Mươi bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Nhất TÌM TRÂU
18/11/2018 | Lượt xem: 3673
TT.Thích Thông Phương
Đi vào mười bức tranh, bức tranh thứ nhất là Tìm Trâu. Bức tranh này có nhiều bản vẽ nhưng bản vẽ bằng gỗ thấy mộc mạc. Thấy anh mục đồng đứng ngơ ngác, dáo dác nhìn không thấy trâu ở đâu. Trong bức này có hai phần: Thứ nhất là Lời Dẫn, kế là Lời Tụng.
Đi vào mười bức tranh, bức tranh thứ nhất là Tìm Trâu. Bức tranh này có nhiều bản vẽ nhưng bản vẽ bằng gỗ thấy mộc mạc. Thấy anh mục đồng đứng ngơ ngác, dáo dác nhìn không thấy trâu ở đâu. Trong bức này có hai phần: Thứ nhất là Lời Dẫn, kế là Lời Tụng.
Bức tranh thứ nhất: Tim trâu
LỜI DẪN
Từ trước đến giờ vốn chẳng mất, cần chi phải đuổi tìm, do trái với tánh giác thành xa cách, hướng theo trần lao mà thành khuất lấp. Đối với quê nhà càng xa xa dần, lối tẽ chợt sai lầm, được mất dấy lên, phải quấy đua nhau khởi.
GIẢNG:
Ở đây Tìm Trâu tức là Tìm Tâm. Tâm của mình sao lại tìm? Nói tìm tâm cũng là tìm trở lại bản tâm, nhưng bản tâm là tâm của chính mình, nếu mà tìm thì thành ra mình mất bản tâm sao? Nếu có mất thì không phải là bản tâm, rồi tìm là cái gì tìm?
Đây nói: “Từ trước đến giờ vốn chẳng mất, cần chi phải đuổi tìm”. Nói là tìm tâm nhưng lời dẫn đã ngăn ngừa trước. Đây là việc làm “đem tâm đi tìm tâm” chứ không gì hết. Tìm là tìm tâm, đi tìm cũng là tâm. Ngoài tâm lấy cái gì đi tìm? Cho nên chỉ là “đem tâm đi tìm tâm” thôi, thấy có mâu thuẫn không?
Nói theo thông thường thật đáng tức cười, “đem tâm” lại đi “tìm tâm”, nhưng lại là việc phải làm, bởi vì hiện tại mình mất tâm. Mất là cách nói thôi, nếu nó thật mất thì thôi hết tìm, mà cũng không phải bản tâm luôn. Chúng ta đang sống ở đây tuy gọi là sống, nhưng không biết bản tâm của mình là gì cho nên nói mất, tức sống mà không có chủ. Bởi vậy đó là một cuộc sống trống rỗng, không có gì nương tựa. Phật dạy là sống vô chủ, vô ngã, không có chủ tể! Nhưng ít ai thấy được.
Có người nghe biết được chút ít, lại đi suy tìm nơi này nơi nọ, chỗ nọ chỗ kia, tìm trong Kinh, trong Luận, trong Ngữ lục v.v..., mà quên mất “chính cái đang đi tìm đó là cái được tìm”, không gì khác. Người không biết cứ lo đi tìm đâu đâu, cái mê của người đời, của chúng sanh là vậy. Buổi đầu đa số người đều vậy. Người lanh lợi ngay đó “tìm trở lại cái đang đi tìm”, tỉnh lại là xong.
Đây nói rõ, “từ trước đến giờ vốn chẳng mất, cần chi phải đuổi tìm”, nhưng bây giờ không biết nên phải tìm. Tuy nhiên, tìm là tìm cái không mất chứ không phải tìm cái để được.
Khi Ngài Huyền Tắc đến hỏi Ngài Thanh Phong:
- Thế nào là tự kỷ của học nhân?
Ngài Thanh Phong đáp:
- Đồng tử Bính Đinh đến xin lửa.
Đồng tử Bính Đinh là thần lửa lại đi xin lửa, giống mình đem tâm mà đi tìm tâm, như cưỡi trâu đi tìm trâu.
Cũng như Thanh Nhuệ đến chỗ Ngài Tào Sơn thưa:
- Con nghèo cùng xin thầy cứu giúp cho!
Nghèo cùng tức là thấy mình thiếu, đi xin tức đi tìm.
