Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 2)
24/08/2017 | Lượt xem: 3414
TT.Thích Thông Phương dịch và thuyết giảng
CHÁNH VĂN
“Xét bởi nghiệp trói buộc mà thọ lấy thân, tránh sao khỏi khổ lụy về hình hài”.
Mở đầu, Tổ Quy Sơn phá ngay cái chấp ngã về thân, tức là chỉ rõ nguyên nhân đưa đến thọ lấy thân này. Khi hiểu rõ rồi chúng ta trừ cái ngã chấp về thân, không còn tham luyến thân, được như vậy mới một bề thẳng tiến trên đường xuất gia.
Nghĩa là nguyên nhân đưa đến thọ lấy thân này là do nghiệp. Nghiệp thì có hoặc lành hoặc dữ, hoặc là vô ký. Vô ký tức là bình thường, không lành không dữ. Mà hễ có tạo nghiệp tức là còn đi trong sanh tử luân hồi. Chính vì tạo ra nghiệp rồi bị nó trói trở lại, từ đó nó dẫn đi thọ lấy thân. Hoặc là thân trời, thân người, thân địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh v.v…, cũng đều tùy theo nghiệp mà có sai khác. Chính vì nghiệp sai khác nên thân có sai khác.
Cho nên, hễ còn có nghiệp là còn có sanh, là còn đi trong sanh tử luân hồi, bảo đảm là không tránh khỏi, không có con đường nào khác. Phải nắm vững điều đó.
Chúng ta tu muốn giải thoát thì phải dừng nghiệp. Dừng tay tạo nghiệp thì mới giải thoát. Còn tạo nghiệp tức là còn sanh tử. Nói rõ hơn, chúng ta tu nghiệp vô lậu tức là nghiệp giải thoát, thì không tạo nghiệp sanh tử nữa. Nên nhà thiền thường nói “tùy duyên tiêu nghiệp cũ”, chứ không tạo thêm nghiệp mới.
Tùy duyên là bởi vì chúng ta còn lỡ mang thân này nên phải tùy duyên với nó để sống. Nhưng sống là để cởi mở dần dần, để tiêu mòn những nghiệp cũ mà không tạo thêm nghiệp mới. Đó là con đường giải thoát.
Nhưng người tu chúng ta ngày nay khi kiểm lại thì vẫn còn tạo thêm nghiệp mới, nhiều khi nghiệp cũ chưa hết mà cứ lo tạo nghiệp mới nữa, thành ra tu hoài mà chưa thấy giải thoát. Cho nên nhiều vị có khi tu một thời gian rồi cũng hơi chán, sao tu hoài mà không thấy giải thoát lại chỉ thấy phiền não, là vì không nắm vững được nghĩa này.
Người đời tập theo những thói quen thế gian như đi chơi, rồi xem cải lương, ti-vi, tiểu thuyết, kiếm hiệp v.v…, thì vào trong đạo đáng lẽ là chúng ta phải dừng không gợi lại, không tô đậm trở lại. Nhưng có người lâu lâu cũng muốn mở ti vi xem vài bộ kiếm hiệp, rồi đọc vài bộ tiểu thuyết. Để chi? Để tạo thêm nghiệp mới, để tô đậm lại những tập khí cũ. Giống như viết chữ cứ tô đậm, thành ra khi ngồi thiền thì những hình ảnh đó nó khởi lên. Vì thế cái cũ chưa hết mà cái mới lại cứ thêm vào nên ngồi thiền không yên. Nếu như lâu lâu cứ gợi lại, mà tập khí cũ của chúng ta đã huân tập sâu dầy nhiều đời, cứ gợi hoài thì tức nhiên nó phải nhớ hoài thôi.
Trái lại, biết những cái đó là những cái khiến tâm suy nghĩ theo duyên, theo sanh tử cho nên mình phải dừng nó để lo tu giới, định, tuệ, để cho tâm mình một bề hướng đi trên con đường giải thoát, như vậy ngồi thiền mới yên.
Như đã nói, đó là những tập khí sanh tử, vì huân tập nhiều đời thành ra thói quen, hễ gợi lại tới đâu là nhớ tới đó là dễ nhiễm. Còn nghiệp vô lậu hay nghiệp giải thoát giờ mới huân tập nên còn rất mới. Giống như bài học thuộc lòng mới bắt đầu nên hễ đọc câu trước là quên câu sau, quên tới quên lui nghiệp vô lậu này.
