Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Chín TRỞ VỀ NGUỒN CỘI

17/02/2019 | Lượt xem: 3373

LỜI DẪN

Xưa nay vốn thanh tịnh chẳng nhận mảy bụi, xem sự tươi khô của có tướng, ở nơi ngưng lặn của vô vi. Chẳng đồng với huyễn hóa, đâu nhờ tu trì. Nước biếc non xanh, ngồi xem sự thành bại.

 

 

 

 

 

GIẢNG:

“Xưa nay vốn thanh tịnh, chẳng nhận một mảy bụi, xem sự tươi khô của có tướng, ở nơi ngưng lặn của vô vi”: Bức tranh này là hình vẽ chim bay về tổ, lá rụng về nguồn. Cuối cùng là trở về nguồn cội chân thật xưa nay, là chỗ vốn thanh tịnh chẳng nhận một mảy trần. Do đó trong đây không có gì sanh diệt, không có gì nhiễm ô được ở trong đó.

Nên nhớ không phải người và trâu mất hết rồi thành ra không ngơ không còn gì cả, không phải phá bỏ một pháp nào mà chỉ trả về nguyên vẹn như thuở nào, tức vượt qua cả hữu vi và vô vi.

Đây gọi là “xem sự tươi khô của có tướng, ở nơi ngưng lặn của vô vi”: Đến đây trả tất cả về chỗ cũ, núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, trời vẫn là trời, đất vẫn là đất.

Tuy nhiên, bây giờ cái thấy có khác hơn trước, thấy trời vẫn là trời, đất vẫn là đất, núi vẫn là núi, sông vẫn là sông, nhưng thấy đến đâu đúng như thật đến đó, không xen một chút dấu vết mê lầm. Tức không có một chút bóng dáng của cái ta chen vào để làm che mất đi mặt thật xưa nay.

Trả tất cả về như-nó-là-nó thôi, không thêm bớt gì trong đó. Đây gọi là Nhập pháp giới, là thấy cái gì cũng đều chân thật, cũng đều sáng ngời. Giác đến đây mới là trọn vẹn, còn chỗ nào là kẽ hở để mê nữa?!

“Chẳng đồng với huyễn hóa, đâu nhờ tu trì”: Nó không phải huyễn hóa, còn phải tu trì thêm cái gì trong đó nữa! Không có thêm tạo tác, hay làm ra cái gì khác nữa.

“Nước biếc non xanh, ngồi xem sự thành bại”: Đây gọi là “các pháp trụ pháp vị”, pháp nào trả về nguyên vị của cái đó, nước biếc đúng như là nước biếc, non xanh đúng như là non xanh. Thế gian thành bại tự nó thành bại không đụng đến trong đây, tâm vẫn không rời vị trí nguyên thủy của nó, không còn bị chi phối cho nên ngồi xem thành bại là vậy. Mặc cho thế gian vô thường biến đổi, nhưng tâm vẫn luôn hằng hữu Như Như.

Chỗ “sau ba mươi năm thấy núi sông là núi sông” là như vậy đó. Nghe nói thấy dễ nhưng làm rất khó. Thí dụ câu “Trước ba mươi năm thấy núi sông là núi sông, khi học đạo thấy núi sông chẳng phải là núi sông, rồi sau ba mươi năm thấy núi sông là núi sông”, nói thế không đầy năm phút là nói xong, nhưng làm cả đời chưa hết. Vì vậy tất cả phải cẩn thận!

***

 

LỜI TỤNG

     Phản bổn hoàn nguyên dĩ phí công,

     Tranh như trực hạ nhược manh lung?

     Am trung bất kiến am tiền vật,

     Thủy tự mang mang hoa tự hồng.

Dịch:

     Trở về nguồn cội đã phí công,

     Như mù như điếc đấy hơn không?

     Trong am chẳng thấy ngoài am vật,

     Nước tự mênh mông hoa tự hồng.

GIẢNG:

“Trở về nguồn cội đã phí công”: Đã trở về đến nguồn cội rồi mà sao lại phí công? Như vậy việc làm từ trước đến giờ thành ra luống uổng, vô ích hay sao? Chỗ này phải là người thật sự thực tu, thực chứng mới nói ra được, còn học trên miệng nói ra là mắc kẹt. Phí công, vậy không cần tu gì hết, phải không? Sự thật không phải vậy.

Đây chính là tinh thần vô sở đắc trong đạo, tức không thấy có được, làm rồi liền buông không chấp vào chỗ làm của mình, không để nuôi cái ngã trong đó. Nói phí công là xả bỏ tình chấp, chớ không phải nói vậy là vô ích không cần phải làm gì hết. Bởi vì rốt ráo là trở về cái chân thật sẵn có không thêm cái gì mới, không phải làm rồi có được cái mới. Tuy nhiên, nếu không có tu thì không thể sống được như vậy.

