Một cái biết suốt cả xưa nay

25/07/2022 | Lượt xem: 4400

TT.Thích Thông Phương

I. MỘT LẼ THẬT KHÔNG HAI

Lâu nay người học đạo thường bị lúng túng, do dự khi đụng đến cái BIẾT. Hoặc nghe nói: Biết là vọng giác; hoặc nghe nói: Biết vọng cũng là vọng; hoặc nghe nói Biết là động, là mê, là sanh diệt; hoặc có lúc nghe nói: Biết là nhiệm mầu, Biết huyễn tức lìa huyễn v.v… Vậy làm sao thấu rõ không lầm? Chính đây là điểm thiết yếu, người học đạo chúng ta cần phải nắm vững để xác quyết trên đường tu không thối chuyển.

Thực ra, xét cho thấu đáo thì xưa nay Phật, Tổ nói nhiều kinh luận, tạo lập bao nhiêu phương tiện, hoặc phá chấp, hoặc chỉ thẳng, hoặc đánh, hoặc hét… cũng không ra ngoài một cái BIẾT. Dù người có cố bài bác đó, trừ bỏ nó nhưng vẫn không làm sao bài bác, trừ bỏ được. Bởi, bài bác nó thì lấy cái gì bài bác? Chính khi bài bác nó là đã dùng nó rồi! Không biết, làm sao bài bác? Dùng cái Biết để bài bác cái Biết, chỉ tự mâu thuẫn thôi, đâu là thật nghĩa? Trừ bỏ cũng thế.

Tăng hỏi Tào Sơn - Bổn Tịch:

- Thế nào là mênh mang bát ngát chuốc họa ương?

Sư đáp:

- Chỉ là cái ấy.

Tăng hỏi:

- Làm sao khỏi được?

Sư đáp:

- Biết có liền được, dùng khỏi làm gì? Chỉ là Bồ-đề, Niết-bàn, phiền não, vô minh v.v… thảy đều chẳng cần khỏi. Cho đến việc thô trọng ở thế gian cũng thế, miễn biết có là được, chẳng cần khỏi; khỏi tức đồng biến dịch (dời đổi) rồi.

Ông tăng muốn biết có cách gì để khỏi cái họa ương mênh mang bát ngát kia. Tào Sơn chỉ đáp gọn: “Biết có” là xong, khỏi phải cầu khỏi. Còn muốn cầu khỏi tức là còn ý niệm kia đây, muốn bỏ đây để tìm đến kia, bỏ cái biết này tìm cái biết khác, đó cũng là dời đổi, là sanh diệt thôi. Chỉ ngay đây Biết có việc ấy, hết mê là xong. Tuy nhiên, phải chín chắn thấu tột cội nguồn của nó chớ không vội dừng trên tướng sai biệt mới là người khéo. Như sóng và nước, trở về nguồn nước là Giác, theo từng lượn sóng là Mê. Bởi, chính Tâm vốn là Biết, thì bỏ nó sẽ sống với cái gì? Cốt yếu đừng lầm nó là điểm quan trọng! Ngoài ra, dù cố bỏ nó, trừ nó, cũng không ra khỏi nó. Cả đến người nhập Diệt tận định, khi xuất định cũng ở trong nó.

Có vị tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:

- Khi học nhân hoàn toàn chẳng lãnh hội thì thế nào?

Sư đáp:

- Ta cũng trọn chẳng hội.

Tăng thưa:

- Hòa thượng Biết có hay không?

Sư bảo:

- Ta chẳng phải khúc gỗ, làm sao chẳng biết?

Tăng thưa:

- Rất khéo chẳng hội.

Sư vỗ tay cười.

Hòa thượng Triệu Châu là vị đại Thiền sư nổi tiếng thời Đường, người tham công án thường tham những công án của sư như “cây bách”, “chữ KHÔNG”…, song với Sư có chối bỏ cái Biết chăng? Trong đây Sư đã xác nhận rõ ràng: “Ta chẳng phải khúc gỗ, làm sao không biết?” Ông tăng tinh mắt thấy được Sư nên nói: “Rất khéo chẳng hội”. Bởi khi nói “chẳng hội”, thì cái gì “Biết chẳng hội”. Nói chẳng hội, không hẳn là chẳng biết gì. Người học thiền lanh lợi phải khéo nhận trong ấy, không thể chết trên “lời chẳng hội”. Như vậy cho thấy, dù ai có cố phủ nhận nó, chê trách nó, cũng không ra khỏi nó, đó là một lẽ thật không thể chối cãi.

 

II. TỪ KINH ĐẾN THIỀN

Để cho người học thấy rõ hơn, lẽ thật này xưa nay một mạch thông suốt không hai, chúng ta đi qua từ kinh đến thiền xem nào!

* KINH TƯƠNG ƯNG: Trong bài kinh “Có Pháp Môn Nào”, Phật bảo các Tỳ-kheo: “Ở đây, này các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham sân si, Biết rõ “nội tâm ta có tham sân si”, hoặc nội tâm không có tham sân si, biết rõ “nội tâm ta không có tham sân si”. Này các Tỳ-kheo! Khi mắt thấy sắc, hoặc nội tâm có tham sân si… Biết có tham sân si…, nội tâm không có tham sân si, Biết không có tham sân si… Này các Tỳ-kheo! Biết rõ chúng có mặt hay không có mặt trong tâm vị ấy, có phải chúng là những pháp do lòng tin được hiểu biết, hay do ưa thích được hiểu biết, hay do lắng nghe được hiểu biết, hay do suy tư về phương pháp được hiểu biết, hay do kham nhẫn được hiểu biết, hay do thích thú biện luận được hiểu biết?”

- Thưa không, bạch Thế Tôn!

- Có phải các pháp này, do thấy chúng với Trí tuệ nên được hiểu biết?

- Thưa phải, bạch Thế Tôn!

Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy.

Cuối cùng Phật xác định: “Đây chính là pháp môn, này các Tỳ-kheo, do pháp môn này, ngoài lòng tin, ngoài ưa thích, ngoài lắng nghe, ngoài suy tư về phương pháp, ngoài kham nhẫn, thích thú biện luận, có thể xác chứng với chánh trí, vị ấy biết rõ sanh tử đã tận, việc làm đã xong… không còn sanh trở lại đời nào khác nữa”.

Trong đây Phật đã xác định rõ: cái Biết nơi nội tâm có tham sân si, không tham sân si khi sáu căn đối tiếp sáu trần, cái biết đó, là chỗ xác chứng với chánh trí, nghĩa là có thể chứng nghiệm trong chánh trí chớ không phải là điều nói suông. Cái Biết đó suốt đến tận ngày nay, có niệm Biết có niệm, không niệm Biết không niệm, có gì cách biệt? Đâu phải cố định dùng chữ “tham sân si” mới được?

* Và KINH THANH TỊNH - TRƯỜNG A-HÀM, Phật bảo: “Pháp ta tự chứng chỉ người trí mới BIẾT”. Vậy Phật có bác bỏ cái Biết chăng? Chỉ là chỗ đó người trí mới Biết thôi, tức là cái Biết vượt ngoài chỗ biết của thức tình sanh diệt, chớ đâu phải thành đạo rồi vô tri như cây đá không biết gì! Mà điều này ai không có? Nó vốn không nằm trong suy tư, lý luận, không ở trong bộ kinh này, bộ kinh nọ; trái lại nó ở chính ngay tự tâm người thôi, thì tại sao chúng ta lại chối bỏ nó?

* KINH KIM CANG: Phật bảo Trưởng lão Tu-bồ-đề: “Có những chúng sanh ở trong vô lượng vô số cõi nước như vô số cát của vô số sông Hằng, những chúng sanh ấy có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai thảy đều Biết hết. Vì sao? Như Lai nói các tâm là chẳng phải tâm, đó gọi là tâm. Bởi cớ sao? Vì tâm quá khứ chẳng thể được, tâm hiện tại chẳng thể được, tâm vị lai chẳng thể được”.

Vậy thì Như Lai có Biết chăng? Chẳng những Ngài Biết rõ và còn Biết nhiều hơn chúng ta nữa kìa, nhưng đặc biệt là Ngài không ở trong cái bị biết như chúng ta đang sống. Chúng ta nếu biết tất cả nhưng ở trong Như Lai mà biết, thì gặp Phật Biết liền. Bởi chúng sanh dù có bao nhiêu thứ tâm đi nữa, Như Lai đều biết rõ tâm đó là chẳng phải tâm. Tại sao chẳng phải tâm? Vì những tâm đó đều thuộc tâm ba thời, hoặc tâm quá khứ, hoặc tâm hiện tại, hoặc tâm vị lai, mà tâm ba thời đều không thể được, tức không thật có, là tâm sanh diệt, do đó đâu thể qua mắt Như Lai.

Rồi hỏi Phật có đủ năm mắt là nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn, Phật nhãn chăng? Tu-bồ-đề đáp có đủ hết. Không những Phật có đủ mắt Phật, mắt pháp, cũng có đủ luôn mắt thịt không chối bỏ. Song với mắt thịt của Phật, Phật thấy tất cả vật như chúng ta mà không lầm theo vật, thấy suốt qua mọi vật không bị che mờ chánh giác, đó là THẤY BIẾT CỦA PHẬT. Nếu chúng ta ngay cái thấy biết này, thấy biết tất cả không lầm mê tức cùng Phật gặp nhau, đâu phải tìm thấy biết nào khác nữa. Cốt là đúng như nghĩa NHƯ mà Thấy Biết thì không có gì lầm qua mắt được. Trái nghĩa NHƯ mà biết, đó là cái biết của phàm phu sanh tử.

Chẳng hạn, ngay đây chúng ta vừa động niệm lên thì trong đó cái gì Biết liền? Mới vừa động niệm thì chưa có cái thứ ba chen vào, không phải chính đó là Như Lai Biết sao? Tại sao mình lại chối bỏ nó, rồi đi nhận bao nhiêu cái biết kia là cái bị biết? Cho đến đi chỉ trích người này, đi phê bình người nọ, đó là cái Biết gì? Chính là cái tâm bị biết, là cái biết sanh tử, nhận cái biết này mà tự thích thú là nhận đi trong sanh tử luân hồi không có ngày ra. Đây là điểm không thể lầm lẫn!

* KINH DUY MA: Trong phẩm Phật Quốc có hai câu kệ:

       Năng thiện phân biệt chư pháp tướng

       Ư đệ nhất nghĩa nhi bất động.

Nghĩa:

       Hay khéo phân biệt tướng các pháp,

       Nơi nghĩa đệ nhất vẫn chẳng động.

Như vậy là có biết chăng? Đây bảo, phân biệt rõ hết tất cả mọi pháp không sót cái gì thì đâu chối bỏ có Biết? Chỉ là, tuy Biết hết tất cả nhưng vẫn không rời nghĩa đệ nhất, tức không rời thể chân thật thường trụ, đó là điểm quan trọng! Nghĩa là, không phủ nhận cái Biết, không bác bỏ phân biệt, song phải phân biệt mà không lệ thuộc theo duyên, không dừng trên cảnh bị phân biệt. Phân biệt như thế thì phân biệt tất cả cảnh duyên mà không rời tự tánh chính nó, do đó phân biệt mà đâu từng mê, đâu theo sanh diệt, làm sao bác bỏ nó? Thiền sư Huyền Giác bảo: “Phân biệt mà không phải Ý”. Quan trọng là không có “Ý” xen vào. Song có người sẽ thắc mắc hỏi: “Không có ý thì làm sao biết phân biệt?” Đây là hỏi theo tình mê, cứ nghĩ rằng phải có “Ý” thì mới biết phân biệt, không có ý thì lấy gì, nương vào đâu mà phân biệt được? Đó là bám chặt theo cái phân biệt thuộc sanh diệt, có ý thì có phân biệt, không ý thì không phân biệt. Hơn nữa, có “Ý” là có “TA” rồi, nên phân biệt cũng méo mó theo TA. Còn trong đây, là tự thể vốn đủ tánh phân biệt không nhờ cái gì khác, nên cái gì thoáng qua là biết ngay, đâu cần thêm Ý? Thêm “Ý”thêm cái “TA” vào, đó là chỗ bị quở trách!

