Kinh Viên Giác ( Phần 10) - CHƯƠNG IX: BỒ-TÁT TỊNH CHƯ NGHIỆP CHƯỚNG THƯA HỎI

23/02/2015 | Lượt xem: 3505

CHƯƠNG IX

BỒ-TÁT TỊNH CHƯ NGHIỆP CHƯỚNG THƯA HỎI

ÂM:

Ư thị Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

 

- Đại bi Thế Tôn vị ngã đẳng bối quảng thuyết như thị bất tư nghì sự nhất thiết Như Lai nhân địa hành tướng, linh chư đại chúng, đắc vị tằng hữu đổ kiến Điều Ngự lịch hằng sa kiếp, cần khổ cảnh giới, nhất thiết công dụng, do như nhất niệm, ngã đẳng Bồ-tát thâm tự khánh ủy. Thế Tôn, nhược thử Giác tâm, bản tánh thanh tịnh. Nhân hà nhiễm ô sử chư chúng sanh mê muộn bất nhập? Duy nguyện Như Lai quảng vị ngã đẳng khai ngộ Pháp tánh linh thử đại chúng cập mạt thế chúng sanh tác tương lai nhãn.

Tác thị ngữ dĩ ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh chung nhi phục thủy.

DỊCH:

Lúc bấy giờ Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay bạch Phật rằng:

- Đấng Thế Tôn đại bi, vì bọn chúng con rộng nói việc bất tư nghì như thế, tất cả hành tướng nhân địa của Như Lai, khiến cho đại chúng được điều chưa từng có, xem thấy đấng Điều Ngự trải qua cảnh giới siêng năng cần khổ trong hằng sa kiếp, tất cả công dụng giống như trong một niệm, Bồ-tát chúng con thâm tâm tự thích thú. Thưa Thế Tôn, nếu tâm Viên giác này tánh vốn thanh tịnh, tại sao bị nhiễm ô, khiến cho chúng sanh mê muội không vào được? Cúi mong đức Thế Tôn rộng vì bọn chúng con khai ngộ Pháp tánh, khiến cho đại chúng này và chúng sanh đời sau (lấy đó) làm mắt trí tuệ.

 Thưa lời đây rồi, năm vóc gieo xuống đất, thưa thỉnh như vậy lặp lại ba lần.

GIẢNG:

Tịnh chư nghiệp chướng là làm sạch hết các nghiệp chướng, cho nên câu hỏi của Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng là: Tánh giác vốn tự thanh tịnh, vậy do nguyên nhân nào bị nhiễm ô? Và vì sao làm cho chúng sanh mê muội không thể nhập được Tánh giác?

Phẩm đầu Bồ-tát Văn-thù thưa hỏi về nhân địa tu hành của Phật và chư Bồ-tát, đã được Phật giải đáp một cách rõ ràng. Từ phẩm thứ hai tới phẩm thứ tám, chư Bồ-tát hỏi về phương tiện tu hành cũng đã được Phật chỉ dạy một cách tường tận. Đến phẩm này là giải quyết những điều nghi ngờ: Tại sao có Tánh giác mà không nhập được? Chúng ta tu mà không biết được bệnh chướng của mình thì không thể điều phục để tiến. Vì vậy mà Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng nêu lên vấn đề này xin Phật giải đáp cho chúng ta biết để điều phục. Đây là câu hỏi rất thiết yếu.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ-tát ngôn:

- Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư đại chúng cập mạt thế chúng sanh tư vấn Như Lai như thị phương tiện. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Tịnh Chư Nghiệp Chướng Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

- Thiện nam tử, nhất thiết chúng sanh tùng vô thủy lai, vọng tưởng chấp hữu ngã nhân chúng sanh cập dữ thọ mạng, nhận tứ điên đảo vi thật Ngã thể, do thử tiện sanh tắng ái nhị cảnh, ư hư vọng thể, trùng chấp hư vọng. Nhị vọng tương y, sanh vọng nghiệp đạo. Hữu vọng nghiệp cố, vọng kiến lưu chuyển. Yểm lưu chuyển giả, vọng kiến Niết-bàn.

DỊCH:

Khi ấy đức Thế Tôn bảo Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng rằng:

- Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì đại chúng và chúng sanh đời sau thưa hỏi Như Lai phương tiện như thế. Vậy các ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông nói.

Khi ấy Bồ-tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng vâng lời dạy hoan hỉ cùng đại chúng lặng lẽ lắng nghe.

- Này thiện nam, tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay do vọng tưởng chấp có ngã, nhân, chúng sanh và thọ mạng, nhận bốn thứ điên đảo làm Ngã thể thật, do đây liền sanh hai cảnh yêu ghét. Đối với thể hư vọng lại thêm một lớp chấp hư vọng. Hai cái vọng này nương nhau sanh ra nghiệp đạo hư vọng. Vì có nghiệp đạo hư vọng nên vọng thấy lưu chuyển. Do nhàm chán lưu chuyển nên vọng thấy Niết-bàn.

GIẢNG:

Đây Phật chỉ cái nhân mê lầm sâu xa của chúng sanh là chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng. Mọi người ai cũng có Tánh giác thanh tịnh tròn sáng mà không sống được với Tánh giác của mình, cứ khởi vọng niệm chấp ta, chấp người, chấp cảnh… nên trôi lăn trong luân hồi sanh tử chịu khổ đau không có ngày an ổn. Chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng ở kinh này khác với ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng ở kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang nói chấp ngã là chấp tướng do tứ đại ngũ uẩn hợp lại cho là ta thật, đó là chấp ngã. Chấp nhân là chấp tướng do tứ đại ngũ uẩn hợp lại thành chúng sanh ngoài mình gọi là chấp nhân. Thấy chúng sanh chẳng phải một người mà vô số người gọi là chấp chúng sanh. Thấy tất cả chúng sanh có mạng sống kéo dài năm, sáu mươi năm hay bảy, tám mươi năm… đó là chấp thọ mạng. Kinh Kim Cang chỉ bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng nơi con người, bốn tướng này là vọng chấp cạn cợt của phàm phu; còn bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng của kinh Viên Giác là bốn tướng mà hàng tu hành chấp. Người tu hành đã bước lên hàng Thánh giả cũng vẫn còn chấp tướng đó cho nên mắc kẹt không hoàn toàn nhập tánh Viên giác. Bốn tướng này do tu tiến mà chấp chớ không phải bốn tướng thông thường của phàm phu chấp. Quí vị nên lưu ý để hiểu chỗ này mới không thấy lạ ở đoạn sau.

Song, dù bốn tướng của phàm phu chấp hay bốn tướng của người tu bước lên hàng Thánh chấp cũng đều gốc ở chấp ngã mà ra. Thế nên Phật nói do điên đảo lầm chấp bốn món đất, nước, gió, lửa cho là ta. Bốn món này không thuận hợp nhau, nước thì không ưa lửa, lửa nhiều nước khô cạn, lửa thì không chịu nước, nước nhiều lửa tắt, đất với gió cũng vậy. Bốn món này luôn luôn trái nghịch, ở chung một chỗ thì chống đối nhau khiến cho chúng ta đau khổ. Giống như bốn tên giặc ở chung một nhà, mỗi tên có một hướng khác, lúc nào cũng sẵn sàng chống cự nhau, nếu trong bốn đứa mà có một đứa thua thì chúng ta khổ. Do nhận lầm nó là ta cho nên chúng ta khổ dài dài không lúc nào an ổn, mãi sống trong hồi hộp lo âu. Trời chuyển mưa cũng sợ, vì mưa thêm nước lạnh, lửa trong thân không đủ ấm thì phát run. Nắng gắt quá cũng sợ, vì thêm lửa nóng quá nên đau đầu. Chúng ta đang mang một cái tổng hợp mâu thuẫn tột độ nơi cơ thể mà lại nhận là ta, lúc nào cũng bảo vệ chìu chuộng nó đủ cách, rồi cũng vì nó tạo không biết bao nhiêu nghiệp tội. Vì vậy mà đức Phật nói chúng ta nhận giặc làm con nên gia sản bị nó phá sạch. Kiểm lại xem có người nào không lầm nhận như vậy không?

