Kinh Viên Giác ( Phần 13) - CHƯƠNG XII: BỒ-TÁT HIỀN THIỆN THỦ THƯA HỎI

23/02/2015 | Lượt xem: 3629

CHƯƠNG XII

BỒ-TÁT HIỀN THIỆN THỦ THƯA HỎI

ÂM:

Ư thị Hiền Thiện Thủ Bồ-tát tại đại chúng trung tức tùng tòa khởi đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, trường quì xoa thủ nhi bạch Phật ngôn:

- Đại bi Thế Tôn quảng vị ngã đẳng cập mạt thế chúng sanh khai ngộ như thị bất tư nghì sự. Thế Tôn, thử Đại thừa giáo danh tự hà đẳng? Vân hà phụng trì? Chúng sanh tu tập đắc hà công đức? Vân hà sử ngã hộ trì kinh nhân? Lưu bố thử giáo chí ư hà địa?

Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh, chung nhi phục thủy.

 

DỊCH:

Lúc đó Bồ-tát Hiền Thiện Thủ ở trong đại chúng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay bạch Phật rằng:

- Đức Thế Tôn đại bi, vì chúng con và chúng sanh đời sau khai ngộ rộng rãi những việc không thể nghĩ bàn như thế. Bạch Thế Tôn, kinh Đại thừa này tên là gì? Làm sao phụng trì? Chúng sanh tu tập được những công đức gì? Chúng con làm sao bảo hộ người trì kinh? Nên lưu bố kinh giáo này đến nơi nào?

Thưa lời đây rồi năm vóc gieo xuống đất, thưa hỏi như thế lặp lại ba lần.

GIẢNG:

Đây là chương rốt sau, trong chương này ngài Hiền Thiện Thủ đứng ra thưa hỏi. Thủ là trước, là người đứng đầu trong hàng Hiền thiện. Tại sao Ngài lại hỏi ở đoạn chót này? Thường phần chót các kinh là phần lưu thông, lưu thông có nghĩa là truyền bá. Người đem chánh pháp truyền bá sau này gọi là người lành bậc nhất, người hiền bậc nhất nên gọi là Hiền Thiện Thủ. Ngài đặt năm câu hỏi:

1. Kinh này tên gì?

2. Làm sao phụng trì?

3. Người tu tập kinh này có công đức gì?

4.Chúng con làm sao bảo hộ người trì kinh?

5. Kinh này nên lưu bố đến chỗ nào?

ÂM:

Nhĩ thời Thế Tôn cáo Hiền Thiện Thủ Bồ-tát ngôn:

- Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử, nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh, vấn ư Như Lai như thị kinh giáo công đức danh tự. Nhữ kim đế thính, đương vị nhữ thuyết.

Thời Hiền Thiện Thủ Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.

DỊCH:

Khi ấy Thế Tôn bảo Bồ-tát Hiền Thiện Thủ rằng:

- Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông mới hay vì Bồ-tát và chúng sanh đời sau thưa hỏi Như Lai, những danh tự công đức của kinh như thế, nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông nói.

Khi ấy Bồ-tát Hiền Thiện Thủ vâng lời dạy, cùng đại chúng yên lặng lắng nghe.

GIẢNG:

Phật tán thán Bồ-tát Hiền Thiện Thủ và bảo phải chăm chú nghe lời Phật dạy.

ÂM:

- Thiện nam tử, thị kinh bá thiên vạn ức hằng hà sa chư Phật sở thuyết, tam thế Như Lai chi sở thủ hộ, thập phương Bồ-tát chi sở qui y, thập nhị bộ kinh thanh tịnh nhãn mục. Thị kinh danh Đại Phương Quảng Viên Giác Đà-la-ni, diệc danh Tu-đa-la Liễu Nghĩa, diệc danh Bí Mật Vương Tam-muội, diệc danh Như Lai Quyết Định Cảnh Giới, diệc danh Như Lai Tạng Tự Tánh Sai Biệt, nhữ đương phụng trì.

DỊCH:

- Này thiện nam, kinh này do trăm ngàn muôn ức hằng hà sa chư Phật nói ra, là chỗ bảo hộ của ba đời chư Phật, là chỗ qui y của mười phương Bồ-tát, là con mắt thanh tịnh của mười hai bộ kinh. Kinh này tên là Đại Phương Quảng Viên Giác Đà-la-ni, cũng tên Tu-đa-la Liễu Nghĩa, cũng tên Bí Mật Vương Tam-muội, cũng tên Như Lai Quyết Định Cảnh Giới, cũng tên Như Lai Tàng Tự Tánh Sai Biệt, ông nên phụng trì.

