Mười bức tranh chăn trâu giảng giải:Bức Tranh Thứ Sáu CỠI TRÂU VỀ NHÀ
27/12/2018 | Lượt xem: 3029
TT.Thích Thông Phương giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt
LỜI DẪN
Chiến tranh đã hết, được mất trở về không. Hát bài ca thôn dã của ông tiều, thổi khúc nhạc đồng quê của chú mục đồng. Ngồi ngang trên lưng trâu, mắt nhìn trời mây. Kêu gọi chẳng quày đầu, cố giữ cũng chẳng đứng lại.
GIẢNG:
Đến đây thì “Chiến tranh đã hết, được mất trở về không”: Khi còn có chiến tranh, thì còn có được có mất, vì có khi thắng có khi bại. Nhưng đến đây chiến tranh hết rồi nên được mất cũng trở về không, tức thành tựu được công phu chăn giữ, chuyển hóa. Bây giờ mục đồng thắng được trâu rồi, hết còn phải giằng co được mất nữa. Lúc trước còn giằng co, có khi thắng rồi cũng có khi bại, nên có khi được cũng có khi mất. Giờ hết chuyện đó, chiến tranh đã qua rồi.
“Hát bài ca thôn dã của ông tiều, thổi khúc nhạc đồng quê của chú mục đồng. Ngồi ngang trên lưng trâu, mắt nhìn trời mây”: Giờ đây là thong thả hát ca cỡi trâu trở về nhà, không phải nhọc nhằn tốn công dòm chừng chăn giữ nữa, không phải dụng công nhọc nhằn mà trâu vẫn thuần thục, những tập khí ngang ngạnh càn bướng đã chuyển hóa, tánh hoang của nó đã chuyển.
“Kêu gọi chẳng quày đầu, cố giữ cũng chẳng đứng lại”: Dù cho bao nhiêu tiếng kêu gọi cũng mặc tình, nó không quày đầu ngó lại, cứ đi thẳng về nhà thôi. Trâu bây giờ gọi là trâu ngoan. Trâu ngoan nên một mực theo chủ trở về nhà, bao nhiêu cảnh duyên mời gọi trên đường cũng không quan tâm, không dính dáng, không có gì kéo lôi được nữa.
Chúng ta tu tập, huấn luyện tâm mình đến như thế mới được nhẹ nhàng, dù cho bao nhiêu cảnh duyên mời gọi cũng không bận tâm. Còn hiện tại chưa mời đã chạy tới rồi, tức theo duyên chạy ra. Mới thấy rằng trâu của mình còn hoang thế nào mà không chịu tu kỹ, cứ chìu theo nó nữa tức sẽ bị nó nhận chìm, kéo vào trong sanh tử chịu khổ đau thôi. Đến đây chứng thật rõ ràng lời Phật dạy: “Tâm sanh các pháp sanh, tâm diệt các pháp diệt”. Hễ tâm sanh thì các pháp theo đó sanh, còn tâm diệt thì các pháp theo đó diệt, tâm hết rồi thì mời gọi cũng đâu có được.
Lúc trước cũng bao nhiêu cảnh duyên này mà tại sao có sức hấp dẫn vậy? Giờ cũng bao nhiêu cảnh duyên này mà tại sao nó không còn hiệu lực gì? Tại sao? Lỗi tại cái gì? Rõ ràng chỉ tại nơi tâm, không phải tại nơi cảnh. Bởi vì tâm còn có chứa những niệm phân biệt theo duyên, tức có hạt giống nên nó cứ hướng ra ngoài, thành lệ thuộc theo cảnh theo duyên, bị duyên dẫn đi.
Khi tâm đã an ổn, thuần trở lại tánh chân thật, sạch hết những niệm theo duyên, không còn chủng tử, là nó ở yên trong bản vị của nó, cho nên cảnh chỉ là cảnh tâm chỉ là tâm không vấn đề gì. Rõ ràng là: “Muôn pháp vốn tự lặng mà chỉ do tâm sanh mới thành có chiến tranh”.
Tronh kinh có câu:
Tất cả pháp chẳng sanh,
Tất cả pháp chẳng diệt.
Nếu người hiểu như thế,
Chư Phật thường hiện tiền.
Cho nên tâm “như” thì cảnh cũng “như”, còn tâm mình không “như” thì cảnh bên ngoài có “như” đi nữa nó cũng không thành “như”, cũng động luôn. Nên đừng có đổ lỗi cho cảnh mà phải xoay trở lại nơi tự tâm mình.
Như có người hỏi Tổ Bá Trượng:
- Đối tất cả cảnh làm sao tâm được như cây đá?
Tổ Bá Trượng bảo:
- Tất cả pháp vốn tự chẳng nói là không, cũng chẳng nói là sắc, chẳng nói là phải, quấy, nhơ, sạch, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ tự người hư vọng rồi tính chấp, tạo bao nhiêu thứ hiểu, khởi bao nhiêu thứ biết, sanh bao nhiêu thứ yêu, sợ.
