Phật là gì
16/05/2019 | Lượt xem: 5067
Người học Phật, trước tiên phải hiểu rõ Phật là gì ? Đây là một ý nghĩa trọng yếu không thể lờ mờ thông qua. Thông thường nhiều người điều hiểu Phật là Đức Thích Ca sinh ra ở Ấn Độ, có cha là vua Tịnh Phạn, mẹ là hoàng hậu Ma-da, vợ là Gia-du-đà-la, con là La-hầu-la phải vậy chăng ? Đa số người sẽ đáp ngay là: phải, không nghi ngờ. Song đặt câu hỏi lại: Phật mà có vợ, có con sao ?
Có vợ, có con sao gọi là Phật ? Do đó chúng ta cần phải hiểu chính xác hơn: đó là thái tử Tất-Đạt-Đa, ngài mới có sinh ra, có cha mẹ, có vợ con, có chết đi. Nếu chỉ nhìn Phật trên hình tướng đó, thì Phật cũng sanh diệt như mọi người, vậy tu hành đắc đạo để làm gì ?
Sự thật lúc đó Thái tử Tất - Đạt – Đa chưa gọi là Phật, mà sau khi Ngài vượt thành xuất gia, tìm học các vị Tiên, tu khổ hạnh, cuối cùng Ngài đều không thỏa mãn nên từ giã tất cả, đến dưới cội cây Tất-bát-la, lúc này cũng chưa được gọi là cây Bồ Đề, Ngài ngồi thiền định suốt bốn mươi chín ngày đêm, đến đêm bốn chín, khi sao Mai mọc liền giác ngộ thành đạo, từ đó mới gọi là Phật; và cây Tất-bát-la cũng do để kỷ niệm nơi Phật giác ngộ thành đạo nên đổi tên Bồ đề. Như vậy, rõ ràng giác ngộ mới gọi là Phật. Nhưng giác ngộ là ở đâu ? Không thể vội vàng nhận cho là ở thân tướng mấy chục ký-lô của ông già người Ấn, với ba mươi hai tướng tốt, đến tám mươi tuổi cũng nhập diệt, từ giã cõi đời như mọi người. Cho Phật là thân tướng vô thường này, chính là phỉ báng Phật rồi. Có người sẽ bảo: tu hành thành Phật rồi cũng chết như ai, vậy tu để làm gì ? Vì tu thì cũng chết, không tu cũng chết có khác gì ?
Cho nên phải chín chắn xét kỹ lại: Phật là cái thây thúi này sao ? Và thành Phật là thành cái thân mập ốm, đen trắng, cao thấp này sao ? Mà bảo như thế ? Đó là hiểu lầm thành phỉ báng!
Trong kinh A Hàm có bài kinh kể rằng:
- Một hôm Đức Phật đi khất thực trong thành Xá Vệ trở về, chiều hôm đó cảm thấy trong người hơi lạnh, Ngài ra ngồi phơi nắng, vén y để lộ làn da nhăn nheo. Thấy vậy, Tôn giả A-nan đi đến xoa lưng Phật và than rằng: “Ôi da dẻ Thế Tôn không còn láng mịn như thuở xưa nữa! Lưng Ngài đã khòm tới trước, còn đâu những gì của thời trai tráng!”
Phật bảo:
- Đúng thế A-nan! Cái già nó sẵn ở trong cái trẻ, cái chết nó nằm sẵn trong cái sống, thân ta rồi đây cũng hư hoại một lúc nào đó không tránh khỏi!
Trong đây Phật xác nhận rõ, thân tướng này là vật vô thường bại hoại, thì đâu thể cho đó là Phật, mà chính Phật kể lại trong kinh A-hàm đêm bốn chín đó, Ngài chứng tam minh là:
- Một, túc mạng minh, nhớ suốt vô lượng kiếp về trước sanh ở đâu, cha mẹ dòng họ thế nào…, nhớ rõ như ở trước mắt.
- Hai, thiên nhãn minh, thấy suốt nhân quả sanh tử của tất cả chúng sanh, chết ở đây sanh ở kia.., như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy người qua lại rõ ràng.
