Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 23 ):Đi tham học phương xa

23/07/2018 | Lượt xem: 2650

Đ.Đ Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt

23.Đi Tham Học Phương Xa

Sa Di Học Xứ ghi:

“Nghĩa là tham lễ các phương thiện tri thức. Muốn làm bậc thượng nhơn ắt phải hướng ở trong sự mài giũa lớn, ngàn lần mài, trăm lần luyện. Một phen đào thải các cặn bã của tri thức, thì mới có thể ra vào tự tại.”

Câu chuyện của Thiện Tài Đồng Tử tham vấn 53 thiện tri thức, trong lý thiền là đi qua 53 cảnh giới của tâm thức. Cho nên ở đây nói là đi tham vấn các bậc thiện tri thức. Sau này quý thầy muốn làm thầy thiên hạ phải ở dưới sự mài giũa, ngàn lần mài, trăm lần giũa, rồi một phen đào thải cặn bã của tri thức thì mới có thể ra vào tự tại được.

Mình không có đi tham học phương xa như ngày xưa nữa, ở đây gần chín chục người thì tám mươi chín thiện tri thức mài giũa. Bữa nào xuống trị nhật sáu người mà năm người ngồi uống trà bắt mình rửa rau, cứ rửa đi, đó là mài giũa. Mình muốn sau này làm thầy thiên hạ thì mình phải cho năm sư huynh mình mài giũa mình, ngay đó mà quý thầy nổi sân là hết! Bây giờ khỏi cần đi tham các phương thiện tri thức gì hết. Ngày xưa các chùa chỉ có một thầy một trò, đệ tử mới xin thầy đi tham học phương xa để mài giũa bản ngã của mình. Bởi vì ngày xưa toàn là tướng là quan đi tu, mà muốn mài giũa là phải vô Đại tùng lâm, trong Đại tùng lâm mài giũa bản ngã dữ lắm. Người mới xuất gia, các ngài ví dụ giống như hòn sỏi còn nhiều đá ngạnh, phải bỏ xuống biển cho sóng đánh, sóng mài giũa. Một thời gian thấy tâm mình yên yên thì biết sau này mình làm thầy được. Nên Cổ Đức nói: “Muốn hướng qua đầu ngàn người, trước phải đi dưới chân vạn người.”

“Đi xa phải nương bạn lành.”

Sa Di Học Xứ ghi:

“Bạn lành nghĩa là nhơn phẩm đoan chánh, ngôn hạnh khả ái nên gọi là bạn lành.”

Người oai nghi phép tắc, giới luật đầy đủ, lời nói ra rất là dễ mến, dễ gần gũi, thì đó gọi là bạn lành.

Trong Đại Luật ghi có mười loại bạn nên thân cận:

1- Bạn ưa thích chỗ an lạc, nhàn tịnh ở chốn núi rừng nên thân cận, vì có thể ngăn chặn tâm vọng động của hành giả.

Người bạn nào mà thích chỗ nhàn tịnh ở chốn núi rừng thì mình nên gần gũi. Mình ở gần người thích chốn yên tịnh, chốn núi rừng thì mình muốn đi ra chợ, ra phố cũng khó. Cho nên phải thân cận với người này.

2- Bạn nghiêm trì giới luật nên thân cận, vì có thể làm giảm bớt dục vọng điên cuồng của hành giả.

Người giữ giới luật nghiêm túc mình nên thân cận để học hỏi, để làm giảm bớt dục vọng của mình. Chẳng hạn tối mười giờ, mình muốn ăn, người bạn này giữ giới nói đừng ăn, nên mình dừng lại được, từ từ mình giữ giới được như bạn.

3- Bạn có trí huệ rộng lớn nên thân cận, vì có thể đưa hành giả vượt thoát khỏi bến mê.

Trong Thiền sử có ghi, chơi bạn phải như Thiền sư Nham Đầu và Thiền sư Tuyết Phong. Trong Thiền sư Trung Hoa Tập I có ghi:

Một hôm Thiền sư Nghĩa Tồn nói:

- Tôi thật còn chưa ổn.

Nham Đầu bảo:

- Nếu ông thật chưa ổn, cứ chỗ thấy của ông mỗi mỗi thông qua, chỗ nào phải tôi sẽ chứng minh, chỗ chẳng phải tôi sẽ vì ông đuổi đi.

Nghĩa Tồn nói:

Khi tôi mới đến Diêm Quan thấy thượng đường nói nghĩa sắc không liền được chỗ vào.

Nham Đầu bảo:

- Từ đây đến ba mươi năm rất kỵ không nên nói đến.

Nên chơi với người bạn có tâm thức lớn, năng lực lớn. Nếu công phu mình bất ổn, thì đến tâm sự với bạn. Nhiều khi quý thầy không dám lên Hòa thượng, không dám lên thầy Trụ trì, mình chia sẻ với bạn, bạn phá những điểm đó, nhờ đó mình có chỗ đi.

Nham Đầu bảo:

- Nếu cùng như thế tự cứu cũng chẳng được.

Nghĩa Tồn nói tiếp:

Sau tôi hỏi Đức Sơn việc trong tông thừa từ trước con có phần chăng? Đức Sơn đánh một gậy bảo: Nói gì? Tôi khi đó như thùng sơn lủng đáy.

Thùng sơn lủng đáy cũng là khá rồi đó, nghĩa là có sự chuyển biến lớn trong nội tâm.

Toàn Khoát nạt:

- Ông chẳng nghe nói từ cửa vào chẳng phải là của báu trong nhà?

Nghĩa Tồn hỏi:

- Về sau làm thế nào mới phải?

Nham Đầu bảo:

- Về sau nếu muốn xiển dương tông thừa mỗi mỗi phải từ trong hông ngực mình mà lưu xuất, sau này cùng ta che trời che đất đi.

Nghĩa Tồn nhân câu này đại ngộ, liền đảnh lễ đứng dậy kêu luôn:

- Sư huynh! Ngày nay mới thành đạo ở Ngao Sơn.

Cho nên trong luật nói: “Chơi bạn phải chơi như Thiền sư Nham Đầu và Thiền sư Tuyết Phong,” nhờ bạn khai thị mà Tuyết Phong mới ngộ đạo.

4- Bạn có văn tự tổng trì nên thân cận, vì có thể giải tỏa các điều nghi ngờ của hành giả.

Chẳng hạn như Tôn giả A-nan. Vào thời Đức Phật còn tại thế, Tôn giả A-nan rất được các huynh đệ thân cận. Ngày xưa không có sách vở như mình, cũng không có thu băng gì hết, mỗi khi Phật thuyết một bài pháp, chẳng hạn bài “Quán niệm về hơi thở”. Ngày hôm sau quý thầy phải trùng tuyên lại để học - nhớ - thực tập. Nhưng có những người nghe xong rồi quên, phải nhờ Tôn giả A-nan nhắc lại. Cho nên Tôn giả A-nan rất được nhiều người kính mến, bởi vì Ngài có văn tự tổng trì, có thắc mắc gì thì đến hỏi ngài.

