Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 18): Phép Đến Nhà Người

30/04/2018 | Lượt xem: 3708

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt

Tức là đến nhà cư sĩ.

Chư Phật, chư Tổ dạy cho người hậu học tinh thần của đạo Phật là đi theo lộ trình Giới, Định, Tuệ. Dầu tu theo pháp môn nào, Tịnh Độ Tông, Mật Tông hay là Thiền Tông chúng ta đều đi theo lộ trình này.

Khi đến nhà người, tức là đến nhà cư sĩ, nếu trước đó chúng ta không học oai nghi phép tắc thì người cư sĩ họ khinh dễ người Tăng sĩ, tức là phá kiến chúng sanh. Hôm trước thầy Trụ trì Trúc Lâm dạy người mới xuất gia cần nhất là học về giới luật, oai nghi phép tắc. Lúc nhỏ, chịu khó học thì nó thấm vào tàng thức, lâu ngày chầy tháng mình nhớ, gặp việc mình ứng xử được. Nếu không học, khi đến nhà cư sĩ hoặc đến chùa cô Ni, người ta nhìn là biết mình không học qua giới luật, oai nghi phép tắc.

Tôi thấy một số quý thầy nhỏ chỉ lo làm, những giờ học cơ bản không chịu đi học. Quý thầy chỉ sợ vắng mặt giờ của thầy Trụ trì. Thầy Trụ trì dạy cao cấp Phật học, quý thầy phải luôn có mặt. Những điều nhỏ, cơ bản như oai nghi, giới luật mình không nghiên cứu kỹ thì sau này rất khó. Chỉ có mình thương mình thôi, không ai thương mình hết.

Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư dạy rất là rõ:

“Không được cùng người thế tục ngồi chung lang chạ, mình phải riêng chỗ mà ngồi.”

Chẳng hạn như có một cái ghế, mình ngồi chung với cư sĩ thì họ coi thường. Ra làm Phật sự sẽ thấy, mới đầu cư sĩ rất kính mình nhưng mà sống chung với một thời gian thì họ chán. Bởi chúng ta chưa chứng Thánh, oai nghi phép tắc không chuẩn thì chắc chắn bị sơ hở.

“Và đừng ngồi chồm hỗm, ngồi chàng hãng, ngồi tréo giò, lắc mình, rung chân, đứng dậy ngồi xuống, ngồi xuống đứng dậy liền liền”.

Tức là không đúng oai nghi phép tắc của Tăng sĩ. Trong Bát Chánh Đạo, chi phần thứ nhất là Chánh tri kiến. Theo tinh thần bên Nam Tông, Chánh tri kiến có nghĩa là phải thấu thoát được Tứ Diệu Đế, tức là Khổ, Tập, Diệt, Đạo, nói khác hơn là phải thấu thoát mười hai nhân duyên. Nhưng theo tinh thần của giới luật, Chánh tri kiến ở đây là mình phải trang bị cái thấy biết chơn chánh, có nghĩa là oai nghi, phép tắc đi đứng, nằm ngồi.

Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói:

“Ta ra đời nhằm mục đích là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.”

Tức là cái thấy biết giác ngộ. Thấy biết giác ngộ rồi thì quý thầy đến nhà cư sĩ hay đến chùa cô Ni, tự nhiên có chuẩn mực oai nghi phép tắc đầy đủ.

Nhưng theo chúng tôi thấy, ra làm Phật sự, nếu quý thầy thường đến nhà cư sĩ thì nó mất đi tính chất thiền của mình. Mới đầu họ rất cung kính, từ cái cung kính đó tự nhiên mình rớt vào lợi đắc và danh vọng. Nhiều khi huynh đệ mình còn nhỏ thì chơi rất thân nhưng lúc ra làm Phật sự thì tự nhiên không còn thân như ngày xưa nữa. Chẳng hạn quý thầy có một số Phật tử, cư sĩ, quý thầy giới thiệu với huynh đệ, huynh đệ mình thường lui tới với những vị cư sĩ đó thì tự nhiên có những hạt giống tật đố, ích kỷ nó chen vào. Cho nên chư Phật, chư Tổ dạy mình phép đến nhà cư sĩ, càng ít đến càng tốt, có chuyện gì quan trọng lắm thì mới đến, còn không thì thôi. Đến liền liền thì họ coi thường.

“Trong kinh Tương Ưng Bộ II, chương VI, Phẩm I, Phần Con Rùa, Đức Phật dạy:

Một thời Thế Tôn trú ở Sa-va-thi dạy các Tỷ-kheo khổ lụy:

- Này các Tỷ-kheo! Lợi đắc, danh vọng, cung kính là chướng ngại pháp để chứng đắc vô thượng an ổn, khỏi các khổ ách.

Được cư sĩ cung kính, từ đó danh vọng, lợi dưỡng tăng trưởng thì nó che mất đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh giác.

- Này các Tỷ-kheo! Thuở xưa trong một hồ nước có những con rùa sinh sống, rồi một con rùa nói với con rùa khác: “Chớ có đi đến chỗ ấy.” Con rùa kia không nghe lời đi đến chỗ ấy liền bị người thợ săn phóng trúng nó một cây lao có sợi dây.

Chớ có đi đến chỗ ấy, nghĩa là đừng lân la đến nhà cư sĩ nhiều.

Thì khi ấy, con rùa kia đi đến, con rùa này hỏi: “Này bạn! Bạn có bị thương, bị bắn trúng không?” “Không! Tôi không bị thương, không bị bắn trúng nhưng có ngọn lao và sợi dây dính theo lưng tôi.” “Này bạn! Bạn bị thương thật rồi, bạn bị bắn trúng thật rồi. Chính vì những vật này của người thợ săn mà cha ông của bạn rơi vào bất hạnh, rơi vào tai họa.”

Phật đưa ra ví dụ này, ý là, được người cư sĩ cung kính, được lợi dưỡng, được danh vọng thì mình thấy đâu có gì, bởi vì nó vô hình, vô tướng, nhưng mình bị nhiễm, bị thấm hồi nào không hay. Từ đó về sau mất đi tính chất thiền hay nói khác hơn, mình không vào được con đường thiền định, không được giới thanh tịnh. Định không có, không có định thì tuệ cũng không. Không có tuệ có nghĩa là bị bắn trúng bởi danh vọng, lợi dưỡng, cung kính.

Khổng Tử nói rất rõ: Bậc hạ là đọc trong sách mà kinh nghiệm, bậc trung là được thầy, bạn truyền trao lại kinh nghiệm, còn bậc thượng là tự mình lặn sâu, thể nhập trong cuộc sống mà chứng nghiệm. Những điều Phật nói ra là do Phật đã trải qua vô lượng kiếp kinh nghiệm trong cuộc sống, Phật truyền trao lại cho mình.

- Này các Tỷ-kheo! Người thợ săn là chỉ cho ác ma; cái lao chỉ cho lợi đắc, danh vọng và cung kính; sợi dây chỉ cho hỷ tham. Tỷ-kheo nào đối với lợi đắc, danh vọng, cung kính mà thọ hưởng và luyến ái thì vị ấy đã bị lao đâm trúng, đã rơi vào tai họa, bị ác ma muốn làm gì thì làm.

Tức là họ muốn gì thì quý thầy phải chiều thôi! Mình đến nhà cư sĩ nhiều, một thời gian họ cúng dường, họ cung kính, mình dính mắc, luyến ái rồi thì họ sai bảo gì mình cũng làm theo hết, có khi làm trong tinh thần ác pháp. Có những người nói làm Phật sự nhưng thật ra là ma sự, tức là giới không được thanh tịnh, định không được định tĩnh, và tuệ thì không có.

Theo kinh A-hàm, Phật dạy:

Vào nhà cư sĩ, nếu cư sĩ không đủ năm pháp thì Chư Tăng không được vào:

- Thứ nhất, họ có chỗ ngồi mà không mời, không thỉnh.

- Thứ hai, mình vào nhà họ nhưng cặp mắt họ không cung kính, không tôn trọng thì đừng nên vào.

- Thứ ba, họ có thức ăn uống thượng vị họ không cúng dường mà cúng dường thức ăn không thượng vị thì cũng không nên vào.

Theo chúng tôi kinh nghiệm, những người cư sĩ họ cung kính những vị lớn chẳng hạn như Hòa thượng, thầy Trụ trì, còn đối với mình thì họ không cung kính bao nhiêu. Khi có công việc lên thành phố, thường chúng tôi xin ngủ ở chùa. Quen chùa nào thì xin thầy Trụ trì ngủ chùa đó chứ đừng nên đến nhà cư sĩ ngủ. Cũng có người có chùa quen nhưng không chịu ngủ mà lại thích ngủ ở nhà cư sĩ. Có những cư sĩ họ mở ti vi lên cho quý thầy coi, quý thầy xuống coi là mắc bẫy rồi. Cho nên đến nhà cư sĩ là phải có học oai nghi phép tắc.

Cư sĩ thân tín mời quý thầy đi dự đám cưới quý thầy đi không? Đi là bị dính bẫy. Hồi xưa có hai thầy, bây giờ đã ra thất ở, có một cư sĩ (tôi giấu tên) mời hai thầy đi dự đám cưới con gái, hai thầy đi dự. Sau khi hai thầy ngồi trên bàn dự đám cưới thì ông lấy điện thoại ra gọi cho thầy cố vấn, đề nghị thầy cố vấn lên trình Hòa thượng để khai trừ hai thầy này. Họ mời người ta đi ăn đám cưới, rồi họ nói ai đời chư Tăng mà đi ăn đám cưới, không đúng oai nghi phép tắc! Câu chuyện này có thật, tôi nêu ra cho quý thầy thấy. Họ khinh dễ, họ coi thường mà họ nhử mình đó.

Quý thầy khi đủ duyên đi thọ giới Tỳ-kheo rồi thì cũng không được quyền làm mai mối. Chẳng hạn quý thầy có em gái, gặp người nào đó quý thầy nói: “Tôi thấy ông cũng hiền lành, ông muốn lấy em gái tôi không?” Nghe vậy là biết vị này chưa từng học qua giới luật, chưa từng học qua oai nghi phép tắc. Mình là người tu, không khuyến khích người ta đi xuất gia thì thôi, chứ không được quyền khuyến khích người ta lấy nhau, làm cho người ta dính vào trong luân hồi sanh tử, trong luật ghi rất rõ. Đi ăn đám cưới cũng là khuyến khích người ta đi vào luân hồi sanh tử.

Tổ Trừng Quán, Tứ Tổ trong Hoa Nghiêm phát mười lời nguyện lớn.

Bồ-tát Long Thọ nói nếu trên bước đường hành đạo mà quý thầy chưa từng bao giờ phát một lời nguyện nào thì bảo đảm quý thầy tu một thời gian sẽ hoàn tục. Tại sao? Bởi vì nguyện lực là sức mạnh, có những lúc mình làm cái gì đó, mình nhớ lời nguyện của mình, nguyện lực của mình quá mạnh thì tự nhiên mình giữ giới được thanh tịnh, được định tĩnh và có trí tuệ.

1- Tôi sẽ luôn luôn sống trong chùa và chỉ giữ ba y của Tỳ-kheo.

2- Tôi sẽ từ bỏ tất cả danh lợi thế gian và xem chúng như là rác rưởi.

Ngài từ bỏ tất cả danh lợi thế gian, ở đây mình làm chưa được. Thấy có một số người họ dính mắc về danh lợi, quý thầy khởi niệm coi thường là bị nhân quả. Theo tinh thần của thiền, chừng nào chúng ta sống trên danh lợi mà nhàm chán danh lợi thì đúng. Chưa có thì hãy khoan, ở đây mình nhớ lời nguyện của ngài để mình thu thúc, tu tập. Chẳng hạn như quý thầy làm trụ trì, rồi có tiền, có của, có danh vọng, có lợi dưỡng mà quý thầy nhàm chán, coi như rác, như rơm thì đúng. Còn mình là chúng thì mình phải thực tập. Muốn thực tập được thì phải học giới luật, oai nghi.

3- Tôi sẽ không bao giờ ngắm nhìn người nữ.

Lời phát nguyện thứ ba này chúng ta phải cần lưu ý.

Trong kinh Bồ Tát Quát Mắng Sắc Dục có nói rất rõ, chư Phật, chư Tổ luôn luôn căn dặn mình xa lánh sắc đẹp người nữ. Nếu không chịu tu, không chịu giữ giới luật, không thu thúc sáu căn thì rất dễ dính mắc. Ở đây nói:

“Sắc đẹp người nữ là gông cùm của thế gian, phàm phu say mê chẳng thể tự thoát ra được”.

Đến như Ngô Phù Sai, vua Trụ, Đường Huyền Tông cũng đều dính mắc, dầu cho vua chúa cũng khó mà thoát ra được. Tuy vô hình vô tướng nhưng mà nó trói buộc.

Chúng ta có túc duyên là trong vô lượng kiếp đã từng tu tập, đã từng phát nguyện lớn, nên ngày hôm nay mới được đầu tròn áo vuông, chớ khó mà thoát ra được lắm. Thoát ra được rồi thì mình phải phát nguyện “Tôi sẽ không bao giờ ngắm nhìn người nữ.” Nghe như thế đi ra đường gặp người nữ quý thầy đi thụt lùi là trật nữa! Như câu chuyện cô lái đò và vị tu sĩ:

Cô lái đò đưa khách sang sông, đò cập bến, cô thu mỗi người một đồng nhưng vị tu sĩ thì cô thu hai đồng. Hỏi tại sao, cô nói vì thầy nhìn cô nên cô tính thêm tiền. Lượt về vị tu sĩ không nhìn cô mà nhìn xuống sông, nhưng cô thu tám đồng. Vị tu sĩ nói tôi nhìn xuống sông đâu có nhìn cô. Cô nói thầy không nhìn mặt tôi nhưng tâm thầy nhìn!

Tôi kinh nghiệm bản thân, nếu nói không nhìn người nữ thì ra làm nhà khách bảo đảm không được. Quý thầy làm việc phải phát nguyện lực lớn, làm vì Thầy Tổ, vì đại chúng tu hành được an ổn. Một điều nữa là nhớ không bao giờ được bỏ ngồi thiền. Mình phải gia công tu tập, gia công thiền định và có nguyện lực lớn thì tuy đối diện trước người nữ, nhưng chúng ta không dấy niệm về sắc, thinh, hương, vị và xúc.

“Phàm phu khốn khổ đến chết chẳng thể thoát khỏi.”

Quý thầy có gia đình mà ra đi được không phải là chuyện đơn giản, nguyện lực đời xưa còn sót lại cho nên bây giờ mới thoát ra, giống như cá mắc lưới mà thoát ra được mới hay.

“Sắc đẹp người nữ là họa suy của thế gian, phàm phu bị nó mê hoặc thì mọi tai ách thường đưa đến. Người tu hành đã được xả bỏ nó, nếu tâm còn nhớ tưởng lại thì đó là từ trong ngục tù được thoát ra lại muốn trở vào nữa”.

Đây là kinh nghiệm cho những người có gia đình, thoát được rồi nhưng ở trong chùa, phiền não huynh đệ, chiều lại quý thầy xuống rừng thông ngồi tơ tưởng nhớ ngày xưa sống như thế nào. Đó là muốn vào ngục tù lại nữa! Đã thoát khỏi ngục tù rồi mà tơ tưởng về quá khứ, gọi là sống mộng tưởng, bị những cái dục điên cuồng của thời quá khứ nó quay cuồng trong mình. Lúc này quý thầy phải đến trước Phật thành tâm sám hối tha thiết thì lần lần nó hết và khô kiệt.

“Lại muốn trở vào nữa, từ điên cuồng được tỉnh táo sau đó ý mong cầu bị điên cuồng lại, từ bệnh hoạn được khỏe mạnh lại muốn bị bệnh trở lại. Người trí phẫn nộ về sự ngu si ấy, biết rõ tai hại của sự điên cuồng kia đã làm cho mình nhiều lần bị ngã gục”.

Sư huynh tôi tên là Đạo Nghi, trước khi xuất gia ông đã có gia đình. Xuất gia rồi ông ra vào hết thảy sáu lần, lần nào cũng do cô bạn dụ về. Lần tôi làm nhà khách, người con điện lên nói cô bạn ông bị xe tông đang hấp hối trong bệnh viện Chợ Rẫy nên kêu ông về gấp. Chính tôi dắt ông vào xin Thầy tôi. Thầy tôi thật là hay, Thầy nói:

- Chú bị lừa rồi đó, tôi bảo đảm là chú bị lừa, kỳ này chú về là chú chết!

- Dạ không đâu, cô bạn con bị tai nạn sắp mất rồi mà, con phải về!

