Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 15 CHỈ MỞ GÚT TRƯỚC SAU

30/07/2018 | Lượt xem: 3110

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Phật bảo ông A-nan: “Chắc hẳn ông không muốn thành ra sáu gút và trông mong chỉ thành một thể, lại làm sao được?”.

Ông A-nan thưa: “Nếu còn những gút đó, thì phải trái lăng xăng, trong đó tự sanh ra gút này không phải gút kia, gút kia không phải gút này. Giờ đây Đức Như Lai cởi bỏ tất cả không sanh gút nữa, thì không đây kia, còn không gọi là một, làm sao mà thành sáu được”.

GIẢNG GIẢI:

Sáu gút còn đó mà muốn cho nó thành một thể thì khó thành, bởi vì hễ sáu cái còn thì cái này nó tranh cái kia, cái này không phải là cái kia. Muốn cho hết cái một thì phải cởi bỏ cái gút của sáu cái kia. Chỉ cần cởi bỏ hết những cái gút thì hết còn cái tên sáu tên một, bởi vì gút đâu còn mà nói một. Có sáu cái nên nhân cái sáu này mà nói cái kia là một, là đối đãi nhau. Nếu không còn cái gút nào hết thì cái khăn nói khăn, nói sáu một chi nữa. Thành ra còn nói một là chưa hết mê.

Chỗ này rất vi tế. Nghĩ trở về một, tưởng đâu là xong nhưng vẫn chưa phải là cái vui rốt ráo. Còn giữ cái một tức là còn chưa quên cái sáu, trong đầu còn nhớ cái sáu nên mới nói cái này là một, giữ cái một. Đến chỗ này người không tu không thể thấy tột, lý luận không đến được.

Điều quan trọng là gì? Nói một nói sáu không quan trọng, mà quan trọng là cởi cái gút, còn lý luận một - sáu hoài không tới đâu hết.

 

CHÁNH VĂN:

Phật dạy: “Cái nghĩa cởi cả sáu gút, một gút cũng không còn, cũng lại như vậy. Do tâm tánh của ông cuồng loạn từ vô thủy mà vọng phát sanh cái thấy biết; vọng phát không dừng, thì làm cho tri kiến sanh bệnh mà phát sanh ra trần cảnh, như tròng con mắt bị mỏi mệt thì thấy có hoa đốm lăng xăng; tất cả những tướng thế gian, núi sông, đại địa, sanh tử, Niết-bàn vốn không nhân gì mà rối loạn khởi lên trong tướng sáng suốt yên lặng, đều là những tướng hoa đốm điên đảo do bệnh mê lầm phát ra”.

GIẢNG GIẢI:

Phật nói rốt lại cũng giống như hoa đốm, là điên đảo thôi. Khi sáu gút đã không thì không còn lấy gì để so sánh là một, là sáu nữa, tức hết còn kẹt kia đây. Đó là chỗ quan trọng!

Đây Đức Phật mới chỉ tột cái hư vọng. Do cái bất giác từ vô thủy ở trong tánh giác sáng suốt, nhiệm mầu bỗng khởi ra cái thấy biết bệnh, Phật gọi là cái cuồng loạn từ vô thủy.

Từ cái thấy biết bệnh mới vọng sanh có trần cảnh đối trước để cho nó thấy, là có căn trần vọng sanh, vọng sanh thì nó chia thành sai biệt lăng xăng đây kia. Giống như mắt mỏi rồi vọng thấy trong hư không có hoa đốm chứ không phải là hoa đốm thật có. Nghĩa là không phải riêng có cái thể của căn trần, hay nói rõ hơn là không phải có cái thể thấy biết riêng, mà nó nguyên là tánh giác xưa nay. Cái thấy biết này giống như mắt bệnh, không phải thật có cái thứ hai.

Như vậy, do mê vọng hiện có sanh tử lăng xăng, do có sanh tử lăng xăng rồi mới chán sanh tử cầu Niết-bàn. Rốt lại cũng là ở trong vọng, chớ tự tánh vốn là Niết-bàn rồi. Nó vốn là vô sanh mà còn cầu vô sanh gì nữa? Đây gọi là khi mê thì thấy giống như thật có sanh tử, do thấy thật có sanh tử nên mới chán sanh tử cầu Niết-bàn, có bỏ đây mà đến kia. Nhưng nếu ngộ được chỗ chân thật này thì mới thấy thể sanh tử vốn là Niết-bàn, ngay sanh tử tức là vô sanh. Thành ra nói chán sanh tử cầu Niết-bàn thì đó là đối với trong mê mà nói, chứ còn tâm tánh chân thật thì đâu có kia đây.

