Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 24): Danh và Tướng của Y bát
04/08/2018 | Lượt xem: 3805
ĐĐ. Thích Khế Định giảng tại TVTL Phụng Hoàng Đà Lạt
Danh Và Tướng Của Y Bát
Sa Di Học Xứ ghi:
“Sao gọi là y? Y nghĩa là y này dùng để che lạnh.”
Trong quyển Y Kiền Độ có ghi:
“Một hôm Phật thấy các thầy Tỳ-kheo đi trên đường mang rất nhiều vật y, thì Thế Tôn mới suy nghĩ như thế này: Có thể vì các thầy Tỳ-kheo mà chế y nhiều hay ít, chẳng được chứa nhiều.”
Trong Lục quần Tỳ kheo có thầy Tỳ-kheo tên Ca-lưu-đà-di, ông đi đến một nước khác được cúng y rất nhiều, trong kinh diễn tả một hôm Phật thấy ông vác trên vai hai chục lá y đủ màu. Đây mình thấy cũng là Đại Bồ-tát thị hiện ra để cho Phật chế giới.
“Bấy giờ vào lúc đầu hôm Thế Tôn đắp một y, đến giữa đêm biết có lạnh liền đắp y thứ hai, rồi đến cuối đêm lại biết lạnh nên đắp y thứ ba liền an ổn mà trụ. Bấy giờ Phật bảo các thầy Tỷ-kheo: Các đệ tử lắng nghe, thọ trì ba y chẳng được cất chứa nhiều.”
Sau này quý thầy thọ giới Tỳ-kheo thì lúc nào cũng phải có ba y bên mình.
Trong Trí Độ Luận có ghi:
“Bạch y cầu khoái lạc nên cất chứa mỗi mỗi áo, ngoại đạo khổ hạnh nên lõa hình không có tàm quý. Cho nên đệ tử Phật xả bỏ hai bên, đi con đường trung đạo, thiểu dục tri túc, chỉ cất chứa ba y.”
Trong Trí Độ Luận, Bồ-tát Long Thọ có nói, hàng cư sĩ bạch y thì áo quần rất nhiều bởi vì cầu khoái lạc. Ngoại đạo khổ hạnh, ở Ấn Độ bây giờ vẫn còn một nhóm Ni-kiền-tử lõa hình đi xuống phố khất thực, không biết tàm quý. Nhưng đệ tử Phật xả bỏ hai bên, đi con đường trung đạo, thiểu dục tri túc chỉ cất chứa ba y.
“Y Ngũ điều theo tiếng nói cõi trời Phạm thiên kêu là An-đà-hội, còn tiếng Hán gọi là Trung túc y.”
Sa Di Học Xứ ghi, trong Tăng Kỳ Luật có nói:
“Phật ở tại thành Xá Vệ, kinh hành trước hang đá Đế Thích, thấy ruộng lúa phân minh mới dạy bảo A-nan rằng: Chư Phật quá khứ tướng y như thế, từ nay nương đây mà chế tác ba y. Đệ tử các Đức Phật quá khứ đắp y như thế, đệ tử Chư Phật vị lai cũng đắp y như thế, như ta ngày nay dùng dao cắt rọc thành y Sa-môn chẳng bị oán tặc cướp đoạt, đây là Giải thoát phục, đây là y Phước điền.”
Mới thọ giới Sa-di thì không có ruộng, không có ô ngăn, chỉ là y trơn thôi. Nhưng sau này, quý thầy thọ giới Tỳ-kheo rồi, thì đắp y Ngũ điều, nó có ô giống như ô ruộng, Phật gọi y này là y Giải thoát, hay là y Phước điền. Quý thầy muốn gieo giống mà có lúa thì quý thầy phải xuống ruộng. Chúng sanh muốn gieo giống mà có nhân duyên với Phật pháp thì họ gieo ruộng phước vào Chư Tăng. Y Phước điền đây, nếu người nào bỏ tiền của cúng dường đại chúng, cúng dường Chư Tăng thì giống như gieo ruộng phước. Ruộng này bão lụt, sóng thần cũng không mất.
