Mây và trăng
03/07/2015 | Lượt xem: 4277
Hôm nay là ngày mười bốn tháng tám, là ngày Tết Trung Thu. Nhắc đến Trung Thu thì người ta thường nhớ đến trăng. Quý vị còn nhớ năm ngoái (2003), cũng vào dịp Trung Thu này, chúng ta đã bàn về Trăng Thu rồi. Cho đến nay là tròn một năm, quý vị đã ngắm được vầng Trăng Thu đó trọn vẹn chưa?
Tuy chưa ngắm được trọn vẹn, nhưng thỉnh thoảng mình cũng có ngắm được phần nào chút chút, rồi sau đó mây bay qua che khuất lại, phải không? Nhưng khi đang bị mây che thì trăng có bị mất đi đâu không? Trăng thì luôn luôn sẵn đó, lúc nào cũng đang sáng tỏ, nhưng do vì mây che cho nên chúng ta không thấy được thôi. Cũng vậy, bản tâm chân thật của mỗi chúng ta khi nào cũng sẵn đó, nhưng do mây mờ của ngoại duyên, vọng tưởng che khuất nên chưa thể nhận lại được vầng trăng chân thật của mình một cách trọn vẹn.
Vậy thì, nếu muốn ngắm, muốn thể nhận vầng Trăng Thu sáng tròn, mầu nhiệm đó thì chúng ta phải vạch mây, xua mây để thấy vầng trăng ấy, hay là không cần vạch mây để thể nhận vầng Trăng Thu đặc biệt đó?
Hôm nay, nhân ngày Trung Thu có dịp nói về Trăng, chúng ta cùng bàn về MÂY VÀ TRĂNG để biết cách thưởng thức vầng Trăng Thu một cách trọn vẹn. Chỉ một lần thưởng thức đó, sẽ là hành trang cho suốt lộ trình vượt thoát sanh tử của người tu chúng ta.
I/ VẦNG TRĂNG NÀO NƠI CHÚNG TA?
Trước tiên, quý Thầy xin nhắc lại một giai thoại trong nhà thiền. Ngài Trường Sa Cảnh Sầm là sư thúc của ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch. Một hôm, ngài Ngưỡng Sơn Huệ Tịch cùng với ngài Trường Sa Cảnh Sầm đi ngắm trăng. Ngài Ngưỡng Sơn chỉ lên mặt trăng và nói:
- Mỗi người trọn có cái này, chỉ vì dùng chẳng được.
Cái này là cái gì? Là mặt trăng trên trời phải không? Không. Nó chính là cái mình vừa thấy thì liền biết, chưa qua phân biệt, chưa từng động. Chỗ này, Thiền sư Hương Hải có nói kệ rất hay:
Vượn lẻ hú rơi, trăng lưng núi,
Khách quê ngâm lụn ngọn đèn khuya.
Cảnh đấy, người đây ai biết được,
Thiền tăng ngồi lặng sâu núi kìa.
Dưới cảnh gió mát trăng thanh, chỉ có thế thôi hay còn gì khác nữa? Nếu chúng ta là chú vượn lẻ, không bám víu bè bạn bên ngoài, thì khi hú lên một tiếng sẽ làm cho trăng sau núi rụng rơi từng mảnh. Nếu mình là một gã khách quê thẳng đó không mưu lược thì mới ngâm lụn được ngọn đèn giữa đêm khuya thanh vắng. Nếu được như thế thì giữa cảnh trăng thanh và người đang ngắm, nào có chỗ xen hở cho tình thức phân biệt xen vào! Mới hay ra, có một vị thiền tăng đang ngồi lặng lẽ bất động trong núi sâu thẳm kia kìa. Vị đó là ai? Là người đang biết ngắm trăng đây!
Khi chúng ta ngắm trăng, cái gì vừa thấy vầng trăng thì biết mà không động đó? Ngài Ngưỡng Sơn nói, ai cũng có cái đó hết mà đáng tiếc là chưa biết dùng, chưa dùng được. Vừa lúc ấy, Ngài Trường Sa nói:
- Ta sẽ dùng thay cho ông.
Lại có thể dùng thay cho người khác được sao? Nếu là người đã tỏ thì sẽ thấy cơ ngài Trường Sa đang sống. Nếu chưa tỏ thì đây là cái bẫy lầm chết người. Ngài Ngưỡng Sơn không dễ dàng như người khác, liền tung thêm bẫy:
- Thỉnh Sư thúc dùng xem!
Ngài Trường Sa đạp một đạp khiến ngài Ngưỡng Sơn té nhào.
Chỉ là dùng cho người khác thấy thôi sao? Với Ngài Ngưỡng Sơn đã tỏ rõ thì hai bên không ngăn cách, nhưng mỗi bên đều có tác dụng kỳ đặc rõ ràng. Quý phật tử thấy cái dụng chưa? Nói là ai cũng có cái đó, nhưng mà không dùng được. Nếu mà không dùng được thì ai đang biết nói đó, đang mở miệng biết nói rõ ràng thì sao lại nói là không dùng được? Dù cho có nói là “không dùng được”, “chưa dùng được” thì cũng là đang dùng nó. Đạp một đạp té nhào là biết dùng được hay không liền. Ai đang đạp và ai liền đó biết té? Ngài Ngưỡng Sơn lồm cồm ngồi dậy nói:
- Sư thúc thật giống như một con cọp.
Đây là một lời tâm đắc đáo để, như một con cọp mạnh, đụng đến liền vồ. Nếu không phải là người thường sống trong ấy thì không thể vồ nhanh như thế được. Và phải là Ngài Ngưỡng Sơn thì mới có thể nhận ra con cọp hùng này. Ngài Trường Sa có hiệu là Cảnh Sầm nên sau này người ta gọi Ngài là con cọp Sầm.
Quý vị đã rõ vầng trăng nơi chính mình chưa?
