Những hành trình cuối cùng của Đức Thế Tôn

19/03/2011 | Lượt xem: 4250

CÂU THI NA (KUSINAGA)

Cách nay 2632 năm, có một sự kiện trọng đại mà trời người đều vui mừng hoan hỷ, đó là khi Bồ Tát Sĩ Đạt Ta giáng sinh tại vùng Tây Thiên Trúc. Khi ấy, cõi ma chấn động, cung điện nghiêng ngả. Thế rồi 80 năm sau, vào năm 544 (trước TL) Đức Thế Tôn tuyên bố nhập Niết-bàn. Lúc ấy mọi người đều buồn khổ vì thế gian từ đây vắng bóng bậc Đạo sư, vị thầy của muôn loại. Ma vương vui mừng hớn hở nói: “Từ đây ta sẽ phá hoại đạo hạnh các đệ tử của Ngài bằng mọi cách”.

Ngày theo đoàn đến viếng nơi đây, viễn cảnh xưa cứ hiện ra trước mặt, dõi theo từng bước chân của đấng Giác ngộ:

Trên đường từ thành Tỳ-xá-ly về Câu-thi-na, sau khi thọ buổi cơm cúng dường cuối cùng của người thợ rèn Thuần-đà, Thế Tôn đã nhiễm bệnh lỵ huyết rất nặng, song Ngài vẫn nhẫn nại chịu đựng cơn đau đi cùng Tôn giả A-nan và một số tăng chúng, thỉnh thoảng Ngài dừng chân nghỉ. Trên đường, Thế Tôn nhận hai chiếc y kim sắc sáng rỡ do Pukkusa dâng cúng. Tôn giả A-nan đắp y ấy lên người Thế Tôn. Kỳ lạ thay! Màu sắc vàng chói của y bị lu mờ.

Tôn giả trình lên. Phật đáp: Có hai trường hợp màu da của Như Lai hết sức thanh tịnh và chói sáng, đó là trong đêm Như Lai chứng ngộ Đạo Chánh Giác và trong đêm Như Lai sắp nhập Niết-bàn. Thế rồi Ngài tuyên bố: “Đêm nay, vào lúc canh ba Ta sẽ diệt độ tại rừng cây Sala, làng Kusinaga (Câu-thi-na hiện nay là làng Kasia thuộc quận Gorakhpur). Hãy lên đường đi cho kịp lúc và này A-nan! Đây là lần cuối cùng Như Lai nhìn Vesàli”.

Đi ngang sông Kukuttha, Thế Tôn dừng nghỉ dùng nước tại vườn xoài và xuống sông tắm. Rồi Ngài tiếp tục đi đến rừng sala, nơi công viên Upavattana của bộ tộc Malla. Kinh sách ghi: “Bấy giờ, công viên này nằm bên kia sông Hiranyavati, rất đẹp”. Hiện nay, chúng ta không còn thấy được dòng sông xanh biếc như thuở xưa, mà chỉ còn những kênh rạch khô cằn, nằm xen kẻ trong những đám ruộng lúa mì. Năm tháng xoay vần, định luật vô thường theo đó làm cảnh cũ đổi thay, có còn chăng là vùng trời ký ức và nỗi buồn man mác xoáy vào lòng người hành hương nơi đất Phật.

Khi Phật và các vị Tỳ-kheo đến rừng cây Sala thì trời đã xế chiều. Phật bảo nhỏ: A-nan! Như Lai mệt lắm rồi, Thầy hãy sắp chỗ nằm cho Như Lai giữa hai cây Sala. Tôn giả A-nan tìm một khoảng đất bằng phẳng, sạch giữa hai cây Sala rồi lấy nhiều y Ca sa trải xuống đất, thỉnh Thế Tôn ngơi nghỉ.

Nhìn Thế Tôn  gầy ốm, hơi thở yếu ớt, báo hiệu cuộc tương phùng sắp tan, tôn giả A-nan quì xuống bên cạnh, nước mắt rớt, rớt hoài, cuối cùng không còn dằn được nữa, bật khóc thành tiếng.

Thế Tôn nhẹ mở mắt, lặng lẽ nhìn người thị giả thân thiết, giây lát tiếng Ngài yếu ớt khuyên: Đừng khóc A-nan! Đây là điều mà ai cũng phải trải qua…

Im lặng…Đêm giữa rừng, không tiếng động. Ánh sáng những vì sao lặng lẽ chiếu soi. Một tiếng nấc, rồi tiếp theo…nỗi bi hoài đang ngự trị trong tâm hồn của các bậc phạm hạnh. Tôn giả A-nan không thể chịu đựng nổi, Ngài tránh ra ngoài.