Tăng hỏi Thiền sư Hoài Nhượng ở Nam Nhạc:

- Như gương đúc thành tượng, sau khi thành tượng, chẳng biết ánh sáng đi về đâu?

Sư đáp:

- Như ông hiện giờ, tướng mạo lúc còn bé ở đâu?

Tăng hỏi:

- Chỉ như sau khi tượng thành vì sao chẳng chiếu soi?

Sư đáp:

- Tuy nhiên chẳng chiếu soi, mà dối y một điểm cũng chẳng được.

Gương chưa đúc thành tượng là còn trong dụng công chiếu soi phân biệt mà biết.

Gương sau khi đúc thành tượng là quên công phu, bặt chiếu soi phân biệt, nhưng đâu phải không biết gì. Người cứ sợ hết chiếu soi phân biệt thì không còn biết, nên hỏi: “ánh sáng đi về đâu?”. Không ngờ, tướng mạo lúc bé tuy hiện giờ không thấy, nhưng đi đứng tới lui đó là gì? Có biết chăng? Tại sao lại cứ bám vào tướng mạo cũ đó mới chịu? Bởi cái Biết do có chiếu soi mà có, khi không chiếu soi liền không có. Đó là cái biết sanh diệt, còn trong dụng công, chưa phải THẬT BIẾT, THẬT TRÍ. Cái thật Biết của Thật Trí, dù có chiếu soi hay không chiếu soi vẫn biết không mất, không hạn cuộc chỗ nơi. Đây là Toàn THỂ HẰNG BIẾT nên đụng đến đâu cũng rõ ràng, vốn hằng như vậy thì có cái gì thoáng qua mà dối gạt được nó? Đến đây mới chính là chân tâm hiện tiền! Chỗ này đem cái Biết của phàm phu mà phê bình được sao?

 Thiền sư Bị ở Huyền Sa, một hôm có vị tăng đang đứng hầu, Sư lấy cây gậy chỉ chấm trắng trên nền đất ở trước mặt hỏi:

- Có thấy chăng?

Tăng thưa:

- Dạ thấy.

Sư hỏi lại:

- Có thấy chăng?

Tăng đáp:

- Dạ thấy.

Sư nhấn mạnh lại lần nữa:

- Có thấy chăng?

Tăng thưa:

- Dạ thấy.

Sư liền bảo:

- Ông cũng thấy, ta cũng thấy, vì sao nói chẳng lãnh hội?

Hãy nghe kỹ: “Ông cũng thấy, ta cũng thấy, vì sao nói chẳng lãnh hội?”. Ai thấy được điểm cách biệt này? Thấy được chỗ này thì hết tranh cãi. Thiền sư Bị cũng thấy điểm trắng, sao Sư sáng tỏ không mê? Ông tăng cũng thấy điểm trắng, sao lại tối tăm không sáng? Chỉ tại ông thấy chấm trắng liền trụ ngay chấm trắng, chỉ biết có chấm trắng; còn Sư thấy chấm trắng vẫn không rời tự tánh thấy! Một chút xíu đó thôi mà cách biệt hằng sa kiếp số tới giờ vẫn chưa sáng tỏ! Rõ chỗ này thì vượt hằng sa kiếp trong chớp mắt! Chỗ này ngôn ngữ muôn đời không bao giờ tới được, làm sao bài bác nó?

* KINH LĂNG NGHIÊM: Trong đó Phật từng chỉ rõ:

“Tri kiến lập tri, tức vô minh bổn.

Tri kiến vô kiến, tư tức Niết-bàn.”

Nghĩa là :

Thấy biết mà lập thêm thấy biết, tức là gốc vô minh.

Thấy biết mà không có thêm thấy biết, đây là Niết-bàn.

Vậy Niết-bàn có biết hay không? Đây nói rõ: thấy biết mà không có lập thêm cái thấy biết nữa thôi, không phải bảo hoàn toàn không biết. Vậy tại sao chúng ta bài bác thấy biết, chúng ta hơn Phật, Tổ sao? Hay là chính chỗ thấy của chúng ta còn chưa theo kịp Phật, Tổ? Đây là điểm cần tự xét lại!

Một đoạn khác trong kinh Lăng Nghiêm, Phật bảo A-nan và đại chúng:

“Những người tu hành chẳng thể thành tựu Vô thượng Bồ-đề, cho đến riêng thành Thanh Văn, Duyên Giác và quyến thuộc của ma, đều do chẳng biết hai thứ căn bản, tu tập lầm lộn. Thế nào là hai thứ?

1. CĂN BẢN SANH TỬ TỪ VÔ THỦY: tức chính ông hiện nay và các chúng sanh dùng TÂM PHAN DUYÊN làm tự tánh.

2. THỂ BỒ-ĐỀ NIẾT-BÀN THANH TỊNH SẴN CÓ TỪ VÔ THỦY: tức chính ông hiện nay, cái “Thức thể sẵn tự sáng ngời” (thức tinh nguyên minh) nó hay sanh các duyên, mà bị các duyên bỏ sót nó. Do các chúng sanh bỏ sót cái “sáng suốt sẵn có” này, nên tuy trọn ngày tu hành mà chẳng tự giác, uổng đi vào các thú”.

