Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 22): Phàm Chỗ Ra Làm Không Được Tự Ý

07/07/2018 | Lượt xem: 3491

ĐĐ.Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt

Bài này quan trọng nhất.

“Phàm khi ra vào qua lại, trước phải thưa Thầy.”

Làm bất cứ sự việc nào là trước phải thưa Thầy. Ở đây chúng ta học phần sự và phần lý. Theo tinh thần của Pháp Bảo Đàn Kinh, Thầy ở đây tức là thiện tri thức, mà thiện tri thức tìm ở đâu? Tìm ngay nơi mình.

Đi ra chợ, thấy cái đồng hồ mình khởi lòng tham thì thầy Trụ trì đâu có mặt ở đó mà ngăn cấm. Thiện tri thức là ngay nơi mình, mình chánh niệm, biết rờ vào là phạm giới. Cho nên là trước phải thưa Thầy.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nghĩa là thân này quy mạng ở nơi Thầy, mình chẳng là có mình. Phàm mỗi việc đều nghe lời Thầy chỉ dạy, chẳng dám lộng quyền. Những việc bình thường hằng ngày đều phải bạch Thầy để tròn hiếu hạnh.”

Chúng ta học phần sự trước.

Quý vị để ý thấy quý Thầy lớn, như Thầy chúng tôi là thầy Trụ trì Thường Chiếu, cất cái nhà bếp cũng phải đích thân lên xin Hòa thượng Trúc Lâm. Rồi cất cái thiền đường, Hòa thượng cho phép mới dám cất. Thầy Trụ trì cũng vậy, làm việc gì cũng phải trình Hòa thượng tức là Thầy của mình.

Sau này thầy Trụ trì Trúc Lâm làm cố vấn hay làm gì đó, quý thầy là đệ tử thì phải lên thưa, chứ không phải tự quyền. Có nhiều người không biết, nói là tri sự hay là tri khố,... tự quyết định hết thì không đúng trong giới luật. Tức làchẳng dám lộng quyền, làm bất cứ việc gì phải lên trình Thầy của mình. Chẳng hạn, cưa gốc thông quý thầy phải lên trình Hòa thượng hay thầy Trụ trì chứ không có tự động. Bởi vì Cổ Đức nói:

Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,

Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.

Ơn giáo dưỡng một đời được thân huệ mạng này cho nên phải nghe, phải vâng lời Thầy. Thầy chúng tôi là thầy Thường Chiếu, mỗi lần Hòa thượng hẹn điện thoại xuống là Thầy mặc áo hậu, trước khi nghe xá ba xá rồi mới bắc điện thoại lên nghe. Người có hiếu hạnh với Thầy thì mới làm được việc lớn, mới độ chúng được. Mình nghe lời Thầy thì chúng mới nghe lời mình, nhân quả là như vậy.

Kinh A Nan Vấn Sự Phật Kiết Hung nói Phật dạy:

“Nghĩa thầy trò là cái nghĩa cảm tự nhiên, phải tin tưởng lẫn nhau.”

Đâu có ai bắt quý thầy cạo tóc xuất gia. Nhưng nhân duyên đời trước, vào thời quá khứ mình đã có túc duyên (như từng gặp, chào hỏi, cúng dường, rồi được nghe thầy giảng bài pháp) với vị thầy đó, rồi phát nguyện đời sau sẽ gặp, thì tự nhiên khi gặp mình cảm mến và tìm cách xuất gia với vị đó, rồi thọ pháp. Cho nên nghĩa thầy trò là cái nghĩa cảm tự nhiên.

Có người từ nước Pháp về, chưa từng biết Hòa thượng Trúc Lâm, khi gặp tự nhiên họ khóc giống như cha với con, mà người này là người Pháp chứ không phải người Việt. Là do nhân duyên đời trước, bây giờ gặp rồi cảm, cảm cho nên tin tưởng.

“Xem người như mình, việc gì mình không thích thì đừng làm cho người. Tôn sùng lễ nghi, giới luật, dùng đạo đức chỉ dạy, hòa thuận trung thành, không oán giận tranh chấp với nhau. Đệ tử và thầy có hai nghĩa chân thành: Thầy phải xứng đáng làm Thầy, đệ tử phải giữ đúng bổn phận của đệ tử. Chớ phỉ báng lẫn nhau, cẩn thận chớ mang lòng ác độc, oán nhỏ thành lớn, trở lại thiêu đốt bản thân.”

Phải giữ bổn phận của đệ tử. Chớ phỉ báng lẫn nhau, nghĩa là có những khi thầy hiểu lầm mình do một sự việc gì đó. Nếu có buồn hay giận thầy, thì nhớ đừng nói thêm những lời ác độc. Vì nếu nói, thì từ oán nhỏ thành lớn, trở lại thiêu đốt bản thân mình. Nhiều khi có những chuyện mình tưởng mình giỏi hơn Thầy nhưng thật ra không phải. Bởi vì tuổi đời của Thầy lớn hơn mình, kinh nghiệm sống trong tùng lâm cũng nhiều hơn mình nữa.

Trong kinh Bách Dụ quyển ba kể Phật đưa ví dụ:

Trong một khu rừng có con rắn rất lớn, một hôm cái đuôi nói với cái đầu con rắn:

- Hồi đó tới giờ lúc nào anh cũng dẫn đầu, bây giờ anh phải để tôi dẫn đầu.

