Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 12): Vào Nhà Tắm

02/02/2018 | Lượt xem: 3942

DĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng - Đà Lạt

12. Vào Nhà Tắm

Sa Di Học Xứ ghi:

“Phật chế luật nửa tháng tắm rửa, nhân Đồng tử Kỳ Bà bạch nói Tỳ-kheo nhiều bệnh, không tắm rửa chẳng khỏi bệnh nên thời khai bệnh. Sau vì làm việc, đi xa… lại khai.”

Ngày xưa vào thời Đức Phật, Phật chế luật các thầy Tỳ-kheo nửa tháng chỉ tắm một lần. Đại Luật có ghi, sở dĩ như vậy vì khi Phật an trú ở thành Vương Xá, trong thành có ba suối nước nóng, một cái của vua tắm, một dành cho Tỳ-kheo tắm và một cái để voi tắm. Một hôm lục quần Tỳ-kheo đến suối nước nóng của vua tắm, vua Ba-tư-nặc ra hồ để tắm nhưng phải chờ từ sáng đến trưa mà các thầy tắm cũng chưa xong, rồi từ trưa vua chờ đến xế chiều. Các cư sĩ hiềm nghi bạch Phật, cho nên Phật chế luật từ đó về sau các thầy Tỳ-kheo không được tắm nhiều, nửa tháng chỉ được tắm một lần. Phật chế ra giới luật rồi thì các thầy Tỳ-kheo giữ rất là nghiêm.

Sau đó có duyên sự Phật khai ra. Là khi Phật an trú tại thành Xá Vệ, nhiều Tỳ-kheo bị bệnh ghẻ, thân thể hôi hám. Phật hỏi nguyên nhân, các thầy thưa vì Thế Tôn đã chế giới nên chúng con không dám tắm. Phật dạy từ đây về sau cho phép bệnh ghẻ được tắm.

Một hôm Phật đến nước Kiều-tát-la vào lúc trời nóng, các thầy Tỳ-kheo khi gặp hồ nước thì chạy nhanh đến hồ không có chánh niệm. Phật hỏi nguyên nhân, các thầy thưa vì nửa tháng nay chưa tắm nên gặp nước rất mừng. Phật khai ra, gặp trường hợp trời nóng bức thì cứ tắm.

Rồi khi an trú tại thành Xá Vệ, vì năm sự lợi ích nên cứ năm hôm Phật đi tuần tra phòng ốc một lần. Một hôm Phật nhìn thấy một thầy Tỳ-kheo chân đầy bùn sình, hỏi nguyên nhân thì thầy Tỳ-kheo nói, Thế Tôn chế trời nóng hoặc ghẻ lở mới được tắm, con không thấy nóng cũng không có ghẻ lở. Phật hỏi chân ông sao dơ? Thầy Tỳ-kheo nói chân con dơ mà Phật đâu có chế nên con không dám tắm. Phật khai ra, chân dơ cho tắm.

Có những điều luật rất hay, tuy nhiên nhiều người chấp mà không nghiên cứu kỹ thành cứng nhắc. Bây giờ quý thầy lao tác, làm cỏ, chẻ củi mà về không chịu tắm, huynh đệ chắc không ai dám gần. Cho nên giới luật là phải chế, phải khai ra.

“Trước lấy nước nóng rửa mặt, từ trên đến dưới, từ từ rửa đó.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Mặt là một thân tối tôn, phàm lúc vào nhà tắm trước đem cởi y hạ, móc y hạ rồi dùng nước rửa dưới thân mới cởi thoát thượng y. Móc thượng y trên, kế mới dùng nước rửa sạch, xong sau mới vào ao im lặng tụng kệ chú. Tùng thượng chí hạ, từ từ rửa vậy.”

Quý thầy thấy Phật rất thương xót các thầy hậu học, tắm rửa mà cũng chỉ dạy thật kỹ. Vào nhà tắm trước mình phải rửa mặt, bởi vì mặt là phần tối tôn. Cởi áo phải cởi từ từ. Xối nước cũng từ từ chớ không phải xối ào ào không có chánh niệm.

“Tại sao phải rửa mặt trước? Kinh dạy: Mặt là phần chung của sáu căn, là cửa của vạn pháp. Nhiễm nên trôi nổi trong sanh tử, tịnh nên mãi ở nơi Niết-bàn. Cho nên mặt của chư Phật như trăng tròn thanh tịnh, người người thấy thì kính mộ, tâm lành do đó mà phát sanh.”

Mặt cũng là cửa ngõ của các hạnh. Có những người nhìn khuôn mặt tự nhiên mình thích. Mình tu làm sao mà nhìn khuôn mặt mình tự nhiên người ta kính mến, phát tâm Bồ-đề. Còn tu sao không biết mà mặt mày nhăn nhó, đời sau mình ra đời thấy khuôn mặt mình người ta không phát tâm. Phật vô lượng kiếp tu hạnh từ bi hỉ xả, thương người, cứu giúp người nên được khuôn mặt mà ai nhìn cũng đều phát tâm kính tín.

“Còn mặt của La-sát thì sao? Kinh Phật dạy: Mặt La-sát giống như mặt rắn, ai nhìn cũng chán ghét, ác tâm nhân đây mà phát khởi. Như vậy, mặt là then chốt của các đức, do mặt tịnh thì pháp môn tịnh, pháp môn tịnh thì kiến tư hoặc trừ. Đây chính là diệu quả của Niết-bàn vậy.”