Chúng ta phải thường xuyên quán chiếu tu tập để huân sâu nghiệp vô lậu mà tiêu mòn những tập khí cũ.
Đừng để vào chùa tu, hôm nay thì buồn người này, mai kết oán với người kia, thử nghĩ có tạo thêm nghiệp mới chăng? Nếu vậy bảo đảm là không giải thoát được rồi. Vì buồn, oán đó là mình kết cái nghiệp để đời sau sanh ra sẽ gặp nhau trong ân oán nữa. Vì đời nay kết ân, kết oán tức nhiên là đời sau sanh ra gặp nhau trong cái ân oán. Vậy có tốt gì đâu? Chỉ là làm trở ngại thêm cho đường tu tập của chính mình.
Biết vậy rồi thì phải dừng nghiệp, cố gắng làm sao để cuộc sống cởi mở, không để kết oán thân, gọi là kết nghiệp. Bởi vì buồn, oán không ưa với nhau tức là đời sau sanh ra sẽ tìm lại trong cách không ưa. Còn thân thiết thì gặp nhau trong cái luyến ái, đều là kết nghiệp hết. Cho nên mỗi người cần phải biết để giải trừ, đó là con đường giải thoát của mình.
Kế nữa, hoặc chứa chấp của cải, tạo sự nghiệp riêng. Tu rồi mà cứ chứa chấp của cải để tạo sự nghiệp, nhà cửa riêng, thì có tạo nghiệp mới không? Mới đi tu thì sẵn sàng xả hết, nhưng vào chùa ít lâu có khi lại tạo nghiệp trở lại, bắt đầu nắm lại, thu lại từ từ. Đó cũng là tạo nghiệp mới, tạo cái nhân để kéo dài thêm trong sanh tử.
Đây Ngài nói thẳng để chúng ta thấy rõ cái nhân thọ lấy thân này, đó là nghiệp. Mà nghiệp là cái gì? Tức là những hành động tạo tác của thân và tâm hay gọi là thân, khẩu, ý của chúng ta. Từ ba chỗ thân, khẩu, ý phát ra nhưng mà ý là chủ động. Cho nên có khi cái thân làm, miệng nói nhưng không có quyết tâm, không cố ý thì nghiệp còn nhẹ, mà có cộng với tác ý thì nghiệp thành nặng, gọi là định nghiệp.
Liên hệ đến quả báo của nghiệp thì có cộng nghiệp, biệt nghiệp, định nghiệp và bất định nghiệp.
“Cộng nghiệp” là những nghiệp chung với nhau. Thí dụ như chúng ta cùng tu ở chung trong một thiền viện, đó là “cộng nghiệp”. Nhưng trong cộng nghiệp thì mỗi người có cái biệt nghiệp, nên tuy cùng vào chùa mà mỗi người có nếp sống riêng, có những tập khí riêng không giống nhau. Người tu dễ tiến, người tu chậm tiến, có người tu lâu lâu gặp chướng nạn, còn người thì lại thấy suôn sẻ hơn.
Hoặc có người nặng về tham ái, người nặng về sân hận, người nặng về si mê. Mỗi người đều có cái nghiệp riêng, đó là “biệt nghiệp”. Nhưng dù là cộng nghiệp hay biệt nghiệp thì người tu phải thấy rõ những nghiệp do mình huân tập không phải là cái của mình. Phải nhớ kỹ! Tức là những cái đó không phải thật là của mình, bản tâm thanh tịnh mới là cái của mình. Còn những nghiệp tập này là cái mà chúng ta đã huân tập sau này nên có sai biệt.
Khi hiểu vậy rồi thì trong huynh đệ dễ thông cảm với nhau. Khi thấy người này, người kia không giống ý mình thì biết là do nghiệp huân tập riêng. Nếu lúc xưa mình huân tập theo nghiệp sân nhiều, còn người kia huân tập theo nghiệp tham nhiều, thì hai người có cách sinh hoạt không giống nhau. Ngay trong đời này, mỗi gia đình giáo dục con cái theo cách riêng, cũng là có huân tập sai biệt rồi, biết như vậy thì chúng ta có sự thông cảm với nhau, không đòi hỏi ai cũng giống như mình.