Khi ông Cấp Cô Độc nằm trên giường bệnh sắp qua đời, Tôn giả Xá-lợi-phất kêu ông nhìn lên trời. Ông nhìn lên thấy sáu cung điện hiện ra. Ngài Xá-lợi-phất nói, chỉ có cung điện thứ sáu ở cõi trời Đâu Suất là có Phật pháp, còn năm cung điện kia không có. Ngài hỏi ông chọn cung điện nào? Ông Cấp Cô Độc chọn cung điện có Phật pháp. Năm cung điện kia biến mất, còn một cung điện duy nhất. Trong kinh diễn tả ông vừa chết tức khắc tái sanh lên cung trời Đâu Suất. Đêm đó, ông xuống hầu Phật, mà ánh sáng chiếu diệu tỏa sáng hơn các chư thiên khác, Tôn giả A-nan ngạc nhiên nói:
- Bạch Đức Thế Tôn! Hồi đầu hôm có vị chư thiên nào đến mà ánh sáng tỏa diệu hơn hẳn những chư thiên khác?
Phật nói:
- Ông không biết sao? Đó là ông Cấp Cô Độc, chết rồi sanh lên cõi trời Đâu Suất, bây giờ xuống thăm ta.
Ông đã gieo ruộng phước rất thù thắng, mà gieo ruộng phước thì khi chết ứng hiện ra liền. Nên ở đây, nói y này, gọi là y giải thoát mà cũng gọi là y phước điền.
Truyện Ngạ quỷ Huyễn Sự có ghi:
Vào thời Đức Phật có hai vợ chồng sống với nhau. Người chồng thích bố thí, nhờ năng lực bố thí đó, nên sau khi chết ông tái sanh làm Thọ thần có đại oai lực. Người vợ thì có tâm bỏn xẻn, mỗi lần ông bố thí bà hay nguyền rủa: “Cầu cho thức ăn này biến thành phẩn, mủ và máu”. Do ác nghiệp như thế, nên bà chết tái sanh trong loài ngạ quỷ, thức ăn bà ăn toàn là phẩn, máu và mủ. Một hôm Tôn giả Mục-kiền-liên thấy thế mới hỏi Thọ thần:
Nàng ta ăn toàn phẩn,
Nước tiểu, mủ và máu,
Đây là quả nghiệp nào?
Nghiệp gì nàng đã làm,
Khiến nàng luôn luôn ăn
Những khối máu và mủ?
Những y phục mới mẻ,
Xinh đẹp và mềm mại,
Sạch bóng và như tơ,
Nhưng khi cho đến nàng
Thì như những tấm sắt,
Người đàn bà này đã
Làm những ác nghiệp gì?
Thọ thần trả lời Ngài Mục-kiền-liên:
Nàng là vợ của tôi,
Bất nhân và keo kiệt.
Khi tôi kính cúng dường
Đến những vị Sa-môn,
Bà ta lăng mạ tôi,
Bà ta chửi mắng tôi.
Phẩn nhơ và nước tiểu,
Cùng với máu và mủ,
Cầu cho ông luôn luôn
Ăn cái gì nhơ uế.
Cầu cho điều này hãy,
Là số phận của ông
Ở trong kiếp sống sau.
Và áo quần của ông,
Hãy thành những tấm sắt.
Khi có các hạnh ấy,
Bà ta đã đến đây,
Để phải ăn đồ nhơ,
Trong một thời gian dài.
Hai vợ chồng, một người thì siêng năng bố thí cúng dường ruộng phước cho Chư Tăng, ngược lại một người thì rất keo kiệt. Mỗi lần ông chồng cúng dường bố thí, thì bà chửi mắng, nguyền rủa, nên bà tái sanh vào trong loài ngạ quỷ, ăn phẩn nhơ và nước tiểu.
Thấy huynh đệ cúng dường Chư Tăng, mình không có tiền thì tùy hỉ theo. Nếu mình nổi tâm tật đố ích kỷ và nguyền rủa: Ông đó mà cúng dường gì…, tâm tác ý tạo thành nghiệp, từ cái nghiệp chiêu cảm.
Trong Tứ Phần Luật có ghi:
“Ba đời Như Lai đều đắp y này, nếu có chúng sanh khởi một tâm ác hướng đến ba đời Chư Phật, Bích Chi, La Hán và người đắp y vô nhiễm thì gặt hái vô lượng tội lỗi. Vì cớ sao? Vì y hoại sắc là tiêu biểu của Thánh hiền, nếu hay phát tâm kính người đắp y vô nhiễm thì gặt hái vô lượng phước đức.”