Trước hết Phật chỉ cho thấy những cái lầm. Cái lầm thứ nhất là bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng không thật mà cho là thật. Cái lầm thứ hai là thuận theo ngã thì ta yêu, nghịch với ngã là ta ghét. Cái lầm thứ ba là do yêu ghét nên tạo nghiệp: yêu thì tạo nghiệp ái, ghét thì tạo nghiệp tắng. Thứ tư là tạo nghiệp rồi theo nghiệp đi trong luân hồi chịu khổ đau.

Đức Phật chỉ cho chúng ta biết gốc của mê lầm là chấp ngã. Đối với bốn tướng hư vọng không thật lại chấp là thật là cái hư vọng thứ nhất. Khi chấp bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng rồi sanh yêu ghét là cái hư vọng thứ hai. Hai cái vọng này làm nhân duyên cho nhau mà sanh ra vọng nghiệp đạo. Bởi có vọng nghiệp nên mới vọng thấy sanh tử lưu chuyển. Tất cả những lớp đó đều là những lớp vọng; thân mạng vọng, nghiệp vọng, luân hồi cũng vọng. Đó là chiều thuận của phàm phu. Bây giờ có người chán những cái vọng đó, nhất là chán luân hồi nên vọng thấy có Niết-bàn thì Niết-bàn cũng vọng.

Hàng Nhị thừa tu hành thấy mình chứng được Niết-bàn thì Niết-bàn là cái bị chứng, mình là cái hay chứng. Như vậy ngã chấp vẫn còn, nó còn tiềm ẩn chưa hết. Thế nên nói vọng thấy Niết-bàn chớ chưa phải là Niết-bàn thật. Tánh Viên giác không có bốn tướng, nếu còn thấy bốn tướng thì chưa nhập được tánh Viên giác. Đức Phật chỉ thật là thấu đáo, chúng ta không còn ngờ vực nữa. Nếu xét thấy bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng là hư vọng, thì trước khi mình ra đời là cái gì? Biết mình là cái gì không? Mờ mờ mịt mịt không biết mình là cái gì! Bây giờ do các duyên hợp lại thành thân này, rồi mai kia ta ngừng thở sẽ đi đâu? Cũng mờ mờ mịt mịt không biết đi đâu. Trước khi sanh không biết mình là gì, sau khi chết không biết mình ra sao. Không biết mình ở giai đoạn trước, không biết mình ở giai đoạn sau, giai đoạn giữa chợt có thân liền chấp là mình, thật vô lý làm sao! Nếu mình thật thì trước phải có sau phải còn. Nhưng trước không biết ra sao hết, chợt có một lúc rồi mất. Như vậy đâu phải thật. Giả sử chúng ta nhìn mặt hồ thấy mặt hồ đang phẳng lặng, chợt có một con cá trồi lên đớp bọt nổi trên mặt hồ. Mặt hồ vốn phẳng lặng, bỗng có hòn bọt nổi lên một lát mất. Vậy hòn bọt đó sánh với mặt hồ có nghĩa lý gì không? Trước chỉ là mặt hồ phẳng lặng, không bọt không sóng, chợt có hòn bọt nhỏ nổi lên lăn tăn một lát rồi mất. Thân này cũng vậy, trước khi chưa sanh chúng ta không biết là gì, rồi sau khi mất cũng không biết ra sao. Chỉ biết trong giai đoạn mấy chục năm khi cha mẹ sanh ra, lớn lên, ăn nói, vui buồn, lăng xăng một lúc rồi mất, vậy mà chấp khoảng thời gian lăng xăng lộn xộn đó là ta thật. Thật sao được mà thật, nếu thật phải có mãi về trước và mãi về sau mới được!

Tuổi thọ cũng vậy, nhiều người sống tới sáu bảy chục tuổi, hãnh diện cho rằng mình có tuổi thọ dài lâu. Nhưng đến sáu bảy mươi tuổi là lúc thân già bệnh hoạn sắp chết, thân rã tan thì có gì mà hãnh diện? Nếu nhìn lui ôn lại quãng đời đã qua thì trống rỗng, nếu có còn thì còn những cái vụn vặt li ti chẳng có nghĩa gì hết. Rồi tới ngày mai thân này sẽ ra sao? Điều này không thể biết. Vậy thọ mạng có dài lâu thật không? Nếu dài lâu thật thì phải sống hoài không chết, vì chết nên thọ mạng không thật.

Đức Phật nói chúng sanh điên đảo nhận bốn tướng đó là thật, rồi tùy theo thương ghét mà tạo nghiệp thiện hay ác, đã tạo nghiệp rồi thì nghiệp nó không tha, cứ lôi đi chẳng khác nào người tự tử, tự cột dây trên cây để sẵn vòng, rồi thò đầu vô, buông thõng tay chân, vòng dây xiết cổ, giẫy giụa rồi tắt thở. Đó là tự mình tạo rồi tự mình chịu lấy, không ai tạo cho mình mà cũng không ai chịu thế cho mình. Chính vì cái bệnh trầm kha ấy thúc đẩy, khiến chúng ta tạo nghiệp lưu chuyển trong vòng luân hồi không bao giờ dừng, nên Phật gọi là vọng kiến lưu chuyển. Vọng kiến là cái thấy sai lầm chấp thân này thật. Vì chấp thân là mình thật nên nó vừa mất là vội tìm thân khác, hoặc vì chấp ta chấp người nên có thương có oán rồi tìm nhau gặp nhau… Nếu trên đường lưu chuyển mà tu, tuy có chán sự lưu chuyển, nhưng còn quí cái thân nên vọng thấy có Niết-bàn để cho ta an trú. Đa số người thấy cõi Ta-bà khổ, chán quá muốn tìm cõi khác sướng hơn, đó cũng là vọng kiến. Vì đã mang cái bệnh chấp ngã nên lúc nào cũng nghĩ đến cái ngã, tu cũng vì cái ngã mà tu. Chúng ta muốn tu hành cho đạt đạo thì phải phá vỡ bản ngã. Nếu bệnh chấp ngã không giảm thì tu ngàn đời cũng không giải thoát, nếu gắng tu có phước thì đời sau cái ngã tốt hơn đời này một chút, đó là chuyện thật của sự tu hành. Cho nên ở đây Phật nói, từ cái vọng kiến lưu chuyển rồi chán cái lưu chuyển thì được cái vọng kiến Niết-bàn. Nói cảnh Niết-bàn thì họ nghĩ tu để được Niết-bàn và có chỗ để mình ở. Từ bệnh đó mà hiểu lệch lạc ý nghĩa lời Phật dạy.

ÂM:

- Do thử bất năng nhập Thanh tịnh giác, phi giác vi cự chư năng nhập giả, hữu chư năng nhập, phi giác nhập cố, thị cố động niệm cập dữ tức niệm giai qui mê muộn.

