Kinh Viên Giác ( Phần 4) - CHƯƠNG III: BỒ-TÁT PHỔ NHÃN THƯA HỎI
18/03/2016 | Lượt xem: 4253
CHƯƠNG III: BỒ-TÁT PHỔ NHÃN THƯA HỎI
ÂM:
Ư thị Phổ Nhãn Bồ-tát tại đại chúng trung, tức tùng tòa khởi, đảnh lễ Phật túc, hữu nhiễu tam táp trường quì xoa thủ, nhi bạch Phật ngôn:
- Đại bi Thế Tôn, nguyện vị thử hội chư Bồ-tát chúng cập vị mạt thế nhất thiết chúng sanh diễn thuyết Bồ-tát tu hành tiệm thứ, vân hà tư duy, vân hà trụ trì, chúng sanh vị ngộ tác hà phương tiện phổ linh khai ngộ. Thế Tôn, nhược bỉ chúng sanh vô chánh phương tiện, cập chánh tư duy, văn Phật Như Lai thuyết thử tam-muội tâm sanh mê muộn, tức ư Viên giác bất năng ngộ nhập. Nguyện hưng từ bi vị ngã đẳng bối cập mạt thế chúng sanh giả thuyết phương tiện.
Tác thị ngữ dĩ, ngũ thể đầu địa, như thị tam thỉnh, chung nhi phục thủy.
DỊCH:
Lúc đó Bồ-tát Phổ Nhãn ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, đi nhiễu bên phải ba vòng, quì gối chấp tay bạch Phật rằng:
- Thế Tôn đại bi, xin vì chúng Bồ-tát trong hội này và tất cả chúng sanh đời sau diễn nói thứ lớp tu của Bồ-tát, làm sao tư duy, làm sao trụ trì? Chúng sanh chưa ngộ tạo phương tiện gì khiến cho họ được khai ngộ? Bạch Thế Tôn, nếu chúng sanh kia không có chánh phương tiện và chánh tư duy, nghe Như Lai nói tam-muội này tâm sanh mê muội, đối với tánh Viên giác không thể ngộ nhập. Xin Ngài từ bi, vì bọn chúng con và chúng sanh đời sau tạm nói phương tiện.
Thưa lời đây rồi năm vóc gieo xuống đất, thưa thỉnh như vậy lặp lại ba lần.
GIẢNG:
Phổ là khắp, Nhãn là con mắt tức là con mắt thấy khắp. Như ngài Huyền Sa Sư Bị thường nói “Tam thiên đại thiên thế giới là một con mắt của Sa-môn”. Đọc qua chương trước chúng ta thấy đức Phật trả lời dường như đủ rồi. Nhưng các Bồ-tát thấy chưa đủ, chưa thể tu được, nên ở chương này, Bồ-tát Phổ Nhãn đứng ra thưa hỏi thật kỹ. Đây là ba câu hỏi:
1- Chúng sanh phải thứ lớp tu như thế nào? Suy nghĩ thế nào cho hợp đạo?
2- Phải gìn giữ cách nào cho đúng với chánh pháp?
3- Chúng sanh chưa ngộ làm cách nào cho họ dần dần được khai ngộ?
Đoạn trên Phật nói tổng quát chắc họ không thực hành được, nên Ngài yêu cầu Phật chỉ cho phương tiện để chúng sanh sau này tư duy chân chánh, và nghe đến tam-muội này tâm không sanh mê muội để thể nhập vào tánh Viên giác. Từ đây về sau Phật mới nói qua phương tiện.
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn cáo Phổ Nhãn Bồ-tát ngôn:
- Thiện tai, thiện tai! Thiện nam tử nhữ đẳng nãi năng vị chư Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh vấn ư Như Lai tu hành tiệm thứ, tư duy trụ trì, nãi chí giả thuyết chủng chủng phương tiện. Nhữ kim đế thính đương vị nhữ thuyết.
Thời Phổ Nhãn Bồ-tát phụng giáo hoan hỉ cập chư đại chúng mặc nhiên nhi thính.
DỊCH:
Khi ấy Phật bảo Bồ-tát Phổ Nhãn rằng:
- Lành thay, lành thay! Này thiện nam, các ông hay vì các Bồ-tát và chúng sanh đời sau cầu thỉnh Như Lai thứ lớp tu hành dạy cách tư duy cách an trụ gìn giữ cho đến tạm lập các thứ phương tiện. Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì các ông mà nói.
Bấy giờ Bồ-tát Phổ Nhãn vui vẻ vâng lời dạy, cùng đại chúng lặng lẽ lắng nghe.
GIẢNG:
Phật khen Bồ-tát Phổ Nhãn vì đại chúng và chúng sanh đời sau cầu xin Phật tạm lập phương tiện tu hành để nhập tánh Viên giác.
ÂM:
- Thiện nam tử, bỉ tân học Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh dục cầu Như Lai tịnh Viên giác tâm, ưng đương chánh niệm viễn ly chư huyễn, tiên y Như Lai xa-ma-tha hạnh, kiên trì cấm giới, an xử đồ chúng, yến tọa tĩnh thất, hằng tác thị niệm: Ngã kim thử thân tứ đại hòa hợp, sở vị phát, mao, trảo, xỉ, bì, nhục, cân, cốt, tủy, não cấu sắc giai qui ư địa. Thóa, thế, nùng, huyết, tân dịch, tiên mạt, đàm, lệ, tinh khí, đại, tiểu tiện lợi giai qui ư thủy. Noãn khí qui hỏa. Động chuyển qui phong. Tứ đại các ly, kim giả vọng thân đương tại hà xứ? Tức tri thử thân tất cánh vô thể, hòa hợp vi tướng, thật đồng huyễn hóa. Tứ duyên giả hợp, vọng hữu lục căn, lục căn tứ đại trung ngoại hợp thành, vọng hữu duyên khí, ư trung tích tụ tợ hữu duyên tướng giả danh vi tâm. Thiện nam tử, thử hư vọng tâm, nhược vô lục trần, tắc bất năng hữu. Tứ đại phân giải, vô trần khả đắc. Ư trung duyên trần các qui tán diệt, tất cánh vô hữu duyên tâm khả kiến.