II/ THỂ NHẬN LẠI TRỌN VẸN VẦNG TRĂNG TÂM CHÍNH MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
Cụ thể, nơi mỗi chúng ta ai ai cũng sẵn một vầng trăng tâm sáng ngời, nhưng còn bị mây vọng tình che lấp, vì thế chúng ta không sống trọn vẹn bằng vầng trăng đó, mà phải sống trong sự tối tăm mê lầm và chịu khổ. Vầng trăng được ví cho chơn tâm, bản tánh sẵn có nơi mỗi chúng ta. Muốn thể nhận lại vầng trăng tâm nơi chính mình một cách trọn vẹn sáng suốt thì phải làm sao?
1/ MÂY TAN TRĂNG HIỆN
Đừng lầm chấp cảnh giới giả tạm bên ngoài, biết rõ các tướng bên ngoài là giả tạm, hễ cái gì có tướng thì đều là giả tạm cả. Ngay trên tướng mà rõ biết là giả thì không sanh tâm chạy theo, ngay đó trả lại vầng trăng muôn thuở cho mỗi người.
Quý phật tử nhìn lại có cảnh nào thật không? Người ta thường nói “Một đời ta, ba đời nó”. Một đời mình mà nó đã sanh đi diệt lại đến ba lần. Mình có thể làm ra của, chứ của không thể làm nên mình. Gặp lúc nguy nan thì bỏ của chạy lấy người. Đem thân này để so với của cải thì đã đủ để thấy của cải vật chất là giả tạm rồi, nếu phân tích kỹ hơn thì mình còn thấy giả tạm đến mức nào nữa. Còn sống thì mình còn phải làm ăn, nhưng đừng thấy nó là quan trọng, thấy nó là đồ tạm thì mình thảnh thơi. Từ đó quý vị không còn bị mây ngoại cảnh che mờ nữa.
Thân này có thật không? Nó không thể sống hoài mà không chết. Còn đây thì tạm sống, mai mốt cũng trả về, mình có muốn níu kéo nó lại cũng không được, mình không bỏ nó thì có ngày nó cũng bỏ mình mà đi, không có gì là thật hết. Nhưng khi mình rõ nó là giả thì không còn quan trọng nó một cách thái quá, khi không quan trọng thì không lệ thuộc nó. Khi không lệ thuộc thì lỡ gặp ai đó xúc phạm mình mà mình không còn lệ thuộc, không còn quan trọng mình nữa thì thử hỏi những thứ ấy xúc phạm ai, xúc phạm vào đâu? Ngay đó, tất cả những thứ bên ngoài không còn cơ sở chi phối mình, chúng ta được nhẹ nhàng, không bị những áng mây của chấp thân và cảnh bên ngoài che tối.
Tâm sanh diệt này cũng vậy. Khi buồn, khi vui, khi bằng lòng, lúc không chấp nhận... nó thay đổi liên tục. Đôi khi có những suy nghĩ biết là không phải, không đúng, mình muốn bỏ mà mình chưa gan dạ để bỏ. Đó là do chúng ta chưa thấy tột tâm đó là huyễn hóa, còn thấy nó là thật, là quan trọng. Xét ra, nó chập chờn lắm thứ vớ vẩn, nó thường đổi thay, không ổn định, chỉ là cái bóng trong đầu loạn động liên tục, không dùng được vào đâu cả thì làm sao nói nó là thật được. Khi mình đã biết những cái sinh khởi đó không có một giá trị tuyệt đối thật, thì quý vị sẽ không cho một quan niệm nào là cố định, là đúng tuyệt đối. Từ đó tâm mình sẽ tự mở ra, không cố chấp, nghe được rất nhiều ý kiến khác, cái nhìn của quý vị sẽ được thoáng và sáng suốt hơn. Nếu mình chấp một cái riêng mình là đúng, thì khi nghe ai đó nói ra điều gì là “cái mình” này nó liền nhảy ra chặn đường và đẩy lùi những ý kiến hay khác sang một bên. Như thế, mình đã tự đóng khung mình trong tự ngã, từ đó sẽ nhận định sai, bị thiên lệch, không thấy chân lý. Nếu quý vị không cho tâm sanh diệt là thật mình, không quan trọng nó thì quý vị không bị niệm đó làm mê mờ để rồi đánh mất chân lý, lúc đó chúng ta nhìn nhận mọi vật một cách khách quan. Khi không quan trọng tâm sanh diệt này thì mây tâm sanh diệt không che mờ vầng trăng tâm chúng ta được.
Đó là mới phân tích sơ qua bên ngoài, nếu nói kỹ hơn chút nữa để chúng ta cùng chiêm nghiệm thì sẽ thấy rất rõ, thân tâm sanh diệt và cảnh giới này thật là giả tạm vô cùng. Khi biết là giả tạm thì sẽ bớt đi những sự chi phối đối với mình, từ đó chúng ta sẽ sáng suốt hơn và không bị mây mờ làm cho mình tối tăm, mù mịt nữa.
Tại sao chúng ta phải nói thân là giả, cảnh này là giả, tâm sanh diệt là giả? Vì sự thật thân, tâm và tất cả cảnh giới bên ngoài là giả cho nên chúng ta phải nói đúng như thật, nó là đồ giả. Sự thật nó là như vậy, nhưng vì con người chúng ta không biết nó là giả, lầm chấp nó là thật cho nên bao nhiêu mây mờ từ đó có ra. Trước một hoàn cảnh xảy đến, hoặc chúng ta sanh lòng tham, hoặc làm cho mình rối rắm, là từ đâu? Nếu quý vị thấy cảnh xảy ra là giả tạm, là không quan trọng, mình đây cũng không quan trọng thì có việc gì xảy ra không? Nếu mình thấy cái đó là quan trọng, là xúc phạm tới tôi thì ngay đó nổi giận lên và khổ liền. Nếu không quan trọng cảnh đó, cái mình đây cũng giả luôn, cả hai đều giả tạm thì cái khổ làm gì có! Sự thật nó là đồ giả, không có gì đáng mà chúng ta lầm tưởng là thật, nên bao nhiêu cái khổ khác từ đó mà có ra. Có khi chúng ta cũng biết nó là giả, nhưng vì thiếu cái nhìn cho mạnh, cho nên mình thầm thầm cho nó là thật, nên khổ hoài. Quý vị phải nhìn cho kỹ, nhìn cho mạnh, các cảnh vừa tới mình liền biết cái đó không quan trọng, cái mình này cũng không quan trọng thì không còn bị mây mờ nào làm cho chúng ta tối tăm nữa. Ngay đó vầng trăng tâm mình sẽ dần hiện. Đây là bước thứ nhất.
