Những cánh hoa đàm (Phần 01)

17/04/2020 | Lượt xem: 1818

Trong thời gian theo Hòa thượng học đạo, Tăng Ni và Phật tử chúng tôi, người thì thắc mắc về ý nghĩa Phật Tổ dạy trong Kinh Luận đem ra thưa hỏi, xin Hòa thượng giải nghi. Người thì gặp chướng ngại trên đường tu, trình Hòa thượng xin chỉ dạy để khắc phục vượt qua. Người thì tu tiến được những bước khả quan cũng trình Hòa thượng xin chỉ dạy để tiến xa hơn nữa. Tất cả những câu hỏi của chư Tăng Ni và Phật tử nêu lên đều được Hòa thượng giải đáp tường tận.

Chúng tôi nhận thấy những câu giải đáp của Hòa thượng rất thiết thực giúp cho người học đạo những kinh nghiệm trong lúc dụng công tu hành, thêm sáng tỏ lý đạo và tăng trưởng tín tâm. Thế nên chúng tôi sưu tập thành sách để có tài liệu tu học và nhiều người cùng được lợi ích.

Sau khi ghi xong, chúng tôi trình Hòa thượng xem, được Hòa thượng hoan hỷ cho xuất bản. Mong tập sách này giúp thêm những kinh nghiệm cho các bạn đồng tu học để có được niềm vui lớn. Tuy chúng tôi đã trình Hòa thượng xem qua, nhưng chắc chắn quyển sách không tránh khỏi sai sót, xin độc giả niệm tình bỏ qua cho.

THIỀN THẤT TRÚC LÂM MÙA AN CƯ 1998

Kính ghi

THUẦN GIÁC

 

NHỮNG CÁNH HOA ĐÀM - CHƯƠNG I

 

HỎI: Thưa thầy, con làm ruộng, ruộng con bị chuột cắn phá. Nếu không dùng thuốc diệt chuột thì không có lúa ăn, nếu dùng thuốc chuột thì phạm tội sát sanh. Vậy con phải làm thế nào vừa có lúa ăn mà vừa giữ được giới đã thọ?

ĐÁP: Giới sát sanh Phật chế cho cư sĩ tại gia, nhằm hạn chế việc giết người. Giết người có ba trường hợp: Một là thân giết người. Hai là miệng sai bảo kẻ khác giết người. Ba là thấy người giết tâm sanh vui thích. Như thế là phạm tội sát sanh. Ngoài ra, những con vật lớn như trâu, bò, heo, ngựa, chó... không giết bao nhiêu là tốt bấy nhiêu, những loài nhỏ như chuột, dế, kiến, gián... thì Phật chưa xếp vào giới này. Vì chưa hiểu rõ giới sát sanh của cư sĩ tại gia, nên đạo hữu sợ, thấy cuộc sống trở thành khó khăn. Hiểu đúng nghĩa giới không sát sanh là không giết người, thì cư sĩ mới giữ được, như những người sống ở ven biển làm nghề đánh cá, mà họ vẫn giữ được giới không sát sanh. Đó là nghĩa căn bản của giới không sát sanh mà người Phật tử phải giữ. Tế nhị hơn, nếu người Phật tử nghĩ giết sinh vật dù lớn hay nhỏ đều có tội nên không làm, không làm thì mình đói, gia đình cha mẹ, vợ con đói. Nghĩ như thế là quan niệm ích kỷ. Tuy giết chuột, mình có tội với chuột, nhưng gia đình mình cha mẹ vợ con có cơm gạo ăn không đói. Đó là vì lẽ sống của con người mà chịu tội với con vật.

Ở Thiền viện quý thầy không ăn thịt cá, nên quý thầy trồng rau mới có rau ăn. Nếu không trồng cũng phải mua của Phật tử hay của người khác để ăn. Trồng rau thì phải xịt thuốc trừ sâu, trừ sâu là có tội. Song, trong cuộc sống hiện tại, chúng ta chấp nhận phần thiệt hại nhỏ về mình, phần lợi ích lớn cống hiến cho người. Vì muốn cho người được sống, mình phải chịu tội với con vật, giết nó là có tội chứ không phải không tội.

Nếu tất cả mọi người đều sợ tội hết thì ngồi chờ chết đói. Có nhiều Phật tử nói: Tôi ăn mặn, để tránh tội sát sanh, ra chợ mua cá thịt người ta làm sẵn bán, tôi ăn. Nhưng có người khác lại nói: Tại mình mua ăn nên người ta mới làm để bán. Như vậy mình cũng chịu tội chung với họ. Nghe nói bị tội chung với người làm thịt, nên không dám ăn thịt cá, bèn đổi lại ăn rau. Khi ăn rau nghe nói trồng rau cũng xịt thuốc giết sâu rầy, cũng mắc tội sát sanh chung, nên không dám ăn rau. Nghĩ vậy thì đi tới đâu? Chỉ còn bó tay chờ chết.

Phật dạy ăn chay, giữ giới không sát sanh là tránh những tội lớn. Vì con người với con người đồng loại nghiệp cảm thông nhau, mà giết hại lẫn nhau là hành động tàn ác. Giá trị mạng mình và giá trị mạng người ngang nhau, mà giết hại nhau tội rất nặng. Con vật tuổi thọ ít hơn nên mình cố tránh tội lớn cam chịu tội nhỏ. Có người nói quý thầy ăn rau, rau cũng có sự sống mà cắt nó ăn là đoạn sự sống của nó, cũng có tội sát sanh. Song, khi cắt rau, thây cây rau không ra máu, không giãy giụa la lên, nên lòng từ bi không bị tổn thương. Những con vật lớn khi đoạt mạng sống, nó đau đớn giãy giụa la lối. Thấy nghe mình xót xa, lòng từ bi bị tổn thương nên phải tránh bớt.

Sống trong cuộc đời tương đối, mình tránh tội lớn phải chấp nhận tội nhỏ, chớ không thể tránh tội hoàn toàn được. Tránh được tội lớn là tốt lắm rồi. Nếu không thể như thế thì người Phật tử làm ruộng, làm rẫy, đánh cá không dám thọ giới tu theo Phật. Và, nếu không thọ giới không sát sanh không tu theo Phật, hễ oán hận ai cứ giết để trả thù thì rất nguy hiểm. Phật tử nên biết tội trọng phải giữ trước, tội khinh chưa giữ được thì thong thả rồi sẽ giữ sau.

 

HỎI: Thưa Thầy, đạo Phật cấm sát sanh, nhưng sâu rầy phá lúa mạ hoa màu, nên các nhà hóa học chế biến thuốc sát trùng, người chủ ruộng mua thuốc sát trùng, người làm công xịt thuốc sát trùng. Ba người cùng làm như vậy có phạm tội sát sanh không? Nếu phạm, ai tội nặng hơn? 

ĐÁP: Phật tử quy y thọ năm giới, giới sát sanh là giới đầu. Khi truyền giới, các Thầy thường giảng không sát sanh là không được giết hại từ loài người cho tới loài vật. Giảng như thế, Phật tử thọ Tam quy Ngũ giới, mỗi khi làm điều gì có phương hại đến sinh vật nhỏ như côn trùng lòng rất hoang mang. Điều này tôi nghiên cứu trong Luật thấy không phải như vậy. Luật Phật dạy người Phật tử tại gia không được giết người và không được giết những con vật lớn như trâu, bò, ngựa... Con người là chính yếu, những con vật lớn là thứ yếu, Phật không nói tới côn trùng như sâu, rầy, kiến... Đối với người xuất gia Phật mới đề cập tới các con vật nhỏ. Nhưng nếu có phạm chỉ là tội nhẹ. Hiểu như vậy quý Phật tử mới giữ giới được. Ngày xưa có những người chài lưới thọ Tam quy giữ năm giới. Nếu không sát sanh là không giết hại côn trùng như sâu kiến thì những người chài lưới làm sao tu? Giới không sát sanh chủ yếu là không giết người.