Chỗ này là chỗ chúng ta cần học rồi quán kỹ để thấy được những ý sâu của Phật chỉ dạy.

 

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn! Bệnh mê lầm đó giống như các gút kia làm sao cởi bỏ được?”

Đức Như Lai liền đưa tay cầm cái khăn có gút kéo mối bên trái, rồi hỏi ông A-nan: “Thế này mở được chăng?”.

Ông A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn! Không vậy”.

Phật liền lấy tay kéo riêng mối bên phải, rồi lại hỏi ông A-nan: “Thế này mở được chăng?”.

Ông A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn! Không vậy”.

Phật hỏi ông A-nan: “Nay Tôi lấy tay kéo mối bên phải, bên trái, hai bên mà rốt cuộc không mở được, vậy ông có dùng phương tiện gì mở được chăng?”.

Ông A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Phải mở ngay trung tâm cái gút thì tan rã ngay”.

Phật bảo ông A-nan: “Đúng vậy, đúng vậy! Nếu muốn mở gút thì phải ngay trung tâm cái gút mà mở.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây, Ngài A-nan hỏi về cách mở gút. Phật kéo cái khăn có gút ấy về bên phải rồi kéo bên trái đều không mở được. Phật hỏi Ngài A-nan làm sao mở được? Ngài A-nan đáp là phải mở ngay trung tâm cái gút. Nhưng trung tâm cái gút là gì mới là quan trọng. Tức cái biết hiện tiền sáng suốt đây chứ không gì khác. Còn cái gút là cái gì? Gút là cái thấy biết xen cái ngã trong đây hay cái thấy biết thêm thấy biết, đó là gút.

Ngay thấy biết này mà thêm thấy biết thì đó là gút, cột nơi sáu căn, còn trung tâm gút là ngay cái biết sáng suốt hiện tiền đây. Nếu không biết cứ kéo bên phải kéo bên trái, là nhằm bên căn hoặc nhằm bên trần mà trừ, trừ hoài không ra nhiều khi còn dính nữa, cứ kẹt ở bên căn trần. Có khi muốn trừ cho sạch cái căn nhưng nếu trừ hết cái căn thì còn cái gì?

Ngài Hàm Thị nói: “Dẫu cho rời trần mà giữ cái tịnh hay đóng kín cửa sáu căn cũng chưa phải rốt ráo giải thoát”. Rời trần cảnh lo giữ cái yên tịnh thì cái tịnh đó là cái gì? Trần là động, là sanh trần, tịnh là diệt trần thì cũng là trần. Hoặc là sanh trần hoặc là diệt trần, chứ chưa rốt ráo giải thoát.

Còn đóng kín cửa sáu căn, không cho thấy nghe hiểu biết thì có giải thoát không? Cái lỗi đâu phải ở sáu căn, mà lỗi là ở chỗ thức phân biệt, chứ sáu căn này đâu có lỗi. Do không biết cứ đóng bít cửa sáu căn không cho thấy biết giống như gỗ đá, đó là lầm!

Bởi vì trói là cái gì trói? Đâu phải sáu căn trói hay sáu trần trói, mà trói cũng là tâm trói, rồi mở cũng là cái tâm mở. Căn trần không có lỗi mà đổ cho nó, trong khi chính cái anh “tâm” này, tâm thức phân biệt đây, lại bỏ qua. Nếu anh thức phân biệt này không chen vào sanh chuyện thì căn trần đâu có lỗi lầm gì, thấy-nghe-hiểu-biết thanh tịnh sáng suốt thôi. Thấy được chỗ đó là thấy được chỗ mở.

Bởi ngay cái thấy biết sáng suốt hiện tiền mà mê nên tự trói vào căn trần thành bệnh. Thành bệnh tức là sanh thêm cái thấy biết. Còn nếu ngay đó mà giác trở lại thì vượt khỏi căn trần là thường biết rõ ràng, không rơi vào đoạn diệt, cũng không phải trừ hết căn trần.

Bấy giờ cũng thấy biết này nhưng là thấy biết không rời Như Lai, thấy biết mà không rời tự tánh thì đâu có mê. Còn chúng ta thấy biết mà rời mất tự tánh nên cứ nhớ căn trần, đó là chỗ mê. Như Ngài Bá Trượng nói:

       Linh quang riêng chiếu,

       Vượt khỏi căn trần.