DỊCH:

- Do bệnh này nên không nhập tánh Viên giác thanh tịnh, chẳng phải tánh Viên giác chống cự không cho người thể nhập. Và người thể nhập được, không phải tánh Viên giác cho nhập. Thế nên khởi niệm và dừng niệm đều là mê muội.

GIẢNG:

Do chấp ngã nên không thể nhập tánh Viên giác thanh tịnh được, chớ không phải tánh Viên giác ngăn cản chống cự không cho vào. Thí dụ trưa nắng chúng ta đang ở trong nhà, nhưng có người ở ngoài đường khiêu khích, chúng ta tức quá chạy ra cự với họ. Vì cái tức nên chạy ra nắng. Đó là về mặt tắng. Còn ái cũng vậy. Có người mình ưa đứng ngoài nắng, muốn nói chuyện với họ mình cũng phải ra nắng đứng. Cái nhà đâu cấm chúng ta vô, nó mở sẵn cửa nhưng vì ưa và ghét mà chúng ta không chịu vô.

Và người nhập được tánh Viên giác cũng không phải do tánh Viên giác chấp thuận cho vào, mà do không chấp ngã, nhân… mới thể nhập được. Thế nên nói khởi vọng niệm và dứt vọng niệm đều là mê muội. Động niệm là niệm chạy theo cảnh, dứt niệm là đè cho hết niệm để được Niết-bàn, đó là mê rồi. Tánh giác không có động không có dừng.

Nếu còn thấy có cái hay nhập thì không phải là nhập tánh Viên giác, vì tánh Viên giác chính là mình thì ai hay nhập nữa? Nếu có cái hay nhập thì tánh Viên giác là cái bị nhập sao? Mà bị nhập là có người có cảnh. Hễ còn người tức là còn ngã, còn ngã thì làm sao nhập được tánh Viên giác? Động niệm là mê, vì ngã mà dứt niệm thì cũng còn mê chớ chưa phải thật là giác.

ÂM:

- Hà dĩ cố? Do hữu vô thủy bản khởi vô minh vị kỷ chủ tể. Nhất thiết chúng sanh, sanh vô tuệ mục, thân tâm đẳng tánh giai thị vô minh. Thí như hữu nhân bất tự đoạn mệnh, thị cố đương tri hữu ái ngã giả, ngã dữ tùy thuận, phi tùy thuận giả tiện sanh tắng oán. Vị tắng ái tâm dưỡng vô minh cố, tương tục cầu đạo giai bất thành tựu.

DỊCH:

- Vì cớ sao? Vì gốc vô minh khởi từ vô thủy làm chủ tể mình. Tất cả chúng sanh sanh ra không có mắt tuệ, thân tâm bản tánh nó đều là vô minh v.v… Thí như có người không thể tự giết mình, thế nên phải biết có cái ái ngã, ngã cùng tùy thuận; nếu chẳng tùy thuận liền sanh oán ghét. Vì tâm yêu ghét nuôi lớn vô minh, nên tiếp tục cầu đạo đều không thành tựu.

GIẢNG:

Ở đây Phật dùng thí dụ như mình không thể tự chặt đầu mình được, vì vô minh sẵn từ vô thủy, nó làm chủ mình nên thân tâm này mang nặng chất vô minh. Đã coi vô minh là mình thì mình đâu dám giết mình. Không dám dứt vô minh chỉ vì vô minh làm chủ mình. Đức Phật lặp lại để cho thấy rõ thêm, vì không trí tuệ và vô minh chấp ngã yêu ngã nên cái gì hợp với ngã thì yêu, cái gì không thích hợp với ngã thì oán ghét, đó là bệnh chung của chúng sanh. Nếu còn mang bệnh đó mà cầu đạo thì không bao giờ thành tựu, nghĩa là cầu đạo bằng bản ngã thì không bao giờ thành đạo.

Một số người có thiện chí tu, họ có thể nhịn đói, ăn rau ăn quả, sống hết sức kham khổ. Khi họ loé thấy được một cái gì là họ tự xưng ta chứng đạo, ta có thần thông…, thấy có sở chứng như vậy là bệnh rồi! Cũng chịu khổ nhọc để tu hành, nhưng tu vì cái ngã nên càng tu càng xa đạo. Xa đạo là vì bản ngã thấy ta đây có sở chứng sở đắc, ta là Bồ-tát là Phật… Tu như vậy là rơi vào đường tà, thế nên người tu hành chân chánh là phải phá cho được cái ngã. Ai tu mà cái ngã cao thì dầu cho người đó một ngày ngồi thiền mười hai tiếng đồng hồ cũng chưa phải là cao. Còn người trọn ngày đi làm việc mà ai khen cũng được, chê cũng cười, ăn ngon cũng được, ăn dở cũng chẳng chê, người đó mới là người gần với đạo vì cái ngã của họ thấp. Người cố gắng tu cho thật nhiều, tu cho hơn người, hễ có niệm hơn người là đã xa đạo rồi.

ÂM:

- Thiện nam tử, vân hà ngã tướng? Vị chư chúng sanh tâm sở chứng giả. Thiện nam tử, thí như hữu nhân bá hài điều thích, hốt vong ngã thân, tứ chi huyền hoãn, nhiếp dưỡng quai phương vi gia châm ngải, tức tri hữu ngã, thị cố chứng thủ phương hiện ngã thể.

DỊCH:

- Này thiện nam, thế nào gọi là ngã tướng? Nghĩa là các chúng sanh tâm còn có sở chứng. Này thiện nam, như có người toàn thân điều hòa an ổn chợt như quên mình, tay chân thư thả, nhưng khi điều dưỡng trái nghịch, có sự châm đốt nhỏ liền thấy có ngã. Vì thế mà chứng biết có cái Ta.

GIẢNG:

Ví dụ khi làm mệt chúng ta nằm dài ra nhắm mắt lại, thân thể điều hòa, lúc đó coi như quên bản ngã, nhưng bất thần có sự châm chích rất nhỏ nhiệm thì bản ngã trồi dậy liền. Nghĩa là khi an ổn thì dường như quên bản ngã, nhưng động tới thì bản ngã trồi dậy ngay. Như bây giờ quí vị ngồi nghe tôi giảng thân thể điều hòa, lúc ấy bản ngã dường như không có, nhưng nếu ra đường gặp sự không vừa ý, hoặc vô cớ bị người ta mắng chửi mạ nhục thì bản ngã trỗi dậy y nguyên. Đó là cái ngã thô. Còn cái ngã tế là người dụng công tu, khi tâm hơi yên, thấy có những tướng lành hiện ra, bèn cho là mình đã chứng đắc, thế là bệnh. Tu khó ở chỗ đó. Người không hiểu tưởng tu ăn chay là khó, tưởng tụng kinh ngồi thiền là khó. Thật sự những cái đó không khó mà phá ngã mới là khó. Vì đó là cái chấp muôn đời của chúng sanh chớ không phải một đời, phá được bản ngã thật là cay đắng. Nếu không phá được bản ngã thì dầu có tu cũng lẩn quẩn trong vòng luân hồi, lên cao một chút hưởng hết phước rồi cũng tuột xuống. Lên xuống lẩn quẩn chớ không bao giờ giải thoát sanh tử. Vì vậy nên nói còn cái tâm sở chứng là còn ngã tướng.

ÂM:

- Thiện nam tử, kỳ tâm nãi chí chứng ư Như Lai, tất cảnh liễu tri thanh tịnh Niết-bàn, giai thị ngã tướng.

