Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: MỤC 21 - KẾT CHỈ DẠY TÊN KINH

19/09/2018 | Lượt xem: 2824

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

CHÁNH VĂN:

Lúc bấy giờ, Ngài Văn-thù-sư-lợi Pháp Vương Tử ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật mà bạch Đức Phật rằng: “Nên gọi kinh này là gì? Con và chúng sanh phải phụng trì thế nào?”.

Phật bảo Ngài Văn-thù-sư-lợi: “Kinh này tên là “Đại Phật Đảnh, Tát Đát Đa, Bát Đát Ra Vô Thượng Bảo Ấn, Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn”. Cũng gọi tên là “Cứu Hộ Thân Nhân, Độ Thoát A Nan, Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ Kheo Ni Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải”. Cũng gọi tên là “Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa”. Cũng gọi tên là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương, Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú”. Cũng gọi tên là “Quán Đảnh Chương Cú, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm”. Ông nên phụng trì”.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây Bồ-tát Văn-thù hỏi tên kinh và cách phụng trì. Đó cũng là ngầm chỉ kinh này phải vào từ Căn bản trí, đó là nền tảng, và cũng để cho người học nhân tên biết nghĩa, không phải chỉ phụng trì trên cái tên. Phật dạy kinh này có nhiều tên.

* Thứ nhất là “Đại Phật Đảnh, Tát Đát Đa, Bát Đát Ra Vô Thượng Bảo Ấn, Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn”. Đại Phật Đảnh là đảnh nhục kế của Phật, là chỗ rốt ráo tột cùng khó thấy khó biết. Đây chỉ đến chỗ chân lý tột cùng nên ví như Đại Phật Đảnh. Rồi Tát Đát Đa, Bát Đát Ra tức là cái tàn lọng trắng, trước đã có giải. Vô Thượng Bảo Ấn là cái ấn báu Vô thượng, chứng thật không có gì để nghi ngờ. Thập Phương Như Lai Thanh Tịnh Hải Nhãn, là con mắt thanh tịnh như biển rộng lớn của mười phương Như Lai. Vậy, mười phương Như Lai đồng chỗ thấy này, không phải tìm cái gì khác.

* Thứ hai là “Cứu Hộ Thân Nhân, Độ Thoát A Nan, Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ Kheo Ni Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải”. Cứu Hộ Thân Nhân, Độ Thoát A Nan, kinh này cứu độ Ngài A-nan là em của Phật. Rồi Cập Thử Hội Trung Tánh Tỳ Kheo Ni, tức chỉ cho bà Ma-đăng-già khi xuất gia có tên là Tánh Tỳ-kheo-ni; Đắc Bồ Đề Tâm Nhập Biến Tri Hải, là nhận được tâm Bồ-đề, vào biển trí biến khắp vượt khỏi tình mê.

* Thứ ba là “Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa”. Như Lai Mật Nhân là nhân sâu kín của Như Lai, tức chỗ tình thức không dễ gì vào được. Tu Chứng Liễu Nghĩa, là nghĩa rốt ráo chân thật vượt khỏi phương tiện. Vậy nghĩa lý kinh này đưa người đến chỗ tu chứng rốt ráo chân thật, không còn mắc kẹt nơi phương tiện.

* Thứ tư là “Đại Phương Quảng Diệu Liên Hoa Vương, Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú”. Đại Phương Quảng, là nghĩa rộng lớn khắp hết; Diệu Liên Hoa Vương là hoa sen mầu nhiệm Vua của tất cả, không có gì nhiễm được. Rồi Thập Phương Phật Mẫu Đà La Ni Chú, là bài chú Tổng trì gom giữ tất cả không sót của mười phương Phật Mẫu, từ đó lưu xuất mười phương chư Phật.

