Phật pháp căn bản

05/02/2020 | Lượt xem: 2974

ĐĐ.Thích Khế Định

Có cô Phật tử thuộc một đạo tràng niệm Phật ở nước Áo nói rằng, Phật tử hiện nay đi tu học khá nhiều, nhưng khi hỏi Phật giáo là gì họ không biết. Có những người thường đi chùa, hỏi Tam Bảo là gì họ cũng không biết, cho nên đây là một thiếu sót. Vì thế, bài này chúng tôi muốn chia sẻ về căn bản của Phật pháp.

Người theo các tôn giáo khác như Ấn Độ giáo, đạo Hindu, hoặc Công giáo, những giáo điều của Kinh Thánh họ rất là rành. Phật tử mà không biết Phật pháp, không biết giáo lý của nhà Phật, thì khi có người hỏi, mình không biết thì rất là thiếu sót. cho nên ngày hôm nay chúng tôi muốn chia sẻ cho quý Phật tử.

Học Phật pháp, quan trọng nhất là chúng ta trang bị chánh kiến. Quý Phật tử ra chợ mua một món đồ, nếu phát hiện món đồ này là giả không phải thật, thì chúng ta chỉ mất một số tiền thôi. Nếu cả đời chúng ta toàn mua lầm đồ giả thì cũng chỉ lầm trong một đời thôi. Nhưng nếu không biết Phật pháp, chúng ta lầm, chấp giả cho là thật thì chúng ta mất nhiều đời người. Không những kiếp này trầm luân, mà đời đời kiếp kiếp chúng ta trầm luân nữa. Cho nên ngày hôm nay chúng tôi muốn trang bị cho quý Phật tử những dấu ấn, mà trong kinh A-hàm Đức Phật nói, nơi nào không có bốn con dấu của Đức Phật ấn vào thì nơi đó không phải là Phật pháp.

Chẳng hạn mình đến một công sở xin việc làm, phải có con dấu của vị giám đốc mình mới được vào làm. Cũng giống như muốn đi châu Âu, chúng tôi phải xin visa, phải có con dấu. Có con dấu rồi, khi đi từ Việt Nam đến phi trường Pháp, người ta phải kiểm tra con dấu này thật hay giả. Con dấu này thật thì mới được chấp nhận vào.

Cũng vậy, Đức Phật nói giáo pháp của Như Lai, dầu bất cứ nơi nào, nếu không có những con dấu này thì không phải là của Như Lai nói. Để thấy tầm quan trọng khi Đức Thế Tôn tuyên thuyết, nếu không có con dấu này thì không phải là Phật pháp.

Bốn con dấu đó gọi là Tứ Pháp Ấn: Vô thường, Khổ, Vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh. Như vậy thì nếu ai nói thân này là bền chắc, có một linh hồn bất diệt thì mình biết đây không phải là lời Đức Phật nói.

1 - Pháp ấn thứ nhất: Tất cả hành là vô thường.

Đức Phật chỉ cho ta cặn kẽ thân này vô thường, mỏng manh, tạm bợ, nó đi đến con đường hoại diệt, để cho mình bớt chấp ngã. Sở dĩ chúng ta đấu tranh, phiền hận, phiền não với nhau, không nhường nhịn nhau là do cái ngã mình quá lớn. Nơi nào có sự xung đột, bất đồng ý kiến với nhau là do cái ngã của những người nơi đó quá lớn. Chẳng hạn mình đưa ý kiến nào ra mình bắt buộc những người dưới mình phải theo. Mà khi quán chiếu về cái thân vô thường, mỏng manh tạm bợ, không có tự thể thì chúng ta rất là dễ bỏ qua.

Quý Phật tử lớn tuổi nếu không quán chiếu kỹ thì chúng ta rất dễ chấp ngã. Bởi vì cái chấp ngã này từ khi chúng ta sanh ra nó đã có mặt, gọi là câu sanh ngã chấp, nó đi theo suốt cả cuộc đời của mình. Mấy mươi năm trong cuộc đời mình có rất nhiều sự chấp ngã nó dính khằn vô rồi, bây giờ chúng ta phải làm như thế nào để phá, để không còn chấp ngã nữa, để đạt đến vô ngã. Đó là tinh thần cái ấn thứ nhất của nhà Phật.

Phật dạy thân vô thường không phải để quý Phật tử bi quan yếm thế, mà để cho thấy cuộc đời này rất mỏng manh tạm bợ, để mình dễ buông xả và có lòng tha thứ đến người khác. Chẳng hạn mình chấp mình là mẹ, là bà nội, là người lớn, thì mấy đứa nhỏ nói mình không chịu nghe. Mình hay đưa ra những cái lệnh bắt buộc những người dưới phải nghe mình, mà những lời nói của mình chưa chắc đúng.

Trong kinh Tương Ưng Bộ, có một thầy Tỳ-kheo khi quán chiếu về tứ đại sắc thân vô thường, thầy chứng nhập vào dòng Thánh và đến bạch Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, sắc là vô thường, cái gì vô thường là khổ.”

Cái gì bản chất vô thường là khổ, từ cái nhà đến con người, nói khác hơn là vạn pháp. Quý Phật tử thấy vạn pháp có trường tồn mãi không? Ngày xưa khí hậu không bao giờ nóng như thế này, bây giờ khí hậu nóng lên. Bản chất nó vô thường, mà vô thường là khổ. Một lúc nào đó cái thân mình nó sẽ bị bể, bị nát, bị vụn, bị đi đến con đường hoại diệt. Mình không quán chiếu về sự vô thường thì mình khóc lóc, sợ hãi. Nhưng hằng ngày mình quán chiếu là cái thân này có một lúc nó sẽ tan vỡ, sẽ bị hoại diệt, mà cái gì tan vỡ, hoại diệt thì bản chất nó là khổ chứ không phải là hạnh phúc.

Quán chiếu thân vô thường, về sự khổ của thân; cũng như quán niệm về cái chết, về sự tan rã của thân không phải là bi quan yếm thế mà chúng không còn chấp và xả ly cái tham. Xả ly lòng tham chấp thì tức khắc con đường hạnh phúc có mặt.

Đó là phương pháp tu tập trong bốn bộ kinh A-hàm, nói khác hơn là hệ nguyên thủy mà chúng ta phải nắm bắt, bởi vì hệ nguyên thủy là pháp căn bản. Quý Phật tử tu tập về pháp môn thiền hay pháp môn niệm Phật, mà tâm mình chấp ngã, cứng ngắc, thì chúng ta không thể nào buông xả hết những tham chấp trong cuộc đời. Không buông xả được thì khi thân này chuẩn bị tan rã mình bám víu vào. Bám víu vào thì không thể nào chúng ta được tái sanh lên cảnh giới an ổn. Như vậy, chúng ta học qua pháp căn bản để chuẩn bị hành trình rất dài khi tiến thẳng vào công phu. Cho nên pháp này gọi là pháp căn bản, là cái gốc.

Cây mà không có gốc, không có rễ thì cây không sống được. Hoa quả cuối cùng của cây giác ngộ chính là Thiền Tông đốn ngộ, nhưng nền tảng căn bản của Phật pháp là những con dấu này, chúng ta phải từ đó mà đi lên. Học Phật pháp không có căn bản giống như chúng ta xây nhà lầu mà chỉ xây tầng trên, hai tầng dưới chúng ta không chịu xây.

Trong kinh Bách Dụ kể câu chuyện:

Có ông trưởng giả lên thành phố chơi, thấy người ta xây một căn nhà có ba tầng lầu, ông rất thích tầng lầu cao nhất, còn hai tầng dưới ông không thích. Ông về mướn thợ xây, bảo xây cho ông căn nhà cao ba tầng, mà chỉ xây tầng trên cùng thôi, không xây hai tầng dưới. Thợ xây nói không được, nếu không xây nền, xây móng, từng bước đi lên thì không thể nào xây được.

Cũng như thế, chúng ta học Phật pháp mà chúng ta mất căn bản, có nhiều khi chúng ta chấp pháp nữa. Mà pháp là gì? Pháp là phương tiện, là cái trợ duyên chớ chưa phải là cứu cánh rốt ráo. Cho nên cái gì mà bị biến hoại, bị hoại diệt tức là khổ. Những gì vô thường và khổ ắt phải chịu sự biến hoại. Con người mình sanh ra đời, lớn lên, rồi bệnh, rồi chết. Những gì vô thường phải chịu sự biến hoại của cuộc đời, của thời gian và không gian, chớ không có đứng vững mãi.

Lúc thân còn mạnh khỏe thì mình có thể tu tập được. Đến khi tuổi lớn rồi, chúng ta ngồi thiền hoặc ngồi niệm Phật, lưng thì đau, chân thì mỏi nhức, bởi vì bản chất nó hoại diệt. Biết được như thế thì sáng thức dậy bốn giờ hoặc năm giờ, chúng ta xếp chân lại chúng ta ngồi thiền hoặc tụng kinh, niệm Phật, tùy theo phương pháp mà chúng ta tu trì. Mình biết chắc chắn cuộc đời mình sẽ đi đến con đường này thì chúng ta gắng sức tu học, chớ không để bị thời gian nó chi phối.

Quý Phật tử nghiệm lại, ngày xưa mình ăn ngon, ngủ ngon, ai động gì cách mấy mình vẫn ngủ. Bây giờ chỉ cần tiếng động nhẹ là mình thức dậy luôn ngủ lại không được nữa. Như vậy là thân mình bị biến hoại theo thời gian, biến hoại theo thời gian thì sự tu học của mình bắt đầu đi xuống. Đức Phật dạy con người mình có một trăm năm thôi, mà hết năm chục năm ngủ nghỉ, hai mươi lăm năm công phu tu tập, còn hai mươi lăm năm là thị phi trong cuộc sống.

Như vậy thời gian tu tập của chúng ta rất là ít ỏi trong cuộc sống giữa đời thường này. Biết như thế để chúng ta gắng sức tu. Gắng sức tu ở đây không phải là về mình tu rút, tu mà không ăn không ngủ. Tu ở đây tức là tu trong từng sát-na của niệm. Một niệm ngày xưa tật đố ích kỷ, xan tham, sân hận, phiền tức nó dấy khởi lên chúng ta đắm đuối, chúng ta dính mắc, chúng ta theo. Còn bây giờ chúng ta biết rằng cái này nó không phải là của mình, không phải là ta, là của ta, là tự ngã của ta thì quý Phật tử buông cái một. Đi trên một đoạn đường dài chúng ta thấy từng chiếc lá rơi xuống, hoặc là chúng ta thấy một cái hòn sỏi bên cạnh đường cũng là một phương pháp cho chúng ta tu.

Khi quý Phật tử đến chùa Phổ Bảo này, cũng là phương pháp khi quý Phật tử tu. Chẳng hạn lên chánh điện chùa Phổ Bảo có khi nào mình đội nón hoặc mang giày dép không? Đó cũng là một bài pháp. Đặt chân lên mảnh đất Phật điện, chúng ta phải buông xả những cái gì chúng ta nắm níu, thì lúc đó quý Phật tử tụng kinh, ngồi thiền, niệm Phật đều có công đức hết. Tức là khi đặt chân lên mảnh đất thực tại thì chúng ta phải cố gắng buông xả, đó là thực tại diễn bày ra. Buông bỏ những dòng sinh mệnh của chúng ta, những cái nghĩ vẩn vơ đây đó. Đó là chúng ta đang tu.

Rồi khi mình thắp cây hương, cái gì rớt xuống? Cái tàn rớt xuống. Cái gì bay lên? Khói bay lên. Thì như vậy, cái gì nhẹ nhàng thanh thoát bay lên, cái gì nặng nề rớt xuống. Cũng vậy, khi tâm thức của chúng ta không dính mắc, không phiền hận, không có sự uất hận, không có sự chấp ngã, không có sự hơn thua, thì tâm của chúng ta thanh thoát, tự tại. Không dính mắc thì chắc chắn chúng ta giải thoát. Còn nặng nề tức là phiền não dính mắc nhiều quá, đụng một chút là chúng ta bực tức, phẫn nộ thì mình biết chắc chắn mình chết sẽ bị chìm xuống. Đơn giản vậy thôi.

Thầy Tỳ-kheo nói:

“Những gì vô thường và khổ thì chắc chắn sẽ bị biến hoại, con không còn nghi ngờ gì về vấn đề này nữa. Do đó con không có lòng tham, không có lòng dục, không còn lưu luyến đối với các sắc. Bạch Thế Tôn, thọ, tưởng, hành, thức cũng lại như thế.”

Khi một thầy Tỳ-kheo quán sát về năm thủ uẩn, thì ngài thấy rằng năm thủ uẩn này giống như năm dòng sông biến dịch, biến đổi liên tục. Bây giờ quý Phật tử ngồi thiền lại đi, quý Phật tử thấy thọ, tưởng, hành, thức của mình nó giống như năm dòng sông biến đổi liên tục, không đứng yên một chỗ. Thấy được như thế thì mình không có lòng tham, lòng dục, lòng khát ái, lòng phẫn nộ. Cho nên tinh thần của nhà thiền là ngồi lại để quán chiếu chớ không gì hết.