Ngài Tào Sơn bảo:
- Xà-lê Nhuệ, hãy lại gần đây!
Ông liền đến gần, Ngài Tào Sơn bảo:
- Cái kẻ nhà nghèo ở Tuyền Châu này đã uống xong ba chén rượu rồi vẫn còn nói chưa dính môi.
Uống xong ba chén rượu rồi còn nói chưa dính môi tức chưa uống, là nói dối. Ông nói là ông nghèo nhưng sự thật có nghèo không? Đó là muốn đánh thức chúng ta, cái mà đang đi tìm chính lại là cái được tìm. Tưởng đâu nghèo nhưng có nghèo đâu, tưởng đâu mất nhưng có mất đâu. Bảo ông đến gần, ông biết đi đến gần, thì có nghèo thiếu gì đâu!
Như có bà lão đến Ngài Đại Đồng thưa:
- Nhà con vừa mất trâu, xin Hòa thượng bói cho một quẻ xem!
Ngài Đại Đồng gọi:
- Bà lão!
Bà liền:
- Dạ!
Ngài bảo:
- Đây rồi!
Ngay đó, bà vui vẻ về nhà.
Chính là ý này. Tưởng đâu mất trâu đến người tìm, cũng giống như mình mất tâm đi tìm tâm. Nhưng chính mình có mất gì đâu. Ngài “gọi” bà “dạ” liền, thì “đây rồi”, đó là bói xong, rất đơn giản.
Cho nên Ngài Lâm Tế nhắc: “Vì tâm các ông cứ chạy khắp tất cả chỗ tìm cầu chẳng thể thôi dứt. Do đó Tổ sư phải quát to mà trách: “Bậc trượng phu ôm đầu đi tìm đầu”.”
Ngài Lâm Tế cũng nhắc mọi người, vì tâm các ông cứ lo chạy khắp chỗ để tìm, không có thể thôi dứt được. Các Tổ sư thấy vậy chịu không nổi, phải quát to trách các ông “bậc trượng phu mà lại ôm đầu đi tìm đầu”. Ôm đầu đi tìm đầu giống như đem tâm đi tìm tâm. Vậy có ai thấy được cái lầm của mình chưa?
Người tu thiền tham cứu, thấu được chỗ này là xong. Có khi ngồi thiền tham cứu được chỗ này, ngay đó liền cười ha hả, tức cười mình lâu nay sao dại quá! Vậy thôi chứ có gì đâu!
Ở đây lời dẫn nói rõ, từ trước đến giờ không mất, tại sao phải đi tìm? Như vậy đi tìm là tìm cái chẳng mất. Bởi vì, do trái với tánh giác mà thành xa cách, hướng theo trần lao mà thành khuất lấp, cho nên đối với quê nhà càng xa xa dần, lối tẽ chợt sai lầm tức là thêm nhiều lối tẽ nữa. Do đó mà thêm được mất dấy lên, phải quấy đua nhau khởi, chính vậy mà phải tìm.
Có ai thấy lỗi của mình chưa? Lỗi là do trái với tánh giác mà thành xa cách, hướng theo trần lao mà thành khuất lấp, do đó phải tìm là chỗ đó, đã có sẵn rồi nhưng lại trái bỏ nó. Có sẵn mà trái bỏ nó không nhận lấy nó, rồi hướng theo trần lao đuổi theo những cái duyên, những cảnh bên ngoài, cho nên đành để khuất lấp nó, xa cách nó thành ra quên mất nó luôn, do đó mà phải đi tìm. Thấy đau chưa?
Nghĩa là có sẵn của báu như vậy không nhận để dùng, rồi trái bỏ phủ nhận nó luôn. Chúng ta tu đây còn có được niềm tin để tin trở lại, còn đa số người thế gian coi như là phủ nhận nó luôn, không biết tới nó. Nếu đem bản tâm nói với người thế gian, chắc họ nói cái đầu mình không bình thường rồi. Vậy không phải phủ nhận luôn hay sao? Bởi vì họ quên mất gốc, không còn nhớ hay biết gì nữa. Chúng ta nhờ học đạo nên biết được, tin được nhưng vẫn còn chưa thấy.