Sở dĩ Tôn giả A-nan có năng lực lớn như thế, nghe đâu hiểu đó, nghe đâu nhớ đó vì Ngài có sức định, khi Phật nói ngài lắng tâm nghe. Còn nhiều khi mình nghe băng Hòa thượng giảng, trên thì thấy hình bóng Hòa thượng giảng mà dưới này quý thầy coi sách gì đó thì nghe mà không nhớ gì hết.

5- Bạn trầm tĩnh nên thân cận, vì có thể đưa hành giả đến trình độ điềm đạm.

Chẳng hạn như Tôn giả Bạc-câu-la vào thời Đức Phật rất điềm đạm, rất trầm tĩnh.

6- Bạn khiêm tốn nhẫn nhục nên thân cận, vì có thể làm tiêu tan tâm ngã mạn của hành giả.

Đi phương xa mình nhớ gần những người bạn khiêm tốn nhẫn nhục.

7- Bạn tâm thẳng nói thật nên thân cận, vì có thể kềm chế điều lỗi lầm của hành giả.

Người bạn này chơi rất tốt nhưng quý thầy dám chơi không? Bản ngã mình lớn quá cũng khó lắm. Thiền thoại có ghi:

Một hôm Ngài Linh Nguyên cùng Tử Tâm vào thành trở về, ngài Hối Đường hỏi đi đâu, ngài Linh Nguyên nói qua chùa Đại Minh. Lúc này Ngài Tử Tâm nhìn thẳng nói: “Người tham thiền cốt là vượt thoát sanh tử, sao sư huynh lại không thành thật?” Ngài Linh Nguyên đỏ mặt, từ đó về sau không vào thành nữa và quyết chí thành Phật, lúc này ngài Hối Đường nói: “Linh Nguyên, Tử Tâm đều tốt, hai người đều chịu mài giũa.” Sau này dưới trướng của ngài Thảo Đường có hai vị kiệt xuất nhất đó là ngài Linh Nguyên và Tử Tâm.

Bạn như vậy dám chơi không? Chẳng hạn như bữa nào quý thầy đi đâu mới về, thầy Trụ trì hỏi đi đâu, quý thầy ra chợ mà nói con ra chùa Linh Sơn thăm Hòa thượng gì đó, hoặc thăm tháp của Hòa thượng tịch, người bạn kế bên nói: Sư huynh ơi! Tham thiền là cốt vượt thoát sanh tử mà sư huynh nói dối đâu được! Bảo đảm quý thầy đỏ mặt và giận bạn.

Chơi với người thành thật có lợi ích lắm, nhưng mà phải chịu mài giũa bản ngã của mình thì chơi mới được. Cho nên Khổng Tử nói: “Người ham học hỏi thì gần được đức trí, người cố gắng làm được chuyện phải thì gần đức nhơn, người biết xấu hổ thì gần được đức dũng.”

8- Bạn tinh tấn dũng mãnh nên thân cận, vì có thể giúp hành giả thành tựu đạo quả một cách nhanh chóng.

Người siêng tụng kinh, siêng ngồi thiền thì mình nên làm bạn. Bữa nào mình bỏ ngồi thiền, bỏ tụng kinh mình thấy kỳ, cho nên gần gũi người như thế rất tốt.

9- Bạn xem thường của cải, ưa thích bố thí nên thân cận, vì có thể phá bỏ tánh keo kiệt của hành giả.

Đừng nghĩ rằng mình có tiền, có của là thích bố thí. Nếu trong thời quá khứ, túc duyên xưa, quý thầy chưa từng bao giờ phát nguyện bố thí, cúng dường, thì ngày hôm nay làm chuyện đó không được. Tôi chứng kiến có một vị thầy ở Úc về, ông ra ngoài nhà trưng bày mua sách cho chúng, trong chúng xin ông hai ba cuốn sách gì đó. Ông hỏi:

- Cuốn sách này bao nhiêu?

- Năm chục ngàn.

Ông hỏi tiếp:

- Photo thì bao nhiêu?

- Hai chục ngàn.

Ông nói thôi photo giùm tôi ba cuốn sáu chục ngàn, mua uổng quá!

Quý thầy thấy không phải chuyện đơn giản. Năm chục ngàn mua cuốn sách luôn thì tốt biết bao nhiêu mà ông không chịu, ông kêu photo cho rẻ. Tiền ông biết bao nhiêu mà kể, ông dám cất cái thiền thất của ông gần một triệu đô-la nhưng bỏ ra vài chục ngàn không được. Cho nên bạn xem thường của cải, ưa thích bố thí thì mình thân cận, mình thấy người đó làm thì mình bắt chước.

Duy Thức Học nói:

“Phàm phu sanh ra trong đời này vốn có đầy đủ mười hai gốc thiện tâm, tám tham tâm, hai sân tâm, hai si tâm, một trăm lẻ tám loại tham ái, một ngàn năm trăm loại phiền não. Họ không có duyên lành gặp được bậc thiện tri thức, không được lắng nghe chánh pháp, học hỏi chánh pháp của bậc thiện trí nên không hiểu biết thế nào là thiện pháp hoặc ác pháp, thế nào là biết bố thí, cúng dường nên không có đức tin nơi nghiệp và quả của nghiệp.”

Mình có tâm biết bố thí cúng dường Tam bảo là biết túc nghiệp ngày xưa đã có. Duy thức học nói mình sanh ra đời đã có sẵn tâm tham ái, tâm tật đố, tâm ích kỷ, tâm sai biệt.

Kinh Pháp Cú có ghi:

Ở trong kinh thành Xá Vệ có một ông phú hộ rất giàu, nhưng chưa từng biết cúng dường Tam bảo hay bố thí cho những người nghèo khổ. Khi chết, do năng lực của nghiệp quả nên tái sanh làm con của hai vợ chồng mù ăn xin. Do ác nghiệp ông nặng quá nên khi mẹ ông thụ thai thì bị chồng bỏ vì chán ghét, ông sanh ra đời cũng bị mù. Ông có một người con cũng là phú hộ giàu có, bởi vì ông để lại của cải rất nhiều. Một hôm ông lang thang đến nhà người con xin ăn, bị người con lấy gậy đánh chảy máu té xỉu. Lúc này Đức Phật đi ngang qua, ngài nói với người con:

- Ông biết người này là ai không? Chính là cha của ông ngày xưa, do túc nghiệp không biết bố thí cúng dường và do tâm tật đố ích kỷ nên bây giờ tái sanh trong một gia đình rất nghèo, ăn xin lại còn bị mù mắt.

Người con không tin. Phật nói:

- Nếu không tin ông kêu đứa nhỏ này chỉ cho hai hầm châu báu.

Quả tình nó chỉ, đào lên đúng hai hầm châu báu. Lúc này người con mới tin. Phật nói bài kệ:

Con tôi, tài sản tôi,

Người ngu mãi rộn ràng,

Ta còn không thật có,

Lo gì của và con.