Rồi “định nghiệp và bất định nghiệp”: “bất định nghiệp” tức là quả báo đến không nhất định, có khi mình tạo đời này nhưng đời sau đến, hoặc đời sau đời sau nữa mới đến. Rồi có khi do mình tạo nhân duyên mới nên quả có thể chuyển nên gọi là bất định. Còn “định nghiệp” tạo rồi thì quyết định là đời sau phải lãnh quả báo. Nhưng cũng có chuyển nặng thành nhẹ, chính vì vậy nên mới có tu tập.
Như tất cả mọi người đều có tạo nghiệp sanh tử này hết. Nhưng chính nghiệp sanh tử cũng không cố định cho nên chúng ta mới có thể tu để giải thoát. Nếu như nghiệp sanh tử mà cố định thì mình hết tu. Vì tu thì cũng không giải quyết gì được nữa. Còn đây mình có thể tu để dứt nghiệp sanh tử, giải thoát luân hồi. Chính đó là con đường mà chúng ta đang thực hành.
Nghiệp còn chia ra thành nhiều thứ như có “tích lũy nghiệp” và “cận tử nghiệp”.
“Tích lũy nghiệp” tức là những nghiệp mình chứa chấp, huân tập mạnh về một chiều. Phật dạy tạo tích lũy nghiệp mạnh theo chiều nào, cũng giống như cây nghiêng theo chiều nào thì khi cưa nó ngã đổ theo chiều đó. Tích lũy nghiệp của mình cũng vậy. Tạo tích lũy nghiệp mạnh theo chiều nào thì khi chết mình sẽ đi theo chiều đó. Nếu tạo tích lũy nghiệp mạnh về giải thoát thì khi chết dù chưa hoàn toàn giải thoát nhưng đời sau sanh ra nhớ lại sớm.
Còn “cận tử nghiệp” tức là nghiệp của người sắp chết. Thí dụ như người bình thường tạo nhiều tích lũy nghiệp thiện, đến khi gần chết, do nhân duyên với tập khí cũ sao đó thì nó lại khởi niệm sân hận, mà sân hận mạnh quá thì nó lại dẫn đi sai một chút. Đời sau sanh ra thời gian đầu bị ảnh hưởng cận tử nghiệp này nên không tốt, nhưng nếu nghiệp tích lũy mạnh, khởi lên thì sẽ chuyển. Cho nên, khoảng đầu cuộc đời của người ấy không tốt nhưng sau thì tốt. Chúng ta phải hiểu kỹ về nghiệp để biết mà ngăn ngừa.
Như vậy, người tu chúng ta phải khéo để chuyển nghiệp và dừng nghiệp mà đi đúng con đường giải thoát. Trong nhà Phật nói do nhân duyên là nghiệp đưa đến nên có thân này chứ không phải ai đem đến cho mình, cũng không phải ngẫu nhiên. Mà nghiệp là do mình tạo thì thọ thân tốt hay xấu thế nào cũng là trách nhiệm của mình, chứ không nên trách ai. Hiểu vậy, chúng ta sẽ có sức mạnh để can đảm nhận lấy trách nhiệm, chớ không phải buồn trách, than thở, đổ thừa cái này cái kia.
Và đã thọ thân thì phải chịu những cái khổ lụy về hình hài, thể xác nên nói “Xét bởi nghiệp trói buộc mà thọ lấy thân, tránh sao khỏi khổ lụy về hình hài”. Nghĩa là có sanh, già, bệnh, chết, rồi có đói khát, nóng lạnh, thời tiết bức bách v.v… những cái khổ luôn kèm theo thân này. Và nếu không có thân này thì đâu có khổ như đói khát, nóng lạnh…
Chúng sanh vì mê lầm nên mới tham đắm thân mình, đâu biết khi mang lấy thân này là mang lấy một đống khổ theo sau chứ có vui gì! Dưới con mắt của bậc giác ngộ thì rõ như thế nên các Ngài không tham luyến thân là vậy. Khi kiểm lại sẽ thấy rõ.
Mang lấy hình hài, thể xác này là mất tự do; muốn gì cũng không được như ý, phải lệ thuộc vào nó. Muốn khỏe mà nó không khỏe, nó nóng mà muốn nó mát cũng không được, luôn phải lệ thuộc vào nó, là cả một gánh nặng. Bởi vậy có thọ thân là có mang những cái khổ về thân.