Ba đời Như Lai, nghĩa là quá khứ, hiện tại và vị lai, các ngài thị hiện trong cõi đời đều đắp y này. Lúc lên thỉnh nguyện hay tụng kinh, khi đã đắp y, bảo đảm quý thầy không dám khởi một niệm ác. Không khởi niệm ác thì cái y đó là vô nhiễm - không nhiễm những tạp niệm. Khởi một niệm xấu ác đến người đắp y thì gặt hái vô lượng tội lỗi.
Kinh Bi Hoa ghi:
“Như Lai phát đại nguyện ở chỗ Phật Bảo Tạng, ngài phát nguyện rằng: Lúc thành Phật áo cà-sa của ta chắc chắn sẽ có năm công đức thù thắng.”
Lúc còn hành Bồ-tát đạo, Đức Phật Thích-ca ở trước Phật Bảo Tạng phát lời nguyện lớn: Khi ngài thành Phật, áo cà-sa của ngài sẽ có năm công đức thù thắng:
1- Đã vào trong pháp của ta thì tứ chúng dầu là có phạm giới nặng hoặc có tà kiến đi chăng nữa, chỉ cần trong một niệm biết kính tín Tam bảo, tôn trọng cái y thì ta cũng nhất định thọ ký cho về tam thừa.
Tam thừa là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa, Bồ-tát thừa. Quý thầy đủ phúc duyên cạo tóc, mặc áo nhuộm, nhưng nếu chán cảnh tùng lâm không muốn tu nữa, tôi khuyên quý thầy một điều, ráng thọ giới cụ túc xong rồi tính. Quý thầy nghiên cứu trong Kinh, Luật, Sa-di chỉ là đi theo các hàng thầy Tỳ-kheo thôi chứ chưa có công đức và năng lực gì hết. Cạo tóc, đắp y Sa-di mà không có tâm tu hành, chán nản ra đời thì gieo cái duyên rất mỏng, rất ít. Vì vậy làm gì làm, quý thầy phải đắp cái y Tỳ-kheo lên rồi tính tiếp. Tôi quen huynh đệ rất nhiều, có những người còn Sa-di hoàn tục ra đời thì người đó vĩnh viễn không bao giờ có thể bước vào trong đạo nữa. Nhưng có những người thọ giới Tỳ-kheo, thọ buổi sáng, buổi chiều ra đời, sau một thời gian họ quay lại. Đó là năng lực, công đức mà Đức Phật Thích-ca lúc hành Bồ-tát đạo đã phát nguyện. Khi phát lời nguyện đó tâm ngài thanh tịnh, hạt giống đó ứng tác vào, phổ vào cái y. Nên phải ráng thọ giới, đắp được y Ngũ điều rồi tính tiếp.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 47 có ghi:
Đề-bà-đạt-đa phạm tội ngũ nghịch, làm thân Phật chảy máu, có tà kiến là xúi vua A-xà-thế giết cha, xô đá đè Phật, thả voi say, giết chết Tỳ-kheo Ni chứng A-la-hán. Trong lúc ông thả voi say, có một Tỳ-kheo Ni nói với Đề-bà-đạt-đa: “Ông ác lắm, ông dám thả voi say, rồi xô đá đè Phật.” Ông nổi giận đấm vị Tỳ-kheo Ni đã chứng quả A-la-hán này ngã xuống chết tại chỗ.
Khi ông chuẩn bị sám hối Phật, thì đất rút ông xuống, ông chết đọa địa ngục rất là khổ. Lúc này Tôn giả A-nan, là em ruột của Đề-bà-đạt-đa, thương anh mình quá nên đến khóc với Phật, ngài hỏi Phật khi Đề-bà-đạt-đa ra khỏi địa ngục sẽ sanh về đâu. Phật nói:
- Nhờ năng lực đắp y ca-sa của Phật, trong lúc rớt xuống cõi địa ngục tự nhiên ông phát tín tâm hướng về Đức Phật nói “Nam-mô.”
Ông chỉ nói được hai chữ Nam-mô, thì bị đất rút rồi, nên không nói được gì thêm. Do năng lực ông phát niệm kính tâm, tôn trọng Tam bảo, nên sau khi ở cõi địa ngục xong, ông sanh lên cõi Trời Tứ Thiên Vương. A-nan lại hỏi, sau khi mạng chung ở cõi Trời này lại sanh về đâu, Phật nói:
- Sau khi mạng chung ở đó, ông lần lượt sanh lên cõi Trời Tam Thập Tam, Trời Diệm Thiên, Trời Đâu Suất, trời Hóa Tự Tại, trời Tha Hóa Tự Tại.
