Những cánh hoa đàm ( Phần 04 )
19/06/2020 | Lượt xem: 2407
HT.Thích Thanh Từ
HỎI: Thưa thầy: người tu hành, lúc nào cần giáo lý và lúc nào buông cả giáo lý?
ĐÁP: Việc tu học tạm chia ra hai giai đoạn: Giai đoạn mới học đạo và giai đoạn thực hành để đạt đạo. Giai đoạn mới học đạo phải nhờ kiến thức học đạo, từ chuyên môn gọi là hữu sư trí (trí có thầy).
Tức là phải nhờ thiện hữu tri thức giảng dạy, hoặc nghiên cứu kinh luận để biết rõ pháp tu Phật Tổ dạy, theo đó mà thực hành. Ví dụ như một người muốn đến nhà một người quen ở một thành phố lớn xa lạ mà vị ấy chưa từng biết nhà. Người biết đường cầm bản đồ hướng dẫn, thành phố đó cách người ấy đang ở bao xa, muốn tới đó phải qua những đường nào, chỉ bày rành rẽ. Khi người ấy đi, cầm bản đồ và nương theo bản đồ để đi. Lúc tới cổng, bước vào nhà thì bản đồ không cần nữa. Nhưng, nếu chưa tới nơi vẫn còn cầm bản đồ, bỏ bản đồ sớm quá, e lạc đường, không tới đích. Hữu sư trí đối với người tu cũng giống như bản đồ đối với người đi đường. Trong thời gian tu, chưa sáng được lý đạo thì hữu sư trí vẫn còn cần, để giúp cho chúng ta không sai lạc. Nhưng khi sáng đạo, tức là phát minh được trí tuệ đã có (vô sư trí) thì không cần nữa. Qua ví dụ này, quý vị tự biết mình lúc nào cần giáo lý và tới lúc nào buông giáo lý.
HỎI: Thưa thầy, thân nhân con có nhiều người khá giả, mỗi khi họp mặt đề cập đến việc tu hành, người thì vui vẻ tán thành, người thì dửng dưng không để ý. Hai người cùng giàu là do cùng làm phước ở đời quá khứ. Song, nghe nói đến tu người thì tán thành người thì dửng dưng. Thưa thầy, có phải người đã có tu tuệ và người không tu tuệ trong quá khứ không?
ĐÁP: Chúng ta thường thấy hai người cùng làm một việc mà hai tâm trạng khác nhau. Cùng đem của giúp người nghèo đói, người thì muốn được phước giàu sang sung sướng, người thì muốn giúp cho họ bớt khổ, để hướng dẫn họ chuyển nghiệp từ từ. Vì vậy mà Phật tử quy y có những giới để ngăn chặn việc bất thiện. Nhiều người trước có làm phước mà không có chủng tử tu huệ nên hiện đời hưởng phước được chức cao, quyền lớn, giàu sang, mà vẫn hung hăng không thích tu thân, vì họ không có sẵn chủng tử trí tuệ. Còn người thì được giàu sang lại có chủng tử đạo đức trí tuệ, nên vừa làm phước vừa lo trau giồi giới đức, trí tuệ.
HỎI: Thưa thầy, có phải tu là ăn chay không? Nếu tu là ăn chay thì trong tháng ăn chay những ngày nào?
ĐÁP: Cư sĩ là quy y giữ năm giới. Ăn chay được ngày nào là tốt ngày nấy, đạo Phật không đặt ăn chay là quan trọng. Cư sĩ tu cốt yếu là quy y giữ giới tránh làm những điều ác, nên làm những việc thiện.
HỎI: Thưa thầy, các con vừa bệnh tật vừa nghèo khó muốn cúng dường Tam Bảo lấy gì để cúng?