Ai thấy cái đau đớn của chúng ta chưa? Chỉ lo nhận cái “tâm phan duyên” làm tự tánh nên đi lang thang mãi trong vòng luân hồi không biết đâu là cùng! Trong khi đó, “thể Bồ-đề, Niết-bàn thanh tịnh sẵn có từ bao giờ” vẫn ở ngay đấy lại bỏ quên. Sao quá phũ phàng!

Đây Phật chỉ rõ: cái thức tinh nguyên minh tức “cái thức thể sẵn tự sáng ngời”, nó hay sanh các duyên, rồi bị các duyên bỏ sót nó đi. Do chúng ta bỏ sót cái “sáng suốt sẵn có” này, cho nên dù trọn ngày tu hành khổ nhọc mà chẳng tự giác được, đành chịu trôi lăn trong các thú một cách đáng thương!

Điểm quan trọng là: cái thức thể sẵn tự sáng ngời, nó hay sanh các duyên, là sanh như thế nào? Và nó bị các duyên bỏ sót nó, là bỏ sót thế nào? Trước nhất phải hiểu cái “Thức thể sẵn có tự sáng ngời” là cái gì? Đừng mắc kẹt trong chữ nghĩa! Tức cái THỂ BIẾT SỜ SỜ chúng ta đang sống trong nó đây. Nó biết khắp tất cả các duyên, các cảnh, đó gọi là Sanh! Nghĩa là, nó biết cái nào liền có cái đó hiện. Nhưng chính khi nó biết các duyên rồi, lại chỉ nhớ các duyên thôi, đồng hóa với các duyên, quên mất chính nó, đó là Bỏ Sót chứ gì! Chính chỗ này là nguồn gốc đi vào luân hồi, lang thang trong sáu nẻo. Trọn ngày tu hành mà chỉ NHỚ cái Biết theo duyên, theo cảnh, lấy đó làm gốc tu hành, THẤY BIẾT luôn “mất mình trong duyên” nên đi mãi trong sanh tử không ra khỏi, có lạ gì! Bởi sống bằng TÂM PHAN DUYÊN nên luôn luôn đuổi theo cảnh, cảnh này qua rồi lại suy tìm cảnh khác để duyên, để biết, vì sợ rằng không có cảnh thì không biết. Đem Biết đi tìm Biết, trách gì không bị Phật quở là MÊ.

Chính bám vào cái THẤY BIẾT này nên thấy “có biết, không biết”, có duyên thì biết, không duyên thì không biết. Sự thật, THỂ BIẾT vẫn thường hằng chưa từng vắng mặt bao giờ. Nói có Biết, không Biết là do có đối tượng hay không có đối tượng, hoặc có duyên hay không có duyên vậy thôi, đâu thể lầm lẫn với THỂ BIẾT này! Cho nên ngay đây chúng ta chỉ cần: BIẾT TẤT CẢ CẢNH DUYÊN MÀ KHÔNG QUÊN là xong, là nó vẫn hằng có mặt rõ ràng đó thôi, dù ai có bài bác, có đả phá cách gì cũng không dính dáng.

Hòa thượng Cảnh Thanh, một hôm Sư hỏi vị tăng:

- Ngoài cửa có tiếng gì?

Tăng thưa:

- Tiếng mưa rơi.

Sư bảo:

- Chúng sanh điên đảo quên mình theo vật.

Tăng thưa:

- Hòa thượng thì sao?

Sư bảo:

- Vẫn chẳng quên mình.

Tăng thưa:

- Vẫn chẳng quên mình, ý nghĩa đó thế nào?

Sư bảo:

- Xuất thân còn là dễ, thoát thể nói rất khó.

Hỏi: tiếng gì ngoài cửa? Theo đó mà đáp, quên mất chính mình đang đối diện đây, là Mê, là điên đảo. Trái lại, vẫn nghe tiếng mưa rơi, vẫn Biết rõ ràng từng tiếng mưa rơi rành rẽ mà không đồng hóa với tiếng mưa, không bỏ sót chính mình, thì ông chủ vẫn có mặt sáng ngời đó, có lầm lỗi gì? Tuy nhiên “xuất thân còn là dễ”, tức thấu qua chỗ đó còn tạm nói được, tạm chỉ bày được; nhưng “thoát thể nói rất khó”, nghĩa là thể nhập trong đó thì không còn là chỗ có thể nói đến, bàn đến được, chỉ phải thực sự chứng nghiệm qua thôi. Vậy thì làm sao thức tình dò đến nổi mà gọi là thức? Chỗ này không thể hời hợt bỏ qua!

* KINH PHÁP HOA: Trong phẩm Phương Tiện, Phật bảo Trưởng lão Xá-lợi-phất: “Đức Phật Thế Tôn chỉ do một đại sự nhân duyên mà hiện ra nơi đời. Đại sự nhân duyên đó là gì? Tức vì muốn cho chúng sanh KHAI Tri Kiến Phật để được thanh tịnh mà hiện ra đời; vì muốn CHỈ Tri Kiến Phật cho chúng sanh mà hiện ra đời; vì muốn cho chúng sanh tỏ NGỘ Tri Kiến Phật mà hiện ra đời; vì muốn cho chúng sanh CHỨNG VÀO đạo Tri Kiến Phật mà hiện ra nơi đời”.