Mình tu chưa đến chỗ giác ngộ giải thoát cuối cùng của Đạo Phật, thì mình nhờ thiện pháp này để mai kia tái sanh vào những cảnh giới tốt đẹp hơn. Quý thầy đừng nói có tiền mới biết bố thí cúng dường, mà mình thấy người nào làm việc được, có năng lực lớn trong đại chúng quý thầy cứ tùy hỉ, đó là bố thí, bố thí từ nơi tâm thức của mình. Tức là mình luôn luôn tùy hỉ những người nào có năng lực hơn mình dầu người đó nhỏ tuổi đạo hơn. Nhờ những hạt giống thiện pháp này bảo đảm quý thầy vào thất tu rất là nhẹ. Còn mình tật đố, ích kỷ, xan tham, nhiều khi trên đường tu chướng duyên rất nặng.

10- Bạn có tâm nhân từ che chở loài vật không tiếc thân mạng nên thân cận, vì có thể bẻ gẫy sự chấp chặt về nhân ngã của hành giả.

Mình đi xa phải nương tựa mười loại bạn lành này. Trong Cổ Học Tinh Hoa có kể:

Ở nước Kinh có một người xem tướng rất giỏi, nói câu nào trúng câu đó, trong nước xa gần đâu cũng biết tiếng. Một hôm vua Sở Trang Vương đến hỏi:

- Nhà ngươi dùng thuật gì mà xem tướng giỏi như thế?

Người xem tướng thưa:

Thần không có thuật gì lạ, thần chỉ xem bạn người ta mà biết được người ta hay hoặc dở.

Như thần xem cho người dân mà thấy chơi với người bạn hiếu cha mẹ, kính bậc sư trưởng, biết giữ lễ phép thì thần đoán người dân ấy là người hay, thân tất một ngày một vẻ vang, nhà tất một ngày một thịnh vượng.

Đây tôi rút kinh nghiệm, kể lại trong tùng lâm. Ngày xưa, chúng tôi ở Thường Chiếu chơi bạn với nhau, tụi tôi ở Đông đường chơi với nhau rất thân, cùng nhau tu học, cùng nhau làm việc. Bây giờ nhìn lại ở Thường Chiếu quý thầy đó làm việc được hết, một số làm giáo thọ giảng dạy, như Bảo Tú bây giờ làm việc rất là tốt. Có một số quý thầy thì bây giờ dịch thuật, dịch các bộ kinh lớn. Cho nên mình thấy chơi với bạn rất là quan trọng, người bạn mà ham học, ham tu thì bảo đảm mai kia quý thầy làm việc được hết.

Còn một số người cũng cỡ đó chơi với nhau, nhưng phá phách chỗ này chỗ nọ, nhiều khi vào Thiền đường nằm dài không chịu ngồi thiền, số này tính ra cũng mười mấy người bây giờ không còn người nào tu trong tùng lâm được hết. Thầy tôi được thầy Tỉnh Thuần cho cây lan quý, Thầy để trong trai đường. Buổi chiều Thầy giảng bài pháp vô thường, nhóm đó phá đến mức độ dậy thật sớm bẻ gãy cây lan. Vô thường mà, vô thường phải gãy thôi! Sáng Thầy ra ăn cơm, thấy cây lan bị bẻ gãy Thầy biết do nhóm đó liền, Thầy nói: “Đó, nó dạy tôi bài pháp vô thường.”

Nhưng mà không phải chuyện đơn giản, những người đó cuối cùng bị tổn phước ra đời hết. Cho nên mình vào tùng lâm chơi bạn phải dè dặt. Những người quậy phá, không giữ oai nghi phép tắc, giới luật của tùng lâm mà mình chơi chung thì có ngày mình cũng bị nhiễm. Mình chưa phải là thánh mà! Nhiễm rồi thì bảo đảm quý thầy tu không đứng vững được trong tùng lâm, một thời gian cũng hoàn tục vì không có đủ phước.

Như thần xem cho quan lại mà thấy chơi với những bạn thành tín có phẩm hạnh đều phải thì thần đoán cho ông quan ấy là người tốt, làm quan tất mỗi ngày một cao thăng, giúp vua tất mỗi ngày một lợi ích.

Như thần xem cho vua chúa mà thấy quan gần có lắm người hiền, quan xa có lắm người trung, lúc có lỗi nhiều người can ngăn, thì thần đoán là ông vua giỏi, vua tất mỗi ngày một tôn trọng, nước tất mỗi ngày một trị yên, thiên hạ tất mỗi ngày một quy phục. Thần quả không có thuật gì lạ, chỉ xem bạn người mà biết được người hay hoặc dở.

Hòa thượng nổi tiếng xa gần là nhờ đệ tử ai cũng giỏi, có năng lực. Người Thầy dùng người là những bậc có năng lực lớn, có tài có đức thì các ngài được an ổn.

Bài này Chư Phật, Chư Tổ dạy chúng ta muốn đủ duyên đi tham học phương xa là phải nương với bạn lành, nương với bậc thiện tri thức.

Trong Kinh Hoan Dự Phật nói:

“Người bạn lành là nền tảng của muôn phước, có thể làm cho ta hiện đời khỏi lao ngục nhà vua, và sau khi chết qua khỏi cửa nẻo tam đồ. Đắc đạo thăng thiên cũng nhờ bạn lành giúp đỡ.”

Mình có phúc duyên, nhân duyên lớn nên được gặp các bậc thiện tri thức lớn, rồi mình vào các thiền viện gặp những người bạn tốt giúp đỡ. Trong Kinh A Hàm, Đức Phật nói rất rõ, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên là đôi bạn tri kỷ nhiều đời nhiều kiếp, có nghĩa là sanh ra ở kiếp nào thì Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên cũng là đôi bạn tri kỷ giúp đỡ lẫn nhau đến con đường Thánh đạo.

Cổ Học Tinh Hoa kể câu chuyện:

Quản Trọng và Bảo Thúc Nha là đôi bạn chơi rất thân. Lúc còn nghèo khổ hai người đi buôn, tiền lãi lúc nào Quản Trọng cũng lấy phần nhiều hơn, cho nên một số người nói với Bảo Thúc Nha rằng Quản Trọng là người tham lam. Bảo Thúc Nha nói sở dĩ Quản Trọng lấy tiền nhiều vì nhà rất nghèo chứ không phải tham. Khi đi đánh trận thì lúc nào Quản Trọng cũng đi phía sau. Nhiều người nói Quản Trọng sợ chết, nhưng Bảo Thúc Nha nói sở dĩ Quản Trọng lúc nào cũng đi sau vì ông còn mẹ già. Cho nên Quản Trọng cảm động nói: “Sanh ta ra là cha mẹ, biết được ta là Bảo Thúc Nha.”

Tổ Quy Sơn dạy:

“Đi xa phải nương bạn lành, thường thường để nơi tai mắt. Nên có câu: Sanh ngã giả phụ mẫu, thành ngã giả bằng hữu. Nghĩa là sanh thân ta đây là nhờ cha mẹ, thành thân ta đây là do bạn lành.”

Quý thầy ở trong đạo nghiệm lại thấy rất rõ điều này. Sanh thân mình ra là nhờ cha mẹ, thành thân là nhờ bạn lành giúp đỡ trên bước đường đạo.

