Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 4: BÁC THUYẾT NHÂN DUYÊN TỰ NHIÊN ĐỂ HIỀN BÀY THỰC TƯỚNG CỦA TÁNH THẤY
13/04/2018 | Lượt xem: 3324
Tác giả: TT.Thích Thông Phương
Dịch giả: HT Thích Phước Hảo
CHÁNH VĂN:
Ông A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Thật như Đấng Pháp Vương đã nói, tánh giác duyên này, trùm khắp mười phương cõi nước, vắng lặng thường trụ, tánh giác ấy là chẳng sanh, chẳng diệt thì so với thuyết của Phạm-chí Sa-tỳ-ca-la ngày xưa nói về Minh đế, hay các thuyết ngoại đạo như là Đầu Hôi v.v… nói có chân ngã đầy khắp cả mười phương, có gì sai khác?
Ở núi Lăng-già, Thế Tôn cũng đã từng vì Ngài Đại Huệ v.v… giảng rộng nghĩa này: “Bọn ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn Tôi (Phật) nói nhân duyên, chẳng phải cảnh giới của ngoại đạo kia”.
Nay con xét kỹ tánh giác này tự nhiên chẳng sanh, chẳng diệt, xa lìa tất cả hư vọng điên đảo, in tuồng chẳng phải nhân duyên mà cùng với thuyết tự nhiên của ngoại đạo kia. Xin Thế Tôn chỉ dạy thế nào để chúng con khỏi rơi vào các tà kiến, được tâm tánh chân thật giác ngộ trong sạch, nhiệm mầu, sáng suốt”.
GIẢNG GIẢI:
Ngài A-nan lại nghi Phật nói tánh giác giống như thuyết tự nhiên của ngoại đạo. Có thể đến đây Ngài A-nan hiểu rồi nhưng đại diện cho chúng sanh thưa hỏi thêm, bởi vì chúng sanh bị mê lầm nhiều lớp nên phá cái mê này vẫn còn mắc kẹt cái mê khác. Nên Ngài phải thưa hỏi kỹ để Phật lột hết những cái mê đó.
Ngoại đạo Sa-tỳ-ca-la, xưa gọi nhóm này là Số Luận Sư, họ chấp Minh tánh là thường, từ đó sanh ra các pháp. Trong đó, lập ra 25 đế chân thật. Đầu tiên là Minh đế rồi tới Minh tánh, từ Minh tánh sanh ra các pháp ở sau.
Ngoại đạo Đầu Hôi tức là những ngoại đạo tu khổ hạnh rất nghiêm mật: có nhóm tu bằng cách không mặc quần áo rồi nằm lăn ở trong tro, có nhóm nằm trên giường có đóng đinh v.v… Những ngoại đạo Đầu Hôi này chấp có cái Đại ngã trùm khắp mười phương. Như vậy, Đức Phật nói Tánh giác duyên trùm khắp mười phương, thường trụ vắng lặng; còn ngoại đạo kia cũng nói có Minh tánh hay Thần ngã thường trụ, trùm khắp mười phương. Vậy có gì sai khác?
Điểm này, trong Lăng Nghiêm Văn Cú, Ngài Trí Húc giải rằng: “Ngoại đạo lấy Minh đế làm thần ngã, chấp là hay sanh muôn vật. Vậy thần ngã là năng sanh, rồi muôn vật là sở sanh. Cái năng sanh là thường, còn cái sở sanh là vô thường”. Đó là cái lầm của họ. Như vậy, sẽ thành ra thật có pháp sanh, mà thật có sanh thì làm sao diệt được?
Phật thì không phải vậy. Phật nói do mê vọng động thành có cái sanh là không thật sanh, mà sanh không thật sanh tức là vô sanh. Ngộ nó vốn vô sanh chứ không phải diệt cái sanh để thành vô sanh. Nếu mình diệt cái sanh để thành cái vô sanh thì cái vô sanh này cũng thuộc về pháp tạo tác, rồi nó sẽ sanh trở lại, vẫn lẩn quẩn trong cái sanh diệt.
Lại ngoại đạo chấp một bên là thường, một bên là vô thường; có cái năng sanh, có cái sở sanh; năng sanh là pháp tạo tác, đã là pháp tạo tác mà nói là thường thì làm sao được? Tạo tác tức là vô thường, nên tu hoài mà không giác ngộ chỉ bởi lầm chỗ đó.