Phật bảo A-nan:
- Đề-bà-đạt-đa từ địa ngục sanh vào cõi lành, sanh lên trời, trải qua sáu mươi mốt kiếp không rơi vào ba đường dữ, qua lại cõi trời, cõi người. Đến thân cuối cùng thì sẽ cạo bỏ râu tóc, khoác ba y với trí tín kiên cố, xuất gia học đạo thành Bích Chi Phật hiệu là Nam Mô.
Nhờ năng lực đắp y cà-sa của Phật mà dù phạm tội ngũ nghịch (đã làm thân Phật ra máu và giết A-la-hán), bị đọa địa ngục chỉ có một lần, rồi tái sanh về những cảnh giới nhàn cảnh, sau này xuất gia học đạo thành vị Bích Chi Phật.
Phật bảo A-nan:
- Tâm ý thiện trong khoảnh khắc búng ngón tay mà phước ấy khó có thể ví dụ, huống hồ Đề-bà-đạt-đa thông kim bác cổ, tụng tập rất nhiều, ghi nhớ tổng trì các pháp, điều gì đã nghe rồi thì không quên. Lại trước khi mạng chung đã khởi tâm vui vẻ Nam-mô Phật, vì thế sau này thành hiệu Bích Chi Phật hiệu là Nam Mô.
2- Trời, rồng, người, quỷ nếu biết cung kính một phần nhỏ chiếc áo cà-sa của người này thì lập tức sẽ chứng được đạo tam thừa và chẳng bị thối chuyển.
Bà Liên Hoa Sắc trong thời quá khứ làm kỹ nữ. Một hôm bà đi ngang qua Tinh xá, thấy cái y của Tỳ-kheo Ni bà đắp vào. Bà đi ba vòng Tinh xá phát nguyện, sau này gặp Phật tu chứng được Thánh quả. Bà chỉ phát nguyện chơi thôi nhưng mà thành sự thật. Nên ở đây nói, chỉ có tâm cung kính một phần nhỏ chiếc áo cà-sa thôi, cũng được chứng đạo quả tam thừa.
3- Nếu có quỷ thần các người nào đó mà được áo cà-sa, dù chỉ được bốn tấc đi nữa thì sẽ được ăn uống sung túc.
Ở Sông Bé có cả một xóm người ăn xin mướn y bát, rồi cạo tóc đắp y đi vòng vòng. Vậy mà cũng sung túc, người ta cúng dường ăn đầy đủ!
Vào thời Đức Phật có Tỳ-kheo Thất Lai, ông ra đường thấy làm thầy Tỳ-kheo sao dễ quá, được người cung kính cúng dường. Ông phát tâm xuất gia, sau đó hoàn tục rồi lại xuất gia, vào ra tới bảy lần. Ở đây, ý nói dầu cho một người tu hành như thế nào không biết, nhưng chỉ cần đắp y cà-sa của Phật thì Phật thọ ký cũng được ăn uống đầy đủ. Nghiệp quả sau này mình phạm giới thì gánh chịu, nhưng hiện thời vẫn có thức ăn, thức uống đầy đủ.
4- Nếu chúng sanh đều cùng nhau vi phạm, chống lại, thì niệm cà-sa lực ít lâu cũng sẽ nảy sanh tâm từ bi xót thương họ.
5- Ở chỗ binh đao trận mạc chỉ cần giữ một phần nhỏ của áo cà-sa, cung kính tôn trọng thì sẽ luôn luôn được thắng địch.
Nếu áo cà-sa của ta mà không có năm lực này thì là dối Chư Phật mười phương.
Ở chỗ binh đao trận mạc không phải chỉ cho quốc gia này hay quốc gia kia, mà khi gặp nghịch cảnh khốn cùng thì hãy luôn nhớ nghĩ đến áo cà-sa. Sau này đi làm Phật sự đến nhà tín thí nữ, lúc nói chuyện, quý thầy nhớ mặc áo hậu, và trong đãy phải có một tấm y cà-sa chín điều để kế bên. Khi đó người đối diện với quý thầy, họ không khởi tà niệm, mà chính quý thầy cũng không dám khởi niệm tà luôn, thì đúng nghĩa này, đúng với nghĩa lúc vào trận mạc chỉ cần giữ một phần nhỏ áo cà-sa, cung kính tôn trọng thì sẽ luôn luôn thắng quân địch.