Chỉ một pháp rửa mặt thôi mà trong kinh phân tích rất sâu, rất rộng. Chúng ta luôn luôn tùy hỉ với mọi người, luôn luôn làm những việc thiện pháp thì nhìn khuôn mặt mình tâm lành người ta phát khởi. Tổ Qui Sơn nói, đường đường Tăng tướng dung mạo là do kiếp trước gieo trồng thiện pháp nhiều nên bây giờ mới được tướng hảo như thế.

Tỳ Ni dạy:

Lấy nước rửa mặt,

Cầu cho chúng sanh,

Được pháp thanh tịnh,

Hết hẳn cấu nhiễm.

Lúc rửa mặt chúng ta cầu cho tất cả chúng sanh, trong đó có mình, được pháp thanh tịnh nhu nhuyến thì thoát hẳn cấu nhiễm. Quý thầy học kinh A Hàm thường thấy từ nhu nhuyến này. Sở dĩ chúng ta nói chuyện hay hành động không được nhu nhuyến bởi vì ác pháp nhiều. Ác pháp nhiều thì nói gì cũng cộc lốc. Có những thầy thọ giới Tỳ-kheo rồi mà nói mày, tao với huynh đệ. Ngày xưa ở Thường Chiếu Hòa thượng kỵ nhất việc này. Phải gọi là sư huynh hay sư đệ. Quý thầy nhớ kỹ, lời nói nó không mất, đó chính là quả Niết-bàn của quý thầy sau này.

“Chẳng được lật đật khiến nước nóng văng nhầm người gần. Chẳng được tiểu di trong nhà tắm.”

Ngày xưa tắm một dọc dài chớ nhà tắm không phải từng phòng như bây giờ, cho nên chẳng được lật đật khiến nước nóng văng nhầm người gần. Tiểu di là sau khi tắm xong, lau khô chuẩn bị mặc áo thì nước tiểu ra vài giọt, Phậtcũng không cho phép. Quý thầy phải đứng ngay bồn vệ sinh lau mình, lỡ bị tiểu di thì nước tiểu rớt xuống bồn luôn.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Tiểu di hoặc nói tiểu hành hoặc nói tiểu giải hoặc nói tiểu tịnh. Song đất sạch còn không nên tiểu huống chi trong nhà tắm ư?”

Ngày xưa tôi ở Tăng đường một, có một thầy hay tiểu trong nhà tắm. Thầy đã thọ giới Tỳ-kheo nhiều năm rồi, hỏi ra mới biết thầy vào chùa mà không học Oai Nghi, Tỳ Ni gì hết cho nên nó biến tướng ra. Bây giờ thầy đi lang thang không chỗ nào nhận. Quý thầy thấy tổn phước đến mức độ như vậy. Đó chỉ là hoa báo thôi, quả báo tái sanh vào cảnh giới địa ngục.

“Vốn tắm rửa là nguồn gốc làm trong sạch thân mình. Tiểu di trong nhà tắm thì cầu sạch mà trở làm ô uế.”

Bởi vì thân mình dơ quá, mình vào nhà tắm tắm cho nó sạch, nhưng cuối cùng tiểu di trong nhà tắm thì cầu sạch mà trở lại thành nhơ. Nhơ gì? Nhơ cái tâm của mình. Thân thì sạch mà tâm thì dơ, thôi chi bằng đừng tắm.

“Đã ô uế tự thân, lại ô uế cho đại chúng thì lễ Phật, tụng kinh, tất cả đều thành bất tịnh, tội này rất là nặng.”

Giáo pháp của Phật rất vi diệu, càng học càng thấy hay. Quý thầy cứ tiểu trong nhà tắm thì ngồi thiền, tụng kinh cũng là bất tịnh thôi. Cho nên mình tu mình thắc mắc, tại sao mình hôn trầm suốt vậy? Rồi mình tụng kinh, lễ Phật sao không thấy an ổn? Sao tu không thấy niềm vui mà càng tu càng chán? Mà không biết mình phạm những điều này. Quý thầy ráng thu thúc, ráng giữ đi, một thời gian quý thầy sẽ thấy có kết quả, mà kết quả ngoài sức tưởng tượng của mình.

Kinh Tăng Hộ có ghi:

“Thầy Tỳ-kheo ở chỗ đất sạch (trong đất già lam), đại tiểu tiện không lựa chỗ nơi, do nhân duyên ấy vào trong địa ngục làm con trùng ở trong hầm xí chịu khổ lửa đốt không bao giờ dứt.”

Nghe nói không được tiểu trong nhà tắm, rồi mình tiểu dọc dọc bên ngoài, không được, cũng là đất già lam. Quý thầy phải kỹ điểm đó. Những điều này tôi học hồi ở Thường Chiếu, không bao giờ dám tiểu bậy chỗ nào hết, mà vào nhà cầu đàng hoàng.

Kinh Trang Nghiêm Bảo Vương có nói:

“Hoặc ở chỗ thường trụ hỉ mũi, khạc nhổ, người đó sanh trong cây Ta-la làm con trùng mỏ như cây kim trải qua mười hai năm. Hoặc ở chỗ đất thường trụ đại tiểu tiện, người đó sanh trong chỗ đại tiểu tiện nơi thành lớn Ba-la-nại làm con trùng ở chỗ nhơ nhớp, cầu xí.”

Phải là cặp mắt Phật nhãn mới thấy được.

Kinh Ưu Bát Kỳ Vương có nói:

“Đất trong cảnh già lam đại tiểu tiện bậy bạ năm trăm đời đọa trong địa ngục Bạt-ba, sau hai mươi kiếp thường làm con bọ hung hai cánh tay ôm chỗ nhơ ấy cho đến trọn đời.”