Trong bộ Xả Duyên Minh Ký có ghi:

“Sợ thầy tà, bạn ác như sợ cọp sói! Bạn lành, thầy hay thương mến như cha mẹ.”

Phật dạy gặp thầy tà, bạn ác mình phải sợ như sợ cọp sói. Còn bạn lành, thầy hay thì thương mến như cha mẹ. Trong Đại Trí Độ Luận, Bồ-tát Long Thọ nói, trên bước đường đi đến Phật quả có nhiều khúc khuỷu, tức là ngã tẻ. Các ngài nói rất rõ: “Thà một ngàn năm không ngộ còn hơn một ngày đi lạc đường.” Tức là bị thầy tà huân vào trong tàng thức của mình rồi thì kiếp sau mình gặp thầy tà này nữa. Người hành giả phải luôn luôn phát nguyện đời đời kiếp kiếp sanh ra nơi nào, ở quốc độ nào cũng được gặp thầy lành, bạn tốt hướng dẫn mình tu hành chứ không gặp thầy tà, bạn ác.

Kinh Tâm Địa Quán có ghi:

Tất cả Bồ-tát tu tập con đường Thánh đạo phải biết bốn loại pháp yếu cần phải nhớ:

1- Thân cận thiện tri thức là đệ nhất.

Mình thân cận thiện tri thức tức là gặp thầy lành, bạn tốt là đệ nhất.

2- Lắng nghe chánh pháp là đệ nhị.

Chẳng hạn mình có phúc duyên học hỏi về con đường thiền, mà con đường thiền tập này chính là con đường chánh pháp. Mình lắng nghe chánh pháp là đệ nhị.

3- Như lý tư duy là đệ tam.

Chẳng hạn như quý thầy đến đây nghe Hòa thượng chỉ dạy về con đường thiền tập, con đường chánh pháp, mình tư duy, thể nhập cái lý đó thì như lý tư duy là đệ tam.

4- Như pháp tu chứng là đệ tứ.

Như pháp mình tu mà mình chứng đắc, thể nghiệm thì là đệ tứ.

Đệ nhất là phải luôn luôn thân cận thiện tri thức.

“Mười phương tất cả bậc Đại Thánh Vương tu bốn pháp này đều chứng nhập con đường Vô thượng Bồ-đề.”

Mười phương tất cả Đức Như Lai đều dùng bốn pháp này mới đạt đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Kinh Nhân Quả nói:

Bạn lành có ba việc cần yếu:

1- Thấy mình có lỗi liền biết can cho nhau.

Chơi với người bạn nào đó, mà thấy mình có lỗi, người bạn này khuyên can, nhắc nhở thì mình biết đây là bạn lành. Chẳng hạn như quý thầy muốn xuống kho lấy món đồ gì đó thì bạn khuyên không được lấy, nhắc mình đây là tội trộm cướp, thì đó chính là bạn lành. Còn xúi lấy, thì mình biết đây không phải bạn lành mà là bạn ác.

2- Thấy mình có việc tốt liền sanh tâm tùy hỉ.

Mình được hạnh phúc, an ổn hay mình có năng lực để dìu dắt những người khác, mà bạn mình luôn luôn sanh tâm tùy hỉ thì biết đó là bạn tốt. Nhưng mà rất hiếm. Quý thầy bây giờ còn nhỏ, sau này lớn lên đủ duyên đi làm Phật sự mà người bạn mình chơi thân từ nhỏ, khi quý thầy ra làm Phật sự vẫn còn thân, tức là còn có tâm tùy hỉ, thì biết đây là người bạn thân chí cốt. Còn thiệt ra kể cả anh em ruột mà ra làm Phật sự cũng không được như ý.

Hòa thượng ở đây với Hòa thượng Huyền Vi là đôi bạn rất thân, từ lúc vào Phật Học Viện cho đến khi ra làm Phật sự. Hòa thượng Huyền Vi giảng rất hay, được rất nhiều người cung kính cúng dường, nhưng Hòa thượng luôn luôn phát tâm tùy hỉ. Tâm tùy hỉ có năng lực thiện pháp, cho nên sau này Hòa thượng bỏ trường Huệ Nghiêm xuống Vũng Tàu nhập thất chuyên tu thì mới phát minh được tâm địa, ngộ được lý sắc không. Còn mình mà có tâm tật đố, tâm ích kỷ với bạn thì bảo đảm chướng ngại đường tu rất lớn.

Mình chơi với người nhỏ tuổi đạo hơn, nhưng mình đâu biết họ có năng lực lớn. Mai kia họ dìu dắt chúng sanh, dìu dắt môn đồ, mình có tâm tùy hỉ vui theo thì người kia biết mình là bạn tốt, sẽ phát nguyện đời đời kiếp kiếp gặp mình.

3- Lúc mắc khổ nạn không bỏ rời nhau.

“Người xưa tâm địa chưa thông suốt, chẳng sợ nhọc đường xa nghìn dặm cầu thầy.”

Người xưa sau khi vào tùng lâm, mà thấy tâm địa mình còn những uẩn khúc gì đó, là phải đi đến ngôi tùng lâm khác lớn cầu các bậc thiện tri thức chỉ dạy.

Có một số giáo sư người Ba Lan đến Thiền viện Trúc Lâm tìm Hòa thượng xin tu học về con đường thiền tập. Họ kể bên Ba Lan không có thiền viện nhiều và không có Đạo Phật, bởi vì bên đó 99% theo đạo Công giáo. Có một vị giáo sư rất giỏi, ông cho rằng thương yêu mà không khởi niệm thì chưa phải là thương yêu, chưa phải là hạnh phúc. Ông thử nghiệm bằng cách đo điện tâm đồ, chẳng hạn khi người A thương mến người B thì có những làn sóng li ti hiện lên, như vậy ông mới chấp nhận là con người hiện hữu.

Trong số những vị giáo sư Ba Lan có một cô đã nghiên cứu thiền của Hòa thượng đến vấn đề: “Người chứng đắc Thánh quả, đạt đến con đường vô ngã vô niệm rồi, tuy có tâm thương mến những người khác nhưng vẫn không dấy niệm, không khởi niệm.”

Cho nên các vị giáo sư đó qua tìm học pháp của Hòa thượng.

Mới thấy rằng không chỉ người xưa, mà người thời nay tâm địa chưa thấu thoát được điểm nào đó thì người ta cũng chẳng sợ nhọc đường xa nghìn dặm mà cầu thầy. Thiền sư Tuyết Phong ba lần lên Đầu Tử, chín lần lên Động Sơn để tìm thầy học đạo. Chưa sáng được việc thì các ngài cũng bỏ hết tất cả để đi cầu thầy.

Trong tinh thần của thiền, người tu phải biết pháp học, pháp hành. Pháp học là bản đồ mà pháp hành là thiền tập. Nhiều khi mình nghe Hòa thượng giảng tức tâm tức Phật hay là đối cảnh vô tâm gì đó, mình tưởng ngộ rồi nhưng mà không phải. Mình học cho biết bản đồ chư Phật, chư Tổ chỉ dạy, mình chiêm nghiệm, tư duy, quán chiếu rồi đi đến con đường pháp hành, trải qua một thời gian rất lâu, có người thì ba chục năm, có người bốn chục năm. Có một người tôi giấu tên, nói với chúng tôi:

- Tháng tới con lên con trình với Thầy Trụ trì là khỏi thỉnh nguyện.

