Mười bức tranh chăn trâu giảng giải - Dẫn nhâp

18/11/2018 | Lượt xem: 6444

TT.Thích Thông Phương

THẬP MỤC NGƯU ĐỒ

Tranh chăn trâu có nhiều bản, tóm lại là có hai: “Tranh chăn trâu Đại thừa” và “Tranh chăn trâu Thiền tông”. Tranh chăn trâu Đại thừa có mười bức, Tranh chăn trâu Thiền tông cũng mười bức, nhưng tranh theo thứ lớp có sai khác.

Thí dụ Tranh Đại thừa:

     01. Chưa chăn.

      02. Mới chăn.

      03. Chịu phép.

      04. Quày đầu.

      05. Vâng chịu.

      06. Không ngại.

      07. Mặc tình.

     08. Cùng quên.

     09. Riêng chiếu.

     10. Dứt cả hai. Bức thứ mười là vòng tròn tượng trưng cho Viên giác giống như tâm viên mãn.

Về tranh Thiền tông:

     01. Tìm trâu.

     02. Thấy dấu.

     03. Thấy trâu.

     04. Được trâu.

     05. Chăn trâu.

     06. Cỡi trâu về nhà.

     07. Quên trâu còn người.

     08. Người trâu đều quên.

     09. Trở về nguồn cội.

     10. Thỏng tay vào chợ.

Ở đây chúng ta học về tranh Thiền tông, tinh thần của Thiền tông là chỉ thẳng, tức đốn ngộ hay đốn giáo, gọi là kiến tánh thành Phật. Thiền tông chỉ rõ Phật sẵn nơi chính mình, về lý là vậy nhưng về sự không phải một lúc là xong. Cho nên các vị Thiền sư cũng tốn công nhọc sức, không phải thấy là xong liền. Chúng ta phải học, nắm vững điều này để không mắc kẹt trên lý suông.

Trước nói qua lời tựa của Hòa thượng Quách Am ở tại Lương Sơn, Đảnh Châu, Ngài viết lời tựa về Thập Mục Ngưu Đồ này, nguyên văn chữ Hán, ở đây chỉ học bản dịch.

 

LỜI TỰA

CHÁNH VĂN:

Nguồn chân của chư Phật và chúng sanh vốn sẵn có, nhân mê mới chìm đắm trong ba cõi, nhân ngộ chóng ra khỏi bốn loài. Do đó có chư Phật có thể thành, có chúng sanh có thể làm.

GIẢNG:

Xét tột về cội nguồn chân thật của chư Phật và chúng sanh là vốn sẵn có, vốn không phải của riêng chư Phật. Chúng sanh và chư Phật đồng cội nguồn chân thật.

Tùy theo chỗ nói khác nhau hoặc có khi gọi là chân như, Phật tánh, hoặc là bản tâm, hoặc là bản lai diện mục v.v... hay chính là cái tâm thể nguyên vẹn tinh khôi trước khi động niệm, chưa từng ô nhiễm. Tức nó chưa từng sanh chưa từng diệt, chưa từng ô nhiễm, cái đó giữa chư Phật và chúng sanh không hai. Chỉ vì người sống với tâm động niệm, ô nhiễm, thành ra đối với chư Phật dường như có khác, nên thấy có hai. Như vậy đó là cái sẵn có của tất cả thì đâu còn phải tìm tòi tạo tác gì thêm nữa!

Cho nên, ngay vào đầu Ngài Quách Am nhấn mạnh để người thấu suốt được lý thật, không mắc kẹt trên thứ lớp hay phương tiện. Vì nó sẵn có thì không phải tìm tòi nữa, tìm tòi là tìm cái chưa có. Chỗ này thêm hạt bụi cũng không thể được, bớt hạt bụi cũng không thể xong, ở chư Phật không thêm, mà ở chúng sanh cũng không bớt, vì nó là viên mãn sẵn có rồi.