Quả tình ông đón xe về rồi ở nhà luôn, khoảng hai năm sau ông lại lên xin xuất gia lần nữa (lần thứ tư). Tôi hỏi:

- Ngày xưa lúc ông đi về thì chuyện gì xảy ra?

Ông nói:

- Con về nó núp đâu trong cửa nó nhào vô một cái nên con tiêu đời luôn!

Cứ ra vào suốt, ông cũng chịu hết nổi nên lên xin Hòa thượng đổi tên, ông nói:

- Con là Đạo Nghi, mà nghi thì nó không có ngộ, xin Hòa thượng đổi tên.

Hòa thượng đổi tên cho ông (Đạo Nghi là do Thầy trụ trì Thường Chiếu đặt), đổi tên rồi ông còn ra hai lần nữa!

Thêm một kinh nghiệm nữa, ngày xưa ở Chơn Không có một thầy lớn tuổi, tu được ba năm thì cô bạn nói thầy sao lâu không về thăm nhà. Thầy quyết định tu chứ không về, thầy nói tôi tu cho đến chừng nào xong việc tôi mới về. Bữa nọ cô này viết một lá thư gửi lên nói thôi ông đừng về nhà nữa, tôi có người lo rồi, ông ở luôn lo tu đi. Sáng lại ông lên ông trình Hòa thượng xin về, nói là để độ cho cô!

Bởi vì chúng ta còn những hạt giống tham ái nên rất dễ bị rớt. Trong vô lượng kiếp chúng ta đã từng ngã gục. Ngày hôm nay chúng ta thức tỉnh nên vào chùa được túc duyên là chưa có gia đình, mà chưa có gia đình thì chúng ta phải thẳng bước. Là phải phát nguyện lớn: “Tôi sẽ không bao giờ ngắm nhìn người nữ.”

“Nhiều lần bị ngã gục đến chết mà không có ngày để thoát ra, phàm phu đắm chìm trong sắc dục cam chịu làm kẻ tôi tớ, cả đời rong ruổi theo sắc dục bị nó làm khổ lụy. Tuy bị dao bén chém vào thân, mũi tên ghim vào ngực, mà cam tâm nhận chịu chẳng cho đó là tai họa! Người điên cuồng chẳng cho rằng sự điên đảo của mình là điều lầm lỗi.”

Đừng nghĩ mình có gia đình rồi về nhà họ lấy dao chém mình. Mà là dao gì?

Ở Tịnh xá quê tôi có một thầy rất hảo tướng, tu cũng gần hai chục năm. Có một cô thương thầy, cô này nói năng rất ngọt ngào. Một thời gian thầy chịu không nổi nên hoàn tục. Thầy ở trong chùa từ nhỏ, ra đời không biết làm gì nên lên rừng đốn củi về hầm than bán. Hôm nào không có tiền thì người vợ, không phải lấy dao bén chém vào thân hay lấy mũi tên ghim vào ngực ông, dao đây là những lời chửi bới từ sáng tới tối. Ông chịu không nổi, chạy ra đường cố tình cho xe đụng. Xe đụng không chết mà bây giờ bị tàn tật! Đó là nỗi khổ của chúng sanh.

Cư sĩ nữ rất thích các vị Tăng, họ cung kính cúng dường. Bởi vì quý thầy có năng lực thù thắng, từ trường của quý thầy thanh tịnh. Cho nên phải rất cẩn thận, lời nói của người nữ mới đầu rất ngọt, rất cung kính. Nhưng mình tham đắm sắc dục rồi thì phải chịu những lời mắng nhiếc.

“Người tu hành nếu xa lìa được sắc đẹp và không còn tâm luyến ái nữa, chính là người đã phá tan gông cùm, thoát khỏi còng khóa, chán chê bệnh cuồng ác, lìa hẳn nơi họa si, đã được an ổn, lại thêm tốt lành, được ra khỏi lao ngục mãi mãi không còn bị hoạn nạn nữa.”

Thoát ra được rồi thì rất an ổn, thảnh thơi, tốt đẹp và hạnh phúc. Chịu khó ráng tu, chịu khó ở trong đạo năm mười năm, mình không thấy ra gì nhưng chừng ba chục tuổi đạo thì lời quý thầy nói ra phổ xuống đại chúng đều nghe, đều hấp thu được hết, vì quý thầy có năng lực lớn. Mình đi tu làm lợi ích rất nhiều, còn không đi tu được thì mưa cũng lo, gió bão gì cũng lo hết. Túc duyên mình lớn lắm nên mới được xuất gia học đạo.

4- Tôi sẽ luôn luôn trì tụng kinh Pháp Hoa cho đến khi tẩy sạch hết tất cả mọi chấp thủ.

5- Tôi sẽ luôn luôn đọc kinh điển Đại thừa để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.

Tức là luôn luôn coi những bộ kinh lớn, kinh Đại thừa. Đó là con thuyền lớn đưa chúng sanh qua biển khổ.

6- Tôi sẽ giảng kinh Hoa Nghiêm trên khắp nẻo đường đời.

7- Tôi sẽ không bao giờ nằm suốt cả cuộc đời bất kể ngày đêm.

Ngài phát nguyện ngồi suốt, không nằm.

8- Tôi sẽ không bao giờ não loạn người khác vì tự tôn vinh mình hay bị kiêu mạn.

Không bao giờ làm não loạn người khác, không bao giờ làm não loạn huynh đệ của mình.

9- Tôi sẽ không bao giờ thối tâm đại từ bi hướng về tất cả chúng sanh trong pháp giới mà sẽ nỗ lực phấn đấu vì sự cứu độ và lợi ích của tất cả chúng sanh.

Những lời phát nguyện trên, đọc qua cho biết để chúng ta phấn phát trên con đường tu.

“Người hỏi kinh phải biết thời, dè dặt vì nói phi thời.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nghĩa là phải quán sát căn khí người trước, nên nghe pháp gì, nên học pháp gì.”

Chẳng hạn, đến nhà cư sĩ, họ nói pháp vô thường, quý thầy lại nói pháp vô ngã thì trật.

Trong kinh A-hàm, Tôn giả A-nan chỉ cho hai đệ tử, người làm thợ rèn thì tôn giả chỉ pháp quán bất tịnh, còn người giữ nghĩa địa thì chỉ pháp quán sổ tức. Tu một thời gian không có kết quả. Đến hỏi Phật, Phật dạy: “Người làm thợ rèn, suốt ngày thổi phì phụt, ông chỉ sổ tức thì mới đúng, còn người giữ nghĩa địa ông chỉ pháp quán bất tịnh mới phù hợp.” Ngài A-nan dạy lại, chỉ ba tháng họ chứng quả vị Tu-đà-hoàn.

Cho nên trước phải quán sát căn khí người, nên nghe pháp gì, học pháp gì. Những người sơ cơ mà bảo buông vọng tưởng, người ta buông sao được. Chẳng hạn, như người đó thích về con đường phước thiện thì mình nêu con đường phước thiện trước, cuối cùng thì chỉ phương pháp bố thí trong tinh thần ba-la-mật. Mới đầu, mình nói bố thí thì được sanh thiên người ta mới ham. Chứ mới học đạo mà nói bố thí phải ba-la-mật: không có người thí, không có người nhận thí và không có vật thí, cả ba đều tam luân không tịch; nghe vậy người ta hoảng. Đó là không biết căn cơ của người, chỉ như vậy người ta tu không được.

“Hoặc nhiều, chẳng được nói quá.”

Nói quá sức tưởng tượng, mình chưa đến mà nói quá sức của mình.

Thiền thoại có ghi:

Một năm, vào mùa nhập hạ an cư, Lưu Vương nhà Hậu Hán đời Ngũ Đại thỉnh một số vị Hòa thượng, trong đó có một vị Thiền sư nổi tiếng là Thiền sư Vân Môn đến Viện Linh Thọ trong cung vua để nhập hạ. Ai cũng thi nhau nói pháp cho cung tần mỹ nữ nghe, riêng Thiền sư Vân Môn im lặng tọa thiền suốt ngày. Quan trực điện thưa thỉnh pháp yếu nhưng Thiền sư vẫn im lặng. Vị quan đó chẳng những không giận lại càng thêm kính trọng Thiền sư. Ông ghi một bài thơ ở điện Bích Ngọc rằng:

Đại trí tu hành mới là thiền,

Thiền môn im lặng chẳng nên kiền.

Nói khéo muôn lời đâu bằng học,

Thua hẳn thiền môn chẳng lời huyền.

Nghĩa là dùng thân giáo. Một người đi vào cuộc đời này nếu dùng được thân giáo, chẳng hạn đến nhà Phật tử mình ngồi mà có chừng mực, có oai nghi, phép tắc thì lúc này quý thầy im lặng họ cũng cung kính. Còn ngồi tréo giò, rung chân mà nói pháp thì nó trật. Nếu không học thì rất dễ phạm.

Ở Thường Chiếu có một thầy ngồi tréo giò, Hòa thượng nói không được ngồi vậy. Hòa thượng đi xuống thầy đó quên, cũng lại ngồi tréo chân. Hòa thượng nhìn lần nữa thì vị thầy đó sáng hôm sau xuất chúng đi. Hồi xưa ở Thường Chiếu Hòa thượng khó lắm, chỉ hai lần mà không sửa là tự động xuất chúng.

Quý thầy có ngồi tréo giò rung đùi không? Nhiều khi ngày xưa, trong nhiều kiếp mình làm quan hoặc làm tướng quen rồi, hạt giống đó vẫn còn.

“Nếu bạch y chẳng tin Tam bảo, chẳng hướng lễ dưới chân, chẳng vui vẻ thấy chư Tăng, chẳng nguyện tạo phước, người phải quấy chớ vọng tuyên nói, phải tôn trọng pháp.”

Có những cư sĩ không tin Tam bảo, quý thầy bảo: “Vô đây tôi nói chuyện, nói Phật pháp cho nghe” thì họ càng khinh dễ Tam bảo.

Kinh Nghi Tắc dạy:

“Thuyết pháp không nhằm cơ, người nghe tâm chẳng tôn trọng, khi chết chịu khổ to.”

Người ta khinh dễ Tam bảo, khinh thường chư Tăng, chết đọa địa ngục là tại ông thầy không sáng mắt.

Kinh Đại Thừa nói:

“Hoặc có người thọ trì, đọc tụng, biên tả, diễn nói chẳng phải thời, chẳng phải chỗ, không ai thỉnh mà nói.”

Chẳng hạn quý thầy về một ngôi chùa vùng quê, người ta tha thiết cung thỉnh: “Bạch Thầy, con nhóm chúng lại, xin thầy nói nửa tiếng thôi.” Mới đầu quý thầy cứ từ chối đi. Trong luật có ghi, cư sĩ muốn nghe pháp phải ba lần thưa, bảy lần thỉnh, lúc này người ta tha thiết rồi thì mới nói, giống như nắng lâu ngày, mưa phổ xuống thì thấm hết.

Còn người ta không thỉnh gì hết, Quý thầy bảo: “Nhóm chúng lại, sắp bàn ghế lên tôi giảng.” Đó là ham thuyết pháp. Như vậy, người nghe không thâm nhập mà người thuyết pháp lại tổn, không được phước.

“Tức khinh tâm, khinh người, khen mình, đụng đâu nói đó, có hại cho Phật pháp, nhẫn đến khiến đa số người chết đọa trong địa ngục. Như thế là ông ác tri thức của chúng sanh vậy.”

Thuyết pháp mà người ta khinh thường Tam bảo, là ác tri thức chứ không phải thiện tri thức.

Trong kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm Bát-nhã, Lục Tổ dạy:

“Này thiện tri thức! Đời sau người được pháp của ta, đem pháp môn đốn giáo này đối với người đồng kiến, đồng hành, phát nguyện thọ trì như là thờ Phật, cố gắng tu thân không dám lui sụt thì quyết định vào quả vị Thánh. Nhưng phải truyền trao từ trước đến giờ, thành truyền trao phó, chớ không được giấu kín chánh pháp. Nếu không phải là hàng đồng kiến đồng hành, ở trong pháp môn khác thì không được truyền trao, e tổn người trước kia, cứu cánh vô ích, sợ người ngu không hiểu chê bai pháp môn này rồi trăm kiếp ngàn đời đoạn cái chủng tánh Phật.”

Nghe như thế, quý thầy nghĩ mình phải truyền trao chánh pháp không thôi kiếp sau mình dốt như Bàn-đặc nữa, hiểu như vậy là trật. Tổ nói người đồng kiến, đồng hành ở trong chánh pháp họ tha thiết về pháp môn đốn giáo, thì lúc này phải truyền trao chứ không được giấu kín. Phải là người đồng kiến, đồng hành, người ta hiểu được, thâm nhập được thì mới truyền.

Trong Đại Luật có ghi:

“Có năm hạng người hỏi pháp không nên nói.

1- Hỏi thử.

Tôi làm nhà khách, có những người đến họ nghinh nghinh nói: “Bạch thầy! Sắc tức thị không là gì?” Mình biết người này hỏi thử chứ không phải hỏi để tu học nên không trả lời.

2- Không nghi mà hỏi.

Không có nghi vấn gì mà hỏi là biết họ coi thử sức tu, sức học của mình như thế nào, thì phải im lặng không trả lời.

3. Không vì mình dạy bảo chỗ phạm mà cố hỏi.

4. Không phục lời nói của mình mà cố hỏi.

5. Cật nạn cố hỏi đều chẳng có nên đáp.

Trong kinh A-hàm có ghi:

Một hôm có một Bà-la-môn đến hỏi Phật: “Thân này có ngã hay vô ngã?” Phật im lặng không đáp. Sau khi Bà-la-môn này đi rồi, Tôn giả A-nan hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, Tại sao ngày xưa có những người đến hỏi Thế Tôn thân này có ngã hay vô ngã, Thế Tôn giải thích rất cặn kẽ rõ ràng, nay ông Bà-la-môn này cũng hỏi câu đó Thế Tôn lại im lặng?

Phật nói:

- Người này hỏi mà không có chiêm nghiệm, không có chiếu kiến, không có tu tập. Nếu Như Lai nói có ngã hoặc vô ngã họ đều chấp thủ, chính cái chấp thủ đó đánh mất đi tri kiến của họ, cho nên Như Lai không nói.

Cho nên nhiều trường hợp có người hỏi mà Phật không nói.

“Nếu người đó thật tình hảo tâm hỏi cho biết để làm lành lánh dữ, không có năm ý như trên, ta sẽ tùy cơ phương tiện sẵn lòng nói cho mà nghe. Hoặc mình chưa hiểu hay đối với pháp có chỗ nghi thì đừng có nói, sợ khiến cho người có cái hại lầm truyền, cả hai đều mắc tội.”

Những người đến hỏi để làm lành lánh dữ mà không có năm ý trên thì mình nói. Nhưng mình mới tu có năm, sáu năm gì đó, có những trường hợp họ hỏi mà mình nghi, chẳng hạn như: “Bạch thầy! Tại sao có những lúc Đức Phật bác nhân quả?” Tức là trên phương tiện Phật tánh thì vô nhân, vô quả. Nhiều khi mình chưa học qua hay chưa chứng nghiệm, thì mình nói thôi để tôi về tôi hỏi Hòa thượng, hỏi Thầy Trụ trì, chớ không phải đụng đâu nói đó. Mình nghi, chưa biết điều đó đúng hay sai mà cứ nói thì cả hai đều mắc tội.

Trong Thiền sư Trung Hoa Tập Một ghi:

Tổ Bá Trượng thuyết pháp xong, chúng giải tán hết rồi có ông già không chịu đi. Tổ hỏi:

- Tại sao không đi?

Ông nói:

- Con không phải là người thường. Ngày xưa ở chỗ này con làm trụ trì, có người đến hỏi: “Bậc đại tu hành có còn rơi vào nhân quả không? Con trả lời không, nên đọa làm chồn năm trăm kiếp.”

Có những con hồ ly sống rất lâu, mấy trăm, mấy ngàn năm, mà ở đây đọa năm trăm kiếp. Mình dịch bậc đại tu hành là bậc thầy lớn, không phải. Bậc đại tu hành là đã triệt chứng, tức là đã thấu thoát bản tâm, sống trong đó, chứng nghiệm trong đó rồi.

Lúc này Tổ Bá Trượng nói:

- Bây giờ ông hỏi ta đi, ta trả lời cho.

- Bạch Hòa thượng! Bậc đại tu hành có còn rơi vào nhân quả không?

Tổ nói:

- Bất muội nhân quả.

Vừa nghe xong ông được thoát kiếp chồn, tức là ngay thức mà chuyển thành trí huệ. Chuyển thành trí rồi thì siêu tam giới, thoát kiếp hồ ly, tức là chẳng có lầm.