Trong đây Phật thổ lộ bản hoài của chư Phật hiện ra đời, chỉ vì một việc: KHAI THỊ cho chúng sanh NGỘ NHẬP Tri Kiến Phật thôi, ngoài ra thì tất cả đều là phương tiện. Nhưng Tri Kiến Phật là gì? Tức cái THẤY BIẾT GIÁC NGỘ. Song cái THẤY BIẾT GIÁC NGỘ đó ở đâu mà khai thị? Chính ngay sáu căn này chớ không đâu khác. Ngay đây mà thấy biết theo duyên để chịu sanh diệt, là cái thấy biết chúng sanh, thấy biết MÊ. Ngay đây mà THẤY BIẾT lìa duyên, không theo sanh diệt, là cái THẤY BIẾT PHẬT, THẤY BIẾT GIÁC, không ngoài cái thấy biết này riêng có cái gì khác, không bỏ đây tìm kia, đó mới là cái “Thấy biết chân chánh” vượt ngoài đối đãi.

Đây nhắc lại vị tăng hỏi Thiền sư Tiểu Nham:

- Trong kinh nói “Chư Phật ra đời vì một đại sự nhân duyên”, xin hỏi Hòa thượng: thế nào là đại sự nhân duyên?

Sư đáp:

- Ăn cơm, mặc áo, đi ỉa, đi đái.

Vị tăng không chấp nhận, chẳng thèm lễ bái, liền đi ra. Sư gọi lại, nói bài kệ:

       Chư Phật xuất ư thế

       Duy vị đại nhân duyên

       A thỉ tịnh phóng niệu

       Cơ xan khốn đả miên

       Mục tiền khẩn cấp sự

       Nhân chỉ dục thướng thiên

       Đàm huyền cọng thuyết diệu

       Tao tội phục thâu tiền.

Nghĩa:

       Chư Phật hiện ra đời

       Chỉ vì nhân duyên lớn

       Đi ỉa cùng đi đái

       Đói ăn mệt ngủ khò

       Trước mắt việc gấp rút

       Người chỉ muốn lên trời

       Bàn huyền cùng nói diệu

       Mắc tội lại thua tiền.

Ông tăng thiết tha hỏi “nhân duyên việc lớn”, ông cứ tưởng đó là một cái gì thật phi thường cao xa, vượt ngoài cõi đời này. Không ngờ Thiền sư đáp một cách bình thường, hết sức bình thường: “Ăn cơm, mặc áo, đi ỉa, đi đái”, thì làm sao chấp nhận được? Bởi nó không đúng với chỗ tưởng tượng của mình. Đâu biết, lẽ thật vốn sờ sờ nơi mình, rất đơn giản gần gũi với mình, nhưng vì chúng ta chấp theo danh từ khởi tưởng nên thành xa. Bởi vậy, Thiền sư Tiểu Nham nói kệ đánh thức ông tăng trở lại. Chính chỗ ông sống hằng ngày đây, chỗ ông ăn cơm, mặc áo, đi ỉa, đi đái đó, là chỗ gấp rút cần thức tỉnh; trái lại, ông không chịu tỉnh, còn muốn đòi hỏi xa xôi, muốn lên trời để bàn huyền, bàn diệu, nói lý cao siêu, thì quả là TRƯỚC MẶT LẦM QUA, chỉ uổng mất công phu khổ nhọc thôi. Cũng may ông tăng còn biết hổ thẹn, nếu không, chẳng biết tâm kiêu mạn đó sẽ dẫn ông đi đến đâu?

Như vậy, đại sự nhân duyên đó ở đâu? Tức ngầm chỉ: ngay cái BIẾT HIỆN TIỀN đây thôi, khéo nhận thì đầy đủ hết!

 Cũng kinh Pháp Hoa, phẩm Như Lai Thọ Lượng, Phật bảo: “Như Lai chẳng như ba cõi mà thấy ba cõi, Như Lai thấy suốt không có sai lầm”.

Sao là chẳng như ba cõi mà thấy ba cõi? Tức Như Lai thấy suốt tất cả không thiếu sót, nhưng thấy tất cả mà không là cái gì hết, nên Ngài thấy suốt không có sai lầm. Trái lại, chúng ta thấy cái gì thì “là cái đó” ngay, tức liền đồng hóa với cái đó, nên chỉ biết có cái đó mà quên mất chính mình, do đó luôn mê lầm. Giờ đây, chúng ta chỉ cần ngay thấy biết này, thấy tất cả mà không là cái gì hết, thì thấy chỉ là thấy, nguyên vẹn như nó là nó, chính đó là NHƯ LAI THẤY rồi! Ngay đó liền gặp NHƯ LAI! Phật xuất hiện ra đời liền đó! Khỏi lo nghĩ thắc mắc về Biết - chẳng Biết.

Xưa, các bậc A-la-hán khi chứng đạo đều bảo: “Tự biết, tự ngộ, tự thân tác chứng, thành tựu an trú, Biết đúng như thật: Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa.” Trong các kinh A-hàm, Nikaya, đều xác định rõ điều này. Vậy rốt ráo các Ngài có rời Tính Biết chăng? Các Ngài đã xác nhận rõ: “Tự biết, tự ngộ, tự thân tác chứng”, thì rõ ràng đâu phải vô tri như cây đá. Thế nhưng, tại sao ngày nay chúng ta lại có chê trách cái biết? Vậy là lỗi tại cái Biết? Hay lỗi tại ai? Đây là điểm cần thấu rõ!

Chính bởi chúng ta còn mang cái thấy sai biệt, nên mới phân chia cái Biết này là cái Biết Vọng, cái Biết kia là cái Biết Chân, cái Biết này là cái Biết Thức, cái Biết kia là cái Biết Trí v.v… song sự thật ngoài cái Biết Thức lại có thêm cái Biết Trí nữa sao? Đó là có thêm một cái Ta nữa rồi!

Thấy như vậy là còn niệm lấy bỏ hai bên, còn sống trong cái thấy kia đây, tức thành dời đổi (biến dịch) rồi, sao gọi là thiền? Sao gọi là thấy đạo?

Chúng ta hãy nghe vị tăng hỏi Quốc sư Huệ Trung:

- Thiền là tên khác của Tâm, mà Tâm là chơn như thật tánh ở Phật chẳng thêm, ở phàm chẳng bớt, các Tổ sư Thiền tông đem tâm này đổi tên là Tánh, xin hỏi thầy Tâm và Tánh sai khác thế nào?