2/ TRĂNG MÃI CÒN ĐÓ
Đến đây quý vị đã hiểu rõ, lâu nay sở dĩ mình lao ra bên ngoài và dính mắc là vì nhầm tưởng các thứ bên ngoài là có thật, là đẹp thật, là thích thật, và vì có cái mình ưa thật cho nên dính mắc, từ đó chịu khổ. Bây giờ nghe quý Thầy giảng, biết nó là giả rồi thì chúng ta có còn theo đồ giả nữa không? Mình không cần loại bỏ gì cả, ngay khi biết nó là giả, là đồ bỏ thì trong tâm mình vốn tự lìa. Ngay đó, nếu chúng ta khéo nhận và sống thì mới hay ra, vầng trăng kia đã sẵn sáng và còn đó tự thuở nào tới giờ.
Quý vị còn nhớ Hòa thượng Ân sư chúng ta vẫn thường hay ví dụ cho quý vị thấy. Ngài nói, cái nắm tay này là giả tạm. Hòa thượng phân tích qua hai giai đoạn:
Thứ nhất là trước khi chưa co lại thì không có nắm tay, đợi co năm ngón lại thì tạm có nắm tay, nắm lại rồi mà xòe năm ngón ra thì nắm tay cũng không còn. Vậy trước không, nay tạm có, có rồi lại trở về không, thì nắm tay này là giả. Nắm tay này là ví dụ cho tất cả cảnh. Trần cảnh bên ngoài cũng vậy. Trước khi chưa sanh, nó là không, đủ duyên hợp lại thì tạm có, có rồi cũng tan hoại trở về không. Do đó ngoại cảnh là giả, không thật.
Cấp độ thứ hai, Hòa thượng nói, khi đang có nắm tay, quý vị tìm một cái gì là nắm tay cũng không có. Một ngón này không thể làm nên nắm tay. Năm ngón co lại mà phải có thịt, gân, xương... mới tạo thành nắm tay. Tự nó không có một cái riêng lẻ là nắm tay mà phải đợi tất cả các yếu tố hợp lại mới tạm có nắm tay. Khi đang có, chính nó không có một tự thể thật, cho nên nó là đồ giả. Ngay khi đang có, mình rõ được tính chất huyễn hóa của nó thì nắm tay này là không tịch (rỗng lặng). Nếu quý vị khéo nhận, khéo thấy rồi thì khi bỏ nắm tay này xuống, khi đi về nhà, ngay trên mọi sinh hoạt hằng ngày mà vẫn là không tịch, là rỗng lặng. Đây là điểm quan trọng, là cái then chốt của người học đạo. Quý vị cần lưu tâm.
Thông thường khi đưa nắm tay lên, người ta cho cảnh này là thật, nắm tay là thật thì có đẹp, có xấu, có dính mắc, mê lầm. Đẹp thì ưa thích muốn đem về, xấu thì không ưa muốn đẩy ra. Đem về không được thì bất an, xấu mà đẩy ra không được thì bực bội. Từ cái mê mờ ban đầu mà sanh ra bao nhiêu thứ rắc rối và bị khổ đau. Ngay khi thấy nắm tay, ngay khi đối duyên xúc cảnh mà quý vị tưởng là thật thì sự dính mắc có ra. Sự dính mắc có ra thì ngay đó mây mờ che lấp vầng trăng tâm của mình và phải sống trong cảnh tối tăm khổ sở. Khi mình rõ nó là giả, thấy tột nó là đồ giả thì tâm lao ra theo cảnh liền dừng. Ngay đó, cái thấy biết rỗng lặng, không động đang hiện sờ sờ ra đó, khéo nhận lại liền xong.
Khi không dính mắc, trả lại cái thấy biết một cách sáng suốt, rỗng lặng, không động thì nắm tay này không có trong tâm mình nên nó không phải có, không phải ở trong tâm. Nhưng mà lúc đó, chúng ta cũng đang thấy biết nó một cách rõ ràng cho nên nó cũng không phải là không, không phải là ngoài mình. Ngay đó, vốn nó là không động, không trong, không ngoài, không phải có, không phải không, mà nó vốn là một sự hiện hữu trong chánh định tự tánh của mình. Ngay đây, tâm không thì cảnh tịch, nắm tay là không tịch. Quý vị không cần phân biệt kia là nắm tay, đây là mình, mà chúng ta vẫn thấy biết một cách sáng tỏ rõ ràng, trong lặng không động, vượt năng sở, có không. Lúc này, nắm tay là nắm tay, cây gậy là cây gậy, hoa hồng là hoa hồng.
Đối với vọng niệm sanh khởi cũng vậy. Khi một niệm khởi lên mình biết nó là đồ giả, không thật, đừng theo nó, thì ngay đó tự lìa và chúng ta vẫn thấy biết rõ ràng, không động. Thể ấy vốn không vọng, vốn tự biết khắp, không phải đợi có vọng mới biết, không phải đợi có cảnh mới biết. Tánh biết đó nó vốn không động, ngay khi vọng niệm vừa lặng, trả lại tự thể nguyên vẹn đang rõ biết một cách rõ ràng, sáng suốt.
Quý vị thử một lần buông hết đi, buông thân, buông tâm, buông cảnh bên ngoài, khi buông sạch rồi sẽ hay ra, còn đây một cái đang biết khắp, rõ suốt, không động, buông bỏ cũng không được, mới biết nó là đồ thật. Ngay đó khéo nhận thẳng thì mới vỡ lẽ ra, ngay khi đối cảnh, ngay khi có niệm, tánh sáng biết không động này vẫn sẵn đó không thiếu vắng bao giờ. Bởi khi đang có niệm, chúng ta bận biết về niệm, đang lo biết trên niệm mà quên cái tính chất sáng biết bất động đó nên chưa nhận ra. Nếu người nào lanh lợi, một nghe liền nhận ra, thì ngay đó dùng hoài không hết. Nếu chưa như thế, quý vị nên thử một phen gạn lọc cho sạch thì sẽ nhận ra. Từ đó về sau không còn bị lầm lẫn nữa.