Có chức có quyền mà chửi mắng người, hết chức quyền rồi người đến chửi mình. Vậy mình thấu thoát được nên mình lầm. Nghĩa là biết trong thời quá khứ mình tạo như thế nào, bây giờ phải chịu cái quả thế đấy. Quả đến mà không dấy niệm về tham, sân, si, tức là không lầm nhân quả. Thấu thoát được thì siêu thoát tam giới, ngay tức khắc là hồ ly thoát kiếp.

Thiền thoại có kể:

Thiền sư Thế Kỳ nghe tiếng ếch kêu ngộ đạo. Sau khi ngộ đạo được Hòa thượng đàng đầu, tức là Ngài Phật Nhãn chia phân nửa tòa giảng. Ngài nói: “Con không dám giảng, vì con thấy giảng pháp giống như lấy kim lể tròng con mắt vậy.”

Lể mà chệch đi một chút thì đui mắt người ta. Cho nên phải rất cẩn thận điều này.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Người mà đầy đủ tín tâm nói pháp thế gian tức là Phật pháp. Người chẳng tin mà nói Phật pháp tức thành pháp thế gian.”

Người đầy đủ tín tâm thì nghe thầy nói pháp gì cũng thành Phật pháp, nói pháp thế gian cũng thành Phật pháp.

Có người đến hỏi Thiền sư Động Sơn:

- Thế nào là Phật?

Ngài nói:

- Ba cân gai.

Ba cân gai là pháp thế gian, nhưng có đủ tín tâm thì tự nhiên người ta phát minh được tâm địa, là pháp xuất thế gian. Cho nên hỏi: “Thế nào là thiền?” hay “Thế nào là Phật?” Ngài nói “Ba cân gai” thì ngay tức khắc người ta ngộ. Ba cân gai là pháp thế gian, như vậy rõ ràng pháp thế gian tức là Phật pháp.

Còn người không tin thì nói Phật pháp đối với họ cũng thành pháp thế gian. Họ đã dồn nén cái nghi rồi thì quý thầy nói pháp hay cách mấy, vi diệu cách mấy họ cũng không ngộ.

Có một bà Ni đến hỏi Thiền sư Triệu Châu:

- Thế nào là ý thầm kín?

Thiền sư nhéo bà một cái, bà nói:

- Hòa thượng mà cũng còn cái ấy nữa.

Rõ ràng không? Pháp thế gian rồi! Bà Ni này không tin Phật pháp nhiều, nhéo bà một cái bà khởi niệm bậy liền. Ngay trong giờ phút đó, tôi nhéo bà một cái thì ai biết? Chính bà biết thì đó là ý thầm kín, tôi đâu có rõ được.

“Chẳng được cười nhiều.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Cười nhiều đều là do tán tâm phóng dật. Người xuất gia khi đến chỗ đàn việt cần phải hộ trì Tăng thể. Dẫu cho đàm luận về Phật pháp đến chỗ phấn khích phát cười cũng chẳng được có tiếng. Chẳng được cười nhiều, chẳng được cười si, cười cuồng và cười vô duyên.”

“Giả như việc làm vui nên tự trân trọng chớ khiến người khác chê bai. Như Lai vui cười mỉm ắt có phát khởi nhân duyên.”

Phật ngày xưa không mấy khi cười, mỗi lần ngài mỉm cười, hào quang phóng ra thì Tôn giả A-nan liền đứng lên hỏi nhân duyên gì mà Thế Tôn mỉm cười, bởi vì bình thường Phật không cười.

Có mười nguyên nhân Đức Phật mỉm cười. kinh Hưng Khởi Hạnh quyển thượng có ghi:

* Nguyên nhân lần mỉm cười thứ nhất:

Trong thời Đức Phật có nạn Chiên-già (CinCa Manavika) vu khống Đức Phật. Một hôm, Phật đến kinh thành Savathi thuyết pháp, dân chúng theo tu học rất đông nên nhóm ngoại đạo Bà-la-môn tìm cách vu khống Đức Phật. Trong nhóm Bà-la-môn này có một cô gái rất đẹp tên Chiên-già, hằng ngày cô đến Tinh xá nghe pháp. Một thời gian sau, cô độn bụng to lên, khi Thế Tôn đang thuyết pháp, cô ta ra chửi:

- Cồ Đàm thuyết pháp rất hay, nói rất giỏi nhưng làm cái bụng tôi to như vầy mà không lo gì hết.

Đức Phật nói:

- Tôi biết, cô biết.

Đức Phật nói chỉ có tôi biết, cô biết thôi. Cái gì biết nữa? Nhân quả biết.

Do năng lực của Đức Phật, cái ghế của Trời Đế Thích ở cung trời thứ ba mươi ba tự nhiên nóng lên, ông biết ở thế gian có chuyện. Nhìn xuống biết chuyện gì rồi, ông quyết định can thiệp. Ông giả làm con chuột leo lên mình Chiên-già cắn sợi dây, một khúc gỗ tròn từ trong người cô rớt xuống. Trong lúc tăng chúng và cư sĩ nhốn nháo thì Phật mỉm cười. Tôn giả A-nan hỏi Phật:

- Bạch Thế Tôn, tại sao Thế Tôn cười?

Đức Phật nói:

- Không có cái gì mà không có nhân, không có quả. Vào thời quá khứ xa xưa trong thành Ba-la-nại này có một diễn viên sân khấu tên là Tịnh Nhãn và một dâm nữ tên là Lộc Tướng. Dâm nữ Lộc Tướng này rất đẹp, một hôm Tịnh Nhãn dắt nàng vào rừng vui chơi. Vui chơi xong, y khởi tâm giết Lộc Tướng lấy y phục rồi chôn trong vườn, chỗ của vị Bích Chi Phật tên là Lạc Vô Vi. Vua Phạm Đạt cho lính lùng sục tìm thấy xác Lộc Tướng bèn trói vị Bích Chi Phật lại định chém đầu. Tịnh Nhãn hối hận xin chịu tội chết, sau đó đọa vô lượng cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Đọa hết những cảnh giới đó rồi thì Tịnh Nhãn thức tỉnh phát nguyện đời đời kiếp kiếp luôn làm các việc thiện pháp.

Phật bảo Xá-lợi-phất:

- Này ông Xá Lợi Phất! Thầy có biết Tịnh Nhãn bây giờ là ai chăng? Chính là ta ngày nay vậy. Lộc Tướng là Chiên-già, vua Phạm Đạt là trách trượng dòng họ Thích bị nung nóng trong địa ngục vô số ngàn năm.

Tức là trải qua địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, bây giờ còn một chút dư báoPhật đã thành tựu quả vị giác ngộ cuối cùng rồi mà cũng bị dư báo đó, cho nên bây giờ Chiên-già đến vu khống. Mà chỉ có Phật biết thôi, chiếu kiến lại trong vô lượng kiếp Phật thấy như vậy, nên Phật mới mỉm cười.

Bây giờ, bị ai chửi mắng chiếu kiến không được, vậy mình nhờ cái gì? Thường thường mình học kinh tức là nhờ lời kinh, lời Phật dạy. Theo tinh thần của nhà Phật cái gì cũng có nhân, có duyên. Chẳng hạn, trên đoạn đường đó có những người họ thương, mến, họ cúng dường cho mình thì biết là nhiều đời nhiều kiếp mình đã từng với người này là cha, là mẹ, là anh, là em. Còn người nào gặp mặt mình họ không ưa, là biết ngày xưa mình tạo cái gì đó khiến họ thù hận, thì bây giờ mình tìm cách chuyển hóa. Chuyển hóa như thế nào? Có cuốn sách hoặc cái gì đó mình cho, mình cúng dường, lần lần sẽ bớt. Rồi tìm cách tránh duyên, tìm cách sám hối. Hoặc mình bạo gan đắp y đến đảnh lễ: “Thưa thầy, con có làm gì không mà thầy như vậy, như vậy… Thôi từ đây sắp lên con với thầy xóa bỏ hận thù.”

* Nguyên nhân lần mỉm cười thứ hai:

Một lần, Đức Phật bị cái nạn là tập thể của ngài bị phỉ báng. Kinh A-hàm kể:

Bà-la-môn bị mất tín đồ nhiều quá nên tìm cách hại Phật. Có cô gái tình nguyện chiều nào cũng đến Tinh xá, một thời gian thì nhóm Bà-la-môn giết cô, chôn trong tu viện rồi vu khống cho tăng đoàn của Đức Phật.

Phật mỉm cười kể, trong thời Phật Tỳ-bà-thi, ngài là một Phạm Chí có năm trăm đệ tử thường được một bà trưởng giả cúng dường. Sau đó một vị Phật Độc Giác đến hiển lộ thần thông, người trong nước đua nhau cúng dường, bà tín thí tức là bà trưởng giả cũng bớt cúng dường vị Phạm Chí. Vị Phạm Chí này và năm trăm đệ tử bực tức nên nói bà và vị Phật Độc Giác này đã làm hạnh bất tịnh.

Vì vu khống bà trưởng giả Tịnh Âm và vị Phật Độc Giác, vị Phạm Chí và năm trăm đệ tử sau khi từ giã cõi đời đọa vô số cảnh giới địa ngục. Năm trăm đệ tử này không ai khác hơn là năm trăm vị A-la-hán, vị Phạm Chí ngày xưa chính là Đức Phật ngày hôm nay. Vì còn lại dư báo cho nên bây giờ bị vu khống.

Quý thầy thấy không? Thành tựu quả vị Phật rồi cũng bị.

* Nguyên nhân lần mỉm cười thứ ba:

Đức Phật mỉm cười về nạn nhức đầu. Quý thầy đọc biết rồi phải không? Thời quá khứ Phật gõ vào đầu con cá, là vua Lưu Ly ngày nay, nên Phật bị nhức đầu.

* Nguyên nhân lần mỉm cười thứ tư:

Lần thứ tư Phật mỉm cười về nhân duyên các khớp xương bị đau nhức. Đức Phật bị đau nhức khớp, Tôn giả A-nan hỏi thì Phật mỉm cười, Phật nói trong vô lượng kiếp xa xưa, một vị trưởng giả trong thành La Diệc Kỳ có người con bị bệnh sắp chết, lúc đó Phật là một vị thầy thuốc rất giỏi được mời đến. Ông trưởng giả hứa sẽ trả ơn xứng đáng nếu con ông hết bệnh. Ba lần trị bệnh cho con ông trưởng giả đều không được trả ơn như đã hứa. Lần thứ tư được mời đến, vị thầy thuốc bực tức nên bỏ thuốc độc cho người con chết.

Phật nói vị thầy thuốc thuở xưa chính là Như Lai, con của ông trưởng giả chính là Đề-bà-đạt-đa. Do nhân duyên đó, nên dù thành tựu quả vị tối thượng nhưng các khớp xương của ngài cũng bị đau nhức.

Quý thầy mà hay bị đau mắt, đau lưng, đau khớp… chắc ngày xưa cũng làm cái gì đó. Mình biết Phật pháp rồi nên thấy rất an ổn, không có chuyện gì lạ hết.

* Nguyên nhân lần mỉm cười thứ năm:

Phật mỉm cười về nhân duyên đời trước của việc đau lưng. Một hôm Phật bị đau lưng, Phật nằm xuống mỉm cười. Phật kể vào thời quá khứ có lực sĩ Bà-la-môn và lực sĩ Sát-đế-lợi đánh vật. Lực sĩ Bà-la-môn yếu hơn nên hứa sẽ trả ơn nếu như lực sĩ Sát-đế-lợi giả bộ làm cho hai bên huề nhau để mình khỏi mất mặt. Hứa trả ơn ba lần mà không thực hiện, lực sĩ Bà-la-môn bị lực sĩ Sát-đế-lợi tức giận siết gãy xương sống đến chết. Lực sĩ Bà-la-môn cũng là Đề-bà-đạt-đa, lực sĩ Sát-đế-lợi chính là Đức Thế Tôn. Dư báo còn lại nên ngài hay đau lưng, và có nhân duyên gặp lại Đề-bà-đạt-đa.

* Nguyên nhân lần mỉm cười thứ sáu:

Phật mỉm cười nhân duyên ăn lúa ngựa ba tháng. Lúc đó ngài là Phạm Chí, ngài ganh ghét và thốt ra lời thô ác với một vị ẩn sĩ: “Ông này mà tu gì, ăn lúa ngựa thì có.” Do lời nói thô ác đó nên Phật và các đệ tử có nhân duyên ăn lúa ngựa ba tháng.

Cho nên khi Phật mỉm cười đều có nhân duyên. Xem trong những bộ kinh thấy Phật bị nạn này nạn kia đều có nguyên nhân, đều do ngày xưa tiền thân ngài đã tạo.

“Chủ nhơn đãi bữa tuy không phải nơi Pháp hội nhưng đừng sai phép tắc.”

Cư sĩ thỉnh quý thầy ba bốn người đến nhà thì quý thầy cũng phải tụng kinh, phải đánh khánh, gõ mõ. Nếu không có khánh thì gõ mõ, lúc này quý thầy phải tụng: “Cúng dường thanh tịnh pháp thân Tỳ-lô-giá-na…”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Thí chủ thành tâm cúng dường chẳng luận lớn nhỏ đều là phước điền, nếu mất nghi quĩ thì tổn hại tín thí kia. Song đến chỗ đạo nhơn tức là Pháp hội, chủ nhơn tín tâm tức là đạo tràng, chỗ thí đã tín, thọ cúng nên thành.”

Quý thầy đến nhà cư sĩ thì dầu cho lễ cúng đó nhỏ cũng phải làm nghi quĩ tụng, nếu không thì tín thí không có phước.

Bộ Hành Hộ nói:

“Vào nhà thế tục khi đứng, khi ngồi phải đủ oai nghi, nói lời từ thiện chẳng được thô kệch. Chớ nói chuyện thế gian, phải nói pháp ngữ, tăng trưởng thiện tâm. Thường nhiếp sáu căn chẳng khiến phóng dật.”

Đến nhà cư sĩ nếu không thu thúc sáu căn thì dễ nói những chuyện thế gian, chẳng hạn quý thầy hỏi “Bữa nay vàng nhiêu rồi?” Đó là nói lời thô kệch và nói chuyện thế gian. Phật tử họ nhạy lắm, họ sẽ khinh dễ.

Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Búng Ngón Tay, Phật dạy:

“Ta không thấy một pháp nào khác. Này các Tỷ-kheo! Do pháp ấy các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi, và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận. Này các Tỷ-kheo! Như phóng dật với người phóng dật. Này các Tỷ-kheo! Các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi và các pháp thiện đã sanh bị đoạn tận.”

Chúng ta đến nhà cư sĩ, nếu không nhiếp phục sáu căn, nếu phóng dật, thì Phật dạy là: “Ta không thấy một pháp nào khác. Này các Tỷ-kheo! Do pháp ấy các pháp bất thiện chưa sanh được sanh khởi.” Nghĩa là lúc này pháp ác sanh khởi và tăng trưởng, không được các thiện pháp.

“Ta không thấy một pháp nào khác. Này các Tỷ-kheo! Do pháp ấy các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi và các pháp bất thiện đã sanh được đoạn tận. Này các Tỷ-kheo! Như không phóng dật với người không phóng dật. Này các Tỷ-kheo! Các pháp thiện chưa sanh được sanh khởi và các pháp bất thiện đã sanh bị đoạn tận.”

Đến nhà cư sĩ mình nói những lời thiện pháp, những lời pháp ngữ thì tăng trưởng thiện tâm của tín thí. Lúc này mình cũng được nhiếp sáu căn, tâm không phóng dật thì pháp thiện tăng trưởng và pháp ác được đoạn tận.

Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm Phật dạy Tôn giả A-na-luật:

- Tất cả các pháp do ăn mà tồn tại, không ăn thì không tồn tại. Mắt lấy ngủ nghỉ làm thức ăn, tai lấy âm thanh làm thức ăn, mũi lấy mùi thơm làm thức ăn, lưỡi lấy vị làm thức ăn, thân lấy sự trơn láng làm thức ăn, ý lấy pháp làm thức ăn. Nay ta nói Niết-bàn cũng có thức ăn.

A-na-luật bạch Phật:

- Niết-bàn lấy gì làm thức ăn?

Phật bảo A-na-luật:

- Niết-bàn lấy sự không phóng dật làm thức ăn, nương vào không phóng dật đến được chỗ vô vi Niết-bàn tịch tĩnh.

Muốn chứng nhập vào Niết-bàn, chứng nhập vào con đường Vô thượng giác thì phải không phóng dật. Nghĩa là mình phải học oai nghi. Mà không phóng dật, học oai nghi phép tắc rồi thì gần với Niết-bàn. Lấy không phóng dật làm thức ăn, đó là cảnh giới Niết-bàn.