Quán chiếu mình thấy rằng sắc thân này nếu là của mình thì nó phải đầy đủ ba yếu tố: Một là chủ tể, hai là đồng nhất, ba là bất biến. Nhưng mà quán chiếu thật kỹ, nó không phải là chủ tể, mình làm chủ không được. Nếu nói làm chủ được thì mình nói móng tay móng chân đừng ra, nó ra không? Tự động nó ra hay là mình kêu nó ra? Rồi có những lúc mình đau bụng, nhức đầu, mình nói là mày đừng có đau bụng, đừng có nhức đầu, được không? Cũng không được luôn, bởi vì mình làm chủ nó không được. Tự nó sanh, tự nó diệt, vậy thôi.

Điều đặc biệt nhất trong tinh thần nhà thiền là quán chiếu cái dòng sông biến dịch này. Tuy rằng mình không làm chủ được thân này nhưng có một cái gì nó thầm thầm bên trong, các vị Thiền sư nói là tánh biết, là Phật tâm, là bản thể của mình. Biết rõ ràng nó biến dịch, chẳng hạn mình đau biết mình đau. Đau biết đau thì không còn bị cái đau nó dẫn dắt mình nữa.

Chẳng hạn như nước Đức ngày xưa sức nóng khoảng chừng ba chục độ, mà bây giờ nóng tới ba mươi lăm, ba mươi tám độ. Nếu quý Phật tử cứ than vãn, ta thán thì mình càng thấy nóng nhiều hơn nữa. Mà cái gì thấy được sức nóng từ bên ngoài nó đến? Biết được như thế thì mình làm chủ được cái nóng.

Có một vị tăng đến hỏi Thiền sư Động Sơn:

- Khi nóng lạnh đến phải làm thế nào?

Thiền sư Động Sơn nói:

- Lạnh thời lạnh quá xà-lê, nóng thời nóng quá xà-lê.

Trả lời vậy thôi. Lạnh mà mình tột được cái lạnh thì nó không lạnh nữa. Cho nên qua điều kiện của khí hậu của thiên nhiên, khi chúng ta thấu thoát được rồi thì chúng ta bình ổn. Chẳng hạn quý Phật tử là con người, tôi cũng là con người, nhưng mà tôi sống những chỗ khắc nghiệt tôi chịu đựng được, tôi không than vãn, không trách trời, không trách đất, cũng không trách một người nào hết. Đó là tôi sống theo cái bản thể tùy duyên, tùy duyên đến và tùy duyên đi. Trong cái bản thể tùy duyên đó tôi đang thực tập phương pháp công phu tu tập quán chiếu. Hiểu được như thế thì quý Phật tử đi đâu sống cũng được, đi đâu sống cũng tự tại an ổn không có gì ràng buộc câu thúc. Không ràng buộc câu thúc, khi cái chết đến chúng ta giải thoát.

Bởi vì tùy duyên chúng ta đến đây, thì chắc chắn rằng có một lúc nào đó tùy duyên chúng ta ra đi, không buồn, không khổ, không than trách gì hết. Chẳng hạn bây giờ tôi đang ở đây, không có khói xe thì tôi biết không có khói xe, không có bụi bặm thì tôi biết không có bụi bặm. Nhưng khi về đất nước của chúng tôi có khói xe có bụi bặm, đường sá nó như thế này thế kia tôi cũng bình thản. Duyên tôi đến đây năm tuần tôi sống như thế này, khi hết duyên ở đây tôi về lại đất nước Việt Nam tôi cũng sống theo cái tùy duyên.

Khi sống được cái tùy duyên thì giống như một đám mây. Quý Phật tử thấy đám mây nó do móc đinh cột lại, hay nó do cái gì có? Hiểu được như thế thì mình sống sao giống như một đám mây, đủ duyên nó hình thành. Khi nhìn trên bầu trời thấy đám mây hình con chó, con sư tử, con mèo, con cọp, những hình ảnh đó lâu hay mau? “Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.” Vân cẩu là gì? Là con chó, nó bồng bềnh trong đám mây. Cái gì thấy được con chó trong đám mây?

Cuộc đời của mình giống như một tuồng sân khấu, có khi chúng ta làm vua, có khi làm hoàng tử, công chúa, có khi làm hoàng hậu. Có lúc chúng ta khóc, có lúc chúng ta cười, có những lúc khổ đau, có những lúc hạnh phúc. Khi rã tuồng sân khấu trở về con người thật của mình rồi, thì tinh thần của nhà thiền nói: Đằng sau sân khấu ta là ai? Đây là đặc điểm của người tu tập quán chiếu về sự công phu.

Giáo lý của Đức Phật chỉ dạy cho chúng ta biết được rằng sắc là vô thường thì chúng ta không còn lưu luyến đối với sắc nữa. Không có lòng khát ái, ra đi chúng ta tự tại. Khi từ bỏ thân này mà còn khát ái về thân thì mình bỏ thân này mình lượm thân khác. Nhiều khi cái thân mình bây giờ sáu chục ký, mà mình còn tham còn khát ái, thì có khi mình lượm cái thân hai trăm hoặc ba trăm ký, là rớt trong loài súc sanh. Loài súc sanh có những con nặng hai trăm, ba trăm ký là chuyện thường. Chẳng hạn như con voi, con chim đại bàng… Phi cầm tẩu thú, rất là rõ.

Chúng ta học Phật pháp ít khi chịu lắng nghe để tu học, để tâm thức chuyển hóa mạnh. Chúng ta hay do dự bởi vì mình nghĩ mấy thầy nói vậy chứ mình còn mạnh đâu có chết gì đâu. Hiểu được tất cả rồi sẽ chết như thế bắt đầu chúng ta gia tăng tốc độ chúng ta tu học. Cho nên Thiền sư Hám Sơn sống vào thời nhà Minh nói:

Một mai vô thường đến,

Mới hay mộng huyễn thân.

Muôn việc đem chẳng được,

Chỉ nghiệp theo thức thần.

Một mai vô thường đến mình mới hay ra rằng cái thân này là mộng là huyễn thì trễ rồi. Lúc đó ngồi hối tiếc: Phải chi… Cho nên ngài Tinh Vân nói sở dĩ chúng ta tu mãi mà không thành tựu đạo nghiệp là vì có ba thứ nó ràng buộc. Một là tại, hai là bởi, ba là vì. Khi chúng ta bệnh khổ, chúng ta nằm xuống rồi thì mình nói: Tại tôi lo cho con tôi cho cháu tôi; Bởi vì ngày hôm nay tôi đi này đi kia; Vì tôi lý do này, lý do khác. Ba thứ tại, bởi, vì nên tu không được. Cho nên bây giờ mình về, mình đừng đọc gì nhiều, chỉ cần ghi trên đầu giường: “Sở dĩ tôi không thành tựu được đạo nghiệp là do: tại, bởi, vì.” Vậy thôi. Mình thấu thoát được tại, bởi, vì, tức khắc mình thành tựu đạo nghiệp, rất là đơn giản. Cuộc sống của chúng ta luôn luôn bị ba thứ này nó câu thúc mình, mình không vượt thoát được ba thứ này là chúng ta chìm mãi. Tại vì tôi cái này tôi cái kia cho nên tôi không ngồi thiền được, tôi không có tu học được bởi vì tôi ….

Khi vô thường đến thì mới hay cái thân là mộng là huyễn, muôn việc mình tính toán dầu cho giỏi cách mấy cũng không đem theo được. Khổng Minh Gia Cát Lượng khi phò Lưu Bị mong muốn gồm thâu trung nguyên lại một mối. Khi lừa được Tư Mã Ý vào trong ngõa long, ông phóng hỏa đốt, đinh ninh khi Tư Mã Ý chết rồi thì ông sẽ thành tựu đại nghiệp. Khi bị lừa vào trong núi đốt, Tư Mã Ý ngửa mặt lên trời than thì bỗng nhiên sấm chớp nổi lên, mưa xuống lửa tắt. Lúc này Khổng Minh chết đứng. Khi sự việc nó đến thì muôn việc mình tính toán cách mấy cũng không được.

Có một số Phật tử vì bận rộn làm ăn họ không nghiên cứu Phật pháp bao nhiêu, khi cái khổ đến chẳng hạn người thân ra đi thì họ hụt hẫng. Rồi bây giờ họ tính sẽ thu xếp bán hết tất cả để chuyên nhất vào con đường tu. Mà khi người thân họ mất họ mới giựt mình.

Tôi đã từng kể cho quý Phật tử chuyện cô công chúa đòi xâu chuỗi bằng những chiếc bong bóng nước. Khi tự tay cô lượm từng chiếc bong bóng lên, lượm đến đâu nó bể đến đó thì cô tỉnh ngộ.

Đức Phật kể câu chuyện này cho chúng ta thấy mình giống như cô công chúa. Hồi xưa giờ quý Phật tử lượm bao nhiêu chiếc bong bóng nước rồi? Lượm nhiều hay ít? Công danh, sự nghiệp, nhà cửa, con cái, đó là những chiếc bong bóng nước. Mình gầy dựng rất nhiều, mà một lúc nào đó những chiếc bong bóng nước này nó bể, nó nát, nó vụn, chúng ta không đem theo được một cái gì hết.

Đức Phật sau khi Ngài thẩm thấu được cuộc sống là như thế, Ngài rũ bỏ hết tất cả. Ngài tìm ra được một con đường, một chân lý tối thượng. Tôi không bảo quý Phật tử bỏ hết như Đức Phật, chúng ta làm mà đừng có dính mắc nhiều. Khi công việc đến nếu đủ duyên thành tựu thì chúng ta cũng không vui, mà khi nó mất chúng ta cũng không buồn, đó là người Phật tử biết tu. Một lúc nào đó người thân mình sẽ bể, sẽ vụn, rồi bản thân mình cũng có lúc bể, có lúc vụn. Lúc đó bao nhiêu việc tính toán mình không đem theo được gì hết. Nghiệm lại đời người thật là bi đát.

Có người hỏi ngài Lạt Ma thứ mười bốn, trong cuộc đời này Ngài thấy cái gì kỳ cục nhất? Ngài nói Ngài thấy con người là kỳ cục nhất. Hỏi tại sao? Ngài nói con người suốt cuộc đời làm lụng không nghỉ, làm ngày làm đêm, đầu tắt mặt tối để có thật nhiều tiền. Khi về già mang bệnh thì nói, bây giờ tôi hết tiền cũng được, nghèo cũng được miễn sao tôi hết bệnh.

Con người mình thật mâu thuẫn. Làm lụng cực khổ để dành dụm một số tiền thật lớn, đến khi bệnh thì mình đánh đổi, sạt nghiệp cũng được, miễn sao mình hết bệnh. Nghiệm lại cuộc sống, từ khi sanh ra, rồi lớn lên, lập gia đình có gì vui không? Chẳng có gì để mà thích thú!

Như câu chuyện trong Nghệ thật sống, cuộc đời con người thời trẻ chẳng khác gì con lừa, làm lụng quần quật để nuôi con. Khi con cái lớn lên lập gia đình thì coi nhà coi cháu cho con, giống như con chó. Già thì làm trò nhảy nhót như khỉ cho cháu nó vui. Đức Phật nói nếu trong cuộc đời không có những cảnh khổ thì chúng sanh chưa chắc gì tu.

Đọc câu chuyện này tôi bị tác động mạnh. Hai mươi mấy tuổi tôi đã vào Thường Chiếu tu học. Có những người không hiểu họ nói chúng tôi thất tình, hay có vấn đề gì đó, chứ còn thanh niên trai trẻ mà tại sao đi tu. Tôi nghĩ nếu mình lập gia đình thì giống như con lừa phải cày, phải bươn chải. Rồi chúng ta có con có cháu bắt đầu giữ nhà cho nó. Cuộc đời của mình đi đến ngõ cụt chứ không có lối thoát. Giống như con tàu định mệnh, nó đi rồi kết thúc là rớt xuống vực thẳm, chứ không có kết cục tốt đẹp. Cho nên chúng tôi dứt bỏ hết tất cả để dấn thân vào con đường đạo.

Chúng tôi không phải nói để quý Phật tử dứt bỏ hết rồi cạo tóc vào chùa tu, mà chúng ta ý thức được cuộc đời là như thế, bắt đầu chúng ta dấn thân vào con đường tạo tất cả các việc thiện pháp, rồi chúng ta tu học để đời sau chúng ta thăng hoa lên. Mình phát nguyện đời này mình thăng hoa, đời sau thăng hoa hơn nữa, bởi vì mình cảm nhận được cuộc sống này nó vô thường, mỏng manh, tạm bợ.

Tôi từng nói với quý Phật tử, có thể nhịn ăn ba ngày, nhịn khát nửa ngày, nhưng mà nhịn thở một sát-na là chúng ta chết rồi. Thì như vậy mạng sống của mình, từ sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn, bản chất nó vô thường tạm bợ. Mà mấu chốt duy nhất là hơi thở, hít vào không thở ra là chúng ta chết.

Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật hỏi mạng người sống trong bao lâu. Thầy Tỳ-kheo thứ nhất trả lời mạng người sống trong vài ngày. Phật nói ông chưa thấy đạo. Thầy Tỳ-kheo thứ hai nói mạng người sống trong bữa ăn. Phật nói ông cũng chưa thấy đạo. Thầy Tỳ-kheo thứ ba nói, bạch Đức Thế Tôn, mạng người sống trong hơi thở. Phật bảo ông đã thấy được đạo.

Khi quý Phật tử tọa thiền, hít thật sâu, thở thật nhẹ thì mới thấy hơi thở này nó quá mỏng manh, quá vô thường. Buổi sáng ngồi thiền xong, tôi ngồi thả lỏng hết toàn thân, bắt đầu tôi theo dõi tiến trình của hơi thở. Khi theo dõi tiến trình hơi thở thì bao nhiêu phiền muộn cấu nhiễm tự nó rơi rụng hết. Cho nên tôi hay khuyên quý Phật tử là khi làm việc mệt rồi, mình khoan ăn uống gì, mình vào phòng của mình đóng cửa lại để không ai quấy rầy rồi chúng ta ngồi để tâm lặng xuống. Chỗ này không phải chỉ tu Thiền, tu Tịnh hay tu Mật; tu gì làm cũng được. Mình để cho tâm lắng xuống rồi, mình nhắm mắt lại bắt đầu buông xả toàn thân, nằm dài xuống coi như mình đã chết, không có mặt trong cuộc đời này nữa. Thì lúc này quý Phật tử lấy lại toàn bộ nguyên khí mà mình tổn thất trong suốt một ngày. Cho nên quý Phật tử thấy tôi đi giảng dạy rất nhiều, làm việc rất nhiều mà chúng tôi vẫn khỏe. Vì chúng tôi lấy hơi thở làm mạng mạch của đạo lý trong cuộc sống giữa đời thường. Đi đứng nằm ngồi, chúng tôi đều theo sát hơi thở, hơi thở là mạng mạch của sự sống. Hiểu như thế rồi thì quý Phật tử có điểm tựa, có điểm tựa thì mình vượt qua hết những nghịch cảnh. Cho nên mình mang ơn Đức Thế Tôn tìm ra con đường này, mình lạy Ngài tỷ tỷ lạy cũng chưa đủ.

Buổi sáng thức dậy quý Phật tử đừng vội xuống giường, rất dễ bị đột tử hoặc là tai biến bại liệt luôn. Mình ngồi xoa bóp, rồi hít thật sâu thở thật nhẹ, biết rằng mình còn sống. Chúng ta cám ơn cuộc đời cho mình sống thêm một ngày nữa. Trong một ngày đó chúng ta làm gì để lợi mình, lợi người.

Cho nên Sơ Tổ Trúc Lâm nói:

Số đời một hơi thở,

Lòng người hai biển vàng,

Cung ma dồn quá lắm,

Cõi Phật nào vui hơn.

Số đời chỉ một hơi thở thôi, mà lòng mình, hay nói khác hơn là tâm thức của mình thì giống như hai biển vàng. Khi mình đắm đuối vào sắc dục, vào vật chất quá, thì cung ma dồn quá lắm, cõi Phật nào vui hơn.

Bồ-tát Long Thọ ngài có làm một bài kệ rất hay:

Thế gian biết mấy vô thường,

Bóng trăng, thân chuối giả nương hợp thành.

Phước dù đến tận trời xanh

Gió vô thường đến cũng thành hư vô.

Ngài nói thế gian vô thường. Bóng trăng in dưới nước không có thật. Thân cây chuối mà lột từng bẹ ra thì không còn gì trong đó, giả nương hợp thành, không có lõi. Phước cho dù đến tận trời xanh, khi gió vô thường đến cũng hóa thành hư vô. Thấy được bản chất vô thường rồi bắt đầu chúng ta tu tập.

Trong lần nhập hạ thứ mười tám tại thành Kosana, Phật dạy cho các đại chúng:

“Đời sống không ổn định, cái chết thì chắc chắn. Chắc chắc rằng tôi sẽ chết.”

Đời sống không ổn định, mỏng manh, vô thường. Hôm nay nhức răng, mai nhức đầu, tứ đại bất hòa liên tục, mình phải điều hòa bốn con rắn. Hôm nào nhức mỏi, khó chịu quá là mình biết gió hơi nhiều, phải cạo gió. Hôm nào thân mình cảm thấy nặng nề quá là biết đất hơi nhiều, phải giảm ăn một chút.

Một vị Thiền sư bên Miến Điện ngài nói, khi phiền não không thể nào buông được, chỉ cần đọc một câu thần chú tức khắc sẽ buông xả được. Câu thần chú của ngài rất đơn giản: “Tất cả rồi ai cũng phải chết”. Tất cả người thân của mình sẽ chết, mình cũng chết, có đâu mà buồn khổ, có đâu mà phiền hận. Chắc chắn rồi ai cũng phải đi con đường này. Nếu không đi qua con đường này chắc không ai chịu tu. Chúng ta dấn thân vào con đường này chúng ta tu học vì mình biết chắc chắn mình sẽ chết.

“Cái chết sẽ chấm dứt tôi, cuộc đời là vô thường, không ai tránh khỏi cái chết.”

Hồi xưa người ta nói ông Bành Tổ sống tám trăm tuổi:

Hay như Bành Tổ sống đời,

Tám trăm tuổi thọ, nay thời còn đâu.

Giờ có ai thấy ông Bành Tổ không? Vua Hán Vũ Đế nói người nhân trung dài là người sống thọ. Nghe vậy ông Đông Phương Sóc, là quan đại thần, cười khặc khặc. Vua nói chuyện mà cười là mang tội khi quân, bị chém đầu. Vua Hán Vũ Đế sai quân lính trói ông Đông Phương Sóc lại đem chém đầu. Ông Đông Phương Sóc nói:

- Bệ hạ trước khi chém hạ thần, xin cho hạ thần nói một lời thôi rồi hạ thần chết cũng được

- Ông cứ nói.

- Hạ thần nghe bệ hạ nói người nào nhân trung dài là sống thọ. Hạ thần nghĩ ông Bành Tổ sống tám trăm tuổi, chắc cái mặt ông dài một thước, cái nhân trung dài một khúc. Nghĩ vậy thần mắc cười quá nên thần cười.

Lúc này vua Hán Vũ Đế mới tha tội chết cho Đông Phương Sóc.

“Khi cái chết đến, người không quen quán niệm về sự vô thường và sự chết sẽ ra đi trong đau khổ và sợ hãi.”

Mình không quán niệm liên tục, khi cái chết đến bất thình lình mình rất sợ hãi, rất đau khổ.

“Người quen quán niệm về cái chết và sự vô thường thì bình tĩnh không sợ hãi khi chết đến.”

Ngày nào tôi cũng bỏ ra hai chục phút nằm hít thở, tôi nói tôi chết rồi. Hít thở một đoạn, mình biết mình còn sống. Bây giờ bên Thái Lan có dịch vụ trải nghiệm chết thử. Mình nằm dài, thở nhẹ coi như chết, bắt đầu họ đến tẩn liệm mình giống như người chết thật. Xong họ bỏ vô hòm, mướn người đến khóc lóc kể lể đủ điều. Mình nằm trong không gian chật hẹp, tối om trong khoảng vài phút để trải nghiệm những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc đời. Rồi mình bung dậy hít thở mình biết mình sống. Ra khỏi cái hòm mừng quá, lúc đó tự nhiên bao nhiêu phiền hận ngày xưa mình thấy vụn vặt mình bỏ hết, vì may mắn là mình còn sống.

Tôi luôn luôn quán niệm về cái chết, mỗi lần lên xe hay máy bay, đến nơi tôi biết mình còn sống. Nhờ quán niệm liên tục, nên khi máy bay trục trặc ai cũng hoảng hốt la khóc, tôi bình thường. Tôi ngồi nhiếp niệm theo dõi từng hơi thở của mình. Lên máy bay tôi ít khi cài dây an toàn, vì cài dây an toàn tôi thấy khó chịu. Sợ người ta thấy tôi lấy mền che lại. Nhưng nói thật với quý Phật tử là tôi luôn luôn cài dây an toàn trong suốt cuộc đời, trong từng sát-na của mình. Dây an toàn mình cài mãi trong suốt cuộc đời của mình là:

Không làm các việc ác,

Nên làm các việc lành.

Giữ tâm ý thanh tịnh,

Là lời Chư Phật dạy.

Lên máy bay mới cài dây an toàn là trễ rồi.

Có một ông lái thuyền, trên thuyền có một nhà bác học đi quá giang. Ra giữa biển nhà bác học hỏi:

- Anh lái thuyền bao lâu rồi?

- Tôi lái thuyền ba chục năm rồi.

- Anh có học hải dương học chưa?

- Tôi chưa học.

- Anh đi thuyền mà không học hải dương học, vậy anh mất một phần ba đời người rồi. Anh học chiêm tinh học chưa?

- Tôi chưa học chiêm tinh học.

- Anh mất một phần ba đời người nữa. Anh đi thuyền mà anh học thiên văn học chưa?

- Chưa.

- Vậy là anh mất nửa đời người.

Bỗng nhiên mây mù kéo đến, sấm chớp nổ ì ùng, sóng cuồn cuộn lên. Ông lái thuyền quay qua hỏi:

- Thưa bác học, bác đã từng học bơi lội học chưa?

- Bơi lội học là gì?

- Bơi lội học có nghĩa là khi thuyền chìm thì mình bơi mình lội vào bờ.

- Chưa, tôi chưa học bao giờ.

- Vậy là ông mất một đời người.

Cũng như mình, học đủ thứ mà không học bơi lội học. Mình nghiên cứu đông tây nam bắc, cái gì mình cũng biết mà tu tập mình không tu, đó là mình mất một đời người. Khi thuyền chìm, anh lái thuyền biết bơi lội học rồi, anh bơi vào bờ anh sống. Còn người lo đủ thứ chuyện mà không học bơi lội, khi chiếc thuyền nó chìm, thân ngũ uẩn mình nó rã, nó chìm, lúc đó chỉ có bơi lội học mới sống thôi.

Ngài Milarepa nói: “Tôn giáo của tôi là làm sao đến sống và chết không ân hận khi vô thường đến.” Chỉ bao nhiêu đó thôi. Việc cần làm cho gia đình, người thân, cho xã hội mình làm xong, bản thân mình sống hoàn thiện. Không có gì ân hận thì khi vô thường đến mình ra đi nhẹ nhàng.

Vua Trần Thái Tông làm bài kệ:

Vạn sự nước trôi nước,

Trăm năm lòng nhủ lòng.

Vạn sự nó trôi mãi, nhưng trăm năm lòng nhủ lòng mình phải làm gì cho đừng có ân hận khi vô thường đến.

Một hôm Khổng Tử đứng nhìn dòng sông Dịch Thủy chảy mãi, ngài làm bài kệ:

Thệ giả như tư phù,

Bất xả trú dạ.

Mình đừng học chi nhiều, bao nhiêu đó thôi là tự nhiên mình buông xả nhẹ nhàng. Tôi đã từng làm Phật sự rất là mỏi mệt nhưng khi về tôi đọc:

Thệ giả như tư phù,

Bất xả trú dạ.

Tức là:

Chảy mãi chảy mãi ư,

Ngày đêm không dừng nghỉ.

Buông cái một, không có gì để mà mình dính mắc nhiều. Những bài pháp của Đức Phật dạy rất hay, rất cặn kẽ. Có những người Mỹ nói người phương Đông có một kho tàng vô giá Đức Thế Tôn truyền trao lại mà không biết. Trong khi người phương Tây chúng tôi mới dò dẫm nắm bắt thôi mà chúng tôi thấy rất vô giá, rất trân trọng.

Đức Phật dạy muốn thoát sự khổ đau khi vô thường đến thì chúng ta phải thực tập quán niệm:

1 - Mọi người đều phải chết.

2 - Tuổi thọ đang giảm xuống theo thời gian.

3 - Thời gian dùng để tu tập trong cuộc đời này là rất ngắn.

4 - Sống chết không hạn định.

5 - Có nhiều nguyên nhân đưa đến vô thường.

Chẳng hạn một con rắn độc cắn, chết! Một cơn gió độc thổi qua, chết! Một cú tai nạn va chạm, chết!

6 - Cơ thể con người quá mỏng manh.

Nó giống như cái bong bóng nước vậy, đụng vô là bể, không có gì bảo đảm.

7 - Tài sản và thú vui không thể giúp ta.

8 - Người thân của ta không giúp được ta.

9 - Cơ thể của ta cũng không giúp được gì.

