nó từ lỗ mũi sanh.

Tự lỗ mũi sanh ra mùi, vậy thì ông ngửi lỗ mũi của ông xem là mùi thơm hay mùi hôi? Nếu hôi thì chẳng phải thơm, nếu thơm thì chẳng phải hôi. Vì nếu nó đã thành thơm rồi tức nó không có hôi, còn nếu nó đã hôi thì không có thơm. Và nếu nó biết cả hai mùi thơm và hôi, vậy thì ông thành có hai cái lỗ mũi.

Còn nếu một lỗ mũi mà mùi thơm, mùi hôi đều ngửi được thì thành lẫn lộn, tức là nó mất tánh thơm và hôi, cái ngửi trộn lẫn nhau! Vậy mùi thơm, mùi hôi cho là từ lỗ mũi sanh cũng không được thì làm sao lập thành giới? Đó là phá về tỷ căn.

Nếu nhân hương trần sanh ra tỷ thức, thì cũng giống như là con mắt có cái thấy ắt con mắt không thấy lại được con mắt. Đây cũng vậy, hương trần mà sanh ra tỷ thức thì tỷ thức không thể biết hương trần giống như cái thấy không thấy được con mắt, nếu tỷ thức biết được hương trần, rõ ràng nó không phải từ hương trần sanh.

Đặt trường hợp nếu tỷ thức không biết được hương trần thì đâu thành tỷ thức. Cả hai trường hợp đều không thành.

Như vậy, hương trần mà không có biết được nó thì không thành lập được giới của hương trần.

Lại cho rằng tỷ thức nhân hương trần mà có, mà tỷ thức lại không biết được hương trần thì giới của thức cũng không thành lập được.

Xét tột ở khoảng giữa, trong, ngoài đều không thành. Rõ ràng tỷ thức giới này cũng là vọng sanh chứ không có thật thể, không có tự ngã riêng, chỉ là nhân duyên tạm có.

Thấu suốt được lẽ thật này là không mắc kẹt trong đó, nhận rõ tất cả đồng một thể giác nên không bị thức che mờ.

 

* Thu Ba Giới: Thiệt Căn, Vị Trần và Thiệt Thức

CHÁNH VĂN:

A-nan! Như ông đã rõ thiệt căn, vị trần làm duyên sanh ra thiệt thức. Thức đó là nhân thiệt căn sanh, lấy thiệt căn làm giới, hay nhân vị trần sanh lấy vị trần làm giới?

A-nan! Nếu nhân thiệt căn sanh ra, thì các thứ trong thế gian như: cam giá (mía), ô mai, hoàng liên, thạch diêm, tế tân, gừng, quế đều không có vị. Vậy ông thử nếm cái lưỡi xem là ngọt hay đắng?

Nếu tánh cái lưỡi là đắng, thì lấy cái gì mà nếm cái lưỡi? Cái lưỡi chẳng tự nếm thì lấy cái gì mà có cảm giác? Tánh cái lưỡi chẳng phải đắng, vị trần tự chẳng sanh thì làm sao lập giới?

Nếu nhân nơi vị sanh, thì thiệt thức tự là vị, đồng như thiệt căn, đáng lẽ không tự nếm, thì làm sao rõ biết là có vị hay không vị?

Lại, tất cả các vị không phải một vật sanh ra, vị đã do nhiều vật sanh, thì thiệt thức lẽ ra phải có nhiều thể. Thức thể nếu chỉ có một, thì thể ấy đã do vị trần sanh, vậy các vị: mặn, ngọt, lạt, cay hòa hợp chung sanh và các tướng khác nhau biến đổi đồng làm một vị, đáng lẽ không phân biệt được. Đã không phân biệt thì không gọi là thức, thì làm sao gọi là vị thiệt thức giới được?

Chẳng lẽ hư không sanh ra tâm thức của ông?

Thiệt căn, vị trần hòa hợp mà sanh thì cái thức ở giữa vốn không tự tánh, làm sao thành lập giới?

Thế nên phải biết, thiệt căn, vị trần làm duyên sanh ra thiệt thức giới, ba chỗ đều không, thì thiệt căn, vị trần và thiệt thức giới cả ba vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây phá về thiệt thức giới.

