Pháp yếu tu thiền
02/05/2020 | Lượt xem: 2180
HT.Thích Thanh Từ
Hôm nay sắp bước vào mùa an cư năm Kỷ Mão 1999, chư Tăng Ni đạo tràng Tổ đình Thường Chiếu và khu vực tỉnh Đồng Nai cùng câu hội về đây, thỉnh cầu tôi nhắc nhở những điều cốt yếu để tu hành. Nhân đây tôi có hai điểm muốn nói với tất cả quý vị: Điểm thứ nhất là nói về pháp yếu tu thiền, kế khuyến khích Tăng Ni cố gắng tinh tấn tu hành.
Trước hết tôi nói về pháp yếu tu thiền BIẾT VỌNG KHÔNG THEO. Có người đặt nghi vấn, pháp tu biết vọng không theo còn năng còn sở, nên sự tu chưa phải cứu cánh. Bởi vì vọng là cái bị biết, tức là sở; biết vọng là cái hay biết, tức là năng. Năng sở là pháp đối đãi, mà đối đãi thì làm sao đi tới cứu cánh ? Tôi sẽ giải thích rõ, để quý vị thấy được chổ sâu mầu của pháp yếu mà chúng ta đang ứng dụng tu.
Tất cả Tăng Ni phải nhớ, dù tu theo bất cứ một pháp nào thì bước đầu cũng phải có năng sở đối đãi. Như trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đưa thí dụ Diễn Nhã Đạt Đa, một sáng soi gương thấy đầu mặt rõ ràng, khi úp gương xuống không thấy đầu mặt nữa, bèn hốt hoảng ôm đầu bỏ chạy la “tôi mất đầu rồi!” Đây có phải là hiện tượng của người điên không? Ôm đầu của mình mà chạy la mất đầu, không phải điên là gì!
Chúng ta cũng vậy, tâm chân thật luôn có mặt đầy đủ, hằng ngày hằng giờ hằng phút chưa từng mất, thế mà mình cứ sống với cái suy nghĩ phân biệt rồi tưởng đó là tâm mình. Cho nên khi tâm vọng này lặng hay dừng lại thì liền hoảng hốt, nghĩ rằng mất mình rồi. Nhận bóng là mình nên khi bóng mất thì hoảng hốt, đó là mê lầm. Khi chúng ta đã lầm cho tâm suy nghĩ phân biệt là mình thì không bao giờ biết được cái chân thật, cho nên trên đường tu bước đầu phải NHẬN RÕ CÁI GÌ LÀ THẬT MÌNH, CÁI GÌ KHÔNG PHẢI THẬT MÌNH.
Thiền sư Vô Nghiệp, ai hỏi bất cứ câu gì Ngài chỉ trả lời “chớ vọng tưởng”. Bởi cái khởi nghĩ suy phân biệt là vọng tưởng, hư dối không thật, cũng như bóng trong gương. Biết rõ cái nghĩ suy là bóng thì chúng ta mới không lầm nó là mình, không để cho nó dẫn lôi mình đi. Tuy vọng này lặng, vọng khác lại khởi lên liên miên, nhưng chúng ta biết rõ là vọng, không theo nó. Biết vọng là giác. Vọng tưởng còn hay vọng tưởng lặng đều BIẾT rõ ràng, tức là đang tỉnh. Đây là một bước hết sức quan trọng trong việc tu của chúng ta.
Pháp yếu tu thiền mà chúng ta đang áp dụng tuy còn đối đãi năng sở, nhưng chính là ĐỊNH TUỆ ĐỒNG THỜI. Định tuệ đồng thời là đường lối tu của Lục Tổ Huệ Năng. Biết vọng tưởng không lầm, tức trí tuệ. Biết rồi vọng tưởng liền dừng lặng, tức định. Định tuệ đồng thời không tách rời nhau, cũng không phải có trước sau riêng biệt. Không phải đợi vọng lặng hết mới được định hoặc định rồi mới phát tuệ. Ở đây định tuệ song hành, định tới đâu thì tuệ tới đó.
Chúng ta đã rõ vọng tưởng là hư dối, còn cái biết được vọng tưởng mới gần với tâm chân thật, thì mỗi khi vọng tưởng khởi lên, chúng ta liền quở rầy nó. Cứ điều phục như thế từ từ vọng tưởng giảm dần, cường độ lôi kéo của nó không còn mạnh nữa, lúc đó tự nhiên mình làm chủ được nó. Tu không phải một hai năm mà làm chủ được liền, ít nhất cũng trải qua năm mười năm, hoặc hai ba mươi năm mới làm chủ được. Công phu ở giai đoạn đầu rất khổ nhọc, như chú mục đồng gặp trâu rồi mà phải tới giai đoạn thứ tư, thứ năm về sau mới bớt khổ. Tuy vẫn còn trâu còn chăn, tức có năng có sở, nhưng đã có thể ngồi yên trên lưng trâu hoặc dưới cội cây thảnh thơi thổi sáo.