       Thể bày chân thường,

       Chẳng kẹt văn tự.

Cái linh quang sáng suốt đó riêng chiếu một mình, không kẹt nơi căn trần, thì thể bày cái chân thật của nó thường còn không mất, không kẹt trong văn tự. Cái đó không nằm trong văn tự chữ nghĩa, không có trong quyển kinh này quyển kinh kia. Đây mới là sức sống chân thật hay gọi là bộ kinh sống. Nếu nhắm ngay đó mở thì cái gút tự tan. Còn cứ lo trừ căn hoặc trừ cảnh thì khó hết. Kế, Phật dạy thêm:

 

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Tôi nói thật pháp từ nhân duyên sanh, chẳng phải chấp tướng hòa hợp thô tháo theo thế gian. Như Lai phát minh pháp thế gian, xuất thế gian biết rõ nhân gốc của nó theo duyên gì mà phát ra, cho đến một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết số mục hiện tiền các thứ, cây tùng thì ngay, cây gai thì cong, chim hạc thì trắng, chim quạ thì đen, đều rõ được nguyên do của nó.

Thế nên A-nan! Tùy trong tâm ông lựa chọn nơi sáu căn, nếu trừ được cái gút nơi căn ấy rồi, thì trần tướng tự diệt, các vọng đều tiêu hết thì chẳng phải chân là gì?

GIẢNG GIẢI:

Phậy dạy kỹ. Phật pháp từ nhân duyên sanh chẳng do tướng hòa hợp thô tháo theo thế gian. Đây Phật ngăn ngừa, bởi vì ở trước Phật bác về nhân duyên tự nhiên, đến đây theo thứ lớp nói mở gút sợ Ngài A-nan nghi nhân duyên nữa, nên nói Phật pháp cũng từ nhân duyên sanh nhưng không chấp theo tướng hòa hợp thô tháo của thế gian.

Chỗ này là chỗ phải hiểu cho kỹ, Phật nói Phật pháp từ nhân duyên sanh có ý nghĩa sâu xa. Nói từ nhân duyên sanh là nói sanh mà không có thật sanh, sanh không thật sanh thì diệt cũng không thật diệt. Bởi vì nó là nhân duyên sanh tức không có cái thật thể sanh, mà không có thật thể sanh tức không có thật thể diệt. Không thật sanh không thật diệt thì ngay sanh diệt là vô sanh, không lầm theo nhân duyên nữa.

Nghĩa nhân duyên của Phật nói là như vậy, không phải theo nghĩa nhân duyên thô tháo của thế gian. Theo thế gian thấy nhân duyên hòa hợp rồi sanh, sanh là thật có sanh; rồi diệt thấy nhân duyên tan rã cũng thật có diệt, đó gọi là theo tướng hòa hợp thô tháo, chấp thật có sanh thật có diệt, là thế gian mê muội.

Cái thứ hai sâu thêm một bước. Nói về Phật pháp tức là pháp thành Phật, để thành Phật đạo thì không phải do tự nhiên thành, tức cũng có nhân duyên. Lấy Phật tánh làm nhân rồi các hạnh thanh tịnh làm duyên, đầy đủ các công đức mới thành tựu được đạo quả. Nhưng thành tựu đó là thành cái gì? Thành cái nhân sẵn có.

Sẵn có nhưng vì mê nên phải nhờ những hạnh thanh tịnh, đầy đủ công đức mới thành tựu đạo quả. Nhưng thành tựu đó là thành tựu cái sẵn có chứ không phải thành tựu cái mới được. Thành ra nói nhân duyên mà không phải là thật có sanh, thật có được. Đó mới là lý nhân duyên sâu xa mà Phật muốn nói.

“Như Lai phát minh pháp thế gian và xuất thế gian, biết rõ nhân gốc của nó theo duyên gì mà phát ra cho đến một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng biết được số mục”. Nghĩa là những hạt mưa ở ngoài hằng sa thế giới Phật cũng biết rõ số mục từng giọt không lầm. Chỗ này ngoài sức tưởng tượng của chúng ta, song nếu chúng ta có kinh nghiệm tu tập thì cũng có thể tin được.