“Không được phép đi đêm.”

Tổ dạy không được phép đi đêm. Hòa thượng hay Thầy trụ trì không cho đi đêm. Trong luật cũng dạy không đi đêm. Tại sao?

Sa Di Học Xứ ghi:

“Ra thì chẳng nên sớm. Vào thì chẳng nên tối. Như mặt trời mọc mà đi, mặt trời lặn mà về thì không có họa hoạn. Người tu đạo, thanh thiên bạch nhật, chánh đại quang minh mà đi còn bị người kiểm điểm hà huống ban đêm mà đi ư?”

Ban đêm đi, người ta nghi liền, chắc ông này đi uống cà phê, đi bia ôm hay là đi gì đó. Là người tu đạo, thanh thiên bạch nhật, chánh đại quang minh mà đi còn bị người ta thị phi nữa hà huống mà quý thầy đi ban đêm.

Vào thời Đức Phật, Tôn giả Ca-lưu-đà-di ban đêm ông đi ra đường. Người phụ nữ mang thai thấy tưởng là ma la lên thì sẩy thai, nên Phật cấm không được đi đêm. Quý thầy ra Nha Trang ban đêm mà đi dạo bãi biển thì bị nhóm kiểm Tăng bắt nhốt trong Tỉnh hội. Nhốt lại rồi hỏi tu ở đâu, chùa nào, họ điện cho Bổn sư đến nhận, còn không thì nhốt quý thầy luôn.

“Chẳng được trong nhà vắng hoặc chỗ khuất cùng nữ nhơn chung ngồi nói chuyện.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Chẳng phải chỗ, chẳng phải người thì chẳng nên nói huống nữa ngồi ư? Ngồi thì phạm lỗi như: Thứ nhất là sợ tiêm nhiễm tình sanh, thứ hai là khiến người khác chê cười.”

Thí dụ, người chị ruột mà quý thầy không đưa lên nhà khách, lại dắt xuống bụi tre ngồi nói chuyện là phá kiến chúng sanh, người ta đâu biết chị ruột mình. Hà huống chi người đó là bạn mình, bạn học cũng không được, bởi vì sao? Lâu ngày chầy tháng tự nhiên nó tiêm nhiễm.

Trong Kinh Tăng Nhất A-hàm ghi:

“Một thời Đức Phật ở trong vườn Kỳ Đà ông Cấp Cô Độc nước Xá Vệ, bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Người nữ thành tựu chín pháp để trói buộc người nam. Những gì là chín:

- Thứ nhất là ca.

Mình phải tránh trường hợp này, không được đi xem múa, ca, kịch, nghe đĩa hay băng, lâu ngày thì cũng bị nhiễm.

- Thứ hai là múa.

- Thứ ba là kịch.

- Thứ bốn là nhạc.

- Thứ năm là cười.

Xuống chỗ khuất với người nữ mà họ cười mỉm chi, bảo đảm tối lại quý thầy ngồi thiền là nhớ.

Thứ sáu là khóc.

Người nữ khóc rất nguy hiểm, mười cười không bằng một khóc, họ nhõng nhẽo họ khóc là chết luôn! Bủn rủn hết tay chân. Lúc này quý thầy bị gì? Bị hấp tinh đại pháp nó hút hồn. Sức mạnh người nữ là tiếng khóc. Quý thầy thấy khóc là phải chạy ngay, chứ đừng bao giờ ở gần! Quý thầy ra làm Phật sự mới thấy.

Thứ bảy là trau chuốt nghi dung.

- Thứ tám là huyễn thuật mê hoặc.

- Thứ chín là nhan sắc thể hình.

- Thứ mười là xúc.

Trong tất cả hình thức ấy chỉ có xúc là trói chặt nhất, gấp trăm ngàn lần không có gì để mà so sánh.”

Tức là xúc chạm, nó trói chặt mình nhất, dù người đó xấu như ma, là xú nữ đi nữa. Trong kinh Phật kể chuyện, người rất xấu nhưng ông vua khi xúc chạm xúc trần rồi ông thấy giống như thiên nữ vậy, cho nên cung tần mỹ nữ, hoàng hậu ông bỏ hết, chỉ lấy cô gái này thôi, trong Kinh Phước Thiện quý thầy coi đó.

Nhưng ở đâu dễ bị xúc nhất? Ở chỗ khuất mà mình cùng nữ nhơn nói chuyện. Bữa nào đang nói họ nắm tay, nhất là quý thầy mới lớn, mười mấy tuổi vào chùa tu. Họ nắm tay là quý thầy giống như bị điện giật vậy. Điện đó còn hơn điện ba pha, nó giật một cái là hết tu luôn! Cho nên Phật cấm chẳng được trong nhà vắng hoặc chỗ khuất mà cùng nữ nhơn chung ngồi nói chuyện. Mình phải nói chuyện ở chỗ đông người.

“Ở đây ta thấy ý nghĩa này: Xúc trói người chặt nhất không cho thoát khỏi, đó là sợi dây buộc chặt người nam vào người nữ, cho nên Tỳ-kheo hãy niệm tưởng xả bỏ mười pháp này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe những gì Phật dạy hoan hỉ phụng hành.”

Xúc chạm là trói liền. Uất-đầu-lam-phất đã chứng ngũ thông, mỗi lần đi khất thực ông đều phi hành. Bữa nọ ông được một cô gái cúng dường, cô cung kính lạy ôm hai chân ông. Nhận cúng dường xong, ông phi lên nhưng rớt xuống. Chứng ngũ thông rồi mà còn như vậy. Xúc chạm là rớt ngũ thông liền. Chừng nào chứng lậu tận thông rồi thì xúc chạm không thành vấn đề.

Trong sử có ghi: Sau khi Đức Phật thành tựu quả vị Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, Gia-du-đà-la làm một trăm viên hoàn đơn cho Đức Phật uống, Đức Phật sẵn sàng thọ nhận. Đức Phật nói trong thời ngài làm tiên nhân cũng vậy, cũng có cái duyên, cái nghiệp với Gia-du-đà-la.Lúc về thành, chỉ mới chứng ngũ thông nên uống một trăm hoàn đơn ngài bị rớt. Nhưng bây giờ Như Lai đã lậu tận thông, dứt hết mầm mống của tham ái, của ái dục rồi nên không dính dáng gì hết.

Bên Tiên đạo ngày xưa có một người đến đây tu, họ kể: Có một cô tu hành rất miên mật, chứng đắc về cảnh giới thiền định sâu sắc. Một hôm cô về thăm gia đình, gặp lại người bạn mà ngày xưa hai người từng yêu nhau. Cô vừa dấy niệm dục liền bị thúi não, ba ngày sau cô chết. Vậy là biết tại sao tu Tiên, họ không dám xuống đồng bằng, chỉ tu trên núi thôi.

Quý thầy mà dấy niệm, tối bị sao thì tự biết. Nhà Phật là tu về tâm, kiểm soát về tâm, bị xúc trần dính mắc rồi thì bảo đảm tu không được. Cho nên nói không được gần người nữ, không được cùng người nữ nói chuyện mà phải xa lánh.

Kinh Tăng Nhất A-hàm quyển 31 ghi, các thầy Tỳ-kheo bạch Phật:

Ương-quật-ma-la vốn tạo công đức gì mà ngày nay được rất là thông minh trí huệ, mặt mày xinh đẹp hiếm có trên đời? Lại tạo hành vi bất thiện gì mà trên thân hiện nay sát hại chúng sanh vô số kể? Lại tạo công đức gì mà ngày nay gặp được Như Lai đắc quả vị A-la-hán?”

Phật kể:

Vào thời quá khứ có một vị Phật ra đời tên là Ca-diếp. Lúc này trong kinh thành đó có một vị vua tên là Đại Quả, sau sanh ra một người con rất đẹp, dũng mãnh đặt tên là Đại Lực. Đại Lực không thích năm dục, nên vua đặt tên là Thanh Tịnh. Một hôm vua phán rằng ai có thể làm cho thái tử Thanh Tịnh ưa thích năm dục thì ông sẽ thưởng ngàn vàng và các vật báu.

Bấy giờ có một người nữ tên là Dâm Chủng hiểu rõ sáu mươi bốn pháp biến hóa, ngay đêm đó vào đúng canh hai dâm nữ ở cạnh cửa phòng thái tử giả bộ cất lên tiếng khóc, đó là pháp thứ nhất.

Cô đưa cái chiêu thứ nhất là khóc. Trên tôi có nói tiếng khóc người nữ rất là nguy hiểm, sau này quý thầy làm Phật sự rồi mới thấy. Chẳng hạn họ cúng dường chiếc xe Honda, quý thầy cũng nhận, nhận mà không đi vì quý thầy đã có xe rồi. Họ đến, nói con thương thầy, kính thầy lắm con cúng dường mà sao thầy không đi, rồi họ khóc, mà người nam thì hay chịu ngọt…

Thái tử hỏi tiếng khóc của ai, người hầu cận nói là tiếng khóc của dâm nữ, thái tử nói thôi vào chuồng voi mà ngủ, người nữ này không chịu, bảo vào chuồng ngựa cũng không chịu, cô nói: “Thưa thái tử, người nữ một mình yếu đuối, sợ hãi lắm nên tôi khóc.” Thái tử nói: “Thôi, lên giường ta thì không còn sợ nữa.” Lên giường rồi thì lúc này người nữ không đáp cũng không còn khóc, rồi thì người nữ liền cởi y phục tới trước nắm tay thái tử đặt lên ngực mình. Cảm giác kinh sợ chỉ trong chốc lát, từ từ khởi dục tưởng, dục tâm đã khởi thì thân đến nhau.

Bị xúc trần rồi thì bao nhiêu tịnh hạnh gìn giữ từ trước bây giờ chết hết.

Sau đó thái tử đến xin vua cha ban lệnh là những cô gái chưa chồng, trước khi về nhà chồng phải đến với thái tử trước.

Thanh tịnh mà bị xúc trần rồi thì khởi bao nhiêu việc ác.

Thái tử sống như thế một thời gian, dân chúng chịu không nổi nên nổi loạn sắm vũ khí đòi giết thái tử. Trước khi chết thái tử Thanh Tịnh phát lời nguyện: “Những người dân này bắt ta giết, nhưng vua cha đã tự cho ta nguyện này, nay ta chịu chết cũng không dám từ, đời tương lai ta sẽ báo oán này và mong gặp Phật để sớm được quả giải thoát.”

Phật hỏi ngài Xá-lợi-phất:

Ông biết những người này là ai không? Vua Đại Quả thuở xưa là thầy của Ương-quật-ma-la hiện nay, dâm nữ lúc ấy là vợ của người thầy, còn thái tử Thanh Tịnh lúc ấy nay chính là Tỳ-kheo Ương-quật-ma-la.”

Bị xúc trần là bao nhiêu thiện pháp mất hết, nên phải cẩn thận.

Trong kinh Tam Chi Đề, Phật dạy:

Một hôm, có thầy Tỳ-kheo rất trẻ tắm dưới sông, một vị Thiên nữ hỏi:

- Ngài còn rất trẻ, tại sao không hưởng ngũ dục mà vào con đường Thánh pháp của Đức Phật?

Vị Tỳ-kheo đáp:

- Trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt thì rất ít mà chất cay đắng thì rất nhiều, cái lợi rất bé mà tai họa thì rất lớn. Ai đang an trú trong thiện pháp, lìa bỏ được những ngọn lửa phiền não đốt cháy, thiện pháp này vượt thoát thời gian, đến để mà thấy, có tác dụng đưa chúng ta đi lên và tự mình mỗi người có thể hiểu được và thông đạt được.

Trước có một thầy, bây giờ đã xuất chúng, ngồi buồn hỏi một thầy đã từng có gia đình: “Ngày xưa thầy có con, thầy thấy vui không? Chiều lại thầy dắt con đi chơi có vui không?” Tôi chỉnh liền, tôi nói ông mà khởi niệm đó là ông khó tu lắm.

Cho nên ở đây nói trong cái vui phi thời của ái dục, vị ngọt thì rất ít mà chất cay đắng thì rất nhiều. Chẳng hạn mình có vợ, có chồng, có con có cái thì cũng vui, cũng có hạnh phúc, nhưng Phật nói cái hạnh phúc phi thời của ái dục là hạnh phúc của khổ đau. Mình học cho biết để tránh.

Tụng kinh, sám hối, ngồi thiền, đó là vị ngọt của Thánh pháp. Tu một hai năm chưa thấy gì nhưng chừng mười năm mà chịu khó công phu thì bỏ một buổi ngồi thiền là chịu không nổi. Chiều lên ngồi thiền tự nhiên có một cái vị ngọt, đó là vị ngọt của Thánh pháp. Hôm nào bỏ ngồi thiền mình cảm thấy mất mát, thấy thiếu cái gì đó là lúc này quý thầy tu khá.

Nghe câu chuyện này, Đức Phật nói một bài kệ cho Thiên nữ:

Không thấy rõ ái dục,

Mới vướng vào ái dục.

Ảo tưởng về ái dục,

Đưa người về nẻo chết.

Thấy chân tướng ái dục,

Tâm ái dục không sanh.

Tâm ái dục không sanh,

Ai cám dỗ được mình.

Trong các chùa, các thiền viện, chẳng hạn như Thiền viện Thường Chiếu, lâu lâu Thầy cũng cho một số quý thầy nhỏ đi tham quan cho biết chỗ này, chỗ kia. Biết cái gì? Biết sự thống khổ của ái dục, chẳng hạn như vợ chồng, con cái, cuộc sống, môi trường gì đó phải biết. Mình ngồi tu như vầy cũng tốt nhưng nhiều cái mình cũng tưởng tượng. Hôm nào có dịp đi ngang qua một căn nhà nào đó quý thầy nghe cãi lộn, đánh lộn u đầu chảy máu gì đó thì cũng hay. Mình chứng nghiệm về pháp sống, mình thấy rõ chân tướng của ái dục là khổ. Thấy được chân tướng đó rồi thì tâm ái dục không sanh, tâm ái dục không sanh thì không ai cám dỗ được mình hết.

“Chẳng được thư từ qua lại.”

Phật dạy không được viết thư cho tín thí. Thiền sư Triệu Châu trụ trì hơn bốn mươi năm, sư chưa từng biên một lá thư cho thí chủ. Còn ba bốn tháng hay một năm mình biên thư cho thí chủ là mình biết mình rồi đó, phải kiểm điểm lại. Người xưa tu hành rất là miên mật, miên mật thì các ngài mới chứng ngộ được chân lý.

“Hoặc về nhà thăm cha mẹ, trước phải vào trong nhà lễ Phật, hoặc tượng Thánh trong nhà cũng vững mình bái xá, kế chào cha mẹ, bà con rồi mỗi mỗi hỏi thăm.”

Theo tinh thần nhà thiền, tu một năm đến ba năm có duyên sự thì mình về thăm nhà. Trước khi vào thăm cha mẹ thì phải lễ Phật, tượng Thánh.

Sa Di Học Xứ ghi, sở dĩ có cái nghi thức này là do Phật dạy:

“Ân nặng ở thế gian chẳng quá ân cha mẹ. Giả như có người vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ cho đến trên vai đại tiểu tiện, khạc nhổ đàm dãi trọn trăm ngàn năm còn chẳng có báo ân. Các ông cần phải hiếu kính cha mẹ nên có cái nghi này.”

Trong Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư có nói, trong bốn ơn, thứ nhất là ơn Cha mẹ, trước cả ơn Thầy Tổ, ơn Đàn-na, ơn Tổ quốc. Người tu Phật, biết ơn phải đền ơn, nhưng theo tinh thần nhà Phật, đền ơn không phải là cung phụng món ngon vật lạ.

Thiền sử có ghi, người trả ơn cho cha mẹ, được gọi đại hiếu là Thiền sư Hoàng Bá:

Ngài Hoàng Bá đi xuất gia ba mươi năm chưa về thăm gia đình. Người mẹ thương nhớ con khóc đến mù mắt. Muốn tìm lại đứa con, bà mở một quán trà để đãi khách Tăng thập phương. Bà còn phát nguyện rửa chân cho chư Tăng hành cước, với mong mỏi nhận ra con mình, vì một bàn chân của Thiền sư Hoàng Bá có một vết sẹo rất lớn.