GIẢNG:

Kinh Viên Giác không phải một mình Phật Thích-ca nói mà các đức Phật trong mười phương nhiều như cát sông Hằng cũng đều nói kinh này. Vì kinh này có tầm quan trọng như thế nên các đức Như Lai trong ba đời thường gìn giữ bảo hộ, và chư Bồ-tát trong mười phương cũng đều qui y. Kinh này là con mắt thanh tịnh của mười hai bộ kinh.

Kinh này có nhiều tên:

- Đại Phương Quảng Viên Giác Đà-la-ni: Đại Phương Quảng là chỉ cho tầm rộng lớn vượt qua thời gian và không gian của tánh Viên giác. Đà-la-ni là tổng trì hay là bao trùm, tức là tánh Viên giác bao trùm cả thời gian và không gian.

- Tu-đa-la Liễu Nghĩa: Tu-đa-la là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là kinh. Kinh này thuộc về kinh liễu nghĩa. Kinh Phật có chia ra kinh liễu nghĩa và kinh bất liễu nghĩa. Kinh liễu nghĩa là kinh nói cùng tột rốt ráo; kinh bất liễu nghĩa là kinh nói tùy theo căn cơ của người, vì Phật dùng phương tiện thích hợp để cho họ hiểu mà tu tập từ từ, nên Phật không nói đến lý tột cùng.

- Bí Mật Vương Tam-muội: Bí mật là sâu kín, khó thấu tột, Vương là vua, Tam-muội là chánh định. Bí Mật Vương Tam-muội là Vua trong các chánh định, Đây là cái chánh định hằng có nơi mọi chúng sanh mà chúng sanh không thấy không biết nên nói là bí mật.

- Như Lai Quyết Định Cảnh Giới là cảnh giới quyết định của Như Lai, cảnh giới Viên giác chỉ có đức Như Lai mới quyết định chứng nhập được. Từ Bồ-tát Đẳng giác trở xuống còn ở trong vòng cầu chứng nhập nên chưa quyết định được.

- Như Lai Tàng Tự Tánh Sai Biệt: Như Lai Tàng là Như Lai còn tiềm ẩn trong tâm của chúng sanh, tức là tánh Viên giác còn bị triền phược vậy. Tự tánh sai biệt là Tự tánh Viên giác tùy duyên ứng hiện các pháp sai khác.

Ở đây đề tên Kinh Viên Giác là rút gọn, nếu nói đủ là nói nhiều tên như trên.

ÂM:

- Thiện nam tử, thị kinh duy hiển Như Lai cảnh giới, duy Phật Như Lai năng tận tuyên thuyết, nhược chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh y thử tu hành, tiệm thứ tăng tiến chí ư Phật địa. Thiện nam tử, thị kinh danh vi đốn giáo Đại thừa, đốn cơ chúng sanh tùng thử khai ngộ, diệc nhiếp tiệm tu nhất thiết quần phẩm. Thí như đại hải bất nhượng tiểu lưu nãi chí văn manh cập a-tu-la ẩm kỳ thủy giả giai đắc sung mãn.

DỊCH:

- Này thiện nam, Kinh này chỉ hiển bày cảnh giới Như Lai nên chỉ có Như Lai mới hay tuyên nói. Nếu các Bồ-tát và chúng sanh đời sau y đây tu hành thì dần dần tăng tiến đến địa vị Phật. Này thiện nam! Kinh này tên là Đại thừa đốn giáo, chúng sanh căn cơ đốn từ đây được khai ngộ, kinh này cũng nhiếp tất cả chúng sanh tiệm tu. Thí như biển lớn không bỏ sót các dòng nước nhỏ, cho đến ruồi muỗi và a-tu-la uống nước biển đều được no đủ.

GIẢNG:

Kinh này nói về cảnh giới Viên giác nên chỉ có Phật mới thấu triệt, còn từ Bồ-tát trở xuống chỉ y theo đây tu mà thôi.