Như vậy, cái có sẵn không nhận mà lại phủ nhận nó rồi nhận lấy những thứ hư dối, những thứ bên ngoài đem vào, tức những cái chợt có chợt không, rồi luôn hồi hộp bất an cho nên thành lưu chuyển. Bởi vậy đối với quê nhà càng xa xa dần, rồi thêm lối tẽ chợt sai lầm, được mất dấy lên, phải quấy đua nhau khởi.
Bởi theo cái vọng sanh càng ngày càng đi sâu thêm trong cái vọng, quên hẳn luôn quê nhà không còn nhớ. Cứ như vậy rồi đi vào trong các lối tẽ tức tâm phân biệt hơn thua đây kia đủ thứ, khiến che mất gốc thêm nữa, càng đi càng xa thêm. Vì vậy mới thấy có được có mất, thấy có phải có quấy lăng xăng càng lấp mất cả đường về, không còn biết đâu là dấu vết nữa.
Như vậy, người chưa vượt qua được cái tâm phân biệt thì bao giờ thấy được đường về? Ngay lời dẫn này là khơi dậy để mỗi người thấy rõ đường về. Tìm trâu là nhắc chúng ta, là khơi cho thấy đường về. Đường về ở ngay trước mắt chứ không đâu xa, nhưng vì trái bỏ nó, theo hư vọng đi vào lối tẽ, xa là chỗ đó. Tuy nói xa nhưng quay lại là ngay trước mắt, nên gọi là Quay Đầu Là Bờ.
Thiền sư Vân Môn - Văn Yển bảo: “Tại vì các ông cái gốc tin cạn mỏng, nghiệp ác sâu dày, đột nhiên mọc quá nhiều đầu sừng ở trên đầu, mới quải đãy bát đi muôn dặm chịu khuất người. Vả lại các ông có chỗ nào chẳng đủ, kẻ trượng phu ai mà vô phần”. Do gốc tin cạn mỏng không tin được nó, mọc quá nhiều sừng ở trên đầu, có phần mà không nhận lại đi đến người khác để cầu. Sanh đủ thứ sừng ở trên đầu tức là niệm này niệm kia, niệm buồn thương, giận ghét v.v… đủ những thứ vọng tưởng, thành ra che mất gốc, mất bản tâm.
Ban đầu ở trong tâm thể chân thật không hai, không có chân vọng, nhưng bất giác vọng khởi lên, theo duyên mới chia chẻ thành manh mún, đủ thứ sai biệt. Cho nên nhiều người ngồi thiền tu thấy nhiều vọng tưởng, thấy vọng tưởng đầy tràn, chóng cả mặt, gọi khuất lấp bản tâm xưa nay là vậy. Nhưng đó cũng chỉ là những bóng dáng hư vọng. Sống với cái đó là sống theo những cái dư thừa. Cái đem vào dư quá dư rồi nhưng người ta tưởng thiếu nên chạy tìm hoài, càng tìm càng xa quê nhà.
Chúng ta tu là để trở về, nói cho nhiều nhưng tóm tắt lại chỉ có một chữ “Buông” thôi. Những cái dư thừa cần buông hết trở về với gốc, còn bám vào những cái dư thừa đó là dần đi xa mất gốc. Buông hết tới không còn gì để buông nữa, còn lại mới là chính mình.
Như Tôn giả Nghiêm Dương đến hỏi Thiền sư Triệu Châu - Tùng Thẩm:
- Khi một vật chẳng đem đến thì thế nào?
Thiền sư bảo:
- Buông xuống đi!
Sư nói:
- Đã là một vật chẳng đem đến, lại buông xuống cái gì?
Thiền sư bảo:
- Buông chẳng được thì gánh lên đi!
Sư liền tỉnh ngộ.
Buông đến hết còn gì để buông nữa thì gánh lấy đi! Đây cũng vậy, buông hết những cái dư thừa đến không còn gì để buông, còn lại mới là chính mình. Nếu còn có buông được là không phải, còn buông được nữa là phải buông. Chính những cái dư thừa, những cái vọng sanh đó là những tâm phân biệt được mất phải quấy, là những lối tẽ. Buông hết những sai lầm dẫn đi vào đường mê đó, thì chính là chỗ trở về của mình. Cho nên con mắt để trở về là ngay chỗ đó.
Ngay mục Tìm Trâu, vào lời dẫn đã khơi dậy mở đường trước cho mình. Cần nắm được yếu chỉ đó, mới thấy được đường về, mới tìm trâu được. Đó là nói qua Lời Dẫn.