DỊCH:

- Này thiện nam, cho đến tâm kia chứng quả Như Lai hoặc biết rõ Niết-bàn thanh tịnh rốt ráo đều là tướng ngã.

GIẢNG:

Tâm kia là tâm còn thấy có ngã, hoặc nói tôi đắc quả Phật, hoặc nói tôi thấy có tướng Niết-bàn thanh tịnh… cũng là tâm thấy có ngã. Do đây chúng ta mới thấy rõ ý nghĩa thâm sâu của lời Phật nói: “Không thấy có pháp A-nậu-đa-la tam-miệu tam-bồ-đề để đắc nên Phật Nhiên Đăng mới thọ ký ta thành Phật.” Vậy ai tu hành mà cứ khoe tôi chứng cái này đắc cái kia, sự chứng đắc đó là hiện thân của bản ngã, mà hiện thân của bản ngã là vô minh chớ không phải chứng đắc. Người thế gian thì hay nghe, hễ ai khoe chứng khoe đắc thì lễ bái, cho rằng vị đó là Bồ-tát là Phật. Người biết đạo nghe nói chứng đắc là bỏ đi liền, vì đó là cái tướng của ma quái chớ không phải của người tu chân chánh. Nhưng rất tiếc một số Phật tử thuần thành cũng bị lầm, hễ nghe ai nói chứng đắc hay nói chuyện quá khứ vị lai là bái phục, và cũng thích tìm thầy để hỏi chuyện quá khứ vị lai nữa. Như vậy mới biết không phải người thế gian lầm mà người trong đạo cũng lầm. Nếu người học đạo, nghiên cứu kinh Phật kỹ và có tập tu chút chút, nghe người nào nói quá khứ vị lai nói chứng đắc là bái lui, không ở đó mà nghe cho hết chuyện. Khi nghe một vị thầy dạy tu, chúng ta phải dùng trí tuệ nhận xét xem vị đó dạy có đúng với tinh thần của Phật dạy trong kinh hay không, đem áp dụng vào đời sống có được lợi ích hay không, chớ chúng ta nghe đâu tin đó là càng học càng mê. Phật dạy, tu mà còn thấy chứng là còn chấp ngã, dù cho chứng được quả Như Lai, hay thấy được Niết-bàn thanh tịnh, đó là hiện tướng của bản ngã chớ không phải tu cao. Như vậy để thấy bệnh chấp ngã là một căn bệnh nặng khó trị nhất. Thế nên người ngồi tu mà cứ mong chứng cái này đắc cái kia là bệnh, tu chỉ mong hết vô minh vọng tưởng, đừng mong cái gì khác hơn. Như lau gương không phải mong gương phát sáng mà chỉ mong hết bụi, vì biết gương tự nó đã sáng, lau hết bụi thì gương sáng. Cũng vậy mỗi người đều có Tánh giác, hễ tu hết vô minh vọng tưởng thì Tánh giác hiện bày, chớ còn cầu chứng đắc là còn tướng ngã.

ÂM:

- Thiện nam tử, vân hà nhân tướng? Vị chư chúng sanh tâm ngộ chứng giả. Thiện nam tử, ngộ hữu ngã giả bất phục nhận ngã, sở ngộ phi ngã, ngộ diệc như thị. Ngộ di siêu quá nhất thiết chứng giả, tất vi nhân tướng. Thiện nam tử, kỳ tâm nãi chí viên ngộ Niết-bàn câu thị ngã giả. Tâm tồn thiểu ngộ bị đàn chứng lý, giai danh nhân tướng.

DỊCH:

- Này thiện nam, thế nào là tướng nhân? Nghĩa là trong tâm chúng sanh ngộ cái chứng đó. Này thiện nam, ngộ có ngã, lại chẳng nhận là ngã, chỗ ngộ chẳng phải ngã, ngộ cũng như thế. Ngộ này vượt hơn tất cả cái chứng, đều là nhân tướng. Này thiện nam, cho đến tâm kia viên ngộ Niết-bàn cũng đều là ngã. Tâm còn một chút ngộ cho rằng chứng lý đầy đủ đều gọi là nhân tướng.

GIẢNG:

Ở đây tế nhị hơn trước một chút, trước thấy mình có sở chứng là ngã tướng, giờ đến nhân tướng thì thấy mình có ngộ. Tại sao vậy? Bởi vì nếu thấy có ngộ thì cũng còn có ngã. Thông thường nói ngộ rồi mới chứng, tại sao ở đây nói ngộ vượt hơn chứng? Vì chứng ở đây không phải thật chứng mà khởi niệm cho rằng mình chứng quả này quả kia. Tu mà mong được kết quả, vì bản ngã mà mong, đó là ngã tướng. Ngộ là mong thấy lý, siêu hơn chứng một chút, vì lý cho nên vượt hơn cái chứng ở trên. Khi thấy lý thì tâm còn nghĩ viên ngộ Niết-bàn. Nghĩ như vậy là vẫn còn có ngã vì phải ngộ được Niết-bàn tròn đầy, cho nên nói trong tâm còn một chút biết mình ngộ gọi là đầy đủ cái chứng lý thì người đó còn nhân tướng. Tại sao vậy? Bởi vì ngộ là khai ngộ, khai ngộ là đạt lý, chứng là kết quả, mà có kết quả là được cái này được cái kia cho nên thuộc về ngã, ngộ thuộc về lý thuộc về tâm, nên nói còn một tí xíu biết mình ngộ thì cũng là đầy đủ cái chứng lý đó là người còn nhân tướng. Tại sao vậy? Hỏi ai ngộ? Ta ngộ. Ngộ khác hơn chứng một chút, chứng thì thực tế ở nơi người, còn ngộ thì nó hơi thiên về lý nên thuộc về trí. Bởi thuộc về trí cho nên nói là nhân, cũng như mình thì thiết thực nơi bản thân, còn người thì nó rời ra ngoài, cái ngã thì nó thuộc về bản chất thực tế, còn lý tức là trí thì nó có cái vẻ trừu tượng nên nó vượt hơn cái chứng ở trước. Tu hành mà còn thấy có một chút ngộ cũng là bệnh. Đối với người tu theo Phật hay người tu theo Thiền thì thường nói ngộ rồi cũng đồng chưa ngộ, không thêm không bớt gì. Bởi vì ngộ là thấy được cái thật có sẵn nơi mình mà trước kia chưa thấy. Ngộ chỉ là danh từ tạm thôi, nếu chấp ngộ là thật đó là nhân tướng.

ÂM:

- Thiện nam tử, vân hà chúng sanh tướng? Vị chư chúng sanh tâm tự chứng ngộ sở bất cập giả. Thiện nam tử, thí như hữu nhân, tác như thị ngôn ngã thị chúng sanh, tắc tri bỉ nhân thuyết chúng sanh giả, phi ngã phi bỉ. Vân hà phi ngã? Ngã thị chúng sanh, tắc phi thị ngã. Vân hà phi bỉ? Ngã thị chúng sanh phi bỉ ngã cố. Thiện nam tử, đản chư chúng sanh liễu chứng liễu ngộ giai vi ngã nhân phi ngã nhân tướng sở bất cập giả, tồn hữu sở liễu danh chúng sanh tướng.

