Những cánh hoa đàm (Phần 06)
09/06/2022 | Lượt xem: 1598
HT.Thích Thanh Từ
HỎI: Thưa Thầy, người thế tục và người tu hành, ai cũng mưu cầu hạnh phúc. Người đời tìm hạnh phúc ở bản năng thì sa vào tội lỗi. Người tu tìm hạnh phúc là phải khép mình hành khổ hạnh ở chốn núi rừng xa xăm vắng vẻ. Trong sự tìm cầu hạnh phúc dường như không ai bắt gặp được hạnh phúc. Phải chăng chỉ có bậc Thánh mới có hạnh phúc chân thật, người phàm thì không có phần?
ĐÁP: Phàm hay Thánh nếu khéo biết, đều có hạnh phúc. Không phải chỉ Thánh mới có hạnh phúc, mà phàm vô phần. Sở dĩ người ta đau khổ là vì đang ở trong hạnh phúc mà không chịu hưởng, cứ kiếm tìm. Nếu chúng ta ngồi đây mà tâm không lo nghĩ, không sợ sệt, không buồn rầu thì có hạnh phúc không? Ngay đây là hạnh phúc. Quý vị khổ là vì đang ngồi đây mà nhớ chuyện ở nhà, chẳng biết các con mình ở nhà có đi chơi rong không? Có kẻ xấu tới dụ dỗ lường gạt các con mình không? Tâm cứ lo lắng bồn chồn không an, thì làm sao có hạnh phúc? Giả sử như trong gia đình, vợ chồng con cái đang quây quần bên mâm cơm, qua câu chuyện đạo bằng lời hiền lẽ phải với nhau thì hạnh phúc biết bao nhiêu. Ngược lại, lúc nói chuyện mà chồng ý này, vợ ý nọ, con ý kia không ai đồng ý với ai, mặc dù cùng nói chuyện mà ý ngấm ngầm chống đối không hòa thuận nhau. Tuy gia đình họp mặt ăn uống, mà ý cứ ngấm ngầm chống đối, thì đâu có hạnh phúc. Nếu chúng ta buông được ý niệm riêng tư, sống với hiện tại thì lúc nào hạnh phúc cũng tràn trề. Hằng ngày, qua buổi công tác mệt nhọc, quý vị tắm rửa xong, hoặc nằm trên ghế bố hoặc ngồi dưới gốc cây, tâm không lo buồn nghĩ ngợi thì lúc đó có hạnh phúc không? - Hạnh phúc tràn trề. Ngược lại nếu thân nằm đó mà tâm cứ chạy ngược chạy xuôi, nhớ đứa con này làm buồn, nhớ người láng giềng nọ không tốt... Lúc nào cũng có niệm buồn phiền bất an, nên không có hạnh phúc. Vì vậy mà đi tìm hạnh phúc, tìm không biết bao giờ mới gặp? Vì không chấp nhận sống với cái mình đang có và sống với hiện tại. Bây giờ quý vị đừng đợi làm Thánh để được hạnh phúc mà ngay giờ nào sống với việc nấy thì luôn luôn hạnh phúc. Khi ăn cơm vui trong việc ăn cơm. Khi làm việc thì vui trong công việc. Làm việc gì là vui với việc nấy, không để tâm nghĩ vơ nghĩ vẩn thì an vui hạnh phúc vô cùng. Vua Lý Thái Tôn đến viếng Thiền Lão Thiền sư. Vua hỏi:
- Hòa thượng trụ núi này đã được bao lâu?
Sư đáp:
"Chỉ biết ngày tháng này,
Ai rành xuân thu trước".
Ngài hạnh phúc tràn trề, chỉ biết ngay bây giờ thôi. Chúng ta vì không sống với hiện tại nên không có hạnh phúc. Đang ngồi đây mà nuối tiếc việc quá khứ, mong cầu việc tương lai. Chẳng hạn chúng ta trồng cây cam, cứ nhìn nó mong nó có hoa có trái, thấy hoa trái rụng lòng không vui. Sống như vậy làm sao có hạnh phúc? Lúc nào chúng ta cũng muốn mọi sự việc như ý mình. Sự việc thì tùy duyên, khi đủ duyên tốt thì thành tốt, không đủ duyên tốt thì thành xấu. Chúng ta làm việc gì cứ làm hết sức, còn thành tựu thì tùy thời tiết nó thành. Vì làm việc gì chúng ta cũng mong cho thành tựu như thế này như thế kia. Hoặc sống ngày nay không sống trọn vẹn với ngày nay, mong mai kia sẽ có việc lạ xảy ra. Hoặc sống năm nay lại mơ ước năm tới được phát tài, phát lợi... Cứ mơ ước hoài, mơ ước cho tới già gần chết thì sợ. Sống như vậy làm sao có hạnh phúc? Hết mong rồi nhớ, nhớ lại thời tráng niên trẻ trung tài ba oanh liệt, hồi tưởng quá khứ thì tiếc rẻ. Cứ như thế mà bất an, không có phút giây hạnh phúc.
