Những Lời Dạy Của Sư Ông ( Phần 02)

15/06/2024 | Lượt xem: 338

Cuối hạ năm Bính Tý - 1996

Năm nay là năm Bính Tý 1996, còn mấy hôm nữa là giải hạ, Thầy có vài lời nhắc nhở Ni chúng về đường lối tu hành. Do không có cơ hội dạy chung một lượt cho tất cả biết rõ đường lối tu của mình, Thầy e rằng có những đứa không đủ duyên, vào tu sau nên chưa được nghe, không biết sự tu bắt đầu như thế nào và kết thúc ra sao. Vậy nên Thầy dành buổi nói chuyện này để nói rõ lại cho cả chúng cùng được nghe. 

Đường lối tu của chúng ta ở đây, có thể chia làm ba chặng hoặc hai chặng đường, tùy theo trình độ của mỗi người tu. Trước hết Thầy nói về ba chặng đường: 

Chủ trương tu của Thiền tông là “Phản quan tự kỷ”, tức là xoay chiếu về nội tâm của mình. Muốn xoay chiếu lại nội tâm của mình, không gì bằng phương tiện dùng hơi thở. Tại sao? Bởi vì chúng ta quen để sáu căn đuổi theo sáu trần, ngày tháng năm nào cũng đều đặn như vậy. Do không có phút giây soi trở lại mình, nên ở bên ngoài chúng ta biết rõ mà nơi tự thân thì lại không biết gì hết. 

Người tu thiền phải biết cái thật nơi mình. Nhận ra được cái thật thì gọi là ngộ đạo hay kiến tánh, còn đuổi theo bám vào cái hư dối, nuôi dưỡng nó, đó là tạo nghiệp luân hồi sanh tử. Vì vậy, muốn thoát ly sanh tử là phải quán chiếu trở lại chính mình. Soi xét coi cái gì là hư vọng thì đừng đuổi theo, đừng giữ gìn, bảo vệ nó nữa. Cái gì là thật thì phải nhận rõ, không quên mất cũng không xao lãng. Đó là gốc của người tu thiền, cũng là gốc của đạo Phật.

Xưa nay chúng ta có thói quen phóng ra nên không có khả năng tự chiếu rọi lại mình, bây giờ muốn xoay lại thì bắt buộc phải mượn hơi thở. Ngồi đếm hơi thở tưởng chừng rất đơn giản, không có gì cao siêu kỳ đặc cả, nhưng vô cùng thiết yếu. Việc làm y như trẻ con, cứ hít vô cùng, thở ra sạch đếm một; hít vô cùng, thở ra sạch đếm hai. Đếm tới mười thì bỏ rồi đếm trở lại từ một đến mười, mãi như vậy. Nương hơi thở lâu dần thành thói quen, hơi thở vô ra tới đâu đều biết rõ ràng, đó là nhìn thấy bằng trí tuệ của mình. Nhờ nương hơi thở mà phản quan lại, giúp chúng ta thấy tường tận hơi thở và sự sống của mình liên quan mật thiết như thế nào.

Phật dạy, thân xác thịt này là do tứ đại địa thủy hỏa phong hòa hợp mà thành. Phong đại tức là gió, mà hơi thở là phần chủ yếu trong đó. Tại sao nói hơi thở là phần chủ yếu? Vì hơi thở chính là mạng sống của con người. Chúng ta có thể nhịn ăn một hai tuần, nhịn uống năm ba ngày mới chết, còn nhịn thở thì chết liền. 

Sự sống và chết của chúng ta gá vào hơi thở, một hơi thở ra không hít vô lại, lập tức mạng sống không còn, nó thiết yếu như vậy mà chúng ta coi thường. Hơi thở ra vô liên tục không dừng nên nó thuộc về vô thường, hơi thở đã vô thường thì đương nhiên mạng sống cũng thuộc vô thường, làm sao thân này lâu dài được. Rõ ràng mạng người hết sức tạm bợ, vậy mà cả đời chúng ta cứ đuổi theo nó, lo cho nó, vì nó mà khổ sở, thử hỏi mình mê hay tỉnh? Quán hơi thở vô ra rồi đếm, tức là buộc tâm mình đừng chạy ra ngoài, nhờ thế dần dân tâm yên định.

