Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (3)

28/03/2018 | Lượt xem: 3294

Tác giả: TT.Thích Thông Phương

Dịch giả: HT.Thích Phước Hảo

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan vâng nghe lời Phật từ bi cứu độ chỉ dạy, khóc lóc vòng tay bạch Phật: "Tuy con vâng nghe tiếng pháp nhiệm mầu của Phật như thế, ngộ được tâm thanh tịnh sáng suốt viên mãn thường trụ sẵn có. Song con ngộ được pháp âm của Phật vừa dạy, cũng dùng tâm phan duyên để nhận biết mà thỏa mãn chỗ ước mong. Con luống được tâm này nên chưa dám nhận là tâm địa vốn sẵn có của con. Cúi mong Phật thương xót, tuyên lời viên âm chỉ dạy nhổ sạch gốc nghi cho con để trở về đạo Vô thượng".

 

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan trước nghe Phật quở là mê lầm, theo duyên bỏ mất chân tâm. Đến đây, nghe Phật khai thị lý chân thật xưa nay sẵn có, biết mình có cái chân tâm sáng suốt, Ngài có cái hiểu sâu hơn cho nên cảm xúc mà khóc.

Tuy ngộ biết mình có chân tâm thường trụ rồi nhưng chưa trực tiếp nhận rõ chân tâm. Ngài nói:"Con cũng dùng tâm phan duyên theo pháp âm của Phật mà nhận hiểu cho nên chưa dám nhận tâm địa sẵn có của mình". Ngài A-nan cũng thật thà, có sao nói vậy, không phải là chưa được mà nói được. Tuy Ngài nghe được tiếng pháp nhiệm mầu của Phật chỉ rõ lý thật, nhưng cũng còn duyên theo tiếng pháp đó để hiểu tức cũng còn dùng tâm phan duyên, chứ chưa đi thẳng vào đó được. Do còn dùng tâm phan duyên cho nên chưa dám buông chỗ duyên, chưa dám nhận cái tâm địa sẵn có của mình. Và cầu Phật chỉ dạy thêm để nhổ sạch gốc nghi. Tức là nhổ sạch gốc nghi rồi mới dám buông chỗ duyên mà trở về đạo Vô thượng

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo ông A-nan: "Các ông còn dùng tâm phan duyên nghe pháp thì pháp này cũng là sở duyên, chẳng phải được pháp tánh.

GIẢNG GIẢI:

Đến đây, Phật nói thẳng, dù nghe pháp âm vi diệu của Phật nói ra những lý sâu xa nhưng còn duyên theo pháp âm đó mà hiểu cũng chưa phải thật pháp. Chỉ là hiểu về nó thôi chưa phải nắm nó trong tay. Thí dụ nghe nói trong nhà có ngọc báu thì biết có hòn ngọc báu trong nhà nhưng không biết nó ở đâu, chưa nắm được nó trong tay. Đây cũng vậy, còn nhờ qua tiếng pháp âm của Phật mà hiểu, chưa phải trực nhận. Đó là điều mình phải nhớ kỹ. Dù cho mình có nhận hiểu được chân tâm, nhưng đó là chân tâm của tâm duyên. Tức là nó thuộc về pháp sở duyên, là cái đối tượng để hiểu thôi. Như vậy là chỉ hiểu về chân tâm, chưa phải thật thể chân tâm hiện tiền, cho nên Phật gọi là pháp sở duyên. Pháp sở duyên tức là pháp bị duyên, là đối tượng. Chân tâm mà thành ra đối tượng để cho mình hiểu, là thành nó ở trước mình hoặc nó ở ngoài mình, nó là cái thứ hai chứ chưa phải chính là mình.

Nếu mình chưa dám quên duyên để nhận thẳng vào đó thì coi như còn đứng ngoài cửa. Đây Phật chỉ rõ. Phật ví dụ:

 

CHÁNH VĂN:

Như người dùng ngón tay trỏ mặt trăng để chỉ cho người khác thì người kia phải nhân ngón tay mà nhìn lên mặt trăng. Nếu lại xem ngón tay cho là thể mặt trăng thì người này đâu những chỉ quên mất mặt trăng mà cũng quên luôn cả ngón tay. Vì sao? Bởi lẽ cho ngón tay chỉ là mặt trăng sáng thì đâu những chỉ quên ngón tay mà lại cũng chẳng biết tối hoặc sáng. Vì sao? Vì lấy cái thể ngón tay cho là tánh sáng của mặt trăng thì cũng không rõ được hai tánh tối và sáng.

GIẢNG GIẢI:

Pháp âm của Phật dù vi diệu thế nào cũng chỉ là ngón tay chỉ mặt trăng chân lý. Vậy thì mình nghe cần quên ngón tay để nhận thẳng vào chân lý mới thật thấy. Nếu cứ bám vào ngón tay cho là mặt trăng sáng thì Phật nói không những không biết được ngón tay, cũng không rõ được tối và sáng, mê cả hai. Ngón tay dụ cho giáo pháp của Phật, mặt trăng dụ cho chân tánh của mỗi người. Vậy nếu chấp vào ngón tay, tức là nhận ngón tay giáo pháp là tâm tánh chân thật thì không thật hiểu được giáo pháp, cũng không rõ được tánh linh giác tức là ngu mê cả tối và sáng. Đó là mê cả giáo pháp và mê luôn cả tâm tánh, mê cả hai.

Bởi vậy, trong nhà thiền, các Thiền sư thường đánh thức người học là phải khéo quên duyên. Đó gọi là giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, để cho người nhận thẳng vào lẽ thật, không kẹt trên ngón tay. Không phải nói giáo ngoại biệt truyền là bác bỏ giáo pháp. Người học nghe mà chấp như vậy cũng thành chấp ngón tay, là chấp ngôn ngữ, mắc kẹt trong ngôn ngữ. Nếu thật sự Thiền truyền ngoài giáo pháp Phật thì không phải Phật giáo, là ngoại đạo Phật rồi. Ý của các Ngài là để chỉ cho mình quên ngón tay, nhận thẳng vào chân lý. Truyền ngoài là như vậy, không phải bỏ giáo pháp. Không hiểu kỹ lầm cho là bác bỏ kinh điển cũng là mê luôn. Cho nên mình học phải hiểu kỹ để không lầm theo ngón tay, mà phải khéo nhận ra mặt trăng.

Có vị tăng hỏi Ngài Điều Ngự Giác Hoàng:

- Thế nào là một việc hướng thượng?

Hướng thượng là thẳng vào việc lớn.

Ngài đáp:

- Đầu gậy khêu nhật nguyệt.

Đầu gậy mà khêu mặt trời mặt trăng. Đó là đúng theo ý của Phật dạy. Người học không hiểu cứ suy nghĩ: "Tại sao đầu gậy mà khêu được  tới mặt trời mặt trăng?". Suy nghĩ, luận tới luận lui hoài cũng nằm trên đầu gậy. Cứ bám vào đầu gậy suy nghĩ thì không bao giờ hiểu nổi. Ở đây Ngài nói cũng để đánh thức mình. Nếu là một việc hướng thượng thì mình phải nhảy qua đầu gậy đó mới thấy được mặt trời mặt trăng kia, mới thật rõ được việc hướng thượng, tức là chỗ thật rốt ráo. Cho nên, nghe câu đó mình phải ngộ trở lại chính mình, còn bám vào đó để suy luận thì kẹt trong ngôn ngữ.