Quốc sư Huệ Trung đáp ngay:

- Khi mê thì có sai khác, khi ngộ thì không sai khác.

Vị tăng hỏi thêm:

- Trong kinh nói: “Phật tánh là thường, tâm là vô thường”, vì sao thầy nói không sai khác ư?

Sư nêu thí dụ giải rõ:

- Ông chỉ y cứ theo lời mà chẳng y theo nghĩa. Ví như khi lạnh thì kết nước thành băng, khi nóng thì chảy băng thành nước; khi mê thì kết tánh thành tâm, khi ngộ thì chảy tâm thành tánh, tâm tánh vốn đồng, y nơi mê ngộ mà có sai khác.

Vị tăng ngay đó liền khế hội tâm.

Cho thấy, còn Mê thì kẹt theo lời, theo chữ sanh hiểu nên chia thành sai biệt. Do thấy sai biệt nên làm nghi cho mình và cho người. Nếu tỏ ngộ chân thật, một Tâm còn không thể nói, huống nữa chia hai!

Có vị tăng hỏi Hòa thượng Triệu Châu:

- Châu sáng ở trong tay, có chiếu soi hay không?

Sư đáp:

- Gọi cái gì là châu?

Thiền sư không lý luận nhiều, cũng không phí công tranh cãi. Nếu hạt châu đã thực ở trong tay mình, tại sao mình không biết, còn đi hỏi có chiếu soi hay không? Có chiếu soi là có biết, không chiếu soi là không biết. Lo hỏi chiếu soi mà không biết đâu là châu, cũng là hý luận thôi. Cần nhất rõ được “châu” thì việc có chiếu soi hay không tự rõ, khỏi lý luận, tranh cãi vô ích.

Cũng vậy, cứ lo bàn Thức, bàn Trí, bàn tâm, bàn tánh, còn “cái gì đang bàn đây”, lại mê! Thử hỏi đó là đang bàn trên cái gì? Người mắt sáng cần hỏi lại nữa chăng?

 

III. TẠI SAO NHÀ THIỀN NHẤN MẠNH CHỖ CHẲNG BIẾT?

Qua những điểm trình bày trên đây cho thấy rõ, từ kinh đến thiền đều không chối bỏ cái Biết hiện hữu, nhưng tại sao trong nhà Thiền có lúc lại không cho biết? Hoặc chê trách Hiểu Biết?

* MẮT PHẬT CŨNG CHẲNG THẤY

Chẳng hạn nhà Thiền bảo rằng; “Chỗ đó mắt Phật cũng nhìn chẳng thấy”. Mắt Phật còn nhìn chẳng thấy, chúng ta làm sao thấy biết?

Như Ngài Đơn Hà đến Quốc sư Huệ Trung, gặp thị giả Đam Nguyên liền hỏi:

- Quốc sư có ở nhà chăng?

Thị giả đáp:

- Ở thì có ở mà chẳng thấy khách.

Đơn Hà bảo:

- Rất là sâu xa thay!

Thị giả nói:

- Mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy.

Hỏi: Quốc sư có ở nhà chăng? Đáp: Ở thì ở mà chẳng thấy khách là sao? Đây là một câu hỏi mà hai ý. Tức Quốc sư đang ngủ, ngủ thì đâu tiếp khách, tiếp duyên. Nhưng chính chỗ không đối duyên, không tiếp khách, đó là gì? Đó là chủ trong chủ, chỗ đó đâu có dấu vết gì thấy được? Nên Đơn Hà bảo: “Rất sâu xa thay!” Tức thật khó thấy. Song ông thấy sao mà khen? Thị giả này đâu dễ dàng để cho ông dòm thấy được, vì đó không phải là chỗ bị thấy, có thấy được tức có khách rồi. Do đó thị giả nói: “Mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy”, nói gì sâu cạn! Tuy nhiên trong đây vẫn còn ló đuôi. Đã bảo mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy, sao ông biết mà nói là: “Ở thì có ở mà chẳng thấy khách?” Và sao ông biết mà trả lời: “Chỗ đó mắt Phật cũng chẳng nhìn thấy?”. Người học thiền phải thấu qua chỗ này, chớ không thể dừng ở trên lời “chẳng thấy” kia.

* NGÀN THÁNH CHẲNG BIẾT

Hoặc có lúc trong nhà Thiền bảo rằng: “Chỗ đó ngàn Thánh cũng chẳng biết”.

Như Dược Sơn một hôm ngồi trên tảng đá, Hòa thượng Thạch Đầu trông thấy hỏi:

- Ông ở đây làm gì?

Sư thưa:

- Tất cả chẳng làm.

Thạch Đầu hỏi:

- Tại sao ngồi yên?

Sư đáp:

- Nếu ngồi yên tức làm.

Thạch Đầu hỏi:

- Ông nói chẳng làm, là chẳng làm cái gì?

Dược Sơn đáp:

- Ngàn thánh cũng chẳng biết.