Trong kinh nói thần a-tu-la đưa tay che được mặt trời ắt hẳn thân phải to lắm. Thế mà a-tu-la uống nước biển đến no mà biển vẫn không cạn, còn loài có thân nhỏ xíu như ruồi nhặng uống nước biển cũng no. Điều này để nói lên biển cả thênh thang không phân biệt lớn nhỏ, loài nào uống nước biển cũng được lợi ích no đủ. Cũng vậy, người căn cơ bậc thượng đối với kinh này mà thâm nhập được thì thể nhập tánh Viên giác. Người tiểu trí độn căn mà hiểu được tu được, cũng thể nhập tánh Viên giác. Như vậy kinh không dành cho riêng ai. 

ÂM:

- Thiện nam tử, giả sử hữu nhân, thuần dĩ thất bảo tích mãn tam thiên đại thiên thế giới, dĩ dụng bố thí bất như hữu nhân văn thử kinh danh cập nhất cú nghĩa. Thiện nam tử, giả sử hữu nhân, giáo bách hằng hà sa chúng sanh đắc A-la-hán quả, bất như hữu nhân tuyên thuyết thử kinh phân biệt bán kệ.

DỊCH:

- Này thiện nam, giả sử có người thuần dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới đem bố thí, không bằng người nghe tên kinh này và hiểu nghĩa lý một câu. Này thiện nam, giả sử có người giáo hóa trăm ngàn hằng hà sa số chúng sanh đắc quả A-la-hán, không bằng người tuyên nói rành rẽ nửa bài kệ của kinh này.

GIẢNG:

Phật nói người dùng bảy báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới đem bố thí, phước đức không bằng người nghe tên kinh này và hiểu nghĩa lý một câu. Tại sao thế? Vì bố thí bảy báu tuy có phước nhiều, nhưng là phước hữu lậu, hưởng một thời gian giới hạn rồi sẽ hết. Còn nghe tên kinh này và hiểu nghĩa lý một câu, tuy ít nhưng đã gieo được hạt giống vô lậu, sớm muộn gì cũng tu và cũng đạt được quả vô lậu, vì vậy mà quí hơn phước hữu lậu.

Người giáo hóa vô số chúng sanh tu đắc quả A-la-hán, công đức không bằng người tuyên nói rành rẽ nửa bài kệ của kinh này. Tại sao vậy? Vì khi một người nghe nửa bài kệ của kinh này, đủ lòng tin tu tới chỗ cứu kính là thể nhập tánh Viên giác tức là thành Phật, có vô số diệu dụng làm lợi ích cho chúng sanh không thể tính kể. Còn trăm ngàn người tu chứng quả Thanh văn, các ngài dứt thọ tưởng ngang đó nhập Diệt tận định, không ra giáo hóa làm lợi ích cho chúng sanh, nên nói người giáo hóa vô số chúng sanh đắc quả A-la-hán, không bằng người tuyên nói rành rẽ nửa bài kệ của kinh này. Ngày nay chúng ta không hiểu nghĩa lý, chấp trên văn tự, đem kinh ra giảng giải rồi tự cho là mình có phước đức nhiều, đó là một lầm lẫn lớn. Học là phải hiểu cho tới nơi tới chốn thì khi thực hành mới được lợi ích.

ÂM:

- Thiện nam tử, nhược phục hữu nhân văn thử kinh danh tín tâm bất hoặc, đương tri thị nhân phi ư nhất Phật nhị Phật chủng chư phước tuệ, như thị nãi chí tận hằng hà sa nhất thiết Phật sở, chủng chư thiện căn văn thử kinh giáo. Nhữ thiện nam tử, đương hộ mạt thế thị tu hành giả, vô linh ác ma cập chư ngoại đạo não kỳ thân tâm, linh sanh thối khuất.

DỊCH:

- Này thiện nam, nếu có người nghe tên kinh này lòng tin không nghi, nên biết người ấy chẳng phải ở nơi một đức Phật hai đức Phật gieo trồng phước tuệ như thế cho đến ở nơi hằng hà sa tất cả đức Phật trồng các căn lành nghe kinh giáo này. Này thiện nam, nên hộ trì những người ở đời sau tu hành, chớ để những loài ác ma và ngoại đạo làm não hại thân tâm họ khiến cho họ sanh tâm lui sụt.