***
LỜI TỤNG
Mang mang bát thảo khứ truy tầm,
Thủy khoát sơn diêu lộ cánh thâm.
Lực tận thần bì vô mích xứ,
Đản văn phong thụ vãn thiền ngâm.
Dịch:
Bôn ba vạch cỏ ruỗi rong tìm,
Nước rộng non xa lối xa thêm.
Đuối sức mệt đừ không chỗ kiếm,
Phong chiều riêng chỉ tiếng ve ngâm.
GIẢNG:
Bức tranh thứ nhất này với hình ảnh chú mục đồng đang dáo dác tìm trâu nên gọi là: “Bôn ba vạch cỏ ruỗi rong tìm”. Như vậy đã biết mất trâu rồi nên bây giờ phải bôn ba đi tìm trở lại. Đây cũng là một bước tiến, biết quay đầu trở lại để tìm trâu, trong khi những người thế gian mê lầm mà không biết. Người học đạo biết quay trở lại tìm trâu không để mất luôn. Thiền giả biết thức tỉnh lo đi tìm Thầy hỏi đạo, quyết tìm cho sáng tỏ lẽ thật nơi chính mình đã bỏ quên, tức tìm trở lại bản tâm xưa nay.
Bước đầu này rất quan trọng, bởi vì có tìm mới có thấy được. Nhưng xưa nay đã bỏ quên lâu đời lâu kiếp rồi, làm sao tìm? Quên lâu quá rồi, không thấy bóng dáng đâu nữa nên nói: “Nước rộng non xa lối xa thêm”. Tức càng tìm càng không thấy bóng hình đâu hết, mà chỉ thấy nước rộng mênh mông, non xa thăm thẳm, càng đi càng thấy xa.
Vì sao? Bởi vì bản tâm mình mà mình lại chạy ra ngoài tìm, nên càng tìm càng xa thôi, tức là xoay lưng lại nó mà tìm. Xoay lưng lại mà đi tìm, thì càng tìm càng xa, điều đó không có gì lạ nữa. Mọi người cứ tưởng đâu nó ở ngoài mình, nó là cái gì khác nên giờ phải hướng ra để đi tìm, hoặc là moi móc những lời nói của Phật của Tổ. Nhưng trâu thật thì làm sao có ở trong đó để tìm? Thấy khổ chưa?! Muốn tìm nhưng không biết cách tìm.
Ngài Lâm Tế từng bảo: “Người học hiện nay cốt phải tự tin chớ có tìm kiếm bên ngoài, thảy là lên trên cảnh trần rỗng của người khác, đều chẳng nhận rõ tà chánh. Chẳng hạn có Phật, có Tổ thì chỉ là việc ở trên kinh giáo để lại thôi”.
Ngài nói rõ, hướng ra ngoài dù cho tìm kiếm được gì đó cũng là cảnh trần rỗng, thuộc về cảnh giới của người khác. Cho nên hướng ra ngoài rồi bám vào ngôn ngữ chữ nghĩa gọi là cái lý chết. Đến những cái tên là “chân tâm”, “Phật tánh” cũng là danh từ chết, nó có biết gì đâu. Nhưng người ta cứ lầm rồi phân tích trên đó, còn “bản tâm” của chính mình là cái linh tri sáng suốt, nó đâu có nằm trong những cái tên đó.
Vậy bám vào đó làm sao tìm? Cho nên bám theo đó tìm, càng tìm sẽ càng xa. Do đó mà: “Đuối sức mệt đừ không chỗ kiếm”. Mãi chạy tìm bên ngoài đến đuối sức mệt đừ nhưng cũng không thấy đâu cả, không chỗ kiếm được.
Cuối cùng là: “Phong chiều riêng chỉ tiếng ve ngâm”. Cuối cùng chỉ còn bóng chiều buông xuống, chú mục đồng đứng chơ vơ giữa cảnh núi rừng bao la hoang vắng, chỉ nghe tiếng ve sầu kêu réo rắt ở trên cây phong. Thấy đáng thương chưa? Đó là những hình ảnh nhắc nhở để chúng ta thức tỉnh trở lại. Chiều tà, đêm sắp về, trâu chẳng thấy hình bóng đâu hết, một mình cô đơn giữa cảnh núi rừng hoang vắng.