Thấy được lẽ vô thường của thân này rồi thì bớt tham sân si. Tại sao? Bởi biết là giả dối vô thường, đó là giác, tức bớt si. Thân chỉ là tạm bợ thì đối với những nhu cầu của thân như ăn ngon, mặc đẹp… chúng ta đâu còn tham muốn cho nhiều để làm gì, nên bớt tham, bớt tham thì bớt sân. Bởi trước kia mong muốn được cái này cái kia mà không được nên mới nổi sân, bây giờ không mong muốn nữa thì lấy gì mà nổi sân. Quán thân vô thường giảm được tham sân si, đó mới là hiệu nghiệm, là công đức của người tu.

Bước đầu Thầy dạy đếm hơi thở, tụi con thấy hết sức tầm thường, nhưng đó là con đường đưa tới tỉnh giác. Tu đếm hơi thở có hai điều trọng yếu: một là dùng hơi thở chiếu rọi lại bên trong, kềm chế không cho sáu căn rong ruổi ra ngoài; hai là nhờ soi rọi lại thấy rõ thân tạm bợ mà giác ngộ được lý vô thường, quay về cái sáng suốt nơi mình. Từ đó phá được một phần chấp về thân.

Quán sổ tức là bước thứ nhất. Qua bước thứ hai là tùy tức, tức là theo dõi hơi thở. Khi tụi con xoay rọi lại quen rồi, Thầy bảo tụi con khỏi đếm số nữa mà theo dõi hơi thở. Ở chặng này chỉ để tâm vào hơi thở vô ra, hễ có niệm dấy lên đều biết nó là vọng tưởng liền buông. Nghĩa là khi nào niệm khởi thì buông, không thì cứ biết hơi thở vô ra là đủ rồi. Bởi vì thấy hơi thở vô ra biết rõ ràng, tức là bắt mình phải nhìn ngược trở vô. Nếu không nương hơi thở thì dễ buông trôi, ngồi đó mà phóng ra bên ngoài nghĩ tưởng việc này việc kia rồi quên mất mình. 

Chúng sanh mê lầm bởi hai cái chấp: một là chấp thân thật, hai là chấp tâm thật. Bởi thấy thân thật nên cho nó là quý. Do chấp những nghĩ tưởng hư dối là tâm mình thật, nên lúc nào cũng cho cái thấy biết của mình là đúng, là chân lý. Do đó ai nghĩ khác là mình không chấp nhận, cho là họ trật họ sai, rồi chống đối thù nghịch lẫn nhau. Chỉ cần hai người ở chung là có bất đồng ý kiến, có cãi vã, buồn phiền... đủ thứ chuyện.

Ý kiến chỉ là một mớ vọng tưởng, có gì thật đâu mà đồng với bất đồng. Suy nghĩ vọng tưởng chỉ là trò ảo ảnh, đồng hay không đồng cũng là chuyện thường. Như bao nhiêu bong bóng nước nổi lên, dù to tới mức nào cũng vẫn là bong bóng, có gì đâu mà chấp, giống nhau hay không giống nhau đâu có gì quan trọng. Vậy mà người thế gian suốt cả đời ôm ấp, đau khổ vì hai thứ chấp này. Từ thấy thân là thật, cho tâm vọng tưởng là thật mà gây ra không biết bao nhiêu là đau khổ. Không phải chỉ riêng chúng ta mà tất cả nhân loại đều chấp như thế. 

Vọng tưởng là gì? Vọng là dối, tưởng là suy tưởng. Nếu đã biết vọng tưởng là hư dối không thật thì tụi con có còn chấp không? Tuy vọng tưởng chưa lặng bao nhiêu, nhưng thấy niệm khởi biết là không thật, không theo nó là tụi con tu được khá khá rồi. Nghĩa là tụi con đã bước qua cửa thứ hai, đó là tỉnh giác. Tuy chưa hết vọng tưởng, nhưng tụi con không còn mê lầm như trước nữa. Đó là bước đầu tiên mà người tu thiền phải thực hiện cho bằng được. 