Một hôm trên đường về quê, Thiền sư Hoàng Bá nghe tin mẹ mình mở quán trà, bà lại bị mù mắt, ngài ghé vào quán trà của mẹ. Sau khi uống trà, Thiền sư để mẹ rửa chân nhưng chỉ đưa bàn chân không có sẹo cho mẹ rửa. Trong lúc bà rửa chân, muốn đền ơn sanh thành dưỡng dục của người mẹ nên ngài kể về công hạnh của Đức Phật Thích-ca, nghe xong bà phát tín tâm. Khi Thiền sư Hoàng Bá vừa đi, có người nói cho bà biết vị Hòa thượng hồi nãy là con của bà, bà lật đật chạy rượt theo, đến bến đò bà rớt xuống sông chết đuối.

Nghe tin mẹ chết đuối, ngài quay lại vớt xác mẹ lên. Khi chuẩn bị làm lễ hỏa táng, ngài dộng tích trượng xuống ngài nói: “Chư Phật đã từng nói một người xuất gia chín họ được thăng thiên, nếu lời này không hư dối thì ứng hiện điềm lành.” Quả nhiên, tất cả mọi người thấy hình ảnh của mẹ ngài bay lên hư không.

Rồi ngài đọc bài kệ:

Mẹ tôi kiếp trước mê tự tâm,

Hôm nay hoa nở Bồ-đề tâm.

Sau này tam hội nếu gặp lại,

Qui mạng Đại Bi Quán Thế Âm.

Có nghĩa là Thiền sư Hoàng Bá đã trả hiếu, gọi là đại hiếu, bởi vì trong kinh nói có ba cái hiếu: Tiểu hiếu, trung hiếu và đại hiếu.

Tiểu hiếu: Cung phụng món ngon vật lạ cho cha mẹ. Nếu không đủ duyên xuất gia thì mình có vợ, có con, nuôi nấng cung phụng món ngon vật lạ cho cha mẹ ăn, đó gọi là tiểu hiếu.

Trung hiếu: Là làm cho Tổ tông được rạng rỡ, tức là làm vua, làm quan hay là làm tướng gọi là trung hiếu.

Đại hiếu: Là độ chúng sanh được siêu thăng. Thiền sư Hoàng Bá độ cho người mẹ được siêu thăng, gọi là đại hiếu.

Đừng nghĩ rằng cha mẹ mình không phải là chúng sanh, mà cha mẹ, anh em, chị em mình đều là chúng sanh hết. Cho nên quý thầy nếu đủ duyên, về nhà mình phải khuyến khích cha mẹ quy y Tam bảo, được biết Phật pháp. Có điều kiện thì quý thầy gởi sách, gởi băng của Hòa thượng về cho gia đình nghe học. Trong kinh, Phật nói làm thế nào để khuyến khích cha mẹ được quy y Tam bảo, đó gọi là người con có hiếu. Hòa thượng Trúc Lâm nói, về thăm nhà mà không có năng lực gì khuyến khích cha mẹ hết thì cũng bỏ không. Cho nên phải ráng tu để hóa độ cha mẹ, hay tất cả người thân của mình, đó gọi là đại hiếu.

“Chẳng được về nhà cha mẹ nói phép thầy nghiêm khắc, xuất gia khó khăn, đạm bạc, quạnh hiu, nghèo ngặt, khổ cực các việc. Phải vì cha mẹ nói việc Phật pháp cho cha mẹ sanh lòng tin, thêm lớn phước.”

Chẳng hạn, thầy Tri sự cắt công tác cho mình, xuống nhà bếp chẻ củi, nấu cơm, gánh nước gì đó, rồi ăn uống nhiều khi khó khăn đạm bạc, về nhà mình kể. Rồi nói, Hòa thượng hay là thầy Trụ trì hoặc thầy trưởng liêu,... khó khăn với con lắm. Cha mẹ vì thương con nên nổi sân, mà nổi sân thì đọa ba đường ác. Đây là người con bất hiếu.

Sa Di Học Xứ, Tổ Tuyên Luật Sư nói:

“Nói phép thầy nghiêm khắc, khổ cực các việc, tức là khiến cho cha mẹ đối với ngôi Tam bảo không sanh tâm kính mến nên nhiều kiếp chìm đắm trong biển khổ, ấy là con bất hiếu.”

Về nhà, mình nói ông thầy này khó khăn lắm, ngồi thiền ngủ gục cũng đánh. Xuống nhà bếp, thầy tri khố nói nặng nói nhẹ gì đó, thì cha mẹ đối với ngôi Tam bảo là Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo tự nhiên khởi tâm sân thì chìm đắm trong biển khổ. Cho nên phải nói sao để cha mẹ có tâm kính mến, kính tín đối với ngôi Tam bảo thì tức khắc được thiện pháp. Từ cái thiện pháp gieo trong tàng thức, lúc chết được sanh về cảnh giới lành, cảnh giới an ổn.

Trong kinh Phật khẳng định: “Một người con xuất gia, chín dòng họ sanh thiên”. Tôi để ý, trong gia đình, thường thì cha mẹ thương người con xuất gia hơn. Lúc cận tử nghiệp, tâm tham ái họ hướng đến người con xuất gia, hình ảnh một vị Tăng, ca-sa, bình bát xuất hiện thì tức khắc tái sanh về thiện cảnh.

Kinh Pháp Cú Thí Dụ có kể:

Có vị tín thí, cúng dường y ca-sa cho một vị Tăng. Bà lúc nào cũng nhớ pháp cúng dường này cho nên tâm niệm bà rất sung mãn. Nhưng khi gần chết, cận tử nghiệp đến bà nổi tâm sân hận, vừa nổi tâm sân hận bà thấy hỏa ngục hiện ra liền. Trong giờ phút đó, bà nhớ lại hình ảnh bà cúng cái y vàng cho vị Tỳ-kheo, tức khắc lửa phụt tắt, cái y vàng xuất hiện đưa bà lên cảnh giới cung trời Đao Lợi.

Cho nên nói, một người con xuất gia chín họ thăng thiên là có lý. Chín họ thăng thiên ở đây có một ý nữa, chẳng hạn, đi xuất gia, mình đủ duyên, gửi kinh sách về cho gia đình xem thì họ tu được chuyển hóa. Có những người ngày xưa cha mẹ, anh em chưa biết đạo, nhưng khi phát tâm xuất gia thì cả nhà, ai cũng biết Phật pháp hết.

Kinh Hoa Nghiêm Phật dạy:

“Tín là nguồn của đạo, là mẹ của các công đức, hay nuôi lớn tất cả các căn lành.”

Tín ở đây là tin về Phật, tin về Pháp, tin về Tăng, đó là mẹ của các công đức, hay nuôi lớn trưởng dưỡng tất cả các căn lành.

Mình chỉ nhớ Mục-kiền-liên là bậc đại hiếu, mà quên một người, đó là Tôn giả Xá-lợi-phất. Tôn giả Xá-lợi-phất biết mẹ mình là ngoại đạo Bà-la-môn, thờ Phạm Chí mà không tin tưởng về Phật, không tin tưởng về Pháp, không tin tưởng về Tăng. Lúc này Tôn giả Xá-lợi-phất đã chứng quả vị A-la-hán, ngài quán kiếp trước, kiếp hiện tại, kiếp vị lai để biết xem người nào có thể độ cho mẹ mình. Ngài thấy chỉ có ngài là có duyên độ mẹ. Sau khi về nhà, Tôn giả được chư thiên cõi trời Tứ Thiên Vương, cõi trời Đao Lợi, Phạm Thiên xuống thăm. Bà mẹ hỏi:

- Hồi hôm ai đến hầu con vậy?

- Đêm thứ nhất là Tứ Thiên Vương, rồi kế là cõi trời Đao Lợi, kế nữa là cõi trời Phạm Thiên.

Bà giựt mình, vì Phạm Chúng Thiên là dòng họ nhiều đời bà thờ mà xuống hầu con mình, có nghĩa là con mình lớn hơn Phạm Chúng Thiên. Tôn giả Xá-lợi-phất nói với mẹ:

- Đối với con Phạm Chúng Thiên giống như một vị Sa-di nhỏ tuổi làm thị giả.

Lúc này niềm tin của bà rất lớn, Tôn giả Xá-lợi-phất nói thêm một câu nữa:

- Nhưng mà Phật thì cao cả hơn, thù thắng toàn diện hơn.

Thì lúc này bà phát tín tâm, trong giờ phút phát tín tâm thù thắng đó bà kiến đạo, bước vào cảnh giới Tu-đà-hoàn. Sau khi được pháp nhãn thanh tịnh, bà nói:

- Ngày xưa, tại sao con không chịu nói cho mẹ những lời này?

Tại chưa đủ duyên. Cho nên có những cái phải chờ, chờ đợi đủ duyên rồi mới nói thì có lực tác động rất lớn. Rồi Tổ dạy tiếp:

“Hoặc vì nói Phật pháp thời song thân sanh tâm tín trọng, phước huệ tăng thêm, thoát khỏi luân hồi, thế mới gọi là người con biết độ cha mẹ ra khỏi biển khổ sanh tử.”

Cha mẹ có duyên với mình, khi về nhà, nói Phật pháp cho cha mẹ nghe. Chẳng hạn tại sao Đức Phật xuất gia tầm đạo, hoặc mình nói về hạnh nguyện, bi nguyện của Hòa thượng, của Thầy Trụ trì, nói về sự tu hành thanh tịnh của chúng tăng trong thiền viện. Song thân có tâm kính trọng thì phước huệ tăng trưởng, thoát khỏi luân hồi, như vậy mới là người con biết độ cha mẹ ra khỏi biển khổ sanh tử. Chứ mình đừng về nhà nói ở đây khó khăn cực khổ. Đã có những người từng về nói với cha mẹ như thế, lúc đó cha mẹ mất tâm kính tín, đọa trong ba đường ác.

“Chẳng được cùng bà con, trẻ em đứng lâu, ngồi lâu nói bậy cười xòa, và không được hỏi trong họ ai phải, ai quấy, ai tốt và ai xấu.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Cùng trẻ em đứng, ngồi cười nói bậy bạ thì chẳng phải là đạo phẩm của hàng xuất gia. Hỏi thăm trong họ phải quấy, tốt xấu là nhơ tâm dạ của mình.”

Cổ Đức nói:

“Lưới ái trần tục không có kỳ hạn, đã từ thân xuất gia chẳng mong lại thấy, thấy còn chẳng mong huống nữa lại hỏi việc nhà ư?”

Về nhà chỉ toàn nói về Phật pháp thôi chứ không hỏi đất đai, nhà cửa ra sao. Hỏi đất bán chưa, cho tôi hai, ba cây gì đó để cúng dường thì càng trật nữa! Tưởng rằng cúng dường Tam bảo được phước nhưng không phải, nó dơ cái tâm mình, thêm tổn hại cha mẹ, để tự họ phát tâm thôi. Ở đây nói rất rõ: “Thấy còn chẳng mong huống nữa lại hỏi việc nhà ư?” Chẳng hạn hỏi: “Dì Tám ngày xưa tôi thấy có nội kết với bà, bây giờ còn không?” là không đúng. Trong gia đình, dòng họ có những chuyện lục đục mình về hỏi thì cũng trật luôn! Không được hỏi, chỉ nói về Phật pháp thôi.

“Hoặc trời tối ngủ lại phải ở riêng một chõng, ngồi nhiều nằm ít, một lòng nhớ Phật, việc rồi liền về chẳng được ở lâu.”

Nếu nhà gần chùa, nên xin qua chùa ngủ tốt hơn. Còn không thì ở nhà nhưng riêng một chõng hoặc một phòng, ngồi nhiều mà nằm ít, một lòng luôn luôn nhớ đến Phật. Tu ở thiền viện bốn, năm năm, thế nào cha mẹ cũng quan sát xem mình làm gì. Nghe nói, ba giờ mười lăm ngồi thiền mà bảy giờ còn ngủ, thì quý thầy nói gì họ cũng không tin. Cho nên về nhà, muốn độ cha mẹ quý thầy phải dùng thân giáo. Tụng kinh sám hối, ngồi thiền thì nhiều, nằm thì rất ít, như vậy mình nói gì cha mẹ cũng tin.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nằm riêng một chõng là phòng phạm hạnh.”

Ai có gia đình phải cẩn thận chỗ này. Tôi kể chuyện, để quý thầy rút kinh nghiệm. Ngày xưa có một thầy, trước khi xuất gia đã có gia đình, một con. Xuất gia được sáu tháng thầy xin Hòa thượng về làm giấy tờ, về đúng ngày giỗ trong gia đình nên người vợ đến thăm và ngủ lại buổi tối. Thầy ở riêng một phòng nhưng người vợ lại lên giường của thầy. Thầy về sám hối với Hòa thượng, sám hối trước đại chúng là thầy suýt phạm giới, suýt phạm tịnh hạnh. Cổ Đức nói, một phút sa cơ hận cả đời, cho nên phải rất cẩn thận.

Người tu giống như con gái mười tám tuổi, tức là “khuê phòng bất xuất”, ở trong phòng kín không được ra ngoài chứ không phải chuyện đơn giản. Cho nên có Phật tử nói, Hòa thượng canh giữ quý thầy kỹ hơn giữ con gái mười tám. Chừng nào trưởng thành, có năng lực lớn rồi thì mình về được, còn chưa thì phải ráng.

“Ngồi nhiều nằm ít là khiến sanh tín kính.”

Cha mẹ thấy mình ngồi đọc sách, tọa thiền thì sanh tâm tín kính.

“Một lòng nhớ Phật là lìa tâm vọng tưởng. Nếu luận về Sa-di giới luật chưa sâu, đạo lực chưa kiên cố, chẳng nên ở nhà thế tục trụ qua đêm. Vì thường nhớ lời Phật dạy như con nhớ từ mẫu nên chẳng được ở lâu.”

Giới luật chưa sâu, năng lực chưa có thì đừng có ở nhà thế tục mà trụ qua đêm.

“Chẳng được liếc ngó hai bên.”

Quý thầy về thăm gia đình, trên đường thế nào cũng đi ngang qua làng xóm. Bà con cô bác nhìn thấy mình đi thẳng một đường, người ta nói: “Ông thầy này tu nghiêm thiệt!” Còn liếc qua liếc lại: “Ông thầy này tu kỳ vậy, sao tôi coi trong luật là không được liếc ngó hai bên!” Bây giờ cư sĩ họ nghiên cứu kỹ lắm.

Có một số quý thầy đi chợ hoặc ra thành phố, Phật tử nhìn thấy họ nói: “Quý thầy đi ra tụi con biết quý thầy ở Trúc Lâm.” Hỏi: “Sao biết?” “Vì quý thầy cứ nhắm một đường đi thẳng.” Được uy tín lỡ, ráng cho uy tín luôn. Người tu lên thành phố mà nhìn nhà lầu cao cũng không được. Khó lắm chứ không đơn giản.

“Chẳng được nói bậy, hoặc nói chuyện với người nữ chẳng được nói thì nói thầm và nói nhiều.”

Thiền sư Hòa thượng Chí Đạo, ngài sanh năm 1603, tịch 1676, trong quyển Chí Đạo Vô Nan, ngài nói pháp ngữ cho hàng hậu học:

“Người tu hành hãy xa rời nam nữ như cây kiếm bỏ vào lửa. Người mang y tất không nên đến gần bên nữ nhơn, thế nào rồi cũng phạm sai lầm và phản chiếu trong tâm mình. Chính vì lẽ đó gần người nữ là việc làm của súc sanh. Lão Tăng ta sở dĩ kỵ người nữ cũng vì tâm súc sanh của mình vẫn còn.”

Ngài nói, người tu hành hãy xa rời nam nữ như cây kiếm bỏ vào lửa, kiếm bỏ vào lửa thì nóng quá sử dụng không được. Người mang y thì không nên đến gần bên nữ nhơn, gần người nữ thế nào cũng bị phạm sai lầm, nói thì nói thầm gì đó, tối về ngồi thiền bảo đảm nó sẽ hiện ra, nó chiếu diệu lại trong tâm mình. Cho nên ngài nói: “Chính vì lẽ đó gần người nữ là việc làm của súc sanh. Lão Tăng ta sở dĩ kỵ người nữ là cũng vì tâm súc sanh của mình vẫn còn”. Quý thầy còn tâm súc sanh không? Hòa thượng nói, mình có lúc giống như Thánh, nhưng cũng có lúc không dám nhìn tâm của mình. Học thiền là học về tâm, kiểm soát về tâm, mà kiểm soát về tâm là để chuyển hóa chứ không phải để chết chìm. Cho nên các Thiền sư khẳng định, tâm dục nhiều mà chuyển được thì thành đại bi, vọng tưởng nhiều mà chuyển hóa được thì thành đại trí. Bi trí tròn đầy thì mới có năng lực để dìu dắt chúng sanh.

Trong bài Đạo Ca, Hòa thượng lại nói:

“Khi giác ngộ đại đạo, cho dù có giao tiếp với nữ nhơn, với của cải đi chăng nữa, ta cũng chẳng có tâm nào cả.”