DỊCH:
- Này thiện nam, những vị Bồ-tát mới học và chúng sanh đời sau, muốn cầu tâm Viên giác thanh tịnh Như Lai, phải chánh niệm xa lìa các pháp huyễn, trước y theo hạnh xa-ma-tha Như Lai, kiên trì giới cấm, sắp xếp đồ chúng, ngồi yên trong thất vắng, thường khởi nghĩ: “Thân này của ta do tứ đại hòa hợp, những là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não… sắc chất dơ bẩn đều thuộc về đất. Nước dãi, nước mắt, máu mủ, nước tiểu, nước bọt, đàm dãi... thuộc về nước. Hơi nóng thuộc về lửa. Chuyển động thuộc về gió. Bốn đại mỗi cái rời xa, hỏi thân không thật này về chỗ nào? Liền biết thân này rốt ráo không có tự thể (cố định), do hòa hợp mà có tướng, thật đồng với huyễn hóa.
Bốn duyên (tứ đại) giả hợp tạm có sáu căn. Sáu căn bốn đại trong ngoài hợp thành tạm có duyên khí tích tụ ở trong, in tuồng như có tướng năng duyên, giả gọi là tâm.
Này thiện nam! Tâm hư vọng này nếu không có (duyên) sáu trần ắt không có. Bốn đại phân tán (thân hoại, căn mất) sáu trần cũng không còn. (Ý) căn ở trong duyên theo sáu trần mỗi thứ phân tán. Rốt cuộc không còn cái tâm duyên có thể thấy.
GIẢNG:
Đức Phật dạy chúng ta muốn tu theo thứ lớp thì trước tiên phải y theo pháp Chỉ. Kế là gìn giữ giới cấm của Phật cho tinh nghiêm, đồng thời phải sắp xếp đồ chúng và ngồi yên trong thất vắng để tư duy hay chánh quán. Chúng ta muốn theo thứ lớp mà quán thì trước hết phải quán ngay nơi thân này do đất nước gió lửa hòa hợp: Tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương… tất cả chất cứng đó thuộc về đất. Nước miếng, mồ hôi, máu, mủ, nước tiểu, đàm dãi… thuộc về nước. Hơi ấm trong người thuộc về lửa. Sự động chuyển, hơi thở ra vào là gió. Bốn đại này, chúng ta tách riêng mỗi thứ, tìm lại coi cái gì là thân mình? Tìm không ra. Cả bốn cái đó hợp lại thì tạm nói là thân mình, còn nếu phân ly ra thì tìm lại cái thân huyễn này không có chỗ nơi, liền biết thân này rõ ràng không có thật thể, do tứ đại hòa hợp mà có tướng, có đó rồi mất nên nói là huyễn hóa. Bao nhiêu đời bao nhiêu kiếp chúng ta đã lầm cho nó là thật, cho nên mất thân này tạo thân khác. Quán xét thật kỹ để biết nó hư giả, mầm sanh diệt lần lần sẽ hết, muốn thoát luân hồi phải có trí tuệ để phá mê lầm vô minh.
Xét về thân rồi, đức Phật dạy chúng ta xét về tâm. Khi đất, nước, gió, lửa duyên hợp thì tạm có thân, khi đã có thân rồi thì có sáu căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Sáu căn có là do tứ đại bên trong và tứ đại bên ngoài hợp lại mà có, hơi tích tụ ở trong, hơi đó vận chuyển nên có ý nghĩ phân biệt sáu trần tạm gọi là tâm. Thí dụ chúng ta thấy một hình ảnh nào đó, khi ngồi yên sực nhớ lại hình ảnh đó. Tâm duyên theo hình bóng đó gọi là duyên khí. Tại sao gọi là duyên khí? Như mùi hôi hay thơm của một cái khăn là do xông ướp một cái khác mà có mùi. Cũng vậy do căn trần tiếp xúc rồi bóng dáng đó xông ướp thành hơi, cái hơi đó là bóng dáng ở trong tâm mình. Nó xông ướp cái nào thì chứa nhóm thành chủng tử cái đó. Những chủng tử chứa nhóm nhiều in tuồng như cái tướng để nó duyên rồi cái tướng nó duyên giả danh tên là tâm. Tất cả những cái nghĩ này nghĩ kia là đều nghĩ theo bóng dáng do huân tập của sáu trần với sáu căn mà có.
Khi chúng ta độc thoại, hoặc đang ngồi, hoặc đang đi, chợt nhớ việc này việc nọ, rồi phát thành ngôn ngữ, đó là do cuộn hơi từ rún đưa lên, nếu mạnh thì phát ra lời nói diễn bày cho người khác nghe, yếu thì đủ mình nghe. Thành ra những ý niệm suy nghĩ chỉ là do hơi cuộn phát ra thôi. Một hôm ngồi chơi, tôi chợt thấu đáo được ý nghĩa của hai chữ tập khí. Thường khi chúng ta nghe giải nghĩa hai chữ tập khí là thói quen, nhưng bây giờ tôi mới phát minh nghĩa của nó là chỗ nhóm họp hơi. Những ý niệm suy nghĩ của chúng ta đều do một ít hơi từ rún đưa lên cuộn lại rồi phát ra lời. Nghĩ về người thì nói về người, nghĩ về vật thì nói về vật, ở trong thì chúng ta cho đó là tư tưởng, phát ra ngoài cho là ngôn ngữ. Thật ra tất cả tư tưởng đều là ngôn ngữ. Quí vị xét xem có phải vậy không? Điều này chúng ta phải ngồi lại nhìn kỹ mới thấy được. Khi chúng ta ngồi lặng yên, chợt có ý niệm dấy lên, thì một luồng hơi từ rún đưa lên rồi phát ra lời, yếu thì đủ mình nghe gọi là tư tưởng, mạnh thì nói cho mọi người cùng nghe gọi là ngôn ngữ. Vì vậy nên đức Phật mới nói khí tích tụ ở trong, giống như tướng năng duyên và hình bóng mà mình thấy ở ngoài rơi vào tâm thức, hai cái đó duyên với nhau giả gọi là tâm. Chúng ta đã chấp cái giả làm thân làm tâm rồi, làm sao biết được cái thật là tánh Viên giác. Cho nên suốt kiếp đi trong luân hồi.
Nếu thân tứ đại phân tán tức là thân tứ đại chết, sáu căn hoại và hình ảnh (sáu trần) bên ngoài không có, thì lúc đó chúng ta cũng không tìm ra cái tâm hay duyên. Như vậy cái tâm hay duyên là cái hư giả do sáu căn và sáu trần hợp lại mà có. Rõ ràng thân tâm (vọng tâm) đều không thật.
Phật bảo chúng ta phải chánh tư duy, quán sát kỹ điều này cho thấy rõ lẽ thật, đó là chỗ tu hành.