GIẢNG:

Phật nói người nghe kinh này tâm không sanh nghi hoặc, người đó không phải mới gieo trồng căn lành ở một đời đức Phật, hai đời đức Phật mà gieo trồng căn lành ở vô số đức Phật rồi. Những người đó đã từng nghe kinh này nên bây giờ nghe không nghi. Và Phật bảo các vị Bồ-tát hộ trì cho người đời sau thọ trì tu hành theo kinh này để họ tiến tu, không cho tà ma làm não loạn người ấy khiến họ thoái lui.

ÂM:

Nhĩ thời hội trung hữu Hỏa Thủ Kim cang, Tồi Toái Kim cang, Ni-lam-bà Kim cang đẳng, bát vạn Kim cang tinh kỳ quyến thuộc, tức tùng tòa khởi đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, nhi bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn, nhược hậu mạt thế nhất thiết chúng sanh hữu năng trì thử quyết định Đại thừa, ngã đương thủ hộ, như hộ nhãn mục nãi chí đạo tràng sở tu hành xứ, ngã đẳng Kim cang tự lĩnh đồ chúng thần tịch thủ hộ, linh bất thối chuyển. Kỳ gia nãi chí vĩnh vô tai chướng, dịch bệnh tiêu diệt, tài bảo phong túc, thường bất phạp thiểu.

DỊCH:

Khi ấy trong hội có Hỏa Thủ Kim cang, Tồi Toái Kim cang, Ni-lam-bà Kim cang… Tám vạn Kim cang cùng với quyến thuộc liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, nếu tất cả chúng sanh đời sau có thể thọ trì Đại thừa quyết định này, chúng con sẽ bảo hộ người đó như giữ tròng con mắt của mình vậy; cho đến nơi đạo tràng của người này tu hành, hàng Kim cang chúng con tự lãnh đồ chúng ngày đêm bảo vệ, khiến cho chẳng thoái chuyển; cho đến nhà của họ hằng không có tai chướng, bệnh dịch đều tiêu trừ, những tài bảo đều đầy đủ thường không thiếu thốn.

GIẢNG:

Nếu chúng ta tu đúng theo tinh thần kinh Viên Giác thì các thần Kim cang bảo hộ cho chúng ta không bệnh tật, không tai ách, không để cho chúng ta thiếu thốn. Nhưng vì Phật dạy một đàng chúng ta làm một nẻo, hoặc dạy mười chỉ làm có một hay không tới một. Người tu hay có cái bệnh là tu thì không chịu tu mà cứ cầu thần ủng hộ. Các ngài nguyện là nguyện ủng hộ người tu chớ không ủng hộ người chỉ cầu suông. Không chịu tu mà cứ cầu hoài làm sao các ngài ủng hộ được. Hiểu như vậy mới thấy mình tu không cần cầu các ngài cũng ủng hộ, còn không chịu tu mà cứ cầu, các ngài có ủng hộ không?  Nếu chúng ta tu đến chỗ không còn thấy người nào đáng ghét và người nào đáng thương, thương ghét bình đẳng thì chắc chắc các ngài luôn luôn ủng hộ như ủng hộ tròng con mắt. Chúng ta thương thì đưa cao trên núi, ghét thì hạ thấp dưới vực thẳm. Làm sao các ngài ủng hộ được? Ủng hộ để chúng ta làm chuyện bất công sao? Lòng chúng ta còn thương còn ghét thì ủng hộ cho chúng ta khoẻ có tiền của để chúng ta làm theo chuyện thương ghét của mình hay sao? Vì không đúng lời Phật dạy nên không được ủng hộ, chúng ta mới bị cảnh này cảnh kia nhiễu loạn, nếu chúng ta tu đúng như lời Phật dạy thì không đến nỗi nào.

Chỉ một việc Phật bảo xem kẻ thù như cha mẹ mà chúng ta làm cũng không xong, có khi quên rồi cũng nổi giận đùng đùng. Chúng ta không biết lỗi mình, cứ trách sao các ngài nguyện hộ vệ người tu mà không hộ vệ để cho phải bị những chướng nạn. Cũng như chúng ta muốn giúp người học để thành tài, nhưng họ lười biếng quá cứ bỏ học đi chơi, chúng ta không ủng hộ họ nữa. Người ấy trách tại sao chúng ta hứa ủng hộ cho họ học đến nơi đến chốn bây giờ bỏ nửa chừng. Trường hợp ấy nên trách ai? Tại sao không tự trách mà lại trách người?