- Ba, lậu tận minh, tâm sáng tỏ sạch hết phiền não mê lầm, không còn rơi rớt trong sanh tử nữa; đồng thời Ngài thấu tột mười hai nhân duyên, rõ sốt cội gốc sanh tử là vô minh, giác ngộ thành Đẳng Chánh Giác. Vậy thành Phật là thành ngay “tâm giác ngộ” đó, đâu phải thành ở cái thây xác hư hoại này! Không thể nhận lầm như thế.
Có một đoạn nhân duyên kể rằng: mùa hạ năm ấy Thế Tôn lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp độ cho hoàng hậu Ma-da đã sanh lên đây, xong rồi Ngài từ giã chư thiên trở về nhân gian. Bốn chúng trời rồng cùng nhau qua đón. Bà Tỳ Kheo ni Liên Hoa Sắc nghĩ rằng: “Ta là thân ni, chắc chắn phải gặp Phật sau Đại Tăng. Chi bằng mình dùng thần lực biến làm chuyển luân vương đến gặp Phật trước nhất”. Bà liền làm theo và quả nhiên được gặp Phật trước.
Trong khi đó, Tôn giả Tu-bồ-đề đang vá y, Ngài cũng muốn đi qua đón Phật, song ngay đó Ngài liền khởi niệm quán lý các pháp đều không, chẳng có tạo tác, bèn thấu rõ Phật pháp chân chánh, liền thôi, trở lại ngồi vá y như cũ.
Lúc đó, Thế Tôn vừa thấy Tỳ kheo ni Liên Hoa Sắc liền quở:
- Liên Hoa Sắc! Ngươi đâu được vượt Đại Tăng mà gặp ta. Dù ngươi thấy sắc thân ta, song vẫn chẳng thấy pháp thân ta. Còn Tu-bồ-đề tuy ngồi yên trong núi, lại thấy pháp thân ta!
Như vậy, thấy sắc thân Phật chưa hẳn là thấy Phật thật, mà trong đó còn có một cái gì sâu xa hơn, vượt qua cái thấy của hai tròng mắt này, vượt qua cái hiểu của tâm suy nghĩ phân biệt này, không thể đem tâm phàm phu sinh diệt này mà suy đoán nhận hiểu, đòi hỏi phải mở con mắt giác ngộ mới nhận rõ: Phật ở ngay tâm giác ngộ!
Bởi Phật ở ngay tâm giác ngộ, vậy thì ai có tâm đều có Phật không thiếu. Một thí dụ gần gũi: Hiện tại cái gì thúc đẩy chúng ta đi chùa ? Cái gì thúc đẩy chúng ta ăn chay, niệm Phật ? Đó là tâm Phật ngẩm ẩn bên trong chớ gì!
Đức Phật ban đầu khi mới phát tâm cũng giống như chúng ta thôi, rồi tu hành nhiều kiếp, tâm giác ngộ mới hiện ra và công đức đầy đủ, cuối cùng mới thành quả Phật. Ngay trong kiếp cuối này, lúc đầu Ngài cũng hiện ra từ một con người như bao nhiêu người, cũng có cha có mẹ… nhưng đặc biệt không giống mọi người, là Ngài không bằng lòng với số phận của kiếp người đã an bài, mà quyết tìm cách vượt ra. Khi dạo qua bốn cửa thành, thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và vị sa môn, Ngài có thắc mắc: Tại sao ai sanh ra cũng phải già, bệnh, chết như thế ? Mọi người đều cho đó là chuyện dĩ nhiên, là định luật đã an bài, từ xưa đến nay vốn như thế, chỉ cúi đầu chấp nhận thôi. Song với Ngài thì không chấp nhận là vốn như thế, mà nó phải có nguyên nhân của nó, quyết tìm ra nguyên nhân thì có cách giải quyết, không thể cúi đầu chấp nhận. Do đó, Ngài vượt thành xuất gia tìm Đạo, và quả nhiên Ngài đã thành công.
Trong kinh Tương Ưng Bộ, bài kinh Đại Thích Ca Mâu Ni Cù Đàm, Phật tự thuật:
- Thuở xư, này các tỷ kheo, trước khi ta giác ngộ, chưa chứng Chánh Đẳng Giác, còn là Bồ tát, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh, và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già chết, từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly già chết”.
Rồi này các Tỷ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì có mặt, già bệnh chết có mặt ? Do duyên gì, già chết sanh khởi ?”. Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, ta phát sinh minh kiến như sau: “Do sanh có mặt nên già chết có mặt. Do duyên sanh nên già chết sanh khởi”.