Giết người có ba cách: Một là tự giết, mình giết bằng dao bằng gậy hay bằng thuốc độc... Hai là bảo người khác giết thế cho mình. Ba là thấy người khác giết mình vui mừng theo. Như thế là phạm tội sát sanh đối với loài người, còn những loài nhỏ thì chưa bàn tới. Ngày nay chúng ta giảng quá tổng quát khiến cho Phật tử lúng túng không dám làm gì hết. Nếu không dám giết sâu bọ thì làm sao làm ruộng làm rẫy? Không làm ruộng làm rẫy thì lấy gì ăn và mọi người sẽ ra sao? Người nông dân không dám làm ruộng, làm rẫy thì người nông dân đói, người thành thị cũng đói theo. Người thành thị đói thì mấy người tu cũng đói luôn. Như vậy là cùng chết đói với nhau. Đó là cái lẽ không hợp pháp. Phật nói không sát sanh là không giết người để ngăn chặn tâm ác. Giết người thì phạm tội sát, còn những loài kia thì nhẹ, chớ không phải là chính. Hiểu như vậy thì quý vị quy y giữ giới không lúng túng khi làm việc.

Câu hỏi này đối với người xuất gia mới bị kẹt. Vì người xuất gia Phật cấm không được giết cả côn trùng. Nếu người tại gia mà cấm không được giết những loài nhỏ như côn trùng, thì những người làm thầy thuốc làm sao trị bệnh? Chẳng hạn bệnh nhân mắc bệnh lao, trong người có vô số vi trùng lao, thầy thuốc chích thuốc những vi trùng đó chết hết, bệnh nhân mới lành bệnh. Thấy có tội làm sao cứu cho người hết bệnh?

Ngày xưa khi Phật còn tại thế, có một Tỳ-kheo đi đường qua một bãi sa mạc, trời nóng Ngài khát nước cháy cổ, gặp vũng nước có nhiều vi trùng không dám uống. Ngài đến bạch với đức Phật:

- Bạch Thế Tôn, con rất khác nước, con dùng thiên nhãn thấy vũng nước bên đường có vô số vi trùng nên con không uống được.

Phật bảo:

- Sao ông không dùng nhục nhãn mà nhìn?

Qua câu chuyện, quý vị thấy Phật đặt nặng cái gì? Có phải Phật đặt nặng con người, cứu con người là trên hết không? Những vi trùng vi tế sống thời gian rất ngắn rồi chết, nếu đặt nó nặng để nó phá hại con người thì việc làm nào đúng? Ngay trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hít thở không khí cũng có vô số vi trùng. Như vậy vi trùng ở đầy khắp, mà bảo tránh làm sao tránh? Còn làm ruộng làm rẫy xịt thuốc trừ sâu, tâm niệm mình chỉ nghĩ cho có cơm để mình và mọi người ăn, chớ đâu có oán thù nó. Nghĩ đến mạng sống con người là việc lớn, sâu rầy là cái nhỏ. Vì việc lớn mà chịu tội nhỏ đâu có thiệt thòi bao nhiêu! Vậy giữa cuộc sống tương đối này, phải có cái nhìn cho tường tận, vì việc lớn mà chấp nhận lỗi nhỏ, đòi hoàn hảo tuyệt đối hết thì không thể được. Vì sự sống cho mình, cho gia đình, cho mọi người có bát cơm ăn là cái phước lớn, thì phải chịu tội nhỏ đối với loài sâu bọ.

Giả sử có người này ỷ thế lực giết hại người kia, chúng ta vì thương người bị giết nên ra tay cứu. Khi cứu người kia nên bị người này chửi mắng. Lúc bị chửi mắng chúng ta cam chịu một chút, có sao đâu! Cứu được người khỏi chết là quan trọng. Đó là việc làm tốt cho người, phần mình phải nhận chút thiệt thòi. Nếu đòi hỏi hoàn toàn tốt hết thì khó lắm. Hiểu như vậy thì chúng ta tùy duyên làm lợi ích cho chúng sanh, chúng sanh lớn biết kêu la than khóc thì lo trước, còn chúng sanh nhỏ thì lo sau.

 

HỎI: Thưa Thầy, con là lính phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Khi lâm trận hai bên bắn nhau, nếu con bắn chết quân địch, con có phạm tội sát sanh không? Và, người phải xử tử một kẻ cướp của giết người bị trả quả thế nào về tội giết người?

ĐÁP: Là người lính quy y thọ năm giới mà phải ra trận bắn giết người, như thế có tội không? Trong nhà Phật có dạy quy y giữ năm giới, vì hoàn cảnh phải đi lính thì lúc đó chỉ thấy mình là người lính làm việc cho đất nước, đừng nghĩ mình là người Phật tử đã quy y. Tức là dường như mình xả giới cấm sát sanh, để làm bổn phận của người dân đối với đất nước, không phải làm việc của người Phật tử. Trường hợp này vì hoàn cảnh bắt buộc không có ý ác, nên khác với việc làm do tâm cố sát. Tuy thấy như phạm tội nhưng không có quyết tâm. Luật Phật dạy: Phải hội đủ ba điều kiện: thân, khẩu, ý hợp lại tác thành thì gọi là định nghiệp. Tuy thân có làm, nhưng ý không quyết, miệng không nói thì chuyển được, sám hối được, vì không có ác ý. 

 

HỎI: Thưa Thầy, con là dâu mới về nhà chồng và cũng vừa mới quy y xong. Nhà chồng có đám giỗ bảo con giết gà để làm thức ăn cúng. Nếu con không làm thì phải tội bất hiếu, con làm thì phạm tội sát sanh. Vậy con phải làm thế nào để khỏi tội bất hiếu và không phạm tội sát sanh?

ĐÁP: Việc này rất thực tế và xảy ra thường lắm. Song giải quyết rất khó. Việc này những người lớn tuổi hay dạy: Khi cắt cổ gà tụng chú vãng sanh cho nó vãng sanh, thì mình cắt cổ gà không tội. Song tôi thấy làm như vậy không ổn. Giả sử có ai đó tới đưa dao ngang cổ mình tụng chú vãng sanh, rồi cắt cổ cho mình chết, mình có chịu không? Chắc chắn là không bao giờ chịu nhưng chính mình lại làm điều đó, tôi thấy khá tàn nhẫn!

Phật tử này làm dâu muốn tròn chữ hiếu với cha mẹ chồng và cũng muốn giữ giới Phật cấm, nên băn khoăn thắc mắc trước việc gia đình nhà chồng bảo cô giết gà làm thức ăn cúng tổ tiên, cô không biết phải phải làm thế nào cho tròn cả hai bên nên mới thưa hỏi. Sự thật thì ở đời không có cái vẹn toàn. Nếu Phật tử này là cô dâu vì hiếu với cha mẹ chồng mà cắt cổ gà, thì cam chịu tội với con gà để tròn chữ hiếu. Nếu cô vì sinh mạng chúng sinh, không nỡ giết hại, nên dứt khoát không giết thì phải chịu tội bất hiếu với cha mẹ chồng, để giữ tròn giới luật đã thọ. Tùy theo cái nhìn của mỗi người mà chọn lựa; được cái này thì mất cái kia, phải gan dạ chấp nhận. Nếu vì hiếu nghĩa với cha mẹ chồng thì phải chấp nhận phạm tội với con gà. Nếu vì bảo toàn mạng sống con gà thì phải chấp nhận tội bất hiếu với cha mẹ chồng. Phải chọn một bỏ một. Không làm sao vẹn toàn cả hai việc được.