DỊCH:

- Này thiện nam, thế nào là tướng chúng sanh? Nghĩa là các chúng sanh chỗ tâm tự chứng ngộ không đến kịp. Này thiện nam, ví như có người nói như thế này: ta là chúng sanh, ắt biết người nói chúng sanh đó chẳng phải ngã chẳng phải bỉ (nhân). Thế nào chẳng phải ngã? Vì ta là chúng sanh ắt không phải ngã. Thế nào chẳng phải bỉ? Vì ta là chúng sanh nên chẳng phải ngã của người khác (bỉ). Này thiện nam, nhưng các chúng sanh liễu chứng liễu ngộ đều là ngã nhân, mà tướng ngã nhân người khác không đến kịp, còn có sở liễu gọi là chúng sanh tướng.

GIẢNG:

Chứng là tướng ngã, ngộ là tướng nhân và liễu là tướng chúng sanh, đối với tướng chúng sanh vi tế hơn tướng ngã tướng nhân. Liễu là dùng trí liễu tri không chứng không ngộ. Nếu còn liễu tri chứng và ngộ không thật là còn ngã. Vì mình còn dụng công tu mới liễu tri chứng và ngộ không thật, vậy thì liễu tri cũng là dụng của ngã. Song liễu tri vi tế hơn chứng và ngộ, nên nói chứng và ngộ không đến kịp. Đây gọi liễu tri là tướng chúng sanh. Để cho dễ hiểu Phật mới ví dụ: Tôi không phải là ngã, vì tôi là chúng sanh nên không phải ngã. Tôi không phải là nhân, vì tôi là chúng sanh nên không phải nhân. Ngã là chỉ cho mình, nhân là chỉ cho người khác, chúng sanh thì trùm hết. Gọi chúng sanh thì thoát ra khỏi tên ngã tên nhân, nhưng chúng sanh cũng là trá hình của ngã, ngã vi tế hơn. Vì quá vi tế nên người tu thiền dễ bị lầm lẫn. Chẳng hạn như người tu thể nhập tánh Viên giác thì tâm hoàn toàn lặng lẽ sáng suốt, không một niệm dấy khởi dù là niệm vi tế rằng mình đang lặng lẽ, mình chẳng phải chứng, mình chẳng phải ngộ. Còn khởi niệm là bệnh.

ÂM:

- Thiện nam tử, vân hà thọ mạng tướng? Vị chư chúng sanh tâm chiếu thanh tịnh giác sở liễu giả nhất thiết nghiệp trí sở bất tự kiến, do như mạng căn.

DỊCH:

- Này thiện nam, thế nào là tướng thọ mạng? Nghĩa là các chúng sanh tâm chiếu thanh tịnh đã giác được cái sở liễu, tất cả nghiệp trí không thể tự thấy ví như là mạng căn.

GIẢNG:

Thọ mạng là giác chiếu, giác chiếu là còn có một cái sáng soi. Tức là dùng trí tuệ giác chiếu cái liễu tri là không thật, vì ngã chấp vẫn còn. Song còn giác chiếu cũng thuộc về tướng thọ mạng. Tướng thọ mạng vi tế hơn tướng chúng sanh, tướng này khó biết, như thọ mạng trong con người chúng ta, chúng ta thấy được không? Tướng ngã, tướng nhân ai cũng thấy, tướng chúng sanh cũng thấy được, nhưng thọ mạng là khi người đó còn đi còn đứng còn nói thì biết người đó sống, còn mạng sống ngầm ngầm trong đó chúng ta đâu thấy. Vì vậy mạng sống là cái tế nhị không có tướng trạng. Ở đây nói chỉ là một cái chiếu soi, cái tâm chiếu này là cái mà tất cả trí nghiệp không thể thấy được. Những trí nghiệp thường không thể thấy được bệnh đó nên gọi là mạng căn. Còn có cái chiếu Tánh giác thanh tịnh thì mạng căn chưa dứt, nên nói rằng có tướng thọ mạng. Tôi ví dụ như ngồi thiền, lúc đầu vọng tưởng dấy khởi nhiều và mạnh, lúc đó chúng ta phá vọng tưởng bằng cách nhìn và nói vọng tưởng không thật, nhìn và nói một hai lần như vậy vọng tưởng mới lặng. Sau đó vọng tưởng dấy lên chúng ta không nhìn và nói vọng tưởng không thật nữa, mà chỉ dùng trí quán vọng tưởng không thật thì vọng tưởng lặng. Sau đó nữa, vọng tưởng dấy khởi, chúng ta không còn quán vọng tưởng không thật, chỉ nhìn nó một cách nhẹ nhàng thì vọng tưởng lặng. Như vậy đối trị vọng tưởng từ thô đến tế qua những giai đoạn khác nhau. Lúc đầu phải nhìn và nói vọng tưởng không thật để phá vọng tưởng, giai đoạn này có năng có sở rõ ràng. Sau đó dùng trí quán vọng tưởng không thật, giai đoạn này cũng còn năng còn sở. Lần lần không còn nhìn, không còn nói, không còn quán, chỉ giác biết là nó tan. Chúng ta thấy dường như không còn năng sở nữa, nhưng kỳ thật vẫn còn, chỉ khi nào không còn quán, không còn chiếu, chỉ một tâm lặng lẽ sáng suốt như như mới thuần là Bản giác thanh tịnh không sanh không diệt, đây là chỗ cứu kính thành Phật.

Những bệnh chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng ở đây không phải là bệnh của phàm phu mà là bệnh của người tu chứng. Vì Phật muốn cho chúng ta thể nhập được tánh Viên giác nên mới chỉ tế nhị như thế. Chúng ta tu là phải biết thấu đáo để khi tu, giả sử chúng ta thấy có tướng lạ gì, không lấy đó làm sở chứng sở đắc khoe khoang thành bệnh.

ÂM:

- Thiện nam tử, nhược tâm chiếu kiến nhất thiết giác giả giai vi trần cấu, giác sở giác giả bất ly trần cố, như thang tiêu băng, vô biệt hữu băng tri băng tiêu giả, tồn ngã giác ngã diệc phục như thị.

DỊCH:

- Này thiện nam, nếu tâm soi thấy tất cả cái giác đều là trần cấu thì cái giác sở giác chẳng lìa trần, như nước nóng làm tan băng, không riêng có băng biết băng tan, còn ngã để giác cái ngã cũng lại như thế.

GIẢNG:

Chính mình tu để mình giác cũng chưa phải, vì còn có cái sở giác để mình năng giác, năng sở là đối đãi, mà còn đối đãi là còn hai bên cho nên không nhập tánh Viên giác được. Tới chỗ cuối cùng thì năng sở đều bặt, năng sở không còn mới đi tới chỗ cứu kính. Mục thứ tám của mười bức tranh chăn trâu chỉ là một vòng tròn không còn người chăn không còn trâu, người chăn và trâu phải tiêu vong mới đi tới chỗ chim bay về tổ, nước chảy về nguồn. Sau cùng mới buông thõng tay vào chợ, chớ còn người chăn còn trâu là chưa xong. Vừa thấy mình có cái để chứng để ngộ để liễu để giác là có lỗi. Phật mới ví như nước nóng mà chế trên băng. Nếu chúng ta cứ chế nước nóng trên khối nước đá thì nước đá sẽ tan. Khi tan ra nó có biết nó đang tan ra không? Không. Khi tan ra thì nước nóng và nước đá có thành hai thứ hay không? Không. Như vậy, là năng sở không có, chính khi năng sở bặt dứt ấy mới nhập được tánh Viên giác.