ĐÁP: Quý vị cúng dường bằng tâm thành, bằng ý nghĩ tốt, bằng lời nói tốt, bằng hành động tốt. Ba nghiệp lành là đã cúng dường Tam Bảo rồi, không đợi dâng tiền dâng của mới là cúng dường. Nhân đây tôi kể câu chuyện cho quý vị nghe. Thuở xưa có người con gái mồ côi cha mẹ lúc năm bảy tuổi, không có bà con quyến thuộc nên mới đi lang thang để xin ăn, cô lớn dần theo ngày tháng. Năm cô mười bảy tuổi, nhằm ngày rằm tháng bảy cô nghe người ta rủ nhau đi lạy Phật cúng chùa. Cô cũng muốn cúng chùa, nhưng nghèo quá không biết lấy gì để cúng, hôm ấy chỉ xin được một xu, cô bèn nhịn ăn để cúng chùa. Cô nghe nói cúng mà chư Tăng được hưởng hết thì phước được nhiều, nên cô muốn cúng dường hết chư Tăng, nhưng có một xu làm sao đủ? Cô bèn mua một xu muối đem vô chùa cúng. Hòa thượng trong chùa biết được tâm niệm của chúng sanh, nên bảo đánh chuông trống để đón một đại thí chủ. Cô nghe đánh chuông trống mà vẫn không biết gì, cô rón rén bước xuống bếp tìm bà thường trụ trình bày ước nguyện của mình, bà hứa giúp. Bà dùng muối của cô cúng nêm canh cho chư Tăng ăn. Như vậy thì toàn thể chư Tăng trong chùa ai cũng có thọ nhận của cúng dường của cô. Sau khi cúng dường cô trở lại sống kiếp hành khất lang thang.
Lúc bấy giờ nhà vua chọn dâu, hàng tiểu thơ công chúa đến, Thái tử đều chê. Nhà vua ra lệnh tùy ý Thái tử muốn chọn ai thì chọn. Một hôm Thái tử đi đến làng nọ, thấy trên đình có chòm mây năm sắc, khí vần xoay trên nóc đình. Thái tử vào đình thấy cô gái nghèo khổ ăn mặc rách rưới ấy đang ở đó. Thái tử xót thương cho rước về cung, sau khi tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đàng hoàng thì trông cô thật xinh đẹp. Thái tử dẫn lên trình vua cha, nhà vua cưới cô cho Thái tử. Sau vua băng hà, Thái tử lên ngôi, cô làm hoàng hậu. Khi làm hoàng hậu, cô xa giá chở vàng bạc đi cúng chùa. Bấy giờ cô chở đến cả xe vàng bạc, mà Hòa thượng trong chùa không cho đánh chuông trống đón cô như một đại thí chủ cúng đồng xu muối ngày xưa. Câu chuyện này cho chúng ta thấy Phật pháp quý trong lòng thành chứ không quý trọng tiền của nhiều. Bây giờ quý vị có tâm thành hướng về Tam bảo, luôn nghĩ lành, nói lời lành, làm điều lành là quý vị đã cúng dường Tam bảo rồi.
HỎI: Thưa thầy, do nghiệp nhân nào mà chúng con bị bệnh phong cùi?
ĐÁP: Kinh A Hàm Phật có dạy: Người đời trước hay làm khổ hay đánh đập chúng sanh thì đời này sanh ra bị yếu đau bệnh tật. Đời trước nếu hay giúp đỡ an ủi chúng sanh thì đời này sanh ra được khỏe mạnh tốt đẹp. Đó là Phật trả lời chung cho tất cả bệnh, không riêng về bệnh phong cùi. Nhưng theo tôi nghĩ thì phước quý vị ít, nghiệp đời quá khứ không được tốt nên bây giờ mới có bệnh tật. Song, đối với người hiểu đạo thì bệnh tật là cái nhân thúc đẩy quý vị tiến tu, không lấy đó làm buồn. Tại sao? Vì Phật nói thân này dù là mạnh hay đau cũng đều là ổ chứa vi trùng; không riêng gì người đau mới có vi trùng mà người mạnh cũng có vi trùng. Nếu người đau tỉnh giác, biết rõ thân này là bệnh tật, nổ lực tinh tấn tu thì bệnh tật là nhân tố thúc đẩy tu hành. Có nhiều người vì sướng quá sanh bê tha, tạo nghiệp bất thiện đời sau thọ khổ. Bây giờ quý vị tuy bệnh tật mà biết lợi dụng nó để tu hành, chẳng những ngay trong đời này hết khổ mà đời sau cũng an vui. Đó là tôi nói chung về bệnh tật. Còn riêng về bệnh phong cùi thì tôi chưa phải là người biết quá khứ vị lai nên không nói gốc từ đâu.