 

HỎI: Thưa Thầy, con là Phật tử mới tập tu, những ngày ăn chay con thường thèm thức ăn mặn. Đọc sách con thấy nói "chay vốn ở lòng mình". Song, nếu ngày ăn chay mà lòng cứ thèm thức ăn mặn thì không tốt. Nhưng cứ chiều theo lòng mình hoài thì không có tu sửa gì cả. Vậy con phải làm sao? Cứ ăn mặn như mình thích hay kềm lòng không ăn mặn để tu sửa dần dần?

ĐÁP: Phật tử này nghĩ ăn chay thì lòng phải trong sạch, nhưng ăn chay mà lại thèm thức ăn mặn thì lòng hết trong sạch rồi. Vậy nếu thèm thức ăn mặn thì cứ ăn mặn, khi nào hết thèm thì hãy ăn chay. Theo tôi việc làm tốt nào buổi đầu cũng phải tập. Tôi kể chuyện của Tăng Ni ở chùa cho quý vị nghe. Đa số những người xuất gia trẻ vào chùa khoảng vài ba năm đầu thường mộng thấy chuyện ở nhà ít thấy chuyện ở chùa. Từ năm năm về sau mới thấy chuyện ở chùa. Miệng của Phật tử từ nhỏ tới lớn quen ăn mặn rồi, bây giờ mới bắt đầu tập ăn chay. Vì thói quen ăn mặn nhiều nên mới nhớ thèm ăn mặn. Nếu chiều theo sở thích thì cả đời không ăn chay được ngày nào hết. Vậy ở giai đoạn đầu mỗi lần khởi niệm thèm ăn mặn, thì nên kềm lòng không ăn để giữ miệng được thanh tịnh, còn ý cho nó nhớ một chút cũng được. Dần dần thuần thục thì ý cũng theo đó thanh tịnh luôn. Nếu bây giờ chiều theo thì thân, miệng, ý không thanh tịnh suốt đời. Giai đoạn đầu chấp nhận cho ý không thanh tịnh, giữ cho thân miệng thanh tịnh, lâu dần quen thì ý sẽ thanh tịnh luôn. Đừng cố chấp cái gì cũng tại tâm, tâm thích ăn mặn mà ăn chay cũng vô nghĩa. Chấp như thế thì không bao giờ tu được.

 

HỎI: Thưa Thầy, gia đình con sống về nghề chăn nuôi gà đẻ trứng. Từ ngày con học hiểu Kinh Luật của Phật qua Thầy giảng dạy, có vài người thân khuyên con, nếu muốn tu cho có kết quả thì phải chuyển nghề. Nhưng con nghĩ thú vật cũng là một sinh linh tuy ngu si hung dữ, song nếu mình nuôi dạy chúng đàng hoàng thì cũng là phương tiện tốt để mình sống và hóa độ chúng dễ dàng hơn, nghĩa là mình không trực tiếp sát sanh. Thưa Thầy con nghĩ thế có đúng không? Xin Thầy từ bi chỉ dạy.

ĐÁP: Nếu nuôi gà vịt để lấy trứng, thì không có lỗi gì hết. Nhưng tới khi nó hết đẻ trứng thì sao? Chỗ này mới khó xử! Phải giải quyết thế nào cho ổn, nếu không thì khó tránh được nghiệp sát sanh. Còn nếu bán cho người ta để sát sanh thì cũng tội nghiệp nó. Như vậy cuộc sống tương đối, không thể nào toàn vẹn, được phước chút ít cũng có tội chút chút rồi ráng tu. Nếu bây giờ tôi bảo bỏ nghề chăn nuôi, làm nghề khác mà nghề khác quý vị chưa đổi được thì làm sao? Thôi thì nghề nào có phước chút ít mà lỡ tạo tội chút chút thì sám hối chớ biết làm sao!

 

HỎI: Kính thưa Thầy, trong gia đình con, con dạy con của con, nó không nghe nên con quá khổ, con bèn lập bàn hương án khấn nguyện cầu Trời Phật rước con đi cho sớm. Làm như thế con có lỗi gì không? Xin Thầy từ bi chỉ dạy để con tu sửa? 

ĐÁP: Phật tử ngày nay nghĩ rằng dạy con không được thôi thì chết phức cho rồi để cho con nó sợ. Nhưng chết là phải được Phật rước chớ không phải chết đi bậy bạ. Trường hợp dạy con không nghe, phải tự xét nghĩ đức mình còn kém, nên lời dạy của mình nó không nghe và không tin. Nếu đức mình còn kém, giả sử có chết Phật cũng không rước, khi nào đức mình đủ rồi thì Phật mới rước. Thế nên đừng xin. Điều hay nhất là biết đức mình kém nên ráng tu nhiều hơn nữa, tu gấp đôi gấp ba lúc trước. Khi đủ phước đức rồi dạy con nó sẽ nghe và đủ phước đức rồi khi chết Phật sẽ rước. Nếu vì dạy con không nghe, giận nó đòi Phật rước liền thì Phật không rước đâu. Chưa đủ phước đức, do giận con, muốn chết theo Phật, cũng không được đi theo Phật. Làm như thế không đúng mà phải ráng tu nhiều hơn nữa. 

 

HỎI: Thưa Thầy, trước kia con là người chưa hiểu đạo, khi sanh con, nó cứ đau ốm mãi, nên con đem ký bán cho thầy bùa nuôi, họ cho nó đeo niệt vào cổ và bảo: "Lớn phải tới thầy thay niệt". Nay con đã quy y Tam Bảo, tương đối có hiểu Phật pháp. Vậy dây niệt đeo trên cổ con của con, con phải làm như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy.

ĐÁP: Khi chưa hiểu đạo, muốn được an tâm nuôi con khỏe mạnh, nên nhờ thầy bùa làm việc đó. Phải biết dây niệt là phương tiện trấn an, chớ không phải đeo niệt mà khỏe mạnh và sống lâu. Có nhiều người vẫn khỏe mạnh vẫn sống lâu đâu có đeo niệt. Phật tử này vì chưa hiểu đạo nên sợ không nuôi được con, vì vậy mà xin bùa niệt. Bây giờ hiểu đạo muốn bỏ dây niệt, nhưng còn ngại.

Theo lý nhân quả của nhà Phật thì ai cũng có duyên nghiệp riêng, nếu duyên nghiệp dài thì sống lâu, nếu duyên nghiệp ngắn thì sống yểu. Không ai tự đổi mạng mình từ sống lâu thành chết yếu, cũng như không ai có thể đổi mạng chết yểu thành sống lâu được. Sống chết là do duyên nghiệp thì còn sợ cái gì? Trước kia chưa hiểu thì đeo, giờ hiểu rồi thì gỡ ra đốt, có gì mà sợ. Nếu còn sợ thì chưa thật hiểu đạo.

 

HỎI: Thưa Thầy, xưa nay con thờ ông bà theo phong tục tập quán, thờ rất nhiều bàn. Bây giờ con quy y Tam Bảo học Phật pháp, thấy thờ như vậy là rườm rà, con có thể bớt lại, chỉ thờ Phật, Bồ-tát và Cửu huyền thất tổ có được không?

ĐÁP: Chuyện này rất dễ, hồi chưa biết đạo sống theo tập quán thế tục, ai bày sao làm vậy. Bây giờ biết đạo thì sửa lại, thờ ông bà cha mẹ một bàn ở một bên, để tỏ lòng hiếu thảo với ông bà cha mẹ. Ở giữa nhà thờ Phật để thấy mình là đệ tử Phật, tôn kính Phật, ngày đêm thường nhớ Phật để tu. Như vậy là đủ rồi, thờ nhiều bàn quá phải nhớ bàn này thờ ai, bàn kia thờ ai, khiến cho tâm thêm rối. 