ÂM:
- Thiện nam tử, bỉ chi chúng sanh huyễn thân diệt cố, huyễn tâm diệc diệt. Huyễn tâm diệt cố, huyễn trần diệc diệt. Huyễn trần diệt cố, huyễn diệt diệc diệt. Huyễn diệt diệt cố phi huyễn bất diệt. Thí như ma kính, cấu tận minh hiện. Thiện nam tử, đương tri thân tâm giai vi huyễn cấu, cấu tướng vĩnh diệt thập phương thanh tịnh.
DỊCH:
- Này thiện nam, huyễn thân của các chúng sanh kia diệt, nên huyễn tâm cũng diệt, vì huyễn tâm diệt nên huyễn trần cũng diệt, vì huyễn trần diệt nên cái huyễn diệt cũng diệt, cái huyễn diệt diệt nhưng cái phi huyễn (tánh Viên giác) không diệt. Thí như lau gương, bụi nhơ hết thì ánh sáng hiện. Này thiện nam, nên biết thân tâm đều là huyễn hóa nhơ bẩn, tướng nhơ bẩn đó hằng diệt thì (tánh Viên giác) thanh tịnh khắp mười phương.
GIẢNG:
Đoạn này Phật chỉ thật là tường tận. Thân chúng ta do tứ đại giả hợp tạm có, biết nó như huyễn thì vọng tưởng duyên theo cái như huyễn đó cũng không thật. Như vậy huyễn thân và huyễn tâm đều diệt. Huyễn tâm diệt nên huyễn trần cũng theo đó mà diệt, trong kinh thường nói “tâm sanh thì các pháp sanh, tâm diệt thì các pháp diệt”. Vì huyễn trần diệt nên cái huyễn diệt cũng diệt, cái nghĩ diệt thân tâm trần cảnh, cái nghĩ diệt đó cũng diệt. Những cái huyễn đã diệt hết rồi lúc đó mới là phi huyễn, lúc đó tâm bình đẳng như như gọi là bất sanh bất diệt. Cho nên nói phi huyễn chẳng diệt. Như vậy quí vị thấy rõ ý nghĩa tu hành của chúng ta, y cứ theo lời Phật dạy không chạy theo các huyễn là lìa huyễn, các huyễn đã lìa thì tâm lìa huyễn cũng phải bỏ luôn mới là thanh tịnh.
Đức Phật đưa ra ví dụ lau gương cho chúng ta dễ hiểu. Mặt gương dụ cho Tánh giác, khăn lau dụ cho niệm diệt huyễn, bụi dụ cho vô minh chấp thân tâm thật. Khi mặt gương bị bụi đóng chúng ta dùng khăn lau lau sạch bụi, nhưng chúng ta lại để cái khăn lau trên mặt gương thì mặt gương không sáng trọn vẹn. Khi lau hết bụi, cái khăn lau cũng phải dẹp luôn, lúc đó không còn bụi không còn khăn lau thì mặt gương mới sáng hoàn toàn. Cũng thế, khi thân huyễn tâm huyễn diệt rồi, ý niệm diệt huyễn cũng diệt luôn thì cái phi huyễn (Tánh giác) mới hiển hiện. Phật ví dụ thêm:
ÂM:
- Thiện nam tử, thí như thanh tịnh ma-ni bửu châu ánh ư ngũ sắc tùy phương các hiện, chư ngu si giả kiến bỉ ma-ni thật hữu ngũ sắc. Thiện nam tử, Viên giác tịnh tánh, hiện ư thân tâm tùy loại các ứng, bỉ ngu si giả thuyết tịnh Viên giác thật hữu như thị, thân tâm tự tướng diệc phục như thị. Do thử bất năng viễn ư huyễn hóa. Thị cố ngã thuyết thân tâm huyễn cấu, đối ly huyễn cấu thuyết danh Bồ-tát. Cấu tận đối trừ tức vô đối cấu cập thuyết danh giả.
DỊCH:
- Này thiện nam, ví như hạt châu ma-ni trong trẻo, tùy theo mỗi phương chiếu hiện ra năm màu. Những người ngu thấy hạt châu ma-ni có năm sắc thật. Này thiện nam, tánh Viên giác thanh tịnh tùy theo thân tâm mỗi chủng loại mà ứng hiện. Kẻ ngu nói tánh Viên giác thanh tịnh thật có như vậy, tự tướng thân tâm cũng lại như thế. Vì thế mà không xa lìa các thứ huyễn hóa, cho nên ta nói thân tâm là huyễn cấu (chúng sanh). Ngược lại lìa huyễn cấu gọi là Bồ-tát. Khi huyễn cấu hết thì pháp đối trị huyễn cấu cũng trừ, thì không còn pháp đối trị huyễn cấu và cái tên gọi huyễn cấu.
GIẢNG:
Ví dụ như có một hạt châu trong trẻo ở ngoài có năm mặt, mỗi mặt chúng ta để một tấm giấy màu khác nhau. Tùy theo người đứng ở phía tấm giấy có màu gì thì thấy hạt châu màu đó. Như người đứng ở phía tấm giấy màu đỏ thì thấy hạt châu màu đỏ, rồi họ cho rằng hạt châu màu đỏ thật. Những người đứng ở các phía kia cũng vậy. Nhưng sự thật thì hạt châu không có màu gì hết, nó chỉ là trong trẻo, tùy ở bên ngoài có màu gì thì nó chiếu ra màu ấy thôi.
Hạt châu ma-ni dụ cho tánh Viên giác. Thân tâm chúng ta dụ như cái bóng xanh, vàng, trắng, đỏ trong hạt châu đó thôi. Đó là chỗ lâu nay chúng ta kẹt. Nghe Phật nói thân huyễn, tâm huyễn chúng ta cũng nói theo thân huyễn tâm huyễn. Nhưng đối với cái gì mà nói nó là huyễn chứ? Phật nói huyễn là có lý do. Vì Ngài thấy tánh Viên giác chân thật, cho nên thân tâm là huyễn. Cũng như nhìn trên hạt châu, những cái bóng hiện xanh, vàng, đỏ… thì bóng đó là huyễn, hạt châu không phải huyễn. Bây giờ chỉ có người không thấy hạt châu mà chỉ thấy bóng thôi, thì sao? Cái bóng đó là huyễn hay không huyễn? Bởi vậy chúng ta nói huyễn mà không huyễn gì hết, tại vì chỉ thấy bóng mà không thấy hạt châu. Các ngài vì thấy rõ nên nói không nghi ngờ còn chúng ta chỉ nói lý nên nghi ngờ.