Cái đầu rắn nói:

- Không được, anh dắt đi là tôi với anh chết luôn.

- Không! Hôm nay tôi phải dẫn đầu mới được.

Cuối cùng cái đuôi rắn nó dẫn đi, đi một đoạn đường rớt xuống hầm lửa chết.

Đầu rắn ví dụ cho người thầy, đuôi rắn ví dụ cho đệ tử. Nhiều khi mình tưởng giỏi hơn Thầy, nhưng mình mà dẫn đường là chết. Các pháp đều ở trong trạng thái như thị, tức là bản nhiên nó như thị. Vừa khởi niệm đây là đầu rắn, đây là đuôi rắn, đây là vọng, đây là chơn, đây là phiền não, đây là Niết-bàn… thì tự nó thoát đi cái bản thể thanh tịnh của nó.

Qua ví dụ này Phật muốn nhắc nhở, đệ tử dầu gì cũng thua thầy. Thiền sư Bách Trượng nói: “Trò bằng thầy thì thua thầy nửa đức, trò giỏi hơn thầy thì mới kham việc truyền trao”, tức là truyền thừa tông môn. Đức đây là đức hạnh của thầy, chắc chắn là hơn rồi. Công hạnh giáo hóa độ sanh thì mình cũng không bằng thầy, cho nên kém thầy nửa đức. Chẳng hạn Hòa thượng, thầy Trụ trì Trúc Lâm đức rất là lớn, sức độ sanh của các ngài, mình không thể nào bằng. Tài đức phải vượt xa thầy thì mới được gánh vác Tông môn.

Theo tinh thần của Thiền sư Bạch Ẩn, có ba bậc theo thầy học đạo:

1- Bậc hạ căn, là một người kém cỏi, sẽ đi theo một người có nhiều quyền uy.

Thấy vị thầy có danh vọng, chức tước gì đó mà đi theo thì đó là bậc hạ căn.

2- Bậc trung căn, là người đi theo người ơn của họ.

Có nghĩa là xưa quý thầy làm cư sĩ rồi cúng dường vị thầy đó, bây giờ lớn tuổi rồi đủ nhân duyên, quý thầy vào xuất gia, thì đó là bậc trung căn.

3- Bậc thượng căn, là một người siêu đẳng, sẽ đi theo kẻ thù của mình. Kẻ thù là gì? Kẻ thù là người mắng chửi thật phũ phàng, dùng tay chân đấm đá, đoạt mất hết ruột gan, lục phủ, ngũ tạng của bạn. Đó không phải kẻ thù là gì?

Bậc thượng căn bây giờ hiếm lắm, bây giờ người thầy mà nói nặng nặng một chút thôi là bảo đảm mình lên tác bạch đi liền. Cho nên mình không phải là bậc siêu đẳng.

Những bậc siêu đẳng như Thiền sư Lâm Tế, ngài bị ngài Hoàng Bá đánh mà vẫn trung thành thưa hỏi ba bốn lần; hoặc như ngài Vân Môn, ngài đi hành cước đến gõ cửa ngài Trần Tôn Túc, bị Trần Tôn Túc đóng cửa dập nát bàn chân. Những vị này là những bậc siêu đẳng, tức là theo người mắng chửi hoặc dùng tay chân đấm đá, đoạt mất hết gan ruột.

Vào niên đại này có thiền sư Lai Quả, trụ trì chùa Cao Mân. Nhiều người tu hai ba chục năm, xem bản nội quy của ngài xong run sợ không dám vô, bởi vì trong nội qui đó ngài khai giới sát. Bên đó tu về công án, chẳng hạn trong buổi tham thiền, quý thầy chạy hương mà mệt quá té xỉu là bị quăng xuống đơn, nếu chết thì sau khi chạy hết cây hương mới kéo quý thầy lên đem chôn. Nếu phạm quy củ thì bị đánh, chết thì đem chôn. Thiền sử có ghi ngài khai giới sát bốn vị, có một vị vào tòng lâm không tuân theo quy củ ngài đánh chết luôn, chết rồi đem chôn. Chính quyền không hỏi han gì hết, bởi vì trong nội quy đã ghi rồi. Quý thầy vào thiền viện đó phải thực hành. Dưới Pháp hội của ngài có năm mươi hai người ngộ đạo. Vào đó là bắt buộc ngộ đạo, không thể nào không ngộ. Những người đến đó toàn là những bậc Thượng tọa, những bậc trụ trì những tùng lâm lớn, vì cảm thấy tâm chưa an nên tìm đến Thiền viện Cao Mân, mà tìm đến rồi thì chắc chắn sẽ ngộ đạo.

Thiền thoại có ghi:

Một lần thiền sư Nghi Sơn đi tắm, vì nước nóng quá nên sai đệ tử mang nước lạnh châm thêm. Trích Thủy pha nước xong, tiện tay hất nước còn thừa ra đất. Nghi Sơn không vui liền quở: “Nhân địa tu hành, âm đức là bậc nhất, ông vì sao không biết tiếc phước? Tuy là một giọt nước, tưới cây cây cũng vui, tưới cỏ cỏ cũng mừng, nước cũng không mất đi giá trị của nó, vì sao không tiếc vật như thế?”. Cảm công đức chỉ dạy của thầy, sư đổi pháp hiệu thành Trích Thủy.