Đó là những điều mà bản chất vô thường đem đến. Bài pháp giúp quý Phật tử có cái nhìn chánh kiến, để chúng ta vui với cuộc sống. Chúng ta làm mà không trụ tướng, từ đó chúng ta vươn lên. Trong cái vô thường mỏng manh tạm bợ này, còn có một cái thường hằng vĩnh cửu. Nhờ vô thường mà đứa con mình trưởng thành, nó lớn lên. Nhờ vô thường nên khi gieo xuống một hạt lúa mì, chúng ta có bánh mì ăn. Khi quý Phật tử bị một vết thương lở loét làm mủ, nếu không có vô thường thì vết thương không lành. Cũng nhờ vô thường mà bây giờ mình biết tu, mình bớt tham bớt sân hơn ngày xưa. Nhờ vô thường mà phiền não khổ đau theo thời gian chấm dứt. Nhờ vô thường mà chúng ta tu tập từ phàm phu tiến lên con đường thánh quả. Nhờ vô thường mà có một lúc nào đó chúng ta thành Phật tác Tổ. Mọi cái đều nhờ vô thường. Như vậy chúng ta phải cảm ơn vô thường.

Một vị Thiền sư nói: “Cảm ơn cuộc đời đem đến sự vô thường cho tôi mà ngày hôm nay tôi mới trưởng thành tôi đứng lên.” Mỗi người chúng ta đều phải cảm ơn vô thường. Vô thường này không phải Đức Phật nói mà vạn pháp đồng nói lên: “Tất cả đều là vô thường.”

Chúng ta đã học sự vô thường của thân. Đức Phật dạy thân mình mỏng manh, tạm bợ, dễ bị bể bị vụn, đi đến con đường hoại diệt. Với cặp mắt của Đức Phật hay với những người có công phu tu tập, tâm mình nó cũng vô thường.

Chẳng hạn sáng nay mình định đến chùa Phổ Bảo tụng kinh Pháp Hoa, thì có người rủ mình đi siêu thị, hôm nay có một món đồ giảm giá, từ một trăm euro hạ xuống còn có mười euro. Mình nghĩ chủ nhật này không tụng thì chủ nhật sau tụng, mình đổi ý mình đi mua đồ, không đi chùa tụng kinh Pháp Hoa. Rõ ràng bản chất cái tâm nó vô thường, nhưng đa phần là mình muốn người ta lúc nào cũng phải theo ý mình, mà không biết rằng cái tâm mình mai nghĩ thế này, mốt nghĩ thế nọ.

Có cô Phật tử khi người thân không sống với cô nữa, cô buồn khổ định quyên sinh. Khi chuẩn bị tìm đến cái chết, nhìn lên trang thờ Phật, cô thấy bó hoa hôm kia cô cắm rất là tươi xanh mà bây giờ nó héo úa. Chồng cô cũng vậy, ngày xưa rất là thương yêu cô, sống với nhau một thời gian thì bây giờ tâm cũng vô thường, tại sao mình muốn lúc nào tâm người ta cũng đứng yên một chỗ. Khi hiểu ra tự nhiên cô hết khổ.

Người mà không biết tu thì luôn luôn chạy theo những tâm niệm. Người lớn tuổi ít khi nghĩ đến tương lai mà hay nhớ đến quá khứ. Chẳng hạn nhớ quá khứ ở Việt Nam mình đang làm ăn giàu có, bây giờ qua đây sự nghiệp không bằng như ngày xưa nữa. Tôi có quen một người, ngày xưa ở Việt Nam anh làm bác sĩ, nhưng khi qua Canada anh phải thi lại, thi ba bốn năm mà cũng không đậu. Cuối cùng anh phải thi vào ngành y tá. Anh nói nếu không biết Phật pháp chắc anh sống không được. Nhờ biết Phật pháp nên anh không nghĩ đến chuyện quá khứ nữa.

Khi qua Bỉ, tôi có đến thăm nhà nuôi những người lớn tuổi. Họ được lo rất đầy đủ, từ ăn uống, vệ sinh cá nhân, tất cả là đều có bác sĩ y tá người ta lo hết. Mà chiều lại khoảng chừng bốn năm giờ, nhất là vào mùa đông, mấy bà cụ ra ngồi trên ghế nhìn xa xăm. Tôi đến chia sẻ, tôi nói sao bà nhìn xa xăm buồn vậy? Bà nói bây giờ bà rất nhớ nhà, nhớ con, nhớ cháu, nhớ ngày xưa ở đâu, ở đâu…

Thiền sư Bạch Ẩn nói cọp beo chó sói không sợ bằng vọng tưởng nó dẫn dắt mình đi. Chính vọng tưởng này dẫn dắt mình đi trong từng hơi thở, trong từng dòng sinh mạng của mình. Nó lôi dẫn mình, mình đắm đuối rồi mình chết chìm trong đó. Bên Mỹ họ kể câu chuyện, có hai người khám bệnh cùng một lúc, họ đều bị ung thư bao tử. Bác sĩ nói khoảng chừng một hai tháng sẽ chết. Người thứ nhất về khoảng chừng nửa tháng sau là chết. Người thứ hai về họ thấy con còn nhỏ quá, họ tìm cách nào đó để sống còn, họ buông xả không lo sợ. Rồi họ tìm đến những đạo tràng tu tập về con đường thiền, bắt đầu họ tu tập, một thời gian sau họ khám lại, bệnh không còn nữa.

Bản chất của tâm mình là vô thường. Có nhiều lúc mình nói, ở nhà tu cũng được, nhưng mà tu đó là tu tâm vô thường, mình suy nghĩ lung tung hết. Chẳng hạn sáng nay mình phiền não, nếu tâm đó là tâm của mình thì trưa nó phiền não, chiều nó phiền não. Nhưng sáng nó phiền não, trưa chiều có chuyện gì vui thì nó hết. Như vậy cái tâm này nó đắp đổi, nó sanh diệt vô thường, mà chúng ta luôn luôn sống với cái tâm đó. Do chúng ta luôn luôn sống với cái tâm vọng tưởng điên đảo, cho nên Đức Phật đưa ra rất nhiều phương tiện thiện xảo, lập bày ra các pháp môn để cho mình tu tập trở về bản thể, trở về cảnh giới thực tại. Người tu Tịnh thì trụ vào tiếng niệm Phật, người tu tập về con đường Thiền thì biết vọng không chạy theo, không đắm đuối nó.

Phương pháp nào cũng bắt buộc mình trở về cảnh giới thực tại soi lại chính mình, không rong ruổi trên pháp trần mà đắm đuối. Có những lúc chúng ta thổn thức, chúng ta khóc, đó là cái dòng tương tục từ quá khứ nó lôi về, mình nhớ chồng nhớ con, nhớ đủ thứ chuyện. Quá khứ qua rồi mà chúng ta luôn đắm đuối chết chìm trong dòng sông quá khứ. Còn người trẻ tuổi thì vọng đến tương lai.

Cho nên vua Ba Tư Nặc hỏi Phật:

- Bạch Đức Thế Tôn, tại sao các thầy Tỳ-kheo ăn ngày một bữa mà sắc diện rất là thù diệu, còn tụi con ăn rất là nhiều, một ngày ăn ba bốn lần luôn mà sắc diện lúc nào cũng khô héo.

Đức Thế Tôn nói:

- Do nhớ về quá khứ, vọng đến tương lai mà không an trú trong giờ phút thực tại. Giống như cây mà chặt lìa cành thì nó phải khô héo.

Phương pháp tu thiền là để chuyển hóa, không theo những vọng tưởng điên đảo đó.

Sơ tổ Trúc Lâm khi xuống núi có ông tăng hỏi ngài:

- Thưa tôn giả, ngài chứng được mấy thông?

Ngài khẳng định:

- Sáu thông.

Ông tăng nói:

- Năm thông kia gác qua. Thế nào là tha tâm thông?

Tha tâm thông là chẳng hạn người ngồi đối diện với mình họ suy nghĩ gì mình biết hết, đó gọi là tha tâm thông. Nhưng tha tâm thông của nhà Thiền là gì? “Đầy cả quốc độ, có bao nhiêu thứ tâm, Như Lai đều biết, Như Lai đều thấy.”

Quốc độ là quốc độ ở đâu? Là ngay nơi thân năm uẩn của quý Phật tử, quán chiếu soi lại thấy rõ rằng tất cả các thứ tâm: Tâm tham, tâm sân, tâm si, tâm tật đố, tâm ích kỷ, tâm bỏn xẻn mình thấy hết. Khi thấy được tâm tham thì mình không tham nữa. Thấy được bản chất của sân thì không còn sân nữa. Sở dĩ chúng ta chạy theo lòng tham, lòng sân vì chúng ta không thấy bản chất của nó. Khi chúng ta ngồi thiền chiếu rọi vào bên trong, thấy rõ bản chất của nó rồi thì chúng ta vượt thoát, không dính mắc nữa, chúng ta hết khổ.

Khi chúng ta ngồi yên lại bắt đầu vọng tưởng điên đảo dấy lên, ngày xưa mình đắm đuối chạy theo, bây giờ mình biết vọng tưởng không có thật, mình chỉ nhìn ngắm nó, giống như nhìn ngắm dòng sông. Mình ngồi trên bờ sông mình thấy rác rưởi trôi xuống, nhìn ngắm rõ ràng, nhưng mình không vớt rác đó lên, cũng không chận đứng dòng rác nữa tức là mình biết tu tập.

Chẳng hạn lâu lâu mình đi du lịch đến một vùng xa, mình ngủ ở khách sạn một đêm, sáng mai mình đi. Nhưng ông chủ khách sạn vẫn ở yên đó, ông thấy khách đến biết khách đến, khách đi biết khách đi. Bao nhiêu khách ông biết hết, biết mà bất động. Cũng vậy, khi chúng ta ngồi thiền hoặc ngồi niệm Phật, chúng ta thấy tất cả vọng tưởng dấy lên: nhớ nhà, nhớ chồng, nhớ con…, mà chúng ta duyên theo thì chúng ta sẽ sanh ra những cái tâm một là thương, hai là ghét, ba là buồn, bốn là khổ. Chúng ta không đem đến hạnh phúc vĩnh cửu ngay nơi thân năm uẩn của mình.

Như vậy tất cả các pháp môn bắt buộc mình ngồi yên lại để lắng tâm, để nhìn lại bản chất của tâm vô thường này. Nhận rõ được bản chất tâm vô thường thì chúng ta không chạy theo những cái tâm đó. Nhiều khi ý kiến mình không đúng, mà mình cố chấp cho là đúng. Thấy được bản chất tâm là vô thường, tạm bợ, mỏng manh như sương như khói, nhưng cái gì thấu thoát được cái tâm vô thường đó, là vấn đề chúng ta phải tu học.

Trong pháp hội của Thiền sư Bạch Ẩn, thiền sinh ngồi thiền rất trang nghiêm. Một hôm anh bán đậu hũ đi ngang qua, nhìn người ta ngồi thiền trang nghiêm bất động, anh thấy hay hay nên đến thưa với Thiền sư:

- Bạch Hòa Thượng, con không hiểu sao những vị tăng và cư sĩ ở đây lại ngồi yên bất động.

Thiền sư Bạch Ẩn nói:

- Đó là đang ngồi thiền.

- Ngồi thiền để làm gì?

- Sáng mai con đến ngồi con sẽ biết.

Sáng hôm sau anh nghỉ bán đậu hũ, anh đến xin ngồi thiền. Ngồi chừng nửa tiếng bỗng anh la lên: “Tôi thấy rồi, tôi nhớ rồi.” Mọi người tưởng anh ngộ đạo. Sau khi xả thiền, Thiền sư Bạch Ẩn nói:

- Này anh bán đậu hũ, việc của anh là rất hy hữu. Hồi nãy anh ngồi anh thấy cái gì?

- Dạ con ngồi con nhớ lại bà Bảy mua chịu con hai trăm ngàn đậu hũ hai năm rồi bà chưa trả, mà con cũng quên. Con ngồi thiền bỗng nhiên con nhớ.

Một người đang ngồi thiền mà nói tôi thấy rồi tức là ngộ một cái gì đó, ngộ này tùy theo mức độ sâu và cạn. Quý Phật tử ngồi thiền cũng vậy. Có những cái tự nhiên mình nhớ lại chuyện năm trên năm dưới. Mà nhớ đó là cái gì? Đó là vọng tưởng, là những hạt giống nằm rất là sâu.

Khi một ly nước để yên thì tất cả những cấu bợn lắng xuống hết và nước nó trong. Sở dĩ chúng ta thấy từng ngõ ngách của những hạt giống vì cái tâm mình nó trong, nó phẳng lặng, gọi là đại viên cảnh trí, soi chiếu hết tất cả những hạt giống xấu ác. Khi biết rõ những hạt giống xấu ác này là của mình, tự nhiên mình lùi một bước. Người nào càng tu học mà càng ngô ngã là chưa thấy được bản chất của tâm. Thấy được bản chất của tâm tự nhiên mình lùi một bước, có chỗ đứng.

Cho nên các vị Thiền sư các Ngài đi rất là thong thả, tự tại an ổn, vì các Ngài thấy được bản chất của những hạt giống xấu ác. Thấy rõ bản chất của những hạt giống xấu ác, bắt buộc mình phải ngồi yên để cho tâm mình lắng đọng, đó là phương pháp tu tập cốt tủy của nhà thiền, cốt tủy của đạo Phật. Chứ đừng bắt chước như anh bán đậu hũ, nhớ những hiện tượng đó rồi chạy theo, hoặc đắm đuối hoặc khóc, hoặc cười, hoặc là ta thán.