Quý thầy học lý thiền rồi nói cái gì cũng không, nhân quả cũng không. Trong Thiền sư Trung Hoa có ghi:

Một vị cư sĩ đến hỏi Thiền sư Trí Tạng có thiên đường, có địa ngục hay không. Sư đáp có. Rồi hỏi có Phật, có Pháp, có Tăng, có Tam bảo hay không. Đáp cái gì cũng có. Cư sĩ nói:

- Coi chừng Hòa thượng nói lộn đó.

Thiền sư hỏi:

- Ông đã từng gặp vị tôn túc nào chưa?

- Đã gặp Hòa thượng Cảnh Sơn, hỏi gì Hòa thượng cũng nói không.

Thiền sư Trí Tạng hỏi:

- Ông có vợ chưa?

- Có.

- Có nhà không?

- Dạ có.

- Ông có thì đúng rồi còn Hòa thượng cái gì cũng không!

Thiền sư Trung Phong nói mấy vị tu thiền nói cái gì cũng không là chưa có ngộ. Mà chưa ngộ nên cái gì cũng có, pháp giới hiển bày ra hết. Trong Kinh Hoa Nghiêm nói rõ, Bồ-tát Thất Địa phải tu tập mười loại trí tuệ phương tiện thù thắng:

1- Tuy khéo tu tập chánh định, không, vô tướng, vô nguyện mà từ bi chẳng bỏ chúng sanh.

Tuy tu chánh định là không, tức là thấy các pháp đều vô ngã, không có thật, nó do nhiều yếu tố hợp lại, rồi thấy vô tướng, vô nguyện tức là không tạo tác nữa mà từ bi chẳng bỏ một chúng sanh nào. Tức là mình tu phải đạt đến chỗ vô ngã, vô tướng không tạo tác nhưng mình thương hàng hậu học là quý thầy phải oai nghi phép tắc đầy đủ.

2- Tuy đã được pháp bình đẳng của chư Phật mà thường ưa cúng dường chư Phật.

Các ngài đã tu được pháp bình đẳng của chư Phật tức là không còn thiện ác, không còn năng sở, không còn chủ khách nhưng mà hay cúng dường chư Phật. Ưa cúng dường chư Phật là gì? Tuy đã đạt đến chỗ bình đẳng như chư Phật rồi nhưng mình vẫn luôn làm các việc thiện mà không chấp trước, tránh xa điều ác đó là cúng dường chư Phật, cúng dường chư Pháp, cúng dường chư Tăng. Chớ không phải mình tưởng có một vị Phật nào đó để mình cúng dường.

3- Tuy vào môn trí huệ quán không mà vẫn siêng năng tích lũy phước đức.

Chứ không phải nói cái gì cũng không rồi buông hết. Siêng năng tích lũy phước đức tức là làm việc thiện pháp.

4- Tuy rời xa ba cõi mà vẫn trang nghiêm ba cõi.

Tức là rời xa dục giới, sắc giới, vô sắc giới nhưng vẫn trang nghiêm ba cõi, cho các chúng sanh trú ngụ mà tu tập pháp lành này.

5- Tuy đã dập tắt trọn vẹn những ngọn lửa phiền não mà lại vì tất cả chúng sanh khởi và diệt ba ngọn lửa phiền não tham, sân, si.

Rất là khó. Các ngài hộ, tức là sanh vì đạo, vì quá thương chúng sanh. Chẳng hạn như Hòa thượng, quý Thầy lớn, Thầy Trụ trì thấy quý thầy làm cái gì trái các ngài cũng phải răn, cũng phải dạy. Mà các ngài dạy như thế thì phải có niệm khởi và diệt. Vì thương chúng sanh mà các ngài ứng tác ra phương tiện, nếu để làm bậy sợ chúng sanh đọa địa ngục nên phải răn, phải dạy.

6- Tuy biết rõ các pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang, như sóng nắng, như ảo hóa, như trăng đáy nước, như bóng trong gương, tự tánh không hai, nhưng vẫn tùy theo tâm niệm của chúng sanh mà tạo tác vô lượng sai biệt.

Tức là ứng tác ra muôn ngàn sai biệt khác. Chẳng hạn quý thầy thích tu thiền thì các ngài ứng tác ra phương pháp tu thiền cho mình tu. Tuy biết rằng các pháp như huyễn, như mộng, như tiếng vang nhưng vì thương xót mà các ngài ứng tác từ tự tánh của các ngài ra muôn ngàn sai biệt khác.

7- Tuy biết các cõi nước giống như hư không mà vẫn có thể dùng diệu hạnh thanh tịnh để trang nghiêm cõi Phật.

Chẳng hạn như cõi Phật A Súc, cõi Phật Dược Sư… Những cõi Phật đó tuy biết là rỗng không nhưng các ngài vẫn dùng diệu hạnh phương tiện thanh tịnh để trang nghiêm cõi Phật. Mà diệu hạnh phương tiện thanh tịnh này ứng tác từ tâm hành giả, tâm mình thanh tịnh bao nhiêu thì ứng tác ra cõi đó thanh tịnh bấy nhiêu. Cho nên các ngài tuy biết hết các pháp, hay các cõi nước là giống như hư không mà vẫn có thể dùng diệu hạnh thanh tịnh mà trang nghiêm cõi Phật.