Mình đổ nước mà thầy Trụ trì kêu nói như thế thì buồn, nhưng ngược lại, thiền sư Trích Thủy ghi khắc trong lòng và đổi pháp hiệu luôn thì đây gọi là bậc thượng.

Một lần, Trích Thủy dùng giấy trắng lau nước mũi. Thiền sư Nghi Sơn hét: “Lỗ mũi của ông sao mà trọng đến thế! Giấy trắng sạch sẽ, được nó đâu phải dễ. Ông thật là pháp tặc tổn đức, tu hành cái gì!” Tặc là trộm cướp, pháp tặc là trộm pháp. Mình bị nói như vậy thì sao? Chắc chịu không nổi, sau đó xin xuất chúng! Nhiều khi đi ra còn nói xấu thầy nữa: “Thầy gì đâu mà lạ kỳ, có một tờ giấy mà cũng nói!”

Ở đây thầy nói vậy còn đỡ hơn cư sĩ nói mình, bản thân tôi bị. Tôi được Hòa thượng dạy qua thiền viện bên Canada, vì không rành địa phương bên đó nên có một cô Phật tử được Hòa thượng giao phụ giúp. Một hôm tôi bị cảm sổ mũi, tôi lấy tờ giấy trắng chùi, cô Phật tử nói: “Quý thầy mới làm Phật sự mà quý thầy chùi tờ giấy trắng như vậy tổn phước quý thầy.” Lúc đó thật không phải chuyện đơn giản. Quý thầy chịu nổi không? Tôi cũng không chịu nổi. Sau này nghiên cứu thiền thoại mới biết là cổ bắt chước chứ không phải cơ phong.

Cơ phong của người thầy là biết người đệ tử mình căn cơ bậc nào, siêu đẳng cỡ nào thì mới dồn ép. Chính sự dồn ép thì tự nhiên người đệ tử bật phát lên.

“Do thừa hưởng gia phong nghiêm khắc của Thầy cho nên về sau lúc tiếp đãi người học thì Thiền sư cũng rất là nghiêm khắc, có lắm lúc thậm chí đánh người. Rất nhiều học tân chịu không nổi thiền phong này mà đành rút khỏi Thiền viện, chỉ có Thiền sư Nga Sơn là kiên trì ở lại.”

Tức là chỉ có một vị Thiền sư, sau này rất nổi tiếng, nối pháp thiền sư Trích Thủy là Thiền sư Nga Sơn. Ngài nói Tăng có ba loại:

Tăng hạ đẳng: Dùng ảnh hưởng của thầy.

Chẳng hạn, nghe Trúc Lâm này mát mẻ, có đủ điều kiện tu học, Hòa thượng có danh có tiếng nên mình xin lên. Lên mà chưa hình dung được Hòa thượng như thế nào, cơ phong Hòa thượng ra sao, hễ mình thấy có cái gì khác khác lạ lạ là xin xuất chúng. Đó là, chịu ảnh hưởng của ông thầy.

Thiền sử có ghi:

Dưới trướng của Thiền sư Thiện Chiêu Phần Dương, có năm trăm đệ tử mà ngài không chịu thăng Pháp đường. Một buổi tối thần Hộ pháp hiện lên báo mộng nói: “Trong này có sáu bậc pháp khí mà sao Hòa thượng không khai pháp?”

Năm trăm người biết ai là pháp khí, nên ngài nghĩ ra một kế, ngài nói: “Mai là giỗ cha của tôi, bây giờ mấy ông ra chợ mua mười ký thịt về nấu cà-ri ăn.” Chúng giải tán hết còn sáu người ở lại, trong đó có Thiền sư Từ Minh. Ngài biết sáu vị này là bậc pháp khí. Sáu vị này không qua ảnh hưởng của thầy. Biết thầy mình có căn cơ trình độ nào đó nên ở lại, sau này trở thành bậc pháp khí, nối pháp cho Thiền sư Thiện Chiêu Phần Dương. Ngài nói, tôi dùng một bữa ăn mà đuổi hết những hạng Tăng phàm phu.

- Tăng trung đẳng: Vui hưởng từ bi của thầy.

Tức là thầy dạy dỗ nhỏ nhẹ thì chịu.

- Tăng thượng đẳng: Dưới sự rèn luyện của thầy ngày càng thêm mạnh mẽ.

Tăng thượng đẳng thì rất khó.

Trong quyển Tổ Đình Kiềm Chùy, Thiền sư Duy Thâm khai thị:

“Người học đời nay chưa thoát sanh tử, bệnh tại chỗ nào? Bệnh tại tâm trộm chưa chết. Nhưng không phải tội của họ mà là tội của ông thầy.”

Vào thời mạt phát này hiếm có thầy căn cơ cao. Kiềm chùy là cái kềm, cái kẹp nhổ gốc cho đệ tử. Biết tâm thức của đệ tử đi đến đâu thì thầy dồn ép để lúc đó người đệ tử bừng vỡ lên, tự mình ngộ đạo.

