Pháp là con đường đưa chúng ta thoát khổ

28/05/2012 | Lượt xem: 4469

1.Trong các thứ khổ của cuộc đời mà mình đã từng trải qua, Quý vị thấy cái gì là khổ nhất ?

Đức Phật nói rằng, trong các thứ khổ của cuộc đời thì cái khổ sanh tử là lớn nhất. Chúng ta có mặt trong cuộc đời không phải chỉ có lần này mà trong vô lượng kiếp đã trôi lăn trong sanh tử. Nguyên nhân của việc trôi lăn trong sanh tử có một nguyên nhân chính. Lấy ví dụ cho dễ hiểu: hai người đi trong mưa, một người bị ướt và một người không bị ướt, người không bị ướt vì có cây dù. Cũng vậy, sanh trong cuộc đời này đều là khổ, nhưng mà khi cái khổ đến cùng một lúc, một người không cảm thấy đau khổ, bởi vì họ có cây dù Chánh Pháp che chở. Cho nên Đức Phật đã khẳng định rằng: “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, thắp đuốc với chánh pháp”.

 

Ví dụ thứ hai, một hòn sỏi nhỏ bỏ xuống biển có chìm không? Chắc chắn là có chìm. Nhưng đem một tảng đá lớn bỏ xuống biển lại không chìm. Vì sao hòn sỏi nhỏ bỏ xuống biển lại chìm mà một tảng đá lớn bỏ xuống biển lại không chìm? Sở dĩ hòn sỏi nhỏ nhưng chìm vì không có gì nâng đỡ, còn tảng đá lớn bỏ xuống không chìm vì nhờ có một chiếc tàu lớn nâng chở. Chiếc tàu lớn ở đây được ví như Chánh pháp của Đức Phật, nhờ con thuyền chánh pháp này mà chúng ta vượt qua được những khổ nạn trong cuộc đời.

Trong các thứ vui, thứ vui gì là tối thượng nhất? Đức Phật khẳng định rằng chỉ có người biết nghe pháp, biết hành pháp, đó là cái vui tối thượng nhất. Chúng ta có phúc duyên ngày hôm nay được ngồi đây nghe pháp, hạt giống chánh pháp không bị mất mà đến một lúc nào đó đủ nhân đủ duyên phát huy ra. Khổng Tử nói: “Sáng nghe đạo, chiều chết cũng cam lòng”.Ngày hôm nay, chúng tôi muốn chia sẻ với quý vị đề tài “Pháp là con thuyền đưa chúng sanh thoát khổ”

Đức Phật đã khẳng định: Chánh pháp là con thuyền lớn đưa chúng sanh thoát khổ.
Một hôm, vua Đường Đại Tông đến gặp Quốc sư Huệ Trung
- Bạch Hòa thượng, chúng sanh chìm đắm trong biển khổ sanh tử, làm cách nào để cứu thoát chúng sanh?
Quốc sư không nói gì, sai thị giả mang ba thau nước đến, bắt con kiến bỏ vào. Thau nước lớn, con kiến rớt vào chắc chắn chết.Vua Đường Đại Tông liền quỳ xuống tha thiết xin Quốc sư cứu con kiến. Quốc sư sai thị giả ra vườn bứt cọng cỏ thả vào, con kiến bèn nương theo cọng cỏ ra khỏi thau nước. Vua Đường Đại Tông ngay đó liền ngộ. Ở đây, con kiến giống như mình là chúng sanh đang chìm đắm trong biển khổ, cọng cỏ như Chánh pháp đưa mình ra khỏi biển khổ sanh tử. Quốc sư khai thị: "Chỉ cần cọng cỏ nhỏ thôi nhưng nương cọng cỏ mà vào được bờ."
Cổ đức có nói: “Một kiếp không tu muôn kiếp khổ. Một đời không ngộ vạn đời sầu”. Một kiếp nếu không được nghe pháp, không hành pháp, không chuyển hóa nội tâm thì muôn kiếp khổ trong sanh tử. Mà một đời không ngộ được bản tâm, con người chân thật của mình thì muôn đời sầu khổ.
Chúng ta thấy rằng Chánh pháp của Đức Phật là vi diệu, tối thượng.
Trong sử 33 vị Tổ, Tổ Bát Nhã Đa La đưa viên ngọc cho 3 Thái tử xem, thì 2 anh của Tổ Bồ Đề Đạt Ma nói rằng trên đời này không có gì quý bằng viên ngọc này, chỉ vua mới có được. Đến lượt Thái tử Bồ Đề Đa La (sau này là Tổ Bồ Đề Đạt Ma), Ngài trả lời rằng: “Châu này là của báu ở thế gian, trong các thứ trân bảo, chỉ có pháp bảo là cao tột nhất, là tối thượng nhất”. Sở dĩ chúng ta thấy được tiền bạc châu báu, cho đó là cao quý là bởi vì mình còn nghèo khổ, thiếu thốn. Nhưng Đức Phật đã khẳng định hạnh phúc đó mỏng manh, vô thường, tạm bợ, chỉ có Pháp bảo là cao quý, tối thượng. Trong các thứ thí, Pháp thí cũng là tối thượng nhất. Đây là ánh sáng của thế gian, trong các thứ ánh sáng, chỉ có ánh sáng trí tuệ là cao tột, là tối thượng. Muốn được trí tuệ này chỉ có nghe pháp, hành pháp mới có
Bàng cư sĩ lúc ngộ đạo, cảm khái làm bài kệ:

Người đời quý trân bảo

Ta quý sát na tịnh

Báu nhiều loạn lòng người

Tịnh nhiều thấy Phật tánh”.

Quý Phật tử thử nghiệm lại, sau những ngày làm ăn, bôn ba đi ngược về xuôi, được tiền nhiều cũng hạnh phúc, cũng vui, nhưng có những lúc cuộc đời sầu khổ, quý vị mất cha, mất mẹ, mất anh chị em, mất đủ thứ… Có những lúc quý vị ngồi yên, lắng tâm lại, giây phút này chỉ có tìm được nơi chính mình. Muốn được như thế chúng ta phải thiền tập, phải chánh niệm, đó là hạnh phúc từ nơi tự thân của mình.

Báu nhiều loạn lòng người: Trong Thiền thoại có ghi lại, có anh nông dân nhà nghèo, nhưng cảm thấy cuộc sống rất hạnh phúc. Một hôm anh ra ruộng, cuốc đất đào được một bức tượng A la hán bằng vàng. Sau khi chở về nhà, cả gia đình đều mừng. Từ đó anh ăn không được, ngủ không được, không phải vì sợ trộm mà anh suy nghĩ xem 17 bức tượng còn lại nằm ở đâu.

Như vậy, quý vị có thể thấy lòng tham của con người là vô bờ bến.

Đức Phật đã dạy: “Chúng sanh khát ái về dục giống như uống nước biển, càng uống càng khát”.

Sơ Tổ Trúc Lâm có bài kệ:

Số đời một hơi thở

Lòng người hai biển vàng

Cung ma dồn quá lắm

Cõi Phật vui nào hơn”.

Quý vị thử nghiệm lại xem mình sống được bao nhiêu? Chúng ta cứ nghĩ rằng mình sẽ sống 20, 30 hay 50 năm nữa, nhưng với cặp mắt giác ngộ của chư Phật, chư Tổ, cuộc đời chỉ trong một hơi thở, hít vô không thở ra là chết, trong khi đó lòng tham thì vô cùng. Chúng ta ít khi nào chịu lắng tâm nghe thánh pháp của Phật.

Phật pháp rất vi diệu. Trong Luận Thập trụ Tỳ bà sa có ghi, Bồ Tát muốn có được trí tuệ thanh tịnh phải nên xa lìa bốn pháp làm giảm sút trí tuệ.

-    Không kính trọng pháp và người thuyết pháp.

-   Giấu kín và xẻn tiếc yếu pháp

-   Tạo chướng ngại, phá ý muốn nghe pháp của người ưa thích chánh pháp, tác hại nhiều đời nhiều kiếp, sanh ra đời không gặp Phật pháp và mất đi hạt giống trí tuệ.

-    Có lòng tự cao, xem thường người khác.

Bồ Tát phải thường xuyên tu tập bốn pháp đạt được Trí tuệ Bát Nhã:

-    Cung kính Chánh pháp và người thuyết pháp. (Nghe Pháp phải chăm chú lắng nghe).

-    Tâm thanh tịnh giảng nói cho người khác nghe đúng như mình đã được nghe và đọc tụng.

-    Siêng năng cầu học Phật pháp không ngừng nghỉ. Nghe Phật pháp không phải nghe cho vui mà phải suy ngẫm để chuyển hóa tâm. Lão Tử nói: “Bậc hạ nghe pháp cười to bỏ đi, bậc trung nghe pháp thoạt nhớ thoạt quên, bậc thượng nghe pháp thấm vào tứ chi, phổ ra hành động”.