HỎI: Thưa thầy, quy y thọ năm giới, trong năm giới có giới cấm sát sanh. Chúng con nuôi gia súc để có phương tiện sinh sống, nếu đem bán thì gián tiếp sát sanh, nếu ăn thì trực tiếp sát sanh. Con không biết làm gì để sinh sống?
ĐÁP: Giới cấm sát sanh dành cho cư sĩ là cấm không cho giết người, không giết người là không phạm tội sát sanh. Giết người có ba cách: Thân giết là tay cầm vũ khí giết người, miệng giết là xúi bảo người giết, ý giết là vui mừng khi thấy người chém chết nhau. Nếu mắc phải ba lỗi đó thì phạm giới sát sanh. Còn đối với những con vật lớn như trâu, bò, heo... tránh giết được bao nhiêu là tốt bấy nhiêu. Vì không có phương tiện sinh sống nên phải nuôi, nó lớn lên đem bán để mua gạo mua thức ăn. Tuy biết bán rồi nó cũng chết, không trực tiếp giết nên tội nhẹ hơn cắt cổ nó.
HỎI: Thưa thầy, theo sách tử vi thì tướng số cố định hay thay đổi?
ĐÁP: Tướng và số không cố định, nó tùy theo tâm niệm và việc làm của người mà đổi thay. Đừng vì tướng xấu hay tử vi xấu mà bi quan buồn khổ. Con người sinh ra do có phước thành tựu ba mươi hai tướng tốt. Người do tạo nghiệp bất thiện ít phước mà có tướng xấu. Tuy nhiên tướng tốt hay xấu còn tùy theo hiện nghiệp mà có đổi thay. Xưa có ông thầy tướng số rất giỏi, bói là đúng, gần nhà ông có anh nông dân nghèo mà hiền lành, ngày nào anh đi làm ruộng cũng đi ngang qua nhà thầy tướng số. Một hôm trời mưa, anh nông dân ghé vào nhà thầy tướng số trốn mưa. thầy nhìn kỹ anh rồi lắc đầu nói: Tướng chú nghèo ba đời! Nghe nói, anh nông dân không lấy làm quan trọng. Thực tế anh nghèo, bây giờ thầy bói nói anh nghèo, chuyện đó quá bình thường. Anh chỉ cười không nói gì, hết mưa anh ra về. Những ngày sau anh cũng đi làm bình thường, bỗng một hôm trên đường đi, anh thấy sợi dây chuyền đứt nằm bên đường. Anh nghĩ của ai mới làm rớt, nếu mình không lượm thì người khác sẽ lượm, nên anh lượm sợi dây chuyền rồi ngồi tại đó chờ để trả lại cho chủ nó. Anh ngồi từ sáng cho đến chiều tối, bỏ buổi cơm trưa. Trời sẫm tối anh thấy có cô gái vừa đi vừa khóc, anh nghi bèn kêu lại hỏi:
- Cô có việc gì buồn mà phải khóc vậy?
Cô nói:
- Thưa chú, tôi được chồng đi hỏi có cho một sợi dây chuyền, tôi đeo đi trên con đường này đến thăm bà con, nó đứt hồi nào tôi không hay. Tới nơi mới biết nó mất nên tôi đi kiếm, nếu kiếm không được chắc tôi tự tử, vì sợ bên chồng nghi tôi cho ai, không thể giải bày được.
Nghe xong, anh nông phu đưa sợi dây chuyền ra hỏi:
- Có phải sợi dây chuyền này của cô không?
Cô gái mừng quá, nói:
- Đây chính là sợi dây chuyền của tôi bị rớt.
Anh nông phu nói:
- Nếu của cô, tôi xin trả lại cô. Tôi lượm khi sáng mà không biết chủ nó là ai để trả.