Đạo Phật là đạo giác ngộ, chúng ta vào đạo tu hành, không nhiều thì ít mình cũng phải có giác. Thấy rõ mạng sống theo hơi thở không thật, tâm suy nghĩ hơn thua chỉ là vọng tưởng hư ảo cũng không thật, đó là cái thấy của sự tỉnh giác, tức là mình đang giác. Như vậy tụi con đang giác mà không biết, cứ tưởng mình tu sao còn ngu muội hoài, thật là đáng tiếc! 

Thật tình mà nói, nếu tụi con thực hành sâu hơi thở thì sự giác ngộ không khó. Đời tu của tụi con nhẹ nhàng vì đã vơi bớt bao đau khổ, giảm bao nhiêu thứ nghiệp chướng. Chỉ cần biết vọng tưởng chứ chưa nói là lặng vọng tưởng, mà tụi con đã tiến một bước rất dài rồi, huống là tu đến lúc lặng hết vọng tưởng. Lâu nay Thầy dạy tụi con mới vào phải đếm hơi thở, mà Thầy chưa giảng kỹ, nên tụi con cứ tưởng sao Thầy dạy chuyện tầm thường. Nghĩ rằng, đếm hơi thở có nghĩa lý gì? Vọng tưởng gì kệ nó, thấy vọng tưởng thôi chứ có gì quan trọng đâu? Nhưng tụi con không ngờ, đó chính là giá trị thật của đời tu chúng ta.

Người thế gian, suốt cuộc đời của họ phải chịu bao khổ sở, điêu đứng, bực bội phiền hà... cũng từ chấp thân tâm mà ra. Chúng ta bây giờ qua được hai cái thấy lầm này, là một bước tỉnh giác rất xa chứ không phải tầm thường. Tất cả tụi con, có đứa nào không đi đường này không? Ai cũng đi, chỉ có đi xong hay chưa xong mà thôi. Thầy nhắc lại, tất cả cần nhận định chín chắn việc làm của mình, đó là mình đang tập đi trên đường giác, chứ không phải còn mê lầm như cũ.

Sau khi biết vọng tưởng rồi phải làm gì? Trong ba nghiệp thân khẩu ý thì ý là gốc. Phật dạy chúng sanh luân hồi trong lục đạo là do nghiệp dẫn, mà động cơ của nghiệp chính là ý. Ý nghĩ thiện thì miệng nói thiện, thân làm thiện. Ý nghĩ ác thì miệng nói ác, thân làm ác. Như vậy, nghiệp lành hay nghiệp dữ đều từ ý làm ra, ý tức là vọng tưởng. Muốn giải thoát sanh tử luân hồi thì phải dứt nghiệp, mà muốn dứt nghiệp thì ý phải lặng. Cho nên căn bản tu thiền chính là dừng ý. Khi thấy ý nghiệp dấy lên lăng xăng, liền buông. Buông mãi cho tới lúc ý thức lặng yên tức là manh mối tạo nghiệp được dừng, ngang đây thì đâu còn gì dẫn mình đi trong luân hồi sanh tử nữa, gọi đó là giải thoát.

Khi vọng tưởng hư dối lặng hết, chúng ta mới thấy cái thật của chính mình hiện ra. Tâm chân thật hiện tiền đó, trong nhà thiền gọi là “bản lai diện mục”. Như vậy, nhờ không mê lầm cái giả nên mới nhận ra cái thật. Từ chỗ buông xả vọng tưởng, cho tới nhận ra bộ mặt chân thật của chính mình. Đó là bước tiến thứ hai trên con đường đạo. Chặng thứ nhất dễ, có thể tụi con có đứa đã đi qua. Chặng thứ hai khó hơn, nên chắc đi cũng hơi chậm. Thế nhưng, có đi thì nhất định sẽ tới, chắc chắn không nghi ngờ.