Tâm trạng lúc mới tìm tâm cũng vậy, rơi vào cảnh cô đơn, trâu không biết đâu hết, đêm lại sắp buông xuống giữa cảnh rừng hoang vắng chơ vơ. Nhưng chính sự cô đơn này lại là một điều hay, nếu người khéo biết liền tỉnh trở lại!
Trong tình cảnh cô đơn một mình hoang vắng hết còn chỗ để chạy tìm kiếm, không còn ai làm bạn nữa thì phải dừng lại thôi. Ngay tâm trạng dừng chạy tìm, có tiếng ve sầu ngâm vang lên trên cây phong của buổi chiều, nó gợi nhớ lại chính mình rồi. Đó là chỗ gợi lại! Cho nên người khéo ngay đó liền tỉnh thấy lại liền. Giữa cảnh núi rừng cô đơn, nghe tiếng ve nhắc mình xoay trở lại. Ngay đó là gì?
Nói rộng thêm, buổi đầu biết mình có bản tâm mà lại quên mất nên phải tìm. Đó là bước quan trọng, quyết tâm khao khát dùng hết tâm lực để xét tìm cho ra đâu có dễ dàng!
Nhiều người tu lầm lẫn, nghe nói bản tâm ở ngay chính mình, không phải tìm đâu xa rồi lơ là. Tu học lý thuyết một thời gian thành lờn, thiếu sức khao khát chuyên cần, cho nên lơ là với sự tu. Đó là bệnh.
Từ kinh nghiệm của người xưa, như vị Tổ của tông Lâm Tế nổi tiếng là Ngài Lâm Tế, từng kể lại: “Này các Đại đức! Chớ có lần lựa qua ngày tháng. Sơn Tăng trước kia khi chưa có chỗ thấy, còn tối tăm mù mịt, thì chẳng dám để thời giờ luống qua, lòng bức rức nôn nao, lo chạy tìm hỏi đạo. Sau khi đắc lực mới có đến ngày hôm nay cùng huynh đệ nói bàn như thế”.
Ngài Lâm Tế thuật lại, trước khi được nhẹ nhàng để chia sẻ với mọi người, Ngài cũng từng bức rức nôn nao, khó khăn khổ nhọc, lo chạy tìm kiếm hỏi đạo, chứ không phải là dễ dàng.
Ngài Hoàng Bá cũng bảo: “Ta khi đi hành khước hoặc gặp ở dưới rễ cỏ mà có cái ấy là đem hết tâm tư xem xét nó. Nếu biết ngứa ngáy thì khả dĩ lấy đãy đựng gạo cúng dường. Trong lúc đó nếu dễ dàng như các ngươi hiện giờ thì làm gì có việc ngày nay”.
Đó là những lời chân thật của người xưa nói lên từ chính kinh nghiệm của mình đã trải qua để cho mọi người chớ xem thường.
Ngày nay nhiều vị hơi lanh lợi chút liền tự mãn, chỉ nói trên cái lý mà không ra sức công phu mạnh mẽ quyết tiến, giống như mình hơn người xưa. Đó là cái lầm, người xưa căn tánh lanh lợi mà còn phải khổ nhọc như thế, còn chúng ta ngày nay chẳng lẽ hơn người xưa hay sao mà lại dám dể duôi, dám xem thường! Kiểm lại mới thấy được cái lầm của mình. Người xưa còn khổ nhọc vậy đó, còn mình bây giờ lại dể duôi xem thường thì làm sao đến được. Không đến được, tu lơ lơ một thời gian không thấy đạo, dần dần buồn chán thôi. Lỗi đó là do chính mình. Cho nên ai mà có tâm chân thành vì đạo hãy tự xét kỹ lại cho rõ ràng.
Ở đây, mục ban đầu rất trọng yếu, vì có biết tìm mới có thấy. Phải nhớ “có quyết chí tìm mới có thấy”, còn lơ lơ là là, tu cho qua ngày làm sao thấy nổi. Trong đây “con trâu” ngầm chỉ cho “bản tâm” mỗi người, nhưng còn đi tìm cho nên trâu này vừa là vọng cũng vừa là chân, bởi vì bản tâm còn lẫn ở trong vọng cho nên phải đi tìm. Như vậy dường như là có hai: Có “cái đi tìm” và có “cái được tìm”, tức có người đi tìm và có con trâu để tìm. Mục đồng là chỉ cho cái tâm đi tìm, con trâu là cái tâm được tìm, như vậy cũng là đem-tâm-đi-tìm-tâm. Mình-tìm-trâu tức đem-tâm-đi-tìm-tâm, rốt cuộc rồi cũng chỉ là “tâm”. Đây là chỗ cần phải sáng tỏ trở lại: “cái đi tìm chính là cái được tìm, chứ không gì khác”, không có riêng được cái thứ hai. Do đó tìm đến cuối cùng rồi quên hết, chỉ còn vòng tròn dứt bặt hết năng sở kia đây, người-trâu-đều-mất.