Trong kinh A-hàm, Đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo:

Đừng tìm về quá khứ,

Đừng tưởng đến tương lai.

Quá khứ thì không còn,

Tương lai thì chưa đến.

Hãy quán chiếu sự sống,

Trong giờ phút hiện tại.

Quý Phật tử có quán chiếu sự sống chưa? Khi chúng ta đi kinh hành, đi tản bộ, chúng ta thấy được sự sống chung quanh ta, nó không có trốn chạy đâu hết. Với cặp mắt Bát-nhã, chúng ta chiếu kiến vào năm thủ uẩn của mình và thấy rõ rằng năm dòng sông nó biến chuyển, kể cả sắc thân của mình. Thọ tưởng hành thức liên tục sanh diệt, liên tục biến đổi, và quán chiếu được sanh, già, bệnh chết. Tất cả những hiện tượng này không qua cặp mắt của người giác ngộ. Khi quán chiếu được sự sống trong giờ phút thực tại này rồi, quý Phật tử mới cám ơn cuộc đời cho quý Phật tử sống thêm một ngày nữa. Sống thêm một ngày thì chúng ta phải làm thế nào để đem lại sự an ổn, hạnh phúc cho người thân của mình, trong gia đình mình. Đó là quý Phật tử biết quán chiếu sự sống. Mà sự sống ngày hôm nay chỉ có mặt trong giờ phút thực tại chứ không để mai sau. Đó là tinh thần của nhà Thiền.

Hôm nào đang đi bách bộ, mình lắng tâm lại mà không có vọng tưởng, không suy nghĩ gì hết, bỗng nghe một cơn gió thổi qua, nghe tiếng chim, nghe dế gáy, nghe hết tất cả, nghe mà chúng ta không ở trên tướng sanh tâm, đó là sự sống. Sự sống luôn luôn hiển lộ, hiển bày hết tất cả. Những dòng sinh mệnh từ quá khứ và tương lai chỉ có mặt trong giờ phút thực tại. Quý Phật tử an trú trong giờ phút thực tại thì mình thấu suốt được quá khứ và tương lai, và khi đó thì mình biết mình phải làm cái gì. Chẳng hạn như một đứa học sinh chỉ cần chăm chú học trong giờ phút thực tại thôi thì tương lai nó sẽ thành đạt. Tương lai thành đạt thì quá khứ có mặt trong giờ phút đó luôn, tức là ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai.

Cũng giống như kinh Kim Cang nói ba tâm, tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc, ba tâm đó bây giờ mình điểm tâm nào? Bản chất của ba tâm là vô thường, thì cái gì thấy suốt được ba tâm đó? Cho nên nói:

Hãy quán chiếu sự sống,

Trong giờ phút hiện tại.

Kẻ thức giả an trú,

Vững chãi và thảnh thơi.

Phải tinh tiến hôm nay,

Kẻo ngày mai không kịp.

Cái chết đến bất ngờ,

Không thể nào mặc cả.

Người nào biết an trú,

Đêm ngày trong chánh niệm,

Thì Mâu Ni gọi là

Người biết sống một mình.

Chẳng hạn bây giờ ở đây rất đông người mà mình sống mình chánh niệm, mình tỉnh thức tức là mình sống một mình. Còn nếu quý Phật tử ở một mình, trong thất hay trong rừng mà vọng tưởng đủ thứ chuyện, tức là mình sống với số đông. Người biết sống một mình ở đây không phải trốn tránh đâu hết, mà sống giữa cộng đồng, giữa con người nhưng chúng ta không duyên về quá khứ, không tưởng đến tương lai.

Vạn Pháp Vô Thường

Vạn pháp vô thường thì quý Phật tử biết rồi. Chẳng hạn có những gốc cây cổ thụ rất lớn, dầu cho mấy trăm năm, mấy ngàn năm thì đến một lúc nào đó nó cũng hoại diệt. Ngài Hàn Sơn nói rất kỹ:

Mỗi sáng hoa héo rụng,

Trăm năm người đổi dời,

Hôm nay là cồn bãi,

Khi xưa là biển khơi.

Ngày xưa là biển khơi, bây giờ là cồn bãi, tức là vạn pháp nó biến dịch, vô thường.


2 - Pháp ấn thứ hai: Khổ

Tướng sanh

Ngày sinh nhật là ngày mừng mình sanh ra. Tại sao mình phải ăn mừng khi mình sanh ra? Tại sao khi một người con ra đời, mình làm cái lễ gọi là mừng sinh nhật. Mà tại sao khi người thân mất mình không mừng ngày tử? Theo tinh thần của nhà Phật, mà bây giờ khoa học cũng chứng minh, thần thức khi gá vào bào thai thì không phải là chuyện sung sướng. Khi mang hình hài của một đứa bé, người mẹ mà ăn đồ nóng, đồ cay, theo như Đức Phật diễn tả trong kinh, thì đứa bé giống như bị trăm ngàn mũi kim, mũi dao đâm vào người. Người mẹ ăn thức ăn cay nồng thì đứa con giống như ở trong một ngọn núi lửa. Khi người mẹ uống những thức uống nghịch lại sự thọ nhận của đứa con thì nó cảm thấy giống như hai hòn núi ép vào người, rất là thống khổ. Ở trong bụng mẹ thì tối thui, cho nên Đức Phật nói sanh tức là khổ trong bốn cái khổ của con người: Sanh, già, bệnh, chết.

Có những người họ sợ thế giới này quá, những vị A-la-hán tu nhập Niết-bàn rồi các Ngài không bao giờ xuống cõi này nữa có lý do. Nhưng mà với cặp mắt giác ngộ của nhà Phật, khi Đức Thế Tôn phát nguyện xuống cõi này, ngài vào trong một cung điện ở cung trời Đâu Suất Ngài nhập định, nhưng Ngài đã xuống nhập vào bào thai. Trong bào thai của Phật Mẫu Ma Gia thì cung điện của trời Đế Thích cũng không bằng. Khi một vị Bồ-tát gọi là nhất sanh bổ xứ xuống cõi ta-bà này, thì vào ở trong bào thai mẹ không phải giống như người thường của chúng ta.

Ôn Như Hầu có bài thơ:

Thảo nào khi mới chôn nhau,

Đã mang tiếng khóc ban đầu mà ra.

Khóc vì nỗi thiết tha sự thế,

Ai bày trò bãi bể nương dâu.

Trắng răng đến thuở bạc đầu.

Tử sinh, kinh cụ làm nao mấy lần.

Khi một đứa bé sanh ra đời, nó mang tiếng khóc chào đời trước, đó là sự thống khổ đằng đẵng những thời gian kế tiếp nữa. “Khóc vì nỗi thiết tha sự thế, ai bày trò bãi bể nương dâu”. Ai bày ra? Chính mình bày ra, rồi từ cái nghiệp bắt đầu nó lưu chuyển gọi là hoặc nghiệp và khổ. Hoặc là mê lầm, mình bày tức là mình tạo nghiệp. Khi mình mê lầm mình tạo nghiệp thì bắt đầu cái khổ nó đến. Có những người do mê lầm tạo nghiệp xấu ác nên sanh ra hình hài không đầy đủ. Có những người sanh ra trong một gia đình nghèo khổ thiếu thốn. Mình bày ra thì bây giờ mình thọ nhận, mình chịu khổ. “Trắng răng đến thuở bạc đầu”, tức là từ khi sanh ra, lớn lên, già đến khi bạc đầu. “Tử sinh, kinh cụ làm nao mấy lần”. Tử là chết, sinh là sống, kinh cụ tức là sợ hãi. Từ cái sống, từ cái chết, từ cái sợ hãi mà nó trôi mãi luôn, đó gọi là sanh khổ.

Cho nên vua Trần Thái Tông nói: “Vì sai một niệm nên hiện đa đoan”. Tức là bất giác, sai chỉ một niệm thôi mà nó hiện đa đoan, nào cảnh núi, sông, rừng rú, con người nó hình thành nên. Chánh báo mình không tốt thì mình thọ nhận cái y báo cũng không tốt. Ngày hôm nay quý Phật tử sống trên một đất nước phồn thịnh đầy đủ, đó là chánh báo quý Phật tử tốt, bây giờ cái y báo nó có. May mắn một điều nữa là quý Phật tử biết tu. Sai một niệm, nhưng nhờ túc duyên ngày xưa mình đã từng có tu rồi, cho nên bây giờ mình gặp Phật pháp.

Còn nếu mà không gặp Phật pháp thì nó hiện đa đoan. Đa đoan là gì? Chẳng hạn như bây giờ có những lúc người thân mình bỗng nhiên họ không ở với mình nữa, họ từ giã. Mà nếu mình không tu tập là quý Phật tử thấy nỗi khổ. Đức Phật nói nỗi khổ thứ nhất nó đến mà mình không biết tu học thì có trăm ngàn nỗi khổ cùng một lúc nó đến. Đức Phật khẳng định có thương tức là có khổ. Mà trên đời này có ai nói không thương? Quý thầy đi tu có tình thương không? Có tình thương chứ, nhưng mà tình thương đó không dính mắc. Thương chúng sanh, làm hết tất cả vì chúng sanh. Đức Phật cũng vì chúng sanh, nhưng chúng sanh đó không có làm Đức Phật khổ, bởi vì Đức Phật không có dính mắc. Cho nên cái thương của chúng sanh, cái thương dính mắc gọi là cái ái, ái ngã, ái thân.

Vì sai một niệm nên hiện đa đoan,

Gá hình hài nơi tinh huyết mẹ cha,

Nương khí âm dương dưỡng nuôi thai nghén.

Chẳng luận kẻ trí người ngu,

Đều thuộc bào thai bao bọc.

Hỏi chi một người,

Trăm họ đều trong lò bễ mà ra.

Các vị vua đời nhà Trần, vị nào cũng rất là hiểu đạo. Trăm người cũng từ cái lò bễ mà ra. Có ai từ hòn đá mà ra không? Tôn Ngộ Không phải không? Quý Phật tử thấy có Tôn Ngộ Không từ hòn đá chui ra không? Ông Ngô Thừa Ân rất là siêu, từ cái hòn đá chui ra có nghĩa là từ trong bản thể mà quên, cho nên một niệm khởi mà sanh ra. Rồi từ một niệm khởi sanh ra, lên xuống địa ngục, đi dài mãi, cuối cùng bị năm ngọn núi, tức là sắc, thọ, tưởng, hành thức nó nhốt, rồi vùng vẫy muốn ra khỏi mấy ngọn núi này. Cho nên trong phim, Tôn giả Ca-diếp và tôn giả A-nan đến trình Đức Thế Tôn, con khỉ nó bị nhốt nó vùng vẫy lắm. Đức Phật đưa một lá bùa dán lên.

Chúng ta muốn thoát khỏi cái lồng sắt ngũ uẩn này lắm. Chúng ta muốn vùng vẫy đi lên, mà vì chúng ta bị lá bùa vô minh nó che lấp đi cái bản thể, mất đi cái sáng suốt. Bây giờ muốn thoát ra khỏi cái lồng sắt ngũ uẩn này thì phải có một người gỡ lá bùa. Ai gỡ được? Tam Tạng. Tức là chúng ta phải đi qua con đường kinh, luật và luận, và phải đi suốt qua con đường của giới, định, tuệ.

Kệ rằng:

Trời đất nấu nung vạn tượng thành,

Xưa nay không mống cũng không manh.

Chỉ sai hữu niệm quên vô niệm,

Liền trái vô sanh nhận có sanh.

Mũi đắm các hương, lưỡi tham vị,

Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai.

Lang thang làm khách phong trần mãi,

Ngày cách quê hương muôn dặm đường.

Mũi đắm các hương là gì? Chẳng hạn mình đi qua tiệm bán bánh hay bán thức ăn gì có mùi thơm thì mình hít thật sâu. Mà mùi nào thúi thúi dơ dơ thì mình khó chịu, là cái mũi mình đắm các hương. Lưỡi tham vị, hôm nay ăn mà không có ớt khó ăn lắm, phải tìm trái ớt! Hôm nay ăn mà không có chanh cũng khó ăn lắm, phải tìm trái chanh! Quý Phật tử ăn chay còn đỡ, khi chưa biết ăn chay phải đủ trăm vị mình mới chịu.

Mắt mờ chúng sắc, tiếng mê tai, tức là mắt thấy sắc mình sanh tâm, tai mình nghe nhạc hay mình mới chịu. Cho nên lang thang làm khách phong trần mãi. Ngày cách quê hương muôn dặm đường.

Tướng già

Quý Phật tử thấy già khổ hay sướng? Tại sao khổ? Bởi vì ngồi chút xíu lưng nó đau, thức ăn cứng ăn không được. Rồi trái gió trở trời, trời đang nóng đột ngột lạnh cũng bệnh. Rồi cảm, sổ mũi, nhức đầu, cái thân này phải nói là quá cực!