Một vị Thiền sư người Nhật nói, muốn biết một người mai kia được giải thoát hay không, thì nhìn hành động hằng ngày người đó làm. Trong cuộc sống giữa đời thường, trong sự tu hành mà giải thoát được năm mươi phần trăm thì khi chết được giải thoát năm mươi phần trăm. Vừa chết là cận tử nghiệp ứng tác ra cõi đó liền. Nếu ngày xưa mình giúp ích người này, trang nghiêm cho người khác hay nói khác hơn làm thiện pháp thì nó ứng tác ra các cõi để mình khế hợp, mình tiếp tục tu tập. Còn mình làm ác pháp thì cũng có những cõi khác ứng hiện ra. Địa ngục hay Niết-bàn, cảnh giới lành hay dữ đều do tâm mình biến hiện ra hết.

Có một vị cư sĩ nói: “Đạo Phật nói cái gì cũng vô ngã, mình đã vô ngã rồi thì còn tu làm gì? Ai tu? Ai chứng? Ai thọ khổ?” Mình thấy rất rõ là vạn pháp đều có chỗ nương tựa nhưng có một cái không nương tựa. Không nương tựa, nhưng vạn pháp đều nương tựa vào đó. Chẳng hạn cái bàn này nương tựa cái gì? Nương tựa hư không. Hư không không nương tựa nhưng hư không sản sinh ra các pháp. Vậy cái gì sanh ra hư không? Tri kiến Phật. Từ tri kiến Phật, các ngài có diệu hạnh thanh tịnh ứng tác ra các cõi. Chỉ một Đức Phật mà ứng tác hết muôn hạnh.

Cho nên mình cứ làm thiện pháp đi, cứ tu tập, cứ trang nghiêm thanh tịnh mình đi, đừng sợ mai kia chết lạc bậy. Nghiệp không bao giờ chơi xấu mình, nghiệp đẩy mình đến một cảnh giới nào đó thích ứng với những việc mình làm hằng ngày trong cuộc sống. Vì vậy, trong cuộc sống tu hành mình phải biết tránh điều ác, làm các điều lành là đúng nhất, đừng nói chuyện gì cao siêu hết.

8- Tuy biết pháp thân của chư Phật bản tánh vốn là không, có thân mà dùng tướng hảo để trang nghiêm thân, dìu dắt chúng sanh.

9- Tuy biết âm thanh của chư Phật bản tánh là không, vắng lặng chẳng nói năng mà hay thuận theo tất cả chúng sanh, phát ra vô vàn âm thanh vi diệu để nhiếp phục chúng sanh.

Tuy biết âm thanh là rỗng không nhưng không chỉ dạy, làm sao người ta biết được. Cho nên các ngài dùng phương tiện thiện xảo đi vào cuộc đời này. Phật pháp rất vi diệu, có những người tưởng chừng cuộc đời này họ bỏ không, nhưng nhờ nghe một bài pháp tự nhiên họ chuyển hóa.

Ngày xưa, lúc ở Tu viện Huyền Không bên Canada, tôi giảng bộ “Thập Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát”. Một hôm, có một cư sĩ đến chùa Ấn Quang thỉnh bộ chuông mõ. Lúc đó một vị thầy đang nghe đĩa giảng này, tình cờ bài giảng lọt vào tai vị cư sĩ cho nên ông xin về nghe. Ông là đại gia ở thành phố, nhà giàu, ăn thịt, uống rượu, không biết làm việc thiện pháp. Sau khi nghe bài giảng, ông ăn chay trường, cất nhà cho người nghèo, cứu giúp người bệnh. Ông hỏi thăm, biết tôi ở trên này, ông tìm gặp rồi kể tôi mới biết. Hôm trước ông phát tâm cúng dường tượng Phật cho Thiền viện.

Mình chưa phải là Bồ-tát gì hết, chỉ là phàm phu Tăng thôi, nhưng quý thầy cứ giữ giới luật thanh tịnh, giữ oai nghi phép tắc đúng thì sau này quý thầy cũng dìu dắt tất cả mọi người. Chỉ cho họ cái nào là tà pháp, cái nào là chánh pháp, cái nào nên làm, cái nào nên bỏ, họ biết được họ làm tăng trưởng phước đức.

10- Tuy theo lời chỉ dạy của chư Phật, biết rõ ba đời chỉ là một niệm mà vẫn thuận theo sự phân biệt của chúng sanh, dùng mọi hình tướng, mọi thời gian, mọi kiếp số mà tu tập các hạnh.

Theo lời chỉ dạy của chư Phật mình hiểu cái lý. Biết rõ ba thời, quá khứ, hiện tại, vị lai chỉ là một niệm tích tắc thôi, nhưng cũng vào cuộc đời này dùng mọi hình tướng, mọi thời gian, mọi kiếp số mà tu tập các pháp lành.

Chúng ta được duyên may xuất gia, được đầu tròn áo vuông, được học giới luật, học oai nghi phép tắc của mười phương chư Phật, thì mình biết chủng duyên mình rất là sâu. Muốn chủng duyên này được kéo dài, quý thầy ráng làm tất cả việc thiện pháp, tu tập thiện pháp, thu thúc sáu căn, nói lời nhu nhuyến để thành tựu chủng trí Bát-nhã. Nếu không, quý thầy tu một thời gian sẽ chán không muốn tu nữa vì không có được niềm vui, vị ngọt của chánh pháp.

“Chẳng được cùng người nói cười.”

Nhơn Thiên Bửu Giám nói:

“Một ông Sa-di vào nhà tắm giỡn cười liền mắc báo địa ngục nước sôi.”

Chư Phật, chư Tổ dạy mình vào nhà tắm, chẳng được cùng người nói cười. Nói cười thì trong giờ phút thực tại đó, mình không có chánh niệm.

Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư dạy:

“Cười giỡn chính là các căn phóng dật, thật chẳng biết thân dơ chưa sạch mà tâm dơ đã sanh khởi.”

Điều Tổ dạy ở đây nằm trong lý thiền. Thân dơ mình mới vào nhà tắm, thân chưa sạch mà mình giỡn cười không có chánh niệm, không thu thúc sáu căn, cho nên ngài nói thân dơ chưa sạch mà tâm dơ đã sanh khởi.

“Đây đều là do chẳng biết hổ thẹn nên cảm cái quả báo này.”

Có nghĩa là chúng ta tu hành mà không học luật, không học oai nghi phép tắc, thì không biết những cái nhỏ nhặt này.

“Người lúc tắm rửa mỗi mỗi phải nghiêm tịnh tâm mình.”

Trong luật có ghi, vào thời Đức Phật có mười Sa-di đã chứng quả vị A-la-hán nhưng còn tập khí dư thừa, nên khi xuống sông tắm các Sa-di này cười giỡn. Vua Ba-tư-nặc và Mạt-lợi phu nhân đứng trên sân thượng nhìn xuống, thấy vậy vua không còn kính tín Tam bảo nữa: “Đó, thầy của bà như vậy đó, chứng Thánh quả gì mà còn giỡn cười mất hết oai nghi.” Vị Sa-di trưởng biết được tâm niệm của vua, sợ vua bị đọa vào ba đường ác vì khinh khi các bậc A-la-hán nên mười vị Sa-di dùng thần túc bay lên hư không trở về Tinh xá. Vua Ba-tư-nặc thấy thế mới khởi tín tâm, rồi cùng Mạt-lợi phu nhân đến bạch Phật mà thưa hết các chuyện. Lúc này Phật mới chế giới vào nhà tắm, hay tắm rửa nơi sông suối không được giỡn cười.

Một hôm Hòa thượng đi kinh hành gặp một thầy mới xuất gia, Hòa thượng hỏi đang nghe băng gì, thầy đó thưa với Hòa thượng là đang nghe băng Hai Mươi Bốn Oai Nghi. Hòa thượng nói Sa-môn mà không có oai nghi phép tắc là coi như bỏ. Chứng tỏ Hòa thượng rất chú trọng về oai nghi phép tắc, giới luật. Chư Tăng bây giờ tu hành đông nhưng mà phần này thiếu sót rất nhiều, người giữ được rất ít. Thành ra ở đây nếu chúng ta có đủ túc duyên, có môi trường tốt, mình giữ được oai nghi phép tắc thì cũng là nền tảng sau này chúng ta thành Phật, tác Tổ.

Trong Dục Đường Cảnh Ngữ nói:

“Chẳng được lấy nước tưới dội qua lại, cũng chẳng được dùng nước hao nhiều.”

Tổ dạy mình, mỗi cái đều kiệm phước để tăng phước điền thì chúng ta tu hành mới chứng quả vị được. Không phải dùng hao nước mới tổn phước, những thứ mình xài trong Tăng đường, chẳng hạn giặt đồ mà lấy xà bông nhiều quá cũng là tổn phước.

Trong Hàng Gia Tập có nói:

“Tuổi thọ là căn bản của phước đức, phước đức là nền tảng của trí huệ. Người mỗi niệm thường tự răn nhắc mình là hạt giống, là mầm mống của trí huệ và phước đức, là nguồn gốc của tuổi thọ vậy.”

Cổ Đức dạy, tuổi thọ là căn bản của phước đức. Người ở ngoài đời dù cho nghiệp sát sanh nhiều, đúng ra bị chết yểu, nhưng họ làm phước, bố thí, cúng dường, phóng sanh thì tuổi thọ cũng tăng lên.

Còn tuổi thọ xuất thế gian là tuổi thọ gì? Có những người sanh ra trong nhà Phật pháp được một năm, hai năm rồi chết. Chết đây không phải là từ bỏ cõi đời này, mà mình không còn tiếp tục tu nữa, gọi là hoàn tục. Mình bỏ nhà xuất thế gian, ra ngoài đời chịu những hoàn cảnh khốn khổ rồi tạo tác nhiều ác pháp, tiếp tục sa đọa trong ba đường ác. Nếu chúng ta không kiệm phước đức, không biết tích chứa phước đức nhiều, thì tuổi thọ xuất thế gian tổn giảm.

Vừa rồi, đủ duyên về giỗ Tổ, gặp lại mấy huynh đệ ngày xưa, tôi bất ngờ khi thấy hai, ba người để tóc lại, không còn mặc áo tu nữa. Có người đã tu được bảy tám năm, có người mười năm. Trong cuộc sống tu hành mình để ý những người đó xài phước rất là phung phí. Mình không có thần thông, chứ thấy người tu hành ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng Ma Ba Tuần tuyên bố là xuống cõi trần này rồi. Bởi vì người cư sĩ hiện nay, họ sẵn sàng cúng dường để tạo phước điền. Quý thầy cần chiếc xe hai tỉ, họ sẵn sàng cúng, cần chiếc xe ba tỉ, họ sẵn sàng cúng cho quý thầy đi.

Trong kinh diễn tả, Tôn giả A-nan thấy vào đời mạt pháp, người cư sĩ đi trên cầu, còn Tăng sĩ thì ở dưới cầu. Sau khi nghe điềm chiêm bao của ngài A-nan, Phật thọ ký như thế này: “Vào đời mạt pháp chư Tăng không kiệm phước đức mà xài rất phung phí nên bị đọa xuống địa ngục. Còn hàng cư sĩ tại gia họ có tín tâm lớn, họ bố thí, cúng dường, họ tích chứa phước đức thì họ đi trên cầu, có nghĩa là họ sanh về những cảnh giới an lạc phúc lành, hạnh phúc trong cõi chư thiên.”