Pháp chỉ là phương tiện, mục đích là chuyển hóa tâm. Nghe pháp để chuyển hóa. Nhờ nghe Phật pháp nhiều, chúng ta cũng dần được chuyển hóa.

2.     Nhân lành nghe pháp

Ngày hôm nay cùng quý vị ngồi đây yên tịnh là có túc duyên lành nhiều đời từ quá khứ nên ngày hôm nay được gặp nhau cùng chia sẻ Phật pháp. Cùng ở trong pháp hội như vậy, quý vị đừng tưởng là ngẫu nhiên. Phật dạy rằng đi cùng nhau trên một chiếc xe đò hay trên một chuyến máy bay là đã từng gặp nhau nhiều đời. Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam đọc đến chỗ này cảm khái làm bài kệ:

“Thuyền lẻ cùng qua sông

Còn có nhân đời trước

Ba tháng hạ chung ở

Đâu không duyên nhiều đời”.

Thiền sư Đạo Thế nói: “Muốn nghe pháp phải thật lòng kính pháp, trọng người, chí thành muốn xa lìa phiền não, không cầu pháp hữu vi trời người”. Có nghĩa là quý Phật tử đến đây học hỏi, nghe hiểu Phật pháp, trong lúc lắng thần nghe pháp, phải phát một nguyện lực lớn: Ngày hôm nay đến đây nghe và học hiểu Phật pháp, con không cầu quả vị cõi trời được sung sướng, cõi người được hạnh phúc, mà con phát nguyện nhờ việc nghe pháp này, con tu thành Phật, rồi đem giáo pháp giác ngộ này chỉ dạy cho người khác. Đó là tâm Bồ Tát, là tâm Phật.

Trong Kinh A Hàm, Đức Phật có dạy:

“Người nghe chú tâm như khát uống,

Từng lời, từng nghĩa chẳng dám buông

Nghe pháp xúc động mừng vô hạn

Thuyết cho người này chẳng luống công”.

Trong Kinh Ưu bà tắc ghi: Khi nghe giảng pháp, phải có đủ 16 điều kiện mới tăng trưởng công đức:

1.     Đúng lúc

2.     Ưa thích

3.     Chí tâm

4.     Cung kính

5.     Không nhằm hoặc tìm lỗi của người

6.     Không nhằm bàn luận

7.     Không vì hiếu thắng

8.     Không khởi tâm xem thường người nói

9.     Không có tâm xem thường pháp

10.   Không tự khinh mình

11.   Tâm xa lìa ngũ cái: tham dục, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi.

12.   Để thọ trì và đọc tụng

13.   Để dẹp trừ ngũ dục

14.   Tín tâm

15.   Để biết mà dạy bảo cho người khác

16.   Để dứt trừ sự ngu dốt.

Trong Kinh Cụ Tạp thí dụ có ghi lại: Xưa ở nước An Tức có một vị sa môn chuyên tụng kinh suốt ngày đêm, có một con chó nằm dưới gầm giường để hết tâm nghe kinh, quên cả việc ăn uống. Cứ như thế trong nhiều năm. Sau con chó chết sinh làm người nữ trong thành Xá Vệ, lớn lên thấy Sa môn khất thực qua nhà cảm thấy rất vui mừng, muốn cúng dường. Sau cô xuất gia, sau 3 tháng chứng quả A la hán.

Loài vật còn như thế huống chi là người.

Trong Kinh Phó pháp tạng, Phật dạy: Tất cả chúng sanh muốn thoát khỏi biển khổ tam giới cần phải nhờ thuyền pháp. Pháp là gió mát xua tan hơi nóng phiền não. Pháp là thuốc tốt chữa lành bệnh phiền não. Pháp là thiện tri thức chân thật của chúng sanh, đem lại lợi ích lớn dứt trừ các đau khổ. Vì sao? Vì tất cả chúng sanh đều có tâm tính bất định, theo thói quen. Hễ gần người thiện thì có tính thiện, mà gần người ác thì có tính ác. Nếu ở gần người ác, chúng sanh tạo nghiệp ác, lưu chuyển trong sanh tử không có giới hạn. Nếu ở gần bạn tốt, chúng sinh khởi lòng tin kính, nghe và thọ trì diệu pháp, chắc chắn lìa được khổ đau trong ba đường. Do công đức ấy, người này được hưởng niềm vui thắng diệu của Niết Bàn.

(Nghe pháp mà rung động, cảm động thì giờ phút đó không còn phiền não. Nghe diệu pháp có ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của chúng ta).