Rồi này các Tỳ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì có mặt, sanh mới có mặt… hữu… thủ… ái… thọ… xúc… danh… sắc… thức… hành… do duyên gì sanh khởi ?”.
Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, ta phát sinh minh kiến như sau: “Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh nên hành sinh khởi”.
Như vậy vô minh duyên hành, hành duyên thức… (như trên)… hữu duyên sanh, sanh duyên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
“Tập khởi, tập khởi”. Này các Tỳ kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
Rồi này các Tỳ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt, già chết không có mặt ? Do cái gì diệt, nên già chết diệt ?”
Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, tá phát sanh minh kiến như sau: “Do sanh có mặt nên già chết có mặt. Do sanh diệt nên già chết diệt”.
Rồi này các Tỳ kheo, ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì có mặt, sanh không có mặt… hữu… thủ… ái… thọ… mặt… hữu… thủ… ái… thọ… xúc… sáu xứ… răng sắc… thức, hành… Do cái gì diệt, hành diệt ?
Rồi này các Tỳ kheo, sau khi như lý tư duy về vấn đề này, nhờ trí tuệ, ta phát sanh minh kiến như sau: “Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh nên hành sanh khởi”.
Như vậy, vô minh diệt; hành diệt; hành diệt, thức diệt… như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
“Đoạn diệt, đoạn diệt”, này các Tỳ kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi ta nhãn khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên. (Tương Ưng Bộ, tập II, trang 24-26).
Tức là Đức Phật đã phăng tìm nguyên nhân của già chết, phăng đến tột cùng liền khám phá ra, chính “vô minh” là gốc sanh khởi để kết nhóm, là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn tức thân tâm này, mà tất cả chúng sanh phải mang lấy trong cuộc luân hồi dài từ vô thỉ.
Dứt vô minh thì các duyên theo đó đều dứt, sanh tử khổ ưu não dừng, là vấn đề sống chết được giải quyết xong.
Vô minh là gì ? Tức mê mờ không sáng suốt khởi chấp ngã, thấy có một cái ta tồn tại, rồi bám chặt vào đó mà tạo thành nghiệp lành, nghiệp dữ, và bị nghiệp dẫn đi trong luân hồi. Bởi bám vào cái ta này, nên mất nó liền tìm cái khác thay vào, dòng sanh tử tiếp nối không dừng chính từ đây.
Như chuyện thiền sư Phá Táo Đọa khai thị cho ông thần Táo. Nhân ở vùng Trung Sơn Trung Quốc, có ngôimiếu thờ ông Táo, Người đến giết vật cúng tế thường xuyên. Một hôm có một vị thiền sư sau này gọi là Phá Táo Đọa, dẫn nhóm đệ tử vào trong miếu, sư đến chỗ thờ ông Táo, lấy gậy gõ vào đó ba cái bảo:
- Bếp ơi! Đây là ngói gạch hợp thành, Thánh từ đâu lại, Linh từ đâu đến mà ngươi đòi chuột mạng nhiều sinh vật như thế ?.
Nói xong, sư gõ mấy cái nữa thì cái bếp liền ngã đổ. Sư bèn dẫn nhóm đệ tử đi ra. Thầy trò đi được mó quãng đường, chợt có một người mặt đồ xanh như là quan đến lễ trước sư, sư hỏi:
- Ông là ai ?
Vị đó thưa:
- Con là thần Táo ở ngôi miếu kia, vừa rồi con được Hòa thượng khai thị cho pháp vô sanh nên được giải thoát kiếp Táo, sanh về cõi trời, do đó con đến tạ ơn Hòa thượng.
Sư bảo:
-Vô sanh là tánh sẵn có của ngươi, chẳng phải nhờ ta thuyết pháp.
Vị ấy bèn lạy rồi biến mất.
Ông thần Táo ngộ pháp vô sanh ở đâu ? Bởi trước đó ông không có chỗ tựa nên bám nên bám vào mấy cục gạch của cái bếp cho là mình, rồi bắt người giết hại bao sinh mạng để dâng cúng cho mình, tạo thành muôn ngàn nghiệp dữ buộc chặt không đi đâu được. Nay nhờ thiền sư Phá Táo Đọa khai thị cho, bảo đây là ngói gạch hợp thành, nó là vật vô tri, còn ông là Thần đâu phải mấy thứ đó! Ông liền tỉnh ngộ, mình là Thần tức là linh thiên, là sáng suốt đâu phải mấy cục gạch vô tri đó, liền buông nó ra, tức thành giải thoát sanh lên cõi trời, thoát khỏi kiếp Táo.