Quý phật tử nên tập sống ngày nay thì vui với ngày nay, bằng lòng với hiện tại, với công việc hiện có của mình. Sống như thế mới có hạnh phúc. Nếu không chấp nhận hiện tại, không bằng lòng với cái mà mình đã có, lại cứ mơ ước tương lai hoài vọng quá khứ, thì không bao giờ có hạnh phúc, cứ khổ mãi. Trong kinh Kim Cang Phật có dạy: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc". Tức là không chạy theo tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai, mà phải an nhiên trong giờ phút này đó là hạnh phúc. Người phàm mà biết sống như vậy đâu không có hạnh phúc?
HỎI: Thưa Thầy, trong tứ đại hạnh có báo oán hạnh. Vậy báo oán hạnh là sao?
ĐÁP: Báo oán hạnh trong Thiếu Thất Lục Môn có giảng kỹ. Đây tôi chỉ nói đại ý cho quý vị hiểu thôi. Báo oán hạnh là hạnh trả thù. Chư Tổ dạy tu sao dạy trả thù? Thường thì trong kinh Phật dạy tất cả mọi oán hận, người tu chúng ta phải bỏ và nên lấy ân để báo oán, chớ đừng lấy oán báo oán. Vậy chư Tổ tu theo Phật, dạy báo oán bằng cách nào? Ví dụ người có tâm ích kỷ hay lấn hiếp bạn bè, họ làm ăn chung với quý vị, khi chia lời, lẽ ra chia mỗi người 50% như nhau. Nhưng họ lại giành 60% chia cho quý vị 40%. Bây giờ quý vị muốn trả thù họ, phải làm sao? Thay vì họ muốn 60%, quý vị vui vẻ nhường họ 80%. Trả thù như vậy là hết oán. Lại có người tâm hay tật đố, thấy mình có gì hơn họ, họ đều đố kỵ. Muốn trả thù người có tâm tật đố, phải làm sao? Cái gì họ muốn mình vui vẻ cho họ thì họ hết tật đố. Người đời bị đối xử bạc ác thì họ oán thù, họ làm khổ lụy lại bằng hoặc hơn họ mới hả dạ. Ngược lại người tu khi bị người làm khổ lụy, thì mình phải làm cho họ vui, cho họ sung sướng hơn. Người làm khổ mình, mình trả lại họ bằng cái vui. Đó là hạnh báo oán mà Tổ Bồ-đề-đạt-ma đã dạy trong Thiếu Thất Lục Môn.
HỎI: Thưa thầy, "Sắc không tự là sắc, do tâm cho nên có sắc. Tâm không tự là tâm, do sắc nên có tâm". Nghĩa này thế nào?
ĐÁP: "Sắc không tự là sắc, do tâm cho nên có sắc". Tôi ví dụ để giải nghĩa, cây này được gọi là hoa mai. Vậy từ đâu mà có tên hoa mai? Từ tâm. Cây hoa mai là sắc tướng, hoa mai vàng, đẹp, quý, tiện v.v... đều từ tâm phân biệt của người mà có. Nếu không có tâm phân biệt thì cây này không có tên hoa mai. Vậy sắc tướng lớn, nhỏ, đẹp, xấu đều từ tâm mà có. "Tâm không tự là tâm, do sắc nên có tâm". Nếu không có sắc thì không khởi tâm phân biệt. Vì có sắc nên tâm dấy khởi phân biệt lớn, nhỏ, đẹp, xấu... Nếu không có sắc thì tâm phân biệt cái gì? Không phân biệt cái gì thì không có tâm. Bởi có sắc nên có tâm phân biệt. Vì vậy mà nói "Sắc không tự là sắc, do tâm cho nên có sắc".
HỎI: Thưa Thầy, trong đạo Phật bắt buộc tất cả mọi người tu, ai ai cũng phải thọ giới cụ túc hay sao?
