Lời Nhắc Nhở Mùa An Cư

30/05/2024 | Lượt xem: 657

HT.Thích Thông Phương giảng tại TVTL Chánh Giác

Mùa an cư PL.2568-DL.2024

Vừa qua tất cả đã tác pháp an cư, thì từ đây bắt đầu mùa an cư của năm nay, tất cả cũng nhớ để thúc liễm thân tâm mà tu tập trong ba tháng để có thêm công đức. Mùa an cư là duyên tốt để mình hạn chế bớt những duyên bên ngoài, rồi lo chuyên tu để trau dồi giới thân huệ mạng của mình, để công đức tu hành càng tăng trưởng. Do đó mà sau mùa an cư thì được thêm một tuổi đạo, thêm tuổi đạo tức là công đức tu hành cũng thêm lên.

Quý vị phải nhớ như vậy đó thì trong mùa an cư năm nay cũng nhắc cho tất cả ráng làm sao để mà giữ gìn tu tập luôn luôn tỉnh giác, sáng suốt đừng để bị gạt. Cho nên có bài kệ là :

Coi chừng bị gạt hi người ơi,

Chính sáu trần kẻ giặc thôi;

Cộng thêm cái tưởng làm môi giới,

Cướp hết gia tài cẩn thận ôi !

Tức là, sống ở đây thì mình bị sáu trần nó gạt quá nhiều. Tuy rằng bây giờ quý vị cũng biết tu hành rồi đó, nhưng mà kiểm lại một ngày thì không bị gạt được bao nhiêu giờ. Cái đó mình phải tu hành rồi thỉnh thoảng hay thường xuyên tự hỏi lại mình, tự kiểm tra lại mình, chớ đừng để quên lãng, quên lãng thì lâu ngày nó bị dẫn đi xa. Tức là kiểm lại coi một ngày mình không bị gạt được bao nhiêu giờ, còn bao nhiêu giờ bị gạt thì mới thấy được công phu của mình tiến bộ hay không tiến bộ. Bởi vì sáu trần nó là cái hiện bày ở phía trước; Tối ngủ thì vẫn chưa yên nữa, sáng thức dậy mở mắt ra là bị sáu trần nó hiện trước rồi; rồi ngủ cũng chưa yên, tức còn nằm chiêm bao nữa.

Quý vị thấy không thành ra như vậy bị nó gạt nhiều, do đó mà phải tỉnh giác, sáng suốt để rồi mình biết; Tức là thấy nghe hiểu biết sáu trần đàng hoàng, chứ không phải là như mù, như điếc không có biết gì hết. Cũng thấy cũng nghe nhưng mà không bị gạt, đó mới là sáng suốt. Cho nên sáu trần nó là giặc, nhưng mà mình thường thì nhận nó làm sao ? Có thấy nó là giặc không ? Thấy nó là bạn phải không ? Thấy nó là bạn cho nên bị dẫn đi hoài.Tuy sáu trần nó là giặc, nhưng mà nó cũng không làm gì được mình nhiều nếu không có cái tưởng, nguy hiểm là ở cái tưởng. Cái tưởng nó làm môi giới, nó dẫn sáu trần đi vào.Tức là sáu trần bên ngoài đâu có dính gì phải không; cái tưởng nó dẫn đi vào, rồi sao nữa, nó dụ cái tâm đi ra phải không; cái tâm nghe lời cái tưởng nên cái tâm đi ra tiếp, do đó mà mất mình.Quý vị thấy nguy hiểm cái tưởng không ? Nhưng mà ít ai thấy được, cái này là phải tu hành mới thấy phải không, cho nên cái tưởng nguy hiểm lắm. Bởi vậy trong Kinh Lăng Nghiêm Phật dạy là chúng sanh sống trong vọng tưởng đó, bị cái tưởng nó gạt.

Ngài Ajahn Chah có nói cái tâm mà chưa được tu tập nó khờ dại lắm, khờ dại như con nít vậy, cho nên nó bị sáu trần gạt hoài. Mà đúng như vậy, mình có tu tập mà còn bị gạt huống gì không có tu tập phải không ? Cho nên quý vị phải tỉnh táo, sáng suốt đừng để bị sáu trần nó gạt. Thì cái này mỗi người phải tự làm lấy chớ không ai làm thế cho mình được, mà tu hành như vậy đó thì mới có được kết quả, mới có được niềm vui phải không, gọi là mới thấy được đạo.