Chúng ta cũng thế, bám vào mấy cục thịt, mấy đốt xương, mấy sợi gân… vô tri này cho là mình rồi cũng giết hại con này, con kia nuôi dưỡng nó, tạo thành biết bao nghiệp ác cũng vì nó. Nhưng cuối cùng, nó cũng bỏ mình để trở về với cát bụi, còn nghiệp ác đã tạo kia, mình phải mang lấy sang kiếp sau mà nhận quả khổ, thật có đau đớn chăng ? Phật gọi chúng sanh mê lầm là như thế.
Giờ đây, nếu tỉnh ngộ, biết mình là linh tri, là sáng suốt không phải những thứ vô trí, hư hoại đó, buông nó đi, tức thành giải thoát. Không bám vào nó, lấy đâu có chỗ để sanh ? Ngay đó là pháp vô sanh chớ gì! Rất thực tế và gần gũi với chúng ta vô cùng!
Chuyện thứ hai là ông tăng tên Vô Căn. Ông tăng này tu thiền định, một lần nọ nhập định ngồi luôn ba ngày bất động, bị người hiểu lầm tưởng là ông đã chết bèn đem thiêu. Qua mấy hôm sau, khi thần thức ông xuất định, tìm chẳng được thân thể mình. Do đó, đại chúng trong chùa thường nghe tiếng ông tự nói một mình rất bi thảm: “Ta tôi! Ta ở đâu ?”. Cứ mỗi tối đến, tiếng của ông tăng Vô Căn này đi tìm thân càng thêm buồng thảm làm cho đại chúng đều bất an.
Một hôm, Thiền sư Diệu Không là bạn của ông tăng này biết rõ chuyện ấy, sư đến trong chùa nói với đại chúng:
- Tối nay tôi cần ở trong phòng của ông Vô Căn, khi ông ấy đến, tôi sẽ nói chuyện với ông, xin quí vị chuẩn bị cho tôi một thau lửa và một thùng nước, tôi sẽ làm cho ông ta hiểu rõ cái gì là ta!
Khi đêm đã khuya, ông tăng Vô Căn tìm thể mà đến, kêu gọi rất thê thảm:
- Ta ư ? Ta đi đâu rồi ?
Thiền sư Diệu Không bình thản bảo:
- Ông ở trong đất đấy
Vô Căn liền chui vào đất tìm đông, tìm tây, tìm kiếm hồi lâu nhưng chưa tìm ra, rất buồn bã nói:
- Trong đất không có ta!
Thiền sư Diệu Không bảo:
- Vậy thì có thể là ở trong hư không, ông hãy đến trong hư không tìm xem!
Vô Căn tiến vào hư không tìm, tìm tới tìm lui một lúc lâu, vẫn buồn thảm nói:
- Trong hư không cũng không có ta! Ta cuối cùng ở đâu ?
Thiền sư Diệu Không chỉ thùng nước bảo:
- Chắc là ở trong thùng nước ấy!
Vô Căn tự vào trong nước, lúc lâu cũng buồn bã đi ra nói:
- Ta ở đâu ư ? Trong nước cũng không có!
Thiền sư Diệu Không chỉ trong thau lửa bảo:
- Ông hẳn ở trong lửa đấy!
Vô Căn tiến vào trong lửa, vẫn không tìm được. Diệu Không mới nói thật với Vô Căn:
- Ông hay vào đất, xuống nước, cũng hay vào trong lửa còn tự tại vào trong hư không, vậy ông còn muốn cần cái thân nhơ nhớp kia, là cái xác nơi nơi đều chẳng tự do để làm gì ?
Sau khi nghe xong Vô Căn chợt có tỉnh từ đây không còn lăng xăng tìm ta nữa. (Tinh Vân Thiền Thoại).