Thứ nhất, nếu nhân thiệt căn (cái lưỡi) sanh ra thiệt thức thì nó không có liên quan, đâu cần gì tới cái vị? Vậy cái lưỡi thành có vị ngọt, đắng v.v… Nếu cái lưỡi đã thành đắng thì lấy cái gì nếm cái lưỡi mà biết là đắng? Còn nếu cái lưỡi không phải vị đắng tức là nó không có vị, mà không có vị thì sao lập thức giới được? Cho nên nói thiệt thức từ thiệt căn sanh là không được rồi.

Còn nếu nói t­­­hiệt thức từ cái vị sanh, thì cái thức đã thành vị rồi, không thể tự nếm biết vị, giống như cái lưỡi không thể tự nếm cái lưỡi.

Lại, nếu thiệt thức từ nơi vị trần sanh mà cái vị thì không phải một thứ sanh ra, mà có nhiều thứ sanh ra, vậy cái thức này cũng phải thành ra nhiều thể mới biết được hết các vị đó.

Trường hợp nếu cái thức chỉ là một thể, các vị kia phải chung hợp lại thành một thể thì thức mới biết được. Khi các vị kia chung lại một thể thì sẽ mất tánh chất riêng của nó, không còn mặn, lạt v.v…, nên không còn phân biệt được nữa. Mà không phân biệt được thì làm sao thành thức giới? Thành ra từ vị mà sanh ra thiệt thức cũng không được.

Nếu cho từ hư không sanh, đó là vô lý.

Nếu ông cho rằng thiệt căn, vị trần hòa hợp sanh ra thiệt thức ở giữa, như vậy nó lại không có tự tánh riêng cố định. Nếu nó có tự tánh riêng thì không cần phải đợi mấy cái kia hợp lại mới sanh. Nhưng đây nó còn phải đợi mấy cái kia hợp lại mới sanh tức là không có tự tánh riêng của nó, không có tự tánh riêng thì làm sao lập giới?

Cho nên, xét tột thì nó cũng chỉ là vọng khởi chớ không có cái thật thể riêng của thiệt thức, để rõ nó vốn là vô sanh, nguyên là một thể giác không phải riêng có.

 

* Thu Ba Giới: Thân Căn, Xúc Trần và Thân Thức

CHÁNH VĂN:

A-nan! Như ông đã rõ là thân căn và xúc trần làm duyên sanh ra thân thức; thức này lại là nhân thân căn sanh, lấy thân căn làm giới, hay nhân xúc trần sanh, lấy xúc trần làm giới?

A-nan! Nếu nhân thân căn sanh ra, hẳn không có hai duyên cảm xúc hợp và ly, vậy thân căn làm sao biết được?

Nếu nhân nơi xúc trần sanh ra, ắt không có thân căn của ông. Vậy có ai không có thân căn mà biết ly biết hợp không?

A-nan! Vật không biết cảm xúc, thân căn có biết mới có cảm xúc.

Tức nơi cảm xúc mà biết có thân căn, tức nơi thân căn mà biết có cảm xúc; tức cảm xúc không phải thân căn, tức thân căn không phải cảm xúc; cả hai tướng thân căn và cảm xúc vốn không xứ sở.

Nếu xúc trần hợp với thân căn, tức là tự thể của thân căn, nếu rời thân căn thì như các tướng hư không.

Nội căn, ngoại trần đã không thành, thì làm sao lập được cái thức ở chính giữa? Cái thức ở giữa không lập được, thì nội căn, ngoại trần bản tánh cũng rỗng không. Vậy cái thức của ông sanh ra do đâu mà lập thành giới?

Thế nên phải biết, thân căn, xúc trần làm duyên sanh thân thức giới, ba xứ đều không, thì thân căn, xúc trần và thân thức giới cả ba vốn không phải tánh nhân duyên, không phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Đây Phật phá về thân thức giới để thu về Như Lai Tạng.

Theo cái hiểu thông thường, cho thân căn đối với xúc trần sanh ra thân thức giới, nếu vậy lấy thân căn làm giới hay lấy xúc trần làm giới?

Thứ nhất phá thân căn sanh ra thức. Nếu nhân thân căn sanh ra thân thức giới hẳn là không cần có xúc, không có hai duyên cảm xúc hiệp và ly. Bởi nếu thân căn sanh ra thức rồi thì tự thân căn sanh, không cần phải có duyên cảm xúc hợp hay ly mới thành.

Nhưng nếu không có xúc thì thân căn đâu thành biết, không xúc thì thân căn biết cái gì? Thân căn biết là biết về xúc trần, không có xúc thì thân căn đâu biết! Vậy nên thân căn không thành lập được.