“Khi đắp y đọc bài kệ:
Lành thay áo Giải thoát,
Y Vô thượng phước điền,
Ta nay đầu đội chịu,
Đời đời chẳng bỏ rời.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Nghĩa là tán thán công đức của y bất khả tư nghì, mở niêm, tháo chốt nên nói là giải thoát. Nghĩa là sanh tử phiền não do sự giải thoát này.”
Vô Thượng Luận Tát Bà Đa nói:
“Y này là chín mươi lăm thứ ngoại đạo thảy chẳng biết tên, chỉ có Như Lai khai thị vị tằng hữu pháp này nên nói là Vô thượng.”
Chín mươi lăm thứ ngoại đạo không biết tên y này, chỉ có Như Lai khai thị cho mình một cái pháp vị tằng hữu cho nên gọi là Vô thượng.
“Y này cũng gọi là Y Liên Hoa, vì mặc y này khỏi bị bùn ngũ dục nhơ nhiễm.”
Mặc y này rồi, mình phải phát nguyện đời đời kiếp kiếp luôn gặp được y này để khỏi bị ngũ dục làm nhơ nhiễm.
“Y này cũng gọi là Y Cứu Long vì loài rồng được một sợi chỉ của y này khỏi bị chim đại bàng cánh vàng bắt ăn.”
Trong kinh diễn tả, có những con rồng bị chim đại bàng cánh vàng bắt ăn nên cầu cứu Đức Phật. Đức Phật cho một tấm y rồi cắt ra từng miếng nhỏ, treo lên thân thì không bị chim đại bàng cánh vàng bắt ăn thịt. Ý nghĩa sâu hơn: Mình muốn không bị chim bắt, tức là phải tiêu trừ tập khí. Thiền sư Lai Quả nhấn mạnh chỗ này, một người mặc y Ngũ điều rồi, thì phải luôn luôn phát nguyện đời đời được mặc cái y này.
“Y Thất điều theo tiếng cõi trời Phạm thiên gọi là y Uất-đa-la-tăng, tiếng Hán gọi là Thượng Trước y, cũng gọi là y Nhập Chúng. Phàm lạy Phật, sám hối, tụng kinh, ngồi thiền, đi chứng trai, đi nghe kinh, ngày Bố tát, ngày Tự tứ phải mặc y này.”
“Khi đắp y đọc bài kệ:
Lành thay áo giải thoát
Y Phước điền Vô thượng
Con nay đầu đội chịu,
Đời đời hằng được đắp.”
Trong Luận Đại Trí Độ, Bồ-tát Long Thọ nói, có người hỏi:
- Nếu giới tại gia được sanh lên cõi trời, được Bồ-tát đạo, cũng được Niết-bàn thì còn cần gì đến giới xuất gia?
Bồ-tát đáp:
- Tuy cùng đắc độ nhưng có khó dễ khác nhau. Tại gia bị các nghiệp sanh kế, nếu muốn chuyên tâm vào đạo pháp thời gia nghiệp bị bỏ phế. Nếu muốn chuyên lo gia nghiệp thời đạo nghiệp phải bỏ phế. Không lấy không bỏ mới là cách đáng nên làm, ấy gọi là khó. Nếu xuất gia lìa tục dứt các lỗi một bề chuyên tâm hành đạo tức là dễ.
Vì vậy, mình phải phát nguyện đời đời kiếp kiếp sanh ra đều được đắp y này.
- Do vậy nên biết xuất gia tu giới, hành đạo là dễ. Lại nữa xuất gia tu giới được vô lượng thiện lực, nghi, tất cả được đầy đủ. Vì vậy hàng áo trắng nên xuất gia thọ giới.
Bồ-tát Long Thọ khuyên mình phải xuất gia, thọ giới, đắp y thì mới được thù thắng viên mãn.
- Lại nữa trong Phật pháp, xuất gia pháp là khó tu nhất. Như Phạm Chí Diêm Phù Khưu Đề hỏi Xá-lợi-phất:
- Trong Phật pháp, việc gì là khó nhất?
Xá-lợi-phất đáp:
- Xuất gia là khó.
Lại hỏi:
- Xuất gia khó gì?
Đáp:
- Xuất gia vui thích pháp là khó.
Cái khó thứ nhất của xuất gia là vui thích nghe chánh pháp. Vui thích nghe chánh pháp không phải chuyện đơn giản. Có những người không thích đọc kinh, xem sách, nghe chánh pháp mà tìm thú vui khác. Nếu có nghe thì họ cũng ngủ gục. Mình được túc duyên xuất gia, lại ham thích nghe chánh pháp thì điều này rất hiếm.