Thứ hai đã chấp là có thật pháp sanh tức là có cái thật pháp bên ngoài, mà đã có cái thật pháp bên ngoài là có chướng ngại. Nên nói thần ngã trùm khắp mười phương đó là thuộc về suy tưởng chứ không có thật.
Chỗ này Ngài Hàm Thị giải rõ thêm: “Ngoại đạo kia lập thuyết “Minh sơ sanh tánh giác”, tức là ở đây nói thức thứ tám bất giác vọng động thành nghiệp tướng. Họ lấy bất giác làm Minh đế, lấy nghiệp tướng vọng động làm thần ngã, mà mê lầm cái lý không thật tánh, thành có cái tai hoạn về thân kiến, rồi tùy theo chỗ mà dời đổi, chỉ đồng với sanh diệt”.
Thân kiến tức là chấp thân, là họ chưa qua khỏi cái ngã chấp này. Trong cái sanh diệt mà chấp là thường, nên cái thường của họ cũng do suy tưởng chứ không phải thật thấy, vì vậy mà tu hành khổ nhọc nhưng không giải thoát.
Ở đây, Ngài A-nan hỏi để Phật giải rõ chỗ sai biệt giữa Phật và ngoại đạo. Ngài dẫn thêm trong kinh Lăng Già, Đức Phật cũng từng nói với Ngài Đại Huệ: “Bọn ngoại đạo kia thường nói việc tự nhiên, còn Phật nói nhân duyên để phá cái chấp tự nhiên của họ”.
Nhưng Ngài A-nan lại nói: “Xét kỹ tánh giác này là tự nhiên, chẳng sanh chẳng diệt, xa lìa tất cả hư vọng điên đảo giống như thuyết tự nhiên ngoại đạo, xin Phật chỉ rõ để khỏi rơi vào cái tà kiến”. Đây Phật mới phương tiện phá.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo A-nan: “Nay tôi dùng phương tiện chỉ dạy như thế, chân thật bảo ông mà ông còn chưa ngộ, lầm cho là tự nhiên. A-nan! Nếu nhất định là tự nhiên thì ông phải xét rõ có cái thể tự nhiên.
Ông hãy xét trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này, lấy cái gì làm tự thể. Tánh thấy này lấy sáng làm tự thể hay lấy tối làm tự thể? Lấy hư không làm tự thể hay lấy ngăn bít làm tự thể? A-nan! Nếu lấy sáng làm tự thể thì đáng lẽ chẳng thấy tối. Nếu lại lấy hư không làm tự thể thì đáng lẽ chẳng thấy ngăn bít. Như thế, cho đến lấy các tướng tối v.v… làm tự thể, thì khi sáng tánh thấy phải diệt mất, làm sao thấy sáng?”.
GIẢNG GIẢI:
Phật phá về nghĩa tự nhiên. Chỗ này là chỗ thật khó nói vì nó không nằm trong ngôn ngữ luận bàn, nhưng nếu không nói thì người mê sao biết được! Cho nên Phật tận tình dùng phương tiện chỉ dạy, nhưng Ngài A-nan và đại chúng vẫn theo tâm phân biệt nên cứ nghi hoài!
Chính Phật đã ngầm chỉ, đây là Ngài dùng phương tiện chỉ dạy, mọi người phải nhân đó thấy thẳng vào lý thật.
Nếu nói là tự nhiên thì phải có cái thể tự nhiên của nó, tức là nó phải có chỗ bám lấy rồi nhận nó là tự nhiên chớ không thể nói tự nhiên khơi khơi. Phật bảo phải xét kỹ trong tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này lấy cái gì làm tự thể của nó?
Ngay trong lời này thì Phật đã ngầm chỉ chỗ lầm của mọi người rồi! Như nói trong cái tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này ông lấy cái gì làm tự thể của nó? Đã là “tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu” mà còn “lấy cái gì làm tự thể” nữa, tức không phải tự thể rồi! Còn thấy có cái gì nữa tức không phải nó, là cái thứ hai rồi. Phải là người sáng mắt mới thấy! Còn khi nghe nói vậy, cứ lo tìm cái gì làm tự thể nữa thì đúng là bị gạt!