Trên đường tu tụi con phải cố gắng. Một khi đã biết rõ công dụng, cùng lợi ích thiết thực của sự tu hành thì phải hăng hái lên mà tu, chứ đừng lờ mờ bảo sao làm vậy. Hoặc có người cho là mình đã nhận ra cái chân thật là xong việc, rồi nói năng om sòm, muốn làm gì thì làm. Cứ tưởng mình tự tại thong thả nên mặc tình sống phóng túng, đến khi vọng tưởng sống dậy nó lôi dẫn quên mất lối về. Người tu bước qua chặng thứ hai cũng chưa phải là xong, mà còn phải tiến lên chặng thứ ba nữa. Ngài Trần Tôn Túc nói: “Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng như đưa ma mẹ”. Tại sao? Bởi tuy việc lớn đã sáng, tức là nhận được cái chân thật rồi, nhưng do tập khí nhiều đời chưa hết nên còn phải dẹp sạch. Đây là thời gian khá dài chứ không phải ngắn. Tổ sư nói “đốn ngộ tuy đồng Phật, đa sanh tập khí thâm”. Đốn ngộ bản tâm đồng các chư Phật, nhưng tập khí nhiều đời sâu dày. Cho nên, dù nhận biết rõ rồi mà vẫn cần phải hết sức tinh tế dụng công, một khi tập khí phát ra là dẹp ngay, như vậy lâu ngày mới sạch hết. Còn tập khí là chưa xong việc, chừng nào tập khí sạch rồi, được rảnh rang buông thõng tay vào chợ thì chừng đó mới gọi là tự tại giải thoát. 

Qua ba chặng đường Thầy vừa nói, tụi con thấy rõ đường hướng Thầy dạy đầu đuôi gốc ngọn rõ ràng. Bước vào như thế nào, đến chặng cuối cùng ra sao. Thấy tường tận như vậy thì sự tu mới có ý nghĩa, mới không lầm lẫn. Thầy nhắc kỹ cho tụi ton nhớ, giai đoạn ngồi thiền là giai đoạn tốt nhất để phản quan. Phản quan hơi thở, rồi phản quan vọng tưởng, cuối cùng là nhận ra cái chân thật. 

Trong khi buông xả vọng tưởng, đòi hỏi tụi con phải làm hai việc. Thứ nhất là phải thấy rõ từng niệm khởi, vì vậy cần phải tỉnh sáng. Nếu nhắm mắt ngủ mê thì không thể thấy được vọng tưởng. Lúc vọng tưởng lặng lặng thì cần phải tỉnh tỉnh, chứ không phải lặng rồi ngủ luôn. Cho nên tụi con phải luôn luôn tỉnh giác một cách mạnh mẽ, yên tĩnh mà phải sáng suốt, sáng suốt nhưng vẫn yên tĩnh, đó là thuật khéo của người ngồi thiền. Thiền sư Huyền Giác dạy rõ: “Tỉnh tỉnh lặng lặng phải, tỉnh tỉnh tán loạn sai. Lặng lặng tỉnh tỉnh phải, lặng lặng hôn trầm sai”. Lặng tức là vọng tưởng mất, khi lặng phải tỉnh mới thấy mặt thật của chính mình, nếu lặng mà ngủ khò không tỉnh thì làm sao nhận ra cái chân thật. 

Tinh thần Thiền tông là định tuệ song tu, chứ không phải trước định rồi sau mới tuệ. Định tuệ đồng thời tức là trong khi tỉnh phải có lặng, trong khi lặng phải có tỉnh. Vì vậy khi buông xả vọng tưởng được thưa lặng, là lúc nào đó tụi con được tỉnh sáng. Chặng đường này rất dài, tụi con cần phải cố gắng kiên trì bước đi, đừng dể duôi xem thường.

Thầy biết lâu nay phần nhiều thực hành không đúng trình tự của ba chặng đường này, bởi vậy nên tu hoài mà không kết quả. Ngang đây tụi con cần phải nhận thức kỹ càng, thấy rõ chặng đường mình đang đi là đúng hay sai, rồi điều chỉnh thực hành lại cho đúng để tu. Đừng nghĩ rằng mình vô thiền viện năm bảy năm rồi, mà sao không thấy giác ngộ chút nào hết? Tụi con kiểm nghiệm xem, chí ít cũng đã có chút chút giác rồi. Trước là giác thân vô thường, kế là giác tâm vọng tưởng là hư dối. Phải không? Như vậy tụi con đâu còn mê tối như người thế gian nữa.