Ông tăng Vô Căn này thật đáng thương chăng ? Ông cứ lo nhớ cái xác thân hư hoại, hôi thúi này cho đó là mình. Trong khi chính mình sáng suốt tự tại thấy rõ, nghe rõ thế kia lại bỏ quên - Cứ lo tìm ta, còn cái gì đang hỏi, đang tìm đó, sao không tỉnh nhớ lại xem ? Thấy được chỗ này tức thấy được Phật ngay, khỏi tìm đâu xa!
Hiểu như thế rồi khi lễ Phật chúng ta phải lễ thế nào cho có ý nghĩa ?
Thứ nhất, lễ Phật là nhớ ơn đức của Phật. Nhân hình tượng của Ngài, gợi cho chúng ta nhớ đến ân đức lớn lao, Ngài đã tìm đường giác ngộ, thấu tột chân lý giải thoát đau khổ trong sanh tử và đem chỉ dạy lại cho mọi chúng sanh. Ân đức ấy làm sao nói hết ? Do đó, chúng ta thành tâm kính lễ Ngài để tỏ lòng biết ơn vô hạn. Song lễ Phật vốn do tâm thành, có tâm chí thành thì mới cảm sâu với Phật. Như câu chuyện: Trước kia ở Tây Tạng có bà lão sống với đứa con trai. Đứa con làm nghề buôn bán, thường đi qua Ấn Độ. Ngày kia, đứa con sắp lên đường, bà gọi lại bảo: “Tại Bồ Đề Đạo Tràng là nơi Đức Phật Thích Ca thành đạo, vì thế mẹ nhờ con mang một cái gì từ đó đem về. Có thể là một ít xương tro hay bùa chú, pháp khí gì cũng được, xem như sự hiện diện của chính Đức Phật trong nhà mình.
Nhiều lần như vậy, nhưng đứa con đều không thực hiện được. Lần nọ, đứa con sắp lên đường đi Ấn Độ bà bảo: “Nếu lần này con không mang gì về cho mẹ từ Bồ Đề Đạo Tràng để mẹ thờ thì mẹ sẽ tự tử chết ngay”.
Đứa con đi, sau thời gian làm việc xong và trở về, bổng nhớ ra mình quên ghé Bồ Đề Đạo Tràng lấy một ít xương tro Phật đem về cho mẹ. Anh hoảng sợ, nghĩ đến nếu về không mẹ mình sẽ tự tử chết mất. Anh nhìn quanh thấy một con chó đã chết khô, anh vội nhổ một chiếc răng chó, gói lại cẩn thận trong một chiếc khăn lụa. Về đến nhà anh vui mừng nói với mẹ:
- Thưa mẹ, đây chính là một chiếc răng của Phật Cồ Đàm, tự tay con đã tìm được tại Bồ Đề Đạo Tràng.
Bà mẹ tin con và hết sức tôn quí chiếc răng ấy. Kể từ đó, bà hết lòng phụng thờ chếc răng, không lâu, bà đã cảm được sự bình an của nội tâm, điều mà bà nghĩ suốt đời tìm kiếm cũng khó gặp.
Không lâu, bạn bè hàng xóm cũng nhận thấy xung quanh chiếc răng đó có ánh sáng năm màu rất kỳ bí. Mỗi ngày có nhiều người đến lễ lạy. Tới ngày bà chết, cũng có ánh sáng bao quanh thân thể bà, bà mỉm cười ra đi nhẹ nhàng. (Sư Tử Tuyết Bờm Xanh)
Câu chuyện cho thấy sự cảm ứng không phải ở hình ảnh bên ngoài mà cốt là ở chỗ thầm kín bên trong, từ nội tâm chân thành của người mới cảm sâu với Phật. Nếu lễ Phật với tâm giả dối thì hẳn khó có thể cảm sâu. Còn nếu với tâm ngã mạn kiêu căng thì chỉ thấy là tượng đá, tượng gỗ chớ gì! Do đó, phải tự kiểm sét lại tâm mình để thấy rõ việc làm của mình đúng ý nghĩa hay không.
Điểm thứ hai, lễ Phật là để nhắc mình nhớ lại Đức Phật nơi mình. Vì Phật cũng là một hình tướng con người do tu hành thành Phật; mình cũng là con người thì mình cũng có khả năng tu hành giác ngộ thành Phật. Mình cũng có một Đức Phật trong lòng đâu thiếu thôn, đâu thể cam chịu tối tăm làm chúng sanh mãi mãi. Đó là đem lại niềm tin vững mạnh để chúng ta vươn lên, chuyển hóa con người xấu ác, xóa tan mặc cảm tội nghiệp sâu dày giận chìm con người trong tội lỗi.
