Một tiếng thét
08/05/2012 | Lượt xem: 4119
NS Hạnh Huệ
Thiền tông được tổ Bồ-đề Đạt-ma truyền từ Ấn Độ sang, Ngài có một bài kệ nổi tiếng:
Bất lập văn tự,
Giáo ngoại biệt truyền,
Trực chỉ nhân tâm,
Kiến tánh thành Phật.
Không lập văn tự,
Truyền riêng ngoài giáo,
Chỉ thẳng tâm người,
Thấy tánh thành Phật.
Qua các thiền sư Trung Hoa, “thủ thuật” chỉ thẳng tâm người càng biến chuyển thiên hình vạn trạng. Trong đó, được nhắc đến nhiều nhất là “tiếng hét” của Lâm Tế và “cây gậy” của Đức Sơn. Hôm nay, chúng ta sẽ xem tiếng hét này được sử dụng như thế nào?
Các thiền sư thường dùng mọi cách, cốt làm sao cho chúng ta nhận ra tâm mình, nhận ra được tinh túy của giáo lý chứ không mắc kẹt trên những văn tự, pháp số... Đạo Thiền vốn thẳng tắt, rõ ràng và nó gần với đời sống của chúng ta như Lục tổ đã từng nói: “Phật pháp bất ly thế gian giác”.
Có một câu chuyện rất thú vị như sau:
Đời nhà Tống , có vị Thái úy tên là Trần Lương Bật, vốn là một người rất hâm mộ Phật pháp. Một hôm, ông mời một số cao tăng , đại đức, thiền sư... dự trai tăng. Trong số khách mời có một thiền sư trẻ tên là Tịnh Nhân hay còn được gọi là Bành Am Thành. Vua Tống Huy Tông cũng đến dự buổi trai tăng này. Vì có vua, nên các vị pháp sư mới đứng lên hỏi để “quay” các thiền sư. Pháp sư Thiện Hoa Nghiêm – thuộc tông Hoa Nghiêm, hỏi:
- Đức Phật chúng ta thuyết giáo từ Tiểu thừa cho đến Viên đốn, quét sạch có không , viên chứng chơn thường , sau đó vạn đức trang nghiêm mới gọi là Phật. Thường nghe Thiền tông , một tiếng hét có thể chuyển phàm thành Thánh thì dường như trái ngược với các kinh luận. Nay một tiếng hét có thể nhập vào năm giáo của tông tôi thì là chính thuyết. Còn nếu không nhập vào được thì là tà thuyết.
Các thiền sư đều quay lại nhìn thiền sư Tịnh Nhân. Ngài Tịnh Nhân liền trả lời:
- Như chỗ pháp sư hỏi, chẳng đủ để cho các đại Thiền sư trả lời, có tiểu trưởng lão tôi đây có thể làm cho hết nghi.
Sau đó, ngài liền gọi:
- Pháp sư Thiện!
Pháp sư Thiện ứng tiếng :
- Dạ.
Thiền sư Tịnh Nhân nói:
- Chỗ nói của pháp sư thì Tiểu thừa giáo thuộc nghĩa là có. Đại thừa Thủy giáo thì nghĩa không. Đại thừa Chung giáo thì chẳng có, chẳng không. Đại thừa Đốn giáo thì nghĩa tức có tức không. Nhất thừa Viên giáo là nghĩa chẳng có mà không phải không , chẳng không mà không phải có. Như một tiếng hét của tôi, chẳng những có thể nhập vào năm giáo, cho đến đối với công xảo kỹ nghệ chư tử bách gia tất cả đều có thể nhập vào.
Các tông phái thường chia giáo pháp của đức Phật ra nhiều giai đoạn. Theo tông Thiên Thai chia năm thời kỳ thuyết giáo của Đức Phật:
- 21 ngày đầu tiên thuyết kinh Hoa Nghiêm
- Sau đó thuyết kinh A-hàm mười hai năm
- Thời thứ ba thuyết kinh Phương Đẳng tám năm
- Thời thứ tư thuyết kinh Bát-nhã hai mươi hai năm
- Thời cuối cùng thuyết kinh Pháp Hoa, Niết-bàn.