ĐÁP: Cụ túc giới là giới điều của Tỳ-kheo gồm 250 giới, Tỳ-kheo-ni 348 giới. Đó là phần luật quy định tư cách của người xuất gia theo một đường lối rõ ràng. Phải thực hành đúng những điều luật Phật quy định mới đủ tư cách của một Tỳ-kheo, hay Tỳ-kheo-ni, mới đủ giới hạnh hướng dẫn cho người tu hành. Nếu thực hành không đúng giới luật quy định thì chưa xứng đáng lãnh đạo hướng dẫn cho người tu theo. Do đó người xuất gia phải thọ cụ túc giới là vậy. Đối với người xuất gia giới luật là một sự bắt buộc, chớ không phải là tự ý. Tuy nhiên cũng có một vài trường hợp ngoại lệ. Giữ tròn giới luật mới đủ tư cách của người hướng đạo, hướng đạo mà không đủ tư cách thì không xứng đáng, người học đạo không phục không theo thì không hướng dẫn được.
HỎI: Thưa Thầy, "Nhất niệm vạn niên" là sao?
ĐÁP: Nhất niệm vạn niên nghĩa là một niệm là muôn năm. Tại sao một niệm là muôn năm? Đứng về mặt thời gian, một niệm là khoảng thời gian ngắn nhất. Tâm vừa khởi nghĩ đó là một niệm, khoảng thời gian tích tắc của đồng hồ rất ngắn. Còn muôn năm thì quá dài. Thời gian ngắn thời gian dài, trên lý đạo thì nó không thật. Ngắn hay dài là do khái niệm của con người đặt ra. Cũng như nói giờ, phút, giây là do người chia cắt thời gian mà thành, hoặc nói ngày, tháng, năm là do căn cứ trên chu kỳ quay của trái đất quanh mặt trăng, quanh mặt trời mà định ngày, tháng, năm. Trái đất cứ quay, nó không tự nói ngày tháng năm gì cả. Song người đời định đặt ra để hiểu với nhau. Thời gian là do khái niệm con người định đặt, chớ không có thật. Bản chất của thời gian đã không thật thì dù có ngắn hay dài, một niệm hay muôn năm cũng như nhau, chỉ là pháp không thật. Đó là thấy theo tinh thần Bát-nhã.
Theo cái thấy của Thiền gia thì khi tâm an nhiên thanh tịnh, không còn dấy động nữa, lúc đó là niệm không sanh không diệt, nếu không sanh không diệt thì muôn năm cũng như vậy thôi. Lục Tổ nói: "Vô niệm tắc tử", nghĩa là không có niệm là chết. Nhưng niệm đó là gì? Tôi hiện thấy rõ tâm mình thanh tịnh an nhiên đó là niệm. Vì niệm đó không sanh không diệt thì một niệm là muôn năm rồi, đâu có chặn ngăn cách khoảng ngắn dài khác nhau. Vì vậy khi tới chỗ tâm thể nhất như rồi thì nói "Một niệm là muôn năm, muôn năm chỉ là một niệm".
HỎI: Thưa Thầy, trong kinh có nói hai loại sanh tử là biến dịch sanh tử và phần đoạn sanh tử. Nghĩa ấy như thế nào?
ĐÁP: Phần đoạn sanh tử chỉ cho sự sống chết của phàm phu. Còn biến dịch sanh tử thì thuộc về Tiểu thừa. Con người phàm phu khi chết thì thân thịt xương rã ra từng phần từng đoạn nên gọi là phần sanh tử. Còn Nhị thừa tu, khi chứng quả Tu-đà-hoàn, cố gắng tu nữa sẽ tiến lên Tư-đà-hàm, nếu tiến tu nữa sẽ chứng quả A-na-hàm và tiến tu nữa sẽ chứng quả A-la-hán. Mỗi lần tiến từ quả thấp lên quả cao là một lần biến chuyển nên gọi là biến dịch sanh tử. Vì đang là quả Tu-đà-hoàn mà tiến lên quả Tư-đà-hàm, thì quả Tu-đà-hoàn phải mất, gọi đó là tử và lên Tư-đà-hàm gọi đó là sanh. A-na-hàm và A-la-hán cũng thế.
HỎI: Thưa Thầy, kinh Thủ Lăng Nghiêm có nói mặt trăng thứ nhất, thứ hai. Vậy những mặt trăng ấy biểu trưng cho cái gì?
