Mai nở vườn xưa

13/03/2018 | Lượt xem: 3569

BBT xin gửi tới bạn đọc bài viết tự truyện  do BBT tạm đặt tên "Mai nở vườn xưa" của một Thiền sinh Trúc Lâm -  TT.Thích Tuệ Giác ( Trụ trì TVTL Đại Đăng - Mỹ). Hy vọng bài viết với những kinh nghiệm quý báu  trên bước đường tu tập của Thượng tọa dưới sự dìu dắt của Sư Ông Trúc Lâm như một sự động viên khích lệ tinh thần cho các hành giả, những người con Phật đang trên đường trở về cố hương.

MAI NỞ VƯỜN XƯA

    Thưa các bạn, nói về mình quả thật là điều không nên, hay đúng ra đó là điều mọi người không thích. Thế nhưng ở đây chúng tôi muốn trình bày một sự thật, mà sự thật đó do chính bản thân tôi đã thực hành và thể nghiệm qua. Một chứng minh đích thực ở nơi tự thân mình, với kết quả tốt đẹp mà chính tôi cũng không ngở rằng mình có thể thực hiện được điều đó. Điều đã đem đến cho tôi một niềm tin vững chãi thanh tịnh, nguồn phúc lạc vô biên trong niềm vui đạo vị. Ôi Phật Pháp nhiệm màu và cao quí lắm thay! Chúng tôi xin chia sẽ với các bạn nguồn vui chân thật ấy.

    Chúng ta hãy xem đây như là một chứng tích, một sự kiện lịch sử của đời người đã đem lại niềm tin chân xác, để sách tấn cho nhau trên bước đường tu tập. Kể lại sự kiện này cho những ai còn hoài nghi lưỡng lự, còn do dự ngập ngừng hãy mạnh dạn tiến bước. Bảo sở ở trước mặt, Phật Tổ không bao giờ lừa dối chúng ta. Hãy phá tan lớp mây mờ của mọi sự hoài nghi, sợ hãi. Chúng ta phải gan dạ can đảm, một phen buông sạch hết và đừng tiếc nuối hay bám víu một cái gì cả, hãy hoàn toàn vô tác và bản ngã phải được triệt tiêu. Phải một lần chết đi để muôn đời được sống lại. Hãy buông thỏng hai tay và toàn thân nhẹ nhỏm nhảy thẳng vào vực thẳm không đáy.

    Và kìa!
    Trước mắt vườn xuân một đóa hoa
    Linh Sơn pháp hội diễn bày ra
    Nụ cười thầm lặng rền như sấm
    Chấn động ngàn sau nhịp sống hòa.

***

MỘT THỜI ÁO TRẮNG

    Tôi sanh ra đời tại vùng đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, thuộc miền tây nam nước Việt Nam , trong một gia đình nông dân nghèo đông con. Ông bà thân sinh (ba má) tôi là người có đạo đức, lại là Phật Tử tại gia, nên sự giáo dục con cái trong gia đình rất nghiêm túc. Thuở còn thơ ấu, chúng tôi đã được cha mẹ dạy dỗ thành người tốt, biết lễ phép, khiêm nhường, sống trên thuận dưới hòa và yêu kính mọi người.

    Trong nhà có Bà tôi là tu sĩ tại gia, ăn trai trường, tu theo pháp môn Niệm Phật. Bà thân sinh của tôi là người rất mộ đạo, hiền từ. Có lần đi chùa lễ Phật, sám hối vào ngày rằm, bà dắt tôi theo. Trong chùa thờ rất nhiều hình tượng, nhưng không hiểu vì sao tôi chỉ thích lạy duy chỉ có tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ngồi giữa chánh điện.

    Ở nhà mỗi lần bà thân sinh tôi đọc kinh cho Bà Cố tôi nghe, tôi thường ngồi kế bên. Tuy còn nhỏ không hiểu gì, nhưng tôi rất thích giọng đọc kinh êm dịu của bà.

    Năm mười hai tuổi, tôi được đọc cuốn sách lịch sử ghi lại cuộc đời của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Tôi rất cảm động và vui sướng đến rơi nước mắt khi biết được đời sống cao thượng, đẹp đẽ và giải thoát của Đức Thế Tôn. Lúc đó tôi phát nguyện trong tâm rằng: “sau này tôi cũng sẽ đi tu, đắc đạo và sống đời sống cao đẹp như đời sống của Đức Phật.” Từ đó, hình ảnh cao thượng của ngài lúc nào cũng ngự trị trong tâm tưởng của tôi.

    Lớn lên trong đất nước loạn ly, quê hương chìm trong máu lửa. Chiến tranh, súng đạn, chết chóc, sự sanh ly tử biệt và hoàn cảnh khổ chung quanh, đã làm cho tôi sớm ý thức được sự vô thường của cuộc đời.

    Sau biến cố sôi động năm 1975....