Lúc ấy, cây Sala trổ hoa trái mùa, đơm tròn trên cây và rải trên thân Như Lai. Những đóa hoa trời Mạn-đà-la và bột hương Chiên-đàn từ trên hư không rơi xuống tung rải trên thân Như Lai để cúng dường. Thế Tôn nói: “Đây không phải là cách cúng dường cao thượng. Nếu muốn cúng dường, đảnh lễ Như Lai với sự tôn sùng tối thượng, thì hãy sống chơn chánh, thực hành thành tựu về chánh pháp.”

Bấy giờ, có vị Tỳ-kheo đứng hầu quạt bên cạnh Thế Tôn, Ngài dạy tránh sang một bên để chư thiên khắp các cõi đang tụ hội chiêm ngưỡng Như Lai lần cuối.

Có chư thiên than khóc, lăn lộn kêu thương: “Thế Tôn diệt độ quá sớm”. Các chư thiên bình thản, tỉnh giác suy tư: “Các hành là vô thường”.

Thế Tôn dạy: Này các Thầy! Hãy tổ chức lễ trà tỳ của Như lai như lễ tang của vị Chuyển Luân Vương.

Có bốn Thánh tích cần chiêm ngưỡng, tôn kính: Nơi Đản Sanh. Chứng ngộ Vị thượng Giác. Chuyển Pháp luân và nơi Như Lai nhập Niết-bàn.

Những ai chiêm bái những Thánh tích này, đến khi từ trần vẫn còn mang tâm hoan hỷ, thì những người ấy sẽ sanh về cõi lành, cảnh giới chư thiên.

Có bốn hạng người đáng xây tháp cúng dường: Bậc Đẳng Chánh Giác, Phật Độc Giác, các vị Thanh văn, vua Chuyển Luân Vương. Vì các Ngài là những vị sống đúng chánh pháp.

Ngài an ủi: “Thôi đừng khóc nữa A-nan! Từ lâu Thầy dốc thân tâm đối với Như Lai đầy từ ái, có một không hai. Thầy là người thị giả ưu việt hơn cả các vị thị giả chư Phật ở quá khứ và vị lai. A-nan! Thầy đã thành tựu công đức, hãy tinh tấn, không bao lâu nữa thầy sẽ chứng ngộ giải thoát.

Này A-nan! Thầy hãy báo cho dân chúng vùng Malla này biết, đêm nay Đấng Chánh Giác sẽ diệt độ”.

Đêm đã khuya lắm rồi. Cảnh vật hoàn toàn tĩnh mịch. Trong rừng Sala, khi bậc Đạo sư sắp Niết-bàn, vẫn còn tha thiết khuyên bảo đệ tử lần cuối, được ghi lại thành Kinh Di Giáo: “Vạn pháp đều vô thường có sinh thì có diệt, các thầy hãy tinh tiến lên để đạt đến giải thoát”.

Đó là lời sau cùng của đấng Thế Tôn. Ngài đi dần vào trạng thái bất động của thiền định. Và Đức Thế Tôn! Đấng cha lành đã ra đi, bậc Đạo sư tám mươi tuổi đã nhập Vô dư Niết-bàn. Lúc bấy giờ là nửa đêm trăng tròn tháng Vesakha năm 544 trước Tây lịch, nhằm ngày rằm tháng 02(âl) năm Đinh Tỵ.

Ôi! Thật tiếc thay:

Phật tại thế thời ngã trầm luân

Kim đắc nhân tâm Phật diệt độ

Áo não thử thân da nghiệp chướng

Bất kiến Như Lai kim sắc thân.

(Khi Phật tại thế con trầm luân

Nay được thân người Phật diệt độ

Buồn thay thân này nhiều nghiệp chướng

Chẳng thấy kim thân đấng Thế Tôn!)

Dân chúng trong thành dâng cúng vải, hương hoa cúng dường kim thân suốt bảy ngày. Lúc di quan, không ai di chuyển kim quan Đức Điều ngự được. Sau khi thưa hỏi nguyên do với tôn giả A-nan, người dân Malla đồng ý theo ý muốn của chư thiên là nâng kim thân Như Lai ra cửa thành phía bắc, đi qua trung tâm thành và hướng về cửa phía đông rồi dừng lại trước sân đền Makuta Bandhana, (hiện nay xây dựng nơi đây một ngôi tháp hình cầu tên là Rambhar Stupa, kỷ niệm nơi trà tỳ nhục thân Đức Phật) hỏa thiêu kim thân Như Lai tại đấy.