Chính Phật dạy: "Nếu nghe tiếng pháp âm vi diệu của Như Lai mà bám vào đó thì chỉ là pháp sở duyên thôi, chưa phải là pháp tánh chân thật".  Chính Phật bảo mình không thể chấp kẹt dính cứng vào lời dạy của Ngài. Phải quên lời để nhận thẳng vào. Ngoài đời, ông thầy dạy thế nào bắt phải nghe y vậy, bám chặt vào lời đó. Phật thì nói thẳng bởi vì Phật thấy như thật, nói như thật; lẽ thật như vậy thì nói như vậy. Mình học cũng để thấy được những lời chân thật của Như Lai và nghiệm sâu để mở sáng  trí  tuệ của mình, không mắc kẹt trong những chỗ mê chấp. Phật nói rõ thêm để cảnh tỉnh cho người:

 

CHÁNH VĂN:

Ông cũng lại như vậy. Nếu lấy cái phân biệt tiếng tôi nói pháp làm tâm của ông, thì khi rời cái phân biệt tiếng nói pháp, tâm ấy vẫn có tánh phân biệt. Thí như có người khách đến ngủ nhờ trong quán trọ rồi đi không ở mãi. Còn ông chủ quán thì không đi đâu nên gọi là chủ. Đây cũng như vậy, nếu thật là tâm ông thì không đi đâu, làm sao rời hình  dung, sắc tướng và tiếng nói của Tôi lại không còn tánh phân biệt? Nói như thế, chẳng những tâm phân biệt các tiếng  nói mà cái phân biệt về hình dung của Tôi, rời các sắc tướng thì cũng không có tánh phân biệt; như thế cho đến cái phân biệt cũng đều không, chẳng phải sắc chẳng phải không, mà bọn Câu-xá-ly v.v… lầm cho là Minh  Đế, nếu rời các pháp trần cũng không có tánh phân biệt thì  tâm tánh của ông đều có chỗ trả về, vậy lấy cái gì làm chủ?

GIẢNG GIẢI:

Trước Phật cảnh  tỉnh hãy chín chắn để nhận cho kỹ, chớ vội vàng hấp tấp. Ngay cái phân biệt tiếng nói pháp của Phật đã có chân vọng đầy đủ. Mê theo tiếng nói pháp là vọng, ngay đó nhớ trở lại là chân. Đây Phật nói: Ông cũng như vậy, nếu lấy cái phân biệt tiếng nói pháp làm tâm của ông thì  khi rời cái phân biệt tiếng nói pháp, tâm ấy vẫn có tánh phân biệt mới đúng. Nếu rời tiếng nói pháp mà mất tánh phân biệt tức là vọng rồi!

Ngài đem nghĩa chủ khách chỉ rõ. Khách đến ngủ tạm rồi đi. Cũng vậy, thức tâm của mình cũng tạm duyên theo trần sanh diệt, không thường trụ thì  như  khách. Còn chủ thì không đi đâu, cũng như chân tâm thường trụ không mất. Thức tâm duyên theo trần thì tạm có, qua rồi thì mất, duyên cái khác. Giống như khách tạm đến rồi đi. Còn chân tâm thì vẫn thường trụ, rõ ràng liễu liễu thường tri. Nhớ kỹ, cái có mất thì không phải chân tâm, chân tâm là thường trụ.

Phật nói rõ thêm, dù là phân biệt  theo tiếng nói pháp của Phật hay phân biệt về hình dáng của Phật cũng là phân biệt theo duyên. Mất tiếng nói pháp hoặc mất hình dáng của Phật, tánh phân biệt này cũng mất đi thì cái đó thuộc về khách. Nếu là chân tâm thì không lúc nào mất.Như vậy, nếu nhận tánh phân biệt theo duyên là khách, chưa phải là chủ. Nếu khéo thì phải thấy trở lại trước khi nó phân biệt. Đừng theo duyên, theo duyên là theo đuôi.

Phật nói thêm: Nếu chỉ theo cái phân biệt theo tướng, theo hình sắc thì rời các  sắc tướng đó nó thành không có tánh phân biệt  luôn. Cho đến cái phân biệt đều không, chẳng phải sắc chẳng phải không mà bọn Câu-xá-ly v.v… lầm cho là Minh Đế. Nếu rời pháp trần cũng không có tánh phân biệt thì lúc đó, tâm tánh ông đều có chỗ trả về, chưa phải là chân thật. Đây là chỗ vi tế. Chỗ này tuy là ngoại đạo nhưng họ tu cũng sâu lắm. Họ thấy tới chỗ không phải sắc, không phải không, tới chỗ gọi là Minh Sơ, Minh Đế. Nhưng vì còn mê nên họ chưa ra khỏi luân hồi.

 Quên duyên mà rõ ràng thường biết mới thật là chân tâm. Còn trường hợp này quên duyên mà mờ mờ, không rõ gì hết cho  nên ngoại đạo chấp vào chỗ đó cho là Minh đế.

Câu-xá-ly là một trong  những Luận sư thời Đức Phật, dịch theo chữ Hán là Ngưu xá. Có người  giải thích ông này sanh ra trong chuồng bò, lấy chỗ sanh đặt tên; có chỗ gọi là tên mẹ, tên khác  là Mạt-già-lê, là một trong số Lục sư. Trong nhóm Số luận có những vị ban đầu tu sổ tức định rất sâu. Khi nhập định có thể thấy được tám muôn kiếp trở về trước. Nhưng ngoài tám muôn kiếp thì mờ mịt không biết gì nữa hết, mới chấp cho đó là thật tánh của pháp gọi là Đế (đế là chân thật). Chữ "Minh" này là mờ mờ mịt mịt, không phải "minh" là sáng. Nhập định rồi thì không còn cảnh duyên bên ngoài, thiếu duyên là mất tánh phân biệt, nhưng còn chỗ thầm thầm lặng lặng ở trong tức còn cái vi tế bên trong. Chỗ mờ mịt đó không biện biệt được gì hết cho nên đồng như không phải sắc, không phải không. Đó cũng thuộc pháp trần vi tế, tức cũng còn có chỗ phân biệt vi tế chưa hết, cho nên chưa ra  khỏi sanh tử. Rốt cuộc, tâm đó cũng  là tâm còn chỗ trả về.

Phật kết lại:"Nếu tánh phân biệt đó rời tiền trần liền mất tánh phân biệt, thì  tâm tánh của ông  thành ra có chỗ trả về, thì nó thuộc khách, vậy sao ông chấp nhận làm tâm ông được?" Tâm mà có chỗ trả về là khách rồi, giống như mượn rồi trả. Nếu thật tâm mình thì trả về cho ai? Chỗ này quán kỹ thì sẽ thấu qua được nguồn gốc sanh tử luân hồi chứ không phải thường. Nếu khéo ngay đó liền tỉnh trở lại, tức đồng Như Lai.

Hòa thượng Đại Điên từng khai thị trong chúng: "Nay ta vì các ông nói trắng ra, mỗi người hãy lắng nghe mà nhận lấy. Trừ bỏ tất cả vọng động, tưởng niệm, xét lường tức là chân tâm của ông. Tâm này cùng với trần cảnh và khi kềm giữ lặng lẽ hoàn toàn không dính  dáng". Hòa thượng Đại Điên dạy là trừ bỏ những vọng động, những cái tưởng niệm xét lường thì đó là chân tâm của ông chứ không gì khác. Cái tâm cùng với trần cảnh, hay tâm lúc ngồi thiền mà kềm giữ lặng lẽ thì  hoàn  toàn  không dính dáng gì với chân tâm đó.