Nhận lại sợi dây chuyền cô gái không tự tử. Anh nông phu trả vàng cho cô gái, không thấy đó là việc làm quan trọng. Sau một thời gian anh cũng đi làm ruộng ngang qua nhà ông thầy tướng số. Hôm đó trời mưa, anh cũng ghé nhà thầy tướng số trốn mưa. Ông thấy anh, ngạc nhiên nói:
- Tướng chú sắp làm quan.
Anh nông dân nói:
- Cũng bác, hôm trước bác nói tôi mạt ba đời, nay bác lại nói tôi phát quan. Tại sao cũng là tôi cũng là bác, trước bác nói vầy sau bác nói khác?
Thầy tướng số nói:
- Tôi thấy có điều gì mới lạ. Chú hãy nói thật cho tôi nghe, từ ngày chú ghé nhà tôi tới giờ chú có làm việc gì phước đức quan trọng không?
Anh nông dân chất phác, ngồi kiểm lại việc làm của mình, anh không thấy anh làm việc gì quan trọng cả. Song, anh chợt nhớ tới việc anh đi ruộng, lượm sợi dây chuyền và trả lại cho cô gái. Anh kể cho thầy tướng số nghe. Thầy tướng số nói:
- Đó là phước chú, chú sắp làm quan.
Đúng như lời thầy tướng số nói, ba tháng sau trong làng chọn người hiền đức đưa lên làm xã trưởng thì anh nông dân là người được dân tín nhiệm bầu lên. Như vậy chúng ta thấy tướng số không cố định. Vì vậy trong sách tướng có bài kệ:
Hữu tâm vô tướng,
Tướng tự tâm sanh,
Hữu tướng vô tâm,
Tướng tùng tâm diệt.
Có tâm tốt mà không được tướng tốt thì nhờ tâm tốt sẽ phát ra tướng tốt. Có tướng tốt mà tâm không tốt thì tướng tốt dần dần cũng mất. Như vậy, tướng không cố định, mà tùy theo hành động, tùy theo tâm niệm của con người mà thay đổi. Nếu tướng xấu mà biết làm các điều lành việc tốt thì dần dần tướng xấu biến thành tốt. Nếu có tướng tốt ỷ mình tốt rồi ngạo mạn kiêu hãnh, dần dần cũng trở thành xấu. Mấy thầy coi tướng coi tay, họ hay nói thế này: Tay ông như vậy, tướng ông như vậy... nhưng sáu tháng sau coi lại. Người đi coi nghĩ rằng thầy bói muốn làm tiền, ông hẹn coi lại để ổng có tiền. Trong vòng sáu tháng mà làm phước nhiều hay tội nhiều thì tướng thay đổi. Tướng số không cố định, biến chuyển tùy theo hành động tốt xấu của con người. Tương đối nó chỉ đúng phần nào trong trường hợp người không làm điều gì đặc biệt, nếu người có làm việc đặc biệt hoặc thiện hoặc ác thì tướng thay đổi hoặc tốt hoặc xấu hơn.
Đó là tôi nói về tướng, bây giờ tôi nói về số. Giả sử có người lấy tử vi hồi mười lăm, mười bảy tuổi. Trong tử vi nói người đó sau này có ba đứa con và hai đời vợ. Nhưng tới hai mươi tuổi người đó đi tu. Người đó tu suốt đời thì không có ba đứa con và hai đời vợ. Như vậy là tử vi nói không đúng. Người thay đổi việc làm thì số cũng thay đổi. Tướng và số hiện theo nghiệp của con người. Nếu nghiệp chuyển thì tướng số cũng theo nghiệp chuyển theo, làm ác thì tướng số tốt tự mất, làm lành thì tướng số xấu tự mất. Nếu muốn chuyển nghiệp ác thì ngay đây chuyển nghiệp ác thành thiện. Giả sử người có tướng xấu mà làm thiện thì đâu có thiệt thòi. Nếu tướng xấu mà làm thiện thì tướng tốt sẽ hiện và nếu đã có tướng tốt mà làm thiện thì tướng càng tốt thêm. Như vậy, dù tướng số xấu hay tốt làm việc thiện là hơn cả. Phật dạy: Nghiệp thiện là đưa người đến chỗ tốt, hãy lo chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện. Không sợ tướng số xấu mà chỉ sợ mình không làm thiện, không có tâm tốt. Tâm tốt, làm lành thì mọi điều xấu đều chuyển thành tốt.