    Khi ấy tôi mới học xong lớp tám phổ thông, tôi xin Ông Thân Sinh tôi cho phép tôi được nghỉ học để đi tu nhưng không được người đồng ý. Tuy thế, tâm nguyện, ý chí xuất gia lúc nào cũng thôi thúc và nung nấu trong tôi.

    Sau khi học xong hết trung học phổ thông, thi tốt nghiệp cấp ba xong, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn sau chiến cuộc năm 1975 kết thúc, cả nước đều lâm vào tình trạng nghèo đói... Hơn nữa tôi đã có ý định đi tu nên không tiếp tục thi đại học. Tôi ở nhà làm việc phụ giúp gia đình một thời gian. Lúc bấy giờ tôi có làm quen được nhóm Cư Sĩ bạn đạo. Chúng tôi thường tới lui thăm viếng, học hỏi và trao đổi kinh sách qua lại để nghiên cứu. Những quyển sách tâm đắc hướng dẫn cho tôi biết được pháp môn tu thiền, đi đúng con đường chánh pháp, và chọn được Minh Sư sau này đó là các quyển kinh: Kim Cang Bát Nhã, Bát Nhã Tâm Kinh, Pháp Bửu Đàn Kinh, và Yếu Chỉ Thiền Tông v.v...

    Năm 1986, tôi quyết định từ giã những người thân trong gia đình, để thực hiện theo chí nguyện xuất gia của mình đã từ lâu ấp ủ mong đợi, cùng với người em chú bác chung chí nguyện là Tuệ Minh bây giờ. Ông Thân Sinh tôi cũng qua đời trước đó vài năm.

    Thầy Giác T là thầy Bổn Sư truyền Tam Quy, Ngũ Giới và cũng là người hướng dẫn cho tôi đến Thiền Viện Thường Chiếu. Ở đây làm công quả một năm, đến ngày mồng tám tháng mười hai năm một ngàn chín trăm tám mươi sáu, nhân duyên đầy đủ, chúng tôi được Hòa Thượng Tôn Sư làm lễ Thế Phát Xuất Gia và truyền Sa Di Thập Giới.

    Sau khi được xuất gia, tôi được phân công làm phụ tá Tri Khách hai năm. Sau đó, tôi xin được vào chúng, để được gần gũi sống chung tu học với quí thầy. Từ khi được vào chúng tôi được thầy Trụ Trì (Thích Nhật Quang) phân công làm chuyên viên ruộng ba năm.

    Năm 1990, chúng tôi được gởi đi thọ giới Cụ Túc (Tỳ Khưu) và Bồ Tát Giới tại giới đàn chùa Long Thiền, Tỉnh Đồng Nai.

    Năm 1991, Hòa Thượng Tôn Sư vì sức khỏe kém, nghĩ dạy một thời gian, giao việc lại cho quí thầy lớn có trách nhiệm điều hành mọi sinh hoạt tu học của viện, để Ngài được nghỉ ngơi làm người vô sự.

    Lúc bấy giờ, mười ngôi thiền thất cũng được dựng lên để trong Tăng Chúng quí thầy thay phiên nhau nhập thất, chuyên thực hành công phu thiền tập sau thời gian học hỏi, hiểu rõ đường lối và nắm vững pháp tu.

    Đầu năm 1992, tôi xin phép nhập thất ba năm được Hòa Thượng đồng ý.

    Đến tháng 3 năm 1993, Hòa Thượng dạy xả thất theo Ngài lên cao nguyên Đà Lạt để góp công vào công trình xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm. Lúc đó tôi cũng vừa đang nhập thất một năm. Vì Hòa Thượng có dạy trước khi vào thất rằng: “Mấy chú xin tôi nhập thất ba năm, nhưng tôi bớt đi một năm, chỉ cho nhập hai năm thôi, và tôi cho hay trước là nếu thủ tục giấy tờ xây dựng Thiền Viện Trúc Lâm được nhà nước chấp thuận, thì chừng đó tôi kêu mấy chú phải ra thất, theo tôi lên Đà Lạt bất cứ lúc nào tôi cần. Bây giờ cứ vào an ổn mà nhập thất.”

    Sau một năm ráo riết, khẩn trương xây dựng. Bắt đầu làm lễ đặt đá khởi công ngày mồng tám tháng tư năm 1993, cho đến ngày mồng tám tháng hai năm 1994, toàn bộ khu ngoại viên và nội viện Tăng Ni của Thiền Viện Trúc Lâm đã hoàn thành phần căn bản. Lễ khánh thành xong Hòa Thượng bắt đầu cho vào chuyên tu.

***

SỰ CHUYỂN HÓA NỘI TÂM

    Sau đây tôi xin ghi lại những cảm ngộ, những chuyển biến quan trọng trong quá trình công phu tu tập, hay nói đúng hơn đó là sự chuyển hóa nội tâm mà đích thân tôi đã thực nghiệm được qua thời gian tu học, và những giai đoạn nhập thất chuyên tu, lúc còn ở Thường Chiếu cũng như khi ở Thiền Viện Trúc Lâm.