Trong Tín Tâm Minh, Tam Tổ Tăng Xán gọi là: “Tròn đồng thái hư, không thiếu không dư”. Nó vốn là tròn đồng như thái hư, trong đó không thêm không bớt gì, sao phải có tu? Tu là có thêm rồi.

Và cũng chính chỗ này, trong Chứng Đạo Ca, Thiền sư Huyền Giác bảo:

       Chặt thẳng cội nguồn Phật đã ấn,

       Chọn lá tìm cành ta chẳng kham.

Chỗ thấy của Ngài Huyền Giác là chặt thẳng vào cội nguồn chân thật mà Phật đã ấn, còn chuyện chọn lá tìm cành theo ngọn ngành thì Ngài không kham làm, tức là đi thẳng trở về ngay cái gốc chân thật. Cho nên tu mà nắm vững được yếu chỉ này, nhắm thẳng vào cái gốc chân thật, khi đạt gốc rồi thì ngọn tự đến, còn cứ theo ngọn, không biết đâu là chỗ dừng.

Vì thế, vừa mới vào đề của Chứng Đạo Ca, Ngài Huyền Giác đã nhắm ngay chỗ này:

       Quân bất kiến?

       Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân!

Dịch:               

       Anh thấy chăng?

       Tuyệt học vô vi đạo nhân nhàn.

Mới vào đầu Ngài nói ngay: “Anh thấy chăng?”. Chưa nói gì hết mà bảo thấy chăng là thấy cái gì? Đó là muốn nói lên cái đó sẵn nơi mình, nguồn chân đã rỡ rỡ sáng ngời, sẵn có đó thôi. Nó nguyên vẹn, nó tròn đầy chưa từng thiếu thốn, chưa từng dính mắc, đâu còn cái gì để làm nữa. Chỗ đó gọi là: “Tuyệt học vô vi nhàn đạo nhân”, nên vừa khởi niệm tìm cầu trong đó là trái liền. Như vậy vì sao lại có chư Phật, có chúng sanh? Đây Ngài Quách Am nói rõ: “Nhân mê mới chìm đắm trong ba cõi, nhân ngộ chóng ra khỏi bốn loài. Do đó có chư Phật có thể thành, có chúng sanh có thể làm”.

Bởi vì mê và ngộ thành ra có sai khác, tức mọi người đều có đủ cái sẵn đó nhưng mê nó thì làm chúng sanh, ngộ nó sống với nó thì làm Phật. Thế nên, chư Phật và chúng sanh do ngộ và mê mà thành có sai khác. Chúng ta có mà không biết tưởng là không có nên mới vọng sanh lưu chuyển trong ba cõi, bị chìm đắm ở trong đó mà không ra khỏi được, do hướng ra ngoài.

Đó là con đường đi vào luân hồi, loanh quanh lẩn quẩn bò lên lết xuống, hoặc là rơi tủm một cái chìm lỉm xuống địa ngục luôn. Nhân ngộ tức sáng tỏ trở lại, nhận ra lẽ thật, sống trở lại trong đó liền ra khỏi bốn loài chúng sanh: thai sanh, thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh. Đó là lý do có chư Phật, có chúng sanh.

Ở đây nói mê là mê cái gì, ngộ là ngộ cái gì? Mê cũng là mê cái nguồn chân thật sẵn có, rồi ngộ cũng là ngộ cái nguồn chân thật sẵn có, cho nên mê-ngộ tuy có khác nhưng chỗ cội nguồn là không hai. Vậy tại sao người ta lại bỏ gốc chân thật không hai đó để chia chẻ sai khác, làm ngăn cách với nhau, thành kia thành đây? Đây là chỗ quan trọng, mọi người cần phải thức tỉnh trở lại, nếu không vẫn là kẻ sống mất gốc dài dài. Cho nên vừa vào đề, Ngài Quách Am nhấn mạnh chỗ này để mọi người phải nắm được cái gốc này.

 

CHÁNH VĂN:

Vì vậy, bậc tiên hiền thương xót mới rộng lập bày nhiều lối. Lý có ra thiên-viên, giáo lập thành đốn-tiệm, từ thô đến tế, từ cạn đến sâu.