Như trong một ngôi nhà có quá đông người, không biết đâu là khách, ai là chủ. Có người nào đó chỉ mặt ông chủ, chúng ta lanh lợi thì nhận ra ngay. Sau đó, dù cho ông chủ có xen lẫn giữa muôn người ngàn người, nhưng mình cũng không lẫn lộn giữa khách và chủ, không còn lầm lẫn nữa. Nếu những người khác chưa nhận ra được thì phải mời khách ra khỏi nhà hết, còn lại ông chủ có quyền ở trong nhà, không ai có quyền mời đuổi ông ra được thì chúng ta cũng nhận biết được ông chủ. Một phen gạn ra để nhận biết rồi, sau đó người chủ đó có trà trộn trong đám đông bao nhiêu người đi nữa, chúng ta cũng không lẫn lộn với ai khác được. Lúc này mới biết, giữa đám đông người, ông chủ cũng sẵn có trong ấy, chỉ là mình chưa khéo nhận ra thôi.
Sự tu tập cũng tương tự. Nếu người có căn cơ lanh lợi, một nghe liền ngộ, nhận ra ngay đương vọng tức chơn, vốn không rời nhau. Nếu là người chưa được như thế thì cần có một phen gạn lọc hết, buông sạch mới nhận ra bộ mặt chân thật muôn đời. Mới hay ra, lâu nay vẫn sẵn đó, chỉ vì chúng ta lo biết theo vọng mà quên cái khả năng tự biết nơi chính mình cho nên nó tạm vắng mặt vậy thôi. Bởi vậy, sau khi ngộ đạo rồi, ngài Thiện Chiêu nói:
Muôn xưa đầm biếc nguyệt trong không
Ba phen gạn lọc mới được biết.
Tức là, vốn tự ngàn xưa trăng sẵn sáng, trăng vẫn mãi còn đó. Tuy là như vậy, nhưng phải ba phen gạn lọc thì mới nhận biết một cách rõ ràng được. Khi quý vị gạn lại, nhận ra mặt mũi chân thật rồi thì phải khéo sống, ngay trên trần cảnh luôn khéo nhận ra mặt thật đó, ở mọi lúc mọi nơi, không để bản tánh chân thật đó thiếu vắng thì ngoại cảnh không còn đủ giá trị hấp dẫn chi phối mình. Khéo sống như vậy là quý vị đang sống trên nó, mới có phần an ổn, sáng suốt, không mê lầm.
Lâu nay khi vọng khởi thì quý vị chỉ biết về vọng, vọng khởi lên rồi mình mới biết là vọng, như vậy mình biết theo đuôi nó mà quên mình. Chúng ta chỉ biết về vọng, biết theo vọng nên chúng ta bị trôi dạt theo vọng. Bây giờ nhận ra rồi thì ngay khi niệm khởi, không cần biết theo vọng mà chỉ là tự sáng biết rõ ràng, vừa sáng biết thì nhảy vô liền, khéo nhận ngay đó thì quý vị sẽ tỏ suốt cái khả năng tự biết không động, sáng suốt, trùm khắp sẵn đó nơi chính mỗi người. Ngay đó, vầng trăng thu đang hiển hiện, vằng vặc sáng ngời. Nếu hay khéo dụng công như vậy thì mới tỏ được câu Ngài Đức Sơn nói: “May mảy buộc niệm là nghiệp nhân của tam đồ, chợt vậy tình sanh thì muôn đời bị khóa chặt”. Muốn kềm niệm không cho niệm khởi là đã có niệm muốn không cho niệm khởi, thì ngay đó chính là nghiệp nhân đi trong ba đường ác. Trong đó mà vừa khởi là vọng, là chơn thì muôn đời mình bị khóa chặt trong cái vòng luân hồi của vọng tình phân biệt.
Trong cuốn “Chỉ Tâm Yếu Cho Người Tu Thiền”, ngài Thanh Viễn Phật Nhãn có nói: “Nếu người biết là vọng niệm, tác ý dừng nó là vì còn thấy có vọng niệm. Người biết có vọng niệm tác ý liền quán sát khiến thấy chánh lý cũng còn thấy có vọng niệm. Biết vọng nguyên là đạo mới không vọng”.
Ngài nói: “Nếu người biết là vọng niệm, tác ý dừng nó là vì còn thấy có vọng niệm. Người biết có vọng niệm tác ý liền quán sát khiến thấy chánh lý cũng còn thấy có vọng niệm”. Bởi vì như thế là chưa rời vọng mà biết, và biết đó là biết theo vọng mà quên mất khả năng tự biết nơi chính mình cho nên chưa thoát ra khỏi vọng niệm.
Ngài nói tiếp: “Biết vọng nguyên là đạo mới không vọng”. Cụ thể là khi vọng vừa khởi lên, chúng ta không thèm biết theo vọng niệm mà chỉ sống về với thể tự sáng biết, nhận lại cái khả năng tự biết kia thì liền đó vọng niệm rỗng lặng. Không phải nhận vọng niệm làm đạo. Điểm then chốt ở đây là chúng ta phải nhận lại cái khả năng tự sáng biết, vừa biết nhận liền, khéo nhận thẳng ngay đó thì tất cả toàn là một sự hiện hữu trong ngần tuyệt đối không động, không còn nói là vọng hay chơn nữa. Khéo biết như thế thì mới không còn chìm kẹt trong vọng.
Do đó Ngài nói tiếp: “Cho nên người đạt đạo không sở đắc. Người phát ý cầu đạo thì đạo có đắc. Chỉ không cầu gì khác, biết không mê vọng gọi đó là thấy đạo”. Tức là mình không mong cầu cũng không thêm cái gì khác, chỉ là biết suốt mà không một mảy may mê mờ, không vọng thì ngay đó là thấy đạo. Cụ thể là không mong cầu một cái gì bên ngoài, không thêm một điều gì khác, ngay khả năng vốn tự sáng biết không động nơi chính mình, biết suốt không ngăn trệ, sống ngay đó là thấy đạo.