Tôi hỏi:

- Tại sao khỏi thỉnh nguyện?

- Vì quý thầy còn tâm nên còn lỗi, còn con bây giờ đối cảnh vô tâm rồi cho nên là thôi xin khỏi thỉnh nguyện luôn!

Quý thầy thấy cái đó là gì? Người ta nói đó là bệnh thiền. Thật ra đối cảnh vô tâm không phải vậy. Ở đây đối cảnh vô tâm mà các ngài vẫn thực thi các phương tiện thiện xảo vào cuộc đời này. Cho nên đúng theo nội qui, thì vẫn đi thỉnh nguyện.

Cho nên Khổng Tử nói:

“Ta mười lăm tuổi để trí hết vào sự học, ba mươi tuổi thì trụ vững, bốn mươi tuổi thì quán thân, năm mươi tuổi thì hết nghi, sáu mươi tuổi thì tri thiên mệnh, bảy mươi tuổi tùy lòng muốn mà không ra ngoài phép tắc.”

Mười lăm tuổi để trí hết vào sự học là pháp học, có nghĩa là mình phải biết bản đồ. Ba mươi tuổi trụ vững rồi thì bốn mươi tuổi thấu suốt hết. Năm mươi tuổi không còn ngờ gì nữa, tức là không còn ngờ trong kinh, trong sách hay tất cả vũ trụ vạn hữu. Sáu mươi tuổi thì biết thiên mệnh, tức là biết mệnh trời. Bảy mươi tuổi thì tùy lòng muốn mà không ra ngoài phép tắc.

Ở đây cũng vậy, mình làm hết tất cả việc nhưng không ra ngoài phép tắc, có nghĩa là Giới, Định, Tuệ. Mình vẫn đi thỉnh nguyện, vẫn làm hết tất cả. Nhưng quý thầy phải nhớ kỹ, sau này ra làm Phật sự hay tu tập khỏi bị lạc đường, tức là khỏi bị bệnh thiền, thì quý thầy phải nhớ tinh thần tứ tất đàn.

Tứ tất đàn là gì?

1- Thế giới tất đàn:

Tức thuận theo pháp thế gian mà nói nghĩa nhân duyên hòa hợp; cũng tức là dùng những phương pháp phổ thông ở thế gian như tư tưởng, ngôn ngữ, quan niệm...để thuyết minh chân lý duyên khởi. Chẳng hạn như: Con người là do nhân duyên hòa hợp mà có, vì thế nên chẳng phải là thực thể. Cho rằng con người có thật xưa nay vốn là cái thấy phổ thông của thế tục, nên Phật nói pháp thích hợp với thế tục để thuận theo mọi người, khiến cho phàm phu vui mừng mà được chánh trí thế gian, cho nên Tất đàn này còn được gọi là Lạc dục tất đàn.

2- Các các vị nhân tất đàn:

Tức tùy theo căn cơ và năng lực khác nhau của mỗi chúng sanh mà nói các pháp thực tiễn xuất thế, khiến chúng sanh sanh khởi thiện căn, cho nên cũng gọi là Sanh thiện căn.

3- Đối trị tất đàn:

Đối với phiền não của chúng sanh như tham, sân, si...tùy bệnh mà cho thuốc pháp để đối trị. Đây là giáo pháp nhằm diệt trừ phiền não và ác nghiệp của chúng sanh. Vì giáo pháp này có công năng dứt các điều ác của chúng sanh, cho nên cũng gọi là Đoạn ác tất đàn.

4- Đệ nhất nghĩa đế tất đàn:

Tức dẹp bỏ tất cả ngôn ngữ, luận nghị mà trực tiếp dùng Đệ nhất nghĩa để giải thích rõ lý thực Tướng của các pháp, khiến chúng sanh chân chính khế nhập giáo pháp, cho nên cũng là Nhập lý tất đàn.

Bốn tất đàn đó người tu thiền phải biết chứ không khéo là bệnh. Trong kinh Phật nói, giống như một nhà du hành đi xa mà muốn về nhà là phải đi. Tuy rằng mình biết bản đồ, nhưng chỉ đọc mà không đi thì mình cũng không đến.

Thiền sư Ajahn Chah nói:

“Chứng ngộ Phật pháp là một việc mà mỗi chúng ta phải tự mình làm lấy, bởi không ai có thể làm điều đó cho chúng ta. Và chúng ta phải đi đúng đường, con đường của đức hạnh, thiền định và trí tuệ cho đến khi chúng ta đạt được một đầu óc thuần khiết, chiếu diệu và bình an. Đây là kết quả hành trình tầm đạo của chúng ta.”

Chứng ngộ con đường Phật pháp là việc mỗi chúng ta tự mình làm lấy, tự mình đi. Mình chưa thấu thoát được thì phải học, hiểu, tư duy, rồi từ đó mình thực hành. Ngày xưa có một số người nhập thất ra rồi lên trình kiến giải Hòa thượng, Hòa thượng chứng minh nhưng Hòa thượng nói: “Trình kiến giải xong thì phải y đó tu tập, thể hiện ra hành động hằng ngày.” Chứ không phải trình kiến giải xong rồi thì mình sống khác khác, cái đó là bệnh của thiền.

“Nhưng nếu một người chỉ có kiến thức từ sách vở và kinh điển, chỉ nghe thuyết pháp và tụng kinh, có nghĩa là chỉ có bản đồ và kế hoạch cho cuộc hành trình, kẻ đó sẽ chẳng bao giờ biết được sự thuần khiết chiếu diệu và bình an trong tâm thức. Dầu sống cả một trăm kiếp, kẻ đó chỉ lãng phí thời gian và không bao giờ nhận được lợi ích từ sự tu hành. Vị thầy chỉ có thể trình bày đạo pháp cho nên chúng ta có tầm đạo bằng sự tu hành và có đạt kết quả hay không tùy thuộc vào chúng ta.”

Thiền sư Ajahn Chah nói rất rõ, người có kiến thức từ sách vở và kinh điển, chỉ nghe thuyết pháp và tụng kinh thôi thì giống như người có bản đồ mà không đi. Nghĩa là mình học, hiểu rồi phải thực tập. Thiền sư Bá Trượng nói:“Tâm địa thông rồi thì còn phải huân tu nhiều kiếp nữa mới tròn được Phật quả.”

Có người vào thất được hai mươi mốt ngày, bốn mươi chín ngày tưởng mình xong rồi nhưng mà không phải, tập khí còn rất nhiều. Tập có nghĩa là nhóm họp, khí là hơi. Cũng giống như con cá quý thầy gói lại rồi liệng con cá nhưng giấy gói cá vẫn còn hôi. Cho nên các ngài nói là tâm địa thông suốt rồi vẫn còn phải tu nữa.