GIẢNG:

Bởi có chư Phật, có chúng sanh chia hai nên các bậc tiên hiền thương xót người mê, mới rộng lập bày ra nhiều lối tức nhiều phương tiện. Những bậc tiên hiền là những bậc đi trước, những bậc đã sáng tỏ trở lại chỗ này, thấy được chỗ chân thật này rồi. Các Ngài thấy rõ chúng sanh cũng có sẵn cái chân thật đó nhưng không biết, lại sống với cái lầm mê cho nên các Ngài mới thương xót những người còn mê mà phương tiện mở bày ra nhiều lối để dẫn dắt trở về.

Tại sao lẽ thật chỉ có một thôi nhưng lại phải mở ra nhiều lối? Bởi vì tâm chúng sanh có nhiều thứ sai biệt. Nếu nói theo tâm chúng sanh là kể ra không hết: Kẻ muốn thế này, người muốn thế nọ, đủ thứ bệnh nên cũng phải tùy bệnh cho thuốc, tùy theo sở thích của chúng sanh mà các Ngài phải lập bày ra nhiều phương tiện giáo hóa. Như có tông này có phái kia, nhiều tông nhiều phái, mỗi tông phái tu tập theo một cách nhưng gốc cũng từ lời Phật dạy. Tuy nhiên, đó cũng là tùy theo sở thích chúng sanh mà lập bày cho thích hợp chứ không phải pháp thật.

Nói về lý thì lập ra có thiên có viên. Về giáo thì lập ra có đốn có tiệm. Thí dụ như các kinh A Hàm còn thiên về một bên là dứt khổ để chứng Niết-bàn mà chưa nói đến lý cứu cánh chân thật rốt ráo, nên gọi là còn “thiên” chứ chưa “viên”. Hoa Nghiêm mới là Viên giáo, tức tròn đủ lý rốt ráo chân thật.

Còn “đốn” là nói đến chỗ chóng ngộ vượt qua thứ lớp; lẽ thật là ngay chính mình, khi ngộ là đầy đủ không thiếu gì hết. Nhưng “tiệm” phải huân tu dần dần không thể một lúc chóng thành. Nếu chỉ nói “đốn”, thì những người với không tới sẽ chán không tu nổi, nên phải có tu dần dần.

Nói đốn nói tiệm là phương tiện lập bày của chư Phật chư Tổ, không thể chấp một bề đốn hay chấp một bề tiệm. Nếu chấp một bề đốn rồi chê tiệm, hay chấp một bề tiệm chê đốn đều không được. Hễ còn có chấp là còn có ngại, là không phải.

Bởi vì căn cơ mỗi người không đồng đều cho nên phương tiện lập bày ra cũng phải có nhiều cách cốt là để dẫn dắt người trở về, chính vì vậy mới có dẫn dắt từ thô đến tế, từ cạn đến sâu. Người hợp với pháp nào thì hành theo pháp đó, chỗ quan trọng hết bệnh là tốt rồi, đừng chấp pháp thành bệnh.

 

CHÁNH VĂN:

Cuối cùng thì chớp mắt với hoa sen xanh, khiến được Đầu-đà Ca-diếp mỉm cười. Kho Tàng Con Mắt Chánh Pháp từ đây lưu thông trên trời, cõi người, nơi này cõi nọ. Người thấu được lý thì vượt khỏi khuôn phép thông thường, như đường chim không có dấu vết. Người nhận ở sự thì kẹt câu mê lời, như rùa linh lê đuôi.

GIẢNG:

Ban đầu Phật thuyết pháp, nói giáo lý là để từng bước dẫn dắt người trở về nên có lập bày hoặc là thiên-viên, đốn-tiệm từ thô đến tế, từ cạn đến sâu. Cuối cùng mới chỉ ra lý rốt ráo chân thật, vượt ngoài thứ lớp ngôn ngữ. Đây nói: Cuối cùng thì chớp mắt với hoa sen xanh, khiến Đầu-đà Ca-diếp mỉm cười, gọi là Kho Tàng Con Mắt Chánh Pháp từ đây lưu thông trên trời, cõi người, nơi này cõi nọ.