Vậy cảnh vốn không có sanh nhơ sạch, phải quấy, nó không có tâm trói buộc người mà chỉ tự người hư vọng rồi sanh tình chấp, tạo bao nhiêu thứ hiểu biết phân biệt thành mình trói vào nó. Cho nên cần phải nhận rõ “Các pháp không tự sanh, đều do một niệm vọng tưởng điên đảo của mình chấp tướng mà có”. Nhớ kỹ điều này!
Nếu “Biết tâm cùng cảnh vốn không đến nhau, ngay đó là giải thoát, mỗi mỗi pháp ngay đó là lặng lẽ, ngay đó là đạo tràng”. Tâm là tâm, cảnh là cảnh, không đến nhau, ngay đó giải thoát chứ gì nữa!
Nếu không khởi tâm động niệm thì cảnh tự như như, mỗi bên vốn tự giải thoát. Chúng ta vốn đang ở trong giải thoát mà không chịu lại tự mình đi trói, đã tự mình trói rồi cũng phải tự mình mở chứ không cầu ai mở được. Lẽ thật là như vậy, nó rất đơn giản nhưng chỉ tự người sanh rắc rối chạy đầu này đầu kia rồi bất an, không phải ai làm cho mình rắc rối.
Cho nên, có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Cư Tuần ở Long Nha:
- Người xưa được cái gì mà liền thôi dứt?
Thiền sư Cư Tuần đáp:
- Như giặc vào nhà trống.
Tu là phải khéo vậy đó, bảo đảm được an ổn, hết còn chiến tranh. Giặc trộm đi vào nhà trống thì không có gì để lấy, phải đi ra thôi. Cũng vậy, nếu tâm của chúng ta trống, không, thì cảnh có đến rồi tự đi, đâu có dính dáng gì, đâu có chuyện gì.
Cho nên tu tập nói cho nhiều nhưng không ngoài một việc “buông”. Những gì đã chứa cứ buông bỏ sạch hết thành trống, trả về “Không Như Lai Tạng” là cái kho Như Lai trống sạch thì chúng ta giải thoát thôi.
Cần nhớ câu thiệu này để nhắc mình tự tu cho kỹ: “Mỗi người ai ai cũng đều có tâm nhưng đừng để thành tâm có”. Đã có tâm sẵn rồi còn phải kiếm gì nữa? Người ta tưởng đâu là mình thiếu nên kiếm hoài thành ra tâm mới có đủ thứ. Chính vì có đủ thứ mới sanh chuyện.
Chỉ do “tâm có” mới có chỗ cho cảnh dựa vào rồi nó sanh; còn “tâm không” cảnh cũng tự yên thôi. Như vậy đến đây là cỡi trâu thẳng về nhà không còn ngó đông ngó tây, gọi là: “Kêu gọi cũng chẳng quày đầu, cố giữ cũng chẳng đứng lại”.
***
LỜI TỤNG
Kỵ ngưu dĩ lệ dục hoàn gia,
Khương địch thanh thanh tống vãn hà.
Nhất phách nhất ca vô hạn ý,
Tri âm hà tất cổ thần nha.
Dịch:
Ven đường trâu cỡi trở về nhà,
Sáo thổi vi vu tiễn chiều tà.
Một nhịp một ca vô hạn ý,
Tri âm nào phải động môi qua.
GIẢNG:
“Ven đường trâu cỡi trở về nhà. Sáo thổi vi vu tiễn chiều tà”: Hình ảnh này thật là thanh bình. Trâu đến đây đã thuần trở lại, hết còn theo thói ngông cuồng hoang dã của nó nên mục đồng thong thả cỡi trâu đi men men theo con đường trở về nhà; không phải vung roi, không phải giật dây gì nữa. Đồng thời, mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo vi vu để tiễn buổi chiều tà. Chiều tà tức buổi chiều khi ánh tà dương buông xuống, vẫy chào một ngày dài ở ngoài cánh đồng hoang, hay gọi là vẫy chào tâm lang thang vô định từ bấy lâu nay bám theo trần lao duyên cảnh.
Giờ đây trâu ngoan ngoãn, thuận theo chủ đi một mạch thẳng về nhà, không phải liếc đông liếc tây gì nữa. Công phu chăn giữ cho nó thuần phục đến đây là đến hồi kết thúc, nên gọi là chiến tranh đã qua.
“Một nhịp một ca vô hạn ý”: Từng nhịp gõ, từng tiếng ca vang vang đó đều biểu lộ niềm vui không thể tả. Tu đến đây thấy thật là vui, cỡi trâu về nhà, vừa cỡi vừa nhịp ca thong thả, hết thời nhọc nhằn lúc trước. Trong đây không thể dùng ngôn ngữ gì để nói lên hết ý nghĩa của niềm vui này. Người đứng bên ngoài xem thật khó mà hiểu hết được tâm trạng của chú mục đồng lúc này, phải là người ở trong cảnh mới biết được.
“Tri âm nào phải động môi qua”: Chỉ những người ở cùng cảnh ngộ, đã sống được như thế mới cảm thông được thôi, chứ còn người bên ngoài khó hiểu nổi. Ai là người tri âm sẽ thầm hiểu nhau, chỗ này không qua trung gian ngôn ngữ lập thành. Đó là chỗ tâm tâm thầm khế hợp nhau, ngôn ngữ đến đây cũng thành thừa luôn.