- Đã được vui thích nghe pháp còn có gì khó?
Ngài đáp:
- Tu các thiện pháp là khó, vì vậy nên cần xuất gia.
Mình được phúc duyên vào tùng lâm làm các việc thiện pháp. Hành đường, trị nhật, chẻ củi cũng là thiện pháp, làm được vậy không phải là chuyện đơn giản. Có một năng lực, hạt giống trong thời quá khứ nên ngày hôm nay mình mới thích và vui làm. Nên ngài nói, tu các thiện pháp là khó.
- Lại nữa, nếu người khi xuất gia thì ma vương kinh hãi, nghi rằng người này các kiết sử sắp mỏng, chắc chứng được Niết-bàn đứng vào số Tăng bảo. Lại nữa, trong Phật pháp, người xuất gia tuy hủy phá giới, đọa vào chỗ tội, mà khi tội hết được giải thoát.
Trong Phật pháp người xuất gia tuy hủy phá giới tức là phạm ba-la-di: sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, phạm những tội đó bị đọa vào địa ngục mà khi tội hết, được giải thoát.
Như trong Kinh Uất-bát-la-hoa, Tỳ-kheo Ni Bổn Sanh nói:
Lúc Phật còn tại thế Tỳ-kheo Ni này chứng được A-la-hán, đủ sáu thần thông, đi vào nhà quí nhơn thường khen ngợi pháp xuất gia, nói với phụ nữ rằng:
- Chị em nên xuất gia.
Các phụ nữ quí nhơn nói:
- Chúng tôi tráng kiện, dung sắc đầy đủ, tốt đẹp, giữ giới rất khó hoặc sẽ phải phá giới.
Tỳ-kheo Ni nói:
- Chỉ cần xuất gia, phá giới thì phá.
Hỏi:
- Phá giới sẽ bị đọa địa ngục, làm sao dám phá được.
Đáp:
- Đọa địa ngục thì đọa.
Các phụ nữ quí nhơn đều cười rằng:
- Ở địa ngục chịu tội rất là khổ làm sao dám.
Tỳ-kheo Ni nói:
- Tôi tự nhớ thân kiếp trước là con gái làm trò, có lúc mặc áo Tỳ-kheo Ni để làm trò cười.
Do nhân duyên ấy, vào thời Đức Phật Ca-diếp cô làm Tỳ-kheo Ni, rồi ỷ mình dòng họ cao quý sanh tâm kiêu mạn phá cấm giới của Phật, bị đọa địa ngục chịu vô lượng tội. Do được phúc duyên đắp y cà-sa vào thời Đức Phật Ca-diếp, nên đời này cô gặp Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, xuất gia chứng quả vị A-la-hán.
Nên bà mới nói: “Tuy phá giới và do giới nhân duyên nên được chứng đạo quả A-la-hán.”
Mình được phúc duyên xuất gia tu đạo, nếu lỡ phạm giới, chẳng hạn như phạm giới ba-la-di chắc chắn đọa địa ngục. Hết tội địa ngục, lên rồi đi tu, thì chứng quả.
Một câu chuyện nữa:
Ở tại Kỳ Hoàn, có một vị Bà-la-môn say rượu đến xin Phật làm Tỳ-kheo, Phật liền sai A-nan cạo tóc. Khi tỉnh rượu, vị Bà-la-môn thấy mình đầu trọc lại mặc áo cà-sa nên ông la chửi. Tôn giả A-nan đến bạch Phật:
- Bạch Thế Tôn, tại sao vị Bà-la-môn này say rượu mà Phật lại cho làm Tỳ-kheo.
Phật dạy:
- Vị Bà-la-môn này trong vô lượng kiếp không hề có một niệm xuất gia, nay nhân say rượu nên mới tạm thời phát tâm chút ít.
Chỉ cần khởi một niệm xuất gia, được cạo tóc rồi, thì do nhân duyên này, trong thời vị lai gặp các bậc Thánh ra đời, ông tu tập chứng được đạo quả.
Quý thầy dám cho người say rượu xuất gia không? Chỉ năng lực của Phật mới thấy được tâm niệm và thọ ký cho họ. Sau này, họ xuất gia đắc đạo cũng do nhân duyên đó.