    Thật ra tôi không muốn kể lại làm gì, vì e rằng không khéo nó sẽ trở thành sự khoe khoan lố bịch. Thế nhưng, để làm chứng tích cho bạn đồng hành và những người sau, trên bước đường tu tập, đừng mặc cảm rằng đời mạt pháp tu không kết quả. Vì thế cho nên, tôi xin mạo muội ghi lại đây những dòng chữ này, để làm minh chứng sát thực cho sở hành của thiền giả, trong cuộc hành trình trên đạo lộ hoàn nguyên bổn xứ. Kết quả đó không dành phần riêng cho hạng người nào, dù nam nữ già trẻ, không phân biệt Tăng Ni Đạo Tục hay kẻ trí người ngu, mà cho bất cứ ai. Một khi chúng ta đã vững niềm tin, hiểu đúng đường lối, pháp tu rõ ràng, với sự hướng dẫn cẩn thận của bậc Minh Sư, cộng thêm ý chí nỗ lực và lòng quyết tâm tha thiết, thì lo gì việc tu không thành đạt. Chúng ta cũng đừng quên rằng, cuộc đời tu hành không phải lúc nào cũng xuôi buồm thuận gió, cũng đẹp đẽ vinh quang như ý ta tưởng, mà phải trải qua biết bao chông gai, trắc trở, dù khó khăn gian khổ thế mấy cũng quyết chí vượt qua. Có ý thức được những điều như thế, chúng ta mới không nản lòng chùn bước khi gặp phải nghịch cảnh chướng duyên. Nhìn lại gương sáng của người xưa với ý chí và nghị lực phi thường, xả thân cầu đạo như Tổ Huệ Khả tự chặt đức cánh tay của mình, để thể hiện lòng quyết tâm tha thiết. Như Tổ Huệ Năng vì pháp quên thân, phải đeo đá giã gạo (vì thân gầy ốm không đạp nổi cái chày phải đeo thêm đá), và còn bao nhiêu tấm gương cao thượng khác nữa.... Huống chi chúng ta ngày nay sống trong phương tiện vật chất đầy đủ, chỉ gặp chút ít khó khổ như thân bệnh, hoạc ngồi thiền đau chân, hoặc những thử thách nho nhỏ khác chẳng thắm vào đâu đã vội thối lui bỏ cuộc. Than ôi! Người tu đạo như thế, ngục sanh tử biết chừng nào ra khỏi, biển trầm luân bao kiếp mới thoát thân.

    Giờ đây, trước khi kể lại những cảm ngộ của mình. Thiền giả xin có đôi lời hoài cảm, tán thán, ca ngợi và tri ân ơn đức của vị Đạo Sư tôn kính, người đã dầy công giáo dưỡng, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp và khai mở tuệ nhãn cho tôi.

    Xưa kia tôi thường mặc cảm và tự nghĩ rằng: Mình là con người tội lỗi, sống trầm luân xa đọa không biết bao đời kiếp, lang thang trong lục đạo luân hồi, đắm mê trong biển khổ sanh tử trầm luân từ vô lượng kiếp, mãi cho đến đời mạt pháp này tưởng chừng như không bao giờ ra khỏi. Nhưng thật phước đức thay, vinh hạnh thay, sung sướng thay cho chúng tôi không đến nỗi phải tuyệt vọng. Từ trong bóng đêm vô minh hắc ám đầy khổ não thê lương, chúng tôi đã bắt gặp được ánh sáng chân lý soi rọi lại. Ánh sáng ngọn đèn chánh pháp của Đấng Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni còn lưu truyền lại từ vị tôn sư kính yêu.

    Tuy ra đời không gặp Phật, nhưng chắc nhiều đời cũng đã từng gieo căn lành, trồng cội phúc, cho nên gặp được Hòa Thượng là bậc chân sư sáng đạo, một vị thiện tri thức hiếm có và là một vị đạo sư lỗi lạc. Nhờ duyên lành huân tập nhiều đời, tôi được thọ ơn pháp nhủ của Ngài. Người mà tôi nguyện đời đời kiếp kiếp tôn thờ kính trọng không bao giờ quên. Hạnh nguyện và ơn đức của Ngài như non cao biển rộng. Đối với tôi thật không có bút mực, lời lẽ nào có thể ghi tả cho hết được.

 

    Ôi ân đức bao la như vũ trụ
    Như Hy-Ma-Lay-A sừng sững ngất mây mù
    Như Thái Bình dào dạt dạ từ dung
    Như nhật nguyệt không trung luôn rạng chiếu.
    Ân đức ấy sâu dầy khôn xiết tả
    Xin ghi lòng tạc dạ chẳng hề phôi
    Xin nguyện cầu lên Tam Bảo ba ngôi
    Cho người được bình an vui vẽ mãi...