Đây Như Lai phát minh pháp thế gian và xuất thế gian đó, biết rõ cái nhân gốc của nó theo duyên gì mà phát ra, vậy nhân gốc của nó là gì? Thấy pháp thế gian xuất thế gian, xét cho thấu nhân gốc của nó cũng từ chỗ nhất tâm, hay Như Lai Tạng tánh. Tức là từ cái nhất tâm chân thật đó, rồi tùy theo các duyên nhiễm tịnh mà thành sai khác. Theo duyên nhiễm thì nó thành pháp thế gian, theo duyên tịnh thì nó thành pháp xuất thế gian, nhưng gốc cũng từ nhất tâm thôi. Đó là cái nhân gốc.

Phật giác ngộ thấu suốt rồi nên xưng gọi Như Lai, tức sống trọn vẹn trong cái rõ ràng thường biết, không chút mê lầm. Mà ở trong cái rõ ràng thường biết nên Ngài biết rõ tất cả pháp không có một chút mê mờ, đến một giọt mưa ở ngoài hằng sa thế giới cũng không thể làm mờ mắt được, không thể qua mặt được, cho nên Phật nói là biết rõ hết số mục.

Như vậy mới gọi là trọn vẹn giác ngộ, giác hoàn toàn không còn dấu vết. Giác được như vậy mới gọi là Cứu cánh giác. Chúng ta học kinh cũng nhận hiểu, tin được điều đó và cũng có thể làm được, chứ không phải nó ngoài sức của chúng ta. Nếu chúng ta tu tập kỹ, khi sống được đầy đủ trọn vẹn trong tánh giác, từ trong tánh giác nhìn ra biết rõ hết không có gì che mờ, lúc nào cũng giác đâu có mê. Nhìn từng hạt bụi, từng con kiến cũng đâu có mê.

Học kỹ rồi tu tập có kinh nghiệm thì chúng ta thấy những điều Phật dạy trong kinh cũng dễ tin không khó. Được vậy chúng ta mới thấy có sự hứng thú, còn chỉ học theo chữ nghĩa thì thấy như Phật nói chuyện ở cõi nào khác không dính dáng gì tới mình hết. Sự thật, Phật nói pháp là nói cho tất cả chúng sanh cõi này nghe chứ đâu phải là nói cho cõi nào. Nếu mà nói cho cõi nào thì tức là không có kinh này cho chúng ta học ở đây. Hiểu vậy, chúng ta có đủ niềm tin cố gắng để tu tập, và càng phải tu tập kỹ lưỡng hơn, tu tập nhàn nhã không dễ vào được chỗ này đâu.

Tiếp, Phật nói: “Tùy trong tâm ông lựa chọn nơi sáu căn, nếu trừ được cái gút nơi căn ấy rồi thì trần tướng tự diệt. Mà trần tướng tự diệt thì các vọng tiêu hết vậy không phải chân là gì?”. Nếu ông chọn sáu căn này, không lầm trong đó mà trừ ngay cái gút nơi căn để không sanh vọng thì trần tướng tự diệt, các vọng tự tiêu; mà các vọng tiêu hết thì ngay đó tức chân, không vọng tức chân rồi.

Vậy thì căn trần đâu còn ngăn ngại nữa. Mà căn trần không còn ngăn ngại tức là cái biết sáng suốt thanh tịnh, thấu suốt cả xưa nay, đâu còn gì phải nghi, vậy không phải chân là gì, còn cầu chân gì nữa? Lẽ thật quá sáng tỏ rồi!

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo: “A-nan! Nay Tôi hỏi ông: Cái khăn kiếp-ba-la này hiện có sáu gút, nếu đồng thời mở ra thì có thể đồng một lúc trừ hết được chăng?”.

A-nan bạch: “Bạch Thế Tôn, không vậy! Những cái gút này, khi cột có thứ lớp, thì ngày nay cũng theo thứ lớp mà mở. Sáu gút tuy đồng một thể, nhưng khi cột không đồng một lúc, khi mở gút làm sao đồng thời trừ bỏ hết được?”.

Phật bảo: “Việc giải trừ cái gút nơi sáu căn cũng giống như vậy. Căn ấy khi bắt đầu mở, trước được nhân không, đến khi tánh không tròn sáng, thì giải thoát pháp chấp, pháp chấp giải thoát rồi cả hai cái nhân không, pháp không cũng không còn; ấy gọi là Bồ-tát do tam-ma-đề mà chứng được Vô sanh nhẫn”.

GIẢNG GIẢI:

Đây Phật chỉ về cách mở gút phải có thứ lớp. Trước căn cứ theo thí dụ về cái khăn, khi thứ lớp gút thành sáu cái thì khi mở cũng phải có thứ lớp. Việc giải trừ cái gút nơi sáu căn cũng như vậy.