Tông Hoa Nghiêm cũng chia giáo pháp của đức Phật làm năm thời kỳ:
- Tiểu thừa
- Đại thừa Thủy giáo
- Đại thừa Chung giáo
- Đốn giáo
- Viên giáo.
Ở đây, trong một bài pháp rất ngắn, chúng ta có thể hiểu tổng quát những gì mà các tông này dùng phán giáo. Tiểu thừa là nhắm về có. Thấy có chúng sanh đau khổ, thấy Ta-bà là ngũ trược ác thế cho nên cần phải xa lìa, có Niết-bàn an vui cần phải hướng đến. Tất cả đều ở trong “có”. Bởi vì lúc này, nói về Phật tánh không ai hiểu được, sợ người ta chấp. Mà chúng ta thường thì tất cả những gì mình thấy được, nghe được, sờ được... đều là có hết, cho nên đức Phật mới nương theo đó để dạy. Ví dụ như Phật dạy về phước báo “nhân thiên”; nếu chúng ta làm ác thì sẽ bị đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh; nếu chúng ta làm lành thì sẽ được sinh trong cõi trời, cõi người. Còn đối với các vị A-la- hán, xuất gia tu hành thì có pháp để ra khỏi ba cõi, chứng được Niết-bàn an tịnh.
Đến Đại thừa Thủy giáo, bắt đầu nói tất cả các pháp đều không. Đây là thời của Bát-nhã. Các vật ở trên thế gian này chúng ta thấy có nhưng thực sự nó là không vì nó không bền, không chắc, vô thường. Một nghĩa khác nữa là nó tuy có, nhưng là do nhiều nhân duyên hội họp mà thành, tuy có mà bản chất của nó là không.
Ở Đại thừa Chung giáo thì cho rằng chẳng phải có, chẳng phải không. Nó có là trước không bây giờ có. Không là do trước có, có hết thì thành không.
Đốn giáo thì do sự vật đối đãi nhau mà đặt tên nên tức có tức không.
Từ Đốn giáo trở về trước là ở trên vật mà phân tích, nhưng đến Viên giáo cuối cùng rời khỏi vật, chỉ thẳng bản tánh của chúng ta.
Khi nói rằng tất cả các giáo lý của Phật chỉ gồm vào cái nghĩa sắc – không: Đức Phật bảo dẹp sắc, dẹp không; không chủ trương là có, cũng không chủ trương là không; không chủ trương là đoạn (không có gì đoạn diệt) cũng không chủ trương là thường còn... Phải dẹp hết những thứ này để thể nhập bản tâm thanh tịnh (pháp giới tánh)... Kinh điển đã nói đến điều này rất tỉ mỉ, trong khi nhà Thiền bảo rằng chỉ cần “Một tiếng hét” có thể thông hết.
Thiền sư Tịnh Nhân đã chứng minh bằng cách hét lên một tiếng và hỏi:
- Có nghe không?
Mọi người trả lời:
- Nghe.
Tịnh Nhân bảo:
- Nghe, như vậy cái tiếng này là có, có thể nhập vào Tiểu thừa giáo.
Sau đó, hết tiếng hét, Ngài lại hỏi:
- Có nghe không?
Thiện Hoa Nghiêm trả lời:
- Không nghe. Tịnh Nhân nói:
- Không nghe, như vậy có thể nhập vào Đại thừa Thủy giáo.
Một lúc sau, Ngài nói tiếp:
- Tiếng hét của tôi lúc đầu ông nói có, một lúc sau tiếng hét mất thì ông nói không. Bây giờ nó không , nhưng lúc đầu nó có. Nếu nói có thì hiện tại nó không. Cho nên gọi là chẳng có, chẳng không, có thể nhập vào Chung giáo. Thêm nữa, lúc tôi hét thì có tiếng mà không phải là có, nhân không mà có. Lúc tôi ngưng tiếng hét rồi thì không mà chẳng phải là không , nhân có cho nên không. Như vậy là tức có, tức không, có thể nhập vào Đốn giáo. Và nên biết, tiếng hét này của tôi, không có cái dụng của tiếng hét, có không đều chẳng kịp, tình giải đều quên. Lúc nói có, thì mảy trần chẳng lập, lúc nói không thì đầy khắp hư không. Tức một tiếng hét này nhập vào trăm ngàn vạn ức tiếng hét, trăm ngàn vạn ức tiếng hét nhập vào tiếng hét này. Vì thế, có thể nhập vào Viên giáo.