Cho nên trong kinh Tương Ưng Bộ Phật dạy:

Này các Tỳ-kheo! Thế nào gọi là sắc? Này các Tỳ-kheo! Bị thay đổi nên gọi là sắc. Bị thay đổi cái gì? Bị thay đổi: bệnh, lạnh, nóng, đói khát, bởi sự xúc chạm ruồi, muỗi, nắng, gió.”

Nhìn quý Phật tử chúng tôi không đoán được tuổi là nhờ khí hậu ở đây tốt, cuộc sống yên ả. Còn những vùng nắng gió như châu Phi, hoặc như quê hương tôi Ninh Thuận, nắng khủng khiếp, người ba mươi tuổi mình nhìn tưởng sáu chục tuổi, bị nắng nó đốt cháy luôn. Già xuống sắc rất là mau, vì lạnh, vì nóng, vì đói khát thiếu thốn. Có người ở Việt Nam mới qua chừng bốn chục ký thôi, mà bây giờ bảy chục ký. Vì có cái gì? Bơ, sữa, phô mai ... Tứ đại bên ngoài đầy đủ bồi bổ tứ đại bên trong. Còn có những vùng thiếu thốn, đói khát, như ở châu Phi có những người chỉ còn bộ xương. Đói khát làm thay đổi hình hài. Thay đổi còn bởi xúc chạm ruồi muỗi. Có những vùng như Đồng Tháp, ăn cơm tối người ta phải bỏ mùng vì muỗi nhiều quá.

Kinh Tương Ưng Bộ, phẩm Về Già:

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi tại khu Napatta trong lâu đài của mẹ Migara. Lúc bấy giờ vào buổi chiều, Thế Tôn từ chỗ độc cư đứng dậy ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương tây. Rồi tôn giả A-nan đi đến, sau khi đảnh lễ, xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, rồi mới bạch rằng:

- Bạch Thế Tôn, thật là kinh hoàng, thật là kỳ dị, màu da Thế Tôn nay không còn trong sáng, chân tay rã rời nhăn nheo. Thân được thấy còm về phía trước, các căn đang bị đổi khác, nhàu nhỉ.”

Khi Đức Phật sanh ra đời, thân tướng màu hoàng kim sáng rực. Sáng đến mức độ những vị thầy tướng số nhìn phải giựt mình. Tôi đã từng xoa bóp, bấm huyệt Sư ông của chúng tôi. Ngày xưa tôi ở Thường Chiếu một thời gian, lên Trúc Lâm năm 1998. Tôi còn nhớ khi Sư ông bị bệnh hay bị cảm, tôi lên tôi bấm huyệt, lúc đó Sư ông còn khỏe lắm, tôi bấm vào tôi thấy da Sư ông còn căng, không nhăn nheo. Gần đây tôi về lại, mười bảy năm trôi qua, tôi bấm huyệt cho Sư ông, tôi rờ thấy da nhăn nheo, màu da bắt đầu tối sậm lại. Và thân của Sư ông không thẳng như ngày xưa nữa, mà khòm về phía trước một chút. Đức Phật cũng vậy, cũng là hình hài của một kiếp người đi vào cõi nhân gian này,Ngài cũng phải bị chi phối bởi sanh, già, bệnh, chết.

Có một anh ở Châu Đốc lên xin xuất gia. Xuất gia khoảng bốn năm, bữa đó tri sự cắt tôi với ông thầy đó sửa nhà vệ sinh cho Hòa thượng. Ông nói một câu mà tôi sửng sốt:

- Ủa thầy, Hòa thượng mà cũng đi vệ sinh nữa?

Tôi nói:

- Trời ơi ông có đọc bốn bộ kinh A-hàm của Đức Phật không vậy? Trong đó có câu chuyện tôn giả La-hầu-la vào trong nhà vệ sinh của Đức Thế Tôn ngủ qua một đêm, bộ ông không nhớ, không coi sao?

Ông nói:

- Con chưa có đọc.

Mình cứ nghĩ người nào tu thì không có bệnh, không có già, không có chết. Với cặp mắt của Đức Thế Tôn Ngài chỉ dạy, tất cả mọi con người chúng ta đều đi qua khổ ải của sanh, già, bệnh và chết, kể cả Đức Thế Tôn.

Sự thể là như vậy, này A-nan, tánh già nằm trong tuổi trẻ.

Tánh già đã nằm trong tuổi trẻ. Khi quý Phật tử sanh ra một đứa con, hoặc con mình sanh ra đứa cháu, với cặp mắt giác ngộ của tánh Bát-nhã, trong bàn tay đứa bé có mình, có cha mẹ, có dòng tộc mình. Khi một cái lá nằm trên thân cây, cặp mắt của người giác ngộ thấy màu xanh là sự úa vàng cho mùa thu đến. Họ thấy liền chứ không phải đợi đến mùa thu, họ quán chiếu nhanh đến mức độ như vậy. Mình biết tánh già nằm trong tuổi trẻ thì mình không ngạo mạn. Ra đường gặp bà cụ nào đi run rẩy mình không đứng mình cười, mà biết rằng sẽ có lúc mình giống như bà cụ đó.

Khi tôn giả Xá-lợi-phất về quê, Ngài muốn người em út, là tôn giả Ly-bà-đa lúc đó mới có bảy tuổi, đi xuất gia mà không biết cách nào. Mẹ Ngài lo lắng, sợ Ngài rủ em đi xuất gia nữa, bà tức tốc tổ chức đám cưới cho con trai út với cô dâu mười ba tuổi. Bà ngoại của cô dâu, năm đó một trăm mười tuổi, bước ra để đeo nhẫn cho cô dâu. Nhìn thấy lưng bà còng, da mặt bà nhăn nheo, tôn giả Ly-bà-đa giựt mình, Ngài nói trong tâm: “Người vợ xinh đẹp yêu quý của mình cuối cùng rồi cũng như bà ngoại.” Người có túc duyên họ nhìn thấu suốt liền. Ngài tìm cách trốn vào rừng tu tập, trong ba tháng tôn giả chứng quả vị A-la-hán.

Tánh bệnh ở trong sức khỏe.

Cái bệnh nó nằm trong sức khỏe. Bây giờ bác sĩ nói trong thân của mình ai cũng có những chứng bệnh: Bệnh lao, bệnh ung thư, bệnh gì cũng có. Kháng thể mạnh thì mình luớt qua được. Khi kháng thể không còn thì mầm mống bệnh nó đến.

Tánh chết nằm trong sự sống.

Cặp mặt giác ngộ của Đức Phật thấy nó nằm sẵn hết. Thế Tôn lại dạy thêm:

Bất hạnh thay cho tuổi già, đáng sợ thay cho cuộc sống. Tuổi già làm phai nhạt sắc diện của màu da. Hình bóng ngày xưa khả ái, nay già đã phá tan. Ai sống được trăm tuổi, cuối cùng cũng phải chết, không bỏ sót một ai. Tất cả bị phá sạch, này A-nanda!”

Phật dạy rất kỹ, mình coi những bài kinh này rồi phải nói mình rất thấm cho cuộc sống hiện tại của mình.

Vua Trần Thái Tông nói tiếp:

Hình dung thay đổi, khí huyết đã suy, dáng gầy tuổi cao, ăn uống hay sặc thường nghẹn. Tóc xanh má đỏ đổi thành tóc bạc da gà, ngựa trúc áo hoa lại thành gậy cưu xe cói.

Xưa ai sống tám mươi tuổi vua ban cho cây gậy.

Dẫu rằng mắt sáng như Ly Lâu cũng khó phân rành màu sắc; dù cho tai thính như Sư Khoáng cũng không nhận rõ âm thanh.

Ông Ly Lâu mắt rất sáng, chẳng hạn như canh tối ông cũng phân biệt màu sắc này, màu sắc kia nhưng về già cũng không nhìn rõ. Ông Sư Khoáng lỗ tai rất thính nhưng về già cũng nghe không được.

Tiều tụy như cây liễu lúc thu về, điêu linh như đóa hoa khi xuân hết. Bóng chiều vừa ngả non tây, dòng nước sắp chảy về biển đông.”

Kệ rằng:

Con người kiếp sống tợ phù âu.

Thọ yểu người trời chớ vọng cầu.

Bóng ngã nương dâu, chiều sắp đến,

Thân như bồ liễu tạm qua thu.

Phan Lang thuở nọ còn xanh tóc,

Lữ Vọng ngày nay đã bạc đầu.

Cuồn cuộn việc đời thôi chẳng đoái.

Vầng ô gác núi nước trôi xuôi.

Ngài nói con người của mình kiếp sống tợ phù âu, mỏng manh tạm bợ vô thường.

Tướng bệnh

Tức là bệnh khổ. Có khi nào mình nhức răng mình thấy hạnh phúc không? Nhức răng, nhức đầu, nhức mắt, mỏi gối tê chân, khí huyết đảo lộn, không ai thấy hạnh phúc hết, đó là bệnh khổ.

Vua Trần Thái Tông nói:

“Tuổi đã già khọm, bệnh đến cao hoang. Chân tay mỏi mệt, mạch lạc khó thông. Trăm lóng rã rời, nóng lạnh chẳng thuận. Tan mất tánh chơn thường, sai lệch nguồn điều sướng. Ngồi đứng khó khăn, co duỗi đau đớn. Mạng dường ngọn đèn trước gió, thân như hòn bọt trên sông. Tâm sanh bóng quỉ lô nhô, mắt thấy không hoa lốm đốm. Hình hài gầy yếu, ai là Biển Thước thuốc thang, thân thể hao mòn, nào kẻ Lư Nhân cứu chữa.”

Dầu cho Hoa Đà Biển Thước ra đời cũng không cứu được mình. Khi thân này nó hết sức rồi thì bệnh khổ nó đến, giống như cây thông hết nhựa thì cây sẽ chết.

Bài kệ vua Trần Thái Tông dạy:

Âm dương trái vận vốn xoay vần,

Gieo rắc tai ương đến thế nhân.

Đại để có thân thì có bệnh,

Ví rằng không bệnh cũng không thân.

Tức là ngày, đêm, năm tháng nó xoay vần qua mãi. Xoay vần thì tuổi già đến, bắt đầu bệnh cũng đến. Già thì bệnh đến kế bên. Ngày xưa khoảng chừng hai mươi mấy tuổi sức khỏe của tôi nói thiệt là không ai bằng. Nhưng năm nay tôi bốn mươi sáu rồi, đi xe khoảng chừng năm sáu trăm cây số tôi chịu không nổi. Ngày xưa đi xa một ngàn cây số không có sao hết. Ở đây tôi thấy quý Phật tử sáu bảy chục tuổi mà đi xe tôi nể, tức là cũng có sức khỏe dồi dào đó, ăn uống còn thấy ngon, đó là cái phước của mình. Phật dạy có thân tức là có bệnh. Bây giờ muốn không bệnh thì đừng có thân này.

Lão Tử nói: “Sở dĩ ta có họa lớn vì ta có thân, nếu ta không có thân thì không có họa đến.”

Linh đơn chớ cậy trường sanh thuật,

Lương dược khó mong được sống bền.

Sớm nguyện xa lìa ma cảnh giới,

Xoay tâm về đạo, dưỡng thiên chân.

Ở đây nói dầu cho linh đơn, giống như Tần Thủy Hoàng, ông sai người tìm linh đơn trường sanh cho ông, cuối cùng ông cũng chết. Vua nhà Đường, tức là Lý Thế Dân, cũng tìm thuốc luyện linh đơn, nhưng rốt cuộc ông cũng chết. Muốn không chết phải làm gì? Xoay tâm về đạo để mà dưỡng thiên chân. Muốn không chết là phải trở về cảnh giới vô niệm, tức là thể nhập Phật tâm của mình, thì tức khắc mình ở trong cái vĩnh cửu hạnh phúc.

Tướng chết

“Bệnh càng trầm trọng, mạng sắp cáo chung. Tuổi thọ mong hưởng trăm năm, thân thể trở thành giấc mộng. Thông minh trí tuệ khó trốn ngày đại hạn sắp sang. Sức mạnh oai hùng đâu chống được khi vô thường đã đến.”

Chẳng hạn như ông Hạng Võ cử đỉnh, Từ Hải ra trận một mình đánh cả trăm người luôn nhưng cuối cùng rồi cũng phải chết.

“Thiếp thuận vợ trinh trở thành đau thương đứt ruột; Anh nhường em kính vội nên ly biệt suốt đời.”

Ngày tết, có ông phú hộ đến gặp Thiền sư Tiên Nhai, cúng dường xong ông nói:

- Bạch Hòa thượng, đầu năm Hòa thượng cho con chữ gì gọi là đại phúc, là phúc lớn trong gia đình con, để con treo trước nhà mừng ngày mùng một.

Thiền sư Tiên Nhai ghi: “Cha chết, con chết, cháu chết.”

Ông phú hộ nói:

- Hòa thượng giỡn hay sao, ngày mùng một mà treo mấy chữ này.