Trong quyển “Tu Tâm Quyết” có một vị Tăng hỏi Thiền sư Phổ Chiếu:

Đã nhận được lý này trọn không có giai cấp, thì đâu cần sau tu huân tập dần dần để thành tựu?

Ngài đáp:

- Nghĩa tu dần sau khi ngộ, trước đã nói đủ mà nghi ngờ cũng chưa hết, vậy thì chẳng ngại nói lại, ông nên tịnh tâm lắng nghe. Phàm phu từ vô thủy kiếp đến nay, trôi lăn trong năm đường, chết đi sống lại, chấp chặt thân tướng cùng vọng tưởng điên đảo, huân tập vô minh lâu đời trở thành tánh.

Phàm phu mình từ vô thủy trôi lăn trong năm đường: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, rồi chết đi sống lại. Cho nên trong Kinh A-hàm Phật nói, giả như xương của mình chất thành đống mà còn hiện hữu thì cao hơn núi Tu-di, và nước mắt thì nhiều hơn biển cả. Như vậy mình biết rằng mình luân hồi trong ba đường, sáu nẻo rất nhiều, từ sự luân hồi đó lại chấp chặt cái thân tướng cùng vọng tưởng điên đảo, huân tập vô minh lâu đời trở thành tánh.

Chẳng hạn như bây giờ mình nói cái này là cái nhà, cái kia là cái bàn, ai nói khác đi mình cũng không chịu, bởi huân tập thành tánh rồi. Như bây giờ đưa cái máy ghi âm lên quý thầy nhìn, khỏi cần vọng tưởng cũng biết là cái gì. Mình tưởng đây là tri kiến thanh tịnh nhưng thiệt ra không phải, nó huân tập thành tánh lâu đời rồi, ai mà nói khác mình cãi liền.

“Tuy đến đời này chóng ngộ, tánh mình xưa nay rỗng lặng không khác với Phật, nhưng thói cũ vẫn khó đoạn trừ, nên gặp cảnh thuận, nghịch, mừng, giận, phải, trái vẫn khởi diệt mạnh mẽ. Nếu không lấy công phu Bát-nhã mà nỗ lực thì sao có thể đối trị vô minh được đến chỗ thôi nghỉ?”

Có nghĩa là tuy đời này mình có chủng duyên Bát-nhã rất sâu, nghe Hòa thượng giảng, nghe chư Phật nói, mình biết là trong tâm có một vị Phật vô sanh bất diệt không khác với Phật, nhưng mà thói cũ vẫn còn, rất khó đoạn trừ! Có những người vào đây, nghe hiểu rồi tưởng rằng mình với Hòa thượng cũng bằng nhau, Hòa thượng có Phật tánh, mình cũng có Phật tánh. Nhưng chỉ cần một niệm ngã mạn trong đó thôi, thì tự nhiên mình mất phước, hoặc quả báo nó chiêu cảm đến. Cho nên ở đây nói “nhưng thói cũ vẫn khó đoạn trừ”.

Quý thầy vào thất ngồi nghiệm lại, tập khí mình còn nhiều hay ít tự bản thân mình biết. Có những người tập khí tham thì ít, nhưng tập khí sân lại nhiều. Có những người tập khí sân ít, nhưng thèm ăn, thèm uống cũng là tập khí thôi. Quý thầy ngồi nhịp chân huýt sáo hát một bài cũng là tập khí. Hoặc đang đi yên tịnh chánh niệm, tự nhiên nghe một bài hát quen thuộc rồi mình huýt sáo hát theo cũng là tập khí. Khó đoạn lắm chứ không phải dễ! Người xưa rất sợ cái sóng thức này. Chỉ có Đại Bồ-tát, Bồ-tát Đăng Địa Phật mới dám khai thị chỗ này.

Cho nên có những người mới vào đạo mười năm, hai chục năm, thấy sao mình tập khí vẫn còn nên nản, nhiều khi không chịu tu nữa xin hoàn tục. Mà họ không hiểu đây không phải đơn thuần là tập khí nhiều đời nhiều kiếp mà nó đã ăn sâu, các ngài nói giống như dầu hắc dính vô trong tàng thức, gọi là Như Lai tàng. Như Lai tàng mà chưa thấu thoát, chưa phát minh, chưa phát khởi, thì cũng gọi là Như Lai tại triền. Nó bị nhốt, bị kín bít lại, cho nên gặp cảnh thuận, nghịch, mừng, giận, tự nhiên tâm mình khởi mạnh mẽ. Chẳng hạn mình được mọi người khen mình cũng vui vui. Rồi gặp nghịch cảnh đến, mình bị huynh đệ nói nặng mình cũng buồn, đây gọi là tập khí. Ai vượt ra khỏi chỗ mừng, giận, thương, ghét, phải, quấy, hơn, thua? Chưa được! Nó vẫn còn tiềm ẩn. Cho nên nói:

Đốn ngộ tuy đồng Phật,

Đa sanh tập khí thâm,

Phong đình ba thượng dũng,

Lý hiện niệm vô xâm.

Có nghĩa là mình đốn ngộ tuy đồng với Phật rồi, nhưng mà nhiều đời tập khí sâu, gió dừng rồi nhưng sóng vẫn vỗ. Quý thầy hôm nào đủ duyên xuống biển, mình thấy bữa đó không có gió, gió dừng hết rồi nhưng trong bờ sóng nó vẫn vỗ lăn tăn. Hoặc quý thầy nhìn lên ti-vi, tắt rồi nhưng vẫn còn những cái hột li ti, li ti. Tâm thức của mình nó cũng như vậy.

Thiền sư Đại Huệ nói:

“Thường thường hạng người lợi căn chẳng phí nhiều công sức mà phát minh được việc này liền sanh tâm cho là dễ dàng. Từ cái dễ dàng đó lại không tu hành, lâu ngày chầy tháng vẫn y như trước, trôi nổi chưa khỏi luân hồi.”

Có những người được phúc duyên tốt, trong thời quá khứ họ cũng đã từng tu tập về con đường Thiền tông này, thì tự nhiên ngồi tu họ phát minh tâm địa. Sau khi phát minh rồi họ thấy sao việc này dễ quá. Thấy dễ quá thôi bây giờ khỏi cần ngồi thiền, khỏi cần tụng kinh, có những người khỏi cần thỉnh nguyện luôn. Không tu, lâu ngày chầy tháng rồi thì vẫn y như trước.

Ngày xưa ở đây có những vị thầy tu hành rất miên mật, có phát minh rồi tưởng rằng đã như Thiền sư, có người nói vị này là tái lai, nhưng một thời gian làm Phật sự rồi thì cũng trôi nổi trong sanh tử. Ở miền Tây ngày xưa có một chú bé sáu tuổi thuyết pháp Pháp Bảo Đàn Kinh ai cũng khen, nói người này tái lai, nhưng được bảy tuổi là ra đời hoàn tục. Quý thầy thấy không, đâu phải chuyện đơn giản. Nhiều khi mình tu mình phát minh được cái gì lạ lạ rồi mình sanh tâm ngã mạn, mình coi mình hơn những người khác. Chính điểm đó thì không thoát khỏi được tập khí.