Đây Phật mới phá. Nếu lấy cái sáng làm tự thể thì nó thành cái sáng rồi đâu còn là tánh thấy. Thứ hai nữa là, nếu nó lấy cái sáng làm tự thể thì nó biến thành cái sáng, vậy khi tối đến thì đâu thể thấy tối. Ngược lại, nếu nó qua cái tối thì nó mất cái sáng, nó bị diệt mất cái tánh sáng, rồi nó lại thành sanh diệt nữa. Đến hai, ba lỗi lầm.
Cho đến lấy hư không, lấy ngăn bít làm tự thể thì cũng cùng cái ý đó, thành ra nó là sanh diệt, vậy lấy cái gì gọi là cái thể tự nhiên mà ông nói là tự nhiên?
CHÁNH VĂN:
Ông A-nan thưa: “Tánh thấy nhiệm mầu này chắc chẳng phải là tự nhiên, nay con xét thấy là nhân duyên sanh, nhưng tâm vẫn còn chưa rõ. Xin hỏi Đức Như Lai nghĩa ấy thế nào cho hợp với tánh nhân duyên?”.
GIẢNG GIẢI:
Đây lại chấp qua nhân duyên, không phải tự nhiên thì là nhân duyên. Cho thấy tình thức phân biệt luôn nằm ở hai bên, lật qua lật lại hoặc dính bên này hoặc bên kia, chưa ra khỏi cái phân biệt đối đãi.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo: “Ông nói nhân duyên, tôi lại hỏi ông: Nay ông nhân thấy, tánh thấy hiện tiền, vậy cái thấy này nhân nơi sáng mà có thấy, hay nhân nơi tối mà có thấy, nhân nơi hư không mà có thấy, hay nhân nơi bít lấp mà có thấy? Này A-nan! Nếu nhân nơi sáng mà có, thì đáng lẽ chẳng thấy được tối. Như nhân nơi tối mà có, đáng lẽ chẳng thấy được sáng. Như thế cho đến nhân nơi hư không, nhân nơi ngăn bít cũng đồng như sáng và tối.
Lại nữa A-nan! Cái thấy này lại duyên nơi sáng mà có thấy, hay duyên nơi tối mà có thấy? Duyên nơi hư không mà có thấy hay duyên nơi bít lấp mà có thấy? A-nan! Nếu duyên nơi hư không mà có thấy đáng lẽ chẳng thấy chỗ bít lấp. Nếu duyên chỗ bít lấp mà có đáng lẽ chẳng thấy hư không. Như thế, cho đến duyên nơi sáng, duyên nơi tối cũng đồng như hư không và bít lấp. Phải biết tánh thấy nhiệm mầu sáng suốt này chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, cũng chẳng phải tự nhiên, chẳng phải chẳng tự nhiên, không có cái chẳng phải và chẳng chẳng phải, không có cái phải và không phải, “rời tất cả tướng, tức tất cả pháp”. Nay ông làm sao ở trong ấy lầm đem các danh tướng hý luận ở thế gian mà dùng tâm phân biệt được? Như lấy tay chụp bắt hư không thì chỉ thêm tự nhọc, hư không làm sao để cho ông nắm bắt!”.
GIẢNG GIẢI:
Phật lại phương tiện chỉ dạy Ngài A-nan để phá chấp về nhân duyên. Đầu tiên là phá chấp về nhân, rồi phá chấp về duyên. Nếu tánh thấy cố định là nhân thì nó sẽ cố định ở cái nhân đó. Thí dụ nhân nơi sáng thì nó cố định là nhân nơi sáng; khi tối đến thì nó sẽ không thấy tối được; bởi vì nhân nơi sáng nó mới thấy, là nó đã cố định ở nơi sáng rồi. Cũng vậy, lúc nhân nơi tối, nhân nơi hư không và nhân nơi ngăn bít mà nó đã cố định nhân nơi cái nào thì nó sẽ không thấy qua được cái khác. Đó là Phật phương tiện phá chấp về nhân.
Kế là phá chấp về duyên, nếu nó cố định là duyên nơi sáng nó mới thấy thì tối đến sẽ không thấy. Cũng vậy, nếu cố định là duyên nơi hư không thì khi gặp cái ngăn bít nó không thấy được, cho nên nó không thể duyên cố định nơi một cái nào hết.
Để thấy rằng tánh thấy này không thuộc về nhân cũng không phải thuộc về duyên, tức không phải nhân nơi tiền trần mà có được. Nó là tự tánh thấy chứ không phải là do các nhân duyên bên ngoài; nếu nó thuộc về nhân duyên bên ngoài là thuộc về pháp sanh diệt.