Thiện Hoa Nghiêm nghe xong , liền đứng dậy lễ bái.
Tịnh Nhân nói tiếp:
- Chẳng những một tiếng hét này cho đến một nói, một nín, một động , một tĩnh từ xưa đến nay mười phương hư không , vạn tượng sum la, lục đạo tứ sanh, chư Phật ba đời, tất cả thánh hiền, tám vạn bốn ngàn pháp môn, trăm ngàn tam- muội, vô lượng diệu nghĩa, khế lý khế cơ...đều nằm ở trong tiếng hét này.
Vua và mọi người có mặt nghe xong đều ngẩn ngơ. Nhà vua nói:
- Không ngờ Thiền tông lại có lý luận khác thường như vậy.
Một viên quan cận thần tâu rằng :
- Đây chỉ là trò đùa của các thiền sư thôi, chứ các vị còn hay hơn nữa.
Chúng ta chắc cũng ngẩn ngơ trước trí tuệ sắc bén của thiền sư Tịnh Nhân, và càng lạ lùng hơn trước thủ thuật đặc biệt này.
Trong tông Lâm Tế, tiếng hét có bốn tác dụng:
Một là như “Bảo kiếm kim cang vương”, nghĩa là tiếng hét như là một lưỡi gươm mau lẹ, cắt đứt hết tình giải của thiên hạ.
Hai là như “Sư tử ngồi xổm”, sư tử là vua của các loài thú. Tiếng hét của nó làm cho những con thú nhỏ đầu bị bể thành bảy mảnh mà chết; còn những con vật lớn khác, nghe tiếng hét của sư tử là bỏ chạy, mất hết oai nghi.
Tu thiền, kỵ nhất là để cho ý thức sanh khởi. Sở dĩ Tâm chúng ta không thanh tịnh được vì nó quá “lăng xăng”. Nó nghĩ Đông, nghĩ Tây như một con vượn, gọi là “tâm viên ý mã”, tâm rất dễ duyên theo cảnh, đôi khi chúng ta không muốn nghĩ, tâm vẫn lén chạy đi rất xa. Chúng ta cứ sanh tử luân hồi, chịu nhiều đau khổ đều vì “con khỉ” ý thức này. Nó có thể dẫn chúng ta lên thiên đường, cũng có thể dẫn chúng ta xuống địa ngục. Như Tôn Hành Giả trong Tây Du Ký. Lúc đầu, Hành Giả quậy rất mực. Lên thiên đình đại náo, xuống địa ngục xóa sổ sanh tử... Nhưng sau đó được Phật Tổ hàng phục bằng cách ra điều kiện: - Nếu ngươi nhảy ra khỏi lòng bàn tay của ta, thì muốn gì cũng được. Hành Giả nhận lời liền, cho rằng sá gì bàn tay nhỏ xíu của đức Phật mà nhảy không qua. Hành Giả bèn nhào lộn mấy vòng, tới chỗ mịt mù trời đất. Hành Giả cho rằng mình đã tới chỗ sơn cùng thủy tận, ngó quanh thấy có năm cây cột chống lên tới trời, Hành Giả bèn làm dấu nơi đến bằng cách đứng tiểu vào cây cột giữa. Sau đó, Hành Giả quay về và nói với Phật rằng mình đã nhảy qua khỏi rồi. Phật Tổ bèn bảo:
- Cái con khỉ này! Nhảy không đến đâu mà còn làm ô uế tay ta!