Ở đây nói tuổi thọ là căn bản của phước đức, cho nên vào nhà tắm, mình xài nước đừng phung phí quá. Tôi thấy có những người vào phòng tắm tắm nửa tiếng đồng hồ chưa xong, mà xối hết thùng này đến thùng khác. Cái thân mình đâu có dơ bao nhiêu, xài như vậy rất là phung phí. Tôi cũng chứng kiến có những thầy xà bông đổ không cần muỗng, đổ ào xuống rồi vớt trở lại, bọt xà bông tràn ra khỏi thau. Như vậy là không kiệm phước.

Cổ Đức nói:

“Làm phước chẳng bằng quý tiếc phước”

Mình đâu cần làm phước cho nhiều, kiệm mấy cái này là cũng đủ rồi. Có những người cúng dường, bố thí rất nhiều nhưng những việc hằng ngày trong cuộc sống tu hành, họ không biết kiệm phước. Cổ Đức nói:

“Đa sự bất như thiểu sự, hảo sự bất như vô sự.”

Có nghĩa là việc nhiều chẳng bằng ít việc, việc tốt chẳng bằng vô sự. Phước đức là nền tảng của trí huệ, chúng ta phải biết cách kiệm phước đức. Trong cuộc sống tu hành, nếu chúng ta không có nhiều phước đức làm nền tảng thì trí huệ không phát sanh.

Ngày xưa, có một người đến hỏi Hòa thượng, trong lúc tu hành chắc chắn sẽ có những nghịch duyên, nghịch cảnh đến với mình. Vậy làm cách gì để vượt thoát. Hòa thượng nói, chỉ có phước mới trang trải được. Nghe qua đoạn đó tôi không tin. Sau này ra làm Phật sự, những nghịch cảnh khốn cùng đến với mình rồi mình mới thấy đúng là nếu không có phước, chúng ta có thể sẽ không còn tu hành nữa. Nếu có tu hành thì giới thể chúng ta cũng không được thanh tịnh trọn vẹn.

Phước đức là nền tảng của trí huệ. Chẳng hạn quý thầy phạm giới hạnh đó, nhưng phước đức của quý thầy thù thắng quá thì tự nhiên trong giờ phút thực tại đó trí của quý thầy sáng lên, thấy rõ đường đi nước bước cái nào nên làm, cái nào nên giữ, cái nào mình nên thối lui. Rồi nếu chúng ta đủ phước đức, đến giai đoạn này chúng ta sẽ gặp những hoàn cảnh, nghịch cảnh khốn khổ thì tự nhiên đủ duyên, Thầy trụ trì cho quý thầy vào nhập thất. Có cảnh mình mới phạm, không có cảnh thì không phạm. Trong giờ phút ở trong thất đó chúng ta hạ thủ công phu, sám hối, tu tập thì chuyển được nghiệp cho mình.

Các vị Hòa thượng lớn nói, thời này thuận cảnh rất nhiều. Có nghĩa là người ta sẵn sàng cung cấp tứ sự cúng dường cho mình, đó là thuận cảnh. Nhưng nếu chúng ta không khéo tích chứa phước đức thiện pháp, thì sẽ bị tổn giảm không ít. Ngược lại, trong cuộc sống tu hành mà gặp nghịch cảnh, nếu vượt qua được thì tăng trưởng trí huệ Bát-nhã, có năng lực thù thắng đi vào cuộc đời này, có điều phải là bậc thượng căn mới làm được.

Cho nên ở đây nói, người mỗi niệm thường tự răn nhắc mình là hạt giống, là mầm mống của trí huệ và phước đức. Chẳng hạn, vào nhà tắm mình phải tự răn nhắc: “Đây là của đàn-na tín thí, một giọt nước cũng không có tiêu.” Răn nhắc suốt như thế thì tự nhiên trí huệ và phước đức tăng trưởng. Quý thầy bố thí kinh sách, bố thí gạo, đường,... mà mấy cái này mình không giữ thì cũng là bỏ không.

Các ngài nói rất hay:

“Làm phước chẳng bằng quý tiếc phước, sám hối tội chẳng bằng ít lỗi lầm.”

Hằng tháng mình cứ lên sám hối Thầy Trụ trì thì thà mình ít lỗi lầm nó hay hơn. Mình có phước, có đức, có trí huệ thì bảo đảm quý thầy tu suốt cuộc đời trong Đại tùng lâm, không bao giờ có tư tưởng chán lìa tùng lâm. Không chán lìa tùng lâm, quý thầy không bao giờ hoàn tục.

Hồi nãy, tôi có kể đợt vừa rồi tôi về, gặp một số quý thầy hoàn tục rất nhiều. Hỏi ra toàn là những người nhập thất ở cốc riêng. Hoặc có những người tu hành, giới thể không được thanh tịnh là ở chùa tư một mình, không có đại chúng. Chúng ta giữ giới được thanh tịnh, là nhờ xung quanh đại chúng bảo bọc mình, chứ không phải mình hay gì.

Các bậc tôn túc ngồi lại nói chuyện với nhau, các ngài rất là sợ, các ngài nói thời đại này rất khó tu. Vật chất, dục lạc thế gian xâm nhập vào cửa thiền rất nhiều. Chẳng hạn như các chùa có nơi mở phim ảnh lên coi, rồi ăn uống không tiết độ nữa thì chắc chắn là bị phạm. Bởi vì chưa chứng Thánh, chưa vượt qua những cảnh giới thì bị ma nó dẫn.