Phật mới kết lại về tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu này: Nó không phải là nhân cũng không phải là duyên, không phải là tự nhiên cũng không phải là chẳng tự nhiên, không phải là cái chẳng phải, chẳng chẳng phải, cũng như không có cái phải và không phải, nó lìa hết những cái tướng phân biệt đây-kia cho nên gọi là “rời tất cả tướng nhưng là tức tất cả pháp”. Rời mà không rời, nên không thể nào tách rời tất cả tướng để tìm nó, cũng không thể chấp nơi tất cả tướng là nó. Như vậy là “hết hý luận”. Bởi đây là phần tự chứng.
Phật mới quở: “Ông làm sao ở trong ấy lầm đem các danh tướng hý luận thế gian mà dùng tâm phân biệt được?”. Tức là không thể ở trong đó hý luận. Đem những danh tướng thế gian rồi phân biệt, hý luận thì không đến đâu được. Tự nhiên, nhân duyên thì đó cũng thuộc về danh tướng thế gian, mãi chạy theo phân biệt danh tướng hý luận đó thì không sao sáng tỏ được chỗ này. Nên Phật cho là giống như chụp bắt hư không chỉ thêm nhọc nhằn!
Đến chỗ này thực sự phải có một cái nhảy, nhảy qua hết mọi phân biệt hý luận đây-kia mà thẳng vào thấy đúng như thật. Nó như vậy là thấy như vậy chứ không phải là nói thế này, thế kia nữa. Vì còn nói thế này thế kia tức là còn khái niệm, hoặc khái niệm tự nhiên hoặc là nhân duyên, hoặc phải hoặc là chẳng phải v.v…; nếu thấy đúng như thật nó như vậy, thấy như vậy thì còn nói nhân duyên, tự nhiên gì nữa. Đó gọi là trực giác hay là thực chứng, còn lý luận mãi cũng giống như đứng bên ngoài mà bàn thì không dính dáng. Đây dẫn câu chuyện:
Một hôm, Ngài Duy Nghiễm - Dược Sơn hỏi Ngài Thạch Đầu:
- Đối với ba thừa, mười hai phần giáo thì con có hiểu biết thô sơ, đến như thường nghe phương Nam nói “chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật” thì thật là con mù mịt, cúi mong Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
Ý Ngài nói đối với kinh điển con hiểu được phần nào nhưng với ý chỉ của thiền thì còn mờ mịt, nên xin Hòa thượng từ bi chỉ dạy.
Ngài Thạch Đầu liền bảo:
- Thế ấy cũng chẳng được, không thế ấy cũng chẳng được; thế ấy không thế ấy đều chẳng được, ngươi làm sao?
Đúng là hết chỗ lý luận. Nói thế ấy, nói chẳng thế ấy thì cũng là hý luận; nói nó là như vậy, nó không phải như vậy, cũng là còn hý luận bên này bên kia, bây giờ hết chỗ để hý luận nữa thì đó là thiền.
Nhưng Duy Nghiễm còn mờ mịt không hiểu nên sau Sư mới đi qua chỗ Ngài Mã Tổ và hỏi lại câu này, Mã Tổ bảo:
- Ta có khi dạy y nhướng mày chớp mắt, có khi thì không dạy y nhướng mày chớp mắt, có khi thì dạy y nhướng mày chớp mắt là phải, có khi thì dạy y nhướng mày chớp mắt là chẳng phải, vậy ngươi làm sao?
Cũng không có chỗ cho ông bám vào để mà phân biệt, sanh hiểu. Nhưng ngay khi rời hết những niệm phân biệt bám theo chữ nghĩa đó, thì chính là chỗ ông thầm nhận.
Ngay đó Duy Nghiễm liền khế ngộ, lễ bái. Mã Tổ bảo:
- Ngươi thấy đạo lý gì mà lễ bái?
Sư thưa:
- Con ở chỗ Thạch Đầu giống như con muỗi đậu trên trâu sắt.
Con muỗi mà đậu trên trâu sắt thì có hút gì được đâu! Ý nói không có chỗ để bám để hiểu. Chính chỗ không thể bám và hiểu được đó mới là chỗ yếu chỉ. Còn có chỗ bám để hiểu được thì cũng chạy lẩn quẩn trong hý luận, trong tình thức phân biệt thôi!