Tức là vô công dụng hạnh. Trong trí tuệ Bát-nhã, trong ánh sáng chiếu diệu của tự tâm thì quý thầy giống như cái gương. Gương chiếu hết vạn loại nhưng không lưu giữ hình, lúc này mới giác ngộ thật sự. Lý đã hiểu nhưng còn phải tiệm tu, chứ nghe nói như thế rồi cứ tự do tự tại luôn thì không được.

“Đây chính là việc quan trọng mà người tu hành phải làm, kẻ như vậy mới xứng đáng là bậc thầy của mọi người.”

Có mấy người nước ngoài đến gặp thầy Tĩnh Đàm hỏi: “Quý thầy tu có nghĩa là suốt đời suốt kiếp ở như thế phải không?” Thầy Tĩnh Đàm nói, ở như vậy thôi chứ không có gia đình gì hết. Họ la lên như chưa từng bao giờ nghe chuyện như vậy.

Làm được như thế, giao tiếp mà không dấy tâm động niệm. Đứng vững, trụ vững trong đại đạo thì mới làm bậc thầy của mọi người được. Bởi làm không được chuyện đó nên người ta cúng dường, đảnh lễ dưới chân quý thầy. Nếu phạm trai phá giới thì người ta coi mình cũng giống người ta thôi, nhiều khi còn khi dễ mình nữa.

Ngài nói tiếp:

“Có người kỵ chuyện giao tiếp giữa nam với nữ, ta bảo rằng Phật đạo không có như vậy, nam nữ tương giao là lẽ của tự nhiên.”

Không phải ngài qui như thế, rồi quý thầy thấy người nữ bỏ chạy cũng không đúng.

Cổ Học Tinh Hoa có câu chuyện:

Nước Lỗ có anh nông phu khoảng hai mươi tuổi, chưa có gia đình. Một hôm trời nổi cơn bão, nhà của cô hàng xóm bị sập, cô qua xin ngủ nhờ một đêm nhưng anh nhất định không cho cô vào nhà, anh nói nam nữ không được gần nhau. Cô nói với anh: “Sao ông không bắt chước ông Liễu Hạ Huệ?”

Liễu Hạ Huệ sanh cùng một thời với Khổng Tử, gọi là bậc á thánh, một hôm ông thấy một cô gái mười tám tuổi bị lạnh cóng giữa đường, muốn cứu cô nên ông ôm cô suốt một đêm. Nhờ hơi ấm của ông nên cô gái được cứu sống.

Cho nên cô này nói với anh nông phu, tại sao không bắt chước ông Liễu Hạ Huệ. Anh đáp: “Ông Liễu Hạ Huệ thì được nhưng tôi thì chưa được.” Câu chuyện này đến tai Khổng Tử, Khổng Tử nói: “Liễu Hạ Huệ là bậc thánh mà anh nông phu này cũng chính là bậc thánh.” Bởi vì sao? Biết mình biết ta trăm trận trăm thắng. Biết mình còn cái đó nên dừng lại, cho nên Khổng Tử khen hai người đều là bậc thánh.

Câu chuyện trong Thiền thoại Nhật Bản:

Thiền sư Tây Hành lúc chưa giác ngộ về Phật pháp ngài là một vị tướng lãnh rất giỏi. Sau khi giác ngộ được tự tâm tức là đốn kiến vào mảnh đất vô sanh rồi, ngài trở thành một vị Thiền sư rất nổi tiếng về thi thơ, cơ phong của ngài không ai lường được. Ngài sống phóng khoáng, đi lang bạt, gặp đâu ngủ đó, gặp lầu xanh, kỹ nữ ngài cũng vào ngủ mà không dính dáng gì hết.

Một hôm ngài đến vùng Osaka, vùng này có một cô kỹ nữ, là hóa thân của Bồ-tát Phổ Hiền. Khi đến nơi thì trời tối, ngài gõ cửa tửu lầu có cô kỹ nữ là hóa thân ngài Phổ Hiền để xin tá túc thì cô từ chối, bảo rằng trong nhà chỉ có một mình cô thôi nên không thể cho ngài vào. Ngài làm một bài thơ:

Khi tôi chưa từ bỏ cõi đời,

Tim nàng cũng nên rắn lại,

Giờ sao hất hủi tôi?

Chỉ một đêm trần gian huyễn mộng.

Vào ngủ cũng là huyễn mộng thôi. Như vậy thì quý thầy ăn chay, bữa nào ăn mặn rồi phạm trai, phá giới thì cũng là huyễn mộng, đúng không? Thế gian là một trường ảo mộng mà. Có người kiến giải như thế, cái gì cũng là huyễn mộng hết! Nhưng với cặp mắt của Bát-nhã thì các ngài nói đây là giả danh, tạm đặt thôi, mà trong giả danh đó là giả tướng.

Cô kỹ nữ cương quyết từ chối và làm một bài thơ đáp lại:

Biết ngài đã từ bỏ trần gian,

Nhưng xin ngài hãy tưởng,

Đừng tâm niệm khăng khăng,

Xem trần gian là huyễn mộng.

Nếu huyễn mộng thì ở ngoài trời cũng là huyễn mộng cần gì vô trong ngủ. Biết huyễn mộng rồi thì ngồi thiền cũng là huyễn mộng, nhưng mà thôi, lên ngồi thiền đi để hợp cơ với thanh qui thiền viện.

Nhưng mình không làm được như vậy, cái nào huyễn mộng mà sướng thì nói huyễn mộng, còn cực mình không chịu, thì đó chưa phải là huyễn mộng. Huyễn mộng là siêu thoát cái sướng, cái khổ, cái hạnh phúc, cái khổ đau, thấy được như thế thì mới gọi là huyễn mộng. Ở đây Bồ-tát Phổ Hiền nhắc ai? Không phải nhắc Thiền sư Tây Hành, hai bậc đạo gia đã ngộ đạo, đã siêu thoát rồi. Nhắc ở đây là nhắc cho mình, biết ngài đã từ bỏ trần gian rồi đó, “nhưng xin ngài hãy tưởng, đừng tâm niệm khăng khăng, xem trần gian là huyễn mộng.” Còn nghiệp tức là còn tạo tác, còn luân hồi, chừng nào dứt hết rồi nói sao cũng được.

Cho nên Tổ dạy, đừng có nói chuyện với người nữ.

Thiền sư Vĩnh Minh nói:

“Nếu nhìn thấy các trai, gái đoan chánh cũng coi tựa xác chết thì mới có thể làm chuyện dâm dục. Cắt tim không đau mới cho ăn thịt. Uống rượu như uống nước tiểu thì mới cho uống. Nếu thấy của mình của người cũng coi như đất, như phân thì mới có thể xâm chiếm, trộm cướp. Dù cho các ngươi có luyện được đến mức đó thì cũng chưa thể thuận theo cái ý của các ngươi, cho đến khi chứng đắc được vô lượng thánh nhân thì mới có thể làm chuyện ngược xuôi của thế gian được.”

Có nhiều người nói, bây giờ bên Nam Tông họ ăn thịt thì bên đây tôi cũng ăn thịt. Họ không hiểu nên mới nói vậy. Bởi vì khi quý thầy đến thọ giới Tỳ-kheo tác pháp Yết-ma về giới cấm đó rồi, thì không được phạm. Còn bên kia người ta không tác pháp Yết-ma, nên được ăn. Có nghĩa là, mình đến trước Hòa thượng, tam sư, thất chứng được tác pháp Yết-ma hết rồi, không được sát sanh, không được… đã nêu lên rồi, cho nên hễ mình dính là mình phạm chứ không có biện lý gì hết. Bởi vì đạo Phật là đạo chứng nghiệm, nếu chưa chứng nghiệm được mà ăn thịt, uống rượu là phạm giới hết.

Nếu thấy của mình của người cũng coi như đất, như phân thì mới cho trộm cướp. Nhưng dầu cho mình được như thế thì cũng chưa thể thuận theo cái ý của các ngươi, cho đến khi chứng đắc được vô lượng thánh nhân thì mới có thể làm chuyện ngược xuôi. Vì sao?

“Vì kinh nói: Không trừ thói dâm dục thì sẽ tiệt cái giống thanh tịnh, chẳng bỏ thói rượu chè thì tiệt hạt giống trí huệ, chẳng bỏ thói trộm cắp thì tiệt hạt giống phúc đức, chẳng bỏ thói ăn thịt thì mất hạt giống từ bi. Chư Phật ba đời cùng nói như thế, Thiền tông thiên hạ đồng thanh giảng như thế, vậy mà sao kẻ hậu học bỏ qua chẳng nghe theo? Tự mình hủy hoại chánh nhân lại làm theo ma thuyết. Chỉ vì nghiệp chủng do kiếp xưa hun đúc nên sanh ra gặp phải thầy tà.”

Quý thầy nghe rất là rõ phải không? Ngài nói chư Phật ba đời cũng đều dạy như thế, rồi Thiền tông trong thiên hạ cũng giảng dạy như thế, mà sao kẻ hậu học bỏ qua chẳng chịu nghe mà tự hủy hoại chánh nhân. Nghĩa là cái nhân chân chánh mình được xuất gia, được học đạo nhưng lại làm theo ma thuyết. Chỉ vì nghiệp xưa, còn những hạt giống đó nên phải thầy tà.

“Trong bước đường công phu tu học mình đừng vỗ ngực xưng tên.”

Có nhiều người ngày xưa ở thiền viện hoặc ở các chùa, tự vỗ ngực xưng tên bây giờ rớt hết, ngã gục hết trước sắc đẹp của người nữ. Mình đừng nói đã chứng đại đạo, lý hiểu như thế nhưng sự phải tiệm tu. Cho nên Cổ Đức nói, nếu chưa đại triệt, đại ngộ thì phải có mười cách quán chiếu.

Các ngài nói, trong cuộc đời tu hành, tài bỏ được, danh vọng có thể bỏ được, nhưng sắc thì khó bỏ, nhiều vị lớn đã vấp phải chỗ này. Nếu mình còn quá nhiều tâm dục nhiễm, thì các ngài dạy cách quán chiếu:

1- Hằng ngày tu tập hoặc quán thân bất tịnh.

Tôi nghe kể bên Miến Điện, có những vị Hòa thượng họ quán bất tịnh đến mức độ họ nhàm chán cái thân này. Bởi vì ra đường họ thấy toàn là những bộ xương biết đi. Ngày xưa lúc ở Chân Không, Hòa thượng Trúc Lâm cũng quán bất tịnh, quán đến mức độ Hòa thượng không dám ăn cơm, nghĩ đến là ói.

Trong kinh diễn tả, có một thầy Tỳ-kheo quán bất tịnh, quán chừng nào thì tâm dâm dục nổi dậy nhiều chừng đó. Đến trình với Phật. Phật hỏi, ông nói là quán hình người nữ bất tịnh. Quán thân bất tịnh là phải quán lại chính mình, quán con mắt, lỗ mũi, cái miệng của mình. Tức là ba mươi sáu uế trược hay là chín lỗ bất tịnh thì dần dần nhàm chán. Quý thầy mà đưa đề mục hoa hậu gì đó quán là phản tác dụng.

2- Quán sự dâm dục như đường tiểu tiện.

3- Duyên nơi ảnh tượng của Bồ-tát.

Thường nhớ đến các vị Bồ-tát công hạnh lớn chẳng hạn như Bồ-tát Văn Thù, Bồ-tát Phổ Hiền… để bỏ bớt cái tâm đó.

4- Duyên tâm thành nhớ Phật.

Luôn luôn nhớ về công đức của Phật, năng lực của Phật đã tu tập vô lượng kiếp. Ngày hôm nay mình tu, tại sao vẫn còn những tâm niệm này thì dần dần nó hết.

5- Hoặc cung kính quán niệm Quán Âm Đại Sĩ.

Đừng nghĩ tu thiền không có liên hệ đến vị Bồ-tát này. Ở đây, chúng ta học kỹ phần này. Tại sao Cổ Đức, nói tâm niệm tham dục, hoặc tâm vọng tưởng nhiều quá, dùng phương pháp sổ tức, tùy tức gì cũng không được thì luôn luôn mình phải cung kính, quán niệm Quán Âm Đại Sĩ? Quán niệm ở đây, không phải niệm danh hiệu của ngài mà thường tưởng nhớ đến công hạnh vi diệu của ngài.

Trong kinh Pháp Hoa, có một phẩm nói về Quán Thế Âm Bồ-tát đó là phẩm Phổ Môn. Môn tức là cửa, Phổ là rộng khắp, Phổ Môn là cái cửa phổ độ cùng khắp. Bồ-tát Quán Thế Âm có túc duyên rất sâu ở thế giới ta-bà, các cõi khác không có duyên sâu bằng. Bây giờ nói phần sự trước.

Câu chuyện thứ nhất trong quyển hồi ký “Trên Đỉnh Trùng Dương”:

Nhân vật nữ trong câu chuyện này, có một người em tu ở Thiền viện Thường Chiếu, là thầy Thiện Tín. Cô kể cô cùng chồng, bốn người con và người cháu gái đi vượt biên, đến giữa biển, từng người trong gia đình cô bị bọn hãm hại nhẫn tâm quăng xuống biển. Chồng cô cùng bốn con và đứa cháu gái chìm sâu dưới lòng biển lạnh, duy nhất chỉ mình cô sống sót. Gần chín tiếng đồng hồ lặn hụp trong đêm tối giữa biển khơi, cô đã thành tâm khấn nguyện Bồ-tát Quán Thế Âm, bỗng nhiên cô thấy một luồng ánh sáng từ trên trời xả xuống, cô nương ánh sáng bơi tới và được ngư dân cứu sống.

Sống sót trở về, cô viết quyển hồi ký “Trên Đỉnh Trùng Dương”, kể lại câu chuyện đời cô và khẳng định đã được Bồ-tát Quán Thế Âm cứu độ, bởi vì nếu không nhờ vào năng lực vi diệu của ngài thì không thể nào giải thích được vì sao cô sống sót sau chín tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển cả, vượt qua chặng đường tám mươi cây số giữa sóng gió ngoài khơi.

Câu chuyện thứ hai, “Quán Âm Huyền Ký”:

Đường Văn Tông rất thích ăn ốc, ăn sò. Ông bắt dân biển phải hiến sò cho ông, người nào không hiến thì ông ghép vào tội bị xử trảm, cho nên dân tình rất là khốn đốn.

Một hôm, vị quan biến trù, đại khái giống như tri khố, được một người hiến dâng con sò rất lớn. Nạy con sò ra ông thấy hiện lên hình Bồ-tát Quán Thế Âm, ông quan này không dám luộc, ông đem con sò đến trình Đường Văn Tông. Không ai hiểu tại sao lại có hiện tượng này. Một vị quan thừa tướng đề nghị mời Thiền sư Duy Chánh đến để ngài giải thích. Đường Văn Tông hỏi Thiền sư:

- Nghe nói Bồ-tát Quán Thế Âm rất linh hiển, tại sao không hiện thân ra nói pháp cho trẫm mà lại hiện thân trong con sò này?

Thiền sư Duy Chánh đáp:

- Đó chính là Bồ-tát hiện thân nói pháp cho bệ hạ rồi. Bồ-tát đã phát nguyện 32 ứng hóa thân, hoặc dùng thân Tỳ-kheo nói pháp thì hiện thân Tỳ-kheo, hoặc hiện thân Tỳ-kheo Ni, Sa-di, Sa-di-ni, trưởng quan, Đế Thích…, tất cả mọi hình tướng. Nếu bệ hạ tin thì đúng là Bồ-tát ứng hiện ra để giáo hóa.

Lúc này Đường Văn Tông tỉnh ngộ, ông ra sắc lệnh, không ai được hiến dâng sò cho ông và kể từ đó không bao giờ ăn sò nữa.

Câu chuyện thứ ba do Hòa thượng Tôn sư kể:

Ngày xưa, Hòa thượng về Đồn Đất để giảng pháp, có một vị đến hỏi Hòa thượng:

- Thầy giảng pháp vậy thầy có tin những điềm chiêm bao không?

Hòa thượng hỏi:

- Điềm chiêm bao như thế nào?

Ông kể, ông có một đứa con gái bệnh rất nặng, bác sĩ bệnh viện Đồn Đất cũng trị không được. Một hôm, ông nằm mộng thấy một người mặc áo trắng đến nói:

- Sáng mai con đi ra hướng Bắc sẽ gặp một vị thầy thuốc, con đưa thầy thuốc này về mà chữa trị cho con của con.