Thiền sư Tiên Nhai nói:

- Đó là hạnh phúc lớn trong cuộc đời của ông. Chẳng hạn bây giờ ông đang sống mà cháu ông chết ông buồn không? Hoặc ông đang sống con ông chết ông buồn không? Đó là nỗi khổ của kiếp người. Còn đằng này là cái chết tuần tự. Ông sống một trăm tuổi, con ông, cháu ông cũng sống một trăm tuổi rồi tuần tự chết là hạnh phúc rồi.

Không chết tuần tự như thế, như người miền Bắc hay nói, lá già không rụng mà rụng lá non, đó là cảm khái được cái cảnh vô thường. Như hồi chiều mình thấy gia đình đó rất là tội. Người một trăm tuổi không mất mà đứa nhỏ chừng một hai tuổi hoặc là mười bốn, mười lăm tuổi nó ra đi.

Vật mình lăn đất, vỗ trán kêu trời,

Tường hoa nhà rộng có làm chi,

Vàng kho, ngọc đụn rồi cũng bỏ,

Dạ đài mù tối, luống nghe gió bấc vu vi,

Tuyền hộ then gài, chỉ thấy mây sầu ảm đạm.

Khi mình bỏ thân xác rồi, quý Phật tử mà không có tu học bỗng nhiên mình nghe gió thổi hù hù, núi đổ sập lở, rồi thấy chó sói, rồi cọp rồi beo, nó rượt nó đuổi, mình hoảng sợ mình lủi vô hang tức là đi đầu thai. Còn mình có tu thì nó khác, có tu thì mình thấy trước mắt mình quang đãng, mây trời dày đặc, rồi Phật, Bồ-tát, Thánh chúng đủ hết. Mình có tu tâm mình cảm ứng, tương ưng thì hiện ra những cảnh giới mười phương Tịnh độ. Còn mình không tu mình làm ác, thì hiện ra cọp beo, chó sói, lấy gậy lấy gộc nó rượt mình, lúc đó đâu có ai ở bên mình. Ngày thường thì có chồng, có con, có vợ, có người thân. Còn ngày cuối cùng ra đi chỉ một mình thôi. Giỏi lắm là có quý Thầy đến khai thị nhắc nhở mình đừng quyến luyến cảnh trần gian, đừng sợ hãi những khi sấm sét nổi lên, mà chỉ một bề duy nhất là quay về nội tâm, đó là những cái hư cảnh. Mình biết như vậy thì cái hư cảnh đó biến mất. Muốn được như thế hằng ngày quý Phật tử phải tu học, phải quán chiếu thật sâu. Cho nên có bài kệ:

Bão táp cuồng phong đất bụi bay,

Lão ngư say tít, chiếc thuyền lay.

Bốn bề mây phủ màu đen kịt,

Một dãy sóng ngầm tiếng vang tai.

Sầm sập trận mưa ào ạt đổ,

Ì ầm sấm nổ suốt vần xoay.

Tạm thời bụi lắng, chân trời sáng,

Trăng lặn lòng sông, canh mấy ai?

Vua Trần Thái Tông diễn tả, khi mình bỏ thân này rồi thì thần thức đi ra, trời tối đen mù mịt giống như mình ở trên một chiếc thuyền sóng bão cuồn cuộn đến. Mà khi bão sóng lặng xuống rồi thì ai biết được cảnh này, chỉ có người tu mới hiểu được, mới thấu thoát được thôi. Cho nên mình phải tu tập, mình gắng sức để vượt qua những cái khổ nạn sanh, già, bệnh, chết. Đó là những cái khổ trong cuộc đời.

Kế đến là Oán tắng hội khổ, tức là người mình thù ghét ở chung với mình trong một nhà cũng rất là khổ. Ái biệt ly khổ, thương nhau mà xa lìa càng khổ hơn nữa. Cầu bất đắc khổ, cầu không được là khổ. Rồi Ngũ ấm xí thạnh khổ.

Cho nên Tổ Đạt Ma dạy, mình muốn thoát khỏi tám cái khổ này thì chúng ta phải tu học thôi chứ không có nói suông nữa, không ở trên văn tự mà chia chẻ nữa. Tổ Đạt Ma dạy:

Người đời trong cơn mê dài đầy dẫy sự tham chước gọi là cầu. Ngược lại người thế tục, người trí giác ngộ sự thật, an tâm nơi vô vi, thân thuận theo sự biến chuyển, vạn vật đều là không, không có chỗ nào ham muốn hết.”

Tức là mình cũng làm, cũng ăn, nhưng đừng ở trên tướng đó mà trụ mà sanh tâm. Chẳng hạn thường một tháng mình làm được ba ngàn euro, mà bây giờ buôn bán trục trặc, còn có hai ngàn mình vẫn vui, tùy theo sự biến chuyển, tất cả vạn pháp đều là không, không có chỗ mong cầu, không có chỗ ham muốn, tức là thuận theo pháp.

“Công đức và hắc ám thường đuổi theo nhau.”

Cái lợi đến thì chắc chắn cái suy sẽ đến.

“Ba cõi ở lâu giống như trong nhà lửa, có thân tức là có khổ, chẳng được an ổn. Hiểu rõ được chỗ này thì sẽ bỏ được mọi thứ, dừng lại vọng tưởng, không có cầu mong.”

Mình thấy tu rất là đơn giản đâu có gì khó. Mình tưởng tu thiền hay tu gì khó chứ thật ra không có khó, chỉ đừng có trên tướng mà sanh tâm trụ trước. Chẳng hạn như bây giờ mình uống ly nước mình biết uống ly nước, chứ đừng trụ trên cái tướng đó: hôm qua mình uống ly nước rất ngon, mà sao hôm nay ly nước này không ngon. Tức là ở trên tướng mình trụ tướng rồi sanh tâm. Mà có tâm tham đắm tham cầu rồi thì cái khổ nó kế bên. Hiểu được chỗ này rồi thì sẽ dễ dàng bỏ mọi thứ.

Ngày xưa khi chưa biết đạo tụi tôi cũng biết đủ thứ, có những người biết hút thuốc, biết uống rượu... Mà tại sao biết đạo rồi bỏ hết tất cả, rũ hết tất cả. Bởi vì biết cái này là giả tạm, vô thường mỏng manh, rũ một cái là xong. Dừng lại vọng tưởng, không có mong cầu thì khổ không đến.

“Có cầu thì có khổ, không cầu mới được vui. Khi tâm không mong cầu thì tức khắc đó là tu đạo.

Rất là đơn giản, khi tâm mình không còn mống niệm tức là mình đang tiến thẳng vào con đường công phu tu đạo.

Chúng ta học những bài pháp này để ý thức được chỗ đứng của mình. Chúng ta giảm bớt mong cầu, giảm bớt khát ái, không còn đuổi theo những sóng nắng, mà như lời Phật dạy giống như con hươu đi trên bãi sa mạc nó khát nước, từ xa nó thấy sóng nắng dợn lên nó đuổi theo, càng đuổi nó càng khát, khi gặp được dòng sông rồi thì nó ngã xuống chết, bởi vì dòng sông đó chỉ là bóng dợn của thức tâm vọng tưởng điên đảo. Hiểu được rồi thì bây giờ chúng ta gắng sức tu học, làm được phước thiện bao nhiêu thì chúng ta làm, ráng cố gắng buông xả tức là quý Phật tử thành tựu pháp. Mình thấy tu rất là đơn giản, chuyện gì bỏ ráng cố gắng bỏ, đừng bám víu ở trên đó mình sanh tâm rồi khóc, thương khi vô thường đến. Khi quý Phật tử biết pháp rồi, vô thường đến mình rất là bình thản.

Mình biết chắc chắn tất cả mọi người ai cũng sẽ đi con đường này. Bởi vì thân thể của chúng ta là tạm bợ, kế là tâm chúng ta vô thường, kế là chúng ta phải quán chiếu sanh, già, bệnh chết đều là khổ để chúng ta không còn gá trên hình hài này để đắm đuối mà sanh tâm. Một niệm bất giác trở lại cõi ta-bà này tức là cái khổ nó đến. Hiểu được như thế quý Phật tử gắng sức tu tập để chuyển hóa nội tâm của mình.

 

THAM VẤN

Hỏi: Nếu chúng ta tu thiền mà thêm niệm Phật thì giống như con hổ mọc thêm hai cái sừng. Như vậy chúng con tu thiền và cũng niệm Phật có được không?

Đáp: Đây không phải quý thầy nói mà là Tổ Vĩnh Minh Diên Thọ, Ngài tu thiền đắc đạo, nối pháp dòng của ngài Pháp Nhãn. Khi đắc pháp với nhà Thiền rồi, có một lần Ngài đứng trước Tam Bảo Ngài nói bây giờ Ngài rút thăm, nếu Ngài có nhân duyên về pháp nào để phổ độ chúng sanh thì Ngài phổ độ pháp đó. Do nhân duyên đó cho nên Ngài đưa ra những bài kệ, bài chú có Thiền có Tịnh giống như cọp mọc thêm sừng.

Ở đây tôi chỉ nói quan điểm của tôi. Chẳng hạn người này họ tu tập về con đường thiền, họ nghĩ rằng chưa chắc được giải thoát, họ phát nguyện nếu bỏ thân này cho họ được tái sanh lên những cõi Trời, chẳng hạn như cõi Trời Đâu Suất trong nội viện của Bồ-tát Di Lặc họ tu tiếp. Như ngài Hư Vân, pháp sư Huyền Trang, ngài Thế Thân, ngài Vô Trước v.v… rất là nhiều các vị đại sĩ. Tức là các ngài tu thiền mà kiêm phát nguyện sanh về Tịnh Độ. Có những người họ ngồi thiền, rồi niệm Phật, gọi là có Thiền, có Tịnh.

Theo tinh thần của nhà Thiền, hay tinh thần của Phật giáo, không có một pháp cho người, giống như Lục Tổ nói: “Phật nói tất cả pháp để trị tất cả tâm, còn ta vô tâm, thì không cần tất cả pháp.” Mà bây giờ mình chưa vô tâm, mình phải cần tất cả pháp. Mình có duyên với pháp nào thì mình tu pháp đó, bởi vì tất cả pháp để trị cái tâm vọng tưởng điên đảo của mình. Khi tâm vọng tưởng điên đảo của mình yên lắng rồi thì câu niệm Phật cũng phải buông xả luôn. Bởi vì câu niệm Phật giống như một chiếc thuyền, chiếc bè qua sông. Qua sông rồi thì có ai đội chiếc thuyền mà đi nữa không? Cho nên Phật nói là pháp của ta giống như chiếc thuyền qua sông, pháp còn phải bỏ, huống nữa là phi pháp.

Kinh điển giống như ngón tay chỉ mặt trăng, chúng ta đừng có dính mắc trên ngón tay mà không thấy được mặt trăng sáng soi khắp sơn hà. Mình mượn câu niệm Phật để dẹp trừ tất cả những trần lao phiền não. Trần lao phiền não mình dẹp xong rồi thì câu niệm Phật cũng phải buông luôn.

Giống như mình đạp nhằm cái gai, không có cây kim mình tìm một cái gai lớn hơn mình lể. Cái gai đâm vào chân mình là vọng tưởng điên đảo, tham, sân, tật đố, ích kỷ, những cái tâm cấu bợn của mình. Cái gai mình dùng để lể là câu niệm Phật. Khi lể xong thì cây gai cũng phải liệng luôn. Đó gọi là niệm mà vô niệm.

Ngài Châu Hoằng nói trong bộ Di Đà Sớ Sao: “Vãng sanh thật ra không có vãng sanh tức là vô sanh.” Ngài luận rất là kỹ lưỡng vấn đề đó. Niệm Phật mà không có cái gì để niệm, tức là vô niệm, thì đồng với tinh thần của nhà Thiền. Qua phần này tôi nêu lên cho quý Phật tử thấy, các pháp đồng về một nguồn, giống như trăm sông chảy về biển chỉ mang một vị, vị đó là vị giải thoát.

Nhà Phật chia ra: thế giới tất đàn, đối trị tất đàn, các các vị nhân tất đàn, đệ nhất nghĩa đế tất đàn.

Thế giới tất đàn: Đức Phật xuống cõi ta bà này biết tâm chúng sanh có những niềm mong muốn, khát vọng. Bây giờ muốn biến hiện ra cảnh giới Tịnh Độ trang nghiêm thanh tịnh, phải có cái gì đó chúng sanh thích. Thì Đức Phật diễn tả cảnh giới Tịnh Độ đầy đủ bảy báu, vàng bạc, xa cừ, san hô, hổ phách, mã não, trân châu. Thế giới này nếu mình đi ra đường mà đá biến thành kim cương thì không có nhà tù, không có ai trộm cướp làm chi. Bốn đường ác cũng đóng cửa, những đường khổ đóng cửa hết. Cho nên Đức Phật diễn tả những thế giới phải lung linh mầu nhiệm để cho chúng sanh thích thú, khi thích thú thì họ chuyên chú.