Cũng vậy, tánh Viên giác tùy theo nghiệp của chúng sanh mà hiện ở các cõi trời cõi người, rồi chúng ta tưởng tánh Viên giác là trời là người, đó là mê. Thế nên, chúng sanh đi trong lục đạo mà tánh Viên giác không thay đổi, như cái bóng ở ngoài hạt châu, bóng đó không thật mà người mê tưởng là thật. Cái thật là cái trong trẻo của hạt châu. Cũng vậy, vì chúng ta si mê nên cho tánh Viên giác là thân tâm của các loài chúng sanh. Thân tâm của các loài chúng sanh là cái bóng của Tánh giác, thế nên nói nghiệp là cái bóng không thật. Nghiệp hết, vô minh hết, nhưng Tánh giác không mất. Phật nói người không thể xa lìa thân tâm nhơ huyễn chỉ một bề chấp chặt cho nó là ta thì tạm gọi kẻ đó là chúng sanh, còn người nào biết dẹp cái nhơ huyễn của thân tâm thì tạm gọi là Bồ-tát. Người biết dẹp nhơ tức là người biết lau bụi trên mặt gương, gọi đó là người sáng, biết làm cho gương sáng. Người biết thắp sáng trí tuệ nơi mình là người giác hay là Bồ-tát. Khi cái nhơ hết thì pháp đối trị nhơ cấu cũng trừ, bấy giờ không còn pháp đối trị nhơ cấu và cái tên gọi nhơ cấu nữa. Bụi hết thì cái đối trị bụi là khăn lau cũng phải dẹp, cuối cùng là không còn bụi không còn khăn lau, chỉ là mặt gương trong sáng. Khi chúng ta tu buông dần kiến chấp hư vọng về thân tâm thì gọi là tu hạnh Bồ-tát. Khi buông hết những kiến chấp hư vọng về thân tâm rồi, niệm buông cũng phải dẹp luôn, thì Tánh giác chân thật hiển bày.
ÂM:
- Thiện nam tử, thử Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh chứng đắc chư huyễn, diệt ảnh tượng cố. Nhĩ thời tiện đắc vô phương thanh tịnh vô biên hư không.
DỊCH:
- Này thiện nam, Bồ-tát này và chúng sanh đời sau chứng được các huyễn, diệt các ảnh tượng. Khi ấy liền được thanh tịnh vô biên khắp hư không.
GIẢNG:
Đức Phật dạy cho chúng ta thấy rõ sau khi buông được tất cả bóng dáng hư giả của thân tâm, thì tánh Viên giác thanh tịnh hiển hiện khắp cả mười phương, lúc bấy giờ tạm gọi là thành Phật.
ÂM:
- Giác sở hiển phát, giác viên minh cố hiển tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh cố kiến trần thanh tịnh, kiến thanh tịnh cố nhãn căn thanh tịnh, thức thanh tịnh cố văn trần thanh tịnh, văn thanh tịnh cố nhĩ căn thanh tịnh, căn thanh tịnh cố nhĩ thức thanh tịnh, thức thanh tịnh cố giác trần thanh tịnh. Như thị nãi chí tỹ thiệt thân ý diệc phục như thị.
DỊCH:
- Vì tánh Viên giác sáng suốt đã hiện ra nên tâm thanh tịnh, do tâm thanh tịnh nên kiến trần thanh tịnh, do kiến thanh tịnh nên nhãn căn thanh tịnh, do căn thanh tịnh nên nhãn thức thanh tịnh, do thức thanh tịnh nên văn trần thanh tịnh, do văn thanh tịnh nên nhĩ căn thanh tịnh, do căn thanh tịnh nên nhĩ thức thanh tịnh, do thức thanh tịnh nên giác trần thanh tịnh. Như thế cho đến tỹ, thiệt, thân, ý cũng lại như vậy.
GIẢNG:
Đức Phật tuần tự chỉ cho chúng ta thấy, khi Tâm thể thanh tịnh thì sáu căn sáu trần sáu thức đều được thanh tịnh. Chúng ta nghiệm kỹ thì sẽ thấy được ý nghĩa của đoạn này. Nếu nơi tâm chúng ta không có một vọng niệm nào dấy khởi, chỉ một tâm bình đẳng như như, thì nhìn cảnh nào chúng ta cũng thấy thanh tịnh. Còn nếu tâm chúng ta dẫy đầy tham sân si, khi nhìn cảnh thì chúng ta khởi niệm tham sân si, do khởi niệm tham sân si cho nên cảnh đó trở thành cảnh Ta-bà khổ phiền não dẫy đầy. Bởi phiền não nên sáu căn cũng nhiễm ô, do sáu căn nhiễm ô nên sáu thức cũng trở thành ô nhiễm. Để thấy rõ hễ căn thanh tịnh thì trần thức cũng thanh tịnh.
ÂM:
- Thiện nam tử, căn thanh tịnh cố sắc trần thanh tịnh, sắc trần thanh tịnh cố thanh trần thanh tịnh, hương, vị, xúc, pháp diệc phục như thị. Thiện nam tử, lục trần thanh tịnh cố địa đại thanh tịnh, địa thanh tịnh cố thủy đại thanh tịnh, hỏa đại phong đại diệc phục như thị. Thiện nam tử, tứ đại thanh tịnh cố thập nhị xứ, thập bát giới, nhị thập ngũ hữu thanh tịnh.
DỊCH:
- Này thiện nam, do căn thanh tịnh nên sắc trần thanh tịnh, vì sắc thanh tịnh nên thanh trần thanh tịnh; hương, vị, xúc, pháp cũng như vậy. Này thiện nam, do lục trần thanh tịnh nên địa đại thanh tịnh, địa đại thanh tịnh thì thủy đại thanh tịnh, hỏa đại phong đại cũng vậy. Này thiện nam, do tứ đại thanh tịnh nên mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi lăm cõi thanh tịnh.
