Pháp môn một chữ
28/04/2018 | Lượt xem: 3457
TT.Thích Thông Phương
I- THEN CHỐT TU HÀNH.
Lâu nay có những người học Phật nghe nói Phật Pháp rộng mênh mông, có đến tám vạn bốn nghìn pháp môn, rồi không biết tu thế nào cho chính xác, cứ chạy lòng vòng mãi tốn nhiều công thật đáng tiếc. Giờ đây qui kết lại một mối căn bản, giúp cho người học nắm lấy then chốt tu hành, khiến tiến thẳng vào đạo. Trong Thiền Tông Bản Hạnh có đoạn nói về Thượng Sĩ Tuệ Trung chỉ dạy cho vua Trần Nhân Tông như sau:
Tuệ Trung Thượng Sĩ chỉ nam,
Nhân Tông tác lễ mới tham đạo thầy.
Tuệ Trung trỏ bảo liền tay:
Tức tâm thị Phật xưa nay Bụt truyền,
Tâm kinh vốn thấy căn nguyên,
Tâm là Nhất Tự pháp môn thượng thừa.
Tâm bao bọc hết thái hư,
Tâm năng ứng dụng tuỳ cơ trong ngoài,
Tâm hiện con mắt lỗ tai,
Hay ăn hay nói mọi tài khôn ngoan,
Tâm năng biến hoá chư ban
Vạn pháp cụ túc lại hoàn như như.
Nghĩa là vua Trần Nhân Tông tham học với Thượng Sĩ Tuệ Trung, được Thượng Sĩ chỉ dạy thẳng tắt, cần thấu suốt bài kinh Tâm là thấy được cội nguồn, chính Pháp Môn Một Chữ Tâm này là Pháp Môn Thượng Thừa trên hết. Tâm nó bao trùm rộng lớn tất cả, ứng dụng khắp hết, muôn pháp đều trở về Tâm là Gốc. Nắm được Tâm là nắm được Gốc tu hành vững chắc.
Xưa Mã Tổ sai Phục Ngưu đem thư sang Quốc Sư Huệ Trung, Quốc Sư hỏi:
- Gần đây Mã Đại Sư dạy chúng thế nào?
Phục Ngưu đáp:
- Tức tâm tức Phật.
Hỏi:
- Là lời nói gì?
Giây lâu, Quốc Sư lại hỏi:
- Ngoài cái đó còn cái gì dạy chúng?
Phục Ngưu đáp:
- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật.
Quốc Sư bảo:
- Hơi giống chút ít.
Phục Ngưu hỏi lại:
- Mã Đại Sư thế ấy, chưa biết dạo này Hòa thượng dạy chúng thế nào?
Quốc Sư đáp:
- Ba điểm như dòng nước, uốn cong tợ lưỡi liềm. (tức chữ Tâm(心).
Mã Tổ cũng dạy trở về tâm đó, tức tâm tức Phật. Quốc Sư Huệ Trung cũng dạy một chữ TÂM, không có gì khác. Trong Luận Tối Thượng Thừa, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn cũng dạy: “… Nếu người biết giữ Tâm, giữ Tâm ắt đến bờ kia. Người mê Tâm, bỏ Tâm thì đọa tam đồ. Chư Phật ba đời đều lấy Tâm làm bổn sư”. Hoàng Bá thì dạy Bùi Hưu: “Chư Phật cùng tất cả chúng sinh chỉ là một Tâm không có pháp riêng”.
Cho thấy Tổ Tổ truyền nhau chỉ Tâm là Gốc, không pháp nào trên nữa. Chư Phật, chư Tổ chỉ một đường này thông suốt cả xưa nay, nếu có nói thế này, thế kia cũng là ngôn ngữ sai biệt thôi. Tâm là trọng yếu như vậy mà từ trước đến nay phần nhiều người học ít quan tâm, đó là một điểm cần tỉnh trở lại.
II- THẾ NÀO LÀ PHÁP MÔN MỘT CHỮ?
Nói pháp môn một chữ Tâm, tức là chỉ người quay về tự tâm, nhận rõ tự tâm là chính yếu. Ngoài tự tâm hay rời tự tâm mà tu cái gì khác, là dễ đi sai lệch. Bởi Tâm mới có Biết, có Biết mới có phát tâm tu, có làm lành lánh dữ, có chuyển mê thành giác. Rời tâm lấy cái gì tu? Lấy cái gì giác? Cũng như làm lành lánh dữ từ đâu mà làm? Đều do tâm thôi. Cái tay, cái chân là vật vô tri, tắt thở thì nó cứng đờ, bất động, nó đâu biết làm lành, lánh dữ. Cái đầu này cũng vậy, nó cũng là cái sọ não vô tri, cũng không biết làm lành, lánh dữ. Xét cho thấu xem có phải vậy không?