Kềm giữ lặng lẽ là cố buông duyên để kềm giữ nó cho lặng lẽ thì cùng với tâm này chưa dính dáng. Bởi tâm này vốn thường lặng lẽ, đâu do kềm giữ. Khi kềm giữ cho nó lặng lẽ giống như dừng cái động để trở về cái tịnh, mà dừng động về tịnh thì cũng là động tịnh đối nhau. Còn  muốn thấu rõ chân tâm thì phải vượt qua động tịnh mới thấu rõ được. Đó là chỗ sâu xa mà Phật muốn chỉ dạy. Chúng ta cần phải sáng tỏ trở lại chỗ này, đừng lo tìm sáng cái gì đâu đâu. Tiếp theo:

 

CHÁNH VĂN:

A-nan thưa: "Nếu Phật nói tâm tánh con đều có chỗ trả về thì cái tâm tánh diệu minh sẵn có mà Như Lai nói đó vì sao lại không có chỗ trả về. Cúi mong Phật thương xót chỉ dạy cho điều ấy".

GIẢNG GIẢI:

Ngài A-nan nghe bảo tâm tánh có chỗ trả về liền bị ngôn ngữ đó chuyển, cho nên sanh nghi tâm tánh diệu minh của mình có trả về hay không?

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: "Vả lại, cái tánh thấy vốn sáng suốt của ông thấy Tôi thì cái tánh thấy này tuy chẳng phải là cái diệu tinh minh tâm, nó như mặt trăng thứ hai, không phải bóng mặt trăng.

GIẢNG GIẢI:

Chỗ này vi tế. Cái tánh thấy vốn sáng suốt của ông đây gọi là kiến tinh viên minh, khi ông thấy Tôi thì cái tánh thấy này tuy chẳng phải là cái diệu tinh minh tâm(tức cái tâm sáng suốt nguyên vẹn nhiệm mầu), nhưng nó như mặt trăng thứ hai, không phải bóng mặt trăng. Chúng ta cần lưu ý điểm này.

Phật khai thị rõ ràng cho thấy cái tánh thấy vốn sáng suốt, nhớ là tánh thấy vốn sáng suốt. Vậy cái tánh thấy mà  khi ông thấy tôi đây nó  vốn là tự sáng, chứ không phải thấy tôi nó mới sáng, không phải là nhờ duyên nó mới sáng. Và nó không có lẫn lộn với tôi (tức không xen lẫn với trần), cho nên mới gọi là kiến tinh.

Chỗ này chúng ta cần phải thầm hiểu là cái thấy đó tuy nguyên vẹn, vốn sáng, không trộn lẫn với trần nhưng tánh thấy đó chưa phải là chân tâm, song gần với chân tâm. Nó chưa là phải chân tâm nhưng nó cũng không phải rời ngoài chân tâm mà riêng có, giống như mặt trăng thứ hai không phải rời mặt trăng thật mà có. Tuy chưa phải là chân tâm nhưng nó sát với chân tâm rồi, như mặt trăng thứ hai sát với mặt trăng thật, chứ không phải cái bóng mặt trăng thật dưới nước, là còn xa lắm. Bóng  mặt trăng dưới nước là chỉ cho cái tâm phân biệt theo duyên, theo các trần, cái đó còn xa nữa. Cái tánh thấy này nó gần với chân tâm, giống  như mặt trăng thứ hai là vậy. Các Thiền sư cũng thường khai thị chỗ tánh thấy này, người khéo ngay đây chuyển nhẹ là hợp về với chân tâm, vì nó gần mặt trăng thứ nhất. Đức Phật dạy tiếp:

 

CHÁNH VĂN:

Ông hãy nghe cho kỹ, nay tôi sẽ chỉ cho ông chỗ không thể trả về. A-nan! Cửa đại giảng đường này mở rộng về phương đông, khi  mặt trời lên thì chiếu sáng; giữa đêm không trăng mây mù mờ mịt thì  tối tăm; chỗ có các cửa thì thấy thông suốt; khoảng tường ngăn thì thấy bít lấp; chỗ phân biệt được thì thấy cảnh sắc duyên; trong chỗ trống rỗng toàn là hư không; cảnh  tượng mịt mờ là bụi tối, mưa tạnh trời thanh thì thấy trong.

A-nan! Ông hãy xem các tướng biến hóa này, nay Tôi đều trả về  bản nhân của nó. Thế  nào  là bản  nhân? A-nan! Các tướng biến hóa này sáng trả về cho mặt trời. Vì sao? Vì nếu không mặt trời thì không sáng. Nguyên nhân cái sáng thuộc về mặt trời, cho nên trả về cho mặt trời. Cái tối trả về cho đêm không trăng; thông suốt trả về cho cửa; ngăn bít trả về cho tường vách; sắc duyên trả về cho phân biệt; rỗng không trả về cho hư không; mù mịt trả về cho bụi; trong sáng trả về cho trời tạnh. Tất cả vật có ra trong  thế gian đều không ngoài các thứ này.

Còn tánh thấy sáng suốt của ông thấy tám thứ kia, ông muốn trả nó về đâu? Vì sao? Vì nếu trả về cho sáng, thì  khi  tối đến cũng không thấy tối. Tuy sáng tối mỗi mỗi đều sai khác, nhưng cái thấy không sai khác. Các thứ có thể trả  về được, tự nhiên chẳng phải là ông. Cái ông không thể trả về được, chẳng phải ông  thì là gì? Ắt biết tâm ông vốn nhiệm mầu thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê muội, bỏ  mất tánh bản nhiên, đành  chịu luân  hồi, thường bị trôi nổi chìm đắm trong sanh tử. Thế  nên, Như Lai nói là  đáng thương xót vậy!".

GIẢNG GIẢI:

Đây chúng ta thấy Phật dạy rất thứ tự, trước khi chỉ ra cái không thể trả về Phật liền chỉ ra cái có thể trả về, nhờ vậy mà biết cái còn lại là cái không thể trả về. Loại ra hết những  cái  có thể  trả về thì  còn lại là  cái không thể  trả về, rõ  ràng như vậy.

Phật thí dụ như cửa giảng đường mà Ngài đang ngồi mở rộng về phương đông, qua đó liền biết giảng đường này hướng về phương đông. Ngài nói về bốn đôi đối nhau là : sáng-tối, thông-bít, rỗng không - sắc duyên, rồi mù-trong. Trong  bốn đôi trên, Phật dạy là mỗi thứ đều có chỗ trả về. Như sáng thì trả về cho mặt trời, tối thì trả về cho đêm không trăng; chỗ thông suốt thì trả về cho cửa (cửa này mở để  thông bên  ngoài thì chỗ thông suốt trả về cho cửa), còn chỗ ngăn bít thì trả về cho tường vách; sắc duyên trả về cho phân biệt (do chỗ tâm phân biệt có sắc duyên  thì sắc duyên đó trả về cho tâm phân biệt, nếu không tâm phân biệt thì sắc duyên đó mất), chỗ rỗng không thì trả về cho hư không; chỗ mù mịt thì trả về cho bụi, chỗ trong sáng thì trả về cho trời tạnh. Như vậy mỗi cái đều có chỗ trả về nơi bản nhân (tức nhân gốc) của nó.