Quả tình sáng mai ông đi về hướng Bắc thì gặp một vị thầy thuốc. Con ông uống ba thang thuốc của vị thầy này thì hết bệnh. Ông tin chắc rằng vị mặc áo trắng chính là Quán Âm Đại Sĩ. Sau đó Hòa thượng đến nhà vị này thì thấy ông có thờ hình tượng Quán Thế Âm Bồ-tát.

Bây giờ nói về lý. Quán Âm Đại Sĩ là gì? Là phản văn văn tự tánh. Học được pháp của Bồ-tát Quán Thế Âm là có năng lực lớn. Chẳng hạn, đi trên chuyến xe đò hay trên một chiếc thuyền, ai cũng bị tai nạn mà tại sao mình thoát được nghiệp. Mình phải có những tần số như ngài thì mới được, muốn vậy thì phải học cái hạnh giống như ngài. Cho nên Bồ-tát Quán Thế Âm còn có nghĩa từ nhãn thị chúng sanh, dùng con mắt từ nhìn chúng sanh. Hòa thượng Làng Mai dịch là mắt thương nhìn cuộc đời. Dùng con mắt sân hay mắt tật đố nhìn cuộc đời thì thuyền chìm là chắc chắn.

Ngày xưa, tôi cứ nghĩ một người bỏ tiền ra bố thí, rồi mình phát tâm tùy hỉ thì đồng với nhau. Trong kinh Phật dạy, giống như đốt một cây đuốc là ngàn cây đuốc. Hồi đó cứ y kinh mà giảng, nhưng bây giờ tôi phải giải lại chỗ này, bởi vì “y kinh giải nghĩa thì tam thế Phật oan, mà lìa kinh nhất tự thì đồng với ma thuyết.” Muốn được pháp này thì phải chứng nghiệm vào cảnh giới đó thì mới lột phá được lời Phật nói. Cho nên thiền là phải chứng nghiệm, phải đi sâu, phải bơi lội vào chiều sâu của tâm thức mình mới phát hiện ra được. Tức là một niệm phải muôn năm, phải đốn triệt thì lúc này, quý thầy không cần tùy hỉ cũng thành tựu pháp tùy hỉ. Cho nên bảo đảm tôi nói không sai lệch kinh Phật.

Chẳng hạn, Thầy trụ trì cất Thiền đường, ai mà không tùy hỉ. Tùy hỉ là đồng rồi, nhưng nhớ một điểm, quý thầy sáng tùy hỉ, trưa tùy hỉ, chiều cũng phải tùy hỉ, gọi là một niệm muôn năm. Muốn đạt đến một niệm muôn năm đó, khi kẻ thù của mình làm, mình cũng tùy hỉ luôn thì phước ngang nhau. Còn ở đây Thầy, Tổ mình thì mình tùy hỉ, người lớn tuổi hạ hơn thì cũng tùy hỉ, nhưng sư đệ mình làm mình tùy hỉ được không? Không được thì mất, vì không được một niệm muôn năm. Cho nên nhà thiền gọi, tâm bình thường là đạo. Bình thường là gì? Sáng bình thường, trưa bình thường, chiều bình thường. Sáng mình bình thường được, nhưng trưa hết bình thường!

Cho nên nói tùy hỉ thì đồng nhau, với mức độ là tâm thức phải đạt đến chỗ một niệm muôn năm. Thầy Tổ làm được thì mình tùy hỉ, người khác làm mình không tùy hỉ là rớt, Phật pháp hay điểm đó.

Phật Thích-ca ra đời, với Phật nhãn, thấy được cảnh giới Phật ngài sẵn sàng giới thiệu. Còn mình, đạo tràng nào mà lớn lên hay là phát triển lên mình dám giới thiệu không? Chẳng hạn giới thiệu, ông lên Thiền viện Trúc Lâm tu đi, tốt lắm. Không nói vậy, mà nói lên tu là ông điên đó, “thiền đăng” mà.

Có một thầy, khi giảng pháp ông để cây đèn phía trước, ông nói mấy người tu thiền để cây đèn như vậy gọi là “thiền đăng”. Tại sao gọi thiền đăng? Thiền đăng tức là “thằng điên”, ông nói như vậy đó! Thầy Tổ ông xây dựng chùa này chùa kia ông tùy hỉ, ông nói tùy hỉ để phước bằng nhau, nhưng ngược lại có những đạo tràng phát triển thì ông sanh tâm tật đố mà không hiểu lời Phật dạy.

Tôi nghiệm thêm một điều, muốn tùy hỉ cho được rốt ráo thì phải thực tập. Quý thầy ai cũng biết bốn phép tính cộng, trừ, nhân, chia, bây giờ áp dụng vào thiền, thực tập phương pháp của Quán Âm Đại Sĩ:

Thứ nhất là cộng: Cộng là thêm tất cả các việc thiện pháp, làm tất cả nhưng không khởi tâm chấp thủ.

Thứ hai là trừ: Trừ tâm tật đố, trừ tâm ích kỷ.

Thứ ba là nhân: Chẳng hạn ngày xưa mình chẻ củi mười cây, bây giờ nhân lên chẻ hai chục cây. Ngày xưa mình ngồi thiền một tiếng, bây giờ nhân lên ngồi hai tiếng.

Thứ bốn là chia: Chia phước thiện, chia năng lực tu học, rồi chia sẻ tâm tùy hỉ đến tất cả mọi người, tất cả chúng sanh.

Bồ-tát Quán Thế Âm hành thâm Bát-nhã, sau khi chiếu kiến ngũ uẩn giai không rồi thì ngài tự tại, thong dong. Hình tượng ngài ngồi thoải mái, để tay rất tự tại, gọi là Bồ-tát Quán Tự Tại. Mình thì chiếu kiến chưa được. Tôi cũng vậy, làm nhà khách mà ai nói động đến, tôi cũng khó chịu, nghĩa là chiếu kiến chưa được cho nên vẫn khổ. Còn ngài, chiếu kiến ngũ uẩn giai không rồi thì người ta nói phải cũng được, nói trái cũng được, khen cũng được, chê cũng được, cho nên ngài vượt qua tất cả khổ nạn, không còn khổ nữa.

Tuệ Trung Thượng Sĩ cảm khái chỗ này, ngài làm hai câu thơ:

Người đời mãi ngắm nghìn non đẹp,

Ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm.

Nghĩa là ngắm chuyện thế gian mà ít lắng lại cái tâm. Muốn được lắng tâm là phải đi theo con đường Quán Âm Đại Sĩ, tức là phản văn văn tự tánh. Thiền sư Ajahn Chah nói:

Người vào thất phải rút kinh nghiệm, thay vì đọc sách, bạn hãy đọc chính tâm của bạn.”

Quý thầy được túc duyên, nhập thất hai mươi mốt ngày hoặc bốn mươi chín ngày đừng đem sách nhiều. Tôi thấy có những người đem một va-li sách vào thất. Như vậy vào đó đọc sách không chứ đâu có đọc cái tâm của mình. Nếu đọc được cái tâm là mình biết mình còn tham, còn sân, còn đủ thứ chuyện, thì mình tìm cách chuyển hóa.

Cho nên ngài nói tiếp:

“Cốt lõi của thiền định trong đạo Phật chỉ nhằm mục đích luyện tâm, thiền là để nuôi dưỡng, chuyển hóa, và phát triển tâm thức. Nuôi dưỡng và luyện tâm của bạn là điều cực kỳ hệ trọng. Đạo Phật là đạo của tâm, chỉ có tâm mà thôi. Ai thực hành phòng hộ và chuyển hóa tâm là người đó đang thực hành con đường Phật đạo.”

Ngài nói vào thất, phải đọc cái tâm của chính mình thì mới đúng. Nghĩa là ngồi chiêm nghiệm lại, bởi cốt lõi của thiền định trong đạo Phật là chuyển hóa tâm.

6- Hoặc tụng kinh, tọa thiền, sám hối, thì tâm dục cũng bớt.

7- Chuyên nhớ nghĩ giới thể của mình đã lãnh thọ.

Những điều giới mình đã thọ phải ráng giữ.

8- Hoặc nhiếp niệm nơi tâm, hoặc quán sự sanh diệt vô thường, hoặc quán tất cả pháp là duy thức biến tùy theo tâm đi đến chỗ nào đều phải cố gắng đối trị.

Chẳng hạn ngồi đây mà tơ tưởng đến những cảnh giới ngày xưa mình đã từng đi qua thì phải đối trị liền, chớ đừng để nó nẩy mầm, mọc nhánh.

“Nếu như mặc tình trôi nổi theo dòng vọng tưởng và ái dục thì thật là khó cứu vãn. Nên biết rằng đắm say trên xác thịt nam nữ chẳng khác nào mê chút mật dính trên mũi dao bén nhọn và bàn sắt nóng, chỉ thuần khổ chớ chẳng có chút vui, chỉ có hại chớ không có lợi. Thế nên từng giờ từng phút đối với việc dâm dục phải nên cảnh giác. Luật dạy: Thà để nam căn trong miệng rắn độc, không nên để vào trong ba đường của người nữ. Vì rắn độc cắn chẳng qua chỉ hại thân xác một đời mà thôi, còn cùng người nữ phát sanh nhục dục quyết nguy hại cho pháp thân huệ mạng nhiều đời nhiều kiếp. Do đó sự tai hại này lớn lao biết chừng nào, Tỳ-kheo chúng ta phải tránh xa vậy.”

Cho nên Phật dạy phải tuyệt đối tránh xa người nữ.

“Chẳng được dối hiện oai nghi, giả mạo tướng thiền cầu người cung kính.”

Tổ Tuyên Luật sư dạy:

“Oai nghi của Sa-môn vốn đầy đủ tướng thiền mà dối hiện trang nghiêm mong cầu danh lợi, cung kính nên chẳng có cho phép.”

Tổ nói oai nghi của bậc Sa-môn hay của người xuất gia vốn đã đầy đủ, cái tướng của mình tự nó đã hiện ra. Chẳng hạn, nhìn cặp mắt lờ đờ biết người này mới ngủ dậy. Còn mắt trang nghiêm, thanh tịnh là biết quý thầy có tu, côngphu sâu sắc, bây giờ ứng ra hành động, lời nói, ứng ra cặp mắt, tứ chi. Có oai nghi phép tắc thì tự hiện ra đầy đủ tướng thiền, khỏi cần giả hiện. Cho nên quý thầy thấy Hòa thượng đi, đứng đều trong chánh niệm, bốn năm chục năm tướng thiền ứng vô tứ chi rồi, bây giờ phổ ra hành động nào cũng là tướng thiền hết. Còn mình nhiều khi đi cũng mất chánh niệm, mà giả mạo tướng thiền thì không được phép.

Tổ Qui Sơn dạy:

“Bình thường tập tánh tự nhiên, đâu cần trang hoàng làm thế.”

Đại sư Hàn Sơn nói:

Oai nghi quý bổn phần,

Trá hiện phi chân thật.

Thiền tướng bổn vô tướng,

Vô tướng há trang đắc?

Túng sử trang đắc thành,

Nan đào chơn giám thức.

Như viên học đả tọa,

Ngoại tượng nội tâm thất.

Vi vi cảnh phong sanh,

Hí hí thâu quả thực.

Chiêm bỉ cao thượng nhơn,

Trừng định cửu thanh bạch.

Hựu như tại hồng lô,

Chơn kim vô biến sắc.

Tạm dịch:

Oai nghi quý phần gốc,

Dối hiện chẳng chơn thật.

Tướng thiền vốn vô tướng,

Vô tướng sao tô trát?

Đại sư Hàn Sơn nói oai nghi quý ở phần gốc, nghĩa là tâm như thế nào thì ứng hiện ra thế ấy. Vì vậy, có những Sa-di tuy nhỏ tuổi mà đã nhiều kiếp tu hành nên rất trang nghiêm thanh tịnh.Những người tuy thọ Tỳ-kheo năm, mười năm rồi mà mới tu đây, mới ở cõi nào đến thành ra đi cũng còn nhảy nhót. Kinh Pháp Cú kể, có một thầy Tỳ-kheo tu cũng lâu rồi mà còn hay nhảy nhót, các thầy Tỳ-kheo lên bạch Phật, Phật nói thông cảm cho ông, ông từ loài khỉ mới đến.

Rồi có những người đã nhiều đời nhiều kiếp tu hành, chẳng hạn Ngài Đạt-lai Lạt-ma thứ mười bốn, mới có ba tuổi là lên pháp tòa nói pháp. Nhiều đời nhiều kiếp tu hành, bây giờ nó ứng hiện ra phong cách, tác phong. Như Hòa thượng Trí Tịnh, bảy đời làm Hòa thượng, Tổ nhìn biết nên Tổ nói: “Mấy chú đừng khinh dễ nha, bảy đời làm Hòa thượng rồi đó.”

Dối hiện chẳng chân thật,

Tướng thiền vốn vô tướng.

Giả sử tô trát được,

Khó trốn gương chân thật.

Như vượn học ngồi thiền,

Tướng ngồi trong tâm loạn.

Ngài nói giống như con vượn, con khỉ mà học ngồi thiền vậy, nó ngồi thì ngồi chứ tâm nó cũng lộn xộn.

Nhè nhẹ gió cảnh sanh,

Giỡn cười trộm quả ăn,

Xem bậc thượng nhân kia,

Định lóng lâu kín nhiệm,

Lại như trong lửa đỏ,

Vàng thật không đổi sắc.

Như quý thầy đi trang nghiêm thanh tịnh, nhưng vì còn cái nghiệp, thí dụ nghiệp ca hát, đi ngang qua quán cà phê nghe Trịnh Công Sơn hát quý thầy quên, quý thầy huýt sáo theo, lộ ra liền! Vàng thật thì không đổi sắc, mà đây vàng giả cho nên nghe hát rồi huýt sáo nhịp nhịp là biết, lộ rồi, bởi vì dối hiện. Bậc thượng nhơn định lóng sâu rồi thì vàng thật không đổi sắc, dầu cho lửa cách mấy nó cũng y nhiên vậy thôi. Cho nên Tổ dạy không được dối hiện oai nghi.

Tổ Lâm Tế dạy tiếp:

“Này Đại đức! Cần phải bình thường, chớ làm hình thức. Có một bọn tớ trọc không biết tốt xấu nói thấy thần, thấy quỷ, chỉ đông, vẽ tây, trời tốt, mưa tốt. Những bọn như thế đều phải mang nợ có ngày sẽ ở trước Diêm vương nuốt hoàn sắt nóng. Những người nam nữ tốt bị chồn tinh này câu thúc liền làm những việc quái dị, bọn mù có ngày phải bị đòi nợ cơm cháo.”

Tổ Lâm Tế dạy cần phải bình thường, là sao thì nó hiện ra vậy thôi, bình thường tức là đạo.

Trong kinh A-hàm Phật dạy các Thầy Tỳ-kheo:

“Này các Thầy Tỷ-kheo! Trong hàng đệ tử ta có chia làm bốn hạng người, thế nào là bốn?

- Thứ nhất là hạng người ngoài chín trong sống.

Có nghĩa là oai nghi phép tắc rất đầy đủ nhưng mà dối hiện, trong thì loạn động, phạm trai phá giới.

- Thứ hai là hạng người ngoài sống trong chín.

Hiện thân giống như Tế Điên Hòa thượng: ngoài thì uống rượu, ăn thịt, làm đủ thứ chuyện nhưng trong thì chín muồi, tức là triệt ngộ hết rồi.

- Thứ ba là hạng người ngoài sống trong sống.

Giống như mình vậy, oai nghi phép tắc không có mà trong thì loạn động đủ thứ chuyện.

Thứ tư là hạng người ngoài chín trong chín. Này các Thầy Tỷ-kheo! Chính hạng người sau cùng này mới là hạng thanh tịnh chơn thật, xứng đáng là người giữ gìn gia bảo của Như Lai.

Ráng tu như thế, để ngoài chín mà trong cũng chín thì mới gìn giữ gia bảo của Như Lai được.

Trong quyển “Thoát Vòng Tục Lụy” của Hòa thượng Tinh Vân chúng ta thấy có hai mẫu người. Mẫu người thứ nhất là sư huynh Ngọc Lam, dầu cho hình thức là Bồ-tát thị hiện vào cuộc đời này nhưng chỉ là hóa độ một số người nào đó thôi. Mẫu người thứ hai là Thiền sư Ngọc Lâm mới làm Quốc sư được.

Quý thầy sau này muốn làm được việc lớn thì ngoài chín trong cũng phải chín. Giống như Hòa thượng Tôn sư, ngài dạy giữ giới luật rất nghiêm minh, tu hành rất đàng hoàng, chớ không phải nói một đàng làm một nẻo thì không ai tin, lần lần người ta phát hiện ra hết.