Nên lúc đắp y, mình phát nguyện đời đời hằng được đắp y ca-sa này. Mình được phúc duyên xuất gia học pháp với Hòa thượng, dù trong tùng lâm cũng có chuyện này chuyện nọ, nhưng nghiệm lại cũng an ổn hơn người thế tục. Các chuyện gia đình, làng xóm không còn làm phiền nhiễu nữa.
Trong Giới Đàn Kinh có ba nghĩa:
1- Mặc y ngũ điều dứt tâm tham của thân nghiệp và chứng Ngũ phần pháp thân hương.
Nhưng có nhiều người đắp y bảy, y chín rồi mà có dứt đâu. Nghĩa ở đây rất sâu. Trong Kinh Phật dạy:
“Chúng sanh lòng tham không có bờ bến, giống như uống nước biển, càng uống càng khát.”
Lòng tham này là tham cho cái gì? Quý thầy nghiệm kỹ đi, chẳng hạn các nước trên thế giới họ tranh đấu để làm gì? Cũng chỉ là ăn, mặc, ngủ nghỉ, bồ đắp cho cái thân ngũ uẩn này thôi, không có gì khác. Tại sao nói mặc y ngũ điều dứt tâm tham của thân nghiệp? Ở đây, không nằm trên sự nữa mà đi vào phần lý rất sâu: Mặc y ngũ điều là phải đi đến tinh thần quán chiếu: Mang cái thân nghiệp ngũ uẩn này, là luôn luôn mình tham chấp tham đắm. Nên nói mặc y ngũ điều dứt tâm tham của thân nghiệp.
Ngài A-na-luật đã chứng thiên nhãn đệ nhất, một hôm ngài nhìn xuống cõi địa ngục thấy người nữ rất nhiều, ngạc nhiên ngài đến bạch với Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Những vị nữ tín thí bố thí rất nhiều, cúng dường rất nhiều, đi nghe pháp cũng nhiều hơn người nam nhưng tại sao người nữ lại đọa địa ngục nhiều như thế?
Phật nói người nữ đọa vào địa ngục có ba nguyên nhân chính:
- Buổi sáng họ khởi niệm mong muốn của cải toàn thế giới, vũ trụ này về cho một mình họ hưởng.
Tức là dấy niệm tham. Dấy niệm tham là ngay trong giờ phút thực tại đó đi vào lục đạo rồi. Giữ tâm như thế thì cận tử nghiệp chắc chắn họ phải rơi vào đường ác. Nhìn cha mẹ mình là biết, tội người mẹ lắm, trong gia đình người mẹ luôn mong muốn của cải về cho con mình, có khi còn tạo ác nữa.
- Buổi trưa dấy niệm tật đố.
Thấy con người ta đỗ đạt, hạnh phúc họ chịu không nổi.
- Buổi chiều lại dấy niệm tham dục, mong muốn hết tất cả mọi người đến với mình thôi, đừng đến ai.
Mình đủ phúc duyên mặc y ngũ điều mình phải quán chiếu để phá tan ngũ uẩn: Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Nếu muốn dứt lòng tham phải quán chiếu, thực hành sâu. Năm uẩn là tiêu biểu cho ngũ điều. Tức là dùng Ngũ phần pháp thân hương.
Mình đừng nghĩ Bồ-tát Quán Tự Tại là Bồ-tát Quán Thế Âm. Bồ-tát Quán Tự Tại đây là đòi hỏi người hành giả phải luôn luôn an trú trong giờ phút thực tại. Khi hành sâu Bát-nhã ba-la-mật rồi, Ngài chiếu kiến ngũ uẩn đều không, liền qua hết khổ nạn. Khi đắp y ngũ điều, mình phải luôn luôn quán chiếu. Hành sâu là phải hành liên tục, không xen tạp một niệm nào hết, thì lúc này dù đi làm việc quý thầy cũng như đang mặc y ngũ điều. Còn mặc y ngũ điều, mà mình có tâm tạp niệm, thì chưa phải là mặc y ngũ điều.
Thiền thoại có ghi:
Ngài Tăng Triệu sắp bị vua chém đầu, ngài xin hoãn bảy ngày để làm một bộ luận, gọi là Triệu Luận, tức là luận của ngài Tăng Triệu.
Trước khi bị chém đầu ngài làm một bài kệ:
Ngũ ấm nguyên phi hữu,
Tứ đại bổn lai không.
Tương đầu lâm bạch nhẫn,
Nhứt tợ trảm xuân phong.