Một Thiền sư Thái Lan nói rõ:
- Bộ ở trong bụng người ta sướng lắm hay sao? Thật chẳng thoải mái chút nào! Thử nghĩ xem chỉ cần mình sống trong một căn chòi nhỏ một ngày thôi thì đủ khó chịu đến đâu rồi.
Thiền sư khuyên mọi người hãy nghĩ đến tình trạng cả ngày phải sống trong một cái chòi nhỏ bít bùng, rất là khó chịu, huống chi phải ở trong bào thai thời gian dài thì đâu có sung sướng gì!
- Khi đóng hết các cửa phòng lại là bạn đã nếm mùi đau khổ.
Ở trong một cái phòng nhỏ, đóng hết mấy cửa phòng lại, bít bùng không gió là rất khổ, không hề thoải mái.
- Chao ôi! Vậy mà ở trong bụng người ta đến chín tháng, thì bạn còn muốn sanh ra lần nữa hay sao?
Cho nên các vị A-la-hán không muốn sanh trở lại là vậy đó. Thấy chán sự sanh tử rồi.
Còn chúng ta khi học kinh, nghe lời của Phật, Tổ dạy thì cũng hơi chán, nhưng khi vào cuộc sống thì cũng như cũ. Vì vậy mà chúng ta phải có sự quán chiếu thường xuyên, miên mật, kỹ lưỡng để có sức cảm thật sâu trong lòng của mình, thì mới có sự chán mạnh là muốn thoát ly sanh tử. Lúc đó mới là dốc chí quyết tu, chỉ còn muốn thoát ra mà không cần ai nhắc.
Đây Ngài chỉ nói cái khổ lúc thọ thai và ở trong thai. Rồi khi sanh ra thì bao nhiêu cái khổ chồng lên tấm thân. Nên nhà Phật nói có bốn khổ, tám khổ, một trăm lẻ tám thứ khổ v.v… những cái khổ đó chồng hết lên thân người!!!
Trong kinh Di Giáo, Phật nói ở phần cuối:
- Đây là cái sắc thân nên bỏ, là vật tội ác tạm gọi là thân, chìm trong biển sanh, già, bệnh, chết. Đâu có người trí nào khi trừ diệt được nó giống như là trừ giết được giặc thù mà chẳng vui mừng!
Phật dạy là người trí thấy biết như vậy rồi thì khi bỏ thân cũng giống như là diệt được kẻ oán thù thì nhẹ nhàng, vui mừng thôi, đâu có buồn khổ gì! Nhưng người mê đó vì bám chấp vào thân nên rồi mang lấy khổ não. Như các bậc A-la-hán khi bỏ thân là thấy nhẹ nhàng, cởi mở. Đó là nói cho mình thấy rõ để không lầm chấp cái thân này, không có tham luyến trở lại nữa. Khi chúng ta đi xuất gia tu hành là đi thẳng một đường, chứ không ngó lại.
“Di thể nhận từ nơi cha mẹ, mượn các duyên chung lại mà thành”.
Đây nói rõ: Khi thọ lấy thân này nhưng thân này cũng không phải của mình, chỉ nên gọi là di thể nhận từ nơi cha mẹ, tức là từ một phần của cha mẹ.
Ban đầu từ tinh cha huyết mẹ, rồi ở trong bụng mẹ một thời gian khi mẹ ăn uống gì đó cũng bồi bổ vào thai, nên một phần là của người mẹ; không phải nguyên vẹn là của mình từ đầu tới cuối; nếu thật sự là của mình, thì không phải lệ thuộc gì hết. Do điên đảo mà con người thấy là của mình, thật sự thân này không phải là của mình, một phần của cha mẹ, lấy của cha mẹ mà đi ra thôi.
Ngay đó đã cho thấy rõ sự thật vô ngã của thân này. Nó không phải là mình, không phải là của mình, rõ ràng như vậy. Nhưng nhiều người vẫn còn chưa tỉnh, vẫn chấp là ta, là của ta để thành khổ. Chúng ta học rồi quán kỹ, thấy rõ lẽ thật của nó là vay mượn một phần từ nơi cha mẹ.
Rồi sau đó mượn thêm các duyên bên ngoài mới thành được cái thân như hôm nay ngồi đây. Tức là mượn từ nơi cha mẹ một phần, rồi phải mượn các duyên đất, nước, gió, lửa bên ngoài bồi thêm, nên giờ mới được mấy chục ký như vầy. Bởi vì ban đầu đâu có ký lô nào chỉ có chấm nhỏ thôi, giờ được mấy chục ký này là mượn những cái bên ngoài đem vào thì sao gọi là của mình được?