Chúng ta được phúc duyên tốt ở đây có đại chúng bao bọc. Tuy rằng có thể kiếp này chưa ngộ đạo, nhưng mà mình tu không chỉ một kiếp này. Ngài Xá-lợi-phất, ngài Mục-kiền-liên, tất cả các vị đại đệ tử của Phật, Đức Phật thọ ký mấy đại, tiểu kiếp mới thành Phật, mà các ngài sau khi nghe thọ ký rồi ai cũng vui mừng.

Có người nói là Phật tâm, Phật tánh thanh tịnh rồi cần gì tích chứa phước đức, tích chứa thiện pháp nữa. Tôi đưa ra thí dụ dễ hình dung nhất: buổi sáng, quý thầy thấy mây mù trên hư không rất nhiều, tuy mây mù chẳng làm nhiễm ô hư không nhưng nó che lấp hư không. Những ác pháp tuy không làm ảnh hưởng đến Phật tâm, Phật tánh nhưng nó bít lấp con đường đi đến giác ngộ và giải thoát. Vì thế, phải tích chứa phước đức và kiệm phước.

Phật, Tổ dạy:

“Người nào thường tưởng đến khi bệnh nặng thì tâm đắm nhiễm trần cảnh dần dần diệt.”

Phật, Tổ dạy, lúc nào cũng quán niệm như vậy thì tâm đắm nhiễm trần cầnh từ từ nó mất.

“Thường tưởng đến lúc chết thì niệm ham thích tu đạo tự nhiên sanh khởi. Nói đến khi đang bệnh nặng sắp chết thì có tướng ngã nào đáng để nương tựa.”

Phật, Tổ dạy, mình quán xét thật sâu để thấy rằng, lúc bệnh nặng thì không còn cái tướng ngã nào để nương tựa nữa. Trong sử kể, khi bệnh ngặt nghèo đến, các Thiền sư hạ thủ công phu. Các ngài quán và nhàm chán thân ngũ uẩn này, trong giờ phút thực tại đó tự nhiên phát huy tâm địa.

“Ngũ dục nào đáng khởi, lòng tham mê danh lợi nào đáng luyến tiếc. Dù có đồ cổ quý hiếm cũng nên bỏ đi. Nếu chẳng nương tựa vào tướng ngã thì tình chấp ngã tự tiêu diệt, chẳng tham ngũ dục thì chẳng có cái tâm phiền não.”

Dầu cho vật quý nhất chúng ta cũng không đem theo được, nghĩ tới đó thì đạo của mình được phát huy, tăng trưởng. Quý thầy thấy rất rõ, lúc bệnh mình chỉ mong một điều duy nhất là làm sao hết bệnh. Chẳng hạn, mình đi khám bệnh, phát hiện bị ung thư thì lúc đó còn ham thích gì nữa không hay là ráng tu? Nghe nói ung thư giai đoạn cuối, sắp từ giã cõi đời này rồi, chắc chắn không còn ham thích hay tranh cãi gì nữa hết, lúc đó tâm phiền não tự nó dứt.

“Chẳng thích hư danh thể diện thì buông xả dễ dàng. Nếu biết chẳng thể buông bỏ được cổ vật quý hiếm thì cũng chẳng nên vượt quá bổn phận của mình để tìm cầu có nó, dù trước kia đã có cũng nên xả bỏ nó để làm việc phước thiện. Nếu có thể xa lìa được tình chấp, phiền não về bản ngã và ngã sở thì nhìn Tăng Ni hay người thế tục cho đến các loài nhỏ như côn trùng đều là vị Phật ở tương lai.”

Sau khi quán xét thật sâu, biết là không đem theo được gì cả, cho dù là cổ vật quý hiếm thì mình khởi tín tâm làm các việc phước thiện, để tăng trưởng phước đức và trí huệ. Phước đức, trí huệ tăng trưởng thì nhìn từ Tăng Ni, người thế tục, cho đến côn trùng mình cũng đều thấy là vị Phật tương lai hết.

“Đã thấy các loài đều là Phật tương lai thì đối với các loài ta có thể dùng tâm cung kính cúng dường Phật tương lai. Không có việc tốt nào mà không làm được, tất cả những hành động làm tổn hại, phiền não, ngang bướng xúc phạm đến Phật vị lai đều được dừng lại.”

Mình thấy đây là vị Phật tương lai thì mình không dám xúc phạm, không ngang bướng, không phiền não, không làm tổn hại đến vị Phật tương lai đó. Thấy được như thế thì tu hành rất an ổn.

“Thì như thế, nếu phước đức chẳng tăng trưởng, tuổi thọ không lâu dài trái với lời nói của tôi thì tôi sẽ bị đọa địa ngục.”

Ngài khẳng định chắc chắn, ngài sẵn sàng chịu đọa địa ngục nếu lời nói ngài hư dối.

“Nếu chẳng có thể trong tất cả thời, nhớ đến vị Phật vị lai thì trong tất cả thời chẳng hay vun trồng phước đức và trí huệ. Người mà không gieo trồng phước huệ, tuy may mắn sống đến trăm năm rồi cũng chết cùng với cây cỏ, đồng mục nát mà thôi.”

Trong lúc hạ thủ công phu tu hành, chúng ta không làm tất cả các việc thiện pháp, (tức là phước huệ song tu), cho dù sống được trăm năm thì sau khi chết chúng ta cũng đồng mục nát như cây cỏ vậy.