Lúc bấy giờ, Hành Giả nhìn lại, thì thấy rằng mình đang đứng dưới chân một ngón tay của đức Phật. Đức Phật lật úp tay lại, Hành Giả bị đè dưới Ngũ Hành Sơn. Ý thức của chúng ta có thể “nhảy” đến đâu cũng được nhưng không thể nhảy ra khỏi bản tâm của mình. Bản tâm của chúng ta rất mênh mông, mỗi niệm khởi chỉ là hòn bọt trong biển tâm đó. Chúng ta đi dạo trong 25 cõi hay ba cõi, sáu đường..., luân hồi không ngày dừng nghỉ, tùy theo niệm thiện ác của mình. Khi chúng ta khởi một niệm xấu thì lúc đó chúng ta ở trong cảnh giới xấu. Chẳng hạn như chúng ta khởi một niệm sân thì ngay lập tức mình ở trong cõi quỷ. Khi mình khởi một niệm hiền thì mình ở trong cõi trời. Nhưng tất cả cõi đó đều chỉ nằm trong tâm chúng ta. Muốn ra khỏi ba cõi, cần phải chuyển thức thành trí, chuyển con khỉ ý thức thành Ngộ Không.
Trong Pháp Cú, có chuyện kể rằng:
Tăng Hộ là cháu của một vị Tỳ-kheo, gọi vị này bằng cậu. Tăng Hộ cũng xuất gia và theo làm thị giả cho cậu. Tăng Hộ rất thương cậu, hầu hạ cậu rất chu đáo. Cho nên hễ đi khất thực, người ta cúng gì, Tăng Hộ cũng để dành riêng cho cậu
mình một phần. Hôm đó, có người cúng cho hai khúc vải rất đẹp. Tăng Hộ đem khúc vải dài cúng cho cậu mình và tha thiết nói:
Bạch trưởng lão, hôm nay con có được khúc vải đẹp. Con xin dâng lên ngài để làm y.
Nhưng theo quy luật của Phật, nếu có được ba y rồi thì không được nhận thêm y khác, cho nên vị trưởng lão đã từ chối. Điều này làm cho Tăng Hộ cảm thấy bị tổn thương , nghĩ rằng cậu hết thương mình. Lúc đứng quạt hầu trưởng lão, Tăng Hộ đã nghĩ:
- Cậu đã không thương mình thì mình sống đời xuất gia còn có ý nghĩa gì nữa. Hay mình hoàn tục cho rồi, sau đó mình sẽ làm lụng , mua bò, trâu để nuôi, rồi cưới một cô vợ. Hai vợ chồng sẽ sinh con... Khi đó mình sẽ bồng con đến thăm cậu. Rồi trên đường đi, hai vợ chồng sẽ thay nhau bế con. Nhưng chẳng may cô vợ lại lỡ tay làm rớt đứa bé xuống đất, mình giận quá đánh cho vợ mấy cái...
Nghĩ đến đó, Tăng Hộ liền lấy quạt gõ luôn xuống đầu trưởng lão. Trưởng lão là người đã chứng A-la-hán, có thần thông , biết tâm ý của Tăng Hộ, nên ngài liền bảo:
- Ta là ông trưởng lão khổ sở đây, chứ không phải là mụ vợ của ngươi đâu mà ngươi muốn gõ gì thì gõ.
Chú Sa-di Tăng Hộ nghe xong , sợ quá bỏ chạy vì biết trưởng lão có tha tâm thông. Trưởng lão phải cho người níu lại và dẫn chú tới chỗ Phật. Phật bèn dạy rằng :
- Tâm của chúng ta nó lén lút đi xa lắm. Nếu không kềm chế, nó sẽ dẫn mình đi xuống tới địa ngục.
Nhà Thiền gọi đó là “tâm trộm” và luôn bắt chúng ta phải kiểm soát được nó, đừng để nó lôi chúng ta đi lan man. Tiếng hét trong nhà Thiền có tác dụng khiến chúng ta cắt đứt hết mọi tư tưởng, không khởi niệm khác gọi là không rơi vào lồng bẫy.
Ý nghĩa thứ ba của tiếng hét gọi là “Sào dò bóng cỏ”, có nghĩa là hét để thử xem người học có hiểu hay không. Tức là người học Thiền lúc nào cũng phải biết tỉnh giác, chú tâm nhớ lại bản tâm của mình.