Mới thấy ngôn ngữ thật là quá giới hạn, nhưng người ta phần nhiều lại quá tin tưởng, ỷ lại vào ngôn ngữ. Cho nên người đã thật đạt đạo, sống được trong đó không còn lầm theo ngôn ngữ nữa, không còn bị ngôn ngữ đánh lừa.
Như vậy đến bức tranh thứ sáu này “Cỡi trâu về nhà”, mới thật là vô sự. Công phu mới được nhẹ nhàng, không phải nhọc nhằn chăn giữ, không phải roi vọt, không phải kéo lôi vất vả nữa, vì trâu đã thuần trở lại rồi, tức tâm đã trở lại nguồn của nó.
Vậy kiểm lại công phu của mỗi người chúng ta hiện tại đây thì sao? Trâu của mình có được ngoan như vậy chưa mà cứ lo những chuyện lăng xăng hoặc là lo uống trà nói chuyện tạp tán dóc, làm loạn tâm thêm, thêm sức mạnh cho cái thói đi hoang của nó nữa.
Mỗi người phải biết để quay trở lại, phải thật sự thức tỉnh để tu hành cho kỹ lưỡng, quán cho sâu lý vô thường để ngừa sự buông lung, cũng như cảm sâu nỗi khổ sinh tử luân hồi để mà tiến bước trên con đường xuất thế.
Thiền sư Tuyệt Chiếu - Huy Công, Ngài có bài kệ để cảnh tỉnh cho người:
Công phu vị đáo phương viên địa,
Kỷ độ bằng lan độc tự sầu.
Kim nhật thị tam minh nhật tứ,
Tuyết sương dung dị thướng nhân đầu.
Dịch:
Công phu chưa đến chỗ vuông tròn,
Từng dựa lan can tự sầu vương.
Hôm nay là ba, mai là bốn,
Trên đầu thoáng đã điểm màu sương.
Ngài nhắc mọi người phải nhớ công phu của mình tu chưa đến đâu, bao nhiêu lần đứng dựa lan can mà tự thấy sầu, thấy buồn cho mình. Tu bao nhiêu lâu rồi mà công phu chưa được vuông tròn.
Trong khi hiện tại chúng ta tu thì tu mà không nhớ gì hết, bỏ mặc cho ngày tháng trôi qua. Còn người xưa tu vậy đó, nhớ tới công phu của mình tu lâu nay chưa được gì, chưa có vuông tròn nên thường đứng dựa lan can mà buồn. Thấy rằng đời người rất mỏng manh, ngắn ngủi, “hôm nay là ba, mai là bốn” rồi, nhìn lại đầu đã bạc tới rồi, gọi là tuyết sương điểm trên đầu. Tức tuổi đời càng ngày càng chồng chất lên, tuổi thọ lại càng rút ngắn, cái chết lại đến cận kề bên, nhưng xét lại công phu của mình lại chưa đến đâu, chưa có đáng kể gì hết. Như vậy có đáng lo, có đáng buồn hay không? Đó mới chính là cái đáng lo đáng buồn!
Nhưng nhiều người lại không lo không buồn, mà lo buồn những chuyện đâu đâu. Mỗi người sanh ra làm người, được xuất gia đi tu thì ai cũng đều có tâm, có tâm tức có hiểu biết, có tri giác, khác với cây cỏ, đất đá, vậy mà không biết tự xét lại xem để cảnh tỉnh mình hay sao? Đó là điểm muốn nhắc cho tất cả phải tự xét lại mình, để sách tấn mình tiến lên. Đây có một bài kệ để cảnh tỉnh thêm cho tất cả nhớ:
Đời người ngắn ngủi thoáng qua mau,
Năm ấm là nhân của khổ sầu!
Quyết phải phá tan vòng vây ấy,
Sống đời sống thật hết còn đau.
Phải nhớ kỹ, đời người ngắn ngủi thoáng qua mau chớ không có bền bỉ lâu dài gì đâu! Rồi năm ấm này là cái nhân của khổ sầu nào có sung sướng mà bám vào nó. Nhưng tại sao ta lại cứ bám vào nó hoài? Cho nên phải thấy vậy đó, quyết phải phá tan vòng vây này để vượt ra, để sống một đời cho thật hết còn thấy đau.
***
Các bài mới
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Năm CHĂN TRÂU - 13/12/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Bức Tranh Thứ Tư: ĐƯỢC TRÂU - 13/12/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Ba THẤY TRÂU - 29/11/2018
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Hai - THẤY DẤU - 21/11/2018
- Mươi bức tranh chăn trâu giảng giải: Bức Tranh Thứ Nhất TÌM TRÂU - 18/11/2018
Các bài đã đăng
- Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Dẫn nhâp - 18/11/2018
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 9 ) - 21/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng ( Phần 8 ) - 18/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 7) - 14/11/2017
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 6) - 09/11/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89329
- Online: 35