Cuối cùng đến trên hội Linh Sơn, khi Phạm Thiên Vương cúng dường Phật cành hoa sen, Phật cầm cành hoa đưa lên, đưa mắt nhìn khắp hết đại chúng, trong toàn chúng đều im lặng. Chỉ khi Phật nhìn đến Ngài Ma-ha Ca-diếp, Ngài liền mỉm cười cảm thông với Phật, cho nên Phật liền trao phó Chánh pháp nhãn tạng cho Ngài Ca-diếp.

Đây nói lên yếu chỉ rốt ráo của Phật pháp, tức chỉ thẳng pháp thật vượt ngoài ngôn ngữ văn tự. Tuy là nói trao nhưng không thật có pháp gì để trao, Phật nhìn Ngài, Ngài nhìn lại, cảm nhau mỉm cười thôi chứ không có gì để trao?! Tâm tâm khế hợp với nhau, gọi là tâm truyền tâm hay tâm ấn tâm.

Chỗ này lấy gì để bàn kia, đây sai biệt? Nên đây nói, người thấu được lý vượt khỏi khuôn phép thông thường như đi đường chim không có dấu vết, nhưng người kẹt ở sự thì mê câu kẹt lời, giống như rùa linh lê đuôi. Phải thấy được đến chỗ rốt ráo chân thật này mới là thấy đến cái gốc. Đó chính là mạch sống của Thiền tông.

Mười bức tranh Thiền tông, cũng lấy chỗ này làm mạch sống. Bởi vì việc này không thể đem cái khuôn chết để đo lường được. Nên người đạt được thì tự có chỗ sống chân thật, không mắc kẹt nơi dấu vết xưa cũ. Người đứng bên ngoài mà nhìn thì không thể biết. Cũng như người nhận nơi sự tức chấp sự, là kẹt câu mê lời bị người kiểm điểm. Như vậy ngầm chỉ là phải đạt ý quên lời, chớ chấp theo chữ nghĩa.

Đức Phật thuyết pháp mấy mươi năm, đến kinh Lăng Già liền nói: “Ta thuyết pháp bốn mươi mấy năm chưa từng nói một chữ”. Nói rồi thì Ngài thâu lại hết hay là quét hết! Ngài không nói một chữ thì mình lấy chữ gì để hiểu? Cho nên bám theo chữ nghĩa là đi xa.

Bởi vậy, Ngài Lâm Tế từng khai thị: “Này huynh đệ! Nếu là bậc tiên đức từ xưa đều có con đường vượt hơn mọi người. Còn như chỗ Sơn Tăng chỉ dạy người chỉ cần các ông đừng để người làm lầm, cần dùng liền dùng chớ có do dự nghi ngờ”.

Ngài nói rõ, bậc tiên đức từ xưa đều có con đường vượt hơn mọi người, không có theo khuôn phép thông thường, không để mọi người kiểm điểm, tự có chỗ sống, tự có con đường đi. Còn như chỗ Ngài chỉ dạy cũng chỉ cần các ông đừng để bị người làm lầm, phải tự mình mở mắt sáng nơi chính mình. Đó gọi là con đường của chư Tổ Thiền tông đi là như vậy.

Tức không có chỗ để cho thức tình suy nghĩ bám đến, nên gọi là đi đường chim bay. Bởi vậy, tu đến chỗ cuối cùng phải vượt qua ý thức suy nghĩ, dù cho pháp Tiểu thừa hay Đại thừa cũng đi đến chỗ đó. Ví dụ như tu theo pháp Nguyên thủy, đến Diệt tận định thì ý thức đâu còn làm việc. Lúc đó ý thức hết làm việc, vượt qua cái đó mới giác ngộ, giải thoát sanh tử, chứng A-la-hán. Còn Thiền tông phải là “đại tử”, hay là “tuyệt hậu tái tô”, tức là phải chết đi rồi sống lại, tức chết đi cái ý thức. Cho nên khi ý thức dừng thì mới tỏ ngộ được, ý thức còn làm việc thì không ngộ được. Thấy rõ và nắm được yếu chỉ đó để tu tập, sẽ không phải nghi ngờ gì nữa.