ĐÁP: Nói về mặt trăng thì có mặt trăng thứ nhất, mặt trăng thứ hai, mặt trăng thứ ba. Mặt trăng thứ ba thì ít nói, mặt trăng thứ nhất thứ hai thì thường đề cập. Tôi nhắc lại hình ảnh của mặt trăng. Mỗi tối vào ngày mười bốn, rằm, mười sáu, chúng ta thấy mặt trăng nguyên vẹn đó là mặt trăng thứ nhất. Với người bị bệnh mắt thấy chấp chóa, nhìn lên bầu trời thấy có mặt trăng thứ hai bên cạnh mặt trăng thứ nhất. Còn mặt trăng thứ ba là bóng trăng hiện dưới nước. Mặt trăng thứ nhất dụ cho tánh giác sẵn có nơi mỗi chúng sanh, kinh Thủ Lăng Nghiêm gọi là "Nhất tinh minh". Mặt trăng thứ hai dụ cho cái biết của sáu căn đó là tánh thấy, tánh nghe... là lục hòa hợp. Còn ý thức phân biệt dụ cho mặt trăng thứ ba. Hiện tại, chúng ta đang sống với mặt trăng thứ mấy? Thứ ba. Xa quá! Bao giờ chúng ta sống với tánh thấy tánh nghe... đó là sống với mặt trăng thứ hai. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy chúng ta phải "Phản văn văn tự tánh", tức là khi nghe biết mình đang nghe, có tánh nghe, không chạy theo âm thanh, đó là sống với mặt trăng thứ hai bên cạnh mặt trăng thứ nhất. Tôi thường ví dụ trong nhà có bóng đèn néon sáng, xung quanh nhà có sáu cửa vuông, tròn, lớn, nhỏ khác nhau. Đứng ở ngoài nhìn vào nhà, thấy ánh sáng rọi ra theo hình dáng của sáu cửa lớn, nhỏ, vuông, tròn khác nhau. Khi vào nhà thì chỉ có một ngọn đèn sáng duy nhất rọi ra sáu cửa. Sáu cửa dụ cho lục hòa hợp, hay sáu căn. Còn ngọn đèn sáng dụ cho Nhất tinh minh, hay mặt trăng thứ nhất. Chúng ta muốn trở về với tánh giác là phải nhớ mình có tánh nghe tánh thấy... qua các căn để dần dần thể nhập tánh giác.
HỎI: Thưa Thầy, câu "Nói viên giác mà trọn ngày không Viên giác, đó là bệnh của phàm phu". Xin Thầy chỉ cho cái bệnh của phàm phu mà ở đây chê.
ĐÁP: Ví dụ: Có người hễ mở miệng ra là nói: các pháp là hư dối, các pháp là huyễn hóa, nhưng khi ăn, gặp món dở thì chê không ăn. Ngủ, giường không nệm thì không ngủ. Người sống như thế có Viên giác không? Miệng lúc nào cũng nói Viên giác, khi đối duyên xúc cảnh bất như ý thì sân si dấy khởi, người như thế là miệng nói Viên giác mà tâm phàm phu không chút tỉnh giác. Đó là lời chê người học đạo chỉ nói được mà không làm được.
HỎI: Thưa Thầy, Lục Tổ nói: "Tu chỉ cốt kiến tánh". Có phải kiến tánh là nhận ra tánh giác chân thật có sẵn nơi mình không? Chẳng hạn như các con đọc kinh luận, biết nơi mình có chân tâm Phật tánh, có phải như vậy là kiến tánh khởi tu không?
ĐÁP: Kiến tánh là những trường hợp như sau: Người thấy được nhân không sanh diệt, cũng tạm gọi là kiến tánh, nhưng kiến tánh đó chỉ mới là kiến tánh của cái nhân. Còn người tu tới chỗ viên mãn tâm thanh tịnh, bừng sáng thấy tường tận hết, đó là kiến tánh trên quả. Kiến tánh của cái nhân tạm dụ cho người ở ngoài thấy ánh sáng từ trong nhà phát ra các cửa, nhờ thấy ánh sáng mà biết trong nhà có đèn sáng, chứ chưa thấy ánh sáng phát ra từ ngọn đèn, chưa phải là thấy tột cùng. Song cũng tạm gọi là kiến tánh, kiến tánh đó còn yếu chưa tròn. Khi vào nhà thấy rõ ngọn đèn tỏa ra ánh sáng, mới là cái thấy tột cùng, là cái thấy thật. Kiến tánh của Lục Tổ là vào nhà thấy ngọn đèn tỏa ra ánh sáng. Kiến tánh của chúng ta hiện tại là thấy ánh sáng tỏa ra cửa, rồi tin có đèn, chứ chưa thấy đèn sáng. Kiến tánh của chúng ta nếu gặp duyên không tốt thì bị lui sụt.