Nghĩa là những cái này là những cái không thể tự tồn  tại và chúng đều có chỗ trả về vì chúng thuộc về pháp nhân duyên. Còn cái tánh thấy vốn sáng suốt của ông  hay thấy tám thứ kia thì  muốn trả nó về đâu? Nếu khi ngồi thiền quán kỹ chỗ này thì sẽ ngộ.

Vậy thì tám thứ đó mỗi cái đều có chỗ trả về, còn cái tánh thấy mọi thứ sai biệt thì trả về đâu? Mà nó không có chỗ trả về thì  nó là mình chứ còn là ai  nữa? Còn mê gì nữa? Phải xét kỹ chỗ này đừng để lầm.

Những đối tượng bị thấy đó thì nó có sai biệt, có nhiều thứ, có sáng-tối, có thông-bít v.v…đủ thứ, còn cái thấy được mọi thứ sai biệt thì nó đâu có sai biệt. Nếu nó sai biệt thì nó hết thấy. Thí dụ nó thấy sáng mà nó thành sáng thì nó hết thấy tối. Hoặc là nó thấy tối mà nó thành tối thì nó hết thấy tối. Còn nó thấy tối thấy sáng tức là nó không thuộc sáng không thuộc tối, nó không thành sai biệt, như vậy nó đâu có trả về. Tại sao lại đồng hóa nó vào mấy thứ kia làm chi vậy?

Nhớ là khi thấy sáng thì tánh thấy không phải là sáng. Khi thấy tối thì tánh thấy không phải là tối. Sáng tối không có can hệ gì đến nó. Rồi khi thấy thông thấy bít, thấy mù thấy trong v.v…thì tánh thấy cũng không phải là thông-bít, không phải là mù-trong, không phải là sắc duyên, cũng không phải là hư không v.v…"Nó thấy hết tất cả nhưng nó không là cái gì hết". Nó vẫn là nó xưa nay, là "xưa nay không một vật" nên gọi là kiến tinh, không có lẫn lộn, cho nên thấy tất cả mà không là tất cả. Rõ ràng, đâu có cái gì che mờ được nó! Vậy còn mê, còn nghi gì nữa? Lẽ thật như vậy mà còn không chịu nhận thì đi nhận cái gì? Chúng ta thấy được chỗ mê của mình chưa?

Tánh thấy rõ ràng sáng suốt thấy hết mọi thứ nhưng không là cái gì hết, nó vẫn nguyên vẹn nó là  nó thôi, chúng ta lại đồng hóa nó với mấy thứ kia để thành mê bị lưu chuyển rồi chạy theo người khác cầu chỉ dạy. Của mình mà lại cầu người khác chỉ cho! Nên đến phần sau, Phật trách Ngài A-nan: "Ngay chân tánh của ông không nhận mà lại đi đến cầu Như Lai chứng nhận cho".

Lâu nay,  chúng ta học là mê là giác, học đủ thứ nhưng khi cái mê hiện ngay trước mắt thì không biết. Vậy lâu nay chỉ học chữ nghĩa, giờ chúng ta phải đi vào thực tế.

Đến đây Phật xác định rõ: ”Tâm ông vốn nhiệm màu thanh tịnh sáng suốt mà ông tự mê muội, bỏ mất tánh bản nhiên, đành chịu luân hồi, thường bị trôi nổi chìm đắm trong sanh tử. Thế nên Như Lai nói là đáng thương xót vậy!".

Chú ý! "Tâm ông vốn là nhiệm màu thanh tịnh sáng suốt".Nó là nhiệm mầu, tức là không thuộc ngôn ngữ phân biệt, không thuộc suy nghĩ cho nên mới nhiệm mầu, còn suy nghĩ được thì nó đâu có nhiệm màu. Nó là thanh tịnh sáng suốt, tức không có gì làm mờ, không có gì làm nhiễm được nó thì đó là cái sẵn nơi ông rồi. Cũng không phải do ông làm ra, cũng không phải tìm bên ngoài, vậy mà đành bỏ quên nó để nhận cái chợt sanh chợt diệt làm tâm mình, tức nhận khách làm mình.

Cho nên Phật nói là đáng thương xót, thương xót là chỗ đó. Đó là chỗ ông cần phải thức  tỉnh trở lại. Càng học chúng ta càng nhận thấy Phật hết tình chỉ dạy, mà vẫn chưa ngộ thì không biết nói sao! Mỗi người cần phải nghiệm kỹ, quán cho sâu đê thấu rõ trở lại tâm tánh chân thật của chính mình, không lầm vọng tưởng để bị nó che mờ.

Tiếp đến Phật lựa riêng trần cảnh để nêu tánh thấy.

CHÁNH VĂN:

Ngài A-nan thưa: " Con tuy biết tánh thấy này không trả về đâu nhưng làm sao biết được nó là chân tánh của con?"

Phật bảo A-nan:" Nay Tôi hỏi ông, hiện nay ông chưa được quả Vô lậu thanh tịnh, do nương theo oai thần của Phật mà thấy được cõi Sơ thiền không bị chướng ngại; ông A-na-luật-đà thấy cõi Diêm-phù-đề như xem trái Yêm-ma-la để trong bàn tay; các vị Bồ-tát v.v…thấy cả trăm ngàn cõi thế giới; mười phương Như Lai đều thấy cùng tận các cõi nước thanh tịnh như số vi trần không sót chỗ nào. Còn chúng sanh xem thấy không quá gang tấc.

A-nan! Lại Tôi với ông cùng xem cung điện của Tứ Thiên Vương, ở khoảng giữa xem khắp những vật dưới nước, trên mặt đất và trong hư không, tuy có nhiều hình tượng tối sáng khác nhau, nhưng đều là cảnh phân biệt tiền trần ngăn ngại. Ông hãy ở nơi đó phân biệt cái gì là mình, cái gì là vật? Nay Tôi cho ông lựa chọn trong cái thấy, cái gì là tâm thể của ông, cái gì là hình tượng của sự vật? A-nan! Cùng tột sức thấy của ông từ mặt trời, mặt trăng chính  là vật chứ chẳng phải ông, cho đến  Thất kim sơn xem xét cùng khắp, tuy có những thứ hào quang cũng là vật chẳng phải ông, lần lần xem đến mây kéo, chim bay, gió động, bụi dấy, cây cối, núi sông, rau cỏ, người, thú thảy đều là  vật chứ chẳng phải ông.

GIẢNG GIẢI:

Trước Phật đã nêu về tám thứ trả về. Ngài A-nan nghe Phật nói liền nhận biết những tướng bên ngoài đều có chỗ trả về, còn tánh thấy thì không có chỗ trả về. Ngài mới thưa với Phật là Ngài cũng biết tánh thấy là không trả về đâu nhưng làm sao biết được nó là chân tánh của con? Ngài vẫn chưa nhận rõ. Ngài biết nhưng cũng là biết qua cái biết của Phật, nghe Phật khai thị mà biết chứ không phải chính mình thật biết. Nếu chính mình thật biết đâu còn nghi  nữa.

Đây Phật mới chỉ ra tùy theo căn cơ chỗ thấy có rộng có hẹp.