Nghĩa là:
Năm ấm vốn chẳng có,
Bốn đại xưa nay không.
Kê đầu kề gươm bén,
Dường như chém gió xuân.
Sắp bị chém đầu mà ngài xin hoãn bảy ngày để viết bộ luận, như vậy ngài đã quán chiếu thành tựu, nghĩa là ngài luôn luôn đắp y Ngũ điều. Nhờ đắp y Ngũ điều ngài thấy được năm uẩn, bốn đại đều không.
Chư Phật, Tổ luôn luôn dạy mình đắp y Ngũ điều. Trong lúc đắp y Ngũ điều, quý thầy phải phát tâm nguyện lớn đi vào cuộc đời này.
2- Mặc y Thất điều dứt tâm sân của khẩu nghiệp.
3- Mặc Đại y là dứt cái tâm si của ý nghiệp.
“Đắp y hai mươi lăm điều đọc bài kệ:
Lành thay áo Giải thoát
Phước điền y vô thượng
Ta nay đầu đội chịu
Rộng độ các quần mê.”
Sa Di Học Xứ ghi:
“Hai bài kệ trước là tự lợi, một bài kệ này chính là lợi tha. Chư Phật đã ngộ nên gọi là đại giác, chúng sanh còn mê nên gọi là quần mê.”
Nghĩa là đắp y này, ngay đó là gánh vác huệ mạng của Như Lai, giáo hóa lợi lạc quần sanh.
Trong Đại Bát-nhã nói:
“Tâm đại bi của Bồ-tát hằng rải trên khắp cả quần sanh, ngài luôn luôn sẵn sàng thực hành từ bi hỉ xả, bình đẳng đối với hết thảy mọi loài.”
Đắp y này rồi, thì các ngài luôn luôn phát tâm hạnh Bồ-tát đi vào cuộc đời này, để mà dìu dắt chúng sanh.
Kinh Tạng Nghĩa nói:
“Cà-sa có mười điều lợi ích lớn:
1- Vì Bồ-đề đạo.
2- Chúng ở cõi nhơn thiên.
3- Cha mẹ trở lại lạy.
Đắp y cà-sa này, thì cha mẹ trở lại lạy mình chớ mình không được lạy cha mẹ nữa. Khi chuẩn bị xuống tóc xuất gia, quý Thầy lớn kêu mình về nhà đảnh lễ cha mẹ. Sau này cha mẹ mất, thì mình cũng không được đứng trước quan tài đảnh lễ, vì giới của mình bây giờ lớn hơn cha mẹ. Mình giữ mười giới hoặc hai trăm năm mươi giới, trong khi cha mẹ chỉ giữ có năm giới thôi.
4- Sư tử bỏ thân.
5- Rồng mang khỏi nạn.
6- Quốc vương kính tín.
7- Chúng sanh lễ bái.
8- Quỷ La-sát cung kính.
9- Trời, rồng ủng hộ.
10- Đắc thành Phật đạo.
Sa Di Học Xứ ghi:
“Ba y như trên nguyên là Pháp phục của Tỳ-kheo, bậc Sa-di còn không cho mặc huống là người mới phát tâm ư? Nay muốn cho biết trước để đọc kệ chú, trước hiểu hạnh nguyện Bồ-tát thù thắng như vậy.”
Ba y này Sa-di không được mặc, chỉ hàng Tỳ-kheo thọ giới mới được mặc. Nhưng tại sao ở đây Sa-di học? Học để hiểu những hạnh nguyện của Bồ-tát đi vào cuộc đời này, để từ đó quý thầy kính tín Tam bảo.
Đến đây là bài cuối cùng, kết thúc phần Hai Mươi Bốn Oai Nghi.
Các bài mới
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 23 ):Đi tham học phương xa - 23/07/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 21): Đi Chợ - 09/07/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 22): Phàm Chỗ Ra Làm Không Được Tự Ý - 07/07/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 20 ): Vào Tụ Lạc - 14/06/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 19): Đi Khất Thực - 05/06/2018
Các bài đã đăng
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 18): Phép Đến Nhà Người - 30/04/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 17): Đến chùa cô Ni - 10/04/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 16): Phép ở trong liêu phòng - 27/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 15): Phép quanh lò hơ lửa - 27/02/2018
- Oai nghi - Con đường của sự tỉnh thức ( Phần 14): Phép nằm ngủ - 17/02/2018
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 88742
- Online: 17