* Thứ năm là “Quán Đảnh Chương Cú, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm”. Quán Đảnh Chương Cú, là nghĩa lý sâu xa được Như Lai mật truyền như là Quán đảnh. Rồi Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, là chỗ muôn hạnh của chư Bồ-tát thực hành. Thủ Lăng Nghiêm nghĩa là kiên cố không có gì phá vỡ.

Đó là những tên kinh mà Phật dạy nên phụng trì. Nói tên kinh để người nhận được nghĩa sâu, sau đó vâng giữ phụng trì.

 

CHÁNH VĂN:

Phật nói lời ấy rồi, liền khi ấy ông A-nan và cả đại chúng, được nhờ Như Lai khai thị ý nghĩa mật ấn Bát-đát-ra và nghe được những tên gọi liễu nghĩa của kinh này, liền ngộ được diệu lý tăng thượng để tu tiến vào các Thánh vị trong Thiền-na; tâm niệm rỗng rang đứng lặng đoạn trừ sáu phẩm phiền não vi tế của tư hoặc trong tam giới.

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan và cả đại chúng được Như Lai khai thị ý nghĩa mật ấn Bát-đát-ra và nghe được những tên gọi liễu nghĩa của kinh này. Như Lai khai thị mật ấn ngầm chỉ Như Lai Tạng tâm sâu kín, chỗ đó gọi là chỗ mật ấn Bát-đát-ra. Được Phật khai thị đến chỗ Như Lai Tạng tâm sâu kín, và nghe được cái tên liễu nghĩa của kinh tức là nghĩa chân thật rốt ráo vượt ngoài phương tiện, cho nên liền ngộ được diệu lý tăng thượng, là lý vượt ngoài ngôn ngữ, như vậy nghe cái tên đó là đạt được cái nghĩa chứ không phải chỉ hiểu trên cái tên, cái chữ.

Nghe cái tên này mà đạt sâu được cái nghĩa trong đó là đi sâu vào chỗ tu chứng chứ không phải tầm thường. Ở đây, Ngài A-nan và đại chúng đoạn trừ sáu phẩm phiền não vi tế của tư hoặc trong tam giới. Ở phần quả thứ nhất Tu-đà-hoàn chỉ đoạn kiến hoặc, còn đây đoạn về sáu phẩm phiền não vi tế của tư hoặc, là tiến đến phần tu, thuộc về Nhị quả. Tư hoặc có tư hoặc của Dục giới, tư hoặc của Sắc giới, tư hoặc của Vô sắc giới. Tư hoặc của Dục giới có chín phẩm, ở đây đoạn sáu phẩm tức là chứng được Nhị quả, nếu đoạn tiếp ba phẩm còn lại thì chứng được Tam quả. Còn nếu đoạn hết cả bảy phẩm của hai cõi Sắc giới và Vô sắc giới thì chứng A-la-hán. Như vậy, đây là tiến vào phần tu chứng.

 

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ nơi chân Phật, chắp tay cung kính mà bạch Phật rằng: “Đức Thế Tôn có oai đức lớn dùng từ âm không ngăn che, khéo khai ngộ những thứ mê lầm sâu kín nhỏ nhiệm của chúng sanh, khiến cho chúng con ngày hôm nay thân tâm an ổn thích thú được lợi ích lớn. Bạch Thế Tôn! Nếu Chân Tâm Diệu Minh trong sạch nhiệm mầu này, bản lai cùng khắp viên mãn như thế cho đến đất liền, cỏ cây các loài hàm linh máy động vốn nguyên là Chân Như, tức là Chân Thể Thành Phật của Như Lai. Thể tánh của Phật đã chân thật, tại sao lại có các đường: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, người, Trời v.v... Bạch Thế Tôn! Các đường ấy bản lai tự có hay do tập khí giả dối của chúng sanh sanh khởi?