Thầy đã nói qua ba chặng đường của người tu đạo, bây giờ Thầy nói về hai chặng kế tiếp. Hai chặng này cũng không ngoài ba chặng trước. Chặng thứ nhất là biết được cái thật, buông xả không theo những cái giả. Nếu người nào vào đạo mà có túc duyên sâu, khi học kinh, nghe giảng hoặc nghiên cứu, bỗng dưng sáng lên thấy rõ ông chủ nơi mình, không nghi ngờ. Khi nhận ra mình có ông chủ rồi, từ đó biết rõ cái thật, nên đối với những thứ giả mình buông hết không theo nó nữa.

Chặng thứ hai là khi tất cả những cái giả không còn khả năng quấy nhiễu mình, tuy nhiên mọi tập thí nhiều đời vẫn chưa sạch hết, vì vậy phải luôn luôn dè dặt, tỉnh táo đừng để nó lôi kéo. Người đã biết được cái này là thật thì tự nhiên rõ biết cái kia là hư giả. Hạng người như thế đi chỉ mất một chặng đầu là tới chặng thứ hai liền. Đến chặng thứ hai lại cố gắng buông xả những tập khí đời này, đời kia cho sạch. Chừng nào tập khí sạch hết, không còn gì làm chướng ngại đường tu của mình thì chừng ấy tự do tự tại. Đó là hai chặng, chặng thứ nhất là tiệm tu rồi đốn ngộ, chặng thứ hai là đốn ngộ rồi tiệm tu. Chư Tổ dạy hết sức rõ ràng, tiệm tu rồi đốn ngộ, hoặc đốn ngộ rồi cũng phải tiệm tu, chứ không thể không tiệm tu.

Đường tu của chúng ta cụ thể rõ ràng, lúc nào cũng đặt giác ngộ làm gốc. Giác ngộ được hư dối, đó là từ cái giả đi tới cái thật. Điều cần yếu trong sự tu là biết được lối đi rõ ràng, chứ không phải chỉ nghe qua lời Thầy dạy rồi tu theo thôi. Nếu đi tu mà không biết thấu đáo ý nghĩa của việc mình làm, không có nhiệt tâm, chỉ là tu cho lấy có thì vào chùa một thời gian dễ bị buông xuôi, thả trôi theo các duyên rơi vào xao lãng. Cũng bởi nghe dạy sao thì làm vậy còn tự mình không nắm vững công phu, nên việc tu lờ mờ, ngồi thiền dễ bị ngủ gục. 

Những người không biết việc tu thực tế như thế, nên họ đi tìm học hạnh này, tập hạnh kia để cho mình hết tham sân si. Nhưng không ngờ, muốn hết tham sân si thì tự mình phải giác, tức là nhận ra cái thật nơi mình. Khi nhận ra được cái thật, tụi con mới thấy giờ ngồi thiền là giờ vàng ngọc, vì đó là giờ được ngồi yên để phản quan lại chính mình. Chừng nào tìm ra được sự giác ngộ cụ thể nơi mình rồi, chừng đó không cố dẹp tham sân si mà tham sân si cũng tự lặng.

Hôm nay Thầy đã nói rõ cho tất cả tụi con biết, những chặng đường phải đi của một hành giả tu thiền. Ba chặng hoặc hai chặng là tùy theo căn cơ của mỗi người. Nắm vững ý nghĩa việc tu của mình rồi thì từ đây về sau tụi con phải luôn ghi nhớ. Ngồi thiền là phản quan, vì vậy giờ ngồi thiền là giờ lặng lẽ sáng suốt, chứ không phải là giờ ngồi ngủ hay giờ để nghĩ ngợi lung tung. Đừng ngồi đó mà gục lên gục xuống, cũng đừng phóng tâm ý ra ngoài chạy ngược chạy xuôi. 

Ở trong chúng tu, tụi con phải hiểu cho rành, biết cho rõ để bản thân mình tu tiến, rồi mai này dạy cho người sau tu cũng không lầm lẫn. Nhân đây Thầy nói thêm, vừa rồi trong chúng có người hỏi, hiện nay chúng ta tu thiền nhưng còn phải lao tác và học tập kinh điển, không có thời gian ngồi thiền nhiều thì làm sao để tu cho rốt ráo? Thầy nói rõ điểm này cho tụi con nắm vững. 