“Thế thì há có thể lấy chỗ ngộ nhất thời mà bác bỏ việc tu về sau ư?”

Bản thân chúng tôi vào thất rất nhiều lần, mười mấy lần. Trong mười mấy lần đó có những cái hoặc khóc hoặc cười cũng như ai vậy, mà bây giờ nhìn lại tập khí vẫn là tập khí. Bản thân mình kinh nghiệm, có những lúc mình ngồi thiền nó đứng lặng lại hết, trong sự đứng lặng đó tự nhiên mình phát minh một chuyện gì đó, đây mình không thể nói ra được, nhưng nếu không chịu công phu tu tập thì nó vẫn y như ngày mình mới vào chùa. Cho nên các ngài nói, như những lúc cọ cây lấy lửa, mình đang cọ nóng nó hơi phựt lửa mà mình bỏ thì nó y như cũ.

“Thế nên sau khi ngộ cần phải luôn luôn chiếu soi. Vọng niệm chợt khởi đều không theo, giảm rồi lại giảm cho đến vô vi mới là cứu cánh.”

Sau khi ngộ rồi cần luôn luôn chiếu soi, luôn luôn thực tập, tức là cần luôn luôn chánh niệm quán chiếu, vọng niệm chợt khởi đều không theo. Ngày xưa vọng tưởng rất nhiều, mình theo rồi tạo tác. Bây giờ cũng có vọng tưởng chứ không phải không, nhưng mình không theo. Giảm rồi lại giảm cho đến vô vi mới là cứu cánh, có nghĩa là không còn tạo tác, không còn tác ý nữa thì đúng là cứu cánh.

Cho nên có những người tu tập một thời gian tự nhiên họ thấy vọng niệm càng ngày càng thưa. Quý thầy mới vào xuất gia, ngồi thiền vọng tưởng rất nhiều. Có những người sợ vọng tưởng, ngồi thiền thấy vọng tưởng họ nạt: “Đi, đi không. Lì quá vậy!” Công phu kiểu đó sao? Mình chỉ theo dõi tiến trình của vọng tưởng thôi. Có những người mới vào họ nói vọng tưởng nhiều quá, tôi nói đang tiến chứ không phải lùi. Bởi vì ngày xưa quý thầy không biết được vọng tưởng và không thấy được vọng tưởng, mà bây giờ mình thấy được tiến trình của vọng tưởng nhiều hay là ít là mình tiến rồi. Mình là chủ mà, khách đến khách đi mình biết hết. Cho nên nói vọng niệm chợt khởi đều không theo là đúng. Còn vọng chứ không phải là hết, từ từ nó giảm.

Tu một thời gian có những người vào thất vọng tưởng tự nhiên thưa dần, thưa dần giống như một sợi chỉ đi lên đi lên, nhưng mình vẫn theo dõi, vẫn chiếu soi. Khi thấy yên yên rồi nếu quý thầy không quán chiếu nữa, buông xuôi luôn là rớt vào hôn trầm, ngủ gục. Đố quý thầy trong lúc hôn trầm có vọng tưởng không? Nhiều người nói hôn trầm thì không có vọng tưởng nhưng mà không phải, nhớ kỹ điểm đó. Thiền sư Hám Sơn nhấn mạnh: “Trong lúc hôn trầm thì ngay đó vọng tưởng nó theo.”

Cho nên mình đang ngồi lim dim mình thấy nhớ nhà, bị đánh trên vai cái bốp, mình biết mình vừa vọng tưởng vừa hôn trầm. Thầy giám thiền nhìn từ xa là biết mình đang hôn trầm. Trong hội của Thiền sư Lai Quả Cao Mân có những người ngồi thiền không ngủ gục, có vị thiền sinh đang ngồi thì Thiền sư Lai Quả đi ngang đánh cái bốp, vị này nhìn lên nói: “Bạch Hòa thượng, con đâu có ngủ mà Hòa thượng đánh?” “À! Ông không ngủ mà ông về thăm nhà chi vậy?” Ngài thấy từng vọng tưởng của đệ tử, mình tu gần những người đó mình rất là tiến.

“Những bậc thiện tri thức trong thiên hạ thực hành pháp chăn trâu sau khi ngộ chính là điều đó vậy.”

Sau khi ngộ rồi thì thực hành pháp chăn trâu. Quý thầy ngồi đây mà nhớ đi về nhà hay nhớ làm gì đó, tức là ăn lúa mạ của người rồi, phải kéo cái mũi ra.

Cho nên Thiền sư Hương Hải nói:

Tìm trâu phải theo dấu,

Học đạo quí vô tâm,

Dấu đâu trâu theo đó,

Vô tâm đạo dễ tầm.

Tìm trâu phải theo dấu, dấu trâu đây tức là vọng tưởng điên đảo, là những vọng niệm của mình. Mình theo dấu có nghĩa là thấy được từng vọng tưởng, từng niệm điên đảo của mình. Học đạo quí vô tâm, dấu đâu trâu theo đó, nghĩa là vọng tưởng đến đâu tâm chiếu soi của mình đến đó thì đúng. Buông dần dần không theo nữa thì đến chỗ Hòa thượng dạy là Biết Có Chơn Tâm. Đi đến chỗ thuần thục rồi nhìn cái đồng hồ không khởi một niệm nào nữa nhưng đều có tâm chiếu soi vào. Biết nhưng không khởi niệm là chơn tâm, còn biết mà có vọng niệm là trật rồi đâu phải là biết có chơn tâm nữa.

“Tuy có tu sau nhưng trước đã ngộ. Vọng niệm vốn không, tâm tánh vốn tịnh. Đoạn điều ác, đoạn mà không đoạn. Tu việc lành, tu mà không tu. Đó chính là chơn tu chơn đoạn. Nên nói tuy tu đủ muôn hạnh mà chỉ lấy vô niệm làm tông.”

Ở đây ngài chỉ dạy rất rõ, tuy có tu sau nhưng trước đã ngộ rồi. Vọng niệm vốn không, tâm tánh vốn tịnh. Đoạn điều ác, đoạn mà không có gì để đoạn. Như hồi nãy tôi kể có người ngồi thiền mà vọng tưởng nhiều quá kêu “Đi, đi!”, là thấy điều ác, thấy có cái gì đó mình chặt, mình đoạn thì công phu đó chưa phải tinh thần của thiền đốn ngộ. Mà ở đây đoạn điều ác, đoạn mà không có gì để đoạn, có nghĩa là thấy rõ biết mà không theo, đó là đoạn mà không đoạn. Tu việc lành, tu mà không tu, có nghĩa là mình làm hết tất cả các hạnh lành nhưng không chấp trước, không dính mắc.

“Nên người ngộ tức là tâm địa thông suốt, tuy có khách trần phiền não mà đều thành đề hồ. Chỉ cần chiếu soi vọng hoặc không có cội gốc, ba cõi tợ hoa đốm trong không, như gió cuốn mây mù, sáu trần huyễn hóa, như nước sôi làm tan băng. Nếu có thể niệm niệm tu tập như thế chẳng quên soi lại, định huệ đồng tu thì yêu ghét tự nhiên phai nhạt, bi trí tự nhiên tròn đủ.”