Ý nghĩa thứ tư là tiếng hét mà “Không có cái dụng của tiếng hét”. Tiếng hét này cũng tượng trưng cho tất cả ngôn ngữ, âm thanh. Khi mình biết bản chất của một tiếng hét là mình biết bản chất của tất cả âm thanh. Không riêng gì âm thanh, luôn cả các pháp đều có tính chất hư huyễn, tưởng có mà thật sự không. Nhưng chúng ta lại hay bị ám ảnh, đau khổ bởi những thứ không thật đó.
Có một đứa bé đi ra ngoài đường chơi. Nó đi tới một cái cống và thấy một lao công đang làm vệ sinh ống cống ấy. Nó đứng nhìn xuống ống cống. Người lao công thấy ngạc nhiên, bèn hỏi:
- Cháu nhìn gì vậy? Nó trả lời:
- Hồi sáng này, em con nó làm rớt chiếc bông tai xuống đây.
Ông ta nghe xong , tâm máy động , bèn giục đứa bé về nhà ăn cơm kẻo trưa rồi. Đứa bé vâng lời chạy về nhà ăn cơm, xong rồi lại chạy trở ra. Ra đến nơi, nó thấy ông lao công ở dưới cống , mình mẩy lấm lem. Nhìn lên thấy đứa bé, ông liền hỏi:
- Cháu nói em cháu làm rớt chiếc bông ở dưới đây là nói thiệt hay nói giỡn vậy?
Nó trả lời:
- Cháu nói thiệt. Hồi sáng ba cháu phải mò cả buổi mới tìm được.
Tội nghiệp cho ông lao công chưa!
Nhưng gặp mình thì sao?
Một câu chuyện khác:
Kỷ Hiểu Lam vốn là một vị quan đời Thanh. Ông có tính tiếu lâm, thích chọc ghẹo người khác. Trong triều, có bốn anh em cùng làm quan. Bốn vị quan này có một bà mẹ già đã tám mươi tuổi. Hôm đó, đến ngày mừng thọ của bà, các quan trong triều đều đến dâng quà để chúc mừng. Riêng Kỷ Hiểu Lam đi tay không đến. Đến nơi, ông thưa rằng :
- Tôi làm quan, nhưng nghèo quá, không có lễ vật gì để mừng. Nhưng tôi có mấy câu thơ muốn dâng cho bá mẫu.
Bốn người con nghe vậy rất mừng , liền mang giấy viết ra cho ông. Kỷ Hiểu Lam bắt đầu viết câu đầu tiên:
Bát thập lão bà bất thị nhân,
(Bà lão tám mươi không phải người)
Mọi người nhìn thấy mặt mày liền tái xanh. Nhưng ông chỉ cười cười, viết tiếp câu thứ hai:
Đích thị tiên mẫu hạ phàm trần, (Thật là tiên mẫu xuống cõi đời) Mọi người thở phào, hả dạ, trầm trồ khen hay. Vừa lúc đó, ông viết câu thứ ba:
Tứ cá nhi tử đô tác tặc,
(Có bốn thằng con đều làm giặc)
Bốn người con đỏ bừng mặt, đang dở khóc, dở cười, sượng trân, thì ông lại buông bút:
Thâu liễu tiên đào hiến mẫu thân. (Hái trộm đào tiên dâng mẹ xơi). Mọi người vỗ tay, bốn người con lại tươi cười hớn hở.
Chúng ta bị âm thanh xỏ mũi, khiến tâm thay đổi cấp kỳ. Bao nhiêu tai họa trên đời không phải chỉ đều do ở chỗ mắt thấy tai nghe hay sao? Nếu chúng ta biết tu, nhận ra được âm thanh chỉ là mộng, là huyễn, là không thật thì mình sẽ vượt qua tất cả khổ ách.
Phật Ấn và Tô Đông Pha là hai người rất thân nhau. Một hôm, trong lúc đang nói chuyện, Tô Đông Pha mới hỏi ngài Phật Ấn rằng :
- Hòa thượng thấy tướng tôi ngồi có giống Phật không?
Thiền sư bảo:
- Ờ, thấy tốt lắm, giống Phật lắm!