Thầy từng dạy tụi con, không thể lấy việc ngồi thiền làm cứu cánh trong đời tu, mà ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù động hay tịnh mình cũng có thể tu được. Không phải chỉ ở cảnh tịnh mới tu, còn trong cảnh động thì tu không được. Động của người tu là chỉ cho khi làm việc trong chúng hoặc làm các Phật sự khác, chứ không phải động như người thế gian. Vấn đề này Thầy cũng thường nhắc, tụi con làm việc gì chỉ biết việc đó thôi, đừng để tâm duyên theo cảnh khác. Thí dụ các vị giáo thọ, giờ nào soạn bài dạy học thì dồn hết tâm tư trong việc soạn bài. Chỗ này tụi con đừng hiểu lầm, cho rằng dồn hết tâm tư trong đó là trụ. Tuy soạn bài là động, nhưng có làm chủ. Tại sao? Vì mình không để tâm ý phóng đi ra ngoài việc đang làm. Như người chăn trâu, giữ trâu đi trên bờ nếu nó xoay đầu qua lúa mạ thì giật dây kéo lại. Chăn trâu đâu phải khi trâu nằm yên một chỗ mới chăn, mà chính khi trâu đi mình cũng phải chăn như vậy. Bệnh của con người là làm cái này mà nghĩ tới cái khác, làm ở đây chưa rồi mà nhớ chuyện kia, chuyện nọ. Cứ như vậy cho nên việc làm không chu đáo, lại còn thêm loạn tưởng. Làm cái gì tụi con chỉ để tâm trong phạm vi đó, không có cái thứ hai chen vô. Như vậy, dù ở hoàn cảnh nào hay làm bất cứ việc gì thì tụi con cũng luôn tỉnh sáng, vừa làm chủ tâm mình vừa chu đáo trong công việc. Tuy có xao động nhưng chỉ trong một giới hạn cố định, chứ không phải xao động mà thiếu tu. Như người tu quán vô thường hay quán khổ, trong lúc khởi quán cũng động, quán lâu dần tâm ý mới yên tịnh, động đó là động trong quán chiếu, chứ không phải loạn động theo cảnh.

Mỗi ngày chúng ta tập tỉnh sáng trong mọi hoạt động của mình, lâu ngày tâm ý sẽ thuần thục. Khi đã thuần thục rồi thì đặt đâu yên đó, không còn vọng tưởng lăng xăng lộn xộn nữa. Hiện tại khéo tu trong cảnh động, mai kia ra dạy người tu thiền cũng được lợi ích. Cư sĩ tu tại gia phải suy nghĩ làm việc này việc kia, đâu có thời giờ ngồi thiền như mình, chúng ta cần hướng dẫn cho họ tu một cách thiết thực.

Phương pháp tu này không những hữu ích cho Phật tử, mà cũng hữu ích cho cả xã hội. Nhất là thời đại khoa học, phần nhiều làm việc sử dụng máy móc, nếu mọi người chuyên tâm trong việc làm của mình thì hiệu quả sẽ cao hơn, giúp cho xã hội tiến bộ nhanh hơn. Nếu không chuyên tâm, đang làm cái này mà nhớ chuyện khác thì dễ gây ra tai nạn hoặc hư hỏng. Hiểu như vậy rồi, tụi con không phải thắc mắc nên buông hết việc để tu hay vừa làm vừa tu. Lúc ngồi thiền tu được mười phần thì giờ làm công tác bên ngoài mình tu cũng được năm phần.

Dù làm việc chùa hay việc xã hội cũng đều khéo tu, có như vậy đời tu của chúng ta mới không rơi vào tiêu cực. Nếu nghĩ phải bỏ hết việc bên ngoài, vô thất đóng cửa ngồi yên mới là tu thì chừng nào mình tu được? Như ở đây có cả ngàn Tăng Ni tức là phải có cả ngàn cái thất để tu, vậy ai đủ sức ủng hộ cho chúng ta ngồi không chỉ ăn rồi tu. Cho nên tụi con cần phải thấu triệt đường lối tu, làm sao trong sự tu tập của mình được tăng tiến, mà đối với mọi sinh hoạt ở thế gian chúng ta cũng không gây chướng ngại, đó mới thật sự là tinh thần tích cực của đạo Phật.