 

CHÁNH VĂN:

Trong đây có Thiền sư Thanh Cư, xem xét căn khí chúng sinh, hợp bệnh mà cho thuốc. Đem việc chăn trâu giả họa thành tranh, tùy cơ lập giáo.

GIẢNG:

Ban đầu có Thiền sư Thanh Cư, phương tiện tạm họa thành tranh, gọi là tùy cơ lập giáo, hợp bệnh cho thuốc. Nhưng ban đầu chỉ có tám bức và nhớ là “chỉ tạm lập bày” để ngăn ngừa người, không nên chấp vào trong đó cũng thành có ngại. Đây nói thêm:

 

CHÁNH VĂN:

Ban đầu đen lần lần trắng, hiển bày sức mạnh chưa đầy đủ. Kế dần dần thuần chân, biểu hiện căn cơ từ từ soi sáng. Đến người trâu đều chẳng thấy, nêu rõ tâm pháp cùng quên, lý đã tột hết cội nguồn, mà pháp vẫn còn che đậy. Khiến cho kẻ căn cơ cạn phải nghi lầm, hàng trung hạ không khỏi phân vân, hoặc nghi ngờ là rơi vào không ngơ, rớt vào thường kiến.

GIẢNG:

Bởi vì đây có tám bức, đến cuối là vẽ vòng tròn nên người thiếu lanh lợi cũng dễ mắc kẹt, nghi ngờ tu cuối cùng không còn gì hết.

Như vậy, về lý thì như đã tột cội nguồn nhưng về pháp thì cũng vẫn còn chút gì che đậy, tức là chưa có rốt ráo. Ban đầu chưa có sức mạnh, chưa đắc lực, tức chưa có sức tự chủ tự tại nên hiển bày dần dần mới trắng lên, do vậy người không thể ngộ lý suông mà tự mãn được. Đó là để ngăn ngừa người chấp lý bỏ sự.

Bởi vì lý sẵn đủ rồi, ngộ là xong, nhưng về sự không phải vậy cho nên phải dần dần mới trắng, mới có đủ sức mạnh, mới có sức làm chủ, mới có đắc lực. Cho đến khi được thuần chân chiếu sáng tỏ rõ thì sức sống chân thật mới được hiển bày, không phải ngay đó xong liền. Cuối cùng người trâu đều mất. Ban đầu còn có người có trâu tức có người chăn, có trâu để chăn, là còn có tâm có pháp. Đến cuối cùng người trâu đều mất hết, tâm pháp cùng quên, hết còn có năng sở đối đãi.

Cũng như chúng ta tu, ban đầu biết vọng cũng có năng có sở tức có biết, có vọng để biết; cuối cùng rồi phải buông hết, qua hết. Thí dụ như mình biết vọng, khi vọng lặng hết rồi, thì cái biết này cũng buông luôn, gọi là năng sở đều quên, tức công phu chăn giữ cũng buông.

Đến đây, về lý thì coi như rõ tột, quên hết năng sở rồi, nhưng về pháp thì vẫn còn chút gì chưa ổn, khiến người căn cơ cạn dễ nghi ngờ ngưng trệ. Bởi đến đây thì người trâu đều mất, chỉ còn có vòng tròn trống rỗng vậy thôi. Nếu chỉ dừng ngang đây thì mấy người căn cơ cạn, trung hạ sẽ sợ, thấy tu đến cuối cùng trống không, không còn gì hết, không khéo rơi vào đoạn diệt, hoặc cho rằng đến đây không còn gì để làm nữa. Thành ra giống như về pháp còn có chút gì che đậy.