Và thiền sư Phật Ấn cũng cắc cớ hỏi lại:
- Thế còn ông thấy tướng tôi thế nào? Tô Đông Pha trả lời:
- Giống cục phân bò.
Thiền sư cười, không trả lời.
Tô Đông Pha cho rằng mình đắc thắng , về nhà kể lại cho cô em gái nghe. Cô em nghe xong , liền bảo:
- Vậy là anh thua rồi.
Tô Đông Pha ngạc nhiên hỏi:
- Sao thua? Thua chỗ nào?
Cô em trả lời:
- Tại vì trong tâm thiền sư toàn là Phật cho nên mới thấy anh là Phật. Còn trong tâm anh toàn là phân bò nên mới thấy thiền sư là phân bò.
Nếu như chúng ta nhận ra được tiếng hét với ý nghĩa thứ tư, thì sẽ thấy nó rất hay, chúng ta sẽ không bị ngôn ngữ, âm thanh lừa gạt. Mà trái lại, còn biết sử dụng nó theo ý của mình để có thể chuyển phàm thành thánh.
Điều quan trọng mà nhà Thiền muốn là chúng ta phải xoay xở cách nào, để nương nơi tiếng hét mà nhận ra “ông chủ” của mình. Tâm của chúng ta sử dụng các căn để nhận biết ngoại cảnh. Chúng ta phải biết “ bảo vệ” tâm mình đừng để nó “chạy lung tung”. Do đó, khi tu là chúng ta phải hét thường trực. Hét để “con khỉ ý thức” của mình chết đi. Hét để không bị ngoại cảnh gạt. Và hét để nhận ra bản tâm xưa nay của mình.
Có những vị thường xuyên bị hét mà về sau trở thành những thiền sư nổi tiếng như ngài Từ Minh Sở Viên, đệ tử của ngài Thiện Chiêu – một thiền sư rất đặc biệt, đối xử với đệ tử rất “tàn bạo”. Ngài Từ Minh vốn rất nghiêm túc, tha thiết vì đạo. Sư đến ở với ngài Thiện Chiêu đã hai năm mà không được chỉ dạy một lời nào về đạo. Mỗi lần dạy chỉ toàn là chửi mắng, nói xấu người này người kia, chứ không hề nghe một câu đạo lý nào. Ngài Từ Minh rất giận. Một hôm, ngài mới thưa với Hòa thượng Thiện Chiêu:
- Bạch Hòa thượng, từ ngày con vào đây đến nay là đã qua hai mùa hạ mà không được nghe một câu Phật pháp nào hết. Thời gian qua mau mà việc lớn của con chưa sáng. Con thấy uổng phí cả một đời.
Ngài Từ Minh chưa dứt lời thì Hòa thượng cầm gậy đập liên hồi. Ngài bỏ chạy, định la lên thì Hòa thượng bèn bụm miệng Ngài lại. Lúc bấy giờ, Ngài mới ngộ được cái dụng của tông Lâm Tế vượt khỏi thường tình. Sau này khi tiếp Hoàng Long, Ngài cũng dùng thủ thuật này, khiến Hoàng Long trở thành Tổ sư của một nhánh Lâm Tế.
Tóm lại, nếu như chúng ta có thể thâm nhập được vào tiếng hét thì có thể trải qua bát phong mà không động (bát phong xuy bất động). Đây là điều thiết yếu của người tu thiền vậy
Các bài mới
- Cây gậy thiền - 24/04/2012
- Tâm bất sinh ( Phần 1) - 03/11/2011
- Tâm bất sinh ( Phần 2) - 15/04/2011
Các bài đã đăng
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Video mới
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 4: Kinh Duy Ma Cật, Kinh Viên Giác, giảng giải
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 3: Bát Nhã Tâm Kinh, Kinh Kim Cang, Kinh ...
- Thanh Từ Toàn Tập - Quyển 1: Kinh Bộ Giảng Giải
- Tư Tưởng Phật Giáo Đời Trần ( Cập nhật Phần 34 - buổi thứ 12/17.9.24 - Tham Vấn)
- Trí Tuệ Con Người Và Trí Tuệ Nhân Tạo AI
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 60883
- Online: 34