Ngài A-nan mới chứng quả Tu-đà-hoàn chưa được quả Vô lậu A-la-hán, nhưng nhờ nương theo sức oai thần của Phật nên thấy suốt cõi trời Sơ Thiền. Còn Ngài A-na-luật-đà thì do được thiên nhãn thấy cả cõi Diêm-phù-đề như là xem trái cây trong lòng bàn tay.Còn các vị Bồ-tát thì cũng tùy theo trình độ của mỗi vị mà thấy có sai khác. Thí dụ như Bồ-tát Sơ địa thì thấy được 100 cõi Phật; Bồ-tát Nhị địa thấy cả ngàn cõi Phật; cho đến Thập địa thấy được Vô lượng cõi Phật; chỉ có Phật thì mới thấy cùng tận hết các cõi nước không sót cõi nào.

Đọc kinh Pháp Hoa, có khi Phật nói là từ cõi này đi qua vô số cõi nước khác, thí dụ như Phật phóng hào quang từ đây qua vô số cõi nước phương Đông, tới cõi nào đó thì Phật cần thấy là thấy, còn chúng sanh thì thấy không quá gang tấc. Cái thấy của chúng sanh rất hạn hẹp, che tờ giấy trước mặt là hết thấy rồi. Như vậy cùng là tánh thấy không hai nhưng chỗ dụng thì không đồng. Do đó chúng ta cần ngộ trở lại tánh thấy để không lầm theo vật bên ngoài rồi bị che ngại.

Kế Phật chỉ dạy tiếp: "Tôi cùng với ông(tức Ngài A-nan) xem cung điện Tứ Thiên Vương. Cung điện Tứ Thiên Vương ở lưng chừng núi Tu-di, nên khoảng giữa từ đây đến đó thấy được nhiều hình tượng sai biệt ở trên hư không, trên đất liền hoặc ở trong nước v.v..,nhưng tất cả những vật đó đều là cảnh tiền trần phân biệt ngăn ngại". Phật bảo Ngài A-nan phải lựa những vật nêu trên xem cái gì là tâm thể của mình ( ngã thể), cái gì là hình tượng của sự vật.

Đây cùng tột sức thấy của Ngài A-nan lúc đó thấy từ cõi đất này cho đến thấy tới mặt trời, mặt trăng rồi tới Thất kim sơn. Thất Kim sơn tức là bảy lớp núi vàng nằm ở giữa núi Tu-di và núi Thiết Vi. Do bảy chóp núi bằng vàng nên có ánh sáng.

Như vậy, từ cõi đất này lên tới núi Tu-di rồi chung quanh là những vật ở trên không, dưới nước, trên đất liền, cho đến các núi vàng có ánh sáng chiếu rọi…Khi xem xét kỹ, nhận rõ thì mặc dù nhìn thấy suốt hết tất cả những thứ nêu trên nhưng chúng cũng là vật, không thể trong đó mà chỉ ra tánh thấy được.

 Đây là nhờ thần lực của Phật nên Ngài A-nan mới rộng thấy được hết những thứ nêu trên, dù thấy suốt lên đến cõi Tứ Thiên Vương, thấy những núi vàng có ánh sáng rọi chiếu nhưng chúng đều là đối tượng bị thấy. Đã là đối tượng bị thấy thì làm sao là ông được? Hơn nữa, chúng có nhiều thứ sai biệt, nên nếu chúng là ông thì ông thành ra nhiều thứ, vậy cái nào mới là ông? Phật bảo Ngài A-nan là bước đầu ông hãy nhận rõ những cái không phải là ông để không lầm nó, sau đó Phật sẽ chỉ ra cái gì là ông, cái gì là tánh thấy.

Đoạn kinh này Phật dạy Ngài A-nan trước hãy nhận ra những cái không phải tánh thấy. Đây Phật mới chỉ rõ hơn:

 

CHÁNH VĂN:

A-nan! Tánh chất của các vật xa gần tuy có sai khác, nhưng đều là vật do tánh thấy trong sạch của ông xem thấy. Vậy các loại vật kia tự có sai khác, mà tánh thấy của ông không sai khác. Tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này quả thật là tánh thấy của ông.

Nếu tánh thấy là vật, thì ông cũng có thể thấy được tánh thấy của Tôi. Nếu khi đồng thấy sự vật mà gọi là thấy cái thấy của Tôi, vậy khi tôi không thấy, sao ông không thấy chỗ không thấy của Tôi? Nếu ông thấy được cái không thấy, thì tự nhiên nó không phải là tướng của cái không thấy kia. Nếu ông không thấy được chỗ không thấy của Tôi, thì cái thấy tự nhiên không phải là vật, sao lại không phải là ông?

GIẢNG GIẢI:

Ở trên, Phật đã chỉ ra những cái không phải cái thấy, dù là có thấy suốt từ đây lên cõi Tứ Thiên Vương, nhưng tất cả đều thuộc về đối tượng bị thấy chứ không phải tánh thấy. Đây Phật mới chỉ ra tánh thấy không phải vật thì còn nghi gì  nữa?

Bởi vì  các vật dù có xa có gần, có đủ thứ sai biệt nhưng đều là vật do tánh thấy trong sạch của ông xem thấy. Tánh thấy thanh tịnh, trong sạch của ông không lẫn lộn với mấy thứ đó cho nên nó mới thấy hết được những vật đó, gọi nó là "kiến tinh". Đó là điều chúng ta cần phải sáng suốt nhận định cho kỹ. Nếu nó có lẫn lộn với những vật đó thì nó không thể thấy hết. Thí dụ như nó lẫn với núi thì nó đâu thấy được sông, vì chính nó trong sạch không lẫn lộn cho nên nó thấy được hết tất cả những thứ đó. Nhưng ông lại lầm mấy cái đó cho là ông, chính đó là cái mê của chúng sanh.

Đoạn kinh này, Phật chỉ rõ tánh chất của các vật xa gần tuy có sai khác nhưng đều là vật do tánh thấy trong sạch của ông xem thấy, chứ nó không lẫn lộn với tánh thấy của ông. Các loại đó nó tự có sai khác, còn tánh thấy của ông thì không sai khác. Tánh thấy sáng suốt, nhiệm mầu này quả thật là tánh thấy của ông, còn nghi gì mà chưa dám nhận?

Đức Phật hết tình chỉ dạy, tức là cái thấy mọi thứ sai biệt đó nhưng nó không là cái gì hết, nó vẫn là nó thôi. Chúng sanh vì mê lầm nên khi thấy cái gì đó thì đồng hóa cái thấy của mình với cái đó,  giống như trộn lẫn nên mê ở chỗ đó. Còn tánh thấy vốn thanh tịnh nhiệm màu, nó thấy hết mấy cái đó nhưng nó không có trộn lẫn với cái nào, cũng không có cái gì trộn lẫn được với nó. Tức là nó vẫn nguyên vẹn nó là nó thôi,  vậy ông còn nghi ngờ gì nữa?

Kế, Phật mới nói thêm để ngăn ngừa cái chấp của mọi người: Giả sử tánh thấy nó là vật thì nó thành ra cái có thể thấy được để cho ông thấy. Nhưng chuyện đó không thể có. Thí dụ hai người cùng thấy cái bình hoa, ông thấy bình hoa, tôi cũng thấy bình hoa thì cho là ông thấy cái thấy của tôi rồi, được chăng? Ở đây Phật nói không có chuyện đó.

Giả sử ông vẫn cố chấp, cho rằng cùng thấy một vật tức ông thấy cái thấy của tôi thì chuyện đó chỉ là tưởng tượng.