Bởi sức tàn phá của thời gian, giờ đây ngôi tháp này chỉ còn là một mô gạch khổng lồ, nhưng đó là một chứng tích lịch sử quan trọng. Nhìn xung quanh ngôi tháp còn có nhiều nền móng phủ rêu, có lẽ đây là những nền am thất hay là những nền tháp cũ ngày xưa. Nhìn về phương diện thẩm mỹ, nơi này không có giá trị nghệ thuật, song đối với bất kỳ khách hành hương chiêm bái thánh tích nào quen thuộc với lịch sử cuộc đời Đức Phật, thì đây quả là một thánh tích đầy kỷ niệm thiêng liêng, gây bao cảm xúc bồi hồi.

Khi các tộc trưởng châm lửa thiêu giàn hỏa nhưng lửa không cháy. Cuối cùng phải đợi đến khi Tôn giả Ca-diếp và năm trăm vị Tỳ-kheo đến đảnh lễ, nhiễu quanh giàn hỏa. Phật duỗi hai chân ra như an ủi, Tôn giả trìu mến vuốt hai chân Phật, sau đó hai chân từ từ rút vào trong kim quan thì khi đó lửa mới bắt đầu phụt cháy.

Sau khi trà tỳ xong, các vị tộc trưởng xứ Malla thâu lượm Xá-lợi và an trí trong một chậu vàng tôn trí tại bàn thờ trung ương. Xá-lợi có nhiều màu lóng lánh như xà cừ, gồm: Bảy xá-lợi xương trán lớn, xương vai, răng nhỏ và nhiều xương nhỏ bằng hạt đậu xanh, hạt gạo hoặc hạt cải…

Hình bóng Như Lai kể từ lúc ấy khuất dạng. Bốn mươi lăm năm hoằng pháp lợi sinh trong hy sinh cao cả, dù có đem bao nhiêu ngôn từ để diễn tả cuộc đời của Bậc Giác Ngộ cũng không thể nào diễn đạt hết được.

Ngài Huyền Trang ghi: Từ ngôi nhà của ông Thuần-đà về phía Tây bắc thành phố khoảng 3,4 dặm vượt qua sông Ajitavati về phía bờ Tây không xa lắm, chúng tôi đến một khu rừng cây Sala (cây Sala như cây Huk, vỏ cây màu trắng xanh, lá lóng lánh và trơn dịu). Tại chỗ này có một tịnh xá bằng gạch, trong đó có một tượng đức Như Lai nhập Niết-bàn. Đầu hướng về phía Bắc như đang ngủ, bên cạnh tinh xá là một ngọn tháp do vua A-dục dựng lên, dù đã hư sụp nhưng cũng còn gần hai mươi bộ.

Phía Bắc thành phố vượt qua một con sông (bây giờ không còn con sông này) và đi bộ khoảng 200 bước có một ngọn tháp tên là Rambhar Stupa, đây là nơi làm lễ trà tỳ nhục thân Đức Phật, đất của tháp này hiện nay đen vàng, than và đất trộn với nhau.”

Khi đoàn hành hương của chúng tôi đến đây chiêm bái, nghe kể rằng: Tháp cũ được trùng tu thời gian gần nhất vào năm 1956 đúng như ngài Huyền Trang kể lại. Tượng Phật tôn trí được tu tạo từ thế kỷ thứ năm, đến thế kỷ thứ 12, 13 do bị pháp nạn nên tượng Phật này bị chôn vùi dưới đống gạch đổ nát, mãi đến thế kỷ thứ 19 (1876) được tìm thấy và gãy làm ba đoạn. Nay chính là tượng Phật Niết-Bàn đã được tu sửa mà chúng tôi đảnh lễ.

Khi đến đây, tâm hồn tôi lắng đọng, cứ tưởng Phật vừa nhập Niết-bàn mới hôm qua. Sự an tịnh và niềm xúc cảm dù không muốn nhưng tôi vẫn rơi lệ. Đến đây tôi mới thật sự cảm nhận sâu sắc danh từ “Tứ động tâm” nơi đất Phật.