Tuy nhiên, lý là như vậy nhưng hiện tại còn mê chưa thấy nên phải tìm chứ không thể nói lý suông được. Biết đó là việc làm mâu thuẫn nhưng khi chưa giải quyết được, chưa vượt qua được nên cũng phải tìm. Người học phải nắm được yếu chỉ đó để sau không lầm có sở đắc, thành bệnh. Cần biết rõ “tâm là một của báu vô giá” trên đời này không có gì hơn được, nên chớ có xem thường bỏ sót nó. Đó là điều mà mỗi người mỗi người phải nhận định cho rõ ràng.
Đa số người ít có nhận định đúng đắn như thế, nên thường hơi lơ là thành bỏ sót để nó phân tán, lang thang đi mất. Người ta chỉ lo vọng tưởng lung tung, nhiều khi quan trọng cái vọng tưởng lăng xăng nhiều hơn.
Chính tâm mới làm Phật, làm Tổ, làm Trời, làm người, làm chúng sanh, địa ngục gì cũng là nó nên nó rất là trọng yếu. Do đó người trí phải khéo biết giữ gìn, không bỏ sót nó.
Người xưa từng nói: “Người khéo biết đem tâm nhận biết rõ trở lại tự tâm của chính mình, đó là con đường đưa mình đến Niết-bàn giải thoát an vui, cho đến thành Phật chứ không phải tầm thường”. Nói lên điều đó để mọi người thấy được ý nghĩa, giá trị mà trân trọng tìm trở lại, và biết giữ gìn Tâm.
Ở đây dẫn thêm bài tụng của Hòa thượng Thạch Cổ Di, Ngài họa lại bài tụng của bức tranh thứ nhất:
Chỉ quản khu khu hướng ngoại tầm,
Bất tri cước để dĩ nê thâm.
Kỷ hồi phương thảo tà dương lý,
Nhất khúc Tân Phong không tự ngâm.
Dịch:
Chỉ cứ một bề hướng ngoại tìm,
Gót chân đâu biết lún bùn thêm.
Cỏ thơm chiều nắng bao lần đấy,
Một khúc Tân Phong luống tự ngâm.
Chỉ cứ một bề hướng ngoại tìm, Gót chân đâu biết lún bùn thêm. Đây nói lên ý nghĩa người tu nhất là tu thiền chỉ lo hướng ra bên ngoài chạy tìm kiếm, càng tìm càng xa tức là trái với lý thật nơi chính mình, nên nói gót chân càng lún bùn sâu chứ không được gì. Đó là lỗi hướng ra ngoài tìm tâm.
Ngài Lâm Tế cũng cảnh tỉnh người học: “Người học tin chẳng kịp, liền hướng ra bên ngoài, chạy tìm kiếm, dù cho tìm kiếm được đều là tướng thù thắng của văn tự, trọn chẳng được ý Tổ sống”.
Hướng bên ngoài tìm, dù có tìm được, có hiểu được những đạo lý cao siêu đi nữa thì đó cũng thuộc về tướng thù thắng của văn tự, chưa phải là ý Tổ sống. Nói cho rõ đó là cái “ý chết” vậy thôi, có đáng chi đâu!
Cỏ thơm chiều nắng bao lần đấy, tức là bao lần cỏ thơm ở trong ánh nắng chiều buông xuống nhưng cũng đành trôi qua, không tìm thấy bóng dáng trâu đâu cả. Đó là cái lỗi tìm ở bên ngoài.
Một khúc Tân Phong luống tự ngâm. Tân Phong tức chỗ ở của Thiền sư Động Sơn - Lương Giới, Tổ của tông Tào Động, Sư có làm bài Tân Phong Ngâm.
Bốn câu đầu:
Cổ lộ thản nhiên thùy thố túc,
Vô nhân giải xướng hoàn hương khúc.