Lại, nếu ông cho rằng khi cùng thấy một vật là ông thấy được cái thấy của tôi, vậy khi tôi không thấy vật, thì ông có thể thấy cái chỗ không thấy của tôi không?  Nếu không thì ông chỉ thấy vật thôi chứ làm sao thấy cái thấy của tôi được. Nếu ông cho rằng cũng thấy được chỗ không thấy của tôi, như khi tôi không thấy bình hoa, ông cũng không thấy bình hoa, đó là ông thấy được chỗ không thấy của tôi. Thì đó cũng là ông suy tưởng thôi. Sự thật, tôi không thấy bình hoa thì tôi tự biết, ông không thấy bình hoa cũng là ông tự biết, chớ làm sao ông thấy được đến chỗ không thấy của tôi. Nó đâu có dấu vết gì để cho ông thấy. Phật lại nói thêm, nếu ông thấy được cái không thấy thì tự nhiên nó không phải là tướng của cái không thấy kia, tức nó không thuộc cái đối tượng bị thấy.

Kết luận lại thì khi tôi và ông cùng thấy vật, rõ ràng ông cũng chỉ thấy được vật chứ đâu có thấy được cái thấy của tôi. Mà đã không thấy được cái thấy của tôi thì xác định lại nó không phải là vật nên ông không thể thấy được nó, và khi nhìn thấy là ông chỉ nhìn thấy vật thôi, chớ lầm với nó.

Tánh thấy của tôi như vậy thì tánh thấy của ông cũng như vậy, vốn không phải là vật. Đã không phải là vật thì không phải là ông vậy là gì?

Phật chỉ hết tình, không còn giấu giếm, vậy mà cũng còn chưa ngộ. Đó cũng vì thói quen của chúng sanh theo cảnh rồi mê cảnh mất mình, nhận tiền trần mà quên mất tánh thấy.

Tóm lại, đoạn này cần hiểu kỹ là tánh thấy, thấy khắp mọi sự vật sai khác. Giống như cái gương hiện tất cả hình bóng nhưng gương không phải là các hình bóng. Nhớ kỹ! Gương hiện rõ tất cả mọi hình bóng nhưng gương không phải là những hình bóng. Tánh thấy cũng vậy, nó thấy hết tất cả mọi thứ sai biệt nhưng nó vẫn là tánh thấy, nó không thành các thứ sai khác, không có trộn lẫn với cái gì hết. Biết rồi thì không lầm theo các vật mà mê mất mình.

Nghĩa là tánh thấy vẫn là tự tánh thấy chứ không phải nhờ các vật mới thấy, và các vật cũng không làm ra tánh thấy; do đó chúng ta chớ có theo vật mà sanh tâm là ở chỗ đó. Tức là nó vẫn nguyên vẹn nhưng không có trộn lẫn với vật, không có trộn lẫn với bất cứ cái gì thì đâu có cái gì mê mất được nó. Vậy sao còn chưa tỉnh ngộ!

Chúng sanh cứ xen cái tưởng phân biệt vào thành ra chướng ngại, còn quên cái tưởng phân biệt thì ngay đó sáng tỏ rồi. Vậy mới thấy rằng ngay chỗ sống hàng ngày của phàm phu là cái chỗ phát minh của Thánh trí chứ không gì khác, không cần cầu đâu xa.

Kế là Phật chỉ thêm.

 

CHÁNH VĂN:

Lại như cái thấy là vật thì đương khi ông thấy vật đó, ông đã thấy được vật, thì vật cũng thấy được ông. Thế thì thể tánh xen lộn, ông và Tôi cùng các thế gian không thành lập được.

A-nan! Nếu khi ông thấy thì chính ông chứ chẳng phải Tôi, tánh thấy trùm khắp đó chẳng phải ông chứ là ai?

Tại sao tự nghi chân tánh của ông? Tánh của ông mà ông chẳng tự nhận lấy lại cầu Tôi chỉ dùm cho ông?".

GIẢNG GIẢI:

Phật trách. Trước Phật đã xác định rõ cái thấy là không phải vật.Nếu cái thấy là vật thì vật thành cái thấy rồi, vậy thì khi ông thấy vật thì vật nó thấy lại ông. Như vậy thì thế gian này thành lộn xộn, thể tánh xen lộn, không còn phân biệt được đâu là hữu tình, vô tình rồi ông và tôi cùng các thế gian không thành lập được, nên chuyện đó không thể có. Vậy còn lầm cái gì nữa?

Phật nói nếu khi ông thấy thì chính cái thấy đó là của ông chứ không phải tôi. Tức là khi ông nhìn  thấy thì đó là ông thấy chứ không có ai can thiệp xen lẫn vào đó.

Vậy tánh thấy trùm khắp đó, không phải ông thì là ai vào trong đó nữa. Tại sao chính ông mà lại tự nghi ông?  Khi ông thấy thì cũng ông thấy thôi, chứ tôi đâu có xen vào can thiệp cái thấy của ông. Cũng như khi tôi thấy thì ông cũng không can thiệp vào cái thấy của tôi được. Như vậy là mỗi ngươi tự có chỗ thọ dụng, không có lẫn lộn, vậy còn nghi gì nữa mà không tự nhận để rồi đành phải chịu lưu chuyển.

Phật trách: "Tại sao ông lại nghi chân tánh của ông?".” đã là chân tánh của ông sao ông chẳng tự nhận, lại cầu tôi chỉ  dạy". Nếu vậy là cầu tôi nhận dùm cho ông  hay sao?

 

CHÁNH VĂN:

Ông A-nan bạch Phật rằng: " Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tánh thấy này nhất định là con chẳng phải vật khác, thì khi con cùng Đức Như Lai xem kho tàng bảo điện thù thắng của Tứ Thiên Vương, ở cung mặt trời mặt trăng, cái thấy này trùm khắp cả cõi Ta-bà; lui về tinh xá chỉ thấy vườn chùa, đến khi ngồi nơi giảng đường, thì chỉ thấy một chái nhà. Bạch Thế Tôn! Cái thấy này như thế, thể nó xưa nay là khắp giáp một cõi, nay ở trong nhà thì chỉ thấy nội trong nhà. Vậy cái thấy này rút lớn làm nhỏ, hay bị tường vách ép lại khiến cho đứt đoạn. Nay con chẳng biết nghĩa này thế nào? Cúi mong Thế Tôn mở rộng lòng từ vì con diễn nói rõ".

GIẢNG GIẢI:

Phật đã chỉ tánh thấy không phải là vật và trùm khắp hết, nên Ngài A-nan cũng còn theo tình phân biệt nên bị nó làm ngại, tức vẫn còn theo vật nên mới thấy có rộng hẹp, có đứt nối. Thành ra qua chỗ hiểu của Ngài A-nan thì cái thấy giống như một vật.

Ở đây, Ngài A-nan đại diện cho chúng sanh mê lầm để thưa hỏi nhờ Phật khai thị, vì đâu đến nỗi Ngài chậm nhận hiểu đến vậy.

Chúng sanh cứ chấp theo vật gọi là mê mình theo vật, cứ nhận vật nên tưởng đâu cái thấy cũng giống như vật nên nói có rộng có hẹp, có đứt nối vì bị tường vách ngăn đứt. Thử hỏi, vậy khi cái thấy suốt ra ngoài thì nó phải có dấu nối lại, mà có dấu nối thành ra cái thấy giống như một vật. Mê mình theo vật là vậy đó.