Bắt đầu mở nơi căn, trước chứng được nhân không, là giải trừ được ngã chấp, đến khi tánh không tròn sáng, thấu tột các pháp không còn thấy có một pháp thật, gọi là giải thoát pháp chấp. Cuối cùng là giải thoát cả hai nhân không và pháp không tức ngã chấp và pháp chấp đều sạch. Bởi vì người có chấp nên mới nói “không” để phá chấp, khi chấp hết rồi thì cái “không” cũng buông luôn. Tức còn chấp ngã chấp pháp thì mới nói ngã không pháp không để phá. Nếu hết chấp rồi thì nói không gì nữa!

Hết chấp rồi mà vẫn giữ cái không là còn mắc kẹt. Giống như uống thuốc trị bệnh, khi có bệnh phải uống thuốc để trừ bệnh, khi hết bệnh cho thuốc này hay nên uống hoài là sanh bệnh tiếp. Đây cũng vậy, đã hết chấp rồi thì cái “không” cũng buông luôn, gọi là Bồ-tát do chánh định mà chứng được Vô sanh nhẫn, không còn chỗ nào để tâm sanh được nữa. Hết chỗ để tâm sanh gọi là chứng Vô sanh nhẫn. Đây nhằm để ngăn ngừa những người tăng thượng mạn, chưa chứng mà nói chứng. Nhiều khi người tu mới được một chút cho là đủ thành tăng thượng mạn, do đó, Phật chỉ ra thứ lớp rõ ràng để chúng ta vững tiến tu.

Về lý thì ngay vọng tức chân không có thứ lớp. Nhưng trên sự tu hành cần gạn lọc thì không phải thấy vậy là xong. Ngộ thì đúng là ngay vọng tức chân nhưng để sống được với cái ngộ của mình thì cũng phải có thời gian, thực tế là như vậy.

 

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan và đại chúng nhờ được Phật khai thị, tuệ nhãn được viên dung thông suốt không còn những điều nghi hoặc, đồng thời chắp tay đảnh lễ nơi hai chân Phật mà bạch Phật rằng: “Chúng con ngày nay thân tâm sáng suốt, vui sướng được vô ngại, song tuy nhận biết cái nghĩa một và sáu không còn, nhưng vẫn chưa rõ thấu căn tánh bản lai viên thông. Bạch Thế Tôn! Bọn chúng con đã trôi nổi bơ vơ trong nhiều kiếp, ngờ đâu được dự vào dòng giống của Phật, khác nào đứa con mất sữa được gặp mẹ hiền.

Nếu nhân nơi cơ hội này mà được thành đạo, chỗ bản ngộ phù hợp với đạo lý vi diệu đã được nghe, thì cùng với người chưa nghe không có sai khác. Cúi mong Phật mở lòng đại bi ban cho chúng con pháp bí mật diệu nghiêm, thành tựu lời dạy cuối cùng của Như Lai”. Nói lời ấy rồi năm vóc gieo xuống đất lui về an trụ nơi cơ cảm sâu nhiệm, trông mong Phật thầm truyền cho.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây, Ngài A-nan và đại chúng đã được tuệ nhãn viên dung thông suốt, hết nghi hoặc, rồi chắp tay đảnh lễ Phật thỉnh cầu chỉ dạy thêm. Tức là đã ngộ cái sẵn có nhưng lại hỏi chỗ căn tánh bản lai viên thông, vì đó là chỗ chưa chứng đến. Cũng như bây giờ đã rõ suốt được nghĩa mở sáu mất một, sáu với một đều mất, không còn nghi ngờ, đây mới thỉnh Phật khai thị pháp bí mật diệu nghiêm thành tựu lời dạy cuối cùng.

“Nếu nhân nơi cơ hội này mà được thành đạo, chỗ bản ngộ phù hợp với đạo lý vi diệu đã được nghe”. Chỗ này dịch hơi thoát một chút, nguyên văn chữ Hán là “Sở đắc mật ngôn, hoàn đồng bản ngộ” tức chỗ được những lời sâu kín đồng với bản ngộ. Khi nhận được chỗ mật ngôn đó, nói theo tinh thần của nhà thiền là nhận được cái ý chân thật ngoài lời thì lại đồng với cái chỗ sẵn ngộ, chứ không phải là cái mới có mới được.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 08110
  • Online: 74