 

CHÁNH VĂN:

Nay Thiền sư Tắc Công nghĩ đến khuôn phép của bậc hiền đời trước, phát ra từ hông ngực của chính mình mới làm những bài tụng hay, khiến rọi sáng lẫn nhau. Ban đầu từ chỗ mất trâu, sau cùng là trở về cội nguồn, khéo ứng hợp với quần cơ, như cứu người đói khát.

GIẢNG:

Đến Thiền sư Tắc Công, Ngài mới vẽ thêm bức tranh thứ chín. Ngài nghĩ đến khuôn phép của bậc tiên hiền đời trước, phát ra từ chỗ hông ngực của chính mình mới làm thành những bài tụng hay để rọi sáng lẫn nhau. Tức thuận theo khuôn phép của những bậc đi trước đã lập thành tám bức tranh, Ngài theo đó lập thêm bức thứ chín.

Ở đây nói phát ra từ hông ngực của chính mình mới làm những bài tụng, tức cộng thêm chỗ chứng nghiệm nơi chính mình mà làm thành những bài tụng để làm rõ thêm ý nghĩa, đó là bức tranh thứ chín Trở Về Nguồn Cội, mới khéo ứng hợp với quần cơ.

Đây giống như cứu người trong cơn đói khát, là vượt qua năng sở rồi trở về cội nguồn, thể nhập pháp thân hay vào cảnh giới Phật. Vậy đâu đâu cũng thấy sáng ngời cảnh giới Phật, chứ không còn phải lo ngại không còn gì nữa, không rơi vào trống không.

 

CHÁNH VĂN:

Từ Viễn mới theo đó xét dò tìm diệu nghĩa, chọn lấy chỗ sâu mầu, như con thủy mẫu muốn đi tìm thức ăn phải nương theo con tôm biển làm con mắt. Ban đầu từ tìm trâu, sau cùng đến vào chợ.

Gượng làm cho dậy sóng, mọc ngang đầu sừng, còn không tâm có thể tìm, nào có trâu có thể kiếm? Rồi đến thỏng tay vào chợ, đó là ma mị gì? Huống là cha ông chẳng tỏ rõ, làm họa ương đến con cháu, chẳng ngại hoang đường, thử vì đề xướng.

GIẢNG:

Đến Ngài Từ Viễn, Ngài cũng thuận theo mấy bức tranh trước đã lập ra, và xét tìm đến chỗ sâu mầu rồi vẽ thêm bức tranh thứ mười gọi là Thỏng Tay Vào Chợ.

Đây nói giống như con thủy mẫu phải nương theo con tôm biển làm con mắt, tức nương theo những bức đã lập ra ở trước, Ngài lập thêm bức tranh thứ mười, là cũng theo đó nhưng thêm một bức nữa chứ không phải Ngài lập riêng ra.

Cho nên, ban đầu từ Tìm Trâu sau cùng đến Thỏng Tay Vào Chợ, tức từ cảnh giới Phật rồi nhảy bước nữa vào cảnh giới ma. Nghĩa là Hòa Quang Đồng Trần, hòa mình vào trong chốn trần lao để hóa độ chúng sanh mới tròn hạnh nguyện tự lợi lợi tha. Như vậy mới đầy đủ ý nghĩa.

Mười bức tranh chăn trâu của Thiền tông khác với tranh chăn trâu của Đại thừa. Bức thứ mười của tranh Đại thừa là vòng tròn, còn ở đây phải nhảy qua vòng tròn, trở về cội nguồn, rồi thỏng tay vào chợ, là vào trong sai biệt hay từ cảnh giới Phật nhảy vào cảnh giới ma. Như vậy mới sạch hết dấu vết phân biệt.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là gượng làm dậy sóng, mọc ngang đầu sừng, nên đây nói: “Còn không tâm có thể tìm thì nào có trâu có thể kiếm. Đến thỏng tay vào chợ còn ma mị gì nữa?” Phương tiện của các Ngài là như vậy, lập rồi phá, không để cho người ta mắc kẹt; còn mình không biết cứ lập rồi lập luôn. Nên nhớ, đó cũng là phương tiện giả lập bày, gọi là thuốc trị bệnh không thể chấp kẹt trong đó.