Rồi mê giác, tỉnh say cũng chỉ là tâm. Tâm mê, tâm giác, tâm tỉnh, tâm say, tâm vô minh, tâm trí tuệ. Do Tâm có Biết, có Biết mới có mê, tức Biết trong lầm lẫn, hư vọng, Biết trong điên đảo, lấy giả làm thật quên mất Tính sáng suốt thanh tịnh sẵn có, gọi là cái Biết mê. Còn cái khối thịt này, cái sọ não kia nó có biết hay mê gì? Như thấy thỏi vàng sinh tham, là do có Biết mới khởi tham. Hoặc nghe người nói xúc phạm sinh sân, cũng do biết mới có sân. Rồi chửi mắng, hơn thua phải quấy với nhau cũng do Tâm Biết. Cái miệng chỉ là hai miếng thịt vô tri, khi chết cũng sình, cũng thúi, đâu biết chửi.
Rồi đang ngồi nghe pháp là do đâu mà có? Chính do Tâm Biết, nó mới dẫn từ nhà đi đến chùa và biết lắng nghe, để thức tỉnh cái tình mê của mình. Thiền sư Lâm Tế-Nghĩa Huyền từng bảo: “Sắc thân bốn đại các ông chẳng Biết nói pháp nghe pháp, tỳ vị gan mật chẳng Biết nói pháp nghe pháp, hư không chẳng Biết nói pháp nghe pháp, chính cái gì Biết nói pháp nghe pháp? Là một cái RIÊNG SÁNG TỎ HIỆN BÀY RÀNH RÕ TRƯỚC MẮT ÔNG ĐÂY, cái đó Biết nói pháp, nghe pháp. Nếu thấy được như thế liền cùng Phật, Tổ không khác”.
Rõ ràng trong đây cái gì Biết nói pháp nghe pháp? Đất, nước, gió, lửa thì làm sao Biết nói pháp nghe pháp? Tim, gan, phổi, thận cũng vậy, là những cục thịt vô tri thôi, đâu biết nói pháp nghe pháp, chính một cái “Riêng Sáng Tỏ Hiện Bày Trước Mắt Đây”, đó mới là cái gốc của vấn đề cần phải phát minh. Nói đơn giản, tức là Cái Biết Sờ Sờ đây! Nhưng sao gọi là “riêng sáng tỏ”? Tức là nó tự sáng tỏ một mình, không kẹt nơi căn, không dính nơi trần, không thuộc nơi duyên, không có bạn bè kèm theo, chính cái Biết đó mới là Riêng Sáng Tỏ Rõ Ràng không có gì che mờ được. Đây chính là pháp môn sống, là Phật pháp nhiệm mầu. Phật thành đạo là thành trong Tâm Giác ngộ này. Tổ ngộ đạo là ngộ nơi Tâm sáng tỏ đây. Ngoài Tâm không riêng có pháp môn nào khác, trừ Phật phương tiện nói. Trong Kinh Pháp Hoa Đức Phật bảo: “Chỉ một việc này thật, có hai chẳng phải chân”.
Thiền sư Việt Nam có ngài Chân Nguyên đến tham vấn với Thiền sư Minh Lương hỏi:
- Bao năm dồn chứa ngọc trong đảy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?
Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại liền tỏ ngộ, sụp xuống lạy.
Tức là thầy trò nhìn thẳng vào nhau, ngay đó liền tỏ ngộ, vậy ngộ cái gì? Hai mắt thầy nhìn là cái gì nhìn? Hai mắt trò nhìn lại đó, cũng từ cái gì nhìn? Trong đó Tâm Tâm bắt gặp nhau, trong cái Biết nhiệm mầu nơi tánh thấy chứ gì! Tâm thầy bắt gặp tâm trò, và tâm trò cũng bắt gặp tâm thầy, tự thầm cảm thông nhau, ngay đó liền tỏ ngộ. Ngoài Tâm làm sao có? Gọi “Pháp Môn Gốc” là đó, đạt được Gốc này thì thông suốt các thứ.
III- DỤNG CỦA TÂM ỨNG HIỆN.
Tâm là chủ Sự sống, thiếu nó là thành Sự chết, là thế giới trơ lặng. Nhưng Tâm thì làm sao thấy được nó? Thể của nó vốn không hình tướng, không thuộc một cái gì. Chỉ khéo nhận qua cái Dụng của nó, vì Dụng thì hiện bày khắp nơi. Như đoạn Thượng Sĩ Tuệ Trung dạy trong Thiền Tông Bản Hạnh:
Tâm bao bọc hết thái hư,
Tâm năng ứng dụng tuỳ cơ trong ngoài.
Tâm hiện con mắt lỗ tai,
Hay ăn hay nói mọi tài khôn ngoan.