Hòa thượng Thạch Đầu hỏi: “làm gì?” Là muốn gạn xem Dược Sơn có niệm gì chăng? Trong lòng Sư còn có vấn đề gì không? Nếu chúng ta đáp: làm cái này, làm cái nọ là nguy rồi! Dược Sơn quả thật trong lòng rỗng rang vô sự, nên đáp: “Tất cả chẳng làm”, tức không một niệm gì khác chen vào trong ấy. Tuy nhiên Thạch Đầu chưa chịu, còn gạn lại: “Tại sao ngồi yên?”. Đã vô sự thì ngồi yên để làm gì? Đó là ngồi rỗng suông vô ích chăng? Ở đây, Dược Sơn có chỗ sống chân thật nên đáp rõ ràng: “ngồi yên tức làm”. Chính chỗ ngồi yên dứt hết mọi duyên đó, là chỗ sống chân thật, không phải ngồi suông. Tuy vậy cũng chưa xong, Thạch Đầu còn gạn tiếp: “Chẳng làm cái gì?”. Chỗ này dễ chết như chơi. Ông nói ngồi yên chẳng làm, đó là chỗ sống chân thật của ông, nhưng trong đó đâu là chỗ chẳng làm? Nếu còn thấy một chỗ chẳng làm, tức bị người thấy rồi. Dược Sơn đã thật sự sống trong ấy, không để hở cho người ngoài dòm lén, nên đáp chắc nịch: “Ngàn Thánh cũng chẳng biết”. Song, đã bảo ngàn Thánh cũng chẳng biết, sao ông lại Biết mà trả lời? Cũng ló đuôi nữa rồi! Người mắt sáng phải thấy thấu qua lời “chẳng biết” đó, không thể một bề nghe nói chẳng biết, hiểu là chẳng biết, thì vẫn còn ở ngoài cửa.

Một dịp khác, Ngài Đạo Ngô hỏi Hòa thượng Thạch Đầu:

 - Ý chỉ Tào Khê người nào được?

Thạch Đầu đáp:

- Người lãnh hội Phật pháp được.

Đạo Ngô hỏi:

- Thầy được chăng?

Thạch Đầu đáp:

- Ta chẳng hội Phật pháp.

Lạ chưa? Tại sao ở người lãnh hội thì được, còn Sư lại chẳng lãnh hội? Bởi, với người chưa lãnh hội nên cần lãnh hội, còn Sư đã lãnh hội rồi, lại lãnh hội thêm cái Phật pháp gì nữa? Còn thấy có cái Phật pháp để lãnh hội, tức y nguyên còn chưa lãnh hội. Tuy nhiên Sư bảo chẳng lãnh hội, song cái gì Biết chẳng hội? Thế là Sư cũng hết giấu giếm được!

Hoặc như vua Lương hỏi Tổ Bồ-đề Đạt-ma:

- Đối trẫm là ai?

Tổ đáp:

- Chẳng biết.

Nói chẳng biết, vậy Ai đáp đó? Chính đây là chỗ thầm kín, nếu người đứng ngoài cửa mà phê bình, chỉ trích thế nào chăng nữa vẫn không dính dáng. Đây là muốn đưa người thẳng vào chứng nghiệm. Cho nên, nói chẳng biết mà không phải là không biết gì, là phá bỏ cái Biết thành như gỗ đá. Vì THỂ BIẾT thì ai phá được? Đem cái gì phá? Chính Tổ Huệ Khả đã xác nhận với Sơ Tổ Bồ-đề Đạt-ma:

- Con từ đây dứt hết các duyên.

Tổ Đạt-ma bảo:

- Chớ rơi vào đoạn diệt!

Sư thưa:

- Chẳng rơi.

Tổ Đạt-ma bảo:

- Con làm thế nào?

Sư thưa:

- Rõ ràng thường biết, nói không thể đến.

Tổ Đạt-ma bảo:

- Chính đây là chỗ truyền của chư Phật, chớ nên nghi ngờ!

Quả thực, tuy dứt hết các duyên không chỗ bám, nhưng trong ấy không phải ngu ngơ không biết gì, trái lại vẫn sáng ngời: RÕ RÀNG THƯỜNG BIẾT, chỉ là NÓI KHÔNG THỂ ĐẾN. Bởi vì chỗ đó ngôn ngữ không thể nói tới, thức tình suy nghĩ cũng không thể suy tới, nghĩ tới. Đơn giản: vì nó không phải là cái Bị Biết!

Đây chính là chỗ đồng tử Thiện Tài lên ngọn Diệu Phong tìm Tỳ-kheo Đức Vân suốt bảy ngày mà không thấy. Qua bảy ngày liền thấy Tỳ-kheo Đức Vân ở bên Biệt Phong, tức ngọn núi khác. Song Tỳ-kheo Đức Vân từ lâu vẫn chưa từng xuống núi. Đó là điểm thực khó hiểu! Tại sao đã lên Diệu Phong mà không thấy Đức Vân? Đức Vân chưa từng xuống núi bao giờ, sao lại thấy ở Biệt Phong? Chỗ này đem thức tình suy nghĩ để hiểu được chăng? Bởi Diệu Phong là chỉ chỗ chân thật cứu kính không hai. Trên đó vốn không có hai kẻ cùng một lúc. Có Đức Vân thì không có Thiện Tài. Có Thiện Tài thì không có Đức Vân. Nếu ở trên đó Thiện Tài gặp Đức Vân thì thành có hai người, có chủ có khách đối đãi, tức bị người ngoài trông thấy rồi, đâu còn gọi là Diệu Phong? Nhận thấu chỗ này, chính là chỗ sống vĩnh viễn, còn bao nhiêu thứ ở thế gian đều có lúc phải bỏ lại, không phải là chỗ nương tựa lâu dài. Người học Phật phải mở con mắt này. Chưa mở con mắt này, dù lý luận cao siêu cách mấy, vẫn còn xa với đạo.

 

IV. TÓM KẾT: TIN CHẮC KHÔNG NGỜ

Bởi cái Biết này vốn là chỗ CHẲNG BIẾT của thế gian, cho nên dù ai có bảo nó là không, là vọng cũng chẳng dính dáng gì. Vì lời nói không thể đến NÓ! Mà NÓ lại ở ngay chính mình thì làm sao bài bác, phá bỏ nó? Người sống được chỗ này thì dù thế gian đến kiếp hỏa có bị cháy tiêu sạch, Tam Bảo có vắng bóng, nhưng NÓ vẫn là NÓ, vẫn hiện hữu đó thôi! Bởi vì, thế gian có thành KHÔNG, nhưng đâu thể KHÔNG đến chỗ này! THỂ BIẾT thì làm sao cho nó không? Nó có tướng mạo bao giờ đâu mà thành không? Nó chưa từng CÓ là một cái gì, thì sao thành không? Thấu suốt đến như thế thì tin chắc vững vàng trước mọi ngôn luận kia đây, đúng sai, một mực thẳng tiến.