 

HỎI: Thưa Thầy, quy Phật thì không quy y quỷ vật thần linh... Trong nhà con và đình làng có thờ thần, con có lạy được không?

ĐÁP: Theo phong tục của người Việt Nam thì mỗi làng đều có đình thờ thần. Mỗi năm tới ngày lễ thì người trong làng khăn đen áo dài tới đình lễ thần. Đó là tập quán lâu đời. Song, đối với Phật giáo thì vị thần mà mọi người kính lễ trong đình là người có công với đất nước, chết nên được thờ gọi là thần. Những vị này chưa phải là người giải thoát sanh tử, chưa phải là Thánh. Quy y với Phật là bậc đã giác ngộ, giải thoát sanh tử, là bậc Thánh. Đối với bậc giải thoát mình kính trọng, còn đối với những vị chưa giải thoát mình cũng quý, nhưng không kính trọng như bậc giải thoát. Vì thế mà nói quy y Phật không quy y thiên thần quỷ vật. Nếu tập quán của mình lạy ông bà thần Thánh, thì làm theo tập quán không ai bắt buộc. Nhưng phải biết tu theo Phật là vì giải thoát sanh tử, nên nương theo bậc Thánh đã giải thoát sinh tử. Người còn lăn lộn trong sanh tử dù có quyền năng, song cũng chỉ là thần thôi. Vì đã theo Thánh thì chỉ kính thần chớ không phải theo thần. Nếu quý vị là người có chức trong đình làng thì cứ lạy, nếu không có chức thì thôi. Ở trong nhà nếu đã quy y thờ Phật rồi thì bớt thờ thần là tốt, vì còn thờ là còn kính, còn kính là phải lễ.

 

HỎI: Thưa Thầy, người cư sĩ thọ giới Bồ-tát thì không lạy người chết. Theo con nếu cha mẹ của bạn thân chết, đến dự lễ tang mà không lạy thì thấy vô tình quá. Nếu cô bác trong gia tộc chết mà không lạy thì không cảm hóa được họ hàng, còn cha mẹ mình chết không lạy thì thấy như bất hiếu và bị người chê trách. Xin Thầy chỉ dạy cho con nên lạy hay không lạy trong trường hợp nào?

ĐÁP: Việc lạy thuộc về phần kính lễ. Trong nhà Phật đặt giới luật lên trên. Ví dụ cha mẹ thọ năm giới, con thọ mười giới thì con không được lạy cha mẹ. Vì lạy, cha mẹ sẽ bị tổn phước. Nếu cha mẹ chưa xuất gia mà con đã xuất gia, thì con không lạy cha mẹ lúc sống cũng như chết, nếu lạy cha mẹ sẽ tổn phước. Vì thương cha mẹ không muốn cha mẹ bị tổn phước nên không lạy, chớ không phải thấy mình cao mà không lạy. Thứ nữa, trước khi làm lễ xuất gia thọ giới, quý thầy luôn luôn dạy người con phải đến lạy cha mẹ trước, rồi từ đó về sau không lạy nữa. Nếu Phật tử này đã thọ Bồ-tát giới, cha mẹ Phật tử cũng thọ Bồ-tát giới mà chết, thì cứ lạy không sao cả. Nếu cha mẹ Phật tử không thọ Bồ-tát giới, vì sợ thế gian nói tu vô tình vô nghĩa thì cũng không sao. Việc này không ai bắt buộc. Đó là chuyện tình nghĩa thế gian, trong luật Phật thì dạy rõ như vậy. Nghĩa là người thọ giới lớn không nên lạy người thọ giới nhỏ. Còn nếu mình thọ giới lớn mà không giữ thì không có giá trị, lạy cũng không sao. Người bây giờ đa số thọ giới mà giữ không được bao nhiêu, thế nên cũng đừng chấp.

 

HỎI: Thưa Thầy, bạn con đã từng đến Thường Chiếu nghe pháp, về nhà bạn con chỉ biết duy nhất có đức Thế Tôn thôi, ngoài ra các vị thần thánh khác như Diêu Trì Kim Mẫu, bạn con xem rất thường, có khi phỉ báng nữa. Bạn con làm như vậy có vấp phải lỗi không? Xin Thầy chỉ dạy. 

ĐÁP: Lúc làm lễ quy y cho Phật tử tôi thường giảng: Con quy y Phật nguyện trọn đời không quy y thiên thần quỷ vật, tức là không quy y trời, thần và những loài quỷ vật. Con quy y Pháp nguyện trọn đời không quy y ngoại đạo tà giáo, tức là không theo những học thuyết ngoại đạo tà giáo. Tại sao chỉ độc tôn một mình đức Phật?

Mỗi tối tụng kinh chúng ta đọc bài tán, có hai câu: "Thiên nhân chi đạo sư, tứ sanh chi từ phụ". "Thiên nhân chi đạo sư" là vị thầy dẫn đường cho cả trời người. "Tứ sanh chi từ phụ" là cha lành của bốn loài: thai sanh, thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh. Phật là cha lành của cả bốn loài chúng sanh, chớ không phải chỉ là cha lành của loài người thôi đâu. Vậy Phật đã là bậc Thế Tôn của chúng sanh, bây giờ chúng ta kính Phật, những vị khác họ cũng kính Phật, chúng ta đã kính thờ Phật rồi, mà kính thờ những vị khác nữa, như vậy là không nhắm thẳng trọng tâm để quy hướng. Quy hướng như thế là lệch lạc không đúng, nhất là quy hướng Diêu Trì Kim Mẫu. Phật đã là thầy của muôn loài rồi thì chúng ta cứ theo Phật, theo pháp Phật hướng dẫn để tu.

Trong kinh có nhiều đoạn ghi, trong pháp hội của Phật có trời, rồng, dạ xoa, càn thát bà, a tu la, quỷ thần... đến dự để nghe Phật thuyết pháp. Tất cả chư thiên quỷ thần... đều đến nghe Phật thuyết pháp, thế mà bây giờ chúng ta lại kính thờ quỷ thần như Phật, thì có đúng là đệ tử Phật không? Như vậy thì trọng một mình đức Phật có gì sai không? Chúng ta đã biết chư thiên, quỷ thần... đều tới nghe Phật thuyết pháp đều quy y với Phật, chúng ta là đệ tử Phật chỉ tôn thờ đức Phật là quá đủ. Các vị kia chỉ là huynh đệ với chúng ta thôi, tại sao phải tôn thờ như đức Phật? Làm như thế vô tình hạ đức Phật xuống ngang hàng với thiên thần. Vậy có tội hay phước? Giả sử trong thế gian, ông chủ tịch tỉnh và ông chủ tịch xã tới quý vị xử sự ra sao? Xem hai ông như nhau hay nể ông chủ tịch tỉnh hơn ông chủ tịch xã? Nếu mời ngồi thì mời ai ngồi trước? Có phải nể và mời ông chủ tịch tỉnh trước không? Vậy mà có nhiều vị quy y thờ Phật rồi, mà con đem bà Diêu Trì Kim Mẫu thờ ngang với Phật. Đó là việc làm sai không nên bắt chước.

 HỎI: Thưa Thầy, hàng ngày con không để tâm theo đuổi người ta, tức là con không có nghiệp với họ. Nhưng họ cứ theo đuổi con. Như vậy trong tương lai con có bị họ đuổi theo nắm áo không?