Lúc từ giã, cả đoàn đều quyến luyến. Tôi nghĩ: Tiếc quá! Không thể ở lại đây lâu hơn. Tối hôm đó, một mình đi đến Thánh tích Phật Niết-bàn, định ở lại một đêm, nhưng cửa khép kín tự bao giờ, đành trở lại khách sạn, trong niềm tiếc nuối vô hạn, vì không biết bao giờ được trở lại.

Những làn gió thổi nhẹ làm đâu đó vài chiếc là rơi bay bay, tôi lắng dịu niềm cảm xúc đôi phần lại nhớ đến lời dạy của Phật trong nội dung kinh Di Giáo mà sáng nay Thầy đã nhắc. Giây phút ấy, Bồ-đề tâm lớn nhanh pha lẫn lòng bùi ngùi mà chính tôi không thể diễn đạt được.

Như Lai trụ thế bao năm

Mà sao ta mãi biệt tăm phương nào

Bây giờ tỉnh giấc chiêm bao

Thân nhiều nghiệp chướng nghẹn ngào xót xa.

Như lời Thầy dạy: Đoàn hành hương của chúng tôi được về thăm nơi xứ Phật, không phải là chuyện ngẫu nhiên mà do nhân duyên lành hội đủ.

Lịch sử ghi: Đến thế kỷ thứ tám, những di tích lịch sử Phật giáo đều bị hủy diệt dưới sức tàn phá của Hồi giáo trên đất Ấn. Ngày nay đến chiêm bái các Thánh tích, chỉ còn là dấu ấn một thời vàng son, huy hoàng của Phật giáo đã biến đổi theo cuộc thịnh suy vô thường, song chúng tôi vẫn cảm nhận đầy đạo vị và hiểu rõ rằng: Sự giả tạm của cảnh vật xung quanh luôn tiềm ẩn trong ấy một “Chân lý đời đời bất diệt mà mỗi người chúng ta đều sẵn đủ”.

Chúng tôi càng hiểu rõ rằng Đức Phật là bậc anh hùng chiến thắng. Ngài chiến thắng những điên đảo, vọng tưởng, bản ngã và vô minh. Sự giác ngộ, thành đạo và Niết-bàn của Phật xuất phát từ sự thật chứng.

Là đệ tử của đấng Giác ngộ phải thấu suốt đường lối này để không bị lầm lẫn. Bởi dùng quan niệm nhị nguyên cầu giải thoát thì không bao giờ có tự do thật sự. Phật dạy: “Phóng hạ vạn duyên” (Tất cả đều buông). Nghĩa là siêu lên cái nhị nguyên của chủ và khách, của cải biết và cái được biết, của cái phải và cái trái. Sự vượt qua đó không phải chỉ phủ nhận suông, mà là dùng trí tuệ chiếu bản thể nó, phải thân chứng nó “đúng như thật”. Phật dạy: “Tự do là làm chủ lại chính mình, không nương tựa vào một đấng tối cao nào”. Chúng con muốn được giác ngộ như Ngài thì phải dứt sạch cái mê vị ngã, không tạo nhân ô nhiễm, triền phược…

Tuy Phật đã Niết-bàn hơn 2500 năm, nhưng lời dạy của Ngài mãi mãi có giá trị. Những Thánh tích mà chúng tôi đã đi qua gần 20 ngày nay nó vẫn hiện hữu và minh chứng cho một sự thực muôn đời về một Đức Phật lịch sử.

Chúng tôi đủ duyên lành đến đây chiêm bái và được nghe Thầy nhắc nhở những lời Phật dạy, góp thêm tư lương trên đường “Về xứ Phật”, là nơi mà mọi người hằng có đủ nếu khéo nhận ra. Mỗi đệ tử Phật đều có nhiệm vụ chung là giải thoát khổ đau và làm vơi nỗi khổ đau của muôn loài, đó là bản hoài của Đạo Diệt Khổ.

Nương duyên lành hôm nay, chúng con nguyện cố gắng tiến tu, “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, phụng sự Tam bảo. Nguyện làm người khách qua lại trong tam giới, chèo thuyền từ giải thoát để cứu vớt chúng sanh đang chìm trong biển buộc ràng đau khổ, hầu đền đáp phần nào công ơn giáo dưỡng của thầy tổ. Nguyện cho tất cả đều tin sâu Tam bảo, luôn vững tiến trên đường cầu Đạo Vô thượng Bồ-đề.

Trích tác phẩm Về Xứ Phật

 


Tu học

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 96700
  • Online: 17