ÂM:

Nhĩ thời Đại Phạm vương, nhị thập bát Thiên vương, tinh Tu-di sơn vương, Hộ Quốc thiên vương đẳng tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, nhi bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn, ngã diệc thủ hộ thị trì kinh giả thường linh an ẩn, tâm bất thối chuyển.

DỊCH:

Khi ấy Đại Phạm vương và hai mươi tám vị Thiên vương, cùng với Tu-di sơn vương, Hộ Quốc thiên vương… liền từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, con cũng hộ trì người trì kinh khiến họ được an ổn tâm không thoái chuyển.

GIẢNG:

Chẳng những các thần Kim cang phát tâm bảo hộ người trì kinh mà chư thiên cũng nguyện ủng hộ nữa.

ÂM:

Nhĩ thời hữu Đại Lực quỉ vương danh Kiết-bàn-trà dữ thập vạn Quỉ vương, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp, nhi bạch Phật ngôn:

- Thế Tôn, ngã diệc thủ hộ thị trì kinh nhân triêu tịch thị vệ linh bất thoái khuất, kỳ nhân sở cư nhất do-tuần nội, nhược hữu quỉ thần xâm kỳ cảnh giới, ngã đương sử kỳ toái như vi trần.

DỊCH:

Khi ấy có Đại Lực quỉ vương tên là Kiết-bàn-trà cùng với mười muôn Quỉ vương, từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, bạch Phật rằng:

- Bạch Thế Tôn, chúng con cũng nguyện sớm chiều bảo hộ hầu hạ người trì kinh này, khiến cho chẳng thoái chuyển. Người trì kinh ở chỗ nào trong khoảng một do-tuần, nếu có quỉ thần xâm phạm vào cảnh giới ấy con sẽ đập nát bọn đó như hạt bụi.

GIẢNG:

Nếu có quỉ thần nào bén mảng đến chỗ người trì kinh thì Đại Lực quỉ vương sẽ đập nát như hạt bụi. Như vậy là quá bảo đảm, người tu mà có thần Kim cang, chư thiên cho tới các Quỉ vương cũng bảo hộ thì không ai phá phách được, nhưng với điều kiện vị đó tu đúng, nếu tu sai hoặc lười biếng thì gặp nạn, phải chịu lấy chớ đừng trách các ngài không bảo hộ.

ÂM:

Phật thuyết thử kinh dĩ, nhất thiết Bồ-tát, thiên, long, quỉ thần, bát bộ quyến thuộc, cập chư Thiên vương, Phạm vương đẳng, nhất thiết đại chúng văn Phật sở thuyết giai đại hoan hỉ tín thọ phụng hành.

DỊCH:

Phật nói kinh này xong, tất cả Bồ-tát, thiên, long, quỉ thần, bát bộ quyến thuộc và các Thiên vương, Phạm vương… tất cả đại chúng nghe Phật dạy rồi đều rất vui vẻ tin nhận vâng làm.

GIẢNG:

Nghe rồi phải tin nhận vâng làm, đó mới là thiết yếu.

Chúng ta đã học xong bộ kinh Viên Giác, học thì xong mà người tu thì từng phần giác cũng chưa được. Chúng ta thiếu phước duyên nên ra đời không gặp Phật trực tiếp để Ngài chỉ dạy tu hành tiến cho mau. Nhưng xét lại, chúng ta cũng còn chút phước duyên, tuy cách Phật đã hơn hai ngàn năm mà còn được pháp Phật để học, và nhận ra những điều Phật nói đúng với lẽ thật để ứng dụng tu. Phước duyên đó không phải mới có đây mà đã có từ lâu xa rồi. Ngày nay, nhất là những người được đầu tròn áo vuông ngồi ở trong đạo tràng nghe kinh học đạo, sống trong luật lệ nhà chùa là do chủng duyên chủng phước từ nhiều đời nhiều kiếp. Nhiều đời nhiều kiếp đã có chủng duyên chủng phước, chẳng lẽ ngang đây lơ là để cho chủng duyên chủng phước thúi mục sao? Chúng ta phải ráng săn sóc phơi phóng cho kỹ, đừng để hư hao bởi lý do này hoặc lý do khác. Như vậy mới xứng đáng. Vì trong kinh Phật có nói: Những người ngày nay nghe kinh Viên Giác mà hiểu được không nghi, là do chẳng những một kiếp mà đã vô lượng kiếp gặp Phật gieo trồng căn lành phước tuệ rồi, chớ đâu phải chuyện ngẫu nhiên. Chúng ta tự nhận rằng mình đã có căn lành, mà căn là cái gốc, gốc cây chắc chắn thì cây sẽ lên tược đơm hoa kết quả. Chỉ có những người có gốc sẵn mà không chịu săn sóc, để cho sâu bọ hoặc để cho người khác chặt phá đó là cái lỗi không biết gìn giữ. Đã có gốc lành thì cố gắng phát triển. Căn cứ theo lời Phật dạy mỗi người phải nỗ lực tiến tu.