Hôm nào tâm mình sân hận, tật đố, ích kỷ, chúng ta cảm thấy rất ngột ngạt, không sung sướng gì, đó là chúng ta đang đi trên lộ trình địa ngục. Hôm nào tâm chúng ta vui, tùy hỷ thì đó là thiên đường. Như vậy, địa ngục hay thiên đường là từ nơi tự tâm. Tâm sinh ra các pháp.

Trong Kinh Duy Ma Cật, Bồ tát Duy Ma Cật khẳng định: “Tâm tịnh Phật độ tịnh”. Thiền hay các tông phái khác đều y cứ nơi tâm mà lập bày các pháp môn. Chúng ta muốn chuyển hóa nội tâm cũng phải từ nơi tâm mà chuyển. Muốn chuyển hóa nội tâm phải nhờ nghe, học hiểu Phật pháp.

Trong Luật Thiện kiến có ghi:

"Lúc Đức Phật nói pháp, trong ao có một con cóc nghe âm thanh của Phật liền bò ra khỏi hang chăm chú lắng nghe. (Do năng lực của Đức Phật rất vi diệu, bất khả tư nghì, một lời của Đức Phật nói ra, tất cả các loài chúng sanh đều nghe và hiểu được. Một Đức Phật ra đời mà tuyên dương chánh pháp thì một hạt bụi cũng rúng động).

Cũng ngày đó có một ông chăn bò cũng đến nghe pháp, chống cây gậy lên mình con ếch. Chỉ cần thụp xuống bùn là thoát khỏi, nhưng vì muốn nghe pháp nên không thụp xuống bùn. Sau đó, con cóc chết và sinh về cõi trời Đao Lợi. Vị trời này quán xét nhân duyên sinh về cõi trời của mình bèn xuống rải hoa cúng dường Phật.

Các Thầy Tỳ kheo liền hỏi vị thiên tử do nhân duyên gì mà rả hoa cúng dường, vị này liền trả lời:

“Ngày xưa là thân cóc

Kiếm ăn trong ao nước

Nghe tiếng Phật giảng pháp

Con chui vào bụi cỏ

Có một người chăn bò

Cầm gậy đến nghe pháp

Cắm gậy nhằm đầu con

Con chết sanh lên trời”.

Con cóc chăm chú nghe pháp còn được như vậy, huống chi mình là người.

3.     Tín tâm cần cầu diệu pháp

Kinh Tạp Bảo Tạng ghi: “Phật pháp rộng lớn cứu độ chúng sanh không cùng tận. Người chí tâm cầu đạo đều được chứng quả".

Kinh Phổ Diệu, Phật dạy: “Nếu có người nghe kinh điển này mà chắp tay tự quy y thì lìa bỏ được gốc của 8 sự biếng nhác, thành tựu 8 công đức:

1.     Dung mạo xinh đẹp

2.     Sức lực mạnh mẽ

3.     Quyến thuộc đông đảo

4.     Mau được vô lượng biện tài

5.     Học tập nhanh, được xuất gia xa lìa ba đường ác đạo

6.     Việc làm thanh tịnh

7.     Đạt được tam muội

8.     Trí tuệ sáng suốt, hiểu biết tất cả

Kinh Hoa Nghiêm, Phật dạy: “Nếu nghe một câu pháp chưa từng được nghe thì quý hơn tất cả châu báu trong cõi tam thiên, đại thiên thế giới. Bồ Tát ấy được nghe một bài kệ chánh pháp mà khởi tưởng là pháp tài vô thượng thì còn quý hơn cả được ngôi Chuyển luân thánh vương"

Kinh Niết Bàn ghi: “Không có thiện nam, thiện nữ nào nghe được kinh này còn sanh vào 4 đường ác. Nếu có chúng sanh nào nghe qua bài kinh này một lần đều trừ sạch tất cả tội ác, ngay cả nghiệp tội địa ngục Vô gián”.

ĐĐ.Thích Khế Định
Theo truclamchanhthien.net

 

Các bài đã đăng

Pháp Thoại

adv3

Video giới thiệu

Tập:
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
  • 6
  • 7
  • 8
  • 9
  • 10
  • 11
  • 12
  • 13
  • 14
  • 15
  • 16
  • 17
  • 18
  • 19
  • 20
  • 21
  • 22
  • 23
  • 24
  • 25
  • 26
  • 27
  • 28
  • 29
  • 30
  • 31
  • 32
  • 33
  • 34
  • 35

Tìm kiếm

Ảnh đẹp

Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp
Ảnh đẹp

Lịch

Thống kê truy cập

  • Lượt truy cập: 00618
  • Online: 33