    Hòa Thượng đã bao năm gian khổ nhọc nhằn mở đường chỉ lối cho chúng tôi ra khỏi rừng mê, đã bao năm nếm trải bao đắng cay thử thách, chịu đựng bao gió dập sóng dồi của ngoại duyên đưa đến, Ngài vẫn vững niềm tin thản nhiên trước mọi biến cố của cuộc đời, khéo léo lèo lái chiếc thuyền từ, hướng dẫn cho chúng tôi ra khỏi biển khổ tìm về bảo sở. Nhờ sự chỉ dạy và dẫn dắt tận tình đó mà chúng tôi không bị sa hầm, sụp hố, hay bị lạc lầm vào những con đường hiểm nạn. Ngài thật từ bi hết lòng chỉ dạy, không nệ tấm thân già yếu, nhọc nhằn, dịch kinh, viết sách, giảng dạy. Lại tạo lập đầy đủ phương tiện cho nhập thất. Bên cạnh đó còn có sự ủng hộ hết lòng, hết sức nhiệt tình của các Phật Tử. Chính những động cơ ấy tạo thành sức mạnh và năng lực chủ động thúc đẩy cho chúng tôi nỗ lực tiến tu. Chúng tôi cũng hằng tự nghĩ rằng: Ngày xưa chư vị Tổ Sư là những bậc đại căn thắng sĩ, khi tu hành, chỉ nghe qua một câu kinh, một lời nói, một hành động liền được khai ngộ. Hoặc có vị tham thiền đắc lực trong một tuần lễ hay hai tuần lễ cũng phát minh đại sự. Ngày nay chúng tôi sinh ra trong đời mạt pháp, phước mõng, nghiệp dầy, căn trí lại ám độn cùn lụt, không thể sánh với các Ngài. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi mặc cảm, vì sau bao năm học hỏi chúng tôi đã hiểu rõ đường lối và nắm vững pháp tu. Hơn nữa, bên cạnh chúng tôi còn có Hòa Thượng Tôn Sư luôn luôn theo dõi, nhắc nhở, chỉ dạy thì còn lo gì nữa mà không quyết tâm hạ thủ công phu. Chúng tôi tự tin rằng, với thời gian dài hai năm nhập thất, nguyện quyết chí đem hết tâm lực vào việc hạ thủ công phu để làm sáng tỏ việc lớn của chính mình, thì ắt có ngày việc lớn thành tựu. Vì Phật Tổ thường dạy: “Kia là trượng phu, ta cũng trượng phu vậy, chớ có tự khi mình.” Tổ Động Sơn Lương Giới cũng dạy: “Thân này chẳng sẵn đời này độ, lại đợi đời nào độ thân này.” Có được như thế mới có thể đền đáp được công ơn sâu dày của Thầy Tổ và nợ cơm áo của tín thí đàn na.

    Với lời chân thành phát nguyện và lòng quyết tâm tha thiết tu hành. Trong thời gian nhập thất, tôi dồn hết tâm lực vào việc hạ thủ công phu, vì nghĩ rằng, mấy thuở trong đời tu lại có cơ hội thuận tiện được nhập thất với thời gian dài hai năm, tất cả mọi duyên sự bên ngoài đều có quí thầy lo liệu. Trong thời gian độc cư hành thiền đó, tôi ít ăn bớt ngủ, tọa thiền mỗi ngày đêm bốn thời theo thời khóa tự mình qui định, mỗi thời hai giờ làm tiêu chuẩn, có khi nhiều hơn hoặc ít hơn. Ngoài những giờ khác, lúc đi, đứng, nằm, ngồi; khi ăn mặc, giặt giũ, tiểu tiện, đều ở trong trạng thái miên mật tỉnh giác. Mỗi niệm khởi lên đều không lầm lẫn, không để cho vọng tưởng lôi cuốn, luôn giữ chánh niệm và tĩnh giác trong mọi hành động “tri hành hợp nhất”. Chỗ gọi là “nắm chặt đầu dây giữ lập trường”, không để lơi lõng. Cho đến một hôm tôi chợt khởi nghi: “Biết vọng hoài đi đến đâu? Ngoài biết vọng còn có thêm gì nữa không?” Ngay lúc đó tôi chợt nhớ lại lời Phật dạy trong kinh viên giác: “Biết huyễn liền lìa, đâu cần phương pháp. Lìa huyễn tức liền đó giác ngộ giải thoát, cũng đâu có lớp lang tuần tự gì.” Lạ thay! Ngay lúc đó tâm tôi bỗng dưng lắng đọng, dừng bặt, liền khi ấy, tôi biết được đường vào. So lại phương pháp tri vọng mà Hòa Thượng Tôn Sư chỉ dạy, với yếu chỉ tri huyễn trong kinh viên giác không có gì sai khác. Khi xưa chúng tôi hiểu lầm rằng, ngoài cái vọng riêng có cái biết. Nhưng thật ra biết và vọng không có hai, hễ “biết thì không vọng, vọng thì không biết”, vậy thôi. Bởi do bất giác nên cái biết tròn sáng bị phân tán, chuyển thành vọng tưởng lăng xăng, vừa sực tỉnh thì bao nhiêu vọng tưởng liền tan biến trở về với tánh biết tròn sáng, khỏi phải ra sức dẹp trừ. Vọng và không vọng chỉ chuyển đổi trong một niệm nhớ và quên mà thôi. Nhận ra yếu điểm này mới sáng tỏ lời dạy của Lục Tổ Huệ Năng là: “Vọng tưởng tức chân như, phàm phu tức Phật, phiền não tức bồ đề”, và lời dạy của Ngài Huyền Giác trong Chứng Đạo Ca:

    "Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân,
    Bất trừ vọng tưởng bất cầu chân,
    Vô Minh thật tánh tức Phật tánh,
    Huyễn hóa không thân tức Pháp thân..."