ĐÁP: Tôi dùng một ví dụ để trả lời câu hỏi này. Giả sử trên đường hai người cùng đi, người đi trước và người đi sau. Người đi trước mặt cứ hướng về phía trước mà đi, đi nhanh không xoay mặt lại phía sau, thì chắc chắn không gặp người đi sau. Nếu người đi trước đi chậm và xoay mặt lại phía sau thì ắt gặp người đi sau. Cũng vậy, Phật tử này không muốn gặp thì phải xoay lưng với họ và nỗ lực tu hành thì bảo đảm không bao giờ gặp, vì nghiệp của họ tạo với Phật tử không đủ duyên để thành. Nếu Phật tử xoay mặt lại đối đầu với họ thì cái nghiệp họ tạo với Phật tử đủ duyên thành, mà nghiệp đã thành rồi ắt sẽ gặp.

 HỎI: Thưa Thầy, cha mẹ con, người thì thích danh người thì thích tiền, con phải làm thế nào để giúp cha mẹ con hướng về đạo khi cơ duyên chưa đến?

ĐÁP: Đây là một Phật tử có hiếu, biết danh lợi tiền của là cái không mang theo được ở đời sau. Thấy cha mẹ già mà còn ham thích hai thứ đó, không biết phải làm sao cho cha mẹ thức tỉnh để buông bỏ bớt. Việc này kể ra cũng khó làm, song người con có hiếu muốn đánh thức cha mẹ, thì phải tùy duyên; hoặc khi cha mẹ có bệnh hoặc có chuyện buồn, hoặc lúc thân quyến chết... nhân đó mà nhắc nhở cho cha mẹ thức tỉnh để dừng. Đang khi say mê theo danh lợi mà nói chắc không nghe, chỉ những lúc bệnh hoạn hay thân nhân chết chóc thì dễ đánh thức. Nhân cơ hội đó chỉ cho cha mẹ thấy tuổi già cứ lo tính toán bon chen với đời, thì sức khỏe sớm suy sụp khó duy trì, nên buông bỏ bớt. Hoặc chỉ người đó cùng tuổi với cha mẹ bây giờ thì chết rồi, cha mẹ cứ chạy theo danh lợi thì lúc cha mẹ chết danh lợi có đem theo được đâu? Phải chờ cơ hội đánh thức, chớ bình thường cũng khó nói. 

HỎI: Thưa Thầy, con năm nay bốn mươi chín tuổi là năm tuổi sao Thái bạch chiếu. Chẳng biết có phải do hạn hay căn nghiệp nhân quả ở đời trước, khiến con gặp nhiều chuyện rối rắm phiền muộn về tiền tài vật chất, ảnh hưởng đến thể xác lẫn tinh thần con. Con tự xét hiện tại con không tạo những nghiệp ác này sao con phải chịu như thế, xin Thầy chỉ cho con cách giải khổ? 

ĐÁP: Phật tử này đi coi bói, thầy bói nói năm nay sao Thái bạch chiếu, đồng thời cũng có những tai nạn xảy ra, nên lo sợ, không biết do sao hạn làm khổ, hay do nghiệp nhân đời trước làm khổ, nên nhờ chỉ cách giải khổ. Để giải quyết việc này tôi xin đặt câu hỏi: Người đặt tên sao Thái bạch này là căn cứ ngôi sao nào trong vũ trụ mà đặt tên? Nếu các hành tinh trên hư không, mỗi hành tinh là một thế giới như thế giới chúng ta đang ở, hoặc lớn hơn nữa thì những hành tinh đó tác hại gì chúng ta? Nếu có chiếu sáng thì nó chiếu hết cả vùng, nó đâu có chiếu riêng một cá nhân nào! Mỗi cá nhân chúng ta như hạt cát đối với hành tinh, thì sự chiếu riêng một cá nhân nào! Mỗi cá nhân chúng ta như hạt cát đối với hành tinh, thì sự chiếu soi của nó đâu có ảnh hưởng riêng từng người. Chỉ khi nào tia sáng chiếu ngang qua một người thì mới ảnh hưởng một người, đây nó chiếu cả vùng, sao chỉ ảnh hưởng một người? Như vậy cái lý sao Thái bạch chiếu làm cho người ta hoạn nạn khốn khổ, không thể chấp nhận được.

Nếu nói về quả của nghiệp nhân đời trước, thì giải quyết theo tinh thần nhà Phật như thế này: Giáo lý Phật dạy thân của chúng ta hiện tại là quả tổng báo của nhân quá khứ. Lấy thân hiện tại mà xét thì sẽ thấy. Một người sống từ thuở bé đến năm bảy mươi tuổi, cả đời chúng ta đâu có làm việc thiện hết, mà có lúc giúp người với lòng thương như Bồ-tát, nhưng cũng có lúc nổi sân làm khổ người như cọp sói. Tạo đủ thứ nghiệp tốt xấu lẫn lộn, do tạo nghiệp tốt xấu lẫn lộn, nên thọ quả cũng tốt xấu lẫn lộn, chớ không có thuần tốt hoặc thuần xấu. Kiểm lại mấy chục năm qua nghiệp của chúng ta có thiện có ác, như vậy thì thân đời này là tổng báo nghiệp của nhiều đời cũng như thế.

Nghiệp quá khứ chưa trả hết, đời này làm người trong khoảng thời gian nghiệp thiện kết tụ quả báo tốt, thì người đời cho là tốt là may mắn. Còn khoảng thời gian nghiệp ác kết tụ quả báo xấu, thì người đời nói là xui là rủi ro. Sự thực thì nghiệp quá khứ lúc trùng hợp với thời gian tạo nghiệp ác của đời trước, thì nghiệp ác sống dậy làm cho chúng ta gặp những điều không như ý. Nếu trùng hợp với thời gian tạo nghiệp thiện ở đời trước, thì nghiệp thiện sống dậy khiến chúng ta gặp những điều vui muốn ít được nhiều... Như vậy cái khổ cái vui trong cuộc sống hiện tại của con người, không do ai tạo hay không do ai đặt định ra cả, mà chính do mình tạo ra ở đời trước còn thừa lại. Nếu nghiệp thừa xấu thì phải chịu tai nạn, khốn khổ, khi nghiệp xấu hết, nghiệp thiện đến thì được những điều vừa ý vui thích. Thế nên đừng quá lo sợ sanh cuồng loạn còn khổ hơn nữa. Cứ bình tĩnh, nếu nghiệp (nợ) trước đòi thì vui trả, trả hết nghiệp xấu rồi tới nghiệp tốt thì tha hồ mà hưởng. Đừng quá lo sợ rồi sanh bệnh hoạn không nên.


HỎI: Thưa Thầy, con rất thích tụng kinh Phổ Môn và kimh Địa Tạng, thường tụng vào chín giờ hoặc mười giờ trưa, chiều vào lúc sáu giờ hoặc bảy giờ. Lắm lúc vì bận sinh kế nên con không giữ đúng giờ, con tụng trễ khoảng vài tiếng đồng hồ. Như vậy có trái phép và có trở ngại gì trong sự tu tập của con không? Xin Thầy chỉ dạy.

ĐÁP: Quý Phật tử siêng tụng kinh, nhưng vì sinh kế tụng không đúng giờ đã định. Tuy tụng kinh trễ nhưng không có lỗi gì. Nếu tới giờ tụng kinh như đã định mà lười biếng nằm dây dưa, tụng trễ thì có tội lười biếng. Nếu vì sinh kế mà tụng kinh trễ thì không sao.


HỎI: Thưa Thầy, con đã mang nhiều tật bệnh trải qua chín năm. Tự biết mình nghiệp nặng, nên con phóng sanh, niệm Phật nhiều, cùng lập các hạnh khác. Mặc dù vậy, nhưng thân con vẫn còn nhiều bệnh khổ. Vậy con phải tu hạnh nào để tiêu được bệnh khổ?