Ở đây tôi tóm lại cho dễ nhớ.

Toàn bộ kinh Viên Giác gồm có mười hai chương. Mỗi chương có một vị Bồ-tát đại diện đứng ra thưa hỏi.

Chương đầu Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi đứng ra hỏi Phật về công hạnh tu hành ban đầu của Phật, tu thế nào được viên mãn thành Phật? Đó là chủ yếu của toàn bộ kinh. Đức Phật trả lời: Tu là sống lại với Tánh giác tròn đầy chớ không có gì khác. Nhưng muốn trở lại với Tánh giác tròn đầy thì trước phải biết rõ vô minh. Vì vô minh nên chấp tứ đại là thân mình thật, chấp vọng tưởng là tâm mình thật. Kế đó Phật dạy chúng ta quán từng phần thân để thấy rõ thân không thật. Nhìn kỹ tâm thức, thấy tâm thức chỉ là bóng dáng sáu trần chợt hiện chợt mất, nó không thật. Buông được hai cái lầm chấp về thân tâm thì sẽ sống được với Tánh giác.

Sau đó các Bồ-tát tuần tự hỏi về phương pháp tu. Phật dạy tu Chỉ, Quán, Thiền, hoặc tu đơn hoặc tu ghép… Chúng ta thấy toàn bộ kinh Phật dạy không ngoài ba pháp tu, ba pháp tu đó là căn bản giúp cho chúng ta sống với Tánh giác:

1- Chỉ: Dừng tâm lóng lặng.

2- Quán: Có hai cách, quán hạnh của chư Phật Bồ-tát hoặc quán các pháp như huyễn hóa, thấy rõ các pháp như vậy.

3- Thiền

Chúng ta thấy rõ muốn làm Phật thì không gì khác hơn là tu Chỉ, Quán và Thiền. Tuy nói ba chớ thật là Thiền trùm hết, Thiền gồm cả định và tuệ. Định là Chỉ. Tuệ là Quán. Vậy tu Thiền là cội gốc mà đức Phật chỉ cho chúng ta trở về với Tánh giác, muốn sống trọn vẹn với Tánh giác, không có cách nào khác hơn.

Đến chương Phổ Giác Phật chỉ rõ trong khi tu có những bệnh:

- Bệnh tác: Cho rằng dụng công nhiều, làm các công hạnh nhiều là được thành Phật. Đó là bệnh.

            - Bệnh nhậm: Nghe Phật nói chúng ta đều có Phật tánh nên họ mặc tình không tu hành gì hết. Đó là bệnh.

- Bệnh chỉ: là đè cho vọng tưởng lặng xuống cho đó là đạo.

- Bệnh diệt: là diệt hết phiền não cho tâm rỗng không, cho cái rỗng không khô lạnh đó là cứu kính của đạo.

Những bệnh đó làm chúng ta mắc kẹt, tu không đến Viên giác được. Nếu bỏ bốn bệnh đó mới tu đến cứu kính viên mãn.

Cuối cùng Bồ-tát Hiền Thiện Thủ đứng ra thưa hỏi. Đó là khi chúng ta tu viên mãn công đức không thể nghĩ lường. Cho nên đây hỏi công đức của kinh, công đức của người trì kinh, các vị ủng hộ kinh v.v…

Người học đạo muốn được giác ngộ phải y đó mà tu thì sớm muộn gì cũng tới, ngoại trừ chúng ta không chịu tu hoặc chúng ta tu cách khác. Người học đạo phải hiểu rõ, thành đạo không phải ở chỗ học suông, kiến giải rộng, mà ở chỗ học hiểu để tu, học mà không hành thì không tới đâu hết.

Các bài đã đăng

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 08413
  • Online: 10