Đây là một kinh nghiệm! Thiền sư Nghĩa Thanh ở Đầu Tử, sau khi Sư được Thiền sư Viên Giám trao tông chỉ và dạy Sư đến nương Thiền sư Tú hiệu Viên Thông. Sư bèn đi đến Viên Thông, không thưa hỏi gì, chỉ ăn cơm xong, rồi ngủ. Tri sự thấy vậy, bạch Ngài Viên Thông:

- Ở trong Tăng đường có vị tăng cả ngày lo ngủ, xin thực hành theo quy chế.

Viên Thông hỏi:

- Người nào?

Tri sự thưa:

- Thượng tọa Thanh.

Ngài Viên Thông bảo:

- Khoan! Hãy đợi ta xét qua!

Viên Thông liền cầm cây gậy đi vào Tăng đường, thấy Sư đang nằm ngủ, liền gõ vào giường quở:

- Ở trong đây tôi không có cơm dư cho Thượng tọa ăn xong rồi ngủ.

Sư thưa:

- Hòa thượng dạy tôi làm gì?

Viên Thông bảo:

- Sao chẳng tham thiền.

Sư thưa:

- Món ăn ngon không cần với người đã no bụng.

Viên Thông bảo:

- Tại sao có nhiều người chẳng chấp nhận Thượng tọa?

Sư thưa:

- Đợi họ chấp nhận để làm gì?

Viên Thông hỏi:

- Thượng tọa đã gặp ai rồi đến đây?

Sư thưa:

- Đã gặp Ngài Phù Sơn.

Viên Thông bảo:

- Lạ! Được cái gì mà lười biếng!

Bèn nắm tay, hai người cười rồi trở về phương trượng.

Cho thấy, với người đã nhận thấy rõ ràng rồi, thì có chỗ tự tin chắc chắn không nghi ngờ. “Đợi họ chấp nhận để làm gì?” Tự mình đã có chỗ sống, dù người chấp nhận hay không chấp nhận có dính dáng gì! Đâu phải do họ chấp nhận mình mới có. Họ không chấp nhận mình thành không. Còn lo nghĩ người không chấp nhận mình, tức nói lên chỗ thấy của mình còn lờ mờ chưa rõ! Bởi chưa thật sáng tỏ nên sợ người ta chê mình không phải. Như hạt châu quý, mình đã nắm trong tay, có người bảo rằng: “hạt châu ấy vốn chỉ có tên thôi, không thật có”, thì sao? Mình chỉ cười, biết rằng người nói câu đó cũng chưa thật sự nhận biết châu, khỏi phải tranh cãi có không.

Để thấu triệt chắc chắn rõ ràng, xin hỏi lại: Cuối cùng CÁI BIẾT HIỆN TIỀN đây, là Thức hay Trí?

Nếu người dùng Thức mà hiểu thì nó là Thức.

Nếu người dùng Trí mà hiểu thì nó là Trí.

Nếu người dùng Thiền mà hiểu thì nó là nó.

Đơn giản, tùy theo người muốn thấy sao thì thấy. Thiền sư Tùng Thẩm ở châu Triệu từng bảo: “Người chánh nói pháp tà, pháp tà cũng thành chánh. Người tà nói pháp chánh, pháp chánh cũng thành tà.” Một lẽ thật sáng ngời đó, nhưng dùng tâm đen tối của chúng sanh để hiểu thì nó cũng thành đen tối. Dù cảnh giới Phật mà đem tâm phàm phu yêu ghét để hiểu thì cũng thành cảnh phàm. Người mắt sáng lại lầm lẫn chỗ này hay sao?

Đây nhắc lại Quốc sư Huệ Trung nói với Tam Tạng Đại Nhĩ:

Lần thứ nhất, Quốc sư hỏi:

- Ông hãy nói xem, hiện giờ Lão tăng đang ở đâu?

Tam Tạng đáp:

- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến bến đò Tây Xuyên xem đò đua?

Lần thứ hai, Quốc sư hỏi:

- Ông hãy nói xem, hiện giờ Lão tăng đang ở đâu?

Tam Tạng đáp:

- Hòa thượng là thầy một nước sao lại đến cầu Thiên Tân xem khỉ giỡn?

Lần thứ ba, Quốc sư hỏi:

- Ông hãy nói xem, hiện giờ Lão tăng đang ở đâu?

Tam Tạng lặng thinh không biết chỗ đi. Sư nạt:

- Cáo tinh! Tha tâm thông chỗ nào?

Nếu người cứ Biết theo Tam Tạng, đó là Biết theo sanh diệt, bị quỷ thần xem thấy, chưa phải chỗ truyền của Phật, Tổ.

Còn ngay chỗ Tam Tạng không thể thấy đó, Quốc sư Huệ Trung có Biết chăng? Ngài vẫn đang đứng sờ sờ đấy, chứ có chết đi đâu? Biết tột đến chỗ này thì ai sánh kịp? Trên thế gian này còn có gì vượt hơn chỗ này? Xưa nay đâu từng cách biệt? Thấu suốt chỗ này là nhận rõ chính mình không còn ai dối gạt được nữa. Thần thông vẫn chưa thấy đến, thì lo chi ngôn ngữ thế gian phê bình, chia chẻ?

Đấy là sinh mạng vĩnh viễn của chúng ta, chớ sanh niệm khác!

       Nắm tay thâu trọn cả đất trời,

          Nhấc bước mười phương lùi dưới gót.

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 88749
  • Online: 35