Cuối mùa an cư năm nay Thầy có vài lời nhắc nhở Ni chúng, mong rằng mỗi ngày tụi con đều có những bước tiến vượt bậc, không còn trì trệ như những năm trước. Đó là sự mong đợi của Thầy, mấy đứa con phải gắng tỉnh giác tu hành, đừng để mê lầm nữa.

***

Ngày 28/11/ Canh Thìn - 23/12/2000

Chúng ta là người tu phải bòn từng chút phước, không nên để phước đức của mình bị tiêu mòn. Phật dạy người có phước muốn làm gì đều thành công, còn người vô phước làm gì cũng thất bại. Phước đức giúp chúng ta làm việc gì cũng thành tựu. Thí dụ như Thầy, mấy đứa con thấy Thầy có làm ra đồng xu nào đâu, nhưng khi muốn làm việc gì, khởi xướng lên đều làm được hết. Tại sao như vậy? Bởi Thầy có tu nên có phước.

Nhưng nếu Thầy tu ở thất một mình thì có phước được như vậy không? Chắc chắn là không. Nhờ Thầy vừa tu vừa đi giảng dạy cho mọi người hiểu đạo, từ đó Thầy có phước mới nuôi nổi mấy đứa tu. Do vì Thầy có tâm hỗ trợ Tăng Ni tu, hướng dẫn Phật tử cùng hiểu Phật pháp nên được phước báu như thế. Nếu Thầy ích kỷ, chỉ lo cho riêng mình khỏe thôi thì chắc hẳn đã không có phước.

Nhân đây Thầy muốn nhắc nhở đại chúng, nếu mỗi đứa có phước thì trên đường tu gặp được duyên lành, làm việc không bị chướng ngại. Trong khi tu tụi con phải tập, đứa nào cũng phải có tinh thần tương trợ huynh đệ, sẵn sàng hy sinh. Những việc khó nhọc mình phát tâm làm, không nạnh người này, chờ người kia. Hiện tại tuy mấy đứa con chưa làm lợi ích cho nhiều người, nhưng ít ra cũng làm trong phạm vi của mình. Đừng tránh nặng tìm nhẹ, cho rằng làm cái này nặng nhọc, làm cái kia nhẹ nhàng hơn. Người nào sẵn sàng làm những việc nặng nề nhọc nhằn, gánh vác thay cho chúng thì người đó có phước nhiều, còn kẻ tránh né chỉ ưa làm việc nhẹ thì tự nhiên phải ít phước hơn. Tụi con nên nhớ, ở trong chúng phải tận tâm lo cho Tam bảo, có thế mới xứng đáng, mai này ra làm Phật sự được.

Thầy làm Phật sự có khi nào mấy đứa nghe Thầy than mệt mỏi, hết muốn làm không? Tuy mệt nhưng luôn luôn cố gắng làm, nhờ vậy Thầy mới có phước. Tụi con nghĩ xem, tiền đâu mà Thầy cất được chùa? Xây dựng thiền viện Thường Chiếu Thầy đâu có đồng xu nào, cũng không xin ai hết, chỉ cần khởi xướng Thầy muốn làm việc này thì Phật tử liền chung tay ủng hộ. Đứa nào ở trong chúng cứ tránh nặng tìm nhẹ, nghĩ như vậy khỏe thân, mà không ngờ đó là tổn phước. Tổn phước dần dần đưa tới gặp nhiều trở ngại trên đường tu. Chẳng những thế, nhiều khi còn tu không được nữa.