3/ VƯỢT CẢ HAI BÊN, TRĂNG TÂM SÁNG VẰNG VẶC
Như vậy đợi hết vọng mới thể nhận hay không cần hết vọng mà thể nhận? Hay là đợi hết mây mới thấy trăng hay không cần đợi hết mây mà vẫn thấy trăng? Còn nói không phải vẹt mây hay phải vẹt mây mới thấy trăng thì còn dấu vết của hai bên. Còn nói đợi hết vọng và không cần hết vọng mới nhận ra bản tâm thì cũng là đang chìm trong biển đối đãi hai bên, là chưa rời khỏi vết mê, chưa rời vọng mà nói. Mà cái thấy chưa lìa hai bên, chưa qua được dấu vết của mê, chưa lìa vọng mà nói thì rõ ràng vẫn còn nằm y nguyên trong vọng. Trăng tâm đang hiện hữu đó, đâu phải nói vẹt mây hay không vẹt mây. Chỉ khéo hay tỏ suốt, nhận lại tính chất tự sáng biết mà không động kia thì vầng trăng tâm đang hiển hiện ra đó, đâu cần đi tìm đâu xa mà phải nói là đợi vẹt mây hay không vẹt mây? Cho nên Ngài Trường Khánh nói: “Ở trong vạn tượng riêng bày thân” là vậy.
Lúc ngài Thiệu Tu cùng Ngài Pháp Nhãn trên đường từ Viện Địa Tạng của ngài Quế Sâm đi Kiến Dương. Giữa đường bàn chuyện, ngài Pháp Nhãn chợt hỏi:
- Người xưa nói “Ở trong vạn tượng riêng bày thân” là vạch vạn tượng hay chẳng vạch?
Thiệu Tu đáp:
- Chẳng vạch.
Pháp Nhãn bảo:
- Nói cái gì là vạch, chẳng vạch?
Thiệu Tu mờ mịt chẳng hiểu, trở lại Viện Địa Tạng hỏi ngài Quế Sâm:
- Cổ nhân nói: “Ở trong vạn tượng riêng bày thân” ý chỉ thế nào?
Quế Sâm bảo:
- Ngươi nói người xưa vạch vạn tượng hay chẳng vạch vạn tượng?
Sư thưa:
- Chẳng vạch.
Quế Sâm bảo:
- Hai cái!
Ngay đó Thiệu Tu kinh hãi lặng thinh. Sau đó, ngài Thiệu Tu hỏi tiếp:
- Chưa biết cổ nhân vạch vạn tượng hay chẳng vạch vạn tượng?
Quế Sâm bảo:
- Ngươi nói cái gì là vạn tượng?
Ngay đó Sư liền đại ngộ.
Vạch hay chẳng vạch là hai bên, là không rời vạn tượng mà nói, là vết mê đã lộ ra rõ ràng. Tâm thái dồn về một mối, cơ duyên chín muồi, Ngài Quế Sâm chỉ cần điểm nhẹ: “Ngươi nói cái gì là vạn tượng?” ngay đó, ngài Thiệu Tu quên đi cái niệm vạn tượng trong đầu, liền đại ngộ.
Nếu hay rõ suốt vạn tượng là huyễn hóa thì ngay huyễn là lìa huyễn, liền tỏ suốt bản tánh sáng biết rạng ngời không động. Khi ấy, vạn tượng sum la đều đang hiển hiện trong tự tánh chánh định của mình. Ngay đó, pháp thân đang hiện bày khắp tất cả chỗ, nói gì là vạch vạn tượng hay không vạch vạn tượng? Nếu khéo nhận thẳng như thế thì trăng đang hiển hiện ra đó, đâu nhọc phải nói vẹt mây hay không vẹt mây? Lúc này không còn nói vọng hay chơn, trăng thể chân thật nơi ta đang hiện bày, không còn chạy đi tìm vầng trăng ở đâu đâu nữa. Quý vị khéo sống thẳng như vậy thì hằng ngày mới có thể dùng được đạo vị, còn nếu chưa có khả năng như vậy thì mình chỉ dùng tạm những thứ gì đó cho đỡ bữa thôi, chưa phải là món thượng vị. Chỗ này, Thiền sư Hương Hải có nói:
Mảnh trăng ngâm đầm lạnh,
Mây mỏng ánh trời xanh.
Với người đã đạt đạo,
Đấy là tin tức thật.
Trong cái đầm lạnh ngắt có một mảnh trăng lẻ đang soi bóng trong đó. Trăng không có ý, đầm cũng không tâm, hai bên rỗng lặng, không ở trong nhau, cũng không ở ngoài nhau, mà trong cái này ảnh hiện cái kia, ngay đó đã lìa hai bên, vượt năng sở, trăng đầm ảnh hiện trong nhau sáng trong, vằng vặc.