Rồi thêm một bước nữa, là mình phải nhận định cái gì là tâm, cái gì là trần, chớ lâu nay chỉ học chữ nghĩa; nghe nói sáu trần thì hiểu sáu trần thôi, nhưng mà phải nhận rõ ràng thì mới không bị gạt, giống như mình biết được giặc thì mới không bị giặc lừa.

Tâm vốn không, không tướng hình,

Có hình có tướng, ấy là trần.

Trần hiện trong tâm che tâm mất,

Đây chỗ người người đã bị lầm.

Đó, bây giờ mới thấy rõ tâm đâu có hình tướng gì, nhưng mà tại sao bây giờ đủ thứ hình tướng trong đó. Quí vị thấy không, gọi là tâm, tâm thì không có hình tướng gì hết; nhưng mà có hình có tướng đó là trần. Quý vị phải nhớ kỹ, cho nên ngồi thiền phải nhận rõ chớ đừng để lầm, ban ngày cũng nhận rõ như vậy đó.Tâm chỉ là tâm thôi chớ không có hình tướng gì hết, còn cái có hình có tướng đó là trần thôi; sắc thanh hương vị xúc đó là cái đối ở trước, còn pháp là bóng dáng lưu lại ở bên trong, thì vậy đều là trần hết, cho nên có hình có tướng đó là trần. Nhớ như vậy đó, cho nên đừng để cái trần nó gạt cái tâm. Nhưng rồi sao, trần nó hiện trong tâm phải không ? Cho nên mình mới thấy được trần; vậy trần hiện trong tâm rồi sao nữa, nó che tâm đi cho nên người ta chỉ nhớ có trần mà không biết có tâm. Đó là cái chỗ lầm chỗ mê, chỉ nhớ có trần, cho nên bây giờ hỏi tâm là gì thì ngơ ngẩn.

Cũng giống như cái gương, thì các hình bóng hiện trong gương, nhưng khi nhìn trong gương thì người ta thấy cái gì ? Thấy hình bóng, không thấy cái gương phải không, cứ nhớ cái hình bóng mà không thấy cái gương. Còn chính cái gương nó là trong suốt không có hình bóng gì hết. Thì tâm cũng vậy, tâm nó không có hình có tướng gì hết, nhưng mà có hình có tướng do trần nó hiện; khi mà nó hiện rồi thì mình cứ phân biệt theo trần thôi, cho nên cứ nhớ trần thôi chứ không nhớ có tâm. Còn bây giờ mình tu hành là phải luôn nhớ có tâm, mà không lầm cái trần. Quý vị nhớ, nhớ tâm mà không lầm cái trần thì đảm bảo sáng tỏ đường đi.

Điểm kế là nhắc cho tất cả là hãy giữ chánh cái tâm :

Hãy chánh cái tâm hỡi người ơi,

Tâm chánh việc làm cũng chánh thôi.

Đừng có dễ duôi buông thả nó,

Thật nguy hiểm, cẩn thận ôi !

Lâu nay người ta thường gọi là cũng hơi quên lãng cái chỗ này, nói tu tâm chớ cứ thả cái tâm. Quan trọng là phải biết tâm là gì, giữ gìn cái tâm cho chánh. Tức là mình chánh tâm trước, cái tâm mà chánh rồi thì làm cái gì cũng chánh; còn ngược lại tâm tà thì làm gì cũng tà. Tâm là cái gốc cho nên Quý vị phải kỹ, phải giữ cái tâm cho chánh, đừng có dễ duôi thả nó thì đó là nguy hiểm. Quý vị nhớ vậy đó, luôn luôn giữ gìn như vậy thì tất cả khéo sáng suốt, tỉnh giác để ứng dụng tu tập cho ngày càng tiến bộ, tức là tâm ngày càng được sáng tỏ, thấy rõ các pháp, thấy rõ các trần mà không bị lầm, không bị gạt; Thì như vậy, trên con đường tu hành của mình, cơ hội để mà sáng đạo, thấy đạo có thể đến với mình được.; Còn buông lung quá thì làm sao, Quý vị hãy cố gắng. 

Nam mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni!

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 25485
  • Online: 43