Cho nên ở đây nói người học đời nay chưa thoát sanh tử là bệnh tại chỗ nào? Bệnh tại tâm trộm chưa chết. Tâm trộm là gì? Nhiều khi quý thầy vào mùng chuẩn bị ngủ nhưng vẫn còn đi dạo đầu này đầu nọ, đó là tâm trộm chưa chết. Tâm trộm chưa chết thì chưa thoát được sự sanh tử. Ngồi trên thiền đường, nhưng thật ra mình đang đi dạo. Hồi xưa đi biển Nha Trang hay là Bến Tre, Cần Thơ gì đó, bây giờ ngồi thiền cũng đi một vòng như vậy. Hoặc từng làm bệnh viện thì mình ngồi thiền nhưng đi chích thuốc, có khi lại đi dạo sửa xe hay lái xe…Tức là tâm trộm chưa chết!

Quý thầy coi trong sử sách, hay trong kinh luận của chư Phật chư Tổ thường nói đến chánh niệm và quán niệm. Chánh niệm và quán niệm là một hay là hai?

Trong Kinh A Hàm nói rất rõ về con đường chánh niệm. Nhà Phật nói chánh niệm là chúng ta đặt mình trong giờ phút hiện tại, chẳng hạn mình rửa chén thì biết mình đang rửa chén… Khổng Tử nói: “Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến, thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị.” Tâm mà chẳng ở yên một chỗ, xem mà chẳng thấy, nghe mà chẳng nghe, ăn mà chẳng biết mùi vị. Có nghĩa là mất chánh niệm, luôn luôn bị thất niệm.

Ví dụ đưa cái đồng hồ lên hỏi thấy không thì nói thấy. Theo nhân duyên mình thấy, mình tưởng như vậy là đúng, nhưng theo tinh thần Kinh Tương Ưng Bộ, những bộ Kinh A Hàm, trong lúc nhìn mình tưởng thấy nhưng nếu trong giờ phút đó mình mất mình, tâm lang thang ở đâu đó thì không phải là thấy, cái đồng hồ không có mặt.

Cổ học Tinh Hoa có câu chuyện:

Có anh thanh niên đeo cây kiếm rất tốt, khi bước lên thuyền bất cẩn đánh rơi cây kiếm xuống sông. Anh khắc lên mạn thuyền để đánh dấu chỗ rớt kiếm, nghĩ rằng căn cứ vào dấu khắc trên thuyền là tìm được kiếm. Thuyền chạy một hồi tới gần bờ anh kêu lái đò ngừng lại để tìm cây kiếm. Anh lái đò nhảy xuống tìm không thấy:

- Sao anh nói rớt kiếm ở đây mà tôi tìm hoài không thấy?

Anh thanh niên:

- Đây nè, trên mạn thuyền tôi khắc dấu rồi nè!

Nhà thiền nói người tu mà không khéo đặt mình trong giờ phút hiện tại thì giống như người “khắc chu tầm kiếm” vậy. Bởi vì quá khứ qua rồi mà kéo lại thì nó không có mặt, cho nên các Thiền sư nói mỗi lần cảnh đến mỗi lần mới tinh. Đặt mình trong giờ phút thực tại rồi thì ngày nào cũng mới, không có ngày cũ. Cho nên ở đây nói chánh niệm là chúng ta luôn luôn đặt mình trong giờ phút thực tại. Nhưng đó chưa phải là cứu cánh, mà đi qua bước thứ hai là tinh thần quán niệm.

Quán niệm là phải nhận diện những hạt giống xấu ác để chuyển hóa. Chẳng hạn, mình không thích ông thầy này, bảo đảm khi quý thầy đang ngồi thiền hoặc đang làm việc thì những hạt giống đó nó sanh khởi. Quý thầy phải theo dõi xem nó tồn tại bao lâu, rồi đến giai đoạn nào thì nó hủy diệt, để tìm cách chuyển hóa thì đó gọi là quán niệm. Chánh niệm là ban đầu, nhưng quán niệm là đi đến chỗ cứu cánh rốt ráo, là tìm cách chuyển hóa những hạt giống xấu ác.

“… Nhưng không phải tội của họ mà là tội của ông thầy, như Hán Cao Đế gạt Hàn Tín mà giết, Hàn Tín tuy chết mà tâm ông ta đã chết thật ư? Người học ngày xưa nghe một câu liền thoát sanh tử, hiệu quả tại đâu? Hiệu quả nhờ tâm trộm đã chết. Nhưng không phải do khả năng của người học mà thật là nhờ sự khéo léo kín đáo của ông thầy.

Ngày xưa những người có túc duyên sâu, gặp vào thời tượng pháp thì căn cơ của ông thầy có năng lực rất lớn. Rồi căn cơ của đệ tử nữa, vừa nói một câu là tâm trộm chết liền. Nhưng nhờ sự khéo léo của ông thầy. Chẳng hạn như Thiền sư Lâm Tế, đến hỏi Thiền sư Hoàng Bá thế nào là đại ý Phật pháp, Thiền sư Hoàng Bá là bậc cao tay ấn biết người này còn tâm trộm lang thang nên đập cho tâm trộm chết.

Còn mình yếu tay ấn quá, hỏi thế nào là đại ý Phật pháp, nói ngồi đây, rót ly nước trà ra, là tâm trộm lúc này nó đi lang bang rồi. Rót nước trà ra mời là lúc này tâm trộm của người hỏi đạo đi lang bang, mà chính quý thầy tâm trộm nó cũng đi luôn. Rồi uống, uống một hồi mới nói: Đại ý Phật pháp hả? Đại ý là gì, Phật pháp là gì, phân tích Phật là sao, Phật là tự giác giác tha, pháp là…, tâm trộm nó đi cả dòng luôn. Còn người xưa đến là các ngài đập, đập để tâm trộm chết chứ đâu có gì!