HỎI: Thưa Thầy, người Phật tử phát tâm tu, khi nghiệp quả đến có thay đổi từ nặng sang nhẹ như lời dạy trong kinh sách, hay chỉ là lời an ủi, chẳng hạn như nói "hao tài thì không tản mạng" để trấn an Phật tử?
ĐÁP: Câu "Hao tài thì không tản mạng" đa số người nói theo sự an ủi nhiều hơn, chớ lẽ thật thì không hẳn như vậy. Vì trong cuộc sống con người lúc hưng thịnh thì điều vui đến với chúng ta nhiều, lúc suy vi thì buồn phiền cũng đến nhiều với chúng ta. Con người ai cũng có lúc thịnh lúc suy, không ai cả cuộc đời thịnh mà cũng không ai cả cuộc đời suy. Khi có việc không vui xảy ra với mình bạn bè tới an ủi "Tai nạn nhỏ cứu tai nạn lớn là nhờ tu". Đó là phỏng nói, chớ người nói nào có rõ lẽ thật ra sao? Tôi nhắc cho quý Phật tử nhớ điều này, tất cả mọi sự việc vui buồn xảy ra trong đời mình là do nhân quả. Nhân quả quan hệ tới ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai; quá khứ đã qua không thấy được, vị lai thì chưa đến, hiện tại là cái mốc rất quan trọng, là chỗ thừa kế nghiệp quá khứ, mà cũng là chỗ gây tạo quả vị lai. Vì vậy, người hiểu đạo ngay trong cuộc sống hiện tại này, phải chấp nhận bằng cách nào? Ví dụ chúng ta sanh ra trong gia đình ấm no sung túc, chúng ta biết đó là do nghiệp lành đời trước mình đã tạo, bây giờ mình hưởng. Nên khi hưởng không tự hào không phách lối, để dành công đức về sau. Vì không phải ngẫu nhiên mà mình được giàu sang, hay ngẫu nhiên mà được sung túc. Giàu sang sung túc là do nhân tốt mà mình đã tạo từ trước, không để mất.
Nếu chúng ta sanh ra trong gia cảnh nghèo khó khổ sở, chúng ta biết do nghiệp quá khứ mình tạo không tốt, nên đời này phải chấp nhận lãnh quả khổ, vui mà trả quả chứ không than trách trời đất hay oán trách ai cả. Trong lúc trả quả xấu của quá khứ, phải biết tạo nhân lành trong hiện đời để vị lai không khổ nữa.
HỎI: Thưa Thầy, lúc Phật còn tại thế, một hôm Ngài cùng các Tỳ-kheo đi khất thực trở về tinh xá. Có hai thầy trò ngoại đạo đi theo sau Phật. Trên đường đi, thầy thì dùng đủ lời chê bai chỉ trích Phật, ngược lại trò cũng tìm đủ cách để tán thán Phật. Các vị Tỳ-kheo cùng đi với Phật thắc mắc bàn tán tại sao cũng là đức Phật mà thầy thì thì chê trò lại khen? Nhân đó Phật nói: Người thầy chỉ trích Phật như thế không đúng và người trò tán thán Phật như thế cũng không đúng. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết khen Phật. Xin Thầy chỉ cho chúng con rõ lời chỉ trích và tán thán của hai thầy trò ngoại đạo không đúng ở chỗ nào, bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh tán thán Phật như thế nào là đúng?
ĐÁP: Câu chuyện này xuất xứ từ kinh Phạm Động trong trường A Hàm. Trước tôi nói chỗ không đúng của sự chỉ trích và tán thán của ngoại đạo. Tất cả mọi sự khen chê của phàm tình đều xuất phát từ tình cảm. Đối với người mà mình đã có ác cảm thì dù cho họ có làm điều gì tốt điều phải mình vẫn làm lơ, có khi không hạp ý còn đem ra phê bình chỉ trích. Đối với người mà mình đã có cảm tình đã thương rồi, dù họ có làm điều gì sai quấy cũng không phê phán, lại còn tìm cách bênh vực. Tình cảm nó chi phối con người rất mạnh, chúng ta khen và ủng hộ ai chẳng qua người đó làm lợi ích cho chúng ta. Ngược lại, chúng ta chê trách ai, chẳng qua người đó làm thương tổn chúng ta, đối với người đã làm thương tổn mình chút ít, làm lợi làm tốt với mọi người, chúng ta vẫn thấy họ tốt như thường, miễn có lợi cho mình là tốt. Đó là chỗ khen theo tình cảm của con người mà đa số bị kẹt, nó không có lẽ thật.