Trong các loài, con người có khả năng định vị hơn, có thể tự quyết định thân phận của mình, có thể tu chuyển phàm thành Thánh được. Mà muốn được chuyển phàm thành Thánh, quý thầy phải phước huệ song tu. Không phải bố thí, cúng dường mới gọi là tạo phước, chỉ cần chúng ta kiệm thôi thì chính đó là phước. Chẳng hạn như xuống nhà bếp thấy dơ, quý thầy lau là mình kiệm phước, mình tăng thêm một ít phước điền. Trong giờ phút thực tại đó, trí huệ tăng trưởng.

“Chẳng nên tắm chỗ khuất. Phàm có ghẻ lác phải tắm ở sau, hoặc có ghẻ đáng sợ phải nên quanh lánh khỏi gai mắt người. Chẳng được lung ý tắm lâu mích lòng người sau.”

Mình vào nhà tắm, tắm có chừng mực thôi, người sau đứng chờ lâu sanh tâm phiền não không vui.

Kinh Thập Giới nói:

“Chẳng được giặt áo ở trong nhà tắm.”

Tại sao? Giặt áo thì lâu, lâu thì đại chúng chờ, đại chúng chờ khởi tâm phiền não. Phật vị lai mà khởi tâm phiền não là mình tổn phước.

“Cởi áo, mặc áo phải thong thả bình tĩnh, có nghĩa là luôn luôn chánh niệm.”

Chúng ta cởi áo chuẩn bị tắm thì cởi từ từ. Sau khi tắm xong, chúng ta mặc áo cũng thong thả bình tĩnh. Pháp tu chỉ thế thôi, mà có những lúc, chúng ta phát minh được tâm địa cũng là chỗ này.

Trong Ngũ Đăng Hội Nguyên có ghi câu chuyện:

Thiền sư Mông Khê hỏi một vị Tăng:

- Thượng tọa ở đâu đến?

Tăng thưa:

- Ở Định Châu đến.

- Định Châu có việc gì kỳ đặc?

Vị Tăng nói:

- Con khi sáng đi qua trong nhà kia chỉ nghe nói muối mắc gạo rẻ, trọn không có việc gì kỳ đặc.

Thiền sư Mông Khê nói:

- Ta trong ấy cũng thế thôi, chỉ là cháo thô, cơm lạt cùng Thiền tăng tùy phần qua thời, cũng không có việc gì kỳ đặc.

Thiền sư lại hỏi:

- Ông hội chăng?

Thì Tăng thưa:

Con chẳng hội.

- May là ông không hội, nếu ông hội liền bị thâu hết nửa đạo lý.

Muối mắc, gạo rẻ. Rồi cháo thô, cơm lạt, tắm rửa, tiểu tiện,... chỉ là những việc hằng ngày thôi chứ không có gì kỳ đặc hết, mà trong nhà thiền hay nhắc đến chỗ đó. Ngay trong giờ phút thực tại đó, chúng ta luôn luôn chánh niệm, luôn luôn biết rõ con người đang nghe pháp thì có lúc chúng ta phát minh được tâm địa.

Tóm kết bài “Vào Nhà Tắm” này, tôi xin kể một câu chuyện nữa.

Một hôm Hòa thượng Nam Tuyền đi ngang qua nhà tắm, thấy vị trưởng phòng tắm đang đốt lửa nấu nước, Thiền sư hỏi:

- Ông đang làm gì?

Trưởng phòng thưa:

- Nấu nước tắm.

Sư bảo:

- Nhớ gọi con trâu đực đi tắm.

Trưởng phòng đáp:

- Dạ.

Hỏi đâu đáp đó thì quý thầy thấy Thiền sư rồi phải không?

Đến chiều trưởng phòng tắm vào phương trượng.

Sư hỏi:

- Làm gì?

Trưởng phòng tắm thưa:

- Mời con trâu đực đi tắm.

Thiền sư liền bảo:

- Ông đem được dây thừng đến chăng?

Trưởng phòng tắm không đáp được.

Ban đầu thì giống như Thiền sư nhưng khi bị các ngài kiểm điểm thì sao? Người ta nói là đầu voi đuôi chuột, ló cái đuôi ra là mình học lóm thôi. Trưởng phòng tắm nói mời con trâu đực đi tắm thì rất là hay, nhưng hỏi đem được dây thừng đến chăng thì không biết đường trả lời.

Sau đó Triệu Châu đến thăm hỏi, Sư thuật lại việc trên, Triệu Châu thưa:

- Bạch Hòa thượng! Con có lời để đáp.

Nam Tuyền bèn nói:

- Đem được dây thừng đến chăng?

Triệu Châu liền đến gần trước mặt chợt nhéo lỗ mũi một cái, ngài Nam Tuyền nói:

- Phải thì phải mà ông thô quá!

Nhéo một cái hiện tiền là con trâu đực liền, trong giờ phút thực tại đó ai biết? Quý thầy thấy nhà thiền rất là hay, ở đây mình học qua cho biết thủ thuật của các ngài là trong nhà tắm, hay trong lúc nấu cơm, giã gạo, chẻ củi đều thể hiện đức tính của thiền.

“Khi sắp tắm trước phải tẩy tịnh cho kỹ lưỡng, chẳng được lấy nước tẩy tịnh đổ trong vò tắm.”

Không được lấy nước đã tẩy tịnh đổ trong vò để dùng lại. Phải kỹ lưỡng, sạch sẽ.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 04859
  • Online: 51