Bây giờ quý thầy làm được không? Muốn được như thế thì cơ phong, năng lực phải có, giới hạnh phải đầy đủ. Giới hạnh đầy đủ thì có năng lực lớn để nhiếp phục người học, tự nhiên người học có niềm tin lớn với mình, lúc này mới dùng những thủ thuật.

Những thủ thuật, đó là người xưa dồn ép cho tâm trộm của đệ tử chết chứ không có gì lạ hết. Chẳng hạn như đến các Thiền sư mà vừa mở miệng là các ngài bịt miệng và đập cho tâm trộm chết luôn. Hỏi là thua rồi, hỏi là đã mất rồi. Cho nên Thiền sư Đức Sơn nói: “Lúc ông bước xuống thuyền là đáng ăn ba mươi gậy rồi, huống chi là cỡi thuyền qua đây hỏi!” Ở xa rồi! Cho nên ở đây là nhờ ông thầy, sự khéo léo của ông thầy, đó là bậc thượng căn.

Thiền sư Thông Dung nói:

Thuyết về tâm trộm là bệnh chung của người học, từ nhỏ nhiệm đến nổi bật, nằm ngồi đều còn. Họ đối với vật ngăn trong ngực chưa bỏ, ứng duyên tiếp vật ánh sáng không thấu thoát là thế. Nếu bậc thiện tri thức có đủ chánh tri kiến, cởi niêm mở trói, nhổ đinh tháo chốt cho họ, cố nhiên từ thủ đoạn kiềm chùy diệu mật, khiến cho họ người người như sư tử, như voi, như cọp, như rồng, khổ vui tự tại. Từng có người như thế, thử kể ra xem.”

Ai học thiền học đạo cũng đều có tâm trộm, từ nhỏ nhiệm đến nổi bật. Nhỏ nhiệm, như quý thầy ngồi đây nhưng nghĩ tưởng lang bang đầu này đầu nọ, hoặc xuống bếp thấy trái xoài trong kho định lấy nhưng mình biết cách chuyển hóa những hạt giống đó liền: lấy là trộm của Tam Bảo. Thấy trái xoài, mình lấy ăn, đó là nổi bật, có nghĩa là trong tâm đã ứng ra hành động. Ra hành động là nổi bật, còn chuyển hóa liền là nhỏ nhiệm.

Có được túc duyên gặp thầy sáng mắt dồn cho, sau khi bừng vỡ tức là tháo đinh mở chốt cho mình rồi thì quý thầy như sư tử, như voi, như cọp, như rồng, khổ vui đều tự tại. Sống trong cảnh khổ, cảnh vui hoặc sống trong cảnh thuận nghịch gì cũng được. Như vậy là nhờ đức độ, nhờ sự khéo léo của người thầy.

Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục có ghi:

Thiền sư Phù Sơn Viễn, Thiên Y Nghĩa Hoài cùng với mọi người đồng đến thưa hỏi ngài Qui Tỉnh ở huyện Diệp, cả thảy hơn bảy mươi người. Đến nơi bị ngài Qui Tỉnh đánh, mắng rồi đuổi:

- Các ông là Tăng bảo thành thị đến đây làm gì, ở đây ta đâu có cơm thừa để nuôi kẻ nhàn rỗi như các ông.

Mọi người vẫn bất động, ngài lấy nước lạnh tạt vô mặt, mọi người cũng không đi. Cuối cùng ngài Quy Tỉnh lấy tro hất vô mặt. Bảy mươi người đi hết sáu mươi tám người, chỉ còn hai người là Thiền sư Hoài và Thiền sư Viễn ngồi im như cũ. Thiền sư Qui Tỉnh mới nói:

- Chúng nó đi hết rồi, còn hai ông sao chẳng chịu đi?

Thiền sư Viễn thưa:

- Đã lâu mến mộ đạo đức của Hòa thượng, chúng con chẳng ngại ngàn dặm đến đây, lẽ nào vì một gáo nước lạnh, một nắm tro liền bỏ đi?

Ngày xưa xin lên Trúc Lâm tu khó lắm. Ở Thường Chiếu có một thầy xin không được, thầy chặt ngón tay gởi cho Hòa thượng thì Hòa thượng cho lên. Còn một người từ thành phố đạp xe đạp lên Thiền viện Trúc Lâm, Hòa thượng cảm kích quá mới nhận. Ngày xưa tụi tôi ở Thường Chiếu muốn lên Trúc Lâm là phải đăng ký trước, có vị nào đi làm Phật sự trống một hai đơn Hòa thượng kêu lên mới có chỗ ở.

Ngài Quy Tỉnh nói:

- Hai ông đã thật sự vì Phật pháp, ở đây thiếu điển tọa, các ông có thể làm được không?

Viễn nói:

- Con tình nguyện làm.

Điển tọa là nấu nướng, như bây giờ tri khố nấu ăn cho đại chúng gọi là điển tọa. Còn thủ tọa là coi chúng, chẳng hạn như quản chúng trong viện, coi hết tất cả. Thiền sư Hoài được vào chúng tu học.