Thanh phong nguyệt dạ thủ chu nhân,
Lương thố tiệm diêu xuân thảo lục.
Dịch:
Đường xưa bằng phẳng ai đặt bước,
Khúc nhạc hoàn hương người xướng ít.
Gió mát dưới trăng kẻ ôm cây,
Bóng thỏ dần lay cỏ xuân biếc.
Hai câu cuối:
Ân cần vị báo đạo trung nhân,
Nhược luyến huyền quan tức câu thúc.
Dịch:
Ân cần vì báo kẻ giữa đường,
Nếu mến cổng huyền liền bó buộc.
Nghĩa là còn dính mắc vào chỗ huyền diệu cũng là bị trói buộc. Bài Tân Phong Ngâm ý nghĩa rất sâu xa. Trong đây, Ngài Thạch Cổ Di nói cũng tự ngâm suông thôi, tức không gặp được tri âm. Đó là nói lên tâm trạng của người tu cứ hướng ra ngoài chạy tìm cầu thì khó gặp được, cảnh tỉnh cho thiền giả phải khéo tìm soi trở lại mới là yếu chỉ, mới là chóng được khế hợp.
Thêm bài tụng của Hòa thượng Thiên Nham Trường, Ngài cũng họa lại bài tụng bức tranh thứ nhất này:
Tạm thời bất tại cấp tu tầm,
Mạc đãi cừ nông nhập thảo thâm.
Mãn mục thanh sơn vô biệt tích,
Chỉ tiêu hồi thủ nhất trầm ngâm.
Dịch:
Tạm thời vắng bóng phải đi tìm,
Chớ đợi y vào cỏ sâu thêm.
Đầy mắt núi xanh không dấu khác,
Chỉ có xoay đầu với trầm ngâm.
Đây nói rõ: tạm thời vắng bóng, không còn ở ngay đây cho nên phải đi tìm. Người tu kỹ, trâu vừa chạy đi là phải gấp gấp tìm ngay, chớ xem thường mà bỏ qua.
Chớ đợi y vào cỏ sâu thêm: Tức chớ có để nó chạy sâu vào trong cỏ rồi mất dấu luôn như bao nhiêu người mê, như bao chúng sanh. Khi nó đi sâu vào trong trần lao, huân tập sâu những tập khí phiền não, vô minh thì càng chôn sâu trong sanh tử luân hồi, hết biết đâu mà tìm. Chúng sanh là như vậy.
Người biết tu không phải vậy, tạm thời vắng bóng là phải đi tìm chứ không phải đợi nó chôn sâu vào trong trần. Thấy được chỗ tiến tu của mình, chỗ tu hành của mình là như vậy, không dám dể duôi.
Đầy mắt núi xanh không dấu khác: Trước mắt chỉ một màu núi xanh không có riêng gì khác nữa, còn chỗ nào để tìm! Hết chỗ tìm, thì mở mắt ra là chạm nó thôi. Cho nên “chỉ có xoay đầu với trầm ngâm”, chỉ một phen xoay trở lại là xong, khéo quay đầu là bờ mé. Tìm là tìm như thế, phải đạt ý chứ không phải kẹt trên chữ nghĩa.
Nhiều người học đạo không học hiểu kỹ, mắc kẹt trên chữ nghĩa, nghe nói tìm rồi nghĩ phải hướng ra ngoài để chạy tìm. Giống như thế gian đi tìm vật gì bị mất, là lầm theo chữ nghĩa. Ở đây ngược lại, tìm là phải xoay trở lại chứ không phải hướng ra ngoài. Cho nên tìm là tìm cái không mất, nhưng phải tìm bởi vì bỏ quên. Đây nói mất trâu là tạm nói để đánh thức người nhớ trở lại, không phải nói mất theo nghĩa mất của thế gian. Do đó người học cần phải tiêu hóa một chữ “tìm” này mới là khéo tìm. Bức tranh thứ nhất này rất trọng yếu là như vậy.
***
Các bài mới
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Dẫn nhâp - 18/11/2018
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 9 ) - 21/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 8 ) - 18/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 7) - 14/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 6) - 09/11/2017
Các bài đã đăng
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 5 ) - 31/10/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 4 ) - 25/09/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 3) - 25/08/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 2) - 24/08/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 1) - 21/08/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23643
- Online: 31