Bây giờ tôi nói về chỗ khen chê như chỗ Phật nói. Phật dạy rằng: Đa số người phàm khen Phật đều căn cứ trên hình tướng, thấy Phật giữ giới, ăn ngày một bữa, mặc ba lá y, ở dưới gốc cây, sống không gia đình... Phật cho đó là hình tướng bên ngoài không quan trọng, tối quan trọng là chỗ "Phật biết tất cả mà không chấp". Tại sao nói là tối quan trọng? Vì giá trị của con người thường được đánh giá trên hình thức, trên hành động, mà ít được nhìn thấu đáo tường tận ở nội tâm. Có nhiều người dáng vẻ bên ngoài rất nghiêm trang nhưng nội tâm lại xao xuyến. Ngược lại, có những người hình tướng có thể thô tháo nhưng tâm họ lại tốt hay. Cũng như có nhiều loại trái cây da bên ngoài chín đỏ mà ruột thì chưa chín, lại cũng có những loại trái cây ngoài vỏ xanh trong ruột đã chín.
Điều đó nói lên rằng, có những người thấy dáng bên ngoài dường như rất tốt, nhưng gần họ thì thấy tâm họ không tốt, vì vậy mà người ta dễ chán, dễ có niệm "trước trọng sau khinh". Lại có người mới tiếp xúc thấy họ lợt lạt khô khan, nhưng gần lâu mới thấy được tâm chân chính trong sáng của họ, càng thêm kính mến. Như vậy, mới thoáng nhìn qua, mà đặt vấn đề khen chê thì quá nông nổi. Phê bình chính đáng là phải hiểu rõ người đó. Theo Phật, giá trị con người không phải ở hình thức như giữ giới, ngày ăn một bữa, mặc chỉ ba lá y... mà phần tinh thần và trí tuệ mới quan trọng. Trí tuệ là biết tất cả mà không chấp. Ngoại đạo họ thấy tới đâu là chấp tới đó. Từ cái chấp ấy mà họ đặt ra thuyết thường thuyết đoạn rồi luận chiến nhau. Phật biết tất cả và còn biết hơn ngoại đạo đã biết, nhưng Ngài không chấp không dính mắc, đó là cái đáng khen mà người thế gian không biết để khen. Chỉ có bậc Thánh và đệ tử bậc Thánh mới biết được điều đó để khen. Khen đó là cái khen chân chính của người trí tuệ.
Giả sử có người nói rằng: Tôi tu hạnh Bồ-tát, làm lợi ích cho nhiều người, những chuyện gì khó làm tôi làm... Nghe họ nói như vậy, quý vị khen họ là Bồ-tát. Khen như vậy có chín chắn không? Chúng ta phải chờ xem họ có thật là Bồ-tát vì mọi người làm lợi ích hay vì danh lợi? Khi biết chắc họ thực hành hạnh Bồ-tát rồi, thì lời khen mới xứng đáng. Hoặc có người có ác cảm với một tu sĩ nào đó nói: "Thầy đó tu hành lôi thôi, tư cách không đúng đắn". Một số người nghe vậy liền ùa theo chê thầy đó thế này thế kia. Thật sự thì những người ấy chưa biết gì về vị tu sĩ này, vậy mà cứ chê. Sự chê bai phê phán đó không đúng. Ở đời người ta hay đánh lừa thiên hạ, cứ nhìn qua hình tướng hoặc nghe qua dư luận, rồi khen, rồi chê không cần biết đúng hay sai. Vì vậy mà Phật dạy: Khen chê đều chưa đến lẽ thật, đừng nghe chê vội giận, đừng nghe khen vội mừng, mà phải biết nghe và tự xét lại mình. Người thế gian thường khi bị chê liền phản ứng, tức tối bực bội, không vui... Ngược lại được khen thì vui vẻ tươi cười. Đa số chúng ta đều đang mắc kẹt chỗ này. Ở trong bối cảnh đó, Phật nhắc chúng ta đừng vướng bận sự khen chê, mà phải thấu đáo tâm trạng của người, thì sự khen chê mới có giá trị. Nếu nghe chê liền buồn, nghe khen liền vui là bị thế gian bẩy gạt. Thế nên Phật nói: Chỉ có bậc Thánh, đệ tử bậc Thánh mới biết chỗ đáng khen của Phật để khen. Còn những hình thức về giới luật, chưa đáng để khen.
HỎI: Thưa Thầy, câu "Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến tư tức Niết-bàn" nghĩa như thế nào?