    Từ chỗ nhận ra yếu chỉ công phu tu, chúng tôi phát minh bài kệ tri vọng:

    "Tri thời tịch tĩnh nguyên vô vọng,
    Đương vọng hà tằng liễu đắc tri,
    Tri vọng lưỡng đầu phương giả lập,
    Nhị biên ly tận nhập vô vi."

Nghĩa:

    "Khi tri tĩnh lặng nguyên không vọng,
    Lúc vọng đâu từng sáng được tri,
    Tri vọng đôi đường phương giả lập,
    Hai bên lìa, rõ đạo huyền vi."

    Thời gian sau đó, do tâm được an định phần nào, tôi bị hôn trầm dữ dội. Cứ mỗi lần tréo chân lên bồ đoàn là hôn trầm kéo đến, không thể cưỡng lại được, chỉ còn có cách là lạy Phật sám hối và đi kinh hành. Có lúc đi kinh hành vẫn lại bị hôn trầm, thật là kỳ lạ!

    Sau đó tôi dùng phương pháp quán để trị bệnh ngủ gục, tôi tự hỏi: “Hôn trầm từ đâu đến” và tôi chú tâm tĩnh lực truy nguyên coi hôn trầm bắt đầu phát xuất từ đâu, nó đến bằng cách nào? Nhờ sức tĩnh lực kiên cố nên lần lần hôn trầm bị đẫy lùi. Do đó tôi thấy ra rằng, vì ở trong cái lặng lẽ mà thiếu sự chiếu soi, sự tĩnh giác không liên tục nên rơi vào hôn trầm. Khi quán sát thật kỷ, tôi nhận thấy rõ ràng, trong hôn trầm vẫn có vọng tưởng vi tế lăng xăng sanh diệt như một dòng thác đổ liên tục, chỉ vì ở trong trạng thái mù mờ nên vọng tưởng không rõ ràng, không kiểm soát được đó thôi. Và tôi bắt đầu truy nguyên coi vọng tưởng là gì? Khi nhận định thấu đáo, thấy rõ tâm mình không lúc nào dừng nghĩ. Nếu không vọng tưởng về quá khứ, thì cũng vọng hướng về tương lai. Chính những tư tưởng quá khứ vị lai ấy cùng với sự phân biệt hay dỡ, tốt xấu, rồi theo đó khởi yêu ghét, mừng giận, v.v... làm cho con người hiện tại bất an. Như vậy, muốn cho tâm được bình an, phải dừng những vọng tưởng lăng xăng sanh diệt ấy.

    Thế thì vọng tưởng từ đâu đến? Nếu là quá khứ thì quá khứ ở chổ nào? - Những gì đã qua là thuộc về cái chết, có ai sửa được quá khứ bao giờ. Không ai có thể đi ngược thời gian, trở lùi trong quá khứ để tìm lại ngày hôm qua đã mất. Vậy thì tất cả những gì xa xưa hãy để nó lùi đi trong dĩ vãng, nhường bước cho cái mới đi lên, và hãy để tự nó chết đi trong quên lãng, mắc mớ gì ta phải bận tâm về những tâm niệm lăng xăng vô ích đó. – Còn tương lai là gì? - Tương lai là những cái gì chưa đến hay sẽ đến. Mà nào ai có thể đi đến được tương lai, dù cho đó là ngày mai gần đây nhất hay một lát nữa đây. Như vậy, tại sao ta cứ để cho những tư tưởng viễn vong xa rời thực tế đó lôi kéo mình làm gì chứ. Chính những tâm niệm quá khứ vị lai ấy làm cho chúng ta quên mất đi cái hiện tại. – Mà hiện tại là gì? - Ạ! Thì ra hiện tại cũng không thật có nốt, vì có cái gì cố định và đứng yên một chổ đâu mà gọi là hiện tại. Tất cả đều đang ở trong vòng chuyển biến vận động liên tục không dừng nghĩ, vừa mở miệng nói hai chữ hiện tại thì hiện tại đã là quá khứ. Rõ ràng ba thời không thực có. Chính ngay lúc ấy đã hiện lên trong tâm trí tôi lời dạy của Đức Phật trong kinh Kim Cang Bát Nhã: “Này Tu Bồ Đề! Quá khứ bất khả đắc, hiện tại bất khả đắc, vị lai bất khả đắc.” Và cũng chính trong thời gian ấy, thân tâm tôi bỗng dưng dừng lặng, tư tưởng ngưng đọng lại, một lúc cùng với ngoại cảnh đồng thời bỗng dưng mất hút và tan biến trong khoảng không mênh mông vô tận, và tôi đã trực nhận được thể tánh rỗng lặng bất sanh, bất diệt. Cái chưa từng bị thời gian chi phối và bị hạn cuộc bởi không gian. Một cái thực tại nhất như trong mọi thời điểm, vô thỉ vô chung. Thấy rõ thân này chỉ là một sự nương gá tạm bợ, là vô thường huyễn hóa, duyên hợp, hư dối, không thật có, chẳng phải mình. Thấy rõ những tâm niệm lăng xăng sanh diệt chỉ là những bóng dáng do phân biệt ngoại cảnh mà có, chẳng phải mình. Thấy rõ những cảnh vật sai biệt bên ngoài, tất cả đều là những giả tướng phân biệt không có thật thể, “sắc tức là không”.