Quí vị thấy Thiền sư không bao giờ chấp nhận hai bên, vì còn hai bên là còn năng sở, mà còn năng sở thì không bao giờ vào được biển Viên giác thanh tịnh. Như vậy là các Thiền sư đi vào chỗ không năng chứng sở chứng, năng ngộ sở ngộ, năng liễu sở liễu, năng giác sở giác, nên mới nhập vào được thể Viên giác thanh tịnh. Các Thiền sư nói thấy được chỗ này rồi như người câm nằm mộng. Nằm mộng thấy đủ thứ, sáng ra muốn kể cho người khác nghe, không biết làm sao mà kể. Chỗ này cũng vậy, nói ra là nằm trong năng sở, nên Tô Đông Pha nói rằng: “Ban đêm thấy được tám muôn bốn ngàn bài kệ, sáng ra không biết trình cái gì với người đây.” Thiền sư Việt Nam thì nói: “Bất tương hà ngữ dĩ truyền tâm (Không biết đem lời gì để truyền tâm cho được).”

ÂM:

- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh bất liễu tứ tướng, tuy kinh đa kiếp cần khổ tu đạo, đản danh hữu vi, chung bất năng thành nhất thiết Thánh quả. Thị cố danh vi chánh pháp mạt thế.

DỊCH:

- Này thiện nam, chúng sanh đời sau không rõ bốn tướng, tuy trải qua nhiều kiếp cần khổ tu hành chỉ gọi là hữu vi, trọn không thể thành tựu được tất cả Thánh quả. Cho nên gọi là chánh pháp mạt thế.

GIẢNG:

Đức Phật nói những chúng sanh sau này tu hành không rõ bốn tướng, dù siêng năng tu hành mà rốt cuộc chỉ thuộc về pháp hữu vi chớ không được thành Thánh quả. Tu như vậy là mạt pháp ở trong thời chánh pháp. Nếu chúng ta ở trong thời mạt pháp mà tu hành phá được bốn tướng thì nói ngược lại là chánh pháp ở trong thời mạt pháp. Như vậy, chánh pháp hay mạt pháp là do chúng ta tu theo pháp hữu vi hay vô vi. Nếu tu theo pháp hữu vi để thụ hưởng, đó là chánh pháp trở thành mạt pháp. Nay nếu tu theo pháp vô vi để giải thoát sanh tử thì mạt pháp trở thành chánh pháp. Như vậy, chỗ chí yếu là phải đạt đạo chớ không phải đời này hay đời kia.

ÂM:

- Hà dĩ cố? Nhận nhất thiết ngã vi Niết-bàn cố, hữu chứng hữu ngộ danh thành tựu cố. Thí như hữu nhân nhận tặc vi tử, kỳ gia tài bảo, chung bất thành tựu.

DỊCH:

- Vì cớ sao? Vì nhận tất cả ngã làm Niết-bàn, có chứng có ngộ gọi là thành tựu. Giống như người nhận giặc làm con thì gia bảo của họ trọn chẳng thành tựu.

GIẢNG:

Vừa nhận ngã tướng là nhận giặc làm con rồi vì ngã tướng là vô minh, mà nhận ngã tướng để tu thì cũng như ôm vô minh mà tu làm sao thành Thánh quả? Khác nào chứa giặc trong nhà, làm sao bảo trì được của báu? Cho nên muốn tu thành Thánh quả phải phá tan bản ngã, phải sống với chánh pháp. Nên trong nhà thiền thường nói “phải tới chỗ đoạn mạng căn đó thì mới thể nhập được”. Chớ còn thấy mình cần có cái để sống để chứng để đắc thì chưa qua nổi, nhà thiền gọi là lao quan, cái cửa chắc nhất, cứng nhất. Thoát qua cửa đó rồi mới nhập được tánh Viên giác.

Đức Phật đã hết lời chỉ dạy chỗ cốt yếu, vậy chúng ta ráng nhận cho ra và nắm lấy yếu chỉ đó mà tu hành, để khỏi phụ lòng Ngài và phụ chí xuất gia của mình.

ÂM:

- Hà dĩ cố? Hữu ngã ái giả diệc ái Niết-bàn phục ngã ái căn vi Niết-bàn tướng.

DỊCH:

- Vì cớ sao? Vì ái ngã thì cũng ái Niết-bàn, dẹp được gốc ái ngã là tướng Niết-bàn.

GIẢNG:

Vì còn ái ngã nên khi tu chúng ta mong có được cảnh an vui như Niết-bàn. Vì thế Niết-bàn do lòng yêu thích của mình muốn được, rốt cuộc rồi cũng là gốc sanh tử, chưa phải Niết-bàn cứu kính. Thường người Việt Nam khi đề cập đến cái sướng thì hay nói sướng như tiên, cảnh nào đẹp đẽ thì nói đẹp như cảnh tiên. Có nhiều người tu, được hỏi: muốn thành cái gì, họ trả lời: thành tiên. Tu mà muốn sướng như tiên, đó cũng là vì bản ngã mà tu. Còn chấp ngã là còn vô minh chớ chưa thật tỉnh, chưa thật giải thoát sanh tử. Chính vì vậy tôi thường nói, nếu ai tu theo đạo Phật mà quan niệm mình tu thiền nhưng Phật không dạy cách tu để cho thân khoẻ mạnh sống lâu như đạo Tiên, thôi bây giờ mình lợi dụng pháp tu tiên để sống lâu khoẻ mạnh để có nhiều thời gian tu cho đạt đạo. Nghĩ như thế có lỗi không? Có niệm muốn kéo dài mạng sống là còn ái ngã, còn ái ngã là còn vô minh, ôm vô minh để tu thì không bao giờ đạt được Thánh quả! Đó là bệnh chớ không phải là Đạo, cũng không phải là Thiền. Chủ yếu của đạo Phật tu là phá ngã, vừa khởi niệm lập ngã là bệnh rồi. Sở dĩ chúng ta thích Niết-bàn vì biết Niết-bàn là cảnh an vui, và muốn chứng nhập để hưởng thụ, đó là lối tu hữu lậu chớ không phải vô lậu giải thoát.

ÂM:

- Hữu tắng ngã giả diệc tắng sanh tử, bất tri ái giả, chân sanh tử cố, biệt tắng sanh tử, danh bất giải thoát.

DỊCH:

- Có ghét ngã cũng ghét sanh tử, vì không biết ái chính là sanh tử, riêng ghét sanh tử gọi là không giải thoát.

GIẢNG:

Có người nói chúng ta khổ vì sanh tử nên chán ghét sanh tử, phải làm sao tu để ra khỏi sanh tử. Tôi xin hỏi: Ai ra khỏi sanh tử? Có phải ngã không? Thế nên ghét sanh tử không phải là giải thoát, vì còn ngã tướng. Người tu chân chánh thì không yêu không ghét không cầu không mong, cứ nhậm vận mà tiêu mòn nghiệp cũ, và không tạo nghiệp đi trong sanh tử nữa mới là giải thoát. Ở thế gian có nhiều người thoạt nhìn thấy như họ hay lắm, nhưng đi sâu mới biết họ bệnh. Chẳng hạn như người nam thấy nữ sắc thích lắm, đó là người bệnh đành rồi; nhưng có người nam đối với nữ sắc, họ chê bai mạt sát, tránh né không dám nhìn, người ấy có bệnh không? Cũng bệnh luôn. Người tham đắm danh lợi không rời, đó là bệnh; còn người luôn luôn chửi bới danh lợi, người ấy cũng bệnh luôn. Ngày xưa mấy ông đồ Nho thi rớt làm thơ, chúng ta đọc bài nào cũng thấy họ chửi bới danh lợi. Tại sao? Vì đi thi muốn đậu mà không đậu, nên tức mới chửi bới công danh. Những người chửi nhiều là ham danh lợi nhiều, bệnh cũng nhiều. Chính những người không yêu không ghét mới là người không bệnh. Khi hiểu kỹ rồi chúng ta thấy cõi đời này không có gì đáng yêu hay đáng chán, thế gian là như vậy, biết đúng lẽ thật của nó thì có gì ưa chán nữa đâu. Phật, Bồ-tát đâu có chán ghét thế gian, các ngài còn tìm phương tiện đi vào thế gian này độ chúng sanh cho hết khổ kia mà!