Một hôm Ngài Quy Tỉnh đi vắng, thương Tăng chúng ăn cực khổ, vì lòng từ bi nên thầy điển tọa nấu cháo nêm cho đại chúng.

Ngày xưa rất là khổ, nấu một bữa cháo nêm không phải dễ, chờ Hòa thượng đàng đầu đi vắng rồi mới dám nấu chứ ngài không cho. Như Thiền sư Đạo Giai, trong chúng hằng ngày nấu hai ký gạo, hôm nào bất ngờ có thêm khách đến xin cơm ngài nói đổ thêm nước lạnh chứ không có gạo. Hôm nào, nấu cháo mà thêm một trăm người thì ngài nói đổ hai thùng nước vô nấu cháo lỏng húp, không bao giờ cho thêm gạo. Như vậy mà dưới Pháp hội của ngài không ít hơn năm trăm người tu học, tức là người ta trọng đạo đức chứ không phải trọng cái ăn. Còn mình, bữa nào mà thấy trên bàn toàn rau muống luộc là thấy nản!

Cháo chín thì Hòa thượng về, ngài lên quả đường ăn luôn. Ăn xong ngài gọi tri sự lại hỏi:

- Hôm nay có thí chủ cúng dường phải không?

Tri sự đáp:

- Dạ không phải.

Thiền sư Quy Tỉnh nói:

- Như vậy thì trong chúng góp lại cúng phải không?

Dạ cũng không phải.

Thiền sư Quy Tỉnh hỏi tiếp:

- Thế thì cháo này từ đâu mà có?

Tri sự nói:

- Xin Hòa thượng hỏi điển tọa.

Do đó Viễn tự thú:

- Con thấy đại chúng ăn cực khổ quá nên tự con nấu cháo.

Thiền sư Quy Tỉnh nói:

Lòng tốt của ông đợi ngày sau ông ra làm trụ trì cũng chưa muộn, sao được ăn trộm vật của thường trụ để lấy lòng đại chúng?

Bao nhiêu đó thôi là xin xuất chúng mình nói liền: “Hòa thượng cũng ăn, mà con nấu là nấu cho đại chúng chứ có phải cho con đâu!”

Quý thầy thấy làm vậy phải ăn trộm không? Ngài làm điển tọa thì ngài có quyền chứ. Nhưng mà phải ép vô để tâm trộm chết.

Ngài sai tri sự tính y bát đáng giá bao nhiêu quy về thường trụ rồi đuổi Viễn ra khỏi chúng không cho tu học nữaThiền sư Viễn khẩn cầu hai ba lần ngài đều chẳng chấp nhậnRồi sư cầu các bậc tôn đức cùng đàn việt ở các nơi đến xin cho, ngài Quy Tỉnh giận dữ nói:

- Ta bảo ông chẳng phải là người tốt, ông muốn dùng thế lực áp bức ta ư? Hãy đi mau!

Viễn thưa:

- Như vậy thì con không dám mong Hòa thượng cho ở, chỉ khi thuyết pháp mong Hòa thượng cho được nghe là đủ rồi.

Tôi từng chứng kiến, có những người thích nghe băng giảng của thầy mình, nhưng thầy nói nặng rồi là đem băng của thầy cho hết, có khi bỏ thùng rác luôn, huống chi là bị thầy mắng chửi đuổi đi. Vậy mà ở đây thiền sư Viễn mặc dù bị đuổi, vẫn một bề năn nỉ cho được nghe Hòa thượng thuyết pháp.

Ngài Quy Tỉnh chấp nhận. Thiền sư Viễn ra ở nơi hành lang ngôi chùa khác phía dưới núi. Một hôm Quy Tỉnh thấy hỏi rằng:

- Ông ở đây bao lâu rồi?

Viễn thưa:

- Đã nửa năm.

Qui Tỉnh bảo:

- Trả tiền phòng của thường trụ chưa?

Viễn thưa:

- Dạ chưa.

Qui Tỉnh bảo:

- Đây là phòng của thường trụ, ông sao dám trộm ở? Hãy mau hoàn lại cho chùa! Nếu không ta sẽ đi báo quan bắt ông.

Như mình chắc là giận thầy, phát nguyện muôn đời sau không gặp. Bởi vì mình là bậc hạ đẳng. Ở đây là ép dồn cho tâm trộm chết luôn.

Thiền sư Viễn lặng lẽ đi hóa duyên trả lại cho chùa, rồi vào thành ở chứ không dám ở dưới mái chùa nữa. Mỗi lần đi hóa duyên mà trông thấy Quy Tỉnh lại càng thêm kính trọng. Lúc này Quy Tỉnh trở về núi nói với đại chúng:

- Huyện Diệp có Cổ Phật ra đời, các ông có biết chăng?

Như vậy là biết tâm trộm chết rồi. Câu chuyện trên hợp với bài này: “Phàm Chỗ Ra Làm Không Được Tự Ý.”

Đại chúng thưa:

- Cổ Phật là ai?

Quy Tỉnh bảo:

- Như ông Viễn mới thật là Cổ Phật.

Cả chúng đều kinh hãi, liền sắp đặt hương hoa, trang nghiêm vào thành đón Viễn trở về. Quy Tỉnh đặc biệt thượng đường đối diện truyền trao Phật pháp.