ĐÁP: Câu này trong kinh Thủ Lăng Nghiêm nói rằng: Tri kiến mà lập tri đó là gốc vô minh. Còn tri kiến mà không chấp tri kiến đó là Niết-bàn. Hôm giảng kinh Pháp Hoa tôi có đề cập đến vấn đề này. Kinh Pháp Hoa có nói Tri kiến Phật, nên nhiều người hiểu lầm thắc mắc. Tại sao kinh Thủ Lăng Nghiêm nói tri kiến mà lập tri là gốc vô minh còn kinh Pháp Hoa nói là tri kiến Phật?
Vậy tri kiến vô minh của phàm phu và tri kiến của Phật khác nhau chỗ nào? Đây tôi giải thích chữ Tri kiến. Tri là biết, kiến là thấy. Cái thấy biết có khởi niệm chấp thủ gọi là lập tri. Thí dụ thấy người khác phái, cậu A liền phân biệt cô này là đẹp là xấu... đó là lập tri, thấy biết như vậy là gốc vô minh. Mắt nhìn thì cứ thấy không khởi niệm, đó là không lập tri. Không lập tri đó là Niết-bàn. Tại sao? Vì khởi niệm đẹp thì thương, khởi niệm xấu thì ghét, có thương có ghét là phàm phu vô minh. Còn thấy biết mà không khởi niệm phân biệt đẹp xấu thì không có tâm yêu ghét. Vẫn thấy biết mà tâm thanh tịnh ấy là Niết-bàn. Cùng một cái thấy biết mà một bên phàm một bên Thánh, chỉ khác nhau ở chỗ phàm thì lập tri, Thánh thì không lập tri. Vì vậy mà cổ đức có câu:
Như nhau dọc mũi ngang mày,
Lòng phàm lòng Thánh khác nhau ngàn trùng.
Con người ai cũng có mũi dọc mày ngang như nhau, nhưng người thì tâm phàm người thì tâm Thánh. Phàm thì thấy cái gì cũng khởi niệm phân biệt tốt xấu hơn thua, rồi sanh thương ghét buồn giận, tâm điên đảo không cùng. Còn Thánh thì thấy biết tất cả mà không khởi niệm phân biệt thủ xả, nên không phiền não. Đó là ý nghĩa câu "Tri kiến lập tức tri vô minh bổn, tri kiến vô kiến tư tức Niết-bàn" là vậy.
HỎI: Tiếp theo ý trên con có chút nghi vấn về giai đoạn vấn đáp của Thiền sư Cảnh Thanh và thị giả qua tiếng mưa rơi và tiếng nhái kêu. Thầy thị giả nghe tiếng mưa rơi nói tiếng mưa rơi, nghe tiếng nhái kêu nói là tiếng nhái kêu, đâu có phân biệt tiếng mưa rơi buồn, tiếng nhái kêu thảm, sao lại bị Thiền sư Cảnh Thanh quở?
ĐÁP: Thiền sư Cảnh Thanh và thị giả đối đáp qua hai trường hợp:
Một hôm trời mưa to, Thiền sư Cảnh Thanh hỏi thị giả:
- Tiếng gì đó?
Thị giả đáp:
- Tiếng mưa rơi.
Ngài nói:
- Chúng sanh quên mình theo vật.
Hôm khác Ngài ở trong thất với thị giả, ngoài vườn có tiếng nhái kêu. Ngài hỏi:
- Tiếng gì đó?
Thị giả đáp:
- Tiếng nhái kêu.
Ngài nói:
- Chúng sanh khổ lại có khổ chúng sanh.
Câu chuyện thứ nhất, trời mưa, không phải Thiền sư Cảnh Thanh không nghe tiếng mưa rơi. Ngài hỏi, cốt là nhắc cho thị giả nhân khi nghe tiếng mưa rơi, nhớ lại tánh nghe sẵn có nơi mình. Thế mà thị giả không nhớ tánh nghe sẵn có nơi mình, mà chạy theo tiếng mưa rơi bên ngoài, nên trả lời "Tiếng mưa rơi!". Vì vậy mà Ngài nói: "Chúng sanh quên mình theo vật".
Câu chuyện thứ hai cũng vậy. Rắn bắt nhái, nhái kêu. Ngài Cảnh Thanh cũng nghe tiếng nhái kêu, nhưng Ngài hỏi là cốt nhắc cho thị giả nhớ tánh nghe của mình. Thế mà thị giả một bề chạy theo tiếng bên ngoài, trả lời: "Tiếng nhái kêu". Nên Ngài nói "Chúng sanh khổ lại có khổ chúng sanh". Con nhái bị rắn bắt là chúng sanh khổ. Thị giả quên tánh nghe chân thật của mình, chạy theo tiếng kêu của nhái là tướng vô thường sanh diệt đó là khổ chúng sanh.