Nếu chúng ta chỉ nhìn thấy mây mà quên mất bầu trời thì đúng là mây đang che trời. Nhưng nếu suốt qua mây, thấu tỏ bầu trời xanh rồi thì mây không còn che bầu trời được nữa mà chỉ là trang điểm cho bầu trời lấp lánh thêm thôi. Ví dụ đằng kia có rặng núi rất lớn, nhưng nếu để ngón tay lên che trước mắt mình thì chúng ta có thấy được rặng núi to lớn kia không? Không. Vì bận nhìn theo cái ngón tay này nên nó che lấp đi cả một rặng núi lớn. Đang nhìn ngón tay như thế, thình lình có người nói đằng kia có rặng núi kìa, liền đó chúng ta không nhìn theo ngón tay này nữa, mà thấu suốt qua ngón tay, mình sẽ thấy rõ, đằng kia một rặng núi đang vòi vọi tự lâu rồi. Như vậy ngón tay vẫn còn đó, nhưng đâu có che được rặng núi kia? Mây mờ cũng vậy thôi, nhìn theo mây thì thấy mây che trời, tỏ suốt bầu trời thì áng mây này trở lại điểm tô cho bầu trời chứ không còn làm ngăn ngại bầu trời nữa. Vọng niệm cũng vậy, khi khởi lên mình bận biết theo niệm thì quên cái tính chất vốn tự sáng biết nơi mình. Vừa khởi niệm liền biết, nhận ngay cái tính chất tự biết thì không bị vọng ngăn ngại. Cái lầm ở đây không phải do vọng niệm che mình, mà tại cái thức mình bận biết về vọng, gá trên vọng nên bị nó che thật. Cho nên Thiền sư Hương Hải nói: “Nếu với người đạt đạo, đấy là tin tức thật”. Ngay trên cảnh, quý vị không cần phải biết theo cảnh nữa, mà chỉ là đang sáng biết rõ ràng, không loại suy vật mà cũng không biết trên vật, ngay đó nó tự sáng biết khắp, không động, trên đó đang bàng bạc pháp thân. Cho nên nói “Ở trong vạn tượng riêng bày thân” là vậy. Khéo sống như vậy thì lúc nào trăng cũng đang hiển hiện, không còn phải đợi đến trung thu nữa.
Có vị Tăng hỏi Sơ Tổ Trúc Lâm:
- Khi muôn dặm không mây thì thế nào?
Sơ Tổ Trúc Lâm đáp:
- Mưa tầm tã.
Đã là muôn dặm không mây thì thẳng đó nhận đi, còn ôm ấp một vật đến đây mà hỏi thì không phải là mưa đang tầm tã sao! Vị Tăng lại hỏi tiếp:
- Khi muôn dặm mây phủ kín thì thế nào?
Sơ Tổ đáp:
- Trăng sáng ngời.
Nếu thực sự mây đang phủ kín thì ai đang biết hỏi đó, sao không thể nhận mà còn đi hỏi! Mới thấy, cái mê lầm của mình đã lâu lắm rồi. Đang đứng đây, đang nói đây, chưa từng động đó mà không chịu nhận lại, còn ôm cái đó mà đi hỏi thì có phải là đã đánh mất đi cái hiện hữu đang biết đó không? Vị Tăng lại hỏi tiếp:
- Rốt ráo là thế nào?
Sơ Tổ nói:
- Chớ đụng đến! Đụng đến là ăn 30 gậy.
Trong đó mà còn hỏi nữa tức là còn muốn hiểu, mà hiểu là thức hiểu, dùng thức để hiểu thì làm sao hiểu đến chỗ rốt ráo đó được. Ngay đó khéo nhận là phải, không thêm là tốt, muốn hiểu thêm liền sai, vì thế Ngài mới nói đừng đụng đến, đụng đến là bị ăn gậy rồi.
Có giai thoại của hai vị Tăng, một vị tên Dạ Đài (biểu hiện cho cái tối), còn vị thứ hai là Thu Nguyệt (vầng trăng thu, biểu hiện cho cái sáng).
Tăng Dạ Đài người đất Tây Thục. Thuở bé, Sư học thuật nhịn ăn. Sau gặp sư Đại Trí ở núi Nga Mi xin xuất gia, thọ giới. Rồi từ biệt thầy đến với Ngài Phục Ngưu ở núi Chung Nam. Về sau Sư đến núi Ngũ Đài, ngày ngày thường chỉ uống nước, ngồi tĩnh tọa, ban đêm thì đi quanh Đài Sơn. Người ta nhân đó gọi Sư là Dạ Đài. Chu vi Ngũ Đài khoảng 500 dặm, nổi tiếng gió mạnh, đá lớn, lừa ngựa bị thổi bay như quét lá. Sư đi, áo mũ tung rơi, tay cầm gậy sắt, cứ gặp gió thì ngừng, hết gió lại đi. Có lúc trời tối mịt, Sư bị rơi xuống hố, gậy sắt cong vòng mà Sư chẳng sao hết. Gặp cọp, Sư đến trước nó nạp mình, nói:
- Ngươi ăn thịt ta, tức là cùng ta kết mối duyên nhỏ.
Gặp bọn cướp núi, Sư dộng gậy xuống đất, tiếng gậy vang dội. Bọn cướp kinh hãi bỏ chạy, la lớn:
- Bị sư Dạ Đài nhiếp phục!
Chúng chẳng dám động đến Sư. Có hôm tuyết lớn rơi đầy núi, mọi người vác xẻng đi kiếm; thấy Sư bị tuyết chôn đến thắt lưng, rét cứng. Họ khiêng Sư về hơ lửa, tắm nước nóng, chập lâu Sư mới hồi tỉnh. Vậy mà vẫn tiếp tục đi đêm như cũ. Sư thường gặp ánh đèn, lửa rừng, mãnh thú, quỷ quái trong đêm. Cũng có khi gặp được Văn Thù, hoặc hiện hình Tỳ-kheo già, hoặc hiện làm phụ nữ đẹp ôm đứa con mới sinh còn trần truồng, chốc lát biến mất. Sư đi như thế đến hơn hai mươi năm.
Năm Quý Mão, Sư đến kinh đô. Thái hậu Từ Thánh ban cho Sư bình bát, tích trượng và một bộ Tử lang Ca-sa, Sư bèn đến chùa Tháp Viện, lập hội Thiên Bàn (ngàn mâm) rồi đến chùa Long Tuyền lập hội Long Hoa bốn mươi chín ngày. Sau đến núi Ngũ Đài, Nga Mi đúc một chuông u minh nặng một vạn ba ngàn cân, lại đến núi Phổ Đà, Nga Mi thỉnh hai bộ Tạng kinh; đến núi Cửu Hoa lập đạo tràng Thủy Lục. Bao nhiêu tiền gạo còn dư, Sư đem phân phát cho các tịnh thất và những vị tăng nghèo, không hề bỏ túi riêng một mảy may. Cho nên tăng tục hết lòng tin cậy. Sau Sư trở lại bốn danh sơn lớn, tinh thần mỏi mệt. Từ đất Thục đến Quảng Lăng, Sư nhuốm bệnh. Có một đạo nhân chặt ngón tay nấu cháo cho Sư dùng, ý mong cầu Sư lành bệnh. Sư mắng rằng:
- Người xuất thế, sao lại học theo thói đàn bà. Hạn ta đã gần đến rồi.