Trong kinh Phật có nói, đừng sợ dư phước, chỉ sợ thiếu phước. Cho nên mỗi đứa ở trong chúng phải biết hy sinh, gánh vác việc nặng, thay nhọc cho huynh đệ. Người nào biết nghĩ như thế là biết thương mình, để dành phước báu để tu hành và mai kia còn làm được nhiều lợi ích khác. Nếu cứ sợ làm nhiều sanh bệnh, làm quá tu không được v.v... thì không tốt. Mấy đứa con thấy, mỗi ngày Thầy giảng hai ba thời, sáng giảng chiều giảng, nhưng vẫn làm việc không nghĩ đến mệt mỏi. Biết rằng già thì thân phải yếu, nhưng vì tinh thần mạnh mẽ nên luôn muốn làm lợi ích cho nhiều người, cứ vậy ngày ngày lướt qua mà không thấy mệt nhọc gì hết. 

Tụi con đứa nào cũng lớn khôn rồi, biết tu hành thì phải ráng tạo công đức cho mình. Giả sử trong thiền viện có việc gì khó khó một chút, ban lãnh chúng thấy người nào làm được, đề nghị thì mấy đứa con chắp tay nhận hay trốn tránh? Chấp tay xá nhận, đó là người biết tạo duyên phúc cho mình. Đại chúng ráng tập tu hạnh từ bi, có tinh thần vị tha đối với mọi người. Bây giờ còn nhỏ đầy đủ điều kiện tạo phước mà không chịu làm, đến lúc già bệnh muốn làm cũng không làm được, chừng đó bị thiệt thòi, hối tiếc cũng không kịp. 

Trên con đường tu hành, Phật tổ luôn gia hộ cho những người nhiệt tình vì chúng sanh, chứ không gia hộ cho kẻ tiêu cực, ích kỷ. Hiện tại chúng ta thấy dường như mình làm cho người khác, nhưng thật sự chính là làm cho mình. Giúp đỡ người này người kia, tức là giúp đỡ cho mình. Người tu khôn ngoan, không có tâm thối chuyển, không nên để mình ích kỷ nhỏ mọn, mà phải luôn cố gắng làm những việc phước đức, nhất là hy sinh cho chúng.

Ngày xưa hòa thượng Giám đốc tức hòa thượng Thiện Hòa, ra miền Trung học. Trường cử Hòa thượng làm Tri sự, mà ở đó làm Tri sự cực lắm, ngài hay giúp đỡ người này người kia. Vì Hòa thượng viết chữ tốt, nên ngoài việc Tri sự ra, nếu có ai mượn viết gì thì ngài đều sẵn sàng viết giùm hết. Học xong, Hòa thượng về lập Phật học đường Ấn Quang, từ Tăng Ni cho tới cư sĩ, ai ai cũng quý kính ngài. Tại sao mọi người quý kính Hòa thượng? Chính là nhờ đức hy sinh của ngài, nên mới có đầy đủ phước báu như vậy.

Những người đi trước luôn luôn quên mình vì người sau, dấn thân lo cho chúng Tăng, phụng sự đạo pháp, nên các ngài có đầy đủ phước đức. Kẻ lánh nặng tìm nhẹ, chỉ muốn ở thất tu một mình cho sướng, miễn sao có cơm ăn áo mặc thì thôi, không cần làm gì hết, riết thành tiêu cực ích kỷ, tu hoài không tới đâu. Thế nên tụi con nhớ học gương hạnh của quý hòa thượng để bắt chước.

Chính bản thân Thầy cũng học theo gương hạnh của Sư Ông, khi nào cần giảng dạy cho ai thì sẵn sàng, không nệ hà gì cả. Thấy việc gì có lợi cho người thì làm, nhiều khi Thầy rất mệt, nhưng có những đoàn tới hỏi đạo, Thầy cũng vẫn nói. Nói vui nên quên mệt. Mấy đứa con hiểu đạo lý rồi, ráng nhớ ứng dụng vào trong cuộc sống tu hành của mình, đừng bao giờ nói tôi mệt lắm thôi không làm nữa. Được như vậy thì tụi con sẽ là những người tốt cho mai sau, làm ích lợi cho đạo pháp và xã hội.

***

HT.Thích Thanh Từ

Trích "Tông Môn Cảnh Huấn" Tập 2

Pháp Ngữ dạy chúng TV Linh Chiếu

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 44662
  • Online: 67