Vậy chỉ còn một đường là ông phải thẳng vào tự chứng thôi, ông phải thể nghiệm trong đó thôi không phải dài dòng nữa. Thiền sư Thần Hội cũng từng bảo: “Đạo là đạo như thế chứ không có đạo như thế nào”. Còn có cái đạo thế nào đó là không phải đạo chân thật. Những ai còn mãi lo chụp bắt hư không thì không bao giờ thấy được lẽ thật.
Như vậy chúng ta thấy, khi nói về tánh thấy nói phải cũng không được, nói không phải cũng không được, nói tức không được mà nói ly cũng không được. Rồi nói tự nhiên cũng không được, nói nhân duyên cũng không được, ngầm chỉ tánh thấy này vốn “không có một tự thể” cho ai bám chấp cả!
Thế nên, ở trước khi nêu về tự nhiên thì Phật bảo: “Nếu là tự nhiên thì lấy cái gì làm tự thể của nó?”. Vì đâu có một cái tự thể để bám chấp. Nhưng vì thói quen của tình chấp ngã mà mọi người nghĩ là tánh thấy cũng phải có một cái tự thể gì đó để bám lấy, trong khi chính chỗ đó là chỗ không thể nắm bắt được.
Tuy Phật khéo cảnh tỉnh nhưng Ngài A-nan cũng còn bám theo lời nói phương tiện của Phật, chưa nhận ra ý chỉ chân thật, nên nghi tiếp về nhân duyên:
CHÁNH VĂN:
Ông A-nan bạch Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Tánh giác nhiệm mầu này nhất định chẳng phải nhân, chẳng phải duyên thì tại sao Đức Thế Tôn thường chỉ dạy các thầy Tỳ-kheo là tánh thấy có đủ bốn thứ nhân duyên, nghĩa là nhân hư không, nhân ánh sáng, nhân tâm, nhân mắt, nghĩa ấy thế nào?”.
GIẢNG GIẢI:
Chúng ta đọc kinh thấy Phật cũng dạy như thế. Song vì Ngài A-nan còn lẩn quẩn trong tâm phân biệt, không biết Phật nói cái thấy có đủ bốn nhân duyên mới thành, đó là Phật phương tiện nhằm phá chấp cho người, chỉ cho cái thấy đó không có tự thể. Bởi không có tự thể cho nên phải đợi đủ duyên thì nó mới có, không đủ duyên thì không có, vậy chớ lầm theo đó mà cho là chân thật.
CHÁNH VĂN:
Phật bảo A-nan: “Tôi nói các tướng nhân duyên trong thế gian, chứ chẳng phải nghĩa đệ nhất.
A-nan! Nay tôi lại hỏi ông, những người trong thế gian nói: “Tôi hay thấy” thì thế nào gọi là thấy, thế nào là chẳng thấy?”.
A-nan thưa: “(Bạch Đức Thế Tôn!) Người trong thế gian nhân có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy các tướng thì gọi là thấy. Nếu như không có ba thứ ánh sáng này thì không thể thấy”.
Phật bảo A-nan: “Nếu khi không có ánh sáng, gọi là không thấy, thì đáng lẽ không thấy tối. Nếu thấy tối thì chỉ là không có ánh sáng, sao gọi là không thấy? A-nan! Nếu khi tối vì không thấy sáng mà gọi là không thấy, vậy nay trong lúc sáng không thấy tướng tối, lại cũng phải gọi là không thấy. Như thế thì hai tướng sáng, tối đều gọi là không thấy. Còn nếu như hai tướng sáng, tối tự lấn át nhau, tánh thấy của ông ở trong ấy không phải tạm không, như thế ắt biết cả hai đều gọi là thấy, tại sao nói là không thấy?
Thế nên, A-nan! Nay ông phải biết, khi thấy sáng cái thấy không phải là sáng; khi thấy tối cái thấy không phải là tối; khi thấy hư không cái thấy không phải là hư không; khi thấy bít lấp cái thấy không phải là ngăn bít”.
GIẢNG GIẢI:
Phật nói rõ là, trước kia Phật đã nói về nhân duyên của tánh thấy đó, là thuộc về Tục đế chớ chưa phải Đệ nhất nghĩa đế. Bởi phải có đủ bốn duyên là hư không, ánh sáng, tâm và con mắt thì cái thấy mới thành, đó là pháp sanh diệt. Cái thấy như trên là thuộc về nhân duyên, mà cái thấy thuộc về nhân duyên thì chưa phải là cái thấy chân thật. Người nghe cần đạt được ý, chớ chấp theo lời mà thành ngại.