Bởi vậy Hòa thượng Quách Am bảo đây giống như không gió mà gượng làm dậy sóng hay không có sừng làm cho mọc sừng. Về lẽ thật, xưa nay không một vật, vốn là thanh tịnh nguyên vẹn chưa từng ô nhiễm thì còn làm gì nữa! Làm tức thêm, tức mọc đầu sừng gọi là không sừng mà mọc sừng, không sóng mà dậy sóng.

Đó là Ngài ngăn ngừa người học không khéo mắc kẹt theo chỗ lập bày thành ra phân biệt kia đây, chấp vào có tu có chứng. Bởi Ngài đã nhấn mạnh ngay từ buổi đầu, cội nguồn chân thật của chư Phật và chúng sanh là cái sẵn có chưa từng ô nhiễm, hay trong bản tánh chân thật xưa nay của chúng sanh vốn tự thanh tịnh sáng ngời, chưa từng có dấu vết, đâu có thứ lớp gì để chia thành ra tám, chia thành ra chín hay chia thành ra mười. Trong đó nói một cũng là đã dư rồi nói gì tới mười. Trong chỗ chân thật đó xưa nay không một vật, lập một vật là đã dư rồi mà giờ lập tới mười. Như vậy không phải làm trò cười cho bậc trí sáng hay sao! Làm như vậy giống như là chia chẻ hư không. Hư không sao chia chẻ được? Đó là phá chấp cho người.

Bởi vậy, nói tìm trâu kiếm trâu hay tìm tâm kiếm tâm, cũng là đối với người mê tạm nói vậy thôi. Sự thật đã là bản tâm chính mình, là cái vốn sẵn có ở nơi chính mình sao lại tìm kiếm cái gì nữa?

Ở đây bày ra thêm tìm trâu, thấy trâu, được trâu, v.v... cho đến dẫn trâu về nhà nhưng cuối cùng cũng quên sạch hết, người chăn và trâu cũng không còn. Vậy lập ra rồi rốt cuộc phá hết, tức trâu - chăn cũng mất hết, vậy có uổng công không? Cho nên đây nói: “Còn không tâm có thể tìm, nào có trâu có thể kiếm”. Kiếm cái gì? Đến thỏng tay vào chợ đó là ma mị gì? Trong đó còn bày thêm mang bầu rượu, thỏng tay vào chợ nữa có phải là cọp không sừng mọc thêm sừng không?

Hiểu rõ rồi chúng ta thấy đây cũng chỉ là phương tiện từ bi của bậc Thánh Hiền để dẫn dắt người mê. Trong chỗ không lập bày mà tạm lập bày, nhưng mà lập rồi phá không để cho người mắc kẹt. Nhiều người không hiểu cứ mắc kẹt trong đó, tu lâu lâu xem mình ở bức tranh thứ tám hay thứ chín! Nếu ông thầy ấn chứng cho giờ ở bức tranh thứ tám thì thấy hơi lên. Đó là mắc kẹt vào cái tâm chứng đắc, cái ngã sanh.

Đây là phương tiện thôi, để cho người tu không tự mãn; được chút ít lý bám vào đó cho là xong việc. Chúng ta phải biết cần huân tập dần dần để gạn lọc hết những tập khí, những phiền não mê lầm của bản thân đâu phải dễ dàng, nên phải có công phu thực tiễn. Nhưng không khéo chấp vào đó, thành ra có tâm chứng đắc.

Bởi vậy, cuối cùng Ngài Quách Am nói rằng: “Huống nữa cha ông chẳng tỏ rõ, làm họa ương đến con cháu, chẳng ngại hoang đường thử vì đời xướng”. Đó chỉ là phương tiện lập ra chứ không phải thật, cho nên đây nói chẳng ngại hoang đường thử vì người đề xướng ra thôi, đừng chấp vào đó cho là thật.

***

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 07771
  • Online: 72