ÂM:

- Vân hà đương tri pháp bất giải thoát? Thiện nam tử, bỉ mạt thế chúng sanh tập Bồ-đề giả, dĩ dĩ vi chứng vi tự thanh tịnh, do vị năng tận ngã tướng căn bản. Nhược phục hữu nhân tán thán bỉ pháp, tức sanh hoan hỉ, tiện dục tế độ. Nhược phục phỉ báng bỉ sở đắc giả, tiện sanh sân hận. Tắc tri ngã tướng kiên cố chấp trì, tiềm phục tạng thức, du hí chư căn tằng bất gián đoạn. Thiện nam tử, bỉ tu đạo giả, bất trừ ngã tướng, thị cố bất năng nhập thanh tịnh giác.

DỊCH:

- Làm sao biết được pháp không giải thoát? Này thiện nam, những chúng sanh đời sau tu đạo Bồ-đề, do đã chứng chút ít mà tự cho thanh tịnh nhưng vẫn chưa đoạn tận gốc ngã tướng. Nếu lại có người khen ngợi pháp của họ, họ liền sanh hoan hỉ, muốn độ người đó. Nếu lại chê bai chỗ sở đắc của họ, họ liền sanh sân hận, tức biết ngã tướng kiên cố chấp trì vẫn còn ẩn núp nơi tạng thức và luôn lai vãng ở các căn không gián đoạn. Này thiện nam, người tu kia không đoạn trừ được ngã tướng nên không nhập được tánh Viên giác thanh tịnh.

GIẢNG:

Đức Phật chỉ tướng ngã còn thầm thầm tế nhị vô cùng, chúng ta tu tập hạnh Bồ-đề giải thoát và được niềm vui vi diệu nho nhỏ cho là tâm được thanh tịnh, nhưng sự thật chưa dứt được cội gốc bản ngã. Vì nếu có người tới khen pháp mình tu thì vui vẻ hài lòng, tới chê pháp mình tu tà vạy thì nổi giận hầm hầm. Vậy rõ ràng bản ngã còn kiên cố, còn chấp trì bền vững chưa mất, còn đang ẩn trong tàng thức, đang dạo chơi nơi các căn nên vừa gặp cảnh liền phát ra. Biết vậy rồi chúng ta nên nỗ lực tu, nỗ lực dè dặt đề phòng mình. Được yên ổn chút ít đừng cho là rồi, chờ gặp cảnh mới biết.

Ở đây đức Phật chỉ thêm cho chúng ta thấy một bệnh nữa là bệnh ái pháp. Ví dụ như ở đây, tôi dạy quí vị tu thiền, quí vị tu một thời gian tâm được yên yên, có người tới khen pháp tu thiền là đốn giáo thích hợp với người lý trí mạnh, quí vị sanh tâm vui mừng, muốn làm thầy tế độ người đó. Ngược lại có người tu Tịnh độ đến chê tu thiền là bậy, tu riết rồi điên, quí vị liền nổi giận cự với họ. Vì chúng ta còn chấp ngã nên khen pháp của ta thì ta vui mừng, chê pháp của ta thì ta liền nổi giận. Pháp Phật dạy là để chúng ta tu cho tâm được an ổn, được lợi ích, nhưng chúng ta vì pháp mà tranh hơn thua thì mất lợi ích rồi. Đối với người, ai cần tu thì chúng ta sẵn sàng chỉ cho, ai không cần thì thôi. Người cho pháp tu của chúng ta sai là cái thấy của họ, họ có quyền phê phán, chúng ta cự lại làm gì cho mất mình? Họ nói pháp tu thiền điên mà chúng ta tu không điên thì có hại gì đâu? Chúng ta nổi sân cự lại họ thì hóa ra tu thiền điên thật rồi! Mình tu mình biết, ai khen ai chê cũng được. Học pháp để tu chớ không phải học pháp để tranh hơn thua. Còn tranh hơn thua thì không phải là người chân chánh tu hành, vì sự tranh hơn thua gốc từ bản ngã. Người còn chấp ngã, dù là vi tế, vẫn còn vô minh thì làm sao nhập được tánh Viên giác thanh tịnh?

ÂM:

- Thiện nam tử, nhược tri ngã không, vô hủy ngã giả, hữu ngã thuyết pháp, ngã vị đoạn cố, chúng sanh thọ mạng diệc phục như thị.

DỊCH:

- Này thiện nam, nếu biết ngã không, không phá hoại ngã. Còn thấy có ta nói pháp, là chưa đoạn sạch ngã tướng, chúng sanh, thọ mạng cũng như thế.

GIẢNG:

Đức Phật nói: Tuy biết ngã tướng là không, nhưng cũng không nên tìm mọi cách để miệt thị hủy hoại ngã tướng. Nếu còn thấy ta là người thuyết pháp thì ngã tướng cũng chưa đoạn hết. Quí vị còn nhớ kinh Kim Cang định nghĩa: Thuyết pháp là không có người hay thuyết, ấy gọi là thuyết pháp.

ÂM:

- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh, thuyết bệnh vi pháp, thị cố danh vi khả lân mẫn giả. Tuy cần tinh tiến, tăng ích chư bệnh, thị cố bất năng nhập thanh tịnh giác.

DỊCH:

- Này thiện nam, những chúng sanh đời sau nói bệnh làm pháp, thế nên gọi là người đáng thương xót. Tuy cần mẫn siêng năng, nhưng tăng thêm các bệnh. Thế nên không nhập được tánh Viên giác thanh tịnh.

GIẢNG:

Chúng ta bây giờ nói pháp là nói bệnh làm pháp. Quí vị ráng nhớ cho kỹ chỗ này: Người nói pháp, nói một hồi thì đề cập đến nhóm của ta, đoàn thể của ta… ta và của ta là hơn hết, rồi đả kích người này nhóm kia… Người học đạo chân chánh phải hiểu cho thấu đáo, đừng nghe những vị hướng dẫn sai lầm rồi mắc kẹt trong đó. Chúng ta không khéo tu thì cái ngã này chưa phá vỡ lại chồng thêm cái ngã khác, tu mãi ngàn đời cũng không giải thoát. Nói pháp của Phật mà nói không đúng nên thành bệnh. Lẽ ra đức Phật quở, nhưng Ngài đầy lòng từ bi, nên chỉ nói những người này đáng thương xót vậy, và nói chúng sanh đời sau nói bệnh làm pháp. Tuy có siêng năng tinh tấn nhưng chỉ làm thêm lớn bệnh của họ thôi, chớ không thể vào được tánh Viên giác thanh tịnh.

ÂM:

- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh, bất liễu tứ tướng, dĩ Như Lai giải cập sở hành xứ vi tự tu hành, chung bất thành tựu.

DỊCH:

- Này thiện nam, những chúng sanh đời sau chẳng rõ bốn tướng, lấy chỗ hiểu và hành của Như Lai làm chỗ tu hành của mình, trọn không thể thành tựu.