Còn nếu nhân nơi xúc trần sanh ra thân thức, ắt là không có thân căn của ông. Có ai không có thân căn mà lại biết ly biết hợp hay không?

Tức là nếu nhân nơi xúc trần sanh ra thân thức thì thức này đã nhân nơi xúc sanh, vậy không cần đến thân căn; nhưng nếu không có thân căn thì cũng không có xúc. Vì xúc cái gì? Nhân đâu mà thành xúc? Xúc không thành thì lấy cái gì biết ly biết hiệp để có thân thức?

Kế nữa, vật không biết cảm xúc, thân căn mới biết cảm xúc, nhờ cảm xúc mà biết có thân căn, tự thân căn không thể thành, tuy nhiên thân căn chẳng phải là cảm xúc.

Nhân cảm xúc biết có thân căn, nhân thân căn biết có cảm xúc giống như là tức; nhưng thân căn chẳng phải là cảm xúc; cảm xúc chẳng phải là thân căn thì chẳng phải là tức, nên gọi là không phải tức không phải ly. Đây là chỗ khó hiểu, chính vì khó hiểu nên phải tu hành rồi chứng nghiệm, lo lý luận sẽ không tới đâu hết.

Như vậy, cảm xúc và thân căn không có tướng nhất định thì làm sao lập thành giới được mà nói là thành thân thức?

Thêm nữa, cho xúc trần hiệp với thân căn, đây là vì người chấp thân căn với xúc trần hiệp lại sanh ra thân thức. Nhưng nếu xúc trần hiệp với thân căn thì nó thành tự thể của thân rồi, nó mất cái xúc.

Nếu xúc trần lìa thân căn thì không được rồi. Xúc mà lìa thân căn giống như các tướng hư không v.v… nó cũng không thành xúc. Lìa thân căn rồi thì xúc cái gì? Xúc không thành thì làm sao thành lập được thức?

Để thấy rằng ngoại trần, nội căn không thành thì làm sao lập thành cái thức ở giữa được. Nói thân căn duyên với xúc trần sanh ra thân thức ở giữa, Phật nói như vậy để chỉ ra nó không có thật sanh, không có thật thể; sanh mà không có thật thể sanh, chỉ là vọng sanh. Ý Phật dạy là đừng chấp vào các thức đó, nhưng người không hiểu chấp cho thật có thân thức sanh ra, đó là mê.

Nghe nói “có” liền chấp có, nghe nói “không” liền chấp không, cái mê của chúng sanh là chỗ đó. Đức Phật tùy duyên: Khi chấp không thì Phật nói “có”, còn chấp có Phật nói “không” để phá chấp.

Như vậy ở đây, thấy rõ thân thức là không có thật, không có tự ngã nên không chấp, rốt cuộc xoay trở về nguyên một thể giác. Đây là thu thân thức trở về Như Lai Tạng.

 

* Thu Ba Giới: Ý Căn, Pháp Trần và Ý Thức

CHÁNH VĂN:

A-nan! Như ông đã rõ ý căn, pháp trần làm duyên sanh ra ý thức. Thức này nhân nơi ý căn sanh, lấy ý căn làm giới, hay nhân nơi pháp trần sanh lấy pháp trần làm giới?

A-nan! Nếu nhân nơi ý căn sanh thì ở trong ý ông ắt có chỗ suy nghĩ mới phát minh được ý của ông. Nếu không có pháp trần ở trước thì ý không thể sanh. Rời duyên trần ý căn còn không có hình tướng, thì ý thức sẽ dùng vào việc gì?

Lại cái thức tâm của ông cùng với các suy tánh so đo và tánh phân biệt là đồng nhau hay khác nhau?

Nếu đồng với ý căn tức là ý căn rồi, làm sao do căn mà sanh? Nếu khác với ý căn tức là chẳng đồng, thì lẽ ra không còn nhận biết; nếu không còn nhận biết làm sao gọi là ý căn sanh? Còn nếu có nhận biết, làm sao nhận biết ý căn được. Chỉ có hai tánh đồng và khác không thành thì giới nhân đâu mà lập?

Nếu nhân nơi pháp trần sanh ra thì các pháp trong thế gian chẳng rời năm trần, ông hãy xét các pháp: sắc, thanh, hương, vị và xúc có tướng trạng rõ ràng, do đối với năm căn đều chẳng thuộc về phần thu nạp của ý căn.