HỎI: Thưa thầy, Phật ra đời dưới gốc cây vô ưu. Trong sách Nho cũng có câu "Học đạo vô ưu". Vậy vô ưu của cây vô ưu và vô ưu bên sách Nho có đồng nghĩa không?
ĐÁP: Vô ưu trong sách Nho là không buồn không lo. Người học đạo mà còn lo buồn thì học đạo không tiến. Không lo buồn thì mới tiến đạo. Còn cây vô ưu là cây tượng trưng cho mọi lo phiền đã hết. Hai chữ tuy đồng âm mà nghĩa thì có khác đôi chút.
HỎI: Thưa thầy pháp Vô là thế nào?
ĐÁP: Nói theo hệ Bát-nhã là: "Vô sanh vô bất sanh". Theo con mắt của người phàm tục thì thấy vạn vật thật có sanh thật có diệt. Vì vậy mà muốn tìm cái vô sanh. Nhưng cái vô sanh ở đâu? Ví dụ cái bàn, trước khi chưa được thợ mộc cưa, bào, đục gỗ và dùng đinh đóng lại thì không có cái bàn. Bây giờ đã được thợ mộc cưa, bào, đục đóng gỗ thành cái bàn, thì nói cái bàn mới sanh. Như vậy, cái bàn thật có sanh không? Nếu biết rõ cái bàn này là tướng duyên hợp tạm có, hư dối không thật sanh đó là thấy lý vô sanh. Theo mắt phàm phu đối với thân con người, khi lọt lòng mẹ thì thấy thật sanh, khi ngừng thở thấy là thật tử. Nếu chúng ta nhìn thân ta thấy tóc, răng, xương... là đất; máu, nước mắt, mồ hôi, nước tiểu là nước; hơi thở là gió, hơi ấm là lửa, hoặc nhìn qua từng tế bào kết hợp thì cái gì thật là ta? Chẳng qua do duyên cha mẹ và thần thức hội đủ thì tạm có thân và tạm nói là sanh. Xét theo lý nhân duyên thì duyên hợp tạm nói là sanh, chớ có sanh thật đâu? Nếu không có thật sanh thì đâu có thật tử. Vậy, quý vị thấy sanh và tử thật hay không thật? Tôi nói sanh và tử không thật. Tại sao? Vì trước tứ đại hợp lại tạm gọi là sanh, nay tứ đại tan rã tạm gọi là tử. Chỉ có duyên hợp và duyên tan mà thôi, nào có sanh tử thật? Giống như dùng phương tiện ráp lại thì thành cái bàn. Những dụng cụ làm nên cái bàn vẫn còn đó không mất, chỉ giả tướng cái bàn mất thôi. Thân người cũng vậy, đất, nước, gió, lửa hợp lại tạm có thân gọi là sanh; khi hơi thở trả về với gió, hơi ấm trả về với lửa, máu tủy... trả về với nước, tóc xương răng... trả về với đất tạm gọi là tử. Đất, nước, gió, lửa vẫn còn đó nào có mất đâu? Chỉ có giả tướng của thân là mất thôi. Nếu thấy rõ sanh là tạm sanh, tử là tạm tử thì ngay trong cái tạm sanh, thấy được cái vô sanh. Không thể tìm lý vô sanh ngoài cái sanh tử ấy.
HỎI: Thưa thầy, trong kinh nói: Bồ-tát học tất cả mà không chấp không chướng ngại, giác ngộ tất cả pháp mà không chấp không chướng ngại. Vậy các pháp là cái gì mà giác ngộ?