Thiền sử có ghi, trong lịch sử Thiền tông có hai lần đặc biệt truyền pháp, lần thứ nhất là Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn truyền cho Lục Tổ Huệ Năng, truyền cho cư sĩ, nhưng mà truyền lén lút. Ngược lại, Thiền sư Phù Sơn Viễn được thầy truyền trao Phật pháp trước đại chúng.

Thiền sư Viễn về làm trụ trì thì bảo đảm nói gì chúng cũng nghe. Sức nhẫn của ngài làm cho tâm thiên hạ phát huy lên, mà tâm trộm thì chết. Bị đánh bị đuổi, bị nói nặng, nói nhẹ nhưng vẫn kính trọng thầy, đây đúng là Cổ Phật.

Sau khi học pháp với Thiền sư Bạch Ẩn ngộ đạo rồi, Thiền sư Nga Sơn tán thán những biện pháp nghiêm khắc, rồi đẩy dồn đệ tử đến chỗ bế tắc cuối cùng của Thiền sư Bạch Ẩn:

“Tôi không quý trọng ngài về đức hạnh vĩ đại hay danh tiếng, tôi không quý trọng sự nhận thức siêu việt của ngài hay trí tuệ uyên áo của ngài đối với công án khó thấu của cổ nhân, tôi không thấy tầm quan trọng đối với bài giảng lưu loát hay những lời bình vô ý của ngài, tôi không thấy giá trị trên sĩ số môn đồ của ngài. Tôi chỉ nể phục ngài ở chỗ trong khi tất cả Thiền sư khác trong nước không thể làm gì được tôi, bằng những biện pháp nghiêm khắc, Bạch Ẩn đã đẩy dồn tôi đến chỗ bế tắc, cuối cùng khiến tôi hoàn tất việc lớn.”

Thiền sư Nga Sơn cơ phong rất giỏi nhưng Thiền sư Bạch Ẩn biết người này chưa ngộ, chỉ là đến bờ vực của sanh tử thôi, nên ngài đẩy dồn đệ tử đến chỗ bế tắc, cuối cùng ngộ đạo.

Thiền sư Tuyết Đàm sau khi nghe câu nói của Thiền sư Nga Sơn, ngài viết một bản qui chế cho những Thiền viện:

“Học thiền đòi hỏi phải đủ ba yếu tố lớn: Có tín căn lớn, có nghi vấn lớn, có kiên định lớn.”

1- Có tín căn lớn:

Như Thiền sư Đại Mai đến hỏi Mã Tổ:

- Thế nào là Phật?

Ngài trả lời:

- Tức tâm là Phật.

Rồi về ở núi. Sau khi ở núi một thời gian thì Thiền sư Mã Tổ sai vị Tăng lên nói:

- Bây giờ Hòa thượng không dạy tức tâm là Phật nữa, mà nói “phi tâm phi Phật.”

Lúc này Thiền sư Đại Mai nói:

- Mặc ông già nói mớ mê hoặc người trong thiên hạ, ta cứ tức tâm tức Phật.

Vị Tăng về trình với Mã Tổ, Mã Tổ nói:

- Đại chúng! Trái mai đã chín.

Nghĩa là tín căn lớn. Tín căn lớn là ngày xưa thầy dạy như thế nào, bây giờ dầu ai nói tu cách gì mau thành Phật mình cũng không tin. Chỉ quyết định đi theo một con đường, đó gọi là tín căn lớn, điều này rất cần cho người tu thiền. Quý thầy có tín căn lớn, tin tưởng nơi thầy, phó mạng mạch cho thầy rồi thì tu mới tiến. Chứ nửa tin nửa ngờ khó tu.

Trong Nhiếp Đại Thừa Luận nêu ba việc cần phải tin:

- Tin tự tánh thật có Phật tánh.

- Tin có khả năng chứng đắc.

- Tin tự tánh có công đức vô cùng.

Có nghĩa là tin mình có khả năng chứng đắc về pháp môn thiền này, một ngày nào đó phải triệt chứng. Triệt chứng rồi mình tin có tự tánh và tự tánh có công đức vô cùng.

2- Có nghi vấn lớn.

Học trong kinh điển hay thầy dạy mình phải có nghi vấn.

3- Có kiên định lớn.

Chẳng hạn như quý thầy vào thiền viện tu một thời gian rồi nản bỏ đi chỗ khác, học pháp khác, nhà thiền nói sáng Tần, chiều Sở. Không lập chí tin tưởng pháp môn, tu một thời gian mình suy nghĩ, thôi bây giờ mình đi học ở học viện hay học ở đâu đó. Quý thầy lớn tuổi thì không chứ quý thầy trẻ tuổi có. Quý thầy không hiểu phương pháp của thiền, có những người tu mười năm, hai chục năm, ba chục năm, có người tu cả đời chưa xong, mà các ngài phát nguyện đời này không xong, đời sau tu nữa.

Trong thiền viện của Ngài Ajahn Chah có một thiền sinh tu mười năm không thấy kết quả gì, ông nản quá bỏ đi thiền viện khác, ông đi nhiều nơi cuối cùng trở về xin tu học lại với Thiền sư Ajahn Chah. Được một thời gian ông lại đi nữa, rồi lại trở về, Thiền sư cũng cho. Nhưng ông đi tới đi lui hoài, cuối cùng Thiền sư kêu ông lại nói: “Tôi nói thật anh đừng buồn, người mà bỏ cục cứt chó trong túi thì đi chỗ nào cũng hôi thúi hết. Muốn hết hôi thúi thì anh làm ơn liệng cục cứt chó đi.”