Trên đường tu chúng ta cần phải lập chí vững chắc, dùng phương tiện giới luật để kềm chế tâm lung lăng. Thí dụ khi thấy cảnh duyên đẹp, liền tự nhắc giới luật của người tu không nên nhiễm sắc trần. GIỚI LUẬT là sợi dây xỏ mũi trâu hoang. Hoặc rầy quở nó, muốn xuống địa ngục hay sao mà chạy theo những tệ xấu đó ? Nhắc đi nhắc lại hoài, đương nhiên vọng tưởng không có cơ hội trỗi dậy. Đó là khéo điều phục nội tâm mình, từ từ sẽ được an ổn.
Tất cả chúng ta tu là đi trên con đường giải thoát, chứ không phải con đường tầm thường của thế gian. Đường giải thoát xa diệu vợi, nếu đi mệt thì tạm ghé trạm nghỉ ngơi xong rồi lên đường đi tiếp. Cứ đi hoài như vậy hết đời này sang đời khác, đừng tính ngày giờ tháng năm, chừng nào tới chổ mới thôi. Thẳng một đường mà đi, chăm hẳm mãi cũng có ngày sẽ đến. Có đi là có tiến, đi chậm tiến chậm, đi mau tiến mau.
Đức Phật đâu không nói, Ngài tu hành trải qua vô số kiếp đó sao? Vô số kiếp tức là nhiều kiếp quá không thể tính hết. Dù trên lý thì đốn ngộ, nhưng trên sự vẫn phải tiệm tu. Đốn ngộ là mới nhận được lý đạo, tuy tập khí trần tục mình đã nhiễm, bây giờ gỡ bỏ đâu phải là dễ.
Chúng ta loanh quanh cả ngày, ngoảnh lại một năm đã trôi qua. Một ngày ngồi thiền có mấy tiếng đồng hồ cũng không xong, ngồi đó mà lo nghĩ lẩn quẩn chứ đâu chịu thảnh thơi. Cứ như vậy thì một năm nhìn lại xem mình đã tới đâu. Thế nên Tăng Ni phải cố gắng nỗ lực tu hành, để cho vọng tưởng lắng yên đừng buông trôi qua ngày tháng. Đó là tôi nói về giáo lý thâm sâu của Phật pháp.
Sau đây tôi sẽ nhắc nhở tất cả Tăng Ni tu hành trong mùa an cư sắp tới. AN CƯ là thời gian mà hàng Phật tử tin tưởng và trông đợi, họ dồn hết tâm tư của mình hướng về Tăng Ni, ủng hộ cho chúng ta ở yên một chổ tu hành miên mật. Phật tử đã có tâm như vậy thì trách nhiệm của chúng ta trong ba tháng an cư này phải như thế nào? Nên lơ là hay phát tâm mãnh liệt?
Tất cả Tăng Ni phải nhớ, chúng ta tu chẳng những lợi ích cho riêng mình mà còn tạo dựng lòng tin cho Phật tử nữa. Vì vậy trong mùa an cư không thể cũng như những ngày bình thường, tu hành lơ là cho hết ba tháng rồi nhận đồ cúng dường của Phật tử. Nếu an cư chỉ để cho người cúng dường thì quả là xấu hổ, thật rất đáng buồn. Tôi nhắc tất cả Tăng Ni, dù ở trong các thiền viện hay am thất chung quanh, quý vị đều phải nhớ. Chúng ta không tu thì thôi, đã tu thì phải thực hành cho đúng, nói cái gì thì phải làm được cái đó. Nói ba tháng an cư tu hành thanh tịnh thì phải tu hành, cố gắng giữ gìn ba nghiệp cho thanh tịnh, chứ đừng tu lấy lệ.
Quý vị thấy, chỉ có ba tháng an cư mà được tính bằng một năm tuổi đạo. Vậy thì giá trị tuổi đạo chính là sức mạnh ở sự tu tập của mỗi người. Nếu ba tháng chúng ta tu không ra gì thì tuổi đạo của mình cũng không ra gì. Chúng ta tu hành xứng đáng không những đền trả được bốn ân, mà tự mình cũng không hỗ thẹn vì đã làm được lợi ích cho nhiều người.
Phật tử tin tưởng cúng dường cho Tăng Ni yên tu, mà chúng ta không chịu nỗ lực tu hành thì không xứng đáng thọ nhận. Tôi nghĩ rằng chẳng những an cư năm nay, mà mãi mãi về sau quý vị nên cố gắng tu hành miên mật hơn bình thường. Làm sao một mùa an cư qua là chúng ta có những bước tiến rõ ràng, khác với khi mới bước vào đầu mùa an cư. Chúng ta có quyết tâm tu hành như vậy, mới xứng đáng với lòng trông đợi của Phật tử, cũng xứng đáng tăng thêm tuổi đạo. Mong tất cả đều đạt được lợi ích, có những bước tiến đáng mừng, xứng đáng là người tu hạnh giải thoát./.
Các bài mới
- Những cánh hoa đàm (Phần 01) - 17/04/2020
- Tại sao chúng ta phải ngồi thiền - 13/02/2020
- Trí thức và trí tuệ - 03/02/2020
- Ý nghĩa ngày Phật thành đạo - 26/12/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt4) - 19/09/2019
Các bài đã đăng
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt3) - 11/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt2) - 04/09/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt1) - 30/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P3: Chân lý tuyệt đối (tt) - 30/08/2019
- Chìa khóa học Phật giảng giải - Chương 2: Thế nào là Phật pháp - P2: Chân lý tương đối - 29/08/2019
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 05378
- Online: 44