Đến đây, Phật chỉ ra tánh thấy chân thật thường hiện hữu, không lệ thuộc nơi các trần sáng hay tối. Phật phương tiện hỏi: “A-nan! Nay tôi lại hỏi ông, các người trong thế gian nói tôi hay thấy thì thế nào gọi là thấy, thế nào là chẳng thấy?”.
Ngài A-nan cũng thuận theo cái thấy thế gian mà đáp: “Người trong thế gian nhân có ánh sáng mặt trời, mặt trăng và đèn mà thấy các tướng thì gọi là thấy. Nếu như không có ba thứ ánh sáng này thì không thể thấy”.
Phật phá: “A-nan! Nếu khi không có ánh sáng, gọi là không thấy, thì đáng lẽ không thấy tối. Không thấy tức là không thấy gì hết, còn thấy tối tức là nó thấy không có ánh sáng, sao gọi là không thấy?”. Cả sáng hay tối cũng đều thấy hết, rõ ràng như vậy.
Phật chỉ ra hai tướng sáng, tối tự lấn át nhau. Khi tối đến thì sáng ẩn, rồi khi sáng đến thì tối ẩn, hai cái lấn nhau; còn cái thấy thì lúc nào cũng thấy chớ không vì sáng, tối mà nó thành khi có khi không.
Đây khiến mỗi người quên tướng tiền trần để tự soi trở lại, đó chính là trở về nguồn chớ không theo tướng sáng tối để rồi mất mình.
Đây Phật kết lại và chỉ rõ: “Nay ông phải biết khi thấy sáng thì cái thấy chẳng phải là sáng, khi thấy tối thì cái thấy chẳng phải là tối, khi thấy hư không thì cái thấy chẳng phải là hư không, khi thấy ngăn bít thì cái thấy chẳng phải là ngăn bít”.
Hiểu rõ thì không lầm và không bị các tướng tiền trần đồng hóa, mà trái lại quên các tướng tiền trần để nhận cái thấy đúng lẽ thật này. Còn người thế gian bởi quên cái thấy này mà nhận theo các tiền trần, nên cứ theo vật mà quên mình.
Bởi chính vì nó không phải là sáng-tối, hư không-ngăn bít v.v… cho nên nó mới thấy được tất cả sáng-tối, hư không-ngăn bít v.v… Nếu nó thấy hư không rồi nó là hư không thì nó đâu thấy được ngăn bít, đâu thấy được sáng, được tối, nhưng nó không phải cái gì hết cho nên nó thấy được hết, chỗ quan trọng là đây vậy.
Mỗi người cần phải quán kỹ chỗ này thì cái thấy sẽ sáng tỏ, thấy tất cả nhưng “nó vẫn nguyên vẹn là nó” mà không lẫn lộn với cái gì khác. Chỗ này Phật gọi là “kiến tinh nguyên minh”, cái thấy nguyên vẹn sáng suốt không bị lẫn lộn, vẫn ròng rặc là nó không bị cái gì che ngại hết. Tuy nhiên, thấy được như vậy cũng là còn cách một lớp chứ chưa phải là thật. Phật dạy tiếp:
CHÁNH VĂN:
Bốn nghĩa đó đã thành tựu, ông lại nên biết là khi nhận thấy cái thấy, thì cái nhận thấy chẳng phải là cái thấy. Cái nhận thấy còn rời cái thấy và cái thấy còn không đến kịp cái nhận thấy ấy.
Làm sao ông còn nói nhân duyên, tự nhiên và tướng hòa hợp? Các ông là hàng Thanh Văn hẹp hòi không biết, chẳng thể thông đạt được Thật tướng thanh tịnh. Nay tôi dạy bảo, ông phải khéo suy nghĩ, không nên trễ nải trên đường giác ngộ nhiệm mầu”.
GIẢNG GIẢI:
Chỗ này là chỗ khó dịch và khó hiểu nhất trong kinh Lăng Nghiêm. Nguyên văn chữ Hán là: “Kiến kiến chi thời, kiến phi thị kiến, kiến du ly kiến, kiến bất năng cập”.
