Nhị Tổ Pháp Loa dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử

06/03/2019 | Lượt xem: 8582

A. THÂN THẾ:

Sư là đệ tử của Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Điều Ngự Giác Hoàng – Hương Vân Đại Đầu Đà. Sư tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm Thiệu Bảo thứ sáu (1284) ngày mùng 7 tháng 5. Quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu.
Trước khi sinh ra Ngài, mẹ Ngài sinh liền tám người con gái nên chán ngán, đến Ngài bà cố tình uống thuốc phá thai nhưng đều vô hiệu. Đến khi sinh ra Sư bà mừng lắm đặt tên là Kiên Cương. Sư thiên tư dĩnh ngộ, miệng không nói lời ác, ăn không thích thịt cá.

A. THÂN THẾ:

Sư là đệ tử của Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử Điều Ngự Giác Hoàng – Hương Vân Đại Đầu Đà. Sư tên thật là Đồng Kiên Cương, sinh năm Thiệu Bảo thứ sáu (1284) ngày mùng 7 tháng 5. Quê ở làng Cửu La, phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cha là Đồng Thuần Mậu, mẹ là Vũ Từ Cứu.
Trước khi sinh ra Ngài, mẹ Ngài sinh liền tám người con gái nên chán ngán, đến Ngài bà cố tình uống thuốc phá thai nhưng đều vô hiệu. Đến khi sinh ra Sư bà mừng lắm đặt tên là Kiên Cương. Sư thiên tư dĩnh ngộ, miệng không nói lời ác, ăn không thích thịt cá.

B. THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC:

Niên hiệu Hưng Long thứ mười hai (1304), Điều Ngự Giác Hoàng đi các nơi, phá dâm từ (những miếu thờ thần không chính đáng) và ban pháp dược. Đến mạn sông Nam Sách, Sư đến lễ bái tổ và xin được xuất gia, lúc này Sư được 21 tuổi, là một thanh niên dân dã ít học. Điều Ngự trông thấy bằng lòng nói: “Kẻ này có Đạo Nhãn, sau ắt là bậc Pháp Khí, vui vẻ tự đến đây”. Ngài cho hiệu là Thiện Lai dẫn về liêu Kỳ Lân ở Linh Sơn cạo tóc và cho thọ giới sa-di. Sau đó Sư nương theo hòa thượng Tánh Giác rồi trở về với Tổ.

C. CƠ DUYÊN NGỘ ĐẠO:

Gặp lúc Điều Ngự thượng đường Sư ra thưa hỏi liền được tỉnh. Điều Ngự nhận biết bèn cho Sư theo hầu hạ. Một hôm Sư trình cả ba bài tụng bị Điều Ngự chê cả. Sư thưa thỉnh mấy phen, Điều Ngự dạy phải tự tham. Sư vào phòng đầu óc nặng trịu, thức đến quá nửa đêm, trông thấy bông đèn tàn rụng xuống, Sư chợt đại ngộ. Sư đem chỗ ngộ trình lên Điều Ngự Tổ thầm nhận ấn khả. Từ đây Sư theo Tổ chuyên tu mười hạnh Đầu Đà.

D. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:

Đến niên hiệu Hưng Long thứ mười ba (1305) Điều Ngự đem Sư lên liêu Kỳ Lân cho thọ giới Tỳ kheo và Giới Bồ tát. Thấy chỗ tham học của Sư đã thành đạt, Tổ cho hiệu là Pháp Loa.

Năm Hưng Long thứ mười lăm (1307), Sư được 24 tuổi, Điều Ngự trụ ở am Thiên Bảo Quan có bảy, tám người thị giả mà Sư là đứng đầu, Điều Ngự vì Sư giảng Đại Huệ Ngữ Lục. Đến tháng năm, Điều Ngự lên ở am trên đảnh Ngọa Vân Phong. Ngày rằm làm lễ Bố Tát (lễ tụng giới) xong, Điều Ngự đuổi mọi người xuống, lấy y bát và viết Tâm kệ trao cho Sư dạy khéo gìn giữ.

Năm Hưng Long thứ mười sáu (1308) vào ngày mùng một tháng Giêng, Sư vâng mệnh Điều Ngự làm lễ nối pháp Trụ trì tại nhà Cam Lồ chùa Siêu Loại. Khai lễ có vua Anh Tông và triều thần đến dự. Điều Ngự lên đàn thuyết pháp rồi nhường chỗ cho Sư giảng đạo. Lễ xong, Điều Ngự đặt Sư kế thế trụ trì chùa Siêu Loại và làm chủ Sơn môn Yên Tử, là đời thứ hai của phái Trúc Lâm. Điều Ngự còn trao cho Sư hơn hai trăm bộ Kinh sử và bảo Đức vua Trần Anh Tông sung cúng vào chùa cả trăm khoảng ruộng.