GIẢNG:

Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa phá được bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả mà lấy chỗ hiểu và hành của Như Lai làm chỗ tu hành của mình nên không thể thành Thánh đạo. Vì chưa phá chấp bốn tướng nên tu theo bản ngã, bởi chấp lời dạy và sở hành của Phật, không hiểu nghĩa lý Phật dạy, tu hành theo cái chấp riêng tư của mình nên không có kết quả.

ÂM:

- Hoặc hữu chúng sanh vị đắc vị đắc, vị chứng vị chứng, kiến thắng tiến giả, tâm sanh tật đố. Do bỉ chúng sanh vị đoạn ngã ái, thị cố bất năng nhập thanh tịnh giác.

DỊCH:

- Hoặc có chúng sanh chưa được nói được, chưa chứng nói chứng, thấy người hơn mình tâm sanh tật đố. Bởi chúng sanh ấy chưa đoạn được ngã ái, cho nên chẳng nhập được tánh Viên giác thanh tịnh.

GIẢNG:

Người chưa được nói được, chưa chứng nói chứng, Phật gọi là tăng thượng mạn trong kinh Pháp Hoa. Thấy ai tu hơn mình, ai thuyết pháp hướng dẫn bổn đạo tu hành chân chánh, Phật tử theo đông, sanh lòng đố kỵ, nên biết người này chưa đoạn dứt ngã ái, bởi chưa dứt được ngã ái, nên họ không vào được tánh Viên giác.

ÂM:

- Thiện nam tử, mạt thế chúng sanh hi vọng thành đạo, vô linh cầu ngộ, duy ích đa văn, tăng trưởng ngã kiến. Đản đương tinh cần hàng phục phiền não, khởi đại dõng mãnh, vị đắc linh đắc, vị đoạn linh đoạn, tham, sân, ái, mạn, siểm khúc, tật đố, đối cảnh bất sanh, bỉ ngã ân ái, nhất thiết tịch diệt. Phật thuyết thị nhân, tiệm thứ thành tựu, cầu thiện tri thức, bất đọa tà kiến. Nhược ư sở cầu, biệt sanh tắng ái, tắc bất năng nhập thanh tịnh giác hải.

DỊCH:

- Này thiện nam, chúng sanh đời sau mong được thành đạo, chẳng cầu giác ngộ chỉ cốt học nhiều, khiến cho tăng trưởng ngã kiến. Phải tinh tấn hàng phục phiền não, khởi đại dõng mãnh, những pháp chưa được khiến cho được, những cái chưa đoạn khiến phải đoạn, tham, sân, ái, mạn, siểm khúc, tật đố đối cảnh không sanh, ta người ân ái, tất cả đều vắng lặng. Phật nói người này thứ lớp thành tựu, cầu thiện tri thức chẳng rơi vào tà kiến. Còn nếu đối với sở cầu, riêng sanh yêu ghét, chắc chắn không thể vào biển Viên giác thanh tịnh được.

GIẢNG:

Tới đây đức Phật chỉ cho chúng ta thêm một bệnh nữa là: Người tu chân chánh tuy thành tâm cầu đạo, tham học nhiều mà không tu, chỉ tăng trưởng thêm đa văn, tức là thêm ngã kiến.

Muốn tiến đạo phải cố gắng hàng phục phiền não, khởi tâm đại dõng mãnh, những pháp lành chưa được phải thực hiện cho được, pháp ác chưa đoạn phải đoạn dứt, đưa tất cả những phiền não tham, sân, tắng, ái… vào chỗ tịch diệt. Khi gặp cảnh đáng sân không sân, gặp cảnh đáng tham không tham… Làm sao khi gặp cảnh những thứ đó không khởi, được vậy thì Phật ấn chứng người đó thứ lớp được thành tựu đạo quả.

Phật còn dạy người tu phải cầu thầy sáng bạn tốt chỉ giáo để khỏi rơi vào tà kiến. Thêm nữa Phật bảo phải dè dặt, đối với thiện tri thức chớ sanh lòng yêu hay ghét riêng, nếu sanh lòng yêu ghét không thể vào biển Viên giác được. Nghĩa là dù với bậc thầy dạy mình mà có niệm yêu ghét cũng khó vào biển Viên giác.

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:

- Tịnh Nghiệp nhữ đương tri
Nhất thiết chư chúng sanh
Giai do chấp ngã ái
Vô thủy vọng lưu chuyển
Vị trừ tứ chủng tướng
Bất đắc thành Bồ-đề
Ái tắng sanh ư tâm
Siểm khúc tồn chư niệm
Thị cố đa mê muộn
Bất năng nhập Giác thành
Nhược năng qui ngộ sát
Tiên khử tham sân si
Pháp ái bất tồn tâm
Tiệm thứ khả thành tựu
Ngã thân bản bất hữu
Tắng ái hà do sanh
Thử nhân cầu thiện hữu
Chung bất đọa tà kiến
Sở cầu biệt sanh tâm
Cứu kính phi thành tựu.

DỊCH:

Bấy giờ Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà nói kệ rằng:

- Tịnh Nghiệp ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Đều do chấp ngã ái
Luân hồi từ vô thủy
Chưa trừ được bốn tướng
Chẳng được thành Bồ-đề
Yêu ghét sanh nơi tâm
Siểm khúc còn các niệm
Cho nên nhiều mê muội
Không vào được thành Giác
Nếu hay về cõi ngộ
Trước dẹp tham sân si
Ái chẳng còn nơi tâm
Dần dần sẽ thành tựu
Thân ta vốn chẳng có
Yêu ghét từ đâu sanh
Người này cầu thiện hữu
Trọn chẳng rơi tà kiến
Chỗ cầu riêng sanh tâm
Cứu kính chẳng thành tựu.

GIẢNG:

Quí vị thấy đức Phật trị hết tất cả bệnh cho chúng ta, thật là một bậc Đại y vương. Nào là bệnh chấp ngã, ái ngã, ái pháp, ái sư… chúng ta phải dẹp hết những bệnh đó thì mới mong vào được biển Viên giác thanh tịnh, nếu không thì chúng ta trôi lăn mãi trong vòng luân hồi. Ngài chỉ rất rõ người tu mà còn kẹt trong bốn tướng, dù vi tế cũng không thành tựu đạo Bồ-đề, tâm còn niệm yêu ghét là còn mê muội không vào được tánh Viên giác. Muốn vào cảnh giới giác ngộ thì phải bỏ những bệnh tham, sân, si, ái ngã, ái pháp… mới thành tựu đạo Bồ-đề. Phật lại dạy: Sở dĩ chúng ta có yêu ghét là do chấp thân này thật, nếu chúng ta thấy rõ thân này không thật có thì yêu ghét không từ đâu mà sanh. Người hiểu được lý vô ngã và áp dụng tu hành thì tiến vào biển Viên giác không khó. Thêm nữa, chúng ta tìm thầy học đạo đừng để rơi vào tà kiến và khi gặp thầy học đạo cũng đừng sanh tâm yêu ghét, nếu có yêu ghét thì chướng ngại trên đường tu. Bỏ yêu ghét ở thế gian mà sanh yêu ghét ở trong đạo cũng là bệnh. Hiểu cho thật kỹ tu hành mới tiến được, hiểu không thật kỹ thì vừa mới hết bệnh này lại sanh bệnh khác. Người tu dùng pháp của Phật dạy cũng như người bệnh dùng thuốc vậy, biết bệnh biết thuốc thì hết bệnh, nếu không thì lầm lẫn có hại.


Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 90253
  • Online: 25