Đoạn kinh này do vì phân đoạn để giải thích theo ý của từng đoạn nên khó hiểu, cần đọc liên tiếp nhau từ trước tới sau, ý trước liên tiếp với ý sau, thì bốn nghĩa trên được thành tựu.
Bốn nghĩa đó là: “Khi thấy sáng, cái thấy không phải là sáng; khi thấy tối, cái thấy không phải là tối; khi thấy hư không, cái thấy không phải là hư không; khi thấy ngăn bít, cái thấy không phải là ngăn bít”. Rồi tiếp theo: “Khi nhận thấy cái thấy thì cái nhận thấy chẳng phải là cái thấy ấy, cái nhận thấy còn lìa cái thấy ấy, cái thấy ấy không thể bì kịp”. Phải liên tục một mạch như vậy, tiếp ý với câu trên. Ý trên là cái thấy không phải là sáng-tối, ngăn bít-hư không, rồi cái nhận thấy này không phải là cái thấy đó. Đọc liên tiếp như vậy thì ý sáng tỏ hơn.
Tóm lại, cái thấy sáng, tối và hư không, ngăn bít v.v..., thì rõ ràng cái thấy không phải là sáng, tối, hư không, ngăn bít; cái thấy lìa sáng, tối, hư không, ngăn bít. Sáng, tối, hư không, ngăn bít không thể bì kịp nó.
Cái thấy đó vốn là như vậy, vốn vượt khỏi cái sáng-tối, hư không-ngăn bít, tuy nhiên hiện tại nó vẫn còn mê chưa tự giác được. Nghĩa là nó vốn ở trong thể tự giác, nhưng vì nó vẫn còn mê nên phải nhờ Phật khai thị để rõ ý nghĩa chân thật của nó.
Khi tự giác được thì cái thấy đó là cái bóng ở trong tánh thấy giống như mặt trăng thứ hai. Nó như mặt trăng thứ hai chứ nó chưa bì kịp với tánh thấy chân thật. Nó cũng từ trong tánh giác nhưng hiện khởi ra giống như cái bóng nên mới có thấy này, thấy kia; tuy nó siêu việt không đồng với sáng-tối, hư không-ngăn bít, nhưng nó cũng còn kẹt nơi căn tức là con mắt nên mới chia thành thấy, nghe, hiểu, biết sai biệt. Thấy ở nơi con mắt, nghe ở nơi lỗ tai, ngửi biết nơi lỗ mũi, cảm giác ở nơi thân v.v… thành sáu thứ. Nên Phật nói nó giống như mặt trăng thứ hai chứ chưa phải mặt trăng thật. Đến phần cuối cùng, Phật nói là đến chỗ rốt ráo thì phải quên sáu mất một mới vào được cái chân thật chỉ là một cái thể biết thôi.
Bởi vì tâm thì chỉ có một tâm, tại sao thành sáu cái? Người có kinh nghiệm khi đến chỗ này sẽ thấy đúng là chỉ cái thể biết đó thôi. Nghe cũng chỉ thể biết đó, rồi ngửi, rồi nếm cũng thể biết đó v.v… đâu thành sáu cái được! Khi quên sáu mất một thì mới vào được mặt trăng chân thật, đây là chỗ rất tế nhị.
Cho nên ở đây mới nói rằng: “Khi nhận thấy cái thấy thì cái nhận thấy này không phải là cái thấy ấy, cái nhận thấy này còn lìa cái thấy đó, cái thấy đó không thể bì kịp”.
Đây muốn nhắc là người đã ngộ được rồi thì phải quên chỗ ngộ đó mới thật sự thể nhập cái chân thật được. Nếu cứ nhớ chỗ ngộ đó thì vẫn còn mắc kẹt có năng ngộ, sở ngộ. Thí dụ khi “tự giác” được “cái thấy” đó, rồi cứ nhớ cái thấy đó là cái mình nhận được, giác được thì thành cái sở ngộ, thì nó thành cái bóng thứ hai nên nó đâu có theo kịp cái năng ngộ này.
Bởi vì còn nhớ cái thấy đó thì còn tồn cái sở ngộ, mà còn tồn cái sở ngộ tức là còn có cái năng ngộ, tức là còn cách một lớp thật, thành mặt trăng thứ hai rồi.