Người ngộ tức là tâm địa thông suốt, tuy có khách trần phiền não đều thành đề hồ. Có nghĩa là hàng nhị thừa đoạn cái thức để đạt đến chỗ không tịch, nhưng ngược lại Bồ-tát dùng cái thức này để đi vào cuộc đời, tức là thức chuyển thành trí. Đi vào cuộc đời các ngài làm đủ hết tất cả hạnh nhưng các ngài không chấp, mà chính cái không chấp đó thì tự nhiên biến thành đề hồ, gọi là trí dụng.

Chỉ cần chiếu soi vọng hoặc không có cội gốc. Có nghĩa là mình nhìn vọng tưởng nó không có cội, không có gốc gì hết. Nếu nó có thật thì sáng vọng, trưa vọng, chiều vọng. Còn sáng mình ngồi thấy vọng nhưng nhiều khi canh trưa mình ngồi bớt vọng, thì rõ ràng vọng nó không cội gốc.

Ba cõi tợ hoa đốm trong hư không, như gió cuốn mây mù, sáu trần huyễn hóa, như nước sôi làm tan băng. Nếu có thể niệm niệm tu tập như thế chẳng quên soi lại, định huệ đồng tu thì yêu ghét tự nhiên phai nhạt, bi trí tự nhiên tròn đủ. Lúc này tự nhiên mình có năng lực, có công năng đi vào cuộc đời này.

“Tội nghiệp tự nhiên đoạn trừ, công hạnh tự nhiên tăng tiến, phiền não hết thì sanh tử dứt.”

Mình tu tập một thời gian, bi trí tròn đầy rồi thì nghiệp trong thời quá khứ tự nhiên dần dần nó hết. Tự quý thầy nghiệm lại thấy rất là rõ, có những người khi mới vào đạo bệnh rất nhiều, thân bệnh rồi tâm bệnh đủ thứ, nhưng tu tập một thời gian thì tự nhiên bệnh bớt dần.

“Nếu dứt hẳn dòng thức trôi chảy thầm lặng thì trí rộng lớn viên giác riêng ngời sáng, liền hiện trăm ngàn ức hóa thân trong mười phương thế giới, giao cảm ứng cơ như trăng hiện trên chín tầng mây mà bóng phân khắp cả vạn dòng. Ứng dụng vô cùng, độ sanh không có duyên, được vui vẻ tự tại, gọi đó là Thế Tôn đại giác.”

Ngài nói tâm địa mình thông suốt, mình ngộ rồi thì tu tập một thời gian phiền não dần dần nó bớt. Phiền não bớt thì tự nhiên mình cảm ứng với mười phương Chư Phật.

“Tuổi nhỏ giới luật còn thiếu, Thầy chưa cho đi xa, như đi đường không nên đồng với bạn không có lành.”

Ngài dạy tiếp là tuổi nhỏ giới luật mình còn yếu kém thì Thầy chưa cho mình đi xa. Nhưng giả như Thầy cho đi xa thì phải nhớ không nên đồng đi với bạn không lành.

Tổ Quy Sơn nói:

“Gần quen người ác thì thêm chỗ tri kiến ác. Ngày đêm tạo ác, mắc quả báo, chết rồi trầm luân, một phen mất thân người, muôn kiếp khó mà trở lại.”

Tổ Quy Sơn dạy là mình gần với người ác thì thêm lớn tri kiến ác, có nghĩa là cái thấy biết ác. Ngày đêm mình chơi với người ác mình tạo nghiệp ác thì mắc quả báo, chết rồi thì trầm luân một phen mất thân người, muôn kiếp khó mà trở lại.

Trong Pháp Uyển Châu Lâm có kể:

Quốc vương Hoa Để, Hoa Để là tên một bộ lạc giống mọi rợ ở cõi tây nước Trung Hoa ngày xưa, có một con voi trắng hay diệt được giặc thù, hoặc kẻ phạm tội khiến voi giẫm đạp mà giết. Bấy giờ người quản tượng dời voi đến gần chùa. Nghe Tăng tụng kinh Pháp Cú làm thiện được sanh thiên, làm ác đọa địa ngục, thì lúc này tâm bạch tượng nhu nhuyến, khởi từ bi. Sau có một người bị tội đem đến cho voi, voi chỉ dùng mũi mà ngửi, lấy lưỡi mà liếm rồi bỏ đi. Vua thấy việc này rất lạ mới triệu tập các đại thần, các đại thần nói voi này ở gần chùa nghe pháp nên như vậy.

Con voi rất là hung ác nhưng ở gần chùa nghe Tăng tụng kinh làm thiện được sanh thiên, làm ác đọa địa ngục thì trở nên hiền lành không còn tâm sát hại. Người tập khí sâu dày cách mấy mà vào thiền viện chịu khó tu tập một thời gian lần lần cũng hết. Người mà ngày xưa có tâm tật đố, ích kỷ nhưng chịu tu, chịu chuyển hóa thì lần lần nó hết. Có những người mới vào đạo tâm sân rất mãnh liệt nhưng đủ phúc đủ duyên gần thầy lành bạn tốt chịu khó tu tập, nhập thất nữa thì tự nhiên một thời gian tâm rất là nhu nhuyến.

Sau dời gần bọn đồ tể thì tâm sát hại liền tăng. Thì vua nói: Phải biết tất cả chúng sanh trí tánh không có định, súc sanh còn như vậy huống nữa người ư? Thế nên người trí phải nên giác biết, thấy ác phải xa lánh.

Cho nên mình phải luôn luôn phát nguyện lớn là nếu chưa đủ phúc duyên đạt đến chỗ giải thoát thì được sanh vào gia đình biết kính tin Tam bảo, biết học hỏi chánh pháp, rồi phát nguyện xuất gia sớm, không gần những người ác. Nếu mình không phát nguyện mà sanh vào gia đình đồ tể thì rất khó phát triển tâm thức từ bi của mình, chừng nào là đại Bồ-tát thì họa may.

Nên Phật dạy:

Chớ cùng ác tri thức, cùng người ngu làm việc. Nên cùng thiện tri thức giao thiệp với người trí. Nếu người vốn không ác, gần gũi với người ác sau ắt thành nhân ác, tiếng ác đồn khắp nơi.”

“Phải lo tìm thầy học đạo, quyết dứt đường sanh tử, đừng có xem non ngắm biển, lòng tính dạo trải chỗ rộng xa để khoe khoang với người.”

Ở đây dạy mình đừng đi chơi đầu này đầu nọ mà không lo tu tập.

Sa Di Học Xứ ghi:

“Muốn cầu đạo Vô Thượng Bồ-đề không có bậc tri thức chẳng có thể khai đạo nên phải tìm thầy hỏi đạo. Sanh tử dài lâu, mê ngộ do mình nên phải quyết đoán.”

Ngài dạy mình phải luôn luôn khắc khoải tìm thầy học đạo và phát nguyện gặp những bậc thiện tri thức khai đạo cho mình.

 

Kinh - Luật - Luận

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Đọc nhiều

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 70573
  • Online: 15