GIẢNG:
Khi tâm chúng ta thanh tịnh rồi thì căn trần thức thanh tịnh, nên tứ đại của thân này cũng trở thành thanh tịnh. Cho đến mười hai xứ, mười tám giới, hai mươi lăm cõi đều thanh tịnh. Khi chúng ta tu, tâm thanh tịnh rồi thì ở chợ cũng được, ở rừng cũng được, ở đâu chúng ta cũng thấy thanh tịnh hết. Tâm thanh tịnh là chủ yếu để các pháp được thanh tịnh, nếu người tâm không thanh tịnh thì ở đâu cũng thấy bất an. Kinh Duy-ma-cật có câu: “Tùy kỳ tâm tịnh tức Phật độ tịnh.” Tùy theo tâm mình thanh tịnh thì cõi Phật được thanh tịnh. Vậy chủ yếu của sự tu hành là phải lo tịnh tâm. Tôi hay ví dụ như có một cái hồ chứa nước trong, chúng ta làm những vòi nước, khi mở ra hứng toàn nước trong. Ngược lại nếu hồ chứa nước đục, mở vòi nào cũng ra nước đục. Như vậy cốt là bên trong chứa nước đục hay trong, còn những vòi mở ra thì ở trong có cái gì nó ra cái nấy. Cho nên tâm thanh tịnh thì sáu căn theo đó thanh tịnh là vậy. Tâm còn ô uế muốn sáu căn thanh tịnh sao được.
ÂM:
- Bỉ thanh tịnh cố Thập lực, Tứ vô sở úy, Tứ vô ngại trí, Phật Thập bát bất cộng pháp, Tam thập thất trợ đạo phẩm thanh tịnh, như thị nãi chí bát vạn tứ thiên đà-la-ni môn nhất thiết thanh tịnh.
DỊCH:
- Vì các pháp (thế gian) kia thanh tịnh cho nên (các pháp xuất thế gian như) Thập lực, Tứ vô sở úy, Tứ vô ngại trí, Thập bát bất cộng pháp của Phật, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo đều thanh tịnh, như vậy cho đến tám muôn bốn ngàn đà-la-ni môn đều thanh tịnh.
GIẢNG:
Trước Phật đã nói thế gian, bây giờ nói pháp xuất thế gian, nếu pháp thế gian thanh tịnh thì pháp xuất thế gian cũng thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì pháp thế gian không thanh tịnh, pháp thế gian không thanh tịnh thì nói pháp của Phật cũng không thanh tịnh. Tôi nói để Phật tử và Tăng Ni rõ, giả sử như lòng tôi ô nhiễm nếu tôi hiểu Phật pháp và tôi đem Phật pháp ra giảng dạy cho quí vị thì Phật pháp cũng trở thành ô nhiễm. Ví dụ như tôi tham tài, nói pháp một hồi tôi cũng đề cập tiền tài trong đó. Bởi vì lòng tôi có chứa tham lam thì nói một hồi nó cũng lộ ra. Nếu tâm chúng ta thanh tịnh dù nói pháp thế gian hay nói Phật pháp cũng đều thanh tịnh.
ÂM:
- Thiện nam tử, nhất thiết thật tướng thanh tịnh cố nhất thân thanh tịnh, nhất thân thanh tịnh cố đa thân thanh tịnh, đa thân thanh tịnh cố như thị nãi chí thập phương chúng sanh Viên giác thanh tịnh. Thiện nam tử, nhất thế giới thanh tịnh cố đa thế giới thanh tịnh, đa thế giới thanh tịnh cố như thị nãi chí tận ư hư không viên khỏa tam thế, nhất thiết bình đẳng thanh tịnh bất động. Thiện nam tử, hư không như thị bình đẳng bất động, đương tri giác tánh bình đẳng bất động, tứ đại bất động cố, đương tri giác tánh bình đẳng bất động, như thị nãi chí bát vạn tứ thiên đà-la-ni môn bình đẳng bất động, đương tri giác tánh bình đẳng bất động.
DỊCH:
- Này thiện nam, tất cả thật tướng tánh thanh tịnh cho nên một thân thanh tịnh, do một thân thanh tịnh cho nên nhiều thân thanh tịnh, do nhiều thân thanh tịnh như thế cho đến mười phương chúng sanh Viên giác thanh tịnh. Này thiện nam, vì một thế giới thanh tịnh cho nên nhiều thế giới thanh tịnh, vì nhiều thế giới thanh tịnh, như thế cho đến cùng tận hư không trùm khắp ba đời tất cả đều thanh tịnh bình đẳng bất động. Này thiện nam, hư không bình đẳng bất động, như thế, nên biết Tánh giác bình đẳng bất động, vì bốn đại bình đẳng bất động, nên biết tánh Viên giác bình đẳng bất động, như thế cho đến tám muôn bốn ngàn pháp môn đà-la-ni đều bình đẳng bất động nên biết tánh Viên giác bình đẳng bất động.
GIẢNG:
Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy từ một người thanh tịnh lần đến nhiều người được thanh tịnh, từ nhiều người thanh tịnh cho nên mười phương thế giới chúng sanh đều thanh tịnh v.v... Thanh tịnh từ phạm vi nhỏ dần dần lan ra phạm vi lớn. Chủ yếu của đạo Phật là tu từ Tự tâm của cá nhân. Tự tâm cá nhân thanh tịnh rồi sẽ lan dần ra người ngoài. Nhiều người hiểu lầm trước lo cho tất cả mọi người được tốt, đi giáo dục người này người kia dạy họ phải tốt, nhưng mình chưa thật tốt mà muốn cho mọi người chung quanh tốt không thể được. Muốn cho mọi người tốt, trước hết chúng ta phải tốt, rồi gia đình chúng ta tốt, tới làng xã chúng ta tốt, đến cả nước chúng ta cũng tốt thì thế giới mới tốt. Như vậy, chủ yếu muốn xây dựng một xã hội tốt đẹp là trước hết phải xây dựng cá nhân. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ dạy người tu phải phản quan tự kỷ, phải nhìn lại mình. Nếu tâm mình chưa thanh tịnh mà cứ thấy người này sai người kia dở, lo xây dựng, chỉ chuốc thêm phiền não chớ không ích gì. Tâm mình chưa thanh tịnh nên nói họ không nghe. Muốn cho người tốt mà người cứ chứng nào tật nấy thì mình giận mình phiền não. Ngoại trừ khi chúng ta có bổn phận nhắc nhở người khác thì phải luôn kiểm lại tâm mình coi còn những điều dở nào? Và khi nhắc nên nói như thế này: Tôi có bổn phận phải nhắc nhở huynh đệ tiến tu chớ tôi còn những điều dở như vậy v.v...
Muốn xây dựng người thì trước phải nhìn lại mình, mới nghe qua như là ích kỷ nhưng đó là căn bản. Nếu cứ lo bên ngoài mà không nhìn lại mình đó là điều tai hại rất lớn cho người tu.