Để tiến thêm bước nữa, Phật dạy phải quên cái thấy đó, vì nó không bì kịp được chỗ tánh thấy chân thật này. Quên cái thấy đó là tiêu dung nó để trở về một thể giác, vậy mới là không còn có hai, không còn có cái này nhận thấy cái kia nữa, như vậy mới thật là bày ra thật tướng của tánh thấy, và đó mới đúng là thật tướng của tánh thấy.
Còn cái kia giống như còn cái này nhận ra cái kia, mình nhận được cái thấy đó thì còn có cái thấy nhận được, nên đến chỗ này nếu có thể nói cho gọn lại là “khi nhận thấy cái thấy thì bặt cái thấy”; nếu khi nhận thấy cái thấy mà còn có cái thấy để mình thấy nữa thì đó là còn cách một lớp.
Nói theo chữ Hán thì khi “kiến kiến tự kiến” chứ không có “kiến kiến” mà thêm cái gì khác nữa, có cái “kiến” này thấy cái “kiến” kia thì thành hai cái kiến. Vậy khi nhận thấy cái thấy thì liền bặt cái thấy, tiêu dung trở về một thể, để rõ hai chữ “thấy” nhưng đồng một thể, chứ không có cái này với cái kia, vậy thì đâu còn cái thấy nào thấy cái thấy nào nữa.
Giống như mặt trăng thứ hai với mặt trăng thứ nhất, tuy nói hai nhưng chỉ là một mặt trăng. Đây cũng vậy, tuy nói là hai cái thấy nhưng mà sự thật chỉ là một thể thì làm sao có cái này thấy cái kia được, còn có cái này cái kia đó là còn cách lớp mê.
Kế, Phật nhắc: “Các ông là hàng Thanh Văn hẹp hòi không biết, không có thể thông đạt được thật tướng thanh tịnh đó, nay tôi dạy bảo thì ông phải khéo suy nghĩ cho kỹ không nên để trễ nải trên đường giác ngộ nhiệm mầu”. Phật nhấn mạnh là cần phải suy nghĩ chín chắn chớ không thể hời hợt được.
Nói rõ hơn là, lúc còn mê thì chữ “thấy” thứ nhất vốn nằm ở trong chữ “thấy” thứ hai nhưng vì cái thứ hai không tự biết nên nó mê, cứ nhớ các trần cảnh.
Khi giác thì cái thấy thứ hai vốn là cái thấy thứ nhất, chớ không riêng cái nào khác nữa. Khi đó liền quên bặt cái thấy thứ hai, đó là sống trở về chân thật. Chỗ này còn vượt lên cả cái thấy thì đâu còn kẹt trong những khái niệm như là “nhân duyên”, “tự nhiên” hay “tướng hòa hợp” v.v…, đâu thể đem những thứ này để đo lường được nó.
Cho nên đây Phật mới nhấn mạnh lại: “Làm sao ông còn nói là nhân duyên, là tự nhiên, là tướng hòa hợp nữa?”. Như vậy tức là hết chỗ để hý luận.
Phật ân cần nhắc nhở chớ có theo cái thấy phân biệt đó mà phải khéo suy nghĩ cho kỹ để không trễ nải trên đường giác ngộ nhiệm mầu. Tức là cần phải tự chứng chứ không phải là cứ theo khái niệm rồi lý luận thì cũng không đến đâu, bất quá chỉ dừng ở giữa đường, đó là chỗ Phật muốn nhắc.
***
Các bài mới
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 3: NÊU TÁNH THẤY RA NGOÀI NGHĨA PHẢI VÀ CHẲNG PHẢI - 04/04/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (3) - 28/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (2) - 19/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 02: HIỂN BÀY CĂN VÀ TÁNH THẤY (1) - 12/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 02- CHÁNH TÔNG - MỤC 01: BẢY CHỖ HỎI TÂM - 07/03/2018
Các bài đã đăng
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: PHẦN 1- TỰA - 01/03/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Yếu chỉ của kinh, sự lưu truyền, người dịch - 26/02/2018
- Kinh Thủ Lăng Nghiêm giảng ký: Lời tựa, Giải đề kinh - 25/02/2018
- Kinh Viên Giác ( Phần 8) - CHƯƠNG VII: BỒ-TÁT OAI ĐỨC TỰ TẠI THƯA HỎI - 13/07/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 7) - CHƯƠNG VI: BỒ-TÁT THANH TỊNH TUỆ THƯA HỎI - 17/05/2016
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 08371
- Online: 15