Nếu ý thức của ông quyết định là nương nơi pháp trần mà sanh, nay ông hãy xét kỹ trong mỗi pháp, mỗi pháp có tướng trạng gì? Nếu rời sắc-không, động-tịnh, thông-bít, hợp-ly, sanh-diệt, vượt ngoài các tướng này thì rốt ráo là không thành một pháp nào cả.

Lại, sanh thì các pháp sắc không đều sanh; diệt thì các pháp sắc không đều diệt. Nguyên nhân đã không thì cái thức do nó sanh ra còn có hình tướng gì? Hình tướng chẳng có thì làm sao thành lập giới?

Thế nên phải biết, ý căn, pháp trần làm duyên sanh ra ý thức giới, ba chỗ đều không thì ý căn, pháp trần và ý thức giới, cả ba vốn chẳng phải tánh nhân duyên, chẳng phải tánh tự nhiên.

GIẢNG GIẢI:

Bởi ý thức không có hình tướng, rất vi tế nên cần ngẫm kỹ mới được.

Đây nếu cho ý căn duyên với pháp trần sanh ra ý thức, như vậy cái thức này nhân nơi ý căn sanh hay nhân nơi pháp trần sanh lấy đó làm giới?

Thứ nhất, phá về ý thức từ ý căn sanh ra. Nếu ý căn sanh ra ý thức thì không cần phải có pháp trần. Nhưng cái ý nếu không có pháp trần đối trước nó thì cái ý không thành.

Cho nên ở đây nói rằng nếu nhân ý căn sanh, thì ở trong ý ông ắt có chỗ suy nghĩ, mới phát minh ra được cái ý của ông. Nắm vững được chỗ này, khi ngồi thiền liền dứt vọng tưởng dễ dàng.

Sở dĩ có vọng tưởng là phải có cái gì làm đối tượng của nó, tức là nó phải nghĩ gì đó thì mới có vọng tưởng sanh; còn nếu bảo nó nghĩ mà không cho nó nghĩ về cái gì, không có chỗ suy nghĩ thì không có chỗ duyên, ngay đó tự nó dứt thôi!

Cho nên, người biết rõ yếu chỉ thì tu hành dễ dàng, không cần trừ vọng tưởng mà nó cũng dứt. Còn tuy cố trừ nhưng nó không dứt, là bởi vì kiếm chỗ duyên hoài thì làm sao dứt được? Đó là chỗ lầm của người tu chúng ta.

Bởi nhân có pháp trần thì ý mới sanh, vậy không pháp trần thì ý không thành, nên gọi là rời duyên trần, ý căn không còn hình tướng gì, thì ý thức dùng vào chỗ nào? Ý thức phân biệt là phân biệt cái gì? Như vậy, nhân ý căn sanh ra ý thức là không được.

Đây lại thêm: Cái thức tâm cùng với ý đồng có tánh nhận biết, mà đồng tánh nhận biết vậy là nó đồng nhau hay là khác nhau?

- Cái thức cũng biết mà ý cũng biết, vậy nó đồng hay là khác? Nếu cái thức này đồng với ý căn thì nó tức là ý căn, đâu thể nói là do ý căn sanh ra, vậy không được rồi!

- Còn nếu cái thức này chẳng đồng với ý căn, tức là không có tánh nhận biết; mà không có tánh nhận biết thì đâu có chỗ để nhận biết nó, vậy là nó với ý căn khác xa, làm sao gọi là từ ý căn sanh được?

Trường hợp cho rằng nó cũng có tánh nhận biết, thì như ở trước nó đồng với ý căn, mà đồng với ý căn tức nó là ý căn rồi, thì làm sao nó biết được ý căn? Làm sao lập thành giới? Đó là phá cái nghĩa thức nhân nơi ý căn sanh.

Còn nếu cho rằng ý thức nhân nơi pháp trần sanh, thì các pháp trong thế gian không rời năm trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc. Năm trần có tướng trạng rõ ràng của nó, nó do đối với năm căn mà thành, thì nó không thuộc về ý căn. Ý căn chỉ duyên pháp trần, còn năm trần này thuộc về năm căn trước.

Nếu ý thức của ông quyết định nương nơi pháp trần sanh ra, thì nên xét kỹ trong mỗi pháp, mỗi pháp có tướng trạng gì để nó sanh? Cho nên chỗ này phải quán cho thật kỹ.