Có người nói, một người thanh tịnh thì tất cả mọi người đều thanh tịnh, vậy chỉ cần một người tu mọi người khác khỏi tu. Phải vậy không? Khi tâm mình được vô phân biệt, tức thanh tịnh, thì mọi người mình thấy đều thanh tịnh. Cũng như Phật nói Phật thấy chúng sanh đều thành Phật, mà không thành là tại chúng ta quên ông Phật của chúng ta nên không thành. Đó là cái thấy của người đã được đạo. Nếu chúng ta không khéo nhận thì khi nghe kinh nói một người thanh tịnh khắp pháp giới chúng sanh đều thanh tịnh thì chúng ta khỏi cần lo tu làm chi, chờ người khác tu thành Phật rồi mình thanh tịnh theo. Thật là lầm lẫn.
ÂM:
- Thiện nam tử, giác tánh biến mãn thanh tịnh bất động, viên vô tế cố, đương tri lục căn biến mãn pháp giới, căn biến mãn cố đương tri lục trần biến mãn pháp giới, trần biến mãn cố đương tri tứ đại biến mãn pháp giới như thị nãi chí đà-la-ni môn biến mãn pháp giới.
DỊCH:
- Này thiện nam, tánh Viên giác thanh tịnh bất động viên mãn khắp cả không ngằn mé, nên biết sáu căn cũng đầy khắp pháp giới, vì sáu căn đầy khắp pháp giới nên biết sáu trần cũng đầy khắp pháp giới, vì sáu trần đầy khắp pháp giới nên biết bốn đại cũng đầy khắp pháp giới, như vậy cho đến pháp môn đà-la-ni cũng đầy khắp pháp giới.
GIẢNG:
Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy rõ ràng, khi chúng ta nhận được tánh Viên giác thênh thang trùm khắp pháp giới ở nơi mình thì căn trần cũng đều trùm khắp pháp giới. Tại sao? Sở dĩ chúng ta thấy thân chúng ta hạn cuộc bề cao một thước năm hay một thước sáu, trọng lượng khoảng bốn mươi lăm hay năm mươi ký là vì tâm chúng ta còn phân biệt vướng mắc ngoại trần. Khi chúng ta nhận được tánh Viên giác trùm cả pháp giới nơi mình và chúng ta sống được trọn vẹn với tánh Viên giác ấy thì thân tâm phải tương ứng với nhau. Vì tâm còn hạn cuộc nên thấy thân cũng hạn cuộc, tâm thênh thang thì thấy thân cũng thênh thang, gốc do tâm. Trước đức Phật đã nói tâm thanh tịnh thì tất cả đều thanh tịnh. Bây giờ Phật cũng nói tâm trùm khắp pháp giới thì thân cũng trùm khắp pháp giới.
ÂM:
- Thiện nam tử, do bỉ Diệu giác tánh biến mãn cố căn tánh trần tánh vô hoại vô tạp. Căn trần vô hoại cố như thị nãi chí đà-la-ni môn vô hoại vô tạp như bá thiên đăng quang chiếu nhất thất, kỳ quang biến mãn vô hoại vô tạp.
DỊCH:
- Này thiện nam, do tánh Diệu giác kia đầy khắp pháp giới nên Thể tánh của căn trần không hoại không tạp. Vì căn trần không hoại, như thế cho đến pháp môn đà-la-ni cũng không hoại không tạp. Như trăm ngàn ngọn đèn cùng chiếu sáng trong một căn nhà, tuy ánh sáng mỗi ngọn đèn đầy khắp nhà mà không tạp lộn hay hoại diệt lẫn nhau.
GIẢNG:
Chỗ này là chỗ mà đa số người nghi, một người tu thành Phật, tánh Viên giác trùm khắp pháp giới, người khác tu thành Phật tánh Viên giác cũng trùm khắp pháp giới, vậy chỗ đâu mà chứa?
Phật dùng ví dụ, trong một cái nhà tối, chúng ta đốt một ngọn đèn, ánh sáng của ngọn đèn ấy sáng khắp nhà này; bây giờ đốt thêm một ngọn đèn nữa thì ánh sáng của ngọn đèn thứ hai không bị giới hạn. Rồi đốt thêm ngọn đèn thứ ba nữa thì căn nhà càng sáng thêm, đốt nhiều ngọn đèn chừng nào thì căn nhà càng sáng chừng nấy, chớ ánh sáng của những ngọn đèn thắp sau không có lẫn lộn hay lấn diệt ngọn đèn thứ nhất. Không thể nói ánh sáng của ngọn đèn thứ nhất sáng khắp nhà rồi, ánh sáng ngọn đèn thứ hai thắp lên hết chỗ chứa, mà trái lại càng nhiều ngọn đèn thì gian nhà càng sáng chớ không có ranh giới tạp nhạp và lấn diệt lẫn nhau.
Cũng thế, một chúng sanh thanh tịnh cả thế giới cũng thanh tịnh, nhưng chưa được thanh tịnh lắm, nếu tất cả chúng sanh đều thanh tịnh thì cả thế giới này hoàn toàn thanh tịnh. Mỗi ngọn đèn tuy có ánh sáng riêng, nhưng khi để chung thì không có ranh giới, mà ánh sáng của ngọn đèn nào là của ngọn đèn ấy. Lấy ngọn đèn này ra chỗ khác thì ánh sáng ấy cũng tới chỗ khác và khi một trăm ngọn đèn để chung trong một cái nhà thì ánh sáng như một nên nói là đồng.
Cũng vậy, tâm Chân như của tất cả chúng sanh đều đồng một thể, vì không có ranh giới nên nói chư Phật đạo đồng, chỗ chứng thì như nhau mà mỗi Phật đều riêng nên nói hằng hà sa số chư Phật.
ÂM:
- Thiện nam tử, giác thành tựu cố, đương tri Bồ-tát bất dữ pháp phược, bất cầu pháp thoát, bất yểm sanh tử bất ái Niết-bàn, bất kính trì giới bất tắng hủy cấm, bất trọng cửu tập bất khinh sơ học. Hà dĩ cố? Nhất thiết giác cố. Thí như nhãn quang hiểu liễu tiền cảnh. Kỳ quang viên mãn đắc vô tắng ái. Hà dĩ cố? Quang thể vô nhị, vô tắng ái cố.