    Qua lần kinh nghiệm đó, đời người đã được chuyển hóa. Tôi có cảm tác bài kệ nói lên chỗ thấy biết đó.

    Thì ra:

    "Xưa mê chấp thực pháp cùng nhân,
    Tham ái thân tâm đắm cảnh trần.
    Rõ ra tự tánh nguyên không lặng,
    Ba đời sanh tử quyết dừng ngăn."

    Từ nguồn an lạc vui sướng trong đạo vị đó, tôi có cảm tác nên bài ca tĩnh thức...

***

THỜI GIAN CHUYÊN TU TẠI THIỀN VIỆN TRÚC LÂM

 

    Sau một năm ráo riết xây dựng khẩn trương. Thiền Viện Trúc Lâm, khu ngoại viện và nội viện Tăng Ni đã hoàn thành phần căn bản.

    Lễ khánh thành xong Hòa Thượng cho vào chuyên tu. Vì đã trải qua những lần kinh nghiệm trong thời gian nhập thất ở Thiền Viện Thường Chiếu, nên công phu chúng tôi không bị gián đoạn. Mặc dầu đa đoan công việc, trong thời gian xây dựng phải tiếp duyên xúc cảnh nhiều, nhưng việc tu hành không bị trở ngại, ngược lại rất nhẹ nhàng thoải mái. Càng ở trong chổ ồn ào thời càng hiện rõ mình hơn. Không phải dụng công nhiều mà vẫn không bị mất chánh niệm, vì luôn thực hành tâm xả. Từ khi được vào chuyên tu, công phu lại càng đắc lực hơn.

***

    Vào một buổi thiền khuya. Khi thân tâm hoàn toàn yên tĩnh, yên tĩnh và trong sáng lạ thường. Giống như vần trăng rằm mùa thu tỏa rạng giữa đêm thanh vắng, trên nền trời quang đãng không một gợn mây. Tất cả đều chìm lặng, chìm lặng, tư tưởng ngưng động lại trong sự tĩnh táo dị thường và ý thức hoàn toàn vắng bóng. Mọi trạng thái diễn biến đều ở trong cái rõ biết cực tịnh, cái yên tĩnh tịch nhiên khó tả. Không biết lúc đó tôi có thở hay không vì không thấy có thân. Lúc đó chỉ có trạng thái tịch mặc tràng đầy sự an lạc. Bỗng dưng như người đang đứng trên đỉnh núi cao chót vót, hốt nhiên hụt chân, chới với rơi vào một vực thẩm sâu không đáy. Lại cũng giống như người lặng dưới đáy hồ sâu ngàn thước, từ từ trồi lên mặt nước. Lúc đó tôi không có phản ứng nào hết, cứ để cho nó tự rơi, tự trồi một cách tự nhiên. Bất chợt, tôi tan biến vào một cảnh giới ngập tràn ánh sáng rực rỡ vô biên. Một thứ ánh sáng mầu nhiệm không có ánh sáng nào có thể so sánh được. Không phải ánh sáng của mặt trời mặt trăng hay các vì sao, nó cũng không giống một thứ ánh sáng nào của các ngọn đèn điện. Một thứ ánh sáng vi diệu mát mẻ tràn đầy an lạc và tôi đã tiêu dung trong ánh sáng đó, hay nói đúng hơn ánh sáng đó chính là tôi.

    Từ trong vầng ánh sáng vô biên đó, lại ánh ra muôn ngàn chùm ánh sáng chói lọi, mỗi mỗi chùm ánh sáng lại ánh ra vô số những tia sáng, mỗi mỗi tia sáng lại biến hiện ra muôn sự muôn vật, muôn hình tướng thiên sai vạn biệt. Mỗi mỗi hình tướng sai biệt lại tự phóng chiếu ra hằng hà sa số vầng hào quang sáng chói đủ muôn màu sắc. Tất cả đều dung nhiếp lẫn nhau thành một thể bất biến vô phân biệt, vô sai biệt, và vô sanh diệt. Từ trong thể dung nhiếp đó lại đột nhiên phát ra một tiếng nổ lớn, vang động như tiếng sấm và tất cả đều tan loãng, tan loãng theo tiếng rền vang ấy. Đồng thời tôi cũng ra khỏi cơn thiền định, trở về với thực tại với một trạng thái hoàn toàn yên tĩnh, một sự tĩnh lặng tuyệt vời, với trí tuệ trong sáng tràn đầy sự linh mẫn. Tất cả mọi cảnh vật đều thức dậy dưới ánh triêu dương rực rỡ, chim ca mừng ngày mới, bình minh tỏa chiếu khắp muôn phương.