Bởi vậy Ngài Hoàng Bá cũng từng bảo: “Giả sử có người tinh tấn tu hành trải qua vô số kiếp, qua hết các địa vị, cùng với người do một niệm chứng được thì cũng chỉ là chứng cái sẵn có thôi. Kỳ thật trên cái thật của chính mình không có thêm cái gì khác, xem lại công phu nhiều kiếp thảy đều là việc làm trong mộng”.

Phí công là vậy đó, tức không chấp vào công phu của mình, không có niệm sở đắc trong đó. Cho nên tu hành là để buông chứ không phải để được, khác với thế gian chỗ đó. Thế gian làm để được, được rồi thêm cái ngã, còn đây làm để buông chứ không dính mắc, không cho kể công. Ai tu mà kể công là mắc kẹt, là bị quở, là vẫn còn mê trong đó. Nhớ kỹ!

“Như mù như điếc đấy hơn không?”: Chỗ này nếu hiểu theo chữ nghĩa cũng dễ lầm. Nói như mù như điếc tốt hơn, như vậy đến đây là không còn biết gì nữa hay sao? Tu rốt cuộc rồi như mù như điếc thôi sao?

Đây nói như “mù” như “điếc” chứ không phải thật mù thật điếc. Chỉ là “như” thôi, nhớ là không lầm theo chữ nghĩa, hiểu theo chữ nghĩa là đi xa. Tức thấy sắc nghe tiếng, nhưng tâm vẫn như như nên gọi là như mù như điếc, nào phải thật điếc thật mù. Tâm là tâm, cảnh là cảnh, cái nào ở yên vị trí cái đó không xâm phạm đến nhau. Như vậy thấy cái gì cũng đều sáng ngời không chút mê mờ.

“Trong am chẳng thấy ngoài am vật”: Tức chẳng chạy ra bên ngoài, chẳng theo duyên, cái nào ở vị trí cái đó. Chúng ta ngược lại, ở trong am chạy ra ngoài thấy đủ hết, đó là duyên theo cảnh ngoài, còn đây là bặt hết các duyên, duyên không đến được bên trong.

“Nước tự mênh mông hoa tự hồng”: Đó là trở về núi sông là núi sông, nước tự là nước, hoa tự là hoa, hoa hồng tự hoa hồng, không phá hoại tướng thế gian mà thật tướng vẫn hiện tiền. Cho nên trong kinh có câu: “Chẳng phá hoại tướng thế gian mà bàn thật tướng”. Tức không phá hoại những tướng thế gian nhưng thật tướng vẫn hiện tiền, không phải phá bỏ đi tướng thế gian rồi mới thành thật tướng, thành phá cái này bày cái kia, là thuộc trong tạo tác sanh diệt.

Trước kia là thấy được trâu, bắt được trâu; từ cái thấy đó rồi chăn giữ, dần dần đến mất trâu, rồi trâu và người đều mất, đến đây là viên mãn cái thấy đó, sống trọn vẹn cái thấy đó thôi chứ không phải có thêm cái mới. Cũng là cái thấy đó nhưng đây sống trọn vẹn viên mãn, vậy thôi.

Tuy nhiên, chỗ này người tu thiền cũng phải sáng suốt không mắc kẹt theo thứ lớp. Khéo tu là phải luôn kiểm tra, trở tới trở lui từ trước tới sau rồi từ sau trở lại trước, quán trở tới trở lui để càng lúc tâm mình càng đi sâu vào rồi quên mất thứ lớp luôn, cho lão luyện hết tất cả từng bậc, không còn có niệm cao thấp, kia đây, không mắc kẹt gì hết mới là khéo léo.

Nếu không khéo thì cái ngã hiện ra thấy mình lên được bức này bức kia, thành chướng ngại, rất dễ lầm.

Đây dẫn thêm bài tụng của Ngài Mộng Am Cách:

    Hưu tiếu tùng tiền uổng dụng công,

    Thông minh truất tận loại manh lung.

    Nham tiền bất kiến am trung chủ,

    Điểu nhậm đề huề hoa tự hồng.

Dịch:

    Thôi cười từ trước uổng dụng công,

    Sạch hết thông minh mù điếc đồng.

    Trước núi, trong am chẳng thấy chủ,

    Chim hót mặc chim, hoa mặc hồng.