Bởi cho rằng ý thức nhân pháp trần sanh, nhưng pháp trần chỉ là cái bóng dáng của năm trần ở trước rớt lại, nó không có thật thể. Phải thấy được ý đó.

Thí dụ buổi sáng đi chợ thấy cảnh vui, chiều ngồi nhớ lại thì nó hiện ra, đó gọi là pháp trần. Cảnh nhớ ấy chỉ là bóng chứ đâu có thật, đâu thể nắm bắt. Nó đã không có thật thể thì làm sao gọi là nhân nó sanh ra? Nhân cái bóng mà sanh thì làm sao có thật? Cho nên ở đây, mới gọi lìa năm trần kia thì pháp trần không thể có, mà pháp trần không thể có thì lấy cái gì để sanh cái thức?

Đây gọi là lìa các tướng sắc-không, động-tịnh, thông-bít, hợp-ly và cái bóng của năm trần sanh, hoặc cái bóng của năm trần diệt, trọn không có pháp gì có thể được. Vậy làm sao gọi là sanh cái thức được?

Lại thêm, khi pháp trần sanh thì chỉ là cái bóng dáng của năm trần sanh, không thật có pháp sanh. Rồi pháp trần diệt cũng chỉ là bóng dáng của năm trần diệt, chứ không phải thật có một pháp diệt. Sanh diệt đâu có thật, chỉ là cái bóng sanh rồi cái bóng diệt, không riêng có một pháp trần nào có cái tự thể làm nhân để nương tựa cả.

Như vậy, pháp trần làm nhân để thức sanh vốn không có thật thể, thì cái thức sanh ra có hình tướng gì? Cái chỗ làm nhân sanh không thật rồi thì cái chỗ sanh ra cũng không thật luôn. Hình trạng của cái thức này không thành lập, thì làm sao lập được giới? Đó là chỗ phá.

Xét tột cho thấy ý căn, pháp trần làm duyên sanh ra ý thức chỉ là vọng sanh, không có thật sanh, vốn nguyên là một thể giác. Do đó chớ lầm theo ý thức rồi bị mê. Quán kỹ chỗ này chúng ta thấy được chỗ lầm lâu nay của mình.

Ý nói là ý duyên theo pháp trần rồi sanh ra ý thức giống như có sanh diệt, nhưng sự sanh diệt đó chỉ là một sự sanh diệt hư dối không thật. Nhân cái bóng sanh bóng diệt mà cái thức cũng theo đó mà vọng thành sanh diệt. Vậy là sanh diệt theo cái bóng, chúng ta lầm theo đó tưởng đâu thức cũng sanh diệt luôn. Nếu sự thật cái thức cũng thật có sanh diệt thì sao? Thì khi nó sanh theo cái bóng sanh, khi nó diệt theo cái bóng diệt, là hết còn biết gì nữa. Nó thật diệt mất rồi thì đâu còn biết gì nữa, nhưng đây nó lại biết tiếp tục.

Cho nên, nó đâu có thật diệt, ý đó rõ ràng, nhưng vì chúng sanh mê lầm nên không thấy. Bởi chúng sanh sống duyên theo những cái tướng thô bên ngoài, chứ không thấy được cái vi tế của tâm, nên không thấy được hết. Nhờ có tu thiền, tâm yên lặng mới thấy được hết những điều này, còn tâm phân tán thì không thấy được.

Như vậy, phương tiện tạm lập là ý căn duyên với pháp trần mà có ý thức phân biệt. Nếu xét tột thì ý căn và pháp trần đều không có thật thể, thức phân biệt này nương vào đâu mà thật có?

Xét rõ, ý thức phân biệt là phân biệt cái gì? Phân biệt cái bóng dáng của năm trần còn rớt lại chứ không phải thật có một cái trần để mà cho nó phân biệt. Khi có bóng dáng hiện thì sanh phân biệt, rồi bóng dáng qua thì mất phân biệt. Nhưng sự thật có hết không? Nếu thật hết rồi khi bóng khác đến thì không còn phân biệt nữa, nhưng đâu phải vậy. Cho thấy cũng là vọng sanh vọng diệt; còn cái thể biết của nó làm sao mà thật có sanh diệt? Cần phải thấy được ý đó.