Thiền sư Bá Trượng Hoài Hải lúc còn bé, một hôm theo mẹ vào chùa lễ Phật sư bèn chỉ vào tượng Phật hỏi mẹ:
- Đây là cái gì ?
Mẹ bảo :
- Đó là Phật.
Sư nói:
- Hình dáng giống người không khác, sau này con sẽ làm Phật!
Đó là nhân hình ảnh Đức Phật bên ngoài, đánh thức Đức Phật bên trong của mình, kích thích hạt giống giác ngộ nơi mình khiến được nảy mầm và lớn mạnh lên. Lễ Phật như thế là một ý nghĩa cao siêu, có công đức không thể nghĩ bàn.
Tóm lại, Phật chỉ là một danh từ, hình tướng biểu tượng bên ngoài là phương tiện tạm thời để nhắc nhở người tỉnh giác, không phải Phật thật. Cẩn tỏ ngộ lại tâm sáng suốt nơi chính mình, đó mới là Phật gốc. Đức Thích Ca thành Phật cũng là ngay trong tâm ấy, thấy lại chỗ này là gặp Phật liền.
Trong bài phú Cư Trần Lạc Đạo tức là Ở Trong Đời mà Vui Với Đạo của vua Trần Nhân Tông đã nói:
Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa.
Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt,
Đến cốc hay chỉn Bụt là ta.
Bụt hay Phật vốn ở ngay nơi ta, không phải nhọc nhằn tìm ở đâu khác. Bởi chúng ta quên gốc đuổi theo ngọn nên cứ đuổi tìm kiếm Bụt ở bên ngoài. Nào ngờ, khi đạt đến tỏ ngộ mới tỉnh ra, chính Bụt ở trong tâm giác ngộ của mình đây thôi. Bao nhiêu công phu chạy tìm liền buông xuống nhẹ nhàng.
Như vậy, thường lễ Phật là nhắc nhở mình cũng phải có chút ít giác ngộ mới xứng đáng là Phật tử, tức là con bậc giác ngộ. Đây là một Chân lý sáng ngời đâu có gì mập mờ, che đậy. Ngài Phó Đại Sĩ hiện thân của Bồ Tát Di Lặc có bài kệ:
Âm:
(Dạ dạ bão Phật miên.
Triêu triêu hoàn cộng khởi,
Khởi tọa trấn tương tùy,
Ngữ mặc đồng cư chỉ
Ti hào bất tương ly,
Như hình ảnh tương tự
Dục thức Phật tứ xứ,
Chỉ giá ngữ thinh thị.)
Dịch:
Đêm đêm ôm Phật ngủ
Sáng sáng cùng Phật dậy,
Ngồi đứng cùng theo nhau,
Nói nín cùng chung ở,
Chẳng mảy may tạm rời,
Giống hệt hình với bóng.
Muốn biết chỗ Phật đi,
Chính cái nói năng đó.
Đại Sĩ nhắc nhở người ngày ngày đều cùng sống chung với Phật không lúc nào tạm rời, giống hệt hình với bóng, vậy mà đành ôm cái mê để chịu lang thang trong bụi trần, có tự đáng thương chăng ? Nếu khéo chính chắn soi trở lại, chính ngay chỗ đang nói năng, đối đáp qua lại đây, liền gặp Phật ngay trong đó, nào có xa đâu!
Mừng thay, tất cả người người đều sẽ là những vị Phật tương lai!
Các bài mới
- Hãy ngu đi - 24/03/2019
- Cửa thiền hé mở - 14/03/2019
- Bài học giác ngộ - 12/01/2019
- Yếu chỉ minh tâm - 02/01/2019
- Tự thắng mình là trên hết - 26/10/2018
Các bài đã đăng
- Tam Vô của Lục Tổ - 14/08/2018
- Ai cũng có một tâm Phật - 27/06/2018
- Chớ tin tâm mình - 14/06/2018
- Coi chừng bị gạt - 12/05/2018
- Tâm thiền - 08/05/2018
Pháp Thoại
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 26411
- Online: 31