Đây Ngài khai thị, Tâm ứng dụng ra suốt cả trong ngoài, trùm khắp hư không, nhìn tận trời xanh đều không ra khỏi nó. Gặp duyên là nó hiện, ở trong là chỗ suy nghĩ, tưởng niệm, ở ngoài là chỗ thấy, nghe, cười, nói v..v… Tức là nơi sáu căn nó luôn luôn ứng hiện ra thành cái dụng hiện tiền đó.
Trong Huyết Mạch Luận, Tổ bảo: “Ông hỏi ta chính là tâm ông. Ta đáp ông chính là tâm ta. Ta nếu không có tâm, nhân đâu biết đáp ông. Ông nếu không có tâm, nhân đâu biết hỏi ta.
Hỏi ta tức là tâm ông, từ vô số kiếp lâu xa tới nay, cho đến tất cả mọi hành động tạo tác, trong tất cả thời, tất cả chỗ đều là Bản Tâm của ông, đều là Bản Phật của ông”.
Đây Tổ Sư chỉ rõ, ngay khi hỏi đáp là cái gì ứng dụng thành có hỏi đáp đó? Chính Tâm đang hiện hữu sáng ngời, cho đến mọi hành động tạo tác đều là chỗ tâm hiển lộ. Nếu quả thật không có Tâm, làm sao Biết hỏi đáp, động dụng? Nhưng đa số lại mê chỗ này, chỉ nhớ đến tướng động dụng thôi mà quên cái Thể Biết Sáng Ngời trong đó! Người Giác là giác chỗ này thôi. Cho nên Thiền sư Thủ Sơ đến tham vấn ngài Vân Môn cũng được đánh thức chỗ này. Tức là vừa hỏi đáp qua lại rõ ràng, hỏi đâu đáp đó rành rẽ không chút ngưng trệ, đâu có thiếu thốn cái gì mà chưa ngộ? Nên Vân Môn bảo: “Tha cho ông ba gậy”, là ngầm đánh thức cho ông đó! Tiếc thay vừa nghe tiếng ba gậy ông liền theo tiếng sinh hiểu, bị cái tiếng ba gậy che lấp thành ngăn ngại. Nếu khéo tỉnh trở lại, ngay đó thầm nhận ra là xong, khỏi phải nhọc nhằn chạy tìm kiếm ở đâu xa. Thiền sư Tuệ Hải đến Mã Tổ cũng được chỉ thẳng kho báu ngay chỗ hỏi đó, nhận được liền hết bao kiếp lang thang!
Thiền sư Thanh Đàm hiệu Minh Chánh có đặt câu hỏi giải thích về Diệu Tâm như sau:
Hỏi:
- Tại sao không chỉ thẳng cái thứ nhất là Diệu Tâm xưa nay mà lại chỉ cái thứ hai là căn tánh để làm phương tiện tu hành?
Đáp:
- Tâm vốn vô hình, làm sao chỉ? Trước kia tôi đã nói một lần rồi, ngôn thuyết và biểu thị không nắm được tâm. Tuy vậy, dù tâm vô hình nhưng Sự ứng dụng của tâm lại có vết tích, vì có vết tích nên có thể chỉ bày khiến cho người tu học có thể nhìn sự ứng dụng, do ánh sáng ấy mà về được tâm.
Nghĩa là Diệu Tâm thì không hình tướng, không thể chỉ ra, không thể giải thích được, nhưng có thể nhìn theo vết tích nó ứng hiện ra thành dụng, theo ánh sáng đó mà thầm nhận trở lại liền gặp. Đó là đường trở về!
Hỏi:
- Dấu vết ở đâu?
Đáp:
- Ở trên đối tượng sáu trần. Do Sắc mà có Thấy, do Tiếng mà có Nghe, sáu trần là dấu vết ứng dụng của sáu căn. Nay muốn nắm được dấu vết của căn phải quan sát cái THẤY, cái NGHE nơi đối tượng sắc thanh.
Đây Thiền sư Minh Chánh chỉ cho thấy dấu vết Diệu Tâm ứng hiện ra là ở ngay Căn Trần này, Thấy sắc, Nghe tiếng chính là dấu vết nó hiện ra đó!