Một điểm nữa là có cái ý căn biết, rồi thêm cái ý thức biết nữa thành ra một người mà có hai cái biết; cái biết của ý căn rồi cái biết của ý thức. Khi có hai cái biết là thành có hai tâm, vậy một người thành ra có hai cái tâm. Chỉ có một căn ý này thôi là đã thấy một người có hai cái tâm, cộng thêm năm căn kia thì thành thêm năm cái tâm nữa, hóa ra có đến bảy cái tâm. Một người mà có bảy cái tâm, vậy cái tâm nào là mình? Đó là chỗ lầm mê của chúng ta. Nhưng không ai xét tới chỗ này, mà cứ lo sống theo bóng dáng vọng tưởng nên không thấy được cái mê của mình. Nay nhờ Phật chỉ ra, chúng ta học hiểu rồi ứng dụng tu mới thấy rõ mê lầm điên đảo lâu nay.

Tóm lại, chỉ một thể biết nhiệm mầu nơi Như Lai Tạng, do con người mê bám theo căn rồi duyên theo trần mới vọng chia thành có sự sai biệt. Bên Phật giáo Nguyên thủy chia ra sáu thức thành sáu cái biết, còn theo Đại thừa phát triển chia ra có tám thức là tám cái biết. Phật nói sở dĩ như vậy là vì người mê mà nói, chứ không phải vì người giác nói; mà đã vì người mê nói tại sao chúng ta lại chấp vào đó? Mục đích là dẫn mọi người trở về với cội gốc giác ngộ, chúng ta phải thấy được cái ý đó để không lầm theo. Quán kỹ như vậy, trên đường tu cuối cùng chúng ta trừ được năng-sở, không có năng tri, sở tri.

Trong câu chuyện về Thượng tọa Tỉnh ở chùa Quốc Thanh, lúc đầu gặp Ngài Huyền Sa dạy chúng:

- Hết thảy các ông chỉ hay một đời như đưa đám ma mẹ, thì ta bảo đảm là người ấy nghiên cứu được cùng tột.

Tức là nỗ lực tu hành thiết tha giống như đưa đám ma mẹ, không có dám chút lơi lỏng nghĩ gì khác hết, thì Ngài bảo đảm là sẽ nghiên cứu được cùng tột, sẽ sáng tỏ được lẽ thật.

 Thượng tọa Tỉnh nhân câu nói đó, mới hỏi lại:

- Trong kinh Phật có dạy là chẳng thể đem tâm sở tri mà đo lường trí tuệ Vô thượng của Như Lai lại là sao?

Ngài Huyền Sa bảo:

- Ông hãy nghiên cứu cùng tột cái tâm sở tri, lại đo lường đến được chăng?

Ý nói là ông hãy nghiên cứu cho cùng tột cái tâm sở tri đi, xem có thể đo lường đến được trí tuệ Như Lai không?

Ngay đó, Thượng tọa Tỉnh liền ngộ nhập.

Đơn giản, tâm sở tri tức là tâm theo duyên, do tâm theo duyên nên có chỗ để biết, tức là có tướng, có tướng là còn bị thấy, nên tâm của mình bị ma thấy, hay những vị có tha tâm thông cũng thấy, là như vậy. Còn chân tâm thì làm sao thấy được? Chân tâm là không có chỗ sở tri nên không ai thấy được, chỉ giác ngộ rồi thầm nhận thôi. Chính là chỗ ông Đại Nhĩ Tam Tạng không thấy được Quốc sư Huệ Trung ở lần thứ ba là vậy, đó mới chính là chỗ thật.

Trở lại ý trước, Ngài Huyền Sa bảo: “Ông nghiên cứu cho cùng tột cái tâm sở tri”, cùng tột nghĩa là hết còn chỗ sở tri thì lấy gì để đo lường được nó? Nghiên cứu cùng tột nó thì không còn chỗ nào để biết, là hết chỗ để sanh, mà hết chỗ để sanh thì lấy gì đo lường được! Ngay đó ông trở về cái chân thật chứ gì nữa.

 Nghe qua, Thượng tọa Tỉnh liền ngộ nhập, ngay đó trở về Như Lai Tạng, vượt qua các thứ tâm duyên, không còn chỗ bị duyên, vậy còn nói gì là nhân duyên, nói gì là tự nhiên, chỉ là hý luận thôi.

Tóm lại, đây là thu cả mười tám giới trở về Như Lai Tạng, tất cả đồng là một thể giác hay một tâm thể, không có hai. Vì chúng sanh mê nên Phật tạm phân ra là có sáu hoặc có tám, không phải có thật, chớ lầm theo đó.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 08382
  • Online: 13