DỊCH:
- Này thiện nam, vì Bồ-tát thành tựu tánh Viên giác nên không bị pháp ràng buộc, chẳng cầu pháp giải thoát, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết-bàn, chẳng kính người trì giới, chẳng ghét người phá giới, chẳng trọng người tu lâu, chẳng khinh người mới học. Vì cớ sao? Vì tất cả (đều là) tánh Viên giác. Ví như mắt sáng thấy rõ cảnh ở trước. Tánh sáng đó đầy khắp tất cả không yêu không ghét. Vì cớ sao? Vì thể sáng không hai nên không yêu không ghét vậy.
GIẢNG:
Phật dạy chỗ này để cho chúng ta thấy thêm một tầng nữa, khi thành tựu tánh Viên giác thì không còn bị pháp trói buộc, không cầu pháp giải thoát, không chán sanh tử cũng không ưa Niết-bàn v.v... Nghĩa là không còn kẹt hai bên, tâm luôn luôn bất động nên gọi là hằng thanh tịnh. Ví dụ như con mắt của chúng ta nhìn thấy cành hoa trên bàn, vì con mắt sáng cho nên thấy hình dáng của bình hoa rõ ràng, vàng ra vàng, đỏ ra đỏ... Nhưng tánh thấy của con mắt không có khen chê yêu ghét. Sở dĩ có khen chê yêu ghét là do sau khi nhìn rồi dấy niệm phân biệt đẹp xấu, đó là cái gốc trói buộc của trần cảnh. Nếu chúng ta nhìn mà không có niệm phân biệt thì không yêu ghét, là sống được với tánh Viên giác thanh tịnh bình đẳng. Đó là chủ yếu của sự tu hành. Chúng ta chưa biết tu thì nhìn người nhìn vật với cái nhìn hai bên, hoặc là người đó tốt hoặc là người đó xấu; tốt thì quí trọng xấu thì khinh khi, do đó niệm phiền não dấy khởi. Ở thế gian người nào phân biệt giỏi, khen chê nhiều thì cho người đó là khôn ngoan lanh lẹ. Nhưng trong đạo người đó là người sống với vọng thức nhiều, sống với vọng thức nhiều thì trầm luân sâu. Như vậy muốn biết mình còn trầm luân hay giải thoát là tự biết chớ không cần hỏi ai.
ÂM:
- Thiện nam tử, thử Bồ-tát cập mạt thế chúng sanh tu tập thử tâm đắc thành tựu giả, ư thử vô tu, diệc vô thành tựu Viên giác phổ chiếu tịch diệt vô nhị. Ư trung bá thiên vạn ức a-tăng-kỳ bất khả thuyết hằng hà sa chư Phật thế giới, do như không hoa loạn khởi loạn diệt, bất tức bất ly, vô phược vô thoát, thủy tri chúng sanh bản lai thành Phật, sanh tử Niết-bàn do như tạc mộng. Thiện nam tử, như tạc mộng cố đương tri sanh tử cập dữ Niết-bàn vô khởi vô diệt, vô lai vô khứ. Kỳ sở chứng giả vô đắc vô thất, vô thủ vô xả. Kỳ năng chứng giả vô tác vô chỉ, vô nhậm vô diệt. Ư thử chứng trung vô năng vô sở, tất cánh vô chứng, diệc vô chứng giả nhất thiết pháp tánh bình đẳng bất hoại.
DỊCH:
- Này thiện nam, Bồ-tát hiện tại và chúng sanh đời sau tu tập tâm (Viên giác) này được thành tựu, thật ra cũng không tu không thành tựu, vì tánh Viên giác lặng lẽ chiếu khắp không hai. Trong đó trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ thế giới chư Phật nhiều như cát sông Hằng không thể đếm, giống như hoa đốm trong hư không loạn khởi loạn diệt, chẳng tức chẳng ly, không trói buộc không giải thoát. Mới biết chúng sanh xưa nay đã thành Phật, sanh tử Niết-bàn in như giấc mộng đêm qua. Này thiện nam, vì như giấc mộng đêm qua nên biết sanh tử và Niết-bàn không sanh không diệt, không đến không đi. Chỗ chứng không được không mất, không thủ không xả. Người năng chứng không tác không chỉ, không nhậm không diệt. Trong cái chứng ấy không năng không sở, rốt ráo không pháp chứng cũng không có người chứng, vì tánh tất cả pháp bình đẳng không hoại.
GIẢNG:
Phật dạy các Bồ-tát hiện tại và chúng sanh đời sau tuy thấy có tu tập và được tánh Viên giác thanh tịnh. Nhưng kỳ thật thì không tu cũng không thành tựu. Vì sao? Vì còn có thành tựu là còn có “tôi tu” và “cái tôi được”, tức là còn năng còn sở, nếu năng sở còn thì chưa đến chỗ giải thoát hoàn toàn. Vì tánh Viên giác lặng lẽ chiếu khắp không hai, không hai thì đâu có năng sở, đâu có tôi tu và đâu có quả để tôi chứng. Vì vậy trăm ngàn muôn ức a-tăng-kỳ thế giới của chư Phật, chúng ta xem như hoa đốm trong hư không, loạn khởi loạn diệt không có thật. Thế giới của chư Phật còn không thật, huống nữa là thế giới của phàm phu làm sao mà có thật? Do thấy được như vậy nên không mắc kẹt ở tức và ly, không bị các pháp trói buộc, không mắc kẹt trong pháp giải thoát. Chừng đó mới biết chúng sanh từ thuở nào đến giờ đã thành Phật và sanh tử cùng Niết-bàn giống như giấc mộng đêm qua. Vì sao? Vì sanh tử và Niết-bàn là hai tướng đối đãi giả lập, biết sanh tử là hư dối thì Niết-bàn cũng hư dối luôn, nên không sợ sanh tử, cũng không cầu Niết-bàn. Sở dĩ thấy hai cái này không quan trọng vì đã nhận ra Tánh giác của mình, nếu chưa nhận ra thì sanh tử sự đại. Chúng ta phải biết rõ để đừng lầm ý kinh.
Phật lại nói tiếp sanh tử cùng Niết-bàn không khởi không diệt, không đến không đi. Sở chứng (quả vị) cũng không được không mất, không thủ không xả. Người năng chứng cũng không tạo tác và đình chỉ, không mặc tình và cũng không tiêu diệt. Trong cái chứng này không năng không sở, rốt ráo không có pháp chứng và người chứng, vì tánh tất cả pháp bình đẳng không hoại. Đó mới là chỗ cứu kính của người chứng Viên giác.
ÂM:
- Thiện nam tử, bỉ chư Bồ-tát như thị tu hành, như thị tiệm thứ, như thị tư duy, như thị trụ trì, như thị phương tiện, như thị khai ngộ, cầu như thị pháp diệc bất mê muộn.