Sư lại nói kỹ hơn: “Công dụng của căn là công dụng của Tâm, căn nhận biết là Tâm nhận biết, chỗ khác nhau là Căn có tới sáu công dụng, mà Tâm chỉ có MỘT BẢN THỂ TINH MINH. Chư Phật truyền nhau là Căn pháp này, các Tổ truyền nhau là Tâm Tông ấy. Đó là bí quyết mà các kinh điển chỉ bày để được Căn Bản Trí”. Sư chỉ rõ: “Căn nhận biết chính là Tâm nhận biết”, chứ con mắt là cục thịt tròn, lỗ tai là miếng thịt mỏng, nó có biết gì? Sao lại lầm trong đó mà quên mất Tánh Thật? Điều quan trọng là, cần thấu suốt cái THỂ BIẾT KHÔNG HAI, thường hiện hữu sáng ngời đây mà không thuộc nơi duyên, chớ lầm theo sáu cái thành sai biệt. Đó là con đường trở về bản tâm, là mạch sống xưa nay không gì trên thế gian này có thể sánh kịp. Bí quyết của các kinh điển là đây.
IV- TÓM KẾT.
Để tóm kết ý nghĩa trên bằng ba bài kệ Vỗ Trống Tâm của Thiền sư Minh Chánh. Đây là một sáng tạo độc đáo của Thiền sư Việt Nam:
Ngang lưng đeo trống đối tri âm,
Duỗi thẳng hai tay đánh trống tâm.
Tập tập tầm tâm, tâm tất tập,
Tầm tâm tâm tập, tập tầm tâm.
Âm thanh hợp vận, âm trùng họa
Tịch chiếu tâm tông, tức tập tâm.
Trăng sáng gió thanh thường tự tại,
Tầm tâm chẳng được, nghỉ tầm tâm.
Thôi nhé, tâm ta chẳng thể tầm,
Tầm tâm dẫu được chẳng chân tâm.
Mang đèn xin lửa thêm điên đảo,
Thà đứng bên song hát khúc ngâm.
Đây là đối trước tri âm mà vỗ trống tâm, thì ai là tri âm mới hoà được nhịp trống này.
Duỗi thẳng hai tay mà đánh trống, tức buông xả hai bên, không chỗ nắm bắt. Tuy nhiên trong đây có điều cần nghiệm kỹ! Đã đánh trống tâm, sao lại còn tìm tâm? Có mâu thuẫn hay không? Ai thấy được chỗ này? Trong đây cái tâm nào đi tìm, cái tâm nào được tìm? Đúng là đem tâm đi tìm tâm! Đó là điểm nhắc cho người khéo tỉnh lại.
Rồi âm thanh hợp vận theo tiếng đó mà họa lại. Phải nhớ rõ, Tâm Tông là luôn lặng lẽ mà chiếu soi, đủ hai nghĩa TỊCH và CHIẾU, không thể nghiêng lệch một bên. Tịch mà chiếu thì chẳng chìm trong không, chiếu mà tịch thì không kẹt nơi có, không dính nơi duyên, không chết trong động. Được vậy thì thấy nghe tự tại, không bị các trần che mờ. Ngay tiếng chim, tiếng gió, tiếng cười, tiếng nói đều nhớ lại Gốc Tâm, là khéo biết họa lại tiếng trống Tâm này.
Cuối cùng là chỉ “dừng” lại liền xong, cho nên tìm đáo để rồi vỡ lẽ ra, không tâm nào có thể được, liền dừng nghỉ. “Tầm tâm chẳng được nghỉ tầm tâm”
Bởi tâm mình thì tìm ở đâu? Nếu có tìm được là thành tâm của người khác rồi. Do đó, tìm được thì chẳng phải là Bản Tâm, là Chân tâm. Đây ví như mang đèn mà đi tìm lửa, hoặc cởi trâu mà tìm trâu, thật là tự lầm lẫn!
Vì vậy, tỉnh ra rồi thì chỉ đứng bên song cửa mà hát khúc ngâm, khỏi chạy tìm đâu nữa. Bên song tức là bên cửa sáu căn này, ngay đó mà hát hoạ trở lại, vui niềm vui có Bản Tâm!
Người học đạo nhất là học Thiền cần sáng tỏ trở lại Gốc chân thật này, tin nhận được Bản Tâm mình để sống, đó là Gốc của muôn pháp, là lối ra mê lầm, đêm tối vô minh được rọi sáng lên từ đây. Mỗi người cần có một lần nhảy qua chỗ này. Niềm vui trong đây thực khó nói hết bằng lời!
--------ooOoo-------
Các bài mới
- Tu tâm xả - 16/04/2018
- Hãy nhớ cái chết đang chờ chúng ta - 10/04/2018
- Sống không khoảng cách - 24/03/2018
- Ở đâu có ta là có đau khổ - 11/03/2018
- Hãy khéo chăm sóc cái tâm - 24/02/2018
Các bài đã đăng
- Phương pháp để sống an vui - 21/02/2018
- Thiền là sống ngay thực tại - 11/01/2018
- Giải thoát tri kiến - 08/01/2018
- Ai cũng có khả năng giác ngộ - 31/10/2017
- Tất cả thế gian đều tan rã - 25/09/2017
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 44958
- Online: 41