***

    Một hôm trong thời tọa thiền ở thiền đường. Đang lúc ở trạng thái tâm rỗng lặng vô niệm, bỗng dưng vị thầy ngồi kế bên bất chợt kéo mạnh bức màng treo cửa sổ đánh soạt một tiếng, ánh sáng ập vào, trong sát na đó, một sự thể nhập hoàn toàn đến với tôi. Đồng thời tôi thét lên một tiếng làm vang động cả thiền đường làm cho tất cả mọi người phải giựt mình ngơ ngát. Tiếng rống của con mãnh sư vừa thoát khỏi kiếp chồn hoang. Khi ấy, tôi xách bồ đoàn, tọa cụ chạy ra ngoài với tràng cười kinh dị và ngẫu hứng ngâm lên mấy câu kệ:

    Vẹt màng pháp giới toàn thể hiện
    Một trời quang đãng sạch mây mù
    Đêm vắng hồ tuyền soi bóng nguyệt
    Ngày thanh núi phụng chiếu hình ô.

    Khi về tăng đường tôi đặt bút lưu xuất tiếp bài kệ:

    Cả đất trời tan tành sụp đổ
    Bao mê lầm dứt sạch từ đây
    Vẹt màng pháp giới hiện bày
    Chân dung lồ lộ mặt mày xưa nay.

    Sau khi xã thiền, quí thầy xúm đến hỏi thăm duyên cớ, nhưng chỉ được trả lời bằng nụ cười và sự im lặng. Suốt một tuần lễ sau đó tôi ở trong trạng thái an lạc tuyệt vời vô lượng vô biên.

    Từ sự trực nhập đột biến chấn động nội tâm đó, tôi như người ngủ mê muôn kiếp được đánh thức dậy, như người lần mò trong hầm tối bắt gặp được ánh sáng mặt trời; Như người lầm lủi trong rừng gai gốc mịt mù tối tâm, bỗng gặp được con đường cái rộng thêng thang. Như chậu úp ngàn năm lật lại dưới ánh mặt trời chói chang. Tất cả những gốc rễ vô minh mê lầm đều được nhổ bật lên, thân tâm tràn ngập nguồn an lạc vô biên.

    Qua sự đột biến lần thứ ba này, tôi hoàn toàn triệt tiêu hết mọi nghi lầm, trong một sát na hay ra tất cả. Dù trải qua nhiều đời nhiều kiếp nghiên tầm học hỏi cũng không thể so sánh được. Tuy không có hình tướng mà chưa từng che đậy, không có ngôn ngữ mà diễn đạt phân minh, không có văn tự mà trình bày khắp đủ. Qua đó tôi hoàn toàn thông cảm được những thủ thuật khai ngộ kỳ hoặc của các vị tổ sư. Chẳng qua vì lòng từ bi tha thiết của các Ngài, muốn cho chúng ta trực nhận lại con người chân thật, sáng tâm, thấy tánh, cái sẵn có nơi chính mình của mỗi người chúng ta, trong một sát na, phi sát na với một sự chuyển hóa toàn triệt, khỏi phải trải qua nhiều đời khổ công cầu học.

    Sự thông cảm đó được thể hiện qua bài kệ:

    Tiếng hét vỡ tan tam giới mộng
    Phất trần phủi sạch bụi trần ai
    Quơ gậy vạch mây bày Pháp Nhãn
    Ba đời Phật Tổ pháp không hai.

    Từ sự thể nhập qua trạng thái đột biến chấn động nội tâm đó, trí tuệ của thiền giả được phát kiến thật sâu xa...

***

    Khi sáng ra được lẽ thực mới thấy được các pháp xưa nay không từng sanh chưa từng diệt, sanh trong cái vô sanh, diệt trong cái chẳng diệt, tất cả những sự sanh sanh diệt diệt đều lồng trong cái bản thể bất sanh bất diệt. Thật ra đây chỉ là một dòng chuyển biến liên tục từ một trạng thái hình thể này sang một trạng thái hình thể khác mà thôi, nhưng bản thể vẫn bình đẳng như như bất động. Vậy thì sự bình an và chân lý ấy đâu cần tìm ở đâu xa, vì nó luôn hiện hữu nơi đây, cứu cánh giải thoát là bây giờ, và chân lý tối hậu là ngay cái thực tại trước mắt. Trực nhận được cái thực tại vô sanh là đạt đến cứu cánh giải thoát.

    Thôi chớ chạy tìm kiếm quẩn quanh
    Ngại gì muôn kiếp tử cùng sanh
    Buông tay thẳng đấy nhà liền đến
    Chậm bước suy tư mất bảo thành.