 

CHÁNH VĂN:

Phật bảo A-nan: "Tất cả các thứ trong ngoài lớn nhỏ ở thế gian đều thuộc về tiền trần, chẳng nên nói tánh thấy có co giãn.

Thí như món đồ vuông, trong ấy thấy hư không vuông. Nay Tôi lại hỏi ông, trong món đồ vuông này nhìn thấy hư không vuông, là nhất định vuông hay không nhất định vuông? Nếu nhất định vuông, thì khi ở trong món  đồ tròn, hư không đáng lẽ chẳng tròn. Nếu không nhất định thì khi ở trong món đồ vuông đáng lẽ hư không chẳng vuông. Ông nói chẳng biết nghĩa này thế nào, nghĩa tánh là như thế sao còn hỏi là như thế nào?

A-nan! Nếu muốn nhập được tánh không vuông tròn, chỉ trừ bỏ cái vuông của đồ vật, thì biết thể hư không vốn không vuông; không nên nói phải bỏ cái tướng vuông của hư không.

Nếu như ông hỏi khi vào nhà cái thấy rút nhỏ lại, vậy khi ngước xem mặt trời, há ông kéo tánh thấy giãn ra ngang với mặt trời? Nếu bị tường vách ngăn ép, tánh thấy phải đứt đoạn, thì khi xoi một lỗ nhỏ, sao không thấy dấu nối? Nghĩa ấy chẳng đúng!

GIẢNG GIẢI:

Phật nói: Tất cả các thứ lớn nhỏ trong ngoài ở thế gian đều thuộc về tiền trần. Câu này xem như tóm tắt hết ý rồi.

Nghĩa là mọi thứ ở trong thế gian này dù lớn dù nhỏ, thế này thế kia thì nó cũng đều thuộc về tiền trần chứ không phải là tánh thấy của ông, nên đâu có gì phải cho là có co giãn, lớn nhỏ. Nếu người thấy được chỗ này thì sáng tỏ được nghĩa trên, khỏi còn nghi ngờ gì nữa!

Vì ông đồng hóa tánh thấy của ông với tiền trần, nhận tiền trần là ông nên ông mới có cái nghi đó. Cớ gì ông cứ dính vào tiền trần đó mãi mà không chịu soi trở lại? Đây là chỗ Phật ngầm đánh thức.

Phật ví dụ như hư không ở trong món đồ vuông, vuông đó là món đồ vuông thôi chứ không phải là hư không vuông. Cũng vậy, tánh thấy thấy xa thấy gần, thấy nhỏ thấy lớn là thuộc về tiền trần có lớn có nhỏ, có xa có gần chứ không phải tánh thấy có xa có gần, lớn nhỏ.  Cũng như hư không ở trong món đồ vuông thì cũng đâu phải là hư không vuông, chỉ là món đồ vuông thôi. Nếu thật sự là hư không vuông thì khi chúng ta để hư không vào món  đồ tròn thì hư không cũng không tròn được, bởi nó cố định vuông rồi.

Quả thật, hư không đâu có vuông tròn mà người mê thì tưởng như hư không có vuông tròn. Đây cũng giống như vậy, thấy tiền trần rồi mê mất mình theo tiền trần đó, thành ra bị lầm là chỗ đó.

Phật lại bảo, ông nói chẳng biết nghĩa này thế nào thì nghĩa tánh nó rõ ràng như thế rồi còn nghi là thế nào gì nữa!

Đây Phật dạy kỹ là, nếu muốn nhập vào tánh không vuông tròn thì chỉ cần trừ bỏ cái vuông của đồ vật vì biết thể của hư không vốn không phải vuông, chứ không phải dẹp bỏ luôn cái tướng vuông của hư không vì hư không đầu có cái tướng gì mà dẹp. Chỗ này cần cẩn thận!

Nghĩa là muốn nhập được tánh không vuông tròn thì chỉ trừ các món đồ đi là xong. Là rõ được thể hư không vốn rỗng rang, thênh thang, chứ không phải là cố trừ cái tướng vuông của hư không cho nhọc nhằn. Cũng vậy, rộng hẹp ngay ngăn đứt, thì đó là tướng của tiền trần  đâu có can hệ gì đến tánh thấy. Cho nên, chỉ cần quên tiền trần mà soi lại tánh thấy thì liền tỏ ngộ tánh trùm khắp xưa nay thông suốt, chưa từng có rộng-hẹp, đứt-nối, chứ không phải cố trừ cái tướng rộng-hẹp của tánh thấy.

Nên đây Phật mới nói nếu ông lầm như vậy thì khi nhìn gần, cho tánh thấy có co rút, rồi khi nhìn xa lại cho tánh thấy có kéo giãn ra,vậy tánh thấy là vật rồi. Vì là vật cho nên nó mới có đứt có nối, mà đã là một vật thì  đâu còn là tánh thấy. Đó là chỗ mê.

Hơn nữa, nếu thật sự nó co rút lại, co kéo dài ra thì lấy cái gì rút lại, cái gì kéo dài ra? Là có thêm  cái thứ hai nữa để rút nó lại, rồi cái thứ hai kéo dài ra, tức là thêm cái ngã, thành ra thêm một lớp lầm nữa.

Phật bảo A-nan là ông bị cái tưởng phân biệt theo tiền trần mà thành ngại. Hay nói chung lại là chúng sanh bị cái tưởng phân biệt theo tiền trần mà thành ra ngăn ngại. Cũng chính cái tưởng phân biệt này, nó gạt chúng sanh từ lâu đời lâu kiếp đến nay.

Đó là chỗ mà mỗi người cần phải sáng tỏ để tỉnh trở lại không có bị gạt nữa. Mỗi người cần phải quên cái thấy đây kia để sáng tỏ trở lại tánh thấy. Thông suốt được chỗ đó thì cái thấy trùm khắp, không ngăn ngại.

Như Ngài Thiện Đạo, một hôm đi dạo núi với Ngài Thạch Đầu, Ngài Thạch Đầu bảo:

- Ông hãy chặt cái cây trước mắt cho ta, nó làm ngại ta!

Đi vào núi, thấy có cây ở trước nên Ngài bảo Ngài Thiện Đạo hãy chặt cái cây đó vì nó ở trước làm ngại.

Ngài Thiện Đạo thưa:

- Con không có đem dao theo.

Đang đi dạo núi chơi thì đâu có đem theo dau.

Nhưng Ngài Thạch Đầu lại có đem theo dao, nên Ngài rút dao ra, trở ngược đầu lại, đưa cho Ngài Thiện Đạo. Ngài Thiện Đạo thưa:

- Sao chẳng đưa đầu kia?

Ngài Thạch Đầu bảo:

- Ông dùng đầu kia làm gì?

Ngay đó Ngài Thiện Đạo liền tỏ ngộ.

Ngài Thiện Đạo còn mắc kẹt theo đầu này đầu kia. Ngài Thạch Đầu gạn hỏi lại:" Dùng đầu kia để làm gì?", thì ngay đây Ngài Thiện Đạo quên cái thấy đây-kia, tỏ ngộ liền. Nếu còn theo đầu này đầu kia thì không ngộ nổi rồi, chỉ ngộ con dao thôi. Nó thuộc về vật. Muốn quên chỗ thấy đây-kia thì mỗi người phải tự khéo thấy!