Tháng mười một năm ấy (1308) Điều Ngự tịch, Sư phụng mạng cung nghinh xá lợi Tổ về kinh đô. Trở về núi Sư soạn lại những bài tụng của Điều Ngự lúc ở Thạch Thất làm thành quyển Thạch Thất Mị Ngữ.

E. HOẰNG HÓA:

1. Năm Hưng Long thứ mười chín (1311), Sư phụng chiếu tiếp tục khắc bản Đại Tạng Kinh. Sư giao Bảo Sát làm chủ việc này. Tháng tư, Sư  giảng Truyền Đăng Lục tại chùa Siêu Loại. Sau đó, Huyền Quang trình kiến giải, Sư đều chấp nhận.

Năm Hưng Long thứ hai mươi mốt (1313) vào tháng chín, Sư phụng chiếu đến chùa Vĩnh Nghiêm ở Lượng Giang định chức cho Tăng đồ. Chúng Tăng từ đây mới có sổ bộ, chính Sư là người cầm sổ bộ ấy. Lúc đó, Sư độ hơn một ngàn vị Tăng. Về sau cứ ba năm một lần độ Tăng như thế.

Năm Đại Khánh thứ tư (1317) đời Trần Minh Tông, vào tháng hai, Sư bệnh nặng. Sư đem y của Điều Ngự và viết bài Tâm kệ trao cho Huyền Quang, pháp khí và gậy trao cho Cảnh Ngung, phất tử trao cho Cảnh Huy, gậy tre trao cho Huệ Quán, pháp thơ và pháp cụ trao cho Huệ Nhiên, linh vàng trao cho Hải Ấn, sử vàng trao cho Huệ Chúc. Sau đó ít hôm, bệnh Sư được lành.

Những hàng thái hậu, công chúa, vương công, quý khanh đều thỉnh Sư truyền giới xuất gia hoặc giới Bồ Tát, cho đến vua Trần Anh Tông cũng xem như đệ tử. Họ đua nhau cúng đất, vàng, tiền để Sư lập chùa, đúc tượng Phật, in Kinh quá nhiều đến nỗi Sư phải tự xin giảm dần những số quyên cúng, thuyền của vua cấp cho Sư tiện việc đi lại và về Kinh đô, Sư cũng từ chối không nhận.

Năm đầu Khai Hựu (1329), đời vua Trần Hiến Tông, Sư mở thêm cảnh Côn Sơn và Thanh Mai Sơn làm thành danh lam thắng cảnh.

2. Một hôm mở hội thuyết pháp, Sư lên tòa nói:

- Đại chúng! Nếu nhắm thẳng vào đệ nhất nghĩa đế mà nói, thì động niệm liền sai, mở miệng là lầm, làm sao mà xét? Làm sao mà quán? Hôm nay căn cứ vào đầu (non) thứ hai mà nói, cũng không được thế ấy;

Sư bèn nhìn hai bên nói:

- Trong đây có người nào đầy đủ con mắt lớn chăng? Nếu có, hai cặp chân mày chẳng cần vén lên. Bằng không, bần đạo chẳng khỏi miệng nói ba hoa, đề ra những điều hủ mục, đáp những lời tạp nhạp. Chỉ vì các ông nhồi lại thành một khối hỗn độn. Lắng nghe! Lắng nghe!

Đại đạo rộng suốt nào có ràng buộc, Bản Tánh lặng lẽ không thiện không ác. Bởi do chọn lựa chợt sanh nhiều lỗi, vừa khởi mảy may đã cách xa trời đất. Phàm Thánh vốn đồng một mối phải quấy đâu có hai đường. Cho nên biết, tội phước vốn không, cứu cánh nhân quả chẳng thật. Người người sẵn được, kẻ kẻ chọn thành. Phật Tánh pháp thân như hình như bóng, tùy ẩn, tùy hiện, chẳng tức chẳng ly. Lỗ mũi duỗi thẳng xuống, chân mày nằm ngang mặt, ở trên mắt mà không dễ gì nhìn thấy. Cần phải tìm xét, đâu chẳng nghe nói “Ba ngàn pháp môn đồng về tấc vuông, hà sa diệu dụng đều ở nguồn Tâm” nên nói: Cửa giới cửa định cửa huệ, ông không thiếu xót, cần phải phản quán nơi mình. Phàm những tiếng ho, tiếng tằng hắng, nhướng mày chớp mắt, tay cầm, chân đi, ấy là Tánh gì? Biết được Tánh này ấy là Tâm gì? TÂM TÁNH rỗng sáng, cái nào phải, cái nào chẳng phải Pháp tức là TÁNH, Phật tức là TÂM. TÁNH nào chẳng phải là Pháp? TÂM nào chẳng phải là Phật? tức TÂM tức PHẬT, tức TÂM tức Pháp. Pháp vốn chẳng phải Pháp, pháp tức là TÂM. TÂM vốn chẳng phải TÂM, TÂM tức là PHẬT.