    Và giờ đây chắc các bạn muốn biết tôi đã thấy gì qua tiếng thét ở thiền đường.

    Chổ này thật khó nói, khó trình bày, vì không có ngôn ngữ để diễn đạt. Thật khó chứng minh cụ thể, vì không có hình tướng để so sánh, nói năng chẳng trúng, suy nghĩ càng lầm. Nhưng nếu…:

    Bạn muốn biết những gì tôi đã thấy,
    Vâng! thưa đây lời tha thiết thật thà.

    "Tôi thấy giữa trời sanh muôn cá lội,
    Đáy sông khô biển cạn bóng trăng soi,
    Từng bước chân mộng thế vỡ tan rồi,
    Và vô vị chân nhân cười rạng rỡ.

    Thế nào là vô vị chân nhân?

    Ô kìa!
    Hãy nhìn xem!

    Cất bước đạp tan tam giới mộng
    Dừng chân nắm trọn cả càn khôn
    Ngồi lại phóng quang trùm pháp giới
    Nằm dài duỗi cẳng giáp hư không.
    Nhìn trước mặt, ở sau lưng
    Xin mời xem lại gót chân.
    Một vầng vằng vặt giữa trời không
    Soi khắp mười phương pháp giới đồng
    Không diệt không sanh qua với lại
    Chớ bàn thêm bớt có cùng không.
    Xoay bên hông
    Rõ ràng trước mắt hỏi gì ông.
    A ha! cá lội trời xanh kêu tợ sấm
    Mây trầm biển bích chặng cuồng lưu
    Gươm lia từng mãnh hư không rớt
    Dao bầm tan nát mặt hồ bay."

    Thể dụng như như, gương sáng một vừng, chẳng phiền bước tới, khỏi nhọc đi lùi, cũng chớ đứng lại, nào phải nhọc công ngó tìm quanh quẩn.

    Vì sao?

    Bước tới bỏ lại sau, bước lui lại lùi xa, đứng lại bị nhận chìm, ngó quanh bị cướp mất. Thẳng ngay dưới gót chân trực hạ thừa đương, về đến nhà nằm nghỉ ngơi thoải mái.

    Cơm canh một nồi, tương dưa rau muối nào có thiếu gì, mặc tình thọ dụng. Được gốc rồi, củ, rễ, cành, lá theo nhau, tất cả gôm về một mối. Hương đầy trời, hoa đầy đất, hạt trái tròn đầy, bày lồ lộ chưa từng che đậy. Lục lọi tìm tòi chỉ toi công nhọc sức, nghĩ ngợi suy tư một rừng gai góc mịt mù. Khổ công tham cứu, đường xa muôn dậm ly hương. Dừng lại.

    Ngay đây nếu nhận được thì cùng với chư vị Tổ Sư nắm tay nhau.

    Quảy dép đạp cành lau lước sóng,
    Ngược dòng gió nước thẳng Tây Thiên.
    Bằng thật ngay đây chưa thấu tỏ
    Câu rốt sau xin thưa nhỏ anh rằng:
    “Một con thằng lằng nuốt ba con voi lớn”
    -Gắp, xét lấy!

    Và giờ đây mới đích thực là tiếng hót của chim phượng hoàng, mời các bạn thưởng thức.

    Giải thoát chỉ có đến,
    Với người trong thực tại,
    Thực tại muốn chứng biết,
    Tam tâm tứ tướng lìa.
    Ba thân cừng bốn trí,
    Ngay tự thể thừa đương,
    Mắt huệ trùm pháp giới,
    Thấu rõ việc xưa nay.

    Thế nào là việc xưa nay?

    Tất cả pháp chẳng sanh,
    Tất cả pháp chẳng diệt,
    Không tới lui qua lại,
    Không lớn nhỏ trong ngoài,
    Nào ngắn dài trên dưới,
    Chẳng xanh đỏ trắng vàng,
    Ngoài suy nghĩ luận bàn,
    Lìa nói năng sanh diệt,
    Diệt ấy chính là sanh,
    Sanh ấy chính là diệt,
    Đương sanh tức không sanh,
    Đương diệt tức chẳng diệt,
    Sanh diệt, không sanh diệt,
    Bản trụ thường tạm nhiên
    Vô lượng Phật quá khứ,
    Hằng sa Phật vị lai,
    Thực tại nhất như này,
    Thảy thảy đều có mặt,
    Đồng một thể vô sanh.

    Hát rằng:

    Một khắc trừng tâm Tuệ Giác bày,
    Muôn đời dứt sạch tướng lầm sai.
    Phá tan sự sản đền ơn Tổ,
    Đốt sạch kinh thư đáp nghĩa Thầy.
    Đập chết con trâu lòng cứu khổ,
    Thằng chăn giết quách dạ ban vui,
    Thân không tâm trụ vô gia nghiệp,
    Dậm nát càn khôn bặt dấu hài.

 Nguồn: thienviendaidang.net

Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 71779
  • Online: 15