Thị giả nghe tiếng mưa rơi nói là tiếng mưa rơi, nghe tiếng nhái kêu nói là tiếng nhái kêu. Theo chúng ta thì thị giả không có lỗi vì nghe không phân biệt. Nhưng đối với Thiền sư Cảnh Thanh, thị giả là người chưa sáng đạo, nên nhân khi thị giả nghe tiếng mưa rơi, nghe tiếng nhái kêu Ngài hỏi để đánh thức cho nhớ lại tánh nghe, không muốn thị giả nghe tiếng chạy theo tiếng bên ngoài. Vì nghe mà không nhớ mình có tánh nghe, chỉ biết có tiếng bên ngoài đó là quên mình theo vật. Ở trước chỉ nói đối cảnh bên ngoài, biết mà không khởi niệm phân biệt, không kẹt. Hai trường hợp có khác.
HỎI: Nếu mình cứ nhớ lại tánh nghe tánh thấy của mình, có ai hỏi gì mình cứ trả lời: tôi đang nghe, tôi đang thấy, mà không biết nghe cái gì, thấy cái gì. Như vậy thì làm sao nói chuyện, sinh hoạt bình thường với cuộc sống?
ĐÁP: Vì vậy mà có câu: "Tri kiến mà đừng lập tri". Vì ông thị giả chưa nhận ra tánh giác của mình, nên Thiền sư Cảnh Thanh hỏi để đánh thức cho ông nhận ra mà nói như vậy. Còn Ngài A-nan đã nhận ra tánh giác của mình rồi nên Phật nói như vậy. Phàm Thánh khác nhau là ở chỗ đó.
HỎI: Trong phần lược giải kinh Viên Giác của Hòa thượng Viện trưởng viện Hóa Đạo, ở chương Văn Thù có đoạn: "Không phải phá hoại làm cho các pháp mất đi mà nói là không, chính bản tánh của pháp nó tự không. Cái biết các pháp không đó cũng như hư không. Cái biết như hư không cũng không luôn. Nhưng không thể nói: Không có cái biết. Phải dứt trừ hết cả Có và Không, như thế mới gọi là tùy thuận tánh Viên Giác". Câu này ý nghĩa thế nào?
ĐÁP: Trong kinh Viên Giác có một đoạn nói như thế này: "Tri huyễn tức ly, ly huyễn tức giác". Nghĩa là biết các pháp là huyễn thì lìa, lìa đó là giác. Ví dụ khi thấy người thấy cảnh, tôi khởi quán chiếu đây là huyễn hóa, đây là giả dối, tôi thường quán như vậy trong một thời gian thì thấy của tôi thuần thục. Lúc bấy giờ tôi thấy người thấy cảnh không để tâm quán chiếu nữa, mà vẫn thấy rõ ràng là giả dối không thật, nên ở đây nói cái biết (quán) cũng bỏ luôn. Nhưng cái biết về người về cảnh không phải là không. Cũng như quý vị tu "biết vọng không theo"; khi vọng tưởng dấy khởi biết nó không thật, không theo đó là giai đoạn còn vọng tưởng khi vọng tưởng lặng hết thì tâm thể thanh tịnh. Có nhiều người hỏi: Khi vọng tưởng lặng hết thì cái biết làm sao? Tự nó thanh tịnh, không cần khởi quán nữa. Sở dĩ biết là vì có vọng tưởng, khởi biết để dẹp nó, vọng tưởng hết rồi thì thôi nhưng không phải là không có tánh giác.
Các bài mới
- Những cánh hoa đàm ( Phần 05) - 21/03/2022
- Lời nhắc nhở nhân dịp đầu xuân của Sư Ông - 01/02/2022
- Những cánh hoa đàm ( Phần 04 ) - 19/06/2020
- Những cánh hoa đàm (Phần 03) - 20/05/2020
- Mình là cái gì - 18/05/2020
Các bài đã đăng
- Pháp yếu tu thiền - 02/05/2020
- Những cánh hoa đàm (Phần 01) - 17/04/2020
- Tại sao chúng ta phải ngồi thiền - 13/02/2020
- Trí thức và trí tuệ - 03/02/2020
- Ý nghĩa ngày Phật thành đạo - 26/12/2019
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 89008
- Online: 38