Đây Phật mới kết lại chỗ này. Phật nói:

 

CHÁNH VĂN:

Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, mê mình  làm vật, bỏ mất bản tâm, bị vật xoay chuyển nên ở trong ấy lại xem có lớn nhỏ.

Nếu hay chuyển được vật tức đồng Như Lai, thân tâm tròn sáng chẳng rời nơi đạo tràng, trên đầu một mảy lông có thể chứa đựng mười phương cõi nước".

GIẢNG GIẢI:

Phật chỉ ra cái lỗi của chúng sanh lâu nay mê mình theo vật thấy có lớn có nhỏ, có đây có kia, có đứt có nối nên bị vật chuyển làm ngại.

Phật nói nếu ngay đây hay chuyển được vật thì tâm tròn sáng vượt qua được cả lớn nhỏ, đồng với Đức Như Lai, trên đầu một sợi lông có thể chứa đựng được mười phương cõi nước. Chỗ này hơi khó hiểu, nhưng khi sáng tỏ được trở lại tự tâm rồi thì chuyện đó không có khó khăn. Các Thiền sư cũng thường khai thị: "Núi Tu-di nhét trong hạt cải". Đó là quên cái thấy lớn nhỏ.

Hiện nay các nhà khoa học tuy chưa ngộ đạo nhưng cũng làm được chút đỉnh rồi. Trong con chíp nhỏ đây mà có thể chứa cả một tủ sách. Trong cái máy vi tính chứa không biết bao nhiêu quả núi v.v…Các nhà bác học chỉ dùng tình thức thôi chứ chưa phải là trí  huệ mà còn được như vậy. Con người tu mà ngộ được tánh này, mở sáng được trí huệ Bát-nhã thì cái thấy sẽ như thế nào! Chuyện đó đâu có khó khăn gì, rõ ràng vậy thôi.

Đây Phật nói rõ nếu hay chuyển được vật thì tức đồng Như Lai, cái thấy suốt cả lớn-nhỏ, rộng-hẹp, không còn bị các trần ngăn ngại; dù cho xa gần đều thấy trùm khắp nhưng không rời một niệm hiện tiền. Ngay một niệm hiện tiền thấy khắp tất cả, tức quên mất các tướng đây kia, như vậy đâu còn bị cái gì chuyển mà là chuyển tất cả.

Không còn bị một vật chuyển mà còn chuyển tất cả, tức không còn bị cái gì làm mê. Cho nên, chư Phật, chư Tổ không còn mê là vậy. Các Ngài dù nhìn thấy hết thảy mọi vật nhưng không bị  vật làm mê. Còn cái thấy của chúng ta rất hạn hẹp, chỉ thấy chút ít sự vật, nhìn cho nhiều cho xa thì  chỉ thấy chừng 10 cây số. Còn Phật mà mở mắt nhìn ra thấy các cõi nước và vô số vật nhiều như cát bụi.

Tuy nhiên các Ngài thấy như không thấy vì đâu có bị các vật chuyển; thấy tất cả đều là như cái bóng, là tánh không, đều từ trong chân tâm nhiệm mầu này mà hiện, chứ không có gì khác. Còn chúng ta bị vật chuyển nên thấy nhiều như vậy là bị loạn.

Có vị tăng hỏi Thiền sư Hy Phụng ở Viện Chánh Cần:

- Người xưa nói rằng: "Núi sông, cõi đất là thiện tri thức chân thật của ông". Vậy thế nào được núi sông, cõi đất là thiện tri thức?

Dẫn người xưa tức những bậc Thiền sư trước, các Ngài nói rằng núi sông, cõi đất mênh mông nhưng đều là thiện tri thức chân thật của ông chứ không có gì khác. Vậy thế nào thấy được núi sống, cõi đất là thiện tri thức?

Thiền sư Hy Phụng đáp:

- Ông gọi cái gì là núi sông, cõi đất?

Bởi vì ông kẹt vào cái tướng núi sông, cõi đất đó nên bị nó chuyển không thấy được thiện tri thức chân thật. Còn với Thiền sư thì núi sông, cõi đất đều là tướng rỗng, là tánh không, nên ngay đó thấy thấu qua hết thì sáng tỏ rõ ràng, là chuyển được vật, đâu có cái gì chướng ngại.

Cũng như Thiền sư Hành Ngôn - Huyền Giác, một hôm  Ngài thượng đường nói:

- Hôm nay bậc anh hiền ( tức những bậc tài giỏi) cùng  nhóm họp ở đây, hải chúng đồng tụ về, cảm thông chỉ thú Phật pháp thảy đều đầy đủ. Nếu là bậc anh hiền thì  chẳng cần phải đợi nói. Song mà, nói đó cũng vốn là không thì vì  sao lại im lặng? Do đó sum la vạn tượng là nguồn lớn của chư Phật, tỏ sáng thì hải ấn sáng trong, còn  mê mờ thì tình mê tự làm lầm.

Ngài nói đúng lý thì không phải đợi nói, nhưng mà lời nói cũng vốn là không, thì tại sao lại nói không được mà im lặng? Cho nên với Ngài, nói hay im cũng đều thông suốt hết.

Lại nói ngộ thì sum la vạn tượng đều chuyển về nguồn chân, là nguồn lớn của chư Phật, là thông với chư Phật không có gì ngăn ngại. Tức là đồng về một tâm, nó hiện bày trong suốt giống như là hải ấn, còn mê thì bị tình  thức che lấp cho nên lầm có ngăn ngại đây-kia.

Để thấy rằng người xưa đã thấu được như vậy, cũng chứng minh được lời chân thật của Phật đã nói rõ ràng đâu có sai. Vậy thế nào là hay chuyển được vật? Đó là chỗ mà mỗi người phải khéo quán thấu! Đây dẫn câu chuyện này để tất cả nghiên cứu thêm.

Một hôm, Ngài Nam Tuyền đưa quả cầu lên hỏi ông tăng:

- Cái kia đâu giống cái này?

Ông tăng thưa:

- Chẳng giống.

Ngài Nam Tuyền hỏi:

Ông ở chỗ nào thấy cái kia mà nói là chẳng giống?

 Ông nói "chẳng giống" tức là ông thấy được cái gì đó!

Ông tăng thưa:

- Nếu hỏi chỗ thấy của con thì Hòa thượng hãy buông vật ở trong tay xuống!

Ngài Nam Tuyền bảo:

- Nhận cho ông đủ một con mắt.

Vậy ông tăng này thấy cái gì, ông có  bị  cái quả cầu làm ngăn ngại không? Chuyển vật là vậy đó.

Ngài Nam Tuyền đưa quả cầu lên nói cái kia sao không giống cái này. Nếu người không có con mắt đạo thì sẽ không biết cái kia là cái nào, sẽ bị quả cầu làm ngại. Còn ông tăng này khéo chuyển vật nên khi bị gạn lại thì ông nói rõ: "Nếu hỏi chỗ thấy của con thì Hòa thượng hãy buông vật trong tay xuống", thì đó là chỗ thấy của ông.

Quán kỹ chỗ này thì chúng ta sẽ thầm thông được tâm người xưa. Đó là cái khéo của các Ngài gợi ý để chúng ta quán rồi chuyển vật thì cái thấy sẽ thông suốt, không bị tiền trần ngăn ngại.

Đến đây Ngài A-nan còn chưa chịu nhận.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 00650
  • Online: 24