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan trước tán thán Phật khéo khai ngộ những thứ mê lầm sâu kín nhỏ nhiệm, là chỗ khó thấy khó biết khiến tất cả được chân ngộ sâu xa. Chỗ này nếu không phải Phật thì khó ai khai thị được, vì chỉ Phật mới thấu suốt được thôi. Kế mới thưa hỏi về lục đạo luân hồi xưa nay tự có hay là do tập khí hư dối của chúng sanh mà sanh khởi? Bởi vì Chân Tâm Diệu Minh trong sạch nhiệm mầu vốn cùng khắp viên mãn, không chỗ nào thiếu sót. Như vậy thế giới và chúng sanh vốn không rời ngoài cái chân thật sẵn có, vì sao lại có sáu đường chúng sanh luân hồi?

Tức là ngầm chỉ sáu đường chúng sanh luân hồi vốn không có cái tự thể thật có, nhưng khi mê vẫn thấy rõ ràng. Khi mê chấp là thật nên vẫn thấy sáu đường chúng sanh luân hồi rõ ràng, do đó không thể một bề nói là không, nhưng lẽ thật nó vốn là Chân Tâm Diệu Minh trong sạch nhiệm mầu. Nếu ngay đó khéo vượt qua có và không thì mới thành nghĩa viên dung.

 

CHÁNH VĂN:

Bạch Thế Tôn! Như Tỳ-kheo ni Bảo Liên Hương giữ giới Bồ-tát lén lút làm việc dâm dục, lại nói càn rằng: “Làm việc dâm dục chẳng phải sát sanh, trộm cắp, không có nghiệp báo!”. Nói ra lời ấy rồi, trước hết từ nơi nữ căn sanh ra ngọn lửa hồng lớn, về sau từng lóng, từng đốt đều bị lửa đốt cháy, rơi vào địa ngục vô gián.

Vua Lưu Ly và Tỳ-kheo Thiện Tinh, Vua Lưu Ly giết họ hàng Cù-đàm, Thiện Tinh vì nói càn: “Tất cả pháp đều rỗng không!”, ngay thân sống sa vào địa ngục A-tỳ.

Các địa ngục đó là có chỗ nhất định hay là tự nhiên, mà khi các người kia gây nghiệp, thì mỗi người mỗi người chịu riêng? Cúi mong Phật rủ lòng đại từ, khai ngộ cho kẻ ngây thơ, khiến cho tất cả các chúng sanh trì giới nghe nghĩa quyết định, vui lòng tôn trọng kính cẩn giữ gìn không trái phạm”.

GIẢNG GIẢI:

Đây hỏi về Tỳ-kheo ni Bảo Liên Hương lén lút làm việc dâm dục, lại nói càn: “Làm việc dâm dục chẳng phải sát sanh, trộm cắp nên không có nghiệp báo”, tức bác về nhân quả. Vì vậy, ngay khi còn sống lại rơi vào địa ngục vô gián. Rồi Vua Lưu Ly và Tỳ-kheo Thiện Tinh cũng vậy. Vua Lưu Ly do nghiệp giết dòng họ Thích nên ngay khi còn sống rơi vào địa ngục; còn Tỳ-kheo Thiện Tinh vì sanh ác kiến: “Tất cả pháp đều là rỗng không!”, chấp không có nhân quả, cũng ngay thân sống mà sa vào địa ngục A-tỳ.

Ngài A-nan mới hỏi các địa ngục đó là có chỗ nhất định hay là tự nhiên sanh, nếu mà có chỗ nhất định thì thành Phật rồi lại có pháp ngoài tâm sao? Mà ngoài tâm có pháp thật thì nghĩa Chân Tâm Diệu Minh cùng khắp không thành được rồi. Còn nếu tự nhiên sanh thì nó không thành nhân quả, vậy càng nguy hiểm. Đây là hỏi để ngừa tránh cho người bác không nhân quả, đồng thời cũng ngừa trường hợp chấp vào thật có khiến làm ngăn ngại trí tuệ chân thật.

***

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 04787
  • Online: 89