ĐÁP: Phật tử này ở trong hoàn cảnh bệnh khổ chín năm rồi, tuy có phóng sanh, có niệm Phật mà vẫn chưa hết bệnh, nên hỏi tu hạnh gì cho hết bệnh. Phật tử này bệnh đã chín năm là bệnh kinh niên, chớ không phải bệnh mới phát. Vậy Phật tử muốn hết khổ phải dùng trí tuệ quán chiếu như trong kinh Bát-nhã dạy: "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách". Thấy năm uẩn không thật thì mọi khổ ách qua hết. Tu hạnh này là dễ nhất. Sở dĩ thấy mình đau khổ vì thấy thân này thật. Bây giờ nhân thân đau bệnh, nên xoay lại quán thân năm uẩn không thật, thân đã không thật thì bệnh từ đâu thật? Bệnh đã không thật thì có bệnh cũng như không bệnh. Tu cách này là hết khổ.  

 

HỎI: Thưa Thầy, trong kinh Pháp Bảo Đàn Lục Tổ có nói: Chúng sanh bị ba chướng là nghiệp chướng, báo chướng, phiền não chướng. Khi nào tâm thanh tịnh thì ba chướng mới hết. Thân tứ đại này tuy rằng giả tạm nhưng bị bệnh (báo chướng) thì khó tu. Vậy làm sao thân bệnh mà tu vẫn được?

ĐÁP: Với tâm phàm phu yếu đuối, khi thân bệnh là một cái chướng lớn khó tu, thông thường ai cũng vậy. Nhưng với người gan dạ thì chính khi đau là cơ hội dễ tu nhất. Đừng nghĩ ngồi thiền, tụng kinh, niệm Phật mới gọi là tu. Bây giờ quý vị bệnh, không ngồi thiền được, không tụng kinh được, quý vị quán thấy rõ thân này là tướng hư dối sắp bại hoại, không quý trọng nó, đau không sợ hãi đó là tu rồi. Đâu phải đợi ngồi thiền tụng kinh mới tu! Vì quý vị thấy mình ngồi thiền không được, tụng kinh không được, nên cho rằng bệnh làm chướng ngại tu không được, không phải như vậy. Dù tụng kinh hay không tụng kinh, ngồi thiền hay không ngồi thiền, tâm hằng tỉnh hằng giác, nằm mà vẫn thấy rõ thân này là tướng hư dối sắp bại hoại, không ngờ vực không sợ sệt, lúc nào cũng thấy như thế, đó là đang tu. Như vậy đau đâu có gì chướng?

 

HỎI: Thưa Thầy, bệnh từ thân sanh mà thân thì do nghiệp mà có. Phật tử tại gia cũng như xuất gia mỗi người đều có mang nghiệp. Vậy tu phải xoay duyên chuyển nghiệp như thế nào? Khi xoay duyên chuyển nghiệp, nghiệp có hết không hay phải trả y như cũ?

ĐÁP: Câu hỏi hơi dài, phải trả lời tuần tự. Trước hết nói về nghiệp thì Phật tử tại gia hay xuất gia đều có nghiệp, điểm này tôi đồng ý. Song, nghiệp của người xuất gia và tại gia có khác, khác ở chỗ: Cùng có thân là có nghiệp, nhưng người xuất gia có nghiệp mà biết đoạn nghiệp, còn người tại gia không đoạn không bớt. Ví dụ như người xuất gia tuy có nghiệp nhưng tới mười bảy, mười tám tuổi thì đi tu, không lập gia đình, không có vợ chồng con cái, là đã cắt bớt nghiệp rồi nên gọn, khi tu thì dễ không có gì rối rắm. Còn người tại gia có gia đình có con cái, khi muốn tu thì vợ không đồng ý, con khóc la nheo nhóc, không tu được nên chướng. Chẳng những thế, khi con lớn lên phải học hành, rồi có dâu rể, rồi có cháu chắt, nghiệp mọc rễ chằng chịt nên tu khó. Tuy cùng có nghiệp nhưng người xuất gia đoạn nghiệp bớt nên gọn, dễ giải quyết. Còn người tại gia cứ mặc tình để cho nghiệp mọc rễ chằng chịt, nên giải quyết khó. Đó là giai đoạn thứ nhất.

Giai đoạn thứ hai là khi đã lỡ tạo nghiệp tội, biết sám hối làm phước, nghiệp tội có tiêu không? Tôi ví dụ ông A khi có quyền thế đánh đập làm nhục ông B. Ông B oán hận chờ ngày trả thù. Một thời gian sau, ông A mất quyền thế nhưng lại biết tu, nên được nhiều người thương quý. Ông B bấy giờ có thế lực, tâm oán hận ông A vẫn còn, một hôm ông B đến hại ông A để trả thù. Nhưng bà con láng giềng thương quý ông A, ra can gián ông B nên ông A chỉ bị hại sơ sài thôi. Vậy có nghiệp phải trả, mà trả nhẹ vì đã biết tu nên có giảm.

Trong kinh Phật có kể một câu chuyện: Có một gia chủ chăn nuôi một bầy dê, một hôm có người thường dân tới trộm dê, bị gia chủ bắt được đánh đập đưa ra pháp luật bỏ tù. Lần khác, kẻ trộm dê là người của quan lớn, gia chủ chỉ bực tức nói nặng đôi câu, chớ không dám đối xử thậm tệ như người thường dân. Kế tiếp, kẻ trộm dê là lính của vua thì gia chủ không dám nói nặng, mà chỉ van xin năn nỉ đừng bắt dê. Người không biết tu thân, tu giới, tu tâm gây nghiệp bao nhiêu thì trả quả bấy nhiêu. Vì vậy mà nói nhân nào quả nấy, đó là ví dụ người trộm dê không thế lực. Trường hợp người trộm dê là lính của quan thì chỉ bị trách móc nặng nhẹ, đó là ví dụ cho người biết tu thân, tu giới, tu tâm, tuy có tạo nghiệp ác, nhưng thọ quả báo nhẹ hơn. Trường hợp người trộm dê là lính của vua, không bị đánh đập, không bị nói nặng, đó là ví dụ cho người tuy có tạo nghiệp ác, nhưng biết tu thân, tu giới, tu tâm thì nghiệp chuyển được tùy sức tu của mình.

 

HỎI: Thưa Thầy, bộ kinh Địa Tạng có ba quyển. Ngày đầu con tụng quyển thứ nhứt, rồi hồi hướng. Ngày kế con tụng quyển thứ hai, cứ như thế cho đến hết bộ mười ba phẩm rồi mới hườn kinh. Và, hôm nay con tụng kinh Địa Tạng, ngày mai con tụng kinh Phổ Môn, hoặc nửa tháng con tụng kinh Địa Tạng, nửa tháng con tụng kinh Phổ Môn. Thưa Thầy con tụng kinh như thế có được không?

ĐÁP: Tụng kinh tùy theo sức khỏe, khỏe tới đâu tụng tới đó, một quyển cũng được một phẩm cũng được, khi nào xong hồi hướng, hoặc tụng xong bao nhiêu hồi hướng bấy nhiêu đều tốt không hại gì. Phát tâm rộng rãi hồi hướng cho tất cả chúng sanh đồng được phước chớ không ích kỷ. Không cần đợi tụng hết quyển hoặc hết bộ mới hồi hướng. Còn việc ngày tụng kinh Địa Tạng ngày tụng kinh Phổ Môn, hoặc nửa tháng tụng kinh Địa Tạng, nửa tháng tụng kinh Phổ Môn cũng được. Xong, tháng nào tụng kinh Địa Tạng thì tụng kinh Địa Tạng, tháng nào tụng kinh Phổ Môn thì tụng kinh Phổ Môn, tụng một thứ kinh cho tiện. Có phải quý Phật tử sợ tụng kinh Địa Tạng thì Bồ-tát Địa Tạng vui, không tụng kinh Phổ Môn bỏ quên Bồ-tát Quán Thế Âm ngài buồn, nên phải chia ra tụng cho đều không? Làm như thế e hơi quá đáng.