ĐÁP: "Pháp" là "cái" chỉ cho tất cả mọi sự vật ở thế gian. Biết tất cả pháp là biết tất cả sự vật ở thế gian, như biết về thiên văn, địa lý, triết học, trồng cây, cất nhà, dạy học... Thông thường người đời biết cái gì cũng cho là sở đắc của mình, chấp vào cái biết của mình, rồi tự cao ngã mạn thấy mình hay giỏi hơn thiên hạ. Còn Bồ-tát biết tất cả, mà không vì cái biết đó mà sanh ra kêu mạn hay tự hào, vẫn an nhiên thấp mình thương người, đó là cái hạnh của Bồ-tát. Vì vậy mà nói học tất cả pháp, biết tất cả pháp mà không chướng ngại. Ở thế gian, chỉ cần giỏi một nghề là có tự cao ngã mạn rồi, nên luôn luôn bị chướng ngại. Nếu biết tất cả như Bồ-tát thì ngã mạn tới mức nào?
HỎI: Thưa thầy, trong Thiền sư Trung Hoa, có một Thiền sư gọi một vị Ni là con trâu cái già và đòi đạp đổ giường thiền. Tại sao tu mà có những lời lẽ thóa mạ không được thanh nhã như vậy?
ĐÁP: Đây là câu chuyện đối đáp giữa Tổ Quy Sơn và bà Lưu Thiết Ma. Bà Lưu Thiết Ma một hôm đến núi Quy ra mắt Tổ Quy Sơn. Vừa thấy bà, Tổ nói:
- Con trâu cái già ngươi mới đến!
Câu nói thật chát lỗ tai!
Bà trả lời:
- Ngày mai Hòa thượng có đi thọ trai ở Ngũ Đài Sơn không?
Tổ liền nằm xuống giả vờ ngủ. Bà xoay lưng đi.
Đọc Thiền sư Trung Hoa tới đoạn này ai cũng bực bội, trách Thiền sư lỗ mãng quá! Nhưng không ngờ đây là lối đối đáp rất lý thú. Thiền tông có cái thuật đặc biệt là Thiền khách đến hỏi đạo, Thiền sư đáp, một là đưa Thiền khách lên, hai là hạ Thiền khách xuống. Nếu Thiền sư đưa Thiền khách lên, Thiền khách phải biết hạ Thiền sư xuống, nếu Thiền sư hạ Thiền khách xuống, thì Thiền khách phải biết đưa Thiền sư lên. Như vậy là hai bên thông cảm nhau. Nếu đưa lên thì vui mà hạ xuống thì giận, đó là phàm phu. Ở đây bà Lưu Thiết Ma vừa tới, Tổ hạ bà xuống bằng câu "Con trâu cái già ngươi mới đến", bà liền đưa Tổ lên "Ngày mai Hòa thượng có đi thọ trai ở Ngũ Đài Sơn không?". Tổ biết bà là người đối thủ rồi. Tổ giả vờ nằm ngủ, bà xoay lưng đi. Hiểu được thì rất lý thú. Nếu không hiểu, thấy nói thô lỗ, bực bội, bỏ ra về thì Thiền khách chỉ là kẻ phàm phu chưa hội được lý thiền.
Còn đạp đổ giường thiền là chuyện của ngài Quán Khê đến Ni sư Liễu Nhiên. Thời bấy giờ là thời trọng nam khinh nữ, đa số chư Tăng đều xem thường chư Ni, nên khi nghe nói Ni sư Liễu Nhiên tu ngộ đạo, Ngài không tin, đi du phương đết Mạt Sơn tự nói: "Nếu tương đương thì ở, chẳng vậy thì xô ngã giường thiền". Đó là lối dọa dẫm coi và đối đáp có thông không. Nào ngờ Ni sư Liễu Nhiên là người cao tay ấn, rốt cuộc Ngài phải đầu hàng và xin làm tri viên ba năm.