F.    VIÊN TỊCH:

Đến ngày mùng một tháng ba, Thượng hoàng Trần Minh Tông đích thân đến thăm bệnh Ngài và gọi Thái y đến trị bệnh cho Sư, đến tối mùng 3 bệnh Sư trở nặng Huyền Quang thưa:

- Xưa nay đến chỗ ấy, buông đi là tốt hay nắm lại là tốt?

Sư bảo:

- Thảy đều không can hệ.

Huyền Quang:

- Khi thảy đều không can hệ thì thế nào?

Sư bảo:

- Tùy xứ tát – bà – ha.

Đệ tử đồng đến thỉnh:

- Người xưa lúc sắp tịch đều có để kệ dạy đệ tử sao riêng Thầy không có?

Sư quở trách họ. Giây lâu bèn ngồi dậy bảo đem giấy viết lại. Sư viết một bài kệ:

Vạn duyên tài đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng huyễn gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Na biên phong nguyệt cánh man khoan


Dịch:


Muôn duyên cắt đứt một thân nhàn
Hơn bốn mươi năm giấc mộng tràng
Nhắn bảo mọi người thôi chớ hỏi
Bên kia trăng gió rộng thênh thang.


Viết xong, Sư ném bút, an nhiên thị tịch, thọ 47 tuổi. Đệ tử theo lời phó chúc của Sư đem nhục thể lên nhập tháp tại Thanh Mai Sơn.

Thái Thượng Hoàng ngự bút ban hiệu cho Sư là Tịnh Trí Tôn Giả, tháp tên Viên Thông, tặng mười lượng vàng để xây tháp và đề một bài thơ.

Những tác phẩm của Sư còn truyền lại có:

- Đoạn Sách Lục

- Tham Thiền Chỉ Yếu (Thiền Đạo Yếu Học)

- Kim Cương Đạo Tràng Đà – La – Ni Kinh

- Tán Pháp Hoa Kinh Khoa Số

- Bát Nhã Tâm Kinh Khoa

- Và một bài kệ thị tịch….

(Soạn theo sách Thiền sư Việt Nam của Hòa thượng Tông chủ Thích Thanh Từ)

G. LỜI BÀN:


Sơ Tổ Trúc Lâm, Phật Hoàng Trần Nhân Tông sinh thời có hai đệ tử nổi bật: một là Tôn Giả Pháp Loa người xuất thân từ dân dã ít học, một là Tôn Giả Huyền Quang là một người học thức uyên thâm đậu tiến sĩ và làm quan triều Trần. Nhưng khi để truyền Tổ, vị Sơ tổ Trúc Lâm lại chọn Tôn Giả Pháp Loa là giai cấp dân dã ít học để truyền ngôi vị Tổ. Tuy nhiên sự lựa chọn này của Sơ Tổ rất chính xác. Tổ Pháp Loa khi được đặt vào vị trí Nhị Tổ Ngài mới 24, 25 tuổi còn rất trẻ. Tuổi này vừa bằng với tuổi Đức Lục Tổ Huệ Năng, vị Tổ thứ sáu ở Trung Hoa. Tuổi Ngài tuy trẻ nhưng mà tài cao cả hai mặt, về mặt pháp Thiền Ngài cũng đạt Thiền, về mặt lãnh đạo Ngài cũng thành tựu chức năng Tổ vị.

1. Ý chí học đạo:

Ngài tuy là dân dã ít học nhưng chí học đạo của Ngài có, Ngài tự tìm tòi để tự trau dồi mình. Sư tự đọc bộ kinh Hải Nhãn (có lẽ là Kinh Thủ Lăng Nghiêm) đến bảy chỗ hỏi Tâm và đoạn thí dụ khách trần ở sau, xem đi xem lại nhiều lần bỗng nhiên Sư có chỗ vào. Sư lại phát được Tâm cầu vô thượng Bồ Đề, rồi lại biết gần gũi nương tựa THIỆN TRI THỨC, Ngài tìm đến thân cận nhiều hơn với Điều Ngự. Thế rồi cũng có lúc Sư chợt đại ngộ. Từ đây Sư tiến bộ rất xa trên con đường hành đạo.