 

HỎI: Thưa Thầy, thế nào là phước tuệ song tu? Chúng con là Phật tử tại gia có tu được không? Xin Thầy từ bi chỉ dạy.

ĐÁP: Đạo Phật thường dạy phước tuệ song tu và ví phước tuệ như hai cánh chim. Chim bay cao nhờ hai cánh, nếu gãy một cánh thì chim bay không được. Cũng vậy, người tu có phước mà không có tuệ thì chưa ra khỏi luân hồi sanh tử. Còn có tuệ mà không có phước thì chỉ tự lợi, chớ không lợi tha được và chưa tới chỗ giác hạnh viên mãn, thế nên nói thiếu. Vậy phước là gì và tuệ là gì, mà phải song tu mới được viên mãn? Tu phước là khởi lòng từ bi thương người thương vật, bố thí cứu giúp người vật cho hết khổ. Bố thí có ngoại tài thí và nội tài thí. Ngoại tài thí là dùng tiền của giúp người nghèo khó cho họ bớt khổ. Nội tài thí là dùng sức lực giúp người. Ví dụ đi đường thấy người già yếu sẩy chân té đứng dậy không nổi, tới đỡ dìu họ đứng dậy đưa về nhà săn sóc. Đó là nội tài thí. Ngoài nội tài thí còn có vô úy thí. Tức là bố thí khiến người hết lo sợ. Ví dụ người nào đó hay sợ ma quỷ quấy phá, chúng ta đem lý nhân quả giảng giải cho họ có chánh tín, tâm được ổn định họ hết sợ. Đó là vô úy thí mà cũng là pháp thí. Đó là tu phước bằng hạnh bố thí.

Tu tuệ là nương theo lời dạy của Phật để biết các pháp đúng như thật. Tuệ có ba là văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Quý Phật tử khi chưa đến chùa, sống theo nếp sống phàm tục, nay đến chùa nghe giảng kinh hiểu đạo, thấy biết thế nào là tà thế nào là chánh, thế nào là nhân thế nào là quả, cái nào là thật cái nào là giả. Do nghe mà có hiểu biết gọi là văn tuệ. Sau khi nghe hiểu biết rồi quý vị về nhà, những phút rỗi rảnh, ngồi suy nghiệm lại cuộc đời, xem những lời Phật dạy mà mình đã học có đúng không? Chẳng hạn như học lý nhân quả, chúng ta nghiệm xét cây đào to lớn như thế này từ đâu mà có? Từ cái hạt là nhân, gieo trồng xuống đất nhờ phân nước, ánh nắng mặt trời, sự chăm sóc mà thành cây có trái. Xét đến những vật khác không có cái gì không có nhân mà có quả, rõ ràng Phật nói các pháp do nhân mà có quả là đúng. Suy nghiệm để hiểu biết một cách thấu đáo không nghi ngờ mới ứng dụng lời Phật dạy vào đời sống của mình để cho bớt khổ, đó là tu huệ.

Tóm lại, nghe lời Phật dạy rồi suy nghiệm với thực tế thấy đúng, sau đó thực hành để mình và người được lợi ích, đó là tu tuệ. Còn tu phước là giúp người, vật qua cơn khổ. Hai hạnh này phải tu song song. Giả sử chúng ta học hiểu Phật pháp, suy nghĩ đúng, ứng dụng tu một mình, thấy ai khổ mặc ai không hề giúp đỡ, như vậy chỉ tu tuệ mà không tu phước. Còn thấy người ta nghèo đói, khốn khó cứ lo quyên giúp tiền của, mà không chịu học Phật pháp, không suy gẫm lời Phật dạy đúng hay sai, đó là tu phước mà không tu tuệ. Có phước thì đời sau sinh ra sung sướng, nhưng vì không hiểu Phật pháp, nhiều khi tạo nghiệp phải trầm luân. Còn có tuệ biết tu hành được phần tự lợi, nhưng không có phước, nói không ai nghe hết, rốt cuộc phiền não. Do đó phước tuệ phải song tu là vậy. 

 

HỎI: Thưa Thầy, phần đông mọi người đến chùa cúng dường cầu phước. Cúng dường cầu phước là có ẩn lòng tham. Vậy cúng dường như thế nào mới tốt?

ĐÁP: Phật dạy cúng dường có từng bậc. Nếu người sơ cơ cúng dường cầu phước thì tốt. Tại sao? Vì có phước người ta mới làm lành, nếu không có phước họ không làm lành. Người sơ cơ cúng dường như thế cũng tốt. Người khá hơn phải cúng dường không cầu phước mà do tâm muốn được gieo duyên với Tam Bảo, mng đời đời gặp Phật pháp để tu. Trình độ sau cùng người bố thí không thấy có mình bố thí, không thấy có vật bố thí, không thấy có người thọ thí. Đó là bố thí siêu xuất gọi là bố thí Tam luân không tịch.

 

HỎI: Thưa Thầy, cầu siêu cho người mới chết và người chết lâu, người chết có lợi ích gì? Và, phóng sanh loài thú, loài thú nó đi ăn nuốt bao nhiêu con khác. Như vậy có nên phóng sanh không?

ĐÁP: Cầu siêu cho người mới chết thì hợp lý. Còn người chết đã lâu mấy chục năm thì đã sanh nơi khác, đâu còn lẩn quẩn quanh đây mà cầu siêu. Cầu như thế thấy như không có lợi. Tuy nhiên, Phật dạy khởi tâm làm lành thì được hai cái lợi. Cầu siêu cho cha mẹ lợi cho cha mẹ, mà cũng lợi cho chúng ta. Vì nếu cha mẹ sanh trong ngạ quỷ, mà kiếp ngạ quỷ sống cả ngàn năm rất là khổ, nên rất cần sức chú nguyện của người chân chính tu hành, để có chút sức mạnh giúp cho họ dễ tỉnh thức thoát kiếp ngạ quỷ, đó là có lợi. Còn nếu cha mẹ sanh ở cõi trời hay ở cõi người đang hoạt động sinh sống, chúng ta có cầu cũng không tỉnh thức. Nhưng vì lòng hiếu thảo cung kính Tam Bảo chúng ta cầu đó là phước của chúng ta. Như vậy cầu siêu không có thiệt thòi bên nào cũng có lợi.

Còn vấn đề phóng sanh phát nguồn từ lòng từ bi. Ví dụ như chúng ta thấy con cá lớn bị bắt lên cạn, sắp bị đập đầu nó giãy giụa, động lòng thương chúng ta mua nó về thả xuống sông. Được sống lại ở dưới nước, con cá đó ăn những con cá nhỏ để sống. Cứu sống con cá lớn để rồi cá lớn ăn cá nhỏ, như vậy chúng ta có chịu chung tội với nó không? Nếu có tội thì lúc tiền thân Phật hành hạnh Bồ-tát bố thí thân cho cọp đói ăn, cọp nhờ ăn thịt tiền thân Phật mà được sống, sau đó nó bắt heo rừng, bắt nai ăn thì Phật cùng có tội với bó sao? Chúng ta nên hiểu việc phóng sanh là do lòng từ của chúng ta phát khởi, khi thấy con vật sắp chết bị khổ mà làm, chớ không nghĩ mai kia con vật đó nó làm cái gì. Chúng ta cứu nó là vì lòng từ bi là được phước, còn chuyện mai kia nó làm gì là chuyện của nó, chúng ta đừng có lo xa quá. Vì lo xa quá nên không dám làm gì hết, rốt cuộc chẳng làm lợi ích gì cho ai. Chẳng hạn thấy người ăn xin, nghĩ có thể người này xin tiền về cờ bạc ăn chơi xa xí... Nếu cho tiền họ là nuôi dưỡng họ tạo tội thêm, nên không cho. Cứ nghĩ như vậy thì lòng từ của mình dần dần tiêu mất. Thấy cái gì cũng suy lý hết, nên không làm được việc gì có ích. Tu theo đạo Phật thấy người, vật khổ, liền khởi lòng từ bi cứu giúp cho lòng từ được phát triển, còn chuyện về sau là của người, của vật, không phải là chuyện của mình.