HỎI: Trong kinh Duy Ma Cật nói: Bồ-tát thương chúng sanh như vợ chồng trưởng giả thương con một; con bệnh thì cha mẹ cũng bệnh theo. Chúng sanh bệnh thì Bồ-tát cũng bệnh. Đó là tâm đại bi của Bồ-tát. Trong chuyện tiền thân của Phật, có một kiếp Ngài làm Thái tử tu hạnh bố thí Ba-la-mật. Thái tử bố thí hết của cải trong kho của vua cha, rồi bố thí con bạch tượng là quốc bảo của quốc gia, khiến cho quần thần phản đối nên Thái tử bị đày vô núi rừng. Đi dọc đường, của cải đem theo, ai xin Thái tử cũng cho, cho cả xe ngựa, chỉ còn có vợ và hai con, Thái tử dẫn lên núi ở. Sau đó có người đến xin hai đứa con. Hai con sợ cha cho, nên một đứa trốn dưới ao sen, một đứa ôm chân Thái tử khóc không chịu đi. Vật bố thí gồm có ngoại tài và nội tài, ngoại tài là những vật thuộc quyền sở hữu của Thái tử, cho hết cũng được, còn nội tài như mắt, tai, óc, tủy... cho hết cũng được, vì nó thuộc quyền sở hữu của Thái tử. Còn con và vợ chẳng phải ngoại tài cũng chẳng phải nội tài, không hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của cha và chồng. Hai đứa con biết cho nó cho người lạ là nó sẽ bị làm tôi tớ khổ sở, nên không chịu đi, vậy mà Thái tử vẫn cho. Sự việc này, đứng trên phương diện thế gian thì có phần xót xa đau đớn ở nơi người bị cho. Thưa thầy, đây là chuyện ẩn dụ hay thật đã xảy ra?
ĐÁP: Bồ-tát tu Lục độ Ba-la-mật là bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ. Ba-la-mật là viên mãn, cùng tột. Khi phát nguyện tu một hạnh nào trong sáu hạnh là phải thực hành rốt ráo thì mới tròn hạnh nguyện, nếu tu còn một chút chưa xong thì chưa gọi là Ba-la-mật, chưa rốt ráo viên mãn. Ở đây, Thái tử nguyện tu bố thí Ba-la-mật, nghĩa là buông xả tất cả không lẫn tiếc một món gì. Nếu người xin mà không cho thì chưa gọi là bố thí Ba-la-mật. Thái tử đang thực hành hạnh bố thí Ba-la-mật, đây muốn nói lên ý nghĩa Bồ-tát khi tu hạnh nào, dù hạnh đó có khó làm thế mấy cũng phải làm cho kỳ được. Cảnh con sợ, một đứa trốn dưới ao sen, một đứa ôm chân Thái tử khóc là cảnh tượng làm cho lòng Thái tử dày vò khổ đau mà Thái tử vẫn phải cho. Việc này đâu phải dễ làm! Nếu không phải Bồ-tát đang tu pháp bố thí Ba-la-mật thì không thể làm được. Đây không đặt nặng từ bi mà chỉ nhấn mạnh ý nghĩa bố thí Ba-la-mật là phải thực hành cho rốt ráo. Nghĩa là tu hạnh nào là phải rốt ráo hạnh đó. Chúng ta với mắt thịt tâm phàm, đôi lúc thấy các vị tu hành đối xử với đệ tử hay thân nhân bất nhẫn quá, không chịu nổi! Nhưng chúng ta đâu ngờ các Ngài đang thực hiện Bồ-tát hạnh, nguyện làm là phải cho viên mãn.
HỎI: Thưa thầy, việc làm của Thái tử có phải là Tối thượng thừa không?
ĐÁP: Đó là hạnh bố thí trong Lục độ Ba-la-mật. Nếu tu một hạnh nữa vời thì không tới chỗ cứu cánh, mà công hạnh chưa cứu cánh thì làm sao thành Phật? Vì vậy phải thực hành cho đến chỗ viên mãn, dù cho việc làm có khó xử, có giằng co cũng phải làm cho kỳ được.
HỎI: Thưa thầy, ở đây nói Bồ-tát có hạnh nguyện tức là "có chuyện". Chỗ khác nói: giáo môn có ba cửa giải thoát là: không, vô tướng, vô nguyện. Vậy "có nguyện" ở trước và "vô nguyện" ở sau, nguyện ấy có khác nhau không?