Khỏi bệnh, Sư mua một chiếc thuyền lớn, bày tượng Thủy Lục miệng phun lửa không ngớt.
Tháng mười, năm Canh Tuất, từ Thông Châu dong thuyền ra biển. Đi ngang Phước Sơn, Sư vui vẻ muốn dừng lại. Sư giải tán đệ tử, chỉ giữ lại một đạo nhân già theo, rồi lên thuyền. Có hai người khách buôn ở Tấn An xin đi nhờ. Sư nói: - Người này có duyên.
Bèn bằng lòng cho đi. Thuyền giương buồm đi thật nhanh. Chợt Sư hỏi: - Trưa chưa?
- Trưa rồi!
Sư sai làm cơm cho hai người khách cùng ăn. Họ lấy tiền cúng dường Sư, nhân đó lễ mười phương chư Phật, Sư nói:
- Ta muốn vào biển!
Mọi người kinh hãi thưa:
- Nay đã ở trong biển rồi, còn muốn vào đâu nữa?
Sư nói:
- Ta nghe bậc Bồ-tát giải thoát, khi tịch dặn các đệ tử chia thân làm ba phần: Một cho loài cầm thú, một cho tôm cá và một cho kiến trùng. Nay ta cũng thế.
Mọi người khóc lóc níu lại. Sư lấy một tờ giấy đưa cho khách, đó là lời của Bồ-tát giải thoát. Chúng vẫn buồn bã níu giữ không buông. Sư nói:
- Các ông hãy vì ta mà lễ Phật.
Mọi người liền cúi lạy, Sư nhảy xuống biển. Họ định lấy buồm vớt Sư. Ngồi ngay trên sóng nước, Sư vẫy tay nói:
- Cất buồm đi! Các ông thua ta rồi!
Phút chốc, có một đám sương trắng vàng bao phủ quanh Sư, rồi cuốn đi. Đó là ngày 25 tháng 10 năm Canh Tuất (1610) niên hiệu Vạn Lịch 38. Vị đạo nhân già trở về thuật lại. Hoa Đình Trần Mi Công bèn ghi chép lại chuyện này.
Vị Tăng thứ hai là Thu Nguyệt. Ngài là một vị sư già ở núi Huyền Cơ, Tô Châu. Sư tinh thông giới luật, lễ tụng chuyên cần, lấy uống trà làm Phật sự. Ai đi qua Huyền Cơ cũng đều ghé thăm Sư. Nhưng nếu không phải người cao nhã thì Sư chẳng tiếp, gặp mặt cũng chẳng mời trà nước.
Lúc ấy, đang có giảng tịch của ngài Thiền Kỳ, người bốn phương rầm rộ kéo đến. Sư vẫn điềm nhiên như không hề hay biết. Có người khuyên Sư nên tùy hỷ ra một lần, Sư chỉ cười chẳng đáp.
Niên hiệu Thiên Khải cải nguyên (1621), Sư từ biệt bạn đạo trong núi, sáng sớm đi thuyền đến bể Liên Hoa ở Nam Hải, hốt nhiên đến đầu thuyền lễ bái, lớn tiếng niệm Phật rồi nhảy ùm xuống nước. Mọi người vội níu lại nhưng chẳng kịp. Sóng gió nổi lên rất mạnh, Sư nhấp nhô trên sóng, vẫn chắp tay niệm Phật. Tiếng Sư xa dần rồi mất hẳn.
Qua hai hình ảnh của hai vị Tăng, ngài Dạ Đài biểu hiện cho cái tối, Ngài chuyên đi trong đêm và làm rất nhiều Phật sự, còn Ngài Thu Nguyệt biểu hiện cho cái sáng, Ngài không hề đi và không hề làm, là hai hình ảnh ngược nhau, Ngài Tinh Vân có lời bình:
Dạ Đài chạy khắp bốn núi lớn, vết chân in khắp nước. Thu Nguyệt tĩnh lặng đóng cửa thất, chẳng màng đến việc bên ngoài. Dạ Đài rộng tu phước nghiệp, Thu Nguyệt một việc cũng không làm. Hai Ngài bình sinh trái nhau như thế, đến lúc cuối lại giống hệt nhau. Dạ Đài giấu cái tĩnh trong động. Thu Nguyệt gởi cái động trong tĩnh. Dấu vết động tĩnh của hai vị thoát khỏi mé sanh tử không mảy may chướng ngại. Tâm hai vị thật không thể so sánh ai hơn ai kém vậy.
Hai Ngài lúc sống thì ngược nhau, nhưng đến cuối cùng khi tịch thì cùng nhảy vào biển giống hệt nhau. Trên tướng bên ngoài thì thấy có sai khác, nhưng chỗ rốt ráo cuối cùng thì tâm thể không hai. “Dạ Đài giấu cái tĩnh trong cái động. Thu Nguyệt thì gởi cái động trong cái tĩnh. Dấu vết động tĩnh của hai Ngài thoát khỏi sanh tử, tâm hai vị không thể so sánh ai hơn ai kém vậy”. Tâm hai vị này không khác, làm và không làm, động và tĩnh không ngoài nhau, không ra ngoài pháp thân sáng biết trùm khắp bất động.