Thiền sư dạy rất là đơn giản, mà quý thầy nghe thấm không? Có nghĩa là tâm mình còn tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, tật đố đủ hết, bây giờ lên cõi trời tam thiên, đại thiên thế giới cũng hôi thúi. Muốn đến chỗ nào cũng an ổn, an lạc thì phải vất bỏ hết những thứ đó đi.

Trong Mật Truyền Tham Thiền Yếu Pháp của Thiền sư Thiên Cơ dạy:

“Hạ thủ công phu tu thiền điều cốt yếu thứ nhất phải lập chí vững chắc, bởi vì chí là vị nguyên soái của khí lực. Nếu người lập chí vững chắc như thống lãnh trăm vạn quân, uy thế dậy trời, còn việc gì chẳng thành. Người hay sợ khó là tại lập chí không có vững. Người chạy theo cảnh cũng là tại lập chí không có vững. Người nghe chê, khen bèn dời đổi giữa đường tự lùi, trước siêng sau lười, đều là chí không vững.”

Nghĩa là theo vị thầy đó rồi mình phải lập chí. Không phải mới vào là được an ổn liền, quý thầy mới xuất gia mà nói ngồi thiền được an ổn là khó lắm. Trừ trường hợp người nào có túc duyên sâu, không thì cũng mười năm, có khi hai chục năm. Phải lập chí cho vững, tức là chưa được mình phải cố gắng. Mới vào thì rất siêng tu, tụng kinh ngồi thiền cái gì cũng làm hết không bỏ nhưng tu một thời gian rồi nghe chê, nghe khen, nghe này, nghe kia thì mình thối lui.

“Chí vững thì sự ắt thành. Tôi mượn việc đời để bàn điều này, ví như vua Việt phục thù vua Ngô, Trương Lương trả hận nước Hàn, Địch Nhân Kiệt tái hưng nhà Đường, thảy đều do chí quyết định mà việc được thành công đúng sở nguyện. Phật pháp cũng như thế.”

Ngài dẫn việc đời, vua Việt phục thù vua Ngô, tức là vua Việt Câu Tiễn, sau khi bị Ngô Phù Sai bắt về nước Ngô, ông chịu nhiều khổ nhục, kể cả việc nếm phân của Phù Sai để đoán bệnh. Ông lập chí phục thù vua Ngô, cuối cùng đánh thắng nước Ngô.

Rồi chuyện Trương Lương trả hận nước Hàn. Trương Lương ở nước Hàn nhưng nước Hàn bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt, cho nên ông đi lang thang, cuối cùng ông làm quân sư cho Hán Cao Tổ đem quân đánh phá tan quân Tần.

Địch Nhân Kiệt tái hưng nhà Đường. Đời nhà Đường, Hoàng hậu Võ Tắc Thiên chiếm ngôi vua rồi lập nhà Chu, nhưng trong quan thần có Địch Nhân Kiệt, nhờ bền chí nên ông tái hưng nhà Đường.

“Ngạn ngữ nói: Người nam không chí như sắt lụt không cứng, người nữ không chí như cỏ thúi không tươi. Công phu tu thiền chí này rất là tối yếu.”

Đại sư Trung Phong ca rằng:

Cũng không khó cũng không dễ,

Chỉ quí nam nhi thật có chí.

Thật chí sức đạo mới vững mạnh,

Sức mạnh tiến đạo như trò chơi.

Đây là phương pháp ứng nghiệm vậy.

Ngài nói, tu thiền hay đến học thầy mình phải lập chí cho vững. Lập chí vững rồi thì đạo không khó, giống như trò chơi vậy thôi.

“Sắm pháp y mới trước phải thưa thầy, mặc pháp y mới trước phải thưa thầy, cạo đầu trước phải thưa thầy, bệnh tật uống thuốc phải thưa thầy, làm việc chúng tăng trước phải thưa thầy.”

Hồi xưa rất là khó, chẳng hạn như sắm Pháp y mới mình nói: “Bạch thầy! con sắm Pháp y mới rồi, bây giờ con mặc.” Cạo đầu mình khỏi thưa thầy nhưng phải biết ngày nào chúng cạo tóc. Ở đây ngày mười bốn toàn chúng ai cũng cạo tóc, nhưng quý thầy ngày mười một cạo, ai tóc cũng còn dài chỉ quý thầy cạo láng nhìn thấy giống như ở đâu lạc đến vậy.

Luật hồi xưa rất khó, làm gì cũng phải thưa thầy, nhưng nhớ kỹ trừ năm trường hợp không thưa:

1- Xỉa răng.

Giống như thằng Bờm làm gì nó cũng thưa, đưa hai cái tô kêu nó đồng mua mắm, đồng mua tương, nó hỏi tô nào đựng mắm, tô nào đựng tương! Nghe nói làm gì cũng thưa thầy, mình ăn cơm xong đến thưa: “Bạch thầy con ăn cơm rồi xỉa răng” là không được.

2- Uống nước.

3- Đi đại tiện.

4- Đi tiểu tiện.

5- Nội ranh giới của chùa trong 49 tầm, lễ Phật hoặc lễ Pháp, tụng kinh thì không thưa thầy.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 04832
  • Online: 57