Quán kỹ rồi chúng ta thấy rõ lẽ thật của thân để bớt chấp ngã về thân. Như vậy thân này có ra là từ đâu có? Thân này không phải là một cái ta duy nhất nào hết, mà là các duyên chung hợp lại, cho nên có là có từ duyên, không phải là một cái thể duy nhất. Phật nói vô ngã là vậy.
Thân này còn tồn tại ở đây thì cũng là tồn tại trong các duyên mà thôi, thiếu duyên là nó hết tồn tại, nó chia lìa rồi hoại, chớ không có cái ta nào trong đó. Lẽ thật của thân là như vậy.
Thấy đúng như vậy thì chúng ta sẽ cởi mở rất nhiều phiền não, chấp trước. Vừa vào đầu Ngài dạy chúng ta thật kỹ là cần phải quán chỗ này để buông xả cái ta hay cái chấp ngã này.
“Dù là bốn đại giữ gìn, nhưng vẫn luôn chống trái nhau”.
Mặc dù nó nhờ bốn đại bên trong, rồi hợp với bốn đại bên ngoài phụ giúp mà tạm tồn tại trong một thời gian, nhưng ngay khi nó tồn tại đây, thì bốn đại cũng lại thường chống trái nhau, không hề an ổn. Tức là đất trái với nước, nước trái với lửa, lửa trái với gió. Bản chất của bốn đại là thường nghịch với nhau nên bốn thứ trong thân luôn chống trái nhau. Vì vậy mà phải khéo điều hòa thì nó được tạm an ổn, mất điều hòa thì nó lại bất an, tức là sanh bệnh.
Để thấy rõ là chúng ta sống ở đây là sống trên sự luôn luôn bất an, chớ có vui gì! Chỉ vì con người mê lầm mà tham đắm vậy thôi. Bằng trí tuệ giác ngộ, thấy rõ lẽ thật này giúp chúng ta cởi mở những tình chấp về thân.
Đâu phải Phật, Tổ dạy chúng ta như vậy rồi bắt phải nghe theo, không phải vậy. Phật, Tổ dạy vậy nhưng chúng ta phải quán chiếu, và khi đã thấy bằng chính nhận định, bằng chính trí tuệ của mình thì chúng ta sẽ tự cởi mở tình chấp của mình, là tự chứng nghiệm chân thật lời Phật dạy.
Trong kinh Đại Niết-bàn, Phật có dạy một ví dụ về cái rương đựng bốn con rắn độc thì đây giống như thí dụ đó. Hằng ngày, thân này giống như cái rương đựng bốn con rắn độc đất, nước, gió, lửa. Vì bốn con rắn độc ở cùng chung một cái rương nên nó cắn lộn nhau hoài, phải khéo điều hòa bốn con rắn độc cho nó tạm yên. Đó gọi là tạm sống hạnh phúc.
Còn nếu nó chống trái bất thường, con nào mạnh hơn thì gây bất an liền. Thấy rõ điều đó rồi và có nhận định sáng suốt, chúng ta bớt dính mắc hoặc tham luyến về thân này, nhờ vậy mới yên tu hay thẳng tiến một đường xuất thế, giải thoát. Cho nên Tổ Quy Sơn dạy tu rất căn bản, mới vào đầu đã chỉ ra lẽ thật đó để chúng ta thấy rõ mà không phải luyến tiếc ngó lại.
Các bài mới
- Quy Sơn cảnh sách dịch giảng (Phần 1) - 21/08/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 10) - 29/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 9) - 25/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 8) - 20/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 7) - 11/06/2017
Các bài đã đăng
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 6) - 06/06/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 5) - 30/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 4) - 29/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận (Phần 3) - 21/05/2017
- Chứng đạo ca giảng luận ( Phần 2) - 19/04/2017
Kinh - Luật - Luận
Video giới thiệu
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- 10
- 11
- 12
- 13
- 14
- 15
- 16
- 17
- 18
- 19
- 20
- 21
- 22
- 23
- 24
- 25
- 26
- 27
- 28
- 29
- 30
- 31
- 32
- 33
- 34
- 35
Tìm kiếm
Tin mới
Đọc nhiều
Ảnh đẹp
Lịch
Thống kê truy cập
- Lượt truy cập: 23665
- Online: 19