Trở lại nơi tất cả chúng ta, nếu nhận và sống được với vầng trăng chân thật rồi thì làm tất cả mà chẳng khác gì một việc cũng không làm. Tâm mình đã không khác thì đã vượt lên trên hai bên đối đãi. Động và tĩnh, có và không đều ở trong nhau, không phân biện. Cái tự biết này nó vốn không động, nó vốn đã tự tịnh, chưa từng động nhưng lại rất sống động. Từ tính chất vốn tĩnh, không động mà làm tất cả việc thì nó sẽ trở nên sinh động chứ không phải loạn động. Đây là chỗ sâu kín, không hai, chính là chỗ ngài Dạ Đài giấu cái tĩnh trong cái động, là trên động mà tĩnh, mà bất động, không động bao giờ. Đồng thời, tính chất sáng biết đó nó bất động nhưng linh hoạt, hoạt dụng, sống động, rõ suốt tất cả. Đây chính là chỗ ngài Thu Nguyệt gởi cái động trong cái tĩnh, trong tĩnh mà sống động, linh hoạt chứ không phải chìm dưới đáy của an tịnh. Đến trong đây rồi, động và tịnh không hai, không khác, đan xen mà rành rẽ rõ ràng, tình thức không thể nghĩ lường đến được. Trong khi đối duyên xúc cảnh hằng ngày, nếu chúng ta khéo nhận lại tánh này thì sẽ thấy rõ lúc nào mình cũng sẵn cái biết khắp mà vốn không động. Quý vị vừa thấy thì thẳng đó liền sáng biết, không rơi vào hạn lượng của tình thức thì tỏ sáng cái vốn tự biết mà không động nơi chính mình. Nếu khéo dùng được như vậy thì không cần phải đợi lên bồ đoàn mới dùng, mà lúc nào mình cũng đang dùng được.
Trong đoạn kết của bài “Nói rộng một con đường hướng thượng”, vua Trần Thái Tông đã nói: “Có một con đường hướng thượng xưa nay làm sao nói?”. Vì vừa mở miệng nói cho hiểu thì rơi vào hai bên sanh diệt mất rồi. Chỉ là vạch ra cho khéo nhận lại thôi, chứ không thể nào nói hết được. Ngài nói tiếp: “Dốt! Lửa này chưa từng đốt miệng. Lắng nghe! Lắng nghe! Nếu nghe được lời này thì tai điếc ba ngày”. Ngay tiếng quát lên: “Dốt!”. Nếu quý vị khéo nghe, khéo nhận thì tràn ngập không bao giờ mất, không bao giờ quên. Cho nên có một vị nói: “Một lần thôi, ăm ắp suốt nghìn năm”. Khi nghe ngài Trần Thái Tông nói: “Lắng nghe! Lắng nghe!”, chúng ta đừng tìm hiểu Ngài nói cái gì, đừng trông đợi Ngài sẽ nói ra một điều gì đó, mà hãy khéo lắng nghe lại “cái mình đang biết nghe” đây này! thì liền được điếc tai ba ngày, tức là không bao giờ mất, không bao giờ quên. “Nếu nghe chẳng được chạy qua nhanh”. Chần chờ khởi hiểu, chần chờ suy nghĩ thì rơi vào hạn lượng của tình thức, ngay đó đã qua mất rồi. Chạy qua luôn đi, đừng suy nghĩ nữa, không phải đâu! Và lại được Ngài từ bi nói tiếp: “Lại trao cho chăng?” Có nghĩa là có trao cho nhau được không? Ngài bắt đầu nói kệ trao cho mình, quý vị chuẩn bị nhận:
Chốn chốn dương xanh nên cột ngựa,
Nhà nhà có lối thẳng Trường An.
Trở về dưới nguyệt người ít đến,
Một ánh trăng soi khắp mọi miền.
Ngay khi quý vị vừa khéo nhảy vào thì phải nên cột ngựa ngay đó liền, đừng để cho tình thức có chỗ chen vào. Nhà ai cũng có một lối thẳng đi đến Trường An (kinh đô), nghĩa là nơi mỗi chúng ta ai ai cũng sẵn tánh Phật đó, mỗi người đều sẵn vầng trăng sáng vằng vặc đó. Nhưng mà: “Trở về dưới nguyệt người ít đến”. Về tắm dưới ánh trăng vằng vặc đó thì lại ít có ai đến được. Nếu đến được rồi thì: “Một ánh trăng soi khắp mọi miền”. Ánh trăng đó soi khắp tất cả chỗ, sáng ngời, bàng bạc, không thiếu sót nơi nào, không mây mưa nào làm ngăn ngại được. Nhận lại vầng trăng đó có khó không? Nói dễ cũng không phải mà nói khó cũng không phải. Dễ cũng thật là dễ, mà khó cũng vô vàn khó. Giống như con mắt của mình, con mắt không thể tự thấy nó mà chỉ thấy vật bên ngoài, khi thấy vật bên ngoài thì cảm nhận là con mắt đang sáng. Cũng vậy, bản tánh chính là mình cho nên chỉ khéo nhận lại thôi chứ không cho thấy, không cho hiểu, vì vậy rất khó. Nhưng nó lại nằm ngay nơi chính mình chứ không phải ở đâu xa, cho nên nhận lại cũng thật dễ. Không thể nói khó, không thể nói dễ. Nếu nó là cái gì đó bên ngoài cho mình thấy, mình đem vào thì quá dễ. Ngược lại, cái này lại ngay nơi chính mình nên vô vàn khó. Nhưng nếu khéo nhận thì nó lại là chính mình, không phải đi tìm ở đâu xa cho nên cũng vô cùng dễ. Khéo nhận lại ngay đó liền đầy đủ.
Cuối cùng, quý Thầy mong toàn thể quý Phật tử, gặp chốn dương xanh thì phải nhảy vào cột ngựa liền, đừng chần chờ để cho nó rơi vào tình thức mà phải trả giá khổ đau. Phải dám mạnh mẽ tin rằng, mọi người làm được thì mình cũng làm được. Được như vậy, chúng ta sẽ trở về được dưới ánh trăng, một vầng trăng bàng bạc, sáng ngời, soi thấu khắp mọi nơi, không bị mây mưa làm ngăn ngại.
Các bài mới
- Thưa hỏi Thiền ( Phần 3) - 03/06/2015
- Dụng thẳng tâm thiền - 02/12/2014
- Trả lời câu hỏi cuộc đời - 06/11/2013
- Đức tính khiêm hòa - 30/09/2013
- Chớ để thời gian qua suông - 08/08/2013
Các bài đã đăng
- Tâm trộm - 16/01/2013
- Tâm bình thường - 06/12/2012
- Nghi vấn sau cùng của Đức Phật - 02/10/2012
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89096
- Online: 51