ĐÁP: Có khác, nguyện của Bồ-tát là thực hiện cho viên mãn sáu pháp Ba-la-mật; đó là hạnh tu. Còn không, vô tướng, vô nguyện là chỉ cho nguyện của phàm phu. Các pháp ở thế gian không có tự tánh cố định, chỉ là tướng hư dối nên nói là vô tướng. Đã là tướng hư dối thì dù có ước mơ mong cầu, cũng là không thật, nên nói là vô nguyện. Đây là trường hợp phá chấp thế gian.
HỎI: Thưa thầy, Lục độ Ba-la-mật có phải là một hay là sáu pháp khác nhau?
ĐÁP: Sáu pháp có liên hệ với nhau, nhất là liên hệ với trí tuệ Ba-la-mật. Năm pháp trước muốn được viên mãn mà không có pháp thứ sáu là trí tuệ Ba-la-mật thì không được viên mãn. Vì vậy nên nói trong sáu pháp Ba-la-mật, trí tuệ Ba-la-mật là đầu. Liên hệ là liên hệ trí tuệ Ba-la-mật.
HỎI: Thưa thầy, trong sáu pháp Ba-la-mật, pháp nào giúp cho người tu tiến hóa?
ĐÁP: Pháp nào cũng giúp cho người tu tiến mạnh mẽ, nhưng e người thế gian tiến không nổi. Chỉ một pháp bố thí Ba-la-mật như trước đã nói, người đời không làm được vì bị lương tâm cắn rứt và sợ thế gian phê phán, ngại không dám làm.
HỎI: Thưa thầy, trong Lục độ Ba-la-mật thì có Bát-nhã Ba-la-mật, trong Thập độ thì có trí Ba-la-mật. Xin thầy phân biệt Bát-nhã Ba-la-mật và trí Ba-la-mật.
ĐÁP: Thập độ Ba-la-mật là phần chia chẻ thêm, Bát-nhã là trí tuệ. Trong phần thập độ chia Bát-nhã thành hai là quán chiếu Bát-nhã và Thể tánh Bát-nhã. Sau khi dùng trí tuệ quán chiếu rồi, phải nhập được thể Bát-nhã. Đây cũng là lối chia chẽ.
HỎI: Thưa thầy, trong kinh nói muốn tiến đạo là phải vượt khỏi bộc lưu. Thưa thầy, bộc lưu là gì?
ĐÁP: Bộc là bạo, lưu là dòng nước chảy xiết. Tình cảm, ái trước thường dụ là dòng bộc lưu, hoặc nghiệp thức cũng dụ là dòng bộc lưu. Tất cả chúng sanh trên đời này bị trôi lăn trong vòng sanh tử gốc từ ái nhiễm. Ái nhiễm có một sức mạnh cuốn phăng con người đưa vào sáu nẻo luân hồi không có ngày dừng. Giống như dòng nước mạnh chảy xiết cuốn phăng đi những gì rơi trong dòng nước. Người tu muốn thoát khỏi dòng nước thương yêu là phải xa lìa ái nhiễm.
Nghiệp thức cũng dụ là bộc lưu. Trong Duy thức học dụ những niệm vi tế sanh diệt ở trong A lại da thức giống như dòng nước chảy, hạt nước trước hạt nước sau liên tục cuồn cuộn chảy xiết không dừng. Người còn mê thì vọng tưởng dấy khởi chạy theo vọng tưởng. Khi tỉnh biết đó là vọng tưởng không theo thì vọng tưởng lặn. Lúc vọng tưởng lặn rồi nhìn sâu hơn, thì thấy những gợn lăn tăn sanh sanh diệt diệt không dừng, không thể phân tích, cũng giống như dòng nước không thể tách ra từng hạt nước được.
Các bài mới
- Những cánh hoa đàm (Phần 03) - 20/05/2020
- Mình là cái gì - 18/05/2020
- Pháp yếu tu thiền - 02/05/2020
- Những cánh hoa đàm (Phần 01) - 17/04/2020
- Tại sao chúng ta phải ngồi thiền - 13/02/2020
Các bài đã đăng
- Trí thức và trí tuệ - 03/02/2020
- Ý nghĩa ngày Phật thành đạo - 26/12/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt4) - 19/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt3) - 11/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt2) - 04/09/2019
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 90713
- Online: 37