“Thôi cười từ trước uổng dụng công”: Thiền giả nhìn lại công phu từ trước đến giờ đều là mộng. Tuy nói là uổng dụng công nhưng cũng không phải cười là hoàn toàn luống uổng vô ích. Luống uổng ở đây là buông xả chấp trước, ngầm chỉ không phải được cái gì mới, chỉ là sống trở về trọn vẹn cái sẵn có mà tự mình bỏ quên, tự mình mê mất vậy thôi.

Do vậy đâu phải hoàn toàn uổng, nhưng nhớ không chấp trước vào công sức đó, nên Ngài nói “thôi cười”, tuy uổng dụng công nhưng mà cũng đừng có cười.

“Sạch hết thông minh mù điếc đồng”: Đến đây bao nhiêu thứ thông minh lanh lợi, thêm thắt vào, những thứ học được từ bên ngoài, những cái biết phân biệt theo duyên, theo cảnh trần đều buông sạch hết không còn chấp trước trong đó.

Bởi những cái thông minh này là thông minh của thế gian, những cái thông minh lanh lợi chết người, những cái thông minh sanh tử. Đó là những cái vay mượn từ bên ngoài, không phải là cái thật.

Cho nên đừng quá ỷ lại thông minh lanh lợi, những cái thông minh lanh lợi đó đến chỗ này không bám được. Là trả về tâm bình thường xưa nay, gọi là như mù như điếc.

Như trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán nói “nhất như thể huyền, ngây ngất quên duyên”. Đến đây chỉ còn một thể nhất như nên ngây ngất quên hết các duyên, như ngu như ngốc là vậy đó. Nhưng không phải ngu ngốc như thế gian, gọi là như ngu như ngốc thôi chứ không phải là ngu ngốc. Không có lanh lợi theo tình thức thế gian nhưng trong tâm đầy trí tuệ nên thế gian không sánh kịp nổi, hiểu những cái mà thế gian không hiểu nổi.

 “Trước núi, trong am chẳng thấy chủ”: Ở trong cái am, ở trước núi, người đứng bên ngoài không làm sao thấy được chủ ở bên trong. Đúng là “ngây ngất quên duyên”, tức bặt hết những cái duyên bên ngoài, những tin tức bên ngoài không thể đến được trong am nữa. Bên ngoài có lăng xăng cách mấy cũng không dính dáng tới ông chủ. Muốn thấy đến trong đây, nên tham cứu đoạn nhân duyên này:

Bà Lưu Thiết Ma khi đến chỗ Ngài Quy Sơn, Quy Sơn bảo:

- Con trâu cái, ngươi mới đến à?

Bà Lưu Thiết Ma liền thưa:

- Ngày mai ở Đài Sơn (núi Ngũ Đài) có đại hội trai, Hòa thượng có đi dự chăng?

Quy Sơn liền buông thân nằm xuống, bà liền đi ra.

Chú ý! Khi Ngài Quy Sơn bảo: “Con trâu cái, ngươi mới đến”, nếu với người còn “có tâm” nghe xong là mắc kẹt liền, khó qua nổi. Còn bà thưa rõ: “Ngày mai ở Đài Sơn có đại hội, Hòa thượng có đi chăng?”. Nói một câu dường như không dính dáng gì với nhau, giống như phần ai nấy giữ. Đó gọi là “trước núi trong am chẳng thấy chủ”. Người đứng ngoài không thấy chủ trong am được. Chỗ này gọi là trời cũng khó biết, chỉ người ở trong cảnh đó tự thầm hiểu.

“Chim hót mặc chim, hoa mặc hồng”: Đúng là mỗi mỗi tự có phần, chim hót mặc chim hót, hoa hồng mặc hoa hồng, không cái nào đến cái nào, chẳng can hệ gì đến nhau. Vậy thì thế giới thanh bình thôi! Mình cứ can dự vào hoài, thành ra chiến tranh hoài, còn ở đây cái nào ở yên cái đó, thì đâu có chuyện gì. Đúng như kinh Pháp Hoa nói: “Các pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ”. Các pháp trụ ở ngay nơi ngôi vị của nó thì tướng thế gian thường trụ. Như vậy là hết chuyện, tất cả thanh bình.

Người đến đây sẽ qua được không còn mắc kẹt trong những cái lý sắc không, không nói sắc tức không, không tức sắc gì nữa. Vì tâm đâu còn dính, đâu còn chấp trước, đâu còn mắc kẹt gì nữa, mà trả lại sắc là sắc, không là không, không thêm bớt, sanh diệt hết còn đến được ở trong đây. Đó mới là chỗ thật vui.

***

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 23610
  • Online: 23