Tinh thần của nhà Phật trước là dùng dục câu dắt, sau dùng trí mà nhổ. Như tôi hay kể chuyện Thiền sư Bạch Ẩn mướn ông già niệm Phật, cứ một câu niệm Phật trả một đồng, trước là dùng dục đồng tiền câu dắt ông. Ông về ông niệm liên tục, ông niệm càng nhiều thì thiền sư Bạch Ẩn càng hết tiền. Cuối cùng ông giao hàng quán cho con dâu rồi trốn lên một căn phòng thật kín, niệm một hồi ông buông xâu chuỗi nhập định luôn. Đứa con thấy hai ba ngày ôngNchưa xả, hoảng hồn chạy đến Thiền sư Bạch Ẩn, ngài đến ngài nhìn vào cửa sổ nói:

- Mừng cho cha của con, bây giờ ông nhập vào chánh định rồi.

Khi đánh khánh cho ông xả, Thiền sư Bạch Ẩn nói:

- Hồi xưa tôi trả ông một câu niệm Phật một đồng, bây giờ ông vào cơn đại định này, tôi trả ông một ngàn đồng.

Ông nói:

- Bây giờ Hòa thượng cho con hết giang sơn này con cũng không cần.

Tiền ông niệm Phật mướn, ông trả lại hết cho Thiền sư,ông không cần tiền nữa.

Qua phần này tôi nêu lên tinh thần tu tập của Thiền và Tịnh để mình nắm chắc phương pháp mình tu, không còn ngăn ngại nữa. Thiền cũng tốt, Tịnh, Mật cũng tốt, miễn sao mình giải phóng những cái tâm cấu bợn của mình.

Các các vị nhân tất đàn: Các các là mỗi mỗi, tùy theo căn duyên bệnh của mỗi người mà Đức Phật chỉ dạy.

Vào thời Đức Phật có một thầy Tỳ-kheo tu suốt mà không chứng đạo, đến trình Đức Phật. Đức Phật quán chiếu rồi kêu tôn giả A-nan đến gặp vua Ba Tư Nặc, nói vua xây cho vị Tỳ-kheo này một biệt điện giống của cung trời Đế Thích, thì vị Tỳ-kheo này tu mới chứng quả. Quả tình vị Tỳ-kheo ngồi thiền trong biệt điện bảy ngày chứng quả. Tôn giả A-nan nói:

- Bạch Đức Thế Tôn sao lạ kỳ vậy, ông tu trong cốc trong hang không chứng quả mà tại sao vào trong biệt điện sang trọng lại chứng quả?

Phật nói:

- Vị Tỳ-kheo này năm trăm đời là trưởng giả và gần năm trăm đời là trời Đế Thích, ông toàn ở những biệt điện sung sướng thôi.

Cho nên có những người tu trong núi, hoặc có những người ở trong cái thất sang cả, quý Phật tử đừng có nhìn bằng cặp mắt của mình, mình không thấy được đâu. Cho nên gọi là các các vị nhân tất đàn, tùy theo mỗi vị mà Đức Phật đưa ra phương tiện.

Đối trị tất đàn: Mình bệnh tham thì phải quán thân bất tịnh. Bệnh sân thì phải dùng quán từ bi để đối trị với bệnh. Dùng đúng thuốc thì tức khắc hết bệnh. Chẳng hạn mình đang nhức đầu mà dùng thuốc tiêu chảy thì không bao giờ hết, phải dùng thuốc nhức đầu mình mới hết bệnh.

Đệ nhất nghĩa tất đàn: Vua Lương Võ Đế đến hỏi Tổ Đạt Ma, thế nào là Thánh Đế Đệ Nhất Nghĩa. Tổ Đạt Ma dõng dạc nói một câu: “Rỗng rang không có Thánh.” Chỗ đó không có thánh có phàm gì hết, bản lai vô nhất vật mà thánh phàm gì. Cuối cùng rồi phải đến giai đoạn xưa nay không một vật, chỗ nào dính bụi nhơ. Đó là tâm điểm của người tu. Biết rồi là quý Phật tử không bao giờ tranh cãi pháp này cao, pháp kia thấp, pháp này vi diệu, pháp kia không được. Mình hiểu được bổn hoài của Đức Phật chỉ dạy cho mỗi con người chúng ta rồi, thì tức khắc là pháp pháp đồng một pháp. Pháp nó không có tranh cãi.

Có người chia ra tiểu thừa, đại thừa, Lục Tổ nói không có thừa.

“Thấy nghe, tụng đọc là tiểu thừa. Y kinh hiểu nghĩa là trung thừa. Y pháp tu hành là đại thừa. Không có dính mắc một pháp, không có trụ trên một pháp, thông suốt hết tất cả là tối thương thừa.”

Hiểu được rồi mình ung dung tự tại tu tập.

Hỏi: Có lần con được đảnh lễ Hòa thượng Thích Thanh Từ ở Việt Nam. Khi con đến gặp Ngài thì con mới tập thiền, sau đó về con định đi theo hướng Thiền, nên con ở nhà tự ngồi. Con cũng cố gắng giữ thanh tịnh mà không được, đang ngồi tự nhiên nghĩ ngợi, mỗi lần con ngồi khoảng chừng năm, mười phút nó lại như vậy. Con chuyển qua vừa tụng kinh con vừa thiền, bây giờ con ngồi kiết già tụng kinh thì đỡ hơn. Rồi con mơ, tối ngủ con nằm mơ thấy ma quỷ, con phải Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật thì con mới an cái tâm của con được, thành ra con thấy tu thiền sao khó quá.

Đáp: Cô gặp Hòa thượng cũng là túc duyên xưa nên mới gặp, mà cạn hoặc là sâu, mỏng hoặc là dầy. Quý Phật tử thực tập phải có phương pháp. Ngồi thiền mà vọng tưởng nhiều quá, ban đầu mình phải tập Lục diệu pháp môn, tức là Sổ tức, Tùy tức, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Sổ tức là đếm hơi thở, hít vào đếm một, thở ra đếm hai, tiếp tục đến mười. Nếu quên hoặc đếm lộn thì quay lại từ đầu, mình theo dõi tiến trình hơi thở, suy nghĩ vọng tưởng trụ vào hơi thở thì vọng từ từ thưa dần.

Nằm mộng có năm nguyên do, một là thiện, hai là ác, ba là tâm lý, bốn là sinh lý, năm là hộ pháp báo mộng. Mình ngủ thấy ma quỷ rượt đuổi, có khi do mình nằm đè lên trái tim, mình bị ngộp nên biến hiện ra. Hoặc thời quá khứ mình tạo nghiệp xấu, tu một thời gian mình không thấy ma quỷ nữa mà mình thấy mình đi nghe pháp chẳng hạn. Bây giờ chúng tôi nằm mộng đa phần là thấy mình vô pháp hội giảng Phật pháp. Bởi vì mình thuyết pháp hằng ngày, nó đã nhập tâm nên nằm mơ cũng thấy. Có những người ở ngoài đời chưa ăn chay trường, khi mới xuất gia nằm mơ thấy người ta mời ăn mặn cũng ăn. Tu khoảng chừng năm sáu năm, người ta mời ăn mặn không ăn, nói tôi tu rồi không ăn mặn, giựt mình dậy biết nằm mơ.

Khi cô nằm mơ thấy ma quỷ thì cô trụ trong tướng niệm Phật thì ma quỷ sẽ hết. Bởi vì Phật A Di Đà là Vô lượng quang, Vô lượng thọ, Vô lượng công đức. Vô lượng quang là ánh sáng từ trong bản thể chiếu ra thì ma nào vô nữa. Những hiện tượng này cũng thường thôi chớ không ngại gì hết. Thấy như vậy mình biết chắc đời trước mình cũng tạo nghiệp nên việc đầu tiên là phải thành tâm đến trước Tam bảo sám hối thật là tha thiết, mình phát nguyện tu tập thì lần lần nó thưa dần rồi sẽ hết, mình ngủ được an giấc. Quý Phật tử hay thấy ma quỷ, tìm kinh Từ Bi đọc thì ngủ rất dễ dàng không có ác mộng, khuôn mặt mình tươi tắn, thuốc độc không hại được, được Hộ Thần hộ cho mình…. Cho nên mình phải quán, gọi là quán từ bi, quán lòng từ bi của mình phủ khắp hết. Vào thời Đức Phật có sáu thầy Tỳ-kheo tu trong một khu rừng, tối lại gặp quỷ dạ xoa hiện hình, Phật chỉ bài kinh gọi là từ bi quán. Quý Phật tử tìm kinh Từ Bi tụng đọc hàng đêm thì bảo đảm quý Phật tử toàn thấy Phật, Bồ-tát, không còn thấy ma quỷ gì nữa.

Hỏi: Khi tập trung tâm vào một sự việc nào đó như: niệm phật, nghe nhạc phật, hát, thì tâm con cũng được yên, thì như vậy cũng có một sự thiền định có phải không Thầy?

Đáp: Trụ trong tướng, gọi là tạm thôi. Khi tụng kinh, trụ trong tướng tụng kinh; khi lái xe, trụ trong tướng lái xe; trụ vào cái tâm đó, tạm để cho nó an. Trụ trong tướng tịnh mà tướng ác nó biến, nó không còn nữa, cũng có Thiền trong đó.

Hỏi: Khi chưa xuất gia còn là phật tử tại gia thì chưa thấy gì, nhưng khi mới xuất gia thì có những chướng duyên nó trổ ra, con không biết đó là chướng duyên thử thách hay là tập khí ác nghiệp trổ ra?

Đáp: Mình sống ở đời, chưa phát nguyện xuất gia, khi nỗi buồn đến mình ra quán karaoke mình hát thì hết buồn, mình tưởng rằng hết nhưng mà nó không hết. Khi phát nguyện xuất gia rồi mà nỗi buồn hay nghịch cảnh, nghịch duyên đến với mình thì mình tưởng nghiệp đổ ra, nhưng mà không phải.

Giống như quý Phật tử vay ngân hàng một số tiền lớn, nếu biết mình sẽ về Việt Nam ở luôn thì ngân hàng sẽ đến nhà mình đòi tiền lại. Cũng vậy, khi mình chuẩn bị phát tâm xuất gia, thế gian pháp này mình từ giã không còn bám víu nữa, thì có thể tất cả những nghiệp tập đời trước mình đã tạo nó sẽ hình thành, chúng ta gặp những duyên mà khi nó đến, nó tạo một cái lực, chính nghiệp lực này cản trở bước đường tu của mình nếu mình không vượt qua được. Hơn nữa, khi chuẩn bị xuất gia, mình chưa phải giống như các vị Tổ một phen gọi là đơn đao đột nhập, chặt một đao là đứt hẳn, mà tâm mình do dự, chính tâm do dự đó, giữa cái thiện và cái ác bắt đầu cấu xé với nhau. Nửa muốn tu, mà nửa thì muốn sống đời cư sĩ, chính điều đó khiến nghịch cảnh đến, chỉ vậy thôi, làm cho mình khó chịu, bất an, đủ thứ chuyện hết.

Hỏi: Thưa thầy, với hội trường đông người và một nhóm Phật tử, cùng một đề tài thì thầy giảng có khác nhau không?

Đáp: Ở miền Bắc Việt Nam, khi tôi giảng ở chùa hay thiền viện, có những hội trường đông năm sáu ngàn người, có khi ba bốn ngàn người, thì tôi giảng cũng như thế này. Mà tôi giảng bên này có những chỗ tám chục người, một trăm người, hoặc tôi giảng cho một gia đình năm người, mười người tôi cũng giảng như vầy. Có những người, đông thì giảng được nhưng mà năm sáu người giảng không được. Bởi vì tôi quán chiếu, khi giảng dạy Phật pháp bất cứ nơi nào, không những loài hữu tình nghe, mà còn có những loài vô tình họ nghe nữa. Nếu họ thâm nhập được, họ cũng cởi bỏ những xiềng xích trói buộc, tức là sự chấp ngã. Quán chiếu vậy mình thấy hội trường rất là đông, mình giảng bình thường.

Mục đích của giảng sư không phải là đông hay ít, mà trong pháp hội đó, số người lãnh hội nhiều hay ít, đó mới là điều quan trọng. Mình giảng đông mà không ai lãnh hội thì thời pháp đó cũng uổng. Hoặc ở trên này giảng mà ở dưới ngủ gà ngủ gật thì cũng không thâm nhập gì bao nhiêu. Cho nên mục đích của người hướng dẫn Phật pháp là mong Phật tử lãnh hội, về họ thực tập chuyển hóa nội tâm, làm cho gia đình họ được hạnh phúc an ổn thì người giảng sư được phước.

Tôi giống như giám đốc ngân hàng cho quý Phật tử vay một số vốn, quý Phật tử về làm ăn được thì đến trả vốn trả lãi đầy đủ. Nếu làm ăn không được, mà một trăm người, một ngàn người không có tiền trả thì ông giám đốc ngân hàng bị hụt vốn, tài sản không còn.

 

 

Đạo phật với đời sống

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Tin mới

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 06118
  • Online: 12