2. Thành tựu các công tác Phật sự:

Trong đời lãnh đạo dòng phái Trúc Lâm Ngài đã thành tựu những công tác Phật sự như sau:

- Đúc tượng Phật kể cả lớn nhỏ có hơn 1300 vị

- Tạo đại già lam được hai ngôi

- Xây tháp được năm ngọn

- Lập tăng đường hơn hai trăm (200) sở

- Độ Tăng và Ni hơn một muôn năm ngàn (15000) người

- In được một bộ Đại Tạng Kinh

- Đệ tử đắc pháp hơn ba ngàn (3000) người

- Thành đại pháp sư có 6 vị

- Độ người quy y Tam Bảo không biết bao nhiêu

Thành tích Phật sự của Nhị Tổ Pháp Loa Thiền phái Trúc Lâm rất là vẻ vang và thật là xứng đáng.

Sư thật xứng đáng là một Tổ sư Thiền. Ngài đã làm tròn được bổn phận một vị chân Tăng, trên đã đền được ơn Phật Tổ. Ngài đã làm xán lạn dòng Thiền Trúc Lâm. Từ vị thầy của mình là Hương Vân Đại Đầu Đà, Ngài lại nối tiếp dòng Thiền truyền cho vị Tổ Sư thứ 3 là Tổ Huyền Quang. Như vậy đã trọn bổn phận làm trò mà cũng trọn bổn phận trao truyền cho kẻ hậu lai tiếp nối làm phát triển thêm dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Ngài xứng đáng làm một vị Tông Sư khai thị trước hết cho người tu Thiền là phải thấy TÁNH, Ngài dạy:

“LÀ NGƯỜI HỌC PHẬT TRƯỚC PHẢI THẤY TÁNH”

Thấy Tánh, không phải có TÁNH bị thấy. Nói thấy là thấy chỗ không thể thấy mà thấy vậy. Cho nên nói thấy, thấy không phải thấy thì CHÂN TÁNH hiện. TÁNH thấy là VÔ SANH, SANH thấy thì chẳng thể có, chẳng có cái TÁNH thật, mà thấy thật không dời đổi. Thế nên gọi là CHÂN THẬT THẤY TÁNH.

3. Đối với danh lợi:

Ngài tuy xuất thân từ dân dã nhưng khi gặp lúc có thể hưởng được danh lợi quyền lực nhưng Ngài vẫn giữ được phẩm hạnh của một Tỳ Kheo. Khi Ngài ở địa vị Tổ thì những hàng Thái hậu, công chúa, vương công quý trọng Sư cúng dường cho Sư rất nhiều lợi dưỡng cho đến cả nhà vua cũng tôn vinh Sư như là bậc Thầy. Họ đua nhau cúng đất, cúng vàng, tiền bạc… nhưng Sư phải tự xin giảm dần những số đồ cúng dường. Nhà vua hiến cúng thuyền để tiện việc đi lại nhưng Sư cũng từ chối không nhận. Sư chỉ lo chung cho Tam Bảo mà không lo cho cá nhân. Sư chỉ nhạt mùi danh lợi say mùi đạo, mở cánh từ bi khép cánh tình nên danh lợi dầu có mấy cũng không phủ chụp được tiết tháo của một bậc chân tu.

4. Dạy Thiền dạy Đạo:

Với tư cách là một Tổ Sư của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, Ngài phải làm sao phát huy đúng mức Đạo Thiền. Dòng Thiền Tổ Sư là dòng Thiền KIẾN TÁNH nên phải xứng TÁNH khởi tu hay phải thấy TÁNH khởi tu. Vì thế TÁNH là một thuật ngữ rất chuyên môn trong nhà Thiền. Thế nên Ngài phải dạy cho người tu làm sao thấy được Tánh.

“LÀ NGƯỜI HỌC PHẬT TRƯỚC PHẢI THẤY TÁNH”

Ngài nói nhiều về TÁNH, vạch vẽ cho người học phải thấy TÁNH của mình. Phải thấy TÁNH ở mắt, ở tai, mũi, lưỡi, thân, ý… ở tiếng ho, trong cái nhướng mày chớp mắt. Từ trong thân cho tới tất cả các pháp đều phải rõ ràng TÂM TÁNH luôn rỗng sáng không tham sân si, không phiền não vì trong TÂM TÁNH vốn là rỗng sáng không có một vật, không có cái phải và cái không phải. PHÁP tức là Tánh, PHẬT tức là TÂM. TÁNH nào chẳng phải là PHÁP? TÂM nào chẳng phải là PHẬT? Tức TÂM tức PHẬT, tức TÂM tức PHÁP. PHÁP vốn chẳng phải PHÁP, PHÁP tức TÂM. TÂM vốn chẳng phải Tâm, TÂM tức PHẬT. Ngài dạy chẳng khác nào Đức Thế Tôn đã truyền pháp cho Tổ Ca Diếp:

Pháp bổn pháp vô pháp
Vô pháp pháp diệc pháp
Kim phó vô pháp thời
Pháp pháp hà tằng pháp.