DỊCH:
- Này thiện nam, các vị Bồ-tát kia phải tu hành như thế, thứ lớp như thế, suy nghĩ như thế, trụ trì như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, mới không có mê muội.
GIẢNG:
Đây là lời kết thúc của đức Phật, nếu Bồ-tát mới phát tâm, chúng sanh đời sau tu hành như lời Phật dạy trên thì sẽ tới chỗ cứu kính và không còn mê muội.
ÂM:
Nhĩ thời Thế Tôn dục trùng tuyên thử nghĩa nhi thuyết kệ ngôn:
- Phổ Nhãn nhữ đương tri
Nhất thiết chư chúng sanh
Thân tâm giai như huyễn
Thân tướng thuộc tứ đại
Tâm tánh qui lục trần
Tứ đại thể các ly
Thùy vi hòa hợp giả
Như thị tiệm tu hành
Nhất thiết tất thanh tịnh
Bất động biến pháp giới
Vô tác chỉ nhậm diệt
Diệc vô năng chứng giả
Nhất thiết Phật thế giới
Du như hư không hoa
Tam thế tất bình đẳng
Tất cánh vô lai khứ
Sơ phát tâm Bồ-tát
Cập mạt thế chúng sanh
Dục cầu nhập Phật đạo
Ưng như thị tu tập.
DỊCH:
Khi ấy đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, nói kệ rằng:
- Phổ Nhãn ông nên biết
Tất cả các chúng sanh
Thân tâm đều như huyễn
Thân tướng thuộc tứ đại
Tâm tánh thuộc sáu trần
Tứ đại mỗi thứ rời,
Cái gì là hòa hợp?
Thứ lớp tu như thế,
Thảy đều được thanh tịnh.
Khắp pháp giới không động,
Không tác, chỉ, nhậm, diệt,
Cũng không người hay chứng,
Tất cả thế giới Phật,
Ví như hoa trong không,
Ba đời đều bình đẳng,
Cứu kính không đến đi.
Bồ-tát mới phát tâm
Và chúng sanh đời sau
Muốn cầu vào Phật đạo
Nên tu tập như thế.
GIẢNG:
Đức Phật dạy chúng ta phải thấy thân này như huyễn, vì thân này do tứ đại hòa hợp, nên rời tứ đại tìm thân không có. Tâm này chẳng qua là cái duyên theo bóng dáng sáu trần không thật. Thấy được như vậy thì từ từ tất cả đều thanh tịnh. Khi tâm thanh tịnh mới thấy khắp cả pháp giới đều không động, lúc đó chúng ta mới khỏi các bệnh: bệnh tác là tạo tác, bệnh chỉ là kềm, bệnh nhậm là mặc kệ, bệnh diệt tức là cố lắng vọng tưởng xuống và cũng không thấy có người năng chứng. Khi rõ thân như huyễn rồi thì thấy thế giới của chư Phật cũng như hoa đốm trong hư không, thấy ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng đều bình đẳng. Chủ yếu của Phật dạy trong chương này là khi thấy rõ thân tâm không thật thì tâm mới bất động. Đối với không gian là mười phương thế giới và thời gian là ba đời đều không thật thì tâm hằng thanh tịnh. Nếu tu được như vậy tức là đi đúng đường của Phật dạy.
Chương trước đức Phật dạy tổng quát, thấy thân thật tâm thật đó là vô minh, bây giờ thấy rõ thân tâm không thật là tập sống với tánh Viên giác, khi sống được hoàn toàn thì gọi là thành tựu tánh Viên giác. Chương này Bồ-tát Phổ Nhãn xin đức Phật dạy nên dùng phương tiện gì để tiến tu. Phật dạy ngồi yên một chỗ hoặc ngồi trong thất hoặc ở trong tùng lâm, quán lại thân này. Cái nào cứng thuộc về đất, cái nào ướt thuộc về nước, cái nào động thuộc về gió, cái nào nóng thuộc về lửa, phân loại rồi quán tưởng từng nhóm, quán như vậy hỏi cái gì là thân. Đến tâm cũng vậy, do ý căn duyên theo bóng dáng sáu trần, hoặc là nghe tiếng hoặc là thấy sắc… Bóng của tiếng của sắc lưu lại, ý căn duyên theo cái bóng lưu lại đó mà suy nghĩ gọi là tâm. Vậy tâm duyên cảnh là cái hư giả không thật, thấy thân tâm đều giả dối là chúng ta phá được vô minh. Hết vô minh mới sống trọn vẹn với tánh Viên giác thanh tịnh, do đó căn trần thức đều thanh tịnh, mười phương thế giới đều thanh tịnh… Tu thứ lớp là như vậy, đừng thấy cảnh huyễn, mà trước hết phải thấy thân tâm này huyễn vì hết lầm thân tâm thì hết lầm cảnh giới. Đức Phật ví dụ rất chính xác, nếu trong bốn phương mà chúng ta lầm một phương thì ba phương kia đều lầm theo. Cũng vậy, ngay thân tâm này mà lầm thì tất cả đều lầm, cho nên muốn phá cái lầm chung đó trước phải phá cái lầm thân tâm.
Hầu hết chúng ta bây giờ không chịu quán thân tâm mà chỉ lo quán người khác. Cả ngày chỉ thấy anh này sai chị kia dở, do đó mà quên cái sai của mình, mới nhìn thấy như Bồ-tát con nhưng mất mình lúc nào không biết. Cho nên Phật Tổ đều dạy khi tu chưa xong thì phải quán mình cho thật kỹ mới khỏi lầm, khỏi lầm thì phá được vô minh, lần lần tâm được thanh tịnh. Đó là gốc của sự tu hành.
Các bài mới
- Kinh Viên giác(Phần 3): CHƯƠNG II: BỒ-TÁT PHỔ HIỀN THƯA HỎI - 08/03/2016
- Kinh Viên Giác ( Phần 2): CHƯƠNG I: BỒ-TÁT VĂN-THÙ-SƯ-LỢI THƯA HỎI - 26/02/2016
- Kinh Viên Giác giảng giải - Phần 1 - 14/02/2016
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 11 - 12/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 10 - 11/03/2015
Các bài đã đăng
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 9 - 10/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 8 - 09/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 7 - 07/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 6 - 06/03/2015
- Kinh Kim Cang giảng giải - Phần 5 - 03/03/2015
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 00045
- Online: 25