“Chẳng được quấy nói Phật pháp, người hỏi đáp bậy, khoe mình đa văn, cầu người cung kính.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nói không đúng nên sai tông chỉ, chẳng chỉ khiến người khinh dễ mà sợ còn chuốc lấy quả báo khó mà tránh.”

Nói sai tông chỉ, chẳng hạn nói thiền là gì, quý thầy lúng túng đưa cái đồng hồ lên. Chưa ngộ mà khai thị giống như Thiền sư vậy thì trật. Biết chắc chắn thì mới trả lời, nếu không thì nói tôi chưa biết, để tôi hỏi lại Thầy Tổ.

Chẳng được đưa hộp lễ qua lại bắt chước người thế tục, chẳng được coi ngó việc nhà người. Có ba lỗi: Thứ nhất là mình sanh lòng tham, thứ hai là người trong nhà chê ghét, thứ ba là người ngoài phỉ báng.”

Người thế tục đi vắng, nhờ quý thầy về coi nhà dùm thì không được.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Thiên tánh chí thân nhẫn tâm cắt ái là vì cầu đạo nghiệp, phải nên dứt trừ tất cả các duyên, dõng mãnh tham học may ra mới báo ân cửu địa. Nếu thân, tuy xuất gia cùng với người tục không khác thì hôm nay đến nhà lão gia nói việc, ngày mai đến nhà tướng công phan duyên, việc bổn phận của chính mình trọn chẳng có đề khởi. Một mai già bệnh đến nơi nằm trên giường bệnh, lão gia, tướng công thay thế ông chẳng được.”

Có nghĩa là mình không lo tu.

Cho nên trong bài “Minh” của Thiền sư Tri Độn đời nhà Tấn, ngài dạy:

Khanh đã đi xuất gia,

Hằng xa lìa cha mẹ.

Cạo tóc bỏ hình hài,

Áo pháp khoác trên mình.

Ngày giã từ thân thuộc,

Cha anh lệ tuôn rơi.

Tôi chứng kiến lúc quý thầy cạo tóc, cha mẹ ở ngoài khóc rất nhiều. Họ nghĩ, người này sống cũng như chết rồi, vì ba bốn năm mới về, nhiều khi không về nữa. Như tôi xuất gia gần mười bốn năm mà chưa từng gặp lại cha, bởi vì một năm cha tôi mới về nhà một lần vào dịp Tết, về mấy ngày lại đi. Ngày tết ở Thiền viện Thường Chiếu và Thiền viện Trúc Lâm không bao giờ cho về nhà, thì sao mà gặp?

Cắt lìa tình ái trọng đạo,

Ý vượt khỏi trời xanh.

Mình cắt lìa cha mẹ, anh chị em, ý mình vượt thoát khỏi trời xanh, ý đó rất cao xa, diệu vợi, hướng thượng. Cho nên ngài nói tiếp:

Nên tuân giữ trí này,

Kinh đạo phải hiểu rõ.

Sao nỡ để vô tâm,

Bám víu vào thanh sắc,

Rong ruổi suốt đêm ngày,

Kinh nghiệp không thành tựu,

Đức hạnh ngày tiêu hao,

Nhơ nhuốc chứa đầy bụng,

Thầy bạn thêm tủi hổ,

Phàm tục lại khinh khi,

Người xuất gia như thế,

Luống tự chuốc nhơ danh.

Đời nay nên cố gắng

Phải lo tự kiên tin

Minh rằng:

Khanh đã xuất gia cầu giải thoát,

Ân sinh thành dứt khoát giã từ.

Tóc râu cạo bỏ dung tư,

Ca-sa pháp phục kể từ đây mang.

Ngày từ giã họ hàng thân thích,

Bậc cha anh cảm kích lệ rơi.

Dứt tình ân ái với đời,

Đạo vàng kính chuộng nào rời phút giây.

Ý vượt khỏi trời mây xanh biếc,

Trí tuân theo tha thiết giữ gìn.

Luật kinh đạo lý tinh minh,

Vô tâm sao nỡ để tình vấn vương.

Bài này ngài nói, khi xuất gia rồi thì ý vượt khỏi trời xanhtrí tuân theo tha thiết giữ gìn, tức là ba y, bình bát, luật, kinh, đạo lý phải rõ ràng. Vô tâm sao nỡ để tình vấn vương, nghĩa là mình vô tâm, đã bỏ cha bỏ mẹ rồi mà lại kết nguyền với người thế tục nữa thì không được.

“Chẳng được kết nguyền với người bạch y làm nghĩa cha, mẹ, chị, em.”

Trong Bộ Hành Hộ nói:

“Người xuất gia bỏ nghĩa song thân, dứt tình ân ái vào chốn lan-nhã, tu pháp tam muội, lại kết nguyền họ khác làm cha, làm mẹ, làm anh, làm em thật là điên đảo, đều do cái niệm ban đầu xuất gia chẳng chơn thật mà chẳng tự có tỉnh.”

Người xuất gia bỏ nghĩa song thân, rồi dứt các tình ân ái vào chốn lan-nhã tức là vào chỗ vắng bóng người, tu pháp chánh định, mà lại kết nguyền làm cha, làm mẹ, làm anh, làm em thì thật là điên đảo.

Ngày xưa, tôi vào Thường Chiếu, có một người cũng lớn tuổi ở Thủ Đức, họ gặp tôi ở nhà khách, rồi nhận tôi làm con, tôi nói cha mẹ tôi bỏ hết rồi. Lúc đó, dù chưa học oai nghi phép tắc nhưng tôi biết là không được. Quý thầy dạy là mình đã bỏ cha mẹ, bỏ gánh nặng rồi, nay lại đeo vào. Những người đến với mình, mình biết đây là cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp, và coi tất cả mọi người giống như chúng sanh vậy thôi. Hướng dẫn họ thì đúng, còn kết nguyền cha, mẹ, anh, em thì trật với pháp xuất gia.

Trong Lâm Tế Ngữ Lục, Tổ dạy:

“Các ông chớ nhận những bạn bè mộng huyễn, vì sớm muộn gì cũng trở về vô thường. Ông nhằm trong thế giới này tìm vật gì làm giải thoát? Tìm lấy miếng cơm, manh áo qua ngày ư?”

Bạn bè mộng huyễn, sớm muộn cũng trở về vô thường. Mà nhằm tìm cái gì? Chẳng lẽ tìm manh áo, miếng cơm? Nhận cha, nhận mẹ cũng là tìm miếng cơm, manh áo thôi. Người ta cúng dường, rồi kết nguyền cha mẹ, anh em! Mình có túc duyên được Hòa thượng lo lắng, cho nên mình không cần. Đa phần quý thầy lên thành phố học, ai cũng đều nhận cha mẹ, anh chị em mới có tiền ăn học, mà nhận một thời gian rồi thì tự nhiên trở thành người thế tục! Tìm miếng cơm manh áo ư? Thì phải tìm thôi!

“Cần phải tìm hỏi các bậc tri thức, chớ đuổi theo những thú vui. Thời giờ đáng tiếc, niệm niệm vô thường, thô thì bị đất, nước, gió, lửa; tế thì bị bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt ép ngặt.”

Quý thầy đủ duyên vào học Phật pháp, sau này nếu hết duyên ở thiền viện, quý thầy nhớ đi đâu cũng đến các thiền viện trong tông môn của Hòa thượng ở, chứ quý thầy mà ra học ở các trường thế nào cũng nhận cha mẹ, anh em… Tôi quen nhiều thầy ra học một thời gian đều có cha mẹ, anh em hết. Bỏ cha mẹ ruột rồi nhận người khác thì không đúng.

“Chẳng được nói việc tội lỗi trong chúng tăng.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nếu cùng với người tục đàm luận phải dùng lời nói đạo lý phát lòng tin đó, nếu nói lỗi trong chúng tăng như lấy dao bén mà đoạn tín căn kia. Song người chưa phải bậc Thánh hiền mấy ai khỏi tội lỗi? Như Tổ Ca-diếp còn có lỗi đứng dậy mà múa; vua Nghiêu, vua Thuấn chưa khỏi những tiếng chê, ta không mắt huệ đâu biết xét chi phải hay quấy. Đức độ chúng Tăng to lớn như biển, Phật còn khen ngợi. Nếu ta chỉ trích tự mắc khổ báo vậy.”

Chẳng hạn, mình có nhân duyên nào đó về nhà cư sĩ ở, rồi nói tôi thấy thầy Tri khố làm làm vậy chứ không lo cho chúng Tăng gì hết, hoặc mình nói thầy Tri khách tiếp khách rồi còn tiếp những người gì gì đó…, ta không mắt huệ đâu biết xét chi phải hay quấy, không có mắt huệ mình không biết, làm đoạn tín căn của người ta.

Ngày xưa, có một thầy trước khi xin xuất chúng hoàn tục ra đời không tu nữa, thầy đến trước tôi sám hối và khóc rất nhiều, tôi ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao sư huynh lại sám hối mà khóc vậy?

Ông nói:

- Con chuẩn bị đi nên con đến trước thầy con sám hối, con rất sợ tội lỗi. Ngày xưa, con thấy thầy mà ngồi trên bàn học là con ghét chịu không nổi, bởi vì con sợ thầy học rồi sau này thầy hơn con. Bây giờ con thấy hổ thẹn quá, con đến con sám hối trước thầy.

Mà không ngờ, khi cầm quyển kinh lên đọc, tôi phát nguyện: “Tôi muốn học quyển kinh này để tìm hiểu Đức Phật nói gì, để chuyển hóa nội tâm và tìm cách giúp đỡ những người khác.” Đó là đại nguyện, mà không biết lại sanh tâm tật đố, sợ người ta học rồi hơn mình. Nhiều khi mình nói xấu, ông thầy đó học vì danh, vì lợi gì đó…, chết quý thầy liền! Trong tâm thức của người đó phát đại nguyện như thế nào, rồi nguyện lực, trí nguyện, bi nguyện ra sao mình đâu biết, vô tướng mà. Cho nên phải rất cẩn thận.

Đức độ của chúng Tăng to lớn như biển, Phật còn khen ngợi. Nếu ta chỉ trích tự mắc khổ báo vậy. Phật còn khen ngợi phước của chúng Tăng. Sau khi Phật thành đạo, Di mẫu cúng dường Phật một tấm y nhưng Phật không nhận. Phật nói, cúng dường chúng Tăng. Năng lực của Phật là năng lực của bậc toàn giác mà ngài nói chưa bằng phước lực của chúng Tăng, huống chi mình là phàm phu. Cho nên không được nói lỗi chúng Tăng.

“Luật nói trụ ở nhà bạch y có năm lỗi:

1- Mỗi mỗi thấy nữ nhơn.

Ở nhà bạch y thì con, cháu người ta đi ra đi vào, quý thầy nhìn thấy, lâu ngày chầy tháng sanh tâm nhiễm ái, nhiễm trước.

Đây tôi kể một câu chuyện. Có một thầy, ông về nhà một vị cư sĩ để dưỡng bệnh, cha vị này đã xuất gia, dặn con gái hằng ngày đem cơm cho thầy. Đem cơm vào thì hằng ngày phải nhìn thấy, đúng một tháng thầy chụp tay cô gái nói: “Thầy thương em quá!” Cô này biết Phật pháp, cô kể: “Tôi giật tay lại, nói thầy đã vào nhà con mà bây giờ thầy còn sanh tâm này nữa.” Cuối cùng vị thầy đó xấu hổ rời đi.

2- Dần dần thân cận lẫn nhau.

3- Cùng nhau thân hậu.

Có nghĩa là cùng nhau phạm giới.

4- Dần dần sanh ý dục.

5- Phạm nhiều tội trọng.

Tôi kể thêm nữa, có một thầy, sau khi ra đời ông kể lại, ông lên thành phố, có chùa quen không xin ngủ mà đến nhà Phật tử cư sĩ ngủ. Bữa nọ ông đang coi phim đồi trụy, nghe tiếng động ông nhìn qua nhà tắm ông thấy, rồi phạm giới ra đời luôn! Cho nên năm điều này quý thầy phải nhớ, phải khắc sâu, phải tránh.

Trong Minh Tường Ký có ghi:

Đời nhà Tống có một vị Tăng tên là Huy, vì vua triệu về kinh nên cư sĩ Trương Du thỉnh đến nhà cúng dường. Tăng không có bệnh gì mà chợt chết hai ngày sau mới sống lại. Cư sĩ Trương Du hỏi:

- Tại sao thầy không có bệnh mà thầy ngã ra chết đến hai ngày, tôi chuẩn bị tẩn liệm.

Vị Tăng kể:

- Sau khi chết thấy năm người lạ đến trói tôi rồi dẫn đến một cái thành. Chợt thấy trong rèm có một vị quan cầm bút, lại có một người mặc áo đen đội mão đến nói trên rèm không có tên người này (tức là không có tên trong sổ bộ). Giám cung mới nói sát quỷ vì sao lạm hình đem người này đến, bèn dùng roi mà đánh. Trong giây lát có người khiến tôi gọi Thiên đế. Đế nói: “Ông là Sa-môn sao chẳng tự siêng tu tịnh nghiệp mà bị tiểu quỷ nó bắt ngang ư? Chỉ mạng chưa hết khiến phải sống lại. Phải siêng tinh tấn chớ dạo chơi nhà bạch y, sát quỷ bắt người cũng nhiều lạm hình oan uổng ví như ông.” Nói rồi bèn sai khiến dắt trở về, lại đến nhà của Du vậy.

Rồi từ đó về sau ngài ráng tinh tấn tu học để trở thành một vị cao tăng.

Trong kinh Tương Ưng Bộ V, chương VIII, phẩm Độc Cư, Phật dạy:

Một thời Tôn giả A-ru-gia-na trú ở Sa-va-thi, tại đây Tôn giả gọi các Tỳ-kheo:

- Này Chư hiền! Ví như sông Hằng chảy về hướng đông, xuôi về hướng đông, rồi một số đông quần chúng đến và nói: Chúng ta sẽ làm cho sông Hằng chảy về hướng tây. Thưa Chư hiền! Chư hiền nghĩ sao? Số đông quần chúng ấy có thể làm cho sông Hằng chảy về hướng tây được không?

- Thưa không, Hiền giả! Vì không dễ gì khiến cho sông Hằng chảy về hướng tây được, và quần chúng ấy chỉ mệt nhọc và tổn não mà thôi.

- Cũng vậy, này Chư hiền! Tỷ-kheo tu tập tứ niệm xứ, làm cho sung mãn tứ niệm xứ, dầu cho vua chúa hay đại thần, thân hữu hay bà con có thể đến dâng tài vật và mời gọi: “Hãy đến này người tốt kia! Sao lại đi biểu diễn với đầu trọc và bình bát, hãy hoàn tục thọ hưởng các tài vật và làm việc phước đức.” Thưa Chư hiền! Tỷ-kheo ấy được tu tập tứ niệm xứ, được làm cho sung mãn tứ niệm xứ thì không thể từ bỏ giới trở lui để hoàn tục. Vì sao? Này Chư hiền! Vì tâm người ấy đã lâu ngày hướng về viễn ly, xuôi về viễn ly và thế nào là tu tập tứ niệm xứ. Này Chư hiền! Tỷ-kheo chú quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm tỉnh giác, nhiếp phục tham ưu ở đời.

Ở đây ngài dạy, chúng ta lui tới nhà cư sĩ bạch y một thời gian thì tự nhiên nhàm chán pháp xuất gia. Người ta nói, thôi thầy ra đời đi, hoàn tục với tôi đi, đừng có tu chi cho khổ nữa, thì quý thầy bảo đảm hoàn tục liền. Bởi vì mình không có nhiếp phục tứ niệm xứ.

Tứ niệm xứ là gì? Là thân mình đi, đứng, nằm, ngồi tỉnh giác để chuyển hóa những niệm tham dục. Phật dạy người mà trú về pháp tứ niệm xứ hoặc một ngày đến bảy ngày thì bước vào quả vị Thánh. Tức là trú về pháp quán thân trên thân, quán thọ trên các cảm thọ, quán tâm trên tâm. Tâm còn tham mình biết, tâm còn sân cũng biết, tâm như thế nào đều rõ biết để mình biết cách kiểm soát tâm niệm, chuyển hóa tâm thức thì dầu cho một lúc nào đó, quý thầy đến nhà cư sĩ người ta mời mọc hoàn tục thì quý thầy cũng cười thôi. Bởi vì sao? “Này Chư hiền! Vì tâm người ấy đã lâu ngày hướng về sự viễn ly, xuôi về sự viễn ly.” Tức là xa lìa hết những khát ái ở thế gian và tu tập trên con đường Thánh pháp.

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 04879
  • Online: 43