Tổ Pháp Loa khai thị cho môn đồ về TÁNH, về TÂM, về BỔN TÁNH, BẢN TÂM không khác chi Đức Thế Tôn và các vị Tổ Sư sau đó. Thật là dòng giống nhà Thiền! Mong rằng con cháu nhà Thiền sớm MINH TÂM KIẾN TÁNH để tự độ mình và độ người một cách trọn vẹn nhất.

Có MINH TÂM KIẾN TÁNH mới xứng đáng là người đi theo con đường Phật Tổ. Kính mong Tam Bảo gia trì cho tất cả Phật tử đều sớm sáng TÂM tỏ TÁNH để xứng đáng là người con Phật, mang dòng máu Phật.

Ngoài khai thị Thiền, Tổ còn giảng dạy KINH LUẬT LUẬN và truyền GIỚI. Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử vì vậy mà được xem là Thiền – Giáo song hành.

(Trích từ bài: Khuyên Chúng Thượng Thừa Tam Học – Nhị Tổ)

Ngài đã giữ vững Tông chỉ của Thiền tông, được dẫn truyền từ Thỉ Tổ là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni qua 28 đời Tổ Sư Ấn Độ và 6 vị Tổ Sư Trung Hoa, Ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi được truyền sang miền Bắc Việt Nam vào năm 580 và truyền mãi qua các thời Đinh Lê Lý Trần cho đến đời Ngài vẫn không bị lạc Tông chỉ. Vẫn là viên ngọc đó, viên ngọc BẢN TÂM – BẢN TÁNH – PHẬT TÁNH – KHUÔN TRĂNG MẸ - KHỐ MẸ SANH RA TA – MẶT MŨI XƯA NAY.

a) Đây là dòng Thiền KIẾN TÁNH được truyền trực tiếp từ Tuệ Trung Thượng Sỹ vị thầy của vua Trần Nhân Tông – Điều Ngự Giác Hoàng. Dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử đây đích thực là dòng Thiền KIẾN TÁNH. Là dòng Thiền chỉ thẳng TÂM người thấy TÁNH thành Phật (Trực chỉ nhân TÂM kiến TÁNH thành PHẬT).
Nhị Tổ Pháp Loa là vị Tổ rất tích cực trong việc phát dương quang đại dòng Thiền này cho đến khi viên tịch. Trước khi mất, Ngài đã “đạp” Huyền Quang một đạp khi Huyền Quang thăm Ngài và nói: “Chỉ một bệnh này đến chết cũng không mạnh”. Ngài đã khai thị cho Huyền Quang một cách táo bạo như vậy. Cái đạp vũ dũng như vậy là rồng voi mới chịu nổi, đó là tiếng thét của:

Bất lập văn tự
Giáo ngoại biệt truyền
(Chẳng lập văn chữ
Truyền riêng ngoài giáo)

Cái đạp đó Huyền Quang đón nhận và trở thành Đệ Tam Tổ.

b) Bằng tôn chỉ này Ngài đã khai đạo rằng: “Đại đạo rộng suốt nào có ràng buộc, BẢN TÁNH lặng lẽ không thiện không ác bởi do chọn lựa chợt sanh nhiều lỗi, vừa khởi mảy may đã xa trời đất”. Đây quả là Tông chỉ của Tứ tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi.

Nhị Tổ Pháp Loa quả là một thạch trụ vững chắc đã chống đỡ ngôi nhà Thiền Trúc Lâm Yên Tử dù rằng tuổi đời của Ngài chưa lớn lắm chỉ mới 47 tuổi. Bốn mươi bảy tuổi đời chống Sơn Môn Tông Phong vững chắc theo ngày tháng độ khắp con dân của nước nhà huy hoàng tỏ rạng cho trời Việt.

Bốn mươi bảy tuổi chống Sơn Môn
Tông phong vững chắc theo ngày tháng
Độ khắp con dân của nước nhà
Huy hoàng tỏ rạng cho Đại Việt.

HT. Thích Đắc Huyền

Giới thiệu

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 18094
  • Online: 89