 

HỎI: Thưa Thầy, con tu Tịnh độ, vừa niệm Phật, vừa trì chú và tọa thiền hơn ba mươi năm nay. Một hôm lúc mười một giờ khuya, con ngồi niệm Phật thấy lửa cháy khắp mình con. Vì sợ cháy mùng nên con kêu cứu chữa thì thấy lửa tắt. Nhưng con bị mù mắt hơn bốn mươi năm nay sao lại thấy như thế?

ĐÁP: Phật tử này mù mà ham tu, một hôm ngồi niệm Phật trì chú lại thấy lửa cháy mình. Mù mà thấy lửa cháy là do mắt thấy hay cái gì thấy? Do tưởng thấy chứ không phải do mắt thấy. Phật tử này vì chưa học đạo kỹ, nếu học đạo kỹ thì khi ngồi thiền, hay niệm Phật thì thấy có những tướng lạ hiện, liền biết đó là tướng giả dối phóng hiện không thật. Kể cả thấy ma hay thấy Phật cũng đều là giả tướng phóng hiện, nên không sợ không mừng. Đó là an định sáng suốt làm chủ được mình. Nếu giả tướng hiện mà sợ hãi thì dễ phát cuồng điên, vì tâm sợ hãi kích động làm cho loạn trí. Do đó ngồi thiền hay niệm Phật trì chú phải tỉnh táo, thấy tướng lạ xuất hiện, biết nó là tướng hư ảo không thật, nên xem thường không sợ, sợ là bệnh.

 

HỎI: Thưa Thầy, chúng con tu muốn được thanh tịnh an vui, nhưng cứ bị chứng bệnh ái dục làm cho bất an khốn đốn hoài. Chúng con cũng đã từng quán thân mình bất tịnh và cũng đã lắng tâm quan sát những cảm giác từ sinh lý dấy khởi tác động qua tâm lý, hoặc từ tâm lý tác động qua sinh lý. Tuy có quan sát như thế nhưng cũng chưa dứt được tình dục. Kính mong thầy vì lòng thương xót chỉ dạy cho chúng con phương tiện để đối trị tình dục, để chúng con được an ổn trên con đường tu tiến.

ĐÁP: Ái dục là căn bệnh của tất cả chúng sanh chứ không riêng cá nhân nào. Chúng sanh sanh trong cõi Dục là do ái dục sanh, nên không ai mà không có. Đó là cái nghiệp truyền giống để có người, có vật tiếp tục sống trong cõi Dục này. Nếu ai cũng sợ khổ, đoạn dứt nghiệp này thì loài người không còn sanh trong cõi Dục nữa. Có những chỗ cho ái dục là cái linh thiêng để truyền nối giống nòi. Sự thật nó chỉ là nghiệp chớ không có gì linh thiêng cao cả. Chẳng hạn con bò, con chó... có linh thiêng gì đâu, do nghiệp truyền giống mà sanh sản ra con cái đầy đàn. Vì người ta muốn linh thiêng hóa nói nghe cho đẹp lỗ tai vậy thôi. Sự thật đó là nghiệp truyền giống mà ai cũng có. Nhưng làm sao cho hết để nó đừng làm cho bất an khốn đốn, đó là vấn đề không đơn giản.

Trong kinh A Hàm có ghi lại câu chuyện:

Một hôm tôn giả A-nan và tôn giả Bà-kỳ-xá đi khất thực, dọc đường Bà-kỳ-xá thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp, thấy rồi tâm ý rối loạn, mất bình tĩnh, cầu cứu tôn giả A-nan chỉ cho cách điều phục.

Tôn giả A-nan bảo nên dứt trừ tưởng tượng sẽ hết dục.

Tôn giả Bà-kỳ-xá nói ý dục nằm ngủ sẵn nhiều như cỏ héo rối.

Tôn giả A-nan bảo nên nhớ Phật sẽ hết dục như tôn giả Nan Đà.

Tôn giả Bà-kỳ-xá nói: Nên đi khất thực, trở về chỗ Thế Tôn sẽ hay. Nhưng oái oăm, lúc đó cô gái đẹp thấy Bà-kỳ-xá, nàng mỉm cười. Bà-kỳ-xá nổi bực, quán thân thể cô gái đẹp là do da bên ngoài bọc lấy thịt xương bên trong, giống như cái bình có vẻ đẹp bên ngoài, nhưng ở trong chứa toàn đồ nhơ nhớp, mê hoặc người đời có gì đáng tham? Tôn giả Bà-kỳ-xá lại nghĩ: Ta quán thân kẻ khác không bằng tự quán thân mình. Xét thân tứ đại, Ngài tự hỏi: Dục này từ đâu sanh? Xét bốn đại không đại nào có ái dục hết. Vậy ái dục từ đâu sanh? Từ địa đại sanh chăng? Nếu từ địa đại sanh thì không thể được, vì địa đại cứng. Nếu từ thủy đại sanh thì không thể gìn giữ, vì thủy đại mềm yếu. Nếu từ hỏa đại sanh cũng không thể giữ được, vì lửa đốt sạch. Nếu từ phong đại sanh cũng không được vì phong đại vô hình làm sao sanh? Lúc ấy, Ngài dừng, không tưởng ái dục nữa. Ngang đây tâm hữu lậu được diệt tận, giải thoát mọi khổ đau.

Qua câu chuyện trên chúng ta thấy có tư tưởng về tình dục thì tình dục mới phát khởi làm cho mình cuồng loạn. Nếu không tư tưởng về tình dục, thì người nam và người nữ đứng gần hay ngồi gần, đâu có ái dục bức xúc làm cho bất an. Nên nhớ, ái dục từ tư tưởng sanh, vừa có niệm ái dục dấy khởi là phải buông bỏ liền, ái dục lặng mất thì được an ổn, nếu nuôi dưỡng theo đuổi nó thì nó làm loạn, khốn đốn, tu không tiến. Cứ như thế mà thực hành lâu ngày tâm thuần thục có sức định thì ái dục yếu dần rồi sẽ hết.


HỎI: Người Phật tử tại gia khi hành thiền, có nhất thiết phải ly dục trong lãnh vực tình dục vợ chồng không?

ĐÁP: Người tu có hai hạng: Hạng tại gia và hạng xuất gia. Lúc Phật còn tại thế, những cư sĩ tại gia Phật cũng dạy tu Thiền, như vua Ba-tư-nặc, Tần-bà-sa-la... đang làm vua, cung phi mỹ nữ đầy cung mà Phật cũng dạy cho các quân vương tu theo Phật. Dạy cho cư sĩ tại gia tu thì Phật dạy tiết dục, để giữ gìn sức khỏe cho sự tu hành tăng tiến, chớ không bắt phải ly dục. Chỉ có người xuất gia thì Phật mới bắt xa lìa hẳn dục lạc. 

HT.Thích Thanh Từ


 

 

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 05366
  • Online: 41